Sợ Hãi – Chương 16. Chuyển Hóa Gốc Rễ Sợ Hãi Trong Tâm

Sợ Hãi – Chương 16. Chuyển Hóa Gốc Rễ Sợ Hãi Trong Tâm

Price:

Read more

Nhất Hạnh Tăng Thân by Vô Ngã

Sách Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Đọc và download hàng trăm quyển sách của Thầy tại đây.


Sợ Hãi

Chương 16. Chuyển Hóa Gốc Rễ Sợ Hãi Trong Tâm










Nghe hoặc Tải MP3 Tác Phẩm 'Sợ Hãi - Fear' ê


Tám bài tập tiếp theo cũng là sự tiếp nối của tám bài tập đầu. Chúng giúp ta hiểu rõ hơn về tâm thức để có thể buông bỏ những vọng tưởng, tiếp xúc với tự tính của vạn vật và đạt tới sự không sợ hãi.

Bài Tập Thứ Chín: Nhận Diện Tâm

Ta đang thở vào và có ý thức về tâm ý ta.

Ta đang thở ra và có ý thức về tâm ý ta.

Bài tập thứ chín là ý thức về tâm ý và nhận diện thực trạng của tâm, (cũng giống như bài tập thứ ba là ý thức toàn thân, và bài tập thứ bảy là ý thức về cảm thọ.)

“Ta đang thở vào và có ý thức về tâm ý ta. Ta đang thở ra và có ý thức về tâm ý ta.”

Tâm thức cũng như một dòng sông mà mỗi ý nghĩ là một giọt nước của dòng sông. Chúng ta ngồi bên một bờ sông, quán sát từng ý nghĩ phát hiện và đi qua. Chỉ cần ghi nhận là có một ý nghĩ trỗi dậy, dừng lại trong chốc lát rồi biến đi. Không cần phải ôm chặt, tranh đấu hay gạt bỏ ý nghĩ ấy đi.

Khi sợ hãi, ta nói: “Thở vào tôi biết có tâm hành sợ trong tôi.” Với chánh niệm và định lực, chúng ta ghi nhận và ôm ấp để có dịp nhìn sâu vào tâm hành sợ hãi ấy.

Bài Tập Thứ Mười: Làm Cho Tâm Hoan Lạc

Ta đang thở vào và làm cho tâm ý ta hoan lạc.

Ta đang thở ra và làm cho tâm ý ta hoan lạc.

Bài tập thứ mười là làm cho tâm ý hạnh phúc và thư giãn. Thực tập làm cho tâm ý hoan lạc là để tăng cường khả năng hoan lạc của tâm. Bài tập này cũng giống như những thực tập chế tác niềm hoan lạc trong các bài thực tập ở trên, có khác là thêm vào yếu tố tăng cường và hỗ trợ cho tâm.

Theo Tâm học của đạo Bụt, tâm có ít nhất là hai tầng hoạt động. Tầng ở dưới là tàng thức, cất giữ tất cả các hạt giống của tâm thức. Khi hạt giống của tâm thức được tưới tẩm hay tiếp xúc, hạt giống sẽ biểu hiện lên phần trên là tầng ý thức như là một tâm hành.

Để cho tâm được hoan lạc, ta sử dụng thực tập gọi là “tưới tẩm có chọn lọc.”

Thứ nhất, chúng ta để cho hạt giống tiêu cực nằm yên dưới tàng thức và không cho nó biểu hiện lên tầng ý thức.

Thứ hai, nếu một hạt giống tiêu cực đã biểu hiện trên tầng ý thức (như là một tâm hành) thì ta đưa chúng trở xuống tầng tàng thức càng nhanh càng tốt để cho tâm hành tiêu cực thành hạt giống trở lại.

Thứ ba là tìm cách đưa những hạt giống tích cực lên tầng ý thức.

Thứ tư, khi hạt giống tích cực đã biểu hiện trên tầng ý thức thì tìm cách giữ tâm hành tích cực ở lại trên tầng ý thức càng lâu càng tốt.

Phải tổ chức đời sống thế nào để cho những hạt giống tích cực được tưới tẩm nhiều lần trong ngày. Rất có thể bạn có nhiều hạt giống lành, tích cực chôn sâu trong tàng thức. Đây là một dịp để bạn cho các hạt giống tích cực ấy một cơ hội.

Bài Tập Thứ Mười Một: Thu Nhiếp Tâm Ý Vào Định

Ta đang thở vào và thu nhiếp tâm ý ta vào định.

Ta đang thở ra và thu nhiếp tâm ý ta vào định.

Tâm định có khả năng giải trừ phiền não, cũng như tia sáng mặt trời khi được tập trung vào một điểm có thể đốt cháy một tờ giấy. Định lực cũng có thể “đốt cháy” sợ hãi, phiền giận, vọng tưởng, tuyệt vọng, để chỉ còn lại tuệ giác.

Một trong những loại định là định vô ngã, nghĩa là không có một thực thể riêng biệt và thường hằng. Mặc dầu ý niệm về vô ngã hợp lý và không có gì khó hiểu, chúng ta thường không suy nghĩ theo chiều hướng đó. Vì vậy, chúng ta phải thực tập nhìn sâu vào vạn sự vạn vật để thấy được tự tính không vốn có của chúng.

Các nhà khoa học cho biết vật thể phần lớn được cấu tạo bằng không gian. Khối lượng vật chất của một bông hoa hay một cái bàn hầu như là không có gì cả. Vật chất của một cái bàn gom lại chỉ nhỏ hơn một hạt cát. Chúng ta biết sự thật là như vậy, nhưng trong đời sống hằng ngày, chúng ta vẫn thấy cái bàn là một vật to lớn và chắc nịch. Khi một nhà khoa học nghiên cứu sự vật (elementary particles) dưới ánh sáng của vật lý quang tử, họ phải thực tập quên đi thói quen nhìn sự vật tách rời nhau. Khi đó, họ mới có thể hiểu được sự vận hành chân thật của vật chất. Các nhà khoa học mà phải thực tập thì chúng ta cũng phải thực tập để nhìn sâu vào bản chất của sự vật trong đời sống hằng ngày.

Định lực là khả năng duy trì tuệ giác lâu dài. Đó không phải chỉ là một tia sáng thoáng qua. Vì nếu như vậy thì nó không đủ khả năng giải phóng cho bạn. Thế cho nên, trong cuộc sống hằng ngày ta phải luôn nhớ giữ mãi trong tâm ý niệm về vô ngã, không và vô thường.

Khi nhìn bất cứ vật gì, người, vật, cỏ cây, đất đá ta phải nhìn thấy tự tính trống rỗng của vạn sự vạn vật. Nhờ đó mà ta đạt đến tuệ giác có thể giải phóng chính ta. Điều này khác hẳn với việc bàn luận về ý nghĩa của tính không. Ta phải thực sự thấy bản chất về tính không của ta và của những thứ khác. Mỗi khi đã đạt được tuệ giác ấy, ta sẽ không còn sợ hãi, nô lệ, là nạn nhân của chia rẽ, kỳ thị vì ta đã thấy rõ tự tính tương tức của vạn vật. Dù là một vị Bụt, một cá nhân hay một thân cây bạn cũng nhận ra tự tính không và tương tức. Bạn sẽ thấy “cái một chứa đựng cái tất cả.”

Bài Tập Thứ Mười Hai: Cởi Trói Cho Tâm Ý Được Giải Thoát Tự Do

Ta đang thở vào và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do.

Ta đang thở ra và cởi mở cho tâm ý ta được giải thoát tự do.

Bài tập thứ mười hai giúp ta giải phóng những phiền não và cởi mở cho tâm ý. Tâm ta luôn bị vướng mắc bởi phiền não, sợ hãi, giận dỗi, buồn phiền, kỳ thị. Chúng ta đã thực tập ghi nhận và ôm ấp phiền não, nhưng để được thực sự giải thoát, chúng ta cần sử dụng định lực để giải tỏa khỏi mọi ràng buộc.

Có nhiều loại định mà ta có thể thực tập. Một là “định vô thường.” Chúng ta có ý niệm về vô thường, chấp nhận và đồng ý là có vô thường. Ý niệm vô thường sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn sự vật và hành xử trong đời sống hằng ngày. Mặc dầu chúng ta trong lý trí biết rằng người thương của ta sẽ là vô thường nhưng chúng ta sống và hành xử như là người ta thương luôn luôn như thế và ta cũng luôn luôn như thế. Tuy nhiên sự vật luôn luôn thay đổi, như một dòng sông. Khi gặp một ai ta có thể nhìn người ấy như là người của hai mươi năm trước mà không thể tiếp xúc với người của hôm nay, của hiện tại mặc dầu người ấy, hôm nay đã có những quan niệm khác, suy nghĩ khác. Cho nên thiền tập về vô thường là để sống được với tự tính vô thường chứ không phải chỉ tiếp xúc bằng ý niệm. Chúng ta cần định vô thường chứ không phải ý niệm vô thường. Ý niệm về vô thường không giải thoát được chúng ta. Chính tuệ giác về vô thường mới cởi trói cho chúng ta.


Tuệ giác khác với ý niệm nhưng khi mới bắt đầu thực tập chúng ta dùng giáo lý ý niệm về vô thường để đi đến tuệ giác vô thường. Cũng như que diêm và ngọn lửa của que diêm. Que diêm không phải ngọn lửa nhưng que diêm có thể tạo ra ngọn lửa. Và khi ta có ngọn lửa thì ngọn lửa sẽ đốt cháy que diêm. Khi chúng ta đã có tuệ giác thì tuệ giác sẽ đốt cháy ý niệm. Ta cần tuệ giác vô thường để đạt giải thoát. 


Với bốn bài tập ở trên, chúng ta đã đi sâu vào bản chất của đối tượng của tâm, nghĩa là cách chúng ta nhận thức về vạn sự, vạn vật. Những phép thực tập về định ấy giúp ta có một nhận thức đúng đắn về thực tại thế giới. Nhiều người trong chúng ta thường bị kẹt trong ý niệm cho rằng tâm thức là ở bên trong chúng ta và vạn sự, vạn vật là ở ngoài ta. Chúng ta tin rằng tâm thức ở tại đây và vươn ra để tìm hiểu thế giới ngoài kia. Nhưng khi nhìn sự vật dưới ánh sáng tương tức chúng ta nhận ra rằng tâm thức và đối tượng của tâm thức không thể tách rời nhau. Cũng như phải và trái, cái này không thể có mặt nếu không có cái kia.

Khi nhìn vào bất cứ một vật gì, một bông hoa hay một cây viết, đối tượng của tâm thức và chủ thể của tâm thức luôn biểu hiện cùng một lúc. Nhận thức luôn luôn là nhận thức một cái gì. Chánh niệm luôn luôn là chánh niệm về một cái gì. Suy nghĩ luôn luôn là suy nghĩ về một việc gì. Tóm lại, vật thể và chủ thể luôn luôn biểu hiện cùng một lúc.

Bài Tập Thứ Mười Ba: Quán Chiếu Về Vô Thường

Ta đang thở vào và quán chiếu về tính vô thường của vạn pháp.

Ta đang thở ra và quán chiếu về tính vô thường của vạn pháp.

Bài tập thứ mười ba là thực tập về định vô thường như đã trình bày qua các ví dụ ở trên, sẽ giải phóng tâm thức. Định vô thường là một loại định. Nếu thực tập định vô thường rốt ráo chúng ta cũng sẽ thành công cùng lúc trong những định khác. Đi sâu vào định vô thường, chúng ta sẽ khám phá ra vô ngã, không và tương tức. Cho nên định vô thường là biểu trưng của tất cả các định khác.

Trong khi thực tập hơi thở vào thở ra và luôn luôn chú tâm vào định vô thường chúng ta sẽ thực chứng được bản tính của thực tại. Đối tượng của quán chiếu có thể là bất cứ cái gì, một bông hoa, một hòn sỏi, người ta thương, người ta ghét, cũng có thể là chính bản thân ta với buồn đau giận ghét. Bất cứ gì cũng có thể là đối tượng của quán chiếu, của thiền tập.

Bài Tập Thứ Mười Bốn: Quán Chiếu Vô Dục

Ta đang thở vào và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp.

Ta đang thở ra và quán chiếu về tính không đáng tham cầu và vướng mắc của vạn pháp.

Bài tập thứ mười bốn hướng về quán chiếu không tham cầu, không tham đắm. Giữa tàng thức và ý thức có một tầng thứ ba của tâm thức gọi là mạt-na thức. Mạt-na thức phát xuất từ tàng thức và là nền tảng của ý thức. Mạt-na chứa đầy vọng tưởng và có xu hướng chấp chặt, là phần của tâm thức luôn tìm khoái lạc, bất chấp hiểm nguy.

Chính mạt-na là nơi cất giữ bao nhiêu sợ hãi, dục vọng. Quán chiếu vô thường giúp chuyển hóa vọng tưởng của mạt-na thành tuệ giác.

Quán chiếu sâu sắc vào tham cầu để nhận cho ra bản tính của nó. Đối tượng của tham cầu của ta có thể là một vật hay một người nào đó có thể tàn hoại thân xác, tâm thức. Quán chiếu cho sâu về những gì mà ta ham muốn, mà ta tiêu thụ là một thực tập vô cùng quan trọng. Những gì ta đem vào thân và tâm ta sẽ nuôi lớn tham cầu sợ hãi và bạo động trong ta.

Bài Tập Thứ Mười Lăm: Quán Chiếu Vô Sinh, Niết Bàn

Ta đang thở vào và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp.

Ta đang thở ra và quán chiếu về bản chất không sinh diệt của vạn pháp.

Với hơi thở thứ bảy này chúng ta quán chiếu tính chất không sinh không diệt của vạn pháp, sự chấm dứt của tất cả mọi ý niệm, từ đó ta có thể cảm nhận tính tương tức của vạn vật, và ý thức rằng ta chỉ là một thành phần của toàn thể vũ trụ. Tự tính của vạn vật vượt thoát mọi ý niệm, kể cả những ý niệm về sinh và tử, đến và đi, có và không. Quán chiếu vô thường, vô ngã, tính không, không sinh không diệt đưa đến giải thoát.

Ý niệm có sinh, có diệt là nguồn gốc của lo âu, phiền muộn. Chứng nghiệm tự tính của vạn vật không sinh, không diệt giúp ta thoát khỏi sợ hãi, lo âu.

Bài Tập Thứ Mười Sáu: Quán Chiếu Buông Bỏ

Ta đang thở vào và quán chiếu về sự buông bỏ.

Ta đang thở ra và quán chiếu về sự buông bỏ.

Bài tập này giúp ta nhìn sâu và buông bỏ ham muốn, giận ghét và sợ hãi. Đồng thời cũng giúp ta cảm nhận thực tính của vạn vật, đạt tuệ giác giải thoát, không sợ hãi, phiền não. Ta buông bỏ ý niệm, vọng tưởng để được tự do. Niết bàn có nghĩa là tắt ngấm, là dập tắt ngọn lửa.

Theo giáo lý đạo Bụt, Niết bàn là sự chấm dứt của mọi phiền não do vọng tưởng gây nên. Niết bàn không phải là một nơi chốn để mình tìm tới hay một cái gì thuộc về tương lai. Niết bàn là bản chất của vạn vật, là tự tính vốn có của chúng. Niết bàn có đó ngay bây giờ và ở đây. Có thể ta đang ở trong Niết bàn, ta là Niết bàn, như đợt sóng cũng là nước.

Thực tính của chúng ta là không trước không sau, không sống không chết. Nếu ta tiếp xúc được với thực tính của ta thì ta không còn sợ hãi, giận hờn, phiền não. Nếu ta có một người thân mới từ trần thì phải tìm cách thấy được người ấy dưới một biểu hiện mới. Người ấy không chết được mà tiếp tục dưới những hình tướng khác. Nhìn với tuệ giác ấy ta có thể nhìn ra người ấy xung quanh ta và ngay trong ta. Và ta có thể tiếp tục “nói chuyện” với người ấy.

Bài tập này giúp ta từ bỏ vọng tưởng, tiếp xúc với bản chất của vạn sự, vạn vật và đạt tới tự do lớn.

Chúng ta cần tiếp tục thực tập, học hỏi, bàn luận để cho sự hiểu biết càng thêm sâu sắc. An trú trong hiện tại, ta sẽ để tâm chiêm nghiệm sự sống sâu sắc hơn và sẽ có cơ hội khám phá nhiều điều kỳ diệu. Điều này không có nghĩa là ta chìm đắm trong suy tư mà ta sẽ quán sát được bản chất vốn có của thực tại và chứng nghiệm được bản tính chân như của chúng.

Chúng ta đang sống với nhiều lo sợ, sợ quá khứ, sợ tương lai, sợ cho cái ngã của bản thân mình. Tám bài tập này cùng với tám bài tập ở phần trên cho ta tuệ giác, và giúp ta cảm nhận trong bình diện bản môn và giải phóng chúng ta khỏi những sợ hãi. Khi chúng ta có thể chia sẻ với người khác tuệ giác của chúng ta là chúng ta đang hiến tặng cho người ấy một món quà vô cùng quý giá, món quà của sự không-sợ-hãi.

Xem Tiếp Chương 17 - Quay Về Mục Lục



0 Đánh giá

Ads Belove Post