Chương 2. Gia Đình - Con Cái - Tình Cảm

Chương 2. Gia Đình - Con Cái - Tình Cảm

Price:

Read more

Nhất Hạnh Tăng Thân by Vô Ngã

Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.


Hỏi Đáp Từ Trái Tim

Trả Lời Cho Những Câu Hỏi Khẩn Thiết Trong Đời Sống

Chương 2. Gia Đình - Con Cái - Tình Cảm











Nghe hoặc Tải MP3 Tác Phẩm 'Hỏi Đáp Từ Trái Tim' ê

18. Để cho gia đình được bình an

Câu hỏi: Làm sao để bảo đảm cho gia đình được bình an trong khi thế giới bên ngoài đang có nhiều biến động và thiếu bình an?

Mỗi gia đình nên thiết lập một căn phòng mà ta có thể gọi là phòng thở hay phòng thiền, hay là ốc đảo bình an. Nếu nhà không có nhiều không gian hoặc không có phòng riêng thì chỉ cần một góc nhỏ cũng có thể biến thành một ốc đảo bình an.

Khi một ai trong gia đình cảm thấy bất an hay thiếu vững chãi thì có thể tìm đến ẩn náu nơi ốc đảo bình an ấy. Không cần phải là một nơi thật rộng rãi, bày biện bàn ghế rườm rà, chỉ cần vài tọa cụ, một cái chuông nhỏ và một bình hoa tượng trưng cho sự tươi mát, vẻ đẹp và hy vọng.

Bất cứ ai, kể cả các em nhỏ, khi nào cảm thấy tức giận hay bức xúc cũng có quyền tìm đến ẩn náu ở nơi đó. Bất cứ nhà nào, nếu gọi là văn minh, thì phải có một căn phòng như thế. Đó là lãnh địa của bình an, một nơi để trở về nương tựa “hải đảo tự thân”.

Ngay khi “ốc đảo” đó được thiết trí thì bản thân ta và những người khác trong nhà bắt đầu được thừa hưởng lợi lạc. Bước vào căn phòng ấy ta sẽ có cảm giác bình an trong tâm. Khi cha mẹ cãi nhau, con cái sẽ đau khổ. Nếu mình là con thì mình có thể tránh mặt, đi vào phòng thở, thỉnh lên một tiếng chuông và thực tập thở trong chánh niệm.

Ta tìm về nương tựa nơi không gian bình an của căn phòng. Nếu ta thực tập được như thế thì sẽ giúp cha mẹ dừng lại khi nghe tiếng chuông và nhận ra rằng mình không nên làm cho con mình đau khổ. Cho nên một người có thực tập cũng có thể giúp được cho những người khác trong nhà.

Khi giận nhau thì một trong hai người có thể vào phòng thở, thực tập hơi thở chánh niệm và nghe chuông để được lắng dịu. Thực tập như thế thì bố mẹ, vợ chồng, con cái sẽ tạo được cảm hứng cho nhau. Mỗi buổi sáng cả nhà nên cùng nhau vào phòng thở, ngồi với nhau vài phút, nhận diện sự có mặt của nhau trong chánh niệm, chúc nhau một ngày mới an lành và hạnh phúc.

Bắt đầu một ngày mới với vài phút thư giãn, nhìn nhau, trân quý nhau, làm được như thế là rất quý. Trước khi đi ngủ, cả nhà nên vào phòng cùng ngồi nghe chuông và cùng thở với nhau. Mỗi khi cần lắng nghe nhau thì phòng thiền là nơi để cùng ngồi lại với nhau trong chánh niệm, lắng nghe sâu sắc niềm đau, nỗi khổ của nhau. Khi một đứa con đã vào trú ẩn trong phòng thiền thì cha mẹ không nên tiếp tục la mắng nó nữa. Vào phòng thiền là coi như có đặc quyền bất khả xâm phạm, không ai có thể quấy rối gì mình nữa.

19. Dạy con chánh niệm, từ bi

Dạy con như thế nào để chúng sống chánh niệm hơn, từ bi hơn?

Nếu cha mẹ thực tập chánh niệm và từ bi trong đời sống hàng ngày thì các con đương nhiên sẽ sống theo gương cha mẹ. Không thể bắt con cái làm một điều gì mà chính mình không làm được. Khi tôi đi trong chánh niệm, thở trong chánh niệm thì các đệ tử của tôi sẽ theo gương tôi mà đi trong chánh niệm, thở trong chánh niệm. Đôi khi cũng cần nhắc nhở con cái một cách nhẹ nhàng, nhưng trẻ em theo gương người lớn là chuyện tự nhiên. Thỉnh thoảng cha mẹ cũng nên bàn luận với con cái về chánh niệm và từ bi, khuyến khích con cái thực tập chánh niệm và từ bi.

Bằng ái ngữ, ta có thể tưới tẩm những hạt giống chánh niệm và từ bi trong con cái và ta phải làm gương cho chúng. Ta không cần la mắng hay trừng phạt. Chỉ cần sử dụng ái ngữ và tự mình thực tập thì con cái sẽ thấy và làm theo.

20. Hay lo âu và dễ tức giận

 Con gái vừa mới lớn của tôi hay lo âu và dễ tức giận. Tôi phải làm gì để giúp con lắng dịu cảm xúc?

Nhiều người trẻ không có khả năng xử lý cảm xúc của mình mà lại hay đau khổ. Nếu cha mẹ muốn giúp thì nên dạy cho con biết rằng cảm xúc cũng giống như một cơn lốc. Cơn lốc thổi đến, cơn lốc ở lại một lúc rồi cơn lốc sẽ qua đi. Nếu chúng ta biết xử lý một cách tốt đẹp nhất trong những lúc đó thì chúng ta có thể vượt qua cơn lốc của cảm xúc một cách dễ dàng.

Sự thực tập thở sâu bằng bụng có thể giúp xử lý được cảm xúc mạnh. Dạy cho con thực tập như thế không khó. Khi thấy con đang trong lúc khủng hoảng ta hãy cùng ngồi xuống với con và nói:

“Con hãy nắm lấy tay ba, thực tập thở với ba, con thở vào đi, phình bụng lên.”

“Con có thấy bụng của con phồng lên không? Bây giờ con thở ra, con có thấy bụng của con xẹp xuống không? Nào hãy làm lại: Vào, ra, phồng, xẹp.”

Chỉ trong vòng vài phút cháu sẽ cảm thấy thư thái hơn, nhẹ nhàng hơn nhờ sự bao bọc của năng lượng chánh niệm và sự vững chãi của ta. Sau đó thì con có thể tự làm một mình. Sự thực tập này không có gì khó. Những em bé hay những thiếu niên đều có thể làm được.

Tuy nhiên, không nên đợi đến khi bão tố ập tới ta mới bắt đầu thực tập. Phải bắt đầu thực tập ngay. Nếu ta cùng con thực tập trong hai hay ba tuần lễ, mỗi ngày năm hay mười phút thì việc thở sâu bằng bụng sẽ trở thành thói quen tự nhiên. Và sau đó mỗi khi có cảm xúc mạnh sắp trỗi dậy thì cháu tự biết phải làm gì. Cháu sẽ thấy rằng cháu cũng có thể tự vượt qua được những cảm xúc mạnh.

21. Bất hòa giữa cha mẹ và con cái

Tôi và con trai gần hai mươi tuổi cãi nhau hoài. Làm thế nào để chấm dứt tình trạng đó?

Việc trước tiên ta có thể làm là phải nhìn lại mình để xem ta có đủ bình tĩnh để giúp con mỗi khi ta đối diện với nó hay không? Rắc rối có thể không chỉ đến từ đứa con mà còn từ cha mẹ. Nếu cha mẹ sống không hòa thuận thì có thể gây nên cảm xúc tiêu cực nơi đứa con, nhất là khi người con đã có những hạt giống tiêu cực được gieo trồng từ trước.

Trong quá khứ có thể đã có lúc ta cau có, bực mình la mắng và đã gieo những hạt giống tiêu cực đó vào tâm thức con ta. Vì vậy, ta phải học cách giải tỏa tình trạng đó ngay bây giờ. Yêu thương, bình tĩnh và lắng nghe có thể xoa dịu được khổ đau trong lòng con trẻ đi rất nhiều. Nếu ta có thể khuyến khích con nói ra những khó khăn của mình và lắng nghe một cách sâu sắc với tình thương yêu thì những năng lượng đã làm con đau khổ trong quá khứ sẽ được tiêu trừ. Nếu có tình thương yêu, có năng lượng bình an thì mặc dầu không nói gì cả, ta cũng có ảnh hưởng tốt đến con và con ta sẽ cảm thấy dễ chịu khi ngồi cạnh ta.

22. Đi làm vẫn nuôi dạy con tốt

Có nhiều người cho rằng những người mẹ vì phải đi làm nên không thể săn sóc con cái một cách chu đáo. Nhưng cũng có những người mẹ tuy ở nhà mà vẫn không để ý gì đến con cái thì sao? Làm sao để chúng tôi vừa có thể nuôi dạy con tốt vừa làm những việc đòi hỏi sự chú tâm?

Chúng ta có thể vừa đi làm vừa nuôi dạy con. Nếu biết cách sắp xếp để chăm sóc thương yêu con cái đủ thì ta vẫn có thể đi làm được chứ. Chăm sóc là yếu tố rất quan trọng cho sự truyền thông và hiểu biết. Chăm sóc đưa đến thương yêu, thương yêu đưa đến hiểu biết và càng hiểu biết thì càng thương yêu.

Nhiều bậc cha mẹ cần phải đi làm vì sinh kế. Nhiều người khác đi làm vì có niềm vui trong công việc. Nhưng ở nhà để chăm sóc con cái, nhà cửa, tạo không gian tươi mát và lành mạnh cho những người khác trong gia đình cũng là một việc làm rất quan trọng.

Không nên căn cứ vào mức lương hay công việc để đánh giá giá trị của bản thân. Phải học cách hành xử như thế nào để luôn thể hiện được sự vững chãi, tự tin, tin tưởng, và vui tươi. Nếu cha mẹ ở nhà, không đi làm mà không tạo được không khí bình an, tươi mát trong gia đình thì ở nhà đâu phải là một điều hay. Trong khi đó cha mẹ đi làm mà khi về nhà vẫn dễ thương và vui vẻ đó là nhờ biết cách tu dưỡng mình. Phẩm chất hành động của ta tùy thuộc rất nhiều vào phẩm chất của cái thấy “không hành động”, phẩm chất của tự thân.

23. Tuổi thơ bị bạo hành

Tôi từng bị cha mẹ tôi đánh đập, hành hạ. Cho tới bây giờ tôi vẫn còn giận họ. Làm sao để tránh trao truyền tâm sân hận đó cho các con tôi?

Nếu ta là nạn nhân của một tuổi thơ bị bạo hành thì hãy nên quán chiếu để thấy rằng cha mẹ ta đã không có cơ may gặp đạo, gặp Thầy hay gặp thiện tri thức. Cha mẹ ta có thể đã lớn lên trong một môi trường mà những hạt giống của bạo hành trong họ bị tưới tẩm. Nếu cha mẹ được lớn lên trong một môi trường lành mạnh hơn thì họ đã không đối xử với ta như thế. Điều này đúng đối với tất cả mọi người. Khi cha mẹ ta đã trao truyền những hạt giống tiêu cực sang cho ta thì ta phải quyết tâm tu tập để không lặp lại những lỗi lầm đó của họ, không những ta không bạo hành với con cái mình mà còn giúp bảo vệ trẻ em nữa. Và với quyết tâm như thế ta có thể chữa trị và chuyển hóa đau khổ của ta, kể cả những đau khổ do bị cha mẹ bạo hành từ quá khứ.

Học nhìn bằng con mắt từ bi là một thực tập rất quý, rất mầu nhiệm. Nếu ta biết cách nhìn người khác bằng con mắt từ bi thì ta sẽ không còn đau khổ và sẽ làm cho những người khác cảm thấy thoải mái hơn. Đó là một lý do tuyệt vời để thực tập.

Bài thi kệ đầu tiên trong cuốn sách Bước tới thảnh thơi, sách thực tập của Sa di là: “Thức dậy miệng mỉm cười, hai mươi bốn giờ tinh khôi, xin nguyện sống trọn vẹn, mắt thương nhìn cuộc đời.” Bắt đầu một ngày mới với phát nguyện nhìn mọi người bằng con mắt từ bi là một lối sống rất đẹp.

Tâm từ bi phát xuất từ sự hiểu biết. Khi đã biết hoàn cảnh của ai rồi thì ta sẽ nhận ra rằng người ấy chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh. Biết như thế ta không còn chê trách, phê phán hay buộc tội nữa. Người ấy không đáng bị trừng phạt. Người ấy cần được giúp đỡ. Ngay khi nhận ra được điều này ta sẽ không còn đau khổ nữa. Ta không đối xử với con ta như cha ta đã đối xử với ta. Đây là một sự chuyển hóa tuyệt vời.

24. Tuổi thơ đau buồn

Làm thế nào để những ai từng có tuổi thơ đau buồn quên được khổ đau và tìm lại niềm tin nơi người khác?

Nhiều người trong chúng ta có một em bé bị tổn thương ở trong lòng. Lúc nhỏ ta đã bị thương tích cho nên ta khó có thể tin tưởng và thương yêu, cũng như khó tiếp nhận được tình thương yêu. Vì quá bận rộn nên ta không có thời giờ để trở về với em bé thương tích trong ta và để chữa trị. Ta e ngại trở về để đối diện với em bé thương tích trong ta. Niềm đau nỗi khổ trong ta quá lớn nên ta có khuynh hướng trốn chạy. Nhưng thực tập chánh niệm là trở về để chăm sóc em bé thương tích trong ta, mặc dù biết là khó.

Chúng ta cần được hướng dẫn để không bị niềm đau làm tê liệt. Chúng ta thực tập nuôi dưỡng năng lượng chánh niệm cho đủ vững mạnh, và với năng lượng chánh niệm đó ta có thể trở về để ôm ấp em bé bị thương tích trong ta. Thực tập đi trong chánh niệm, ngồi trong chánh niệm, thở trong chánh niệm là những thực tập cơ bản và chính yếu. Ngoài ra năng lượng chánh niệm của bạn bè cũng có thể giúp cho ta. Mới đầu ta có thể cần đến một hai người bạn ngồi với ta, nhất là những người bạn biết ngồi thiền vững chãi, để năng lượng chánh niệm của họ hỗ trợ ta. Khi có được một người bạn ngồi cạnh và nắm tay ta, phối hợp năng lượng với ta thì ta có thể trở về ôm ấp em bé thương tích trong ta.

Ta phải nói chuyện với em bé thương tích đó nhiều lần trong ngày, dịu dàng ôm ấp em và nói với em rằng ta sẽ không bỏ em hay quên chăm sóc em nữa. Nếu có tăng thân thì sự thực tập sẽ dễ dàng hơn, nhất là khi mới bắt đầu. Thực tập một mình không có sự hỗ trợ của các anh chị trong tăng thân có thể là rất khó cho những người mới bắt đầu. Em bé thương tích đó có thể là hệ quả của nhiều thế hệ. Có thể là cha ông ta cũng có em bé thương tích trong mình nhưng không biết cách chữa trị cho nên đã trao truyền em bé thương tích ấy cho ta. Sự thực tập của ta là chấm dứt cái vòng luẩn quẩn đó.

Chúng ta đau khổ vì không được thương yêu và hiểu biết. Nếu chúng ta chế tác ra năng lượng chánh niệm, năng lượng hiểu biết và thương yêu cho em bé thương tích trong ta thì ta sẽ bớt đau khổ nhiều lắm. Thay vì trước đây chúng ta nghi ngờ tất cả thì giờ đây chúng ta sẽ dễ dàng tiếp nhận tình thương từ người khác. Thương yêu giúp chúng ta mở rộng liên hệ với mọi người và tái lập lại truyền thông.

25. Săn sóc cha mẹ già là một gánh nặng

Tôi săn sóc cha mẹ già trong nhiều năm nay. Tuy tôi rất thương cha mẹ tôi nhưng việc đó quả thật là một gánh nặng về tài chính cũng như về sức lực và càng ngày tôi càng cảm thấy khó nhọc. Tôi phải làm sao?

Chúng ta săn sóc cho cha mẹ không phải vì ý thức trách nhiệm và bổn phận mà vì tình thương yêu đích thực. Một khi sự thương yêu và lòng biết ơn là nền tảng của hành động thì ta không còn thấy mệt mỏi và chán nản. Vì vậy, sự thực tập cốt yếu là nhìn sâu để hiểu rõ, đem thương yêu làm nền tảng cho hành động săn sóc, nhờ đó mà ta không mệt mỏi, không chán nản. Săn sóc cha mẹ là săn sóc cho chính mình.

Đôi lúc ta cũng nên ngồi xuống nói chuyện với cha mẹ để có được sự cảm thông và cùng thấy rõ mức giới hạn của mỗi người. Nhờ có hiểu biết và thương yêu mà tình trạng sẽ thay đổi, ta sẽ thấy dễ chịu hơn nhiều. Khi ta săn sóc cho con của ta cũng vậy, ta không nên nghĩ rằng con ta là một ai khác mà là ta, là chính ta. Vì vậy, nếu phải thức khuya hay thức dậy nhiều lần trong đêm ta cũng không than phiền gì cả. Đó là vì ta có tình thương, ta có tuệ giác, con ta và ta là một. Thấy được như thế ta sẽ có rất nhiều nghị lực để tiếp tục hành động.

26. Liên hệ trong tình yêu

Trong liên hệ tình yêu cả hai bên phải bình đẳng. Làm thế nào để bảo đảm người mạnh không ức hiếp người yếu?

Ngay khi khởi lên ý niệm về “một” thì ý niệm về “hai” đồng thời cùng khởi lên. Cũng giống như ý niệm về phải và trái. Bản chất của thực tại vượt thoát khỏi ý niệm về “một” và “hai”. Nếu thực tập được theo tuệ giác đó thì ta sẽ tự tìm ra câu trả lời cho chính mình. Nguyên tắc của sự thực tập là giữ tâm bình đẳng và không phân biệt, sử dụng tuệ giác “vô phân biệt trí’’, nghĩa là tuệ giác của sự không phân biệt.

Bàn tay phải không bao giờ kỳ thị với bàn tay trái, không bao giờ bàn tay phải tự hào cho là nó giỏi hơn bàn tay trái. Vì bàn tay phải biết rất rõ rằng nó với bàn tay trái là một, hay là “bất nhị” hoặc “không hai”. Mỗi khi bàn tay trái cần thì bàn tay phải sẵn sàng giúp mà không cho rằng nó là bàn tay giỏi hơn hay mạnh hơn.

Trong liên hệ tình cảm cũng vậy. Chúng ta cũng nên phát khởi tuệ giác không phân biệt. Khi chúng ta có khả năng sống với nhau theo tuệ giác ấy thì không có ai mạnh hơn ai hay yếu hơn ai, không ai lợi dụng ai. Nếu còn có ý muốn lấn át là chưa có được tuệ giác vô phân biệt.

27. Lắng nghe với tâm từ bi

Tôi đang thực tập lắng nghe với tâm từ bi nhưng thật là khó mà lắng nghe những người cứ mãi trách móc, nguyền rủa. Muốn thực tập lắng nghe với tâm từ bi thì tôi phải cần thực tập bao lâu?

Nhiều người có nhu cầu phải nói nhiều, mãi rồi cũng thành tập khí. Đôi khi họ cứ kể đi kể lại cùng một câu chuyện. Thực tập lắng nghe một cách đích thực là giúp cho người khác nói ra được những gì mà lâu nay họ không thể nói. Có được một người có khả năng lắng nghe mình nói một cách sâu sắc là một cơ hội quý giá vô cùng. Điều đó có thể làm vơi bớt rất nhiều khổ đau rồi. Nhưng mà trong trường hợp người kia cứ tiếp tục lặp đi lặp lại cùng một chuyện cũ thì lắng nghe sâu cũng không giúp ích được gì cho người đó. Những chuyện cũ đó tưới tẩm những hạt giống tiêu cực trong họ và trong ta. Cứ ngồi đó mà lắng nghe không giúp ích gì cho cả hai bên.

Ta phải nói như thế này, “Này anh, tôi đã nghe những gì anh nói rồi, anh không cần phải lặp lại mãi. Tôi biết rằng trong anh đang có những khối khổ đau, nhưng anh không có cơ hội nhận diện và quán chiếu để tìm ra được nguồn thức ăn đã nuôi lớn khổ đau đó, vì vậy mà anh không thể chuyển hóa nó. Cho nên khổ đau của anh cứ trỗi dậy mãi làm cho anh đau khổ và làm cho người xung quanh anh cũng đau khổ. Vì vậy, giải pháp là không nên nói mãi về nỗi khổ của mình mà phải nhận diện những nỗi khổ ấy cũng như những nguyên nhân đã tạo nên khổ đau, hay những gì đã nuôi dưỡng và khơi dậy niềm đau, nỗi khổ.

Sự thực tập của chúng ta là nhận diện đau khổ và chấm dứt gốc rễ của đau khổ. Và này anh bạn ơi, tôi xin giúp bạn. Bởi vì tôi đã thực tập như vậy cho tôi. Tôi đã có thể tự giải thoát. Tôi không còn than phiền gì nữa bởi vì tôi đã biết nhận diện khổ đau trong tôi. Tôi ôm ấp và quán chiếu sâu sắc khổ đau. Tôi đã khám phá ra gốc rễ của khổ đau trong tôi và tôi đã thực tập để ngừng nuôi lớn chúng, để rồi có thể chuyển hóa chúng. Tôi mong rằng tôi có thể giúp anh thực tập như tôi. Tôi sẽ làm tất cả những gì tôi có thể làm được để giúp anh.” Bằng cách dùng lời ái ngữ, chúng ta có thể khuyến khích bạn bè thực tập để ôm ấp khổ đau, quán chiếu bản chất của khổ đau để rồi chuyển hóa và trị liệu khổ đau.

28. Mẹ vợ tôi rất khó chịu

Mẹ vợ tôi rất khó chịu. Tôi đã cố gắng chịu đựng, nhưng nhiều lúc tôi chịu hết nổi. Phải làm sao để thay đổi tình trạng này?

Mẹ vợ là mẹ của người bạn đời của ta. Cô là một phần của bà và dòng họ bà. Ta đã từng cam kết là sẽ cùng nhau chia ngọt sẻ bùi với người bạn đời của mình, và trong đó mẹ vợ cũng là một phần của sự cam kết ấy. Mẹ vợ ta có thể là nguồn hạnh phúc hay khổ đau cho ta và người bạn đời của ta. Cho nên sự thực tập là chấp nhận bà ấy. Hạnh phúc của người bạn đời ta tùy thuộc rất nhiều vào hạnh phúc của mẹ. Nếu mẹ cô ấy không hạnh phúc thì ta khó có được hạnh phúc. Chăm sóc cho mẹ vợ, tức là ta đang tự chăm sóc cho ta và chăm sóc cho người thương của ta.

Ta phải học cách chăm sóc bất cứ điều gì có liên hệ tới sự bình an và hạnh phúc của cô ấy, bởi vì ta lo cho cô ấy. Cho nên phải nhìn xa, trông rộng và nhận rõ tất cả những gì có liên hệ với cô ấy để có thể làm cho cô ấy thực sự hạnh phúc.

Khi đến nhà bố mẹ vợ phải nên giữ lễ độ, chào hỏi cho lễ phép vì đó là cha, là mẹ của vợ ta. Cho dù mẹ vợ có dễ thương hay không dễ thương thì cách hành xử của ta, khả năng kính trọng, chấp nhận và chăm sóc của ta có liên hệ mật thiết đến hạnh phúc của chính ta và người bạn đời của ta. Vì vậy, nếu nhìn cho sâu ta có thể xóa bỏ được những ngăn cách và có thể chấp nhận mẹ vợ như là một bậc trưởng thượng quan trọng của người thương của ta.

29. Hòa giải với người cha đã qua đời

Cha tôi và tôi rất xung khắc. Chúng tôi không thể nói chuyện với nhau hay lắng nghe nhau. Cha tôi nay đã qua đời. Có quá muộn để bây giờ hòa giải với cha không?

Cha ta vẫn còn đó, sống động trong từng tế bào của cơ thể ta. Ta là sự tiếp nối của cha ta. Cha ta không có may mắn gặp được chánh Pháp để chế tác bình an cho thân tâm mình, nhưng cha có được may mắn là có ta để tiếp nối. Vì vậy, khi ta thực tập thì sự chuyển hóa không chỉ cho ta mà cả cho cha. Cha ta sẽ hưởng được nhiều lợi lạc nhờ vào sự tu tập của ta.

Cha ta luôn có mặt trong ta bất cứ giây phút nào. Khi ta thực tập hơi thở chánh niệm và cảm thấy an lạc, ta hãy hỏi: “Ba ơi, ba có cảm thấy an lạc không? Chúng ta cùng thực tập với nhau ba nhé.” Khi đi thiền hành ta cũng đi cho cha. Đây là một cách thực tập thương yêu. Cha ta cũng có tính Bụt bên trong, nghĩa là có khả năng thương yêu ngọt ngào nhưng cha ta không có cơ may để phát triển những đức tính đó. Cho nên giờ đây ta có thể giúp cho cha bằng cách thực tập lắng nghe sâu bởi vì cha trong ta đang cần được lắng nghe.

Và đứa bé trong ta cũng đang sống động trong ta và cũng đang cần được lắng nghe. Ta không cần thực tập lắng nghe sâu với ai cả. Chỉ cần ngồi dưới một gốc cây hay một thảm cỏ và lắng nghe cha trong ta, lắng nghe đứa bé trong ta. Lắng nghe em bé ấy là đang lắng nghe chính mình. Lắng nghe cha ta cũng là nghe chính ta. Phẩm chất của sự lắng nghe có thể rất cao, rất sâu nếu ta biết thực sự an trú trong giây phút hiện tại, đem thân về với tâm, hoàn toàn có mặt cho bây giờ và ở đây. Sự lắng nghe sâu sẽ mang đến cho chúng ta nhiều tuệ giác, chuyển hóa và trị liệu rộng lớn. Ta cũng có thể viết cho cha ta một bức thư với lời lẽ cụ thể, sâu đậm và chân thành. Bức thư ấy sẽ đem lại sự hòa giải thật sự bởi vì bức thư ấy không phải chỉ viết cho cha ta mà ta đang viết cho chính mình.

30. Nỗi lo sợ bị cô đơn

Cuộc sống độc thân đã đem lại cho tôi nhiều đau khổ. Tôi biết tôi đã may mắn có gia đình và bạn bè thương yêu, nhưng tôi cũng mong muốn có một người bạn đời để được chia sẻ. Làm thế nào để có thể ôm ấp nỗi khổ đau này mỗi khi nó xảy đến?

Tất cả chúng ta đều có cùng một nỗi lo sợ khi nhu cầu thương yêu và được thương yêu của ta không được đáp ứng. Nỗi lo sợ bị cô đơn luôn có trong tất cả chúng ta. Chúng ta phải nhận diện nỗi lo sợ và nhu cầu đó ở trong ta. Sự thực tập của ta là nhìn sâu vào nỗi lo sợ đó.



Thương yêu là hiến tặng cho người mình thương sự hiểu biết và niềm an vui. Hiểu là cội nguồn của yêu thương. Chúng ta sẽ vô cùng đau khổ nếu không có ai hiểu được mình. Và khi một người không hiểu ta thì người ấy không thể thương ta được. Có hiểu mới có thương. Sự thật là chúng ta cần được hiểu, cần được thương. Vì vậy, chúng ta có khuynh hướng đi tìm một ai đó để có thể hiểu ta và thương ta.


 


Giả sử ai đó có khả năng đem lại cho ta sự hiểu biết và thương yêu. Ví như một anh chàng hay một cô nàng nào đó. Nhưng ta phải đặt câu hỏi: Liệu ta có khả năng đem hiểu biết và thương yêu đến cho người đó hay không? Liệu ta có khả năng chế tác ra được sự hiểu biết và thương yêu, thứ mà ta đang rất cần hay không? Bởi vì nếu chúng ta không có khả năng hiểu được người khác thì tình thương yêu sẽ không thể xảy ra.

Giáo pháp của Bụt giúp chúng ta chế tác ra hiểu biết và thương yêu. Nếu chúng ta có khả năng hiểu và thương thì trước tiên nó sẽ giúp thỏa mãn nhu cầu được thương trong ta. Sau đó với khả năng hiểu biết và thương yêu, ta có thể đến với những người quanh ta. Chúng ta có thể đem hạnh phúc đến cho họ vì chính ta đang hạnh phúc. Hạnh phúc có công năng nuôi dưỡng, trị liệu và tạo thêm hạnh phúc.

Vì vậy, vấn đề không phải là làm sao để có hạnh phúc mà là làm sao để chính ta có khả năng chế tác ra hiểu biết và thương yêu. Nếu sự thật ta có khả năng đó thì năng lượng hiểu biết và thương yêu sẽ cho ta sự thỏa mãn và những người xung quanh ta thỏa mãn. Đó chính là tình thương của Bụt. Tình yêu chân thật cũng như vậy. Thương yêu một người là một cơ hội cho ta học thương yêu tất cả mọi người. Nếu ta có khả năng hiểu và thương thì ta có thể thể hiện sự hiểu và thương đó ngay bây giờ mà không cần phải chờ đợi gì nữa. Làm được như thế thì bao nhiêu lo lắng sợ hãi sẽ tan biến, và ta sẽ cảm thấy an lạc ngay lập tức.

31. Khi tình yêu tan vỡ

Câu hỏi: Khi một liên hệ tình cảm chấm dứt, tôi buồn khổ cả tuần, có khi cả tháng. Làm thế nào để buông bỏ niềm đau đó?

Một mối tình tan vỡ là trách nhiệm của cả hai bên. Khi hai người không biết trân quý nhau, không biết cách đối trị cảm xúc giận hờn, bực tức của mình, không biết lắng nghe và nói lời ái ngữ thì họ sẽ làm cho liên hệ tình cảm rối tung và trở nên tồi tệ. Hậu quả là sợ hãi, buồn bực, tiếc nuối, và tuyệt vọng sẽ xảy ra.

Chúng ta thường có xu hướng trốn tránh vì mỗi khi nghĩ tới mối tình tan vỡ đó thì cảm xúc ta tràn ngập. Đó không phải là chánh niệm. Chánh niệm là sự thực tập hơi thở có ý thức để có thể nhận diện, ôm ấp cảm xúc, là một với cảm xúc mà không để cho cảm xúc tràn ngập và nhấn chìm ta. Ta có nhiều hơn chứ không phải chỉ có những cảm xúc đau buồn, giận dữ và tuyệt vọng.

Trong ta có một vị Bụt. Ta có khả năng học hỏi, có khả năng hiểu biết, thương yêu. Sự thực tập của ta là ngồi cho yên và mời những năng lượng lành đó lên để ôm ấp nỗi khổ, niềm đau. Niềm đau, nỗi khổ mà ta đang trải nghiệm trong giây phút hiện tại là cơ hội để ta học cách xây dựng cho tương lai. Niềm đau, nỗi khổ của ta sẽ đem lại cho ta rất nhiều tuệ giác. Hãy can đảm nhìn sâu, can đảm chấp nhận và nói: “Đau buồn của ta ơi, ta biết em có mặt, ta muốn chăm sóc, cảm thông cho em và cùng em học hỏi.” Chỉ cần mười lăm phút là có thể chữa trị. Không nên sợ hãi. Ta đã tạo niềm đau cho ta thì ta cũng có thể chế tác ra niềm vui, hạnh phúc cho ta.

32. Gặp rắc rối khi đối xử với người thân

Câu hỏi: Tại sao ta hay gặp rắc rối khi đối xử với những người thân gần gũi nhất?

Tại vì chúng ta sống với nhau hai mươi bốn giờ mỗi ngày. Điều rõ ràng là nếu chúng ta không có liên hệ hạnh phúc, hòa hợp với gia đình mình hay với tăng thân thì ta khó mà giúp đỡ được ai. Sự thực tập mà Bụt đã chỉ dạy rất cụ thể và rõ ràng về cách sống như thế nào để có được vui vẻ, thoải mái, dễ chịu và giúp cho người khác vui vẻ, thoải mái, dễ chịu. Đó là sự thực tập căn bản.

Tại các đạo tràng của chúng tôi, các vị xuất sĩ đã thực tập như thế. Chúng tôi biết rằng nếu không có một tăng chúng hạnh phúc, không có tình huynh đệ nuôi dưỡng mà đi tổ chức những khóa tu thì những buổi thiền tập đó chỉ là giả tạo. Cho nên, thực tập để chuyển hóa tự thân, thực tập để chuyển hóa cho gia đình của mình, cho cộng đồng là nền tảng cho tất cả.

33. Tha thứ người đã làm cho mình đau khổ

Câu hỏi: Làm thế nào để tha thứ cho những người đã làm mình đau khổ dù họ vẫn không thừa nhận hành động sai lầm?

Khi ta có khả năng chế tác ra năng lượng hiểu và thương thì niềm đau trong ta có thể được chữa trị. Trong đạo Bụt còn có một năng lượng khác có khả năng trị liệu đó là chí nguyện, là ước muốn, quyết tâm giúp đỡ người khác.

Khi chúng ta là nạn nhân của sự bạo hành, khi nhìn xung quanh ta thấy có rất nhiều người cũng bị áp bức đau khổ như ta thì tự nhiên ta phát sinh lòng thương, và chúng ta phát nguyện làm sao để bảo vệ, giúp đỡ cho những ai chưa tìm ra lối thoát. Nếu chúng ta phát nguyện như thế và sẵn sàng cứu giúp thì chúng ta sẽ trở thành một vị Bồ tát mang trong lòng chí nguyện mãnh liệt để đi ra độ đời.

Còn nếu chúng ta không làm gì cả thì sẽ có nhiều người khác cũng sẽ là nạn nhân. Nếu ta có năng lượng của một vị Bồ tát, nếu ta tha thiết muốn làm một điều gì đó, nếu ta muốn đi ra cứu giúp các em nhỏ hay ai đó thì năng lượng ấy sẽ chữa lành vết thương trong ta. Với năng lượng của từ bi, của đại nguyện, chúng ta đi theo hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền, một vị Bồ tát phát đại nguyện lớn. Tâm từ bi của chúng ta có thể ôm lấy gia đình, xã hội và sự chữa trị đó có thể đạt đến tuyệt đối.

34. Phạm lỗi lầm to lớn trong quá khứ

Câu hỏi: Vài người trong chúng ta đã phạm lỗi lầm to lớn trong quá khứ và vẫn còn đau khổ mãi. Có thể nào quên đi niềm đau này?

Ta cần tìm cho ra một tuệ giác cho vấn đề này. Tuệ giác là nền tảng của bất cứ sự thực tập nào. Tuệ giác ở đây là: Nhờ tu tập mà chúng ta có thể chăm sóc và thay đổi không chỉ hiện tại mà cả quá khứ và tương lai.

Giả sử ngày hôm qua ta có một ý nghĩ bất thiện, một ý nghĩ thiếu hiểu biết, thiếu thương yêu và hôm nay ta hối hận là đã có một ý nghĩ như thế. Ta biết rằng ý nghĩ ấy sẽ tạo ảnh hưởng xấu cho thân tâm ta và ảnh hưởng lên cả nhân loại. Bây giờ an trú trong giây phút hiện tại, ta phát khởi một ý nghĩ khác, một ý nghĩ theo chiều hướng của hiểu biết và thương yêu.

Nếu ta biết phát khởi một ý nghĩ như vậy thì ý nghĩ đó sẽ chuyển hóa, triệt tiêu ảnh hưởng của ý nghĩ ngày hôm qua. Đó là quy luật của nghiệp. Ta có thể chuyển đổi nghiệp của quá khứ bằng cách tạo thêm nghiệp tốt lành ngày hôm nay.

Tôi có gặp một cựu chiến binh người Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Ông ta đã thú nhận rằng ông đã tham dự vào việc sát hại năm em bé tại Việt Nam. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông không có được một chút bình an và không thể bộc lộ cho ai biết về hành động của mình. Ông không thể đến gần trẻ em. Ông đã sống ân hận và đau khổ trong suốt nhiều năm như thế. Cuối cùng ông đến tham dự một khóa tu. Cảm nhận được tình thương và niềm tin từ tăng thân, ông cảm thấy đủ an toàn để kể lại câu chuyện đã xảy ra.

Tôi có nói với ông như sau: “Anh đã giết năm em bé nhưng anh còn sống đó. Tại sao anh tự giam mình vào tù ngục của ân hận? Ngay giờ này có nhiều em bé đang chết nhưng không có ai tìm cách cứu. Anh có thể cứu một hay hai em ngay bây giờ. Nếu anh làm được như thế thì anh có thể hóa giải được quá khứ. Anh trở thành một con người khác. Có thể là anh đã giết năm em nhưng anh có thể cứu năm mươi em khác. Cuộc đời của anh sẽ trở thành cuộc đời của một vị Bồ tát.”

Với tuệ giác đó, ông đã chuyển hóa ngay lập tức. Cuộc sống của ông ta bây giờ khác hoàn toàn. Ông phát nguyện quyết tâm cống hiến cuộc đời và năng lực của mình vào việc cứu giúp các trẻ em trên thế giới. Giây phút mà tâm thức ta thay đổi là giây phút quyết định. Sau đó thì tất cả mọi việc khác đều sẽ thay đổi. Vì thế, ta không nên tiếc nuối quá khứ. Có nhiều việc mà anh có thể làm ngay trong ngày hôm nay để hóa giải quá khứ và xây dựng một tương lai tốt đẹp.

35. Giúp thành viên trong gia đình tu tập

Câu hỏi: Làm sao để có thể gây ảnh hưởng đến những người trong gia đình khi họ không để ý tới việc tu tập nếp sống tâm linh mà chỉ xem ti vi suốt ngày hay ăn những thức ăn không lành mạnh?

Chúng ta có thể làm gương bằng tuệ giác và sự tu tập của mình. Nếu chúng ta có ý muốn áp đặt ý kiến của mình lên người khác thì chúng ta sẽ gặp những phản ứng mạnh. Không nên giảng đạo hay chỉ trích mà nên tìm phương tiện khéo léo để giúp họ nhận ra hậu quả của khổ đau do việc tiêu thụ những độc tố vào thân tâm. Sự tu tập của ta và khả năng biết cách chăm sóc cho thân tâm ta lành mạnh, vui tươi, đó là một bài Pháp sống cho họ. Chính sự chuyển hóa của ta, chính phong thái bình an, vui vẻ của ta sẽ gây cảm hứng cho người khác làm theo. Đừng nói rằng: “Tôi đang tu còn anh không tu cho nên anh đau khổ.” Nói như vậy chỉ làm cho họ bực bội thêm. Ta thay đổi, ta không còn đau khổ là một cách chứng minh hùng hồn nhất. Nụ cười và sự tươi mát của ta sẽ trực tiếp cho họ thấy ý nghĩa sự thực tập của ta và sự thiệt thòi của họ.

36. Cách tốt nhất để chấm dứt đau khổ

Câu hỏi: Cách tốt nhất để chấm dứt đau khổ của tôi cũng như của bạn bè hay những người thân trong gia đình?

Tất cả chúng ta đều biết rằng hiểu biết và thương yêu có khả năng chấm dứt khổ đau. Đây không chỉ là lời nói suông, ở đâu có hiểu biết và thương yêu thì ở đó không có khổ đau cho ta và cho người khác. Sự thực tập của chúng ta là luôn luôn nuôi lớn hiểu biết và thương yêu. Dù bận rộn thế nào đi nữa nhưng khi chúng ta dành vài phút để nhìn sâu thì chúng ta có thể thấy mình có sự hiểu biết và thương yêu nhiều hơn để hiến tặng. Thời giờ rất quý báu. Chúng ta đừng lãng phí mà nên tận dụng từng giờ, từng phút còn lại của đời mình. Khi hướng sự chú tâm của mình vào giây phút hiện tại, sống đời sống đơn giản, chúng ta sẽ có nhiều thời gian hơn để làm những việc quan trọng. Chúng ta không nên đánh mất mình trong suy tư, lo lắng, hay chạy theo danh lợi, quyền lực và tiền bạc.

Khi ta có khả năng làm những việc mà ta muốn làm, sống như ta muốn sống thì ta sẽ có nhiều hạnh phúc. Khi ta đi chỉ để đi, ngồi chỉ để ngồi, uống trà chỉ để uống trà, ta không làm điều đó vì mục đích gì hay không vì ai hết, làm được như thế ta sẽ có rất nhiều tự do và niềm vui. Đó là sự thực tập vô nguyện.

Khi làm được như vậy, ta chữa trị được cho ta và giúp chữa trị cho cả thế giới. Giác ngộ là khi ta nhận ra được cách để ta có thể sống rất sâu sắc, sống thật đơn giản mà hạnh phúc. Ta không còn muốn lãng phí thời giờ nữa, mà hết sức trân quý sự sống, trân quý thời giờ còn lại.

Xem Tiếp Chương 3Quay Về Mục Lục




0 Đánh giá

Ads Belove Post