Chương 9. Làm xước giầy

Chương 9. Làm xước giầy

Price:

Read more

Thực Hành Vô Ngã by Vô Ngã

Thiền – Con Đường Của Nghịch Lý – Osho

Bài nói về Thiền

Tập 2

Chương 9. Làm xước giầy


Thầy đứng dậy nói cho một nhóm đi tìm chứng ngộ và chỉ có điều này để nói: 'Ha! Ha! Ha! Mọi điều này là gì? Đi ra sau phòng và uống trà.' Thế rồi thầy đi xuống và ra đi.

Điều duy nhất có thể được nói về điều tối thượng, một cách dứt khoát, là ở chỗ không cái gì có thể được nói về nó. Ngay cả điều đó cũng là quá nhiều để nói; ngay cả điều đó cũng là quá nhiều cho ngôn ngữ diễn đạt. Đó là lí do tại sao mọi kinh sách lớn đều có tính phủ định - họ không nói Thượng đế là gì, họ chỉ nói Thượng đế không là gì. Bằng việc nói Thượng đế không là gì, họ không nói bất kì cái gì về Thượng đế. Họ đơn giản nói cái gì đó về cái mà không phải là Thượng đế. Và nếu bạn hiểu điều đó, dần dần mắt bạn sẽ quay hướng về Thượng đế. Nếu bạn biết cái giả là giả, thế thì sớm hay muộn bạn sẽ tình cờ gặp cái thực. Biết cái giả là cái giả, là biết cái thật.

Phật, Mahavira, Krishna, Christ - không ai nói bất kì cái gì về chân lí. Họ nói cái không là chân lí - họ chỉ ra cái không thực, họ làm cho bạn quen với cái không thực. Nếu việc quen thuộc đó đi sâu vào trong tim bạn, sớm hay muộn bạn sẽ có khả năng thấy chân lí. Tối có thể được diễn đạt qua ngôn ngữ, sáng không thể được diễn đạt. Ghét có thể được diễn đạt qua ngôn ngữ, yêu không thể được diễn đạt.

Bạn đã không quan sát điều đó trong cuộc sống riêng của bạn sao? Nếu bạn đầy hận thù, ngôn ngữ là rất có hiệu lực. Nếu bạn đầy hận thù, đột nhiên ngôn ngữ có luồng chảy. Mọi người nói một cách rất sôi nổi khi họ giận, đang phát rồ - mọi người trở thành người diễn thuyết khi người đó giận. Thế thì người đó không bao giờ dò dẫm tìm lời, thế thì chúng đơn giản tới. Thế thì mọi nhút nhát biến mất. Nhưng khi bạn đang trong yêu, ngôn ngữ có vẻ gần như bất lực. Ngay cả nói 'Anh yêu em' cũng có vẻ tẻ nhạt, nhợt nhạt, chết thế.

Cái sai có thể được diễn đạt bởi ngôn ngữ, nhưng cái đúng không thể được diễn đạt bởi ngôn ngữ. Đó là lí do tại sao Lão Tử nói: Cái mà có thể được nói ra đã là không thực. Vì nó có thể được nói ra, hay nó đã được nói ra, nó đã trở thành không thực. Chân lí không thể được nói ra. Chân lí có thể được chỉ ra, nhưng không thể được nói ra. Ngón tay chỉ trăng - ngón tay không nói trăng là gì, nhưng chúng có thể chỉ dẫn; chúng có thể chỉ hướng cái nhìn của bạn tới trăng.

Đừng bị mắc vào ngón tay - đó là điều xảy ra. Và đó là một trong những cuộc cách mạng mà Thiền đem lại cho thế giới. Thiền đốt kinh sách - điều đó giúp bạn không bám vào ngón tay.

Nếu tôi chỉ cho bạn mặt trăng, và chỉ mặt trăng bằng ngón tay của tôi, đừng bị gắn bó với ngón tay của tôi - ngón tay của tôi không phải là trăng. Và nếu bạn trở nên bị ám ảnh quá nhiều với ngón tay bạn sẽ bỏ lỡ trăng. Để thấy trăng bạn sẽ phải quên ngón tay; để thấy trăng bạn sẽ phải hoàn toàn bỏ ngón tay đi. Bạn sẽ phải nhận chỉ dẫn và tuân theo chỉ dẫn - trong chính việc tuân theo đó, ngón tay bị quên đi. Ngón tay không thành vấn đề. Nó có thể là ngón tay đẹp, bàn tay có thể là bàn tay của nghệ sĩ lớn. Nó có thể là ngón tay xấu, nó có thể ốm, nó có thể khoẻ, nó có thể đen và trắng, nó có thể nam, nữ - điều đó không thành vấn đề.

Phẩm chất của ngón tay không thành vấn đề; bất kì ngón tay nào cũng có thể trỏ tới trăng. Nhưng mọi người đã bị gắn bó quá nhiều với ngón tay. Người Jaina giữ ngón tay của Mahavir - họ tôn thờ ngón tay đó, họ đã quên trăng. Và Phật tử đang tôn thờ ngón tay của Phật.

Đích xác, có một ngôi đền ở Nhật Bản nơi tượng Phật không ở trong điện thờ mà là ngón tay, ngón tay đá cẩm thạch, trỏ đâu đó vào trong cái không biết. Những người đã làm ngôi đền đó phải đã rất cảm nhận; nhưng bạn không biết mọi người - mọi người đang tôn thờ ngón tay đó. Họ đi và để hoa ở đó và cúi lạy. Không ai bận tâm ngón tay đang trỏ vào đâu.

Người Ki tô giáo đang giữ ngón tay khác. Và họ liên tục tranh cãi với nhau - 'Ngón tay của ai đẹp hơn? Jesus có là người vĩ đại nhất không? Hay Phật là người vĩ đại nhất? Hay Krishna hay Mohammed là người vĩ đại nhất?' Bạn đang nói về cái gì vậy? Toàn vô nghĩa! Bạn đang nói về ngón tay, nhưng ngón tay không có liên quan chút nào. Bất kì ngón tay nào cũng có thể trỏ tới trăng. Và mọi ngón tay trỏ tới trăng đều giống nhau - trong việc trỏ tới trăng chúng là tương tự; mọi thuộc tính khác là vô nghĩa.

Phật nói ngôn ngữ này, Jesus nói ngôn ngữ khác, Mohammed lại nói ngôn ngữ khác. Điều đó không thành vấn đề. Với người cảm nhận, chỉ dẫn là đủ. Con người của cảm nhận sẽ đi hướng tới trăng và quên mọi ngón tay. Và khoảnh khắc bạn đi tới trăng, đột nhiên bạn nhận ra mọi ngón tay đều trỏ tới cùng đích.

Cho nên Thiền là ngón tay giơ lên trong im lặng hướng tới trăng. Đó là cách thức của mọi tôn giáo bản chất cơ bản. Tại sao ngôn ngữ là bất lực thế? Tại sao chân lí không thể được nói ra? Đôi điều phải được hiểu trước khi chúng ta đi vào giai thoại nhỏ này.

Ngôn ngữ đơn giản bỏ lỡ nó - bởi lí do nào đó trong chính cấu trúc của bản thân ngôn ngữ. Thứ nhất, ngôn ngữ là thứ tiện dụng. Nó là tốt, khi có liên quan tới thế giới của tiện dụng. Bạn đi ra chợ để mua cái gì đó, ngôn ngữ được cần - nó làm cho mọi thứ thành dễ dàng hơn. Ngôn ngữ là chất bôi trơn, nó giúp cho liên lạc - nhưng chỉ trong thế giới tiện dụng.

Khoảnh khắc bạn bắt đầu chuyển hướng tới sự tồn tại... Sự tồn tại không có tiện dụng, nó không phải là cái gì đó mà bạn có thể mua hay bán. Sự tồn tại là phi tiện dụng, sự tồn tại là vô mục đích. Sự tồn tại phải được quan sát với im lặng sâu trong mắt bạn.

Nếu bạn đi ra bãi chợ và vẫn còn im lặng ở đó, sẽ rất lúng túng cho bạn và cho người khác nữa. Nếu bạn đi tới đồn cảnh sát và họ hỏi, 'Tên ông là gì?' và bạn cư xử theo cách Thiền, bạn sẽ bị coi là điên, khùng, tinh ranh. Im lặng sẽ không được hiểu trong đồn cảnh sát. Và nếu bạn đi và chỉ đứng trước cửa hàng mà không nói bất kì cái gì, chủ tiệm sẽ không có khả năng hiểu im lặng của bạn nữa.

Trong thế giới bình thường, ngôn ngữ được cần - ngôn ngữ đã được phát minh ra dành cho thế giới bình thường này, thế giới hàng ngày này. Nhưng ngôn ngữ không dành cho cái vĩnh hằng. Ở đó bạn không mua sắm bất kì cái gì. Ở đó bạn không nói với bất kì người nào nói riêng, bạn đơn giản trong giao cảm với bản thân sự tồn tại. Không có nhu cầu nói; lời không được cần tới chút nào. Đây là điều đầu tiên cần được hiểu: ngôn ngữ có tiện dụng nào đó, và vì những tiện dụng đó có những giới hạn nào đó.

Sự tồn tại không hiểu ngôn ngữ của bạn. Ngôn ngữ là con người, sự tồn tại là rộng hơn nhiều - nó không bị giới hạn bởi con người.

Mới đêm hôm nọ, tôi đã đọc một cuốn sách của nhà hiện sinh Nga, Nikolai Berdyaev. Ông ấy là một nhà hiện sinh, ông ấy tới rất gần với quan điểm của thiền - nhưng chỉ gần thôi; ông ấy không xuyên thấu nó một cách toàn bộ. Ông ấy nói rằng vào thời cổ các nhà huyền bí thường nghĩ rằng tri thức là thiêng liêng. Ông ấy cảm thấy điều đó là không thích hợp, vì tri thức, là tri thức về điều tối thượng và cái toàn bộ, phải có tính người nữa. Bằng không con người phải bị loại ra khỏi nó. Cho nên làm sao tri thức có thể là thiêng liêng duy nhất? Nó phải là con người-điều thiêng liêng - con người phải được bao hàm trong nó.

Điều đó là đúng - nhưng ông ấy dừng lại ở đó. Tại sao không bao gồm cả con vật nữa? Tại sao không bao gồm cả cây cối nữa? Tại sao không bao gồm khoáng thạch nữa? Chúng cũng tồn tại; chúng không thể bị loại trừ. Berdyaev nói rằng tri thức, là toàn bộ, phải là con người-điều thiêng liêng. Tôi sẽ nói nó phải là khoáng thạch, rau cỏ, con vật, con người, điều thiêng liêng - cộng lại. Nếu cái gì đó bị bỏ lại, cái đó phải được bao hàm vào trong nó nữa.

Nhưng ngôn ngữ có tính người. Không con vật nào hiểu ngôn ngữ của bạn, cây không bận tâm về ngôn ngữ của bạn, đá sẽ không nghe ngôn ngữ của bạn - sẽ không hiểu nữa. Ngay cả mọi con người cũng không hiểu một ngôn ngữ; có hàng nghìn ngôn ngữ trên hành tinh nhỏ bé này. Cho nên ngôn ngữ là phát minh của con người, rất cục bộ. Sự tồn tại là rất lớn, khổng lồ; chúng ta chỉ là các hạt nhỏ bé trong nó. Cái này, trái đất của chúng ta, là một hành tinh rất rất nhỏ. Rất nhỏ. Ngay cả mặt trời của chúng ta cũng là một ngôi sao bình thường rất nhỏ. Những mặt trời lớn hơn tồn tại. Cái vô hạn bao quanh chúng ta; chúng ta phải không có tính rất tỉnh lẻ.

Đó là điều Thiền ngụ ý khi nó nói ngôn ngữ không thể diễn đạt được chân lí. Ngôn ngữ là thứ rất có tính tỉnh lẻ, cục bộ - một phát minh của nhân loại. Nếu nhân loại biến mất, mọi ngôn ngữ sẽ biến mất. Sự tồn tại sẽ tiếp tục. Sự tồn tại đã có đó trước khi con người đi vào, sự tồn tại sẽ có đó nếu thế chiến thứ ba xảy ra và con người biến mất và tự tử. Cây sẽ liên tục nở hoa, xuân sẽ tới, hoa sẽ nở, chim sẽ hót. Mặt trăng sẽ có trong đêm, mặt trời sẽ có buổi sáng. Không ai sẽ nhớ bạn, nhớ lấy; mọi thứ tất cả sẽ có như chúng vậy. Con người là nhỏ thế...

Nhưng bởi vì chúng ta sống trong thế giới con người, chúng ta sống cùng mọi người, chúng ta bắt đầu nghĩ dường như con người là tất cả. Cho nên ngôn ngữ trở nên rất quan trọng. Điều này bạn có thể quan sát. Bạn đã bao giờ xem tranh Thiền chưa? - bạn sẽ thấy nó trong tranh thiền nữa. Khi mọi người nhìn vào bức tranh Thiền họ bao giờ cũng ngạc nhiên, và chút ít áy náy, vì họ không thể thấy ra vấn đề của nó. Nếu bạn xem bức tranh Thiền, toàn thể bức tranh không được vẽ; vải vẽ được bỏ trống - gần chín mươi phần trăm trống rỗng. Chỉ trong một góc nhỏ bên dưới, có hình vẽ nhỏ. Trong hình vẽ đó, có một rặng núi khổng lồ, cây lớn, sông - và con người rất tí hon như kiến. Một chiếc thuyền nhỏ, và chỉ một người như cái chấm đang ngồi đó.

Tranh phương Tây là khác; con người che phủ toàn thể vải vẽ. Thiền nhân cười vào điều đó. Họ nói, 'Điều này mang tính bản ngã - bạn không che phủ được toàn thể vải vẽ của sự sống. Điều này là mất tỉ lệ, bạn đang làm cho bản thân bạn thành quá lớn. Trời ở đâu? Cái bao la ở đâu?' Các bức tranh phương Tây không phải là đại diện của sự tồn tại. Tranh Thiền là đại diện - bầu trời trống rỗng kia che phủ chín mươi phần trăm, hay thậm chí còn hơn. Có vài tranh trong đó độ che phủ gần tới chín mươi chín phần trăm - chỉ trong một góc nhỏ bên dưới... Bức tranh dường như quan tâm nhiều hơn tới bầu trời trống rỗng - dường như bức tranh có đó để chỉ cho bạn bầu trời trống rỗng. Và thế rồi mây và thế rồi núi và thế rồi sông - và tất cả theo tỉ lệ - và thế rồi tới con người tí hon.

Đây là bức tranh đúng. Nhưng chúng ta có thủ thuật, cho nên chúng ta liên tục khuếch đại bản thân chúng ta, chúng ta liên tục vẽ bản thân chúng ta to lớn.

Điều này xảy ra mọi ngày. Khi bạn đứng trước gương trong nhà tắm, bạn có quan sát điều đó không? Khi bạn đứng trước gương, bạn che phủ toàn thể gương; trong một cái khung nhỏ, bạn là tất cả ở đó. Nhìn vào trong gương, bạn sẽ có ấn tượng sai về bản thân bạn. Gương là cấu trúc lớn để tạo ra bản ngã - bạn cảm thấy dường như bạn là toàn thể và tất cả. Trong gương không có gì khác; chỉ bạn có đó. Mọi người thích đứng trước gương. Người càng bản ngã, càng thích đứng trước gương. Gương là kẻ xu nịnh lớn, chúng tâng bốc bạn. Chúng làm cho bạn có vẻ lớn - chúng giúp nghiện cái lớn.

Điều đó là không đúng. Bạn phải nhìn vào những cây này đang đứng kia - trước những cây này chúng ta là rất nhỏ. Và thế rồi có mây, và trước những đám mây này chúng ta thậm chí còn nhỏ hơn. Và thế rồi có bầu trời trống rỗng và các sao, và cái vô hạn. Trước cái vô hạn đó chúng ta đơn giản là những cái chấm.

Ngôn ngữ của chúng ta không thể diễn đạt được cái toàn thể. Nhưng im lặng của chúng ta thì có thể - vì khi chúng ta im lặng chúng ta rơi vào hoà điệu với sự tồn tại. Do đó, mọi tôn giáo đều thuyết giảng về im lặng. Khi bạn im lặng bạn không là người - bạn là đá nhiều như là người, là cây nhiều như là người, là con vật nhiều như là người, là nhiều như mây. Khi bạn im lặng bạn ở trong hoà điệu với sự tồn tại. Khi bạn không nói bạn không còn là một phần của tính tỉnh lẻ con người, tính cục bộ nhỏ bé của con người. Bạn trở thành thành viên của sự tồn tại bao la.

Im lặng là mênh mông. Chân lí được biết tới qua im lặng. Và khi chân lí được biết qua im lặng, nó có thể được diễn đạt chỉ qua im lặng. Nếu nó được biết qua im lặng, làm sao nó có thể được diễn đạt qua tiếng ồn? Ngôn ngữ là tiếng ồn. Nếu nó được biết qua im lặng, nó phải được chỉ dẫn trong im lặng.

Ngôn ngữ đơn giản bỏ lỡ nó. Đầu tiên, chân lí là lớn thế, và ngôn ngữ là nhỏ thế. Và thế rồi - điều đó sẽ có vẻ rất nghịch lí - chân lí là tinh tế thế, và ngôn ngữ là thô thế. Từ cả hai phía, ngôn ngữ bỏ lỡ nó. Ở phía này, chân lí là lớn thế và ngôn ngữ là nhỏ thế. Ở bình diện khác, từ phía khác, chân lí là tinh tế thế và ngôn ngữ là thô thế. Cứ dường như bạn ném chiếc lưới vào sông để bắt cá. Cá bị bắt, nhưng nước không bị bắt. Khi bạn kéo lưới bạn có thể được vài con cá nhưng bạn không có được nước - nước thoát đi. Nước là tinh tế hơn. Lưới của bạn không thể bắt được nước, nó bắt cá; cá càng to càng tốt - cá nhỏ hơn sẽ thoát ra khỏi nó. Và nước là rất rất linh động và khó nắm bắt - nó thoát đi.

Cho nên, một cách nghịch lí, chân lí là vô hạn về một mặt. Mặt khác, chân lí là tinh tế nhất, nhỏ nhất - vô hình, nguyên tử. Lần nữa, ngôn ngữ bỏ lỡ nó. Ngôn ngữ là phát minh của con người. Và chân lí không phải là phát minh của con người. Ngôn ngữ do người làm ra; ngôn ngữ chỉ là tiện nghi. Nó toàn là giả.

Bạn gọi đoá hoa là ‘hoa hồng', ở Ấn Độ chúng ta gọi nó là 'gulab'. Không thành vấn đề gì. Trong sáu nghìn ngôn ngữ, có sáu nghìn cái tên cho hoa hồng. Và hoa hồng không có tên; mọi cái tên đều là bịa đặt. Bạn tin, nó trở thành hoa hồng. Bạn tin vào từ khác, nó trở thành gulab. Nhưng mọi từ đều chỉ là giả.

Chân lí không phải là thứ giả. Thứ giả điều chỉnh theo bạn; với chân lí bạn phải điều chỉnh. Nhớ sự khác biệt đó. Thứ giả là cho việc dùng của bạn; chân lí bạn không thể dùng được. Nếu bạn muốn cùng với chân lí, bạn phải đi cùng chân lí - chân lí không thể đi cùng bạn.

Có hai loại người trên thế giới. Một, những người muốn chân lí đi theo người đó. Người này sẽ không bao giờ đạt tới chân lí. Người này nghĩ rằng chân lí phải đi theo anh ta, chân lí phải trở thành cái bóng của anh ta. Người này quan tâm tới bản ngã riêng của anh ta hơn là chân lí. Khi người này tranh đấu và nói, 'Điều này là đúng,' người này không quan tâm tới chân lí. Người này thực sự nói, 'Đây là chân lí của tôi - làm sao anh dám nói là sai!'

Quan sát điều đó đi. Nếu tôi nói cái gì đó ngược lại chân lí của bạn, bạn giận. Không phải là bạn giận vì tôi đang nói điều gì đó chống lại chân lí, không. Nó là chân lí của bạn; điều đó làm tổn thương bản ngã của bạn. Nếu cái gì đó được nói ngược lại chân lí của bạn, tổn thương là trong bản ngã - bạn không bận tâm về chân lí. Ai quan tâm về chân lí? 'Ki tô giáo của tôi, Hindu giáo của tôi, Jaina giáo của tôi, Hồi giáo của tôi. Koran của tôi, Veda của tôi, Gita của tôi, Kinh Thánh của tôi' - chúng tổn thương. Cái 'của tôi' phải được nhìn vào. Bạn có thể không nói điều đó, nhưng khi bạn nói, 'Kinh Thánh là đúng,' một điều được hiểu - rằng 'Kinh Thánh là sách thiêng của tôi.' Điều đó không được nói rõ ràng thế, không có nhu cầu. Bản ngã đi vào theo mọi cách rất rất tinh ranh - nó không bao giờ tới trên bề mặt, nó vẫn còn ẩn đằng sau.

Khi mọi người tranh cãi, họ không tranh cãi vì chân lí. Chân lí không cần tranh cãi - vì chân lí không thể được quyết định bởi bất kì tranh cãi hay thảo luận nào. Không tranh cãi nào có thể có tính quyết định; nó là vô nghĩa. Khi bạn tranh cãi, bạn tranh cãi vì các bản ngã - chân lí của bạn và chân lí của ai đó khác. Hai bản ngã trong xung đột, bạn phải chứng minh rằng bạn là đúng. Cho dù đôi khi bạn có thoáng nhìn rằng người kia đang nói điều đúng, bạn không thể chấp nhận được nó. Nhiều lần điều đó xảy ra. Bạn có ý thức - nhiều lần một thoáng nhìn tới với bạn rằng có thể người kia là đúng. Nhưng bạn không thể cho phép điều này, bạn không thể quan niệm được điều này - điều đó sẽ là rất rất tồi tệ cho bản ngã của bạn. Bạn phải tranh đấu vì nó.

Tôi thường sống trong một thị trấn trong vài năm, và tôi có người hàng xóm - anh ta là một người rất thú vị. Anh ta là một người Hindu rất rất cuồng tín, và anh ta sẽ tới và tranh cãi với tôi trong nhiều giờ. Và tôi có thể thấy rằng anh ta có thể thấy điều tôi đang nói, tôi có thể thấy rằng anh ta đã hiểu điều tôi nói - nhưng dầu vậy anh ta vẫn cãi. Thế rồi một hôm tôi ngạc nhiên. Anh ta đang nói với ai đó khác, và anh ta nói những điều mà tôi đã từng nói với anh ta mới sáng hôm đó.

Thế là tôi đi tới nhà anh ta và tôi nói, 'Anh đang làm gì vậy?' Anh ta trở nên rất lúng túng. 'Mới sáng nay, anh đã chống lại điều anh bây giờ đang nói.' Anh ta bị bắt quả tang, anh ta thú nhận. Anh ta nói, 'Điều này xảy ra mọi ngày. Khi tôi nghe anh tôi muốn đồng ý, nhưng bản ngã của tôi chống lại. Tôi không thể nói có cho anh ngay trước anh. Nhưng khi tôi về nhà và tôi nghĩ lại nó, tôi thấy anh đúng. Và anh có thể ngạc nhiên,' anh ta nói với tôi, 'rằng tôi đã từng tranh cãi ủng hộ anh với nhiều người. Nhưng tôi không thể nói điều đó cho anh. Nhưng hôm nay anh đã bắt quả tang tôi - bây giờ sẽ khó mà tranh cãi với anh.'

Và thực sự, kể từ ngày đó, tranh cãi dừng lại. Anh ta vẫn thường tới - bây giờ anh ta sẽ im lặng nghe. Việc nhận ra lớn xảy ra cho anh ta, và người này đã thay đổi kể từ ngày đó. Từ ngày đó, anh ta đã thực sự trở thành người tìm kiếm chân lí. Thế rồi anh ta không còn bị bận tâm bởi bản ngã của anh ta - 'niềm tin của tôi' đã không còn là mối quan tâm.

Đúng là gì? Chân lí là gì? Dù nó ở bất kì chỗ nào, người tìm kiếm thực sẵn sàng đi cùng nó. Đây là hai loại người - người muốn chân lí đi theo người đó, và người kia là dũng cảm và sẵn sàng đi cùng chân lí, dù nó dẫn tới bất kì chỗ nào. Người đó không có điều kiện, người đó đơn giản đi một cách toàn tâm với nó. Và chừng nào bạn chưa toàn tâm như vậy với chân lí, thẳng thắn thế với chân lí, bạn sẽ không có khả năng đạt tới nó.

Ngôn ngữ là phát minh của con người. Chân lí không phải là phát minh, chân lí là khám phá - việc khám phá lại. Chân lí đã có đó rồi. Từ 'chân lí' không có đó, cũng như từ ‘hoa hồng’ không có đó. Hoa hồng có đó, từ ‘hoa hồng’ không có đó. Lửa có đó, từ ‘lửa’ không có đó. Thượng đế có đó, từ 'Thượng đế' không có đó - nhưng mọi người liên tục tranh đấu liệu gọi ngài là Thượng đế hay Allah hay Ram. Ngài không có tên; chân lí là vô danh. Không nhãn ngôn ngữ nào được cần, hay, bất kì nhãn nào cũng được. Nếu bạn cần cái nhãn, thế thì bất kì nhãn nào cũng được - Allah sẽ có tác dụng nhiều như Ram có tác dụng, như Thượng đế có tác dụng. Bất kì cái tên nào đều sẽ có tác dụng. Nếu bạn biết điều đó, rằng Thượng đế không có tên, chân lí không có tên - nếu hiểu biết đó còn dai dẳng trong bạn - thế thì bất kì cái tên nào cũng là được. Lửa là lửa. Nó được gọi bằng bất kì cái tên nào cũng không tạo ra khác biệt.

Chân lí có đó; ngôn ngữ thì chúng ta đã làm ra. Im lặng bạn đã không làm ra - đó là cái đẹp của im lặng. Im lặng được cho bởi Thượng đế, ngôn ngữ do con người làm ra. Nếu bạn muốn biết Thượng đế bạn sẽ phải đi qua cái được cho bởi Thượng đế, bạn sẽ phải đi theo ngài qua món quà của ngài. Món quà của ngài có cái gì đó trong nó - chiếc cầu. Qua chiếc cầu đó bạn có thể trở nên được kết nối lại với điều thiêng liêng.

Im lặng là vàng, im lặng là quí giá. Một khoảnh khắc của im lặng là có giá trị hơn nhiều so với nhiều giờ suy nghĩ, học tập.

Vì ngôn ngữ là phát minh của con người, nó tự nhiên là nhị nguyên. Tâm trí con người không thể thấy được cả hai mặt của thực tại cùng nhau; tâm trí con người chỉ có thể thấy một mặt vào một lúc. Ngay cả về một thứ rất nhỏ: nếu tôi cho bạn một hòn đá cuội nhỏ, một hòn đá cuội rất nhỏ, bạn có thể cầm nó trong lòng bàn tay bạn nhưng bạn không thể thấy toàn thể hòn đá cuội ở một thoáng nhìn. Bạn sẽ chỉ thấy một mặt. Khi bạn lật nó bạn sẽ thấy mặt kia, nhưng mặt thứ nhất sẽ biến mất. Bạn không thể thấy ngay cả một hòn đá cuội nhỏ trong tính toàn bộ của nó. Tính toàn bộ của nó là suy diễn - đầu tiên bạn thấy một phần, thế rồi bạn thấy phần khác, và thế rồi bạn hình dung tính toàn bộ của nó.

Như bây giờ bạn đang đối diện với tôi. Bạn nhìn thấy mặt tôi, nhưng bạn không thấy lưng tôi. Khi bạn thấy lưng tôi bạn sẽ không thấy mặt tôi. Bạn có thể thấy một đồng tiền, bạn thấy một mặt mỗi lúc. Cái gì đó bao giờ cũng thiếu.

Và sự tồn tại là đa chiều; có nhiều mặt của nó. Không chỉ đa chiều, sự tồn tại là nghịch lí. Ngày và đêm cùng nhau có đó - nhưng khi chúng ta nhìn, chúng ta thấy ngày như tách rời, đêm như tách rời. Sống và chết là cùng nhau có đó - nhưng khi chúng ta nhìn, chúng ta thấy sống như tách rời. chết như tách rời. Thật ra chúng ta thấy chúng như kẻ thù. Chúng không là kẻ thù - sống chuyển vào trong chết, chết chuyển vào trong sống. Chúng giống như thung lũng và núi - cùng nhau. Núi không thể tồn tại mà không có thung lũng, thung lũng không thể tồn tại mà không có núi. Dù thung lũng ở bất kì chỗ nào, núi sẽ hiện hữu; dù núi ở bất kì chỗ nào, thung lũng sẽ hiện hữu. Chúng là cùng nhau.

Nhưng tâm trí con người bao giờ cũng nhìn vào một mặt - và khi mặt nghịch lí khẳng định, tâm trí nghĩ điều đó ngược lại nó. Cho nên ngày trở thành ngược lại đêm, sáng trở thành ngược lại tối. Yêu trở thành cái gì đó ngược lại ghét - chúng không vậy đâu. Ghét biến thành yêu, yêu biến thành ghét - chúng là một sóng, hai cách diễn đạt của cùng một năng lượng. Và nếu bạn quan sát một cách cẩn thận, chăm chú, trong im lặng, bạn sẽ có khả năng thấy sự kiện này. Nó rõ ràng thế! Bạn không thể ghét một người mà không yêu người đó? Bạn có thể làm một người thành kẻ thù của bạn mà trước hết không làm người đó thành bạn của bạn được không? Không thể được. Trước hết bạn phải tạo ra tình bạn, thế thì bạn có thể tạo ra thù hằn. Trước hết bạn phải yêu, thế rồi bạn có thể ghét.

Đó là lí do tại sao chúng ta ghét cùng những người chúng ta yêu. Chồng liên tục ghét vợ, và liên tục yêu. Và vợ liên tục ghét chồng, và liên tục yêu. Và đôi khi bạn phân vân - tại sao? Tại sao bạn phát điên thế với chồng bạn? Tại sao bạn phát giận thế với vợ bạn? Tại sao đôi khi bạn bắt đầu nghĩ, 'Sao không giết cô ấy đi?' Và bạn biết bạn yêu cô ấy nữa; bạn không thể sống thiếu cô ta. Cho dù trong vài ngày cô ấy đi đâu đó, bạn bắt đầu thấy thiếu cô ấy và bạn cảm thấy đơn độc và bạn cảm thấy buốn. Khi vợ ở xa bạn khao khát cô ấy. Khi cô ấy ở cùng với bạn, bạn cầu Thượng đế, 'Khi nào cô ấy đi đâu đó? Khi nào cô ấy để cho tôi được vài ngày trong an bình và im lặng?'

Yêu và ghét được ngoắc vào nhau. Thật ra, nói rằng chúng là hai là sai. Chúng là một. Tình bạn, thù hằn, là một.

Sự tồn tại là đa chiều, nghịch lí. Nhưng ngôn ngữ không thể là nghịch lí. Nếu ngôn ngữ là nghịch lí nó sẽ mất tính tiện dụng của nó. Nếu ai đó hỏi cái gì đó và bạn nói, 'Có-không,' thế thì nó là vô nghĩa để nói bất kì cái gì. Hoặc bạn nói có, thế thì nó là có nghĩa, hoặc bạn nói không, thế thì nó là có nghĩa. Nhưng sự tồn tại nói có-không cùng nhau. Ở đó, có và không là không tách rời; có và không không phải là hai mặt của cùng một năng lượng. Đó là lí do tại sao ngôn ngữ là nhị nguyên - nó tạo ra một loại tinh thần phân liệt trong ý thức của con người, nó tạo ra chia chẻ.

Và sự tồn tại là bất nhị, sự tồn tại là một. Không có chia chẻ chút nào. Rất khó cho bạn nghĩ rằng chết không là gì ngoài sống của bạn, cao trào của sống của bạn. Bạn đã từng được dạy trong nhiều thế kỉ rằng chết là thù - tránh ra, trốn đi, tự bảo vệ bản thân bạn, phòng thủ bản thân bạn chống lại nó. Nó không là vậy; nó là bối cảnh của sống của bạn. Nếu sống của bạn là chớp sáng, thế thì chết là mây tối. Không có mây tối chớp sáng sẽ mất nhiều - nó sẽ không rực sáng thêm nữa. Nếu sống của bạn là giống như sao lấp lánh trong đêm, thế thì chết giống như đêm tối, đêm không trăng. Sao có đó ban ngày nữa, nhưng bạn không thể thấy được chúng vì không có tối chúng không thể được thấy. Chúng là cùng nhau - một cái trở thành hình dáng, cái kia trở thành bối cảnh. Khi cái kia trở thành hình dáng, cái đầu trở thành bối cảnh.

Khi bạn còn sống, sự sống giống như ánh sáng trên mây tối, đèn trong đêm tối. Khi bạn trở nên chết, thế thì tối trở thành hình dáng và sáng chuyển vào trong bối cảnh, nó trở thành bối cảnh của bạn. Bạn đi vào trong nghỉ ngơi; bạn đi vào trong nghỉ sâu. Chết là nghỉ ngơi cho sống. Và từ chết bạn sẽ lại được sinh ra lặp đi lặp lại. Và từ sống, chết sẽ xảy ra lặp đi lặp lại. Chúng là cùng nhau, một nhịp điệu.

Đó là lí do tại sao ngôn ngữ không thể diễn đại cái một, cái bất nhị, advaita - nó không thể diễn đạt điều đó. Ngôn ngữ là logic - phải là vậy. Nếu nó không logic, nếu nó là phi logic, nó sẽ lại là vô nghĩa.

Một hôm Gurdjieff đang ngồi, và một nhà báo tới gặp ông ấy. Và ông ấy rất không thích các nhà báo. Đột nhiên ông ấy hỏi người đàn bà đang ngồi bên cạnh ông ấy, 'Hôm nay là ngày nào nhỉ?' Và người đàn bà nói, 'Thứ bẩy.' Và Gurdjieff có vẻ rất phân vân, và ông ấy nói, 'Làm sao có thể thế được? Mới hôm nọ đã là thứ sáu - cho nên làm sao hôm nay có thể là thứ bẩy được?'

Người đàn bà cũng hơi lúng túng - ông ấy đang nói gì? Nhưng cô ấy biết rằng ông ấy đôi khi đưa ra những phát biểu rất phi logic. Nhưng nhà báo này nghĩ ông ấy điên.

Ông ấy nói, 'Làm sao hôm nay có thể là thứ bẩy được khi mới hôm nọ đã là thứ sáu? Làm sao? Ông nói cho tôi đi!'

Nhà báo nghĩ thật vô nghĩa mà đi nói với người này. Ông ta trốn luôn, vì ông này dường như là điên và ông này dường như rất dữ tợn nữa - ông này đã là một người Caucase rất khoẻ mạnh, người thực sự mạnh... Ông ta trốn mất. Khi ông ta trốn rồi, Gurdjieff cười. Và người đàn bà nói, 'Sao ông đã làm điều này với ông ta, người đáng thương kia?' Ông ấy nói, 'Ông ta sẽ để thời gian không cần thiết và làm phí thời gian của tôi. Và mọi điều tôi phải nói là phi logic. Nếu ông ta không thể chịu được phi logic chừng nấy, thế thì chẳng ích gì - ông ta sẽ không hiểu điều tôi nói.'

Chân lí là phi logic. Chân lí là siêu logic - chân lí đi ra ngoài các giới hạn và hạn chế của logic. Logic là rõ ràng. Logic là giống như khu vườn Anh - rất gọn gàng, rất đối xứng. Một bụi bên này, bụi khác đích xác ở bên kia - rất đối xứng. Bãi cỏ được cắt, hàng rào được cắt, mọi thứ sạch sẽ, đối xứng.

Chân lí giống với vườn Thiền nhiều hơn... chân lí giống với vườn của tôi nhiều hơn. Mukta là người làm vườn của tôi - cô ấy thấy rất nhiều khó khăn với vườn của tôi. Cô ấy muốn làm cho nó sạch sẽ, để cây thẳng tắp đối xứng. Cô ấy là người Hi Lạp. Tâm trí Hi Lạp về căn bản là logic - Aristotle và Plato và tất cả. Bây giờ cô ấy ở đây trong tay của một người rất phi logic. Tôi liên tục bảo cô ấy, 'Để nó ở bất kì đâu đi, để nó là rừng rậm.' Lúc ban đầu cô ấy thường đi vào trong vườn khi tôi không nhìn, và cô ấy sẽ bắt đầu cắt và tỉa cây. Bây giờ cô ấy đã dừng rồi; giờ tôi không thấy cô ấy với chiếc kéo, di chuyển. Bây giờ cô ấy đã trở nên quen rằng điều này sẽ là như vậy.

Có cây dại mọc và lan khắp vườn. Không ai cho phép cây đó, vì nó có thể phá huỷ toàn thể khu vườn. Và tôi thì yêu nó. Mukta gọi nó là 'đồ quỉ sứ', cô ấy đã đặt tên cho nó là 'đồ quỉ sứ'.

Chân lí là giống rừng rậm hơn. Thậm chí không phải là rừng, vì rừng được trồng. Rừng rậm không được trồng, nó là từ Thượng đế - bất đối xứng, không lập kế hoạch, không logic, không tam đoạn luận. Nó đơn giản có đó, với mọi thách đố của nó - bạn có thể bị lạc trong nó.

Tôi đã nghe nói về một Thiền sư rất vĩ đại cũng là người yêu vườn. Và ông ấy là một người làm vườn lớn. Hoàng đế học từ ông ấy cách tạo ra khu vườn đẹp. Và hoàng đế đã chuẩn bị khu vườn - ông ta đã làm việc ba năm dưới thầy, học mọi thứ, và chuẩn bị vườn trong cung điện. Ông ta có một nghìn người làm vườn để giúp đỡ và làm việc cho ông ta.

Sau ba năm ông ta mời thầy tới xem. Đó sẽ là kì sát hạch - nếu thầy nói, 'Tốt,' hoàng đế đã đỗ. Nếu thầy nói, 'Không. Ông bắt đầu học lại đi,' thế thì ông ta sẽ phải học lại trong ba năm. Nhiều chăm nom thế đã được tiến hành, mọi thứ đã được đặt đúng tuyệt đối. Và không có trục trặc gì, vì một nghìn người làm vườn đã làm việc nhiều tháng.

Và thế rồi ngày đó tới, và thầy tới. Và hoàng đế rất sợ - và ông ta đưa thầy đi xem và ông ta thậm chí càng trở nên sợ hơn, vì thầy có vẻ rất nghiêm nghị. Và chung cuộc, lúc đó là sáng mát lành, nhưng hoàng đế bắt đầu vã mồ hôi - vì thầy thậm chí đã không mỉm cười; thầy đã không nói một lời.

Và hoàng đế, đầy sợ hãi, hỏi, 'Thưa thầy, sao thầy im lặng thế? Sao thầy không mỉm cười? Sao thầy không nói cái gì đó? Có cái gì đó về căn bản là sai với vườn này không?'

Thầy nói, 'Có, có một điều về căn bản sai.' 'Cái đó là cái gì vậy?' hoàng đế hỏi. Và thầy nói, 'Con người là quá rõ ràng nhiều ở đây. Thượng đế vắng mặt. Ông đã quá toán học - ông đã phá huỷ nó. Ông đã quá logic, vườn quá đối xứng. Mọi thứ là như nó phải vậy. Đó là điều sai. Không cái gì là sai, cái đó là vấn đề.'

Nhiều toán học thế tồn tại chỉ trong tâm trí con người. Thượng đế không là nhà toán học. Người Hi Lạp thường nói, trong viện hàn lâm của Plato, trên cửa có viết: 'Thượng đế là nhà toán học. Chừng nào ông chưa biết toán học xin đừng vào viện hàn lâm này.'

Thượng đế không là nhà toán học, Thượng đế là rất phi đối xứng.

Và thế thì bạn có biết thầy đã làm gì không? Thầy đi ra, bảo nhiều người làm vườn đi ra khỏi vườn. Họ đã ném mọi lá khô ra bên ngoài vườn, và thầy nói, 'Đem những lá này trở lại.'

Vườn không lá khô là vườn chết. Lá khô phải có đó, chúng là một phần của nó. Như sống không thể có mà không có chết, làm sao lá xanh có thể có mà không có lá khô? Và lá khô bay nhẹ nhàng trong gió trên đất tạo ra âm nhạc của riêng chúng, điều là đẹp như lá xanh trên cây. Tung bay, nhảy múa... và đôi khi lá khô chuyển động và nhảy múa trên đất trong gió là nhiều âm nhạc hơn bất kì lá xanh nào đã bao giờ có thể có. Vì lá khô là tự do. Lá xanh vẫn còn trong thế giới; lá khô giống như chư Phật.

Cho nên thầy đi ra, đem mọi loại lá khô mà đã được vứt đi, rải chúng khắp vườn. Và gió tới, và những lá khô này bắt đầu bay nhẹ nhàng, và thầy mỉm cười. Thầy nói, 'Giờ nó có vẻ sống động hơn chút ít.'

Đây là thái độ Thiền.

Ngôn ngữ là rất logic - phải là vậy, bởi sự cần thiết. Chân lí là rất phi logic, rất phi đối xứng. Nó không phải là tam đoạn luận, nó là thơ ca. Nó không là số học, nó là bài ca. Nó giống nhiều với yêu hơn là giống logic - đó là lí do tại sao ngôn ngữ không thể diễn đạt được nó.

Bạn có thể diễn đạt yêu của bạn trong tam đoạn luận không? Bạn sẽ phải làm cái gì đó như thế này: bạn đi tới người đàn bà và bạn nói, 'Mũi em là như nó phải vậy, mầu da em đẹp, tóc em hoàn hảo, thân thể em cân đối, bụng em không phình ra - do đó anh yêu em.' Người đàn bà sẽ la lên và gọi cảnh sát - đây không phải là cách rơi vào yêu. Bạn không rơi vào yêu với tam đoạn luận; bạn không đi tới kết luận. Yêu là cú nhảy, không phải là kết luận. Khi bạn làm tam đoạn luận bạn nghĩ vê các bộ phận - mũi, vú, bụng, eo, chân, tay, ngón tay, tóc, mầu da, răng - bạn nghĩ cả nghìn lẻ một bộ phận.

Logic chỉ có thể đi tới bộ phận. Nhưng cái toàn thể ở đâu? Người đàn bà này ở đâu, người đàn bà đặc biệt này? Cô ấy không chỉ là mũi, cô ấy không chỉ là tóc, cô ấy không chỉ là tay, chân. Cô ấy là nhiều hơn tổng của các bộ phận của cô ấy. Bạn rơi vào yêu với cái ‘nhiều hơn’ đó; bạn rơi vào yêu với cái toàn thể. Và bạn yêu cái mũi cô ấy vì bạn yêu cô ấy; bạn yêu cô ấy trước hết, thế rồi bạn yêu mũi cô ấy - không phải cách đi vòng khác. Bạn yêu cô ấy trước hết, đó là lí do tại sao bạn yêu răng cô ấy - không phải cách đi vòng khác.

Logic đi qua bộ phận, yêu đi qua cái toàn thể. Chân lí là giống yêu nhiều hơn - nó là cái nhìn sâu vào trong cái toàn thể. Cái toàn thể đó được gọi là Thượng đế. Hay chân lí, hay Đạo.

Ngôn ngữ là tuyến tính, nó đi theo đường thẳng. Không cái gì chuyển động trong sự sống đi theo đường thẳng; sự sống chuyển theo vòng tròn. Trái đất chuyển động theo vòng tròn quanh mặt trời, và trái đất chuyển động theo trục riêng của nó theo vòng tròn. Và mùa vụ chuyển động theo vòng tròn, và các sao chuyển động theo vòng tròn, và sự sống chuyển động theo vòng tròn - mọi thứ chuyển vận theo vòng tròn. Duy nhất logic, ngôn ngữ, chuyển vận theo đường thẳng.

Ngôn ngữ là tuyến tính, và sự tồn tại là phi tuyến tính. Sự tồn tại là vòng tròn. Bạn không thể diễn đạt vòng tròn qua đường thẳng. Đường thẳng đi thẳng; vòng tròn có đường thẳng trong nó nhưng đường thẳng bị uốn cong, không bao giờ thẳng. Nếu bạn nghe theo sự sống, đường thẳng là phát minh của hình học. Đường thẳng không tồn tại. Euclid nói đường thẳng tồn tại, nhưng bây giờ hình học mới đã đi vào sự tồn tại: hình học phi Euclid. Nó nói không có đường thẳng, đường thẳng không có đó chút nào.

Làm sao bạn có thể vẽ được đường thẳng? Nếu bạn vẽ đường thẳng, ngồi đây trên sàn, nó sẽ không thẳng - vì trái đất là tròn. Cho nên nếu bạn liên tục vẽ đường đó, liên tục vẽ, một ngày nào đó bạn sẽ thấy nó đã trở thành vòng tròn. Cho nên khi nó là nhỏ nó có vẻ thẳng nhưng nó không là vậy, nó là một phần của vòng tròn lớn - nó là một cung. Bạn đã hiểu lầm nó - liên tục làm cho nó lớn hơn và lớn hơn và lớn hơn, và một ngày nào đó bạn sẽ thấy nó đã trở thành vòng tròn. Mọi đường thẳng biến thành đường tròn chung cuộc - cho nên mọi đường thẳng là một phần của đường tròn. Nhưng logic vòng tròn là rất khác với logic tuyến tính. Logic tuyến tính liên tục tiến lên, liên tục tiến tới. Nó liên tục tiến hoá; nó không biến biết tới xoắn ốc.

Đó là lí do tại sao, ở phương Tây, các tôn giáo phương Tây có quan niệm về sáng tạo, nhưng họ không có bất kì quan niệm nào về phá huỷ. Thượng đế của họ chỉ sáng tạo - và thế rồi sao? Thế rồi bị móc lại. Thế thì nó cứ đi mãi. Đây là sai tuyệt đối, vì không cái gì có thể đi mãi mãi; ngày nào đó nó phải đi tới nghỉ ngơi.

Ở phương Đông, Thượng đế sáng tạo và Thượng đế phá huỷ. Một ngày nào đó thế giới đi vào sự tồn tại, một ngày nào đó nó biến mất. Toàn thể kinh nghiệm này của hàng triệu hàng triệu năm được gọi là ngày của Thượng đế - ngày của 'Brahma'. Và ngài là cả hai đấng sáng tạo và đấng phá huỷ. Bây giờ, tâm trí phương Tây không thể nghĩ được rằng Thượng đế có thể là đấng phá huỷ; điều đó là rất logic - đấng sáng tạo không thể là đấng phá huỷ.

Nhưng ở phương Đông chúng ta biết sâu hơn nhiều, chúng ta có cảm giác trực giác về cái toàn thể. Vâng, đấng sáng tạo phải là đấng phá huỷ nữa - bằng không sẽ không có bất kì chết nào, sẽ chỉ có sống. Và sẽ không có ghét, sẽ chỉ có yêu. Và sẽ không có buồn, bao giờ cũng sẽ có sướng. Nó không là vậy đâu. Mọi thứ được sinh ra đều chết đi.

Cho nên toàn thể sự tồn tại này được sinh ra một ngày nào đó, và một ngày nào đó nó chết. Chỉ ở phương Đông chúng ta có quan niệm này - với tiến hoá, chúng ta có quan niệm về tiến hoá xoáy ốc. Mọi thứ không đi mãi, bao giờ cũng tiến triển - với tiến triển có thoái lui nữa. Và bạn có thể quan sát và nhìn điều đó: trong thứ này bạn tiến triển, trong thứ khác bạn thoái lui. Khi một người trở nên rất giầu, bên trong người đó trở nên rất nghèo. Khi một người có mọi thứ, bên trong người đó bắt đầu cảm thấy người đó chẳng có gì. Cho nên tiến triển và thoái lui cùng đi tay trong tay. Khi một người từ bỏ tất cả, đột nhiên người đó cảm thấy người đó đã trở thành người chủ của con người riêng của người đó. Người ăn xin trở thành hoàng đế, hoàng đế trở thành người ăn xin.

Sự sống rất nghịch lí - nó không tuyến tính, nó không logic. Và vì ngôn ngữ và cấu trúc tuyến tính của nó, thời gian được tạo ra: quá khứ, hiện tại, tương lai. Thật ra, không có quá khứ và không có tương lai, chỉ có hiện tại. Nó toàn là vĩnh hằng. Sự tồn tại không có quá khứ và sự tồn tại không có tương lai. Sự tồn tại sống trong tính vĩnh hằng; nó bao giờ cũng là bây giờ.

Cho nên làm sao cái ‘bây giờ’ đó có thể được diễn đạt? Không thể được - vì ngôn ngữ của chúng ta mang ý tưởng về quá khứ và hiện tại. Ngôn ngữ của chúng ta được tạo ra bởi kí ức của chúng ta, nó được chuyển cho kí ức. Vì nó được chuyển cho kí ức, nó nghĩ về quá khứ - kí ức có quá khứ. Và vì nó nghĩ về quá khứ, nó nghĩ về tương lai nữa - tương lai không là gì ngoài việc phóng chiếu lần nữa của quá khứ. Và giữa quá khứ và tương lai nó liên tục bỏ lỡ hiện tại, cái là thực tại duy nhất.

Thượng đế là hiện tại. Bạn không thể nói 'Thượng đế đã hiện hữu' - điều đó sẽ là ngu xuẩn. Và bạn không thể nói 'Thượng đế sẽ hiện hữu' - điều đó sẽ lại là ngu xuẩn. Bạn chỉ có thể nói 'Thượng đế hiện hữu'. Thượng đế bao giờ cũng hiện hữu - không có ‘đã hiện hữu' và không có 'sẽ hiện hữu'. Thượng đế hiện hữu.

Tính hiện hữu này được Thiền nhân gọi là 'tathata' - tính như vậy. Tính như vậy này không thể được diễn đạt bởi ngôn ngữ. Ngôn ngữ sẽ phá huỷ tính như vậy này - nó sẽ phân chia thành quá khứ, hiện tại và tương lai. Và mọi thứ ngay lập tức biến mất - khoảnh khắc bạn phân chia tính toàn thể của một vật, bạn phá huỷ nó.

Tôi có thể chỉ cho bạn đoá hoa hồng đẹp, bạn có thể bứt các cánh hoa ra để nhìn vào bên trong nó - cái gì làm cho nó tích tắc? Nhưng thế thì bạn đã phá huỷ đoá hoa rồi. Bạn có thể đi tới nhà hoá học, bạn có thể thấy mọi hoá chất cái tạo ra đoá hoa này, bạn có thể thấy nó có mùi thế nào và tại sao, cái gì làm cho mùi hoa hồng đẹp này tới. Bạn có thể tìm ra tại sao nó mầu đỏ hay tại sao nó mầu vàng hay tại sao nó mầu đen; bạn có thể tìm thấy mọi yếu tố cấu tạo. Nhưng bạn sẽ không tìm thấy một điều mà là có ý nghĩa nhất: bạn sẽ không tìm thấy cái đẹp. Bạn có thể để mọi hoá chất này vào các lọ khác nhau - được dán nhãn, được đo, được phân loại - nhưng một lọ sẽ vẫn còn trống rỗng, lọ được dán nhãn là 'đẹp'. Cái đẹp bạn sẽ không tìm thấy. Cái đẹp chỉ là của cái toàn thể. Cho nên chân lí chỉ là của cái toàn thể.

Ngôn ngữ là tuyến tính, và chân lí là đồng thời. Dường như bạn ở đây, cây ở đây, chim ở đây, mây ở đây, sao ở đây - mọi thứ đang tồn tại trong khoảnh khắc này. Không phải là đầu tiên bạn tồn tại, thế rồi cây tồn tại, thế rồi mây, thế rồi sao. Mọi thứ tồn tại đồng thời. Nhưng nếu bạn phải làm một đoạn văn mô tả, mọi sự không thể tồn tại đồng thời. Đầu tiên bạn nói về những người đã tụ tập ở đây, thế rồi bạn nói về cây, thế rồi bạn nói về mây, thế rồi bạn nói về sao, những ngôi sao xa xôi hơn - bạn nói từng thứ một, bạn nói dần dần, bạn để mọi thứ theo đường thẳng. Thế thì mọi sự tồn tại thứ nhất, thứ hai, thứ ba - một hàng đợi bắt đầu đi vào trong sự tồn tại.

Sự tồn tại không đứng trong hàng đợi, sự tồn tại là tất cả cùng nhau. Đó là lí do tại sao nó không thể được diễn đạt trong ngôn ngữ.

Chung cuộc, ngôn ngữ là tiếng vọng, sự phản xạ trong gương, cái bóng. Làm sao nó có thể diễn đạt được chân lí? Ngôn ngữ giống như thực đơn - bạn có thể đọc thực đơn, nhưng thực đơn không phải là thức ăn. Bạn có thể đọc thực đơn nhưng bạn không thể ăn thực đơn. Thực đơn có thể làm một điều, nó có thể cho bạn sự thèm ăn - nhưng nó không thể thoả mãn việc thèm ăn của bạn.

Lời của thầy có thể cho bạn việc thèm muốn về Thượng đế, nhưng chúng không thể thoả mãn cơn đói về Thượng đế. Kinh sách có thể khơi gợi ham muốn trong bạn, nhưng chúng không thể đáp ứng cho ham muốn. Lời có thể thách thức bạn, nhưng có vậy thôi - vì lời là cái bóng. Từ 'lửa' không phải là lửa, từ 'thức ăn' không phải là thức ăn.

Cho nên nó cũng vậy với lời 'Thượng đế' - từ 'Thượng đế' không là Thượng đế.

Đó là lí do tại sao các Thiền sư cố tìm ra cách thức phi ngôn ngữ. Đôi khi Thiền sư sẽ hét. Ông ấy sẽ nói điều vô nghĩa, chỉ lời hét, không ngụ ý cái gì, âm thanh vô nghĩa. Hay đôi khi ông ấy sẽ cười: Ha ha ha! Hay đôi khi ông ấy sẽ khóc, và nước mắt sẽ tràn đầy mắt ông ấy và sẽ bắt đầu chảy ròng ròng trên má ông ấy. Hay đôi khi ông ấy sẽ vẫn còn im lặng và sẽ không làm bất kì cái gì. Hay đôi khi ông ấy sẽ đánh đệ tử, đập đệ tử, ném đệ tử.

Các Thiền sư cố tìm ra cách thức phi ngôn ngữ để khơi gợi bạn, để mang bạn tới thực tại này cái đang bao quanh bạn. Nhưng bạn bị lạc trong đầu bạn. Nhiều mây về ngôn ngữ và lời và triết lí đi lòng vòng bên trong đầu bạn tới mức bạn đã trở nên rất rất đờ đẫn. Ai đó cần hét lên với bạn. Ai đó cần đánh bạn đau vào, để cho ít nhất trong một khoảnh khắc bạn đi tới thức tỉnh.

Vài điều. Các Thiền sư nói: 'Dùng lời giống như đánh trăng bằng gậy hay gãi giầy của người ta vì chân bị ngứa.' Điều đó tôi thích. Mm? Liên tục gãi giầy của bạn vì chân bạn đang ngứa. Điều đó sẽ không giúp gì. Điều đó là điều chúng ta đang làm gãi giầy. Cái gì đó khác đang gây ngứa. Chúng ta phải đi thẳng tới thực tại. Ngay cả tầng giầy nhỏ này là đủ để ngăn cản bạn. Và ngôn ngữ là tầng lớn.

Mọi đêm trăng phản xạ

trong suối

nhưng nếu ông cố tìm chỗ

trăng chạm nước

ông không thể tìm thấy cho dù cái bóng.

Những lời này là từ Thiền sư, Takuan. Ông ấy nói nó là vậy với ngôn ngữ - bạn có thể liên tục lắng nghe và lắng nghe và lắng nghe, và khi bạn thử tìm xem liệu lời có chạm tới bạn không, bạn thậm chí sẽ không tìm thấy cái bóng. Cái gì đó khác, cái gì đó tức khắc hơn, cái gì đó trần tục hơn, được cần tới.

Chuyện xảy ra, một giai thoại rất hay trong cuộc đời của một Thiền sư lớn, Lâm Tế:

Lâm Tế gặp một nhóm ba sư lang thang thuộc vào tông phái Phật giáo khác, và một trong ba người này đánh bạo hỏi Thiền sư: 'Sông Thiền sâu thế nào?' Việc tham chiếu tới sông đã nảy sinh từ việc đương đầu của họ xảy ra trên cầu. Thiền sư, Lâm Tế, người đã được chú ý tới vì hành động trực tiếp của ông ấy, không mất thời gian đáp lại. 'Tìm ra cho bản thân ông đi,' ông ấy nói, và đề nghị ném người hỏi từ cầu xuống sông.

Người hỏi này đã hỏi, 'Sông Thiền sâu thế nào?' Một câu hỏi hay. Nhưng khi bạn hỏi một Thiền sư một câu hỏi, bạn phải sẵn sàng cho bất kì cái gì. Vì Thiền sư không đáp lại từ kí ức; chỉ đáp ứng ngay lập tức là đáp ứng của ông ấy. Họ đang đứng trên cầu, và đó là lí do tại sao câu hỏi này nảy sinh. Có thể bởi vì dòng sông mà người hỏi đã dùng biểu dụ về dòng sông. Nhưng anh ta phải là vô nhận biết rằng các Thiền sư không thích các biểu dụ, họ thích thực tại. Biểu dụ sẽ vận hành như chiếc giầy - và thực tại là chân của bạn, cái đang ngứa.

Lâm Tế nói, 'Tìm ra cho bản thân ông đi,' và đề nghị ném người hỏi từ cầu xuống.

Ngay cả tiến sĩ Suzuki, người đã giới thiệu Thiền cho phương Tây, người đã làm phục vụ lớn cho nhân loại - trong bẩy mươi năm này, không người nào khác đã làm việc phục vụ lớn thế cho nhân loại như Suzuki - nhưng ngay cả một người như Suzuki bình luận về chuyện này: 'Nhưng may mắn hai người bạn riêng của anh ta đã xin giùm và xin rủ lòng thương, điều đã cứu vãn được tình huống.'

Bây giờ ngay cả Suzuki đã trở nên sợ; điều này đi quá xa. Nhưng cảm giác riêng của tôi là, điều này không phải là may mắn rằng hai người đã xin giùm. Điều chắc đã là tốt hoàn hảo khi ném sư này xuống sông - cho anh ta vị của sông thực, thay vì liên tục nghĩ theo biểu dụ. Việc suy nghĩ theo biểu dụ không giúp gì.

Tôi không sẵn sàng đồng ý với Suzuki. Tôi có trái tim rất dịu dàng dành cho Suzuki, nhưng tôi không sẵn sàng đồng ý với phát biểu này. Ông ấy nói điều may mắn là hai người kia đã xin giùm và cứu vãn tình huống này. Họ đã phá huỷ toàn thể tình huống này. Không ai biết - người ngã từ cầu xuống sông có thể trở nên chứng ngộ chứ. Vì khi người như Lâm Tế đề nghị ném một người, điều đó không thể là vô nghĩa. Người như Lâm Tế biết điều ông ấy đang làm; người như Lâm Tế hoàn toàn nhận biết về tình huống này.

Có những người có thể trở nên tỉnh táo chỉ khi chết đối diện họ - bằng không họ không bao giờ tỉnh táo. Có những người sẽ thức dậy chỉ khi chết đang đứng ngay trước họ. Với tôi, điều không may là hai người kia đã xin giùm và xin rủ lòng thương. Người đáng thương này đã bỏ lỡ một cơ hội lớn. Tỏ ngộ là có thể. Thật ra, người như Lâm Tế sẽ không đề nghị ném bất kì ai hay mọi người. Người như Lâm Tế sẽ đề nghị ném ai đó chỉ khi ông ấy thấy khả năng này, khi ông ấy thấy tiềm năng này.

Đây là cách Thiền xử trí tình huống, câu hỏi, thách thức. Giai thoại khác.

Một sư vừa mới trở về từ một cuộc hành trình rất dài, chỉ để biết rằng con trai nhỏ của anh ta đã chết - và rằng ngay cả bây giờ, đám tang đã đi qua làng. Choáng và đau đớn về tiết lộ này đã đã đẩy anh ta lao về làng vừa vung kiếm. Anh ta bắt gặp một đám đưa tang nhỏ với thầy đang bước đi bên cạnh quan tài.

Sư này chĩa kiếm vào thầy và kêu lên, 'Bây giờ thầy có thể nói một lời không?'

Bây giờ, điều này là cách thức rất đặc biệt của Thiền nhân. Họ nói, 'Bây giờ ông có thể nói một lời không? Lời có thể giải quyết vấn đề mà tôi đang đương đầu? Con trai tôi chết, và tôi yêu nó vô cùng. Bây giờ thầy có thể nói một lời để giải quyết vấn đề này không?' Và anh ta đã tới với chiếc kiếm, và anh ta giơ kiếm ngay trước thầy. Và anh ta nói, 'Bây giờ thầy có thể nói một lời không? Thầy có thể nói cái gì đó mà có thể giúp tôi nhìn vào vấn đề này, trải qua vấn đề này, có đột phá không?'

Thầy nâng nắp quan tài lên và nói, 'Ông nhìn đi, ta đã không giữ cái gì với ông - không giữ ngay cả điều này.'

Một thầy lớn. Mở nắp quan tài và nói, 'Lại đây! Ông thấy không?' Xác chết của đứa con. Chết - trẻ thế, tươi thế. Chết sống động thế. Vì khi đứa trẻ chết, chết là rất trẻ và rất tươi. Rất rạng ngời. Bạn có thể thấy chết trong mặt của đứa trẻ nhiều hơn bạn sẽ bao giờ có khả năng thấy nó trong người già. Khi người già chết, cái chết cũng già. Khi đứa trẻ chết, chết là rất trẻ và tươi như hoa.

Thầy mở nắp và nói, 'Ông nhìn đi, ta đã không giữ lại cái gì với ông, không giữ ngay cả điều này! Ta đã nói về sống, ta đã giúp ông nhìn sống. Giờ nhìn chết nữa. Không giữ lại ngay cả điều này - ta đã không giữ lại bất kì cái gì bị giấu với ông. Không, mọi thứ được để lộ. Sống ông biết - giờ nhìn cả chết nữa.'

'Nó là vậy, nó là vậy,' sư này đáp, khi nỗi đau làm lộ ra điều đã từng bị che giấu với anh ta từ lâu thế.

Cái gì đã bị che giấu? Nỗi đau nào đã được để lộ ra? Thầy này đã làm gì bằng việc mở quan tài và chỉ cho người này đứa con chết riêng của anh ta? Anh ta đã làm gì?

Người này đã giận dữ; anh ta sẵn sàng giết hay bị giết. Anh ta đã trong rồ dại, anh ta đã điên, anh ta đã vung gươm trần. Anh ta phải đã bị gắn bó rất nhiều với đứa bé; đứa bé phải đã là chính sự sống của anh ta. Anh ta không trong ý thức của mình. Nhưng bộ mặt bình thản của chết đem anh ta trở lại ý thức của mình, và anh ta có thể thấy sự gắn bó của mình. Và anh ta có thể thấy rằng anh ta không lo nghĩ về đứa trẻ và cái chết của đứa trẻ - anh ta lo nghĩ về gắn bó riêng của mình, về sự sở hữu riêng của anh ta. Anh ta lo nghĩ căn bản về chết riêng của anh ta. Đứa con đã chỉ ra rằng mọi người đều sẽ chết. Đứa trẻ đã chỉ ra rằng bạn sẵn sàng chết bất kì khoảnh khắc nào - ngay cả con trai trẻ cũng có thể biến mất trong chết, cho nên về bạn thì sao?

Mọi điều này được khải lộ trong cái chết tươi tắn, im lặng, mát mẻ đó. Sống là ấm áp, chết là mát mẻ. Nhưng chết là nhiều sống như sống vậy.

Và thầy nói, 'Ông nhìn đi, ta đã không giữ lại cái gì với ông - không giữ ngay cả điều này.' Và việc nhận ra lớn lao, việc thức tỉnh lớn lao: 'Nó là vậy, nó là vậy,' sư này đáp, khi đau đớn làm lộ ra điều đã từng bị che giấu với anh ta từ lâu thế.

Các Thiền sư là rất thẳng thắn, rất tức khắc. Không ai có thể dự đoán được đáp ứng của họ, vì họ không bao giờ phản ứng. Bây giờ, đây không phải là phản ứng, nó không phải là câu trả lời được chuẩn bị sẵn. Tình huống này là mới thế, nó có thể đã không bao giờ xảy ra trước đây, và nó có thể sẽ không bao giờ xảy ra về sau. Không cái gì lặp lại. Nếu bạn thực sự sống động, đáp ứng, tự phát, không cái gì lặp lại. Mọi tình huống đem lại câu trả lời riêng của nó.

Đây không phải là câu trả lời đã được diễn tập. Thầy mở nắp - đây là hành động toàn bộ của tính trách nhiệm.

Lắng nghe điều này, giai thoại khác - rất hiếm hoi.

Những khách thăm bất ngờ nào đó đã tới tu viện, cho nên lời nhắn đã được chuyển tới đầu bếp để chuẩn bị thức ăn thêm... Và đầu bếp này không phải là người thường; ông ấy là người đã đạt tới tỏ ngộ...

Ông ấy nhanh chóng đặt ra nhiệm vụ, nhưng trong khi lấy cọng rau xanh, trong vội vàng ông ấy cũng tóm một con rắn. Và trời tối dần, và sư này già rồi, và ông ấy không thể nhìn rõ được nữa, và ông ấy đang vội. Khách đã tới, và lập tức cái gì đó phải được chuẩn bị. Thế là ông ấy cắt rau, và trong rau ông ấy cắt cả con rắn nữa.

Dao chặt chốp chốp, nên đầu bếp không nhận biết về chất thịt phụ thêm đi vào trong nồi. Nửa chừng bữa ăn, đầu bếp được đưa lên trước thầy, người trỏ vào đầu rắn đang được giữ giữa các ngón tay của thầy.

Tình cờ cái đầu đã rơi vào rau của thầy. Và thầy gọi đầu bếp lên và chỉ cái đầu rắn được giữ giữa ngón tay thầy. Thầy nói cái gì? Thầy đang nói, 'Bây giờ ông có thể nói một lời chứ?'

Nhanh như chớp, đầu bếp giằng đầu rắn ra khỏi tay thầy và nuốt chửng nó, vừa nói, 'Ồ, cám ơn Thầy,' và lanh lợi rời khỏi phòng.

Đây là đáp ứng Thiền. Cái gì có đó mà nói? Phải đã là một người hiếm hoi, đầu bếp này. Đáp ứng hay làm sao! Đây là đáp ứng toàn bộ - thẳng thắn, tức khắc. Và bất kì khi nào bạn thẳng thắn, câu trả lời của bạn không chỉ là câu trả lời, nó là tính toàn bộ của bạn - hành động này là toàn bộ.

Bây giờ không ngần ngại một khoảnh khắc, không hoài nghi một khoảnh khắc, không mặc cảm một khoảnh khắc. Không xin lỗi, không cái gì. Và nó đã xảy ra trong một khoảnh khắc, trong một phần khoảnh khắc - vì nếu bạn do dự một chút, ý nghĩ đi vào và câu trả lời không còn là đáp ứng nữa. Vì qua ý nghĩ quá khứ, kí ức tới. Bạn bắt đầu nhìn - 'Làm gì đây? Mình phải nói gì?' Khoảnh khắc bạn nghĩ 'Mình phải nói gì?' bạn đã lỡ. Ông ấy chắc đã bị đánh hôm đó, bị đánh thậm tệ. Ông ấy thậm chí có thể bị tống ra khỏi đạo tràng.

Nhưng hành động hay này, hành động toàn bộ này - ông ấy lập tức chộp con rắn, nuốt nó, và nói, 'Cám ơn Thầy.' Dường như cái gì đó đã được cấp cho ông ấy. Đây là cách đáp ứng Thiền.

Bây giờ lời kinh hôm nay.

Thầy đứng dậy nói

cho một nhóm đi tìm chứng ngộ

và chỉ có điều này để nói:

'Ha! Ha! Ha! Mọi điều này là gì?

Đi ra sau phòng và uống trà.'

Thế rồi thầy đi xuống và ra đi.

Rất nhỏ, nhưng rất xuyên thấu. Rất sắc như chiếc kiếm tuốt trần.

Thầy đứng dậy nói... Trong Thiền, 'nói' ngụ ý khiêu khích, 'nói' ngụ ý thách thức. 'Nói' ngụ ý gọi bạn ra khỏi giấc ngủ của bạn.

'Nói' ngụ ý đích xác điều Jesus đã làm khi Lazarus chết. Ông ấy đã đi xa rồi; các chị em của Lazarus đã gửi một thông điệp. Và Jesus chạy xô về làng đó - nhưng dầu vậy, khi ông ấy tới, ba ngày đã trôi qua. Thân thể của Lazarus đã bắt đầu bốc mùi. Nhưng họ đã bảo quản thân thể này trong hang; họ đợi Jesus. Hi vọng không còn đó nữa - làm sao xác chết ba ngày có thể được gọi lại về sự sống? Và họ bắt đầu khóc khi Jesus tới, và họ nói, 'Thưa thầy, thầy đã tới quá trễ.' Và Lazarus đã là một trong những đệ tử rất được yêu mến của Jesus.

Jesus nói, 'Đừng khóc. Cứ tới cùng ta, đi theo ta.' Và họ đi tới hang, và bên ngoài hang Jesus đứng, và ông ấy nói, 'Lazarus! Ra đi!' Không ai tin rằng bất kì người nào sẽ đi ra. Nhưng không ai tin vào mắt họ, vì họ thấy Lazarus đi ra - loạng choạng một chút, ngập ngừng một chút, như ai đó đã ở trong cơn mê sâu.

Đây là lời nói: 'Lazarus, ra đi!' Lời gọi, lời khiêu khích, lời thách thức.

Thầy đứng dậy nói cho một nhóm đi tìm chứng ngộ... Và những người đang trong tìm kiếm chứng ngộ, cái gì có đó để nói cho họ? Không cái gì có thể được nói về chứng ngộ. Bạn có thể được khơi gợi để trở nên được chứng ngộ, bạn có thể được đẩy, bạn có thể bị ném vào trong nó - nhưng cái gì có thể được nói về nó? Chẳng có gì để nói.

... Và chỉ có điều này để nói... nhưng đây là cử chỉ nhỏ - nó là cử chỉ: 'Ha! Ha! Ha! Mọi điều này là gì? Đi ra sau phòng và uống trà.' Ông ấy đang nói gì? Ông ấy đang chỉ ra cái gì? Ông ấy đang nói cái gì mà không nói?

Ludwig Wittgenstein, một trong những triết gia vĩ đại nhất của thời hiện đại, đã nói... ông ấy đã bị ấn tượng rất nhiều bởi Thiền, và nhiều trong các phát biểu của ông ấy tựa như Thiền, chúng có phẩm chất của Thiền. Một trong những phát biểu quan trọng nhất mà ông ấy đã làm, và nó là rất có ý nghĩa đi ra từ mồm của triết gia phương Tây, là trong cuốn sách của ông ấy Tractatus Logico-Philosophicus nơi ông ấy nói: 'Cái mà không thể được nói thậm chí không nên được thử.'

Cái mà không thể được nói phải không được nói ra chút nào. Người ta phải giữ im lặng. Đó là điều thầy này đang làm - không nói bất kì cái gì thầy làm cử chỉ. Đầu tiên thầy nói, 'Ha! ha! ha!' - thầy cười, tiếng cười bụng. Nó phải đã là cú sốc cho những người đã tới để đi tìm chứng ngộ. Bạn không mong đợi điều đó, rằng bạn sẽ bị coi không nghiêm chỉnh thế.

Những người tìm kiếm chứng ngộ là người rất nghiêm chỉnh, người mặt dài. Và ở đây người này tới, đứng đó trên bục và nói, 'Ha! ha! ha!' Đây là loại bài giảng gì vậy? Nhưng nó là bài giảng Thiền. Thầy cười vào cái ngớ ngẩn rằng bạn đang cố tìm kiếm chứng ngộ. Nó không thể được tìm kiếm - đó là điều thầy nói. Thầy đang chế nhạo họ. Thầy đang nói, 'Các ông là nực cười! Ha! ha! ha! Các ông là đồ ngu, các ông ngu xuẩn. Chứng ngộ không thể được tìm kiếm; nó không phải là cái gì đó mà các ông có thể tìm và thấy. Nó không phải là cái gì đó mà có thể được thành đạt, đạt tới. Nó đã có đó rồi. Mọi điều được cần là bỏ cái nghiêm chỉnh của các ông đi. Cười lên chút ít đi.'

Bỏ cái nghiêm chỉnh của bạn đi, bỏ cái đờ đẫn này đi. Và bỏ tâm trí tìm kiếm này đi - tâm trí tìm kiếm phải là nghiêm chỉnh, vì hi vọng của bạn là trong tương lai: ngày nào đó khi bạn đã đạt tới, thế thì bạn sẽ cười. Và thầy nói, 'Đừng đợi! Các ông có thể cười ngay bây giờ!'

Chứng ngộ không phải là cái gì đó ở trong tương lai, nó đã có đó bên trong bạn, đang sủi bóng lên - muốn trồi lên bề mặt, muốn nở hoa, nhưng bởi vì bạn quá quan tâm với việc tìm và quá bận tâm với việc kiếm, bạn không nhìn vào bên trong. Nó có đó, và bạn liên tục chạy xô ra bên ngoài. Đó là nghĩa của 'Ha! ha! ha!'

Nếu bạn hiểu tại sao thầy đang chế nhạo... những người đã đi vào việc tìm kiếm tôn giáo, tại sao thầy cười họ? Tại sao thầy cố làm cho họ cảm thấy ngu xuẩn? Họ là ngu! Thượng đế không thể được tìm, Thượng đế là ở đây. Vì bạn tìm, đó là lí do tại sao bạn lỡ. Bỏ mọi việc tìm đi, bỏ mọi ham muốn đi, bỏ mọi tương lai đi, bỏ mọi hi vọng đi - và đột nhiên bạn không có đó, chỉ Thượng đế hiện hữu.

Bạn tồn tại trong việc tìm của bạn; tâm trí của người đạt tới là bản ngã. Bạn muốn tiền, bạn muốn thiền, bạn muốn quyền, một ngày nào đó bạn muốn thiên đường - nhưng bạn muốn cái gì đó. Việc muốn của bạn không bao giờ dừng lại. Chứng ngộ này, và việc kiếm nó, lại là đối thể mới cho ham muốn. Do đó có tiếng cười - thầy đơn giản cười vào mặt họ, làm cho họ tỉnh táo: 'Đừng có nực cười.'

Nếu bạn đi tới một Thiền sư và hỏi: 'Tôi muốn biết Thượng đế' ông ấy có thể đánh bạn. Ông ấy có thể nói, 'Ông đang hỏi loại câu hỏi ngu xuẩn gì thế vậy? Ông là Thượng đế! Và làm sao Thượng đế có thể cố là Thượng đế được?' Điều đó dường như xoài hỏi, 'Làm sao tôi có thể trở thành xoài được?' Hay cây bách trong sân nhà hỏi, 'Làm sao tôi có thể trở thành cây bách?' Bạn sẽ nói gì? Bạn sẽ nói, 'Ha! ha! ha! Mày đã là cây bách rồi! Mọi điều này là gì?' Thầy nói: Ông đang tìm cái gì? Mọi điều vô nghĩa này là gì? Dừng tìm lại, và thấy. Không kiếm và thấy.

Có một phát biểu của Picasso - rất hay. Ông ấy nói, 'Tôi không tìm, tôi thấy.'

‘Đi ra sau phòng...' Điều này rất biểu tượng. Việc kiếm này, việc tìm này để đạt tới cái gì đó, lại là việc tìm của bản ngã, nỗ lực của bản ngã để đi vào phía trước. Bạn muốn đứng trước, bạn muốn là người đầu tiên trên thế giới. Bạn muốn trở thành tổng thống, bạn muốn trở thành thủ tướng, bạn muốn cái này và cái nọ - nhưng việc tìm cơ bản là: bạn muốn giữ người khác ở sau bạn, bạn muốn ở trước. Bạn muốn là người đầu tiên trên thế giới - người đẹp nhất, người quyền lực nhất, người giầu nhất, người am tường nhất. Và một ngày nào đó bạn thấy điều này là không thể được. Thế rồi bạn nghĩ, 'Bây giờ mình phải trở thành phật - người chứng ngộ nhất.'

Nhưng lần nữa đó là cùng tâm trí điên, tạo ra những ham muốn mới và mơ mới.

Và thầy nói, ‘Đi ra sau phòng.' Thầy đang nói cái gì? Thầy nói: Quên mọi nỗ lực này để ở trước phòng đi. Chuyển xuống sau phòng.

Đó là điều Jesus nói: 'Những người là người đầu tiên trong thế giới này sẽ là người cuối cùng trong vương quốc Thượng đế của ta. Và những người cuối cùng sẽ là người đầu tiên.'

Thầy nói, 'Đi ra sau phòng và uống trà!' Trà là biểu tượng - trà là biểu dụ trong Thiền. Trà đã trở thành biểu dụ lớn trong Thiền vì trà mang tới nhận biết. Nếu bạn uống quá nhiều trà bạn không thể ngủ được. Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ bạn uống cốc trà và giấc ngủ rời khỏi bạn. Do đó, trà đã trở thành biểu tượng. Và thầy nói: Đi ra sau phòng, và uống trà đi! Cứ đứng ở sau, là người cuối cùng trên thế giới, và trở nên nhận biết! Và thế thì bạn sẽ gia nhập cùng tôi trong 'Ha! ha! ha!' của tôi. Bạn sẽ cười vào toàn thể cái ngớ ngẩn này. Bạn đã bỏ lỡ vì bạn đã tìm; bạn đã bỏ lỡ vì bạn đã cố có nó.

Khoảnh khắc bạn dừng ham muốn, nó có đó. Nhưng đôi khi bạn dừng việc ham muốn và nó không có đó. Chẳng hạn, trong ngủ say - bạn không ham muốn nữa, nhưng nó không có đó. Bạn cần cốc trà. Trong ngủ say bạn không ham muốn, bạn không nghĩ tới tiền - thậm chí mơ cũng không có đó. Mọi thứ đã dừng lại, tâm trí đã dừng lại, nhưng dầu vậy bạn vẫn không đạt tới Phật tính. Tại sao? Trong ngủ say bạn trở thành phật mọi đêm. Nhưng bạn bỏ lỡ, vì vào lúc đó bạn không nhận biết.

Cho nên đi ra sau đi, và uống trà đi. Và đừng hỏi chứng ngộ là gì, và đừng hỏi làm sao đạt tới nó, và đừng hỏi về phương pháp và kĩ thuật và triết lí.

'Mọi điều này là gì?' Thầy nói nó toàn là vô nghĩa. Nói điều này, thầy đi xuống và ra đi. Bài giảng của thầy được kết thúc. Bài giảng ngắn nhất - nhưng là một trong những điều xuyên thấu nhất.

Bây giờ đừng bắt đầu nghĩ về nó! Bây giờ đừng bắt đầu nghĩ về nó, bằng không bạn sẽ bỏ lỡ thông điệp này. Đi ra sau phòng, và uống trà.

Xem tiếp Chương 10Quay về Mục Lục Tập 2

Quay về Mục Lục Toàn Tập

Ads Belove Post