Chương 1. Giúp đỡ bên ngoài cho sự tăng trưởng năng lượng kundalini

Chương 1. Giúp đỡ bên ngoài cho sự tăng trưởng năng lượng kundalini

Price:

Read more

Osho - Thiền động (Đi tìm điều huyền bí - Tập 2)
Chương 1. Giúp đỡ bên ngoài cho sự tăng trưởng năng lượng kundalini

Thầy đã nói tại trại thiền Nargol rằng nghĩa của shaktipat - việc truyền năng lượng thiêng liêng - là ở chỗ năng lượng của điều thiêng liêng giáng xuống thiền nhân. Sau đó Thầy lại nói rằng có khác biệt giữa shaktipat và ân huệ. Hai phát biểu này dường như mâu thuẫn nhau. Xin thầy giải thích.
Có hơi khác biệt giữa hai điều này và cũng có chút ít tương tự giữa hai điều này nữa. Thực tại trường của điều này lấn sang điều kia. Shaktipat là năng lượng của điều thiêng liêng. Thực tế, không có năng lượng nào khác ngoại trừ năng lượng của điều thiêng liêng. Tuy nhiên, trong shaktipat, con người vận hành như một trung gian. Mặc dầu chung cuộc, người này cũng là một phần của điều thiêng liêng, nhưng trong giai đoạn đầu, cá nhân vận hành như một trung gian.
Cũng hệt như sét loé ngang bầu trời và ánh sáng điện làm sáng nhà: chúng là như nhau nhưng ánh sáng chiếu trong nhà được đem tới qua trung gian và bàn tay con người hiển nhiên có đằng sau nó.
Sét loé lên trong cơn mưa cũng là cùng năng lượng của điều thiêng liêng nhưng nó không do con người mang tới. Nếu con người trở nên tuyệt chủng, sét vẫn cứ tiếp tục loé sáng ngang bầu trời, nhưng bóng đèn điện sẽ không làm việc nữa. Shaktipat giống như bóng đèn điện trong đó con người là trung gian; ân huệ là sét trên bầu trời xảy ra không cần sự trợ giúp của trung gian.
Người đạt tới mức độ năng lượng này, người có tiếp xúc với điều thiêng liêng, có thể vận hành như trung gian vì người đó là phương tiện tốt hơn bạn cho điều này xảy ra. Người đó quen với năng lượng này và cách làm việc của nó. Năng lượng này có thể đi vào bạn nhanh chóng hơn khi qua người đó. Bạn còn hoàn toàn chưa quen biết, chưa chín muồi; người này là phương tiện đã chín muồi. Nếu năng lượng đi vào bạn qua người đó, nó tới dễ dàng vì người đó là một trung gian có hiệu quả.
Điều thứ hai, người đó là một kênh hẹp qua đó bạn sẽ nhận năng lượng, nhưng chỉ theo khả năng của bạn thôi. Bạn có thể ngồi dưới ánh sáng điện trong nhà và đọc vì nó là ánh sáng đều đặn; bạn không thể đọc dưới tia sét trong bầu trời vì nó không theo cách đều đặn.
Nếu bỗng nhiên, bởi may mắn, một người ở vào trạng thái mà ân huệ có thể giáng xuống người đó hay một tình huống bất thần được tạo ra mà shaktipat xảy ra cho người đó không qua trung gian, thế thì có mọi khả năng người đó hoảng sợ hay trở thành mất trí. Năng lượng đã giáng xuống người đó có thể quá nhiều mà khả năng giữ lại của người đó quá nhỏ; do đó người đó có thể bị tan tành hoàn toàn. Thế thì những kinh nghiệm chưa biết, không quen thuộc của vui vẻ sẽ trở thành đau đớn và không thể chịu đựng nổi.
Điều này cũng tựa như một người đang ở trong bóng tối trong nhiều năm bỗng nhiên được đem ra ánh sáng ban ngày: đen tối sẽ còn sâu sắc hơn bao giờ hết và người đó sẽ không thể nào thấy được ánh sáng mặt trời. Mắt người đó đã quen nhìn trong bóng tối, cho nên chúng không thể chịu được ánh sáng chói loà và sẽ phải nhắm lại.
Cho nên đôi khi sự việc xảy ra là một tình huống như thế có thể xuất hiện bên trong bạn, trong đó năng lượng vô hạn của ân huệ vô tình giáng xuống bạn; nhưng tác động của nó có thể là tai hoạ, huỷ diệt, nếu bạn chưa sẵn sàng. Bạn đã bị mắc trong vô ý thức cho nên biến cố có thể trở thành thảm hoạ. Vâng, ân huệ cũng có thể trở thành có hại và mang tính huỷ diệt.
Trong trường hợp của shaktipat, những cơ hội cho tai nạn là rất ít, gần như không, vì có người vận hành như trung gian, như phương tiện. Truyền qua trung gian, năng lượng trở thành nhẹ nhàng và ôn hoà, và người trung gian cũng có thể điều chỉnh cường độ của năng lượng. Người đó có thể cho phép chỉ một lượng năng lượng nào đó được chảy vào bạn mà bạn có thể giữ lại được. Nhưng nhớ lấy, người trung gian chỉ là phương tiện và không phải là cội nguồn của năng lượng này.
Cho nên nếu một người nói rằng người đó đang làm shaktipat, rằng người đó đang làm việc truyền năng lượng, thế thì người đó sai. Điều ấy cũng hệt như là bóng đèn tuyên bố rằng nó là người đem cho ánh sáng. Vì ánh sáng bao giờ cũng được phát ra qua bóng đèn, bóng đèn có thể bị ảo tưởng rằng nó là đấng sáng tạo ra ánh sáng. Điều này không phải là như vậy. Nó không phải là nguồn sáng chủ chốt mà chỉ đơn thuần là trung gian để biểu lộ ánh sáng. Cho nên một người tuyên bố rằng mình có thể thực hiện shaktipat là đang trong cùng ảo tưởng như bóng đèn vậy.
Năng lượng được truyền qua bao giờ cũng là năng lượng của điều thiêng liêng. Nhưng nếu một người trở thành trung gian, thế thì chúng ta có thể gọi điều đó là shaktipat. Nếu không có trung gian và năng lượng này giáng xuống bất thần, nó có thể có hại. Nhưng nếu một người đã chờ đợi đủ lâu, nếu một người đã thiền với sự kiên nhẫn vô hạn, thế thì shaktipat nữa cũng có thể xảy ra dưới dạng ân huệ. Thế thì sẽ không có trung gian, nhưng thế thì sẽ không có tai nạn. Chờ đợi vô hạn của người đó, kiên nhẫn vô hạn của người đó, thành tâm không dao động của người đó, quyết tâm vô tận của người đó, đã làm phát triển khả năng của người đó để cho phép điều vô hạn. Thế thì sẽ không có tai nạn. Và biến cố có thể xảy ra theo cả hai cách - có hay không có trung gian. Nhưng khi thiếu trung gian người đó sẽ không cảm thấy nó như shaktipat mà như ân huệ từ cõi bên kia.
Cho nên có những điểm tương đồng cũng như những điểm khác biệt giữa hai điều này. Tôi thiên về ân huệ mỗi khi điều ấy là có thể; mỗi khi có thể, không nên qua trung gian. Nhưng trong một số trường hợp điều này là có thể và trong một số trường hợp khác điều này là không thể. Cho nên đáng lẽ với loại người đang lang thang vô hạn kiếp, một người nào đó có thể được làm thành trung gian để đem năng lượng thiêng liêng xuống cho họ. Chỉ người đó mới có thể là người trung gian, tuy nhiên, người đó phải không còn là một bản ngã cá thể nữa. Thế thì mối nguy hiểm là gần như không, vì một người như thế trong khi trở thành người trung gian, không trở thành guru: không có người nào còn lại để trở thành guru. Hiểu khác biệt này cho rõ.
Khi một người trở thành guru, người đó trở thành guru trong qui chiếu với bạn; khi một người trở thành trung gian, người đó trở thành như thế trong quan hệ với bản thể vũ trụ; thế thì người đó chẳng có liên quan gì tới bạn cả. Bạn có hiểu khác biệt này không?
Bản ngã không thể tồn tại trong bất kì trạng thái nào được sinh ra trong mối quan hệ với bạn. Cho nên guru thực là người không trở thành guru. Định nghĩa về sadguru, thầy hoàn hảo, là người không trở thành guru. Điều này có nghĩa là tất cả những ai tự gọi mình là guru đều không đủ phẩm cách là guru. Không có gì mất tư cách lớn hơn việc tuyên bố về mình là guru; điều đó chỉ ra sự hiện diện của bản ngã trong người như thế, và điều đó là nguy hiểm.
Nếu một người bỗng nhiên đạt tới trạng thái hư không, trạng thái bản ngã đã biến mất hoàn toàn, người đó có thể trở thành trung gian. Thế thì shaktipat có thể xảy ra gần người đó, trong sự hiện diện của người đó, và không có khả năng nguy hiểm. Không có nguy hiểm gì cho bạn hay cho người trung gian mà qua đó năng lượng tuôn chảy.
Và vậy mà về cơ bản tôi thiên về ân huệ. Khi bản ngã đã chết và người đó không còn là một cá nhân nữa, khi những điều kiện này được đáp ứng, shaktipat gần như trở thành ân huệ.
Nếu cá nhân đó không tự ý thức về trạng thái này, thế thì shaktipat là rất gần với ân huệ. Thế thì chỉ ở gần người đó cũng có thể đem lại biến cố. Người này xuất hiện với bạn như một người nhưng thực tế người đó đã trở thành một với điều thiêng liêng. Tốt hơn là nên nói rằng người đó đã trở thành bàn tay của điều thiêng liêng chìa ra cho bạn. Người đó gần bạn. Bây giờ một người như thế hoàn toàn là công cụ. Nếu người đó nói theo ngôi thứ nhất trong trạng thái ý thức như thế, chúng ta có khuynh hướng hiểu lầm người đó. Khi một người như vậy nói ‘tôi’ người đó ngụ ý cái ta tối cao - nhưng thật khó cho chúng ta hiểu ngôn ngữ của người đó.
Đó là lí do tại sao Krishna có thể nói với Arjuna, "Bỏ tất cả các cái khác và buông xuôi nơi ta." Trong hàng nghìn năm chúng ta sẽ đắn đo về đây là loại người nào mà nói, "Buông xuôi nơi ta." Phát biểu của ông ấy dường như xác nhận sự hiện diện của bản ngã. Nhưng người này có thể nói điều đó theo cách này đơn giản vì người đó không còn là bản ngã nữa. Bây giờ cái ‘ta’ của người đó là bàn tay của ai đó được chìa ra, và chính ai đó đang ở đằng sau người đó nói, "Buông xuôi nơi ta - cái một duy nhất." Những lời này, cái một duy nhất là vô giá. Krishna nói, "Buông xuôi nơi ta, cái một duy nhất." Cái ‘ta’ không bao giờ là cái một duy nhất - nó là nhiều. Krishna đang nói từ nơi mà cái ‘ta’ là cái một duy nhất, và điều này không phải là ngôn ngữ của bản ngã.
Nhưng chúng ta chỉ hiểu ngôn ngữ của bản ngã; do đó, chúng ta cảm thấy rằng Krishna đã đưa ra một tuyên bố đầy bản ngã bằng việc bảo Arjuna phải buông xuôi nơi ông ấy. Nhưng đây là sai lầm. Chúng ta bao giờ cũng có hai cách nhìn vào mọi vật: một là qua quan điểm riêng của chúng ta, từ nơi chúng ta thường xuyên bị lừa dối; và cách kia là từ quan điểm của điều thiêng liêng, từ nơi không có vấn đề về lừa dối. Cho nên biến cố có thể xảy ra thông qua một người như Krishna, người mà bản ngã cá nhân không còn đóng vai trò gì nữa.
Cả hai biến cố, shaktipat và ân huệ, là rất mâu thuẫn ở ngoại vi; cả hai là rất gần nhau tại trung tâm. Tôi thiên về không gian đó nơi khó phân biệt được giữa shaktipat và ân huệ. Một mình điều đó là hữu dụng; một mình điều đó là có giá trị.
Một sư ở Trung quốc thường kỉ niệm ngày sinh của guru của mình bằng lễ hội lớn. Mọi người hỏi ông ấy đang mở hội cho ngày sinh của ai, vì ông ấy bao giờ cũng nói rằng ông ấy không có guru và rằng không cần guru. Thế thì tất cả những điều này là về gì vậy? Ông ấy cầu xin họ đừng hỏi về ông ấy, nhưng họ cứ nài nỉ, "Hôm nay là ngày của guru - thầy có guru không?"
Sư nói, "Đừng làm khó cho ta. Tốt hơn cả là ta im vậy."
Nhưng ông ấy càng im lặng người ta lại càng nài nỉ nhiều, "Vấn đề là gì vậy? Có gì mà thầy phải mở hội? - vì đây là ngày mở hội thầy. Thầy có thầy không?"
Sư nói, "Nếu các ông cứ nài nỉ thế thì ta phải nói đôi điều về việc đó. Hôm nay ta nhớ tới một người đã từ chối làm guru của ta, vì nếu người đó đã chấp nhận ta như đệ tử, ta sẽ đi lạc lối. Ngày đó khi ông ấy từ chối ta, ta đã rất giận ông ấy, nhưng hôm nay ta muốn cúi mình trước ông ấy với lòng biết ơn lớn lao. Nếu mà ông ấy muốn, ông ấy đã có thể là guru của ta rồi, vì chính ta đã cầu xin ông ấy chấp nhận ta, nhưng ông ấy đã không đồng ý."
Thế là mọi người hỏi, "Thế thì thầy việc gì phải cám ơn ông ấy khi ông ấy đã từ chối thầy?"
Sư nói, "Phải nói rằng bằng việc không trở thành guru của ta mà con người này đã làm cho ta điều mà không guru nào có thể làm được. Do đó, nghĩa vụ của ta gấp đôi. Nếu như ông ấy đã là guru của ta, sẽ có cái gì đó cho và nhận từ cả hai phía. Ta sẽ chạm vào chân ông ấy, cúng dường tôn kính và kính trọng của mình, và vấn đề đã được chấm dứt. Nhưng con người này đã không yêu cầu phải kính trọng và ông ấy đã không trở thành guru ta. Do đó nghĩa vụ của ta đối với ông ấy gấp đôi lên. Điều này hoàn toàn là một phía: ông ấy cho và ta thậm chí không thể cám ơn ông ấy được, bởi vì ông ấy đã không để lại chỗ nào cho điều đó cả."
Bây giờ trong tình huống như thế này sẽ không còn bất kì khác biệt nào giữa shaktipat và ân huệ cả. Khác biệt càng lớn bạn càng phải tránh xa nó; càng ít khác biệt càng tốt hơn. Do đó, tôi nhấn mạnh vào ân huệ. Cái ngày shaktipat tới rất gần với ân huệ, gần đến mức bạn không thể phân biệt được giữa shaktipat và ân huệ, biết rằng biến cố đúng đắn đã xảy ra. Khi điện trong nhà bạn trở thành tựa như tia chớp tự nhiên và không cản trở trên bầu trời và trở thành một phần của năng lượng vô hạn, khoảnh khắc đó bạn nên biết rằng nếu shaktipat xảy ra, nó cũng tương đương với ân huệ. Nhớ điều tôi vừa nói.
Tại trại thiền Nargol Thầy đã nói rằng hoặc năng lượng dâng lên từ bên trong và đạt tới điều thiêng liêng, hoặc năng lượng của điều thiêng liêng hạ xuống và hội nhập vào bên trong. Thầy đã nói rằng trường hợp thứ nhất là việc dâng lên của kundalini; còn trường hợp thứ hai là ân huệ của điều thiêng liêng. Thế rồi về sau Thầy lại nói rằng khi năng lượng ngủ bên trong gặp gỡ với năng lượng khổng lồ của cái vô hạn, việc bùng nổ xảy ra, mà đó chính là samadhi. Liệu sự hợp nhất của kundalini được thức tỉnh và của ân huệ phải chăng là tuyệt đối cần thiết cho việc đạt tới samadhi? Hay liệu tiến hoá của kundalini cho tới sahasrar có tương tự như việc xảy ra của ân huệ thiêng liêng không?
Bùng nổ chẳng bao giờ xảy chỉ với một năng lượng. Bùng nổ là việc hợp nhất của hai năng lượng. Nếu bùng nổ có thể có với một năng lượng, thế thì nó đã xảy ra từ lâu rồi.
Hệt như là nếu bạn có hộp diêm và bạn đặt một que diêm gần nó: chúng có thể nằm như vậy vô hạn định và chẳng có ngọn lửa nào phát sinh cả. Dù khoảng cách giữa hai vật này nhỏ đến đâu - nửa xăng ti mét hay một phần tư xăng ti mét cũng chẳng khác biệt gì - vẫn chẳng có kết quả nào. Để có được bùng nổ, việc cọ xát giữa hai vật này là cần thiết; chỉ thế thì bạn mới có lửa. Lửa bị dấu kín trong cả hai nhưng không có cách nào tạo ra nó với chỉ một trong hai vật này.
Bùng nổ xảy ra khi hai năng lượng này gặp nhau. Vậy, lực đang ngủ bên trong một cá nhân phải dâng lên tới sahasrar và chỉ thế thì hợp nhất, bùng nổ, mới có thể. Không thể có hợp nhất ngoại trừ tại điểm sahasrar. Điều này giống như cửa nhà bạn vẫn đóng và mặt trời đang chiếu sáng bên ngoài. Ánh sáng ở bên ngoài cửa nhà bạn. Bạn đi bên trong nhà cho tới cửa, nhưng bạn sẽ không gặp ánh sáng mặt trời. Chỉ khi cửa mở ra bạn mới đi vào tiếp xúc với ánh mặt trời.
Cho nên điểm tối thượng của kundalini là sahasrar. Đó là cánh cửa nơi ân huệ đang đợi chúng ta. Điều thiêng liêng bao giờ cũng đợi tại cánh cửa này. Chính bạn không ở cửa: bạn bao giờ cũng ở đâu đó bên trong. Bạn phải đi đến cánh cửa ấy. Tại đó hợp nhất sẽ xảy ra, và hợp nhất đó sẽ có dạng bùng nổ. Nó được gọi là bùng nổ bởi vì thế thì bạn sẽ lập tức biến mất; bạn sẽ không còn nữa. Que diêm đã cháy trong bùng nổ nhưng hộp diêm vẫn còn đó. Que diêm chính là bạn, biến thành tro và hội nhập vào cái vô hình.
Trong biến cố đó bạn sẽ không còn nữa. Bạn sẽ mất đi; bạn sẽ vỡ ra và tan tành; bạn sẽ không còn đó nữa. Bạn sẽ không còn là cái bạn đã từng là đằng sau cánh cửa đóng lại. Tất cả những cái đã từng là, bạn sẽ mất đi. Chỉ cái một đang đợi bên ngoài cánh cửa là còn lại, và bạn sẽ trở thành một phần của nó. Điều này không thể xảy ra cho một mình bạn được, bởi bản thân bạn được. Để có được bùng nổ này bạn cần phải đạt tới năng lượng vũ trụ vô hạn. Năng lượng đang ngủ bên trong phải được thức tỉnh và làm cho dâng lên tới sahasrar nơi năng lượng vũ trụ chờ đợi mãi mãi. Cuộc hành trình của kundalini bắt đầu từ trung tâm đang ngủ của bạn và kết thúc ở chỗ, ở biên giới, nơi bạn biến mất.
Cho nên có một biên giới thuộc về tầng vật lí, điều chúng ta coi là đương nhiên đã có. Nhưng đây không phải là biên giới lớn hơn. Nếu tay tôi bị chặt đi cũng chẳng có mấy khác biệt đối với tôi. Nếu chân tôi bị chặt đi, thân thể sẽ không chịu đau nhiều, vì tôi vẫn còn. Nói cách khác, tôi vẫn còn mặc những thay đổi bên trong các giới hạn này. Thậm chí cả mắt và tai mà không có, tôi vẫn còn.
Cho nên biên giới thực tại của bạn không phải là biên giới của thân thể; biên giới thực tại của bạn là trung tâm sahasrar, sau nơi đó bạn không còn nữa. Ngay khi bạn lấn sang biên giới này, bạn đã mất rồi; bạn không thể còn lại được.
Kundalini của bạn là năng lượng đang ngủ của bạn. Biên giới của nó trải rộng từ trung tâm dục tới đỉnh đầu. Đó là lí do tại sao chúng ta liên tục nhận biết rằng chúng ta có thể không đồng nhất mình với các bộ phận khác của thân thể, nhưng chúng ta không thể phá vỡ được sự đồng nhất mình với khuôn mặt, với cái đầu. Dễ dàng nhận ra rằng "tôi có thể không phải là cái tay", nhưng nhìn vào mặt mình trong gương mà quan niệm rằng "tôi không phải là khuôn mặt này", là rất khó khăn. Khuôn mặt và cái đầu là giới hạn. Do đó, con người sẵn sàng để mất mọi thứ trừ trí tuệ mình.
Có lần Socrates nói về mãn nguyện, ông ấy nói rằng đó là kho báu vĩ đại. Ai đó hỏi ông ấy liệu ông ấy thích là một Socrates không hài lòng hay là con lợn thoả mãn. Socrates đáp, "Tôi thích là một Socrates không hài lòng hơn là con lợn thoả mãn, bởi vì con lợn thoả mãn không có tri thức gì về sự mãn nguyện của nó cả. Một Socrates không thoả mãn ít nhất cũng có ý thức về cái không thoả mãn của mình." Con người này, Socrates, đang nói rằng con người sẵn sàng mất tất cả, trừ trí tuệ của mình - cho dù nó là trí tuệ không được thoả mãn.
Trí tuệ cũng rất gần với trung tâm sahasrar, luân xa thứ bẩy và cuối cùng. Nói đại thể chúng ta có hai biên giới. Một là trung tâm dục; dưới trung tâm này thế giới của tự nhiên bắt đầu. Tại trung tâm dục không có khác biệt giữa cây cối, chim chóc, muông thú và bản thân chúng ta. Trung tâm này là giới hạn tối hậu cho chúng, trong khi đối với con người nó là điểm đầu tiên, tuyến xuất phát. Khi chúng ta dựa vào trung tâm dục, chúng ta nữa cũng là con vật. Giới hạn kia của chúng ta là trí tuệ. Nó ở gần đường biên thứ hai của chúng ta mà vượt ra ngoài nữa là điều thiêng liêng. Bên ngoài điểm này chúng ta không còn là bản thân mình; thế thì chúng ta là điều thiêng liêng. Đây là hai đường biên của chúng ta, và giữa hai đường biên này năng lượng chúng ta chuyển động
Bây giờ, kho dự trữ nơi tất cả các năng lượng của chúng ta đang nằm ngủ là ở gần trung tâm dục. Đó là lí do tại sao chín mươi chín phần trăm ý nghĩ, mơ mộng và hoạt động của con người đều dành cho xung quanh kho dự trữ này. Dù chúng ta có biểu lộ mức độ văn hoá như thế nào, cũng chẳng thành vấn đề, dù cho xã hội có thể viện ra những cớ giả tạo thế nào, con người vẫn sống và ở đấy một mình: người đó sống quanh trung tâm dục. Nếu người đó kiếm tiền, đấy là vì dục; nếu người đó xây nhà, đấy là vì dục; nếu người đó kiếm danh vọng, người đó cũng làm như vậy vì dục. Tại gốc rễ của nó tất cả chúng ta sẽ thấy dục.
Những người đã hiểu đều nói về hai mục đích - dục và giải thoát. Hai mục đích khác, của cải và tôn giáo, chỉ là phương tiện. Của cải là nguồn tài nguyên của dục; do đó, thời đại càng nhiều dục, nó lại càng hướng của cải. Thời đại càng nhiều tìm kiếm giải thoát, nó lại càng khát khao tôn giáo. Tôn giáo chỉ là phương tiện như của cải là phương tiện. Nếu bạn khao khát giải thoát, tôn giáo trở thành phương tiện. Nếu bạn muốn có thoả mãn dục, của cải là phương tiện. Cho nên có hai mục tiêu và hai phương tiện - vì chúng ta có hai biên giới.
Điều thú vị là giữa hai cực điểm này bạn không thể nghỉ được ở bất kì đâu, bạn không thể dừng ở bất kì chỗ nào. Nhiều người thấy mình gặp khó khăn lớn vì họ không có ham muốn về giải thoát, và nếu bởi lí do nào đó họ trở nên đối kháng với dục, họ thấy mình trong tình thế khó chịu khủng khiếp. Họ bắt đầu ra xa khỏi trung tâm dục, nhưng họ lại chẳng đi đâu tới gần trung tâm giải thoát. Họ rơi vào hoài nghi và bất định, và điều đó rất khó khăn, rất đau đớn, và thực sự là địa ngục. Cuộc sống của họ đầy những rối loạn bên trong.
Nấn ná ở lưng chừng là không đúng không tự nhiên mà cũng vô nghĩa. Cứ dường như một người trèo lên thang rồi dừng lại nửa chừng. Với người đó chúng ta sẽ nói, "Làm một trong hai điều này: hoặc trèo lên hoặc tụt xuống, vì thang không phải là nhà, dừng ở giữa là vô nghĩa." Không thể nào có người vô ích hơn là người đang dừng ở lưng chừng thang. Bất kì điều gì người đó phải làm, người đó có thể làm nó hoặc ở trên đỉnh thang hay dưới chân thang.
Cho nên cột sống là chiếc thang, cứ nói như vậy. Trên chiếc thang này, mỗi đốt sống là một bậc thang. Kundalini bắt đầu từ trung tâm thấp nhất và đạt tới chính đỉnh. Nếu nó đạt tới trung tâm cao nhất, bùng nổ là không thể tránh khỏi. Nếu nó vẫn còn tại trung tâm thấp nhất, nó chắc chắn lấy dạng phát tiết dục, xuất tinh. Hai điều này phải được hiểu rõ.
Nếu kundalini ở tại trung tâm thấp nhất, việc phát tiết của năng lượng dục là không tránh khỏi. Nếu nó đạt tới trung tâm cao nhất bùng nổ là chắc chắn. Cả hai đều là bùng nổ và cả hai đều yêu cầu sự tham gia của người khác. Trong phát tiết dục người khác là cần có, cho dù đấy là người khác tưởng tượng. Nhưng tất cả năng lượng của bạn không nên bị rải rác tại đây, vì đây chỉ là điểm bắt đầu của bản thể bạn. Bạn còn hơn thế nhiều, và bạn đã tiến bộ nhiều từ đấy. Con vật tràn đầy thoả mãn tại điểm này và do đó không tìm kiếm giải thoát.
Nếu con vật có thể viết kinh sách, kinh sách được viết cho chúng chỉ nổi bật với hai mục đích: của cải và dục. Của cải sẽ là dạng thích hợp cho thế giới loài vật. Con vật béo tốt hơn, mạnh khoẻ hơn, sẽ là kẻ giàu có hơn. Nó sẽ chiến thắng các con vật khác trong việc đua tranh dục; nó sẽ quần tụ được hàng chục con cái quanh nó. Và đây cũng là một dạng của cải. Lớp mỡ phụ bên trong thân thể nó là của cải của nó.
Con người cũng có giàu sang mà có thể được chuyển thành "mỡ" bất kì lúc nào. Một ông vua có thể có hàng nghìn mĩ nữ phi tần. Đã có thời của cải của người ta được đo bằng số vợ người đó có. Nếu một người là nghèo, làm sao người đó đảm đương được bốn vợ? Tiêu chuẩn ngày nay về giáo dục và số dư tài khoản là sự phát triển mới hơn nhiều. Ngày xưa số vợ là tiêu chuẩn duy nhất về của cải. Đây là lí do tại sao trong khi ca tụng về giàu có của các anh hùng cổ đại chúng ta đã thổi phồng số đàn bà của họ, và điều này nhiều lần là giả.
Chẳng hạn, mười sáu nghìn vợ của Krishna. Vào thời của Krishna, không có cách nào khác để diễn tả sự vĩ đại của ông ấy: "Nếu Krishna là người vĩ đại, thế thì ông ta có bao nhiêu vợ?" Cho nên chúng ta phải gợi lên con số khổng lồ mười sáu nghìn - thế thì đấy là con số ấn tượng, mặc dầu ngày nay nó dường như không được ấn tượng đến thế do bùng nổ dân số. Vào những ngày đó không có nhiều người thế. Ở châu Phi thậm chí cho đến giờ còn có những cộng đồng chỉ có ba người. Cho nên nếu họ được nghe kể rằng một người có bốn vợ, đấy sẽ là con số không thể được vì họ không biết gì bên ngoài số ba.
Trong cõi dục, hiện diện của người khác là cần thiết. Nếu người khác không hiện diện, ngay cả việc tưởng tượng về người khác cũng tạo ra hiệu quả cần thiết. Đó là lí do tại sao người ta tin rằng nếu Thượng đế hiện diện ngay cả trong tưởng tượng, bùng nổ có thể xảy ra. Do đó, một truyền thống lâu dài về bhakti, con đường của sùng kính, đã phát triển mà trong đó tưởng tượng được dùng như phương tiện cho bùng nổ. Nếu việc xuất tinh là có thể xảy ra qua tưởng tượng, tại sao bùng nổ năng lượng không thể xảy ra theo cùng cách tại sahasrar? Điều này làm nảy sinh khả năng gặp gỡ Thượng đế trong đầu thông qua việc dùng tưởng tượng. Nhưng điều này không thực sự có thể có. Xuất tinh là có thể trong tưởng tượng vì nó thực tế đã được kinh nghiệm; do đó nó có thể được tưởng tượng. Nhưng chúng ta chưa từng gặp Thượng đế; do đó không thể tưởng tượng được ngài. Chúng ta chỉ tưởng tượng được điều mà mình đã kinh qua.
Nếu một người đã kinh nghiệm một loại vui thú nào đó, người đó bao giờ cũng có thể ngồi lại, nhớ lại kinh nghiệm đó và tận hưởng nó lần nữa. Người điếc không thể nghe được trong giấc mơ dù người đó có cố gắng đến đâu đi chăng nữa; người đó thậm chí không thể nào tưởng tượng được âm thanh. Tương tự, người mù không thể nhìn thấy ánh sáng được. Nhưng nếu một người bị mất mắt, người đó bao giờ cũng có thể mơ được về ánh sáng. Hơn thế, bây giờ người đó chỉ thấy ánh sáng trong giấc mơ của mình, vì người đó không còn mắt để thấy nữa. Cho nên chúng ta có thể nhìn vào kinh nghiệm của mình, nhưng không có cách nào để tưởng tượng điều chưa bao giờ được kinh nghiệm cả.
Bùng nổ không phải là kinh nghiệm của chúng ta, do đó tưởng tượng không có tác dụng ở đây. Chúng ta thực tế phải đi vào trong, và thế thì biến cố thực tại có thể xảy ra. Cho nên luân xa sahasrar là biên giới tối thượng của bạn, nơi bạn kết thúc.
Như tôi đã nói trước đây, con người là chiếc thang. Lời của Nietzsche trong hoàn cảnh này là rất quí giá. Ông ấy nói, "Con người là chiếc cầu bắc qua hai sự vĩnh hằng." Có một vĩnh hằng - đó là tự nhiên, cái không có kết thúc - và có một vĩnh hằng khác, về điều thiêng liêng, cũng vô hạn, vô giới hạn. Con người là cây cầu bắc giữa hai điều này. Do đó con người không phải là chỗ nghỉ. Người ta hoặc tiến lên hoặc lùi lại. Không có chỗ để xây nhà trên chiếc cầu này. Bất kì ai cố định cư trên nó đều phải hối hận, vì cầu không phải là nơi để xây nhà; nó chỉ có nghĩa để đi qua từ đầu này sang đầu kia.
Tại Fatehpur Sikri, Akbar đã cố gắng dựng nên một ngôi đền dành cho mọi tôn giáo. Ông ấy đã mơ về một tôn giáo, mà ông ấy gọi là Deen-e Ilahe - tinh hoa của mọi tôn giáo. Thế là ông ấy cho khắc một câu trên cửa lối vào, chính là lời của Jesus Christ. Nó nói là: Thế giới này chỉ là chỗ nghỉ và không phải là nhà vĩnh viễn. Bạn có thể dừng lại ở đây một khoảng thời gian nào đó, nhưng bạn không thể dừng lại mãi mãi. Đây chỉ là nơi nghỉ trên cuộc hành trình của bạn. Nó là mảnh đất cắm trại, nhà gỗ dựng tạm của lữ khách, nơi người ta có thể ở qua đêm và lại lên đường đi tiếp vào buổi sáng. Chúng ta dừng ở đây chỉ để cho chúng ta có thể nghỉ lại đêm và bắt đầu vào ngày mới. Không có mục đích gì khác. Chúng ta không dừng ở đây mãi mãi.
Con người là chiếc thang phải được trèo qua; do đó người đó bao giờ cũng căng thẳng. Nói rằng con người căng thẳng là không đúng: thay vì thế thì con người là sự căng thẳng. Cây cầu bao giờ cũng căng thẳng; nó là cây cầu bởi vì nó là căng thẳng. Nó là cái nằm giữa hai cực đoan. Con người là sự căng thẳng không tránh khỏi; do đó con người chẳng bao giờ an bình, chẳng bao giờ an bình cả. Chỉ khi người đó trở thành giống như con vật người đó mới kinh nghiệm được một chút an bình, hay ngược lại người đó đạt được an bình hoàn hảo khi người đó trở thành điều thiêng liêng. Căng thẳng lỏng dần khi người đó trở thành con vật; thế thì người đó đã bước xuống chiếc thang để đứng trên đất nền, chỗ người đó đã từng quen thuộc trong hàng nghìn kiếp. Người đó đã làm giảm nhẹ cho mình bớt lo âu về căng thẳng. Cho nên con người tìm kiếm tự do khỏi căng thẳng trong dục, hay trong những kinh nghiệm khác có liên quan tới dục như rượu, ma tuý, vân vân, cái có thể đem người đó vào vô ý thức tạm thời. Nhưng bạn có thể ở đó chỉ trong một khoảng ngắn ngủi; cho dù bạn muốn, bạn cũng không thể ở lại trong trạng thái con vật mãi mãi được. Ngay cả một người với phẩm chất tồi tệ nhất cũng chỉ có thể ở trong trạng thái con vật trong một khoảng ngắn ngủi mà thôi.
Người phạm tội giết người làm điều đó trong khoảnh khắc khi người đó trở thành con vật. Nếu như người đó chờ đợi một khoảnh khắc lâu hơn, có lẽ người đó có thể không làm được việc đó. Việc trở thành giống con vật của chúng ta là điều gì đó tựa như việc con người nhảy: trong một khoảnh khắc người đó trong không trung; thế rồi người đó rơi trở lại mặt đất. Cho nên người tồi tệ nhất trong con người không phải là tồi mãi mãi; người đó không thể thế được. Người đó chỉ như thế trong các khoảnh khắc; ngoài ra, người đó bình thường giống như bất kì người nào khác. Trong một khoảnh khắc người đó thấy thoải mái, vì người đó rơi trở lại vào cái nền đã biết nơi không có căng thẳng. Đây là lí do tại sao chúng ta thấy không có căng thẳng trong con vật.
Nhìn vào trong mắt chúng: không có căng thẳng. Con vật chẳng bao giờ phát điên hay tự tử; nó chẳng bị đau tim. Nhưng tất cả những điều này trở thành có thể đối với con vật đang bị con người cầm tù - khi nó phải kéo xe cho con người hay trở thành con vật nuôi trong nhà của người đó. Khi con người cố gắng kéo con vật qua chiếc cầu đó, sự phức tạp bắt đầu.
Bây giờ nếu một con chó lạc đi vào căn phòng này, nó sẽ đi lung tung theo ý thích, nhưng nếu một con chó nuôi đi vào, nó sẽ đi và ngồi tại nơi nó được ra lệnh. Bây giờ con chó nuôi này đã đi vào thế giới loài người và bỏ lại thế giới loài vật của nó đằng sau. Nó chắc chắn đưa nó vào rắc rối rồi. Nó là con vật bị bắt trải qua sự căng thẳng của con người. Vậy, nó mãi mãi trong lo âu. Nó năng nổ chờ đợi mệnh lệnh để chạy ra khỏi phòng này.
Con người có thể rơi lại vào trạng thái con vật chỉ trong thoáng chốc. Đây là lí do tại sao chúng ta nói rằng tất cả những niềm vui của mình đều ngắn ngủi. Niềm vui cũng có thể vĩnh hằng, nhưng nơi chúng ta tìm nó, đấy chỉ là trạng thái nhất thời. Chúng ta cố tìm ra hạnh phúc trong trạng thái con vật, và điều này có thể chỉ có trong thoáng chốc rất ngắn. Chúng ta không thể vẫn còn trong trạng thái con vật lâu được. Khó mà quay lại trạng thái tồn tại trước đây của chúng ta. Nếu bạn muốn quay lại ngày hôm qua, bạn có thể nhắm mắt và quán tưởng - nhưng được bao lâu? Khi bạn mở mắt ra bạn sẽ thấy bản thân mình ở nơi bạn vẫn đang ở đấy.
Bạn không thể đi ngược lại. Bạn có thể bó buộc làm điều đó trong khoảnh khắc, nhưng rồi bạn bao giờ cũng ăn năn. Do đó, mọi vui thú nhất thời đều đem tới ăn năn trong quá trình của nó. Bạn bị bỏ lại với cảm giác là những cố gắng của bạn đều phù phiếm, nhưng sau vài ngày bạn quên mất và lại rơi vào cũng sai lầm đó. Niềm vui nhất thời có thể đạt tới ở mức độ con vật, nhưng niềm vui vĩnh hằng, chỉ đạt tới khi hội nhập với điều thiêng liêng. Cuộc hành trình này phải được hoàn tất bên trong bản thể riêng của bạn. Bạn phải đi qua từ đầu cầu này sang đầu cầu kia; chỉ thế thì biến cố thứ hai mới xảy ra.
Do đó, tôi coi dục và samadhi là tương đương. Có lí do cho điều này. Thực tế, đây chỉ là hai biến cố tương đương nhau. Trong dục chúng ta ở tại một đầu cầu, bậc thang thấp nhất của chiếc thang, nơi chúng ta là một với tự nhiên; trong samadhi chúng ta ở đầu kia của cây cầu, bậc thang cao nhất của chiếc thang, nơi chúng ta là một với điều thiêng liêng. Cả hai đều là việc hợp nhất; cả hai đều là bùng nổ theo một cách nào đó. Trong cả hai trường hợp bạn đều làm mất bản thân mình theo một nghĩa đặc biệt: trong dục bạn mất bản thân mình trong thoáng chốc, còn trong samadhi, mất mãi mãi. Trong cả hai trường hợp bạn đều dừng tồn tại. Trường hợp trước là bùng nổ rất nhất thời, và sau đó bạn kết tinh lại, vì nơi bạn đã qua là trạng thái thấp hơn mà bạn không thể trở lại được. Nhưng một khi bạn hội nhập với điều thiêng liêng, bạn không thể kết tinh lại được nữa.
Việc đảo ngược này là không thể được để cho cái một đi vào trạng thái con vật. Điều đó tuyệt đối không thể được. Nó cũng hệt như việc trông đợi người lớn chui được vào trong bộ quần áo trẻ sơ sinh. Bạn đã trở thành một với cái tuyệt đối, cho nên bạn không thể trở lại với cái cá thể. Bây giờ cái ngã cá thể đã trở thành nơi chật hẹp và ít ý nghĩa đến độ bạn không thể đi vào đó được nữa. Bây giờ bạn thậm chí không thể nào hình dung được làm sao bạn có thể vào trong nó. Vấn đề của cá thể kết thúc ở đây.
Để cho bùng nổ xảy ra, phải cần tới hai điều: cuộc hành trình bên trong của bạn phải đạt tới điểm của sahasrar và gặp gỡ với ân huệ ở đó...
Tại sao chúng ta gọi trung tâm này là sahasrar cần phải được giải thích. Cái tên này không phải là điều trùng hợp, mặc dầu ngôn ngữ bao giờ cũng phát triển một cách ngẫu nhiên và bởi việc sử dụng thường xuyên. Chúng ta dùng từ cái cửa: bất kì cái tên nào khác đều cũng có thể dễ dàng được dùng để kí hiệu cho cùng một thứ. Có hàng nghìn ngôn ngữ trên thế giới và phải có hàng nghìn từ có nghĩa cái cửa và có thể truyền đạt cùng ý nghĩa đó. Nhưng khi một thứ không ngẫu nhiên thì có xuất hiện sự tương tự trong mọi ngôn ngữ. Cho nên nghĩa của cái cửa, hay dwar, truyền đạt ý nghĩa của cái mà qua đó chúng ta đi vào và đi ra. Cho nên trong mọi ngôn ngữ từ được dùng cho cái cửa sẽ chuyển vận ý nghĩa này, vì đây là một phần của kinh nghiệm và không phải là sự bố trí trùng hợp. Ý tưởng về không gian mà qua đó lối vào và lối ra là có thể được đều được truyền đạt qua từ cái cửa này.
Vậy từ sahasrar đã được đặt ra như kết quả của các kinh nghiệm, và nó không phải là ngẫu nhiên. Ngay khi bạn đạt tới kinh nghiệm này, bạn cảm thấy dường như hàng nghìn nụ hoa nở rộ bên trong bạn một cách bất thần. Chúng ta nói một nghìn, nhưng ngụ ý vô hạn, và chúng ta ví nó với hoa vì kinh nghiệm này tựa như việc nở hoa. Cái gì đó bên trong đã từng khép lại như nụ chồi đã mở ra. Từ hoa được dùng trong ngữ cảnh của việc nở hoa. Và không chỉ một hay hai thứ nở ra - vô hạn thứ cùng nở ra.
Cho nên việc gọi chứng nghiệm này là "nở ra của hoa sen một nghìn cánh" là tự nhiên. Bạn đã từng thấy hoa sen nở ra dưới tia sáng mặt trời buổi sáng chưa? Quan sát cẩn thận vào. Lại gần ao hoa sen và im lặng quan sát khi nụ hoa sen từ từ mở cánh ra. Thế thì bạn có thể quán tưởng điều cảm nhận sẽ là thế nào nếu hoa sen một nghìn cánh nở ra theo cách này trong đầu. Thế thì bạn sẽ có thể tưởng tượng về kinh nghiệm này theo cách nào đó.
Còn có một kinh nghiệm tuyệt vời khác: đó là dục. Những người đi sâu vào trong kinh nghiệm dục cũng cảm thấy việc nở hoa này, nhưng nó là kinh nghiệm lướt qua rất nhanh. Cái gì đó bên trong mở ra, nhưng nó khép lại gần như ngay tức khắc.
Nhưng có khác biệt giữa hai kinh nghiệm này. Trong kinh nghiệm dục hoa được cảm thấy treo xuống, trong khi trong samadhi cánh hoa nở được cảm thấy nở lên. Khác biệt này chỉ có thể thấy được bằng cách trải qua cả hai kinh nghiệm đó. Điều tự nhiên là hoa nở xuống nối bạn với thực tại thấp hơn, trong khi hoa nở lên nối bạn với thực tại cao hơn. Thực tế, việc nở hoa này là việc mở ra làm cho bạn thành mong manh với thực tại khác. Nó là cánh cửa mở ra - cánh cửa qua đó cái gì đó đi vào bên trong bạn để cho sự bùng nổ xảy ra.
Vậy, cả hai điều này đều cần tới. Bạn sẽ du hành lên trên cho tới sahasrar và có ai đó bao giờ cũng đợi bạn. Nói ai đó sẽ đến đó khi bạn tới là không đúng; phải nói là ai đó đã có ở đấy rồi đang đợi cho biến cố xảy ra trong bạn.

Liệu biểu lộ kundalini hướng về sahasrar chỉ có được bằng cách thông qua shaktipat không? Chỉ thế thì bùng nổ mới xảy ra chăng? Nếu là như vậy, thế thì điều đó có nghĩa là có thể đạt tới samadhi qua ai đó khác không?
Điều này cần phải được hiểu cho đúng. Trong sự tồn tại, trong cuộc sống, không có biến cố nào đơn giản đến mức bạn có thể hiểu nó chỉ bởi một khía cạnh về nó; nó phải được xem xét theo nhiều chiều. Bây giờ nếu tôi đập cánh cửa bằng búa và cửa mở ra, tôi có thể nói rằng cửa được mở ra bởi cú đập búa của tôi. Theo một nghĩa nào đó điều này đúng: nếu tôi không đập cửa, cửa sẽ không mở ra. Bây giờ cũng với cái búa đó tôi đập vào cánh cửa khác, nhưng búa có thể bị gẫy mà cửa lại không mở - thế thì, ... Thế thì một nhân tố nữa bước vào tri thức của chúng ta: khi tôi đập cánh cửa thứ nhất và nó mở ra, đấy không phải hoàn toàn do chiếc búa. Cánh cửa đã sẵn sàng mở rồi. Nó có thể đã cũ kĩ, nó có thể đã suy yếu, nhưng dù bất kì điều gì, nó đã sẵn sàng mở. Cho nên cánh cửa cùng là một nhân tố như chiếc búa cho điều này xảy ra. Trong trường hợp này chiếc búa đập vào và cửa mở ra; trong trường hợp kia, búa gẫy mà cửa, không mở.
Cho nên khi biến cố xảy ra trong shaktipat, đấy không hoàn toàn là do shaktipat. Tại đầu kia, thiền nhân phải trong hoàn cảnh đã có chuẩn bị bên trong và với sự sẵn sàng, vậy một cú xô khẽ cũng trở nên có hiệu quả. Nếu cú xô này không do shaktipat gây ra, thiền nhân có thể mất thời gian lâu hơn để đạt tới sahasrar. Cho nên kundalini không đạt tới sahasrar chỉ bởi vì shaktipat; chính yếu tố thời gian bị giảm đi - không gì nhiều hơn. Thiền nhân đằng nào cũng sẽ đạt tới.
Giả sử tôi không đập búa đập cửa, nhưng cánh cửa này cũ quá và sắp sập: thế thì nó có thể sập xuống bởi một cơn gió mạnh. Mà dù cho không có gió, trong quá trình thời gian nó cũng sẽ sập đổ theo cách của nó. Thế thì sẽ khó giải thích được tại sao và bằng cách nào nó đổ xuống, vì nó đã chuẩn bị cho sự sụp đổ vào mọi lúc. Cho nên nhiều nhất, khác biệt cũng chỉ là khoảng thời gian.
Chẳng hạn, thoáng nhìn về điều thiêng liêng đã xảy ra cho Swami Vivekananda khi ở gần Ramakrishna. Nếu Ramakrishna một mình chịu trách nhiệm biến cố trong Vivekananda, thế thì điều ấy cũng có thể đã xảy ra cho những người khác tới với ông. Ông ấy có hàng trăm đệ tử. Nếu Vivekananda một mình chịu trách nhiệm, điều đó đáng phải xảy ra cho ông ta từ trước đó lâu rồi. Ông ta đã tới nhiều bậc thầy khác trước khi tới Ramakrishna, mà biến cố đã không xảy ra. Cho nên Vivekandanda đã sẵn sàng theo cách của mình và Ramakrishna có khả năng theo cách của ông ấy.
Khi sự sẵn sàng và khả năng này gặp gỡ nhau vào một điểm đặc biệt, lỗ hổng thời gian cho biến cố được rút ngắn lại. Có thể là nếu Vivekananda không gặp Ramakrishna vào khoảnh khắc đặc biệt đó, biến cố cũng có thể xảy ra chậm hơn một năm, hai năm, hay có thể ở lần sinh tiếp của ông ta, hay có thể sau mười kiếp nữa. Thời gian là không quan trọng. Nếu một người đã sẵn sàng thế thì biến cố sẽ xảy ra chẳng chóng thì chầy.
Lỗ hổng thời gian có thể được rút ngắn. Và điều quan trọng cần hiểu rằng thời gian là hư huyễn, tựa giấc mơ; do đó nó chẳng có giá trị gì mấy. Thực tế thời gian là hiện tượng tựa như giấc mơ tới mức nó chẳng có giá trị gì mấy. Bạn có thể chợp mắt và một vài phút trôi qua, nhưng trong quãng thời gian ngắn ngủi đó bạn có thể thấy một giấc mơ suốt từ thời thơ ấu của mình cho tới tuổi già của bạn, với đủ mọi biến cố, sự kiện. Nhưng trong trạng thái thức thật khó mà tin được rằng giấc mơ dài thế lại kéo dài không quá một phút. Thực tại, chiều thời gian trong trạng thái mơ là rất khác biệt. Thời gian mơ có khả năng bao lấy nhiều, nhiều sự kiện trong một khoảng rất ngắn; do đó đấy là ảo tưởng.
Bây giờ, có những loài côn trùng sinh ra vào buổi sáng và chết đi lúc tối. Chúng ta nói "Loài vật này thật đáng thương!" - nhưng ta đâu có biết rằng trong khoảng thời gian đó loài côn trùng đó đã sống cuộc sống của nó trong sự toàn bộ của nó, và nó kinh nghiệm tất cả những điều chúng ta kinh nghiệm trong bẩy mươi năm. Không có gì khác biệt cả: loài côn trùng như thế xây nhà, tìm vợ, có con, đánh nhau với kẻ khác, và thậm chí còn đạt tới trạng thái sannyas - tất cả trong vỏn vẹn có mười hai tiếng đồng hồ. Nhưng cảm nhận của chúng về thời gian có khác. Chúng ta thương hại chúng vì chúng được ban cho cuộc sống quá ngắn ngủi, còn chúng thương hại chúng ta vì chúng ta phải mất đến bẩy mươi năm để làm tất cả những cái mà chúng có thể làm trong thời kì mười hai tiếng đồng hồ. Theo chúng, chúng ta phải đần độn làm sao!
Thời gian phụ thuộc vào tâm trí; nó là thực thể tâm trí. Chiều dài thời gian thăng giáng theo trạng thái tâm trí chúng ta. Khi bạn hạnh phúc, thời gian thành ngắn ngủi. Khi bạn lo âu hay đau khổ, thời gian thành đằng đẵng. Khi bạn ngồi cạnh giường chết của người thân, đêm dường như chẳng bao giờ chấm dứt; dường như mặt trời chẳng bao giờ mọc. Cứ dường như là đấy là đêm cuối cùng của thế gian và nó sẽ chẳng bao giờ kết thúc, mặt trời sẽ chẳng bao giờ mọc.
Nỗi buồn kéo dài thời gian. Trong buồn bạn muốn thời gian trôi qua nhanh chóng. Bạn càng trông đợi thời gian qua mau, dường như nó lại bò hơn, chậm hơn, bởi vì đây là kinh nghiệm tương đối, mặc dầu thời gian thực tế cứ trôi qua với tốc độ bình thường của nó. Khi một người đợi người yêu mình tới, người đó cảm thấy cô ấy mất quá nhiều thời gian để tới trong khi thực sự cô ấy vẫn bước theo nhịp thông thường của cô ấy. Người đó muốn cô ấy có tốc độ máy bay.
Cho nên thời gian dường như chậm chạp trong nỗi buồn. Khi bạn hạnh phúc, khi bạn gặp bạn mình hay người yêu mình, bạn để cả đêm nói chuyện rồi đến sáng bạn tự hỏi sao đêm trôi qua chóng thế. Cảm nhận thời gian thật khác biệt trong những khoảnh khắc hạnh phúc hay buồn bã.
Thời gian phụ thuộc vào tâm trí; do đó, có thể đem đến thay đổi về thời gian bằng cách tác động vào tâm trí bởi tác nhân bên ngoài. Nếu tôi lấy gậy đập vào đầu bạn, tự nhiên đầu bạn đau. Thân thể bạn có thể bị đánh từ bên ngoài, tâm trí bạn cũng vậy. Nhưng bạn không thể nào bị đánh bởi lực bên ngoài nào đó, vì bạn không là thân thể mà cũng không là tâm trí. Nhưng ngay bây giờ bạn đang nghĩ rằng bạn là thân thể và tâm trí, cho nên thân thể và tâm trí có thể bị ảnh hưởng. Và bằng việc tác động vào thân-tâm bạn, tỉ lệ thời gian có thể đuợc thay đổi theo những cách khác nhau; hàng thế kỉ có thể được thu lại trong vài khoảnh khắc, và ngược lại.
Khoảnh khắc thức tỉnh xảy ra cho bạn, bạn sẽ rất ngạc nhiên. Tới giờ đã hai nghìn năm kể từ khi Jesus chết, năm nghìn năm từ Krishna, và rất nhiều thời gian đã trôi qua kể từ khi Zarathushtra và Moise. Nhưng bạn sẽ ngạc nhiên rằng khoảnh khắc bạn thức tỉnh, bạn sẽ nói: "Trời, họ cũng vừa mới thức tỉnh!" Lỗ hổng thời gian dừng lại hoàn toàn. Bây giờ nhiều nghìn năm này trở thành tựa như thời gian mơ.
Cho nên khi người ta thức tỉnh, tất cả đều thức tỉnh. Thậm chí không có khác biệt tới một khoảnh khắc. Điều này khó hiểu. Khoảnh khắc bạn thức tỉnh, bạn trở thành đương đại với Phật, Christ, Mahavira và Krishna. Họ sẽ ở quanh bạn dường như họ cũng vừa mới thức tỉnh với bạn. Không có khác biệt một khoảnh khắc - không thể thế được.
Bây giờ nếu chúng ta vẽ ra một hình tròn và nhiều đường nối từ tâm ra chu vi, ta sẽ thấy rằng tại chu vi khoảng cách giữa bất kì hai đường nào cũng là lớn nhất. Thế rồi, khi bạn đi theo các đường này vào tâm, khoảng cách giữa hai đường trở nên ngày càng nhỏ đi, đến tại điểm tâm không còn khoảng cách nữa. Tất cả các đường trở thành một tại điểm đó. Cho nên khi một người đạt tới tâm của kinh nghiệm sâu sắc đó, khoảng cách đã từng hiện diện ở chu vi - về hai nghìn năm, năm nghìn năm - tan biến. Nhưng thật khó cho người như vậy để giải thích kinh nghiệm của mình, vì người nghe của người đó vẫn còn ở phần ngoại vi và ngôn ngữ của họ cũng là ngôn ngữ của phần ngoại vi. Đó là lí do tại sao có khả năng bị hiểu sai sâu xa.
Một người tới tôi. Người đó là người tôn sùng Jesus.
Người đó hỏi tôi: "Thầy nghĩ gì về Jesus?"
Tôi đáp, "Nói ra ý kiến về chính mình là không thích hợp"
Người đó nhìn tôi ngạc nhiên. "Có lẽ thầy không hiểu tôi," người đó nói. "Tôi hỏi ý kiến của thầy về Jesus cơ."
Tôi nói, "Tôi cũng cảm thấy rằng bạn đã không nghe tôi. Tôi đã nói rồi, 'Đưa ra ý kiến về chính mình là không thích hợp.' Người đó trông hoang mang. Thế rồi tôi giải thích cho người đó, 'Bạn có thể lí thuyết hoá về Jesus chừng nào bạn chưa biết về ông ấy. Khoảnh khắc bạn biết, sẽ không khác biệt gì giữa bạn và ông ấy cả. Làm sao bạn còn có ý kiến được?'"
Một hôm, một nghệ sĩ đem tới cho Ramakrishna xem bức tranh người đó đã vẽ về Ramakrishna. Ông ấy hỏi Ramakrishna có thích bức tranh ấy không, nhưng ông ấy thấy rằng Ramakrishna cúi rạp mình trước tấm tranh và chạm trán vào chân người trong tranh. Người có mặt ở đó nghĩ rằng chắc có nhần lẫn, lẫn lộn gì đó. Có lẽ Ramakrishna không nhận ra rằng đấy là chân dung mình. Cho nên hoạ sĩ đã nhắc ông ấy rằng ông ấy đang cúi lạy trước bức chân dung của chính mình.
"Tôi quên mất điều ấy," Ramakrishna trả lời. Bức tranh này thật là sâu lắng trong samadhi - làm sao đấy lại có thể là tranh của tôi được? Nếu samadhi có đấy, không có ‘tôi’ mà cũng chẳng có ‘anh’. Cho nên tôi cúi mình trước samadhi. Cũng tốt là ông đã nhắc tôi nếu không người ta sẽ cười." Nhưng mọi người đều đã cười rồi.
Ngôn ngữ của chu vi không phải là ngôn ngữ của trung tâm. Cho nên khi Krishna nói: "Chính ta là Rama", và khi Jesus nói: "Ta đã tới trước và đã nói với ông", và khi Phật tuyên bố: "Ta sẽ trở lại nữa", họ đều nói ngôn ngữ của trung tâm, và điều này thật khó cho chúng ta hiểu. Phật tử vẫn chờ đợi sự quay trở lại của Phật lần nữa trên thế gian. Sự thật là ở chỗ ông ấy đã trở tới nhiều lần rồi. Cho dù ông ấy tới, ông ấy cũng chẳng được thừa nhận, vì không có cách nào tới trong cùng dạng lần nữa. Khuôn mặt đó là một hiện tượng tựa giấc mơ, và nó đã mất đi mãi mãi.
Cho nên tại trung tâm không có lỗ hổng thời gian. Do đó, thời gian được ngụ ý cho việc xảy ra chứng ngộ có thể được tăng tốc lên hay làm chậm đi; nó có thể được tăng tốc lên rất nhiều. Điều đó có thể được thực hiện bởi shaktipat.
Và trong phần cuối câu hỏi của bạn, bạn đang hỏi về người khác tham gia vào việc xảy ra samadhi.
Người khác dường như là người khác bởi níu bám dai dẳng của bạn vào biên giới của bản ngã riêng mình. Do vậy Vivekananda sẽ nghĩ rằng chứng ngộ xảy ra là do Ramakrishna. Nếu Ramakrishna nghĩ theo cách đó thì sẽ là xuẩn ngốc. Với Ramakrishna điều đó xảy ra theo cách khác. Cũng tựa như là tay phải đau và tay trái đặt thuốc lên. Bây giờ, tay phải có thể nghĩ rằng ai đó khác đang chữa chạy cho nó và có thể cám ơn hay từ chối việc chữa chạy ấy. Tay phải có thể nói, "Tôi không nhận sự giúp đỡ từ người khác; tôi độc lập." Nhưng thế thì nó không biết rằng cùng năng lượng ấy đang làm việc thông qua tay trái, cũng làm việc thông qua tay phải. Cho nên khi một người được người khác giúp đỡ, đấy không thực là người khác đâu; đấy chính là sự sẵn sàng của riêng bạn đã kêu gọi sự giúp đỡ này từ phần khác của chính cái ta riêng của bạn.
Có một cuốn sách cổ đại ở Ai cập trong đó có nói, "Đừng bao giờ đi tìm thầy. Thầy sẽ xuất hiện tại cửa nhà bạn vào khoảnh khắc bạn đã sẵn sàng." Nó cũng nói: "Cho dù bạn có lên đường đi tìm thầy, làm sao bạn tìm được? Làm sao bạn nhận ra được thầy? Nếu bạn đã có đủ phẩm chất để nhận ra thầy, thế thì chẳng cái gì thiếu trong bạn."
Do đó, bao giờ cũng là thầy nhận ra đệ tử. Đệ tử không bao giờ có thể nhận ra được thầy. Không có khả năng nào, không có cách nào. Vì bạn vẫn không thể nào nhận ra được bản thể bên trong riêng của mình, làm sao bạn nhận ra thầy được? Cái ngày mà bạn sẵn sàng, một bàn tay nào đó, mà thực sự là bàn tay của riêng bạn, sẽ hiện diện như người hướng dẫn của bạn để giúp bạn. Bàn tay đó là bàn tay của người khác chừng nào bạn vẫn còn chưa biết. Cái ngày bạn biết, bạn thậm chí sẽ không chờ đợi đưa ra lời cám ơn nữa.
Có một lệ trong các thiền viện ở Nhật bản. Khi thiền nhân tới thiền viện để học thiền, người đó đem theo chiếc chiếu của mình, trải nó ra trên đất và ngồi lên nó. Hàng ngày người đó thiền trên chiếc chiếu và rồi để nó ở đấy. Cái ngày việc thiền của người đó hoàn tất, người đó sẽ cuộn chiếu và ra đi. Thế thì thầy hiểu rằng việc thiền của người đó đã hoàn thành. Thầy không trông đợi lời cám ơn, vì nhu cầu ở đâu? Mà ai cám ơn ai? Thiền nhân không nói một lời. Thầy thấy thiền nhân cuộn chiếu và ông ấy hiểu. Thời điểm đã tới để cuộn chiếu. Thế là tốt. Chẳng cần gì mà giữ hình thức cám ơn cả. Ai được cám ơn? Và nếu thiền nhân phạm phải sai lầm này, thầy có thể lấy thiền trượng đánh người đó khi ra lệnh cởi chiếu ra vì việc thiền vẫn còn chưa xảy ra.
Cho nên ý tưởng về người khác chỉ là do dốt nát của chúng ta; nếu không, lấy đâu ra người khác? Chỉ có một mình bản thân mình trong vô số hình dạng; chỉ có bản thân mình trên vô số cuộc hành trình; chỉ có bản thân mình trong vô hạn tấm gương. Dứt khoát chỉ có một mình bản thân mình đang trong gương, mặc dầu điều người ta thấy là khác với bản thân mình.
Có một câu chuyện Sufi. Một con chó lạc lối trong một lâu đài. Tường và trần của lâu đài này đều làm bằng gương, cho nên con chó gặp khó khăn lớn. Bất kì chỗ nào nó nhìn cũng toàn chó là chó. Nó trở nên rất phân vân: nhiều chó khắp xung quanh thế! Nó có mỗi mình vậy mà bị bao quanh bởi lắm chó thế. Không có cách nào thoát ra được, vì cửa cũng bằng gương cho nên nó thấy chó cả ở đấy nữa. Thế rồi nó bắt đầu sủa, nhưng tất cả các con chó trong gương cũng bắt đầu sủa với nó. Và khi tiếng sủa của nó tràn ngập trong phòng, nó chắc chắn nỗi sợ của nó không phải là không có căn cứ và rằng cuộc sống nó đang lâm nguy. Nó cứ tiếp tục sủa và tất cả các con chó khác cũng sủa còn to hơn. Nó chạy lăng xăng để đánh nhau với chúng; chó trong gương cũng làm hệt như vậy. Cả đêm nó kiệt sức vì sủa và đánh nhau với những con chó trong gương, mặc dầu nó chỉ có mỗi mình ở đó! Đến sáng lính gác thấy nó chết bên trong lâu đài. Con chó chết vì chạy, sủa và đánh nhau với hình phản xạ, mặc dầu chỉ có mình nó ở đấy. Khi nó chết, mọi tiếng động cũng lắng xuống; các tấm gương trở nên im lặng.
Có nhiều tấm gương, và khi chúng ta nhìn người khác, đấy chỉ là sự phản chiếu của riêng chúng ta trong các tấm gương khác nhau; do đó, người khác là ảo tưởng. Ý niệm rằng chúng ta đang giúp người khác là ảo tưởng, và ý niệm rằng chúng ta đang nhận sự giúp đỡ từ người khác cũng là ảo tưởng nốt. Thực tại, người khác, như họ vậy, là ảo tưởng.
Một khi điều này được nhận ra, cuộc sống trở thành đơn giản. Thế thì bạn không làm cái gì đó cho người khác, mà coi người đó là người khác, bạn cũng không để người khác làm điều gì đó cho bạn mà cảm thấy người đó là người khác. Thế thì đấy chính là bản thân bạn được mở rộng ra cả hai đầu. Thế thì nếu bạn đưa tay giúp đỡ ai đó trên đường tức là bạn đã giúp cho chính mình rồi. Nếu ai đó khác đưa tay giúp bạn, thế thì người đó cũng chỉ giúp chính họ thôi. Nhưng điều này đến trong hiểu biết của chúng ta chỉ sau kinh nghiệm tối thượng. Trước lúc đó, người khác dứt khoát là người khác.
Có lần thầy đã ngụ ý rằng shaktipat tỏ ra là có hại cho Vivekananda.
Không phải shaktipat là có hại cho Vivekananda mà điều xảy ra sau đó. Nhưng ý tưởng về được và mất cũng đi đôi với trạng thái mơ; nó không phải là vượt ra ngoài mơ.
Với giúp đỡ của Ramakrishna, Vivekananda có một thoáng thấy samadhi mà lẽ ra ông ta sẽ có trên cơ sở sức mạnh của riêng mình, nhưng muộn hơn nhiều. Bây giờ, điều ấy tựa thế này: Tôi đập cửa bằng búa và cửa đổ ra, nhưng tôi có thể dựng cửa dậy lần nữa bằng cách đóng đinh vào nó cũng cùng với cái búa ấy. Búa có thể đánh đổ cửa mà cũng có thể chữa lại nó - nhưng chính là cùng một chiếc búa có tác dụng trong cả hai trường hợp.
Ramakrishna có khó khăn nên ông ấy cần dùng Vivekananda để giải quyết chúng. Ramakrishna là con người hoàn toàn mộc mạc, vô học, vô giáo dục. Kinh nghiệm của ông ấy sâu sắc nhưng ông ấy không có phương tiện để diễn đạt nó, truyền đạt nó. Ông ấy cần phải sử dụng người khác như phương tiện, như trung gian để làm cho thế giới biết tới kinh nghiệm của ông ấy. Nếu điều này không phải là như vậy, bạn sẽ chẳng bao giờ biết tới Ramakrishna. Chính là từ lòng từ bi của ông ấy mà ông ấy mới cố gắng truyền đạt cho bạn về kinh nghiệm của mình thông qua người khác.
Nếu tôi phát hiện ra kho báu nào đó trong nhà tôi và nếu tôi là người què, và tôi trèo lên vai người khác để giao kho báu đó sang nhà bạn, tôi sẽ phải dùng đôi vai của người này. Người đó sẽ phải chịu đôi chút bất tiện và khó nhọc bởi việc cõng tôi, nhưng ý định của tôi chỉ là để trao kho báu cho bạn. Nhưng bởi vì tôi bị què, còn kho báu, có thể chưa bao giờ được yêu cầu tới, tôi thậm chí không thể đi ra và trao tin đó được.
Vấn đề này có đấy đối với Ramakrishna; vấn đề không phải như vậy đối với Phật. Trong cá tính của Phật cả Ramakrishna lẫn Vivekananda đều cùng hiện diện. Phật có thể diễn đạt điều ông ấy biết; Ramakrishna không thể diễn đạt điều ông ấy biết. Ông ấy cần người khác, người có thể là phương tiện cho việc diễn đạt của ông. Cho nên ông ấy để lộ cho Vivekananda thoáng thấy kho báu bên trong, nhưng ngay lập tức bảo Vivekananda rằng ông ấy giữ chìa khoá bên mình và ông ấy sẽ trao chìa khoá đó lại cho Vivekananda ba ngày trước cái chết của ông ấy.
Vivekananda bắt đầu khóc lóc và van xin Ramakrishna đừng tước đi những cái ông ấy cho mình. Ramakrishna bảo ông ấy: "Ông có công việc khác phải làm. Nếu ông đi vào samadhi ông sẽ mất hút mãi mãi và công việc của ta sẽ bị ảnh hưởng. Điều tốt là ông không kinh nghiệm samadhi trước khi công việc của ta kết thúc, vì ông chỉ có thể làm được việc đó trước khi đạt tới samadhi." Ramakrishna không biết rằng người ta làm được việc đó cả sau samadhi. Ông ấy có thể không biết tới điều đó, vì bản thân ông ấy không thể nào làm được bất kì điều gì sau samadhi.
Thông thường chúng ta được hướng dẫn bởi kinh nghiệm của riêng mình. Sau kinh nghiệm của mình về samadhi, Ramakrishna không thể làm được việc gì. Ông ấy không thể nói lâu được - việc nói là rất khó cho ông ấy. Ngay cả nếu ai đó nói ra từ Ram, ông ấy sẽ đi vào ngay trong cơn mê. Ai đó tới chào ông ấy, "Jai Ramji" và thế là ông ấy sẽ bị lạc khỏi thế giới. Đối với ông ấy, rất khó để vẫn còn có ý thức dù chỉ nhắc tới danh xưng của Thượng đế, như Ram. Nó ngay lập tức nhắc nhở ông ấy về thế giới khác. Ai đó nói "Allah!" và ông ấy sẽ biến mất. Nếu ông ấy thấy ngôi đền hồi giáo, ông ấy sẽ mất hút vào samadhi; ông ấy không thể ra khỏi chỗ đó được. Ông ấy mà nghe thấy bài ca sùng kính khi đang bước trên đường, ông ấy sẽ đổ sập vào cơn mê, ngay tại chỗ ấy lúc ấy.
Cho nên theo kinh nghiệm riêng của mình, ông ấy là đúng khi nghĩ rằng cùng điều đó thể xảy ra cho Vivekananda. Do đó, ông ấy đã bảo Vivekananda, "Ông còn nhiệm vụ rất lớn lao cần phải thực hiện, và sau đó, ông có thể đi vào samadhi." Toàn bộ cuộc sống của Vivekananda đã trôi qua mà không đạt tới samadhi, và điều này gây ra cho ông ấy nỗi đau lớn.
Nhưng nhớ lấy, đau là thuộc về thế giới mơ. Cũng tựa như một người mơ giấc mơ xấu. Ba ngày trước khi chết ông ấy được trao cho chìa khoá, nhưng mãi cho đến lúc đó vẫn cứ là một nỗi đau lớn lao. Những bức thư mà ông ấy viết cho đến quãng năm đến bẩy ngày trước khi ông chết đều đầy những đau đớn và khổ não, và lại ngày một tăng thêm với khao khát khắc khoải về điều mà ông ấy mới chỉ có được thoáng nhìn.
Khát khao của bạn chưa đến mức mãnh liệt thế bởi vì bạn chẳng có ý tưởng nó là gì cả. Thoáng nhìn trong khoảnh khắc và thế là khao khát sẽ bắt đầu. Bạn có thể hiểu điều đó theo cách này: bạn đang đứng trong bóng tối với những viên đá cuội trong tay, cứ đinh ninh chúng là kho báu đá quí. Bạn rất hạnh phúc. Rồi một tia chớp loé lên và bạn thấy rằng có các mỏ kim cương ở phía trước trong khi bạn đang cầm đá cuội trong tay. Rồi tia chớp tắt đi, nhưng nó để lại một thông báo đằng sau rằng bạn phải báo cho những người khác cũng đang đứng đấy cầm đá cuội trong tay họ, rằng một kho báu vô giá đang đợi họ. Rồi ánh chớp không loé lên cho bạn nữa, và bạn phải thực hiện nhiệm vụ kể cho mọi người về kho báu đang nằm phía trước mặt. Vậy Vivekananda bị buộc phải thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt, là bổ sung thêm cho Ramakrishna và cũng là điều cần thiết cho ông ấy; điều bị thiếu trong Ramakrishna ông ấy phải bù thêm thông qua một người khác.
Điều như thế này vẫn xảy ra nhiều lần. Nếu một người không thể thực hiện được một nhiệm vụ đặc biệt, thì sẽ phải cần tới ba hay bốn người khác. Đôi khi thậm chí cần có năm đến mười người để giúp lan truyền thông điệp của một người. Cho nên Ramakrishna đã làm điều đó do lòng từ bi, nhưng việc ấy tạo ra khó khăn nào đó cho Vivekananda.
Cho nên tôi nói tránh shaktipat nhiều nhất có thể được. Nhiều nhất có thể được, cố gắng vì ân huệ. Chỉ shaktipat đó mới có ích, cũng tốt như ân huệ, không có sợi dây nào được gắn vào, không có điều kiện nào cùng nó, tuyệt đối vô điều kiện, với điều đó không ai có thể nói, "Tôi đang giữ chìa khoá trong một thời kì nào đó."
Shaktipat phải xảy ra không có người trung gian ngay cả để truy vấn điều đã xảy ra. Nếu bạn muốn cám ơn người đó, thậm chí bạn cũng sẽ không biết chỗ tìm người đó; thế thì sẽ dễ dàng cho bạn. Nhưng nhiều lúc, khi một người như Ramakrishna cần giúp đỡ của người khác, không có cách nào khác để thu được điều đó như cách này; nếu không, kinh nghiệm của Ramakrishna sẽ bị mất, không được diễn đạt. Ông ấy cần người trung gian để diễn đạt điều đó và Vivekananda đã hoàn thành việc đó.
Đây là lí do tại sao Vivekananda bao giờ cũng nói rằng bất kì cái gì ông ấy đang nói, đều không thuộc về ông ấy. Khi ông ấy được tôn vinh ở Mĩ ông ấy nói rằng ông rất đau đớn bởi vì vinh dự thuộc về một người mà mọi người khác chẳng ai biết đến cả. Và khi ai đó gọi ông ấy là người vĩ đại, ông nói, "Tôi thậm chí không xứng đáng được là hạt bụi dưới chân của con người vĩ đại chính là thầy tôi." Nhưng sự kiện vẫn còn là giá mà Ramakrishna qua Mĩ, ông sẽ bị nhốt vào nhà thương điên cho người mất trí; ông ấy sẽ bị đưa vào điều trị tâm thần. Chẳng ai sẽ nghe nói về ông nữa; thay vì thế thì ông ấy dứt khoát bị công bố là điên.
Chúng ta chưa thể nào thấy được khác biệt giữa điên thường và điên thiêng liêng, cho nên ở Mĩ cả hai kiểu điên này đều bị tống vào nhà thương điên. Ramakrishna sẽ bị giam giữ để chữa trị trong khi Vivekananda nhận được mọi tôn vinh - vì điều Vivekananda nói có thể hiểu được bằng lí trí. Bản thân ông ấy không trong trạng thái điên thiêng liêng. Ông ấy chỉ đơn thuần là sứ giả, bưu tá mang bức thư của Ramakrishna và đọc nó cho người ở nước ngoài. Nhưng ông ấy có thể đọc hay.
Mulla Nasrudin là người có học duy nhất trong làng - và bạn có thể tưởng tượng anh ấy là người có học thức thế nào trong trường hợp đó - cho nên mọi người trong làng phải nhờ tới anh ta viết thư của họ. Một người tới ông ấy để nhờ viết thư. Nasruddin nói anh ta không viết vì chân anh ta bị đau. Người này nói, "Chân anh thì liên quan gì tới việc viết thư? Anh không viết bằng tay à?"
Nasruddin nói, "Ông không biết đấy thôi. Khi tôi viết thư, chỉ mỗi tôi mới có thể đọc thư. Cho nên tôi phải đi sang làng khác để đọc nó. Tôi sẽ viết lá thư đó nhưng ai sẽ đọc nó? Chân tôi lại đau quá. Chừng nào mà tôi còn chưa thể bước đi được, tôi sẽ không viết bức thư nào đâu."
Cho nên nếu một người như Ramakrishna viết một bức thư, một mình người đó có thể đọc được nó, vì người đó đã quên mất ngôn ngữ của bạn và ngôn ngữ người đó nói ra là vô nghĩa đối với bạn. Chúng ta gọi những người như thế là điên. Cho nên những người như thế phải tìm kiếm và chọn lấy một sứ giả trong chúng ta, người có thể viết theo ngôn ngữ chúng ta. Người như vậy không hơn gì một bưu tá. Do đó, thận trọng về Vivekananda. Ông ấy không có kinh nghiệm của riêng mình. Điều ông ấy nói là kinh nghiệm của người khác. Ông ấy thành thạo trong nghệ thuật của mình, ông ấy là chuyên gia trong việc dùng từ, nhưng đấy không phải là kinh nghiệm của ông ấy.
Chính bởi lí do này mà chúng ta thấy sự cả tin trong các bài nói của Vivekananda. Ông ấy nhấn mạnh vào quan điểm của mình quá mức cần thiết, và điều này lại tạo nên khiếm khuyết. Bản thân ông ấy cũng nhận biết được sự kiện là điều ông đang nói không xuất phát từ kinh nghiệm riêng của ông ấy. Tuy nhiên người trí huệ bao giờ cũng ngại ngùng: người đó sợ; người đó có thể không nêu ra được kinh nghiệm của mình rõ ràng như người đó cảm thấy nó. Người đó sẽ suy ngẫm hàng nghìn cách trong đầu trước khi nói ra, ấy thế mà người đó vẫn còn băn khoăn rằng điều mình nói có thể không hoàn toàn là điều mình muốn diễn đạt. Người không biết cứ xông bừa lên và nói điều người đó phải nói. Người đó không cảm thấy ngại ngùng gì, vì người đó biết đích xác tất cả những điều người đó phải nói.
Nhưng điều này rất khó cho người đã chứng ngộ như Phật. Ông ấy không đưa ra câu trả lời cho một số câu hỏi. Ông ấy hay nói, "Khó trả lời được những câu hỏi này." Cho nên mọi người hay nói, "Có những người giỏi hơn trong làng ta, họ trả lời được mọi câu hỏi của chúng ta. Họ còn khôn ngoan hơn Phật. Chúng ta hỏi họ liệu có Thượng đế hay không, và họ trả lời một cách tự tin hoặc có hoặc không. Phật không trả lời vì ông ấy không biết."
Nhưng với Phật, rất khó trả lời có hay không, cho nên ông ấy ngần ngại và nói, "Hỏi câu hỏi khác đi, không phải câu hỏi này." Điều đó tự nhiên làm cho mọi người nói rằng ông ấy không biết và rằng ông ấy nên thừa nhận về dốt nát của mình. Nhưng điều này Phật cũng không thể không nói được, vì ông ấy biết. Thực tế Phật nói ngôn ngữ hoàn toàn khác với chúng ta và đây là điều gây ra khó khăn.
Cho nên điều đã xảy đi xảy lại nhiều lần là việc nhiều người như Ramakrishana rời khỏi thế giới này không để lại thông điệp của họ. Họ không thể làm được điều đó. Rất hiếm người tổ hợp được cả hiểu biết và khả năng truyền đạt. Khi việc tổ hợp hãn hữu này xảy ra, chúng ta gọi người như thế là tirthankara, avatar, nhà tiên tri, vân vân. Cho nên số người đã chứng ngộ không hạn chế chỉ vào những người đã nói ra. Còn nhiều người khác không thể chuyển giao thông điệp của họ.
Ai đó hỏi Phật, "Thầy có mười nghìn khất sĩ bhikkus ở đây, và trong suốt bốn mươi năm qua thầy đã thuyết giảng cho mọi người. Bao nhiêu người đã đạt được cùng mức độ tâm thức như thầy đang vậy?
Phật nói: "Nhiều người đã đạt tới."
Người này hỏi, "Thế thì tại sao chúng tôi không thể nhận ra được họ như chúng tôi có thể nhận ra thầy?
Phật nói, "Ông không thể nhận ra được họ do khác biệt ở chỗ ta có thể nói còn họ không thể nói. Nếu ta cũng giữ im lặng, ông sẽ không biết ta. Ông chỉ nhận biết lời nói; ông không thể nhận ra chứng ngộ. Ngẫu nhiên mà ta biết và cũng có thể nói về nó."
Cho nên có khó khăn với Vivekananda mà ông ấy phải chỉnh lại các kiếp sống sắp tới. Nhưng khó khăn này là không tránh khỏi. Do đó Ramakrishna, vì rất cần, đã đem điều đó tới cho ông. Vivekananda cảm thấy mất mát nhưng cái mất của ông ấy thuộc về thế giới mơ. Nhưng dù cho là thế thì tại sao người ta phải trải qua mất mát ngay cả trong cõi tựa giấc mơ? Nếu chúng ta cần giấc mơ thế thì tại sao lại không có giấc mơ hay?
Có một câu chuyện ngụ ngôn của Aesop:
Ngày xưa một con mèo đang ngủ mơ dưới bóng cây. Một con chó đi qua đó và cũng nằm dài ra dưới cây. Con mèo dường như đang mơ một giấc mơ rất thích thú, và con chó tò mò muốn biết nó đang mơ gì.
Khi mèo tỉnh dậy, chó bèn hỏi mèo mơ gì. Mèo ta nói, "Ôi, thật là một giấc mơ đáng yêu làm sao, trời đổ chuột xuống."
Con chó khinh khỉnh nhìn và nói, "Ngốc ơi là ngốc! Làm gì có chuyện trời mưa ra chuột. Chúng tớ cũng mơ đấy, mà bao giờ chúng tớ cũng chỉ thấy xương rơi xuống - và kinh sách của chúng tớ cũng nói rằng trời toàn mưa ra xương thôi. Chuột không rơi xuống như mưa đâu, đồ mèo ngốc ạ! Nếu cậu phải mơ, mơ về xương ấy."
Với chó, xương mới có nghĩa. Tại sao nó phải mơ về chuột? Nhưng với mèo, xương là vô dụng.
Cho nên tôi nói với bạn: Nếu bạn phải mơ, sao lại mơ giấc mơ xấu? Và nếu bạn định thức tỉnh, thế thì dùng tối đa khả năng của bạn, sức mạnh riêng của bạn, quyết tâm riêng của bạn - và đừng đợi người khác đến giúp bạn. Giúp đỡ sẽ tới, nhưng đấy là vấn đề khác. Bạn không nên chờ đợi và mong đợi giúp đỡ, vì bạn càng trông đợi, quyết tâm của bạn sẽ càng trở nên yếu hơn. Chấm dứt suy nghĩ theo đường hướng đó. Trông đợi chẳng ích gì và nỗ lực toàn bộ, luôn nhớ rằng bạn chỉ có một mình. Giúp đỡ sẽ tới từ nhiều nguồn khác nhau - nhưng đấy lại là vấn đề khác rồi.
Do đó, nhấn mạnh của tôi là vào sức mạnh ý chí của riêng bạn, để cho không cản trở nào được tạo ra cho bạn.
Và khi bạn nhận được cái gì đó từ ai đó, nó bao giờ cũng phải không do bạn đã yêu cầu hay trông đợi. Nó nên đến tựa cơn gió, và thế thì nó có thể ra đi tựa cơn gió.
Đây chính là lí do tại sao tôi nói rằng Vivekananda phải chịu mất mát, và chừng nào ông ấy còn sống, ông ấy còn phải nhận biết sâu sắc về điều đó. Thính giả của Vivekananda ngồi nghe mê mẩn; họ nhận được thoáng nhìn từ điều ông ấy nói. Nhưng Vivekananda tự mình biết rõ là điều ấy đã không xảy ra cho mình. Sẽ là điều khủng khiếp đối với tôi nếu phải đem đến cho bạn tin tức về hương vị của cái gì đó và bản thân tôi chẳng có kinh nghiệm gì về hương vị của nó cả. Tôi có thể có một lần đã nếm trải nó, nhưng trong mơ mà nay đã tan vỡ. Tưởng tượng nếu sau đó tôi được bảo, "Bây giờ ông sẽ chẳng còn mơ gì về nó nữa đâu, nhưng cứ đi và nói cho mọi người về nó đi." Cho nên đấy là trường hợp đối với Vivekananda. Ông ấy có thử thách gay go riêng. Nhưng ông ấy là một người mạnh mẽ; ông ấy có khả năng chịu đựng được thử thách này. Đây là một phần của lòng từ bi, nhưng điều này không có nghĩa là bạn nữa cũng phải chịu đựng những thử thách như vậy.

Vivekananda đã có kinh nghiệm về samadhi qua tiếp xúc với Ramakrishna. Liệu nó có phải là kinh nghiệm đích thực không?
Đúng hơn nên gọi nó là kinh nghiệm sơ bộ. Vấn đề chân thực không quan trọng ở đây. Đấy hoàn toàn là kinh nghiệm sơ bộ mà trong đó người ta chỉ có được thoáng nhìn. Thoáng nhìn này không thể rất sâu sắc hay tâm linh.
Biến cố này xảy ra tại đường biên nơi tâm trí kết thúc và linh hồn bắt đầu. Tại chiều sâu này nó chỉ là kinh nghiệm tâm lí; do đó thoáng nhìn đã bị mất đi. Nhưng trong trường hợp của Vivekananda, chẳng ích gì mà đi quá sâu vì Ramakrishna sợ. Ông ấy đã không cho phép điều đó được đi quá sâu; bằng không, con người này sẽ chẳng còn tác dụng gì cho ông ấy nữa. Ramakrishna quan tâm sâu sắc về linh ảnh của mình đến mức chẳng bao giờ ông ấy nghĩ quan niệm của ông ấy về kinh nghiệm này làm cho một người thành vô dụng vì thế giới này không phải là một trăm phần trăm đúng đắn.
Phật đã nói trong bốn mươi năm sau chứng ngộ của ông ấy; tình huống cũng tương tự với Jesus và Mahavira. Họ không có khó khăn gì. Nhưng với Ramakrishna, vấn đề lại khác. Ông ấy có khó khăn này; khó khăn bao giờ cũng trong tâm trí riêng của ông ấy. Do đó, ông ấy đã cho Vivekananda chỉ thoáng nhìn lướt nhanh. Nó là chân thực khi xảy ra, nhưng nó cũng sơ cấp. Nó không đi đủ sâu; bằng không, Vivekananda có lẽ đã thấy khó mà quay lại được.

Liệu có thể có kinh nghiệm bộ phận về samadhi không?
Không phải bộ phận mà là sơ bộ. Có khác biệt giữa hai điều này. Kinh nghiệm về samadhi không thể mang tính bộ phận được, nhưng có thể có thoáng nhìn tâm trí về samadhi. Kinh nghiệm này mang tính tâm linh, thoáng nhìn mang tính tâm trí. Nếu tôi đứng trên đỉnh núi và nhìn ra biển, tôi nhất định sẽ thấy biển, nhưng từ khoảng cách xa. Tôi sẽ không đứng trên bờ cát; tôi sẽ không chạm vào hay nếm nước biển; tôi sẽ không chìm đắm vào hay tắm trong nó. Tôi đã thấy biển từ đỉnh núi. Bạn có gọi kinh nghiệm này là bộ phận được không?
Không. Và mặc cho sự kiện là tôi không chạm tới một giọt nước đại dương, bạn cũng không thể gọi kinh nghiệm của tôi là không chân thực được. Tôi đã thấy đại dương từ trên đỉnh núi cho dù tôi không trở thành một với nó. Theo cùng cách này bạn có thể thấy được linh hồn từ đỉnh cao nhất của thân thể bạn.
Thân thể cũng có đỉnh của nó - các kinh nghiệm đỉnh của nó. Nếu bạn có kinh nghiệm rất sâu sắc về thân thể, bạn cũng có thể có được thoáng nhìn về linh hồn trong nó. Nếu bạn hoàn toàn mạnh khoẻ và kinh nghiệm cái cảm nhận khoẻ mạnh ấy, nếu thân thể tràn ngập với sức khoẻ tốt, bạn có thể đạt tới chiều cao của thân thể mà từ đó bạn có thể có thoáng nhìn về linh hồn. Bạn sẽ kinh nghiệm rằng bạn không phải là thân thể và rằng bạn là cái gì đó khác. Bạn sẽ không biết linh hồn là gì nhưng bạn sẽ đạt tới chiều cao tối thượng của thân thể.
Tâm trí cũng có chiều cao của nó. Chẳng hạn, khi bạn ở sâu trong tình yêu - không trong dục, vì dục là khả năng duy nhất của thân thể. Nhưng ngay cả trong dục, nếu bạn đạt tới đỉnh của kinh nghiệm dục, bạn sẽ có thoáng nhìn về linh hồn. Tuy nhiên, nó sẽ là thoáng nhìn xa xôi - thoáng nhìn từ điểm cuối xa nhất. Nhưng nếu bạn có kinh nghiệm sâu sắc về tình yêu, nếu bạn ngồi cạnh người mình yêu trong một khoảnh khắc mà không thốt ra một lời phá vỡ im lặng, chỉ với tình yêu chuyển qua lại giữa hai bạn, không làm hay ham muốn gì mà chỉ có sóng tình yêu đi từ người nọ sang người kia, trong khoảnh khắc tình yêu đó bạn sẽ đạt tới chiều cao mà từ đó bạn sẽ có thoáng nhìn về linh hồn. Cho nên những người yêu nhau cũng có được thoáng nhìn về linh hồn.
Nghệ sĩ vẽ bức tranh. Người đó bị cuốn hút trong việc vẽ đến mức trong khoảnh khắc đó người đó trở thành Thượng đế, đấng sáng tạo, vì người đó kinh nghiệm cùng trạng thái mà Thượng đế phải đã cảm thấy khi ngài tạo ra thế giới. Nhưng chiều cao này là của tâm trí. Trong khoảnh khắc của thoáng nhìn ấy, người này cảm thấy giống đấng sáng tạo. Nhiều lần người đó phạm phải sai lầm nghĩ rằng kinh nghiệm này là đủ. Kinh nghiệm này có thể có từ âm nhạc, từ thơ ca, từ cái đẹp tự nhiên và từ những vật khác như vậy. Nhưng tất cả những cái đó đều là các đỉnh xa xôi. Khi bạn đã hoàn toàn tan biến trong samadhi, việc nhận biết xảy ra. Từ bên ngoài có nhiều đỉnh mà từ đó bạn có thể có thoáng nhìn về linh hồn.
Cho nên kinh nghiệm này của Vivekananda đã xảy ra tại mức độ của tâm trí, vì như tôi đã bảo với bạn, người khác có thể đi vào trong bạn tới đỉnh của tâm trí và có thể nâng bạn lên đỉnh đó
Nhìn điều đó theo cách này: tôi đặt một đứa bé lên vai mình và nó nhìn khắp xung quanh. Rồi tôi hạ nó xuống - vì vai tôi không thể là vai riêng của nó. Chân nó vẫn còn nhỏ và nó sẽ phải cần một khoảng thời gian dài để lớn lên đến chiều cao như tôi. Nhưng được nâng lên trên vai tôi nó đã thấy, và bây giờ nó có thể đi tới người khác và nói rằng nó đã thấy điều gì đó. Mọi người có thể không tin vào nó; họ có thể nói rằng với chiều cao của nó, điều ấy là không thể được. Nhưng nó có thể trèo lên vai của người khác và có cái nhìn. Tất cả những điều này đều là khả năng của tâm trí; do đó, nó không phải là tâm linh.
Tất cả đều như nhau, nó không phải là không chân thực; nó là sơ cấp. Kinh nghiệm sơ cấp có thể xảy ra hoặc trong thân thể hoặc trong tâm trí. Và nó không phải là bộ phận; nó là đầy đủ, nhưng nó bị giới hạn vào cõi của tâm trí. Nó không phải là của linh hồn, vì trong kinh nghiệm này về linh hồn, không có quay lại. Tại mức độ đó không ai có thể giữ được chìa khoá của bạn; không ai có thể nói rằng khi người đó đưa lại chìa khoá, chỉ lúc ấy điều đó mới xảy ra. Không ai khác có bất kì lời nào ở đó được. Nếu nhiệm vụ nào đó còn đang được trông đợi cần được hoàn thành bởi người trung gian, thế thì người đó phải bị chặn lại trước điểm siêu việt; bằng không, khó khăn sẽ nảy sinh.

Chúng tôi có thể nói rằng Ramakrishna đã khai thác Vivekananda được không?
Có thể nói thế nhưng mà lại không nên nói thế thì vì từ này truyền đạt ý tưởng kết án đằng sau nó. Ramakrishna đã không lợi dụng Vivekananda để thu được cái gì đó ích kỉ cho bản thân mình; ý tưởng của ông ấy là ở chỗ qua Vivekananda người khác sẽ được lợi. Ông ấy khai thác ông này chỉ theo nghĩa ông ấy sử dụng ông này. Có khác biệt lớn giữa khai thác và sử dụng. Khi tôi giải quyết cái gì đó hay dùng cái gì đó với mục đích của bản ngã tôi, thế thì điều đó trở thành khai thác. Nhưng khi tôi làm điều gì đó cho thế giới, cho vũ trụ, cho mọi người, không có vấn đề khai thác.
Bên cạnh đó, liệu có chắc chắn rằng nếu Ramakrishna không chỉ cho ông này thoáng nhìn ấy, Vivekananda tự mình có được nó trong cuộc đời không? Điều này có thể được quyết định chỉ bởi những người đã chứng ngộ. Tôi cảm thấy đấy chắc là trường hợp này, nhưng chúng ta không thể đưa ra bất kì bằng chứng nào cho sự việc như thế. Khi Ramakrishna bảo Vivekananda rằng ba ngày trước cái chết của mình, ông này sẽ có được chìa khoá, điều đó chỉ có thể có nghĩa là theo Ramakrishna, Vivekananda sẽ đạt tới samadhi ba ngày trước khi chết như kết quả của nỗ lực riêng của mình. Bây giờ, khi có liên quan tới việc đưa lại chìa khoá, Ramakrishna đã chết, nhưng chìa khoá đã được trao lại đích xác như đã được nói.
Điều này là có thể vì bạn không biết cá tính riêng của mình như người đã đi sâu vào bên trong cái ta. Từ chiều sâu của riêng mình người này có thể biết được tiềm năng của bạn. Người này thậm chí còn có thể nói được khi nào bạn sẽ đạt tới chứng ngộ nếu bạn có thể bước theo nhịp của riêng mình.
Chúng ta lấy thí dụ, bạn đã bắt đầu trên cuộc hành trình và có một trái núi trên con đường của bạn. Bây giờ tôi biết con đường và các bước đi qua núi, phải mất bao lâu để đi qua nó và những khó khăn gì bạn sẽ gặp phải. Tôi thấy bạn đang trèo lên núi, và tôi có thể nói rằng bạn sẽ mất, chẳng hạn, ba tháng để vượt qua nó. Tôi có thể biết được từ tốc độ bước đi của bạn và cách thức bạn du hành mà bạn phải mất ngần ấy thời gian. Nếu tôi định đón bạn trên đường và cho cho bạn thoáng nhìn về đỉnh núi, rồi bỏ bạn lại nơi bạn đang ở đó, hứa với bạn rằng trong vòng ba tháng bạn sẽ tìm thấy mục đích, điều này về căn bản không thể được coi như việc tôi dùng bạn được. Mọi thứ bên trong, tinh tế và phức tạp đến mức bạn không thể biết được nó từ bên ngoài.
Chẳng hạn, hôm qua Nirmala về nhà và ai đó bảo cô ấy rằng cô ấy sẽ chết vào độ tuổi năm mươi ba. Bây giờ, tôi đưa ra lời đảm bảo rằng cô ấy sẽ không chết vào tuổi năm ba. Không phải là tôi sẽ thực hiện lời đảm bảo này: tự nó sẽ hoàn thành theo cách riêng của nó. Cho nên bây giờ nếu cô ấy không chết ở độ tuổi năm ba, cô ấy sẽ cho là điều đó là do tôi.

Vivekananda nói rằng chiều khoá đã được trao ba ngày trước cái chết của ông ấy - nhưng ai có đó để mà trao lại chìa khoá?
Có thể là Ramakrishna biết rằng Vivekananda phải trải qua một thời kì gian khổ trong nỗ lực tâm linh với những thất bại và đau đớn, và do vậy, từ lòng từ bi, ông ấy đã cho ông này thoáng nhìn để nuôi dưỡng hi vọng của ông này chăng?
Đừng bao giờ nghĩ dưới dạng ngôn ngữ này, rằng "Có thể là..." vì điều này không có mục đích và không có nghĩa trong đó. Theo cách này bạn sẽ cứ nghĩ ngợi chẳng liên quan gì. Chỉ cần nghĩ dưới dạng điều gì đích xác là có thể và không nhiều hơn, vì bằng không đó là những con đường vô nghĩa có thể dẫn bạn đi lạc lối. Trong hình mẫu suy nghĩ này bạn sẽ bị hại nhiều lắm, vì bạn sẽ cứ bỏ lỡ cái đang đó. Cho nên bao giờ cũng thấy sự kiện như nó đang đó, và nếu bạn muốn biết một vật như nó đang đó, cắt bỏ tất cả những cái có thể đã là. Nếu bạn không biết đích xác sự kiện, thế thì biết rằng bạn quả là không biết, nhưng đừng cố che đậy dốt nát của bạn với giả thiết khôn ngoan về "Nó có thể là." Đây là cách chúng ta che đậy nhiều thiếu sót của mình. Tốt hơn cả là phanh lại từ đây.

Ads Belove Post