Read more
Osho – Bồ Đề Đạt Ma: Thiền sư vĩ đại nhất
Chương 16. Dũng cảm nói "Tôi không biết"
Nhưng nếu ai đó chặt nguồn của chúng, sông cạn khô. Và nếu ai đó, người tìm kiếm giải thoát, có thể biến ba chất độc này thành ba bộ giới luật và sáu tên trộm thành sáu đường vượt qua, người đó gạt bỏ khỏi mình ưu phiền một lần cho mọi lần.
Nhưng ba cõi giới này và sáu trạng thái của sự tồn tại là bao la vô hạn. Làm sao chúng tôi có thể thoát khỏi ưu phiền vô hạn của chúng nếu mọi điều chúng tôi làm là ngắm nhìn tâm trí?
Nghiệp của ba cõi giới này tới từ một mình tâm trí. Nếu tâm trí ông không ở trong ba cõi giới này, nó ở ngoài chúng.
Và làm sao nghiệp của sáu tên trộm này khác biệt?
Người hữu tử, người không hiểu việc thực hành đúng và thực hiện mù quáng các hành vi tốt được sinh vào trong.
Thầy nói rằng bản tính phật đúng đắn của chúng tôi và mọi đức hạnh đều có nhận biết làm gốc rễ. Nhưng gốc rễ của dốt nát là gì?
Tâm trí dốt nát, với ưu phiền, đam mê và độc ác vô hạn của nó, được bắt rễ trong ba chất độc: tham lam, giận dữ và ảo tưởng. Ba trạng thái độc hại này của tâm trí bản thân chúng bao gồm vô hạn ác độc, giống như cây có một thân nhưng vô số cành và lá. Vậy mà mỗi chất độc tạo ra thêm nhiều triệu ác độc khác đến mức thí dụ về cái cây khó là so sánh ăn khớp.
Ba chất độc này hiện diện trong sáu giác quan của chúng ta như sáu loại thức, hay kẻ trộm. Chúng được gọi là kẻ trộm bởi vì chúng đi vào và ra cánh cổng giác quan, thèm thuồng sở hữu vô hạn, tham gia vào trong việc ác và che mặt nạ căn cước thực của chúng... ba trạng thái này... Người thực hiện mù quáng mười hành vi tốt và tìm kiếm hạnh phúc một cách ngu xuẩn được sinh ra là thần trong cõi giới của ham muốn. Người gìn giữ một cách mù quáng năm giới luật và mê mải một cách ngu xuẩn trong yêu và ghét đều được sinh ra là người trong cõi giới của giận dữ. Còn người níu bám một cách mù quáng vào thế giới hiện tượng này, tin vào các học thuyết giả dối và hi vọng được ân huệ được sinh ra là quỉ trong cõi giới của ảo tưởng.
... Nếu ông có thể tập trung tâm trí mình và siêu việt lên trên cái giả dối và ác độc của nó, đau khổ của sự tồn tại sẽ tự động biến mất. Và một khi thoát khỏi đau khổ ông tự do thực sự.
Lời kinh này cho tối nay... Bồ đề đạt ma đang đối diện với câu hỏi tối thượng mà không ai đã từng có khả năng trả lời. Câu hỏi tối thượng là tối thượng bởi vì nó không thể nào được trả lời. Mọi triết học, thượng đế học, huyền môn, chung cuộc đều đi tới câu hỏi tối thượng, và không có câu trả lời cho nó.
Nhưng ngay cả một người như Bồ đề đạt ma, một con người cực kì dũng cảm, thông minh, nhận biết, vẫn không có dũng cảm tối thượng để nói rằng không có câu trả lời cho câu hỏi này. Ông ấy cố gắng - hệt như hàng triệu triết gia, nhà tư tưởng, nhà huyền môn, bao giờ cũng đã cố gắng nhưng bao giờ cũng thất bại.
Ông ấy cũng cố gắng dường như có câu trả lời và ông ấy biết điều đó, nhưng bất kì điều gì ông ấy nói đều không phải là câu trả lời và câu hỏi vẫn còn nguyên không bị đụng tới. Điều ông ấy nói đích xác là điều đã được ghi trong kinh sách Phật giáo. Tại đây ông ấy không đáp ứng ngay lập tức cho câu hỏi, từ nhận biết của riêng ông ấy; bằng không ông ấy đã đơn giản cười và thừa nhận rằng không có câu trả lời cho nó.
Tôi có thể đơn giản nói, “Tôi không biết”. Nhưng nói, “Tôi không biết” cần dũng cảm lớn nhất trên thế giới này. Ngay cả Bồ đề đạt ma cũng không có dũng cảm tối thượng đó. Nhưng tôi đã có nó! Tôi sẽ không nguỵ trang theo bất kì cách nào - qua lối nói triết lí, hay giả thuyết thượng đế học - để che giấu sự kiện là không có câu trả lời và tạo ra ảo tưởng về câu trả lời.
Bất kì điều gì Bồ đề đạt ma nói ở đây chỉ là ảo tưởng. Ông ấy đang cố gắng tối đa để hợp lí hoá nó, để hỗ trợ cho nó theo kinh sách. Có lẽ ông ấy có thể có khả năng làm yên lòng các đệ tử, nhưng ông ấy không thể làm bình yên tôi được!
Trước hết tôi sẽ đọc câu hỏi của các đệ tử. Các câu hỏi này quan trọng hơn là câu trả lời của Bồ đề đạt ma. Câu hỏi của họ ít nhất cũng có chân thành, tính đích thực. Câu trả lời của Bồ đề đạt ma chỉ để che giấu sự kiện là những câu hỏi tối thượng vẫn còn là câu hỏi. Đây là toàn thể lí do tại sao chúng ta gọi tôn giáo bản chất là “huyền môn”. Nếu mọi thứ có thể được trả lời, thế thì không có vấn đề về bí ẩn nào nữa.
Sự tồn tại là bí ẩn bởi vì bạn có thể cứ trả lời, nhưng chung cuộc bạn không thể nào trả lời nổi câu hỏi tối thượng. Và nó không xa xôi gì; nó tới ngay thôi. Bạn có thể trả lời mọi điều hời hợt, nhưng khi bạn đi sâu hơn câu hỏi tối thượng tới gần hơn. Và khoảnh khắc câu hỏi tối thượng tới, tôi chưa từng bắt gặp một người nào trong toàn thể lịch sử nhân loại có dũng cảm để nói, “Tôi không biết”.
Câu hỏi: Thầy nói rằng phật tính đúng đắn của chúng tôi và mọi đức hạnh đều có nhận biết làm gốc rễ. Nhưng gốc rễ của dốt nát là gì?
Dốt nát từ đâu tới? Nói cách khác, theo biểu tượng khác mà sẽ dễ hiểu hơn...
Các tôn giáo tin vào Thượng đế có thể cứ trả lời các câu hỏi mãi cho tới điểm mà nó được hỏi, “Ai tạo ra sự tồn tại này?” Họ có câu trả lời làm sẵn: Thượng đế tạo ra nó. Bây giờ tới câu hỏi tối thượng: “Ai tạo ra Thượng đế?” Bởi vì nếu mọi thứ cần một đấng sáng tạo, thế thì Thượng đế phải cần một đấng sáng tạo. Và nếu Thượng đế không cần đấng sáng tạo, thế thì tại sao bận tâm về Thượng đế? Thế thì tại sao bạn không thể chấp nhận bản thân sự tồn tại - không có đấng sáng tạo? Nếu bạn phải chấp nhận ở chỗ này chỗ khác, thế thì tốt hơn cả là dừng lại với sự tồn tại như điều tối thượng, bởi vì ít nhất chúng ta cũng biết nó - chúng ta là một phần của nó.
Thượng đế chỉ là giả thuyết. Sự tồn tại là thực tế. Nhưng mọi tôn giáo đã di chuyển từ thực tại sang giả thuyết, và thế thì họ phải đối diện với một vấn đề mà không ai có thể trả lời nổi. Và không ai bao giờ sẽ có khả năng trả lời được cho nó, bởi vì bất kì câu trả lời nào đều sẽ dẫn vào trong hồi qui vô hạn.
Nếu bạn nói rằng Thượng đế Số Một được tạo ra từ Thượng đế Số Hai, câu hỏi vẫn còn y nguyên: "Ai tạo ra Thượng đế Số Hai?" Bạn có thể cứ tiếp tục mãi. Nhưng bất kì số nào, câu hỏi sẽ vẫn còn liên quan, "Ai tạo ra Thượng đế này?" Và đây là cùng câu hỏi mà từ đó chúng ta đã bắt đầu, "Ai tạo ra vũ trụ này?"
Cho nên Thượng đế đã không có ích gì. Giả thuyết này không đưa ra bất kì sự giúp đỡ nào. Thượng đế đơn giản là một giả thuyết vô tích sự. Đó chỉ là việc giả vờ cho câu trả lời, nhưng nó không phải là câu trả lời đúng bởi vì câu hỏi vẫn còn như cũ. Câu trả lời đúng có nghĩa là câu hỏi phải biến mất. Đấy là tiêu chuẩn.
Trong Phật giáo không có thượng đế. Tại vị trí của thượng đế là nhận biết tối thượng, phật tính, bản tính phật. Đây là ngôn ngữ khác biệt duy nhất.
Bây giờ các đệ tử này đang hỏi: Chúng tôi có thể hiểu rằng bản tính phật và mọi đức hạnh có nhận biết làm gốc rễ. Nhưng dốt nát này đến từ đâu? Tại sao dốt nát ngay từ ban đầu? Tại sao không có nhận biết ngay từ ban đầu? Đây là cùng câu hỏi, chỉ khác về khuôn khổ thượng đế học. Và bất kì câu trả lời nào cho nó - không có bất kì ngoại lệ nào, không biết gì về nó cả - tôi có thể nói đều sẽ sai.
Chúng ta đơn giản chấp nhận bí ẩn rằng chúng ta sinh ra trong dốt nát và khả năng cố hữu trong chúng ta để xua tan dốt nát này là trở nên nhận biết. Chúng ta được sinh ra trong khổ, nhưng với tiềm năng cố hữu là vượt qua nó, siêu việt lên trên nó, trở thành phúc lạc, trở thành cực lạc. Chúng ta được sinh ra trong cái chết, nhưng với khả năng đi ra ngoài tử vào trong bất tử.
Nhưng nếu bạn hỏi cái chết tới từ đâu, dốt nát tới từ đâu, khổ tới từ đâu, bạn đang hỏi câu hỏi tối thượng. Không có câu trả lời cho nó. Nó đơn giản là trường hợp vậy. Tốt hơn cả là dùng cách diễn đạt của Phật, "như thế". Như thế là trường hợp này.
Nhưng Bồ đề đạt ma không thể nói điều đó được. Ông ấy bắt đầu trả lời. Câu trả lời đúng duy nhất đáng phải là, "Tôi không biết". Và Bồ đề đạt ma sẽ làm việc phục vụ lớn lao vô cùng cho nhân loại. Ông ấy đã bỏ lỡ! Bất kì điều gì ông ấy đang nói cũng đều rất trẻ con. Nó phải là rất trẻ con, bởi vì không thể nào một người như Bồ đề đạt ma không nhận biết về sự kiện rằng mình không biết câu trả lời. Không ai biết câu trả lời cả. Không ai có thể biết câu trả lời bởi vì không ai có thể hiện hữu trước lúc bắt đầu.
Nghĩ về điều đó một khoảnh khắc: bạn không thể hiện hữu trước lúc bắt đầu. Nếu bạn hiện hữu trước lúc bắt đầu, thế thì nó không phải là lúc bắt đầu. Bạn đã có đó rồi, cho nên cái bắt đầu phải hiện hữu trước khi bạn ở đó. Và chừng nào ai đó còn chưa thể hiện hữu trước lúc bắt đầu, không có nhân chứng, người có thể nói, "Thượng đế đã tạo ra thế giới này."
Ai có thể nói được dốt nát từ đâu tới? Mọi điều chúng ta có thể nói là ở chỗ sự tồn tại bị chìm trong dốt nát và dần dần vài người dũng cảm đi vào trong nhận biết, vươn cao lên trên bóng tối của cuộc sống và đạt tới ánh sáng, cái là vĩnh hằng.
Trong một tham chiếu khác, Phật Gautam làm điều đó thành rõ ràng... mặc dầu ông ấy cũng chưa bao giờ thừa nhận tại bất kì điểm nào rằng nó là bí ẩn và ông ấy không biết.
Tôi muốn bạn hiểu rằng nó vẫn còn là một bí ẩn và nó bao giờ cũng vẫn còn là một bí ẩn. Bởi chính bản chất của nó không có cách nào biết được cái bắt đầu.
Nhưng trong một hoàn cảnh khác, Phật đã tới rất gần. Ông ấy nói, "Dốt nát không có bắt đầu, nhưng có kết thúc. Và ý thức có bắt đầu, nhưng không có kết thúc." Theo cách này ông ấy hoàn thành vòng tròn. Tôi sẽ nhắc lại điều đó, để cho bạn có thể cảm thấy nó một cách sâu sắc: dốt nát không có bắt đầu, nhưng có kết thúc. Và bởi vì dốt nát kết thúc, nhận biết có bắt đầu, nhưng nó không có kết thúc. Nó cứ tiếp diễn thế mãi mãi.
Với điều này, Phật thừa nhận sự kiện rằng tốt hơn cả là đừng hỏi về bắt đầu của dốt nát và đừng hỏi về kết thúc của nhận biết. Hai điều này sẽ vẫn còn là bí ẩn mãi mãi. Và đây là những điều quan trọng nhất trong sự tồn tại.
Nếu câu hỏi này mà được hỏi với tôi, tôi sẽ đơn giản nói, "Tôi không biết", bởi vì đó là câu trả lời chân thành nhất. Nó đơn giản nghĩa là đấy là bí ẩn.
Nhưng Bồ đề đạt ma bắt đầu cố gắng trả lời câu hỏi này, và bạn có thể thấy điều đó thậm chí không động chạm tới câu hỏi này chút nào. Tâm trí dốt nát... bây giờ câu hỏi là dốt nát từ đâu tới, và ông ấy đã chấp nhận nó, không trả lời.
Tâm trí dốt nát, với ưu phiền, đam mê và độc ác vô hạn của nó, được bắt rễ trong ba chất độc: tham lam, giận dữ và ảo tưởng.
Đây có phải là câu trả lời không? Ông ấy đang nói tâm trí dốt nát được bắt rễ trong những điều nào đó: ảo tưởng, giận dữ, tham lam. Nhưng đây có là câu trả lời không? Đệ tử này có hỏi về nó không? Đệ tử có hỏi cái loại giải thích này không?
Câu hỏi là, "Gốc rễ của dốt nát là gì?" Và nếu bạn trả lời rằng chẳng hạn tham lam, giận dữ và ảo tưởng là gốc rễ của dốt nát, bạn đang đơn giản trì hoãn câu trả lời. Lần nữa câu hỏi sẽ nảy sinh, "Tham lam tới từ đâu? Giận dữ tới từ đâu và ảo tưởng tới từ đâu?" Và thế thì bạn rơi vào cái vòng luẩn quẩn. Thế thì bạn bắt đầu nói, "Chúng tới từ dốt nát. Chính bởi vì con người dốt nát; đó là lí do tại sao người tham lam, đó là lí do tại sao người đó giận dữ, đó là lí do tại sao người đó ảo tưởng." Và khi chúng ta hỏi dốt nát này tới từ đâu, "Nó tới từ tham lam, giận dữ và ảo tưởng." Bạn đang định lừa ai đây?
Nhưng trong hàng thế kỉ những loại câu trả lời này đã lừa mọi người. Có lẽ không ai hỏi những câu trả lời này không liên quan này - hoặc bởi vì họ quá bị ấn tượng, quá nhiều tràn ngập bởi tính cá nhân của con người như Bồ đề đạt ma, hay có lẽ họ không thể hình dung ra rằng Bồ đề đạt ma đơn giản tạo ra nhiều hoả mù quanh câu hỏi này, để cho họ không thể thấy được câu hỏi của mình một cách rõ ràng. Ông ấy đang tung bụi vào mắt họ. Đấy không phải là câu trả lời.
Nhưng điều này không phải là trường hợp duy nhất đối với Bồ đề đạt ma. Đây là trường hợp cho mọi người... với Phật Gautam, với Mahavira, với Khổng Tử, với Lão Tử, với Zarathustra, với Jesus, với Moses... với mọi người không ngoại lệ. Bất kì khi nào họ tới gần câu hỏi tối thượng, họ bắt đầu nói điều vô nghĩa. Và đây là những người rất nhạy cảm, những người rất thông minh.
Nhưng câu hỏi tối thượng có thể được trả lời không bởi thông minh mà bởi hồn nhiên, có thể được trả lời chỉ bởi người hồn nhiên, người không để ý gì tới bất kì kính trọng, bất kì trí huệ, bất kì chứng ngộ, người có thể mạo hiểm mọi thứ chỉ vì sự chân thành của mình.
Những người này không có khả năng mạo hiểm trí huệ của họ. Họ không thể nói, "Tôi không biết". Nhưng đấy mới là câu trả lời đích thực duy nhất, bởi vì điều đó cho bạn cảm giác rằng bạn đã đi tới điều tối thượng: bây giờ bắt đầu điều bí ẩn - và nó là không thể giải được. Không có cách nào thu nó lại thành tri thức. Nó không phải là cái không biết mà có thể được làm thành biết bằng nỗ lực, bằng thông minh, bằng thực hành, bằng kỉ luật, bằng bất kì phương pháp nào, bất kì nghi lễ nào.
Bí ẩn có thể được sống, nhưng không thể được biết. Nó bao giờ cũng vẫn còn lại, không thể nào biết được. Nó bao giờ cũng vẫn còn lại, một bí ẩn.
Một người, một người đương đại vĩ đại, G.E. Moore, đã viết một cuốn sách, Principia Ethica. Và có lẽ ông ấy là người duy nhất trong toàn thể lịch sử, người đã nghĩ sâu sắc đến thế chỉ để định nghĩa từ "tốt". Bởi vì không định nghĩa tốt, không thể có luân lí và không có đạo đức. Nếu bạn không thể nào định nghĩa được tốt là gì, thế thì làm sao bạn có thể quyết định được cái gì là đạo đức, cái gì là vô đạo đức; cái gì là đúng, cái gì là sai.
Ông ấy đã lấy một câu hỏi nền tảng, không biết rằng đấy là câu hỏi tối thượng và ông ấy lâm vào rắc rối. Và ông ấy là một trong những người thông minh nhất trong thế giới đương đại của chúng ta. Ông ấy nhìn vào nó từ đủ mọi hướng để viết gần hai trăm năm mươi trang giấy, chỉ trên một câu hỏi đơn giản, "Tốt là gì?" Và ông ấy đã hoàn toàn thất bại trong việc định nghĩa một từ đơn giản như là tốt. Mọi người đều biết tốt là gì, mọi người đều biết tồi là gì, mọi người đều biết đẹp là gì và mọi người đều biết xấu là gì. Nhưng khi phải định nghĩa nó - bạn sẽ trong cùng rắc rối.
Ông ấy đã nghĩ rằng mọi người đều biết tốt là gì... phải có cách nào đó tìm ra bí mật này và định nghĩa nó. Nhưng cuối cùng, sau hai trăm năm mươi trang giấy về những suy nghĩ rất tập trung, với logic sành sỏi nhất và phân tích hợp lí, ông ấy đi tới kết luận rằng tốt là không thể định nghĩa được. Hai trăm năm mươi trang giấy chỉ đi vòng vo mà không đạt tới đâu cả. Tốt là không thể định nghĩa nổi.
Croce đã làm cùng công trình về "cái đẹp"... một nghìn trang giấy. Ông ấy còn đi sâu hơn nhiều so với G.E. Moore đi vào cái "tốt". Và sau một nghìn trang giấy, tới phát biểu cuối cùng: rằng cái đẹp là không thể định nghĩa được.
Mọi người đều biết rằng vấn đề khó khăn nhất là ở chỗ rất khó tìm ra một người không biết đẹp là gì và xấu là gì. Nhưng đừng khăng khăng đòi định nghĩa. Ngay cả những tâm trí vĩ đại nhất cũng đã thất bại.
Đây là việc chấp nhận thất bại, khi họ nói cái đẹp là không thể nào định nghĩa nổi. G.E. Moore trở nên thất vọng đến mức ông ấy nói, "Đừng trách tôi là tôi đã không có khả năng định nghĩa tốt là gì. Ngay cả những câu hỏi đơn giản hơn - đây là câu hỏi rất phức tạp - cũng không thể nào định nghĩa nổi. Chẳng hạn, mầu vàng là gì...?"
Đó là điều G.E. Moore hỏi, "Bạn có thể định nghĩa mầu vàng là gì không?" Tất cả các bạn đều biết mầu vàng là gì. Không có hoài nghi gì về nó cả. Các bạn tất cả đều có thể chỉ vào hoa cúc... đây là vàng. Nhưng ông ấy không yêu cầu chỉ ra; ông ấy đang hỏi, "Làm sao bạn đi tới biết rằng đây là mầu vàng? Định nghĩa của nó là gì? Cái gì là tiêu chí mà đoá hoa cúc này đáp ứng? Tại sao nó không là đỏ? Tại sao nó là vàng? Bạn phải có định nghĩa nào đó. Tại sao cái gì đó đỏ và cái gì đó lam và cái gì đó lục và cái gì đó vàng... trên nền tảng nào?"
Và thế rồi ông ấy nói, "Nếu vàng không thể được định nghĩa và mặc dầu mọi người đều biết nó là gì, không ai nói, thế thì có lẽ tất cả tri thức của chúng ta chỉ rất hời hợt."
Có lẽ chúng ta chưa bao giờ hỏi sâu sắc vào mọi thứ; chúng ta chưa bao giờ đi vào tận đáy tảng đá. Bằng không hiểu biết của riêng tôi là mọi thứ đều không định nghĩa nổi, bởi vì mọi thứ đều là bí ẩn. Không chỉ câu hỏi về cái đẹp, hay cái tốt, hay dốt nát, hay nhận biết - mọi thứ, toàn thể sự tồn tại này bao gồm chỉ những cái không thể định nghĩa nổi. Việc nhận ra điều này là nhận ra dốt nát tối thượng của chúng ta. Và để có khả năng nhận ra dốt nát tối thượng của chúng ta, bạn cần vô ngã tuyệt đối, hồn nhiên vô ngã, bởi vì cái đó đang bị bỏ lỡ.
Bồ đề đạt ma đang làm cùng điều như mọi người khác đã làm. Và đấy không phải là điều mới - trong hàng thế kỉ các triết gia đã từng mê đắm trong những câu hỏi đơn giản.
Tất cả các bạn đều biết hai cộng với hai là bốn. Nhưng bạn chưa bao giờ đi sâu vào trong việc tìm hỏi, liệu nó có là thế không, hay chỉ là nghe nói. Bạn đã nghe mọi người nói hai cộng với hai là bốn, cho nên bạn lặp lại nó từ thế hệ nọ sang thế hệ kia.
Bertrand Russell, một trong những nhà toán học vĩ đại nhất của thời đại chúng ta, và có lẽ của mọi thời đại, đã viết cuốn sách, Principia Mathematica. Ông ấy phải mất hai trăm năm mươi trang để đi vào câu hỏi này, liệu hai cộng với hai có là bốn hay không. Bạn thậm chí không thể nào quan niệm nổi ông ấy đã viết gì trong hai trăm năm mươi trang này...
Hai cộng với hai đơn giản là bốn và quên hết mọi điều về nó. Hai trăm năm mươi trang... một biện luận cô đọng, logic đến mức cuốn sách của ông ấy là một trong những cuốn sách không thể nào đọc được nhất trên thế giới.
Chỉ vài người điên khùng như tôi, người không bận tâm liệu nó là đọc được hay không đọc được... Tôi đã thấy trong nhiều thư viện đại học rằng cuốn sách đó thậm chí chưa hề được mở ra. Nhiều trang còn dính với nhau - không ai dọc chúng ra, bởi vì thậm chí đọc hai trang cũng đủ! Đấy là cuốn sách một nghìn trang tất cả và một phần tư sách chỉ đi vào thảo luận hai cộng với hai có là bốn hay không.
Và kết luận sao? Kết luận là ở chỗ đấy chỉ là niềm tin. Điều đó không thể nào được nói một cách chắc chắn, rằng hai cộng với hai thành bốn. Đấy là một khái niệm tiện dụng. Nó là tốt, làm việc được, nhưng Bertrand Russell đã không bị bỏ lại không được thách thức - ngay cả về điều đó. Một nhà toán học khác, Godel, đã thách thức điều đó. Bởi vì Godel nói không có khả năng nào để hai cộng với hai là bốn cả. Không có khả năng nào cả. Và Godel có cùng phẩm chất thiên tài như Bertrand Russell. Theo bất kì cách nào ông ấy không phải là thiên tài nhỏ hơn - có lẽ còn là thiên tài lớn hơn. Luận cứ của ông ấy rất rõ ràng và Bertrand Russell đã không có khả năng trả lời điều đó.
Godel biện luận rằng bạn có thể đặt hai cái ghế này và hai cái ghế kia cùng nhau và một cách tự nhiên, có bốn cái ghế, nhưng hai trong bản thân nó chỉ là một kí hiệu trừu tượng. Hai cái ghế là vấn đề khác. Hai chỉ là khái niệm. Nó có tính giả thuyết cũng như Thượng đế, hay quỉ. Bạn đã bao giờ thấy hai ở bất kì đâu không? Bạn đã bao giờ gặp hai và nói xin chào không? Bạn đã bao giờ thấy hai với hai gặp nhau và ôm ghì nhau không?
Và phê bình của Godel là ở chỗ hai thứ trong sự tồn tại không bao giờ đích xác là như nhau; cái gì đó bao giờ cũng khác. Bạn không thể nào tìm ra hai người như nhau; bạn không thể nào thậm chí tìm ra hai cái lá trong cả khu rừng mà đích xác hệt như nhau. Thế thì làm sao hai cái lá không bằng nhau, cùng với hai cái lá khác cũng không bằng nhau, là bốn được? Chúng có thể là ba, chúng có thể là năm, chúng có thể là bất kì cái gì, nhưng không là bốn.
Và tôi hiểu Godel là đúng. Tất nhiên hiểu biết của tôi tới từ một chiều hướng hoàn toàn khác. Với tôi, Godel là hấp dẫn hơn bởi vì điều đó làm cho sự tồn tại thành bí ẩn. Bạn thậm chí không thể nào dựa vào những câu trả lời đơn giản như hai với hai là bốn. Mọi thứ đều thực chứng. Nhưng khi có liên quan tới thực tại, nó vẫn còn là điều không thể biết được.
Cho nên bạn phải nhớ điều này. Tôi sẽ đi qua câu trả lời của Bồ đề đạt ma, nhưng đấy không phải là câu trả lời. Có thể có ích để đi vào trong nó: điều đó có thể giúp cho bạn hiểu cái gì đó khác nhưng đấy không phải là câu trả lời cho câu hỏi này.
Nhưng đấy không phải là lỗi của Bồ đề đạt ma. Không có câu trả lời. Lỗi duy nhất của ông ấy là ở chỗ ông ấy không nhận rằng ông ấy không biết. Và tôi không thể tha thứ cho ông ấy về điều đó bởi vì tôi yêu ông ấy và tôi kính trọng ông ấy và tôi muốn ông ấy chân thành. Giá như ông ấy nói, "Tôi không biết", ông ấy đã vượt lên trên cả nghìn nhà huyền môn khác, các vị phật, bồ tát và a la hán khác. Ông ấy đáng đã trở thành tuyệt đối duy nhất, nhưng ông ấy đã không đảm đương được.
Tâm trí dốt nát, với ưu phiền, đam mê và độc ác vô hạn của nó, được bắt rễ trong ba chất độc: tham lam, giận dữ và ảo tưởng. Ba trạng thái độc hại này của tâm trí bản thân chúng bao gồm vô hạn ác độc, giống như cây có một thân nhưng vô số cành và lá. Vậy mà mỗi chất độc tạo ra thêm nhiều triệu ác độc khác đến mức thí dụ về cây khó là so sánh ăn khớp.
Ba chất độc này hiện diện trong sáu giác quan của chúng ta như sáu loại thức, hay kẻ trộm. Chúng được gọi là kẻ trộm bởi vì chúng đi vào và ra cánh cổng giác quan, thèm thuồng sở hữu vô hạn, tham gia vào trong việc ác và che mặt nạ căn cước thực của chúng...
Nhưng nếu ai đó chặt nguồn của chúng, sông cạn khô. Và nếu ai đó, người tìm kiếm giải thoát, có thể biến ba chất độc này thành ba bộ giới luật và sáu tên trộm thành sáu đường vượt qua, người đó gạt bỏ khỏi mình ưu phiền một lần cho mọi lần.
Tất cả những điều này đều được. Nhưng bạn có thể thấy nó là câu trả lời cho câu hỏi này không? Điều đó đúng, rằng nếu bạn có thể thay đổi tham lam của mình, giận dữ của mình, ảo tưởng của mình - các chất độc - bằng nhận biết, chúng biến thành nước cam lồ. Cùng cái là bệnh tật của bạn lại trở thành mạnh khoẻ của bạn. Cùng cái là tù túng của bạn lại trở thành tự do của bạn. Mọi điều được cần là đem tới nhận biết vào trong bóng tối của bản thể bạn.
Điều này là đúng. Chúng ta đã thảo luận về nó nhiều, nhiều lần rồi theo những cách thức khác nhau. Nhưng nó không phải là câu trả lời cho câu hỏi: "Dốt nát bắt nguồn từ đâu?"
Điều này cũng đúng, rằng nếu bạn chặt đứt gốc rễ thế thì cây sẽ tàn lụi đi. Và gốc rễ của tù túng của bạn, của mù quáng của bạn, của bóng tối của bạn, là tâm trí bạn. Nếu bạn chặt đứt gốc rễ của tâm trí - và gốc rễ của tâm trí là đồng nhất với bản thân bạn ... khi bạn giận dữ bạn nói, "Tôi đang giận." Đó là gốc rễ. Nếu bạn thực sự nhận biết khi bạn giận, bạn sẽ không nói, "Tôi đang giận." Bạn sẽ nói, "Tôi đang thấy cơn giận đi qua tâm trí mình." Nếu bạn có thể nói điều đó, bạn là người thấy, bạn là nhân chứng. Rễ bị chặt đứt.
Một sannyasin Ấn Độ, người đã du hành xa và khắp thế giới, là Ramateertha. Ông ta có thói quen rất lạ không bao giờ dùng chữ "tôi". Thay vì dùng chữ tôi, ông ấy sẽ dùng ngôi thứ ba để chỉ mình. Chẳng hạn, "Ramateertha khát." Ông ấy không bao giờ nói, "Tôi khát". Ông ấy sẽ nói, "Rama khát."
Với những người biết tới ông ấy, không có khó khăn gì. Nhưng ông ấy liên tục du hành khắp trên thế giới. Trong nhiều năm ông ấy đã ở Mĩ và mọi người không thể hiểu nổi khi ông ấy nói, "Rama đau đầu". Họ sẽ hỏi, "Rama đâu?" Hay, "Rama khát", hay "Rama cảm thấy ốm."
Tại một miền đất lạ, ông ấy đi cùng những người lạ và họ cứ liên tục nói, "Đây là cách nói lạ đời. Sao ông không đơn giản nói rằng ông khát? Tại sao làm điều đó thành rắc rối không cần thiết?" Nhưng ông ấy đang thực hành một phương pháp nào đó để chặt đứt gốc rễ. Bằng việc không nói, "Tôi khát, tôi đau đầu, tôi cảm thấy ốm, tôi cảm thấy buồn ngủ," ông ấy đang cố gắng tránh cái "tôi" và cố gắng chỉ là người quan sát. "Rama đói; Rama khát" hay "Rama đang đau đầu". Ông ấy chỉ là nhân chứng báo cáo lại cho bạn rằng đây là điều đang xảy ra cho Rama... nếu bạn có thể làm được điều gì đó, làm nó đi.
Ông ấy cố gắng kéo mình ra khỏi bất kì cái gì đang xảy ra trong thân thể mình, trong tâm trí mình, trong trái tim mình. Ông ấy đang cố gắng làm sáng tỏ cho bản thân mình hoàn toàn khỏi mọi sự đồng nhất. Ông ấy muốn là nhân chứng.
Là nhân chứng là chặt đứt chính gốc rễ, và bạn sẽ được giải thoát. Điều này hoàn toàn đúng. Nhưng đây không phải là câu trả lời cho câu hỏi.
Tôi sẽ cứ nhấn mạnh sự kiện là Bồ đề đạt ma đang tạo ra việc nói dài dòng không cần thiết... chán ngắt thế. Có lẽ các đệ tử này đã quên mất câu hỏi, nhưng tôi không thể quên được mà tôi cũng không thể tha thứ được. Mọi điều ông ấy đang nói là đúng trong hoàn cảnh khác, cho nên ông ấy không nói điều gì sai cả. Nhưng bất kì điều gì ông ấy nói ra mặc dầu là đúng, là không liên quan chút nào. Và chỉ là đúng không phải là câu hỏi. Câu trả lời phải có liên quan tới câu hỏi.
Ông ấy cứ tạo ra ngày càng nhiều... Nhưng ba cõi giới này và sáu trạng thái của sự tồn tại là bao la vô hạn. Nó có quan hệ gì với nguồn gốc của dốt nát, từ đâu nó tới?
Làm sao chúng tôi có thể thoát khỏi ưu phiền vô hạn của chúng nếu tất cả những điều chúng tôi làm là ngắm nhìn tâm trí? Đệ tử này đang hỏi một câu hỏi khác. Họ đã bị lừa. Họ nghĩ họ đã nhận được câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất của mình. Họ vẫn chưa nhận được câu trả lời, bởi vì không có câu trả lời.
Bây giờ họ đang hỏi câu hỏi khác:
Nhưng ba cõi giới này và sáu trạng thái của sự tồn tại là bao la vô hạn. Làm sao chúng tôi có thể thoát khỏi ưu phiền vô hạn của chúng nếu tất cả những điều chúng tôi làm là ngắm nhìn tâm trí?
Họ bị Bồ đề đạt ma bắt. Ông ấy đã lừa họ. Ông ấy đã đem tới cho họ một câu hỏi có thể trả lời được.
Tôi nhớ tới một bác sĩ chữa bệnh cho một bà rất giầu... chỉ là cảm lạnh thông thường, nhưng nó không hết. Bác sĩ cũng phát mệt mỏi bởi vì ngày nào bà này cũng tới đứng tại phòng khám của ông ấy với lời phàn nàn rằng bệnh cảm không hết - và thực ra làm gì có cách chữa trị cho bệnh cảm thường.
Những người biết đều nói, "Nếu bạn uống thuốc, nó hết trong bẩy ngày. Nếu bạn không uống thuốc, nó hết trong một tuần."
Nhưng ông bác sĩ này mệt mỏi rồi. Ngày nào bà giầu có này cũng tới trong chiếc xe limousine... và cứ khi ông ấy nghe thấy tiếng xe limousine đậu ngay trước của, ông ấy lại nói, "Trời, bà ấy lại tới. Cái bệnh cảm thường ấy sắp giết tôi rồi."
Cuối cùng ông ấy trở nên chán ngán đến mức ông ấy nói, "Nghe đây, chỉ có một cách chữa thôi. Tôi đã không bảo bà bởi vì nó có chút khó khăn." Bà này nói, "Không có vấn đề gì. Tôi đang sẵn sàng làm bất kì cái gì, nhưng tôi muốn loại bỏ bệnh cảm này."
Thế là ông ấy nói, "Bà làm một điều: ở ngay sau lâu đài nơi bà sống có một cái hồ lớn. Vậy bà dậy vào giữa đêm, khi trời thật lạnh và cóng, cởi hết quần áo và nhảy xuống hồ."
Bà này lắng nghe nín thở về cái loại chữa trị gì thế này. "...và thế rồi đứng lên bờ, trần trụi. Đừng lau khô nước trên người. Cứ để cho gió làm bay chúng đi."
Và bà này nói, "Trời, đây mà là cách chữa trị cho bệnh cảm thường sao? Điều này sẽ làm cho tôi viêm hai buồng phổi!"
Ông bác sĩ nói, "Đúng đấy. Tôi có cách chữa cho bệnh viêm hai buồng phổi, nhưng tôi không có cách chữa cho bệnh cảm thường. Cho nên trước hết tạo ra bệnh viêm hai buồng phổi đi; thế thì mọi thứ là trong vòng kiểm soát. Khi bà quay lại, quay lại với bệnh viêm hai buồng phổi và tôi sẽ chữa nó. Nhưng với bệnh cảm thường, tôi không có cách chữa trị gì khác. Đây là cách chữa trị duy nhất. Khi ai đó muốn được chữa, thế thì tôi phải cho người đó cách chữa này như phương kế cuối cùng. Nếu bà có thể xoay xở để tạo ra bệnh viêm phổi, hay viêm hai buồng phổi... không sợ. Tôi đã có kinh nghiệm hoàn hảo và đã tìm ra cách chữa trị hiệu nghiệm cho chúng. Tôi đảm bảo điều đó; bà chỉ làm điều tôi vừa bảo bà."
Đó là điều các triết gia vẫn làm. Bất ki khi nào bạn hỏi họ câu hỏi tối thượng mà không thể được trả lời, họ bắt đầu đi vào viêm phổi, viên hai buồng phổi. Và người bình thường bị thách đố bởi lời của họ. Họ hoặc nghĩ câu hỏi của họ đã được trả lời rồi, hoặc có lẽ họ đã quên mất câu hỏi này vào lúc buổi thuyết giáo dài dằng dặc kết thúc.
Họ đang hỏi câu hỏi khác. Bây giờ không có vấn đề gì; họ đang hỏi, "Có biết bao nhiêu ưu phiền và sự tồn tại thì lại bao la thế, và người ta có biết bao nhiêu kiếp sống và biết bao nhiêu hành động ác... chỉ bởi ngắm nhìn tâm trí, làm sao người ta có thể thoát khỏi tất cả những cái đó?"
Chỉ một cách chữa trị đơn giản, đơn giản thế: quan sát tâm trí bạn và mọi thứ chấm dứt. Điều đó không thể nào tin nổi được. Mọi người muốn cái gì đó phức tạp, bởi vì vấn đề là phức tạp...
Trong hàng triệu kiếp sống của bạn trong quá khứ, bạn phải đã làm vô lượng hành động ác, bạn phải đã mơ vô lượng giấc mơ ác. Nếu bạn còn chưa phạm tội, bạn có thể nghĩ tới việc phạm tội. Điều đó không khác biệt gì - liệu bạn thực tế giết ai đó hay bạn đơn giản nghĩ tới giết ai đó, trong cả hai trường hợp tâm trí bạn đang vận hành theo cách ác độc. Nó đang rung động theo cách ác độc, và tâm trí mang những rung động này trong hàng triệu kiếp. Bây giờ biết bao nhiêu hành động ác trong quá khứ đã được tích luỹ lại, làm sao chúng có thể bị loại bỏ chỉ bởi việc ngắm nhìn tâm trí?
Nhưng đây không phải là câu hỏi tối thượng. Đây là câu hỏi rất đơn giản... bởi vì bạn có thể đã mơ cả đời mình. Trong đêm bạn có thể đã mơ rằng bạn sống cuộc sống một trăm năm. Và thang thời gian giữa lúc tỉnh và mơ là khác nhau: nếu bạn rơi vào trong giấc ngủ một giây, bạn có thể mơ một giấc mơ dài nhiều năm. Và khi bạn tỉnh dậy và nhìn vào đồng hồ mình, bạn bị phân vân: mới một phút trôi qua. Trong một phút, làm sao bạn có thể đảm đương được giấc mơ dài? Năm tiếp năm đã trôi qua trong giấc mơ.
Trong mơ thang thời gian là khác. Khi bạn tỉnh dậy, thang thời gian là khác. Chúng ta không biết đích xác thang thời gian trong mơ là gì; bằng không chúng ta có thể có khả năng tạo ra đồng hồ đúng mà bạn có thể đeo khi bạn ngủ nó sẽ cho bạn đích xác thời gian đúng. Chúng sẽ không tính theo phút và giờ; chúng sẽ là năm, và có lẽ là năm ánh sáng bởi vì bạn có thể mơ rằng bạn đã ở trên mặt trăng, bạn có thể mơ rằng bạn đã ở trên vì sao xa nhất.
Phải mất bốn năm mới tới được ngôi sao gần nhất và bốn năm để quay về - và đó là về ngôi sao gần nhất! Có những ngôi sao mà phải mất bốn triệu năm, năm triệu năm để đi tới, và thế rồi năm triệu năm để quay lại. Bạn có thể xoay xở trong một đêm; trong một giấc mơ, bạn có thể tới ngôi sao xa xôi nhất và bạn có thể quay lại nữa. Bạn phải quay lại. Bạn không thể vẫn còn ở đó. Không thể có chuyện là bạn có thể tỉnh dậy trong phòng mình và không tìm thấy bản thân mình ở đó vì bạn đã đi...
Tôi đã nghe: Hai người bạn đang nói chuyện với nhau về giấc mơ họ có đêm qua. Một người nói, "Này cậu, giấc mơ mới đẹp làm sao... cá to thế! Trong cả đời mình tớ chưa từng có khả năng bắt được nhiều cá to thế. Vui thế... cả đêm, tớ cứ đi đi lại lại, trong hồ, và tìm được cá mỗi lúc một to hơn."
Người kia nói, "Đây chưa là gì nhé. Cậu thậm chí không quan niệm nổi điều đã xảy ra trong giấc mơ đêm qua của tớ." Bạn anh ta nói, "Chuyện gì vậy?"
Và người này nói, "Tớ đang nghĩ xem liệu tớ có nên nói điều đó ra hay không - bởi vì cậu sẽ không tin điều đó. Ngay cả khi tớ tỉnh dậy, bản thân tớ cũng không thể nào tin nổi nó nhưng mà nó đã xảy ra. Bỗng nhiên tớ thấy rằng trên giường tớ, một bên là Sophia Loren. Tớ nói, 'Trời, làm sao cô ấy vào được?' và tớ quay ra nhìn sang phía bên kia và tớ thấy Marilyn Monroe. Tớ nói, 'Có chuyện gì vậy? Mình đã chết và lên cõi trời rồi sao?'"
Vào lúc đó anh chàng kia trở nên rất giận. Anh ta nói, "Cậu là đồ ngốc, sao cậu không điện thoại cho tớ? Khi hai đàn bà tới... cậu làm gì với hai đàn bà? Một là đủ cho cậu. Cậu có thể chọn. Tất nhiên đấy là giấc mơ của cậu, cho nên việc chọn lựa đầu tiên là ở cậu. Nhưng người đàn bà kia thuộc về tớ. Đây là cái loại tình bạn gì thế này?"
Và người kia nói, "Tớ sang nhà cậu nhưng họ nói cậu đã đi câu cá rồi."
Trong một giấc mơ nhỏ bạn có thể làm đủ mọi chuyện... có thể, không thể, đủ mọi thứ! Thang thời gian là khác. Buổi sáng khi bạn thức dậy, bạn có hỏi làm sao điều ấy là có thể, chỉ bởi việc thức dậy, mọi giấc mơ đều biến mất - biết bao nhiêu giấc mơ, những giấc mơ đẹp thế...?
Cũng điều ấy là tình huống khi người ta trở nên chứng ngộ. Tất cả hàng triệu kiếp sống đơn giản bay hơi như giấc mơ. Vấn đề không phải là tranh đấu với từng và mọi hành động ác một cách tách biệt - rằng bạn phải tranh đấu, làm việc tốt, cân bằng với việc ác - thế thì sẽ phải mất hàng triệu kiếp nữa trước lúc bạn có thể trở nên thức tỉnh.
Và trong khi đó, trong hàng triệu kiếp sống này khi bạn đang cố gắng hoàn tác lại quá khứ của mình, bạn sẽ tiếp tục làm cái gì đó này khác và điều đó sẽ cứ tích luỹ lại. Bạn không thể nào thoát ra khỏi cái bẫy này. Cách duy nhất để thoát ra khỏi bẫy này là thức dậy.
Không cái gì khác được cần. Bạn không phải thay đổi giận dữ của mình, bạn không phải thay đổi tham lam của mình, bạn không phải thay đổi cái gì cả. Bạn chỉ đơn giản phải tỉnh táo và nhận biết. Và tất cả những phóng chiếu của tham lam, tất cả những phóng chiếu của giận dữ, tất cả những phóng chiếu của ảo tưởng sẽ bay hơi hết - giống như cách, vào mỗi sáng, các giấc mơ của bạn bay hơi. Chúng được làm cùng chất liệu như giấc mơ được làm nên.
Cho nên đó dường như là một phương pháp đơn giản và không thể nào quan niệm nổi đối với tâm trí hợp lí rằng điều đó có thể giải quyết được bất kì cái gì. Chỉ bằng quan sát tâm trí bạn mà mọi thứ sẽ được biến đổi và bạn sẽ phát hiện ra phật tính của mình, cái đẹp và vui vẻ tối thượng của mình, sự tồn tại tối thượng của mình, cực lạc lớn lao nhất của mình. Làm sao điều này là có thể được? Đó là điều đệ tử này đang hỏi.
Bồ đề đạt ma nói: Nghiệp của ba cõi giới này tới từ một mình tâm trí. Nếu tâm trí ông không ở trong ba cõi giới này, nó là vô trí, nó ở ngoài chúng.
Khoảnh khắc bạn nhận biết, tâm trí trở nên im lặng. Và tất cả những hành động, dù tốt hay xấu, đều chỉ do tâm trí tạo ra. Chúng giống hệt như cuốn phim bạn thấy trên màn ảnh của tâm trí. Một khi bạn tỉnh dậy, phim biến mất. Bỗng nhiên có màn ảnh trống... hoàn toàn im lặng, không cái gì chuyển động, tuyệt đối tĩnh lặng.
Người hữu tử, người không hiểu việc thực hành đúng và thực hiện mù quáng các hành vi tốt được sinh vào trong ba trạng thái này... Những người thực hiện mù quáng mười hành vi tốt và tìm kiếm hạnh phúc một cách ngu xuẩn thì được sinh ra là thần trong cõi giới của ham muốn. Những người gìn giữ một cách mù quáng năm giới luật và mê đắm một cách ngu xuẩn trong yêu và ghét được sinh ra là người trong cõi giới của giận dữ. Và những người níu bám một cách mù quáng vào thế giới hiện tượng này, tin vào các học thuyết giả dối và hi vọng được ân huệ được sinh ra là quỉ trong cõi giới của ảo tưởng.
... Nếu ông có thể chỉ tập trung tâm trí mình và siêu việt lên trên cái giả dối và ác độc của nó, đau khổ của sự tồn tại sẽ tự động biến mất. Và một khi thoát khỏi đau khổ, ông là tự do thực sự.
Những lời ông ấy đang dùng là mang tính thượng đế học, nhưng điều ông ấy đang nói là ở chỗ những người đang sống trong tham lam muốn ngày càng nhiều hoan lạc hơn. Họ có thể phóng chiếu cuộc sống của cõi trời, họ có thể được sinh ra trên cõi trời như thần, nhưng đây sẽ chỉ là phóng chiếu của tâm trí. Nó sẽ chỉ là niềm tin.
Tôi sống với một giáo sư và khi một hôm tôi nói về phóng chiếu, ông ấy không sẵn sàng tin rằng mọi thứ đều là phóng chiếu. Ông ấy có một người em trai và tôi đã quan sát người em trai này, bởi vì chúng tôi đã sống gần ba tháng với nhau trong cùng ngôi nhà. Người em trai này đã trở nên rất gắn bó với tôi và tôi quan tâm tới anh ta bởi vì tôi có thể thấy anh ta có khả năng vô biên bị thôi miên.
Ba mươi ba phần trăm mọi người rất có khả năng bị thôi miên. Đây là số phần trăm rất kì lạ - ba mươi ba phần trăm, bởi vì chỉ ba mươi ba phần trăm mọi người là có tài năng nữa. Và chỉ ba mươi ba phần trăm mọi người còn quan tâm hơn tới mọi loại tìm kiếm bên trong. Và chỉ ba mươi ba phần trăm mọi người là cởi mở, sẵn có, để bị thôi miên. Phải có mối nối bên trong nào đó giữa tất cả những điều này. Có lẽ phẩm chất của việc bị thôi miên có thể là tiêu chí cho khả năng của một người đi vào bên trong. Bởi vì trong thôi miên người ta đi vào bên trong với sự giúp đỡ của người khác; trong thiền, người ta đi vào bên trong theo cách riêng của mình. Nhưng con đường là như nhau.
Cho nên để chứng minh cho người này - ông giáo sư về logic này và chưa bao giờ tin vào bất kì cái gì trừ phi có bằng chứng nào đó được tạo ra - tôi đã thôi miên cậu em của ông ta. Và tôi ngạc nhiên là thậm chí ngay trong lần ngồi lần đầu tiên, anh ta đã đi sâu đến mức không cần phải ngồi thêm nữa. Tôi cứ ngỡ ít nhất phải chín lần ngồi và thế thì thực nghiệm có thể được tiến hành. Nhưng ngay lần ngồi lần đầu tiên anh ta đi sâu đến mức tôi phải bảo anh ta, "Ngày mai, vào đúng mười hai giờ - và mai là chủ nhật cho nên tôi sẽ ở nhà, anh của cậu sẽ ở nhà, cậu sẽ ở nhà - đừng đi đâu cả. Đúng mười hai giờ cậu phải hôn cái gối cậu đang nằm vào ngay bên phải. Tôi đánh dấu chỗ đó bằng dấu chữ thập; đích xác chữ thập đó cậu phải hôn vào."
Tôi nhắc đi nhắc lại điều đó mãi. Và khi tôi chắc chắn rằng điều đó đã trở thành dấu in trong tâm trí vô thức của cậu ta, trước khi cậu ta tỉnh dậy tôi đánh dấu chữ thập trên góc gối của cậu ấy bằng mực đỏ.
Phải mất nửa giờ mới đưa được cậu ta trở lại, cậu ta đã đi sâu thế. Sau khi tỉnh lại, cậu ta trở nên bình thường, ngoại trừ một điều; cậu ta cứ nhìn đi nhìn lại chiếc gối và đặc biệt vào dấu chữ thập. Và thế rồi cậu ta cũng cảm thấy thẹn thùng về điều mình làm, bởi vì không có lí do để nhìn vào chiếc gối và dấu chữ thập. Tâm trí có ý thức của cậu ta không nhận biết gì cả, nhưng tâm trí vô thức bây giờ đang phóng chiếu cái gì đó mà cậu ta không nhận biết.
Ngày hôm sau, gần quãng mười một giờ rưỡi, cậu ta trở nên rất bồn chồn. Cái gì đó từ vô thức đang diễn ra, bảo cậu ta phải làm cái gì đó mà tất nhiên cậu ta nghĩ là điên khùng... phải hôn. Và tôi có đấy, anh cậu ta có đấy và tôi đã bảo anh cậu ta rằng ông ấy phải ngồi và quan sát điều xảy ra.
Vao mười một giờ năm mươi, tôi lấy cái gối, cho vào trong va li của mình và khoá lại. Và bạn có thể thấy điều đã xảy ra cho cậu trẻ đó... nước mắt tuôn trào từ mắt cậu ta. Và tôi hỏi, "Có chuyện gì vậy? Sao cậu lại khóc?"
Nó nói, "Em không biết, nhưng đừng cất cái gối của em vào trong va li. Em xin anh."
Tôi nói, "Nhưng có gì sai đâu? Tôi sẽ trả lại cho em, vào buổi tối khi em đi ngủ."
Nó nói, "Không, em cần nó ngay bây giờ." "Cần để làm gì?"
"Em không biết cần để làm gì. Đó là lí do tại sao em khóc, bởi vì em không thể đưa ra bất kì lời giải thích nào được, nhưng em cần cái gối đó ngay lập tức."
Thế là tôi đưa cho nó chiếc chìa khoá. Nó xô lại - bởi vì đã gần đến mười hai giờ rồi - nó mở va li ra, lôi chiếc gối ra và bắt đầu hôn chữ thập đó gần như điên dại. Hệt như bất kì người yêu nào gặp lại người mình yêu sau nhiều năm.
Tôi hỏi nó, anh nó hỏi nó, "Em làm gì vậy?”
Nó nói, "Em không biết, nhưng em cảm thấy nhẹ nhõm thế. Một gánh nặng như thế đã được trút bỏ khói trái tim em. Nhưng em không biết cái gì... ai đã làm ra chữ thập này, tại sao em có lực đẩy cực mạnh đến mức nếu em không hôn chữ thập này thì em có thể chết. Em phải làm điều đó vào đúng mười hai giờ. Điều đó tới từ bên trong em và em không biết gì về điều đó cả.
Anh nó nói, "Tôi chấp nhận bằng chứng này."
Khi bạn trở nên say mê điên cuồng một người đàn bà, bạn có cho rằng người đàn bà của bạn chỉ là dấu chữ thập trên chiếc gối hay không? Say mê điên cuồng sinh học chăng? Phóng chiếu từ vô thức, bắt rễ rất sâu - không bởi bất kì ai, nhưng bởi bản thân tự nhiên.
Hooc môn của bạn, hoá chất của bạn, sinh học của bạn, chúng tất cả đang vận hành trong một mưu đồ nào đó chống lại nhận biết của bạn. Chúng làm cho bạn bất ổn, chúng làm cho bạn bị hấp dẫn không thể nào cưỡng lại được vào người nào đó và điều đó vượt ra ngoài quyền lực của bạn để ngăn cản bản thân mình khỏi sự hấp dẫn hay mê đắm này. Bạn sẽ bị kéo đi như một con rối.
Không phải ngẫu nhiên mà mọi ngôn ngữ đều nói, người ta rơi vào tình yêu. Người ta chắc chắn tời vào tình yêu - rơi vào vô ý thức, rơi vào thôi miên sinh học, rơi vào trong bản tính bản năng. Họ không còn là con người có ý thức. Đó là lí do tại sao loại mê đắm và chuyện tình này kết thúc rất chóng vánh. Một khi bạn đã có được người đàn bà, một khi bạn đã hôn được chiếc gối... kết thúc! Một gánh nặng lớn, một sự giảm nhẹ lớn, nhưng đấy là chiếc gối.
Cho nên đấy là một hiện tượng đơn giản, nhưng người đàn bà bạn đã hôn... và bạn không thể nào hôn mà không có dạo đầu. Điều đó cần việc giới thiệu nào đó - đi tới rạp chiếu phim, tới sàn nhảy, đủ mọi thứ xem như sự cần thiết sơ khởi. Hứa đủ mọi lời hứa, tặng hoa rồi tặng kem - đây là phần dạo đầu. Và sau tất cả những việc dạo đầu này, khi bạn hôn người đàn bà, cô ấy không chỉ là cái gối. Bây giờ cô ấy sẽ níu bám lấy bạn. Bây giờ bạn không thể thoát được. Bây giờ bạn muốn thoát ra nhưng bản dạo đầu của riêng bạn đã tạo ra nhà tù. Bây giờ bạn không thể đi ngược lại lời mình.
Tất cả những người tìm kiếm tâm thức con người đều tuyệt đối đồng ý về điểm rằng mọi khổ của bạn hay sướng của bạn, buồn của bạn hay vui của bạn, không là gì ngoài phóng chiếu của bạn. Nó tới từ sâu trong tâm trí vô thức của bạn và người khác đang vận hành chỉ như chiếc màn ảnh. Một khi nó được hoàn thành, bạn bị chấm dứt. Và bỗng nhiên, cùng người đàn bà mà bạn đã sẵn sàng chết cho... bạn sẵn sàng giết chết cô ấy.
Kì lạ... thay đổi lớn lao thế. Yêu biến thành ghét dễ dàng thế. Và vậy mà bạn không nhận biết rằng yêu và ghét cả hai đều là phóng chiếu của bạn. Khi cái này kết thúc, cái kia còn đấy.
Đúng là một khi bạn thoát khỏi đau khổ, bạn tự do thực sự. Và tất cả những điều Bồ đề đạt ma nói đều đúng. Nhưng ông ấy đã không trả lời câu hỏi.
Tôi muốn nói với bạn rằng không ai trả lời được cho câu hỏi này. Và lí do là bởi vì cuộc sống là bí ẩn. Bạn có thể đi thật xa, và thế thì tất cả tâm trí bạn phải bị bỏ lại đằng sau và bạn đi vào trong sự tồn tại nơi không câu hỏi nào có liên quan, không câu trả lời nào tới từ bạn. Nhưng bạn có thể tận hưởng kinh nghiệm này vô cùng. Tôi ủng hộ tất cả cho kinh nghiệm, không ủng hộ tri thức.
Tôi cảm thấy buồn và tiếc cho Bồ đề đạt ma, bởi vì ông ấy đã không đáp ứng được tôi. Giá như ông ấy nói, "Tôi không biết" ông ấy đã nâng mình lên thành nhà huyền môn cao nhất và vĩ đại nhất mà thế giới đã từng biết tới.
Nhưng tôi muốn nói với các bạn: tôi không biết. Và tôi muốn nhấn mạnh rằng bạn cũng nên nhớ, bất kì khi nào có câu hỏi tối thượng, đừng cố gắng lừa dối người khác hay lừa dối mình. Đơn giản chấp nhận sự hồn nhiên của bạn. Nói với sự khiêm tốn, "Tôi không biết".
Vấn đề không phải là dốt nát. Vấn đề là ở nhận biết của bạn rằng cuộc sống là điều bí ẩn, phép màu. Bạn có thể nếm trải nó nhưng bạn không thể diễn đạt bất kì cái gì về việc nếm trải cả. Bạn không thể định nghĩa được nó. Và đây là sự vĩ đại của sự tồn tại. Đây là nơi mọi nhà khoa học đã thất bại, đây là nơi mọi triết gia đã thất bại. Đây là nơi duy nhất nhà huyền môn đã thành công.
Bồ đề đạt ma là nhà huyền môn và nếu ông ấy gặp tôi... và ở đâu đó có một khả năng trong cuộc sống vĩnh hằng này, trong sự tồn tại vô tận này, một ngày nào đó, ở đâu đó tôi sẽ bắt gặp ông ấy. Và ông ấy sẽ nhận ra tôi bởi vì tôi đang đi cùng chiếc dép mà ông ấy đã treo trên cây thiền trượng của mình - hệt kiểu. Chiếc dép của tôi bắt nguồn từ các thiền viện ở Nhật Bản. Nó là thiền Zen đặc biệt - thiền nhân có mọi thứ của riêng họ. Cho dù họ có cùng chiếc chén và đĩa đựng chén mua từ chợ, trước tiên họ đập chúng ra, thế rồi họ dán chúng lại. Thế thì họ làm chúng thành duy nhất, thế thì không có chiếc chén nào giống như thế cả - thế thì nó trở thành thiền, nguyên bản, và không có bất kì bản sao nào ở bất kì đâu. Chỉ một kiểu.
Chiếc dép mà các bạn thấy đã được thiền nhân dùng từ Bồ đề đạt ma, trong gần mười bốn thế kỉ. Chiếc dép đầu tiên đã được gửi tới cho tôi từ một thiền sư ở Nhật Bản như quà tặng.
Cho nên ông ấy sẽ lập tức nhận ra tôi. Tôi chỉ phải chỉ cho ông ấy chiếc dép của tôi. Và tôi phải hỏi ông ấy tại sao ông ấy đã bỏ lỡ một cơ hội lớn thế... khi ông ấy đáng ra có thể đã trở thành nhà huyền môn vĩ đại nhất trên thế giới. Và ông ấy đã có mọi khả năng. Ông ấy có thiên tài về điều đó.
Được chứ, Maneesha? Vâng, thưa Osho