Read more
Nhất Hạnh Tăng Thân by
Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Hỏi Đáp Từ Trái Tim
Trả Lời Cho Những Câu Hỏi Khẩn Thiết Trong Đời Sống
Chương 4. Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời
56. Đạo Bụt và vấn đề tranh đấu cho hòa bình
Câu hỏi: Liên hệ của đạo Bụt đối với vấn đề công bằng xã hội,
hòa bình, và tranh đấu cho hòa bình là như thế nào?
Chúng tôi đã khởi xướng
một phong trào mà chúng tôi gọi là “Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời” (Đạo Phật Nhập Thế).
Chúng tôi muốn đưa đạo Phật vào khắp các sinh hoạt của đời sống – không những
chỉ trong các chùa mà cả trong xã hội, trường học, gia đình, nơi làm việc, cho
đến cả các sinh hoạt chính trị và quân sự. Hiểu và Thương phải có mặt ở khắp
nơi.
Có nhiều người trong
chúng ta muốn phục vụ cho hòa bình nhưng lại không có hòa bình trong tự thân.
Chúng ta kêu gào trong phẫn nộ cho hòa bình, thậm chí ngay cả những nhóm tranh
đấu cho hòa bình cũng xung đột mâu thuẫn lẫn nhau. Nếu tâm chúng ta không có
bình an thì không thể nào có hòa điệu giữa những người đang hoạt động cho hòa
bình được. Và nếu không có hòa hợp thì không có hi vọng. Nếu chúng ta chia rẽ,
nếu chúng ta buồn chán thì chúng ta không thể phụng sự, chúng ta không làm được
gì hết. Hòa bình phải bắt đầu từ chính chúng ta, từ sự thực tập ngồi yên, từ những
bước chân chánh niệm, từ sự chăm sóc cho bản thân, và buông thư những căng thẳng
đang có trong thân tâm. Vì vậy, thực tập để có được tâm bình an, thảnh thơi là
nền tảng của thực tập xây dựng hòa bình. Tâm bình an, thảnh thơi phải có trước
đã và phục vụ cho hòa bình bắt nguồn từ nền tảng đó.
Giây phút khi ta ngồi
xuống và thở vào một hơi để cho thân tâm lắng dịu thì hòa bình đang trở thành sự
thực. Thở hơi thở như thế chẳng khác gì là dâng lời cầu nguyện. Khi tâm bình an
thì ta có thể thiết lập được liên hệ với người khác và có thể giúp người khác
cũng có bình an. Cùng với nhau ta tạo thành một tập thể hòa bình, một tăng thân
hòa bình. Sự thực tập có khả năng đem lại cho ta sự bình an ngay lập tức. Và
khi tâm ta bình an hơn, ta dễ thương hơn, thì ta sẽ thành công hơn khi liên hệ
với những người khác để mời họ cùng tham gia công tác xây dựng hòa bình. Khi
tâm ta có bình an thì khi nói, khi nhìn, khi phản ứng ta luôn biểu lộ sự hòa
bình, và ta có thể thuyết phục những người khác hợp tác với ta trong việc xây dựng
hòa bình, hòa giải.
Không thể có hòa bình
bằng cách chỉ ngồi lại với nhau rồi bàn bạc và sắp đặt kế hoạch. Phải học thở,
học lắng dịu thân tâm, và có khả năng giúp người khác cùng thực tập. Nếu trong
ta và trong người kia không có gì gọi là bình an thì tất cả những hoạt động của
ta không thể xem là những hoạt động cho hòa bình một cách đúng nghĩa.
Chúng ta phải thực tập
hòa bình ở nơi làm, ở nơi ở và trong trường học. Thầy cô giáo phải thực tập sống
cho có hòa hợp, an lạc và dạy cho học trò của mình làm được như thế. Tổng thống
của một quốc gia, hoặc vị lãnh đạo của một đảng chính trị phải thực tập sống
hòa bình, phải luôn cầu nguyện cho hòa bình trước khi mời những nhà lãnh đạo
chính trị khác cùng góp phần xây dựng. Lý tưởng nhất là một hội nghị hòa bình
nên bắt đầu bằng thiền hành và thiền tọa. Hoặc là có một người hướng dẫn buông
thư toàn thân để cho thân tâm không còn căng thẳng, buồn giận, lo sợ. Đó là đưa
phẩm chất tâm linh vào đời sống chính trị, xã hội. Đó chính là đạo Phật đi vào
cuộc đời.
57. Hăng say nhưng dễ chán nản
Câu hỏi: Nhiều người hoạt động hăng say cho hòa bình nhưng rồi
chán nản vì thấy không có tiến bộ. Làm thế nào để tránh tình trạng kiệt quệ?
Chúng ta phải biết giới
hạn của mình. Phải tổ chức đời sống sao cho chúng ta luôn được nuôi dưỡng và trị
liệu. Giải pháp nằm ngay trong cộng đồng của chúng ta. Nếu làm việc cùng với một
cộng đồng có tu tập, một tăng thân, thì chúng ta sẽ được năng lượng của tăng
thân yểm trợ. Khi cảm thấy mệt mỏi vì phải cố gắng thì nên nhờ những anh chị
khác trong nhóm giúp vào một tay để mình có thì giờ nghỉ ngơi, phục hồi sức lực
rồi sau đó sẽ tiếp tục. Phải có can đảm từ chối, nếu không ta sẽ nhanh chóng
đánh mất mình và điều đó sẽ không làm lợi lạc cho ai cả. Học cách từ chối không
phải dễ, nhưng không phải là không làm được. Phải phục vụ như thế nào để không
tự hủy hoại mình. Các bác sĩ, y tá, những chuyên gia tâm lý trị liệu, thầy cô
giáo đều phải làm như thế, phải bảo tồn sức lực để có thể phục vụ lâu dài và
giúp ích cho người khác. Gìn giữ sức lực của mình là gìn giữ cơ hội để phụng sự.
Vậy thì câu trả lời là chăm sóc, gìn giữ cho bản thân và gìn giữ tâm từ bi. Điều
này có thể thực hiện được một cách dễ dàng trong một tăng thân có tu tập.
58. Cứu nguy Đất Mẹ
Câu hỏi: Khí quyển Trái đất đang bị hâm nóng, các loài động vật
đang có nguy cơ bị tiêu diệt, sông, biển bị ô nhiễm. Là Phật tử, chúng ta phải
làm gì để cứu nguy Đất Mẹ?
Lần đầu tiên khi các
phi hành gia gửi về hình ảnh của Trái đất được chụp từ trong không gian đã làm
cho hàng triệu người xúc động khi nhìn thấy quê hương của nhân loại, một hành
tinh xanh sống động trong vũ trụ, phì nhiêu, đẹp đẽ, một cõi tịnh độ đích thực,
một thiên đường đích thực. Ấy vậy mà loài người chúng ta đã không biết trân quý
và bảo vệ, trái lại còn đang hủy diệt Đất Mẹ. Vì thế mà chúng ta cần đến Bụt.
Bụt không phải là thần thánh, Bụt là một người tỉnh thức, một người thấy rõ những gì đang xảy ra. Bụt cũng chính là chúng ta. Vậy thì thực tập giáo lý đạo Bụt để giúp ta và những người xung quanh ta tỉnh ngộ ra rằng chúng ta đang có một hành tinh rất đẹp cần bảo vệ. Cho nên giác ngộ, tỉnh thức là rất quan trọng. Mỗi người trong chúng ta đều có hạt giống của sự tỉnh thức, và vì vậy chúng ta còn hy vọng. Nhờ sự tỉnh thức của cả tập thể mà mọi việc có thể được giải quyết và tiến hành một cách nhanh chóng. Vì vậy, mọi hoạt động mà chúng ta cần làm là phải nhắm tới việc thể hiện sự tỉnh thức tập thể.
Sự tu tập không còn
là vấn đề cá nhân mà phải là sự thực tập tập thể. Thầy cô giáo phải thực tập
chung với đồng nghiệp của mình và học trò. Các chuyên gia tâm lý trị liệu phải
thực tập với bệnh nhân và đồng nghiệp. Các nhà làm phim phải sản xuất các bộ
phim có tác dụng khơi dậy sự tỉnh thức. Các nhà báo phải viết những bài báo
giúp cho người khác tỉnh thức. Tất cả mọi người ai cũng phải tham gia cổ vũ quảng
bá sự tỉnh thức. Tỉnh thức là nền tảng của tất cả mọi sự thay đổi.
Để cho Phật, Pháp hiển
lộ ta phải xây dựng tăng thân, đoàn thể của những người thực tập tỉnh thức.
Tăng thân là nơi để ta nương tựa. Nương tựa Tăng thân là nương tựa Phật, nương
tựa Pháp, và khi nương tựa tăng thân chúng ta sẽ cảm thấy được an toàn. Khi
chúng ta có chánh niệm, có chú tâm, có tỉnh thức thì chúng ta là Phật, và tăng
thân chúng ta là Phật. Đó là điều mà chúng ta phải thấy. Nếu thấy rõ sự thật ấy
thì chúng ta không bao giờ tuyệt vọng. Tuyệt vọng là thảm họa. Tập thể tỉnh thức
là hy vọng của chúng ta, là hy vọng của hành tinh chúng ta. Và tập thể tỉnh thức
là một việc hoàn toàn có thể thực hiện.
59. Dùng võ lực để tự bảo vệ?
Câu hỏi: Chúng ta phải làm gì khi có người hành hung? Ta có thể
dùng võ lực để tự bảo vệ hay không? Một quốc gia có thể dùng võ lực để tự bảo vệ
hay không?
Có nhiều việc chúng
ta có thể làm để tránh không bị xâm hại, về thể xác cũng như về tinh thần. Điều
đó tùy thuộc vào cách sống hằng ngày của chúng ta. Chúng ta học sống như thế
nào để không ai muốn xâm hại ta. Khi biết sống sao cho có tình huynh đệ, có
thương yêu thì chúng ta sẽ được năng lượng hiểu biết và thương yêu che chở. Nếu
sống có hiểu biết, có thương yêu thì ta sẽ có nhiều bạn bè bảo vệ cho ta. Đây
là sự thực tập căn bản. Vì vậy không nên chờ đến lúc bị xâm hại mới học cách đối
phó và tự vệ.
Khi còn là một thanh
niên trẻ, Bụt rất giỏi võ nghệ. Với tài năng của mình, Bụt có thể đối phó khi bị
tấn công. Chúng ta cũng có thể tập khí công hay các phương pháp bất bạo động để
tự bảo vệ. Chúng ta ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc như thế nào để giữ gìn sức khỏe
và tăng cường sức chịu đựng. Chúng ta nuôi dưỡng chánh niệm, định lực và lòng từ
bi. Mỗi khi có nguy cơ bị xâm hại, Bụt dùng chánh niệm, định lực, và lòng từ bi
để khuất phục đối phương mà không cần phải sử dụng đến võ nghệ.
Sự thiếu hiểu biết sẽ
đưa đến sợ hãi và giận dữ, khiến cho ta nghĩ ngay đến súng ống, vũ khí là giải
pháp duy nhất. Thế nhưng có rất nhiều phương cách bất bạo động để bảo vệ quốc
gia cũng như bảo vệ chính chúng ta. Võ lực là giải pháp cuối cùng. Khi một quốc
gia có đoàn kết, khi có một vị lãnh đạo sáng suốt biết đối thoại và lắng nghe
sâu thì quốc gia đó có nhiều đồng minh và không cần phải sử dụng đến quân đội
nhiều. Thay vào đó quân đội sẽ có thì giờ để sửa đường, xây cầu và giúp dân.
60. Giúp các nhà lãnh đạo
Câu hỏi: Làm thế nào để giúp cho các nhà lãnh đạo trở nên tốt
hơn?
Các nhà lãnh đạo đều
có trong họ những hạt giống tích cực cũng như tiêu cực. Họ có thể có những người
phụ tá không biết cách tưới tẩm những hạt giống tích cực mà chỉ tưới tẩm những
hạt giống của sự sợ hãi, giận dữ, bạo động, và tham lam. Vì vậy, chúng ta phải
tìm cách gần gũi các nhà lãnh đạo để giúp đỡ họ. Phản đối là một cách giúp
nhưng cần phải khôn khéo để chứng tỏ việc phản đối đó là do tình thương chứ
không phải do thù hận.
Các nhà lãnh đạo
chính trị cũng như kinh doanh có rất nhiều năng lượng và muốn hoàn thành ý muốn
của mình. Những ý muốn của họ có thể là rất lành mạnh. Ví dụ như ý muốn chấm dứt
tình trạng ô nhiễm, chấm dứt bất công xã hội, khôi phục hòa bình, cải tạo thế
giới. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không có ý muốn có quyền lực, thành
công và danh tiếng. Như vậy trong các nhà lãnh đạo thường nhiều ý muốn trái nghịch
nhau. Chúng ta có thể giúp họ ý thức hơn về những sở nguyện của họ và chuyển hướng
những sở nguyện của họ sao cho hài hòa. Phương pháp là giúp họ hiểu rõ bản thân
họ.
Các nhà lãnh đạo thường
tin rằng họ biết chính mình, biết thế giới xung quanh, và tất cả những điều họ
phải làm là hành động. Thật ra, không ai trong chúng ta hiểu được mình một cách
toàn vẹn. Không ai trong chúng ta có thể hiểu thế giới một cách toàn vẹn. Một
hành giả cần phải đủ khiêm tốn để nhận ra rằng mình còn cần tìm hiểu thêm về
chính mình, tìm hiểu thêm về những khổ đau cũng như tình trạng chung của thế giới.
Chúng ta có thể giúp
các nhà lãnh đạo bằng khả năng lắng nghe và dùng lời ái ngữ để giúp họ hiểu
thêm về bản thân họ và hiểu thêm về tình hình thế giới. Khi họ hành động, ta
mong rằng họ sẽ hành động trong tinh thần của một tăng thân và có khả năng sử dụng
tuệ giác của tập thể.
Khả năng thực tập lắng
nghe mình, hiểu mình sâu sắc, lắng nghe thế giới và những khổ đau của nhân loại
thì đều như nhau, dầu ta là một cá nhân, hay một nhà lãnh đạo chính trị hay một
giám đốc kinh doanh. Có nhiều giám đốc kinh doanh muốn làm những việc tốt, muốn
sử dụng công ty của mình để hỗ trợ công bằng xã hội và làm cho đời sống xã hội
được lành mạnh, nhưng họ gặp rất nhiều khó khăn. Vài người đã phải thỏa hiệp vì
nếu không họ có thể bị mất chức hay mất việc. Những nhà lãnh đạo cũng có những
khó khăn của riêng họ. Chúng ta không nên trách cứ họ vì những rắc rối trên thế
giới. Chúng ta phải hiểu họ trước khi chúng ta có thể giúp họ. Có nhiều cách để
tiếp cận các nhà lãnh đạo chính trị. Tất cả chúng ta – những người thợ mộc, thợ
máy, nhà báo, nhà văn, đạo diễn phim ảnh, thầy giáo, các bậc cha mẹ, luật sư, y
tá – đều có thể viết thư, gọi điện thoại… Chúng ta có thể trình bày ý kiến của
mình như thế nào để đánh động ý thức cảnh giác và giúp chuyển đổi tâm thức cộng
đồng. Đây là nền tảng cho sự chuyển đổi cách suy nghĩ của chúng ta, giúp cho tất
cả thấy rõ sự việc một cách sâu sắc và rõ ràng hơn. Ai cũng có thể làm được việc
đó trong đời sống hằng ngày. Nhờ vậy mà ta có thể đóng góp vào sự thức tỉnh của
thế giới. Các nhà lãnh đạo chính trị cũng như doanh nghiệp sẽ được lợi lạc.
Chúng ta có thể ảnh hưởng đến họ. Nhưng trước khi ảnh hưởng họ, ta phải soi
sáng cho chính ta.
61. Mục sư Martin Luther King, Jr.
Câu hỏi: Mục sư Martin Luther King, Jr. là một nhà lãnh đạo có
khả năng và hiểu biết để có thể chuyển đổi thế giới, đem lại hòa bình và hợp
tác. Liệu chúng ta có thể có một vị lãnh đạo như thế nữa hay không?
Mục sư Martin Luther
King, Jr. vẫn còn đó, vẫn đang có mặt trong mỗi người chúng ta. Nghĩa là luôn
luôn có sự tiếp nối. Nhưng chúng ta phải để tâm lắm mới có thể nhận ra và góp
phần hỗ trợ, giúp đỡ họ. Nhiều khi chúng ta cứ tưởng rằng chúng ta cần phải có
một vị lãnh đạo chỉ đường, dẫn dắt chúng ta, như Đức Phật, Thánh Gandhi, hay
Martin Luther King, Jr. Nhưng thật ra trong ta đã có Bụt, trong ta đã có Thánh
Gandhi, có Martin Luther King, Jr. Giữa chúng ta có sự liên hệ với nhau. Vì vậy
mà chúng ta không cần phải chờ một ai khác thực hiện những điều mà chúng ta rất
muốn thay đổi cho thế giới.
Một trong những cách
chúng ta có thể làm là giúp cho những người giàu và người nhiều quyền lực có thể
có hạnh phúc thực sự. Có nhiều người tuy có quyền lực, có nhiều tiền nhưng họ lại
rất đau khổ. Họ tin rằng nếu không có quyền lực, không có tiền bạc thì không thể
có hạnh phúc. Cách tư duy như thế chính là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh và sự
bất công trong xã hội. Nếu chúng ta có khả năng giúp cho những người đó nếm được
hương vị của hạnh phúc thực sự thì họ có thể thay đổi cách tư duy của họ. Tuy
nhiên, để chuyển đổi đường lối suy tư của họ mà chỉ nói suông thì không được.
Ta phải làm một điều gì khác nữa. Ta phải chứng tỏ là ta thực sự có hạnh phúc mặc
dù ta không có nhiều tiền bạc và quyền lực. Theo lời Bụt dạy, tất cả mọi người
đều có hạt giống giác ngộ. Nếu chúng ta có thể khơi dậy hạt giống giác ngộ
trong những người đó thì họ sẽ buông bỏ cách tư duy cũ và hết lòng phụng sự cho
lý tưởng hòa bình. Bằng cách đó ta có thể giúp tiếp nối sự nghiệp của mục sư
Martin Luther King, Jr. trên khắp thế giới.
62. Dung hòa công lý và từ bi
Câu hỏi: Là một thẩm phán xử án, làm thế nào để tôi có thể dung
hòa công lý và từ bi?
Công lý đích thực thì
phải có từ bi. Một người phạm pháp gây nên tai hại không chỉ cho nạn nhân mà
cho cả chính anh ta. Ai cũng biết rằng khi nói một điều gì thiếu khôn khéo, một
điều mà gây hại cho liên hệ tình cảm giữa hai bên thì chính mình cũng bị đau khổ.
Vì ta thiếu khôn khéo, thiếu chánh niệm, và thiếu từ bi cho nên ta đau khổ và
làm cho người khác cũng đau khổ. Có thể là ngay lúc đó ta không cảm thấy đau khổ
nhưng về sau ta sẽ đau khổ. Nguyên nhân chính của hành động tai hại này là do u
mê (vô minh) và thiếu khôn khéo.
Nếu ta biết cách nhìn
sâu vào một người mà ta gọi là phạm nhân ta sẽ phát sinh lòng thương. Xã hội đã
tạo nên một con người như thế. Anh ta đã sanh ra trong một hoàn cảnh mà những
điều kiện xã hội, cha mẹ, và nhiều ảnh hưởng khác đã tạo nên tánh nết của anh
ta và khiến anh ta hành xử như thế. Anh ta thực sự là một nạn nhân của hoàn cảnh.
Anh ta được sinh ra đời và từ khi sinh ra đã là nạn nhân. Không ai giúp đỡ anh
ta – những nhà giáo dục, những nhà lập pháp, những chính trị gia, những doanh
nhân, những nhà hoạt động nhân quyền, không ai giúp anh ta vì vậy mà anh ta nên
nông nỗi. Người ta xử tử anh ta và cho đó là công bằng. Nhưng tôi thì cho đó là
thiếu công bằng vì có ai giúp anh ta bao giờ đâu. Phần lớn chúng ta là sản phẩm
của xã hội và môi trường sinh sống. Nếu thấy được như thế, nếu nhận ra được
tính tương tức của hành động phạm pháp thì ta sẽ khởi được tâm từ bi, và sẽ nhẹ
tay trong việc trừng phạt. Nhìn sâu sẽ giúp cho ta hiểu và thương. Nhờ có hiểu
biết và lòng từ bi mà ta có thể hiến tặng một luật pháp chứa đựng sự công bằng,
kiên nhẫn, và bao dung. Không những chúng ta phối hợp công bằng và từ bi mà
chúng ta còn chứng tỏ được rằng công bằng đích thực thì phải có từ bi và hiểu
biết.
63. Đạo Phật và án tử hình
Câu hỏi: Quan điểm của đạo Phật về án tử hình như thế nào? Giả sử
có người giết chết mười em bé, tại sao lại để cho anh ta được sống?
Mười mạng người đã bị
giết, tại sao ta lại muốn giết thêm người thứ mười một? Một người giết chết mười
đứa trẻ thì đó là một kẻ bệnh hoạn. Nếu giết anh ta thì sẽ không giúp được gì
cho anh ta mà cũng chẳng giúp ích gì cho chúng ta. Khi có nhiều người như anh
ta trong xã hội, nếu quán chiếu cho sâu sắc ta sẽ thấy có gì sai trái trong xã
hội cho nên mới có những kẻ sát nhân như vậy. Bằng cái nhìn tương tức ta có thể
thấy những yếu tố đã tạo ra một người như anh ta. Từ đó mà chúng ta có nhiều cảm
thông hơn. Ta thấy rằng anh ta cần được giúp đỡ chứ không phải chỉ đáng bị trừng
phạt. Cố nhiên anh ta phải bị bắt giam vì sự an toàn cho xã hội, nhưng đó không
phải là việc duy nhất mà ta có thể làm.
Nhiều quyển sách dạy
thiền tập, những tạp chí Phật giáo, thậm chí các buổi pháp thoại cũng đã được tổ
chức trong tù, và nhiều tù nhân đã bắt đầu thực tập đạo Bụt. Một số tù nhân đã
học được cách sống bình an, ngay cả ở trong tù. Tôi có nhận được nhiều bức thư
của các tù nhân sau khi đã đọc sách của tôi. Một tù nhân đã viết: “Khi nhìn các
bạn tù chạy lên chạy xuống cầu thang, tôi có thể thấy họ đang đau khổ không
yên. Tôi hy vọng họ có thể làm như tôi là đi lên đi xuống cầu thang trong chánh
niệm và theo dõi hơi thở. Khi thực tập như thế tôi cảm thấy bình an và có thể
thấy rất rõ nỗi khổ đau của các tù nhân khác.” Người tù đó đã có thể khởi lên
tâm từ bi.
Vì thế trừng phạt
không phải là giải pháp duy nhất. Chuyển hóa và trị liệu vẫn có thể có được
ngay cả trong những trường hợp khó khăn như vậy. Giết một người nào đó chỉ biểu
lộ sự yếu đuối của chính chúng ta mà thôi, vì chúng ta không biết làm gì khác
hơn. Giết người là một tiếng kêu tuyệt vọng. Nhưng chúng ta có thể cùng nhau thực
tập nhìn sâu để tìm ra một phương thức tốt hơn án tử hình.
64. Làm việc tại một hãng sản xuất chất độc
Câu hỏi: Giả sử tôi đang làm việc tại một hãng sản xuất chất độc,
một công ty bán những sản phẩm gây hại hay một tổ chức gây xung đột trong quần
chúng. Làm thế nào để tôi có thể vừa giúp người khác vừa tiếp tục làm việc tại
các nơi đó? Tôi có nên bỏ việc hay không?
Một ngày kia có một
người lái một chiếc xe hơi sang trọng đến gặp tôi. Ông ta nói rằng ông đang phụ
trách thiết kế đầu đạn hỏa tiễn mang bom nguyên tử. Tâm trí ông ta rất bất an
vì phải làm công việc tàn hoại ấy. Ông ta hỏi tôi rằng ông ta có nên thôi việc
đó hay không? Sau khi suy nghĩ, tôi khuyên ông ấy có thể tiếp tục công việc của
mình nhưng làm việc với chánh niệm. Mặc dù công việc của ông ấy mang tính chất
tàn hoại, nhưng ông ta là một kỹ sư có lương tâm. Ông ta biết mình đang làm gì.
Thế giới cần những người có chánh niệm làm những việc như ông ấy đang làm. Nếu
ông ấy từ chức thì sẽ có một người khác thay thế ông mà không có chánh niệm và
khi đó tình trạng sẽ tồi tệ hơn nhiều.
Những người làm các
công việc đòi hỏi nhiều nỗ lực như: xây cất, cảnh sát, bác sĩ phòng cấp cứu,
cũng như tất cả chúng ta, đều có thể thực tập chánh niệm, thậm chí trở thành
người hướng dẫn thực tập chánh niệm. Vị luật sư có thể thực tập nhìn sâu với hiểu
biết, thương yêu, đồng thời giúp cho thân chủ của mình nhìn sâu để có thể chuyển
hóa và trị liệu. Lẽ tất nhiên luật sư phải bào chữa cho khách hàng của mình trước
tòa, nhưng ông ta cũng có thể nói lên tiếng nói của lòng mình. Ông ta có thể
nói cho khách hàng của mình những gì ông biết từ đối phương để giúp khách hàng
hiểu được quan điểm của đối phương. Khi một vị luật sư trần tình trước tòa ông
ta có thể tưới tẩm hiểu biết và thương yêu trong lòng mọi người kể cả quan tòa.
Đây là một điều rất quan trọng. Cách hành xử như thế sẽ được nhiều người biết đến
và tán thưởng.
Một chính trị gia có
chánh niệm sẽ hành xử theo lương tâm và tuệ giác độc lập của mình. Ông ta có thể
bỏ phiếu trong chánh niệm. Lòng chân thành và thiện chí của ông sẽ được những
người đồng chí hướng với ông cảm thông và được dân ủng hộ. Vì vậy, áp dụng sự
tu tập, thể hiện được phẩm chất tâm linh vào công việc là rất quan trọng. Chúng
ta cần những người như thế trong xã hội.
Để thành một người
hoàn toàn giác ngộ, một vị Bụt, chúng ta phải tu tập. Vì vậy, Năm sự thực tập
chánh niệm (Năm giới) là rất cần thiết, vì chúng ta là những người chưa giác ngộ.
Chúng ta không cần phải giữ Năm giới một cách toàn hảo. Tiến từng bước đúng hướng
tu tập là tốt rồi. Vấn đề không phải là luôn luôn hành động một cách toàn hảo
mà là luôn luôn tinh tấn, tiến bộ trên đường tu tập. Nếu trong trường hợp công
việc buộc ta phải sống đời sống ngược với tinh thần của Năm giới thì ta nên
nuôi hy vọng là một ngày nào đó ta sẽ thoát ra khỏi hoàn cảnh hiện tại và tìm
được một nghề không gây hại cho loài người hay thiên nhiên. Trong khi đó, có
nhiều việc mà ta có thể làm như thảo luận với đồng nghiệp của mình hoặc ta có
thể giáo dục những người khác. Có được một nghề nghiệp tốt là rất quan trọng.
Nhưng sống chân thật, hiền hòa, sống theo con đường tâm linh còn quan trọng
hơn. Ta có thể chọn một việc làm khác nhẹ nhàng ít áp lực hơn để giúp ta sống
đơn giản mà hạnh phúc. Điều quan trọng là không nên nhân nhượng một khi ta đã
quyết tâm thực tập chánh niệm, sống với sự hiểu biết và tình thương yêu.
65. Thử nghiệm y dược trên thú vật
Câu hỏi: Tôi rất thương động vật và tôi ăn chay. Nhưng tôi là
chuyên viên dùng thú vật để kiểm soát tác dụng an toàn của thuốc trên con người.
Làm sao tôi có thể giải tỏa xung đột trong lòng vì phải làm những việc ấy?
Nếu thú vật biết tổ
chức một cuộc biểu tình thì chắc là chúng sẽ kéo nhau đến phản đối trước phòng
thí nghiệm. Chúng ta ở trong thế mạnh nên chúng ta đã dùng chúng để tìm cách cải
thiện đời sống con người. Anh đã dùng thú vật vì lợi ích cho loài người. Anh đại
diện cho tất cả chúng tôi. Anh nhân danh chúng tôi mà làm. Chúng tôi cùng với
anh liên đới chịu trách nhiệm. Chúng tôi cùng đau khổ với anh trong việc anh
làm. Và chúng tôi đang tìm cách để giảm bớt khổ đau của các loài vật, cây cỏ và
đất đá. Điều mà ta có thể làm là nói cho mọi người cùng biết những gì đang xảy
ra, bởi vì nhiều người trong chúng ta không biết gì cả. Chúng ta đã không quan
tâm đủ. Chúng ta không biết rằng các thú vật đã bị đau đớn biết dường nào. Anh
là ngọn lửa trên đầu ngọn nến. Hãy nói cho mọi người biết đến sự đau đớn của
các con vật ấy để chúng tôi cùng với anh chia sẻ trách nhiệm. Như thế anh có thể
cảm thấy đang được nâng đỡ trong quyết tâm sống đời sống sâu sắc và chánh niệm.
Và cùng với anh, tất cả chúng ta thực tập quán chiếu sâu sắc để có tuệ giác tìm
ra được phương pháp làm giảm thiểu tối đa sự đau đớn cho thú vật. Anh hãy tiếp
tục công việc anh đang làm, nhưng tiếp tục với chánh niệm. Tôi tin rằng anh sẽ
phát huy tuệ giác, và với tuệ giác đó sẽ giúp anh cải thiện công việc như thế
nào đó để cho các thú vật cũng được lợi ích. Hãy làm bằng tâm từ bi mà đừng làm
việc vô tâm như cái máy. Là một con người, hãy nuôi dưỡng và gìn giữ mãi tâm từ
bi. Hãy sống cho có chánh niệm và giúp cho mọi người cùng sống trong chánh niệm.
Anh đang vì tất cả chúng tôi mà làm công việc đó, và chúng tôi cùng chịu trách
nhiệm với anh về tất cả những việc mà anh đang làm.
66. Nghệ sĩ có thể đóng góp được gì?
Câu hỏi: Trong thời đại chiến tranh và tuyệt vọng này, các nghệ
sĩ như chúng tôi có thể đóng góp được gì để giúp đời?
Bằng nếp sống, bằng
những tác phẩm nghệ thuật của mình ta đang đóng góp cho công việc thức tỉnh cộng
đồng. Vị Bồ tát là một người tỉnh thức, có chánh niệm, và mang chí nguyện giúp
cho những người khác thức tỉnh. Nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn phim ảnh, văn sĩ,
tất cả đều có thể có chí nguyện trở thành một vị Bồ tát giúp người khác thức tỉnh,
giúp người khác tiếp xúc được với hạt giống của thảnh thơi, bình an, và hạnh
phúc, giúp họ cởi bỏ, chuyển hóa những hạt giống của kỳ thị, sân hận và tham đắm.
Người nghệ sĩ có thể làm được tất cả những việc đó. Nếu hành động của ta được
thúc đẩy bởi chí nguyện giúp đời thì niềm vui và năng lượng của ta sẽ tràn ngập.
Khi đó, danh vọng, quyền lực sẽ không lôi cuốn được ta. Không gì có thể so sánh
với niềm vui khi biết rằng sự có mặt của ta trên cuộc đời này thật đẹp và hữu
ích.
Một hôm tôi gặp một vị
học giả Phật giáo ở New York. Tôi nói chuyện với bà ta về việc tôi thực tập
chánh niệm khi làm vườn rau. Mỗi ngày tôi dành thời giờ để chăm sóc các loại
rau thơm, cà chua, xà lách và các loại rau khác. Tôi làm việc với rất nhiều niềm
vui. Bà ta nói: “Thầy không nên phí thời giờ trồng rau. Thầy nên dành thời giờ
để làm thơ. Thơ Thầy viết rất hay. Ai cũng có thể trồng rau được, nhưng ít ai
làm được thơ hay như Thầy.” Tôi trả lời với bà: “Nếu tôi không trồng rau thì
tôi sẽ không làm thơ được.”
Khi đang chăm sóc cho
cụm rau cải hoặc tưới vườn, tôi không nghĩ tới làm thơ hay viết lách. Tôi chú
tâm hoàn toàn vào việc chăm sóc cây cải hay tưới cây. Tôi vui thích từng giây
phút và làm việc đó trong trạng thái tĩnh lặng, không-suy-nghĩ. Ngừng suy nghĩ
có lợi ích rất nhiều. Tác phẩm nghệ thuật được hình thành từ trong sâu thẳm của
tâm thức khi mà ta không suy nghĩ gì về nó. Lúc thể hiện tác phẩm nghệ thuật chỉ
là lúc khai sinh, là lúc ta đưa “em bé” ra đời. Theo tôi phải cần một thời gian
để em bé nghệ thuật trong ta lớn lên, để đạt được mức toàn diện, và tác phẩm của
ta khi đó sẽ chứa đựng tuệ giác, hiểu biết và thương yêu.
Một tác phẩm nghệ thuật
có thể giúp người ta hiểu rõ được bản chất khổ đau của thực tại, chứa đựng tuệ
giác giúp chuyển hóa những hạt giống tiêu cực và phát triển những hạt giống
tích cực. Viết văn hay làm phim có thể là một hành động yêu thương. Hành động
yêu thương ấy nuôi dưỡng ta và nuôi dưỡng nhiều người khác. Nếu ta hạnh phúc, nếu
ta biết sống sâu sắc từng giây phút của cuộc đời thì khả năng hiểu sâu, thương
yêu, và niềm vui sẽ đến. Tác phẩm nghệ thuật của ta sẽ phản ánh được những điều
đó và đi vào lòng người.
67. Vui sống khi có nhiều người đau khổ?
Câu hỏi: Làm sao ta có thể vui hưởng cuộc sống trong khi có quá
nhiều người đang đau khổ?
Khi ta có được một
phút bình an, vui vẻ mà ta cảm thấy tội lỗi thì mặc cảm tội lỗi đó sẽ phá tan
giây phút bình an vui vẻ của ta. Khi mà ngay cả giây phút bình an vui vẻ đó của
ta cũng bị phá hủy thì sẽ không còn gì là hy vọng cho ta và cho thế giới. Vì vậy,
ta phải giữ lấy giây phút bình an vui vẻ ấy như là nền tảng cho mọi hành động của
ta. Tuyệt vọng là một tai nạn lớn nhất có thể xảy đến cho tất cả chúng ta, nhất
là khi sự tuyệt vọng đó trở thành sự tuyệt vọng tập thể. Học cách để xử lý tuyệt
vọng là điều rất quan trọng, đừng bao giờ để cho nỗi tuyệt vọng phá hủy tất cả,
nhất là phá hủy cả những gì tốt lành đang còn lại trong ta.
Khi ta có khả năng thở
những hơi thở chánh niệm và bình an, khi ta có thể bước những bước chân an lạc,
thảnh thơi, thì không phải ta đang sống ích kỷ mà kỳ thật ta đang làm điều đó
cho tổ tiên, cho con cháu của ta trên khắp thế giới. Tuệ giác không thể nào
phát sinh khi ta thực tập thiền đi mà không có niềm vui thú trong khi đi. Nếu
ta có khả năng đi thiền hành trong bình an thì nhân loại sẽ còn hy vọng. Ta phải
thấy được như thế. Tuệ giác là hoa trái của chánh niệm. Khi ta ý thức rằng ta
có thể làm một điều gì đó để cống hiến trong từng giây phút của sự sống hằng
ngày thì ta không còn là nạn nhân của tuyệt vọng và ta có thể khích lệ được những
người xung quanh nữa. Khi ta cảm thấy bi quan thì đừng để tình trạng đó kéo
dài. Cố nhiên là có những khổ đau xảy ra khắp nơi trên thế giới, nơi bản thân,
trong gia đình và ngoài xã hội. Nhưng nếu ta đang làm hết khả năng của mình,
hành xử một cách tốt đẹp nhất, thì vẫn còn hy vọng là sẽ có những người khác
cũng hành xử như ta. Hãy hành xử một cách tốt đẹp nhất và đóng góp hết khả năng
của ta. Và điều đó sẽ gây ảnh hưởng lan truyền. Những người khác khi nhìn vào
ta họ sẽ phát sinh cảm hứng để làm theo. Có can đảm để sống đời sống hàng ngày
với lòng yêu thương và tỉnh thức là một đóng góp tích cực của chúng ta.
68. Để giữ vững niềm tin
Câu hỏi: Thế giới hiện nay đầy rẫy điên cuồng và bạo động. Làm
thế nào để không đánh mất niềm tin vào con người và không bỏ cuộc?
Có một sự thực tập gọi
là Quay Về Nương Tựa. Khi ta muốn có được một cảm giác an toàn, bình an, thấy
mình được bảo vệ, mà không biết cách thực tập nương tựa thì ta sẽ đánh mất sự
an lạc, và sẽ cảm thấy trong lòng đầy bất an. Ta sẽ đau khổ và làm cho những
người khác cũng đau khổ. Cho nên trong trường hợp bị xao động, đau khổ tràn ngập,
ta phải thực tập trở về nương tựa nơi Bụt – Bụt trong chính tự thân ta. Mỗi
chúng ta đều có Phật tánh, có khả năng trầm tĩnh, khả năng hiểu biết và thương
yêu. Trở về nương tựa nơi hải đảo bình an trong ta, chúng ta có thể bảo tồn được
nhân tính, giữ vững được niềm tin, bình an và hy vọng. Sự thực tập này vô cùng
quan trọng. Khi thực tập được như thế, ta sẽ trở thành một hải đảo bình an, từ
bi cho chính bản thân ta và sẽ gây cảm hứng cho nhiều người khác cùng làm theo.
Cũng giống như một
chiếc thuyền vượt qua đại dương. Nếu gặp bão tố mà tất cả mọi người trên thuyền
đều hoảng loạn thì chiếc thuyền sẽ bị lật úp. Nhưng nếu có một người trên thuyền
giữ được bình tĩnh thì người ấy sẽ ảnh hưởng đến những người khác và giúp cho họ
cũng giữ được bình tĩnh. Khi đó thì mọi người trên thuyền cũng có hy vọng. Ai
là người có thể giữ bình tĩnh trong tình huống đó? Trong đạo Bụt câu trả lời
là: “chính ta”.
69. Phá thai và Giới Thứ Nhất
Câu hỏi: Quyết định phá thai là một quyết định khó khăn nhưng
đôi khi cần thiết. Có phải sự phá thai luôn luôn đi ngược với Giới Thứ Nhất hay
không?
Bảo vệ sự sống là sự
thực tập căn bản của đạo Bụt. Phá thai là một hành động tàn hoại, hủy diệt sự sống,
không chỉ sự sống của thai nhi mà cả sự sống của chính ta. Bởi vì khi phá thai
thì một phần của chúng ta cũng bị hủy diệt, và ảnh hưởng của sự hủy diệt đó kéo
dài rất lâu. Vì thế, chúng ta phải cố gắng hết sức để sống và hoạch định đời sống
như thế nào đó để không phải đối điện với một quyết định đau lòng như thế.
Nguyên tắc là áp dụng phương pháp y khoa phòng ngừa. Nếu chúng ta chờ đến lúc xảy
ra cơ sự mới giải quyết thì đã quá trễ. Vì vậy, chúng ta phải ý thức đến nếp sống
của chúng ta, chuẩn bị mọi trường hợp, phải ngăn ngừa mọi tình huống xấu có thể
xảy ra để chúng ta không phải thực hiện những quyết định đau lòng như vậy.
Khi mà sự việc đã xảy
ra thì dù quyết định như thế nào cũng sẽ gây đau thương. Chúng ta phải nhìn sâu
vào từng hoàn cảnh mà không nên giáo điều. Phải xem xét từng trường hợp một để
thấy một cách uyển chuyển, thông minh và từ bi. Không có một câu trả lời chung
cho tất cả mọi trường hợp. Chúng ta cần đến tuệ giác của nhiều người xung quanh
ta, nhất là những người thân trong gia đình hay bạn bè. Đây không chỉ là để cho
bản thân ta được yên lòng mà là để tránh gây thêm đau khổ. Nếu biết chắc rằng
hành động đó sẽ gây thêm đau khổ thì không nên hành động. Trái lại, nếu hành động
đó có thể chấm dứt đau khổ thì nên hành động. Phần lớn các trường hợp, phá thai
không phải là giải pháp hay. Nhưng trong một vài trường hợp, không phá thai có
thể sẽ gây thêm đau khổ cho người mẹ và cho nhiều người khác.
Nếu ta là một hành giả
thực tập theo đạo Bụt và đã quy y Phật, Pháp, và Tăng thì mọi quyết định của ta
phải dựa trên nền tảng của sự thực tập quy y Tam Bảo. Ta phải hành xử theo tinh
thần của Bụt, nghĩa là phải chánh niệm về những gì đang xảy ra ngay bây giờ, những
gì đã xảy ra trong quá khứ, những đau khổ có thể xảy đến trong tương lai nếu ta
quyết định hành động. Hành động của ta có xuất phát từ tâm từ bi thực sự không
hay chỉ gọi đó là từ bi? Ta phải hành xử theo tinh thần của Pháp, có nghĩa là
phải thực tập chánh niệm, ý thức rõ những gì đã xảy ra trong quá khứ, đang xảy
ra trong hiện tại, và sẽ xảy ra trong tương lai. Chúng ta cũng cần tham khảo tuệ
giác tập thể của tăng thân. Tăng thân sẽ xem xét trường hợp của ta với tất cả sự
chú tâm và chánh niệm, và có thể tìm ra tuệ giác để hướng dẫn cho ta. Sau khi
tham vấn với tăng thân, làm theo lời khuyên của tăng thân thì ta không có gì để
lo lắng nữa. Ta đã trải lòng và lắng nghe Bụt, Pháp và Tăng một cách sâu sắc và
bây giờ trách nhiệm là trách nhiệm chung. Ta sẽ không còn đơn độc. Ta đã nương
tựa vào sự thực tập trong ý nghĩa sâu sắc nhất.
70. Vấn đề đồng tính luyến ái
Xin cho biết quan điểm của đạo Phật về vấn đề đồng tính luyến
ái.
Tinh thần của đạo Phật
là vô phân biệt. Nhìn đám mây một cách sâu sắc ta thấy cả vũ trụ. Nhìn bông hoa
cho sâu sắc ta thấy cả vũ trụ. Mỗi sự vật đều có vị trí riêng nhưng bản thể của
tất cả chỉ là một. Nhìn những đợt sóng trên đại dương ta thấy những con sóng có
khi lớn có khi nhỏ, muôn hình, muôn vẻ. Nhưng bản thể của con sóng nào cũng là
nước. Cho dù bạn sinh ra là một người đồng tính luyến ái nhưng bản thể của bạn
cũng giống tôi. Chúng ta tuy khác nhau nhưng đều hiện hữu như nhau. Paul
Tillich, nhà thần học theo đạo Tin Lành có nói rằng Thượng đế là bản thể của hiện
hữu. Bạn hãy là chính mình. Nếu Thượng đế đã tạo nên tôi là một đóa hồng thì
tôi phải chấp nhận tôi là một đóa hồng. Nếu bạn sinh ra là một người đồng tính
luyến ái thì bạn nên chấp nhận. Hãy quán chiếu bản chất để thấy rõ con người thật
của mình. Khi bạn tiếp xúc được với bản thể của bạn thì bạn sẽ tìm được sự bình
an.
Nếu ta là nạn nhân của
sự kỳ thị thì cách giải thoát không chỉ đơn giản là oán trách. Bất công không
thể chỉ giải tỏa bằng cách chấp nhận mà bằng khả năng tiếp xúc bản thể của
chính mình. Sự kỳ thị, áp bức và thiếu bao dung xuất phát từ sự mê muội và thiếu
hiểu biết. Nếu ta có khả năng tiếp xúc với bản thể của ta thì ta không còn đau
khổ vì kỳ thị và áp bức nữa. Nếu có ai đó kỳ thị ta vì chủng tộc, vì màu da hay
vì giới tính là do những người đó còn mê muội, không nhận ra bản thể của chính
họ. Họ không biết rằng chúng ta cùng chung một bản thể, vì vậy nên họ đã kỳ thị
ta.
Người kỳ thị người
khác, gây đau khổ cho người khác là một người đau khổ. Ngay khi ta tiếp xúc được
với chiều sâu và tự tánh bản thể của mình thì ta có thêm sự hiểu biết, từ đó ta
phát khởi được tâm từ bi và bao dung. Khi đó, ta có thể tha thứ được cho những
ai đã kỳ thị ta. Đừng nghĩ rằng giải thoát có được là do xã hội có sự công bằng
để giúp ta vơi bớt những khổ đau. Giải thoát đích thực là khi ta có khả năng
nhìn sâu.
Khi đau khổ vì bị kỳ
thị, ta luôn cảm thấy như có gì thôi thúc ta phải nói ra. Nhưng dù cho ta có
nói lên lời tố cáo thì cả ngàn năm ta vẫn còn đau khổ. Chỉ có sự hiểu biết sâu
sắc và cởi bỏ ngu muội mới có thể giải phóng khỏi đau khổ cho ta. Một khi ta đã
chọc thủng được bức màn vô minh ấy thì tâm từ bi sẽ dâng tràn. Với tâm từ bi đó
ta có thể ôm ấp, chấp nhận ngay cả những người đã từng kết án ta. Chỉ khi nào
ta khởi tâm phát nguyện giúp đỡ những người khác cũng là nạn nhân của sự vô
minh, thì ta mới thoát khỏi đau khổ cũng như thoát khỏi ý tưởng bị ngược đãi. Đừng
chờ đợi xung quanh ta thay đổi. Ta phải thực tập để tự giải phóng mình. Khi đó
ta sẽ được trang bị đầy đủ năng lượng của từ bi và hiểu biết. Chỉ có những năng
lượng đó mới có thể giúp chuyển đổi một xã hội đầy bất công và kỳ thị. Ta phải
trở thành một người hiện thân cho sự bao dung, hiểu biết và thương yêu. Ta tự
chuyển hóa mình thành một công cụ để thay đổi xã hội và thay đổi tâm thức cộng
đồng của nhân loại.
71. Do Thái và Palestine
Câu hỏi: Làm thế nào để những người Israel và những người
Palestine hòa giải?
Chúng ta chia cách
nhau vì những nhãn hiệu, những danh từ như “người Israel”, “người Palestine”,
“Phật giáo”, “Do Thái giáo”, “Hồi giáo”. Khi nghe đến một trong những danh từ
đó, tâm trí ta khởi lên một hình ảnh và ngay tức khắc chúng ta muốn loại trừ
hay xa lánh họ. Chúng ta tự tạo ra những đường lối suy nghĩ gây chia cách và
gây đau khổ cho nhau. Vì vậy, khám phá ra nhân tính nơi người kia và giúp người
kia khám phá ra nhân tính nơi ta là một điều rất quan trọng. Cùng là con người,
chúng ta không khác gì nhau. Nhưng đôi khi vì bao nhiêu lớp nhãn hiệu nên đã
không cho phép chúng ta nhìn nhau như những con người. Tự cho mình là một “Phật
tử” có thể là một bất lợi, vì cái nhãn hiệu “Phật tử” đó có thể gây trở ngại
khiến cho người kia không thể tiếp cận để khám phá được nhân tính nơi ta. Với
những người “Thiên Chúa giáo”, “Do Thái giáo”, “Hồi giáo” cũng vậy. Những danh
xưng ấy có thể là một phần quan trọng để nhận diện ta nhưng đó không phải là
toàn bộ con người ta. Con người bị kẹt vào những ý niệm và hình ảnh tự mình tạo
ra và không thể nhận ra nhau như những con người. Lột bỏ đi tất cả mọi nhãn hiệu
để cho bản chất con người được hiển lộ đích thực là một sự thực tập cho hòa
bình. Bởi vì người ta rất dễ bị kẹt vào danh xưng và nhãn hiệu cho nên chúng ta
cần phải sử dụng ngôn ngữ từ ái khi ta đề cập đến vấn đề bất công với họ.
Trong mọi tranh chấp
cả hai bên đều đau khổ vì bị đối xử bất công. Đây là một điều tối quan trọng.
Phải hiểu như thế mới được. Rồi khi hiểu biết và thương yêu phát sinh trong tim
thì những độc tố của sự giận dữ, hung bạo, thù ghét, và tuyệt vọng sẽ được chuyển
hóa. Con đường rất là rõ ràng. Giải pháp duy nhất là lấy những độc tố ấy ra và
thay vào đó là tuệ giác và thương yêu. Khi đó chúng ta sẽ đến với nhau như những
con người mà không để cho những nhãn hiệu bên ngoài như “Phật giáo”, “Do Thái
giáo”, “Hồi giáo”… lừa gạt. Đây là một tiến trình giải phóng, giải phóng khỏi
những ý niệm, giải phóng khỏi u mê và thói quen kỳ thị. Đất Mẹ của chúng ta rất
đẹp và có đủ chỗ cho tất cả chúng ta, vậy mà chúng ta cứ giết hại nhau. Nhưng
khi chúng ta có thể xem nhau như những con người, mỗi người mỗi khổ đau, thì
chúng ta không có can đảm để bắn giết nhau nữa. Chúng ta sẽ cùng nhau hợp tác để
tìm ra cơ hội cho tất cả chúng ta được sống hòa bình và an lạc.
72. Giúp ích gì cho đời
Nếu đạt được trạng thái bình an sâu sắc và thương yêu thì giúp
ích gì cho đời?
Có thể giúp đời bằng
nhiều cách. Trước hết là giúp bằng phong thái bình an, thương yêu. Đó đã là một
sự đóng góp lớn. Hơn nữa khi ta thể hiện phong thái bình an và thương yêu thì tất
cả hành động của ta đều là hành động cho hòa bình và thương yêu. Ta sẽ không ngần
ngại làm những việc có ích lợi cho nhân loại. Giống như Bụt, ta mang một chí
nguyện kiên cường ra giúp đời. Một khi ta đạt được bình an và thương yêu thì ta
không thể ngồi yên mà không giúp đời. Ta luôn luôn đi tới. Bụt đã giác ngộ và
Ngài đã có một tăng đoàn, vậy mà Bụt vẫn không ngừng làm việc và thực tập. Tăng
đoàn của Ngài càng ngày càng lớn mạnh. Trong khi Bụt dạy cho các đệ tử của Ngài
có khả năng giáo hóa, Bụt vẫn tiếp tục giảng dạy và thực tập. Nếu anh nghĩ rằng
công việc của anh đã xong là anh lầm. Không bao giờ xong. Anh phải tiếp tục.
Thương yêu là vô tận, lòng từ bi là vô tận. An lạc cũng là vô tận.
Xem Tiếp Chương 5 – Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá