Chương 6. Cả cuộc đời trống rỗng

Chương 6. Cả cuộc đời trống rỗng

Price:

Read more

Osho - Thực tại - Kẻ tội đồ vĩ đại nhất
Chương 6. Cả cuộc đời trống rỗng

Osho yêu quý,
Tôi nhớ lúc ông ở đồn cảnh sát Crete, có hai phụ nữ Hy Lạp trẻ tuổi vận trang phục đen điển hình của người dân đảo Crete đến bên cửa sổ, nắm lấy tay ông và nói bằng thứ tiếng Anh chắp vá: "Osho, chúng tôi yêu ngài. Chúng tôi là người đảo Crete. Xin ngài hãy ở lại đây với chúng tôi". Dường như các chính phủ ngày càng tấn công ông dữ dội hơn - bất chấp tình yêu của thường dân giành cho ông rõ ràng ngày càng nhiều - một trong những phần rất quan trọng trong công việc của ngài sẽ là vạch trần sự thật rằng bọn quan liêu không hề đại diện cho quần chúng mà trên thực tế là hoàn toàn đối lập với quần chúng.
Tất nhiên là tôi vẫn nhớ hai cô gái trẻ ấy. Họ đã nắm tay tôi và cố thuyết phục tôi rằng "Chúng tôi, người dân của hòn đảo này, rất mong muốn ông ở lại đây. Chúng tôi yêu ông".
Vấn đề bạn nêu lên cho tôi đã xảy ra nhiều lần trong cuộc đời tôi rồi, hết lần này đến lần khác. Bộ máy quan liêu không đứng về phía người dân mà chống lại họ. Nó lợi dụng họ, bóc lột họ, thao túng họ; nó làm cho họ tin rằng nó đang phục vụ cho mục đích của họ. Thế nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại.
Hồi trước Thế chiến thứ hai ở Nhật, người ta tin rằng Nhật Hoàng là thiên tử, mang dòng máu Thiên Hoàng, và những gì ông nói không phải là của con người mà là của thánh nhân; lệnh của ông phải được tuân theo. Hàng thế kỷ liền người Nhật tin rằng ông chính là Thiên Hoàng. Và họ đã chết trong hàng trăm cuộc chiến, sẵn sàng chết, vui sướng được chết, bởi họ đang hy sinh cho Thiên Hoàng. Người ta còn có thể khao khát cái chết nào cao đẹp hơn thế?
Nhật Bản là một nước nhỏ nhưng chưa bao giờ bị chinh phục - kể cả Trung Hoa hay những nước lớn khác cũng không xâm lược nổi nước này. Trung Hoa rộng lớn là thế, hùng mạnh là vậy mà cũng chịu thất bại trước Nhật Bản nhỏ bé vì một lý do đơn giản là người Nhật Bản nhỏ bé vì một lý do đơn giản là người Nhật có niềm tin sâu sắc rằng Thượng Đế luôn bên họ, và chiến thắng thuộc về họ. Và dù ít nhiều ở các nước khác trên khắp thế giới người ta cũng ở trong tình trạng tương tự.
Ngày hôm đó, khi hai cô gái Crete đến nắm lấy tay tôi và nói với tôi bằng tình yêu rằng: "Chúng tôi không chống lại ông. Chúng tôi yêu ông và chúng tôi muốn ông ở lại đây", họ đại diện cho ý thức thực sự của người dân. Và rồi tôi lại thấy ngoài sân bay, 3 ngàn người tập trung đến đó - hẳn cả làng Saint Nicholas đã đến đó để thể hiện sự ủng hộ của họ và chứng tỏ rằng họ không ủng hộ sự dã man và những hành động độc tài mà cảnh sát đã làm đối với tôi, rằng họ ủng hộ tôi.
Vâng, hẳn là một trong những công việc của tôi là thức tỉnh con người ta trước tình trạng thực là: bạn đang bị bóc lột dưới những hình thức khác nhau. Những kẻ bóc lột thậm chí còn tự nhận mình là đầy tớ nhân dân để lừa bịp bạn rằng họ đang phục vụ bạn. Hàng ngàn năm qua chúng vẫn 'phục vụ' bạn đấy thôi - và người dân thì sống trong khổ sở, ngu dốt cùng cực. Họ chẳng có gì trong cuộc đời mình; họ sinh ra, sống lây lất, rồi chết. Không có sự kiện nào trong cuộc đời họ có thể gọi là sung sướng, là kinh nghiệm.
Rỗng không từ khi lọt lòng cho đến lúc chết, không khai hoa, không nở rộ... trong khi họ vẫn có đủ những tiềm năng thăng hoa của một bản hoan ca. Thế nhưng, những kẻ quan liêu ấy, từ tôn giáo đến chính trị, đều không cho phép điều đó xảy ra. Họ sợ quần chúng sung sướng.
Lúc đầu tôi thấy chuyện này thật lạ. Chưa bao giờ tôi nghĩ họ lại phải sợ quần chúng sung sướng. Dần dần tôi hiểu ra rằng niềm sung sướng chứa đựng nhiều nguy cơ. Người biết sung sướng thì không phải là người thiểu năng trí tuệ. Người sung sướng là người thông minh.
Người sung sướng là người hiểu được nghệ thuật của cuộc sống; nếu không họ làm sao sung sướng được. Và người sung sướng là kẻ đe dọa tất cả lợi ích thiết thân kia - những thứ chống lại nhân loại.
Những lợi ích đó muốn nhân loại phải mãi mãi sống trong địa ngục. Chúng đã làm mọi cách để kìm giữ bạn trong khốn khổ. Chúng tàn phá tất cả những thứ có khả năng đem lại cho bạn niềm vui, và chúng đem lại cho bạn những cơ hội đau khổ. Người đau khổ không nguy hại gì cho cái xã hội thối nát này.
Vâng, hẳn một trong những công việc căn bản của tôi là giúp người ta ý thức được rằng những kẻ nắm giữ quyền lực kia - dù là thuộc tôn giáo hay chính trị - đều không phải là những người bạn của bạn. Họ là kẻ thù của bạn. Và trừ phi toàn nhân loại thực hiện một cuộc nổi dậy chống lại tất cả các loại quan liêu, loài người sẽ mãi bị mắc kẹt, không tiến hóa được, không với được tới những tầm cao mà khi sinh ra họ có quyền làm được.

Osho yêu quý,
Liệu đã có ai thực sự hiểu được thông điệp tình yêu của ông? Gần đây tôi cảm thấy thật đau lòng khi nhận ra rằng tôi chưa hiểu được, và tự hỏi chẳng phải chúng ta vẫn đang ca những bài ca cũ rích đó sao, dù chủ đề có chút ít khác biệt. Chỉ có việc sống cuộc sống bình dị và tự nhiên thôi mà cũng khó hiểu đến thế sao?
Vì nó quá bình dị, quá tự nhiên nên mới khó. Bạn không bình dị và bạn cũng không tự nhiên. Còn nó thì bình dị và tự nhiên.
Thông điệp tình yêu của tôi rất đơn giản, không gì đơn giản hơn thế. Nhưng lý trí của bạn thì lại phức tạp quá, rối rắm quá. Nó làm cho mọi thứ rối tung cả lên. - Đó là nhiệm vụ của nó. Và hàng thế kỷ qua nó đã được huấn luyện để làm chỉ một việc là: khiến mọi việc trở nên phức tạp đến mức bạn không sống nổi.
Lý trí của bạn đã rất nhuần nhuyễn trong việc phá hủy bạn, vì cuộc sống của bạn chứa đựng những điều quá đơn giảnn. Hiện hữu rất đơn giản, nhưng lý trí của con người đã bị gọt giũa, quy định, giáo dục, lập trình theo cách mà điều đơn giản nhất cũng bị bẻ cong đi. Ngay khi nó đi vào lý trí bạn là nó đã hết đơn giản rồi. Lý trí suy diễn nó, tìm ra những thứ không có trong nó, và lờ đi những thứ sẵn có trong nó rồi.
Và bạn nghĩ bạn đã nghe được những điều bấy lâu nay tôi vẫn nói với bạn? Không phải vậy. Tôi nói với bạn một đằng bạn nghe một nẻo vì việc nghe của bạn không trực tiếp. Có một kẻ trung gian - đó chính là lý trí của bạn. Nó hoạt động với chức năng kiểm duyệt, nó không để cho nhiều thứ thâm nhập vào bạn đâu.
Bạn sẽ phải ngạc nhiên nếu biết được nó đã ngăn chặn bao nhiêu - 98% đấy. Nó chỉ cho phép 2% những điều nghe được thâm nhập vào bạn, mà 2% đó cũng không còn là nguyên chất nữa. Đầu tiên 2% đó bị ô nhiễm do sự suy diễn của lý trí, của những trải nghiệm quá khứ, những quy định, và khi lý trí cho rằng nó đã hiểu thì những điều được nói ra và những điều bạn nghe được đã cách nhau hai nửa địa cầu rồi.
Đức Phật Cồ Đàm thường kể câu chuyện này, có một điều thật lạ là tất cả những vị thầy vĩ đại đều dựa vào những câu chuyện. Việc này có lý do của nó: lý trí thấy thư giãn khi nghe một câu chuyện, một câu đùa giỡn. Không nhất thiết phải căng thẳng, nghiêm trọng, chỉ nghe một câu chuyện thôi mà, và thế là bạn thấy thoải mái.
Tuy nhiên, khi nghe về những vấn đề như tình yêu, sự tự do hay tĩnh lặng, bạn lại bị căng thẳng. Chính vì thế mà các vị thầy phải sử dụng những câu chuyện đơn giản. Có lẽ khi câu chuyện kết thúc họ có thể thành công trong việc đưa một thông điệp nhỏ thâm nhập vào bạn qua đằng cửa sau thừa lúc bạn còn đang thư giãn.
Đức Phật Cồ Đàm thường nói với các đệ tử của mình rằng: đó là thói quen của ngài sau buổi nói chuyện ban tối - "Giờ các người hãy đi làm công việc cuối cùng trước khi đi ngủ. Và việc cuối cùng đó là thiền định".
Một buổi tối nọ, tham dự buổi thuyết pháp có một cô gái điếm và một tên trộm. Khi Đức Phật nói: "Giờ các người hãy đi làm công việc cuối cùng trước khi đi ngủ", thì tất cả các đệ tử của ngài đứng dậy đi thiền. Tên trộm thì bừng tỉnh. - "Mình làm gì ở đây thế nhỉ?". Đã đến giờ đi ăn trộm rồi. Cô gái điếm thì nhìn quanh và cảm thấy đức Phật thật mẫn cảm, vì khi nói điều đó đức Phật đã nhìn cô. Cô cúi xuống thật thấp với lòng biết ơn sâu sắc vì cô đã được nhắc nhở rằng, "Hãy đi làm công việc của mình trước khi ngủ".
Chỉ một câu nói mà ba loại người nghe được ba ý nghĩa khác nhau. Thực ra nó có nhiều ý nghĩa hơn thế, vì đối với người hành thiền này thì đó là niềm vui, đối với người hành thiền khác thì đó là việc mà họ phải làm; và như thế ý nghãi không còn giống nhau nữa. Thông điệp giành cho tất cả những người hành thiền là như nhau nhưng họ nghe không giống nhau.
Suốt cuộc đời tôi chưa bao giờ dạy điều gì phức tạp cho một người nào. Cuộc sống đã phức tạp rồi, và tôi không muốn chất thêm gánh nặng cho bạn. Nhưng có lẽ tôi là người bị hiểu sai nhiều nhất trong thế kỷ này, vì một lẽ đơn giản là tôi nói những điều đơn giản mà không ai nói. Tôi đang nói về những điều hiển nhiên mà tất cả mọi người đã làm ngơ, đã lãng quên. Không ai nói về những điều ấy cả.
Bạn có thể chìm vào những luận thuyết thần học của Thiên Chúa giáo, nhìn những tác phẩm tôn giáo vĩ đại của đạo Hindu, của đạo Hồi, đạo Do Thái - rất uyên bác nhưng rất khó hiểu. Chúng càng khó hiểu thì càng được nể trọng. Khi người ta không hiểu điều gì, họ cho rằng nó to tát, huyền bí ngoài tầm hiểu biết của họ. Và tự nhiên nó được người ta kính nể.
Người Hindu sử dụng tiếng Sanskrit để viết luận thuyết tôn giáo của họ, mà ngôn ngữ này đã là tử ngữ rồi. Ngoài chợ búa người ta không nói thứ ngôn ngữ này; nó là ngôn ngữ của các chuyên gia. Thế mà họ nhất quyết không chịu chuyển dịch kinh sách Hindu.
Tôi cứ tự hỏi tại sao họ lại phản đối chuyện này? Thực ra họ nên vui mới phải khi kinh sách của họ được chuyển dịch ra những ngôn ngữ khác và thông điệp của họ được truyền bá đến mọi ngõ ngách trên thế giới.
Nhưng khi tôi đọc kinh sách của họ, tôi đã hiểu tại sao.
Lý do là những kinh sách đó chẳng có gì cả. Chỉ là thứ ngôn ngữ khó hiểu, và người thường không hiểu được nó, chính vì thế mà họ tôn thờ nó. Một khi nó được dịch ra một thứ tiếng mà người dẫn vẫn sử dụng, nó sẽ không còn vầng hào quang, không còn linh thiêng nữa. Nó sẽ trở thành một thứ tầm thường bởi nó không còn là khó hiểu.
Các tôn giáo khác cũng vậy - chẳng hạn như Do Thái giáo. Các giáo sĩ Do Thái vẫn thích dùng tiếng Hebrew hơn. Tiếng Hebrew không còn là một sinh ngữ nữa, vậy tại sao lại cứ bám lấy nó? Lý do là, nó đem lại cho lý trí một cảm giác huyền bí, không thể lĩnh hội được, thần thánh ngoài tầm hiểu biết, và điều duy nhất bạn có thể làm là cúi đầu trước nó. Một khi nó được dịch ra rồi thì nó chẳng là gì. Và đặc biệt là, nó chẳng có thứ gì mà bạn cần cả.
Không có kinh sách nào dạy về tình yêu, về ý nghĩa của nó, về những bình diện khác nhau của nó. Không có kinh sách nào dạy về tự do. Không có kinh sách nào dạy về bạn; về cuộc sống của bạn, và làm sao để chuyển hóa cuộc đời mình thành một cuộc hỉ hoan. Kinh sách viết về Thượng Đế - chẳng ăn nhập gì cả. Thượng Đế thì liên quan gì đến ai? Thánh thần thì hề hấn gì đến ai? - toàn những thứ hoàn toàn không ăn nhập gì với sự hiện hữu của loài người.
Lý trí bị chất đầy những thứ hành lý không cần thiết. Tâm trí không còn chỗ trống cho những thực tế mà bạn phải sống. Thế nên ngay cả nhà thần học vĩ đại nhất của bạn cũng chỉ là một thằng ngốc không hiểu tình yêu bằng bạn, không hiểu chút gì về tự do, chưa bao giờ biết phân định giữa cá tính với cá nhân.
Tôi học môn tôn giáo với một vị giáo sư nọ. Sau mấy buổi học tôi đứng dậy nói với ông ấy rằng: "Tôi nghĩ thầy đang giảng về những thứ chẳng ăn nhập gì. Tôi chẳng thấy một sinh viên nào gặp khó khăn về Thượng Đế, và tôi cũng không thấy Thượng Đế có liên quan gì đến thầy cả" - vì hồi đó tôi ở đối diện nhà ông, và tôi thấy chính bà vợ của ông ấy mới có vấn đề.
Tôi nói với ông ấy: "Vợ của thầy mới là vấn đề thực sự; đó là vấn đề mà thầy nên bàn thảo. Thượng Đế hoàn toàn là trừu tượng. Tôi chưa bao giờ thấy thầy nghĩ về Thượng Đế khi thầy ở nhà. Và trong tất cả những điều thầy đang giảng cho chúng tôi không hề có chút trải nghiệm nào của thầy, nó không phải là vấn đề của thầy. Thầy đang nhồi nhét vào đầu những con người ngây thơ với những ý niệm vô ích. Xin thầy hãy dạy về tình yêu!".
Ông thầy rất giận. Ông nói: "Cậu đi gặp hiệu trưởng với tôi!".
Tôi nói: "Gặp Thượng Đế cũng được. Thầy không dọa tôi được đâu".
Trên đường đến phòng thầy hiệu trưởng, ông ấy nói: "Cậu không sợ thật à?".
Tôi đáp: "Tại sao tôi lại phải sợ? Chính thầy mới là người phải sợ! Tôi hiểu đám sinh viên; vấn đề của họ là về tình yêu, và vấn đề của thầy cũng là về tình yêu. Tôi sẽ nói với thầy hiệu trưởng là: "Nếu thầy không tin tôi, cứ gọi vợ ông ấy đến mà hỏi, và thầy sẽ hiểu tại sao tôi lại nói đó là vấn đề". Ông nói: "Cậu đang làm mọi chuyện phức tạp lên đấy".
Tôi đáp: "Tôi nói rất đơn giản và thực tế đấy chứ. Tôi có thể đưa tất cả sinh viên đến văn phòng thầy; thầy sẽ thấy tất cả bọn họ đều có vấn đề về tình yêu. Người thì theo đuổi một cô gái mà không thành công - đó là vấn đề của anh ta. Người thì có được cô ấy - và đó cũng là vấn đề của anh ta".
Ông nói: "Cậu về được rồi đấy. Không cần phải làm thế".
Tôi đáp: "Tôi không bao giờ bỏ cuộc. Nếu thầy không làm thì tôi sẽ làm một mình".
Ông nói: "Tôi nói là không cần thiết...".
Tôi nói: "Có thể nó không cần thiết cho thầy nhưng là điều cần thiết đối với tôi. Rốt cục thì tôi vẫn phải quyết định, bởi lẽ đối với tôi tình yêu là một hiện tượng tôn giáo, còn Thượng đế chỉ là một giả thuyết. Nó chẳng có ý nghĩa gì bởi chẳng có gì tương ứng với nó cả".
Và tình yêu là một hiện tượng tôn giáo. Trừ khi người ta hiểu nó trọn vẹn, còn không họ sẽ phải đau khổ chỉ vì một thứ lẽ ra đã có thể làm cho cuộc sống của họ thăng hoa. Thứ lẽ ra có thể là thiên đàng của họ sẽ lại trở thành địa ngục chỉ vì họ không hiểu nó. Và tất nhiên đó là một nghệ thuật. Ai mà cần quan tâm tới Thượng Đế kia chứ? Thầy nói có lý. Chúng tôi đến đây là để hiểu tôn giáo, chứ không phải để hiểu những điều vô nghĩa".
"Nhưng", ông nói: "chương trình đào tạo không đề cập đến tình yêu, tự do, cá nhân hay tĩnh lặng... chúng tôi phải dạy đủ nội dung chương trình".
Các trường đại học dạy đủ nội dung trong chương trình đào tạo của họ mà không cần biết về cuộc sống thực sự của con người, về những vấn đề thực sự của họ. Vì tôi nói về những điều đơn giản, nhiều người đơn thuần cho rằng đó không phải là tôn giáo. Họ có một ý niệm về tôn giáo, về những giả thuyết trừu tượng phức tạp, bạn cứ suy ngẫm về chúng nhưng cuộc đời bạn sẽ chẳng có gì khác biệt - bạn vẫn thế thôi. Có thể bạn là người Hindu, người Hồi giáo, người Thiên Chúa giáo, chẳng hề chi; những vấn đề thực sự của bạn vẫn không thay đổi. Những vấn đề tưởng tượng của mới khác nhau, nhưng chúng chẳng là gì khác hơn gánh nặng cho lý trí của bạn.
Bạn có thể hiểu được tôi nếu bạn gạt lý trí và cơ chế hoạt động rối rắm của nó sang một bên. Bạn không cần đến nó vì công việc của tôi là từ trái tim đến trái tim. Tôi đang nói bằng trái tim của mình.
Tôi không phải là một nhà lý thuyết, tôi không nói bằng lý trí. Tôi đang thổ lộ tim tôi với bạn, nhưng nếu bạn định nghe bằng lý trí thì bạn sẽ bỏ lỡ nó mất.
Nếu bạn sẵn sàng mở một cánh cửa vào sự hiện tồn của mình, nếu bạn sẵn sàng lắng nghe bằng trái tim thì dù tôi có nói gì đi nữa, những điều tôi nói vẫn đơn giản đến mức ban không cần phải đặt niềm tin vào nó bởi lẽ chắc chắn rằng không có cách nào hoài nghi nó được. Nó đơn giản đến mức không cách nào nghi ngại nó được.
Tôi phản đối niềm tin vì lẽ đơn giản là trong tất cả những lời dạy của tôi, bạn không cần đến nó. Tôi ủng hộ sự nghi ngờ vì bạn không thể nghi ngờ được những lời dạy đơn giản của tôi. Tất cả các tôn giáo trên thế giới đều đòi hỏi niềm tin, bởi vì những điều họ rao giảng có thể bị hoài nghi vì sự hoài nghi có thể phá sập toàn bộ dinh thự của họ.
Tôi đơn giản và thực tế. Tôi không siêu hình; vì thế mà bạn không cần phải đặt niềm tin vào tôi. Nếu bạn đã nghe tôi, một sự tín nhiệm chắc chắn sẽ nảy sinh trong bạn, nhưng nó không phải niềm tin, nó gần với tình yêu thậm chí nếu bạn có cố hoài nghi thì cũng không thể được. Và khi bạn đã không thể nghi ngờ một điều gì đó, đó chính là sự tín nhiệm thật sự, một sự tín nhiệm không lay chuyển. Nó chuyển hóa đơn giản bằng cách ở trong bạn.
Trong suốt quá trình lịch sử của loài người, duy chỉ có Mahavira là người đã làm nên sự khác biệt đáng nhớ - mà ở đây điều này là rất quan trọng. Ngài nói rằng có hai cách để đến được với thực tại. Cách thứ nhất là shravaka. Shravaka nghĩa là người biết lắng nghe bằng trái tim. Như vậy người đó không cần phải làm gì hết. Nghe là đủ, và rồi người đó sẽ được chuyển hóa. Cách kia là cách của các thầy tu, những người sẽ phải gian truân lắm mới đến được thực tại.
Tôi không định tạo ra các thầy tu. Chính vì thế mà tôi chọn cách thuyết giảng bởi chỉ cần biết nghe thôi bạn đã có thể lột xác rồi. Bạn chỉ cần có thiện chí mở cánh cửa trái tim của chính mình. Hãy để tôi vào và bạn sẽ khác.
Tôi đã thấy hàng ngàn người thay đổi mà không cần đến sự hiểu biết; họ đã trải qua một sự thay đổi sâu sắc, nhưng sự thay đổi đó chỉ diễn ra ngầm mà thôi. Lý trí của họ không được phép tham gia vào chuyện đó - nó chỉ xảy ra trong tim họ.
Những người này không cần đến liệu pháp nào, không cần thiền định. Nếu họ đã lắng nghe, theo cách tôi đang nói với bạn thì đây chính là sự thiền định, liệu pháp, và sự chuyển biến toàn diện của họ.

Osho yêu quý,
Tôi nghe ông ca tụng "chủ nghĩa cộng sản" là hình thái kinh tế cao nhất, của cải làm ra và sự giàu có được chia sẻ đồng đều trong một gia đình đầy tình thương con người. Tuy nhiên, tôi lại nghe ông nói rằng người nghèo nên được kéo lên ngang mức người giàu thì tốt hơn là người giàu bị lôi xuống cảnh nghèo khó, như những gì đã xảy ra trong tất cả các công xã đang tồn tại. Thế nhưng làm thế nào người giàu chia sẻ tài sản của họ được, và sống trong "chế độ cộng sản" mà không bị lôi xuống mức bình dân?
Điều đầu tiên là người giàu trên thế giới cần sống trong cộng đồng. Hãy để những cộng đồng ấy là cộng đồng của những người giàu! - như vậy họ sẽ không bị lôi ra khỏi tiêu chuẩn cuộc sống của họ, sự tiện nghi và giàu sang của họ. Hãy để trên thế giới xuất hiện hàng trăm cộng đồng của những người giàu - những cộng đồng giàu có.
Và đối với tôi, sự giàu có là một loại sáng tạo nhất định. Nếu năm ngàn người giàu tập hợp lại cùng nhau, họ có thể tạo ra số tài sản nhiều gấp triệu lần. Mức sống của họ sẽ không bị thấp đi mà nó có thể lên cao hơn nữa. Hoặc là họ sẽ bắt đầu việc chia sẻ. Có thể họ sẽ bắt đầu mời vào cộng đồng của họ những người không được giàu nhưng sáng tạo, những người dù nghèo nhưng có khả năng nâng cao đời sống của cộng đồng họ.
Năm ngàn người giàu tập hợp lại cùng với tài làm giàu của họ có thể tạo ra khối tài sản nhiều đến mức họ có thể mời vào cộng đồng của họ hàng ngàn người không giàu về vất chất nhưng giàu về tài năng như họa sĩ, nhà thơ, vũ sư hay ca sĩ.
Bạn định sẽ làm gì chỉ với sự giàu có? Bạn không thể chơi nhạc bằng tiền; bạn không thể khiêu vũ chỉ vì bạn có nhiều tiền mặt cất trong nhà băng. Và những cộng đồng giàu có này có thể sẽ ngày càng mở rộng, thu hút ngày càng nhiều người sáng tạo. Những thứ cộng đồng giàu có này sẽ phải cần đến nhiều thứ.
Nói về cộng đồng giàu có, tôi lại nhớ đến những người thuộc Kỳ-na giáo vì cộng đồng của họ rất nhỏ và toàn những người giàu có. Ở Ấn Độ bạn không thể tìm được một người ăn mày hay trẻ lang thang nào là người Kỳ-na. Ngày xưa người ta có một tục lệ là nếu có một người Kỳ-na nghèo đói thì tất cả những người Kỳ-na khác sẽ đơn giản là cùng nhau đóng góp mỗi người một ít, để giúp người kia.
Chẳng hạn, nếu người đó cần một ngôi nhà, đơn giản là cộng đồng đem lại cho người đó ngôi nhà. Người cho gỗ, người cho gạch, người cho ngói và cả cộng đồng quyên góp một ít tiền để giúp người đó bắt đầu cuộc sống mới của mình. Như vậy là họ đã biến một người nghèo thành một người giàu. Chẳng ai bị ép buộc làm việc đó cả, họ làm vậy từ lòng hảo tâm của mình. Và người kia cũng sẽ làm như vậy nếu cộng đồng có một người mới gia nhập.
Bạn hỏi tôi rằng người giàu nên làm gì. Họ nên vứt bỏ quyền sở hữu cá nhân và cùng nhau xây dựng cộng đồng giàu có ở bất cứ nơi nào có thể - và họ có thể làm điều đó ở mọi nơi, bất cứ đâu. Họ có thể xây dựng những vùng đất tươi đẹp trên khắp thế giới, và dần dần, dần dần những vùng đất đó sẽ tiếp nhận ngày càng nhiều người khác nữa.
Chẳng hạn, bạn sẽ cần đến những người thợ sửa ống nước, dù cho bạn giàu đến thế nào; bạn sẽ cần đến thợ cơ khí; các kỹ sư; những người thợ đóng giày. Hãy mời những người này vào cộng đồng của bạn - và họ sẽ đến với bạn không phải với tư cách là những người phục dịch mà với tư cách là thành viên của cộng đồng. Họ sẽ làm giàu cho cộng đồng bằng những công việc mà họ có thể làm tốt nhất. Và chính cộng đồng sẽ có nghĩa vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của những người đó lên ngang mức với mình.
Dần dần, dần dần chúng ta có thể chuyển hóa toàn thế giới - mà không cần đến những cuộc giết chóc hay nền chuyên chính nào cả.
Một cộng đồng xuất phát từ tình yêu, từ sự thông thái, từ sự rộng lượng, sẽ là cộng đồng có thật. Một cộng đồng xuất phát từ vũ lực chỉ là một cộng đồng ảo. Và tất cả mọi người trên thế giới này, dù nghèo đến đâu, vẫn có gì đó để đóng góp.
Tôi lại nhớ đến Abraham Lincoln, tôi rất thích câu chuyện này! Đó là bài diễn văn đầu tiên của ông trước Thượng viện với tư cách là tổng thống. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, bố ông là thợ đóng giày - ở Ấn Độ người làm nghề này bị coi là tiện dân. Ngay cả ở Mỹ người ta cũng rất khó chịu và tức giận khi con trai người thợ đóng giày trở thành tổng thống; tất nhiên giới quý tộc, người giàu và siêu giàu rất tức giận. Ngày đầu tiên ông đọc diễn văn trước họ là một ngày đầy căng thẳng.
Khi ông đứng dậy, một nhà quý tộc cũng đứng dậy với ông và nói: "Thưa ngài Tổng thống, trước khi ngài phát biểu, tôi muốn ngài nhớ rằng cha ngài từng đóng giày cho gia đình tôi. Hôm nay tôi đang đi đôi giày do cha ngài đóng đấy, thế nên xin ngài chớ quên điều đó. Trở thành tổng thống chưa là gì cả đâu. Đừng quên rằng ông là con trai người thợ đóng giày".
Cả hội trường im phăng phắc. Tất cả mọi người đều nghĩ hẳn Abraham Lincoln phải ngượng lắm, thế nhưng không, chính ông đã khiến cả Thượng viện phải cảm thấy xấu hổ.
Ông nói: "Tôi vô cùng cảm kích sự nhắc nhở của ông về cha tôi" - và mắt ông rướm lệ. Ông nói tiếp: "Làm sao tôi quên được cha tôi? Ông là người thợ giày hoàn hảo và tôi không bao giờ có thể hoàn hảo đến thế ở cương vị Tổng thống. Tôi không thể vượt qua ông cụ.
Ngài vẫn đi giày cha tôi đóng - nhiều người trong số các ngài hẳn vẫn đang đi giày do cha tôi đóng. Nếu nó không vừa với chân các ngài, nếu nó có chật và làm các ngài khó chịu, xin đừng lo lắng. Cha tôi mất rồi, nhưng ông đã truyền lại nghề của ông cho tôi đủ để sửa giày cho các ngài. Tôi không thể thay thế ông ấy; ông ấy là người thầy hoàn hảo. Tôi chỉ là kẻ nghiệp dư, nhưng tôi có thể sửa giày cho các ngài và tôi sẽ luôn nhớ rằng mình phải cố gắng để trở thành vị tổng thống giỏi như là cha tôi đã từng là người thợ giày giỏi vậy. Tôi không dám hy vọng sẽ giỏi hơn cha tôi - điều đó là không thể, tôi hiểu cha tôi mà".
Đến người nghèo nhất trên thế giới cũng có gì đó để đóng góp.
Tạo ra những cộng đồng giàu có và bạn sẽ thấy bạn cần nhiều loại người lắm chứ không riêng người giàu. Họ có thể tọa ra của cải, nhưng của cải không phải là tất cả. Cuộc sống còn nhiều thứ khác nữa ngoài của cải. Nó cần đến nhiều thứ đến nỗi hẳn nhiên bạn sẽ phải mời nhiều người khác vào cộng đồng của mình. Trên khắp thế giới, các cộng đồng giàu có sẽ phải cần đến nhiều người; và dần dần, dần dần cộng đồng của bạn sẽ ngày càng lớn mạnh hơn.
Người giàu sẽ không biến thành người nghèo, nhưng người nghèo sẽ giàu lên, đáng được tôn trọng và bình đẳng - và không thấp kém hơn bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào - bởi họ cũng thực hiện chức năng của mình như những người khác vậy. Và dù họ làm nghề gì thì nghề của họ vẫn cần thiết như chuyên môn của bất kỳ ai.
Ý tưởng này hình thành trong tôi như một bông hoa nở, ngày càng nở to hơn - tất cả các cánh hoa đều mở ra. Một cộng đồng, như bông hoa mãn khai, hoàn chỉnh, không thiếu một thứ gì, sẽ không chỉ bao gồm những người giàu. Nhiều người nghèo sẽ phải được chuyển hóa thành người giàu. Và họ sẽ đóng góp - họ sẽ không phải là gánh nặng và những kẻ ăn mày. Họ sẽ có sự hãnh diện của mình. Bạn không thể tồn tại nếu thiếu họ.
Chúng ta có thể chuyển hóa cả trái đất này thành một xã hội giàu có, nhưng việc đó nên bắt đầu theo cách tôi đang nói với bạn: không phải thông qua các nền chuyên chế, mà thông qua những cộng đồng của người giàu.

Osho yêu quý,
Tôi thực sự cảm thấy ông giả tạo khi ông nói về Rajen trong buổi tối nọ, vì tôi thấy thương cho ông ấy, và tôi cảm thấy ông ấy vẫn yêu thương ông như trước. Tôi cảm thấy rằng với việc rũ bỏ chiếc áo đỏ và mala, ông ấy chỉ muốn trải nghiệm điều gì đó mới mẻ. Tuy nhiên tôi phải thừa nhận là dù đã làm việc với ông ấy suốt những năm qua, nhưng trong cuộc thực nghiệm nhóm gần đây nhất với ông ấy cách đây mấy hôm, tôi lại cảm thấy chất lượng công việc của ông ấy rất khác: tôi thấy nhớ cảm giác có sự hiện diện của ông thông qua ông ấy. Xin ông hãy nhận xét.
Câu hỏi của bạn chính là câu trả lời rồi đấy. Nếu ông ta yêu thương tôi, thế thì trong nhóm của ông ta sự hiện diện của tôi hẳn phải rõ ràng hơn. Nếu sự hiện diện của tôi trong nhóm của ông ta không còn nữa, thế thì cái mà ông ta gọi là tình yêu chỉ còn là một từ trống rỗng. Chuyện này thật đơn giản.
Chuyện rũ bỏ chiếc áo đỏ hay mala không quan trọng, bởi lẽ tôi đã cho phép chính mình làm việc đó. Thế nhưng trong nhóm của mình, ông ta lại nói rằng: "Tôi từng nhượng bộ phục vụ cho Osho. Tôi vẫn phục vụ ông ấy, thông qua việc giúp các bạn thoát khỏi Osho".
Cả thế giới này không ai lệ thuộc vào tôi cả. Thế nên chẳng cần ai phải nỗ lực để giúp người ta thoát khỏi tôi. Cả thế giới này vốn đã không lệ thuộc vào tôi rồi.
Thế nhưng tại sao người ta lại nhớ sự hiện diện của tôi? Ông ta đã đánh mất mối liên hệ với trái tim tôi; trái tim ông ta không còn đập chung nhịp với trái tim tôi nữa rồi. Mà việc này không chỉ xảy đến với Rajen. Nhiều nhà liệu pháp khác cũng rơi vào tình trạng như thế. Chỉ có một số ít là vượt qua được cuộc thử lửa, như Prasad. Anh ta không những không thay đổi mà còn ngày càng liên hệ sâu sắc với tôi hơn trên một nền tảng mới, một sự khai hoa mới của tình yêu. Trong nhóm của anh ấy, sự hiện diện của tôi ngày càng sâu sắc hơn. Và công việc của anh ấy đã thay đổi; liệu pháp của anh ấy đã thay đổi, ngày càng hiệu quả hơn.
Thế nhưng tất cả những người này đều không có ý thức. Tình yêu của họ không phải là thứ tình yêu mà tôi muốn ám chỉ. Có lẽ tình yêu của họ nhiều lắm cũng chỉ có nghĩa là họ không ghét tôi. Chỉ thế thôi nó đã rất tuyệt vời rồi, bởi hầu như tất cả bọn họ đều rất căm giận tôi chỉ vì một lý do đơn giản là họ đã quen với việc làm môn đệ. Toàn bộ trách nhiệm thuộc về tôi. Giờ tôi trao lại trách nhiệm cho họ; họ có thể tức giận - mà chắc chắn là họ sẽ tức giận. Có lẽ họ sẽ lải nhải mãi một câu giống như những con vẹt già, rằng: "Tôi yêu ông", nhưng hành động của họ thì lại không chứng tỏ điều đó.
Ananda Teertha và một số người khác đã mở một thiền viện ở Ý. Devageet cũng có ở đó. Để mở thiền viện, anh ta phải cố gắng rất nhiều, nhưng rốt cục đành chịu thất bại vì người ta không muốn cái thiền viện đó dính dáng đến tên tuổi tôi.
Devageet nói: "Tôi phải làm việc ngày đêm để xây dựng một thiền viện cho Osho, thế mà các người thậm chí còn không muốn nhắc đến tên của Ngài trong cuốn sách giới thiệu về cái viện này!". Ảnh của họ đều có trong cuốn sách giới thiệu, và họ không muốn có ảnh của tôi trong đó.
Thế mà Devageet ra đi với lòng kinh tởm. Tất cả bọn họ đều luôn miệng: "Chúng tôi yêu Osho", nhưng lại không nhắc đến tên tôi trong cuốn sách giới thiệu, không nhắc đến tên tôi trong nhóm của họ. Và các nhóm của họ thâu nhận rất nhiều sannyasin, trong khi các sannyasin ấy đến vì tôi. Devageet đã nói huỵch toẹt ra rằng, như thế là lợi dụng. "Những người này gia nhập nhóm của các ông là vì Osho chứ không phải vì các ông. Thế mà bây giờ các ông không còn theo Osho nữa".
Devageet đến gặp tôi ở Crete, và tôi bảo anh ấy: "Đừng buồn. Người vô ý thức chỉ có thể làm những việc đó. Nếu tốt thì tự động người ta sẽ đến với họ; còn không thì họ cũng tự động biến mất thôi!".
"Nhưng", anh nói: "Thật đau lòng, chính ông là người đã giúp họ trở thành những nhà liệu pháp tuyệt vời. Chính ông đã làm cho tên tuổi họ nổi tiếng trên khắp thế giới".
Tôi nói: "Anh không hiểu logic của lý trí vô thức rồi, họ đang trả thù đấy. Họ không thể tha thứ cho tôi được vì tôi đã tạo ra họ; họ thấy mình thấp kém và họ muốn chứng tỏ sự vượt trội của họ. Vậy nên cứ để họ làm điều đó - đừng lo lắng. Thế giới này vận hành theo cách ấy mà".
Đối với tôi chẳng có gì khác cả dù tên tôi có trong cái viện ấy hay không, vì trên thế giới còn có hàng ngàn nhà liệu pháp khác chẳng can hệ gì đến tôi, và những người này chỉ là một phần trong số đó. Hoặc là, có thể sớm muộn gì họ cũng sẽ nhận ra rằng những gì họ đang làm thật tồi tệ, không có chút yêu thương đối với một người đã làm cho họ nổi tiếng thế giới; nếu không thì sẽ chẳng ai biết đến họ, chẳng ai nghe nhắc đến tên của họ.
Nhưng đây mới chính là vấn đề: thật khó mà tha thứ cho người đã giúp bạn dưới bất kỳ hình thức nào. Bạn không thể trả ơn tôi; bạn không thể đền đáp, và bạn thấy mình mắc nợ. Cảm giác thấp kém vì bạn không phải do chính mình tạo ra sẽ dẫn đến sự căm hận. Tuy nhiên tất cả những chuyện này rồi sẽ lắng xuống.
Hãy nhìn lại câu hỏi của bạn. Bạn nói rằng bạn đã ở bên Rajen và bạn cảm thấy "Ông ấy yêu ông như ông ấy đã từng". Mặc dù vậy bạn vẫn nhận thấy rằng tôi không còn hiện diện trong công việc của ông ta nữa; tôi đã biến mất.
Chẳng lẽ bạn không thấy sự mâu thuẫn sao? Nếu ông ta yêu tôi, lẽ ra tôi phải hiện diện nhiều hơn và ông ta hiện diện ít đi chứ. Nếu ông ấy yêu tôi trọn vẹn, chỉ có tôi là hiện diện còn ông ta biến mất; nếu không từ "yêu" chỉ là một từ mà mọi người vẫn dùng mà thôi.
Tuy nhiên họ sẽ sớm hiểu ra thôi. Sẽ mất một ít thời gian vì khi họ ở bên tôi và đồng thời làm việc với những người trong nhóm liệu pháp của họ, họ sẽ ấp ủ tình yêu của tôi.
Họ sẽ sớm nhận ra rằng sự ấp ủ đó không còn nữa bởi trái tim họ đã khép kín lại rồi, và họ sẽ thấy mệt mỏi, rã rời, vì tất cả những người đến điều trị ở đó sẽ có được sức mạnh của họ. Họ sẽ sớm hiểu ra rằng họ đã mất gốc rễ của mình, và giờ đây họ không còn có thể khai hoa được nữa. Tuy nhiên cần phải có thời gian. Bạn có cắt đi gốc rễ - và những bông hoa vẫn nở trong vài ngày, nhưng không thể tươi lâu được.
Chính vì thế mà hãy để họ tự hiểu ra, rằng ở đây họ từng làm việc với nhiều người - hàng ngàn người - nhưng họ chưa bao giờ có cảm giác là sức mạnh của họ bị hút cạn. Thế nhưng họ lại không ý thức được rằng, tại sao họ lại có cảm giác đó - bởi gốc rễ của họ là ở trong tôi.
Thế nhưng, dưới vỏ bọc tự do, họ đã nhổ hết gốc rễ của họ khỏi tôi rồi. Họ sẽ kiệt sức và hấp hối. Thật buồn nếu họ không hiểu được điều này.

Ads Belove Post