Chương 8. Ba Bí mật: Sống, Chết và Yêu

Chương 8. Ba Bí mật: Sống, Chết và Yêu

Price:

Read more

Osho – Nhạc cổ trong rặng thông
Chương 8. Ba Bí mật: Sống, Chết và Yêu

Câu hỏi thứ nhất: Thầy có thể nói về việc đối diện với cái chết của từng khoảnh khắc và việc buông bỏ không?
Chết đã xảy ra rồi. Dù bạn có đối diện với nó hay không, dù bạn có nhìn vào nó hay không, nó đã có đó rồi.
Nó cũng hệt như việc thở vậy. Khi một đứa trẻ được sinh ra, nó hít vào, nó thở vào lần đầu tiên. Đó là bắt đầu của sống. Và khi một ngày nào đó tới nó trở nên già cả, chết đi, nó sẽ thở ra.
Chết bao giờ cũng xảy ra với thở ra và sinh với hít vào. Nhưng thở ra và hít vào đang xảy ra liên tục: với mỗi lần hít vào bạn được sinh ra, với mỗi lần thở ra bạn chết đi.
Cho nên điều đầu tiên phải hiểu là ở chỗ chết không ở đâu đó trong tương lai đang chờ đợi bạn, như nó bao giờ cũng được hình dung. Nó là một phần của sống, nó là quá trình đang tiếp diễn - không trong tương lai; ở đây, bây giờ. Sống và chết là hai khía cạnh của sự tồn tại, đồng thời xảy ra với nhau.
Thông thường, bạn đã được dạy nghĩ về chết như chống lại sống. Chết không chống lại sống. Sống không thể có nếu không có chết, chết là chính nền tảng mà trên đó sống tồn tại. Chết và sống giống như hai cánh: chim không thể bay được với một cánh, và sống không thể có mà thiếu chết. Cho nên điều đầu tiên là hiểu rõ ràng chúng ta ngụ ý chết là gì.
Chết là quá trình tuyệt đối cần thiết cho sống hiện hữu. Nó không phải là kẻ thù, nó là bầu bạn, và nó không có ở nơi nào đó trong tương lai, nó là ở đây, bây giờ. Nó không định xảy ra, nó bao giờ cũng đang xảy ra. Vì bạn đã ở đây nên nó có với bạn. Với mỗi lần thở ra thì nó xảy ra - cái chết nhỏ bé, cái chết tí hon - nhưng bởi vì sợ mà chúng ta đã đẩy nó vào tương lai.
Tâm trí bao giờ cũng cố gắng tránh những điều nó không thể hiểu được, và chết là một trong những bí ẩn không được hiểu rõ nhất. Chỉ có ba bí ẩn: sống, chết và yêu. Và cả ba điều này đều vượt ra ngoài tâm trí.
Cho nên tâm trí coi sống là được cho không; thế thì chẳng cần truy tìm - đó là cách thức lẩn tránh. Bạn chưa hề nghĩ, bạn chưa hề thiền về sống; bạn đơn giản chấp nhận nó, coi nó như được cho không. Nó là bí ẩn cực kì. Bạn đang sống động, nhưng đừng nghĩ rằng bạn đã biết sống.
Với chết, tâm trí chơi trò khác: nó trì hoãn chết - bởi vì chấp nhận nó ở đây và bây giờ sẽ là lo nghĩ thường xuyên. Cho nên tâm trí đẩy nó đi đâu đó trong tương lai, thế thì chẳng vội gì: “Khi nào nó tới, chúng ta sẽ thấy.”
Và với yêu, tâm trí đã tạo ra cái thay thế vốn không phải là yêu: đôi khi bạn gọi sở hữu của mình là yêu, đôi khi bạn gọi gắn bó của mình là yêu, đôi khi bạn gọi chi phối của mình là yêu. Những điều này đều là trò chơi bản ngã, yêu chẳng liên can gì tới chúng cả. Trong thực tế, bởi vì những trò chơi này mà yêu là không thể được.
Giữa sống và chết, giữa hai bờ của sống và chết, dòng sông yêu tuôn chảy. Và điều đó là có thể chỉ đối với những người không coi cuộc sống là được cho không, người đi sâu vào trong phẩm chất của việc sống động và trở thành sự tồn tại, chân thực.
Và tình yêu là dành cho người chấp nhận cái chết ở đây và bây giờ và không trì hoãn nó. Thế thì giữa hai điều này một hiện tượng đẹp nảy sinh - dòng sông tình yêu.
Sống và chết giống như hai bờ. Khả năng có đó cho dòng sông yêu tuôn chảy, nhưng nó chỉ là khả năng thôi. Bạn sẽ phải cụ thể hoá nó. Sống và chết có đó; nhưng tình yêu phải được cụ thể hoá - đó là mục đích của việc là con người. Chừng nào mà tình yêu còn chưa được cụ thể hoá, bạn đã bị lỡ - bạn đã lỡ toàn bộ vấn đề về sự hiện hữu.
Chết đã xảy ra rồi - cho nên đừng đẩy nó vào tương lai. Nếu bạn không đẩy nó vào tương lai, không có vấn đề về việc bảo vệ bản thân bạn; nếu nó đã xảy ra - và nó bao giờ cũng đã xảy ra rồi - thế thì không có vấn đề về việc bảo vệ bản thân bạn chống lại chết. Chết không giết bạn, nó vẫn đang xảy ra trong khi bạn vẫn còn sống. Nó vẫn đang xảy ra ngay bây giờ và sống không bị phá huỷ bởi nó. Trong thực tế, bởi vì nó mà sống tự làm mới bản thân mình vào từng khoảnh khắc; lá úa rụng xuống, chúng có thể nhường chỗ cho lá mới nhú ra, hoa cũ biến mất, hoa mới xuất hiện. Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác mở ra. Từng khoảnh khắc bạn chết đi và từng khoảnh khắc lại có phục sinh.
Có lần một nhà truyền giáo Ki tô giáo tới tôi và người đó hỏi, “Thầy có tin vào phục sinh của Jesus Christ không?”
Tôi bảo người đó rằng không cần phải đi xa thế. Từng khoảnh khắc mọi người đều phục sinh. Nhưng người đó không thể hiểu được. Điều đó là khó cho những người có quá nhiều vấn đề trong ý thức hệ của mình.
Người đó nói, “Nhưng thầy có tin rằng ông ấy bị đóng đinh không? Điều này có phải chỉ là huyền thoại thôi không, hay nó là thực tại? Thầy nghĩ gì?”
Tôi lại nói với người đó rằng mọi người đều bị đóng đinh vào mọi khoảnh khắc. Đó là toàn bộ ý nghĩa của việc đóng đinh Jesus và phục sinh của ông ấy. Liệu đấy là sự kiện lịch sử hay không cũng chẳng thành vấn đề chút nào. Nó đơn giản không liên quan tới việc nghĩ liệu điều đó có xảy ra hay không - nó đang xảy ra.
Mỗi khoảnh khắc quá khứ bị đóng đinh, lá úa biến mất. Và mỗi khoảnh khắc hiện hữu mới lại nảy sinh trong bạn, phục sinh. Nó là phép màu thường xuyên.
Điều thứ hai cần hiểu về chết là ở chỗ chết là điều chắc chắn duy nhất. Mọi thứ khác đều không chắc chắn: nó có thể xảy ra, nó có thể không xảy ra. Chết là chắc chắn, vì trong việc sinh ra, một nửa của nó đã xảy ra rồi, cho nên đầu kia phải ở đâu đó, cực kia phải ở đâu đó trong bóng tối. Bạn vẫn còn chưa đi qua nó bởi vì bạn sợ, bạn không đi vào trong bóng tối. Nhưng nó là chắc chắn! Với việc sinh, cái chết đã trở thành điều chắc chắn.
Một khi chắc chắn này xuyên thấu vào hiểu biết của bạn, bạn được thảnh thơi. Bất kì khi nào một cái gì đó tuyệt đối chắc chắn, thế thì chẳng còn lo nghĩ nữa. Lo nghĩ nảy sinh từ cái bất định.
Quan sát xem: một người sắp chết và người đó lo nghĩ. Khoảnh khắc cái chết trở thành chắc chắn và bác sĩ nói, “Bây giờ anh không thể được cứu nữa,” người đó bị choáng. Rùng mình lan suốt con người người đó, nhưng thế rồi mọi sự lắng đọng lại, và ngay lập tức tất cả mọi lo nghĩ biến mất. Nếu người này được phép biết rằng người đó sắp chết và cái chết là chắc chắn, với cái chắc chắn đó, an bình, im lặng tới với người đó.
Mọi người sắp chết đều có quyền biết điều đó. Các bác sĩ che giấu nó nhiều lần, bằng việc nghĩ, “Tại sao phải làm rối loạn làm gì?” Nhưng cái bất định mới gây rối loạn; cái chắc chắn chẳng bao giờ gây rối loạn. Lơ lửng ở giữa, hiện hữu này trong tình trạng lấp lửng, tự hỏi liệu người ta sẽ sống hay chết - đây là nguyên nhân gốc rễ cho mọi lo nghĩ. Một khi đã chắc chắn rằng bạn sắp chết thế thì chẳng có gì mà làm cả. Thế thì người ta đơn giản chấp nhận nó, và trong chấp nhận đó... là bình lặng, là yên tĩnh. Cho nên nếu người này được phép biết rằng mình sắp chết, trong khoảnh khắc chết người đó trở nên an bình.
Ở phương Đông chúng ta đã thực hành điều đó từ hàng nghìn năm nay. Mà không chỉ có thế, ở nhiều nước như Tây Tạng các kĩ thuật đặc biệt còn được phát triển để giúp cho người chết. Họ gọi điều đó là bardo thodol. Khi một người sắp chết, bạn bè, họ hàng và người thân sẽ tụ tập quanh người đó để nêu cho người đó điều tuyệt đối chắc chắn rằng người đó sắp chết, và để giúp người đó thảnh thơi. Bởi vì nếu bạn có thể chết trong thảnh thơi toàn bộ, phẩm chất của chết thay đổi. Sinh thành mới của bạn ở đâu đó sẽ có phẩm chất cao hơn, bởi vì phẩm chất của sinh do chết quyết định. Và thế rồi, đến lượt nó, sinh sẽ quyết định phẩm chất của cái chết khác. Đó là cách thức người ta đi lên cao mãi, người ta tiến hoá. Và bất kì khi nào một người trở thành tuyệt đối chắc chắn về cái chết, một ngọn lửa phát sinh trên khuôn mặt người đó - bạn có thể thấy nó. Trong thực tế, phép màu xảy ra: người đó trở thành sống động như người đó chưa hề như vậy trước đó.
Có một câu ngạn ngữ Ấn Độ nói rằng trước khi ngọn lửa tắt đi, nó trở nên cực kì mạnh mẽ. Chỉ trong một khoảnh khắc, nó bừng sáng tới độ toàn bộ.
Tôi đã đọc một giai thoại nhỏ:
Ngày xưa có hai con sâu nhỏ. Con thứ nhất lười nhác và không biết lo xa, bao giờ cũng nằm bẹp trên giường dậy rất muộn. Con kia bao giờ cũng dậy sớm, đi làm. Con chim dậy sớm bắt lấy con sâu dậy sớm. Thế rồi một người đánh cá với chiếc đèn nhấp nháy tới, và bắt lấy con sâu dậy muộn.
Bài học đạo đức: Bạn không thể thắng được.
Chết là chắc chắn. Nó đã xảy ra, đó là lí do tại sao nó chắc chắn; nó đã xảy ra rồi, đó là lí do tại sao nó chắc chắn. Cho nên tại sao đợi cho tới khoảnh khắc khi bạn chết trên giường? Tại sao không làm cho nó là chắc chắn ngay bây giờ?
Quan sát đi. Nếu tôi nói chết là chắc chắn, bạn không thể cảm thấy sợ hãi biến mất bên trong bạn sao? Bạn không thể cảm thấy chính cái ý tưởng này - và nó chỉ là một ý tưởng ngay bây giờ, không phải là kinh nghiệm của bạn - chỉ là một ý tưởng rằng cái chết là chắc chắn và bạn thanh thản và yên bình. Nếu bạn có thể kinh nghiệm nó - và bạn có thể đấy, bởi vì nó là sự kiện. Tôi không đang nói lí thuyết đâu, tôi không buôn bán lí thuyết - đây là sự kiện đơn giản. Mở mắt ra và quan sát nó. Và đừng cố gắng tránh nó, không có cách nào để tránh nó cả. Trong tránh né, bạn bị lỡ. Chấp nhận nó, nắm lấy nó. Và sống với ý thức rằng từng khoảnh khắc bạn đều chết đi và từng khoảnh khắc bạn lại sinh ra. Cho phép điều đó xảy ra. Đừng níu bám lấy quá khứ - nó không còn nữa, nó đã mất rồi.
Tại sao mang những thứ chết thế? Tại sao bị nặng gánh với những xác chết? Vứt chúng đi, và bạn sẽ cảm thấy vô trọng lượng, bạn sẽ cảm thấy không nặng gánh.
Và một khi bạn vứt bỏ quá khứ, tương lai cũng bị vứt bỏ theo cách riêng của nó, bởi vì tương lai không là gì ngoài phóng chiếu của quá khứ. Trong quá khứ bạn đã có những hoan lạc nào đó, bây giờ tâm trí phóng chiếu cùng những hoan lạc đó vào tương lai. Trong quá khứ bạn có đau khổ nào đó, bây giờ tâm trí phóng chiếu một tương lai trong đó đau khổ không được phép xảy ra. Đó chính là tương lai của bạn là gì - tương lai của bạn còn có thể là cái gì khác nữa? Hoan lạc bạn đã tận hưởng trong quá khứ, được phóng chiếu, khổ bị loại bỏ. Tương lai của bạn nhiều mầu sắc hơn và là quá khứ đã được sửa đổi, tô vẽ, cải tiến, nhưng nó là quá khứ. Một khi quá khứ bị vứt bỏ, bỗng nhiên tương lai cũng bị vứt bỏ - và thế thì bạn được bỏ lại ở đây và bây giờ; bạn trong sự tồn tại, bạn là sự tồn tại, và điều đó là cách duy nhất để hiện hữu. Tất cả các cái khác chỉ là né tránh cuộc sống. Và bạn càng né tránh cuộc sống, bạn lại càng trở nên sợ chết.
Một người thực sự sống thì không sợ chết theo bất kì cách nào. Nếu bạn đang sống đúng, bạn sẽ được kết thúc với cái chết, bạn đã quá biết ơn, được hoàn thành. Nhưng nếu bạn không sống, thế thì lo nghĩ thường xuyên tiếp tục, “Mình vẫn còn chưa sống mà cái chết tới. Và cái chết sẽ chấm dứt tất cả và với cái chết sẽ không có tương lai nữa.” Cho nên người ta trở thành e dè, sợ hãi, và cố gắng tránh cái chết.
Trong khi cố gắng điều đó, trong né tránh chết, người ta bỏ lỡ sống. Quên né tránh đó đi. Sống cuộc sống. Trong sống cuộc sống, cái chết bị tránh xa. Trong sống cuộc sống, bạn trở thành được thoả mãn đến mức nếu chính khoảnh khắc này cái chết tới và tương lai dừng lại, bạn sẽ sẵn sàng. Bạn sẽ sẵn sàng một cách hạnh phúc. Bạn đã sống cuộc sống của mình, bạn đã sung sướng trong sự tồn tại, bạn có thể mở hội nó, bạn được mãn nguyện. Không phàn nàn, không càu nhàu; bạn không có ác cảm nào. Bạn đón chào cái chết. Và chừng nào bạn chưa thể đón chào cái chết, một điều là chắc chắn - bạn đã không sống.
Tôi đã từng nghe một giai thoại:
Hai nhà quí tộc Hungari rơi vào một cuộc cãi lộn chí tử. Nhưng vì cả hai đều lo âu không dám liều mạng bằng gươm hay súng, nên một cuộc tranh chấp không đổ máu đã được quyết định thực hiện. Mỗi người đều phải nói ra một con số, và người đưa ra số cao hơn sẽ được phân xử là người thắng.
Giây phút tất nhiên trong tay, và điều kích động cùng nỗi hồi hộp đều lên cực điểm khi hai nhà quí tộc, ngồi đối diện tại hai đầu bàn dài, cúi mình vào công việc nghĩ một số cao hơn. Bên bị thách thức có đặc quyền đi trước đưa ra con số dù lâu và gian khó. Các mạch máu thái dương người đó nổi hằn lên và mồ hôi toát ra đầy trán.
“Ba,” cuối cùng người đó nói.
Người đua tranh kia nói ngay, “Được, điều đó hơn tôi rồi.”
Khi bạn sợ chết thậm chí số ba cũng là số tối thượng. Khi bạn sợ chết, bạn tìm cớ để tiếp tục sống. Dù cuộc sống của bạn có ý nghĩa gì hay không, người ta đơn giản đi tìm cái cái cớ để kéo dài nó.
Tại phương Tây bây giờ, có trào lưu kéo dài cuộc sống. Điều đó đơn giản chỉ ra rằng ở đâu đó cuộc sống đang bị lỡ. Bất ki khi nào một quốc gia hay một nền văn hoá bắt đầu nghĩ về cách kéo dài cuộc sống, điều đó đơn giản chỉ ra một việc, rằng cuộc sống vẫn chưa được sống. Nếu bạn sống cuộc sống, thế thì cho dù chỉ một khoảnh khắc cũng đủ. Một khoảnh khắc có thể bằng với vĩnh hằng. Vấn đề không phải ở chiều dài, vấn đề là ở chiều sâu; vấn đề không phải ở số lượng, nó là vấn đề chất lượng.
Nghĩ xem: bạn muốn như một khoảnh khắc của cuộc sống Phật hay bạn muốn hàng nghìn năm cuộc sống của riêng mình? Thế thì bạn sẽ có khả năng hiểu điều tôi ngụ ý về phẩm chất, sự mãnh liệt, chiều sâu. Trong một khoảnh khắc của hoàn thành là có thể, bạn có thể ra hoa và nở hoa: nhưng bạn không thể nở hoa trong một nghìn năm, và bạn có thể vẫn còn bị che giấu trong hạt mầm.
Đây là khác biệt giữa thái độ khoa học hướng tới cuộc sống và thái độ tôn giáo. Thái độ khoa học quan tâm tới việc kéo dài - cách thức kéo dài cuộc sống. Nó không quan tâm tới ý nghĩa. Cho nên bạn có thể thấy người già trong bệnh viện, đặc biệt là ở phương Tây, chỉ treo ở đó. Họ muốn chết nhưng nền văn hoá sẽ không cho phép. Họ đã phát ngán với việc sống; họ đơn giản sống vô vị - không ý nghĩa gì, không nghĩa lí gì, không thơ ca; mọi thứ đều đã biến mất, và họ là gánh nặng cho chính mình. Họ đang yêu cầu được chết không đau đớn nhưng xã hội không cho phép điều đó. Xã hội sợ chết đến mức nó không cho phép thậm chí với cả những người đã sẵn sàng chết.
Chính từ ‘chết’ là một từ kiêng kị, còn kiêng kị hơn cả dục. Dục đã dần dần trở nên gần như được chấp nhận. Bây giờ chết cũng cần tới một Freud để làm cho nó được chấp nhận, để cho nó không còn là điều cấm kị nữa và mọi người có thể nói về nó và mọi người có thể chia sẻ kinh nghiệm của họ về nó. Và thế thì không cần phải che giấu nó và không có nhu cầu phải buộc mọi người sống ngược với bản thân mình. Trong bệnh viện, ở nhà dưỡng lão, mọi người đơn giản sống lơ lửng bởi vì xã hội, vì văn hoá, luật pháp sẽ không cho phép họ chết. Và nếu họ yêu cầu rằng họ nên được cho phép chết, điều đó có vẻ như họ đang yêu cầu được tự tử. Họ không yêu cầu tự tử. Trong thực tế, họ đã trở thành những cái xác chết; họ là người tự tử sống và họ đang yêu cầu được gạt bỏ nó. Bởi vì sống lâu không có ý nghĩa. Bạn sống bao lâu không phải là vấn đề! Bạn sống sâu sắc như thế nào, bạn sống mãnh liệt như thế nào, bạn sống toàn bộ như thế nào, phẩm chất...
Khoa học quan tâm tới số lượng; tôn giáo quan tâm tới chất lượng. Tôn giáo quan tâm tới nghệ thuật của cách sống cuộc sống và cách chết cuộc sống. Bẩy năm, bẩy mươi năm hay bẩy trăm năm - điều đó có gì khác biệt? Bạn sẽ lặp đi lặp lại mãi cùng cái vòng luẩn quẩn ấy. Bạn sẽ đơn giản ngày càng chán hơn.
Cho nên thay đổi sự tập trung của con người bạn đi. Học cách sống từng khoảnh khắc và học cách chết từng khoảnh khắc, bởi vì cả hai đi đôi với nhau. Nếu bạn biết cách chết từng khoảnh khắc, bạn sẽ có thể sống từng khoảnh khắc - tươi tắn, trẻ trung, trong trắng. Chết đi quá khứ. Đừng cho phép nó can thiệp vào hiện tại của bạn. Khoảnh khắc mà bạn đã đi ra khỏi nó, để nó không còn có đó nữa. Nó không còn có đó; nó đi vào trong kí ức của bạn, nó chỉ còn là nhớ lại. Để việc nhớ này cũng được thả ra. Không nên cho phép treo lơ lửng về mặt tâm lí này.
Tôi không nói rằng bạn phải quên đi mọi điều bạn biết. Tôi không nói rằng tất cả kí ức đều xấu. Nó có ích lợi kĩ thuật. Bạn phải biết cách lái xe, bạn phải biết nhà mình ở đâu, bạn phải nhận ra vợ con mình. Nhưng những điều đó không phải là treo lơ lửng về mặt tâm lí. Khi bạn về nhà tất nhiên bạn nhận ra rằng đây là vợ bạn. Đây là trí nhớ thực sự - có ích, nâng cao cuộc sống, làm thuận tiện cho nó. Nhưng nếu bạn về nhà và bạn nhìn vợ với tất cả những kinh nghiệm quá khứ với cô ấy, thế thì đó là treo lơ lửng về tâm lí. Hôm qua cô ấy giận... bây giờ lần nữa bạn nhìn với kí ức đó len vào giữa; mắt bạn bị che phủ bởi kí ức đó. Hôm kia cô ấy buồn rầu và cáu kỉnh - bây giờ nếu bạn nhìn qua tất cả những ấn tượng tâm lí này, thế thì bạn đang không nhìn vào người phụ nữ này, người đang đứng trước bạn ngay bây giờ. Bạn đang nhìn vào ai đó không có đó, bạn đang thấy ai đó không tồn tại. Bạn đang nhìn vào bóng ma - cô ấy không phải là vợ bạn. Và cô ấy cũng có thể nhìn vào bạn theo cùng cách đó.
Cho nên ma gặp nhau, và các thực tại vẫn còn tách biệt: ma lấy nhau, còn thực tại li dị. Thế thì hai con ma này sẽ làm tình, hai con ma này sẽ đánh nhau, cãi nhau, và làm cả nghìn lẻ một thứ, còn các thực tại sẽ ở xa, rất xa xôi. Sẽ không có tiếp xúc; các thực tại sẽ không có mối nối nào. Và thế thì không thể có trao đổi, không thể có đối thoại. Chỉ các thực tại mới có thể yêu. Ma chỉ có thể làm những cử chỉ bất lực, những chuyển động, nhưng không có cuộc sống trong chúng.
Vứt quá khứ từng khoảnh khắc đi. Nhớ vứt bỏ nó. Giống như bạn lau nhà mỗi sáng, mọi khoảnh khắc lau sạch ngôi nhà bên trong của mình khỏi quá khứ. Tất cả các kí ức tâm lí đều phải bị loại bỏ. Chỉ giữ lại những điều thực sự và tâm trí bạn sẽ rất, rất sạch sẽ và trong trẻo.
Đừng đi trước bản thân mình vào trong tương lai bởi vì điều đó không có khả năng làm được. Tương lai vẫn còn chưa biết; đó là cái đẹp của nó, đó là cái hùng vĩ, cái huy hoàng của nó. Nếu nó trở nên được biết tới, nó sẽ thành vô ích bởi vì thế thì toàn bộ phấn chấn và toàn bộ ngạc nhiên sẽ bị mất.
Đừng mong đợi điều gì trong tương lai. Đừng làm biến chất nó. Bởi vì tất cả những mong đợi của bạn, nếu được đáp ứng, thế nữa sẽ làm cho bạn khổ... bởi vì nó là mong đợi của bạn và nó đã được đáp ứng. Bạn sẽ không hạnh phúc về nó. Hạnh phúc là có thể chỉ thông qua ngạc nhiên, hạnh phúc là có thể chỉ khi cái gì đó xảy ra mà bạn chưa bao giờ mong đợi, khi cái gì đó chiếm giữ hoàn toàn không nhận biết của bạn. Nếu mong đợi của bạn được đáp ứng một trăm phần trăm, bạn sẽ sống dường như là bạn đang trong quá khứ, không trong tương lai. Bạn về nhà và bạn mong đợi vợ mình nói điều gì đó và cô ấy làm, rồi bạn mong đợi con bạn đối xử theo cách nào đó và đứa trẻ làm như vậy. Nghĩ mà xem - bạn sẽ thường xuyên thấy chán. Chẳng có gì xảy ra cả. Mọi thứ sẽ chỉ là lặp lại, dường như bạn thấy cái gì đó mà bạn đã thấy trước đây, nghe cái gì đó mà bạn đã nghe trước đây. Liên tục như thế bạn sẽ thấy rằng đấy là lặp lại cái gì đó và lặp lại chẳng bao giờ có thể thoả mãn cả. Cái mới, cái lạ, cái nguyên bản là cần thiết.
Cho nên nếu mong đợi của bạn được đáp ứng, bạn sẽ vẫn còn hoàn toàn không được đáp ứng. Và nếu mong đợi của bạn không được đáp ứng thế thì bạn cảm thấy thất vọng. Thế thì bạn thường xuyên cảm thấy dường như bạn đề nghị và Thượng đế có ý riêng, bạn cảm thấy rằng Thượng đế là kẻ thù, bạn cảm thấy dường như mọi người đều chống lại bạn và mọi người đều làm việc chống lại bạn. Mong đợi của bạn chẳng bao giờ được đáp ứng, bạn cảm thấy thất vọng.
Thiền về mong đợi đó đi: nếu chúng được đáp ứng, bạn sẽ cảm thấy chán, nếu chúng không được đáp ứng bạn sẽ cảm thấy mình bị lừa, dường như âm mưu đang diễn ra để chống lại bạn, dường như toàn bộ sự tồn tại đang mưu đồ chống lại bạn. Bạn sẽ cảm thấy bị khai thác, bạn sẽ cảm thấy bị bác bỏ, bạn sẽ không thể nào cảm thấy như ở nhà. Và toàn bộ vấn đề nảy sinh bởi vì bạn mong đợi.
Đừng đi trước tương lai. Loại bỏ các mong đợi.
Một khi bạn loại bỏ mong đợi, bạn đã học được cách sống. Thế thì mọi điều xảy ra đều đáp ứng cho bạn - dù nó là bất kì cái gì. Với điều này bạn chẳng bao giờ cảm thấy thất vọng bởi vì ngay chỗ đầu tiên bạn không hề mong đợi, cho nên thất vọng là điều không thể có. Thất vọng là cái bóng của mong đợi. Với mong đợi bị loại bỏ, thất vọng cũng bị loại bỏ theo cách riêng của nó.
Bạn không thể làm tôi thất vọng được, vì tôi chẳng bao giờ mong đợi điều gì. Dù bạn làm bất kì cái gì, tôi sẽ nói “Tốt.” Tôi bao giờ cũng nói “Tốt,” ngoại trừ có đôi lần khi tôi nói “Rất tốt!”
Một khi mong đợi không có đó, bạn được tự do - để đi vào trong cái chưa biết và chấp nhận cái chưa biết, bất kì cái gì nó đem lại, và chấp nhận nó với lòng biết ơn sâu sắc. Phàn nàn biến mất, càu nhàu biến mất. Dù bất kì tình huống nào, bạn bao giờ cũng cảm thấy chấp nhận, như ở nhà. Không ai chống lại bạn; sự tồn tại không phải là âm mưu chống lại bạn. Nó là nhà của bạn.
Điều thứ hai: thế thì mọi thứ xảy ra không mong đợi trước được, mọi thứ trở thành mới. Nó đem tươi mát cho cuộc sống của bạn; làn gió mát liên tục thổi qua và nó không cho phép bụi bặm tụ lên bạn. Cửa ra vào và cửa sổ của bạn đều mở: ánh sáng mặt trời chiếu vào, gió thoảng kéo vào, hương thơm của hoa đưa vào - và mọi thứ đều không mong đợi được. Bạn chưa bao giờ yêu cầu về nó, mà sự tồn tại  cứ mưa rào lên bạn. Người ta cảm thấy sự sùng kính hiện hữu.
Mệnh đề ‘Thượng đế hiện hữu’, không phải là một mệnh đề; nó là tuyên bố của ai đó, người đã sống một cách không mong đợi, không bất kì mong đợi nào, người đã sống trong ngạc nhiên. Thượng đế không phải là một giả thiết logic; đấy là lời tán thưởng về niềm vui. Nó cũng giống như, “A ha!” Và nó không có nghĩa điều gì nữa, nó đơn giản nghĩa là, “A ha!”... đẹp thế, kì diệu thế, mới thế, lạ thế, và bên ngoài bất kì cái gì mà bạn có thể đã mơ. Vâng, cuộc sống còn phiêu lưu hơn bất kì cuộc phiêu lưu nào mà bạn có thể tưởng tượng ra. Và cuộc sống là thai nghén, bao giờ cũng thai nghén cái chưa biết.
Một khi bạn mong đợi, mọi thứ bị phá huỷ. Loại bỏ quá khứ; đó là cách chết đi từng khoảnh khắc. Đừng bao giờ lập kế hoạch cho tương lai; đó là cách cho phép cuộc sống tuôn chảy qua bạn. Và thế thì bạn vẫn còn trong trạng thái không đông đặc, tuôn chảy. Đây là điều tôi gọi cho sannyasin - không quá khứ, không tương lai, chỉ tại khoảnh khắc này sống động, sống động mãnh liệt, ngọn lửa bùng cháy từ cả hai đầu, bó đuốc bùng cháy từ cả hai đầu. Và điều này chính là buông bỏ là gì.
Câu hỏi thứ hai: Mới thời gian ngắn trước đây tôi nghe Thầy nói rằng Thầy thấy bản thân mình đang đứng trong bãi chợ với một chai rượu trong tay. Hôm nay tôi đã bị từ chối vào buổi darshan vì trong hơi thở tôi có rượu.
Điều này là từ Vedanta.
Điều tôi nói và điều bạn nghe thấy không nhất thiết là một. Rượu tôi là rượu của tôi, rượu bạn là rượu của bạn. Khi tôi nói về rượu, tôi không nói về rượu của bạn. Tôi đang nói về rượu của chư phật. Vâng, họ đang say - say với điều thiêng liêng.
Nhưng tôi có thể hiểu được. Bạn nghe điều mà bạn muốn nghe. Bạn không nghe tôi, bạn thao túng. Bạn xoay xở để nghe bất kì điều gì bạn muốn nghe. Vô thức của bạn can thiệp vào, nó làm bạn lẫn lộn. Vâng, tôi đã nói rằng tôi ở bãi chợ và không chỉ trong bãi chợ, mà với một cái chai trong tay. Đây là một câu ngạn ngữ thiền cổ.
Thiền nói rằng người mà cuối cùng đã hiểu bản thân mình, quay trở lại với thế giới - và trở lại hoàn toàn say sưa. Nhưng tại sao cái chai trong tay? Ý nghĩa là rõ ràng. Người đó không chỉ say, người đó còn có cái gì đó để đem biếu bạn nữa. Đó là ý nghĩa của cái chai trong tay. Nếu bạn sẵn sàng, người đó có thể làm cho cả bạn cũng say nữa - người đó có cái gì đó đem biếu bạn. Không chỉ là việc người đó say, người đó có thể chia sẻ men say của mình với bạn. Do đó mới có cái chai. Người đó có lời mời cho bạn.
Đó là lí do tại sao người đó đã tới bãi chợ. Bạn đến bãi chợ để kiếm cái gì đó, người đó tới bãi chợ để cho cái gì đó. Người đó đã tìm thấy cái gì đó, và việc tìm thấy này là cái mà phải được chia sẻ. Chia sẻ là bản chất cố hữu của nó. Bạn không thể giữ phúc lạc cho bản thân mình - cũng dường như đoá hoa cố gắng giữ hương thơm của nó cho chính nó hay ngôi sao cố gắng giữ ánh sáng của nó cho chính nó. Điều đó là không thể được. Khi có ánh sáng, nó lan toả, nó đi tới người khác, nó giúp ngay cả những người không được chuẩn bị để nhận sự giúp đỡ của nó. Hương thơm phát tán trong gió cho bạn bè và cho cả kẻ thù như nhau.
Khi một người đã đạt tới, người đó phải chia sẻ. Không phải là người đó phải làm điều gì đó để chia sẻ nó; người đó đơn giản thấy bản thân mình đang chia sẻ - người đó không thể làm khác được. Người đó đi tới bãi chợ nơi có mọi người. Nơi mọi người đang loạng choạng trong bóng tối, người đó đem ánh sáng của mình tới cho họ; nơi mọi người đang khát, người đó đem men say của riêng mình ra chia sẻ với họ.
Vâng, tôi đang say và tôi có cái chai trong tay - bạn không thể thấy được nó sao? Nhưng đấy không phải là cái chai của bạn. Mọi người đều có khuynh hướng vô ý thức để nghe điều gì đó không được nói ra.
Tôi đã nghe một giai thoại:
Một người đàn bà nguyên thuỷ chạy tới chồng mình trong khuấy động lớn nhất.
“Wok ơi!” cô ấy kêu lên. “Cái gì đó khủng khiếp vừa mới xảy ra. Một con hổ răng kiếm vừa mới chui vào chỗ mẹ em và mẹ  còn ở đó. Làm điều gì đó đi! Làm điều gì đó đi!”
Wok nhìn lên chiếc cẳng voi ma mút mà anh ta vừa gặm và nói, “Sao tôi lại phải làm điều gì đó? Tôi là cái quái gì mà lo chuyện xảy ra cho con hổ răng kiếm đây?”
Không nhất thiết là bạn nghe điều được nói. Vô thức của bạn liên tục tô mầu bất kì cái gì bạn nghe thấy; nó liên tục diễn giải theo cách riêng của nó. Lời nói có thể là một, nhưng một cái xốc nhẹ đem cho ý nghĩa, một bước chuyển nhẹ, và mọi sự thay đổi.
Sau mười năm lấy nhau, một người đàn ông liên tục tới tư vấn luật sư hôn nhân.
“Khi tôi lấy vợ lần đầu,” người đó nói, “tôi đã rất hạnh phúc. Khi tôi về nhà ban đêm, con chó nhỏ của tôi sẽ chạy ra sủa, còn vợ tôi sẽ đem cho tôi chiếc dép. Bây giờ, sau ngần ấy năm, khi tôi về nhà, con chó của tôi đem cho tôi đôi dép, còn vợ tôi sủa vào tôi.”
“Có gì mà phải phàn nàn?” luật sư nói, “anh vẫn nhận được cùng sự phục vụ đấy thôi!”
Vâng, phục vụ  vẫn thế, nhưng mà lại không thế. Bạn có thể nghe lời tôi và bạn có thể nghĩ ý nghĩa là một - nhưng không phải vậy. Cho nên xin lưu tâm. Xem xét lời tôi thật cẩn thận; chúng là tinh tế. Và trước khi bạn quyết định chúng có ý nghĩa gì, đừng vội vã - thiền đã. Nếu không, bạn không chỉ bị lỡ, bạn có thể còn hiểu nhầm, và không chỉ lời tôi không thể giúp được bạn, chúng có thể còn có hại nữa.
Câu hỏi thứ ba: Liệu có khả năng cho chính khách chứng ngộ không?
Chưa hề nghe nói về điều đó. Điều đó chưa bao giờ xảy ra. Có những vấn đề rất bản chất. Chính chiều hướng mà các chính khách đi là ngược lại với chứng ngộ.
Đôi điều cần phải được hiểu. Chính trị là hiện tượng đối lập hẳn với tôn giáo. Nhà khoa học có thể dễ dàng trở nên tôn giáo; cách tiếp cận của người đó là khác nhưng không đối lập. Người đó có thể đã làm việc với vật chất, với thế giới khách quan, nhưng việc làm việc của người đó là một loại thiền. Người đó cần không gian nào đó trong tâm thức của mình, không gian im lặng, để làm việc và để khám phá. Không phải khó lắm để chuyển từ đối thể sang chủ thể bởi vì cùng không gian ấy có thể được dùng cho cuộc hành trình bên trong.
Nhà thơ có thể rất dễ dàng trở nên tôn giáo - người đó rất gần, rất, rất gần gũi, hầu như ở lân cận. Hoạ sĩ hay nhà điêu khắc có thế rất dễ dàng trở nên tôn giáo; họ đã là tôn giáo rồi, một cách vô tình. Họ đã là những người tôn thờ mặc dầu họ còn chưa tôn thờ. Họ có thể không nghĩ về Thượng đế, họ có thể không có ý thức là tôn giáo chút nào, họ có thể không quan tâm tới Kinh thánh, Koran và Gita - nhưng đấy không phải là vấn đề. Hoạ sĩ thấy cái gì đó thiêng liêng trong tự nhiên: mầu sắc là thiêng liêng đối với người đó. Nhà thơ cảm thấy cái gì đó của lãng mạn tôn giáo tất cả xung quanh. Tất cả các nghệ thuật sáng tạo đều có quan hệ rất gần gũi - bất kì khoảnh khắc nào tâm thức cũng có thể bừng lên, bất kì tia sáng nào cũng có thể trở thành chuyển biến.
Nhưng chính khách đi theo hướng đối lập hoàn toàn. Toàn bộ ước định của người đó là chống lại tôn giáo.
Tôi đã nghe một giai thoại:
Một nghị sĩ quốc hội vừa có bài nói khuấy động chống lại một dự luật gây tranh cãi. Ông ta bị chìm ngập trong hàng núi thư ở nhà vì các cử tri viết lên án quan điểm của ông ấy. Hôm sau ông ấy lui bước trong nghị viện, lần này lại làm một bài phát biểu ủng hộ cho dự luật. Khi ông ấy kết thúc, một nghị sĩ chặn ông ấy lại.
“Hôm qua,” ông nghị này nói, “ông đã đưa ra lời giải thích hùng biện về các nguyên tắc lấy làm động cơ cho quan điểm của ông. Tôi tự hỏi, điều gì đã xảy ra làm thay đổi tâm trí ông vậy?”
“Một ngày nào đó,” nghị sĩ này nói, “ông sẽ hiểu ra rằng sẽ đến một thời điểm trong cuộc sống của mọi người khi người đó phải vượt lên trên các nguyên tắc đơn thuần.”
Chính khách là kẻ cơ hội; trong thực tế ông ta chẳng có nguyên tắc nào cả. Ông ta nói về nguyên tắc, nhưng chính khách không có nguyên tắc. Ông ta giả vờ rằng ông ta có nguyên tắc, nhưng nếu ông ta là chính khách xứng đáng với cái tên này thì ông ta không thể có bất kì nguyên tắc nào cả. Nguyên tắc đó chỉ để lừa phỉnh mọi người. Ông ta đang trong trò bản ngã. Ông ta dùng tất cả các loại nguyên tắc.
Tôi đã nghe nói về một chính khách. Trong chiến dịch bầu cử ông ấy đã nói trong khu vực bầu cử của mình và có tranh luận rất sôi nổi về điều cấm đoán: về việc liệu nên cấm rượu toàn bộ hay không. Khi ông ta nói, một người đứng dậy và hỏi, “Quan điểm của ông về cấm đoán là gì?”
Bây giờ ông ta trở nên đôi chút run rẩy bởi vì một nửa dân chúng ủng hộ điều đó và một nửa chống lại điều đó. Và ông ta có thể thấy rằng một nửa đám đông này đang ủng hộ nó và nửa đám đông đang chống lại nó. Nếu ông ấy nói có, thế thì được một nửa, nếu ông ấy nói không, cũng một nửa. Thực sự là khó khăn. Ông ta trong thế tiến thoái lưỡng nan.
Và thế rồi ông ấy nói, “Tất cả các bạn đều là bạn của tôi. Xin hãy giơ tay lên tất cả những người ủng hộ và những người phản đối.” Một nửa những người giơ tay để ủng hộ, và một nửa phản đối.
Thế rồi ông ta nói, ‘Tốt. Tôi cùng ý với các bạn, tôi tất cả đều vì các bạn. Các bạn tất cả đều là bạn tôi và tôi ủng hộ các bạn.”
Bây giờ ông ta chẳng nói có mà cũng chẳng nói không.
Sai lầm là của bản ngã: làm sao trở nên mạnh mẽ hơn, làm sao kiểm soát người khác. Tôn giáo chính là cái đối lập lại. Nó không theo bất kì con đường nào của trò bản ngã - người ta phải làm mất bản ngã của mình. Và người ta không cố gắng có uy quyền lớn, trong thực tế, người ta cố gắng để hiểu toàn bộ cái vô ích của việc bộ phận chống lại toàn thể. Người ta học cách buông xuôi, không học cách chinh phục; và người ta không bận tâm tới người khác, người ta quan tâm toàn bộ tới bản thân mình. Nếu điều này là có thể, rằng, “Tôi có thể trở nên nhận biết về bản thể riêng của mình” -  cũng đủ, quá đủ là đằng khác.
Chính khách bận tâm tới thế giới bên ngoài, ông ta là hướng ngoại. Người tôn giáo là người hướng nội. Người đó không quan tâm tới mọi vật, với thế giới, với tình huống; người đó quan tâm tới phẩm chất của tâm thức mình. Người tôn giáo cố gắng tìm cách để được đáp ứng; chính khách cố gắng để chỉ ra cho thế giới rằng ông ta là ai đó. Ông ta không thể nào được đáp ứng nhưng ông ta giả vờ rằng mình được đáp ứng; chính khách đã chọn giả vờ, đạo đức giả. Ông ta đơn giản muốn toàn bộ thế giới biết rằng ông ta là ai đó; đặc biệt, phi thường, rất hạnh phúc. Sâu bên trong ông ta có thể mang địa ngục nhưng ông ta tin rằng nếu ông ta có thể lừa mọi người khác, ông ta sẽ có khả năng lừa bản thân mình.
Mơ đó chẳng bao giờ được hoàn thành. Bạn có thể lừa mọi người khác bằng mỉm nụ cười giả dối, nhưng làm sao bạn có thể lừa bản thân mình? Sâu bên dưới bạn biết rằng mọi thứ đang nguội lạnh và chết; sâu bên dưới bạn biết rằng mọi thứ là trống rỗng, vô dụng. Nhưng người ta cứ nghĩ, “Nếu mình có thể thuyết phục mọi người khác rằng mình là ai đó, thế thì bằng cách nào đó mình sẽ có khả năng thuyết phục chính mình rằng mình là ai đó.”
Chính khách là kẻ nói dối. Ông ta cố gắng dối trá - với bản thân mình và với toàn thế giới. Chiều hướng tôn giáo là chiều hướng của con người chân chính, đích thực.
Có lần chuyện xảy ra là một người đi vào quán rượu và nói, “Anh phục vụ, tôi muốn anh gặp con chó của tôi. Nó biết nói đấy. Tôi sẽ bán nó cho anh chỉ mười đô la thôi.”
“Ông nghĩ ông đang lừa ai vậy?” người phục vụ nói.
Con chó, nước mắt lưng tròng, ngước nhìn lên. “Xin ông mua tôi đi,” nó nói. “Người này đối xử với tôi độc ác lắm. Ông ấy chẳng bao giờ cho tôi xương. Ông ấy chẳng bao giờ tắm cho tôi. Ông ấy bao giờ cũng đá tôi. Và đã có thời tôi là con chó khéo léo giầu có nhất nước. Trước đó tôi đã từng làm tổng thống và vua. Tên tôi xuất hiện trên báo chí hàng ngày, và...”
“Vậy ra nó nói thật,” người phục vụ nói. “Nhưng sao ông bán con chó giá trị thế mà chỉ có mười đô la thôi?”
“Bởi vì,” ông khách hàng nói, “tôi ghét kẻ nói dối.”
Chính khách là kẻ nói dối, và ông ta đang cố gắng thuyết phục bản thân mình qua việc thuyết phục người khác.
Chính khách gần như điên - điên vì quyền lực. Nhiều người vào nhà thương điên trên thế giới. Ai đó nghĩ mình là Adolf Hitler, ai đó nghĩ mình là Napoleon, ai đó nghĩ mình là Ford hay Mao Trạch Đông. Và họ đều trong tù, hay trong nhà thương điên, hay trong bệnh viện, bởi vì chúng ta nghĩ họ đã phát điên. Ai đó nghĩ rằng mình là Adolf Hitler  bị coi là điên, nhưng còn bản thân Adolf Hitler thì sao? Điều khác biệt duy nhất là thế này: rằng con người này, người điên này mà nghĩ mình là Adolf Hitler, không có khả năng chứng minh điều đó, có thế thôi. Người đó hồn nhiên. Điên của người đó chỉ là hồn nhiên. Adolf Hitler đã chứng minh cho thế giới rằng, đúng ông ta: Adolf Hitler còn điên hơn con người này. Điên của ông ta đến mức ông ta đã chứng minh cho toàn thế giới rằng ông ta là ai đó; nếu ông ta không thể sáng tạo, ông ta có thể phá huỷ.
Chỉ có hai khả năng. Hoặc là bạn có thể là đấng sáng tạo, và thế thì bạn cảm thấy đáp ứng nào đó - điều đó tới cho người mẹ khi cô ấy cho sinh thành ra đứa con, hoặc điều đó tới cho nhà thơ khi bài thơ được sinh ra, hay tới cho nhà điêu khắc khi người đó đã tạo ra cái gì đó - một hình đẹp bằng đá cẩm thạch, bằng đá, bằng gỗ. Bất kì khi nào bạn tạo ra điều gì đó, bạn đều cảm thấy được nâng cao lên, bạn đạt tới các đỉnh, bạn đạt tới chiều cao.
Mọi người sáng tạo đều gần với tôn giáo. Tôn giáo là sáng tạo lớn nhất bởi vì nó là nỗ lực để cho sinh ra chính mình, để trở thành người bố và người mẹ của chính mình, để được sinh ra lần nữa, để được tái sinh qua thiền, qua nhận biết. Bài thơ là hay, bức vẽ là hay - nhưng khi bạn cho sinh thành ra tâm thức riêng của mình, thế thì không gì so sánh được. Thế thì bạn đã cho sinh thành bài thơ tối thượng, âm nhạc tối thượng hay điệu vũ tối thượng. Đây là chiều hướng của sáng tạo. Trên các bậc của sáng tạo, tôn giáo là bậc cuối. Nó là nghệ thuật lớn nhất, nghệ thuật tối thượng - đó là lí do tại sao tôi gọi nó là ‘thuật giả kim tối thượng’.
Ngay đối lập là bậc thang của huỷ diệt. Những người không thể sáng tạo trở thành huỷ diệt bởi vì qua huỷ diệt họ có thể có cảm giác gián tiếp rằng họ mạnh mẽ. Khi Hitler huỷ diệt hàng triệu người, tất nhiên ông ta có cảm giác rất mạnh mẽ rằng, “Mình là ai đó, mình có thể huỷ diệt toàn bộ thế giới.” Ông ta gần như sẵn sàng huỷ diệt toàn bộ thế giới - ông ta đã gần như phá huỷ nó.
Chính khách là tâm trí huỷ diệt. Ông ta có thể nói về quốc gia, đất nước; ông ta có thể nói về thiên đường, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản - nhưng về cơ bản chính khách là tâm trí huỷ diệt và tâm trí huỷ diệt không thể nào trở thành chứng ngộ được.
Trước hết, toàn bộ năng lượng phải chuyển theo xây dựng, theo sáng tạo. Chỉ thế thì mới có khả năng là dần dần bạn tham dự vào trong việc sáng tạo tối thượng - đó là niết bàn - sáng tạo tối thượng, trong đó bạn được sinh ra thiêng liêng, vô hạn, vô giới hạn. Bạn mở rộng, bạn trải rộng ra khắp tất cả sự tồn tại. Thế thì bạn không còn là một con sóng nữa, bạn đã trở thành đại dương.
Chính khách chẳng bao giờ có thể trở nên chứng ngộ được. Tôi không nói rằng chính khách không thể đi theo việc chứng ngộ - ông ta có thể đi, nhưng khi ông ta đi, ông ta sẽ phải vứt bỏ chính trị. Chính khách cũng là một con người, nhưng ông ta sẽ phải vứt bỏ chính trị. Vào lúc ông ta tới để thiền, ông ta sẽ không còn là chính khách nữa. Vẫn còn là chính khách, chính khách không thể nào trở nên chứng ngộ được. Cá tính của ông ta vẫn còn đó - ngay cả Hitler cũng có thể trở thành phật... một ngày nào đó. Người ta hi vọng ông ta sẽ thế. Một ngày nào đó, xa xôi trong tương lai, ngay cả Aldolf Hitler cũng sẽ trở thành phật; đó là tiềm năng của ông ta. Nhưng thế thì, vào lúc đó, ông ta sẽ không là Aldolf Hitler nữa.
Chiến tranh hạt nhân đã tới và qua đi. Chỉ còn một con khỉ tí xíu trên một phần cô lập của thế giới là còn sống. Sau nhiều tuần lang thang, cuối cùng nó bất chợt gặp một con khỉ cái nhỏ. Nó quàng đôi tay quanh con khỉ cái để chào mừng.
“Tớ đang chết đói đây,” nó nói. “Đằng ấy có tìm thấy cái gì để ăn không?”
“Này,” con khỉ cái nói. “Tớ tìm thấy ít táo cũ này.”
“Ô không đằng ấy đừng ăn!” nó ngắt lời. “Chúng ta không định bắt đầu tất cả điều đó lại lần nữa!”
Thậm chí khỉ cũng lo nghĩ về nhân loại. Và tôi đã nghe khỉ nói. Chúng không tin vào Darwin, chúng không nói rằng con người đã tiến hoá từ con khỉ, chúng không nghĩ rằng con người là một hình thái đã phát triển; chúng nghĩ người đã sa ngã từ khỉ. Tất nhiên - ngã xuống từ cây, ngã xuống từ chiều cao, ngã xuống từ khỉ.
Và điều này là đúng theo một cách nào đó, bởi vì con người từ trước cho tới giờ vẫn còn chính trị. Toàn bộ lịch sử từ trước cho tới giờ đã là chính trị; chưa nền văn minh nào đã tồn tại mà là tôn giáo cả - thậm chí nền văn minh Ấn Độ cũng không. Không một quốc gia nào đã đi vào hiện hữu mà là tôn giáo cả - chỉ hiếm cá nhân mới là tôn giáo, chỗ này chỗ nọ, xa xăm. Đâu đó có một Phật, một Jesus, một Zarathustra, một Lão Tử - những hòn đảo. Ngoài ra, thông thường, dòng chảy chính của nhân loại vẫn còn là chính trị.
Chính trị về cơ bản là tham vọng. Chính trị về cơ bản là sai bởi vì tham vọng là sai. Bạn không trở thành ai đó, tôn giáo nói, bạn đã thế rồi. Bạn không trở thành quyền thế - bạn đã thế rồi. Bạn là sự mở rộng của Thượng đế. Bạn không cần phải lo nghĩ về quyền thế và là ai đó trên ngai vàng; đấy tất cả đều là trò chơi đần độn, ngây thơ, chưa thành niên, chưa chín chắn. Bạn không thể tìm ra nhiều người chưa chín chắn hơn các chính khách.
Thực tế, trong một thế giới tốt hơn, chính khách sẽ được giữ trong nhà thương điên, còn người điên sẽ được phép đi vào thế giới. Những người điên này đã không làm điều gì sai cả. Họ có thể có chút ít lệch lối nhưng họ không gây hại. Chính khách là những người điên nguy hiểm, cực kì nguy hiểm.
Tôi đã nghe nói rằng trước khi Richard Nixon từ bỏ ngai vàng, ông ta đã triệu tập một cuộc họp các đồng nghiệp của mình và ông ta đe doạ rằng nếu ông ta có quyền lực, ông ta có thể đi vào một phòng khác, bấm nút, và toàn bộ thế giới có thể bị phá huỷ trong hai mươi phút.
Và, vâng, ông ấy có quyền lực đó. Hàng triệu quả bom nguyên tử đã sẵn sàng - chỉ cần một nút được nhấn. Sức mạnh của các quả bom nguyên tử và bom H đã được chế tạo gấp bẩy lần sức mạnh cần để huỷ diệt trái đất này- bẩy lần hơn. Bẩy trái đất cùng kích cỡ này có thể bị huỷ diệt. Chúng ta đã trở nên thiện nghệ thế, siêu thiện nghệ trong huỷ diệt. Và không ai có thể nói được - bất kì ngày nào bất kì tổng thống nào của Mĩ, hay của nước Nga xô viết, hay của Trung quốc, có thể phát điên. Và các chính khách gần như điên - bất kì ngày nào, bất kì ai cũng có thể nhấn nút. Và bây giờ vấn đề duy nhất là nhấn nút, và mọi người đều có những khoảnh khắc điên khùng, khoảnh khắc giận dữ. Mối đe doạ là rất, rất thực.
Chính trị đã là bệnh hoạn của nhân loại, bệnh ung thư của tâm thức.
Vứt tất cả các chính trị bên trong bạn đi. Và nhớ, khi tôi đang nói về chính khách, tôi không ngụ ý đặc biệt cho những người đang trong chính trị - tôi ngụ ý tất cả những người tham vọng. Bất kì chỗ nào có tham vọng, chính trị bước vào; bất kì chỗ nào bạn cố gắng tiến lên trước ai đó, chính trị bước vào; bất kì chỗ nào bạn cố gắng chi phối ai đó - có thể là vợ bạn, hay chồng bạn - chính trị bước vào. Chính trị là bệnh tật rất, rất thông thường, giống như cảm lạnh thông thường vậy.
Câu hỏi cuối cùng: Từ khi tôi ở đây, tôi đã mất khả năng tập trung. Thật vất vả cho tôi thốt ra một câu logic và tôi trở nên rất hay quên. Tôi cảm thấy bản thân mình như đứa trẻ đần độn. Có phải đó là con đường đi tới thông minh mà Thầy nói tới không?
Khả năng tập trung không phải là cái gì đó để cảm thấy ân huệ về nó. Nó là trạng thái đông cứng của tâm trí, trạng thái rất chật hẹp của tâm trí. Tất nhiên là có ích: có ích cho người khác, có ích cho tìm kiếm khoa học, có ích trong kinh doanh, có ích trên thị trường, có ích trong chính trị - nhưng tuyệt đối vô ích cho bản thân bạn. Nếu bạn trở thành quá hoà hợp với tập trung, bạn sẽ trở nên rất, rất căng thẳng. Tập trung là trạng thái căng thẳng của tâm trí; bạn sẽ chẳng bao giờ được thảnh thơi. Tập trung giống như đèn pin, hội tụ, còn tâm thức  giống như ngọn đèn, không hội tụ.
Toàn bộ nỗ lực của tôi ở đây là để dạy cho bạn về có ý thức, không về tập trung. Và đây là điểm cần phải nhớ: nếu bạn trở nên có ý thức, bất kì khoảnh khắc nào bạn muốn tập trung vào một vấn đề đặc biệt, bạn đều có thể làm được điều đó. Nó không phải là vấn đề. Nhưng nếu bạn trở nên quá hội tụ với tập trung, điều ngược lại không đúng: bạn không thể thảnh thơi. Tâm trí thảnh thơi bao giờ cũng có thể tập trung một cách dễ dàng, không có rắc rối gì về nó cả. Nhưng tâm trí tập trung trở nên bị ám ảnh, chật hẹp. Không dễ gì cho nó thảnh thơi và bỏ căng thẳng. Nó vẫn còn căng thẳng.
Nếu bạn thiền, trước hết tập trung sẽ biến mất và bạn sẽ cảm thấy chút ít mất đi. Nhưng nếu bạn tiếp tục, dần dần bạn sẽ đạt tới trạng thái nhẹ nhàng không tập trung - đó là điều thiền là gì. Một khi thiền được đạt tới, tập trung là trò chơi trẻ con - bất kì khi nào bạn cần, bạn đều có thể tập trung. Sẽ không có vấn đề gì về nó và nó sẽ dễ dàng và không căng thẳng gì.
Ngay bây giờ, bạn đang bị xã hội sử dụng. Xã hội muốn có con người hiệu quả; nó không lo lắng gì về linh hồn bạn, nó lo lắng về tính hiệu quả của bạn. Tôi không lo lắng về tính hiệu quả của bạn: con người đã có quá nhiều, nhiều hơn mức người đó có thể tận hưởng - không cần phải tạo thêm ra nữa. Bây giờ có nhiều nhu cầu để chơi quanh. Có nhiều nhu cầu để được ý thức hơn. Khoa học đã phát triển đủ; bây giờ, bất kì cái gì khoa học đang làm cũng là gần như phù phiếm. Bây giờ lên mặt trăng đơn giản là vô ích nhưng tốn phí năng lượng cực kì. Tại sao? Bởi vì các nhà khoa học bây giờ bị ám ảnh - họ phải làm điều gì đó. Họ đã học được mẹo tập trung: họ phải làm cái gì đó, họ phải sản xuất, họ phải sản xuất ra cái gì đó - họ không thể thảnh thơi được. Họ sẽ lên tới mặt trăng, họ sẽ lên tới sao Hoả, và họ sẽ thuyết phục mọi người rằng bất kì cái gì họ đang làm cũng đều cực kì quan trọng. Điều đó hoàn toàn vô ích.
Nhưng việc này xảy ra. Một khi bạn trở nên được huấn luyện theo một điều nào đó, bạn cứ đi theo đường đó, mù quáng, chừng nào mà chưa gặp ngõ cụt và bạn không thể đi được thêm nữa. Nhưng cuộc sống là vô hạn. Chẳng tới ngõ cụt nào cả. Bạn có thể cứ đi mãi đi mãi.
Bây giờ hoạt động khoa học đã gần như trở thành kì cục.
Hoạt động tôn giáo hoàn toàn khác. Nó không lo nghĩ gì về hiệu quả hơn; toàn bộ vấn đề là làm sao vui vẻ hơn, làm sao mở hội hơn. Cho nên nếu bạn đi với tôi, dần dần, tập trung sẽ được thảnh thơi ra. Và lúc ban đầu bạn sẽ cảm thấy sợ hãi bởi vì bạn sẽ thấy kĩ năng của mình đang mất đi, tính hiệu quả của mình đang mất đi. Bạn sẽ cảm thấy bạn đang mất cái gì đó mà bạn đã thu được với bao nhiêu nỗ lực. Ban đầu điều đó sẽ xảy ra. Tảng băng đang tan ra và trở thành nước. Băng cứng rắn, một cái gì đó bị tập trung lại; nó trở thành nước - lỏng ra, thảnh thơi, tuôn chảy theo đủ mọi hướng. Nhưng bất kì lúc nào bạn cần băng, nước đều có thể biến trở lại thành băng. Không có vấn đề gì - chỉ một chút ít lạnh là đủ.
Đây là kinh nghiệm của tôi. Dù tôi nói bất kì điều gì, tôi cũng nói từ kinh nghiệm riêng của mình - cùng những điều đã xảy ra cho tôi. Trước hết, tập trung biến mất; nhưng bây giờ tôi có thể tập trung vào bất kì cái gì. Không có vấn đề gì. Nhưng tôi không còn trong tập trung nữa; tôi có thể tập trung và thảnh thơi bất kì khi nào nhu cầu phát sinh. Cũng như bất kì khi nào nhu cầu phát sinh, bạn bước; bạn không chỉ ngồi trên ghế và rung đùi. Có vài người hay rung đùi bởi vì họ không thể nào ngồi thảnh thơi được - bạn sẽ gọi người này là bất ổn!
Chân theo trật tự hoàn hảo là cần để cho bất kì khi nào bạn cần, bạn có thể bước, bạn có thể chạy; nhưng khi không cần, bạn có thể thảnh thơi, và thế thì chân sẽ không hoạt động nữa.
Nhưng tập trung của bạn đã trở thành gần như là hội tụ nếu bạn liên tục chuẩn bị cho cuộc đua Olympic! Người chạy đua trong cuộc đua Olympic không thể thảnh thơi được. Họ phải chạy một khoảng nào đó mỗi sáng và tối; họ liên tục chạy. Nếu họ thảnh thơi trong vài ngày, họ sẽ mất kĩ năng của mình. Nhưng tôi gọi tất cả các trò đua Olympic là chính trị, tham vọng, ngu ngốc. Không cần thiết.
Đua tranh là ngu ngốc; không cần. Nếu bạn thích chạy, hoàn toàn tốt - chạy và tận hưởng. Nhưng tại sao phải đua tranh? Phỏng có ích gì mà đua tranh? Đua tranh đem tới ốm yếu, không lành mạnh; đua tranh đem tới ghen tị, và cả nghìn lẻ một bệnh tật.
Thiền sẽ cho phép bạn tập trung bất kì khi nào nhu cầu nảy sinh, nhưng nếu không có nhu cầu, bạn sẽ vẫn còn thảnh thơi, tuôn chảy theo mọi hướng như nước.
“Thật vất vả cho tôi để thốt ra một câu logic.”
Cảm thấy phúc lạc, cảm thấy ân huệ đi. Phỏng có ích gì để thốt ra những câu nói logic? Thốt ra cái vô nghĩa đi; tạo ra âm thanh, tiếng ú ớ, như chim, như cây cối... bạn nhìn mà xem! (Vào khoảnh khắc này một cây gần đó quyết định, với sự trợ giúp của làn gió thoảng qua, minh hoạ cho lời của Osho bằng việc rung cành và làm cho hàng trăm lá rụng xuống gây ra âm thanh xào xạc trên mặt đấy - bt.) Cách này đấy! Điều này có logic không? Cây đang thích thú, vui vẻ, đơn giản bỏ rơi quá khứ.
Vui vẻ, ca hát, thốt ra âm thanh - quên mọi logic đi! Dần dần bạn sẽ trở nên sống động hơn - tất nhiên ít logic hơn. Đó là cái giá mà người ta phải trả. Bạn trở nên chết nếu bạn trở thành logic hơn và bạn trở nên sống hơn nếu bạn trở nên ít logic.
Cuộc sống là mục đích, không phải là logic. Bạn định làm gì với logic? Nếu bạn đói, logic không định nuôi dưỡng bạn, nếu bạn cần tình yêu, logic không định ôm choàng lấy bạn, nếu bạn khát, logic sẽ bảo bạn rằng nước là H2O! Nó không định cho bạn nước, nước thực. Không - nó đơn giản vận hành theo công thức, châm ngôn.
Nhìn vào cuộc sống, và dần dần bạn sẽ hiểu rằng cuộc sống có logic riêng rất logic của nó. Hoà hợp với nó, điều đó sẽ trở thành cánh cửa cho cực lạc, samadhi, niết bàn của bạn.
“Và tôi trở nên rất hay quên.”
Hoàn toàn tốt! Nếu bạn có thể quên, bạn sẽ có khả năng nhớ nhiều hơn. Quên là khả năng lớn - nó đơn giản có nghĩa là làm cho quá khứ không bị bụi bặm. Không cần phải nhớ mọi thứ đã xảy ra - gần như chín mươi chín phần trăm những điều đó là tầm thường. Nhưng bạn cứ nhớ mãi...
Nghĩ mà xem - bạn nhớ cái gì? viết điều đó ra rồi nhìn lại nó. Cái gì diễn ra trong tâm trí bạn? Bạn sẽ không thể nào đưa nó cho bạn thân của bạn được bởi vì người ấy sẽ nghĩ bạn điên. Điều này cứ diễn ra trong tâm trí bạn sao?
Quên đi - thế là tốt. Quên lãng là khả năng lớn bởi vì nó sẽ cho phép bạn nhớ. Nó là một phần của nhớ. Cái vô ích phải bị quên đi để cho cái có ích được ghi nhớ - và cái có ích là rất, rất nhỏ, cái vô ích quá nhiều. Trong thời gian hai mươi tư tiếng, hàng triệu bit thông tin được tâm trí thu thập lại. Nếu bạn thu thập chúng và nhớ tất cả chúng, bạn sẽ phát điên.
Tôi đã nghe nói về một người. Người này đã có lần được giới thiệu cho vị tổng thống đốc ở Ấn Độ bởi vì người đó là người có trí nhớ hiếm hoi. Người đó biết chỉ một ngôn ngữ, tiếng Rajasthani Hindi. Người đó là người nghèo, vô giáo dục, nhưng nếu bạn bảo người đó bất kì điều gì trong bất kì ngôn ngữ nào, anh ấy sẽ không bao giờ quên điều đó. Anh ấy sẽ lặp lại điều đó như con vẹt, chẳng biết nó nghĩa là gì.
Người đó được gọi tới lâu đài của vị tổng thống đốc; vị tổng thống đốc ngạc nhiên khi nghe nói về khả năng của người đó. Ba mươi người khác cũng được gọi tới, và trong ba mươi ngôn ngữ họ thốt ra vài câu nói. Người ta bố trí theo cách sau: người này đi tới một người, người thứ nhất, và người thứ nhất nói từ thứ nhất của một câu. Rồi người đó tới người khác và người này nói từ thứ nhất của câu nói của người đó, trong ngôn ngữ khác. Rồi người đó lại tới người thứ ba. Theo cách này người đó tới ba mươi người. Thế rồi người đó quay lại người thứ nhất, người này nói từ thứ hai. Và theo cách này - nhiều vòng quay, tốn nhiều giờ để nghe hết cả các câu. Và thế rồi người đó lặp lại tất cả các câu một cách tách biệt.
Vị tổng thống đốc đơn giản phân vân. Ông ấy không thể tin vào điều đó,
Nhưng người này đã phát điên.
Nhiều trí nhớ thế này là nguy hiểm. Ba kiểu người gần như bao giờ cũng ngốc. Quá nhiều trí nhớ không phải là dấu hiệu tốt; nó đơn giản nói rằng bạn có tâm trí rất máy móc. Nó không phải là dấu hiệu của thông minh. Do đó bạn nghe thấy nhiều câu chuyện về đãng trí của các nhà khoa học lớn, các triết gia. Họ không phải là người có trí nhớ lớn. Thông minh lớn chẳng liên quan gì tới trí nhớ lớn cả. Trí nhớ là máy móc, thông minh là không máy móc - chúng hoàn toàn khác nhau.
Cho nên đừng lo nghĩ, thế là tốt. Trí nhớ đang thảnh thơi, nhiều điều sẽ biến mất, không gian sẽ được tạo ra trong bạn. Và trong không gian đó bạn sẽ có khả năng trở thành lỗi lạc hơn, thông minh hơn, hiểu biết hơn. Thông minh có nghĩa là hiểu biết; trí nhớ có nghĩa là chất lượng, chất lượng máy móc của việc lặp lại. Vẹt có trí nhớ tốt. Đừng lo nghĩ về trí nhớ của bạn. Ban đầu điều đó xảy ra bởi vì bạn đã tích luỹ nhiều rác rưởi. Khi bạn thiền rác rưởi đó bắt đầu biến mất, rơi rụng đi.
“Tôi cảm thấy bản thân mình như đứa trẻ đần độn.”
Đó chính là con đường đấy, con đường tới vương quốc của Thượng đế. Lão Tử nói, “Giống như kẻ ngốc trong thế giới này để cho ông có thể hiểu được cách phi logic của Đạo.” Jesus nói, “Giống như đứa trẻ nhỏ - bởi vì chỉ những người giống như trẻ nhỏ mới có thể vào vương quốc của Thượng đế.” Đừng lo nghĩ về những điều này; cái không bản chất đang bị bỏ đi. Cảm thấy hạnh phúc và biết ơn đi. Một khi rác rưởi này đã được loại bỏ, cái thực sẽ nảy sinh; với cái không bản chất mất đi, cái bản chất sẽ nảy sinh. Đây là con đường đạt tới ngọn nguồn riêng của người ta.
Nhưng nhiều lần bạn sẽ hoảng sợ bởi vì bạn đang làm mất đi níu bám của mình vào bất kì cái gì bạn đã coi là có giá trị cho tới nay. Nhưng tôi có thể bảo bạn một điều: tôi đã đi trên cùng con đường đó và đã trải qua cùng những giai đoạn đó. Chúng là các giai đoạn - chúng tới và đi. Và tâm thức bạn sẽ trở thành ngày càng thuần khiết hơn, trong trắng hơn - thuần khiết, không biến chất. Tâm thức không biến chất đó là sự sùng kính.

Ads Belove Post