Read more
Nhất Hạnh Tăng Thân by
Vô Ngã
Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.
Nẻo Về Của Ý
Chương 0. Hãy Nhìn Nụ Cười Đức Phật
Nguyên Hưng ơi, tập
viết tay kèm theo đây là phần thứ ba của nẻo về của ý đấy. Tôi giao nốt lại cho
Nguyên Hưng. Tập này xem bộ in không được đâu, bởi vì có nhiều điều nói thẳng
quá. Tuy vậy nếu in không được thì Nguyên Hưng cũng trao bản thảo cho những người
thân yêu nhất đọc. Tôi ước mong rằng nó có thể nói được với các bạn một chút
nào về cái “Ý” của tôi.
Nhưng mà tôi lạc quan
mất rồi, Nguyên Hưng. Ở cái chương cuối viết cho Steve, tôi có ý định giải bày
một vài chút “tâm sự” liên hệ tới nguyên tắc hành động của chúng ta, nhưng đọc
lại tôi thấy tôi chẳng nói được gì cả. Thật là tệ. Có lẽ vì trời nóng quá
chăng, hay tại vì tôi không được khỏe. Chiều mai tôi đi phải đi xa rồi, và tôi
rất ước ao nói với Nguyên Hưng điều mà tôi đã từng muốn nói với Steve mà nói
chưa được, hay nói không được.
Đêm nay, trời sáng tỏ
một cách kỳ lạ. Tôi chưa đi mà đã nhớ nhà rồi. Nhưng mà ở đâu cũng có từng này
ngôi sao, ở đâu cũng có chút trời xanh và mây trắng hả Nguyên Hưng. Tôi đi rồi
tôi lại về thì có sao đâu. Lòng tôi hơi xao xuyến một chút, nhưng mà vẫn yên
tĩnh. Tôi muốn nói chuyện với Nguyên Hưng trong khung cảnh thanh tịnh này, và
ngòi bút của tôi sẽ trở lại gạch những chữ Nguyên Hưng trên giấy trắng.
Những điều ta học được, ta phải liệng chúng đi thì ta mới có thể hiểu được chúng. Cũng như kinh Kim Cương nói A mà không phải là A thì mới là A. nghĩ cũng kỳ quái thật, nhưng mà càng sống chúng ta càng thấy đúng Nguyên Hưng ạ. Học chúng nó rồi mà giữ chúng nó trong lòng là một tai họa còn tệ hơn là không học. Những điều tôi học ở Phật học viện bây giờ bị lật ngược lại hết và tôi thấy lúc đó tôi mới hiểu được chúng.
Đây là tôi với Nguyên
Hưng, chớ không phải nói với kẻ khác. Và những điều tôi nói với em, nếu người
khác nghe được, sẽ hiểu ra cách mà tôi không muốn họ hiểu. Nhưng mà mặc họ chứ,
có phải không Nguyên Hưng. Kỳ ở Huế về vừa rồi thấy những đám mây trắng đẹp quá
đi. Tôi ngồi trên một chiếc DC4.
Buổi chiều, ánh nắng
vừa tắt nhưng ánh sáng còn dư dã để cho ta có thể thấy được sắc dịu hiền và
trinh tuyền của những lọn mây. Cái thảm mây đó nó nằm phía dưới máy bay chúng
tôi. Nó rộng lắm. Từng lọn từng lọn nối tiếp nhau, che khuất núi rừng phía dưới.
Những lọn mây trắng như tuyết. Trinh tuyền hơn cả tuyết. Tôi muốn vốc chúng
trong hai lòng bàn tay. Và bổng nhiên tôi thấy tôi với mây là một, tôi cũng trắng
tinh và êm dịu như mây.
Điều đó thường quá
mà, phải không Nguyên Hưng. Tại sao chúng ta ưa những cuộn mây trắng nõn và những
tấm thảm tuyết trinh tuyền? Tại vì cái khuynh hướng của bản chất sinh lý và tâm
lý của ta nó thế. Ta ưa những cái gì tinh sạch, đẹp đẽ và an lành. Tinh sạch, đẹp
đẽ và an lành theo nhận định và lập trường của cơ thể ta, tâm lý ta, chớ không
hẳn là tính sạch đẹp đẽ và an lành như những tính cách khách quan của thực tại.
Ưa một tờ giấy trắng, ưa một dòng nước trong, ưa một nét nhạc mềm hay ưa một
thiếu nữ xinh đẹp thì cũng vậy, không có khác nhau gì hết trên căn bản tâm lý của
con người. Nguyên Hưng chẳng thường nghe người ta đem tuyết đem trăng đem hoa để
tả người con gái đẹp sao. Nhất là khi người con gái có vẻ hiền thục thì người
ta lại ví đó là Tiên là Phật bởi vì Tiên Phật vừa đẹp lại vừa hiền. Và bên dưới
những cái thiên hạ cho là đẹp là sạch là lành thì người ta còn tham lam đặt
thêm nền tảng của sự thường còn. Đó là do nhu yếu của con người mà ra cả. Con
người ưa cái gì thanh sạch, đẹp đẽ, hiền lành, và ưa những cái ấy thuộc về
mình, đồng nhất với mình, và thường còn với mình. Thế rồi phía bên kia còn gì?
Phía bên kia còn trái ngược với sự trong sạch tức là sự ô uế, sự trái ngược với
sự đẹp đẽ tức là sự xấu xí, sự trái ngược với sự hiền lành là sự ác độc và sự
trái ngược với sự thường còn tức là sự tiêu diệt tức là vô thể.
Và do đó có một sự vật
lộn để tìm sang bên này, xua đuổi bên kia. Cho đến nỗi mà trong kinh Phật có
khi người ta phải dùng bốn đức Thường Lạc Ngã Tịnh (Hữu thể, An lạc, Tự do,
Thơm sạch) để miêu tả Niết bàn rồi sau đó phải thêm rằng phải hiểu những chữ đó
theo kiểu nhất nguyên siêu tuyệt của nó mà đừng hiểu theo nghĩa tương đối trong
thế giới hiện tượng. Điều đó chứng minh rằng con người chúng ta đã bị ám ảnh
quá nhiều bởi ý tưởng về hạnh phúc ước lệ trên kia.
Đột nhiên kinh Bát
Nhã tới giáng những đòn sống chết trên nhận thức đó. Quán Tự Tại Bồ-tát sau khi
nhìn thấu suốt thế giới hiện tượng mỉm cười tuyên bố “Tất cả đều giả lập (không)
hết. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, sắc, thanh,
hương, vị, xúc, vân vân… đều là giả lập. Và: “Chân tướng của các giả lập đó
không sinh cũng không diệt, không ô uế cũng không tinh sạch, không thêm cũng
không bớt đi” còn gì nữa mà nghi ngờ hả Nguyên Hưng. Đó là điều tôi trông thấy
trên máy bay, mà trông thấy từ một khía cạnh khác. Trông thấy như thế nào?
Nguyên Hưng ơi, em hãy nhìn và em sẽ thấy, hỏi tôi làm chi. Tôi chẳng nói được
chi cả, bởi vì không có gì mà nói.
Ban đầu thì tôi mỉm
cười nghĩ đến những hình thái của nước: nước trong, nước suối, nước đá, hơi nước,
mây, tuyết, mưa vân vân… Tất cả đều là H2O. Mà chính là H2O cũng giả lập – cũng
không phải là thực thể tự hữu – lấy O mà xét thì O có thể được chuyển thành những
cái ta không gọi là O. Và chính những cái đó cũng là giả lập. Cũng là chuyển
thành. Nương tựa vào nhau, trùng trùng điệp điệp. Không thể tách O ra khỏi
không O, không thể nói O và không O là một, Nguyên Hưng à.
Trên cái căn bản di động
đó, ta thường cố nắm lấy một cái gì không di động. ví dụ tôi đặt cho tôi một
câu hỏi: anh cho hiện tượng nào là đẹp nhất? Tôi nói nước. Đẹp quá. Nước trong
như gương. Tuyết phủ trên đỉnh núi. Mây từng cuộn trắng hay ngoài bãi biển. Mưa
rào rào thấm nhuần cây cối xanh tươi. Nếu thiếu nước, thế giới này điêu tàn,
khô cằn héo hon, buồn bã biết mấy. Cho nên tôi thấy Nước đẹp. Thế rồi tôi hỏi:
Ví dụ không có lửa, nghĩa là không có nhiệt lực, không có hơi ấm, không có ánh
sáng mặt trời? Thiếu ánh sáng chẳng hạn thì cái gì đẹp, cái gì không đẹp. Cái
gì trong như gương, cái gì phủ trên núi, cái gì bay bay ngoài bãi biển, cái gì
rào rào thấm nhuần cỏ cây xanh tươi? Óc tôi lóe thấy sự thực, nhưng mà tôi đã
mê Nước rồi, tôi đành nhắm mắt nói liều: mặc kệ, tôi có nói là tôi ưa Nước nhất.
Thật là vô minh, có phải không Nguyên Hưng.
Trong quá trình tuyên
dương chuyển biến của các giả lập các hiện tượng – ta thấy có luân hồi. Chắc
Nguyên Hưng đã liệng bỏ cái cái ý niệm luân hồi trẻ con ngày trước đi rồi, cái
ý niệm đinh ninh rằng phải có gì đó. Như O hay cái H tôi vừa nói trên thì mới
có luân hồi được. Nhưng trên sự thực chẳng có cái O cái H tự thân nào mà cả thế
giới giả lập vẫn diễn biến mầu nhiệm. Luân hồi đó chớ gì, nhưng nếu nhìn thấu
suốt ta sẽ không thấy có gì thường hay vô thường, tinh sạch hay ô uế, hiền lành
hay ác độc, đẹp đẽ hay xấu xí. Đừng có nói cho trẻ con biết điều đó bởi vì
chúng sẽ nói: không có hiền ác, không có tốt xấu và không có luân lý. Trẻ con
chưa có mở mắt ở thời nào cũng vậy.
Nguyên Hưng ơi, giữa
cái tinh sạch và cái ô uế, giữa cái đau khổ và cái sung sướng, giữa cái hiền
lành và cái độc ác, mình theo cái nào? Nghe hỏi mà buồn cười, phải không Nguyên
Hưng? Theo cái tinh sạch, cái sung sướng, cái hiền lành thì mình phải đập tan
và tiêu diệt cái ô uế, cái đau khổ và cái độc ác. Mà tiêu diệt chúng được
chăng. Nếu “cái này có là nhờ cái kia có”, thì cái trong sạch cũng do cái ô uế
mà có. Tiêu diệt cái ô uế tức là tiêu diệt luôn cái trong sạch, vì lẽ “cái này
không thì cái kia không”. Kết luận là nên dung dưỡng cái ô uế, cái độc ác và
cái đau khổ hay sao?”
Nhưng mà Nguyên Hưng
ơi, tất cả những cặp đối nghịch đó chính đã là do chúng ta tạo nên bằng nhận thức
của chúng ta, bằng lập trường sinh tâm lý của chúng ta. Hoan lạc và đau khổ trở
nên những đại vấn đề. Nếu được như Quán Tự Tại soi thấu được chân tướng thực tại,
thì những đau khổ tai nạn bốc khói bay mất. “độ nhất thiết khổ ách”.
Cho nên hãy nhìn nụ cười đức Phật. Nụ cười đó trầm lặng thật, từ bi thật nhưng mà… coi thường chúng ta quá. Đó là một cách nói mà thôi bởi chính Phật đã nhờ đức Thường Bất Khinh Bồ-tát nhắn với mỗi người chúng ta rằng Ngài… không dám khinh chúng ta đâu, bởi vì tất cả chúng ta đều sẽ thành một vị Phật.
Có lẽ cái cảm tưởng
trẻ con của tôi về nụ cười của Ngài là do một thứ mặc cảm tự ti lâu ngày tạo nên
– chớ không phải tự tôn. Nguyên Hưng nhớ nhé. Trước nụ cười của người thấy được
Niết bàn và Sinh tử đều là hoa đốm giữa hư không, ta cảm thấy ta bé nhỏ quá, vụng
về quá, ngu si quá. Ngài thương chúng ta không phải vì chúng ta không thấy đường
cho nên bị đau, thế thôi.
Từ hồi nhỏ, tôi đặt vấn
đề bản chất của lòng từ bi, và tội nghiệp cho tôi, tôi chỉ học được và nếm được
chút ít từ bi sau này, không phải nhờ học tập hay nhờ đặt vấn đề mà nhờ khổ
đau. Tôi không tự hào về chút khổ đau ấy; cũng như có ai tự hào về tiếng hét to
sợ hãi của mình khi mình nhận lầm sợi giây là con rắn. Khổ đau của tôi cũng chỉ
là sợi giây, cũng chỉ là hoa đốm giữa hư không, đáng lẽ nó phải tan biến như
mây khói khi mặt trời lên! Nhưng mà nó vẫn chưa tan biến thành mây khói cho nên
anh vẫn đau khổ và anh chịu không nổi nên anh tự vùng vẫy. Vậy Phật có thấy anh
đau khổ không. Phật có chịu nổi khi thấy anh đau khổ không mà ông ngồi cười
hoài vậy? Tôi lý luận rằng tình thương là phải có chấp thủ, tình thương nào
cũng vậy, tình trai gái yêu nhau, tình mẹ thương con, tình nước non, tình nhân
loại, tình chúng sinh, nghĩa là cả từ bi. Bởi vì thương ai, lo lắng cho ai anh
cũng phải thao thức, mong mỏi, không thể lãng quên. Thế thì trông thấy chúng
sinh đau khổ vô lượng vô biên thế kia, Phật cũng lo lắm, chứ sao mà ngồi cười
được hoài. Thật ra thì mình tạc tượng Ngài ngồi cười. Nhưng mà có phải hầu hết
những đêm thức khuya, những lo lắng và thao thức của người có tình thương đều
phát sinh vì người đó còn là người trần mắt thịt, đối với thực tướng vũ trụ vẫn
còn “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” không? Một ông bác sĩ biết rõ tình trạng
bệnh nhân thì không ngồi giả định thế này thế kia để tạo ra một trăm ngàn giả
thuyết và lo lắng như người thân nhân của bệnh nhân. Và nếu biết bệnh sẽ qua,
thì ông có thể cười. Nhưng không phải là nụ cười độc ác. Đó chỉ là nụ cười của
người biết chuyện, không còn phải lo hão huyền vô ích. Đại bi, maha karuna bản
chất của nó, Nguyên Hưng ơi, làm sao tôi diễn tả cho được?
Nguyên Hưng, sự thực
nằm ở đó, em làm quen với nó đi. Chỉ khi nào em bắt đầu thấy được giữa bùn đen
kia với tuyết trắng nọ không có cái gì xấu cái gì đẹp, chỉ khi nào em biết bắt
đầu nhìn sự thật với tâm niệm không phân biệt, nghĩa là biến kế, thì em mới có
thể nếm được thế nào là đại bi.
Dưới con mắt của đại
bi, không có tả không có hữu, không có thù không có bạn, không có thân không có
sơ. Mà đại bi không phải làvật vô tri. Đại bi là tinh lực màu nhiệm của sáng
chói. Vì dưới con mắt của đại bi, không có cá thể riêng biệt của nhân ngã nên
không có một hiện tượng nhân ngã nào động tới được đại bi.
Em ơi, nếu con người
có độc ác đến nước móc mắt em hay mổ ruột em và em cũng nên mỉm cười và nhìn
con người bằng cặp mắt xót thương; hoàn cảnh tập quán và sự vô minh đã khiến
con người hành động như thế.
Hãy nhìn con người đã đành tâm tiêu diệt em và đang tạo nên cho em những oan ức khổ nhục lớn lao như trăm ngàn quả núi, hãy nhìn con người ấy với niềm xót thương. Hãy rót tất cả niềm xót thương từ suối mắt em vào người đó mà đừng để một gợn oán trách giận hờn xuất hiện trong tâm hồn. Vì không thấy đường đi nước bước cho nên cái người làm khổ em mới vụng dại lỗi lầm như vậy.
Giả sử một buổi sáng
nào đó em nghe rằng tôi đã chết tăm tối và tàn bạo vì sự độc ác của con người,
em cũng nên nghĩ rằng tôi đã nhắm mắt với một tâm niệm an lành không oán hận,
không tủi nhục. Em nên nghĩ rằng giờ phút cuối tôi cũng không quay lại kẻ thù
ghét con người. Không, con người chẳng bao giờ đáng cho ta thù ghét. Nghĩ như
thế chắc chắn em sẽ mĩm cười được, rồi nhớ tôi, đường em, em cứ đi. Em có một
nơi nương tựa mà không ai có thể phá đổ và cướp giật đi được. Và không ai có thể
làm lay chuyển niềm tin của em, bởi vì niềm tin ấy không nương tựa nơi bất cứ một
giả lập nào của thế giới hiện tượng. Niềm tin ấy và tình yêu là một, thứ tình
yêu chỉ có thể phát hiện khi em bắt đầu nhìn thấu qua thế giới hiện tượng giả lập
để có thể thấy được em trong tất cả và tất cả trong em.
Ngày xưa, đọc những
câu chuyện như câu chuyện đạo sĩ nhẫn nhục để tên vua cường bạo xẻo tai cắt thịt
mà không sinh lòng oán giận, tôi nghĩ đạo sĩ không phải con người. Chỉ có thánh
mới làm được như vậy. Nhưng Nguyên Hưng ơi, tại lúc đó tôi chưa biết đại bi là
gì.
Đại bi là sự mở mắt
trông thấy. Và chỉ có sự mở mắt trông thấy tận cùng mới khiến cho tình thương
trở thành vô điều kiện, nghĩa là biến thành bản chất đại bi. Đạo sĩ nhẫn nhục
kia đâu có sự giận hờn nào mà cần nén xuống? Không, chỉ có lòng thương xót. Giữa
chúng ta và vị đạo sĩ kia, và vị Bồ-tát kia, không có gì ngăn cách đâu, Nguyên
Hưng. Có thể tình yêu đã dạy cho em rằng em có thể làm được như Người.
Thôi em đã lớn rồi tự
lo liệu lấy.
Chiều mai tôi phải đi
rồi. Những giòng chữ viết đêm nay, tôi sẽ không có thì giờ đọc lại. Nguyên
Hưng, cho tôi dừng ngang đây. Ngày mai tôi sẽ còn gặp em trước khi lên đường.
Saigon
11-5-1966
Xem Tiếp Chương 1 - Quay Về Mục Lục
0 Đánh giá