Read more
Osho - Thiền: Con đường nghịch lý (Tập 2)
Chương 8. Cuốn sách không trang cuối
Câu hỏi thứ nhất:
Mới hôm nọ ngài nói về những cơ cấu niềm tin. Một trong
những cơ cấu niềm tin của tôi đó là, tôi là người không toàn hảo -và tôi phải
phấn đấu để trở nên toàn hảo. Thực hành theo sls (1) tôi cảm nhận rằng mình đã
là người toàn hảo như tôi bây giờ đây -với đầy đủ giận hờn, tiếc nuối, yêu
thương, thù hận, phiền muộn, chán chường, phòng thủ, và dục tính của mình. Hình
như ngài có lần nói rằng chúng ta đều là những thượng đế mà không hề nhận biết.
Xin làm ơn giải thích về sự toàn hảo của mỗi con người chúng ta.
Điều này cho thấy một cơ cấu niềm tin đã ăn sâu như thế nào,
đã trở thành một bộ phận của vô thức bạn ra sao. Bây giờ thì ngay cả cái ý niệm
về toàn hảo cũng đang đeo đuổi bạn một cách dai dẳng. Thoạt tiên bạn cố gắng để
trở nên toàn hảo, bây giờ thì bạn tin rằng mình đã toàn hảo rồi -thế mà bạn vẫn
chưa buông bỏ được cái ý niệm về toàn hảo.
Thoạt tiên bạn cố gắng để trở nên hoàn toàn hơn bởi vì bạn cảm
nhận rằng mình chưa được hoàn toàn; thế là bạn vẫn còn bám víu vào những ý thức
phân biệt cũ. Bây giờ thì có vẻ như dễ dàng hơn, rẽ tiền hơn khi bạn tin rằng -
bây giờ thì bạn đã hoàn toàn rồi, bạn không cần phải chạy đi đâu nữa. Tuy nhiên
vấn đề vẫn là bạn phải hoàn toàn, phải toàn hảo. Thế thì có gì là sai trái nếu
như bạn không hoàn toàn, không toàn hảo?
Cái "sls" của bạn quả tình chẳng gíúp ích được gì
cho bạn cả! Bạn đã không thể rút ra được một bài học nào từ đó. Bạn vẫn là con
người cũ, không có gì thay đổi; toàn bô cơ cấu niềm tin của bạn đã không hề bị
đụng chạm đến. Và rồi không sớm thì muộn bạn lại cũng sẽ rơi vào những tình huống
khó khăn như cũ. Bởi vì rồi đây bạn cũng sẽ giận dữ, cũng sẽ chán chường, cũng
sẽ phiền muộn -không có cách gì để có thể cho rằng sự giận dữ của bạn là toàn hảo,
hay sự buồn muộn, nỗi chán chường của bạn bây giờ là toàn hảo -vô phương. Không
sớm thì muộn; con rắn cũ trong bạn sẽ duỗi mình thức dậy; bạn sẽ bắt đầu than
khóc trở lại thôi.
Khi bạn đang phiền muộn, bạn sẽ không cố gắng để thoát ra khỏi
cơn phiền muộn này? Khi bạn đang ở trong khổ đau, bạn sẽ không có một nỗ lực nào
để thoát ra khỏi nó? Bạn sẽ hoàn toàn chấp nhận nó? Khi bạn đang chìm ngập
trong một biển tối tăm, bạn sẽ không khởi sự phấn đấu để vươn tới ánh sáng? Mọi
chuyện rồi sẽ trở lại y như cũ; bạn hiện đang làm công việc trì hoãn nó thôi.
Rượu cũng vẫn là thứ rượu cũ trước đây, bạn chỉ thay cái nhãn hiệu trên cái
bình chứa mà thôi, không có gì thay đổi cả.
Đó không phải là thông điệp của tôi. Thông điệp của tôi rất
rõ ràng: Cái gì không hoàn chỉnh mới là tuyệt vời. Thực ra, không hoàn chỉnh là
một đòi hỏi cơ bản của một sinh thể sống động. Cái ngày mà bạn thành toàn, cũng
có nghĩa là bạn đã chết. Toàn hảo là cái chết; bất toàn là sự sống. Không nên
lên án sự bất toàn mà chấp nhận nó như một tình trạng mở. Bất toàn có nghĩa là
mở ra -đang lớn dậy, đang chuyển động, đang sống. Bất toàn có nghĩa là bạn vẫn
sẽ còn có một tương lai, vẫn còn hy vọng, và ngày mai sẽ là một cái gì đó rất mực
hứng thú đợi chờ. Đó là ý nghĩa của bất toàn.
"Bất toàn" không là một danh từ mang ý nghĩa bất xứng
mà được xem như đồng nghĩa với dòng sống đang tuôn chảy. Bởi vì nếu mọi chuyện
đã hoàn tất rồi, bạn sẽ còn đi đâu nữa? Bạn sẽ làm gì đây? "Hoàn tất"
có nghĩa là đã chấm dứt trưởng thành, bạn đã đi đến điểm tận cùng rồi. Những gì
tiềm ẩn nay đã trở thành sự thực -đó là ý nghĩa của hoàn tất. Bây giờ sẽ không
còn gì khác nữa ngoài cái chết.
Bất toàn bao hàm ý nghĩa là còn có rất nhiều khả năng đang
chờ đợi, rất nhiều cái hay ho sẽ được xảy ra. Tôi không hề bảo rằng bạn phải phấn
đấu để cho nó xảy ra, tôi đang nói rằng nó sẽ xảy ra nếu bạn chấp nhận sự bất
toàn của mình, và sống hết mình trong đó. Đây là hai vấn đề khác nhau. Tin rằng
cái bất toàn của bạn chính là một toàn hảo là điều sai lầm hoàn toàn. Cứ việc sống
trọn vẹn hết mình trong từng khoảnh khắc -khi bạn bất toàn, cứ hết mình với cái
bất toàn đó. Chính từ trong cái trọn vẹn, nhất thể với bất toàn này mà bạn khởi
sự lớn dậy.
Tôi cũng không bảo rằng rồi đây bạn sẽ trở nên toàn hảo, bởi
vì cái ngày mà bạn là người toàn hảo, bạn sẽ không còn cần thiết nữa -những kẻ
toàn hảo thường bị đào thải ra khỏi đời sống ngay lập tức. Thế nên đời sống
không bao giờ toàn hảo; nó không ngừng chuyển động. Từ một nhất thể này đến một
nhất thể khác, từ một bất toàn này đến một bất toàn khác, tiếp tục, tiếp tục
mãi không ngừng. Một cách giản đơn, bất toàn chính là đời sống, là sinh động,
là tăng trưởng, tiến hoá. Thế thì tại sao lại cứ đi lên án cái bất toàn? Bây giờ
thì bạn cho là mình đã cảm nhận được rằng "Tôi là người toàn hảo như tôi
bây giờ đây". Không bao giờ cả. Tôi cũng không hề khuyến khích bạn phấn đấu
để trở nên toàn hảo; điều này cũng cùng là một chiếc bẩy giống nhau. Điều tôi
muốn nói với bạn là, bất cứ giây phút nào bạn đang sống, hãy sống trọn vẹn,
toàn bộ với cái khoảnh khắc đó -đây là cách thế duy nhất để sống thực sự.
Nếu bạn đang buồn phiền, hãy sống trọn vẹn trong nỗi buồn
phiền đó. Sống thực sự với nó, đừng có nửa vời. Một khi bạn đã buồn phiền thực
sự, bạn sẽ mau chóng thoát ra. Nếu bạn nửa vời, nó sẽ còn tồn tại dai dẳng mãi.
Chuyện xảy ra, có ai đó vừa mới qua đời. Bạn yêu thuơng chàng
hay nàng rất mực và bây giờ thì người yêu dấu đó đã không còn nữa. Bạn phải buồn
thôi, thực sự đau buồn. Món nợ tình chưa trả. Thế thì cứ việc than khóc, cứ việc
nổi khùng lên. Đừng làm ra vẻ không có gì, đừng làm ra bộ tươi tỉnh. Và cũng đừng
tìm cách tự an ủi mình rằng, bây giờ có làm gì đi nữa cũng vô ích. Nếu bạn cố gắng
tự an ủi mình, mối buồn phiền sẽ kéo dài lâu hơn -có thể hàng năm không chừng.
Đó là lý do tại sao hàng triệu người cứ mãi sống trong buồn khổ như thế. Bởi vì
họ đã không bao giờ thực sự sống sâu sắc với nỗi buồn của mình mà chỉ tìm cách
trì hoãn lại. Khi bạn trì hoãn nó, nó sẽ lắng chìm vào vô thức, đợi chờ đúng thời
điểm sẽ tác động trở lại. Nó trở thành một gánh nặng trĩu luôn đè lên trái tim
bạn.
Thế nên khi nào thấy nó ở đó, hãy trút nó ra. Buồn phiền là
chuyện hoàn toàn đương nhiên, không có gì sai trái cả, vấn đề chỉ là nên như thế
nào. Nếu bạn thực sự chìm ngập vào trong nỗi buồn, nỗi buồn sẽ mau chóng tan
đi, bốc hơi. Bạn đã kinh qua nó, và bây giờ mọi chuyện đã chấm dứt. Bất cứ nỗi
buồn nào -dù lớn lao tới đâu- đã đến với bạn, nó đã đến; bây giờ nó không có
nhu cầu để quanh quẩn chung quanh bạn nữa. Nó sẽ rời xa. Và rồi bạn sẽ thoát ra
khỏi nó, tươi tắn hơn, trẻ trung hơn, sống động hơn. Bạn sẽ hạnh phúc hơn, kinh
nghiệm hơn, chín chắn hơn sau khi kinh qua biến cố buồn đau này.
Một người chưa từng chứng kiến cơn hấp hối của ai đó mà mình
yêu dấu là người chưa thực sự trưởng thành. Ở phương Đông ngạn ngữ đã nói,
"Bạn chưa hề trưởng thành, bạn vẫn còn là một đứa trẻ, cho đến khi nào chứng
kiến cha mình qua đời." Khi chứng kiến người cha thân yêu của mình qua đời,
một cái gì đó cũng chết theo trong tận cỏi lòng bạn. Bởi vì người cha là một phần
đời của bạn, người mẹ là một phần đời của bạn, họ đã cho bạn đời sống. Và rồi tất
cả những người đã cho bạn đời sống đều lần lượt tan biến vào cái chết -cái chết
của bạn rồi cũng sẽ đến thôi, sớm hay muộn.
Trong khi cha mẹ bạn còn sinh tiền bạn có thể tiếp tục tin rằng
bạn sẽ không bao giờ chết. Thế nhưng một khi cha mẹ bạn qua đời, làm sao mà bạn
còn có thể tiếp tục tin rằng mình sẽ không chết? Ngay cả những người đã sinh
thành ra bạn cũng đã không còn nữa, cỗi nguồn đã mất dấu. Gốc rễ đã không còn
-và không sớm thì muộn rồi bạn cũng sẽ biến mất trên cỏi đời này.
Sống trọn vẹn với nó. Hãy than khóc, hãy u sầu, hãy để cho
dòng nước mắt tuôn trào. Trút tất cả tâm can của bạn vào đó. Không có gì để phải
sợ hãi, không có gì để phải thẹn thùng, không có gì để phải bối rối. Nếu bạn có
thể sống một cách trọn vẹn trong đó, bạn sẽ thoát ra một cách chín chắn hơn,
trưởng thành hơn, thực tế hơn, cũng như có khả năng để sống một đời sống hạnh
phúc hơn.
Điều này thoạt nhìn có vẻ như lạ lùng -làm sao mà kinh qua bất
hạnh người ta lại có thể sống hạnh phúc hơn? Vâng, đúng như thế, đây là cách thế
mà đời sống vận hành. Giống như cái quả lắc của đồng hồ -nó lắc qua bên phải, đến
tận cùng bên phải và từ đó nó bắt đầu lắc về phía trái. Trong khi đang chuyển động
về bên phải thì đồng thời nó cũng tích tụ năng lực để lắc về bên trái, và khi
quả lắc đang đi về phía trái cũng tương tự như vậy. Đời sống là một chuyển động
giữa hai bờ đối nghịch; như một dòng sông trôi ở giữa đôi bờ.
Nếu bạn thực sự sống sâu sắc trong nỗi buồn thì rồi bạn cũng
sẽ chìm ngập trong nỗi hạnh phúc sâu sắc y như thế. Con người khốn khổ, con người
không hạnh phúc là vì họ không chấp nhận nỗi bất hạnh của mình. Một khi họ
không chấp nhận những nỗi bất hạnh của mình thì đồng thời họ cũng không chấp nhận
luôn cả hạnh phúc. Cái độ lắc sẽ có một tỉ lệ đối xứng -nếu nó chuyển động một
dặm về phía buồn đau, thì nó cũng sẽ chuyển động một dặm về hướng hạnh phúc. Nó
sẽ luôn luôn có tỉ lệ cân đối; đời sống do đó mà tiếp tục thăng bằng. Nếu bạn
có thể đi mười dặm đường vào nỗi buồn đau thì bạn cũng sẽ đi mười dặm đường vào
cơn hạnh phúc -giống y như thế.
Thế nên cứ sống một cách trọn vẹn cho dù bất cứ chuyện gì xảy
ra. Tôi không nói là sống trong toàn hảo, bởi vì đây là hai chuyện hoàn toàn
khác nhau. Bạn sống trọn vẹn, có nghĩa là bạn không cần đến bất cứ một khuôn mẫu
lý tưởng nào. Trong khi bạn khởi sự sống như một người toàn hảo, có nghĩa là bạn
cần đến một mẫu mực lý tưởng.
Cụ thể như, nếu bạn đang khóc một cách trọn vẹn có nghĩa là
khóc với tất cả trái tim mình, với tất cả nỗi cảm xúc của bạn. Còn nếu bạn là một
người khóc thật toàn hảo, bạn sẽ nhìn chung quanh -"Ai là người khóc toàn
hảo hơn cả? Tiếng khóc của ai thảm thiết hơn? Ai là bậc thầy về khóc ở
đây?" Rồi bạn sẽ chạy tìm đến ông thầy này, học hỏi những kỹ thuật của ông
ta, biến ông ta thành thần tượng. Nước mắt nên nhiều hay ít? Chảy ra như thế
nào? Thế là bạn học hỏi cả nghệ thuật lẫn kỹ thuật để có thể nhỏ ra thật nhiều
nước mắt. Nhưng đó thật ra chỉ là đồ giả. Cái toàn hảo luôn luôn là đồ giả -bạn
đang bắt chưóc theo mà thôi. Bởi vì hoàn hảo cần đến một thần tượng, một khuôn
mẫu lý tưởng, và rồi từ những thần tượng này đã đẻ ra những kẻ bắt chước.
Cái trọn vẹn là của chính bạn, cái toàn hảo là đồ vay mượn
-căn bản khác nhau như thế. Bạn học từ người khác để trở nên toàn hảo. Nếu bạn
muốn trở thành một người toàn hảo, bằng cách nào để bạn sẽ trở thành một người
như thế? Đức Phật, Mahavir, Krishna, Chúa Giêsu sẽ trở thành những thần tượng của
bạn: Noi theo gương của Chúa Giêsu và rồi bạn trở thành một con chiên toàn hảo.
Noi theo gương của Đức Phật và rồi bạn trở thành một Phật tử toàn hảo. Thế
nhưng bạn có thể làm được gì? Nếu bạn muốn trở thành như một ông Phật thì bạn
cũng sẽ chỉ là một mô phỏng, một hình nộm bằng nhựa; bạn sẽ không bao giờ là một
ông Phật thật sự. Bạn không thể nào là một vị Phật, một vị Phật chỉ xảy ra một
lần thôi. Một hiện sinh không bao giờ là một lập lại -một hiện sinh luôn luôn
tăng trưởng trong một chiều kích mới, một sinh thể mới. Công việc của bạn sẽ chỉ
là lừa gạt chính mình, lừa gạt mọi người, và cái hiện sinh đó sẽ không bao giờ
tha thứ cho bạn chuyện này.
Bạn chỉ có thể là chính bạn mà không là ai khác; đó là cái
khuôn mẫu lý tưởng của tính trọn vẹn, nhất thể. Còn nếu bạn bắt chước theo ai
đó thì rồi bạn sẽ cố gắng sống y như người đó, bạn chỉ là kẻ chạy theo đuôi
toàn hảo. "Toàn hảo" là một danh từ dơ bẩn: hãy quẳng nó đi. Đó là một
trong những cái từ nguy hiểm nhất đã được nhân loại sử dụng. Hãy liệng bỏ nó và
sống trọn vẹn.
Trọn vẹn không phải là một mẫu mực lý tưởng nằm ở đâu đó
trong tương lai. Nó hiện hữu tại đây. Trong khi bạn giận dữ, cứ việc giận dữ thật
sự-đó là một phần của cuộc sống. Từ cơn giận, lòng từ phát sinh. Khi bạn yêu
đương, cứ thật sự yêu đương -bởi vì từ tình dục sẽ tỏa hương thơm phạm hạnh
-brahmacharya, độc thân. Luôn luôn có những đối nghịch như thế.
Bạn nói rằng: Tôi cảm nhận rằng mình đã là người toàn hảo
như tôi bây giờ đây. Không, không bao giờ, và không ai là như thế cả. Dòng hiện
sinh không bao giờ khô cạn, tiềm lực là vô tận, không thể nghĩ bàn. Thế nên khi
tôi nói rằng các bạn là những thượng đế, tôi muốn nói lên điều gì đây? Tôi
không hề nói rằng bạn toàn hảo; ngay cả những thượng đế cũng không hề toàn hảo
-bởi vì đó là những thượng đế sống. Tôi đã có ngụ ý gì khi bảo rằng các bạn là
những thượng đế? Tôi muốn nói lên một điều rằng cái khả năng, tiềm lực của bạn
là vô tận. "Thượng Đế" có nghĩa là tiềm năng vô tận -bạn cứ tiếp tục
tăng trưởng mãi, tăng trưởng không ngừng, không hề có hạn điểm. Bất cứ nơi đâu
bạn hiện hữu, bạn vẫn tiếp tục tăng trưởng không ngừng.
Cái chết không bao giờ xảy ra. Đó là tất cả ý nghĩa khi tôi
nói rằng các bạn là những thượng đế, tức là không bao giờ chết. Kinh Vệ Đà nói
rắng: amritasya putrah -ngươi là những đứa con của bất tử, không bao giờ chết.
Bạn phát xuất từ nước cam lồ, được tạo thành bởi cùng một chất liệu với nước
cam lồ -amritasya putrah. Bạn là những đứa con trai, con gái của Thượng Đế -điều
này chỉ có một ý nghĩa đơn giản rằng tiềm năng của bạn là bất tận, không bao giờ
bị khô cạn. Dù bạn trở thành bất cứ cái gì đi nữa, bạn sẽ lại tìm thấy những
cánh cửa mới rộng mở, những đỉnh cao mới thách thức, những cuộc phiêu lưu mới
chờ đón, những chiều kích mới mời gọi ở phía trước, hấp dẫn, khích động. Ta
không bao giờ đi vào ngỏ cụt.
Đó là ý nghĩa khi tôi gọi các bạn là những thượng đế. Thượng
Đế ở đây không hàm ý toàn hảo mà đơn giản là cái năng lượng luôn luôn chuyển động.
Trong mỗi phút giây, bạn có thể là nhất thể. Và từ một nhất thể, trọn vẹn này bạn
có thể trôi tuột vào một nhất thể, trọn vẹn khác; từ một cái trọn vẹn này giúp
bạn trở thành nhất thể ở một khoảnh khắc khác. Nếu bạn đang giận dữ một cách trọn
vẹn, thì rồi bạn cũng sẽ yêu thương một cách trọn vẹn - cái trọn vẹn trong cơn
giận giúp bạn sống trọn vẹn trong thương yêu.
Bạn không bao giờ hoàn toàn; không có cái gì hoàn toàn cả.
Đó là lý do tại sao vạn hữu đang tăng trưởng, đó là lý do tại sao có những tiến
hoá không ngừng. Thượng Đế đối với tôi là một ý niệm về tiến hoá. Tôi không nói
đến những thượng đế của người khác -những xác ướp khô héo. Nếu bạn hỏi một người
Ấn Độ giáo, y sẽ cho rằng Thượng Đế là toàn hảo. Nhưng toàn hảo có nghĩa là chết.
Nếu bạn hỏi tiếp, "Thế thì ông ta toàn hảo bao lâu rồi?", chắc chắn
là họ sẽ khó khăn khi trả lời. Nếu họ nói rằng ông ta luôn luôn toàn hảo, như vậy
có nghĩa là ông ta đã chết; ông ta chưa hề được sinh ra. Thế thì Nietzsche đã rất
đúng khi nói rằng "Thượng Đế đã chết". Những thượng đế hoàn hảo là những
thượng đế chết.
Thượng Đế, nếu hiện hữu, phải là người bất toàn như chúng
ta. Như vậy thì có gì khác nhau giữa bạn và Thượng Đế? Ông ta hiệp nhất, còn bạn
thì không. Ông ta chấp nhận những bất toàn của mình, còn bạn thì không, bạn cứ
luôn chống đối chuyện đó. Đó là sự khác biệt. Sự khác biệt không phải là ở chỗ
toàn hảo, sự khác biệt là ở trong việc chấp nhận. Bạn phản kháng, bạn chống đối,
bạn thu dấu, bạn phòng thủ, bạn luôn luôn khép kín, sợ hãi. Bạn không bao giờ
thể nhập vào bất cứ cái gì một cách thực sự, luôn là kẻ ngoại cuộc -lo lắng, sợ
hãi, kinh hoàng, sẵn sàng để bỏ chạy trước một cái gì đó quá sức mình. Bạn chỉ
tham gia một cách chừng mực, giới hạn.
Chỉ có một khác biệt duy nhất giữa bạn và Thượng Đế: Ông ta
thể nhập vào mọi chuyện một cách hoàn toàn. Khi Thượng Đế nhảy múa, người ta
không hề thấy có bóng dáng của người nhảy mà chỉ vũ điệu -ông ta thể nhập hoàn
toàn vào đó. Khi Thượng Đế thương yêu, ta không thấy bóng dáng của người thương
yêu, tất cả còn lại chỉ là một yêu thương đơn thuần -ông ta thể nhập trọn vẹn
vào đó. Bạn không bao giờ sống một cách trọn vẹn Bạn là bất toàn, vạn hữu đều bất
toàn -những cây cối, chim chóc, bầu trời chung quanh đây, tất cả mọi thứ đều bất
toàn. Tuy nhiên xin hãy nhớ cho, khi nói đến hai chữ "bất toàn", tôi
không hề bao hàm ý nghĩa một sự lên án, tôi vẫn luôn ca ngợi đời sống, trân quý
từng mỗi một nhịp đập của đời sống.
Bây giờ bạn nêu lên câu hỏi: Hình như ngài có lần nói rằng
chúng ta đều là những thượng đế mà không hề nhận biết. Xin làm ơn giải thích về
sự toàn hảo của mỗi con người chúng ta. Một lần nữa, bạn lại tiếp tục bị rối loạn
thần kinh chức năng nữa rồi. Kẻ cầu toàn là người bị rối loạn thần kinh chức
năng. Nếu bạn muốn tránh khỏi căn bệnh này, bạn sẽ phải buông bỏ ý niệm về toàn
hảo - cái ý niệm này ngay từ căn bản là một cấu trúc điên khùng. Từ đó bạn mới
có thể bắt đầu cảm nhận được rằng tất cả mọi sự việc đều tốt đẹp y như chúng hiện
bày. Điều này cũng không bao hàm ý nghĩa là sẽ chẳng có gì thay đổi. Không phải
vậy, vạn hữu đang thay đổi, là một dòng chảy liên tục. Không có gì được duy trì
ngoài sự đổi thay, vạn hữu không ngừng thay đổi. Thế nên, ngay tại khoảnh khắc
này một chuyện được xem là đúng, nhưng ở một khoảnh khắc khác thì một chuyện
khác lại đúng hơn. Đời sống tiếp tục thay đổi không ngừng. Thế nên một người
không hề có bất cứ thần tượng nào sẽ đáp ứng với những đổi thay này trong từng
khoảnh khắc một cách trọn vẹn.
Câu hỏi thứ hai:
Chân lý là một khám phá hay là một phát minh?
Không cả hai.
Có lần khi lên tiếng về một phát biểu của Isaac Newton,
"mục đích của nhà khoa học là đi băng qua những đại dương chưa biết, và
khám phá ra những hải đảo của sự thật", Jerome Bruner đã lớn tiếng phản
bác: "Vô nghĩa, mục tiêu của nhà khoa học là đi băng qua những đại dương
chưa biết, và phát minh ra những hải đảo của sự thật!"
Điểm nhấn mạnh ở đây -Isaac Newton thì cho là "khám
phá" còn Jerome Bruner thì cho là "phát minh". Còn tôi thì rất
muốn được nói với Bruner rằng, Ông Bruner ạ, tất cả đều như cứt. Mục đích của
nhà khoa học là đi băng qua những đại dương chưa biết, và khám phá lại những hải
đảo của sự thật. Không phải là khám phá hay phát minh.
Khám phá có nghĩa là "lần đầu tiên". Đây là điều
ngu xuẩn. Những sự thật bất di bất dịch đã có từ ngàn xưa -tất cả những chân lý
mà lần hồi chúng ta biết đều chỉ là những khám phá lại. Chúng đã được khám phá
ra nhiều lần trước đây, thế rồi chúng ta chán ngấy và quên lãng đi. Hoặc giả là
nó trở nên quá tải, hay trở nên nhàm chán, nên chúng ta quên mất chúng. Nhưng rồi,
vài thế kỷ sau đó, chúng ta khám phá nó trở lại. Chân lý, như vậy không hề là một
cái gì đó được khám phá ra lần đầu mà là được khám phá trở lại, lần này qua lần
khác. Chân lý là vĩnh cửu. Chúng ta có thể bỏ rơi nó -đây cũng là chuyện rất tự
nhiên đối với tâm thức con người, rất chóng nãn. Thế nhưng một khi chúng ta đã
quên rồi thì cái cũ lại trở thành cái mới.
Đây là điều mà các sử gia cũng đã từng đề cập đến. Chẳng hạn
như, chúng ta đang sống trong thời đại nguyên tử, những sự thật liên quan đến
nguyên tử là rất mực quan trọng. Đây là một trong những khám phá lớn nhất của
nhân loại -tuy nhiên đây không phải là điều mới mẻ. Trong dòng triết học Hy Lạp,
Democritus đã từng đề cập đến vấn đề này trong "Eunon". Tại Ấn Độ,
Mahavira cũng đã từng nói đến, và ngay cả trước Mahavira, cũng đã có người nhắc
nhở đến khái niệm này -nói nhiều đến độ mà tên của ông ta được gọi là "Kanad",
có nghĩa là "nhà nguyên tử." Toàn bộ hệ thống triết học của ông ta đều
xoay chung quanh vấn đề nguyên tử.
Và bây giờ chúng ta sẽ lại lần hồi quên đi. Một vài thế kỷ
sau, Einstein sẽ rơi vào quên lãng -như Kanad đã bị lãng quên, như Democritus,
như Mahavira. Một khi chúng ta đã quên, nếu chúng ta lại rơi tỏm vào cái sự thật
này một lần nữa, chúng ta gọi nó là "khám phá".
Isaac Newton đã sai lầm, chân lý không hề là một khám phá.
Và Bruner cũng sai luôn khi cho rằng chân lý là một phát minh. Chân lý không thể
là một phát minh. Tuy nhiên tôi hiểu điều Bruner muốn nói, ông ta hàm ý rằng tất
cả những sự thật đều là sản phẩm do con người sáng tạo ra, những sản phẩm do
tâm tạo. Chúng ta tạo ra chúng chứ thật ra chúng không hề hiện hữu. Chúng ta
hình dung ra chúng như thế -và, đó là một tưởng tượng hư cấu. Dĩ nhiên ông ta
cũng có một vài điểm hữu lý, bởi vì chúng ta cứ không ngừng tiếp tục thay đổi sự
thật. Mà sự thật thì không thể thay đổi, chỉ có óc tưởng tượng của chúng ta là
thay đổi, và cứ mỗi lần thay đổi như thế, chúng ta lại nói đến một chân lý
khác.
Như vậy, theo Bruner, tất cả mọi sự thật đều là những sáng
chế của tâm. Thế nhưng nếu sự thật là một vật sáng chế của tâm thì tôi cũng lại
xin được hỏi Bruner, "Ông sẽ nói gì về giả trá, hư vọng?" Phải chăng sự
thật và giả trá đều có ý nghĩa như nhau? Một sự giả trá cũng là một sáng chế. Một
ảo ảnh cũng là một sáng chế -là sản phẩm do tâm tạo. Và rồi giấc mơ cũng là một
sáng chế -một phóng chiếu của tâm. Như vậy thì sự khác nhau giữa sự thật và hư
vọng là gì? Theo Bruner, sẽ chẳng có gì khác nhau cả; tất cả đều do tâm tạo.
Tuy nhiên vẫn có sự phân biệt. Đó là lý do tại sao tôi cho rằng
chân lý không phài là một khám phá cũng không phải là một sáng chế mà là một
khám phá trở lại. Và chân lý cũng không phải là một sản phẩm do tâm tạo -bởi vì
chân lý chỉ hiện bày khi tâm ngưng vận hành. Đó là lý do tại sao tôi không gọi
những chân lý khoa học là "chân lý;" chúng chỉ là những dữ kiện.
Chỉ có những chân lý tín ngưỡng mới là chân lý; chúng không
phải là những dữ kiện. Bởi vì nhà khoa học không hề rời xa cái tâm. Y làm việc
thông qua cái tâm, gắn bó với cái tâm của mình -một cái tâm đang loay hoay tìm
kiếm.
Chân lý của tôn giáo là một chân lý rốt ráo, một chân lý thuần
khiết -không hư vọng, không hề dính líu gì đến cái tâm. Và điểm then chốt của tất
cả mọi tôn giáo là buông bỏ cái tâm này. Đó là những gì mà ta gọi là thiền định
-tức là dẹp cái tâm qua một bên để nhìn. Một cái nhìn không tâm, nhìn mà không
có cái cơ cấu vận hành của tâm. Không có tâm ở đó thì không thể có tạo tác -bởi
vì người tạo tác đã biến mất rồi. Không có tâm ở đó thì không có chuyện tâm tạo.
Nhìn xuyên suốt vào vạn hữu - không niệm, không định, hoàn toàn vô niệm. Nhìn một
cách rỗng không.
Khoa học khám phá những dữ kiện. Dữ kiện thì có hàng triệu
thứ -đó là lý do tại sao trong khoa học sự thật không hề là số ít mà là số nhiều.
Có rất nhiều sự thật, vô số kể. Sinh học có sự thật của sinh học, hoá học, vật
lý, toán học cũng thế -vân vân và vân vân. Có rất nhiều sự thật như thế là vì
có rất nhiều tâm.
Tôn giáo nói đến một chân lý duy nhất. Không phải là đa chân
lý mà là một -nhất thể. Bởi vì khi cái tâm đã được buông bỏ, bạn sẽ không còn bị
chia cách với tổng thể nữa, bạn hợp nhất với tổng thể. Trong cái ý thức phổ
quát đó, trong cái pháp giới rộng khắp đó, bất cứ cái gì ta biết đến đều là
chân lý. Nó không bao giờ thay đổi, nó vẫn luôn như vậy.
Những gì mà Đức Phật đã khám phá ra, cũng giống y như Chúa
Giêsu khám phá ra sau này -chỉ là sự khám phá lại. Những gì mà Chúa Giêsu khám
phá lại cũng tương tự như những gì mà Eckhart khám phá -cũng chỉ là sự khám phá
lại. Những khám phá của Eckhart cũng giống y như thế. Hàng triệu thánh nhân
trên thế gian này cũng đã khám phá ra những điều tương tự nhau -Phật giáo, Hồi
giáo, Ấn giáo, Cơ Đốc giáo, Do Thái giáo, Sufis, Hassids, và Thiền gia- tất cả
đều khám phá ra những điều giống nhau, lập đi lập lại.
Mỗi một cá nhân đơn độc tiếp cận với nó; lại khám phá ra nó
một lần nữa. Thế nhưng những gì mà y khám phá ra cũng tương tự với cái biết phổ
quát, cũng là satchitanand -cực lạc, chân lý, ý thức. Nó đều giống nhau -thế
nhưng khi bạn bắt đầu diễn tả về nó, đề cập về nó, nó trở thành khác biệt.
Trước tiên là ngôn ngữ khác biệt - Chúa Giêsu nói tiếng
Aramaic, Đức Phật nói tiếng Pali, Mahavira nói tiếng Prakrit, Huệ Năng nói tiếng
Trung Hoa, Eckhart nói tiếng Đức, Rinzai nói tiếng Nhật, vân vân và vân vân.
Đây là những khác biệt về ngôn ngữ. Và tất cả điều mà bạn gọi là ba trăm tôn
giáo trên trái đất này chẳng là gì cả ngoại trừ sự khác biệt về ngôn ngữ. Họ sử
dụng những dụ ngôn khác nhau, tự nhiên thôi. Họ biết những dụ ngôn khác nhau thế
nên họ dùng những dụ ngôn khác nhau.
Đức Phật dĩ nhiên không thể nói chuyện như một nhà tiên tri
trong Áo Nghĩa Thư -không thể nào. Ngài biết những ngụ ngôn khác, những ẩn dụ
khác vốn dĩ gần gũi với trái tim của mình hơn. Áo Nghĩa Thư biết đến một loại
ngôn ngữ khác, một biểu tượng khác biệt.
Chúa Giêsu có một thế giới ngôn ngữ khác. Chúa là một người
thợ mộc -ngài nói chuyện như là một ông thợ mộc, rất mực thực tế. Ngôn ngữ của
ngài mang hương vị của đất, phảng phất mùi vị của gỗ, của cây. Đức Phật không
thể nói chuyện theo cách như thế, ngài là một vị hoàng tử con vua. Ngài chưa hề
biết đến chuyện cây cỏ, đất đai đồng áng, ngài chỉ sống trong những lâu đài,
lên xe xuống ngựa. Ngài nói chuyện với một cung cách khác, dĩ nhiên thôi -ngài
được nuôi dưỡng trong một môi trường khác, có một hình tượng khác. Ngài nói
chuyện như là một ông vua -rất mực văn hoá, rất mực tế nhị. Thế nên Chúa Giêsu
có sức lôi cuốn hơn là Đức Phật, bởi vì trên thế gian này, người dân thường thì
đông đảo hơn là những ông vua.
Chỉ có một số ít người có thể hiểu được Đức Phật, còn Chúa
Giêsu thì có thể được hiểu bởi bất cứ ai, bởi tất cả mọi người. Người nghèo hèn
nhất trên thế gian này cũng có thể hiểu được Chúa Giêsu, bởi vì ngài nói bằng
ngôn ngữ của kẻ nghèo hèn nhất. Ngài cũng đã nói chuyện với tất cả những giới
bình dân nghèo khổ -những người đánh cá, nông dân, gái điếm, những người lao động
đầu tắt mặt tối. Nếu ngài nói theo kiểu cách của Phật thì chắc là họ sẽ không
thể nào hiểu nổi. Mà Chúa cũng không thể nói như Đức Phật bởi vì ngài là một
người thợ mộc. Toàn bộ tuổi thơ của Chúa là sống và làm việc trong xưởng mộc của
thân phụ -vác cây, chẻ củi, giúp đỡ cha mình. Ngài thở và cảm nhận cái hương vị
của gỗ. Người thợ mộc đó sống giữa những ngư phủ, nông dân, nói cùng một ngôn
ngữ với họ -những người khách hàng thường xuyên của mình.
Thế nên không phải là chuyện ngẫu nhiên mà trên thế giới này,
đặc biệt là thế giới của những người nghèo khổ, đã có một sức cuốn hút lớn đến
với Chúa Giêsu.
Tại Ân Độ, những người Cơ Đốc đã không thể cải đạo được những
người bà-la-môn. Bạn không thể cải đạo một người bà-la-môn; bởi vì y nói một thứ
ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt. Đối với y, Chúa Giêsu có vẻ như chưa đạt tiêu chuẩn
-còn y, y làu thông kinh sách Vệ Đà, Áo Nghĩa Thư, Gita, Dhammapada; y sống
trong một thế giới của cái tâm rất mực vi diệu. Tuy nhiên người Cơ Đốc đã rất
thành công với đám đông nghèo khổ -những người lao động chân tay, những người
dân quê, những người thiểu số; họ đã rất thành công. Những người này hiểu rất dễ
dàng ngôn ngữ của Chúa Giêsu. Có thể họ đã không hiểu Krishna đang nói cái gì,
ông ta thuyết giảng về triết lý rất mực sâu xa, trong khi Chúa Giêsu chỉ nói về
những dữ kiện hết sức thực tế đời thường. Đây chính là những khác biệt -bằng
không thì họ đã nói đến cùng một thứ thực tại, cùng một chân lý.
Thế nên bất cứ lúc nào một người đạt đến đó, hiểu rõ vấn đề,
thì cũng có nghĩa là cùng một thực tại đó đã được khám phá đi khám phá lại
không biết bao nhiêu lần. Và mỗi người đều phải tự khám phá ra theo cách riêng
của mình. Bạn không thể vay mượn chìa khoá của kẻ khác. Tôi cũng không thể
trao, không thể chuyển nhượng nó cho bạn. Tôi có thể cho bạn biết cái mùi vị của
nó ra sao. Tôi có thể cho bạn biết tôi đã đi đến đó như thế nào, và tôi cũng có
thể nói về cái đạo lộ dẫn đưa đến đó. Tuy nhiên chính bạn sẽ là người phải đi,
sẽ phải là người khám phá ra điều đó. Và một khi bạn đã khám phá ra rồi, ngôn
ngữ của bạn cũng sẽ khác biệt với ngôn ngữ của tôi. Nhất định phải như thế -cái
ngôn ngữ đó là của bạn, nó sẽ mang dấu ấn của bạn. Đó là lý do tại sao lại có
quá nhiều tôn giáo trên thế gian này. Cơ bản, tôn giáo chỉ là một. Nó không thể
là hai; nó đi tìm kiếm cái nhất thể. Đó không phải là một khám phá như Newton
đã nói. Đó cũng không phải là một sáng kiến, phát minh theo cách nói của
Bruner. Đó là một sự khám phá lại.
Ông A nói: Nếu bạn muốn biết chính mình, bạn cần tĩnh tọa.
Tuy nhiên nếu bạn muốn là chính mình, bạn cần phải chuyển động.
Ông B nói: Nếu sự tự chứng ngộ đưa đến sự giác ngộ hoàn
toàn, thì hoạt động chắc phải gắn liền với bóng tối mê mờ.
Ý kiến của ngài như thế nào, thưa ngài Osho?
Tự chứng ngộ không ăn nhập gì với chuyện ngồi yên tĩnh tọa.
Nếu bạn đạt đến tự chứng ngộ bằng cách ngồi yên tĩnh tọa -không chuyển động, bất
động, không sống- thì sự tự chứng ngộ đó chỉ là một chứng ngộ chết.
Tự chứng ngộ phải là một trọn vẹn. Nó phải được ngộ trong
lúc bạn đang ngồi yên cũng như trong lúc bạn đang chuyển động. Nó phải được ngộ
trong lúc bạn đang bất động cũng như trong lúc bạn đang hoạt động. Một người tự
chứng ngộ thực sự sống chan hoà trong cả hai - là một giao thoa đồng bộ. Y vừa
là hoạt động vừa bất động. Ý nghĩa này được gói trọn trong một từ Trung hoa,
wei- wuwei -vi-vô-vi. Vi có nghĩa là làm, là hoạt động, vô có nghĩa là không
-Vi-vô-vi có nghĩa là làm mà không làm.
Đây là sự phân cực: từ làm đến không làm, từ không làm đến
làm. Một người tự chứng ngộ hành hoạt trong cả hai thái cực đối nghịch, thoải
mái trong cả hai. Trong lúc ngồi yên, y ở trong Thượng Đế. Trong khi bước đi, y
ở trong Thượng Đế. Không làm gì cả, y ở trong Thượng Đế. Làm một ngàn lẻ một
chuyện, y ở trong Thượng Đế. Trong chùa y ở trong Thượng Đế, ngay giữa chợ y vẫn
ở trong Thượng Đế.
Tuy nhiên tôi hiểu vấn đề của bạn. Đây là một trong những vấn
đề muôn thuở, nó tạo ra không biết bao nhiêu vấn nạn. Bởi vì có không biết bao
nhiêu người tin rằng nếu bạn sống trong thế gian, bạn không thể nào có được tuệ
giác, bạn không thể nào vươn đến giác ngộ. Từ bỏ thế gian, tránh xa thế gian,
chạy trốn thế gian -đời sống thế gian, cái biển đời náo động đó, làm người ta dễ
bị phân tâm. Thế là người tìm vào Hy Mã Lạp Sơn, ẩn mình trong một hang động
sâu thẳm nào đó. Phải sống như thế, một mình trong cô tịch -chỉ như vậy mới có
thể vươn đến Thượng Đế, Chân Như.
Thế nhưng cái Thượng Đế này là một Thượng Đế rất mực nghèo
nàn. Và cái chứng ngộ Thượng Đế này cũng sẽ là một chứng ngộ rất mực ốm đói,
không phong phú chút nào. Bởi vì khi bạn bất động, sinh thể của bạn sẽ là một
trì trệ, ứ đọng, là một vùng đất chết. Bụi bặm sẽ bám đầy, phủ kín. Bạn sẽ chẳng
khác gì một nơi ao tù, nước đọng -ứ đọng, tù hảm; bạn sẽ không bao giờ tươi trẻ
tinh khôi như một dòng sông đang tuôn chảy. Ngay cả nếu bạn lặng yên, an bình,
bạn cũng sẽ chỉ là một xác chết. Vâng, những tinh tú có thể phản chiếu trên đó,
nhưng bạn sẽ không bao giờ đến được đại dương. Chỉ có dòng sông là sống động
hơn.
Thế nhưng tôi cũng không bảo rằng những ai đang sống giữa chợ
là sẽ chứng ngộ Thượng Đế, Chân Như. Bởi vì nếu trong bạn không là sự tịch
tĩnh, thì chợ đời sẽ là một cái nhà thương điên -nó đã trở thành như thế.
Có hai loại người -mà thực ra họ không phải là kẻ thù của
nhau, nhưng thái độ giống hệt nhau. Một loại tin rằng chỉ có thế gian này là
duy nhất, đây là nơi mà tất cả đời sống hiện bày -vậy hãy sống ở đó. Họ đổ xô đến
những khát vọng, tham cầu, mong ước; làm đủ mọi chuyện -đạt đến, vươn đến, trở
thành cái gì đó. Loại người này, từng bước một, đưa chính mình đến khùng điên.
Loại người thứ hai, nhận thức được rằng tất cả những chuyện
đời đều chỉ là trò điên đảo, họ thoát ly khỏi thế gian này, ngồi lặng yên trong
một hang động nào đó, trí óc trở nên mụ mẫm, trì trệ đi rồi chết. Người ở giữa
chợ đang sống, nhưng không có sự tĩnh lặng, còn người ở trong hang động thì
tĩnh lặng nhưng không còn sống nữa. Cả hai đều là những kẻ lỡ tàu.
Đó là lý do tại sao, đối với những hành giả của tôi, tôi
luôn luôn khăng định: Sống động và đồng thời tĩnh lặng, cả hai nên gắn bó cùng
nhau. Và như vậy, đời sống của bạn sẽ trở nên phong phú hơn. Hãy sống giữa thế
gian thế nhưng không thuộc về thế gian. Hãy như là một đóa sen - gần bùn mà chẳng
hôi tanh mùi bùn. Như thế, đời sống sẽ trở nên tuyệt vời và đầy ân sủng, sẽ làm
cho bạn phong phú thêm. Bởi vì đời sống không gì khác hơn chính là Thượng Đế
hoá thân thành thiên hình vạn trạng. Như thế đời sống sẽ không còn làm cho bạn
bị phân tâm mà là một thử thách, một cơ hội để bạn lớn dậy.
Đừng nghĩ rằng đời sống thế gian sẽ lôi cuốn bạn chệch hướng
mà hãy xem đó như là một thử thách. Khi bị ai đó mạ lỵ, bạn có thể nghĩ rằng y
đang quấy nhiễu bạn - đó là một cách lý giải. Nhưng bạn cũng có thể nghĩ là y
đang thử thách thức bạn. Bạn có cảm thấy bị quấy nhiễu hay không là do ở mình.
Nếu bạn thấy đó không phải là một quấy nhiễu, có nghĩa là y đã mang đến cho bạn
một cơ hội lớn lao để lớn dậy. Bạn sẽ mang ơn y. Bạn nên tìm đến y để nói lời cảm
tạ, hay nhờ ai đó chuyển đến y lòng biết ơn -bởi vì y đã mạ lỵ bạn thế nhưng đã
không làm cho bạn bị phân tâm; có một cái gì đó đã trở nên vô cùng vững chắc,
kiên định ở trong bạn, một cái gì đó đã hợp nhất chan hoà trong bạn.
Và rồi một cô gái tuyệt trần bước ngang qua mặt cũng sẽ
không làm bạn bị phân tâm -không phải là do bạn cố tránh không nhìn hay là
không thấy nàng.
Mới ngày hôm kia đây, có ai đó đã gởi đến cho tôi một mẩu
tin được cắt ra từ một tờ báo ở Luân Đôn, nói rằng vị lãnh đạo của giáo phái
Swami Narayan vừa đến thủ đô nước Anh ...
Trong suốt bốn mươi năm qua ông này không hề nhìn đến một
bóng dáng phụ nữ. Ngay cả trên máy bay ông ta cũng được che màn lại và người nữ
tiếp viên phi hành được cảnh báo là không nên đến gần ông ta. Có những sắp xếp
đặc biệt để ông ta tránh giao tiếp với phụ nữ. Ông ta được đưa ra khỏi phi trường
Luân Đôn trong một chiếc xe bít bùng. Ngay tại phi trường người ta cũng phải sắp
xếp sẵn một nơi màn che kín mít trước khi ông ta rời khỏi máy bay. Bây giờ ở
Luân Đôn, đi đâu ông ta cũng chỉ cúi mặt nhìn xuống đất. Ông ta cũng tránh cả
việc xem chương trình kỹ niệm 50 đăng quang của nữ hoàng Anh, bởi vì bà ta
không phải là một ông vua. Thế là ông ta ngồi ở một phòng khác và có một bình
luận gia đặc biệt trình bày sự kiện diễn tiến để cho ông ta có thể nghe được
chuyện này.
Với những loại người này -bạn gọi họ là gì đây, còn sống
chăng? Họ là loại người siêu việt dục tính? Bạn không thể tìm ở đâu ra một sự
bôi bác hơn thế; đây là một sự bôi bác hoàn toàn . Cái ông này cần phải được
đưa vào nhà thương để chữa bệnh tâm thần -không chừng chữa bằng điện giật lại tốt
cho ông ấy. Đây là một chuyện phi lý. Và cái ông này thì luôn nghĩ rằng mình
đang gần gũi hơn với Thượng Đế. Sợ hãi đàn bà quá như thế chỉ nói lên một điều
đơn giản là bạn sợ hãi cái tính dục của bạn. Nếu không, một người đàn bà có thể
làm gì ông ta được? Một cô tiếp viên phi hành có thể làm gì hại ông ta? Tại sao
lại sợ hãi quá mức như thế? Cái sợ hãi này là một chỉ dấu của ẩn ức sinh lý.
Và cái loại người như ông này chắc chắn là tối ngày chỉ nghĩ
đến đàn bà. Ông ta không thể nào nghĩ đến Thượng Đế được. Ông ta chẳng quan tâm
gì đến Thượng Đế, mà chỉ quan tâm đến đàn bà. Ông ta còn thời giờ đâu để mà
nghĩ đến Thượng Đế! Và ngay cả nếu như ông ấy nghĩ về Ram, ông ta cũng sẽ tìm
cách né tránh Sita -cho dù cả hai đang đứng cùng nhau. Nếu có nghĩ đến Krishna
ông ta cũng sẽ tìm cách loại bỏ những nàng thiên nữ đang nhảy múa chung quanh
Krishna. Cái ông này chắc chắn là sẽ không đặt chân đến đền thờ của Kali rồi,
vì bà ta là một phụ nữ.
Tôi ngạc nhiên không biết làm sao mà ông này có thể thu xếp
để sống được trong cái bào thai của người mẹ? Buông màn xuống chắc?
Đây là một sự khùng điên hoàn toàn -mà sự khùng điên này lại
được tô vẽ như là một phẩm chất cao quý của tôn giáo. Đâu phải vậy, đây chỉ là
một sự rối loạn thần kinh chức năng dưới danh nghĩa tôn giáo. Nếu thực sự bạn
đã siêu việt dục tính, bạn sẽ lần hồi khởi sự quên bẳng đi ai là người nam, ai
là người nữ.
Chuyện kể rằng Đức Phật đang ngồi tham thiền dưới gốc cây. Một
nhóm người dưới phố tổ chức một buổi píc- níc ở trong rừng, mang theo một cô
gái điếm. Sau khi say sưa họ đã lột hết quần áo của cô điếm đem dấu đi làm cô
ta rất sợ hãi. Họ say quá mức và cô gái đã nhân đó bỏ chạy trốn, trần truồng.
Sáng hôm sau khi làn gió lạnh ban mai đánh thức làm họ tỉnh rượu và biết rằng
cô gái đã bỏ trốn. Cả bọn đã đổ vào rừng tìm kiếm và đi ngang qua gốc cây mà Đức
Phật đang tĩnh tọa. Họ nghĩ rằng, "Chúng ta nên hỏi người này, chắc chắn
là ông ta phải trông thấy cô gái -bởi vì đây là con đường duy nhất mà cô ta phải
đi, không có lối nào khác."
Thế là họ hỏi Phật, "Ngài có thấy một cô gái trẻ đẹp,
trần truồng đi ngang qua đây không?"
Đức Phật trả lời, "Quý vị đã đến hơi trễ một tí. Phải
chi quý vị đến đây mười năm trước đây."
Cả bọn sửng sốt, họ tưởng là đang gặp một người khùng. Cái
ông này đang nói cái gì vậy -"mười năm trước đây" là thế nào? Họ hỏi
Phật, "Ngài nói vậy là nghĩa gì?"
Đức Phật trả lời, "Đã mười năm qua ta đã buông bỏ tất cả
những phân biệt. Vâng, có ai đó đã đi ngang qua đây -nhưng hỏi rằng đó là đàn
ông hay đàn bà... qúy vị đang nêu một câu hỏi không đúng chỗ, không đúng người.
Vâng, có ai đó đã đi ngang qua đây. Ta nghe có tiếng chân người. Ta có nhìn thấy
bóng người. Tuy nhiên nói rằng đó là đàn ông hay đàn bà quả là một điều khó
khăn, bởi vì trong ta đã không còn có sự tìm kiếm một người đàn ông hay đàn
bà."
Nếu bạn không tìm làm sao bạn có thể thấy được? Bạn có để ý
rằng chuyện này đôi khi cũng đã từng xảy ra với bạn? Một hôm nào đó bạn đang đi
giữa chợ bỗng có người chạy đến báo tin là nhà bạn đang cháy. Thế là bạn bương
bả chạy về nhà. Lúc đó nếu có một cô gái tuyệt trần đi ngang qua mặt -bạn có
trông thấy nàng không? Bạn có nhìn, chắc chắn là như thế -nhưng bạn có thấy
không? Và rối ngày mai nếu có người nhắc nhở bạn rằng hôm trước có một cô gái
tuyệt đẹp đã suýt đâm sầm vào bạn, bạn sẽ bảo, "Thôi bỏ qua chuyện đó đi.
Cái nhà của tôi đang cháy -tôi còn tâm trí đâu mà để ý đến ai xấu hay đẹp. Có
thể có ai đó đã suýt đâm sầm vào tôi, nhưng tôi không hề nhớ. Chuyện đó không hề
lưu lại một ấn tượng nào cả, tâm trí của tôi đã đổ hết vào cái nhà."
Một ngày nào khác, cũng người đàn ông này sẽ trông thấy cô
gái kia. Và nếu quả tình đó là một giai nhân, y sẽ nhìn nàng kỹ lưỡng hơn, tinh
tường hơn, chăm chú hơn. Người ta chỉ nhìn thấy cái gì mà người ta đang tìm kiếm.
Đức Phật đã trả lời, "Từ mười năm rồi, ta đã ngưng tìm
kiếm người nữ. Ta không còn tìm họ; họ đã hoàn toàn biến mất trong ta. Thực ra,
ta cũng không còn là một người nam nữa."
Những lời nói nghe thật lạ lùng mà là một chân lý không thể
phủ nhận. Ngài nói rằng, "Thực ra, ta cũng không còn là một người nam nữa,
bởi vì ta đã ngưng tìm kiếm người nữ." Đúng vậy, một người đàn ông thì
luôn luôn chạy đi tìm kiếm đàn bà -đó là ý nghĩa của hai chữ đàn ông. Còn một
người đàn bà thì luôn luôn chạy đi tìm kiếm đàn ông -như thế mới gọi là đàn bà.
Thế nên bạn không thể định nghĩa một người đàn ông là đàn
ông khi y ngưng tìm kiếm đàn bà -y không còn là đàn ông nữa. Và Đức Phật đã bảo
nhóm người kia, "Ta không còn là một người đàn ông nữa. Có người đã đi
ngang qua đây, nhưng quả thật rất khó mà cho qúy vị biết họ là nam hay nữ. Quý
vị có thể đi tìm ai đó để hỏi, chắc họ có trông thấy." Bây giờ thì câu trả
lời có vẻ như chứa đựng một giá trị nào đó.
Phương cách tiếp cận của tôi là: Bạn đang sống trong thế
gian này, tuy nhiên bạn phải sống trong hoàn toàn tĩnh thức. Phải nhìn, thấy, sống,
và đi vào tất cả mọi chuyện. Không từ chối cũng không dồn nén bất cứ cái gì. Chỉ
có thực chứng toàn bộ đời sống ta mới có thể vượt ra khỏi nó. Chỉ có thực chứng
mới có thể giải phóng ta.
Thế nên tôi không tán thành việc ngồi tĩnh lặng trong một
hang động nào đó. Và tôi cũng không tán thành việc dính líu vào một ngàn lẻ một
chuyện linh tinh của cuộc sống đời thường bởi vì bạn đã không hề biết ngồi yên
lặng quán chiếu. Như vậy, có lúc nên ngồi lặng yên tĩnh tọa, có lúc nên đi vào
hành động. Và từ đó lần hồi tạo lên một chiếc cầu nối liền giữa bất động và hoạt
động.
Và rồi hãy trở nên rất mực hoà điệu với sinh thể của bạn để
cho cả bất động lẫn hoạt động sẽ chẳng có gì khác biệt đối với bạn. Đang hoạt động,
đang làm việc, đang chuyển dịch, đang tuôn chảy cũng vẫn sẽ giống như là đang
ngồi yên tĩnh tọa. Đó là một cái gì đáng để cho bạn vươn tới -khi bạn đang chuyển
động mà vẫn không có gì chuyển động trong bạn, khi bạn đang tuôn chảy mà không
có gì tuôn chảy trong bạn, khi bạn đang nói chuyện mà thật ra bạn đang hoàn
toàn lặng yên. Khi bạn làm một ngàn lẻ một chuyện linh tinh nhưng không hề thấy
bóng dáng của người làm, như thế là bạn đã đạt đến một sự tổng hợp nhất quán mà
tôi gọi là sự thành tựu tâm linh.
Bằng không, cả hai đều là "vô minh", chúng không
thể được gọi là giác ngộ. Một đằng thì rơi vào vô minh do bởi hoạt động quá nhiều
và tâm trí bị chiếm lĩnh, một đằng thì rơi vào vô minh do quá bất động và một
cái đầu trống rỗng. Cả hai đều lạc lối.
Giác ngộ là một tổng hợp, một hoà điệu tuyệt vời của cả hai
đối cực. Đó chính là vi-vô-vi.
Osho, ngài đã không để cho tôi được trụ vào một nơi nào đó.
Bất cứ lúc nào tôi cảm thấy mình đã được an trụ thì ngài lại nói điều gì đó làm
cho tôi thấy bất ổn trở lại. Tại sao ngài cứ tiếp tục tạo ra những mập mờ hoang
mang cho những môn đồ của mình?
Cái giây phút mà bạn bắt đầu cảm thấy ổn định, bạn đang trở
thành một xác chết. Bạn phải ở trong trạng thái bất ổn. Ổn định có nghĩa là bạn
ngưng sống. Ổn định có nghĩa là bạn đã trở thành một người quản gia, chứ không
còn là một sa môn hành giả.
Không nên ổn định, không nên trụ lại mà phải tiếp tục chuyển
động. Đời sống phải như là một cuộc hành hương. Bạn sống ở trong nhà nhưng
không biến thành những người quản gia. Hãy nghĩ đến những ngôi nhà của bạn như
là những căn lếu trại -bất cứ lúc nào bạn cũng có thể nhổ nó lên và tiếp tục
lên đường. Hãy tiếp tục ra đi, hãy tuôn chảy không ngừng vào nơi không hề biết.
Vâng, đó là những gì mà tôi đang làm ở đây - bất cứ giây
phút nào bạn bắt đầu cảm thấy ổn cố, tôi lại tạo nên sự bất ổn cố. Đó là những
gì mà người ta cần đến ở một vị thầy, ở một vị đạo sư -không ngừng thúc bách bạn,
không hề để cho bạn an trụ lại. Bạn thì cứ thích muốn tạo dựng lên một vài niềm
tin, một cơ cấu niềm tin, để chui vào đó và cảm thấy thoải mái, an trụ trong
đó, quên hết tất cả mọi hành trình, mọi tra vấn, mọi cuộc phiêu du, những vùng
đất xa lạ, những vùng biển hoang vu -bạn luôn muốn quên hết tất cả những chuyện
đó.
Bạn muốn có một mái nhà nhỏ êm đềm, một nơi chốn ấm cúng để
thảnh thơi, thoải mái ở trong đó. Sự di chuyển không ngừng này làm bạn không
thoải mái. Bạn đang đi tìm kiếm sự tiện nghi trong khi tôi lại đang tìm cách mở
ra cho bạn một cuộc hành trình, một cuộc hành hương đầy gian nguy bất trắc -thế
nhưng nếu bạn muốn vươn đến chân lý, bạn phải là một kẻ hành hương.
Đó là lý do tại sao tôi lại cứ tiếp tục tạo nên sự bất ổn cố
cho bạn. Phải nên hiểu rằng tôi không ở đây để trao truyền cho bạn bất cứ một
cơ cấu niềm tin nào, công việc của tôi ở đây là chỉ để trao cho bạn một khẩn
thiết kiếm tìm -một thôi thúc khẩn thiết để trở thành một sinh thể phiêu lưu, một
thôi thúc khẩn thiết để làm một bước nhảy vào vô định.
Và cái giây phút mà bạn đã nếm được mùi vị của nó, hãy buông
bỏ ngay lập tức! Mọi chuyện đã kết thúc! Bạn đã rút ra hết những mật ngọt tinh
túy từ đó, đừng có tiếp tục nhai đi nhai lại cái mớ xương khô này nữa. Không
còn tinh túy trong những bộ xương khô chết, không còn tinh túy trong những niềm
tin khô chết. Bất cứ lúc nào còn có một cái gì đó thúc đẩy bạn đi tới, đó là nhựa
sống: hãy nâng ly và cạn chén mật ngọt này. Và cái giây phút mà bạn cảm nhận rằng
nó đã khô kiệt, hãy buông bỏ: tiếp tục lên đường.
Có đến cả hàng triệu đoá hoa; đừng để cho mình bị dính mắc
vào bất cứ một đoá hoa nào. Cứ mãi như là một con ong -một con ong tiếp tục
chuyền đi từ đoá hoa này đến đoá hoa khác. Tiếp tục di chuyển ... mỗi một đoá
hoa trong thế gian này đều mang sẵn mật ngọt cho bạn. Tại sao bạn lại cứ muốn
an trụ. Tại sao bạn lại hối hả muốn tìm đến an trụ như thế?
Sự mập mờ hoang mang là phương pháp để tạo ra bất ổn cố cho
bạn. Thế nhưng một ngày nào đó, khi bạn đã kinh qua hàng triệu lần bất ổn, hàng
triệu lần hoang mang, một ý thức mới sẽ khởi dậy trong bạn mà ngay cả tôi cũng
không còn có khả năng làm cho bạn mập mờ hoang mang được nữa. Đó là điều mà tôi
đang trông chờ. Cái ngày mà tôi không thể làm cho bạn hoang mang được, đó chính
là ngày mà bạn đã chín muồi, trưởng thành -chứ không phải là bạn được an trụ. Sự
hoang mang đến với bạn là do bạn muốn được an trụ, là vì bạn bắt đầu cảm thấy
mình ổn cố và rồi tôi đã tạo nên sự bất ổn cố cho bạn. Hoang mang là như thế. Bạn
kêu lên, "Nửa rồi. Đúng như vậy rồi. Bây giờ tôi cảm thấy ấm áp làm sao,
thoải mái làm sao, tôi nghĩ rằng mình sắp đại ngộ... đâu có xa xôi gì."
Cái lúc mà bạn bắt đầu rơi vào cơn buồn ngủ, bạn gọi đó là
"sự ổn cố". Tôi không phải là một điệu hát ru ngủ, tôi là một cái
chuông báo thức. Thế nên bạn cảm thấy hoang mang. Bạn thì chỉ muốn bám chặt vào
cái cũ, còn tôi thì phá hủy nó và mang lại cho bạn vài ý niệm mới, vài con đường
mới, vài thôi thúc mới. Bây giờ bạn đang ở trong trạng huống khó khăn. Cái điều
hoang mang là, bạn thì muốn bám chặt vào cái cũ, còn tôi thì muốn đẩy bạn vào
cái mới. Hoang mang là thế. Một khi bạn chấm dứt việc bám chặt vào cái cũ, lúc
đó sẽ không còn hoang mang nữa. Và lúc đó tôi cũng không còn khả năng để tạo ra
sự bất ổn cố cho bạn. Bởi vì bạn đã không còn chạy đi tìm kiếm sự an trụ, ổn cố
nữa -làm sao mà tôi có thể tạo ra sự bất ổn được?
Hãy quán chiếu trên câu chuyện ngụ ngôn nhỏ này, một câu
chuyện thực.
Ngài Mã Tổ nghe tin Đại Mai ở lại trên núi tu tập, nên sai một
vị tăng đến hỏi ông một câu hỏi...
Mã Tổ là một vị đại Thiền sư và Đại Mai là một trong những
môn đệ của ngài -ông ta có đến hàng ngàn môn đệ. Vi Thiền sư phái một người nào
đó để hỏi người học trò của mình một vài câu hỏi -bởi vì Đại Mai hiện đang nhập
thất ở trên núi, một mình trong yên lặng thiền định. Bây giờ thì vị Thiền sư chắc
là đã cảm thấy rằng người học trò của mình đang tìm một sự ổn cố hay đại khái
như thế. Thế nên ông ta đã sai người đến tìm. Ông ta không thể đi được -Mã Tổ
đã già lắm rồi, rất khó khăn trong việc leo núi. Thế nhưng ông ta muốn thử xem
có thể nào kéo Đại Mai ra khỏi tình huống đó hay không. Mã Tổ nhất định là đang
nghĩ đến cách tạo ra sự bất ổn cố cho Đại Mai, thế nên...
Khi Mã Tổ nghe tin Đại Mai đang ở lại nhập thất trên núi cao
liền vội vàng phái một vị tăng đến gặp Đại Mai mang theo câu hỏi: "Ngươi
đã sở đắc được cái gì khi đến thăm viếng đại sư Mã Tổ và cái gì đã làm cho ngươi
chọn ở lại trên núi?"
Đại Mai trả lời rằng, "Thiền sư dạy tôi rằng tâm tức là
Phật đó là lý do tại sao tôi đã ở lại đây."
Sư liền bảo, "Phật Pháp của đại sư nay đã khác rồi."
Đại Mai hỏi, "Bây giờ là gì vậy?"
Sư trả lời, "Đại sư bảo rằng bây giờ không phải tâm mà
cũng không phải Phật."
Đại Mai cười lớn, "Cái ông già đó cứ luôn tạo ra những
hoang mang trong tâm người khác và không bao giờ chấm dứt cái trò này. Cứ mặc kệ
để cho ông ây nói cái đó không là tâm mà cũng không là Phật. Còn như đối với
tôi, tâm tức là Phật."
Khi vị tăng trở về báo cáo lại với Mã Tổ về nội dung cuộc đối
thoại, đại sư rất mực hân hoan và bảo rằng, "Quả mai ấy nay đã chín rồi."
Đại Mai, tiếng Trung Hoa có nghĩa là "cây mai lớn".
"Quả mai ấy nay đã chín rồi. Ta không thể gây ra sự bất ổn cố cho y được nữa."
Bây giờ thì ngay cả một vị Thầy cũng không thể tạo ra tình trạng bất ổn cố cho
người học trò. Người học trò này đã đạt ngộ. Bây giờ thì y hiểu hết tất cả những
mánh khoé của ông thầy.
Cũng như vậy, nếu bạn rơi vào tình trạng bất ổn là vì bạn đã
chưa hiểu được tôi, và tôi sẽ vẫn tiếp tục tạo ra tình trạng bất ổn đó cho đến
khi nào bạn hiểu. Một ngày nào đó rồi bạn cũng sẽ hiểu là tôi đang làm gì ở đây
-hủy diệt tất cả các cơ cấu niềm tin, từng cái một. Và tôi cũng không trao cho
bạn bất cứ một cơ cấu niềm tin nào.
Bạn cũng đừng lo lắng lắm về chuyện hủy diệt cơ cấu niềm tin
-nếu bạn đến đây như một người Cơ Đốc và tôi đang hủy diệt cái cơ cấu niềm tin
Cơ Đốc của bạn, bạn cũng đừng nên lo lắng lắm. Bạn muốn trở thành một môn đồ của
tín ngưỡng Osho -cũng tốt thôi. Thế nhưng khi tôi khởi sự huỷ diệt luôn cả cái
niềm tin vào Osho của bạn, bạn cũng chớ vội la lên, "Vậy là quá mức rồi. Bằng
cách nào đó tôi đã đi ra khỏi niềm tin Cơ Đốc và đã tìm cách an định trong niềm
tin Osho -thế mà cái ông Osho này bây giờ cũng đẩy tôi ra khỏi đó luôn. Thế thì
tôi sẽ dừng chân lại ở chỗ nào đây?"
Tôi không muốn bạn an trú lại ở bất cứ chỗ nào cả. Cái tổng
thể rộng khắp này là nhà của bạn -tại sao lại đi chọn những ngôi nhà nhỏ xíu
làm của mình? Tại sao lại dựng lên một khu vườn nhỏ? Trong khi tất cả những
vùng đất hoang dã bao la này là của bạn, cái thế giới vô hạn này là của bạn,
cái toàn thể này là của bạn.
Đừng có bao giờ trở thành một thứ theo đuôi
-"ist", đừng có tin vào bất cứ cái chủ nghĩa, giáo điều -
"ism"- nào. Khi bạn buông bỏ tất cả cái "isms", chân lý sẽ
hiện bày với bạn -chưa bao giờ trước đó. Đó là cái giá phải được trả.
Tại sao người ta nói rằng đời sống còn kỳ quặc hơn cả chuyện
hư cấu?
Bởi vì nó là như vậy. Những chuyện hư cấu là những phó sản của
đời sống, làm sao chúng có thể kỳ quặc hơn đời sống được? Những chuyện hư cấu
chỉ là những cái bóng của đời sống; làm thế nào mà chúng có thể kỳ quặc hơn
chính tự đời sống? Những chuyện hư cấu là do con người tạo ra, còn đời sống là
do Thượng Đế tạo dựng. Bất cứ cái gì mà con người làm ra đều sẽ có những giới hạn;
bất cứ cái gì mà Thượng Đế dựng nên đều vô hạn, vô tận.
Con người có thể sáng tạo nên một chuyện hư cấu kỳ quặc, thế
nhưng y không thể dựng lên một huyền nhiệm thực sự. Ngay cả một chuyện hư cấu kỳ
quặc nhất mà con người có thể tạo ra cũng vẫn sẽ mang dấu vết sản phẩm con người.
Bạn có thể bị nó lôi cuốn một lần hay nhiều lắm là hai lần, và hoặc giả nếu bạn
tối dạ quá mức thì tối đa cũng chỉ ba lần thôi. Ngay cả một kẻ đần độn nhất
trên thế gian này cũng không thể đi xem cùng một cuốn phim đến lần thứ tư. Và
như thế, nó sẽ không còn ký quặc nữa.
Thế nhưng đời sống chẳng khác gì một công án Thiền; nó không
hề có lời giải đáp. Nó là một dấu hỏi và vẫn luôn là một dấu hỏi lớn, bạn càng
tra vấn chừng nào thì cái dấu hỏi này càng ngày càng to tướng thêm. Bạn biết
thêm về nó chừng nào thì bạn lại càng không biết gì cả. Cho đến một ngày khi bạn
thực sự hiểu biết về nó, lúc đó bạn sẽ tuyên bố rằng mình hoàn toàn ngu dốt. Đó
chính là điều mà Socrates đã từng thốt ra trước đây, "Tôi không biết một
điều gì cả." Đó cũng là những gì đã được ghi lại trong bộ Áo Nghĩa Thư:
"Người cho rằng mình biết, thực ra không biết gì cả. Người cho rằng mình
không biết mới chính là người biết" -còn chờ đợi gì mà không chạy theo y,
đi với y, bám sát y, đừng để cho y trốn thoát. Y là người đang nắm trong tay
chiếc chìa khoá đời -đó là người tuyên bố rằng, "Tôi không hề biết gì cả."
Tại sao vậy? Trọng điểm của lời tuyên bố này là gì? Điểm mấu
chốt là, khi bạn thực sự hiểu rõ đời sống, bỗng dưng tự nó hiện bày ra cho bạn,
chứ bằng cách nào mà bạn lại có thể biết được? Đời sống là một huyền nhiệm; nó
không hề có đáp số. Từng ngày qua, trong nhiều cách thế khác nhau, bạn đã gặp
những điều huyền nhiệm này không biết bao nhiêu lần. Thế nhưng bởi vì bạn là
người của kiến thức, bạn không nhận thấy những bí ẩn đó, và rồi bạn cứ lập đi lập
lại những câu trả lời ngu xuẩn, rất mực vô nghĩa, vô duyên.
Một lần D. H. Lawrence đang dạo chơi trong vườn với một cậu
bé, và cậu ta đã hỏi Lawrence rằng: "Thưa ngài, làm ơn cho tôi biết, tại
sao cây lá lại xanh?" Nếu lúc bấy giờ có một vài ông khoa học gia nào ở
đó, những ông khoa học gia dở hơi, thì câu trả lời của ông ta sẽ là, "Tại
vì nó có chất nhiễm sắc tố," hoặc những lời giải thích đại loại như thế.
Tuy nhiên, Lawrence không phải là một nhà khoa học, cũng không phải là một anh
dở hơi. Ông ta là một trong những thánh nhân vĩ đại của phương Tây, nhưng người
ta không biết đó là một bậc thánh. Ông ta là một tantrika (2) vĩ đại của phương
Tây, nhưng người ta đã không biết đó là một tantrika.
Nếu bạn không phải là một nhà khoa học, chỉ là người thường,
câu hỏi này có thể làm bạn bối rối. Bạn có thể trả lời lăng nhăng trên trời dưới
đất hoặc là bắt đứa trẻ câm mồm lại bằng cách bảo nó, "Khi mày lớn lên rồi,
mày sẽ hiểu." Đó là cách thức mà các bậc cha mẹ thường sử dụng. Cả họ, lẫn
cha mẹ họ, ông bà, ông cố ông sơ của họ cũng không hề biết -nhưng họ cứ tiếp tục
cái điệp khúc, "Khi mày lớn lên rồi mày sẽ hiểu. Đừng có làm rộn
tao."
Thế nhưng D. H. Lawrence là một người thành thực. Ông ta
nhìn thẳng vào mắt cậu bé và trả lời, "Thì nó xanh là tại vì nó
xanh." Ông ta không có lời giải đáp. "Tôi cũng ngu dốt về điều
này", ông ta nói như thế-"Tôi cũng ngu dốt về chuyện này như chú em vậy."
Ngay cả một thoáng chốc nào đó nếu như bạn gặp Thượng Đế và
hỏi ngài tại sao cây lá lại xanh... Ông ta chắc cũng sẽ nhún vai thôi, tôi báo
cho bạn biết như thế. Ông ta sẽ không trả lời được câu hỏi của bạn, bởi vì ông
ta không phải là một ông giáo tiểu học.
Chuyện kể rằng, có một lần thi hào Coleridge đã sáng tác một
bài thơ ngắn. Một đứa bé hàng xóm qua chơi, và bởi vì bài thơ này được mang ra
giảng dạy ở trường nhưng người thầy giáo đã gặp phải khó khăn khi giải thích ý
nghĩa của bài thơ, thế nên ông ta bảo cậu học trò, "Em ở gần nhà của ông
thi sĩ này -em đến gặp ông ta. Chắc chắn là ông ta phải hiểu ý nghĩa của bài thơ
mà mình là tác giả."
Và rồi Coleridge đã nhìn thẳng vào mắt của chú bé học trò trả
lời, "Vâng, khi tôi sáng tác bài thơ này, chỉ có hai người hiểu được ý
nghĩa của nó -thế nhưng bây giờ chỉ còn một người biết mà thôi." Cậu học
trò nhanh nhẩu, "Người đó là ai vậy? Người đó chắc chắn phải là ông
thôi!" Nhà thơ cười lớn, "Tôi không phải là người đó. Khi tôi sáng
tác bài thơ này, cả tôi và Thượng Đế đều hiểu ý nghĩa của nó. Bây giờ thì chỉ
còn Thượng Đế mới hiểu được thôi."
Tôi thì cho rằng ngay cả Thượng Đế cũng không hề biết. Kiến
thức là cái gì đó rất mực xuẩn ngốc, không thể nghĩ về Thượng Đế như là người
giàu kiến thức. Thượng Đế không phải là nhà thông thái, không phải là một học
giả uyên thâm, Thượng Đế là một người thương yêu. Thượng Đế cũng là một nhà
thơ. Ông hát lên một ca khúc nhưng đừng mong chờ ông ta hiểu cái ý nghĩa của
nó. Ông ta tạo ra những đóa hoa tươi đẹp nhưng đừng chờ đợi chuyện ông ta sẽ hiểu
được ý nghĩa của chúng. Mà thật ra làm gì lại có chuyện ý nghĩa.
Một khi bạn hiểu được ý nghĩa của một cái gì đó thì nó sẽ
không còn ý nghĩa gì nữa. Hãy để tôi lập lại điều này: Một khi bạn hiểu được ý
nghĩa của một cái gì đó thì nó sẽ không còn ý nghĩa gì nữa, nó đã mất hết ý
nghĩa. Cái ngày mà bạn hiểu được tình yêu là gì, tình yêu sẽ trở nên điều vô
nghĩa. Bạn có thể biết được hoá chất cấu thành -những kích thích tố, những cái
nọ, cái kia - và rồi tình yêu tan biến.
Bất cứ cái gì, cái khoảnh khắc mà bạn hiểu được ý nghĩa của
nó, nó trở thành vô nghĩa. Thượng Đế tự thân là một ý nghĩa, nhưng ngài không hề
biết cái ý nghĩa của nó là gì. Đây là huyền nhiệm của đời sống. Bạn sẽ tiếp cận
với nó mỗi ngày, nếu bạn là người nhạy cảm đôi chút. Kiến thức đã làm cho con
người trở thành vô cảm -khiến họ trở thành mụ mẫm đi, thế nên họ cứ tiếp tục chất
chứa trong đầu thật nhiều kiến thức. Và những mớ kiến thức này chẳng là gì cả
ngoài những nhãn hiệu.
Một đoá hoa vừa hé nở trong vườn và rồi có người hỏi,
"Cái gì vậy?" Thế là bạn trả lời, "Hoa hồng". Bạn nghĩ rằng
mình đã trả lời đúng câu hỏi đó? Phải chăng đó là câu trả lời? Bằng cách gọi
tên nó, bằng cách dán nhãn hiệu lên một huyền nhiệm trong đời sống, bạn nghĩ rằng
mình biết? Khi cho rằng đó là một cái hoa hồng, bạn đã nói cái gì vậy? Bạn đã
không hề thốt ra một lời nào về hoa hồng. Hoa hồng không hề có tên, đó chỉ là
cách mà người ta xếp loại -cho tiện dụng. Thế nhưng bạn muốn nói gì khi gọi đó
là hoa hồng? Bạn có thể gọi nó bằng một cái tên khác và hoa hồng vẫn cứ là hoa
hồng. Như thế thì cái tên không phải là hoa hồng. Thế thì đó là cái gì vậy? Chỉ
bằng cách gọi nó với một cái tên, bạn đã bị lừa gạt rồi. Bạn nghĩ là mình biết
rõ về nó, nhưng thực ra bạn chỉ dán lên nó một cái nhãn hiệu. Đặt tên không phải
là sự hiểu biết -và cái mà bạn tiếp tục gọi là khoa học thật ra chỉ là việc dán
lên sự vật một cái nhãn hiệu.
Nếu bạn đi vào thế giới của những nhà khoa học, công trình của
họ chỉ là sự dán nhãn. Họ tiếp tục làm công việc này không chán. Họ càng dán
nhãn lên thực tại nhiều chừng nào thì họ lại càng trở nên nhà khoa học lừng
danh chừng nấy, họ càng tiếng tăm chừng nấy. và thế là chúng ta cứ tiếp tục
quăng đủ thứ nhãn hiệu lên đầu trẻ con và bảo chúng nhồi nhét thật nhiều vào để
trở thành những người hiểu biết.
Một bông hồng là cả một trời huyền nhiệm. Tennyson đã từng
nói, "Nếu tôi có thể hiểu được một đóa hoa đến tận ngọn nguồn gốc rễ thì
tôi đã hiểu được tất cả vạn hữu." Vâng, trong một đoá hoa nhỏ bé này chứa
đựng cả sơn hà đại địa -hiểu biết được một cành hoa nhỏ là hiểu biết được tất cả.
Hay nói một cách khác, trừ phi bạn hiểu được cái tổng thể, bạn không thể nào hiểu
được cái phần tử trong đó -tổng thể và bộ phận là một gắn bó cùng nhau bất khả
phân lìa.
Đó là lý do tại sao người ta nói rằng đời sống kỳ quặc còn
hơn cả chuyện hư cấu. Đời sống phát xuất từ Thượng Đế, tận cỗi nguồn là một huyền
nhiệm. Đời sống là một bí ẩn, một bí ẩn không có lời giải đáp. Nó không hề giống
với cái bí ẩn mà bạn tra tìm trong sách vở hay trong báo chí -thường là lời giải
đáp đã được nêu ra ở trang cuối sách. Cuốn sách này không hề có trang cuối. Bạn
cứ tha hồ tiếp tục tìm kiếm câu trả lời, thế nhưng sẽ không hề có lời giải đáp
được viết lên ở bất cứ nơi đâu.
Hãy lắng nghe một vài mẫu chuyện sau đây.
Xưa thật là xưa có một người đàn ông, và một người đàn bà dắt
theo một con chó. Họ cùng du hành chung trên một toa tàu. Người đàn ông bắt đầu
lấy thuốc ra hút làm con chó ho sặc sụa. Người đàn bà phản đối, "Nếu ông
không ngưng hút thuốc, tôi sẽ liệng điếu thuốc của ông ra khỏi cửa sổ."
Người đàn ông vẫn tiếp tục hút và rồi người đàn bà liệng điếu thuốc của y ra khỏi
cửa sổ. Người đàn ông lẵng lặng rút ra một điếu thuốc khác và lại tiếp tục hút.
Con chó lại bắt đầu ho nữa. Người đàn bà bảo, "Nếu ông không ngưng hút thuốc,
tôi sẽ liệng điếu thuốc của ông ra khỏi cửa sổ một lần nữa."
Lần này người đàn ông trả lời, "Nếu bà quẳng điếu thuốc
của tôi ra khỏi cửa sổ lần này, tôi sẽ liệng con chó của bà ra khỏi cửa sổ
luôn," và lại tiếp tục hút thuốc như thường. Thế rồi người đàn bà liệng điếu
thuốc của y ra khỏi cửa sổ. Người đàn ông không nói gì, chụp lấy con chó và quẳng
ra khỏi toa tàu.
Khi họ đến trạm kế tiếp, con chó đang đợi chuyến tàu ở đó.
Và bạn có biết là nó đang ngậm cái gì trong miệng không? Điếu thuốc!
Hay là chuyện sau đây.
Dì Mildred quyết định đi mua một con vẹt về nuôi cho vui cửa
vui nhà. Người bán chim trong vùng đã chọn cho bà một con thật tuyệt, nhưng bà
lại ưng ý con vẹt có bộ lông màu xanh lá cây chói lọi. Người chủ tiệm có vẻ rất
miễn cưỡng không muốn bán con chim này cho dì và cố gắng giải thích:
"Tôi nghĩ rằng nó không phải thực sự là loại vẹt hợp với
bà đâu, thưa bà."
"Tại sao lại không nhỉ?"
"Thưa bà, nó không được nuôi dưỡng từ một gia đình lễ
giáo. Tôi xin giới thiệu cho bà một con tốt hơn..."
"Nhưng tôi không thích bất kỳ con nào khác. Tôi muốn
con này," dì Mildred cương quyết.
"Được rồi, thưa Bà," nhận thấy ánh mắt quả quyết của
Midred, người chủ tiệm bán con vẹt cho bà kèm theo với cái lồng sắt đắt tiền.
Mildred cho treo cái lồng chim ở phòng khách và nín thở chờ
đợi những lời đầu tiên của nó. Con vẹt vẫy đôi cánh, đưa mắt nhìn quanh nhà rồi
cất tiếng, "Nhà mới. Dễ thương ghê." Khỏi nói thí ai cũng biết là
Midred rất mực thích thú.
Bốn giờ rưởi chiều, hai cô con gái lứa tuổi cập kê của bà đi
học về. Con vẹt nháy một con mắt với họ và bảo, "Những cô gái mới. Dễ
thương ghê."
Bà Mildred xoa tay rất mực hân hoan. Cậu vẹt ta không phải
chỉ là một loài hiếm qúy mà lối cư xử cũng rất mực toàn hảo, phong lưu. Quả là
không có gì ngạc nhiên khi người chủ tiệm chim không muốn rời xa con vẹt này!
Năm giờ rưởi chiều, Henry, chồng của bà đi làm về. Con vẹt
bay đến bám vào trước cửa lồng chào đón: "Nhà mới. Những cô gái mới. Chào
ông khách chơi cũ, Henry!"
Đời sống quả là còn kỳ quặc hơn cả chuyện hư cấu. Ngài bảo rằng
chúng tôi phải gột bỏ hết tất cả những tiếng gọi sâu kín ở bên trong do cha mẹ,
thầy giáo và xã hội đã tạo nên trong chúng tôi. Thế nhưng bây giờ đôi lúc tôi cảm
nhận rằng những tiếng nói của ngài cũng đang trở thành một cái gì đó tương tự
như vậy ở trong tôi. Làm thế nào để tôi chế ngự nó đây?
Bạn cũng phải giết luôn cả tôi nữa. Đó là những gì mà các bậc
Thiền sư thường nói, "Phùng Phật sát Phật, phùng Tổ sát Tổ." Đây
không phải là một sự bất kính đối với Phật mà đơn giản chỉ là một sự kính yêu
vô bờ đối với Đức Tôn sư. Rất mực tôn kính.
Thế nên người môn đệ một ngày nào đó cũng phải tìm cách
thoát ra khỏi ông thầy của mình thôi. Vị Thầy chỉ có thể được dùng như là chiếc
nạng cho sự tập đi lần đầu của người học trò, không thể là nơi nương tựa vĩnh
viễn. Bạn có thể dùng những lời dạy của tôi để buông bỏ những lời của kẻ khác,
thế nhưng những lời dạy của tôi cũng chỉ là những ngôn từ, xin nhớ cho -rồi một
ngày bạn cũng phải buông bỏ chúng, bằng không sẽ chẳng có gì xảy ra cho bạn cả.
Bạn đã gột bỏ những lời dạy của cha, những lời dạy của mẹ để thay thế bằng những
lời dạy của tôi. Thế nhưng một lần nữa bạn lại bi cột chặt vào những ngôn từ. Bạn
đã thay đổi những kinh sách của bạn, nhưng rồi vẫn còn bám chặt vào kinh sách.
Điều đó sẽ chẳng giúp ích gì. Bạn cần một cái tâm mà ở đó không còn ngôn từ ngự
trị, không còn bám víu vào bất cứ cái gì.
Nếu bạn thật sự thương yêu tôi, một ngày nào đó bạn sẽ phải
thực hiện một hành động tối hậu: bạn phải giết luôn tôi. Bạn phải buông bỏ tôi,
bạn phải buông bỏ những lời dạy của tôi. Và điều này không có nghĩa là bất
kính, hãy nhớ như vậy. Thực ra đó là một tôn kính rốt ráo, bởi vì đó chính là
điều tôi mong muốn bạn thực hiện.
Bạn bị một cái gai đâm vào chân, bạn cố gắng dùng một cái
gai khác để lể cái gai này ra -bạn chạy đi tìm một cái gai khác ở trong vuờn
-dùng gai lể gai. Thế nhưng bạn sẽ làm gì với cái gai thứ hai này? Đồng ý là nó
đã giúp bạn, bạn mang ơn nó, bạn biết ơn nó -nhưng làm ơn hãy quẳng nó đi, đừng
có bắt đầu thờ phượng cái gai này.
Đức Phật đã từng ví von rằng một vị thầy cũng chẳng khác gì
một chiếc bè. Bạn qua sông bằng chiếc bè này - nhưng rồi bạn sẽ làm gì đây? Bạn
vô cùng biết ơn chiếc bè nhưng bạn không thể tiếp tục đội nó lên đầu mang vào
thành phố. Ngài dạy: Có lần bốn anh khờ vượt qua sông trên một chiếc bè. Qua đến
bờ bên kia họ vô cùng cảm ơn chiếc bè thế nên đã đội nó lên đầu đi vào chợ. Mọi
người xúm lại hỏi: "Mấy ông đang làm gì vậy? Định khiêng chiếc bè này đi
đâu đó?" Họ trả lời, "Chúng tôi sẽ khiêng nó theo suốt đời, bởi vì
đây là chiếc bè đã cứu mạng chúng tôi. Không có nó thì cả bọn chúng tôi đã bị
dã thú ăn thịt hết ở bờ bên kia rồi -nhờ nó mà chúng tôi mới vượt qua được bờ
bên này. Chúng tôi mang ơn nó vô cùng, làm sao mà bỏ nó đi cho được? Chúng tôi
đi đâu cũng sẽ mang theo nó suốt đời."
Thật là chuyện khùng điên. Đây không phải là sự tôn kính,
đây là điều rất mực xuẩn động. Đức Phật dạy rằng khi bạn đã qua đến bờ bên kia,
hãy biết ơn, nói lên lời cảm tạ chân thành. Quỳ xuống, sờ vào chân thầy, xong
tiếp tục đi tới.
Ngày hôm kia ngài đã ban một thời pháp rất tuyệt diệu về giấc
mơ. Tôi rất muốn lắng nghe và lĩnh hội bài giảng này, nhưng tôi đã chiến đấu cật
lực để chống lại cơn buồn ngủ. Cuối cùng, tôi chấp nhận thua cuộc, nằm dài ra
và ngủ một giấc cho đến hết bài giảng, khi ngài kết thúc bằng câu, "Đó là
đại ngộ". Tôi giật mình tỉnh dậy và cảm thấy mình bị mất mát một cái gì đó
rất mực cần thiết.
Có thể đây là một câu hỏi khá ngu xuẩn nhưng tôi không thể
trình bày khác hơn. Xin ngài làm ơn bình luận đôi điều về chuyện buồn ngủ khi
nghe giảng pháp?
Đây là câu hỏi của Anuprada. Anuprada, bạn cứ việc ngủ thoải
mái. Tất cả mọi người đều được phép làm bất cứ điều gì mà họ nghĩ là đúng đắn
ngay trong giây phút đó. Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ, cứ việc ngủ tự nhiên. Chỉ
có một điều xin nhớ cho: Bạn ngủ nhưng đừng ngáy - bởi vì như vậy sẽ làm cho
người khác thức giấc.
Có phải là mỗi một bức tranh và tất cả thi ca đều được khơi
nguồn từ mối mâu thuẫn, từ trận chiến giữa khẳng định và phủ định? Có phải kết
cuộc của trận chiến này ở trong chúng ta là sự tĩnh lặng?
Không phải toàn bộ thi ca, toàn bộ hội họa, toàn bộ âm nhạc,
toàn bộ nghệ thuất đều được khơi nguồn từ mâu thuẫn. Chỉ khoảng chín mươi chín
phần trăm thôi. Đó là lý do tại sao người ta tìm thấy trong chín mươi chín phần
trăm này phảng phất một chút bệnh thái học. Picasso mang màu bệnh thái học, và
Vincent van Gogh cũng thế. Bạn sẽ luôn tìm thấy trong thi ca của bạn, trong hội
họa của bạn nhuốm chút màu bệnh hoạn -nó lập dị, nó kỳ quái, nó gàn dở thế nào
đó.
Bây giờ thì các nhà tâm lý học đều đồng ý rằng nếu bạn cho
những anh dở hơi này tập vẽ vời thì sẽ mau chóng giúp họ trở lại bình phục. Việc
này đã được đem ra thử nghiệm khắp nơi trên thế giới -người ta gọi là "hội
hoạ trị liệu pháp" hay đại loại như thế. Nếu một anh khùng được giao cho
sơn để tha hồ ngồi vẽ thì thông qua hoạt động vẽ tranh này, cơn điên của anh ta
sẽ biến mất. Nếu y tiếp tục vẽ vời, chỉ sau vài tuần bạn có thể thấy anh ta trở
lại bình thường. Một cái gì đó đã được tẩy trừ ra khỏi anh ta thông qua nghệ
thuật hội họa.
Sigmund Freud cũng đã có quan niệm như vậy, toàn bộ nghệ thuật
đều mang màu sắc bệnh thái học. Không phải toàn bộ -tôi sẽ không đồng ý với ông
ta ở cái chừng mực đó- chỉ chín mươi chín phần trăm thôi. Nó bắt nguồn từ mâu
thuẫn, từ xung đột, cọ xát. Tất cả những nhà nghệ sĩ lớn đều mang những nỗi đau
vô hạn. Một Dostoevsky là một con bệnh trầm kha. Từ chính nỗi đau của ông ta, từ
những mâu thuẫn, những xung đột nội tại đã hình thành nên những tác phẩm để đời
như Anh Em Nhà Karamazov.
Nhà danh hoạ Van Gogh cũng rất mực bất thường. Nhưng từ những
bất thường này mà chúng ta có những họa phẩm lừng danh. Thực ra, có thể nhờ được
vẽ ra như thế mà ông ta trở nên quân bình hơn. Nếu không cho ông ta cầm cây cọ
có lẽ ông ta đã phát điên sớm hơn. Nếu không cho Dostoevsky viết, có lẽ ông ta
cũng đã tự sát hay điên khùng rồi. Những sáng tác của họ như là một sự nôn mửa.
Tôi không hề hàm ý chê trách gì trong những sáng tác này, chỉ nói lên một sự kiện
đơn giản: chín mươi chín phần trăm nghệ thuật đều mang màu sắc bệnh thái học.
Thế nên nếu con người trở nên mạnh khoẻ, trở nên bình thường, biết quán chiếu với
tuệ giác, cái hình thái nghệ thuật này sẽ biến mất.
Thế nhưng một mối lo sợ không thể không dấy lên trong những
tâm hồn nghệ sĩ, rằng, nếu như con người thực sự biết quán chiếu thì điều gì sẽ
xảy đến cho nghệ thuật? Chúng ta sẽ không còn có được những bài thơ hay, những
tác phẩm lớn, những bức tranh, những bản nhạc tuyệt vời. Không, ta không phải sợ
hãi những điều như thế -một phần trăm còn lại của nghệ thuật không thoát thai từ
bệnh lý học mà được bắt nguồn từ mặt hồ tĩnh lặng. Ajanta, Ellora, Khajuraho...
tất cả đều được phát xuất từ một minh sát nội tại, từ thiền quán sâu sắc.
Những bức tượng tuyệt mỹ về Đức Phật chắc chắn là không phát
xuất từ bệnh lý học, mà là từ một kinh nghiệm nội tâm sâu sắc. Những ngôi chùa,
những thánh đường vĩ đại trên thế giới cũng không hề phát xuất từ bệnh lý học mà
là từ những cảm hứng tuyệt vời, chúng vươn cao đến những không gian vô tận -đến
siêu thức, đến Thượng Đế.
Những bài giảng của Chúa Giêsu cũng không hề phát xuất từ bệnh
lý học -đây là cái một phần trăm mà tôi nói đến. Freud sẽ không bao giờ tính đến
cái phần trăm này; không chừng ông ta cho rằng Giêsu là một kẻ loạn thần kinh.
Freud cũng sẽ không bao giờ tính đến Đức Phật - ngay cả những điều khăng định của
Phật cũng bị coi là loạn thần kinh luôn. Freud như thế đã đi quá xa và trong
cung cách này cho thấy ông ta là người bị loạn thần kinh mà không ai khác. Như
vậy cái tâm lý học của Freud là gì? Những công trình mà ông ta sáng tạo lên là
gì? Đó cũng là một công trình nghệ thuật xuất sắc -ta gọi nó là gì? Loạn thần
kinh chăng?
Và nếu bạn hỏi tôi về chuyện xếp loại, tôi sẽ xếp Freud,
Adler, và Jung vào cái khối chín mươi chín phần trăm kia.
Thế nhưng cái một phần trăm này đã xảy ra cho nhân loại, và
cái một phần trăm này có thể sẽ tăng trưởng thêm. Còn cái loại hình nghệ thuật
kia rồi sẽ biến mất -tôi nói đến cái loại hình nghệ thuật kiểu Picasso, một khi
con người sống tĩnh thức, thiền quán hơn. Thế nhưng cũng chẳng có gì mất mát cả.
Càng ngày sẽ càng có nhiều hơn những nghệ phẩm của một phần trăm chất lượng kia
đi vào thế gian này.
Thế nhưng cái gì là khác biệt? Làm sao bạn có thể biết được
sự khác biệt đó? Cũng dễ thôi. Nếu bạn đứng trước một bức tượng Phật và đi vào
thiền quán về nó trong chừng nửa giờ, bạn sẽ thấy được sự khác biệt. Và rồi bạn
đi đến trước một bức tranh của Picasso và thiền quán về nó trong nửa giờ, bạn sẽ
thấy sự khác biệt ngay lập tức. Chỉ trong vòng nửa giờ thôi cũng đủ để cho bức
tranh làm đầu óc bạn quay cuồng lên. Bạn sẽ cảm thấy bất ổn, bạn sẽ bắt đầu có
cái cảm giác vô cùng bất an. Bạn không thể nào nhìn vào một bức tranh của
Picasso trong vòng nửa tiếng đồng hồ.
Trong thực tế, Picasso đã không bao giờ cho treo bất cứ bức
tranh nào trong phòng riêng của ông -ngay cả những họa phẩm của chính mình. Một
lần có người cắc cớ hỏi, "Tất cả những ai đủ khả năng tài chánh, đều cho
trưng bày tranh của ông trong phòng tranh, hay phòng ngủ của họ -tại sao ông lại
không treo bức nào cả?" Picasso đã cười và trả lời một cách diễu cợt,
"Tại tôi không đủ khả năng." Thế nhưng sự thực không phải vậy. Treo một
bức tranh Picasso trong phòng ngủ của bạn thì chắc chắn là sẽ dẫn đến ác mộng
thôi! -cực kỳ nguy hiểm. Và Picasso chắc chắn là biết điều đó. Ông ta đã trải tất
cả những nỗi khổ đau của mình lên những bức tranh đó rồi; bây giờ đâu có cần
thêm chúng nữa.
Một loại hình nghệ thuật mới sẽ đi vào thế gian này nếu như
phần đông nhân loại biết thiền định, quán chiếu, và rồi người ta sẽ có được sự
khoan hoà, tĩnh lặng, đầy phẩm chất của một cái gì đó siêu việt. Thưởng thức
nó, nhìn nhắm nó, bạn sẽ bắt đầu tan loãng vào những khung trời rộng mở. Nó sẽ
mang đến cho bạn cái thông điệp của Thượng Đế, cái thông điệp của những khả
năng bất tận của chính bạn.
Hãy đến và ngắm nhìn ngôi đền Taj Mahal -để thấy được cái phẩm
chất tuyệt vời của nó. Nét tuyệt mỹ của nó không phải chỉ thuần về mặt kiến
trúc mà là một cái gì đó rất mực siêu việt. Vào một đêm trăng tròn, ngồi lặng
yên bên cạnh ngôi đền, bạn như được chuyên chở đến một thế giới khác. Và rồi
khi trở về, bạn sẽ tĩnh lặng hơn, yên lắng hơn; bạn sẽ cảm thấy một sự tịch
tĩnh trong suốt khởi dậy ở trong bạn. Âm nhạc như toát ra từ những phiến đá cẩm
thạch đó, thi ca như tuôn trào ra từ những phiến đá cẩm thạch đó -thi ca mang
phẩm chất của Áo Nghĩa Thư, của Gita, Dhammapada, của Bài Giảng Trên Núi, của Đạo
Đức Kinh.
Cái một phần trăm nghệ thuật đó sẽ lớn dậy nếu bạn chín mùi
trong tĩnh lặng. Và rồi cái loại hình nghệ thuật của rối loạn thần kinh, của bệnh
thái học sẽ biến mất đi. Quả là một điều lành khi chúng biến mất.
Câu hỏi thứ ba:
Thế nào là một đứa con hoang?
Bây giờ thì hơi nặng về mặt kỹ thuật một chút. Và tôi lấy
làm ngạc nhiên tại sao lại có người quan tâm quá mức đến cái từ "đứa con
hoang" này. Câu hỏi đã được đặt ra một vài ngày trước đây dưới một hình thức
khác, và bây giờ nó trở lại với chúng ta một lần nữa. Hình như cái từ này nó
trĩu nặng trên lương tâm của ai đó -có người cảm thấy bất ổn với cái từ này.
Tuy nhiên nếu bạn đã hỏi thì tôi sẽ phải thưa chuyện vớí bạn
đôi điều. Những đứa con hoang đến với chúng ta đủ cỡ và đủ dạng; tựu trung
chúng có thể được chia ra làm ba loại. Trước tiên hãy nghe một chuyện vặt sau
đây và rồi hy vọng là bạn có thể hiểu chúng một cách dễ dàng.
Một cặp vợ chồng mới vô cùng phấn khởi chạy đến văn phòng thư
ký quận hối hả đìền vào chứng từ hôn thú, xong họ phóng đến văn phòng của vị Thẩm
phán Tối Cao.
"Xin cảm phiền," vị Chánh án liếc nhìn vào tờ chứng
thư hôn thú, "trong này chhưa đề tên người vợ." "Ngài có thể điền
dùm vào đó được không?" cô gái hỏi. "Không được," vị Chánh án trả
lời, "Bà phải mang trở lại cho cô thư ký làm."
Thế là họ hối hả mang tờ chứng thư chạy đi tìm cô thư ký và
khi trở lại, vị Chánh án liếc nhìn vào tờ đơn lần nữa rồi phán, "Lại quên
để ngày tháng." "Thế nhưng ngài có thể..." "Không!"
Ho lại mang tờ đơn chạy kiếm cô thư ký. Một lần nữa họ xuất
hiện trước mặt vị Chánh Án, lần này ông ta nhìn vào và bảo, "Lại quên đóng
dấu nữa rồi. Đừng có hỏi tôi cái chuyện đóng dấu nghe. Đó không phải là công việc
của tôi. Mang cái đơn trở lại gặp cô thư ký."
Cay đắng và kinh tởm họ lại chạy đi kiếm cô thư ký và cuối
cùng rồi cũng trở về lại văn phòng của vị Chánh án. "Được rồi, tốt lắm,"
Ông ta nói xong và ký tên vào tờ chứng thư. Thế rồi khi ngững lên, lần đầu tiên
ông chợt nhận thấy cặp vợ chồng này có dẫn theo một đứa bé trai khoảng ba tuổi.
"Con của ai đây?" ông ta hỏi. "Của chúng
tôi," cô vợ trả lời. "Của bà hả? Như vậy có nghĩa là bà đã có đứa con
này trước khi bà..."
"Vâng," người cha trả lời, "Trước khi chúng
tôi làm đám cưới."
"Vâng, dĩ nhiên đây không phải là công việc của
tôi," vị Chánh án tiếp, "Nhưng tôi hy vọng ông nhận thức rằng cậu bé
này là một đứa con hoang về mặt kỹ thuật."
"Dạ, chuyện đó cũng không có gì lạ lùng cả," người
cha trả đủa, "Cô thư ký mới đây cũng nói với tôi về ngài y như thế!"
Như vậy, loại thứ nhất là con hoang về mặt kỹ thuật. Có
nghĩa là một người được sinh ra từ thương yêu mà không có chứng thư hôn thú hợp
pháp -không có chuyện cưới hỏi. Thế nhưng đây không hẵn là loại tồi tệ. Loại tồi
tệ là kẻ được sinh ra từ hôn nhân mà không có thương yêu. Và cái loại này thì
có đến hàng triệu triệu người hiện hữu trên thế gian này, chiếm đại bộ phận
nhân loại.
Đó mới là đứa con hoang thật sự. Còn đứa con hoang này chỉ
là con hoang về mặt kỹ thuật -trai hay gái được sinh ra từ tình yêu thật sự.
Không có gì sai trái trong chuyện này cả; đây chỉ là một vấn đề kỹ thuật, trên
căn bản không có gì sai. Đó vẫn là một đứa trẻ toàn hảo, và nên được như thế
-kêt quả của tình yêu. Trong một thế giới tốt đẹp hơn, những người này sẽ không
bị kêu là những đứa con hoang -bởi vì nó tùy thuộc vào cách thế mà bạn nhìn mọi
chuyện. Những người này sẽ phải được kính trọng hơn là những kẻ được sinh ra từ
chứng thư hôn thú, hôn nhân, hợp pháp mà không hề có mặt tình yêu. Còn thụ thai
mà không có yêu thương, sinh ra mà không có yêu thương -những người này thực sứ
mới là những đứa con hoang. Thế nhưng những đứa con hoang này lại gọi cái loại
thứ nhất là "những đứa con hoang."
Nhưng mà ngay cả loại này cũng chưa đến nỗi tệ lắm. Đứa con
hoang thực sự đúng nghĩa là loại thứ ba, những người được sinh ra không phải từ
thương yêu, cũng không phải từ hôn nhân mà chỉ là một tai nạn. Đây là ba loại con
hoang căn bản. Thế nhưng tại sao bạn lại quá lo lắng về chuyện này? Nếu bạn thuộc
loại thứ nhất, đó là điều hoàn toàn hạnh phúc.
Tôi không hiểu tại sao Chúa Giêsu đã không chúc phúc cho những
đứa con hoang: "Phúc cho những đứa con hoang, bởi vì chỗ của chúng là ở
Thiên quốc, do chúng đã được sinh ra từ tình yêu thật sự." Phải vậy không?
Lẽ ra Chúa nên nói như thế. "Tai họa hãy giáng xuống những đứa con hoang
thực sự! Bởi vì chúng chỉ được sinh ra từ hôn nhân, thế nên chúng sẽ sống trong
hoả ngục."
Và tôi không biết chỗ nào để chúng ta có thể đưa cái loại
con hoang đúng nghĩa vào -cái loại thứ ba đó.
Không có gì để phải lo lắng, không có gì để phải coi là
nghiêm trọng, đừng để cho nó nghiền nát bạn. Sinh ra từ tình yêu, đó là chuyện
tuyệt vời -sinh ra từ tình yêu có nghĩa là sinh ra từ Thượng Đế. Hôn nhân chỉ
là một sáng chế của xã hội, một định chế. Không sơm thì muộn rồi hôn nhân cũng
sẽ biến mất -nó nên được biến mất. Con người nên sống trong thương yêu. Tại sao
con người lại nên cố gắng để sống trong một định chế? Tại sao con người lại nên
cố gắng để sống trong hôn nhân? Hôn nhân đã được tạo ra bởi vì con người thiếu
trách nhiệm, bởi vì con người không hề biết ý nghĩa của thương yêu. Hôn nhân chỉ
là một sự thay thế -có một cái gì đó mất đi trong đời sống thực của con người,
và rồi họ tạo ra hôn nhân để thế vào.
Một khi chàng yêu nàng hay nàng yêu chàng, tình yêu là đủ rồi!
Tình yêu sẽ tự nó chu toàn. Và nếu tình yêu không tự mình chu toàn, thì cái gì
khác có thể làm được chuyện này? Chỉ có cái giấy hôn thú thôi.
Dưới cái nhìn của tôi, trong một trăm cuộc hôn nhân thì đã
có đến chín mươi chín cái là sự mãi dâm hợp pháp. Đó không phải là những cuộc
hôn nhân. Một cuộc hôn nhân đích thực khi được phát xuất từ tình yêu. Hợp pháp
hay bất hợp pháp, không thành vấn đề. Vấn đề thực sự chỉ là tình yêu. Nếu tình
yêu hiện hữu giũa hai người, đó là điều đáng chúc phúc. Nếu tình yêu không hiện
hữu giữa hai người, thì tất cả mọi luật lệ pháp lý để trói buộc nhau cũng không
thể bắc một nhịp cầu giữa họ. Và họ sống nhưng trong chia lìa, họ đồng sàng
nhưng dị mộng, họ sống mãi hoài trong xung đột, chiến tranh. Họ tạo ra đủ mọi
thứ vấn nạn cho kẻ khác. Họ thô bỉ với nhau, cãi cọ mè nheo, chiếm hữu nhau, bạo
động, đàn áp, chiếm đoạt, và độc tài với nhau.
Trong một thế giới tốt đẹp hơn, một nhân loại tốt đẹp hơn, mọi
chuyện rồi sẽ đổi khác. Trong cái thế giới đó, một đứa trẻ được sinh ra từ tình
yêu sẽ không bị gọi là đứa con hoang; chỉ có những đứa trẻ được sinh ra từ chứng
thư hôn thú, từ luật pháp, mới được gọi là những đứa con hoang.
Xem Chương 9
- Quay về Mục lục
- Quay về Mục lục Toàn tập