Chương 17. Nhận mạo hiểm bán sỉ

Chương 17. Nhận mạo hiểm bán sỉ

Price:

Read more

Osho – Bồ Đề Đạt Ma: Thiền sư vĩ đại nhất
Chương 17. Nhận mạo hiểm bán sỉ



Ba bộ giới luật là để vượt qua ba trạng thái độc hại của tâm trí. Khi ông vượt qua ba chất độc này, ông tạo ra ba bộ đức hạnh vô giới hạn. Một bộ thu thập mọi thứ lại - trong trường hợp này, vô số ý nghĩ tốt trong khắp tâm trí ông. Và sáu đường vượt qua là để làm thuần khiết sáu giác quan. Điều chúng ta gọi là paramita - đường vượt qua, các ông gọi là phương tiện để sang bờ bên kia. Bằng việc làm thuần khiết sáu giác quan của ông khỏi bụi bặm của cảm giác, con thuyền vượt qua chở ông ngang qua Dòng sông của ưu phiền sang Bờ của Chứng ngộ.
Tương ứng với lời kinh này, ba bộ giới luật là, "Tôi nguyện chấm dứt mọi điều ác. Tôi nguyện trau dồi mọi đức đức hạnh. Và tôi nguyện giải thoát mọi chúng sinh." Nhưng bây giờ thầy nói chúng chỉ để kiểm soát ba trạng thái độc hại của tâm trí. Không phải điều này mâu thuẫn với ý nghĩa của kinh sách sao?
Nhưng Phật nói, "Chỉ sau trải qua muôn trùng gian nan cho ba asankhya kalpas ta đạt tới chứng ngộ". Tại sao bây giờ thầy nói rằng đơn giản hãy cứ ngắm nhìn tâm trí và khắc phục ba chất độc là giải thoát?
Lời của Phật là đúng. Nhưng ba asankhya kalpas nói tới ba trạng thái độc hại của tâm trí. Điều chúng ta gọi là asankhya trong tiếng Phạn, các ông gọi là vô số. Bên trong ba trạng thái độc hại này của tâm trí là vô số ý nghĩ ác độc. Và mọi ý nghĩ đều kéo dài một kalpa. Vô số như vậy là điều Phật ngụ ý qua ba asankhya kalpas...
Nhưng các bồ tát vĩ đại chỉ đạt tới chứng ngộ bằng việc gìn giữ ba bộ giới luật và bằng việc thực hành sáu đường vượt qua. Bây giờ thầy bảo các đệ tử đơn thuần ngắm nhìn tâm trí. Làm sao bất kì ai có thể đạt tới chứng ngộ mà không trau dồi các qui tắc của kỉ luật?
Lời kinh của Phật là đúng. Nhưng từ lâu trước đây, khi vị bồ tát vĩ đại đó vun trồng hạt mầm của chứng ngộ, để chống lại ba chất độc đó, ông ấy đã làm ra ba lời nguyện này. Khi thực hành những cấm đoán đạo đức để chống lại chất độc tham lam, ông ấy đã nguyện đặt dấu chấm dứt mọi điều ác. Khi thực hành thiền để chống lại chất độc giận dữ, ông ấy đã nguyện trau dồi mọi đức hạnh. Và khi thực hành trí huệ để chống lại chất độc ảo tưởng, ông ấy đã nguyện giải thoát tất cả chúng sinh. Bởi vì ông ấy gìn giữ trong ba thực hành thuần khiết này về đạo đức, thiền và trí huệ, ông ấy có khả năng vượt qua ba chất độc và đạt tới chứng ngộ. Bằng việc vượt qua ba chất độc này, ông ấy lau sạch mọi thứ tội lỗi và do vậy đặt kết thúc cho điều ác. Bằng việc gìn giữ ba bộ giới luật, ông ấy đã không làm gì ngoài điều thiện và do vậy trau dồi đức hạnh. Và bởi việc đặt kết thúc cho điều ác và trau dồi đức hạnh, ông ấy tiêu tán mọi thực hành, làm ích lợi cho bản thân mình cũng như những người khác và cứu giúp người hữu tử ở mọi nơi. Vậy, ông ấy giải thoát cho chúng sinh.
Bồ đề đạt ma bây giờ thực sự đối diện với câu hỏi mà ông ấy không có câu trả lời. Trường hợp này là hệt như với lời kinh đêm hôm trước và nó tiếp tục bởi vì các đệ tử này đang hỏi ngày càng nhiều về điều tối thượng, điều đơn giản gây trở ngại cho mọi tri thức. Nó là an bình, im lặng... không có câu trả lời.
Nhưng thực sự khó chấp nhận rằng bạn chứng ngộ và bạn không biết câu trả lời cho câu hỏi tối thượng. Thế thì chứng ngô của bạn đã làm gì cho bạn nếu như nó đã không giải quyết được bí ẩn này? Thế thì bạn đã nhận được loại trí huệ gì?
Điều này phải được làm sáng tỏ cho bạn. Tương truyền rằng Bồ đề đạt ma đã không làm sáng tỏ điều đó cho đệ tử của mình; ngược lại ông ấy cứ tiếp tục trả lời các câu hỏi mà không thể nào được trả lời bởi chính bản chất của chúng.
Nhưng đây là vấn đề mọi thầy phải đối diện. Khi câu hỏi là tầm thường thầy hoàn toàn dễ dàng trả lời, nhưng khi đệ tử trở nên ngày càng thông thạo trong việc hỏi của mình và họ bắt đầu động chạm tới điều tối thượng, thầy lâm vào tình thế khó khăn. Cho nên không để cho đệ tử cảm thấy rằng mình không biết, thầy cứ tiếp tục trả lời - nhưng các câu trả lời đó không phải là trả lời đúng. Bản thân chúng là hoàn toàn đúng đối với một số câu hỏi khác, nhưng không đúng cho những câu hỏi đã được đặt ra trước thầy.
Câu hỏi này là rất quan trọng. Nhưng ngay cả những thầy vĩ đại nhất như Bồ đề đạt ma thuộc vào dòng triết lí đặc biệt, bộ học thuyết đặc biệt; do đó họ phải lặp lại hệ thống ý thức hệ mà họ đã chấp nhận.
Điều đó là khác toàn bộ đối với tôi. Tôi không thuộc vào bất kì ý thức hệ nào. Tôi không phải an ủi bất kì ai. Tôi không bận tâm với ai bị tức giận và cáu kỉnh. Mối quan tâm duy nhất của tôi là ở chỗ khi bạn hỏi một câu hỏi, bạn cần một câu trả lời chân thành - không theo ý thức hệ nhưng theo kinh nghiệm riêng của tôi.
Đệ tử này hỏi: Nhưng Phật nói, "Chỉ sau khi trải qua muôn trùng gian nan cho ba asankhya kalpas ta đã đạt tới chứng ngộ". Tại sao bây giờ thầy nói rằng đơn giản ngắm nhìn tâm trí và khắc phục ba chất độc là giải thoát?
Chân lí có chút ít phức tạp. Trước hết tôi sẽ giải thích quan điểm của tôi, nếu như tôi trả lời cho câu hỏi này. Thế thì sẽ dễ dàng hơn cho bạn để hiểu sự khác biệt, khi một người trả lời theo một trường phái ý thức hệ nào đó mà người đó thuộc vào, và khi một người trả lời chỉ từ kinh nghiệm riêng và sự đáp ứng của người đó.
Phật chắc chắn đã nói: "Chỉ sau khi trải qua muôn trùng gian nan cho ba asankhya kalpas ta đã đạt tới chứng ngộ". Nhưng như tôi có thể thấy, đây không phải là phát biểu đúng của bản thân Phật Gautam. Chính điều tông phái Đại thừa của Phật giáo hiện đang duy trì là câu trả lời. Bây giờ Phật không có đó để bác bẻ nó, và mọi điều mà ông ấy đã nói đã được viết ra sau cái chết của ông ấy. Và nó đã được viết ra theo đồng thuận thông thường: một cuộc tụ tập lớn đã triệu tập mọi đệ tử cũ, những người đã nghe ông ấy nói ngay từ đầu, và họ lắp ráp lại điều mọi người nhớ được.
Có bất đồng, có xung đột, có mâu thuẫn, và toàn thể cuộc tụ tập đã chia thành ba mươi hai nhóm và họ tách biệt lẫn nhau. Và tất cả ba mươi hai nhóm này đều có kinh sách riêng của họ, báo cáo riêng của họ về điều Phật đã nói. Đại Thừa chỉ là một phái, lớn nhất, có nhiều người theo nhất. Và chắc chắn lí do tại sao nó là lớn nhất là ở chỗ nó nói rằng Phật, một khi đã thức tỉnh, vẫn còn ở bờ bên này để giải thoát cho mọi người.
Thực ra, họ thậm chí đã bịa ra cả câu chuyện: Khi Phật tới cửa của moksha, lâu đài an nghỉ tối thượng cho những người đã được giải thoát, cửa đã mở ra và có nhạc nhã ngân vang và tung hô đón chào bởi vì hiếm lắm, rất hãn hữu mới xảy ra việc một người đi tới chứng ngộ vĩ đại như thế. Hàng nghìn năm trôi qua và cánh cửa vẫn im ỉm đóng. Một cách tự nhiên đã có tưng bừng hớn hở lớn trong số các chư phật khác, người đã vào moksha trong hàng triệu năm đã qua. Họ đón chào khách mới.
Nhưng Phật đã từ chối không vào cổng. Ông ấy quay lưng lại cổng và nói với người giữ cổng, "Xin đóng cổng lại. Tôi sẽ đứng ở ngoài cổng cho tới khi người cuối cùng đã trở nên chứng ngộ. Điều đó có thể mất hàng triệu và hàng triệu năm - không thành vấn đề. Tôi an bình. Tôi đang trong tuyệt đối cực lạc. Tôi có thể đợi. Nhưng sẽ có chút ít ích kỉ nếu bước vào cổng và quên tất cả về những người vẫn còn đang loạng choạng trong bóng tối."
Mọi nỗ lực đều đã được thực hiện để thuyết phục ông ấy rằng điều này không phải là cách thức... chưa từng có ai làm điều này trước đó. Ông ấy nói, "Điều đó đơn giản có nghĩa là không ai đã vào moksha với trái tim từ bi. Vì từ bi với các anh và chị con người của tôi, tôi có thể từ bỏ ngay cả bản thân moksha. Điều đó không thành vấn đề với tôi. Nó không thể cho tôi nhiều hơn cái tôi đã nhận được. Tôi sẽ đứng ở đây trước cánh cửa này và khi nào con người cuối cùng đã đi vào, thế thì tôi sẽ đi qua."
Đây là câu chuyện hư cấu của phái Đại Thừa. Bởi vì ý tưởng từ bi này đối với người khác, một cách tự nhiên Đại Thừa hấp dẫn được nhiều người hơn, những người không có khả năng trở nên thức tỉnh theo cách riêng của họ. Họ cần giúp đỡ. Họ cần người đã thức tỉnh, từ bi. Và phái Đại Thừa thuyết giảng rằng mọi người chứng ngộ trong Đại Thừa sẽ làm mọi điều có thể mà người đó có thể làm để làm cho ngày càng nhiều người được giải thoát. Bởi vì người đó bây giờ có bổn phận kép: mọi người phải được giải thoát và thứ hai là, nếu mọi người không được giải thoát, Phật Gautam phải đứng tại cổng trong hàng triệu năm. Cho nên từ bi với những người này - họ phải làm mọi nỗ lực để giải thoát họ, và biết ơn Phật Gautam và việc đứng đợi kì lạ của ông ấy, rằng ông ấy đang phản bội moksha, trạng thái tối thượng của im lặng và an bình và nghỉ ngơi chỉ để cho chắc rằng không ai bị bỏ lại sau.
Phái kia là Tiểu Thừa Hinayana; nó không hấp dẫn được nhiều người mấy. Chính từ này có nghĩa "thuyền nhỏ". Đại Thừa có nghĩa "thuyền lớn"... con tầu đại dương, cho nên hàng nghìn người có thể đi sang bờ bên kia cùng nhau. Nhưng trong chiếc thuyền nhỏ, chỉ một người có thể đi được. Và những người đã tạo ra Tiểu Thừa là các a la hán. Họ đã chứng ngộ và quan điểm của họ là ở chỗ thậm chí làm nỗ lực để giải thoát mọi người là can thiệp vào tự do cá nhân của họ. Đấy không phải là từ bi, đấy không phải là tình yêu: tình yêu đem cho tự do.
Từ bi không áp đặt cách sống nào đó lên mọi người, và giải thoát là cách sống nào đó. Mặc dầu điều đó là tốt cho họ, dầu vậy bạn vẫn áp đặt lên họ, nhấn mạnh vào điều đó, rằng họ theo con đường này, rằng họ đừng phí thời gian. Bạn không cho phép họ tự do toàn bộ để là bản thân mình. Khi họ cảm thấy thích đi trên con đường, họ sẽ đi. Và nếu họ không cảm thấy thích, đấy không phải là mối bận tâm của ai cả. Đấy là quyền tuyệt đối của họ để vẫn còn trong thế giới này và không đi tới moksha.
A la hán diễn giải từ bi theo cách rất tinh tế, với một cảnh quan khác, rất toàn bộ. Rất khó để chọn ai là đúng. Cả hai dường như đều đúng cả...
Nhưng Tiểu Thừa tự nhiên không thể thu được nhiều đệ tử. Ai sẽ quan tâm tới những người theo phái Tiểu Thừa, người thậm chí không quan tâm tới giải thoát của bạn? Họ sẽ không nói, họ sẽ không hỗ trợ, họ sẽ không đưa tay ra cho bạn để kéo bạn ra khỏi hố. Họ sẽ đơn giản chờ đợi. Nếu bạn có khả năng ngã xuống hố bạn chắc chắn có khả năng ra khỏi nó. Nếu bạn có khả năng sa vào đường sai, bạn chắc chắn có khả năng cảm thấy khổ, đau khổ của con đường sai; bạn có thể thay đổi con đường của mình. Không ai khác có thể làm điều đó cho bạn.
Cho nên đây là cách diễn giải của Đại Thừa, rằng Phật mất hàng triệu năm để trở nên chứng ngộ. Với a la hán tình huống này là khác toàn bộ. Họ nói vấn đề không phải là hàng triệu năm và nỗ lực gian nan. Đấy tất cả chỉ là giấc mơ. Dù cho bạn mơ ba triệu năm, hay ba ngày, hay ba phút, điều đó không khác biệt gì. Khoảnh khắc bạn thức dậy, mọi giấc mơ sẽ được thấy đơn giản là rỗng tuếch. Thế thì không có căng thẳng như vậy.
Ngay cả kỉ luật của bạn - điều bạn đang thực hành để đạt tới giải thoát - thực sự là một loại tham lam. Và tham lam không thể phá huỷ được tham lam. Nó là tham vọng, và tham vọng không thể phá huỷ được bản ngã. Có lẽ nó là tham vọng lớn nhất - được giải thoát, được chứng ngộ.
Nhưng bất kì khi nào có ham muốn và tham vọng, bạn trong tù túng. Và mọi thực hành của bạn và mọi kỉ luật của bạn đều là thực hành trong mơ. Cũng gần như là bạn yếu, nhưng trong giấc mơ của mình bạn tập thể dục nhiều và bạn cảm thấy rằng bạn đã trở thành vô địch thế giới. Nhưng đến sáng khi bạn thức dậy, vẫn cùng con chuột ấy đang ngủ trong giường. Điều gì đã xảy ra với mọi tập luyện của bạn mà bạn đã từng mơ tới?
Bạn có thể mơ là một hiền nhân vĩ đại, bạn có thể mơ là một tên trộm khét tiếng, bạn có thể mơ giết chết nhiều người, bạn có thể mơ phục vụ nhiều người nhưng sáng ra bạn sẽ cảm thấy không có phân biệt gì giữa những giấc mơ đó cả. Chúng tất cả đều là giấc mơ được tạo nên từ cùng chất liệu. Chúng tất cả đều hư huyễn. Cái tốt là hư huyễn như cái xấu. Kỉ luật tâm linh là hư huyễn như giết ai đó. Cho nên những người không tin vào thuyết Đại Thừa nói bạn có thể trở nên chứng ngộ, tại đây và bây giờ. Đó thực sự là lập trường của Bồ đề đạt ma. Và điều đó đang tạo ra vấn đề bây giờ. Ông ấy không thể nói Phật sai; điều đó là không thể được. Ông ấy yêu Phật Gautam, ông ấy là đệ tử của Phật Gautam, cho nên ông ấy không thể nói Phật Gautam sai được. Ông ấy phải nói lời của Phật là đúng.
Nhưng lập trường riêng của ông ấy là ở chỗ bất kì cái gì bạn làm trong vô ý thức của mình đều vô nghĩa. Khi bạn thức dậy tất cả điều đó biến mất trong vài giây. Và bạn có thể thức dậy vào bất kì khoảnh khắc nào. Chỉ một phương cách đúng đắn nào đó và bạn sẽ được thức tỉnh.
Bạn có thể thức dậy vào nửa đêm. Giấc mơ không thể ngăn cản bạn khỏi việc thức dậy; giấc ngủ của bạn cũng không thể ngăn cản bạn khỏi việc thức dậy. Đấy chỉ là ý chí riêng của bạn không thức dậy. Đó là lí do tại sao ngủ tiếp tục và mơ tiếp tục. Nếu ý chí để thức dậy nảy sinh trong bạn, thế thì chứng ngộ là tức khắc.
Bây giờ đây là quan điểm riêng của Bồ đề đạt ma. Nhưng ông ấy gặp khó khăn bởi vì ông ấy thuộc vào phái Đại Thừa và ông ấy thuyết giảng ở Trung Quốc cho phái Đại Thừa mà Trung Quốc cũng thuộc vào. Những đệ tử kia, người đã hỏi, đều trích dẫn Phật theo kinh Đại Thừa. Bây giờ không ai biết liệu Phật đã nói cho họ hay họ đã đặt ra phái nào đó, bởi vì trong phái Tiểu Thừa không tìm thấy những kinh đó. Và đây mới chỉ là hai phái... hai phái chính. Còn ba mươi phái khác là những dòng chảy rất nhỏ, nhưng họ cũng có cái gì đó, sự huy hoàng của riêng họ, và họ tất cả đều khác nhau.
Nhưng một điểm tất cả đều đồng ý: rằng Phật không thể sai được. Họ không thể nói rằng Phật là sai. Cho nên họ phải đi vòng vo khi nói rằng Phật là đúng. Vậy mà điều họ nói cũng đúng, mặc dầu nó mâu thuẫn. Đệ tử này đang hỏi: "Tại sao bây giờ thầy nói rằng đơn giản ngắm nhìn tâm trí và khắc phục ba chất độc là giải thoát? Thầy làm cho điều đó thành quá đơn giản."
Bản thân Phật nói rằng ông ấy đã trải qua muôn trùng gian nan cho ba asankhya kalpas - tức là, vô lượng năm - và thế rồi ông ấy đạt tới chứng ngộ. Điều đấy không phải là tức khắc. Nó có lịch sử dài hàng triệu năm sau nó... về việc làm điều tốt, tránh điều ác, thực hành thiền, thực hành các kỉ luật khác. Phải mất ba thời đại vô lượng ông ấy mới trở thành vị phật.
Nếu đây là tình huống của Phật Gautam, người dường như là con người vĩ đại nhất đã từng sống trên trái đất, thế thì tình huống cho người thường sẽ là gì? Có lẽ thay vì ba... mười ba hay ba mươi asankhya kalpas! Nhưng bạn đang nói rằng chỉ bằng việc quan sát tâm trí mình, chỉ ngay chính khoảnh khắc này, bạn có thể trở nên được chứng ngộ.
Làm sao hai thái độ khác nhau này đã phát sinh? Nếu bạn không hiểu điều nền tảng, bạn sẽ không có khả năng hiểu được khó khăn của Bồ đề đạt ma. Phật đã rời bỏ cung điện của ông ấy khi ông ấy hai mươi chín tuổi. Ông ấy đã đi tới mọi thầy giáo lớn nổi tiếng thời ông ấy và ông ấy đã là người tìm kiếm chân thành đến mức ông ấy mạo hiểm mọi thứ. Bất kì điều gì những thầy giáo đó nói, ông ấy đều đã làm một cách còn hoàn hảo hơn là họ đã từng trông đợi từ bất kì ai. Thực ra, bản thân họ đã không hoàn hảo được đến vậy.
Và Phật đã nói, "Ta đã làm điều đó, nhưng không cái gì xảy ra cả. Ta vẫn dốt nát như ta trước đây. Đúng, ta đã học được kĩ năng nào đó. Ta có thể vặn vẹo thân thể, bằng yoga. Nhưng điều đó không làm cho ta nhận biết về bản thể mình; nó không đem lại cho ta điều tốt, chân lí."
Sự chân thành của ông ấy là không gì hoài nghi cả. Ngay cả thầy giáo của ông ấy cũng cảm thấy xấu hổ. Họ chưa bao giờ bắt gặp một học trò như vậy. Thầy giáo, thầy giáo thường, bao giờ cũng thích các học trò tầm thường bởi vì so sánh với họ, ông ta là thầy giáo lớn lao. Và bất kì khi nào - đôi khi điều đó xảy ra - một học trò vĩ đại, người vượt hẳn lên cao hơn bản thân thầy giáo, tới với ông ấy, thế thì thầy cảm thấy giận dữ, bực dọc, bởi vì học sinh liên tục đem tới những câu hỏi mà thầy giáo không thể nào trả lời nổi. Bất kì cái gì thầy trả lời, học sinh bao giờ cũng bác bẻ điều đó.
Một trong các thầy giáo của tôi phát mệt với tôi bởi vì tám tháng liên tục tôi không để cho ông ấy tiến được một phân. Chúng tôi bị kẹt lại tại một điểm. Ông ấy đem ra đủ mọi loại luận cứ và ông ấy nhìn vào sách... Tôi cũng làm việc vất vả để bác bẻ lại ông ấy và mọi sinh viên đều thích thú điều đó - bởi vì ông thầy này bị díu líu quá nhiều với tôi, nên ông ấy hoàn toàn quên mất không cho bài tập về nhà; hay dạy cái gì đó khác. Không có thời gian, bởi vì bài học đầu tiên vẫn còn chưa được dạy xong cho nên ông ấy không thể chuyển sang bài thứ hai được.
Kì thi đang tới gần và thế rồi ông ấy trở nên thực sự khùng với tôi. Ông ấy bắt đầu quát tháo tôi. Tôi nói, "Xin thầy nghe cho, thầy là một ông già. Nếu thầy quát nhiều thế, thầy có thể bị đau tim. Và em hi vọng là không có ngừng tim... chỉ đau tim nhẹ. Nhưng thầy đừng cho rằng bằng việc quát lên, thầy có thể làm em câm đi. Và nếu thầy nghĩ đây là trận đấu về nói to, em cũng có thể quát. Và thầy là một ông già - em sẽ thực sự thích thú quát lên. Cho nên xin thầy bình tĩnh lại."
Ông ấy hiểu ra vấn đề, nhưng ông ấy bỏ lớp và tới gặp ông hiệu trưởng và nói, "Bây giờ tuyệt đối chắc chắn rằng hoặc là tôi ở lại trường, ở lại đại học này, hoặc là cậu sinh viên này ở lại. Ông có thể chọn." Ông hiệu trưởng nói, "Nhưng vấn đề gì vậy? Cậu ta đã làm điều gì sai trái với ông sao?"
Ông ấy nói, "Cậu ta không cho tôi dạy cho sinh viên và kì thì đang tới gần. Mọi sinh viên sẽ trượt, trừ mỗi cậu ta. Và cậu ta có sức chịu đựng kì lạ. Tôi đã làm việc cần mẫn. Tôi chưa bao giờ làm việc cần mẫn như vậy, đọc mãi khuya trong đêm, tìm ra các luận cứ mới, rồi ngày hôm sau cậu ta đơn giản bác bẻ chúng. Cậu ta làm việc cần mẫn hơn tôi. Tất nhiên cậu ta còn trẻ và thật rất xấu hổ khi ngày nào cũng bị thất bại. Tôi xin từ chức. Tôi sẽ không tới trường nữa nếu ông không đuổi cậu ta đi." Và ông ấy bỏ về nhà.
Ông hiệu trưởng gọi tôi tới. Ông ấy biết tôi. Tôi đã đem về biết bao nhiêu chiến tích và biết bao nhiêu cúp từ khắp đất nước, từ mọi đại học, về tranh luận, về hùng biện với các đối thủ... Ông ấy rất mừng là tôi đã làm cho trường của ông ấy nổi tiếng toàn quốc.
Ông ấy nói, "Tôi gặp khó khăn đây. Sao em lại cứ chọc tức ông già ấy? Ông ấy là giáo sư lâu niên nhất của chúng tôi, rất có giáo dục; ông ấy có hai bằng tiến sĩ; đã được được phong phần thưởng D. Litt gần đây của trường đại học. Ông ấy là một học giả nổi tiếng và chúng tôi không thể mất ông ấy được."
Tôi nói, "Thầy có thể giữ ông ấy, nhưng thầy không minh bạch và không công bằng bởi vì em đã không làm gì hại cho ông ấy cả. Ông ấy là giáo sư logic và nếu một giáo sư về logic không thể tranh luận được với sinh viên, thế thì ai sẽ đi tranh luận? Toàn thể chủ đề logic là luận cứ và làm sắc bén luận cứ, và em thực sự làm công việc của mình như mọi sinh viên phải làm. Các sinh viên đang hành xử như người ngu; họ không bận tâm về chủ đề này. Họ có mối quan tâm khác - ai đó có bạn gái, ai đó có mối quan tâm tới phim ảnh - có cả nghìn lẻ một thứ trên thế giới. Và họ học chỉ vào cuối năm.
"Còn bây giờ, bởi vì các câu hỏi đã trở thành rập khuôn, nên cùng những câu hỏi đó đang được lặp lại hàng năm. Chỉ đọc những câu hỏi của bốn năm và thế là đủ - chuẩn bị hai mươi câu hỏi và người ta sẽ thấy năm câu hỏi trong số hai mươi câu này trong bài thi của mình. Không cần phải bận tâm tới toàn thể bài giảng bởi vì các giáo sư đều lười biếng. Ngay cả tìm ra câu hỏi mới cũng khó cho họ, cho nên họ chỉ nhìn vào các câu hỏi thi cũ bốn hay năm năm và tìm ra câuhỏi - có thể họ đặt câu mới lại cho chúng. Đó là toàn thể công việc của họ.
Và trong chợ bây giờ cẩm nang cho kì thi - là kinh doanh rất có lợi - đã xuất hiện. Một số giáo sư về hưu biết cực kì rõ cái gì sẽ có trong kì thi này. Ông ấy lấy câu hỏi trong mười năm trong sách của mình và cho câu trả lời cho từng điểm. Thầy chỉ cần mua cuốn sách cẩm nang đó. Không cần phải đi vào nguyên bản bởi vì đó là nhiệm vụ khó khăn.
"Và nếu thầy đưa ra câu trả lời, không ai bận tâm liệu thầy có biết nó hay liệu thầy có luyện thi theo nó không. Những sách cẩm nang kia được các giáo sư về hưu soạn ra theo cách mà câu trả lời là rất nhỏ và có thể được học luyện thi, cho nên không cần thông minh gì.
"Em đã cố gắng... bởi vì em không tới trường chỉ để ngồi đó. Em không quan tâm tới bằng cấp - mối quan tâm của em là làm sắc bén thông minh của mình."
Ông hiệu trưởng nói, "Tôi có thể hiểu được em, nhưng dầu vậy tôi vẫn phải đuổi em. Điều đó là không công bằng và tôi cảm thấy mặc cảm bởi vì tôi không thể để cho ông giáo sư đó bỏ đi. Không có ông ấy, toàn thể khoa logic của chúng tôi sẽ sụp đổ. Ông ấy là giáo sư cao cấp nhất và ông ấy là người rất ương ngạnh. Nếu ông ấy đã nói rằng ông ấy sẽ không tới chừng nào em còn chưa bị đuổi, ông ấy sẽ không tới. Nhưng biết bất công này... em đã không làm điều gì có hại, em chỉ không có được một thầy giáo có tầm cỡ thực sự và thiên tài.
"Ông ấy là con người tầm thường. Ông ấy có thể viết các luận án tiến sĩ và ông ấy có thể được thưởng D.Litt vì cống hiến của mình, nhưng ông ấy không phải là thiên tài. Điều đó tôi biết: cho nên tôi sẽ đuổi em bởi vì ông ấy cứ khăng khăng như thế khi thấy rằng tên em còn đó trên bảng thông báo và rằng em chưa bị đuổi. Nhưng tôi sẽ thu xếp cho em ở một trường khác. Tôi sẽ gọi điện cho ông hiệu trưởng."
Tôi nói, "Em không muốn tạo ra rắc rối nào cho định chế của thầy, hay cho thầy, hay cho ông giáo sư già kia. Em không có đối nghịch với ông ấy - em chỉ cảm thấy đáng thương nhiều. Thầy thu xếp, nhưng điều đó sẽ không dễ dàng bởi vì tình huống này mà đã xảy ra trong tám tháng nay, đã trở thành chuyện cửa miệng của mọi trường trong khu đại học này. Mọi hiệu trưởng đều biết..."
Ông ấy đã thử. Ông ấy gọi điện cho một ông hiệu trưởng người rất thân ông ấy và ông hiệu trưởng này nói, "Xin thứ lỗi cho tôi. Ông đang gửi một rắc rối tới chúng tôi bởi vì ông không thể đảm đương được điều đó."
Ông ấy đã thử vài trường khác, bởi vì thành phố tôi ở là một trong những thành phố có ý nghĩa nhất khi có liên quan tới giáo dục; có hai mươi trường đại học tất cả. Ông ấy đã gọi điện cho vài ông hiệu trưởng, và mọi người đều nói, "Ông có thể gửi bất kì ai khác, nhưng chúng tôi đã nghe nói về cậu sinh viên đó. Và ông là đại học lâu đời nhất và ông có những giáo sư giỏi nhất. Nếu họ sẵn sàng từ chức bởi vì cậu ta, điều gì sẽ xảy ra cho các giáo sư của chúng tôi, những người không cao cấp được đến thế, người không kinh nghiệm được đến thế?"
Ông hiệu trưởng này gặp thế tiến thoái lưỡng nan. Và tôi vẫn ngồi đó nghe tất cả những cuộc nói chuyện điện thoại này. Tôi bảo ông ấy, "Thầy sẽ không thể xoay xở được đâu. Em sẽ tự xoay xở vậy. Thầy cho em lệnh đuổi và em sẽ xoay xở lấy."
Và tôi đã thu xếp với một ông hiệu trưởng để vào trường của ông ấy với điều kiện là tôi sẽ không bao giờ tới trường cả. Tôi sẽ trả học phí nhưng tôi sẽ không bao giờ tới trường.
Tôi sẽ tới thư viện nhưng không tới lớp. Tôi sẽ không dự lớp học, cho nên không có vấn đề gì phát sinh. Và ông hiệu trưởng sẽ canh chừng điều đó để tôi được tham dự đúng vào lúc cần thiết để xuất hiện vào lúc thi. Tôi nói, "Đó là một thu xếp lớn lao. Thực ra em bao giờ cũng mong muốn điều đó."
Trong hai năm tôi không hề tới một lớp nào lấy một ngày. Nhưng hai năm đó có tầm quan trọng lớn lao. Tôi đắm mình trong thư viện sâu sắc nhất có thể được. Trước khi thư viện mở cửa tôi đã ở đó rồi và chỉ khi thủ thư đẩy tôi ra bởi vì đó là lúc đóng thư viện tôi miễn cưỡng ra về.
Cùng tình huống đó cũng xảy ra với Bồ đề đạt ma, người thuộc vào phái Đại Thừa đặc biệt. Bởi vì Trung Quốc - toàn thể Trung Quốc - không có bất kì phái nào khác ngoại trừ Đại Thừa. Và nói với những người Đại Thừa rằng bạn có thể trở nên chứng ngộ hệt như bật ngón tay... điều đó là không thể nào tin được đối với họ, bởi vì bản thân Phật đã nói rằng ông ấy phải làm việc vất vả trong ba asankhya - vô lượng năm - trước khi ông ấy trở nên chứng ngộ. Nhưng Bồ đề đạt ma biết từ kinh nghiệm của riêng mình rằng ông ấy đã trở nên chứng ngộ mà không có khổ hạnh nào, không có kỉ luật nào, không trải qua nhịn ăn, không làm cầu nguyện, nghi lễ. Ông ấy đã trở nên chứng ngộ chỉ bởi việc trở nên nhận biết về tâm trí của mình.
Nhưng nói rằng Phật là sai... Ông ấy sẽ bị bao vây bởi cả nước tin rằng Phật Gautam không thể nào sai được. Và trong hành động thực tế, trong sáu năm sau khi rời khỏi cung điện của mình, Phật Gautam đã làm mọi điều, và mọi thầy giáo cuối cùng đều cảm thấy rằng ông ấy là một linh hồn lớn hơn bản thân họ nhiều lắm. Và họ nói với ông ấy, "Tha thứ cho chúng tôi. Tất cả những điều chúng tôi biết, chúng tôi đã nói cho anh. Nhiều hơn thế nằm ngoài khả năng của chúng tôi. Nhưng chúng tôi sẽ gợi ý một thầy giáo vĩ đại hơn cho anh."
Trong sáu năm ông ấy đã đi từ thầy nọ tới thầy kia, và cuối cùng, thầy giáo vĩ đại nhất thời đó đã nói với ông ấy, "Anh làm phí thời gian của ta. Không thầy giáo nào có thể giúp anh được. Thế là đủ thời gian để anh nên theo cách của riêng mình... Quan sát tâm trí anh. Ta không có bất kì giáo huấn nào khác cho anh."
Mệt mỏi với sáu năm kỉ luật liên tục... Đó là đêm trăng tròn. Ông ấy đã bị thầy giáo từ chối và bảo, "Quan sát tâm trí anh. Không có kỉ luật nào cho anh cả; những kỉ luật đó dành cho tâm trí bình thường. Chúng là thoả hiệp, tương ứng theo khả năng của mọi người - nghi lễ nào đó để an ủi người đó rằng người đó đang làm việc gì đó cho chứng ngộ. Không cái gì sẽ thoả mãn cho anh chừng nào mà chứng ngộ còn chưa xảy ra."
Thế là ông ấy ra đi. Một đêm trăng tròn - ông ấy đã rời bỏ thầy giáo này chỉ vài ngày trước đây. Và ông ấy đang ngồi dưới gốc cây bên cạnh Niranjana ở Bihar. Tại Ấn Độ thậm chí cây cối cũng được tôn thờ - và tôi không thấy điều gì sai trong đó cả, bởi vì cây cũng là sinh linh sống và chúng là người rất tốt. Chúng không làm hại bất kì ai cả. Một phụ nữ đã là người tôn thờ cây bồ đề đó. Và cô ấy đã nói với Thần của cây đó rằng nếu cô ấy mang thai - bởi vì trong nhiều năm cô ấy đã không mang thai - nếu cô ấy trở nên mang thai, cô ấy sẽ đem kẹo, hoa quả làm quà tặng cho thần cây đó.
Và vào đêm trăng tròn đó, cô ấy tới. Cô ấy đã có mang và khi cô ấy trở nên hoàn toàn chắc chắn và thầy thuốc đã nói, "Cô có mang", cô ấy đem thức ăn ngon, kẹo, hoa tới.
Tên cô ấy là Sujata. Đấy là cái tên có ý nghĩa trong lịch sử của Phật Gautam.
Và ông ấy đang đói, bởi vì ông ấy đã nhịn ăn hàng tháng - rất đói. Nhưng ông ấy là người đẹp trai, một hoàng tử, và bởi vì cơn đói mà ông ấy đã trở nên gần ngất xỉu. Và trong đêm trăng tròn, ông ấy trông cứ như là thần của cây mới bước ra.
Người phụ nữ này không thể nào tin nổi điều đó - cô ấy là một thôn nữ, và cô ấy thực sự nghĩ rằng thần cây đã bước ra để nhận quà tặng của cô ấy. Cô ấy phục xuống dưới chân ông ấy và cúng dường cho ông ấy tất cả những cái cô ấy mang tới.
Đây là lần đầu tiên trong sáu năm đó mà ông ấy đã ăn một bữa no nê. Và việc ăn đó nữa, trong đêm. Nhà khổ hạnh không được phép ăn ban đêm, nhưng bây giờ ông ấy không còn là nhà khổ hạnh nữa.
Khi thầy giáo đã nói, "Mọi điều anh phải làm là quan sát", ông ấy vứt bỏ mọi kỉ luật, mọi chủ nghĩa khổ hạnh. Ông ấy đã từ bỏ vương quốc của mình; bây giờ ông ấy từ bỏ cả việc từ bỏ của mình nữa. Lần đầu tiên ông ấy hoàn toàn thảnh thơi. Ông ấy ăn ngon, và sau sáu năm ông ấy đã ngủ lần đầu tiên mà không căng thẳng gì. Không có tham vọng. Không có ham muốn. Không có đâu mà đi, không cái gì cần được tìm.
Trong trạng thái thảnh thơi này, thậm chí trong giấc ngủ ông ấy đã trở nên nhận biết rằng mình đang quan sát tâm trí mình; chỉ một ngọn lửa nhỏ của nhận biết có đó. Mặc dầu thân thể ngủ, tâm trí ngủ, cái gì đó bên ngoài vẫn tỉnh táo.
Và vào buổi sáng khi ông ấy mở mắt ra, ngôi sao cuối cùng đang biến mất. Và sự kiện thực tế là ở chỗ khi ngôi sao cuối cùng đang biến đi, ông ấy cũng biến mất như một bản ngã, như một cá tính. Chứng ngộ là bất thần. Bỗng nhiên ông ấy thấy bản thể đích thực của mình.
Bây giờ vấn đề phát sinh: Những người theo Đại Thừa nói rằng kinh nghiệm bất thần này đã xảy ra bởi vì sáu năm khổ hạnh liên tục kia - đây là tiệm ngộ.
Và có những người, một phái nào đó, tin vào đốn ngộ. Họ nói điều đó không liên quan gì tới sáu năm kia cả. Nếu như ông ấy chấm dứt tại năm năm, kinh nghiệm này cũng sẽ xảy ra. Và nếu ai đó đã bảo cho ông ấy ngay ngày đầu tiên, và nếu như ông ấy có đủ thông minh để hiểu điều đó, điều đó sẽ xảy ra ngay ngày đầu tiên ông ấy rời khỏi cung điện.
Sáu năm đó không phải là nguyên nhân cho tác động của chứng ngộ. Chứng ngộ không thể có nguyên nhân được. Lập luận của họ là rất rõ ràng. Bồ đề đạt ma đã nói trong kinh này rằng chứng ngộ không có nguyên nhân. Thế thì vấn đề về hàng triệu năm và nỗ lực gian nan là vô nghĩa.
Chứng ngộ bao giờ cũng bất thần.
Nếu nó không bất thần, đấy không phải là vì bản chất của chứng ngộ là dần dần. Đấy là vì tâm trí bạn rời bỏ bạn dần dần. Bạn không sẵn sàng nhận lấy mạo hiểm bán sỉ. Bạn nhận mạo hiểm bán lẻ, từng tí một, từng phần một - theo cách người Mĩ, trong bán trả góp. Một chút ít bạn mất đi hôm nay, một chút ít ngày mai, một chút ít... Điều đó cần thời gian bởi vì bạn không sẵn sàng vứt bỏ tâm trí trong tính toàn thể của nó, trong chính khoảnh khắc này. Bạn nói, "Tôi sẽ làm điều đó từ từ... ngày mai, thế rồi ngày kia. Vội gì?"
Cho nên có hai phái này: phái tiệm ngộ hấp dẫn cho nhiều người bởi vì họ không có can đảm để vứt bỏ tâm trí ngay lập tức; và phái đốn ngộ chỉ thuộc vào những người có trái tim của sư tử, người có thể đơn giản mạo hiểm mọi thứ.
Tôi nhớ tới một câu chuyện về một diễn viên người Nhật Bản. Anh ta rất nổi tiếng ở Mĩ và anh ta kiếm hàng triệu đô la. Anh ta muốn trở về nhà, anh ta đã kiếm đủ. Nhưng trước khi về nhà, anh ta nghĩ tốt hơn cả là đi một vòng quanh thế giới. Thế thì anh ta sẽ không phải bỏ nhà lần nữa. Thế thì anh ta muốn nghỉ. Nhưng trước hết anh ta muốn thấy mọi nơi đẹp trên thế giới.
Anh ta tới Paris. Người hướng dẫn đưa anh ta tới nhiều nơi và thế rồi người đó nói, "Ông có thích xem sòng bạc không?" Nghệ sĩ này nói, "Nhất định rồi, tôi muốn xem mọi thứ. Tại Paris, không xem sòng bạc là bỏ lỡ nhiều lắm." Sòng bạc là chỗ đánh bạc và nước Pháp có những sòng bạc tốt nhất.
Và khi anh ta bước vào sòng bạc và anh ta thấy mọi người được hàng trăm đô la, hàng nghìn đô la... và anh ta đâm ra thích trò này. Anh ta đánh liều hàng triệu đô la mà mình đã kiếm được ở Mĩ - đặt cọc ngay, không đánh dần.
Thậm chí ông chủ sòng bạc cũng phát hoảng, "Phải làm gì với anh chàng này đây? Nếu anh ta thắng, sòng bạc của mình đi đời. Một thằng cha kì lạ!" Ông ta đã trong nghề này lâu thế nhưng ông ta chưa bao giờ thấy một người nào đưa cả triệu đô la ra mạo hiểm, lâm nguy.
Nhưng không có cách nào từ chối cả; không thể nào từ chối được. Bạn phải chấp nhận mạo hiểm và may mắn cho ông chủ sòng bạc, người Nhật Bản này thua sạch. Anh ta mất mọi đồng đô la mà mình đã kiếm được và đang hi vọng dành cho cuộc sống về hưu. Anh ta không còn gì.
Anh ta đi vào khách sạn và đi ngủ. Sáng hôm sau anh ta thấy trong một tờ báo rằng một người Nhật Bản đã tự tử bằng cách nhảy từ toà nhà bốn mươi tầng, và một cách tự nhiên người ta nghĩ rằng đấy phải chính là người Nhật Bản đã thua hàng triệu đô la trong sòng bạc. Cho nên họ ngụ ý rằng dường như là chính người Nhật Bản đã mất hàng triệu đô la đêm hôm trước và thậm chí đã không còn đến một đô la cho mình.
Anh ta đọc tin đó và anh ta cười to và ông chủ khách sạn cũng đọc tin đó và ông ta nói, "Anh ta ở trong khách sạn của tôi. Làm sao anh ta lại tới khách sạn kia được? Anh ta là một tên tuổi nổi tiếng." Người Nhật Bản này chạy xô về phòng mình và anh ta cười như điên dại. Ông chủ hỏi, "Sao anh cười?"
Anh ta nói, "Tôi cười bởi vì tôi đang sống đây mà tờ báo này lại nói tôi đã tự tử bằng việc nhảy khỏi khách sạn. Một người Nhật Bản khác nào đó đã tự tử." Và kết luận rất logic của nhà báo là đấy phải chính là diễn viên Nhật Bản nổi tiếng từ Mĩ tới. Cái xác đã bị méo mó, vỡ thành từng mảnh đến mức không có cách nào tìm ra người này là ai.
Ông chủ khách sạn hỏi anh ta, "Kì lạ thật đấy. Anh mất tất cả tiềm kiếm được cả đời mà anh vẫn ngủ ngon sao?" Anh ta nói, "Không thành vấn đề gì cả. Tôi đã tận hưởng sự xúc động trong một khoảnh khắc - theo cách này cách khác. Và tôi đã tận hưởng việc ông chủ sòng bạc run rẩy. Còn khi có liên quan tới tiền, tôi có thể quay lại và kiếm nữa. Điều đó không phải là vấn đề. Đấy không phải là tiền đánh cắp, tôi đã kiếm nó."
Ông chủ nói với anh ta, "Nhưng anh có thể đã chơi theo cách mọi kẻ dánh bạc chơi - những số tiền nhỏ. Anh có thể chơi cả đêm. Sao anh lại liều mọi thứ thế?"
Và tôi đọc trong cuốn tự tiểu sử của anh ta rằng anh ta nói, "Tôi thuộc vào phái đốn ngộ. Tôi không tin vào trả góp dần dần. Nếu bạn phải làm điều gì đó, làm nó một cách toàn bộ và mãnh liệt. Nếu bạn không muốn làm nó, thế thì đừng tự lừa dối mình một cách không cần thiết bằng việc làm nó một cách từng phần."
Bồ đề đạt ma đích thực là con người của đốn ngộ. Nhưng ông ấy đã được một phụ nữ điểm đạo, Pragyatara. Bà ấy là một người Đại Thừa và bà ấy đã phái ông ấy sang Trung Quốc để giúp việc phát triển tôn giáo ở đó. Tôn giáo này đã phát triển như đám cháy hoang - chỉ trong sáu trăm năm. Nó đã tới Trung Quốc vào thời của Jesus Christ, năm trăm năm sau Phật Gautam. Và sau sáu trăm năm, đã có ba mươi nghìn ngôi đền chùa Phật giáo và hai triệu nhà sư Phật giáo ở Trung Quốc, và điều đó không kể cư sĩ.
Hàng triệu và hàng triệu người, bởi vì họ thực sự đói... Khổng Tử đã làm cho họ đói tôn giáo thế bởi vì trong tâm trí Khổng Tử không có linh hồn, không có tôn giáo. Chính bởi vì Khổng Tử mà Trung Quốc quay sang chủ nghĩa cộng sản bởi vì tâm trí của Khổng Tử là rất gần với tâm trí của Karl Marx; không có mấy khác biệt. Cả hai đều tin rằng không có Thượng đế, không có linh hồn, và mọi tôn giáo đều vô dụng. Cả hai đều tin rằng tâm thức chỉ là sản phẩm phụ của năm yếu tố gắn lại với nhau, và chết là hết. Cho nên không có vấn đề về hành động tốt hay xấu.
Khổng Tử đã từng là một nhân vật chi phối, một nhân vật có ảnh hưởng đến mức toàn thể linh hồn của người Trung Quốc bị đói. Đã có món ăn ngon mà các sư Phật giáo đáp ứng. Đã có lỗ hổng cho nên không có xung đột, không cãi lộn. Phật tử đã được chấp nhận mà không phải vật lộn với bất kì ai.
Và Pragyatara đã phái Bồ đề đạt ma đi bởi vì cho tới lúc đó, chưa người chứng ngộ nào tới Trung Quốc cả. Nhiều học giả đã tới - hàng nghìn học giả - những người đang cố gắng dịch kinh sách Phật giáo sang tiếng Trung Quốc. Nhưng họ chỉ là học giả, và Pragyatara nghĩ Trung Quốc cần thấy một người đã chứng ngộ. Nó xứng đáng cho điều đó. Chỉ trong sáu trăm năm, một công trình vĩ đại đã được thực hiện - gần như toàn thể đất nước này đã chuyển từ Khổng Tử sang Phật Gautam. Pragyatara bảo Bồ đề đạt ma, "Con phải đi", và ông ấy đã đi tới đó. Nhưng chứng ngộ riêng của ông ấy là đốn ngộ và ở Trung Quốc, phái đã lan rộng vào mọi người là Đại Thừa, tin vào chứng ngộ dần dần, tiệm ngộ.
Đây là thế khó xử. Học trò này đang đưa ra một câu hỏi: Phật nói một điều và thầy nói ngay điều ngược lại. Tại sao bây giờ thầy nói rằng đơn giản ngắm nhìn tâm trí và khắc phục ba chất độc là giải thoát? Thầy đang làm cho nó thành quá đơn giản, bằng việc nói rằng người ta có thể làm được nó bây giờ. Thế thì việc tranh đấu của Phật Gautam với ba kalpas vô lượng... thì sao?"
Nhưng có lẽ ngay cả Bồ đề đạt ma không nhận biết về phân biệt mà tôi đã làm, rằng chỉ trước khi chứng ngộ của mình, Phật Gautam đã vứt bỏ mọi kỉ luật. Đó sẽ là câu trả lời đúng: Phật Gautam có thể tranh đấu trong ba hay ba mươi kalpas vô lượng - điều đó chỉ là giấc mơ, và khi giấc mơ bị tan vỡ, nó bao giờ cũng xảy ra trong một khoảnh khắc. Chỉ trong một khoảnh khắc trước đó, bạn còn ngủ; sau khoảnh khắc này, bạn thức tỉnh. Và khi bạn thức tỉnh mọi giấc mơ dường như thật thế, biến mất.
Đây chắc sẽ là câu trả lời đúng, nhưng nó không khớp với phái Đại Thừa. Đó là lí do tại sao ông ấy cứ tạo ra làn khói thượng đế học quanh câu hỏi này mãi.
Lời của Phật là đúng. Nhưng ba asankhya kalpas nói tới ba trạng thái độc hại của tâm trí.
Điều đó không đúng. Ông ấy thực tế đang nói tới vô lượng kiếp sống trong đó Phật đã tranh đấu để đạt tới phật tính và cuối cùng, trong kiếp sống cuối cùng, ông ấy đã đạt tới nó. Bây giờ Bồ đề đạt ma đang cố gắng bằng cách nào đó tạo ra câu trả lời đáng tin.
Điều chúng ta gọi là asankhya trong tiếng Phạn, các ông gọi là vô hạn. Bên trong ba trạng thái độc hại này của tâm trí là vô hạn ý nghĩ ác độc.
Bây giờ đây tất cả đều vô nghĩa, bởi vì lần nữa nó không liên quan tới câu hỏi.
Và mọi ý nghĩ đều kéo dài một kalpa.
Điều đó còn tồi tệ hơn là vô nghĩa; nó là ngớ ngẩn! - và bạn biết điều đó. Một ý nghĩ không kéo dài thậm chí tới một giờ. Thử để cho bất kì ý nghĩ nào vẫn còn trong tâm trí bạn trong một giờ liên tục mà xem và bạn sẽ ngạc nhiên - nó cứ liên tục trượt ra ngoài tâm trí.
Tâm trí là luồng lưu thông thường xuyên. Bạn không thể đứng ở giữa luồng lưu thông, các ý nghĩ của bạn chuyển động nhanh hơn bất kì cái gì. Và một kalpa là một thời gian rất dài. Một ý nghĩ không còn lại thậm chí trong vài giây. Tâm trí bạn là một luồng liên tục; nó giống hệt dòng sông.
Heraclitus nói, "Bạn không thể bước hai lần vào cùng một dòng sông bởi vì nó đi nhanh thế. Vào lúc bạn bước lần thứ hai, nó đã là nước khác rồi. Vẫn cùng dòng sông chỉ với cái tên, nhưng nước mà bạn đã bước vào lần đầu không còn lại đó nữa."
Tôi đi xa hơn chút ít so với Heraclitus. Tôi nói, bạn không thể nào thậm chí một lần bước vào trong cùng một dòng sông, bởi vì khi chân bạn chạm vào phần nước phía trên, phần nước phía dưới đã chảy qua rồi. Khi chân bạn nhúng sâu thêm chút nữa, phần nước phía dưới và phía trên đã chảy qua rồi. Vào lúc chân bạn chạm đáy, mọi thứ đã thay đổi từ lúc bạn lần đầu tiên chạm vào mặt nước. Bạn đã không bước vào trong cùng một nước, bởi vì mọi giây nước mới đều tới và nước cũ trôi đi. Heraclitus không nhận biết rằng ngay cả việc bước một lần trong cùng dòng nước là điều không thể được. Hai lần là quá nhiều.
Cùng điều đó là tình huống với tâm trí con người: nó chỉ là một luồng. Hàng trăm ý nghĩ xếp hàng và diễu qua - liên quan, không liên quan, nhất quán, không nhất quán. Nhưng ông ấy đang cố gắng tạo ra ý nghĩa nào đó từ phát biểu của Phật.
Vô hạn như vậy là điều Phật ngụ ý qua ba asankhya kalpas...
Không, ông ấy thực tế ngụ ý điều những lời này nói. Bồ đề đạt ma đang áp đặt ý tưởng riêng của mình lên điều đó, chỉ để làm phai mờ nó, chỉ để mang nó tới gần hơn với ý tưởng đốn ngộ của mình.
Trong vị trí của ông ấy tôi sẽ nói, "Phật Gautam là sai. Điều ông ấy đang nói về ba thời đại vô lượng phải đã được nói trước khi ông ấy trở nên chứng ngộ. Nó không phải là phát biểu được đưa ra sau chứng ngộ của ông ấy. Nếu ông ấy đã từng nói điều gì giống như thế, điều đó hẳn phải đã được nói từ trước chứng ngộ của ông ấy."
Thậm chí trước chứng ngộ của mình ông ấy đã có năm tín đồ. Thấy ông ấy - một ông vua và một nhà khổ hạnh hoàn hảo - năm người tìm kiếm brahmin đã trở thành tín đồ của ông ấy. Họ đã bỏ đi bởi vì ông ấy đã chấp nhận thức ăn từ Sujata, vào ban đêm.
Và từ sujata, có những ngụ ý lớn. Nó có nghĩa "được sinh ra may mắn", được sinh ra trong một gia đình rất cao sang. Bây giờ bất kì ai thực sự được sinh ra trong một gia đình cao sang sẽ không có cái tên đó. Sujata phải đã là một bình dân, một người phụ nữ tiện dân. Đây là cách thức tâm trí con người và tâm lí con người vận hành. Nếu cô ấy không thể thuộc vào đẳng cấp cao, ít nhất cô ấy cũng có thể mang cái tên đẹp có nghĩa là cô ấy được sinh ra may mắn. Tên của cô ấy chỉ ra rằng cô ấy chắc chắn thuộc vào đẳng cấp rất thấp của xã hội.
Thấy rằng Phật đã chấp nhận thức ăn từ một phụ nữ bình dân - ông ấy thậm chí không hỏi, "Cô thuộc vào tầng lớp gì?" và trong đêm ông ấy đã ăn một cách vui thích - tất cả năm đệ tử bỏ ông ấy ngay lập tức. "Ông ta là kẻ dối trá, giả mạo. Chúng ta đã bị lừa. Ông ta không phải là người khổ hạnh chút nào."
Phật có thể đã nói điều gì đó giống như thế với năm đệ tử này, nhưng lúc đó ông ấy còn chưa chứng ngộ. Và người ta phải nhớ rằng bất kì phát biểu nào do Phật đưa ra trước chứng ngộ không nên được tính tới chút nào. Chỉ những điều ông ấy đã nói sau chứng ngộ mới có ý nghĩa.
Bồ đề đạt ma có thể đã giải thích điều đó rất dễ dàng, nhưng ông ấy lại không dũng cảm được như ông ấy đã được mọi người tin là vậy trong nhiều thế kỉ. Ông ấy không thể nói lời của Phật là không đúng. Ông ấy đang cố gắng tô điểm cho chúng và bằng cách nào đó làm phai mờ chúng và đem chúng tới gần hơn với hiểu biết riêng của ông ấy.
Nhưng các bồ tát vĩ đại chỉ đạt tới chứng ngộ bằng việc gìn giữ ba bộ giới luật và bằng việc thực hành sáu đường vượt qua. Bây giờ thầy bảo các đệ tử đơn thuần ngắm nhìn tâm trí. Làm sao bất kì ai có thể đạt tới chứng ngộ mà không trau dồi các qui tắc của kỉ luật?
Ông ấy đang thực sự đặt các đệ tử vào thế khó xử - và đây là những câu hỏi cuối cùng của họ. Bồ đề đạt ma nói rằng không cần kỉ luật nào cả, không cần khổ hạnh nào cả. Mọi điều cần thiết là nhận biết về tâm trí của bạn. Và tôi đồng ý với ông ấy tuyệt đối. Đó là điều đem lại chứng ngộ.
Một người vô ý thức có thể đặt kỉ luật lên bản thân mình. Người đó có thể cạo đầu như Phật... người đó có thể cạo đầu mình, người đó có thể ăn chỉ một lần trong hai mươi bốn giờ, người đó có thể chỉ có ba bộ quần áo - không nhiều hơn thế - nhưng người đó sẽ không trở nên chứng ngộ bởi điều này. Nếu điều này là như vậy, thế thì mọi người nghèo mà không có thậm chí đến ba bộ quần áo, người thỉnh thoảng phải đi ngủ mà không ăn gì, đều đã trở nên chứng ngộ rồi.
Tôi đã biết những người đã đi ngủ bằng việc buộc một viên gạch vào bụng để cho họ không cảm thấy rằng dạ dầy mình trống rỗng. Cái nghèo khó như vậy tồn tại ở nhiều phần của đất nước này. Những người này liệu có trở thành phật được không? - không. Chứng ngộ không liên quan gì tới nghèo đói, nhịn ăn, kỉ luật, nghi lễ tôn giáo.
Chỉ có một con đường tới chứng ngộ và đó là tạo ra ngày càng nhiều nhận biết về hành động của bạn, về ý nghĩ của bạn, về xúc động của bạn.
Bồ đề đạt ma có thể đã nói đích xác điều đó, nhưng đây là rắc rối khi bạn thuộc vào một tổ chức, khi bạn thuộc vào một triết lí nào đó, khi bạn thuộc vào một hệ thống niềm tin nào đó, khi bạn không phải là thầy của riêng mình, khi bạn tôn thờ ai đó khác làm thầy... thế thì loại khó xử này nhất định xảy ra. Bạn đã đánh mất tính cá nhân theo một cách nào đó. Bạn phải ủng hộ cho Phật Gautam cho dù điều đó đi ngược lại hiểu biết riêng của bạn.
Bồ đề đạt ma nói: Ba bộ giới luật là để vượt qua ba trạng thái độc hại của tâm trí. Khi ông vượt qua ba chất độc này, ông tạo ra ba bộ đức hạnh vô giới hạn. Một bộ thu thập mọi thứ lại - trong trường hợp này, vô hạn ý nghĩ tốt trong toàn thể tâm trí ông. Và sáu đường vượt qua là để làm thuần khiết sáu giác quan. Điều chúng ta gọi là paramita - đường vượt qua, các ông gọi là phương tiện để sang bờ bên kia. Bằng việc làm thuần khiết sáu giác quan của ông khỏi bụi bặm của cảm giác, con thuyền vượt qua chở ông ngang qua Dòng sông của ưu phiền sang Bờ của Chứng ngộ.
Bạn không thể thấy rằng câu trả lời thậm chí không có mối quan hệ xa xăm nào với câu hỏi này sao? Nó thậm chí không phải là anh em họ xa.
Bồ đề đạt ma không thể xoay xở được... để đơn giản nói chân lí sẽ là điều đúng: "Dù cho điều đó có đi ngược lại Phật, hay Krishna, hay Christ không thành vấn đề - tôi phải là chân lí của riêng tôi. Nếu điều đó đi ngược lại chân lí của ai đó khác, đó là vấn đề của người ấy, không phải là vấn đề của tôi."
Chân lí có cái đẹp khi nó nảy sinh trong bạn, nhưng nếu bạn bằng cách nào đó cố gắng khớp nó vào một hệ thống nào đó do ai đó khác tạo ra, bạn bắt đầu bóp méo chân lí. Và với tôi điều đó là một trong những tội lớn nhất.
Câu hỏi này có ý nghĩa đơn giản, nhưng câu trả lời không đơn giản. Câu trả lời là đúng trong một hoàn cảnh khác nào đó nhưng chỗ này không phải là chỗ cho câu trả lời này. Ông ấy nên nói rằng với tất cả ba kalpa vô lượng đó cùng các kỉ luật và khổ hạnh, Phật đã sống trong mơ.
Nhưng có lẽ ông ấy không thể nói điều này cho các Phật tử ở Trung Quốc, bởi vì ông ấy đã được cử từ Ấn Độ để làm cho Phật giáo vững chắc hơn và nếu ông ấy bắt đầu nói theo cách này, làm sao ông ấy làm cho Phật giáo trở nên vững chắc hơn được? Ông ấy bắt đầu thoả hiệp. Và khoảnh khắc ai đó bắt đầu thoả hiệp, người đó mất đi sự tiếp xúc với chân lí.
Chân lí là kinh nghiệm không thoả hiệp.
Tương ứng với lời kinh này, ba bộ giới luật là - đệ tử này đang lại hỏi - "Tôi nguyện chấm dứt mọi điều ác. Tôi nguyện trau dồi mọi đức đức hạnh. Và tôi nguyện giải thoát mọi chúng sinh." Nhưng bây giờ thầy nói chúng chỉ để kiểm soát ba trạng thái độc hại của tâm trí. Không phải điều này mâu thuẫn với ý nghĩa của kinh sách sao?
Nó mâu thuẫn đấy, nhưng Bồ đề đạt ma không có khả năng nói như vậy. Thực ra người ta nói rằng Phật Gautam đã đưa ra ba lời nguyện này: chấm dứt mọi điều ác, trau dồi mọi đức hạnh và giải thoát mọi chúng sinh - nhưng điều này là trước khi ông ấy trở nên chứng ngộ. Do đó, nó không có giá trị chút nào.
Sau chứng ngộ của mình, ông ấy biết rằng tất cả những lời nguyện này đều đã được làm trong trạng thái mơ. Và điều bạn đã quyết định trong giấc mơ, bạn không cho là phải tuân theo khi bạn thức dậy. Bạn có thể đã bay trong mơ - giống như bất kì con chim nào bay ngang qua bầu trời - nhưng khi bạn thức dậy, bạn biết đấy chỉ là mơ và bạn không khăng khăng rằng bạn thực sự đã bay như chim.
Ba lời nguyện này chắc chắn là do Phật nêu ra, nhưng chúng đã được đưa ra từ trước chứng ngộ của ông ấy. Đúng là không ai đã hỏi ông ấy, "Điều gì đã xảy ra cho lời nguyện của ông ấy?" Nhưng Bồ đề đạt ma lại đang bị hỏi. Ông ấy đáng ra phải làm cho điều đó thành rõ ràng rằng chúng đã được đưa ra trong mơ và mơ không thành vấn đề gì hết cả. Điều thành vấn đề là tâm thức thức tỉnh - và thế thì Phật đã không đưa ra lời nguyện nào.
Nhưng thay vì thế, ông ấy lại cứ nói:
Lời kinh của Phật là đúng.
Nhưng bạn có thể thấy đấy, ngay cả khi ông ấy nói lời kinh của Phật là đúng, ông ấy đã mất thẩm quyền và sức mạnh tới từ chân thành, tới từ kinh nghiệm riêng của bạn về chân lí. Ông ấy đã trở thành nhu nhược.
Nhưng từ lâu trước đây, khi vị bồ tát vĩ đại đó trau dồi hạt mầm của chứng ngộ, để chống lại ba chất độc đó, ông ấy đã làm ra ba lời nguyện này.
Ông ấy cứ nói đi nói lại, đem ba chất độc đó ra để hỗ trợ cho mình.
Khi thực hành những cấm đoán đạo đức để chống lại chất độc tham lam, ông ấy đã nguyện đặt dấu chấm dứt mọi điều ác. Khi thực hành thiền để chống lại chất độc giận dữ, ông ấy đã nguyện trau dồi mọi đức hạnh. Và khi thực hành trí huệ để chống lại chất độc ảo tưởng, ông ấy đã nguyện giải thoát tất cả chúng sinh. Bởi vì ông ấy gìn giữ trong ba thực hành thuần khiết này về đạo đức, thiền và trí huệ, nên ông ấy có khả năng vượt qua ba chất độc và đạt tới chứng ngộ. Bằng việc vượt qua ba chất độc này, ông ấy lau sạch mọi thứ tội lỗi và do vậy trau dồi đức hạnh. Và bởi việc đặt dấu chấm hết cho điều ác và trau dồi đức hạnh, ông ấy tiêu tán mọi thực hành, làm ích lợi cho bản thân mình cũng như những người khác và cứu giúp người hữu tử ở mọi nơi. Vậy, ông ấy giải thoát cho chúng sinh.
Ông ấy đang không đích thực. Ông ấy đơn giản đang cố gắng bằng cách nào đó xoay xở câu trả lời. Câu trả lời không phải là đáp ứng tự phát. Nó là láu lỉnh, trí tuệ. Nó có thể thoả mãn cho các đệ tử của ông ấy; nó không thể thoả mãn tôi được.
Tôi không là đệ tử của ai cả. Tôi không thuộc vào bất kì hệ thống tin nào. Tôi yêu mọi người trên khắp thế giới và tôi chưa bao giờ so sánh họ. Họ tất cả đều duy nhất: một Zarathustra là một Zarathustra, một Mahavira là một Mahavira, một Phật là một Phật, một Jesus là một Jesus, một Moses là một Moses... họ duy nhất đến mức bạn không nên làm người nào trong họ thành tiêu chuẩn để mọi người khác phải khớp với.
Bản thân Bồ đề đạt ma thuộc cùng vào phân loại đó, nhưng bởi vì thoả hiệp của ông ấy, ông ấy đã tụt xuống. Ông ấy không thể còn duy trì tính duy nhất của mình. Ông ấy vẫn còn là đệ tử của Phật Gautam - và làm sao đệ tử có thể nói rằng lời của thầy không đúng?
Đây là một cơ hội duy nhất cho các bạn để nghe một người không có thầy, và người có kính trọng cực kì với chân lí - dù nó tới từ Zarathustra, hay Lão Tử, hay Phật, hay Moses, hay Jesus, hay Mohammed. Nếu nó là chân lí, điều làm ngân lên tiếng chuông trong tim tôi, tôi tuyệt đối ủng hộ nó. Nhưng nếu nó không đúng, tôi biết trái tim tôi. Chuông không ngân lên và tôi lập tức biết điều gì đó sai.
Bồ đề đạt ma đang cố gắng làm yên lòng, khuyên nhủ. Ông ấy không còn quan tâm tới chân lí. Ông ấy quan tâm nhiều tới việc quảng bá thông điệp của Phật, và đó là chỗ ông ấy mất đi tính duy nhất của mình; bằng không thì ông ấy là một người duy nhất như bản thân Phật Gautam.
Tôi không thể quan niệm nổi điều đã xảy ra cho ông ấy tại sao ông ấy lại không thể nói trực tiếp, "Những lời này là không đúng. Chúng không đúng bởi vì chúng không hài hoà với bản thể tôi". Nhưng đây là điều xảy ra khi bạn đứng vào hàng của đảng phái nào đó - chính trị, tôn giáo, xã hội. Thế thì bạn phải đồng ý với mọi điều, không chọn lựa.
Các Phật tử rất sung sướng với Bồ đề đạt ma bởi vì ông ấy đã thiết lập nên kỉ luật của Phật ở Trung Quốc, đã cho nó một nền tảng rất chắc chắn, và đã quảng bá thông điệp này - không chỉ cho Trung Quốc, mà từ Trung Quốc sang Đài Loan, sang Hàn Quốc, sang Nhật Bản.
Ông ấy đã làm việc vĩ đại, nhưng ông ấy đã tụt xuống từ tầm cao. Ông ấy có thể vẫn còn ở đó nếu như ông ấy đã nói ra chân lí một cách chính xác và giải thích cho mọi người, theo một cách rất đơn giản, "Đây là những phát biểu của Phật trước chứng ngộ của ông ấy, và bất kì điều gì ông ấy nói trước chứng ngộ đều không quan trọng. Với tôi, phát biểu của Phật sau chứng ngộ là vàng ròng."
Tôi không nghĩ Bồ đề đạt ma sẽ làm tổn thương tới tình cảm của mọi người. Có lẽ ông ấy sẽ tạo ra một tiền lệ cho những người chứng ngộ khác: Bạn không cần phải đồng ý với mọi điều. Bạn chắc chắn có nghĩa vụ chấp nhận chân lí từ bất kì hướng nào nó tới, nhưng bạn không có nghĩa vụ gì phải đồng ý với bất kì điều gì phi chân lí, bất kì hư huyễn nào mà các tu sĩ tạo ra, người không biết gì về chân lí cả.
Ông ấy đã làm cái việc mà vì nó ông ấy đã được cử đi, nhưng ông ấy đã đánh mất cái gì đó đẹp đẽ trong bản thể riêng của mình. Với tôi điều đó còn quan trọng hơn là toàn thể Trung Quốc trở thành Phật tử. Một cá nhân duy nhất trong tính chân lí kết tinh còn quan trọng hơn hàng triệu người đang ngủ say.
Được chứ, Maneesha? Vâng, thưa Osho

Ads Belove Post