Chương 1. Một câu chuyện Thiền

Chương 1. Một câu chuyện Thiền

Price:

Read more

Osho – Nhạc cổ trong rặng thông
Chương 1. Một câu chuyện Thiền

Gosa Hoyen hay nói, “Khi mọi người hỏi tôi thiền giống cái gì, tôi kể cho họ câu chuyện này.”
Thấy rằng bố mình đã già đi, con của kẻ trộm đề nghị ông bố dạy cho anh ta trộm đêm để cho anh ta có thể đảm đương công việc gia đình sau khi bố đã nghỉ.
Ông bố đồng ý, và đêm đó họ cùng đào tường khoét vách vào trộm một nhà.
Mở chiếc rương lớn ra ông bố bảo đứa con chui vào để lấy quần áo. Ngay khi đứa con đã chui vào, ông bố khoá trái cái rương lại và làm ầm ĩ để cho cả nhà thức dậy. Thế rồi ông ta im lặng chuồn mất.
Bị khoá kín bên trong chiếc rương, người con giận dữ, khiếp hãi và vắt óc tìm cách ra. Thế rồi một ý nghĩ chợt loé lên trong anh ta - anh ta làm tiếng động như tiếng mèo. Gia đình này bảo người hầu cầm cây nến tới kiểm tra lại chiếc rương.
Khi nắp rương vừa được mở khoá ra thì anh chàng nhảy vọt ra, thổi tắt cây nến, xô qua người hầu khiếp hãi và chạy mất. Mọi người đuổi theo người đó.
Để ý thấy một chiếc giếng ngay bên cạnh đường, anh chàng ném xuống đó một tảng đá lớn, rồi ẩn vào trong bóng tối. Những người đuổi theo tụ tập quanh giếng cố gắng xem tên trộm bị chết đuối.
Khi anh chàng này về tới nhà, anh ta rất giận bố mình và cố gắng kể lại câu chuyện. Nhưng ông bố nói, ‘Đừng bận tâm kể chi tiết cho ta nữa. Con đang ở đây - con đã học xong nghệ thuật rồi.'”
Bản thể là một, thế giới là nhiều, và giữa hai điều này là tâm trí bị phân chia, tâm trí nhị nguyên. Cũng giống như cây lớn, cây sồi cổ đại: thân cây là một, thế rồi cây chia thành hai nhánh chính, phân nhánh chính mà từ đó cả nghìn lẻ một phân nhánh phát triển ra. Bản thể cũng tựa như thân cây - cái một, bất nhị. Tâm trí là phân nhánh đầu tiên tại đó cây chia làm đôi, trở thành nhị nguyên, trở thành biện chứng: chính đề và phản đề, đàn ông và đàn bà, âm và dương, ngày và đêm, Thượng đế và Quỉ, Yoga và Thiền. Tất cả các nhị nguyên của thế giới về cơ bản đều là trong nhị nguyên của tâm trí, và dưới nhị nguyên này là cái một của hiện hữu. Nếu bạn trượt xuống dưới, dưới nhị nguyên, bạn sẽ thấy cái một - gọi nó là Thượng đế, gọi nó là niết bàn hay bất kì cái gì bạn thích cũng được. Nếu bạn đi lên cao hơn qua nhị nguyên, bạn đi tới thế giới nhiều triệu nguyên.
Đây là một trong những điều sáng suốt cơ bản nhất cần phải được hiểu - rằng tâm trí không phải là cái một. Do đó bất kì cái gì bạn thấy qua tâm trí cũng đều trở thành hai. Điều đó cũng giống như tia sáng trắng đi qua lăng kính: nó lập tức bị phân ra thành bẩy mầu và cầu vồng được tạo ra. Trước khi nó đi vào lăng kính, nó là một, qua lăng kính nó bị phân chia và mầu trắng biến mất trong bẩy mầu của cầu vồng.
Thế giới này là cầu vồng, tâm trí là lăng kính, và bản thể là tia sáng trắng.
Nghiên cứu hiện đại đã đi tới một sự kiện rất có ý nghĩa, một trong những điều có ý nghĩa nhất trong thế kỉ này, và đó là việc bạn không có một não, bạn có hai não. Bộ não của bạn được phân chia thành hai bán cầu não, bán cầu phải và bán cầu trái. Bán cầu phải được nối với bên trái, còn bán cầu trái được nối với bên phải, chéo nhau. Bán cầu phải là trực giác, phi logic, vô lí, thơ ca, theo Platon, tưởng tượng, lãng mạn, huyền môn, tôn giáo; bán cầu trái là logic, hợp lí, toán học, theo Aristotle, khoa học, tính toán. Hai bán cầu này thường xuyên xung đột nhau. Chính trị trên thế giới là bên trong bạn, chính trị lớn nhất trên thế giới là bên trong bạn. Bạn có thể không nhận biết về nó nhưng một khi bạn trở nên nhận biết, điều thực cần phải làm là ở đâu đó giữa hai não này.
Tay trái có liên quan tới bán cầu phải; đó là trực giác, tưởng tượng, huyền môn, thơ ca, tôn giáo. Tay trái bị lên án rất nhiều. Xã hội là của những người thuận tay phải; tay phải có nghĩa là bán cầu trái. Mười phần trăm trẻ con được sinh ra là thuận tay trái, nhưng chúng bị buộc phải thuận tay phải. Trẻ con được sinh ra thuận tay trái về cơ bản là phi logic, trực giác, không toán học, không Euclid. Chúng là nguy hiểm cho xã hội; xã hội buộc chúng theo đủ mọi cách phải trở thành thuận tay phải. Đây cũng không chỉ là vấn đề thuận tay, đây còn là vấn đề của chính trị bên trong; đứa trẻ thuận tay trái hoạt động qua bán cầu não phải. Điều đó xã hội không thể cho phép được, điều đó là nguy hiểm; nó phải bị dừng lại trước khi mọi việc đi quá xa.
Có nghi ngờ rằng ban đầu tỉ lệ phải là năm mươi - năm mươi, trẻ con thuận tay trái năm mươi phần trăm và trẻ con thuận tay phải năm mươi phần trăm. Nhưng nhóm tay phải đã thống trị quá lâu cho nên dần dần tỉ lệ đã tụt xuống mười phần trăm và chín mươi phần trăm. Ngay trong số các bạn ở đây, nhiều người là thuận tay trái nhưng bạn có thể không biết về điều đó. Bạn có thể viết bằng tay phải và làm việc bằng tay phải, nhưng hồi nhỏ bạn có thể đã bị buộc phải thuận tay phải. Đây là thủ đoạn, bởi vì một khi bạn trở nên thuận tay phải, bán cầu trái của bạn bắt đầu hoạt động. Bán cầu trái là lí trí, bán cầu phải là vượt ra ngoài lí trí. Hoạt động của nó không phải là toán học - nó hoạt động trong chớp nhoáng, nó là trực giác, rất duyên dáng, nhưng bất hợp lí.
Thiểu số thuận tay trái là thiểu số bị áp bức nhất trên thế giới, thậm chí còn bị áp bức hơn cả người da đen, thậm chí còn hơn cả người nghèo. Bây giờ nếu bạn hiểu phân chia này thì bạn có thể hiểu nhiều điều. Tư sản và vô sản: vô sản bao giờ cũng hoạt động qua bán cầu não phải, người nghèo trực giác hơn. Đi về người nguyên thuỷ, họ trực giác hơn. Người càng nghèo, càng kém trí tuệ - và đó là điều gây ra cái nghèo của người đó. Bởi vì người đó kém trí tuệ nên người đó không thể nào cạnh tranh được trong thế giới của lí trí. Người đó kém ăn nói hơn khi phải dùng tới ngôn ngữ, dùng tới lí trí, dùng tới tính toán. Người đó gần như là người đần - điều đó có thể là nguyên nhân cho con người người đó là nghèo nàn.
Còn người giầu hoạt động qua bán cầu não trái; người đó tính toán nhiều hơn, số học trong đủ mọi thứ, tinh ranh, láu cá, logic, lập kế hoạch. Đó có thể là lí do tại sao người đó giầu.
Bây giờ vô sản và tư sản không thể biến mất bởi cách mạng cộng sản được, không, bởi vì cách mạng cộng sản là do cùng người thực hiện. Sa hoàng cai trị nước Nga; ông ta cai trị nó qua bán cầu não trái. Thế rồi ông ta bị Lenin thay thế, người lại có cùng kiểu. Thế rồi Lenin bị Stalin thay thế, người lại càng cùng kiểu hơn. Cách mạng là sai bởi vì sâu phía dưới vẫn là cùng kiểu người cai trị - người cai trị và người bị cai trị là như nhau; người bị cai trị mang tính chất bán cầu phải. Cho nên bất kì cái gì bạn làm trong thế giới bên ngoài đều thực sự không khác nhau, nó là nông cạn.
Cùng điều đó áp dụng cho đàn ông và đàn bà. Đàn bà là người bán cầu phải, đàn ông là người bán cầu trái. Đàn ông đã thống trị đàn bà trong nhiều thế kỉ. Bây giờ một vài phụ nữ đang nổi dậy, nhưng điều khôi hài là ở chỗ những người này vẫn là cùng kiểu đàn bà. Trong thực tế họ lại hệt như đàn ông: hợp lí, biện luận, kiểu Aristotle.
Có thể là một ngày nào đó, như khi cách mạng cộng sản đã thành công ở Nga và Trung quốc, một ngày nào đó ở đâu đó, có thể là ở Mĩ, đàn bà có thể thành công và lật đổ đàn ông. Nhưng vào lúc đàn bà thành công, đàn bà sẽ không còn là đàn bà nữa; họ sẽ trở thành kiểu bán cầu trái vào lúc đó. Bởi vì để tranh đấu với người tính toán, và để tranh đấu với đàn ông, bạn phải giống như đàn ông, hung hăng.
Chính hung hăng đó được biểu lộ khắp trên thế giới trong công cuộc giải phóng phụ nữ. Những đàn bà đã trở thành một phần của phong trào giải phóng đó là rất hung hăng; họ đang làm mất đi mọi vẻ duyên dáng, tất cả những cái bắt nguồn từ trực giác. Bởi vì nếu bạn phải tranh đấu với đàn ông, bạn phải học cùng thủ đoạn, nếu bạn phải tranh đấu với đàn ông, bạn phải tranh đấu với cùng kĩ thuật. Tranh đấu với ai đó là rất nguy hiểm vì bạn trở thành giống như kẻ thù của mình.
Đó là một trong những vấn đề lớn nhất của lịch sử loài người. Một khi bạn tranh đấu với ai đó, dần dần bạn phải dùng cùng kĩ thuật và theo cùng cách. Kẻ thù có thể bị đánh bại, nhưng vào lúc nó bị đánh bại, bạn đã trở thành kẻ thù của riêng mình. Stalin còn sa hoàng hơn bất kì sa hoàng nào, bạo hành hơn bất kì sa hoàng nào. Tất nhiên, vấn đề phải là như vậy: để lật đổ sa hoàng, cần phải có những người rất bạo hành, còn bạo hành hơn cả bản thân sa hoàng. Chỉ họ mới trở thành các nhà cách mạng, mới leo lên đỉnh. Lúc họ đạt tới, bản thân họ đã trở thành sa hoàng rồi - và xã hội tiếp tục theo cùng cách này. Chỉ những thứ nông cạn mới thay đổi; sâu bên dưới xung đột vẫn cứ còn.
Xung đột là ở bên trong con người. Chừng nào nó còn chưa được giải quyết ở đó thì nó không thể nào được giải quyết ở bất kì đâu cả. Chính trị là ở bên trong bạn, nó là ở giữa hai phần của tâm trí bạn.
Có một cầu nối rất nhỏ. Nếu cầu đó bị gẫy bởi tai nạn nào đó, bởi một khiếm khuyết vật lí nào đó hay một cái gì đó khác, người này bị chia chẻ, người này trở thành hai người và hiện tượng tinh thần phân liệt hay nhân cách chia chẻ xuất hiện. Nếu cầu này bị gẫy - và cầu này rất mong manh - thế thì bạn trở thành hai, bạn hành xử giống như hai người. Buổi sáng bạn rất đáng yêu, rất hay, buổi tối bạn rất cáu kỉnh, hoàn toàn khác. Và bạn không nhớ buổi sáng của mình - làm sao bạn có thể nhớ được? - tâm trí khác đã hoạt động và người này trở thành hai người. Nếu cây cầu này được làm mạnh thêm nhiều đến mức hai tâm trí biến mất như là hai và trở thành một, thế thì tích hợp, thế thì kết tinh phát sinh. Điều George Gurdjieff hay nói về kết tinh bản thể không là gì khác hơn hai tâm trí này đã trở thành một, gặp gỡ của nam và nữ bên trong, gặp gỡ của âm và dương, gặp gỡ của trái và phải, gặp gỡ của logic và phi logic, gặp gỡ của Plato và Aristotle.
Nếu bạn có thể hiểu được phân nhánh cơ sở này trong cây cuộc sống của mình, thế thì bạn có thể hiểu tất cả những xung đột vẫn diễn ra quanh bạn và bên trong bạn.
Để tôi kể cho bạn một giai thoại:
Trong người Đức, người Berlin được coi là hình ảnh thu nhỏ của tính cục cằn và hiệu quả của người Phổ, trong khi người Vienna lại là tinh hoa của cái duyên dáng và bất cẩn của người Áo.
Có một câu chuyện về một người Berlin đến thăm Vienna, bị lạc đường và đang cần hướng dẫn. Người Berlin đó sẽ làm gì? Ông ta tóm lấy ve áo của người Vienna đầu tiên đi ngang qua và sủa lên, “Bưu điện, ở đâu?”
Người Vienna giật nẩy mình cẩn thận gỡ nắm tay của người kia ra, vuốt lại vạt áo và nói một cách lễ phép, “Thưa ngài, đáng ra ngài nên lịch sự hơn khi lại gần tôi một cách lễ phép và nói, ‘Thưa ngài, nếu ngài có thời gian và nếu ngẫu nhiên ngài biết, xin ngài chỉ cho tôi Bưu điện.’”
Người Berlin nhìn chòng chọc một lát rồi lầu bầu, “Thà lạc còn hơn!” rồi huỳnh huỵch bỏ đi.
Chính người Vienna đó về sau lại đến thăm Berlin và hoá ra là bây giờ chính ông ấy lại phải đi tìm Bưu điện. Tiến lại gần một người Berlin ông ta nói một cách lễ phép, “Thưa ngài, nếu ngài có thời gian và nếu ngẫu nhiên ngài biết, xin ngài chỉ cho tôi Bưu điện.”
Nhanh nhẹn như một cái máy người Berlin trả lời, “Thẳng phía trước, tiến lên hai khối nhà, rẽ ngay sang phải, tiến thêm một khối nhà, đi qua phố, nửa rẽ sang phải, bước bên trái qua đường tầu hoả, đi qua quầy báo vào tầng dưới của Bưu điện.”
Người Vienna, còn ngơ ngác chưa hiểu ra, dẫu sao vẫn lầm bầm, “Một nghìn lần cám ơn, thưa ngài,” trong khi người Berlin tò mò vồ lấy vạt áo người kia và hô lên, “Đừng cám ơn làm gì, nhắc lại lời hướng dẫn đi!”
Tâm trí nam, người Berlin; tâm trí nữ, người Vienna... Tâm trí nữ có vẻ duyên dáng, tâm trí nam có tính hiệu quả. Và tất nhiên, trong quá trình dài, nếu có tranh đấu thường xuyên, tính duyên dáng nhất định sẽ bị thất bại. Tâm trí hiệu quả sẽ thắng bởi vì thế giới này hiểu ngôn ngữ của toán học, không phải của tình yêu. Nhưng khoảnh khắc tính hiệu quả thắng thế tính duyên dáng, bạn đã làm mất đi cái gì đó cực kì giá trị: bạn đã đánh mất tiếp xúc với bản thể riêng của mình. Bạn có thể trở thành rất hiệu quả nhưng bạn sẽ không còn là con người thực nữa. Bạn sẽ trở thành cái máy, một thứ tựa rô bốt.
Bởi vì điều này mà thường xuyên có xung đột giữa đàn ông và đàn bà. Họ không thể nào tách biệt mãi, họ phải đi vào trong mối quan hệ với nhau nhiều lần. Nhưng họ không thể nào cùng nhau được. Tranh đấu không phải là bên ngoài, tranh đấu là ở bên trong bạn. Và đây là hiểu biết của tôi: chừng nào bạn còn chưa giải quyết xong tranh đấu bên trong của bạn giữa bán cầu trái và phải, bạn sẽ không bao giờ có thể an bình trong tình yêu, không bao giờ - bởi vì tranh đấu bên trong sẽ được phản xạ ra bên ngoài. Nếu bạn đang tranh đấu bên trong và bạn đồng nhất với bán cầu trái, bán cầu lí trí, và liên tục cố gắng áp đảo bán cầu phải, bạn sẽ cố gắng làm cùng điều đó với người đàn bà bạn yêu. Nếu người đàn bà đang liên tục tranh đấu với lí do riêng của mình ở bên trong, cô ấy sẽ liên tục tranh đấu với người đàn ông cô ấy yêu.
Tất cả các mối quan hệ - gần như tất cả, ngoại lệ là có thể bỏ qua được, có thể không tính tới - đều trở thành xấu. Lúc đầu chúng là đẹp. Lúc đầu bạn không phô bầy thực tại, lúc đầu bạn giả vờ. Một khi mối quan hệ được thiết lập và bạn thảnh thơi, xung đột bên trong của bạn sủi bọt lên và bắt đầu phản chiếu vào mối quan hệ của bạn - thế thì tranh đấu, thế thì cả nghìn lẻ một cách cãi cọ lẫn nhau, phá huỷ lẫn nhau. Do đó mới có hấp dẫn tới đồng dục. Bất kì khi nào xã hội đã trở nên bị phân chia quá nhiều giữa đàn ông và đàn bà, đồng dục lại bột phát tức thì. Bởi vì ít nhất đàn ông trong tình yêu với đàn ông không có nhiều xung đột nhau. Mối quan hệ tình yêu không thể rất thoả mãn, không thể dẫn tới những khoảnh khắc cực kì phúc lạc và cực thích, nhưng ít nhất thì nó cũng không xấu như mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà. Đàn bà trở thành đồng tính nữ bất kì khi nào xung đột trở nên quá nhiều, bởi vì ít nhất thì mối quan hệ tình yêu giữa hai người phụ nữ cũng không vào sâu trong xung đột đến thế. Người giống nhau gặp người giống nhau, họ có thể hiểu lẫn nhau.
Vậy đấy, hiểu biết là có thể, nhưng hấp dẫn bị mất, tính cực bị mất. Đấy là cái giá rất lớn. Hiểu biết là có thể nhưng toàn bộ căng thẳng, thách thức bị mất. Nếu bạn chọn thách thức, thế thì xung đột tới, bởi vì vấn đề thực là ở đâu đó bên trong bạn. Chừng nào bạn còn chưa giải quyết được nó, chừng nào bạn còn chưa đi tới hài hoà sâu sắc giữa tâm trí nữ tính và nam tính của mình, bạn sẽ không thể yêu được.
Mọi người tới tôi và họ hỏi cách đi sâu vào trong mối quan hệ. Tôi bảo họ, “Trước hết, đi sâu vào thiền đi. Chừng nào bạn còn chưa giải quyết được bên trong bản thân mình, bạn sẽ còn tạo ra nhiều vấn đề hơn là bạn đã có.” Nếu bạn đi vào trong mối quan hệ, tất cả các vấn đề của bạn sẽ được nhân lên. Chỉ quan sát thôi. Điều vĩ đại nhất và đẹp đẽ nhất trên trái đất này là tình yêu, nhưng bạn có thể tìm thấy cái gì xấu xa hơn, địa ngục hơn là nó không?
Mulla Nasruddin có lần đã bảo tôi, “Thế này, tôi đã phải lảng tránh cái ngày độc địa này nhiều tháng rồi, nhưng lần này thì tôi phải đi vào.”
“Đến nha sĩ hay bác sĩ?” tôi hỏi.
“Không,” người đó nói, “Tôi sắp cưới vợ.”
Mọi người né tránh hôn nhân, mọi người lảng tránh nó. Khi một ngày nào đó họ thấy là không thể nào thoát khỏi nó, chỉ thế thì họ mới thảnh thơi.
Vấn đề là ở đâu? Tại sao mọi người sợ dính líu sâu vào thế? Dính líu lập tức tạo ra sợ hãi; cam kết lập tức tạo ra sợ hãi - và con người hiện đại muốn dục nhưng không muốn có yêu.
Một phụ nữ bảo với tôi rằng cô ấy muốn dục với người lạ. Du hành trên tầu hoả, gặp một người lạ, thế thì được, nhưng không với thậm chí ai đó là bạn bè hay quen thuộc. Tôi hỏi, “Sao vậy?” Cô ấy nói rằng một khi bạn làm tình với ai đó đã biết bạn, rắc rối nào đó bắt đầu. Trên tầu hoả, trong cuộc hành trình, bạn gặp gỡ, làm tình, bạn thậm chí không biết đến tên người kia là gì, người đó là ai, người đó từ đâu tới. Bạn xuống tầu khi ga xuống của bạn tới và người đó đi mất, quên nhau mãi mãi. Người đó chẳng để lại dấu vết gì, bạn hoàn toàn vẫn còn sạch sẽ. Bạn đi ra khỏi nó hoàn toàn sạch sẽ và không dấu vết gì.
Tôi có thể hiểu được. Đây là khó khăn của toàn bộ tâm trí hiện đại. Tất cả các mối quan hệ đều dần dần trở thành tuỳ tiện. Mọi người sợ mọi loại cam kết bởi vì ít nhất họ cũng nhận ra một điều từ kinh nghiệm cay đắng: bất kì khi nào bạn trở nên có quan hệ quá nhiều, thực tại bột phát, và xung đột bên trong của bạn bắt đầu bị người khác phản xạ lại. Và thế thì cuộc sống trở thành xấu xí, khủng khiếp, không thể dung thứ được.
Có lần chuyện này xảy ra: Tôi đang ngồi với mấy người bạn trong sân khu kí túc xá đại học. Một trong các thầy giáo nói, “Vào cái ngày đám cưới của tôi xảy ra...”
Nhưng một thầy giáo khác lập tức dừng ông ấy lại và nói, “Xin lỗi để đính chính, nhưng vấn đề như hôn nhân, tiếp tân, ăn tối, và mọi thứ tự nhiên thế vẫn cứ xảy ra. Đấy chỉ là tai hoạ xảy ra thôi. Các thầy có thấy sự phân biệt không? Xin đừng nói, ‘Vào cái ngày hôn nhân của tôi xảy ra hay vào cái ngày đám cưới của tôi xảy ra.’”
Người kia là thầy giáo ngôn ngữ và tất nhiên ông ấy cũng đúng. Nhưng người thứ nhất nói, “Vâng, nhiều, nhiều thứ...” và lại bắt đầu. “Và như tôi đã nói, cái ngày đám cưới của tôi xảy ra ... đấy là tai hoạ.”
Nếu bạn ở ngoài hôn nhân, nó có thể trông giống như ốc đảo đẹp trong sa mạc, nhưng khi bạn tới gần hơn, ốc đảo bắt đầu khô cằn và biến mất. Một khi bạn bị bắt vào trong đó, nó là sự giam cầm. Nhưng nhớ, giam cầm không tới từ người kia, nó tới từ bên trong bạn.
Nếu bán cầu não trái thống trị bạn, bạn sẽ sống một cuộc sống rất thành công, thành công đến mức vào lúc bạn bốn mươi tuổi bạn sẽ mang ung bướu; vào lúc bạn bốn mươi nhăm tuổi, bạn sẽ bị ít nhất là một hay hai cơn đau tim; vào lúc bạn năm mươi tuổi, bạn sẽ gần chết - nhưng chết một cách thành công. Bạn có thể trở thành nhà khoa học vĩ đại nhưng bạn sẽ không bao giờ trở thành con người vĩ đại. Bạn có thể tích luỹ đủ của cải nhưng bạn sẽ mất tất cả những cái có giá trị. Bạn có thể chinh phục toàn thế giới như Alexander nhưng lãnh thổ bên trong của bạn sẽ vẫn còn không được chinh phục.
Có nhiều hấp dẫn để đi theo bán cầu não trái - đó là não phàm tục. Nó bận tâm tới mọi đồ vật: ô tô, nhà cửa, tiền bạc, danh vọng. Đó là khuynh hướng của người mà ở Ấn Độ chúng ta gọi là grihastha, người nội trợ.
Bán cầu não phải có khuynh hướng là sannyasin, người quan tâm nhiều hơn tới bản thể bên trong của riêng mình, an bình bên trong của mình, phúc lạc của mình, và ít quan tâm tới các đồ vật. Nếu chúng tới một cách dễ dàng, tốt; nếu chúng không tới thì thế cũng tốt. Người  đó quan tâm nhiều tới khoảnh khắc này, ít quan tâm tới tương lai; quan tâm nhiều tới tính thơ ca của cuộc sống, ít quan tâm tới số học của nó.
Tôi đã từng nghe một giai thoại:
Finkelstein đã đạt được thành công bất thình lình trong cuộc đua và Muscovitz, hoàn toàn hiểu được, thấy thèm muốn.
“Finkelstein, anh đã làm thế nào vậy?” người đó hỏi.
“Dễ lắm,” Finkelstein nói, “đấy là mơ thôi.”
“Mơ à?”
“Đúng đấy. Tôi đã tính đánh cược về ba con ngựa, nhưng tôi không chắc về con ngựa thứ ba. Thế rồi đêm hôm trước tôi đã mơ rằng một thiên thần đứng trên đầu giường tôi và nói, ‘Ta ban phúc lành cho con, Finkelstein, bẩy lần bẩy phúc lành cho con.’ Khi tôi tỉnh dậy tôi hiểu rằng bẩy lần bẩy là bốn mươi tám và rằng con ngựa số bốn mươi tám là Giấc mơ thiên đường. Tôi đã lấy Giấc mơ thiên đường làm con ngựa thứ ba trong đánh cược của mình và tôi hoàn thành việc đó, chỉ đơn giản hoàn thành nó.”
Muscovitz nói, “Nhưng Finkelstein, bẩy lần bẩy là bốn chín chứ!”
Và Finkelstein nói, “Vậy thì anh là nhà toán học rồi.”
Bao giờ cũng có cách đi theo cuộc sống qua số học, và không có cách khác để đi theo cuộc sống qua mơ và linh ảnh. Chúng hoàn toàn khác nhau.
Mới hôm nọ một ai đó đã hỏi, “Liệu có ma, tiên và những điều như vậy không nhỉ?” Có đấy, có chúng - nếu bạn đi qua bán cầu não phải thì chúng có, nếu bạn đi qua bán cầu não trái thì chúng không có. Tất cả trẻ con đều thuộc loại bán cầu phải, chúng thấy ma và tiên khắp xung quanh. Nhưng bạn cứ đi nói với chúng và đưa chúng về chỗ của chúng và bảo chúng, “Vô lí! Chúng mày ngu lắm. Tiên đâu nào? Chẳng có gì cả, chỉ là cái bóng.” Dần dần bạn thuyết phục đứa trẻ, đứa trẻ bất lực; dần dần bạn thuyết phục nó và nó chuyển từ khuynh hướng bán cầu phải sang khuynh hướng bán cầu trái. Nó phải chuyển, nó phải sống trong thế giới của bạn. Nó phải quên đi giấc mơ của nó, nó phải quên đi mọi điều huyền bí, nó phải quên đi mọi thơ ca - nó phải học toán học. Tất nhiên nó trở thành hiệu quả trong toán học, và trở thành gần như què quặt và tê liệt trong cuộc sống. Sự tồn tại cứ đi xa dần xa dần và nó trở thành giống như món hàng trong chợ. Toàn bộ cuộc sống của nó trở thành như rác rưởi, nhưng tất nhiên, có giá trị trong con mắt của thế gian.
Sannyasin là người sống qua tưởng tượng, sống qua phẩm chất mộng mơ của tâm trí mình, người sống qua thơ ca, người thi vị hoá cuộc sống, người nhìn qua linh ảnh. Thế thì cây còn xanh hơn như chúng có vẻ xanh với bạn, thế thì chim còn đẹp hơn, thế thì mọi thứ đều mang phẩm chất chói sáng. Sỏi thường trở thành kim cương, đá thường không còn bình thường nữa - không có gì là bình thường cả. Nếu bạn nhìn từ bán cầu phải, mọi thứ đều trở thành thiêng liêng, linh thiêng. Tôn giáo là từ bán cầu phải.
Một người đang ngồi cùng bạn mình ở quán cà phê uống trà. Người đó nghiên cứu chén trà và nói với một tiếng thở dài, “Aha, anh bạn, cuộc sống giống như chén trà.”
Người kia xem xét một chốc và rồi nói, “Nhưng tại sao? Sao cuộc sống lại giống chén trà?”
Người thứ nhất đáp, “Làm sao tôi biết được? Tôi là triết gia sao?”
Bán cầu não phải chỉ đưa ra phát biểu về sự kiện, nó không thể cho bạn lí do. Nếu bạn hỏi, “Tại sao?” nó chỉ có thể giữ im lặng, không câu trả lời nào tới từ nó. Nếu bạn bước đi và bạn thấy một đoá hoa sen và bạn nói, “Đẹp thế!” - rồi ai đó nói, ‘Tại sao?” bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ nói, “Làm sao tôi biết được? Tôi là triết gia sao?” Đấy là phát biểu đơn giản, phát biểu rất đơn giản, trong bản thân nó đã là toàn bộ, đầy đủ. Không có lí do đằng sau nó và không có kết quả bên ngoài nó, nó là phát biểu đơn giản về sự kiện. Đọc Upanishad mà xem - chúng là những phát biểu đơn giản về sự kiện. Chúng nói, “Thượng đế hiện hữu.” Bạn đừng hỏi tại sao. Chúng sẽ nói, “Chúng ta có phải là triết gia không? Làm sao chúng ta biết được? Thượng đế hiện hữu.” Chúng nói Thượng đế là đẹp, chúng nói Thượng đế là gần, gần hơn trái tim bạn - nhưng đừng hỏi tại sao, chúng không phải là triết gia.
Nhìn vào sách phúc âm và phát biểu của Jesus: chúng đơn giản. Ông ấy nói, “Thượng đế của ta là thiên đường. Ta là con ngài, ngài là bố ta. Đừng hỏi tại sao.” Ông ấy sẽ không thể nào chứng minh điều đó trước toà án, ông ấy sẽ đơn giản nói, “Ta biết.” Nếu bạn hỏi ông ấy ai đã nói cho ông ấy, với thẩm quyền nào mà ông ấy nói những điều này, ông ấy sẽ nói, “Đó là thẩm quyền của riêng ta. Ta không có thẩm quyền nào khác.” Đó là vấn đề khi một người như Jesus đi vào trong thế giới này: tâm trí lí trí không thể nào hiểu nổi. Ông ấy đã bị đóng đinh không bởi lí do nào khác - ông ấy đã bị đóng đinh bởi bán cầu trái bởi vì ông ấy là người bán cầu phải. Ông ấ đã bị đóng đinh bởi vì xung đột bên trong.
Lão Tử nói, “Cả thế gian dường như là khôn ngoan, chỉ ta là đần độn u mê. Cả thế gian dường như chắc chắn, chỉ ta là lẫn lộn và do dự.” Ông ấy là người bán cầu phải.
Bán cầu phải là bán cầu của thơ ca và tình yêu. Dịch chuyển lớn là cần thiết và dịch chuyển đó là biến đổi bên trong. Yoga là nỗ lực để đạt tới cái một của bản thể qua bán cầu trái, dùng logic, toán học, khoa học và cố gắng vượt ra ngoài. Thiền là cái đối lập lại: mục tiêu là như nhau nhưng thiền dùng bán cầu phải để vượt ra ngoài. Cả hai đều có thể được dùng, nhưng đi theo Yoga là con đường rất, rất dài; nó gần như là cuộc vật lộn không cần thiết bởi vì bạn đang cố gắng từ lí trí đạt tới siêu lí trí, điều là khó khăn hơn. Thiền dễ hơn bởi vì nó là nỗ lực để đạt tới siêu lí trí từ vô lí trí. Vô lí trí gần giống như siêu lí trí - không có rào chắn. Yoga giống như đi xuyên qua tường. Còn thiền giống như mở ra cánh cửa... cánh cửa có thể không đóng chút nào, bạn đẩy một chút và nó mở ra.
Bây giờ đến câu chuyện này. Nó là một trong những câu chuyện hay nhất trong các giai thoại thiền. Thiền nhân nói thông qua các chuyện kể. Họ phải nói qua các chuyện kể bởi vì họ không thể nào tạo ra được lí thuyết và học thuyết, họ chỉ có thể kể chuyện. Họ là những người kể chuyện vĩ đại. Jesus kể mãi các chuyện ngụ ngôn, Phật kể mãi chuyện ngụ ngôn, các nhà huyền môn Sufi kể mãi những chuyện ngụ ngôn - điều đó không phải là trùng lặp. Chuyện kể, chuyện ngụ ngôn, giai thoại, là cách thức của bán cầu phải; logic, biện luận, chứng minh, suy diễn, là cách thức của bán cầu trái.
Nghe nó.
Gosa Hoyen hay nói, “Khi mọi người hỏi tôi thiền giống cái gì, tôi kể cho họ câu chuyện này.”
Câu chuyện này thực sự kể lại về việc thiền giống cái gì mà không có định nghĩa. Nó chỉ ra. Định nghĩa là không thể có được bởi vì thiền, theo phẩm chất cơ bản của nó, là không định nghĩa được. Bạn có thể nếm trải nó nhưng bạn không thể định nghĩa nó được, bạn có thể sống nó nhưng ngôn ngữ là không đủ để nói về nó, bạn có thể trình bầy nó nhưng bạn không thể nói về nó. Nhưng qua câu chuyện này có thể truyền được một chút ít phẩm chất. Và câu chuyện này thực sự chỉ ra, chỉ ra hoàn toàn phẩm chất của thiền giống cái gì. Đây chỉ là cử chỉ - bạn đừng làm nó thành định nghĩa, đừng triết lí quanh nó. Cứ để nó giống như tia chớp - chớp loé của hiểu biết. Nó không định làm tăng thêm hiểu biết của bạn nhưng nó có thể làm cho bạn dịch chuyển, xốc mạnh, thay đổi động thái. Bạn có thể bị ném từ góc tâm trí này sang góc khác... và đó là toàn bộ vấn đề của câu chuyện.
Thấy rằng bố mình đã già đi, con của kẻ trộm đề nghị ông bố dạy cho anh ta việc trộm đêm để anh ta có thể đảm đương công việc gia đình sau khi bố đã nghỉ.
Bây giờ công việc của kẻ trộm không phải là việc khoa học, nó là nghệ thuật. Kẻ trộm ngay từ khi sinh ra đã như nhà thơ; bạn không thể học được, học hành chẳng ích gì. Nếu bạn học, bạn sẽ bị bắt. Bởi vì thế thì cảnh sát còn biết nhiều hơn bạn, họ đã tích luỹ hàng thế kỉ học hành. Kẻ trộm là kẻ trộm từ khi sinh ra: người đó sống qua trực giác - đó là mẹo - người đó sống qua linh cảm. Kẻ trộm mang nữ tính; người đó không là doanh nhân, người đó là kẻ liều lĩnh. Người đó liều mạng tất cả chỉ vì cái không có gì, toàn bộ nghề của người đó là nguy hiểm và rủi ro.
Điều này cũng giống hệt như người tôn giáo. Thiền nhân nói rằng người tôn giáo cũng giống như kẻ trộm vậy: trong tìm kiếm Thượng đế, họ cũng là những kẻ trộm. Không có cách nào để đạt tới Thượng đế qua logic hay lí trí hay xã hội, văn hoá, văn minh đã được chấp nhận. Họ khoét vách ở đâu đó, họ lẻn vào từ cửa sau. Nếu trong ngày điều đó là không được phép, họ đi vào trong bóng tối. Nếu không thể đi theo đám đông trên đường cái, họ tạo con đường cá nhân riêng của mình trong rừng rậm. Vậy đấy, có tương tự chắc chắn. Bạn có thể đạt tới Thượng đế chỉ nếu bạn là kẻ trộm - nghệ sĩ về cách đánh cắp lửa, cách đánh cắp kho báu.
Người bố sắp nghỉ hưu và đứa con hỏi, “Trước khi bố nghỉ hưu bố dạy cho con việc này đi.”
Ông bố đồng ý, và đêm đó họ cùng đào tường khoét vách vào trộm một nhà.
Mở chiếc rương lớn ra ông bố bảo đứa con chui vào để lấy quần áo. Ngay khi đứa con đã chui vào thì ông bố khoá trái cái rương lại và làm ầm ĩ để cho cả nhà thức dậy. Thế rồi ông ta im lặng chuồn mất.
Ông ta phải là một thầy thực sự, không phải là kẻ trộm thường...
Bị khoá kín bên trong chiếc rương, người con giận dữ, khiếp hãi và vắt óc tìm cách ra...
Tất nhiên, thế là tự nhiên! Kiểu dạy quái quỉ gì thế này? Người đó đã bị ném vào trong một tình huống nguy hiểm - nhưng đó là cách duy nhất để dạy điều gì đó về cái chưa biết. Đó là cách duy nhất để dạy điều gì đó về bán cầu não phải. Bán cầu não trái có thể được dạy ở trường học: việc học là có thể, bộ môn là có thể, giáo trình từng bước một là có thể. Thế rồi dần dần, chuyển từ lớp nọ lên lớp kia, bạn trở thành thạc sĩ nghệ thuật và khoa học và biết bao nhiêu thứ nữa. Nhưng không thể có trường nào dạy về bán cầu phải: nó là trực giác, nó không phải là từng bước một, nó là bất thần. Nó tựa như tia chớp, chớp loé trong bầu trời đêm. Nếu nó xảy ra, nó xảy ra, nếu nó không xảy ra, nó không xảy ra - chẳng có thể làm gì về nó cả. Bạn chỉ có thể để mình trong một tình huống nào đó nơi nhiều khả năng hơn cho nó xảy ra. Đó là lí do tại sao tôi nói ông già ấy phải đã là thầy thực sự.
Bị khoá kín bên trong chiếc rương, người con giận dữ, khiếp hãi và vắt óc tìm cách ra...
Đây là ba trạng thái mà tâm trí của bạn sẽ trôi qua. Trong tất cả các buổi thiền của tôi cũng điều đó được thực hiện cho bạn. Bị khoá kín bên trong rương, mà chìa khoá bị vứt đi rồi, trước hết bạn cảm thấy giận. Nhiều sannyasin tới tôi và họ nói họ cảm thấy rất giận tôi. Tôi có thể hiểu, điều đó là tự nhiên: tôi đang buộc họ vào những tình huống mà tâm trí cũ của họ không thể hoạt động được. Đó là lí do gốc rễ cho giận dữ. Họ đơn giản cảm thấy bất lực, tâm trí cũ của họ không thể làm việc được, họ không thể làm ra được cái gì từ đó - “Chuyện gì vậy?” Và khi bạn cảm thấy một tình huống mà tâm trí bạn đơn giản vô dụng, bạn cảm thấy giận tôi, giận dữ và rồi khiếp hãi. Thế thì người ta hiểu ra toàn bộ tình huống và tất cả những điều bạn đã học dường như đơn giản vô dụng; do đó mới sợ.
Bây giờ không có cách thức logic nào để thoát ra khỏi cái rương đó: nó bị khoá từ bên ngoài, ông bố đã gây tiếng động và cả nhà đã tỉnh dậy, mọi người lùng sục xung quanh, tìm kiếm và người bố thì đã trốn thoát. Bây giờ có cách thức logic nào để thoát ra khỏi cái rương không? Logic đơn giản thất bại, lí trí chẳng ích gì. Bạn có thể nghĩ được gì? Tâm trí bỗng nhiên dừng lại - và đó là điều người bố đang làm, đó là tất cả những gì ông ấy làm. Ông ấy đang cố gắng buộc đứa con phải vào một tình thế mà tâm trí logic dừng lại, bởi vì kẻ trộm không cần tâm trí logic. Nếu người đó theo tâm trí logic, chẳng chóng thì chầy người đó sẽ bị cảnh sát bắt bởi vì họ cũng theo cùng một logic.
Việc đó đã xảy ra trong thế chiến thứ hai. Trong ba năm Adolf Hitler liên tục thắng, và lí do là ở chỗ ông ta phi logic. Tất cả các nước khác đang đánh nhau với ông ta đều đánh nhau theo logic. Tất nhiên, họ có khoa học lớn lao về chiến tranh, có huấn luyện quân sự, thế này thế nọ, và họ có các chuyên gia, người sẽ nói, “Bây giờ Hitler sắp tấn công từ phía này.” Và nếu Hitler cũng theo cảm giác của mình thì ông ta phải làm điều đó bởi vì đó là điểm yếu nhất trong tuyến phòng ngự của kẻ địch. Tất nhiên kẻ địch phải bị tấn công nơi họ yếu nhất, đấy là logic. Cho nên họ chờ đợi Hitler tại điểm yếu nhất, họ tập trung quanh điểm yếu nhất còn Hitler lại đánh vào bất kì đâu, không dự kiến được. Ông ta thậm chí chẳng thèm theo lời khuyên của các tướng lĩnh của mình.
Ông ta có một nhà chiêm tinh, người sẽ gợi ý ra nơi phải tấn công. Bây giờ đây là một điều gì đó chưa bao giờ được làm trước đây - chiến tranh không được điều hành bởi nhà chiêm tinh. Một khi Churchill hiểu ra, một khi các gián điệp đệ trình báo cáo rằng họ sẽ không thắng được con người này bởi vì ông ta tuyệt đối phi logic, rằng một nhà chiêm tinh tồi, người chẳng biết gì về chiến tranh cả, người chưa bao giờ ra mặt trận, quyết định mọi điều và quyết định bằng các ngôi sao - sao có liên quan gì tới chiến tranh đang diễn ra trên trái đất này? - thế thì Churchill lập tức chỉ định một nhà chiêm tinh hoàng gia và họ bắt đầu tuân theo nhà chiêm tinh hoàng gia này. Thế thì mọi việc bắt đầu đi vào luồng, bởi vì bây giờ hai người đần đang dự đoán. Mọi thứ trở nên dễ dàng hơn.
Nếu kẻ trộm định tuân theo Aristotle, chẳng chóng thì chầy người đó sẽ bị bắt bởi cùng logic Aristotle mà cảnh sát cũng tuân theo. Mới vài ngày trước đây, Vedanta đã làm một điều hay: anh ấy trốn đi bằng chiếc xe dip của thiền viện. Tất nhiên cảnh sát đã được thông báo. Mọi người đều cho rằng người đó sẽ đi tới Chanda, bởi vì anh ta đã từng nói rằng anh ta sẽ đi tới Chanda và mở lại một thiền viện cũ vẫn quen có ở đó, Kailash. Nếu như anh ta đi tới đó, cảnh sát có thể không theo được người đó, nhưng cảnh sát nghĩ một cách logic và họ nói, “Nếu anh ta đã từng nói rằng anh ta định đi tới Chanda thì anh ta sẽ không đến Chanda bây giờ vì anh ta sợ người đó sẽ bị bắt trên đường. Anh ta không đi tới đó đâu.” Cho nên họ không lo nghĩ gì về con đường đó và, tất nhiên, Vedanta đã bị bắt ở Lonavala. Anh ta định đi tới Bombay, nhưng cảnh sát cũng theo cùng logic đó.
Nếu bạn đi qua logic, thế thì bất kì ai theo cùng phương pháp logic cũng đều có thể bắt được bạn ở bất kì đâu.
Kẻ trộm phải không thể dự đoán trước được, logic là không thể có. Người đó phải phi logic thật nhiều để cho không ai có thể dự đoán được người đó. Nhưng phi logic chỉ có thể nếu toàn bộ năng lượng của bạn chuyển qua bán cầu phải.
Bị khoá kín bên trong chiếc rương, người con giận dữ, khiếp hãi và vắt óc tìm cách ra.
“Làm sao đây?” là một câu hỏi logic. Do đó anh ta khiếp sợ bởi vì không có cách nào, cái ‘làm sao’ đơn giản là bất lực. Thế rồi một ý tưởng loé lên trong anh ta. Bây giờ đây là dịch chuyển: chỉ trong tình huống nguy hiểm nơi mà bán cầu trái không thể làm việc được, nó mới cho phép, xem như phương sách cuối cùng, bán cầu phải có tiếng nói của nó. Khi nó không thể làm việc được, khi nó cảm thấy rằng bây giờ không còn đi đâu được nữa, bây giờ là thất bại, thế thì sao không dành ra một cơ hội cho phần vẫn bị kìm nén, cho phần bị cầm tù của tâm trí? Để cho đấy là một cơ hội. Có thể... và cũng chẳng hại gì. Đột nhiên...
Thế rồi một ý nghĩ chợt loé lên trong anh ta - anh ta làm tiếng động như tiếng mèo.
Bây giờ đây không phải là logic. Làm tiếng động như tiếng mèo đơn giản là một ý tưởng ngớ ngẩn. Nhưng nó lại có tác dụng.
Gia đình này bảo người hầu cầm cây nến tới kiểm tra lại chiếc rương.
Khi nắp rương vừa được mở khoá ra, anh chàng nhảy vọt ra, thổi tắt cây nến, xô qua người hầu khiếp hãi và chạy mất. Mọi người đuổi theo anh ta.
Để ý thấy một chiếc giếng ngay bên cạnh đường, anh chàng ném xuống đó một tảng đá lớn, rồi ẩn vào trong bóng tối. Những người đuổi theo tụ tập quanh giếng cố gắng xem tên trộm bị chết đuối.
Điều này nữa cũng không phải là tâm trí logic bởi vì tâm trí logic cần thời gian. Tâm trí logic cần thời gian để xử lí, để nghĩ, để tranh luận theo cách này cách nọ, tất cả các phương án - và có cả nghìn lẻ một phương án. Khi bạn đang trong một tình huống mà không có thời gian cho suy nghĩ, nếu mọi người đang đuổi theo bạn... làm sao bạn nghĩ được? Suy nghĩ là tốt khi bạn ngồi trong ghế bành. Với mắt nhắm bạn có thể triết lí rồi nghĩ ngợi rồi tranh luận, ủng hộ cái này chống lại cái kia, thuận và chống; nhưng khi mọi người đang đuổi theo bạn và cuộc sống của bạn đang lâm nguy, bạn không có thời gian để suy nghĩ - người ta sống trong khoảnh khắc ấy, người ta đơn giản trở thành tự phát. Không phải là anh ta đã quyết định ném hòn đá, điều đó đơn giản xảy ra. Đó không phải là kết luận, anh ta không nghĩ về việc làm nó, anh ta đơn giản thấy bản thân mình làm việc đó. Anh ta ném đá vào giếng, ẩn mình trong bóng tối, những người đuổi theo dừng lại, cứ nghĩ là tên trộm đã tự chết chìm trong giếng.
Khi anh chàng này về tới nhà, anh ta rất giận bố mình và cố gắng kể lại câu chuyện. Nhưng ông bố nói, ‘Đừng bận tâm kể chi tiết cho ta nữa. Con đang ở đây - con đã học xong nghệ thuật rồi.’”
Kể lại chi tiết phỏng có ích gì nữa? Chúng là vô dụng. Chi tiết là vô dụng khi có liên quan tới trực giác bởi vì trực giác chưa bao giờ lặp lại. Chi tiết là có nghĩa chừng nào logic có liên quan. Cho nên người logic cứ đi vào những chi tiết tỉ mỉ để cho nếu cùng tình huống đó lại xảy ra, họ sẽ điều khiển được và họ sẽ biết phải làm gì.
Nhưng trong cuộc sống của kẻ trộm, cùng một tình huống không bao giờ xảy ra lần nữa. Và trong cuộc sống thực cùng một tình huống cũng chẳng bao giờ xảy ra cả. Nếu bạn có kết luận trong tâm trí mình, bạn sẽ trở thành gần chết, bạn sẽ không thể đáp ứng. Trong cuộc sống, đáp ứng là cần thiết, không phải là phản ứng: bạn phải hoạt động từ không đâu cả, không kết luận nào bên trong. Bạn phải hoạt động mà không có trung tâm nào; bạn phải hoạt động trong cái chưa biết từ cái chưa biết.
Và đây chính là điều mà Goso Hoyen quen nói khi mọi người hỏi ông thiền giống cái gì. Ông sẽ kể lại câu chuyện này.
Thiền đích xác giống như kẻ trộm vậy: nó là nghệ thuật, nó không phải là khoa học, nó là nữ tính; nó không phải là nam tính, nó không hung hăng, nó là tiếp nhận; nó không phải là phương pháp luận đã được lập kế hoạch kĩ, nó là tự phát. Nó chẳng liên can gì tới lí thuyết, giả thuyết, học thuyết, kinh sách - nó phải xử lí chỉ một điều, và đó là, nhận biết.
Điều gì đã xảy ra trong khoảnh khắc đó khi đứa con ở bên trong rương? Trong nguy hiểm như thế bạn không thể nào ngủ được. Trong nguy hiểm như thế tâm thức của bạn trở nên rất sắc bén, mà phải như thế. Cuộc sống đang nguy hiểm - bạn hoàn toàn tỉnh thức. Đó là cách người ta nên hoàn toàn tỉnh thức từng khoảnh khắc. Và khi bạn hoàn toàn tỉnh thức, dịch chuyển này xảy ra: từ bán cầu trái năng lượng chuyển sang bán cầu phải. Bất kì khi nào bạn tỉnh táo bạn đều trở thành trực giác; chớp loé tới với bạn, chớp loé từ cái chưa biết, từ trời xanh. Bạn có thể không theo chúng - thế thì bạn sẽ lỡ nhiều lắm.
Trong thực tế tất cả các phát minh vĩ đại trong khoa học cũng đều tới từ bán cầu phải, không phải từ bán cầu trái. Bạn phải đã nghe nói về Bà Curie, người phụ nữ duy nhất được giải thưởng Nobel. Bà ấy đã làm việc vất vả trong ba năm trên một vấn đề toán học nào đó mà không thể nào giải quyết được nó. Bà ấy làm việc cần mẫn, biện luận hết cách này đến cách khác, nhưng chẳng có cách nào. Một đêm, mệt mỏi, kiệt sức, bà ấy rơi vào giấc ngủ; trong khi bà ấy rơi vào giấc ngủ thì thế nữa bà ấy vẫn cố gắng giải quyết bài toán này. Trong đêm bà ấy thức dậy, bước đi, viết ra lời giải trên tờ báo nào đó, rồi quay lại ngủ tiếp. Sáng hôm sau bà ấy tìm thấy lời giải trên bàn. Bà ấy không thể tin được ai đã làm điều đó! Không ai làm điều đó cả! Người phục vụ - bạn không thể nào mong đợi người đó làm điều đó được, người đó chẳng biết gì về toán học cả. Bà ấy nhớ rõ rằng đêm hôm trước bà ấy đã cố gắng hết sức mà không thể nào làm được nó. Điều gì đã xảy ra? Thế rồi bà ấy cố gắng nhớ bởi vì bản viết tay là của bà ấy. Bà ấy cố gắng nhớ... và thế rồi hồi tưởng yếu ớt tới, dường như là trong mơ bà đã bước đi tới bàn và đã viết ra.
Lời giải này từ đâu tới? Nó không thể nào tới từ bán cầu trái, bên trái đã làm việc vất vả suốt ba năm nay. Và chẳng có quá trình gì trên giấy cả, chỉ có kết luận. Nếu nó tới từ bên trái thì sẽ phải có quá trình, nó tới dần từng bước. Nhưng điều này giống như một tia chớp - cùng loại tia chớp đã xảy ra cho cậu con trai đang trong rương. Bán cầu trái, mệt mỏi, kiệt sức, bất lực, tìm sự giúp đỡ của bán cầu phải.
Bất kì khi nào bạn đang trong một góc như vậy, chỗ mà logic thất bại, đừng thất vọng, đừng trở thành vô vọng. Những khoảnh khắc đó có thể chứng tỏ là phúc lành lớn lao nhất trong cuộc sống của bạn bởi vì đây là những khoảnh khắc mà bên trái cho phép bên phải theo cách thức của nó. Thế thì phần nữ tính, phần cảm nhận, cho bạn ý tưởng. Nếu bạn theo nó, nhiều cánh cửa sẽ được mở ra. Nhưng cũng có thể là bạn làm lỡ nó; bạn có thể nói, “Vô nghĩa làm sao!”
Cậu con trai này có thể đã lỡ bởi vì cái ý tưởng đó rất bình thường, thường xuyên, logic. Tạo ra tiếng động giống mèo sao? Để làm gì? Anh ta có thể đã hỏi, “Tại sao?” và thế thì anh ta sẽ lỡ. Nhưng anh ta có thể không hỏi bởi vì tình huống đã đến mức không còn cách nào khác. Cho nên anh ta nghĩ, “Thôi thì thử xem sao. Có gì sai trong đó đâu?” Anh ta dùng manh mối này.
Ông bố là phải. Ông ấy nói, “Đừng đi vào chi tiết, chúng không quan trọng. Con đã về tới nhà, con đã học được nghệ thuật.”
Toàn bộ nghệ thuật là cách thức hoạt động từ phần nữ tính của tâm trí bạn, bởi vì nữ tính được gắn với cái toàn thể và nam tính không gắn với cái toàn thể. Nam tính là hung hăng, nam tính thường xuyên trong tranh đấu; nữ tính thường xuyên buông xuôi, trong tin cậy sâu sắc. Do đó thân thể nữ đẹp thế, tròn trịa thế. Có tin cậy sâu sắc và hài hoà sâu sắc với tự nhiên. Đàn bà sống trong buông xuôi sâu sắc; đàn ông thường xuyên đánh nhau, giận dữ, làm việc này việc nọ, cố gắng chứng minh điều gì đó, cố gắng đạt tới đâu đó. Đàn bà hạnh phúc, không cố gắng đạt tới đâu cả. Hỏi đàn bà xem họ có muốn lên mặt trăng không - họ sẽ đơn giản ngạc nhiên. Để làm gì? Ích lợi gì? Sao rắc rối thế? Gia đình là hoàn toàn tuyệt vời. Đàn bà không quan tâm đến cái gì đang xảy ra ở Việt Nam và cái gì đang xảy ra ở Hàn quốc và cái gì đang xảy ra ở Israel. Cô ấy nhiều nhất chỉ quan tâm tới cái gì đang xảy ra ở nhà hàng xóm, nhiều nhất chỉ quan tâm tới ai đang yêu ai, ai đang trốn đi với ai... trong những chuyện tầm phào, không phải trong chính trị. Cô ấy quan tâm nhiều tới cái ngay lập tức, tại đây và bây giờ; cái đem cho cô ấy hài hoà, duyên dáng. Đàn ông thường xuyên cố gắng chứng minh điều gì đó, và nếu bạn muốn chứng minh dĩ nhiên bạn phải tranh đấu và cạnh tranh, tích luỹ.
Có lần một người đàn bà cố gắng mời bác sĩ Johnson nói chuyện với cô ta nhưng ông này đường như rất ít để ý tới cô ta.
“Sao thế bác sĩ,” cô ta nói một cách hóm hỉnh, “Tôi cứ tưởng ông thích bầu bạn với đàn ông hơn là bầu bạn với đàn bà.”
“Thưa bà,” Johnson đáp, “tôi rất thích bầu bạn với các bà. Tôi thích cái đẹp của họ, tôi thích cái duyên dáng của họ, tôi thích cái hoạt bát của họ, và tôi thích im lặng của họ.”
Đàn ông đã buộc đàn bà phải im lặng, không chỉ bên ngoài, cả bên trong nữa - buộc phần nữ tính phải yên tĩnh. Quan sát bên trong mình đi. Nếu phần nữ tính nói điều gì đó bạn lập tức nhảy lên nó và bạn nói, “Có logic không? Rõ ngớ ngẩn!” Mọi người tới tôi và họ nói, “Trái tim nói chúng tôi thích trở thành sannyasin nhưng cái đầu nói không.” Bác sĩ Johnson, cố gắng giữ đàn bà im lặng... Trái tim là nữ tính.
Bạn bỏ lỡ nhiều trong cuộc sống của mình bởi vì cái đầu cứ nói mãi; nó không cho phép ai nói. Và phẩm chất duy nhất trong cái đầu là ở chỗ nó ăn nói lưu loát hơn, tinh ranh hơn, nguy hiểm hơn, bạo hành hơn. Bởi tính bạo hành của nó mà nó đã trở thành người lãnh đạo bên trong, và quyền lãnh đạo bên trong đó đã trở thành quyền lãnh đạo bên ngoài cho đàn ông. Đàn ông đã thống trị đàn bà cả trong thế giới bên ngoài nữa - cái duyên dáng bị cái bạo hành thống trị.
Tôi được mời tới một trường học với một việc nào đó. Có một đám học sinh đang tập trung và trong đám này toán diễu hành đã được sắp xếp theo chiều cao, đứa thấp nhất đứng trước cho đến đứa cao nhất. Nhưng hình mẫu này bị phá vỡ, tôi để ý thấy, bởi đứa đầu tiên đi đầu cho đám rước. Nó là một thanh niên lênh khênh cao hơn hẳn một cái đầu so với tụi còn lại.
“Sao cháu kia đứng trước?” tôi hỏi một bé gái, “Nó là lãnh đạo của trường, đội trưởng hay cái gì như vậy không?”
“Không,” cô bé thì thào, “nó chuyên môn cấu véo.”
Tâm trí nam tính cứ cấu véo, tạo ra rắc rối. Kẻ gây rắc rối trở thành người lãnh đạo. Trong trường, tất cả các thầy giáo khôn ngoan đều chọn tụi gây rắc rối nhất làm trưởng lớp, trường - bọn gây rắc rối, bọn tội phạm. Một khi chúng ở vị trí quyền lực, toàn bộ năng lượng của chúng để gây rắc rối nay trở thành có ích cho thầy giáo. Cũng những con người đó bắt đầu tạo ra kỉ luật.
Quan sát các chính khách trên thế giới này: khi một đảng đương quyền thì đảng đối lập tạo ra rắc rối trong nước. Họ là những kẻ phá luật, các nhà cách mạng. Và đảng đương quyền tạo ra kỉ luật. Một khi họ bị ném ra khỏi quyền lực, họ sẽ tạo ra rắc rối. Và một khi đảng đối lập lên nắm quyền, họ trở thành người bảo vệ kỉ luật. Tất cả họ đều là kẻ gây rắc rối.
Tâm trí nam tính là hiện tượng gây rắc rối, do đó nó chế ngự, nó chi phối. Nhưng sâu bên dưới, mặc dầu bạn có thể đạt tới quyền lực, bạn làm lỡ cuộc sống - và sâu phía dưới, tâm trí nữ tính vẫn tiếp tục. Và chừng nào mà bạn còn chưa rơi trở lại với nữ tính và chưa buông xuôi, bạn sẽ không biết cuộc sống thực là gì và mở hội nó là gì.
Tôi đã từng nghe một giai thoại:
Một nhà khoa học Mĩ có lần tới thăm văn phòng của một nhà vật lí được giải thưởng Nobel, Niels Bohr, ở Copenhagen, và ngạc nhiên thấy rằng phía trên bàn ông ấy là chiếc móng ngựa, được đóng đinh chắc chắn trên tường với đầu mở quay lên theo cách thức đã được cho là nó sẽ đem lại vận may và không để nó tràn mất.
Người Mĩ nói với một cái cười mỉa mai, “Chắc chắn là ông không tin vào cái móng ngựa này sẽ đem lại cho ông vận may, phải chứ, giáo sư Bohr? Sau rốt, là một nhà khoa học cỡ đầu đàn...”
Bohr cười khúc khích, “Tôi chẳng tin vào điều như vậy đâu, anh bạn tốt của tôi, không tin một chút nào. Tôi chắc chắn là không thể nào tin vào những cái vô nghĩa ngốc nghếch như thế. Tuy nhiên, người ta bảo tôi là cái móng ngựa này sẽ đem lại vận may cho bạn dù bạn có tin vào nó hay không.”
Nhìn sâu hơn một chút, ngay dưới logic của bạn ấy, bạn sẽ thấy luồng nước tươi mát của trực giác, luồng nước của tin cậy tuôn chảy.
Yoga là một cách để dùng lí trí đạt tới Thượng đế - tất nhiên rất khó khăn, và là con đường dài nhất. Nếu bạn theo Patanjali, bạn đang cố gắng làm cái mà có thể xảy ra chẳng phải làm gì; bạn đang cố gắng vất vả để làm điều gì đó có thể xảy ra ngay bây giờ mà không cần nỗ lực nào. Bạn đang cố gắng kéo bản thân mình lên bằng chiếc dây giầy - kéo bản thân bạn lên.
Thiền là cách thức của tự phát, cố gắng vô nỗ lực, cách thức của trực giác.
Thiền sư Ikkyu, một nhà thơ lớn, đã nói, “Tôi có thể nhìn thấy mây từ xa hàng nghìn dặm, nghe thấy tiếng nhạc cổ trong rặng thông.”
Đây là tất cả những gì về thiền. Bạn không thể thấy mây từ xa hàng nghìn dặm bằng tâm trí logic. Tâm trí logic giống như chiếc kính, quá bẩn, quá nhiều bụi bặm tư tưởng, lí thuyết, học thuyết. Nhưng bạn có thể thấy mây từ hàng nghìn dặm với chiếc kính thuần khiết của trực giác, với vô ý nghĩ, chỉ nhận biết thuần khiết. Tấm gương sạch bóng và trong sáng tối thượng.
Bạn không thể nghe thấy nhạc cổ trong rặng thông bằng tâm trí logic thông thường. Làm sao bạn có thể nghe thấy nhạc cổ được? Âm nhạc, một khi đã trôi qua, trôi qua mãi mãi.
Nhưng tôi bảo bạn, Ikkyu là phải. Bạn có thể nghe thấy nhạc cổ trong rặng thông... Tôi đã từng nghe thấy nó... Nhưng dịch chuyển, thay đổi toàn bộ, thay đổi động thái, là cần có. Thế thì bạn lần nữa lại có thể thấy Phật đang thuyết giảng và bạn có thể nghe lần nữa Phật đang nói.
Bạn có thể nghe nhạc cổ trong rặng thông bởi vì nó là tiếng nhạc vĩnh hằng, nó không bao giờ mất. Bạn đã đánh mất khả năng nghe nó. Âm nhạc này là vĩnh hằng; một khi bạn lấy lại khả năng đó, bỗng nhiên nó lại có đó. Nó bao giờ cũng có đó, chỉ bạn là không có đó. Ở đây và bây giờ và bạn cũng có thể thấy mây từ xa hàng nghìn dặm và nghe thấy tiếng nhạc cổ trong rặng thông.
Thay đổi nhiều và nhiều hơn nữa hướng tới bán cầu phải đi. Trở thành ngày càng nữ tính hơn, ngày càng đáng yêu hơn, buông xuôi, tin cậy, ngày càng gần hơn với cái toàn thể. Đừng cố gắng làm hòn đảo, trở thành một phần của lục địa đi.

Ads Belove Post