Read more
Nhất Hạnh Tăng Thân by Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Tĩnh Lặng
Chương 3. Im Lặng Sấm Sét
Căn bệnh chung của
con người trong thời đại chúng ta là nhu cầu luôn tìm kiếm cái gì đó để khỏa lấp
khoảng trống trong mình. Do đó, ở chợ hay siêu thị, người ta sẵn sàng bán cho
chúng ta tất cả các loại sản phẩm để chúng ta lấp đầy chính mình. Các nhà quảng
cáo không ngừng dọa dẫm rằng đời sống thật thê thảm nếu ta không có vật dụng
này hay vật dụng kia, và dụ dỗ ta tiêu thụ để tránh đi tình trạng thê thảm đó.
Tuy nhiên, trong nhiều thứ mà ta tiêu thụ, kể cả thức ăn Đoàn thực và Xúc thực,
đều chứa đựng nhiều độc tố trong đó. Sau khi ăn một gói khoai tây chiên, ta cảm
giác nặng nề hơn. Sau khi ngồi hàng giờ trên những trang web truyền thông xã hội
hoặc chơi những trò chơi điện tử, ta thấy mệt mỏi hơn. Ta tiêu thụ để cố ngăn
chặn hoặc khỏa lấp những cảm thọ khó chịu trong ta, nhưng sau đó, ta lại càng
cô đơn, giận dữ và tuyệt vọng hơn.
Chúng ta phải ngưng
tiêu thụ những loại Xúc thực có tác dụng đối phó với sự thúc bách mà trốn tránh
chính mình. Điều đó không có nghĩa là chúng ta bắt buộc phải ngưng sử dụng điện
thoại và Internet hoàn toàn. Giống như thức ăn Đoàn thực, chúng ta cũng cần những
thức ăn Xúc thực. Nhưng chúng ta có thể ý thức và thông minh hơn nhiều khi chọn
lựa loại thức ăn Xúc thực mà chúng ta sẽ cho vào, đặc biệt là chúng ta phải ý
thức tại sao lúc này ta chọn lựa thức ăn này để tiêu thụ.
Có nhiều người kiểm
tra email một ngày không biết mấy lần để tìm kiếm một cái gì đó mới mẻ, cho dù
hầu như lần nào mở email ra, họ cũng chẳng thấy gì mới cả. Cách đảm bảo nhất để
hiến tặng cho mình điều mới mẻ thực sự, như cảm giác tươi tắn, hạnh phúc, thoải
mái, dễ chịu, đó là mở ra không gian trong lòng cho sự thực tập chánh niệm.
Buông Xả
Nhiều thiền sư đã nói
rằng không suy nghĩ là chìa khóa để thực tập thiền chánh niệm. Thiền tập không
có nghĩa là ngồi yên và suy nghĩ. Khi bị những suy nghĩ dẫn dắt, chúng ta sẽ mất
liên lạc với thân thể và mất liên lạc với ý thức rộng lớn hơn. Loài người chúng
ta nắm giữ rất chắc những ý nghĩ, quan niệm và những cảm xúc của mình. Chúng ta
tin rằng những điều đó là thật và buông bỏ chúng nghĩa là từ bỏ tính cách của
mình.
Như hầu hết mọi người,
có thể chúng ta có một ý niệm là chúng ta sẽ không thể hạnh phúc nếu không đạt
được cái này hay cái kia. Cái đó có thể là bằng cấp, sự thăng tiến trong nghề
nghiệp, mức thu nhập cao, hoặc địa vị xã hội. Tuy nhiên, ý niệm đó có thể là
chướng ngại ngăn cản ta hạnh phúc. Để buông bỏ ý niệm đó và tạo ra nhiều không
gian hơn cho hạnh phúc chân thực biểu hiện, đầu tiên, chúng ta phải trải nghiệm
một sự thật là việc nuôi dưỡng cái ý tưởng hiện thời đó đang làm ta đau khổ.
Chúng ta có thể ấp ủ cái ý tưởng đó trong 10 hoặc 20 năm mà không hề biết rằng
nó đang gây trở ngại cho khả năng hạnh phúc của chúng ta.
Có một đêm tôi nằm mơ
thấy mình là một sinh viên đại học, khoảng chừng 21 tuổi. Lúc đó, tôi khoảng
sáu mươi mấy tuổi rồi, nhưng trong giấc mơ tôi còn khá trẻ. Tôi vừa mới được nhận
vào một lớp do một vị giáo sư rất nổi tiếng giảng dạy, giáo sư được nhiều người
yêu thích nhất trong trường đại học. Rất vui sướng được làm học trò của vị giáo
sư này, tôi đi đến văn phòng và hỏi thăm lớp của giáo sư ở đâu. Khi tôi đang hỏi
thì có một người trông giống hệt tôi cũng đi vào văn phòng. Màu áo quần của anh
ta, khuôn mặt anh ta, tất cả mọi thứ đều giống y tôi. Tôi rất ngạc nhiên. Anh
ta là tôi hay anh ta không phải là tôi? Tôi hỏi nhân viên làm việc trong văn
phòng là có phải anh bạn trẻ đó cũng được nhận vào lớp này hay không? Cô ta trả
lời: “Không, làm sao được. Anh thì được còn anh ấy thì không.”
Lớp học nằm ở tầng
trên cùng của tòa nhà, và giờ học bắt đầu vào buổi sáng hôm ấy. Tôi phải đi thật
nhanh để đến đúng giờ, đang lên cầu thang, tôi tự hỏi thành tiếng: “Lớp này học
gì nhỉ?” Có ai đó cạnh bên trả lời cho tôi đó là lớp học âm nhạc. Tôi rất ngạc
nhiên, bởi vì tôi hoàn toàn không phải là sinh viên âm nhạc.
Khi đi đến cửa phòng
học, tôi nhìn vào và thấy có hơn một ngàn sinh viên đang ngồi trong lớp, như một
hội chúng thật sự. Nhìn qua cửa sổ, tôi thấy bên ngoài một khung cảnh tuyệt đẹp,
một đỉnh núi bao phủ bởi tuyết trắng, có cả trăng và những vì sao. Tôi cảm động
sâu sắc trước vẻ đẹp ấy. Nhưng rồi, ngay trước khi vị giáo sư bước vào, tôi được
cho biết là chúng tôi phải làm một buổi thuyết trình về âm nhạc và tôi là người
trình bày đầu tiên. Tôi cảm thấy choáng váng vì tôi không biết một chút gì về
âm nhạc cả.
Tôi lục tìm trong túi
áo của mình xem thử có cái gì giúp tôi không thì tôi thấy có một thứ bằng kim
loại. Tôi lấy ra. Đó chính là một cái chuông nhỏ. Tôi tự nhủ: “Đây là một dụng
cụ âm nhạc. Tôi có thể trình bày về cái chuông này. Được, tôi có thể làm việc
đó.” Tôi chuẩn bị sẵn sàng, nhưng ngay khi có người thông báo vị giáo sư đang
vào lớp thì tôi tỉnh dậy. Tôi tiếc vô cùng. Nếu giấc mơ có thể kéo dài thêm hai
hay ba phút nữa thì tôi đã có thể gặp được ông ấy, vị giáo sư xuất chúng mà ai
cũng ngưỡng mộ.
Sau khi tỉnh dậy, tôi
cố nhớ lại những chi tiết của giấc mơ và tìm hiểu ý nghĩa của nó. Tôi đi đến một
kết luận rằng anh bạn trẻ mà tôi đã gặp trong văn phòng cũng chính là tôi,
nhưng có thể anh ta còn bị kẹt vào những cái thấy nào đó, cho nên anh ta không
có đủ thảnh thơi và tự do để được chấp nhận. Anh ta có thể là một phần nào đó
trước đây của tôi mà tôi đã để lại đằng sau, vì tôi đã đạt được tuệ giác giúp
tôi buông bỏ được những vướng mắc và cố chấp về quan điểm của mình.
Buông bỏ phải là
buông bỏ cái gì đó. Điều mà chúng ta đang nắm giữ có thể đơn giản chỉ là một
sáng tạo phẩm của tâm thức ta, một tri giác sai lầm về một cái gì đó chứ không
phải là thực tại chính nó. Mọi thứ đều là đối tượng của tâm thức ta và được tô
vẽ nên bởi tri giác của ta. Ta có một ý niệm và trước khi thực hiện thì ta đã bị
kẹt vào ý niệm đó.
Ta có thể trở nên sợ hãi vì cái ý niệm mà ta đang tin theo. Thậm chí, ta còn có thể bệnh vì cái ý niệm đó. Có thể cái ý niệm đó mang đến cho ta nhiều điều bất hạnh, lo lắng và ta muốn được tự do. Nhưng nếu muốn tự do thôi thì chưa đủ. Ta phải cho mình có đủ không gian và tĩnh lặng để được tự do.
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Thỉnh thoảng, chúng
ta cần dành ra một chút thời gian để nhìn sâu vào một ý niệm hay một cảm xúc và
khám phá cho ra gốc rễ của nó. Cuối cùng, ta biết nó từ đâu đến, có thể nó được
hình thành từ thời thơ ấu của ta, hoặc thậm chí trước khi chúng ta sinh ra. Một
khi nhận ra được gốc rễ của một cảm xúc hay một ý niệm, chúng ta sẽ có khả năng
buông bỏ nó.
Bước đầu tiên là dừng
suy nghĩ. Chúng ta cần quay về với hơi thở và an tịnh thân tâm. Điều này sẽ
mang lại cho ta nhiều không gian và giúp ta sáng suốt hơn để ta có thể nhận diện
và gọi tên cái ý niệm, ham muốn hay cảm xúc đang quấy rầy ta. Hãy chào hỏi nó
và cho phép mình buông bỏ.
Tìm Ra Câu Trả Lời Mà Không Suy Nghĩ
Không phải là chúng
ta không bao giờ được quyền suy nghĩ. Mới đây, có một sư cô nói với tôi: “Con
có rất nhiều khó khăn cần giải quyết, nếu Thầy nói con đừng suy nghĩ thì làm
sao con có thể giải quyết được vấn đề?” Chỉ có suy nghĩ đúng (Chánh tư duy) mới
giúp giải quyết được vấn đề, mới thực sự có ích lợi. Chánh tư duy sẽ mang lại
những hoa trái tốt. Thông thường, khoảng 90% suy nghĩ của chúng ta không phải
là Chánh tư duy. Những suy nghĩ đó chỉ dẫn chúng ta đi vòng quanh và cuối cùng
không đi đến đâu cả. Càng suy nghĩ theo cách đó thì thân và tâm ta càng bị phân
tán và bực dọc. Loại suy nghĩ như vậy sẽ không giải quyết được bất cứ vấn đề
nào.
Chánh tư duy đòi hỏi
phải có Niệm và Định. Giả sử có một vấn đề cần giải quyết, nếu chúng ta áp dụng
cách suy nghĩ lòng vòng thì sẽ mất rất nhiều thời gian để tìm ra một giải pháp
tốt. Chúng ta phải cho ý thức nghỉ ngơi và để cho tàng thức tìm ra giải pháp.
Chúng ta phải nhường quyền dẫn dắt của trí năng và cảm xúc, để giao phó những vấn
đề khó khăn và thử thách cho tàng thức. Cũng như khi gieo hạt, chúng ta phải gởi
chúng cho đất trời. Ý thức của chúng ta – cái tâm suy nghĩ – không phải là đất,
nó chỉ là bàn tay gieo hạt và nuôi dưỡng đất bằng sự thực tập chánh niệm về những
gì mà chúng ta đang làm trong đời sống hàng ngày. Tàng thức của chúng ta mới
chính là mảnh đất màu mỡ giúp cho hạt giống nảy mầm.
Sau khi đã gởi hạt giống
cho mảnh đất tàng thức, chúng ta cần kiên nhẫn. Trong khi chúng ta ngủ, tàng thức
của chúng ta vẫn tiếp tục làm việc. Trong khi đi, khi thở, nếu chúng ta không để
cho những suy nghĩ của ta xen vào thì tàng thức của chúng ta vẫn luôn làm việc.
Vào một ngày nào đó, chúng ta sẽ bất ngờ có được giải pháp, bởi vì chúng ta
không dựa vào cái tâm suy nghĩ mà nương tựa vào tàng thức.
Chúng ta cần tập luyện
cho mình theo cách thiền tập này, như vậy chúng ta có thể giao phó những câu hỏi,
những khó khăn của ta cho tàng thức. Chúng ta phải tin tưởng tàng thức, sử dụng
Niệm, Định để tưới tẩm những hạt giống tốt và chăm sóc cho mảnh đất của chúng
ta. Một hoặc vài ngày sau, giải pháp sẽ xuất hiện, ta gọi đó là giây phút thức
tỉnh hay giây phút giác ngộ.
Tinh Yếu Của Tĩnh Lặng
Buông bỏ những ý niệm,
nhận thức là chúng ta tạo ra thêm không gian cho tâm mình. Cái tâm thực sự của
ta thì vắng bặt tất cả những ngôn từ, ý niệm và nó rộng lớn hơn rất nhiều so với
những sáng tạo phẩm hạn hẹp của tâm. Chỉ khi nào mặt đại dương yên tĩnh, chúng
ta mới có thể thấy được mặt trăng phản chiếu lên đó.
Yên lặng là một điều
tối hậu đến từ trái tim chứ không phải từ bất cứ điều kiện bên ngoài nào. Sống
trong sự yên tĩnh không có nghĩa là không nói chuyện, không làm việc, không
tham dự vào gì cả. Đơn giản là chúng ta không bị xáo động bên trong; không có
những cuộc chuyện trò huyên thuyên không dứt bên trong. Nếu thực sự im lặng, chúng
ta có thể tìm thấy chính mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta có thể thưởng
thức cái không gian rộng lớn êm dịu của sự tĩnh lặng.
Có những lúc chúng ta
nghĩ rằng mình đang yên lặng vì không có một âm thanh, tiếng động nào xung
quanh phát ra, nhưng kỳ thực, những cuộc nói chuyện vẫn luôn tiếp diễn trong đầu
ta, trừ khi chúng ta làm yên lắng được tâm mình. Đó không phải là yên lặng thật
sự. Do đó, chúng ta cần học cách làm sao có được sự yên lặng trong những hoạt động
thường ngày. Hãy thử thay đổi cách suy nghĩ và cách nhìn của ta.
Ngồi ăn trưa có thể
là một thời gian thích hợp để tự hiến tặng cho mình một sự yên tĩnh dễ chịu.
Cho dù những người khác đang nói chuyện, ta vẫn có thể thoát khỏi sự suy nghĩ
thường lệ và rất yên tĩnh trong lòng. Ta có thể ngồi ở một nơi đông đúc mà vẫn
thưởng thức được sự yên tĩnh, thậm chí ta có thể sống một mình được.
Hãy nhận ra rằng yên
tĩnh đến từ trái tim ta chứ không phải do vắng mặt những cuộc chuyện trò.
Cũng giống như sự yên
tĩnh bên trong không đòi hỏi sự im lặng bên ngoài, một mình tĩnh cư không có
nghĩa là không có ai xung quanh ta. Ta nhận ra được ý nghĩa sâu sắc của sự có mặt
một mình khi ta có thể an trú vững chãi trong cái bây giờ và ở đây, ý thức được
về những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Sử dụng chánh niệm để ý thức
về mỗi cảm thọ, tri giác mà ta đang có. Ý thức về những gì đang xảy ra chung
quanh ta nhưng ta cũng có mặt trọn vẹn cho chính mình. Ta không đánh mất mình
vì những điều kiện xung quanh. Đó mới thực sự là tĩnh cư.
Im Lặng An Vui Và Im Lặng Ngột Ngạt
Đôi khi nghĩ về im lặng,
chúng ta nghĩ đến sự hạn chế, ép buộc, như có một kẻ độc tài cắt đứt mọi quyền
tự do ngôn luận hoặc một người lớn đang thuyết giảng rằng “trẻ con thì phải lắng
nghe chứ không được nói,” hoặc một thành viên trong gia đình đang ngăn cấm những
người khác nói về một chủ đề nhạy cảm. Sự im lặng này thật ngột ngạt và chỉ làm
cho tình trạng tệ hại hơn.
Một số người trong
chúng ta đã có kinh nghiệm về kiểu im lặng căng thẳng này trong chính gia đình
mình. Khi cha mẹ tranh cãi với nhau thì thường kéo theo sau đó là một sự im lặng
nặng nề và cả nhà ai cũng khổ đau. Nếu mọi người đều giận dữ và lo âu thì im lặng
có thể làm cho sự lo âu và giận dữ của cả nhà lớn mạnh hơn. Sự im lặng sôi sục
và căng thẳng đó rất tiêu cực. Chúng ta không thể chịu đựng loại im lặng đó lâu
được. Nó sẽ giết chết chúng ta. Nhưng sự im lặng tình nguyện thì hoàn toàn khác
hẳn. Khi chúng ta biết cách ngồi lại với nhau, thở với nhau, liên hệ với không
gian rộng lớn luôn sẵn có trong mỗi chúng ta, chế tác ra năng lượng bình an,
thư giãn và tươi vui, thì năng lượng chung của sự im lặng đó có công năng trị
liệu và nuôi dưỡng rất lớn.
Giả sử ta đang ngồi
ngoài trời và chú tâm vào ánh nắng, vào những cây xinh đẹp, vào thảm cỏ xanh,
vào những bông hoa nhỏ đang hé nở khắp nơi. Nếu đang thư giãn trên thảm cỏ và
thở vào thở ra nhẹ nhàng, ta có thể nghe thấy tiếng chim, tiếng gió đang rì
rào, vi vút qua những cành cây. Ngay cả sống trong thành phố, ta cũng có thể
nghe được tiếng chim và tiếng gió. Nếu biết cách làm lắng lại những ý nghĩ đang
sôi sục, ta không cần phải tìm đến sự tiêu thụ thiếu chánh niệm để cố gắng chạy
trốn những cảm xúc khó chịu. Ta có thể chỉ lắng nghe một âm thanh sâu sắc và
thưởng thức âm thanh đó. Ta sẽ có bình an cùng niềm vui trong sự lắng nghe đó
và sự im lặng của ta là một sự im lặng đầy sức mạnh. Im lặng như vậy không phải
là im lặng kiềm nén mà là im lặng đầy sức sống và có tính xây dựng.
Trong đạo Bụt, chúng
ta gọi đó là Im Lặng Sấm Sét. Sự im lặng đó rất hùng hồn và đầy năng lượng.
Thông thường chúng tôi có những khóa tu, trong đó cả ngàn người cùng thực tập
hơi thở chánh niệm trong im lặng. Nếu bạn tham dự vào một trong những khóa tu
như vậy, bạn sẽ hiểu được im lặng hùng mạnh như thế nào.
Bạn có từng để ý là
trẻ con, dù là những em rất nhỏ, cũng có thể thưởng thức sự im lặng nhiều thế
nào chưa? Có một cái gì đó rất thư giãn. Ở Làng Mai, trẻ con ở đủ mọi độ tuổi
có thể ngồi ăn với nhau và đi với nhau trong im lặng với một niềm thích thú tuyệt
vời. Trong các khóa tu, chúng tôi không xem ti vi và chơi trò chơi điện tử. Có
một cậu bé, lần đầu tiên đến Làng, đấm đá và la hét trên suốt đoạn đường đến
Làng. Cậu bé năm đó 8 tuổi, đi xe cùng cha mẹ từ Paris xuống. Đến Làng cậu bé
không muốn ra khỏi xe vì cậu biết cậu sẽ không được xem ti vi và chơi trò chơi
điện tử trong một tuần. Tuy nhiên, sau đó, cậu bé đã sống rất vui, có nhiều bạn
bè, và vào ngày cuối, cậu không muốn rời Làng nữa. Bây giờ, cậu bé và cha mẹ về
Làng mỗi năm và cậu bé rất trông chờ dịp đó. Hiện nay cậu đã được 16 tuổi.
Im Lặng Hùng Tráng
Im lặng có ý thức và
có chủ ý là một sự im lặng cao đẹp. Đôi khi người ta nghĩ rằng im lặng là phải
nghiêm trang, thực ra im Lặng Hùng Tráng rất nhẹ nhàng. Im Lặng Hùng Tráng là một
loại im lặng có thể mang đến nhiều niềm vui như một nụ cười sảng khoái vậy.
Im Lặng Hùng Tráng
cho chúng ta cơ hội nhận diện những tập khí của chúng ta qua cách chúng ta phản
ứng với mọi người và với những tình huống chung quanh. Có những người ở đây chọn
thực tập im lặng trong một hoặc hai tuần, thậm chí ba tháng hoặc hơn nữa. Sau một
khoảng thời gian im lặng, chúng ta có khả năng chuyển hóa cách phản ứng của
chúng ta với bất kỳ tình huống nào. Sự im lặng này được gọi là Hùng Tráng bởi
vì nó có sức mạnh chữa trị. Thực tập Im Lặng Hùng Tráng, không phải là ta không
nói mà là làm yên tĩnh và lắng dịu lại những suy nghĩ. Ta đang tắt đài phát
thanh NST (Non Stop Thinking, suy nghĩ liên tục) trong đầu.
Ta có thể nhận ra được
sự Im Lặng Hùng Tráng của ai đó qua cách hành xử của họ. Có một số người luôn
luôn im lặng, nhưng không thực sự im lặng. Họ đang ở đâu đó, họ không thực sự
có mặt cho sự sống, cho chính họ hoặc cho bạn. Một số người khác bày tỏ thái độ
hùng hồn, cho dù họ không mở miệng. Có thể bạn đã từng có kinh nghiệm ở bên cạnh
một người dù họ không nói bất cứ điều gì, nhưng bạn vẫn có cảm giác rất rõ ràng
là người đó đang phê bình, chỉ trích bạn. Đó không phải là Im Lặng Hùng Tráng,
bởi vì Im Lặng Hùng Tráng sẽ làm lớn mạnh thêm hiểu biết và từ bi. Vì vậy, phải
ý thức rằng cho dù bạn không nói bất cứ điều gì thành lời, nhưng nếu trong lòng
bạn đang phản ứng một cách mạnh mẽ thì người khác nhìn vào gương mặt bạn sẽ có
thể thấy được.
Thở chánh niệm và ý
thức về cách ứng xử của mình với mọi người và những sự việc chung quanh là một
sự thực tập sâu sắc. Thay vì phản ứng lại, hay suy nghĩ, bạn hãy cho phép mình
là mình. Bạn thực tập chánh niệm để có mặt với hơi thở, bước chân, với những cội
cây, bông hoa, trời xanh và nắng ấm.
Bạn có thể chọn một
cái gì đó để tập trung tâm ý vào, và rồi, bạn sẽ “là” cái đó. Bạn có thể chọn
hơi thở vào và hơi thở ra. Bạn có thể chọn cách lắng nghe tiếng mưa và tiếng
gió với toàn bộ con người mình, rồi từ từ, bạn là một với tiếng mưa và tiếng
gió ấy. Lắng nghe những âm thanh như vậy là một điều rất vui thích. Khi bạn tiếp
xúc được với những yếu tố tươi mát và trị liệu này, thì bạn hiện hữu mà không
suy nghĩ.
Thực tập cách này thì
khi đi ra ngoài hay ở đâu đó, mà nghe tiếng còi xe hoặc tiếng người ta cãi
nhau, hoặc nhìn thấy một cảnh không vui thích, bạn đều có thể ứng xử lại với
lòng từ bi. Đối diện với bất kỳ khiêu khích nào, bạn đều có thể giữ được sự Im
Lặng Hùng Tráng, duy trì được sự tự chủ và bình an.
Hành Động Im Lặng
Một số người có thể
nghĩ rằng im lặng là một hình thức của sự yếu đuối hoặc ẩn tránh thế gian. Thế
nhưng, sự thật là có một sức mạnh không tưởng trong sự im lặng này. Có một
chương trong bộ kinh Pháp Hoa nổi tiếng kể về một vị Bồ tát, một bậc đại nhân với
lòng từ bi lớn, tên là Dược Vương. Trong đạo Bụt Đại Thừa, mỗi vị Bồ tát được
mô tả như một cánh tay khác nhau của Bụt, và mỗi vị Bồ tát đại diện cho mỗi
công hạnh khác nhau. Tương truyền trong một kiếp xa xưa, Bồ tát Dược Vương được
gọi là “vị Bồ tát mà ai gặp cũng thấy hoan hỷ.” Thỉnh thoảng, chúng ta cũng gặp
những người như vậy, người mà ai gặp được cũng thấy hoan hỷ.
Cho dù người đó là trẻ
em hay người lớn, sự hiện diện tuyệt vời, tươi mát và thú vị của họ làm cho ai
cũng hạnh phúc khi gặp. Bồ tát Dược Vương thực tập hạnh thương yêu và dâng hiến.
Chúng ta có cần thương yêu để thành công trong sự nghiệp giải thoát, giác ngộ
không? Câu trả lời là có. Vai trò của tình thương yêu đối với sự trưởng thành của
một em bé rất quan trọng. Và vai trò của tình thương yêu trong sự lớn lên của
hiểu biết, cảm thông cũng rất quan trọng. Sự có mặt đầy thương yêu của người mẹ
là điều cốt yếu cho sự trưởng thành của em bé. Sự có mặt đầy thương yêu của một
vị thầy và những người huynh đệ là rất quan trọng cho sự phát triển của chúng
ta trong sự thực tập. Chúng ta cần thương yêu để lớn lên và đi đường xa.
Bồ tát Dược Vương đã
trưởng thành tốt đẹp trong đời sống tâm linh của Ngài, đã đạt được giải thoát,
tự do và tuệ giác. Ngài không còn thấy mình bị giới hạn trong hình hài này nữa.
Ngài đã đạt được Định, cho phép Ngài hóa thân dưới muôn vàn hình thức khác
nhau. Nếu cần làm một đứa trẻ, Ngài sẽ hóa thân làm một đứa trẻ. Nếu cần làm một
phụ nữ, Ngài sẽ hiện thân là một phụ nữ. Nếu cần làm một thương gia, Ngài có thể
biểu hiện thành một thương gia. Ngài không bị kẹt trong ý niệm hình hài này là
Ngài. Đó là lý do tại sao Ngài buông bỏ được hình hài một cách rất dễ dàng. Bồ
tát Dược Vương thấy rằng xung quanh Ngài đang có rất nhiều khổ đau, nghèo đói
và độc ác. Ngài đã tẩm nước thơm lên khắp người, tự châm lửa và đốt cháy mình
thành một ngọn lửa để cúng dường. Thân thể của Bồ tát Dược Vương đã cháy suốt
hàng triệu năm và trong suốt thời gian đó, nền giáo dục diễn ra. Thân thể cháy
sáng của Bồ tát là một lời nhắc nhở im lặng hùng hồn, cho tất cả những ai đã
nhìn thấy Về những gì mà Bồ tát muốn hy sinh.
Có lẽ chúng ta đã từng
nghe về những vị tu sĩ Việt Nam tự thiêu trong thời kỳ chiến tranh những năm
1960. Gốc rễ hành động đó xuất phát từ chương kinh Pháp Hoa này. Những ai không
xem thân thể này là mình, đôi khi họ dùng thân thể họ để gởi gắm một thông điệp.
Khi những tu sĩ Việt Nam tự thiêu, họ đang cố gắng gửi đi một thông điệp im lặng,
hùng hồn nhất mà họ có thể làm, bởi vì đã không có ai lắng nghe tiếng kêu cứu của
những người đang đau khổ. Những vị tu sĩ này đã cố gắng lên tiếng, bằng hành động
hơn là lời nói, về sự đàn áp, kỳ thị và khổ đau ở Việt Nam. Họ dùng chính thân
thể họ làm ngọn đuốc để cố gắng kêu gọi sự ý thức về tình trạng đau khổ này.
Nếu chúng ta không có
tự do, nếu chúng ta xem thân thể này là mình, nếu chúng ta nghĩ rằng khi thân
thể này tàn hoại thì mình cũng không còn tồn tại nữa thì chúng ta sẽ không thể
thực hiện được những hành động như vậy. Chỉ khi nào chúng ta có tự do và có thể
nhìn thấy mình dưới nhiều hình thức khác, chứ không chỉ giới hạn trong thân thể
này, thì chúng ta mới có đủ can đảm và tuệ giác để hiến tặng thân mình như một
ngọn đuốc sống.
Vị tu sĩ đầu tiên tự
thiêu vào năm 1963 là hòa thượng Thích Quảng Đức. Tôi đã có dịp biết thầy. Thầy
là một người rất dễ thương. Khi còn là một tu sĩ trẻ, tôi đã ở tại chùa của thầy
trong Sài Gòn. Vào thời đó, tôi là biên tập viên của một tạp chí Phật giáo và
đang nghiên cứu về những truyền thống tâm linh khác. Chùa của thầy có một bộ
sưu tập tất cả những tạp chí mà tôi cần sử dụng cho việc nghiên cứu.
Hòa thượng Thích Quảng
Đức đã viết những lá thư đầy từ bi để thúc đẩy Tổng thống (miền Nam) Việt Nam
ngừng việc ngược đãi Phật tử. Ngài là một phần tử trong phong trào bất bạo động
mà các vị tu sĩ và cư sĩ tổ chức để đối phó với sự gia tăng đổ máu do chính quyền
gây ra. Một ngày kia, hòa thượng Thích Quảng Đức tự mình lái chiếc xe hơi cũ đến
một ngã tư Sài Gòn. Ngài bước xuống xe, tẩm xăng lên khắp người, ngồi xuống rất
đẹp trong tư thế hoa sen rồi đánh một que diêm để châm vào người. 5 giờ đồng hồ
sau, hình ảnh Ngài ngồi chìm trong ngọn lửa giữa ngã tư đường đã được đưa lên
khắp thế giới, và người ta bắt đầu biết về những đau khổ của người dân Việt
Nam. Một hoặc hai tháng sau, chính quyền sụp đổ bởi một đòn quân sự, kết thúc
chính sách kỳ thị và đàn áp tôn giáo.
Tôi biết tin về cái
chết của hòa thượng Thích Quảng Đức qua tờ báo New York Times. Khi đó, tôi đang
dạy ở trường đại học Columbia, New York, về tâm lý học Phật giáo. Nhiều người
đã đặt câu hỏi: “Đó có phải là một hành động phạm giới tự sát không?” Tôi đã viết
cho ngài Martin Lutter King một lá thư chia sẻ rằng đây không thực sự là hành động
tự sát. Khi bạn muốn tự sát, bạn sẽ rất tuyệt vọng, bạn không còn muốn sống nữa.
Nhưng Ngài Thích Quảng Đức thì không phải như vậy. Ngài rất muốn sống. Ngài muốn
những bạn bè và những người khác được sống. Ngài rất thương những loài hữu
tình.
Thế nhưng, Ngài có đủ
tự do để hiến tặng thân thể mình nhằm truyền đi một thông điệp: “Chúng tôi đang
đau khổ và chúng tôi cần được giúp đỡ.” Với lòng từ bi bao la, Ngài đã có thể
ngồi yên trong lửa, trong một trạng thái định toàn hảo. Tôi đã chia sẻ với tiến
sỹ. King rằng khi đức Chúa chết trên cây thập giá, Ngài cũng đã lựa chọn để chết
vì lợi ích của những người khác, vì mong muốn giúp đỡ chứ không phải vì tuyệt vọng.
Đó đúng là những gì mà Ngài Thích Quảng Đức muốn làm. Ngài thực hiện hành động
này không phải vì tuyệt vọng mà vì hy vọng và thương yêu; sử dụng thân thể mình
để làm thay đổi một tình trạng tuyệt vọng.
Tự thiêu như vậy là một
hành động hiến tặng. Những gì mà Ngài Thích Quảng Đức và Bồ tát Dược Vương muốn
hiến tặng trong hành động tự thiêu không chỉ là thân thể, mà còn là quyết tâm mạnh
mẽ giúp đỡ những người khác. Quyết tâm xuất chúng này là nền tảng của hành động
gây chấn động, chuyển tải thành công một thông điệp không thể quên được và truyền
trao tuệ giác của họ đi khắp nơi một cách kín đáo.
Tôi kể câu chuyện này
không phải vì tôi nghĩ bạn nên làm một cái gì đó mạnh mẽ và quyết liệt như vậy,
mà chỉ đơn giản là để minh họa cho sức mạnh của hành động im lặng. Tất cả chúng
ta đều muốn thay đổi một số việc hay thuyết phục ai về một điều gì đó. Nếu bạn
có một vài vấn đề nhỏ ở nơi làm việc hay trong một mối quan hệ mà bạn muốn thay
đổi, và bạn đã cố gắng nói về nó nhưng không có kết quả, thì hãy xem thử có thể
bạn tìm thấy sức mạnh trong hành động không lời.
Thực Tập: Trị Liệu
Nếu đời sống hàng ngày
của ta đầy ắp tiếng ồn, vội vã, hoang mang thì chúng ta sẽ dễ dàng đánh mất ý
thức về những yếu tố lành mạnh, nâng đỡ chung quanh như không khí tươi mát, ánh
nắng mặt trời hoặc những loài cây cối.
Bài tập sau đây có thể
được thực tập bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Ta chỉ cần có một nơi thoải mái để
ngồi thở, thư giãn và mỉm cười. Một nụ cười nhẹ nhàng có thể làm buông thư tất
cả những cơ mặt và đem đến sự dễ chịu cho thân tâm. Vì vậy, không chỉ nói “mỉm
cười” mà hãy thực sự mỉm cười đi. Ta cũng có thể tự làm những bài thơ ngắn nuôi
dưỡng mình.
Ta có thể tự làm mới
mình bằng cách tiếp xúc với những yếu tố nuôi dưỡng và trị liệu quanh ta. Ta
cũng có thể mang những hình ảnh đẹp đẽ, tươi mát trong tàng thức lên để nuôi
mình. Ví dụ như khi đứng giữa một thành phố bận rộn, ta có thể nhớ lại những
hình ảnh trên núi hoặc ở biển.
Thở vào, tôi ý thức về không khí.
Thở ra, tôi tận hưởng không khí.
(Ý thức về không khí/ Tận hưởng)
Thở vào, tôi ý thức về mặt trời.
Thở ra, tôi mỉm cười với mặt trời.
(Ý thức về mặt trời/Mỉm cười)
Thở vào, tôi ý thức về những cây xanh.
Thở ra, tôi mỉm cười với những cây xanh.
(Ý thức về cây xanh/Mỉm cười)
Thở vào, tôi ý thức về các em bé.
Thở ra, tôi mỉm cười với các em bé.
(Ý thức về các em bé/Mỉm cười)
Thở vào, tôi ý thức về không khí miền đồng quê.
Thở ra, tôi mỉm cười với không khí miền đồng quê.
(Không khí miền đồng quê/Mỉm cười)
Chúng ta thường vội
vàng hấp tấp khi ăn, thậm chí có khi còn không có thời giờ để ngồi xuống ăn. Nếu
ta đang ở trong tình trạng này, thì hãy tặng cho mình một cơ hội để ngồi xuống
ăn đàng hoàng như một con người thực sự mà không phải là một người máy đang chạy.
Trước khi ăn, hãy ngồi yên một chút, cảm nhận trọng lượng cơ thể mình (trên ghế
hoặc trên sàn nhà) để tâm tư lắng dịu lại, quán niệm về thức ăn và nguồn gốc của
chúng. Đất mẹ, mặt trời, cơn mưa, công phu lao tác và rất nhiều điều kiện hỗ trợ
khác đã tập hợp lại để chúng ta có được bữa ăn hôm nay. Ý thức là ta thật may mắn
có được thức ăn này trong khi rất nhiều người còn đang đói khổ thiếu thốn.
Khi ngồi ăn với những
người khác, hãy đưa ý thức trở về với thức ăn và những người mà ta đang ngồi
chung. Đó có thể là một cơ hội thú vị để ngồi với nhau như một cộng đồng thực sự.
Thở vào, tôi ý thức về thức ăn trong đĩa của tôi.
Thở ra, tôi cảm thấy may mắn khi có thức ăn này.
(Ý thức về thức ăn/May mắn)
Thở vào, tôi ý thức những cánh đồng lúa.
Thở ra, tôi mỉm cười với những cánh đồng lúa.
(Ý thức về cánh đồng lúa/ Mỉm cười)
Thở vào, tôi ý thức về rất nhiều điều kiện đã mang thức ăn này lại
cho tôi.
Thở ra, tôi cảm thấy biết ơn.
(Ý thức về những điều kiện/Biết ơn)
Thở vào, tôi ý thức về những người đang cùng ngồi ăn với tôi.
Thở ra, tôi cảm thấy biết ơn sự có mặt của họ.
(Ngồi ăn chung/ Biết ơn)
Xem Tiếp Chương 4 – Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá