Chương 8. Chỉ trái chín mới rụng

Chương 8. Chỉ trái chín mới rụng

Price:

Read more

Osho - Con đường tôi đi - Con đường của mây trắng
Chương 8. Chỉ trái chín mới rụng


Osho kính yêu,
Tôi cảm thấy rằng qua việc phát triển thái độ chịu đựng với những khó khăn, tôi đã trở nên cam chịu quá nhiều với cuộc sống. Việc cam chịu này tựa như một sức nặng đẩy lùi nỗ lực của tôi để trở nên sống động hơn trong thiền.
Liệu điều này có nghĩa là tôi đã kìm nén bản ngã mình không, và có nghĩa là tôi phải tìm nó lần nữa trước khi tôi có thể thực sự mất nó?
Đấy là một trong những vấn đề lớn nhất. Dường như rất nghịch lí, nhưng điều này lại đúng: trước khi bạn có thể làm mất bản ngã của mình, bạn phải đạt được nó. Chỉ trái chín mới rụng xuống. Mọi trái đều chín. Bản ngã chưa chín không thể bị bỏ đi, không thể bị tiêu diệt. Và nếu bạn đấu tranh với bản ngã chưa chín để tiêu diệt và làm tan biến nó, toàn bộ nỗ lực đó sẽ đi đến thất bại. Thay vì tiêu diệt nó, bạn sẽ thấy nó được làm mạnh hơn theo những cách thức mới, tinh tế.
Đây là điều gì đó cơ bản cần phải được hiểu: bản ngã phải lên đến đỉnh, nó phải mạnh mẽ, nó phải đạt tới một độ toàn vẹn nào đó - chỉ thế thì bạn mới có thể làm tan biến nó. Bản ngã yếu ớt không thể nào bị tan biến được. Và điều này trở thành vấn đề.
Tại phương Đông mọi tôn giáo đều thuyết giảng về vô ngã, cho nên ở phương Đông mọi người đều chống lại bản ngã ngay từ đầu. Vì thái độ chống đối này mà bản ngã chưa bao giờ trở nên mạnh mẽ, chưa bao giờ lên đến điểm toàn vẹn để tại đó có thể bị vứt bỏ. Nó chưa bao giờ chín cả. Cho nên ở phương Đông rất khó làm tan biến bản ngã, gần như không thể được.
Tại phương Tây... toàn bộ truyền thống phương Tây về tôn giáo và tâm lí đều đề xuất, thuyết giảng, khuyên nhủ mọi người phải có bản ngã mạnh - bởi vì chừng nào bạn còn chưa có bản ngã mạnh, làm sao bạn có thể tồn tại được? Cuộc sống là cuộc vật lộn; nếu bạn không bản ngã, bạn sẽ bị tiêu diệt. Thế thì ai sẽ kháng cự? Ai sẽ tranh đấu? Ai sẽ cạnh tranh? Và cuộc sống là cuộc tranh đua liên tục. Tâm lí học phương Tây nói: Hãy đạt tới bản ngã, hãy mạnh mẽ trong nó.
Nhưng ở phương Tây lại rất dễ làm tan biến bản ngã. Cho nên bất kì khi nào một người tìm kiếm phương Tây đạt tới việc hiểu rằng bản ngã là vấn đề, người đó có thể dễ dàng làm tan biến nó, dễ hơn bất kì người tìm kiếm phương Đông nào. Đây là điều ngược đời: ở phương Tây bản ngã được dạy, ở phương Đông vô ngã được dạy. Nhưng ở phương Tây dễ dàng làm tan biến bản ngã, ở phương Đông điều đó lại rất khó khăn.
Điều này sẽ là nhiệm vụ khó khăn cho bạn, trước hết phải đạt được thế rồi phải làm mất - bởi vì bạn chỉ có thể mất cái gì đó bạn có. Nếu bạn không có nó, làm sao bạn có thể mất nó được? Bạn có thể nghèo chỉ nếu bạn giầu. Nếu bạn không giầu, cái nghèo nàn của bạn không thể có cái đẹp mà Jesus thuyết giảng: Nghèo trong tâm linh. Cái nghèo của bạn không thể có ý nghĩa mà Phật Gautam có khi ông ấy trở thành kẻ ăn xin. Chỉ người giầu mới có thể trở nên nghèo được, vì bạn có thể mất chỉ những cái bạn có. Nếu bạn chưa bao giờ giầu, làm sao bạn có thể nghèo được? Cái nghèo của bạn sẽ chỉ trên bề mặt, nó chẳng bao giờ trong tâm linh cả. Trên bề mặt bạn sẽ nghèo, còn sâu bên dưới bạn sẽ khao khát giầu có. Tâm linh bạn sẽ khao khát hướng về giầu có, nó sẽ là tham vọng, nó sẽ là ham muốn thường xuyên để đạt tới giầu có. Bạn sẽ nghèo chỉ trên bề mặt thôi. Và bạn thậm chí còn có thể tự an ủi mình bằng cách nói rằng nghèo là tốt.
Nhưng bạn không thể nghèo được - chỉ người giầu, người thực giầu mới có thể là nghèo. Có sự giầu có của cải vẫn chưa đủ là thực sự giầu. Bạn có thể vẫn là nghèo. Nếu tham vọng vẫn còn đó, bạn vẫn là nghèo. Cái bạn có không phải là vấn đề. Nếu bạn có đủ thế thì ham muốn biến mất. Khi bạn đủ giầu, ham muốn biến mất. Việc biến mất của ham muốn là tiêu chuẩn cho sự đầy đủ. Thế thì bạn giầu - bạn có thể vứt bỏ nó, bạn có thể trở thành nghèo, bạn có thể trở thành kẻ ăn xin như Phật. Và thế thì cái nghèo của bạn lại là giầu có; thế thì cái nghèo của bạn lại có vương quốc của riêng nó.
Và điều tương tự cũng xảy ra cho mọi thứ. Upanishad hay Lão Tử hay Jesus hay Phật - tất cả họ đều dạy rằng tri thức là vô dụng. Tích luỹ ngày càng nhiều tri thức cũng chẳng ích gì. Không chỉ không ích lợi gì lắm, nó còn trở thành rào chắn. Tri thức là không cần thiết. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn vẫn còn dốt nát. Dốt nát của bạn sẽ không thực. Khi bạn đã thu thập đủ tri thức và bạn vứt bỏ nó, thế thì dốt nát mới được đạt tới. Thế thì bạn mới thực sự trở thành người dốt nát - giống như Socrates người có thể nói: tôi biết chỉ mỗi một điều, là tôi không biết gì cả. Tri thức này, hay dốt nát này - bạn có thể gọi nó là gì tuỳ thích - là hoàn toàn khác, phẩm chất khác hẳn, tầm vóc đã thay đổi.
Nếu bạn đơn giản dốt nát bởi vì bạn chưa bao giờ đạt đến bất kì tri thức nào, cái dốt nát của bạn không thể là khôn ngoan được, nó không thể là trí huệ được - nó đơn giản là việc thiếu vắng tri thức. Và khát khao vẫn còn bên trong: Làm sao thu được nhiều tri thức hơn? Làm sao thu được nhiều thông tin hơn?
Khi bạn biết quá nhiều - bạn đã biết các kinh sách, bạn đã biết quá khứ, truyền thống, bạn đã biết tất cả những cái có thể được biết - thế thì bỗng nhiên bạn trở nên nhận biết về cái vô ích của tất cả những điều đó, bỗng nhiên bạn trở nên nhận biết rằng đây không phải là tri thức, đây là vay mượn! Đây không phải là kinh nghiệm tồn tại của riêng bạn, đây không phải là điều bạn đã đi tới biết. Những người khác có thể đã biết nó, bạn đơn giản cóp nhặt nó thôi. Việc cóp nhặt của bạn là máy móc; nó không nảy sinh từ bạn, nó không phải là trưởng thành. Nó chỉ là rác rưởi gom nhặt từ người khác, thứ vay mượn, chết dí.
Nhớ lấy, việc biết là sống động chỉ khi bạn biết, khi nó là kinh nghiệm trực tiếp, tức khắc của bạn. Nhưng khi bạn biết từ người khác, đó chỉ là kí ức, không phải là tri thức. Kí ức là chết. Khi bạn cóp nhặt nhiều - giầu có tri thức, kinh sách, mọi thứ quanh bạn, thư viện dầy đặc trong tâm trí bạn, và bỗng nhiên bạn trở nên nhận biết rằng bạn chỉ đang mang gánh nặng của người khác, chẳng có gì thuộc về bạn, bạn đã không biết - thế thì bạn có thể vứt bỏ nó, bạn có thể bỏ tất cả những tri thức này. Trong việc vứt bỏ đó, một kiểu dốt nát mới nảy sinh bên trong bạn. Dốt nát này không phải là dốt nát của người dốt nát; đây là cách thức người khôn ngoan là thế nào, trí huệ là thế nào.
Chỉ người trí huệ mới có thể nói: tôi không biết. Nhưng trong khi nói: tôi không biết, người đó không khao khát về tri thức, người đó đơn giản phát biểu một sự kiện. Và khi bạn có thể nói với toàn bộ tấm lòng mình: tôi không biết, chính trong khoảnh khắc đó mắt bạn trở nên mở ra, cánh cửa của việc biết được mở ra. Chính trong khoảnh khắc đó khi bạn có thể nói với tính toàn bộ của mình: tôi không biết, bạn trở nên có khả năng hiểu biết. Dốt nát này thật đẹp, nhưng nó được đạt tới được qua tri thức. Nó là cái nghèo được đạt tới qua cái giầu. Và điều tương tự cũng xảy ra cho bản ngã - bạn có thể làm mất nó nếu bạn có nó.
Khi Phật từ ngai vàng bước xuống, trở thành kẻ ăn xin... đâu là sự cần thiết cho Phật? Ông ấy đã là vua, đang trong ngôi báu, đang ngự tại đỉnh của bản ngã - tại sao từ cực điểm này, bước từ cung điện xuống phố, trở thành kẻ ăn xin? Nhưng Phật có cái đẹp trong việc ăn xin của mình. Trái đất này chưa bao giờ biết tới một kẻ ăn xin đẹp đẽ như thế, một kẻ ăn xin giầu có như thế, một kẻ ăn xin vương giả như thế, một hoàng đế như thế.
Điều gì đã xảy ra khi ông ấy từ ngai vàng bước xuống? Ông ấy đã bước xuống từ bản ngã của mình. Ngai vàng chẳng là gì ngoài biểu tượng, biểu tượng của bản ngã, của quyền lực, của danh vọng, địa vị. Ông ấy đã bước xuống và rồi vô ngã xảy ra. Vô ngã này không phải là khiêm tốn; vô ngã này không phải là khiêm nhường. Bạn có thể tìm được nhiều người khiêm tốn, nhưng dưới cái khiêm nhường đó bản ngã tinh vi vẫn hoạt động.
Tương truyền rằng có lần Diogenes đến thăm Socrates. Diogenes sống như một kẻ ăn xin; ông ta bao giờ cũng mặc quần áo bẩn thỉu với nhiều vết vá và lỗ hổng. Cho dù bạn có tặng cho ông ta một bộ quần áo mới ông ta cũng không dùng nó - trước hết ông ta phải làm cho nó bẩn đi, cũ đi, sờn đi và thế rồi ông ta mới mặc. Ông tới thăm Socrates và ông ta bắt đầu nói về vô ngã. Nhưng con mắt thấu suốt của Socrates phải nhận ngay ra rằng con người này không phải là người vô ngã. Cách thức ông ta nói về khiêm nhường là rất bản ngã. Tương truyền rằng Socrates đã nói: Qua bộ đồ bẩn thỉu của ông, qua những lỗ thủng trên quần áo ông, tôi chẳng thấy gì ngoài bản ngã cả. Ông nói về khiêm tốn, nhưng câu chuyện đó lại bắt nguồn từ trung tâm sâu của bản ngã.
Điều này sẽ xảy ra, đây là cách thói đạo đức giả xảy ra. Bạn có bản ngã, bạn che dấu nó qua cái đối lập; bạn trở nên khiêm tốn trên bề mặt. Khiêm tốn bề mặt này chẳng lừa được ai. Nó có thể lừa được bạn, nhưng nó không thể lừa được người khác. Từ những lỗ thủng trên bộ quần áo bẩn, bản ngã của bạn vẫn tiếp tục ló ra. Nó bao giờ cũng có đó. Đó là tự lừa dối và chẳng có gì hơn. Không ai khác bị lừa cả. Điều này xảy ra nếu bạn bắt đầu vứt bỏ bản ngã chưa chín muồi.
Điều tôi dạy sẽ có vẻ mâu thuẫn nhưng nó đúng cho cuộc sống. Mâu thuẫn là điều cố hữu trong cuộc sống. Tôi dạy bạn phải là người có bản ngã để cho bạn có thể trở thành vô ngã. Tôi dạy bạn phải là người có bản ngã hoàn hảo. Đừng che dấu nó, nếu không đạo đức giả sẽ sinh ra. Và cũng đừng đấu tranh với hiện tượng chưa chín muồi. Để cho nó chín muồi - và giúp nó, đưa nó tới đỉnh! Đừng sợ hãi - chẳng có gì phải sợ cả. Đấy chính là cách bạn đi đến hiểu cái đau khổ cực độ của bản ngã. Khi nó đã lên đến đỉnh của nó, thế thì bạn sẽ không cần tới một Phật hay tôi bảo bạn rằng bản ngã là địa ngục.
Bạn sẽ hiểu nó, vì đỉnh của bản ngã sẽ là đỉnh của kinh nghiệm đau khổ của bạn, nó sẽ là cơn ác mộng. Và thế thì chẳng cần ai phải bảo bạn: Vứt nó đi! Sẽ rất khó khăn để mang nó đi tiếp.
Người ta đạt tới tri thức chỉ qua gian khổ. Bạn không thể vứt bỏ bất kì cái gì chỉ bằng lập luận logic. Bạn có thể ném bỏ cái gì đó chỉ khi nó đã trở thành nỗi đau đớn đến độ không thể mang thêm được nữa. Bản ngã của bạn còn chưa trở thành nỗi đau như thế - do đó bạn còn mang được nó. Đó là điều tự nhiên. Tôi không thể thuyết phục bạn vứt bỏ nó được. Ngay cả nếu bạn cảm thấy bị thuyết phục thì bạn sẽ giấu biến nó đi, có thế thôi.
Không thể ném bỏ được cái gì chưa chín muồi. Trái xanh vẫn bám trên cành và cây vẫn còn níu giữ quả xanh. Nếu bạn buộc nó phải tách ra thì sẽ để lại vết thương. Vết sẹo đó vẫn tiếp tục, vết thương đó vẫn còn xanh và bao giờ bạn cũng cảm thấy đau. Nhớ lấy, mọi thứ đều có thời gian để phát triển, để chín muồi, để rụng xuống và tan biến. Bản ngã của bạn cũng có thời gian. Nó cần chín muồi.
Cho nên đừng sợ là người bản ngã. Bạn có đấy, nếu không bạn đã biến mất từ lâu. Đây là cơ chế của cuộc sống: bạn phải là người bản ngã, bạn phải tranh đấu theo cách của bạn, bạn phải tranh đấu với hàng triệu ham muốn quanh bạn, bạn phải vật lộn, bạn phải sống còn.
Bản ngã là phương tiện cho sự sống còn. Nếu đứa trẻ được sinh ra mà không có bản ngã, nó sẽ chết. Nó không thể sống còn được, đó là điều không thể được, bởi vì nếu nó cảm thấy đói, nó sẽ không cảm thấy: tôi đói. Nó sẽ cảm thấy có cơn đói nhưng không liên quan gì tới nó cả. Khoảnh khắc cơn đói được cảm thấy, đứa trẻ cảm thấy: tôi đói. Nó bắt đầu khóc và làm mọi cố gắng để được cho ăn. Đứa trẻ trưởng thành qua việc trưởng thành của bản ngã.
Cho nên với tôi, bản ngã là một phần của trưởng thành tự nhiên. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải còn lại với nó mãi mãi. Nó là trưởng thành tự nhiên, và thế rồi có bước thứ hai khi nó phải bị vứt bỏ. Điều đó nữa cũng là tự nhiên. Nhưng bước thứ hai này chỉ có thể thực hiện được khi bước thứ nhất đã đi tới cao trào của nó, tới tột đỉnh của nó, khi bước thứ nhất đã đạt tới đỉnh của nó. Cho nên tôi dạy cả hai: tôi dạy bản ngã và tôi dạy vô ngã.
Trước hết, là người bản ngã, bản ngã hoàn hảo, bản ngã tuyệt đối, dường như toàn bộ sự tồn tại chỉ dành cho bạn và bạn là trung tâm; tất cả các ngôi sao đều quay quanh bạn và mặt trời mọc lên vì bạn; mọi thứ chỉ tồn tại cho bạn, chỉ để giúp bạn ở đây. Là trung tâm và đừng sợ, bởi vì nếu bạn sợ, thế thì bạn sẽ không bao giờ chín muồi. Chấp nhận nó. Nó là một phần của sự trưởng thành. Tận hưởng nó và đưa nó tới đỉnh.
Khi nó tới đỉnh rồi, bỗng nhiên bạn sẽ trở nên nhận biết rằng bạn không phải là trung tâm. Điều này đã là ảo tưởng, điều này đã là thái độ ấu trĩ. Nhưng nếu bạn là trẻ thơ thì chẳng có gì sai trong đó cả. Bây giờ bạn đã trở nên chín chắn, và bây giờ bạn thấy rằng bạn không là trung tâm.
Quả thực, khi bạn thấy rằng mình không còn là trung tâm, bạn cũng thấy chẳng có trung tâm nào trong sự tồn tại cả, hay mọi nơi đều là trung tâm. Hoặc không có trung tâm nào và sự tồn tại tồn tại như một toàn bộ, cái toàn thể không có trung tâm nào như một điểm kiểm soát, hoặc mọi nguyên tử đều là trung tâm.
Jakob Bohme đã nói rằng toàn bộ thế giới đầy các trung tâm, mọi nguyên tử đều là một trung tâm, và không có chu vi - trung tâm ở mọi nơi và chu vi không đâu cả. Hai điều này đều có thể. Cả hai đều có nghĩa là một; chỉ có lời nói là khác nhau và mâu thuẫn. Nhưng trước hết trở thành trung tâm.
Cũng giống thế này: bạn đang trong mơ; nếu mơ lên đến đỉnh thì nó sẽ tan vỡ. Bao giờ điều này cũng xảy ra - bất kì khi nào mơ lên đến tột đỉnh nó đều tan vỡ. Vậy tột đỉnh của mơ là gì? Tột đỉnh của mơ là cảm giác rằng đây là thật. Bạn cảm thấy đây là thật, không phải là mơ, và bạn cứ tiếp tục mãi đi lên đỉnh cao hơn và mơ trở thành gần như thật. Nó không bao giờ trở thành thật cả; nó trở thành gần như thật thôi. Nó tới gần thực tại đến mức bây giờ bạn không thể đi xa thêm được nữa, bởi vì thêm một bước nữa thì mơ sẽ trở thành thực - mà nó không thể trở thành thực được vì đó là mơ! Khi nó đến gần thực tại như vậy thì giấc ngủ bị phá vỡ, giấc mơ tan vỡ bạn tỉnh dậy hoàn toàn.
Điều tương tự cũng xảy ra cho mọi kiểu ảo tưởng. Bản ngã là giấc mơ lớn nhất. Nó có vẻ đẹp, có nỗi đau của nó. Nó có cực lạc, có nỗi đau của nó. Nó có cả cõi trời lẫn địa ngục, cả hai đều có đó. Mơ đôi khi đẹp đẽ và đôi khi ác mộng, nhưng cả hai đều là mơ cả.
Cho nên tôi không bảo bạn phải ra khỏi giấc mơ của mình trước khi thời điểm tới. Không, đừng bao giờ làm gì trước thời điểm này. Cho phép mọi thứ trưởng thành, cho phép mọi thứ có thời gian cho mọi việc xảy ra một cách tự nhiên. Bản ngã sẽ bị vứt bỏ. Nó cũng có thể được vứt bỏ theo cách riêng của nó. Nếu bạn đơn giản cho phép nó trưởng thành và giúp nó trưởng thành, sẽ không cần phải vứt bỏ nó.
Điều này rất sâu sắc. Nếu bạn vứt bỏ nó, bản ngã sẽ vẫn còn bên trong. Ai sẽ vứt bỏ nó? Nếu bạn nghĩ bạn sẽ vứt bỏ nó thì bạn là bản ngã, cho nên bất cứ cái gì bạn vứt bỏ đều sẽ không phải là thứ thật. Thứ thật sẽ được để dành và bạn sẽ vứt cái gì đó khác. Bạn không thể làm mình thành vô ngã được. Ai sẽ làm việc đó? Nó xảy ra, nó không phải là việc làm. Bạn trưởng thành trong bản ngã và một điểm xảy đến khi toàn bộ sự việc trở thành như địa ngục đến mức giấc mơ bị phá vỡ. Bỗng nhiên bạn thấy con ngỗng ở ngoài - nó chưa bao giờ ở trong lọ cả. Bạn chưa bao giờ là bản ngã. Nó chỉ là mơ quanh bạn. Tôi nói, mơ cần thiết, cho nên tôi không lên án nó - một phần cần thiết của trưởng thành.
Trong cuộc sống mọi thứ đều cần thiết. Không có gì là không cần thiết, không có gì có thể là không cần thiết cả. Bất kì cái gì đã xảy ra đều đã phải xảy ra. Bất kì cái gì đang xảy ra thì cũng đang xảy ra vì những nguyên nhân sâu xa nào đó. Bạn cần nó cho nên bạn có thể vẫn còn trong ảo tưởng. Nó cũng giống như cái kén giúp bạn, bảo vệ bạn, giúp bạn sống còn. Người ta không thể ở trong cái kén đó mãi được. Khi bạn sẵn sàng, phá vỡ cái kén, chui ra. Bản ngã là lớp vỏ trứng, nó bảo vệ bạn. Nhưng khi bạn sẵn sàng, phá vỡ lớp vỏ, chui ra ngoài quả trứng. Bản ngã là lớp vỏ. Nhưng đợi đấy. Vội vã chẳng ích gì nhiều; nhanh nhảu chẳng ích gì - điều đó có thể lại cản trở. Cho phép thời gian, và đừng lên án nó... bởi vì ai sẽ lên án nó?
Tới cái gọi là các thánh nhân; họ nói về khiêm tốn, khiêm nhường. Nhìn vào mắt họ: bạn sẽ không thấy bản ngã được trau chuốt như vậy ở chỗ nào khác nữa. Bây giờ bản ngã của họ đã mang trang phục tôn giáo, yoga, tính thánh nhân - nhưng bản ngã vẫn còn đó. Họ có thể không thu thập của cải, họ có thể đang tụ tập tín đồ; đồng tiền đã đổi và họ cứ đếm bao nhiêu tín đồ...
Họ có thể không theo đuổi những thứ của thế giới này, họ đi theo những thứ của thế giới kia; nhưng dù thế này hay thế kia, cả hai cũng vẫn là thế giới. Và họ thậm chí còn tham lam hơn, bởi vì họ nói những thứ nhất thời này, những thứ nhất thời của thế giới này, bao gồm các thú vui nhất thời - và họ muốn những niềm vui vĩnh cửu. Lham lam của họ là tối cao. Họ không thể được thoả mãn với những niềm vui nhất thời, họ muốn có niềm vui vĩnh cửu. Chừng nào một điều gì đó còn chưa là vĩnh cửu, họ còn chưa toại nguyện. Tham lam của họ thật sâu xa, tham lam của họ thật tuyệt đối, và tham lam thuộc về bản ngã. Tham lam là cơn đói của bản ngã.
Cho nên điều đôi khi xảy ra là thánh nhân lại còn nhiều bản ngã hơn là tội nhân, và thế thì họ xa rời điều thiêng liêng. Và đôi khi tội nhân có thể đạt tới Thượng đế dễ dàng hơn những người được gọi là thánh nhân, vì bản ngã là rào chắn. Đây đã từng là kinh nghiệm của tôi, rằng tội nhân có thể vứt bỏ bản ngã của mình dễ dàng hơn thánh nhân, bởi vì tội nhân chưa bao giờ chống lại bản ngã. Họ đã nuôi dưỡng nó, họ đã tận hưởng nó, họ đã sống với nó toàn bộ. Còn thánh nhân bao giờ cũng tranh đấu với bản ngã, cho nên họ chẳng bao giờ cho phép nó được chín muồi.
Cho nên đây là thái độ của tôi: bản ngã cần phải được vứt bỏ, nhưng điều đó có thể phải chờ đợi lâu; và bạn có thể vứt bỏ nó chỉ nếu bạn trau dồi nó. Đây là gian khổ gay go của toàn bộ hiện tượng này, bởi vì tâm trí nói: nếu chúng ta phải vứt bỏ nó, tại sao ta phải trau dồi nó? Tâm trí nói: Khi chúng ta phải phá huỷ nó, thế thì tại sao lại tạo ra nó? Nếu bạn lắng nghe tâm trí bạn sẽ gặp rắc rối. Tâm trí bao giờ cũng logic còn cuộc sống bao giờ cũng phi logic, cho nên chúng chẳng bao giờ gặp nhau. Đây là logic đơn giản, toán học thông thường, rằng nếu bạn định phá huỷ ngôi nhà này, thế thì sao lại xây nó? Tại sao lại có toàn bộ cái rắc rối này? Tại sao lại có cố gắng này và lãng phí thời gian và năng lượng? Ngôi nhà không có đó, vậy sao phải xây nó thế rồi phá nó?
Ngôi nhà không phải là vấn đề thực sự - bạn mới là vấn đề. Xây ngôi nhà bạn sẽ thay đổi, và thế rồi phá huỷ ngôi nhà bạn sẽ thay đổi hoàn toàn, bạn sẽ không còn như xưa nữa - bởi vì việc tạo ra ngôi nhà, toàn bộ quá trình của nó sẽ chứng tỏ trưởng thành của bạn. Thế rồi khi ngôi nhà đã sẵn sàng bạn kéo đổ nó. Điều đó sẽ là chuyển hoá.
Tâm trí là logic còn cuộc sống là biện chứng. Tâm trí chuyển theo đường thẳng đơn giản còn cuộc sống chuyển động bao giờ cũng nhảy từ cực nọ sang cực kia, từ điều này sang chính điều đối lập. Cuộc sống là biện chứng. Làm ra, và thế rồi cuộc sống nói: Phá đi! Được sinh ra, và thế rồi cuộc sống nói: Chết đi! Đạt tới, và thế rồi cuộc sống nói: Mất đi! Trở nên giầu có, và thế rồi cuộc sống nói: Nghèo đi! Hãy lên tới đỉnh, đỉnh Everest của bản ngã, và rồi trở thành vực thẳm của vô ngã. Thế thì bạn biết được cả hai - cả ảo tưởng lẫn hiện thực, cả ảo vọng và Brahman.
Gần như mọi ngày điều ấy đều xảy ra, ai đó tới để được điểm đạo mang tính sannyas và thế rồi tâm trí người đó bắt đầu vận hành và người đó nói với tôi: Mặc áo thụng da cam làm cho tôi có nhiều bản ngã hơn bởi vì thế thì tôi sẽ cảm thấy rằng tôi là ai đó khác, phân biệt - tôi là một sannyasin, người đã từ bỏ. Cho nên mặc áo da cam làm cho tôi thêm bản ngã, người đó nói, và tôi nói với người đó: Cứ trở thành điều đó đi! Cứ trở thành bản ngã đi, nhưng có ý thức.
Bản ngã là bệnh tật nếu bạn vô ý thức về nó, nếu bạn che dấu nó trong vô thức. Bản ngã là trò chơi nếu bạn ý thức về nó. Bạn có thể tận hưởng nó. Bạn có thể chơi nó. Có ý thức đi, lưu tâm, và chơi trò chơi này. Trò chơi cũng chẳng tồi, nhưng khi bạn quên rằng nó là trò chơi và trở thành quá nghiêm chỉnh thế thì vấn đề nảy sinh.
Cho nên tôi nói tính chất sannyas không phải là nghiêm chỉnh; nó là trò chơi - trò chơi tôn giáo, tất nhiên. Nó có luật lệ riêng của nó, bởi vì mọi trò chơi đều phải có qui tắc luật lệ; không luật lệ không thể chơi được. Cuộc sống có thể không có luật lệ, nhưng trò chơi không thể không có luật lệ.
Nếu ai đó nói: tôi không định tuân theo luật lệ này - thế thì bạn không thể chơi trò chơi đó. Bạn có thể chơi bài, thế thì bạn phải theo luật chơi. Và bạn không bao giờ nói: Những luật lệ này là tuỳ tiện, giả tạo, tại sao chúng ta không thể thay đổi được chúng? Bạn có thể thay đổi chúng, nhưng thế thì trò chơi sẽ khó khăn. Và nếu mọi cá nhân đều theo luật lệ của riêng mình, thế thì trò chơi là không thể được.
Cuộc sống là có thể! Bạn có thể chơi tuỳ thích vì cuộc sống chẳng bao giờ tin vào luật lệ - nó nằm ngoài các luật lệ. Nhưng trò chơi phải có luật lệ. Nhớ lấy, bất kì khi nào bạn thấy có luật lệ, ngay tức khắc biết rằng đấy là trò chơi. Đây là tiêu chuẩn: bất kì khi nào bạn thấy có luật lệ, ngay lập tức biết đây là trò chơi, bởi vì trò chơi tồn tại qua luật lệ.
Cho nên nếu tôi nói: Mặc áo da cam, cầm tràng hạt - đấy là trò chơi, hiển nhiên. Chơi thật tận tâm tận lực - và đừng coi đó là điều nghiêm chỉnh, nếu không bạn sẽ bỏ lỡ vấn đề. Là bản ngã - hoàn hảo, được vun đắp, được trau chuốt. Cứ làm việc trên bản ngã của bạn và làm cho nó thành bức tượng đẹp, bởi vì trước khi bạn trả lại nó cho sự tồn tại, nó phải là cái gì đó đáng giá đem tặng, nó phải là một món quà.

Osho kính yêu,
Thầy đã nói rằng nhiều năng lượng là cần để đạt tới phép luyện vàng bên trong.
Xin thầy hãy nói cho chúng tôi về năng lượng: làm sao chúng tôi có thể xây dựng được nó, và làm sao chúng tôi có thể giữ được nó? Bằng cách nào chúng tôi để mất nó và liệu chúng tôi có thể lấy lại nó từ các nguồn bên ngoài không?
Điều đầu tiên: bạn là một phần của năng lượng vô tận, một con sóng trong đại dương vô hạn. Nếu bạn có thể nhớ được điều này, bạn chẳng bao giờ mất năng lượng cả, bởi vì nguồn vô tận bao giờ cũng có sẵn. Bạn chỉ là một con sóng, và sâu bên trong là đại dương ẩn mình.
Bạn được sinh ra - ai trao cho bạn sự sinh thành? Ai trao cho bạn năng lượng để đi vào thân thể này? Ai trao năng lượng vào thân thể này để nó trở thành một cơ cấu, một tổ chức tự động, tinh vi? Trong bẩy mươi hay tám mươi năm, hay thậm chí một trăm năm, thân thể này vẫn tiếp tục sống. Và bây giờ các nhà khoa học nói rằng cái chết là tai nạn thôi, thân thể có thể tiếp tục vô hạn. Các nhà khoa học nói không cần cái chết tồn tại. Nó tồn tại bởi vì chúng ta không có khả năng dùng được năng lượng vô hạn quanh mình.
Cho nên điều đầu tiên phải nhớ là: bạn là một phần của năng lượng vô hạn. Liên tục nhớ điều đó và cảm thấy điều đó. Di chuyển, bước đi, ăn, ngủ - cảm thấy bạn là vô hạn. Đây là điều Upanishad nói: luôn luôn cảm thấy bạn là Brahman, cái vĩnh hằng. Nếu bạn có thể cảm thấy điều này ngày càng nhiều, bạn sẽ trở nên nhận biết rằng bạn không mất năng lượng nào cả. Cội nguồn trở thành có sẵn. Bạn trở thành phương tiện. Thế thì làm bất kì điều gì bạn muốn. Bằng việc làm, không ai mất năng lượng cả.
Đây là một trong những ảo tưởng của tâm trí con người, rằng nếu bạn làm cái gì đó, bạn mất năng lượng. Không. Nếu bạn có ý tưởng này, rằng làm điều gì đó, mình mất năng lượng, thì bạn mất năng lượng thật, không phải bởi việc làm mà bởi việc có ý tưởng đó. Bằng không, chính thông qua việc làm bạn có thể thu được năng lượng - nếu bạn có ý tưởng này. Nếu bạn không có ý tưởng nào, thế thì cũng chẳng năng lượng nào bị mất.
Khi mọi người về hưu họ bắt đầu nghĩ rằng bây giờ họ có ít năng lượng nên họ phải nghỉ ngơi và thảnh thơi nhiều hơn; họ không nên làm gì, nếu không năng lượng của họ bị mất. Và thế thì họ chết sớm hơn là họ sẽ phải chết. Các thống kê nói rằng thời gian sống bị rút lại quãng mười năm: một người đang làm việc có thể sống đến bẩy mươi; về hưu, người đó sẽ chết lúc sáu mươi.
Thân thể bạn là cỗ máy phát điện. Bạn càng dùng nó nhiều, càng nhiều năng lượng từ nguồn vô hạn lại được cung cấp. Nếu bạn không dùng nó, không có nhu cầu cấp năng lượng mới. Thế thì dần dần nguồn cung cấp dừng lại. Càng nhiều hoạt động và bạn sẽ có nhiều năng lượng. Càng ít hoạt động và bạn sẽ mất nhiều năng lượng. Qua hoạt động mà năng lượng không mất đi, qua hoạt động bạn làm mới nó. Bạn dùng năng lượng, thế thì từ cội nguồn, nhiều năng lượng hơn trở thành sẵn có cho bạn.
Nhìn vào cây cối. Mặt trời lên và nước bắt đầu bốc hơi qua lá trên cây. Khoảnh khắc lá bắt đầu bốc hơi, nước mới tuần hoàn từ rễ lên. Đó là một quá trình dài. Lá nhả nước ra, thế rồi ngay gần lá việc khô ráo phát sinh. Sự khô ráo đó lập tức hút nước từ cành nhỏ; thế rồi cành nhỏ bị khô đi, cành nhỏ lại hút nước từ cành cây. Việc này tiếp tục xuống tới rễ; thế rồi rễ hút nước từ đất. Nếu lá nghĩ: Nếu ta cho bay hơi nước ta sẽ chết, ta sẽ cảm thấy khát - thì cây sẽ chết, bởi vì thế thì cội nguồn mới sẽ không có sẵn, thế thì rễ sẽ không có khả năng vận hành.
Bạn cũng có gốc rễ ở vô tận. Khi bạn dùng năng lượng bạn hút năng lượng từ cái vô tận. Gốc rễ của bạn bắt đầu hoạt động. Một hoang tưởng trong tâm trí con người là thông qua hoạt động chúng ta mất năng lượng. Không. Càng hoạt động, bạn càng sẽ có nhiều năng lượng; càng ít hoạt động, càng ít năng lượng. Và điều này đúng cho mọi chiều hướng cuộc sống. Càng yêu nhiều bạn càng có nhiều tình yêu để cho. Trở thành người keo kiệt và nghĩ: nếu mình yêu nhiều, thế thì tình yêu của mình sẽ tiêu tán, sớm hay muộn mình sẽ không còn tình yêu nào nào nữa, cho nên tốt hơn cả là gìn giữ nó. Thế thì tình yêu của bạn sẽ chết và bạn sẽ không có khả năng để yêu.
Yêu, và nhiều tình yêu trở thành sẵn có; dùng nhiều và bạn có nhiều. Đây là luật của cuộc sống. Bạn có thể ăn chiếc bánh và lại có nó nữa. Từ bi, tình yêu, hoạt động, bất kì chiều hướng nào, cùng luật này đều áp dụng được. Bất kì cái gì bạn muốn nhiều hơn, cứ làm cùng điều đó. Nếu bạn muốn trở thành cội nguồn tình yêu vô hạn, thế thì cứ chia sẻ tình yêu nhiều nhất có thể được. Đừng là người keo kiệt; chỉ người keo kiệt mới mất năng lượng. Và tất cả chúng ta đều là người keo kiệt, đó là lí do tại sao chúng ta bao giờ cũng cảm thấy bị tiêu tán.
Nhưng ý tưởng này có thể là nguy hiểm, độc hại. Nếu bạn có một ý tưởng, thì ý tưởng đó vận hành. Tâm trí làm việc thông qua thôi miên. Chẳng hạn, chỉ mới vài thập kỉ trước đây trên toàn thế giới người ta dạy rằng bạn có một lượng hữu hạn năng lượng dục. Bạn làm tình, năng lượng bị mất đi. Ý tưởng đó tạo ra những người keo kiệt dục trên khắp thế giới. Toàn bộ ý tưởng này là hoang tưởng. Nhưng nếu bạn mang ý tưởng đó trong tâm trí mình, thế thì bất kì khi nào bạn làm tình bạn cũng liên tục thôi miên mình rằng bạn đang mất năng lượng. Thế thì năng lượng bị phí hoài. Ý tưởng này trở thành hằn sâu trong tâm trí bạn. Và rồi khi bạn làm tình, bạn mong manh, dễ tiếp nhận, bạn mềm yếu đến mức phải nói là bất kì điều gì bạn nghĩ cũng hằn sâu vào bạn. Và thế thì hậu quả đi theo sau: bạn cảm thấy bị tiêu tán, bạn cảm thấy năng lượng bị mất. Và khi bạn cảm thấy bị tiêu tán và năng lượng bị mất thì ý nghĩ cũ lại càng được làm mạnh thêm. Điều này trở thành cái vòng luẩn quẩn.
Bây giờ các nhà khoa học, các nhà sinh học nói rằng dục là năng lượng vô hạn. Bạn không thể mất nó, vì hàng ngày nó được tạo ra từ thức ăn, từ hơi thở, từ hoạt động của bạn. Nó được tạo ra. Nó không phải là đồ cất giữ để cho khi bạn lấy ra một lượng đặc biệt thì sẽ mất nhiều, bạn còn lại ít. Không phải như vậy. Nó không phải là thứ gì đó được cất giữ ở đấy, nó vẫn đang được tạo ra vào mọi khoảnh khắc. Nếu bạn không dùng nó, nó thành cũ rích và chết. Nếu bạn không dùng nó, nó sẽ làm cho bạn cũ đi và chết. Thế thì luồng chảy đã dừng. Nhưng nếu bạn cứ tuôn chảy, càng ngày sẽ càng có nhiều năng lượng sẵn có cho bạn.
Jesus nói ở đâu đó - một trong những điều cơ bản nhất ông ấy nói: Nếu bạn cố níu bám cuộc sống, bạn sẽ làm mất nó; còn nếu bạn sẵn sàng mất nó, bạn sẽ có nó càng phong phú.
Trên khắp thế giới này cho đến tận thế kỉ này trẻ con vẫn được dạy rằng mọi việc xuất tinh theo cách nào đó đều rất tai hại: Bạn có thể phát điên, bạn có thể trở thành què quặt; ít nhất trí thông minh cũng bị giảm sút, và có thể còn trở nên hâm hâm hay lập dị, thường hơn cả là bất lực. Điều này hoàn toàn sai! Nhưng việc dạy dỗ đã làm cho nhiều người thành hâm, nhiều người bất lực, nhiều người ngớ ngẩn, lập dị, bởi ý tưởng này... Và đây là quả là một ý tưởng nguy hại thế. Khi đứa trẻ lớn lên và trở nên thành thục, vào độ tuổi mười bốn hay mười lăm, nó thường xuất tinh. Nó không thể làm được gì về việc này. Nó sẽ thủ dâm, hay nếu còn đạo đức quá nhiều thì nó sẽ không thủ dâm nhưng mộng tinh sẽ có đó, trong đêm nó sẽ xuất tinh. Và khắp nơi tuyên truyền vẫn tiếp tục: Nếu bạn xuất tinh thì sẽ mất mọi thứ.
Ở Ấn Độ người ta hay nói - nếu bạn đến gặp các thánh nhân già và tín đồ của họ, thì họ vẫn nói - rằng một giọt tinh có nghĩa bốn mươi ngày làm việc của thân thể. Vậy trong bốn mươi ngày thân thể phải làm việc để tạo ra được một giọt tinh. Cho nên nếu mất đi một giọt tức là bốn mươi ngày của cuộc đời bị phí hoài.
Trẻ nhỏ chẳng biết gì, và chúng rất dễ tiếp nhận. Khi toàn bộ xã hội dạy điều này, chúng sẽ bị thôi miên bởi điều đó. Thế thì chúng không thể làm gì được vì tinh vẫn chảy ra; khi thân thể đã trưởng thành, tinh nhất định xuất ra. Việc dạy dỗ này có trên khắp thế giới và trẻ con không thể nói với ai được rằng chúng đang xuất tinh. Chúng che dấu điều đó. Chúng chịu đựng bên trong, chúng trải qua sự hành hạ thường xuyên. Và chúng nghĩ chúng là các ngoại lệ, bởi vì chúng không thể biết rằng mọi người khác cũng trải qua cùng điều đó, bởi vì không ai kể về điều đó, không ai nói về điều đó. Còn bất kì ai nói về điều đó thì nói chống lại điều đó.
Nhiều người vẫn cứ viết thư cho tôi nói rằng cuộc sống của họ bị lãng phí bởi vì họ mất quá nhiều tinh, họ mất quá nhiều năng lượng dục. Ý tưởng đó rất nguy hiểm, và nếu ý tưởng có đó thì mọi điều sẽ xảy ra. Nó xảy ra qua thôi miên.
Bất kì ý tưởng nào cũng có thể trở nên có ích hoặc gây cản trở. Thật khó mà sống trong vô ý tưởng. Cho nên trước khi bạn có thể đạt tới tâm trí vô ý nghĩ, khi mọi thứ bỗng nhiên trở thành tự phát - trước khi đó, tốt hơn cả là nên có ý tưởng này trong tâm trí: rằng bạn là một phần của năng lượng vô hạn, và bằng việc làm bạn lại thu được, không mất đi năng lượng. Bằng cách cho bạn lại được, không mất đi.
Tình yêu, dục, hoạt động - bất kì cái gì, luôn nhớ và chất đầy ý tưởng rằng bất kì khi nào bạn cho đi thứ gì, từ gốc rễ lại có nhiều thứ hơn sẵn có cho bạn, nhiều thứ hơn được trao cho bạn. Thượng đế là người cho, người cho vô điều kiện.
Nếu bạn cũng là người cho, tay bạn sẽ rỗng không và Thượng đế có thể cho bạn nhiều nữa. Nếu bạn là kẻ keo kiệt, mối quan hệ của bạn với điều thiêng liêng bị cắt đứt. Thế thì bạn sống như một con sóng nhỏ, luôn luôn sợ hãi về mất mát.
Cuộc sống như đại dương. Hãy là đại dương! Đừng bao giờ nghĩ tới mất mát, về mọi thứ. Chẳng cái gì bị mất đi cả, chẳng cái gì có thể bị mất. Và bạn không phải là một cá nhân, bạn chỉ xuất hiện như một cá nhân. Cái toàn thể vẫn đang được nối với bạn; bạn chỉ là một khuôn mặt của cái toàn thể, chỉ là một cách để cái toàn thể xảy ra. Đừng lo nghĩ về nó. Nó chẳng bao giờ đi đến kết thúc. Sự tồn tại này là vô thuỷ và vô chung.
Tận hưởng, hân hoan, hoạt động và bao giờ cũng là người cho. Là người cho toàn bộ đến mức bạn chẳng bao giờ nghĩ về việc giữ lại bất kì cái gì mới là lời cầu nguyện thực duy nhất. Cho là cầu nguyện. Cho là yêu. Và những người có thể cho, họ bao giờ cũng được cho nhiều hơn.
Xem Chương 9 - Quay về Mục lục

Ads Belove Post