Chương 8. Con đường của thông minh

Chương 8. Con đường của thông minh

Price:

Read more

Osho – Tâm kinh
Chương 8. Con đường của thông minh


Câu hỏi thứ nhất:
Osho kính yêu,
Liệu trí tuệ có phải là cánh cửa vào chứng ngộ không, hay chứng ngộ chỉ có thể đạt tới qua buông xuôi?
Chứng ngộ bao giờ cũng qua buông xuôi, nhưng buông xuôi chỉ đạt tới qua thông minh. Chỉ kẻ ngốc mới không thể buông xuôi. Để buông xuôi bạn cần thông minh lớn. Thấy ra vấn đề về buông xuôi là đỉnh cao của sáng suốt; thấy ra vấn đề là bạn không tách rời khỏi sự tồn tại là đỉnh cao nhất mà thông minh có thể trao cho bạn.
Không có xung đột giữa thông minh và buông xuôi. Buông xuôi là thông qua thông minh, mặc dầu khi bạn buông xuôi thì thông minh cũng phải bị buông xuôi. Thông qua buông xuôi mà trí tuệ tự tử. Thấy ra cái vô ích của chính mình, thấy ra cái ngớ ngẩn của chính mình, thấy ra cái khổ não mà nó tạo ra, nó liền biến mất. Nhưng điều đó xảy ra qua thông minh. Và đặc biệt trong mối liên quan tới Phật, con đường là thông minh. Chính từ phật có nghĩa là thông minh thức tỉnh.
Trong Tâm Kinh một phần tư những từ được dùng là mang nghĩa thông minh. Từ phật có nghĩa là thức tỉnh, bodhi - bồ đề - có nghĩa là việc thức tỉnh, sambodhi nghĩa là thức tỉnh hoàn hảo, abhisambuddha có nghĩa là thức tỉnh hoàn toàn, bodhisattva - bồ tát - có nghĩa là sẵn sàng để trở thành thức tỉnh hoàn toàn. Tất cả quay lại cùng gốc, budh, có nghĩa là thông minh. Từ budhi, trí tuệ, cũng tới từ cùng gốc. Từ gốc budh có nhiều chiều cho nó. Không có một từ tiếng Anh nào có thể dịch được nó; nó có nhiều điều ngụ ý. Nó rất linh động và nên thơ.
Không ngôn ngữ nào khác có từ giống như từ budh, với nhiều nghĩa thế. Có ít nhất năm nghĩa cho từ budh. Nghĩa thứ nhất là thức tỉnh, thức tỉnh chính mình, và đánh thức người khác, để thức tỉnh. Hiểu theo nghĩa thường, nó là đối lập với ngủ, trong giấc ngủ của ảo tưởng mà từ đó người đã chứng ngộ đánh thức dậy như từ giấc mơ. Đó là ý nghĩa thứ nhất của thông minh, budh - tạo ra sự thức tỉnh trong bạn.
Người thường thì ngủ. Thậm chí khi bạn nghĩ bạn đang tỉnh, bạn cũng không tỉnh đâu. Bước đi trên đường, bạn hoàn toàn tỉnh thức - trong tâm trí bạn. Nhưng nhìn từ cái nhìn của vị Phật, bạn đang ngủ say, bởi vì cả nghìn lẻ một giấc mơ và ý nghĩ đang la hét ầm ĩ bên trong bạn, ánh sáng bên trong bạn bị u ám rất nhiều. Đấy là một loại giấc ngủ. Quả thế, mắt bạn mở đấy, hiển nhiên, nhưng mọi người có thể bước trong mơ, trong giấc ngủ, với mắt mở. Và Phật nói: Bạn cũng đang bước trong giấc ngủ - với mắt mở.
Nhưng con mắt bên trong bạn không mở. Bạn không biết bạn là ai. Bạn không nhìn vào trong thực tại riêng của mình. Bạn không tỉnh thức. Tâm trí tràn đầy ý nghĩ thì không tỉnh thức, không thể là tỉnh thức được. Chỉ tâm trí đã loại bỏ các ý nghĩ và suy nghĩ, đã giải tán các đám mây quanh nó - và mặt trời đang chiếu sáng rực rỡ, và bầu trời hoàn toàn trống rỗng mây - mới là tâm trí thông minh, mới là tỉnh thức.
Thông minh là khả năng hiện hữu trong hiện tại. Bạn càng trong quá khứ hay trong tương lai nhiều bạn càng ít thông minh. Thông minh là khả năng hiện hữu ở đây và bây giờ, hiện hữu trong khoảnh khắc này và không ở đâu khác. Thế thì bạn là tỉnh thức.
Chẳng hạn, bạn đang ngồi trong nhà và ngôi nhà bỗng nhiên bốc cháy; bạn đang trong nguy hiểm. Thế thì với khoảnh khắc đó bạn sẽ thức tỉnh. Trong khoảnh khắc đó bạn sẽ không nghĩ nhiều ý nghĩ. Trong khoảnh khắc đó bạn quên mất toàn bộ quá khứ của mình. Trong khoảnh khắc đó bạn sẽ không bị kí ức tâm lí của mình la hét bên trong - rằng bạn đã yêu một người phụ nữ ba mươi năm trước đây, và anh bạn, đấy là tưởng tượng!
Hay, ngày hôm nọ bạn mới ở một quán ăn Tàu, và hương vị vẫn còn phảng phất đâu đây, mùi hương thơm cùng mùi bánh mì được nấu nướng ngon lành. Bạn sẽ không ở trong những ý nghĩ đó. Không, khi nhà bạn bị cháy, bạn không thể còn những loại ý nghĩ đó. Bỗng nhiên bạn sẽ xô về khoảnh khắc này: ngôi nhà đang bốc cháy và cuộc sống của bạn đang nguy hiểm. Bạn sẽ không mơ về tương lai, về điều gì bạn định làm ngày mai. Ngày mai chẳng còn liên quan, hôm qua chẳng còn liên quan, thậm chí hôm nay cũng chẳng còn liên quan nữa! - chỉ có khoảnh khắc này, khoảnh khắc ngay lúc này. Đó là ý nghĩa thứ nhất của budh, thông minh. Và có sáng suốt lớn. Một người muốn thực sự thức tỉnh, muốn thực sự là vị Phật, phải sống từng khoảnh khắc trong mãnh liệt như vậy - như bạn rất hãn hữu sống trong nguy hiểm nào đó.
Nghĩa thứ nhất là đối lập với ngủ. Và một cách tự nhiên, bạn có thể thấy thực tại chỉ khi bạn không ngủ. Bạn có thể đối mặt với nó, bạn có thể nhìn thẳng vào mắt của chân lí - hay gọi nó là Thượng đế - chỉ khi bạn thức tỉnh. Bạn có hiểu vấn đề về sự mãnh liệt, vấn đề về hiện hữu trong lửa không? Hoàn toàn thức tỉnh, có sáng suốt.
Sáng suốt đó đem lại tự do, sáng suốt đó đem lại chân lí. Nghĩa thứ hai của budh là nhận ra - trở nên nhận biết về, quen biết với, là chú ý, để ý tới. Và vị Phật là người như vậy, người đã nhận ra cái giả là cái giả, và có đôi mắt mở to để thấy cái thật là thật. Thấy cái giả là giả là bắt đầu của hiểu biết chân lí là gì. Chỉ khi bạn thấy cái giả là giả, bạn mới có thể thấy chân lí là gì. Bạn không thể tiếp tục sống trong ảo tưởng, bạn không thể tiếp tục sống trong niềm tin của mình, bạn không thể tiếp tục sống trong định kiến của mình nếu bạn muốn biết chân lí.
Cái giả phải được nhận ra là giả. Đó là ý nghĩa thứ hai của budh - nhận ra cái giả là giả, cái sai trái là sai trái. Chẳng hạn, bạn đã tin vào Thượng đế; bạn được sinh ra là người Ki tô giáo hay Hindu giáo hay Mô ha mét giáo. Bạn đã được dạy rằng Thượng đế tồn tại, bạn phải sợ Thượng đế - rằng nếu bạn không tin, bạn sẽ đau khổ, rằng bạn sẽ bị trừng phạt, rằng Thượng đế rất hung tợn, rằng Thượng đế sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho bạn. Thượng đế của người Do Thái nói, “Ta là Thượng đế rất ghen tị. Chỉ được tôn thờ ta mà không được tôn thờ bất kì ai khác!” Thượng đế của người Mô ha mét giáo cũng nói cùng điều đó: “Chỉ có một Thượng đế, và không có Thượng đế nào khác; và chỉ có một nhà tiên tri về Thượng đế - Mohammed - và không có nhà tiên tri nào khác.” Ước định này có thể ăn sâu trong bạn đến mức nó có thể vẫn còn lởn vởn thậm chí khi bạn bắt đầu không tin vào Thượng đế.
Mới hôm nọ Mulla Nasruddin còn ở đây, và tôi hỏi anh ta, “Mulla Nasruddin, từ khi anh trở thành người cộng sản, anh đã trở thành một đồng chí, thế Thượng đế thì sao?”
Anh ta nói, “Làm gì có Thượng đế! - và Mohammed là nhà tiên tri duy nhất.”
Ước định có thể ăn sâu đến thế: Mohammed vẫn còn là nhà tiên tri.
Bạn đã được nuôi dưỡng lớn lên trong việc tin vào Thượng đế, và bạn đã tin. Đây là niềm tin. Dù Thượng đế có tồn tại hay không cũng chẳng liên quan gì tới niềm tin của bạn. Chân lí chẳng liên quan gì với niềm tin của bạn cả. Dù bạn có tin hay không thì cũng chẳng khác biệt gì cho chân lí. Nhưng nếu bạn tin vào Thượng đế, bạn cứ thấy - ít nhất thì cũng nghĩ - rằng bạn gặp Thượng đế.
Nếu bạn không tin vào Thượng đế, thì sự không tin vào Thượng đế đó sẽ ngăn cản bạn khỏi việc biết. Tất cả các niềm tin đều ngăn cản, bởi vì chúng trở thành định kiến quanh bạn, chúng trở thành việc bao phủ ý nghĩ - điều Phật gọi là avarnas.
Con người của thông minh không tin vào bất kì điều gì, và cũng chẳng không tin vào bất kì điều gì. Con người của thông minh đơn giản cởi mở để nhận ra bất kì cái gì đang xem xét. Nếu Thượng đế có đó, người đó sẽ nhận ra - nhưng không theo niềm tin của mình; người đó không có niềm tin. Chỉ trong thông minh không niềm tin, chân lí mới có thể xuất hiện. Khi bạn đã tin, bạn không cho phép có chỗ nào để chân lí tới với bạn. Định kiến của bạn được tôn lên, đã được tôn lên. Bạn không thể thấy cái gì đó đi ngược lại niềm tin của mình; bạn sẽ trở nên sợ hãi, bạn sẽ trở nên lung lay, bạn sẽ bắt đầu run rẩy. Bạn đã đặt quá nhiều niềm tin của mình - quá nhiều cuộc sống, quá nhiều thời gian, quá nhiều lời cầu nguyện, năm lần mỗi ngày. Trong năm mươi năm một người đã cống hiến cho niềm tin của mình; bây giờ bỗng nhiên làm sao người đó có thể nhận ra sự kiện là không có Thượng đế?
Một người đã đặt toàn bộ cuộc sống mình vào chủ nghĩa cộng sản, tin rằng không có Thượng đế; làm sao người đó có thể tới gặp nếu Thượng đế có đó? Người đó sẽ cứ tránh né.
Tôi không nói bất kì điều gì về việc liệu Thượng đế có hay không. Điều tôi đang nói là cái gì đó có liên quan tới bạn, không phải với Thượng đế. Một tâm trí, một tâm trí thoáng đãng, là cần thiết, thông minh là cần thiết, cái không níu bám vào bất kì niềm tin nào. Thế thì bạn là giống như tấm gương: bạn phản ánh cái đang đó, bạn không làm biến dạng nó. Đó là ý nghĩa thứ hai của budh.
Người thông minh không phải là người cộng sản mà cũng chẳng Ki tô giáo. Người thông minh không tin, cũng chẳng không tin. Điều đó không phải là cách thức của người ấy. Người ấy nhìn vào cuộc sống, và bất kì cái gì có đó, người ấy đều sẵn sàng thấy nó. Người ấy không có rào chắn nào cho cái nhìn của mình; cái nhìn của người ấy là trong suốt. Chỉ số ít người ấy mới đạt tới chân lí.
Nghĩa thứ ba của gốc budh, thông minh, là biết, là hiểu. Phật biết cái đang đó; ông ấy hiểu cái đang đó, và trong chính hiểu biết là tự do khỏi mọi cảnh nô lệ - biết theo nghĩa hiểu, không theo nghĩa thông thạo. Phật không phải là người thông thạo. Người thông minh không quan tâm nhiều tới thông tin và tri thức. Người thông minh quan tâm nhiều tới khả năng để biết. Mối quan tâm đích thực, thực sự của người đó là trong việc biết, không phải trong tri thức.
Việc biết cho bạn hiểu; tri thức chỉ cho bạn cảm giác về hiểu mà không cho bạn việc hiểu thực sự. Tri thức là đồng tiền giả, nó là lừa dối. Nó chỉ cho bạn cảm giác rằng bạn biết, mà bạn thì lại chẳng biết gì cả. Bạn có thể cứ tích luỹ mãi tri thức bao nhiêu tuỳ ý, bạn có thể cứ tích trữ, bạn có thể trở thành rất, rất thông thạo. Bạn có thể viết sách, bạn có thể có bằng cấp, bạn có thể có bằng tiến sĩ, tiến sĩ văn chương, mà bạn vẫn cứ còn là người dốt nát, bạn bao giờ vẫn cứ là người ngu đần. Những bằng cấp đó không làm thay đổi bạn; chúng không thể thay đổi bạn được. Trong thực tế cái ngu đần của bạn còn trở nên mạnh hơn... bây giờ nó có cả bằng cấp nữa! Nó có thể chứng minh bản thân nó qua chứng chỉ. Nó không thể chứng minh được qua cuộc sống, nhưng nó có thể chứng minh qua chứng chỉ. Nó không thể chứng minh được theo bất kì cách nào khác, nhưng nó sẽ mang bằng cấp, chứng chỉ, công nhận từ xã hội; mọi người nghĩ bạn biết, và bạn cũng nghĩ bạn biết.
Bạn chưa từng thấy điều này sao? Những người được coi là rất thành thạo đều là những kẻ dốt nát như bất kì ai, đôi khi còn dốt nát hơn. Rất hiếm khi tìm ra được người thông minh trong thế giới hàn lâm, rất hiếm. Tôi đã ở trong cái thế giới hàn lâm đó, và tôi nói điều đó qua kinh nghiệm của tôi. Tôi đã từng thấy người nông dân thông minh, tôi chưa thấy các giáo sư thông minh. Tôi đã thấy tiều phu thông minh, tôi chưa từng thấy vị giáo sư thông minh nào. Tại sao? Điều gì đi sai với những người này?
Một điều đã đi sai: họ có thể bị phụ thuộc vào tri thức. Họ không cần trở thành người biết, họ có thể phụ thuộc vào tri thức. Họ đã tìm thấy cách phụ. Cách chính cần dũng cảm. Cách chính, việc biết, chỉ ít người mới đảm đương nổi - những người phiêu lưu, những người vượt ra ngoài con đường thông thường mà đám đông đi qua, những người chọn con đường nhỏ hẹp trong rừng rậm còn chưa biết. Mối nguy hiểm là họ có thể bị lạc.
Mạo hiểm cao. Khi bạn có thể lấy tri thức phụ, việc gì phải bận tâm? Bạn có thể chỉ ngồi trong ghế mình. Bạn có thể tới thư viện hay tới đại học, bạn có thể thu thập thông tin. Bạn có thể làm một đống thông tin lớn và ngồi lên trốc. Qua tri thức kí ức bạn trở thành ngày một lớn hơn, nhưng trí thông minh của bạn không trở nên lớn hơn. Đôi khi việc xảy ra là bạn không biết nhiều, khi bạn không thật thành thạo lắm, bạn sẽ thông minh vào khoảnh khắc nào đó.
Tôi đã từng nghe...
Một phụ nữ mua một hộp quả nhưng bà ấy không thể nào mở được cái hộp. Bà ấy không biết làm sao để mở nó. Cho nên bà ấy chạy tới chỗ học để tìm sách dạy nấu ăn. Trong lúc bà ấy tìm trong sách vở và thấy số trang và tham khảo, rồi chạy trở về để mở hộp, thì người phục vụ đã mở xong nó.
Bà ấy hỏi, “Nhưng làm sao anh làm được điều đó?”
Người phục vụ trả lời, “Thưa bà, khi bà không thể đọc được, bà phải dùng cái trí của mình.”
Đúng đấy, đó là cách nó xảy ra. Đó là lí do tại sao nông dân, người làm vườn, tiều phu, thông minh hơn, có tươi tắn quanh họ. Họ không thể đọc được, cho nên họ phải dùng tâm trí họ. Người ta phải sống và người ta phải dùng tâm trí mình.
Nghĩa thứ ba của budh là biết, theo nghĩa của việc hiểu .
Phật đã thấy cái đang đó. Ông ấy hiểu cái đang đó, và trong chính hiểu biết đó là tự do khỏi tất cả cảnh nô lệ. Điều đó nghĩa là gì? Nó có nghĩa là bạn sợ. Chẳng hạn, những bài nói về Tâm Kinh này làm cho nhiều người cảm thấy sợ. Nhiều người đã gửi thông điệp của mình: “Osho ơi, thôi đi! Thầy làm chúng tôi sợ về cái không và cái chết.” Prageet rất sợ. Vidya rất sợ, và nhiều người nữa. Tại sao? Bạn không muốn vứt bỏ sợ hãi sao?
Nếu bạn muốn vứt bỏ sợ hãi thì bạn sẽ phải hiểu sợ hãi. Bạn muốn tránh sự kiện là sợ hãi có đó, sợ hãi chết có đó.
Bây giờ Prageet, bề ngoài, trông có vẻ một người mạnh mẽ - một Rolfers - nhưng sâu bên trong anh ấy rất sợ chết; anh ấy là một trong những người sợ nhất xung quanh đây. Có thể đó là lí do tại sao bên ngoài anh ấy sắm vai mạnh mẽ, uy quyền, kẻ bắt nạt. Đó chính là điều Rolfer là gì!
Tôi có nghe nói rằng gần đây quỉ trong địa ngục đang bổ nhiệm Rolfer: chúng tra tấn mọi người vì lợi ích của chúng, và chúng tra tấn rất kĩ thuật.
Nếu bạn sợ hãi bên trong, bạn sẽ phải tạo ra cái gì đó mạnh mẽ quanh bạn, giống như lớp vỏ cứng, để cho không ai nhận ra rằng bạn đang sợ. Và đó không phải là vấn đề duy nhất - bạn cũng sẽ không biết rằng bạn đang sợ bởi vì cái vỏ cứng đó. Nó sẽ bảo vệ bạn khỏi người khác, nó sẽ bảo vệ bạn khỏi hiểu biết của chính mình.
Người thông minh không đào thoát khỏi bất kì sự kiện nào. Nếu đấy là sợ hãi, người ấy sẽ đi vào trong nó - bởi vì lối ra là đi qua nó. Nếu người đó cảm thấy sợ và run rẩy nảy sinh trong người đó, người đó sẽ gạt mọi thứ sang bên: trước hết sợ hãi này phải được trải qua. Người đó sẽ đi vào trong nó, người đó sẽ cố gắng để hiểu.
Người đó sẽ không cố gắng làm sao để không sợ; người ấy sẽ không hỏi câu hỏi đó. Người ấy sẽ đơn giản hỏi một câu hỏi: “Sợ hãi này là gì? Nó có đó, nó là một phần của ta, nó là thực tại của ta. Ta phải đi vào trong nó, ta phải hiểu nó. Nếu ta không hiểu nó, một phần của ta bao giờ cũng sẽ vẫn còn là điều không biết đối với ta. Và làm sao ta biết được ta là ai nếu ta cứ né tránh các bộ phận?
Ta sẽ không hiểu sợ hãi, ta sẽ không hiểu cái chết, ta sẽ không hiểu giận dữ, ta sẽ không hiểu căm giận của mình, ta sẽ không hiểu ghen tị của mình, ta sẽ không hiểu cái này cái khác...” Thế thì làm sao bạn định hiểu được chính mình?
Tất cả những cái đó là bạn đấy! Đây là sự hiện hữu của bạn. Bạn phải đi vào trong mọi thứ đang có đấy, mọi xó xỉnh và góc khuất. Bạn phải thám hiểm sợ hãi. Cho dù bạn có run rẩy thì cũng chẳng có gì phải lo âu: cứ run rẩy nhưng đi vào. Run rẩy còn tốt hơn nhiều so với chạy trốn, bởi vì một khi bạn chạy trốn, phần đó sẽ vẫn còn là điều không biết đối với bạn, và bạn sẽ ngày càng trở nên sợ hãi để nhìn vào nó bởi vì sợ hãi đó cứ tích luỹ lại mãi.
Nó sẽ trở nên ngày càng lớn hơn mãi nếu bạn không đi vào nó ngay bây giờ, khoảnh khắc này. Ngày mai nó sẽ sống thêm hai mươi bốn giờ nữa. Nhận biết đi! - nó sẽ bắt rễ nhiều hơn trong bạn, nó sẽ có tán lá lớn hơn, nó sẽ trở nên mạnh hơn; và thế thì nó sẽ sẽ khó mà khắc phục hơn. Tốt hơn cả là đi vào ngay bây giờ, thế cũng đã là chậm.
Và nếu bạn đi vào trong nó và bạn thấy nó... Và thấy có nghĩa là không định kiến. Thấy có nghĩa là bạn không lên án sợ hãi là xấu ngay từ đầu. Ai biết được? – nó không xấu. Ai biết nó có đó? Nhà thám hiểm phải vẫn còn cởi mở cho tất cả các khả năng; người ấy không thể chịu được tâm trí khép kín. Tâm trí khép kín và việc thám hiểm không đi đôi với nhau. Người đó sẽ đi vào trong nó. Nếu nó đem tới đau khổ và đau đớn, người đó sẽ chịu đựng nỗi đau nhưng người đó vẫn cứ đi vào nó.
Run rẩy, ngần ngại, nhưng người đó sẽ đi vào nó: “Đấy là lãnh thổ của tôi, tôi phải biết nó là cái gì. Có thể nó mang một kho báu nào đó cho tôi thì sao? Có thể sợ hãi chỉ có đó để bảo vệ kho báu này.”
Đó là kinh nghiệm của tôi, đó là hiểu biết của tôi: nếu bạn đi sâu vào trong sợ của mình, bạn sẽ tìm thấy tình yêu. Đó là lí do tại sao việc xảy ra là khi bạn đang trong yêu, sợ biến mất. Và khi bạn sợ bạn không thể trong yêu được. Điều này nghĩa là gì? Một số học đơn giản - sợ và yêu không cùng tồn tại. Điều đó có nghĩa là phải cùng một năng lượng trở thành sợ; thế thì chẳng còn gì để trở thành tình yêu. Nó trở thành tình yêu; thế thì chẳng còn lại gì để trở thành sợ hãi.
Đi vào trong sợ đi, Prageet, Vidya, và tất cả những người khác đang cảm thấy sợ. Đi vào trong nó, và bạn sẽ thấy kho báu lớn. Ẩn đằng sau sợ hãi là tình yêu, và ẩn đằng sau giận dữ là từ bi, và ẩn đằng sau dục là samadhi.
Đi vào trong từng điều tiêu cực và bạn sẽ thấy điều tích cực. Và khi biết cái tiêu cực và cái tích cực, cái thứ ba, điều tối thượng xảy ra - siêu việt. Đó là ý nghĩa của việc hiểu, budh, thông minh. Và nghĩa thứ tư là được chứng ngộ và chứng ngộ. Phật là ánh sáng, ông ấy đã trở thành ánh sáng. Và vì ông ấy là ánh sáng và ông ấy đã trở thành ánh sáng, nên ông ấy toả ánh sáng tới người khác nữa, một cách tự nhiên, hiển nhiên. Ông ấy là việc chiếu sáng. Bóng tối của ông ấy đã biến mất, ngọn lửa bên trong của ông ấy đang bùng cháy chói lọi. Ngọn lửa của ông ấy không có khói. Ý nghĩa này là đối lập với bóng tối và mù quáng cùng dốt nát tương ứng. Đây là ý nghĩa thứ tư: trở thành ánh sáng, trở thành chứng ngộ.
Thông thường bạn ở trong bóng tối, lục địa bóng tối, lục địa đen tối, chưa khám phá. Con người có một điều hơi chút kì lạ: con người thám hiểm Himalayas, con người thám hiểm Thái bình dương, con người lên tới mặt trăng và sao Hoả; chỉ có mỗi một điều con người chưa hề thử - thám hiểm bản thể bên trong của mình. Con người đã đáp xuống mặt trăng, và con người chưa hề đáp xuống bản thể của riêng mình. Điều này thực là lạ. Có thể việc đáp xuống mặt trăng chỉ là trốn chạy, đi lên đỉnh Everest chỉ là trốn chạy. Có thể con người không muốn đi vào trong, bởi vì anh ta rất sợ. Anh ta thay thế nó bằng những thám hiểm nào đó khác để cảm thấy thoải mái, nếu không thì bạn sẽ phải cảm thấy rất, rất mặc cảm. Bạn bắt đầu trèo lên núi và bạn cảm thấy thoải mái, còn đỉnh núi cao nhất bên trong bạn vẫn chưa được trèo lên. Bạn bắt đầu đi, lặn sâu xuống Thái bình dương, còn Thái bình dương lớn nhất ở bên trong bạn vẫn chưa được lên sơ đồ, lập bản đồ. Và bạn bắt đầu lên mặt trăng - thật là đần độn làm sao! Và bạn lãng phí năng lượng của mình vào việc lên mặt trăng, còn mặt trăng thực lại ở bên trong bạn - bởi vì ánh sáng thực là ở bên trong bạn.
Người thông minh sẽ đi vào trong trước. Trước khi đi bất kì đâu khác người ấy sẽ đi vào trong bản thể riêng của mình; đó là chỗ đầu tiên, và nó nên được ưu tiên đầu tiên. Chỉ khi bạn đã biết tới bản thân mình, bạn mới có thể đi đâu đó khác. Thế thì bất kì nơi đâu bạn tới, bạn cũng sẽ đem theo phúc lạc quanh mình, an bình, im lặng, lễ hội.
Cho nên nghĩa thứ tư là được chứng ngộ. Thông minh là tia lửa. Được giúp đỡ, được hợp tác, nó có thể trở thành ngọn lửa, và ánh sáng, và hơi ấm. Nó có thể trở thành ánh sáng, nó có thể trở thành cuộc sống, nó có thể trở thành tình yêu: đấy là tất cả những điều được bao hàm trong từ chứng ngộ. Người chứng ngộ không có góc tối tăm nào trong bản thể mình. Tất cả đều giống như buổi sáng - mặt trời trên đường chân trời; bóng tối của đêm và cảnh tối tăm của đêm đã biến mất, và cái bóng của ban đêm đã biến mất. Trái đất lại thức tỉnh. Là vị Phật là đạt tới buổi sáng, bình minh bên trong bạn. Đó là chức năng của thông minh, chức năng tối thượng.
Và nghĩa thứ năm của budh là thăm dò. Chiều sâu có đó trong bạn, chiều sâu không đáy, cái cần phải được thăm dò. Hay nghĩa thứ năm có thể là việc thấm vào, loại bỏ tất cả các chướng ngại và thấm vào chính cốt lõi bản thể bạn, trung tâm. Đó là lí do tại sao kinh này được gọi là Tâm Kinh - Prajnaparamita Hridayam Sutra - thấm vào.
Người ta cố gắng thấm vào nhiều thứ trong cuộc sống. Thôi thúc của bạn, ham muốn lớn của bạn về dục chẳng là gì ngoài một loại thấm vào. Nhưng đấy là thấm vào người khác. Cùng việc thấm đó phải xảy ra bên trong bản thể riêng của bạn: bạn phải thấm vào chính mình. Nếu bạn thấm vào ai đó khác, nó có thể cho bạn cái thoáng nhìn tạm thời, nhưng nếu bạn thấm vào bản thân mình thì bạn có thể đạt tới cực thích vũ trụ phổ biến, cái vẫn cứ còn, còn lại mãi.
Đàn ông gặp gỡ đàn bà bên ngoài, và đàn bà gặp gỡ đàn ông bên ngoài: đây là gặp gỡ rất nông cạn - có ý nghĩa đấy, nó có đem lại những khoảnh khắc vui vẻ đấy. Khi người đàn bà bên trong gặp người đàn ông bên trong... Và bạn đang mang cả hai bên trong mình: một phần của bạn là nữ tính, một phần là nam tính. Dù bạn có là đàn ông hay đàn bà điều đó cũng chẳng thành vấn đề; mọi người đều là lưỡng dục.
Nghĩa thứ năm của từ gốc budh là thấm nhuần. Khi người đàn ông bên trong của bạn thấm vào người đàn bà bên trong của bạn thì có gặp gỡ; bạn trở thành toàn thể, bạn trở thành cái một. Và thế thì tất cả các ham muốn về cái bên ngoài đều biến mất. Trong vô ham muốn đó là tự do, là niết bàn.
Con đường của Phật là con đường của budh. Nhớ rằng ‘Phật’ không phải là tên của Gautama Phật, Phật là trạng thái mà ông ấy đã đạt tới. Tên ông ấy là Gautam Siddhartha. Thế rồi một hôm ông ấy trở thành Phật, một hôm bodhi của ông ấy, thông minh của ông ấy nở hoa.
‘Phật’ có nghĩa đích xác như điều ‘Christ’ mang nghĩa. Tên Jesus không phải là Christ: đó là việc nở hoa tối thượng đã xảy ra cho ông ấy. Việc ấy cũng xảy ra cho Phật. Đã có nhiều vị Phật khác Gautam Siddartha. Mọi người đều có khả năng về budh. Nhưng budh, cái khả năng để thấy đó, cũng hệt như hạt mần bên trong bạn - nếu nó nẩy mầm, trở thành cây to, ra hoa, bắt đầu nhảy múa trên bầu trời, bắt đầu thì thào với những ngôi sao, thì bạn là vị Phật.
Con đường của Phật là con đường của thông minh. Nó không phải là là con đường của tình cảm, không, không phải chút nào. Không phải là những người tình cảm thì không thể đạt tới; còn có những con đường khác cho họ - con đường của thành tâm, Bhakti Yoga. Con đường của Phật là Gyan Yoga thuần khiết, con đường của việc biết. Con đường của Phật là con đường của thiền, không phải của tình yêu. Và cũng hệt như budh, còn có một từ gốc khác, gya, làm cơ sở cho gyanam. Gyanam có nghĩa là nhận biết, việc biết. Và từ prajna, có nghĩa là trí huệ - prajnaparamita - trí huệ của cõi bên kia, hay sangya, có nghĩa là cảm nhận, nhạy cảm hay vigyanam có nghĩa là tâm thức - các từ gốc này đều bắt nguồn từ gya. Gya có nghĩa là biết.
Bạn sẽ thấy những từ này lặp lại nhiều lần lắm trong lời kinh này - không chỉ trong lời kinh này, mà trong tất cả các kinh của Phật. Bạn sẽ thấy thêm vài từ nữa, cũng đuợc lặp lại rất thường xuyên, và những từ này là ved - ved có nghĩa là biết; từ ved có từ Hindu veda - hay man, có nghĩa là tâm trí; manan có nghĩa là để tâm trí vào; hay chit, có nghĩa là tâm thức. Những từ này gần như giống những hòn đá lát trên Con đường Phật. Con đường của ông ấy là con đường của thông minh.
Một điều nữa cần phải nhớ: lời kinh này, nó là đúng, còn trỏ tới một cái gì đó nằm xa bên ngoài trí tuệ. Nhưng con đường để đi tới đó là đi theo trí tuệ thật xa khi nó đưa bạn đi. Trí tuệ phải được dùng tới, không bị bỏ đi; nó phải được siêu việt lên, không bị bỏ đi. Và nó có thể được siêu việt lên chỉ khi bạn đã đạt tới bậc thang cao nhất của chiếc thang. Bạn phải tiếp tục trưởng thành về thông minh. Thế thì một khoảnh khắc sẽ tới khi thông minh đã làm tất cả những cái nó có thể làm. Trong khoảnh khắc đó nói tạm biệt với thông minh. Nó đã giúp bạn trên con đường dài, nó đã đem bạn đi đủ lâu, nó đã là một phương tiện tốt. Nó đã là chiếc thuyền chở bạn qua sông: bạn đã đạt tới bờ bên kia, thế rồi bạn bỏ lại chiếc thuyền. Thế thì bạn không mang chiếc thuyền trên đầu; điều đó sẽ là ngu xuẩn.
Con đường của Phật đi qua thông minh nhưng vượt ra ngoài nó. Một khoảnh khắc tới khi thông minh đã cho bạn tất cả những cái nó có thể cho, thế thì nó không còn cần thiết nữa. Thế thì cuối cùng bạn bỏ nó đi, công việc của nó chấm dứt. Bệnh tật đã qua, bây giờ thuốc cũng phải ra đi. Và khi bạn tự do với cả bệnh lẫn thuốc, chỉ thế bạn mới là tự do. Đôi khi sự việc xảy ra là bệnh đã hết, nhưng bây giờ bạn lại đâm ra nghiện thuốc. Đây không phải là tự do.
Một chiếc gai đâm vào chân bạn và làm đau. Bạn lấy chiếc gai khác để nhể chiếc gai trong chân mình ra. Khi bạn đã lấy chiếc gai đó ra rồi, bạn ném cả hai chiếc gai đi; bạn không cất giữ chiếc gai có ích. Bây giờ nó là vô nghĩa. Công việc của thông minh là để giúp bạn trở nên nhận biết về bản thể của mình. Một khi công việc đó đã xảy ra và bản thể bạn có đó, bây giờ không cần đến công cụ này nữa. Bạn có thể nói lời tạm biệt, bạn có thể nói lời cám ơn.
Con đường của Phật là con đường của thông minh, thông minh thuần khiết, mặc dầu nó đi ra ngoài thông minh.
Câu hỏi thứ hai
Osho kính yêu
Có đúng là người ta phải trải qua địa ngục không?
Bạn không cần phải đi qua địa ngục, bởi vì bạn đã ở đó rồi. Bạn còn tìm địa ngục ở nơi nào khác nữa? Đây là trạng thái thông thường của bạn - địa ngục. Bạn đừng nghĩ rằng địa ngục là ở đâu đó sâu dưới lòng đất. Địa ngục là bạn đấy. Bạn, không nhận biết, chính là địa ngục.
Bạn, vận hành không thông minh: đó là địa ngục. Và bởi vì có biết bao nhiêu người đang vận hành không thông minh nên thế giới này khổ thế - biết bao nhiêu là người thần kinh trên trái đất. Và chừng nào bạn còn chưa chứng ngộ, bạn vẫn cứ còn thần kinh, dù nhiều dù ít. Biết bao nhiêu người huỷ hoại - bởi vì sáng tạo chỉ có thể khi thông minh của bạn được thức tỉnh.
Sáng tạo là vận hành của thông minh. Người đần chỉ có thể phá hoại. Và đó là điều cứ diễn ra: người ta cứ chuẩn bị cho ngày càng nhiều phá hoại. Đó là điều các nhà khoa học của bạn đang làm, đó là điều các chính khách của bạn đang làm.
Tôi đã nghe một câu chuyện hay:
Sau thế chiến thứ hai, Thượng đế rất khó xử. Ngài không thể tin vào mắt mình được. Thấy Hiroshima, Nagasaki - ngài không thể nào tin rằng ngài đã tạo ra loại người này. Ngài bắt đầu nghĩ lại, dường như ngài đã phạm sai lầm: ngài nên dừng lại với loài vật, ngài không nên tạo ra Adam và Eve - bởi vì con người đang trở thành phá hoại thế.
Để đưa ra cơ hội cuối cùng, ngài gọi ba đại diện trên thế giới tới, một người Nga, một người Mĩ và một người Anh. Đây là ba dân tộc cường quốc sau thế chiến thứ hai. Ngài hỏi người Nga, “Tại sao con cứ chuẩn bị ngày càng nhiều điều phá hoại? Nếu con cần điều gì, con chỉ cần bảo ta và ta sẽ hoàn thành điều đó ngay lập tức. Nhưng không được phá hoại nữa.”
Người Nga nhìn rất kiêu kì vào Thượng đế và nói: “Nghe đây, trước hết chúng tôi không tin rằng ngài là có! Chúng tôi có ba ngôi một thể của mình - Marx, Lenin, Stalin” - ba ngôi rất không thiêng liêng, nhưng người cộng sản cũng có ba ngôi. “Chúng tôi tin vào họ, chúng tôi không tin vào ngài. Nhưng nếu ngài muốn chúng tôi tin vào ngài, ngài phải nêu cho chúng tôi bằng chứng minh.”
“Chứng minh gì?” Thượng đế hỏi.
Và người Nga nói, “Ngài phá tan nước Mĩ đi, ngài phá tan nó hoàn toàn! Không còn một dấu vết gì về cái bệnh tật gọi là Mĩ này được còn lại sau đó. Thế thì chúng tôi sẽ tôn thờ ngài, thế thì nhà thờ chúng tôi sẽ bắt đầu cầu nguyện trở lại, đền thờ chúng tôi sẽ mở ra. Chúng tôi sẽ làm điện thờ mới cho ngài.”
Thượng đế choáng váng... chính ý tưởng về phá tan toàn bộ nước Mĩ!
Nhìn thấy ngài im lặng, người Nga nói, “Và nếu ngài không thể làm được điều đó, đừng lo nghĩ. Dù thế nào đi chăng nữa thì chúng tôi cũng đang định làm điều đó.
Chúng tôi sẽ tốn thời gian lâu hơn một chút, nhưng chúng tôi định làm điều đó đấy! Ngài không phải buồn thảm đến thế. Nếu ngài không thể làm được điều đó, chỉ cần nói là ngài không thể làm được điều đó.”
Thượng đế nhìn vào người Mĩ và nói, “Ham muốn của con là gì? Con muốn gì?”
Ông ta nói, “Cũng chẳng nhiều nhặn gì, một ham muốn rất đơn giản - đó là không nên có chỗ cho nước Nga trên bản đồ. Chúng con không muốn thấy Cộng hoà liên bang Xô viết U.S.S.R. trên bản đồ. Không nhiều đâu, chỉ cần loại bỏ... Mọi thứ đều tốt cả, chỉ có mỗi cái U.S.S.R. này là gây ra nhức nhối. Nhức nhối lắm, nó làm chúng con phát khùng, và chúng con sẽ làm mọi điều để loại bỏ nó. Và nếu ngài không làm gì, với ân huệ của ngài chúng con sẽ làm điều đó!”
Bây giờ Thượng đế lại càng phân vân và lẫn lộn hơn. Theo đại diện Nga thì cũng được, bởi vì họ đâu có tin vào Thượng đế. Thế cũng được. Nhưng Mĩ? Mĩ tin vào Thượng đế, cho nên dường như chẳng có khác biệt gì giữa người tin và người không tin, giữa tư bản và cộng sản, giữa độc tài và dân chủ. Dường như chẳng khác biệt gì bản chất, ham muốn của họ là như nhau. Ngài nghĩ đại diện Anh có thể nhân bản hơn, hiểu biết hơn; ít nhất thì ông ta cũng là một người hào hoa - mà ông ấy thế thật!
Thượng đế hỏi ông ấy, “Ham muốn của con là gì? Con muốn gì?”
Người Anh nói, “Chúng con không có ham muốn nào cả. Xin ngài hãy hoàn thành ham muốn của cả hai đồng thời, và ham muốn của chúng con được thoả mãn!”
Nhưng đây là cách thức con người đã tồn tại, qua nhiều thời đại: quan tâm rất nhiều tới phá hoại, phá huỷ người khác, hơn là sống cho chính mình, hơn là tận hưởng cuộc sống. Con người dường như bị ám ảnh bởi cái chết: bất kì khi nào con người đi thì đều mang chết chóc, huỷ diệt tới.
Xã hội thần kinh này tồn tại bởi vì các cá nhân thần kinh. Thế giới này xấu xí bởi vì bạn xấu xí! Bạn đóng góp phần xấu xí của mình cho thế giới này. Và mọi người cứ góp thêm phần xấu xí, thần kinh, và thế giới trở thành ngày một địa ngục hơn. Bạn chẳng cần phải đi đâu khác cả; đây là địa ngục duy nhất có đó.
Nhưng bạn có thể thoát ra khỏi nó. Bằng việc hiểu cách thức tâm trí mình giúp tạo ra địa ngục này như thế nào, bạn có thể rút ra được. Và một người rút mình ra khỏi việc tạo nên địa ngục này, không hợp tác, nổi loạn, thì trở thành một nguồn lớn đem thiên đường tới trái đất, trở thành cửa khẩu.
Bạn không cần phải xuống địa ngục, bạn đã trong đó rồi. Bạn cần đi lên cõi trời bây giờ. Và trong thực tế khi tôi nói bạn cần đi lên cõi trời; điều tôi muốn nói đích xác là ở chỗ cõi trời cần tới cho bạn. Bạn cởi mở với cõi trời. Để tất cả các năng lượng phá hoại của bạn được dành cho sáng tạo, để bóng tối của bạn trở thành ánh sáng, để nhận biết của bạn trở thành thiền, và bạn sẽ trở thành cánh cửa tới Thượng đế, và Thượng đế có thể tới qua bạn vào trong thế giới lần nữa.
Đó là ý nghĩa của chuyện ngụ ngôn Ki tô giáo rằng Jesus được sinh ra từ người phụ nữ, Mary, người vẫn còn trinh. Đây là ngụ ngôn - có ý nghĩa, nó có ý nghĩa lớn về điều đó. Nhưng người ngu cố nói rằng bà ấy thực sự là đồng trinh thể chất. Điều đó là vô nghĩa. Nhưng bà ấy là trinh nguyên: bà ấy thuần khiết, hoàn toàn thuần khiết. Bà ấy là bầu trời trên trái đất - chỉ thế thì Jesus mới đi vào qua bà ấy, chỉ thế thì Thượng đế mới mở rộng vòng tay vào thế giới.
Bạn trở thành phương tiện: để cho Thượng đế chơi nhạc cụ nào đó qua bạn - đàn veena, đàn sitar. Để Thượng đế chơi bài ca qua bạn; bạn trở thành cây sáo của ngài, cây trúc hổng. Và đó là điều tôi đã từng nói với bạn trong tất cả những ngày này: nếu bạn trở thành cái không, bạn sẽ là cây tre hổng. Và bạn có thể trở thành cây sáo, còn bài ca của Thượng đế có thể hạ xuống trái đất. Đất đang cần lắm. Cho dù một chút xíu lành mạnh có thể qua bạn đi vào trong thế giới điên khùng này... Nó cần nhiều lắm, nó cần khẩn cấp lắm.
Câu hỏi thứ ba
Osho kính yêu
Thầy nói hôm nọ rằng nếu Thầy là người lái taxi thì không ai có thể nhận ra Thầy. Tôi không đồng ý. Ít nhất thì tôi cũng về phe với người sẽ nhận ra Thầy.
Thưa bà, tôi không tin bà. Bà không biết đủ về bản thân mình. Tôi đánh giá cao tình yêu của bà với tôi, nhưng tôi không thể nói rằng bà sẽ có thể nhận ra tôi.
Tôi sẽ kể cho bà một câu chuyện thực.
Tôi thường ở với một gia đình trong một thành phố nào đó ở Ấn Độ trong nhiều năm - một gia đình rất giầu có, một nhà triệu phú. Ông ấy rất kính trọng tôi, ông ấy là một đệ tử. Khi tôi đi tới thành phố của ông ấy, ông ấy sẽ chạm chân tôi nhiều lần nhất có thể - ít nhất cũng bốn, năm lần mỗi ngày.
Thế rồi sau bẩy tám năm, ông ấy muốn tới thăm nơi tôi hay ở Jabapur. Ông ấy tới. Chỉ để thách đố ông ấy, chỉ để làm lẫn lộn ông ấy, tôi ra tận ga đón ông ấy. Điều đó ông ấy không tính tới - rằng tôi sẽ đón ông ấy tại ga. Ông ấy quen sụp xuống dưới chân tôi. Ngày hôm đó ông ấy đã chạm chân tôi, nhưng nửa vời - bởi vì bản ngã lớn nổi lên trong ông ấy: rằng tôi đã ra đón ông ấy. Ông ấy quen đến đón tôi trong bẩy năm và mỗi năm ít nhất ba hay bốn lần khi tôi tới thăm thành phố ông ấy. Ông ấy không tính tới điều này. Ông ấy cứ cho rằng ai đó sẽ có đó để đưa ông ấy tới tôi. Nhưng chính bản thân tôi tới đón ông ấy sao? - điều đó thậm chí không có trong mơ của ông ấy. Ông ấy phải đã biện luận bên trong: “Ta là ai đó, một triệu phú...” Ngày hôm đó ông ấy cúi lậy, nhưng rất hời hợt. Làm sao bạn có thể cúi mình xuống trước ai đó, người ra đón bạn tại sân ga, với sự kính trọng lớn?
Chúng tôi rời khỏi nhà ga, và khi ông ấy thấy tôi đang chở ông ấy về nhà, tất cả kính trọng của ông ấy biến mất. Thế là ông ấy nói chuyện như một người bạn. Nhà triệu phú trở thành rất ‘gia đình triệu phú’! Và sau ba ngày, khi ông ấy đi - tôi đã ra tạm biệt, để tiễn biệt ông ấy - ông ấy không chạm chân tôi nữa.
Và gia đình tôi đã sống cùng ấy tất cả đều biết rằng tôi đã đùa với ông ấy, còn anh chàng đáng thương thì bị mắc vào đó. Tất cả họ đều cười khi tầu chạy. Tôi nói “Các bạn đợi đấy. Lần sau, cứ để ông ấy tới - ông ấy sẽ trông đợi tôi chạm chân ông ấy. Và cũng không có gì ngạc nhiên nếu ông ấy buộc tôi phải chạm chân ông ấy.”
Đấy là cách thức mọi việc xảy ra, đấy là cách thức tâm trí vận hành. Bạn nhận ra tôi, bạn yêu tôi, nhưng bạn không biết tới tâm trí riêng của mình. Và trong thực nghiệm đó tôi mất một trong những triệu phú đệ tử. Tôi đã mất nhiều đệ tử theo cách đó, nhưng tôi cứ tiếp tục thực nghiệm.
Câu hỏi thứ tư:
Osho kính yêu
Tại sao có khó khăn cho tôi để buông xuôi vào đàn ông?
Thế thì đừng buông xuôi. Tại sao cứ phải tạo ra những rắc rối không cần thiết cho bản thân mình làm gì? Ngay chỗ đầu tiên ai bảo bạn phải buông xuôi với đàn ông? Đừng buông xuôi. Tại sao bạn bắt đầu nhận lấy những rắc rối không cần thiết lên đầu mình? Nếu bạn không thích buông xuôi, đừng buông xuôi.
Mới hôm nọ một phụ nữ đã hỏi tôi, viết một bức thư nói, “Tôi đã tới đây, nhưng tôi không cảm thấy chỗ này là dành cho mình. Tôi phải làm gì đây?”
Đi thôi! Chuồn thôi! Sao phải bận tâm?
Và bà ấy cũng hỏi, “Tôi phải lắng nghe lòng mình, hay tôi phải tin cậy vào thầy?”
Lắng nghe trong lòng mình, thưa bà, và chuồn nhanh nhất có thể được. Làm sao bạn có thể tin cậy vào tôi mà ngược với lòng mình được? Ai sẽ tin cậy vào tôi? Trái tim tin cậy vào! Nếu trái tim phản đối, ai tin cậy vào tôi? Và tại sao bạn phải tạo ra chia rẽ như thế trong mình? Bạn sẽ thành tinh thần phân liệt - một phần cố gắng buông xuôi và bắt buộc, còn phần khác muốn đi. Hoặc là ở lại đây toàn bộ hoặc là ra đi. Nếu bạn không thể buông xuôi được, đừng buông xuôi. Không ai chú ý đến buông xuôi của bạn đâu.
Và việc buông xuôi cũng không thể thực hiện được, bạn không thể bó buộc được nó. Nó tới khi nó tới. Nếu bạn không thể buông xuôi với người đàn ông, điều đó có nghĩa là bạn không thể yêu người đàn ông. Từ tình yêu mà buông xuôi tới một cách tự nhiên. Nếu không có tình yêu, buông xuôi cũng không thể đảm đương được. Quên điều đó đi!
Có thể người hỏi này là đồng dục: hoàn toàn tốt, thì buông xuôi vào đàn bà vậy! Ít nhất, buông xuôi vào ai đó mà bạn có thể buông xuôi. Có thể qua buông xuôi đó mà bạn sẽ học được việc buông xuôi vào người đàn ông nữa.
Đấy là cách người ta học.
Mỗi đứa trẻ đều là tự dục khi nó mới được sinh ra: nó yêu chính bản thân mình, nó không thể yêu bất kì ai khác. Thế thì đứa trẻ trở thành đồng dục: nó yêu ai đó thích nó, nó không thể yêu cái đối lập. Thế rồi, vẫn trưởng thành, nó trở thành đa dục: bây giờ nó có thể yêu cái đối lập. Đó là điều Jesus nói: “Yêu kẻ thù của ông” - kẻ thù có nghĩa là đàn bà. Kẻ thù có nghĩa cái đối lập; đó là cái cao nhất trong tình yêu. Thế thì một khoảnh khắc sẽ tới khi dục biến mất, mọi người trở thành vô dục.
Nhưng đó là điểm cao nhất, và nó có thể được đạt tới chỉ qua những giai đoạn này. Có thể người hỏi bị mắc ở đâu đó trong đồng dục. Chẳng có gì sai cả. Dù bạn đang ở bất kì đâu, dù bạn đang trong bất kì trạng thái nào, cứ đáng yêu, là việc buông xuôi. Từ giai đoạn đó thì giai đoạn khác sẽ tới, sẽ trưởng thành theo ý của riêng nó. Đừng bó buộc nó.
Tôi không ở đây để làm cho bạn mặc cảm, tôi không ở đây để tạo ra bất kì vết rạn nứt nào trong bản thể bạn. Tôi hoàn toàn ủng hộ thảnh thơi, bởi vì chỉ qua thảnh thơi bạn mới nhận ra mình là ai. Cho nên bất kì cái gì dễ dàng thì cũng đi vào trong nó. Đừng là kẻ tự bạo và đừng cố gắng tạo ra rắc rối cho mình. Đi một cách hạnh phúc, theo một cách thảnh thơi. Và bất kì cái gì dễ dàng cho bạn ngay bây giờ, làm điều đó đi. Qua nó cái gì khác tốt hơn sẽ xảy ra, nhưng chỉ qua nó thôi. Bạn không thể nào bỗng nhiên nhảy ra khỏi nó được.
Câu hỏi thứ năm:
Osho kính yêu
Đâu là vấn đề cho vũ trụ vật lí nếu định mệnh của con người là cuối cùng siêu việt lên trên nó?
Đấy là vấn đề: ngược lại, làm sao bạn sẽ siêu việt được? Vũ trụ cần phải được siêu việt. Khổ cần được siêu việt, bóng tối cần được siêu việt, bản ngã cần được siêu việt - bởi vì chỉ khi bạn siêu việt lên thì mới có niềm vui, phúc lành.
Tôi hiểu câu hỏi của bạn. Đấy là một câu hỏi rất cổ điển, đã được hỏi đi hỏi lại mãi - bởi vì nó thách đố tâm trí. Nếu Thượng đế đã tạo ra thế giới, thế thì tại sao ngài tạo ra khổ trong nó? Ngài có thể trao cho bạn phúc lạc như một món quà. Thế thì tại sao ngài tạo ra dốt nát? Ngài không đủ năng lực để tạo ra những người giác ngộ ngay từ ban đầu hay sao?
Ngài hiện hữu, và đó là điều ngài đang làm. Nhưng ngay cả Thượng đế cũng không đủ năng lực để làm cho điều không thể có được, xảy ra. Chỉ những điều có thể mới là có thể. Bạn chỉ có thể biết mạnh khoẻ là gì khi bạn có khả năng ốm yếu; nếu không thì bạn không thể nào biết nó. Bạn chỉ có thể biết ánh sáng khi bạn biết bóng tối là gì. Bạn chỉ có thể thảnh thơi khi bạn biết căng thẳng là gì, bạn chỉ có thể biết tự do khi bạn biết cảnh nô lệ là gì - chúng đi đôi với nhau. Ngay cả Thượng đế cũng không có đủ năng lực để cho bạn tự do đơn giản. Với tự do, trong cùng một gói, thì cảnh nô lệ tới. Và bạn phải trải qua cảnh nô lệ mới nếm trải được tự do. Cũng hệt như nếu bạn không đói, bạn không thể thích thú thức ăn được.
Điều bạn đang hỏi là: “Nhu cầu về đói là gì? Tại sao chúng ta không thể cứ ăn mãi mà không đói?” Đói tạo ra đau, đói tạo ra nhu cầu, và thế rồi bạn ăn và có vui vẻ. Không có đói sẽ không có vui vẻ. Bạn có thể hỏi những người rất, rất giầu, người đã mất cái đói: họ chẳng thích thú gì thức ăn, họ không thể thích thú được. Chính sự mãnh liệt của cái đói đem lại niềm vui. Đó là lí do tại sao một khi bạn đã ăn, trong sáu, bẩy, tám giờ bạn phải nhịn ăn để hưởng thú thức ăn lần nữa.
Sự tồn tại là biện chứng: bóng tối/ánh sáng, sống/chết, mùa hè/mùa đông, tuổi trẻ/tuổi già - chúng tất cả đi đôi với nhau.
Bạn hỏi: “Đâu là vấn đề cho vũ trụ vật lí nếu định mệnh của con người là cuối cùng siêu việt lên trên nó?”
Nói một cách chính xác, đấy là vấn đề. Vũ trụ được tạo ra cho bạn siêu việt lên. Nếu không, bạn sẽ chẳng bao giờ biết siêu việt là gì. Bạn có thể còn lại trong phúc lạc, nhưng bạn sẽ không biết phúc lạc là gì. Và ở trong phúc lạc mà không biết phúc lạc là gì, thì không xứng đáng với nó. Và việc biết chỉ có thể có qua cái đối lập - đó là lí do tại sao.
Câu hỏi thứ sáu:
Osho kính yêu
Tất nhiên mọi người đều có được bất kì cái gì họ được, và không có được cái mà họ không được. Và lằn ranh nằm giữa việc được cái bạn được nó, và không được cái bạn được nó, dường như là khá mỏng. Liệu việc được cái bạn được có khác với việc được nó không? Hỏi điều đó, tôi hiểu theo nghĩa nó có đấy, tất nhiên, là khác, bởi vì lời là nhập nhằng. ‘Được’ có nghĩa vừa là nhận được và hiểu được. Blah, blah, blah... Xin Thầy làm sáng tỏ.
Anurag, bạn dường như là một cái lỗ EST, Blah, blah,blah...
Câu hỏi thứ bẩy:
Osho, Sao tôi phải mang tính chất sannyas?
Bởi vì ngày mai bạn có thể không có đó. Khoảnh khắc tiếp bạn có thể không có đó. Còn sannyas thì chẳng là gì ngoài cách nhìn về cách sống khoảnh khắc này hoàn toàn, toàn bộ, tuyệt đối. Sannyas đơn giản có nghĩa là bạn sẽ không trì hoãn cuộc sống thêm nữa. Sannyas đơn giản có nghĩa là bạn sẽ không sống trong mơ thêm nữa, là bạn sẽ nắm lấy khoảnh khắc này và vắt ra cái tinh tuý của nó ngay lúc này. Đó là sannyas là gì: đó là cách sống mãnh liệt, sống nhạy cảm. Và nhớ lấy, cuộc sống rất ngẫu nhiên. Người ta chưa bao giờ biết.
Nghe câu chuyện này.
Một người bán hàng về nhà vào một ngày không định trước, và lời đầu tiên anh ta nói khi về đến cửa là, “Nó ở đâu? Tôi biết nó ở đây! Tôi có thể cảm thấy nó trong xương tôi!” Vợ anh ta, đang rửa bát và lúc đó nói, “Anh tìm ai vậy?”
Người bán hàng: “Đừng có đùa với tôi về điều đó. Cô biết tôi đang tìm ai, và tôi sẽ tìm ra nó!” Anh ta nhìn vào buồng riêng, dưới gậm giường, và trong gác mái. Anh ta tình cờ thoáng thấy một thanh niên tóc sáng chui vào trong chiếc xe ô tô bỏ mui được.
“Nó đây rồi!” anh ta nói, và túm lấy chiếc tủ lạnh và lăn nó ra cửa sổ rồi đẩy xuống nhà. Anh làm chết bẹp người ngồi trong xe và chết luôn do đau tim.
Thánh Peter: “Việc gì xảy ra cho con vậy, chàng thanh niên?”
Chàng thanh niên: “Con bị đè chết bởi cái tủ lạnh.”
Thánh Peter: “Còn con?”
Người bán hàng: “Trong khi đẩy chiếc tủ lạnh qua cửa sổ con chết vì đau tim.”
Thánh Peter nói với người thứ ba: “Con chết vì cái gì?”
Người thứ ba: “Thế này, con ngồi trong cái tủ lạnh này, nghĩ về việc riêng của mình, và...”
Cuộc sống là rất tình cờ. Người ta chẳng bao giờ biết từ đâu cái tủ lạnh sẽ tới cả. Ai đó có thể đang ngồi trong đó, suy tính việc riêng của mình... Đó là lí do tại sao tôi nói trở thành sannyasin đi: đây là khoảnh khắc sống duy nhất, và không có khoảnh khắc khác.
Đủ cho hôm nay.
Xem Chương 9 - Quay về Mục lục

Ads Belove Post