Khả Năng Tự Chữa Trị

Khả Năng Tự Chữa Trị

Price:

Read more

Gia Đình Chánh Niệm by Vô Ngã

Khả Năng Tự Chữa Trị

Trích từ quyển “Hơi thở nuôi dưỡng và trị liệu”

của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh



Khoảng mười lăm năm trước tôi có gặp một chàng thanh niên tại thành phố Montréal, Canada. Anh ta đã cho tôi biết là anh đang bị bệnh ung thư rất nghiêm trọng và sẽ không sống được bao lâu nữa. Sau khi chẩn đoán bệnh tình, bác sĩ cho biết là anh chỉ có thể sống thêm được ba tuần lễ nữa thôi hoặc có thể ít hơn.

Hôm đó tôi ngồi ăn sáng bên cạnh anh ấy. Tôi đã ăn sáng thật chánh niệm và trong khi ăn, tôi không suy nghĩ gì về phương cách giúp anh ấy cả. Sau khi ăn xong, tôi quay sang và chia sẻ với anh ấy về nghệ thuật sống an lạc và hạnh phúc trong giây phút hiện tại theo giáo pháp Hiện pháp lạc trú. Tôi đã nói với anh ấy rằng: “Cho dù anh chỉ còn có khoảng ba tuần nữa để sống, nhưng anh vẫn có thể sống sâu sắc trong từng giây từng phút của đời sống còn lại của mình.”

Tôi có nói với anh ấy rằng có những người sống tới sáu mươi năm, bảy mươi năm hoặc tám mươi năm, nhưng họ không biết sống đời sống của họ một cách sâu sắc trong giây phút hiện tại, họ không có cơ hội để làm điều đó. Do đó bảy mươi năm hoặc tám mươi năm sống trong sự quên lãng, trong sự hưởng thụ, ăn chơi trác táng… thì chẳng có ý nghĩa gì cả.

Tôi có nói tiếp rằng: “Nếu anh biết sống sâu sắc mỗi giây phút của đời sống mình, thì ba tuần lễ là nhiều lắm.” Nghe tôi nói như thế, anh vô cùng vui sướng, xúc động. Tôi đã chia sẻ cho anh ấy các phương pháp thực tập hơi thở chánh niệm và thiền đi. Sau khi tiếp nhận những lời hướng dẫn, anh ấy đã thực tập rất miên mật, đã sống rất sâu sắc những ngày còn lại của đời sống mình; và mầu nhiệm thay, anh đã sống thêm được mười một năm. Anh đã tiếp nhận Ba Sự Quay Về (Tam Quy) và Năm Giới Quý Báu; tôi đã đặt pháp danh cho anh là Chân Sinh.

Theo lời Bụt dạy, nếu chúng ta có những đau nhức, những vết thương trong thân và tâm, mình có thể dùng hơi thở chánh niệm để ôm ấp và chăm sóc chúng. Có rất nhiều phương pháp tu tập có thể giúp mình thực tập chăm sóc những vết thương, những niềm đau trong thân tâm. Chúng ta phải cho phép thân và tâm mình cơ hội để được chữa trị.

Chúng ta biết rằng cơ thể và tâm thức mình có khả năng tự trị liệu rất mầu nhiệm, nhưng vì thiếu sự hiểu biết và kiên nhẫn nên mình không tạo cơ duyên thuận lợi cho khả năng tự trị liệu trong thân tâm mình. Chúng ta luôn luôn lo lắng, sợ hãi, bối rối khi bị những niềm đau, nỗi khổ trấn ngự và chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào thuốc men, nhất là thuốc Tây.

Khi ngón tay của mình bị thương, mình không cần phải làm gì nhiều; chỉ cần rửa cho sạch vết thương bằng thuốc sát trùng và để cho nó tự trị liệu lấy. Chỉ cần hai ba ngày sau là vết thương được chữa lành. Nếu quá bối rối, lo sợ và làm đủ điều để băng bó vết thương thì vết thương sẽ rất khó lành. Nhất là khi lo lắng quá độ.

Bụt đưa ra một ví dụ rất hay về một người bị trúng tên. Khi một người bị trúng tên, người đó rất đau nhức. Nếu liền sau đó có một mũi tên thứ hai lao đúng vào chỗ của mũi tên thứ nhất, thì cơn đau nhức không phải chỉ tăng lên gấp hai lần, mà nó tăng lên gấp mười lần hoặc nhiều hơn thế. Cũng vậy, nếu mình có một vết thương trong cơ thể và mình phóng đại nó ra do sự lo lắng và hoảng sợ thì vết thương sẽ trở nên trầm trọng hơn gấp trăm lần. Cách hay nhất là trở về nắm lấy hơi thở chánh niệm – thở vào và thở ra cho thật sâu sắc, dùng năng lượng chánh niệm để ôm ấp và làm cho niềm đau êm dịu trở lại, sau đó nhìn sâu để thấy bản chất của vết thương. Thở vào, mình thầm niệm: “A! đây chỉ là sự đau nhức của hình hài. Niềm đau nhức này có thể được chữa trị nếu mình cho nó cơ hội tự chữa.” Nếu cần, mình có thể tư vấn với bác sĩ để bác sĩ xác nhận cho mình là vết thương hay sự đau nhức không có gì đáng lo ngại.

Khi có một niềm đau nỗi khổ trong thân tâm, không nên hoảng sợ, bởi vì hoảng sợ là một tâm hành phát sinh từ vô minh. Lo lắng và hoảng sợ là những tâm hành trong năm mươi mốt loại tâm hành. Chúng thường làm cho tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Mình phải tin vào trí tuệ và khả năng tự trị liệu của cơ thể mình. Thân và tâm mình có tiềm năng tự chữa trị rất mầu nhiệm. Một niềm đau nho nhỏ trong cơ thể và trong tâm không thể hủy diệt mình được đâu.

Khi con thú bị thương, nó thường tìm một nơi thật yên vắng để dưỡng thương. Điều đó cho chúng ta thấy rằng trong cơ thể của con thú có tuệ giác. Con thú biết rằng đi tìm nơi yên vắng để nghỉ ngơi là giải pháp hay nhất. Trong khi bị thương, nó không màng làm gì hết, không cần ăn, không cần đi săn mồi; nó chỉ tìm một nơi yên vắng để dưỡng thương mà thôi. Sau vài ngày điều dưỡng, vết thương của nó được chữa lành hoàn toàn và nó bắt đầu sinh hoạt bình thường trở lại.

Ngày nay con người dường như đã đánh mất hoàn toàn niềm tin nơi khả năng tự chữa trị của thân tâm mình. Khi có niềm đau nhức trong thân hoặc trong tâm, ta rất hoảng sợ và tìm đủ mọi cách làm cái này làm cái nọ để quên đi niềm đau nhức ấy; ta uống hết thứ thuốc này đến thức thuốc khác để tống niềm đau ra khỏi thân tâm ta càng nhanh càng tốt. Ta lo lắng quá độ. Vì lo lắng quá độ nên ta không cho phép cơ thể ta cơ hội để nghỉ ngơi và tự điều trị. Ta không biết cách nghỉ ngơi, không biết cách thực tập buông thư. Hơi thở chánh niệm giúp ta học trở lại nghệ thuật buông thư, nghỉ ngơi. Hơi thở chánh niệm giống như người mẹ hiền đang ẵm đứa con yêu quý của mình vào vòng tay và nói: “Con ơi, mẹ đây con. Đừng sợ. Ngủ đi con. Yên giấc đi nào.”

Phép thực tập buông thư, nghỉ ngơi là liều thuốc hữu hiệu giúp ta đối trị với căn bệnh lớn của thời đại, đó là bệnh căng thẳng – stress. Nhiều người trong chúng ta chưa biết cách sử dụng những ngày nghỉ của mình một cách có lợi ích. Thường thường sau một dịp nghỉ hè, nghỉ lễ, người ta trở nên mệt mỏi hơn, căng thẳng hơn. Tôi mong rằng trong các buổi pháp đàm chúng ta có thể chia sẻ và đưa ra những phương cách cụ thể, hữu hiệu như làm thế nào để nghỉ ngơi cho có ích lợi. Trong khóa tu này, chúng ta sẽ có cơ hội thực tập pháp môn thiền buông thư.

Chúng ta phải tin vào khả năng tự trị liệu của thân tâm ta. Tiềm năng tự chữa là một thực tại, nhưng chúng ta đã đánh mất niềm tin ấy nơi tự thân. Ngược lại, ta dùng quá nhiều các chất dinh dưỡng, thuốc men và chính những thứ đó đôi khi lại tạo ra phản ứng phụ và trở thành nguy hại cho cơ thể ta.

Con thú biết rằng bốn hoặc năm ngày không ăn sẽ không nguy hại gì đến tính mạng của nó, ngược lại nhịn đói và nghỉ ngơi sẽ giúp cho vết thương của nó chóng lành hơn. Thế nhưng con người thời nay thì khác, họ rất sợ nhịn đói. Ta nghĩ rằng nếu không ăn gì thì cơ thể sẽ bị suy nhược và vì vậy vết thương của ta sẽ không có cơ hội để tự điều trị.

Điều này cần phải xét lại. Thời xưa, người ta thường nhịn đói vài ba tuần liên tiếp mà không hề gì. Đây là phương cách rất hay để điều trị những vùng đau nhức trong cơ thể và tâm thức ta. Ta phải tin vào sức mạnh của trí tuệ, tình thương và khả năng tự chữa trị trong ta. Những năng lượng đó là những năng lượng của Bụt, là cõi Tịnh Độ biểu hiện từ tâm, là Nước Chúa, là nơi nương tựa vững vàng nhất. Nếu mất niềm tin nơi khả năng tự chữa trị của thân tâm ta, nơi sự hiểu biết và thương yêu trong ta, tức là ta đánh mất gia tài quý báu ấy.

Đây không phải là vấn đề trừu tượng mà là một thực tại mầu nhiệm. Một thực tại ta có thể sờ mó, trân quý và nương tựa. Vậy thì thay vì hoảng sợ, tuyệt vọng, bất an, ta nên thực tập trở về với hơi thở chánh niệm và đặt hết niềm tin vào sức mạnh của khả năng tự chữa trị của thân tâm ta, của khả năng hiểu và thương trong ta. Đây là sự thực tập quay về nương tựa nơi hải đảo tự thân mà Bụt đã căn dặn chúng ta. Ngài khuyên bảo chúng ta hãy luôn luôn quay về nương tựa nơi hải đảo tự thân, mà đừng nương tựa vào bất cứ một pháp nào khác hoặc một ai khác. Đó là hải đảo của bình an, của niềm tự tin, của đức vững chãi, hiểu biết, thương yêu, thảnh thơi và giác ngộ của tự tâm. Hãy nương tựa nơi hải đảo của tự thân. Ta không cần phải chạy tìm ở bất kỳ một nơi nào khác. Hơi thở chánh niệm giúp ta trở về với hải đảo quý giá đó trong tự thân để có thể thực nghiệm được thực tại nhiệm mầu ấy nơi chính mình.

Mỗi khi gặp nguy hiểm hay bị lâm vào tình trạng khó khăn hoặc thấy mình bị cuốn hút vào một ý tưởng phiêu lưu nào đó, ta hãy lập tức nắm lấy hơi thở chánh niệm để trở về với hải đảo của chính mình.

Có bài thi kệ giúp ta thực tập rất hữu hiệu khi gặp những tình huống khó khăn. Và đây là bài kệ:

Quay về nương tựa

Hải đảo tự thân

Chánh niệm là Bụt

Soi sáng xa gần.

Hơi thở là Pháp

Bảo hộ thân tâm.

Năm Uẩn là Tăng

Phối hợp tinh cần.

Thở vào, thở ra

Là hoa tươi mát

Là núi vững vàng

Nước tĩnh lặng chiếu

Không gian thênh thang.

Trong khi đọc bài thi kệ này, ta có cơ hội trở về nương tựa nơi hải đảo an toàn của chánh niệm, thiết lập được trở lại chất liệu bình an và sự thanh thản ngay trong giây phút ấy. Làm được như thế, ta sẽ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng ngay lập tức.

 Nguồn: https://langmai.org/tang-kinh-cac/bai-viet/kha-nang-tu-chua-tri

Quay Về Mục Lục Gia Đình Chánh Niệm


0 Đánh giá

Ads Belove Post