Chương 15. Đột phá... tới phật tính

Chương 15. Đột phá... tới phật tính

Price:

Read more

Osho – Bồ Đề Đạt Ma: Thiền sư vĩ đại nhất
Chương 15. Đột phá... tới phật tính


Osho kính yêu,
Bài thuyết pháp đột phá của Bồ đề đạt ma
Nếu ai đó quyết tâm đạt tới chứng ngộ, phương pháp bản chất nhất người đó có thể thực hành là gì?
Phương pháp bản chất nhất, bao hàm mọi phương pháp khác, là ngắm nhìn tâm trí.
Nhưng làm sao một phương pháp có thể bao gồm mọi phương pháp khác?
Tâm trí là gốc rễ từ đó mọi điều phát triển ra. Nếu ông có thể hiểu được tâm trí, mọi thứ khác đều được bao hàm. Nó giống như cây. Tất cả quả và hoa của nó, các cành và lá của nó, phụ thuộc vào rễ của nó. Nếu ông nuôi dưỡng rễ của nó, cây nhân lên. Nếu ông chặt đứt rễ của nó, nó chết. Những người hiểu tâm trí đạt tới chứng ngộ với nỗ lực tối thiểu. Nhưng người không hiểu tâm trí thì thực hành trong vô ích. Mọi thứ tốt và xấu đều tới từ tâm trí riêng của ông. Tìm cái gì đó bên ngoài tâm trí là không thể được.
Nhưng làm sao ngắm nhìn tâm trí có thể được gọi là hiểu biết?
Khi một bồ tát vĩ đại đào sâu vào trí huệ hoàn hảo, ông ấy nhận ra... hoạt động của tâm trí ông ấy có hai khía cạnh: thuần khiết và không thuần khiết... tâm trí thuần khiết vui mừng trong hành vi thiện, tâm trí không thuần khiết nghĩ tới điều ác. Những người không bị ảnh hưởng bởi tâm trí không thuần khiết là hiền nhân. Họ siêu việt lên trên đau khổ và kinh nghiệm phúc lạc của niết bàn. Tất cả những người khác, bị mắc bẫy bởi tâm trí không thuần khiết và bị vướng víu bởi nghiệp riêng của mình, là những người hữu tử. Họ trôi dạt qua ba cõi giới và chịu đựng vô hạn ưu phiền. Và tất cả là bởi vì tâm trí không thuần khiết của họ che mờ đi cái ta thực của họ.
Kinh về mười giai đoạn nói, “Trong thân thể của người hữu tử là bản tính phật không thể huỷ diệt nổi. Giống như mặt trời, ánh sáng của nó trút đầy không gian vô hạn. Nhưng một khi bị che bởi mây đen của năm uẩn, nó giống như ánh sáng bên trong bình, khuất khỏi tầm nhìn.” Và Kinh Niết bàn nói, “Tất cả những người hữu tử đều có bản tính phật. Nhưng nó bị che phủ bởi bóng tối mà họ không thể thoát khỏi. Bản tính Phật của chúng ta là nhận biết: nhận biết và làm cho người khác nhận biết. Nhận ra nhận biết là giải thoát.” Mọi thứ tốt có tính nhận biết về gốc rễ của nó. Từ gốc rễ này của nhận biết mọc lên cây của mọi đức hạnh và quả của niết bàn.
Lời kinh sáng nay thuộc vào một buổi thuyết pháp đặc biệt của Bồ đề đạt ma được gọi là “Bài thuyết pháp đột phá”. Tôi muốn bạn hiểu từ “đột phá” này.
Bạn biết một từ khác gần với từ “đột phá”, và đó là “đột quị”. Tâm trí có cả hai khả năng này. Dưới căng thẳng, lo âu, phiền não nó có thể đột quị, nhưng đột quị không phải là đột phá. Đột quị đưa bạn xuống thấp dưới tâm trí; nó là không lành mạnh. Đột phá tới từ việc quan sát tâm trí trong im lặng sâu sắc, trong nhận biết lớn lao. Thế thì bạn đi ra ngoài tâm trí và đi ra ngoài tâm trí là đạt tới lành mạnh đích thực.
Tâm trí chỉ ở giữa. Bạn không là gì ngoài một đống lộn xộn. Nếu bạn có thể đi ra ngoài nó, thông minh phát triển trong bạn; nếu bạn đi bên dưới nó, mọi thông minh bạn đã có biến mất.
Nhưng trong cả hai trường hợp, hoặc trong đột phá hoặc trong đột quị, bạn đều ở ngoài tâm trí. Đó là lí do tại sao có tương tự nào đó giữa người chứng ngộ và người điên. Người điên đã đi qua đột quị nhưng người đó ở ngoài tâm trí. Người chứng ngộ đã đi ra ngoài tâm trí; đấy là đột phá. Người đó cũng ở ngoài tâm trí nhưng bởi vì người đó đã đi ra ngoài tâm trí, người đó đạt tới lành mạnh tối thượng, tới thông minh lớn lao, tới sáng tỏ, tâm trí thậm chí không thể nào quan niệm nổi.
Nhưng sự tương tự là ở chỗ cả hai đều ở ngoài tâm trí và tâm trí có thể diễn giải cả hai hoặc là đã chứng ngộ hoặc là điên khùng. Do đó một điều kì lạ đã xảy ra ở phương Đông và ở phương Tây. Có nhiều người chứng ngộ ở phương Tây ở trong nhà thương điên bởi vì tâm lí học phương Tây không tin vào bất kì đột phá nào. Với bất kì ai vượt ra ngoài tâm trí, chỉ một cách diễn giải có sẵn: rằng người đó đã phát điên.
Tại phương Đông có nhiều người điên được tôn thờ như người chứng ngộ bởi vì phương Đông diễn giải việc đi ra ngoài tâm trí bao giờ cũng là đột phá. Tôi đã bắt gặp vài người điên, người đã không chứng ngộ, nhưng họ được tôn thờ như Thượng đế. Tại một chỗ gần Jabalpur có một người bị liệt nửa người và hoàn toàn điên, nhưng hàng nghìn người thường tụ tập quanh người đó. Người đó không có gì để nói và không có ánh sáng trong mắt người đó và không có vui vẻ trong bản thể người đó.
Tôi hay tới và đơn giản ngồi đó và quan sát người đó và những điều mọi người làm. Người đó sống gần như chỉ bằng việc uống mỗi trà. Cũng khó cho người đó uống trà bởi vì nửa người của người đó bị liệt, cho nên chỉ nửa cái mồm có khả năng cử động; nửa kia không có khả năng cử động. Cho nên thậm chí khi uống trà, nước bọt của người đó nhểu vào trong trà. Đó là một cảnh xấu coi. Và các tín đồ sẽ đem cốc trà đó khi người đó chỉ mới nhấp vài ngụm từ đó và họ sẽ phân phát nó cho mọi người xem như prasad, như món quà của Thượng đế.
Tôi quan sát toàn thể cái điều vô nghĩa lí này... và người này thậm chí không có khả năng thốt ra một lời. Tại bất kì nơi đâu khác trên thế giới người đó đều sẽ bị tống vào nhà thương điên, nhưng ở Ấn Độ thậm chí đột quị bị hiểu lầm là đột phá. Và ở phương Tây thậm chí đột phá được hiểu là đột quị.
Mọt sự tổng hợp lớn lao là cần có giữa tâm lí  học phương Tây và hiểu biết của phương Đông về tâm trí. Chúng là các chiều đối lập toàn bộ đối xứng qua đường kính. Đột quị đưa bạn trở về giai đoạn con vật, và đột phá đưa bạn tới việc nở hoa tối thượng của bạn, phật tính của bạn. Và việc xảy ra của chúng là khác biệt, khác biệt về phẩm chất tới độ chúng có thể dễ dàng được phân biệt ra. Đột phá xảy ra chỉ với thiền nhân. Đột quị xảy ra cho bất kì ai có tâm trí trở nên quá căng thẳng, căng thẳng không thể chịu đựng nổi, đến mức người đó mất mọi kiểm soát cơ chế tâm trí, và sụp đổ.
Tên của buổi thuyết giáo này có ý nghĩa vô cùng. Phương Đông đã nhận biết từ hàng thế kỉ rằng người điên và người chứng ngộ có sự tương tự nào đó. Họ cả hai đều ở ngoài tâm trí, nhưng tại đó sự tương tự chấm dứt. Một người đã vượt ra ngoài, hướng tới các vì sao; người kia đã đi xuống vùng tối tăm.
Đột phá là chính khoa học về thiền. Lời kinh:
Nếu người nào đó quyết tâm đạt tới chứng ngộ, phương pháp bản chất nhất có thể thực hành là gì?
Phương pháp bản chất nhất, bao hàm mọi phương pháp khác, là ngắm nhìn tâm trí.
Nhận biết về tâm trí là trở thành nhân chứng của tâm trí. Khi việc chứng kiến này trở nên mạnh hơn, bạn đã bắt đầu cảm thấy bản thân mình vượt ra ngoài tâm trí. Dần dần, dần dần khoảng cách tăng lên. Việc chứng kiến của bạn đạt tới đỉnh ánh sáng mặt trời và tâm trí bị bỏ lại trong thung lũng tăm tối, xa xôi. Bạn có thể vẫn nghe thấy tiếng vọng, nhưng chúng không ảnh hưởng tới bạn chút nào. Bạn ở ngoài tầm với của chúng.
Đệ tử này hỏi: Nhưng làm sao một phương pháp có thể bao gồm mọi phương pháp khác được?
Và Bồ đề đạt ma nói, “Tâm trí là gốc rễ từ đó mọi điều phát triển, từ tính điên tới chứng ngộ. Nếu ông có thể hiểu được tâm trí, mọi thứ khác đều được bao hàm. Nó cũng giống như cây. Tất cả quả và hoa của nó, cành và lá của nó, phụ thuộc vào rễ của nó. Nếu ông nuôi dưỡng rễ của nó, cây sinh sôi nảy nở. Nếu ông chặt đứt rễ của nó, nó chết. Những người hiểu tâm trí đạt tới chứng ngộ với nỗ lực tối thiểu. Nhưng người không hiểu tâm trí thì thực hành trong vô ích. Mọi thứ tốt và xấu đều tới từ tâm trí riêng của ông. Tìm cái gì đó bên ngoài tâm trí là không thể được... ngoại trừ bản thân bạn, việc chứng ngộ - đó là phần thêm của tôi vào lời kinh này.
Bây giờ có vài điều quan trọng mà Bồ đề đạt ma đang nói tới. Điều thứ nhất là: Nếu ông có thể hiểu được tâm trí, mọi thứ khác được bao hàm. Nhưng từ “hiểu” có thể bị hiểu lầm, bởi vì tâm lí học phương Tây bây giờ là tâm lí học gần như thống trị trên khắp thế giới. Phương Tây hay phương Đông, tâm lí học tràn ngập duy nhất ngày nay là tâm lí học phương Tây. Và tâm lí học phương Tây cố gắng hiểu tâm trí bằng phân tích. Đó là nỗ lực vô ích.
Điều đó cũng giống như bóc củ hành. Một tầng được tách ra và bạn thấy tầng khác, tươi hơn, đang chờ bạn. Bạn bóc tầng đó ra và tầng khác có đó. Mọi người đã từng dưới phân tâm học trong mười lăm năm liên tục; dầu vậy phân tâm của họ là không đầy đủ. Bản thân các nhà phân tâm thừa nhận rằng họ chưa có khả năng phân tâm cho một người một cách hoàn hảo, toàn bộ - cho đến khi không cái gì còn lại để được phân tâm nữa. Nhưng dầu vậy, ngay cả nhà phân tâm không có sáng suốt để hiểu rằng có lẽ họ đang làm điều gì đó ngớ ngẩn.
Tâm trí không bao giờ có thể được phân tích một cách toàn bộ, bởi vì trong khi bạn phân tích nó, nó cứ tạo ra những thứ mới. Nó không còn tĩnh tại. Bạn cứ phân tích mỗi tuần hai hay ba lần, nhưng thời gian còn lại tâm trí tạo ra nhiều ý tưởng hơn, nhiều tưởng tượng hơn, nhiều giấc mơ hơn. Bạn không bao giờ có thể đi tới kết thúc - điều đó đơn giản là không thể được. Và nếu bạn không thể đi tới kết thúc, tới đáy tảng đá, hiểu biết của bạn về tâm trí là rất nông cạn.
Phương Đông không tin vào phân tích. Nó tin vào nhận biết. Theo hai đường này khác biệt là cực kì lớn. Trước hết, để phân tích bạn phải phụ thuộc vào ai đó khác; điều đó tạo ra sự phụ thuộc, gần như là một loại nghiện. Một khi mọi người đã trong việc phân tâm, rất khó để tách họ ra khỏi điều đó, bởi vì ít nhất hai lần một tuần trong khi phân tâm họ cảm thấy chút ít ánh sáng, nhẹ gánh, chút ít thảnh thơi. Tâm trí sẽ thu lại căng thẳng bởi vì cái rễ còn chưa bị cắt; bạn mới chỉ tỉa lá.
Và ngay khi bạn tỉa lá, quan sát điều xảy ra: lá sẽ mọc ra vào chỗ chiếc lá bạn đã cắt. Cây lên tiếng thách thức. Bạn không thể phá huỷ được cây; nó cũng là một sinh linh. Nó bày tỏ nỗ lực của nó để tồn tại. Bạn không thể phá huỷ được cây này bằng việc cắt lá nó; do đó nếu bạn muốn cây có tán lá dầy, bạn phải tỉa lá nó. Bằng việc tỉa lá nó, tán cây trở nên dầy hơn, không mỏng hơn.
Cho nên trước hết, trong phân tâm học bạn phải phụ thuộc vào ai đó khác. Và bạn trở nên bị nghiện, giống như với bất kì thuốc nào. Vâng, để tôi gọi phân tâm học đang lan tràn ở phương Tây và được phương Đông vay mượn là một loại thuốc rất tinh vi. Và việc đi ra khỏi nó gần như không thể được. Bạn phát mệt mỏi với nhà phân tâm này, thế rồi bạn chuyển sang nhà phân tâm khác. Cũng giống như là miễn nhiễm với thuốc này, thế rồi bạn chuyển sang thuốc khác mạnh hơn và nguy hiểm hơn. Không mấy chốc bạn sẽ trở nên miễn nhiễm thuốc đó nữa. Nó sẽ không có tác dụng với bạn. Thế thì bạn sẽ phải đi lên thêm nữa.
Tôi đã từng ở trong các tu viện ở Ladakh nơi họ thuần hoá rắn hổ mang, bởi vì có một trường phái nào đó ở Ấn Độ cố gắng nhận biết qua thuốc. Điều đó hoàn toàn khoa học. Cách tiếp cận của nó là khoa học, nhưng rất nguy hiểm. Người ta có thể đi sai vào bất kì lúc nào, trên bất kì bước nào. Nó phải được thực hiện dưới hướng dẫn của thầy. Người ta bắt đầu uống những liều nhỏ của thuốc nào đó và trở nên miễn nhiễm với thuốc đó; thế rồi liều được cho mạnh hơn, thế rồi thậm chí còn mạnh hơn nữa; và cuối cùng một khoảnh khắc tới khi không thuốc nào ảnh hưởng tới người này.
Tại điểm đó chỉ chất độc của rắn hổ mang có thể ảnh hưởng tới người đó một chút ít. Người đó không bị giết bởi rắn hổ mang. Bạn sẽ ngạc nhiên mà biết - và người bị rắn hổ mang cắn không sống được, nhưng các nhà khổ hạnh này mà tôi đã gặp ở Ladakh... và họ ở nhiều nơi, ở Assam, ở Nagaland. Rắn hổ mang phải cắn họ ở lưỡi để cho chất độc ngay lập tức đi vào dòng máu của họ, và bạn sẽ ngạc nhiên vô cùng rằng rắn hổ mang chết khi cắn họ! Những người đó đã trở thành đầy chất độc tới mức con rắn hổ mang đáng thương kia...
Đây là phép thử lửa. Khi một người có thể giết chết rắn hổ mang và không bị hổ mang giết chết, người đó đã trở thành miễn nhiễm với mọi loại chất độc trên thế giới.
Nhưng phương pháp cơ bản trong trường phái đó cũng là nhận biết. Bạn phải giữ tỉnh táo và nhận biết; đó là lí do tại sao không chất độc nào ảnh hưởng tới bạn. Đó là toàn thể quá trình của một trường phái kì lạ - nhưng con người đạt tới nhận biết lớn lao.
Phân tâm học là liều thuốc rất dịu. Bạn trở nên quen dần, miễn nhiễm với nhà phân tâm này. Bạn đi tới ai đó mạnh hơn, người đi sâu hơn vào trong tâm trí bạn và tìm thấy chất liệu mà người thứ nhất đã không có khả năng tìm ra. Điều này cứ tiếp diễn mãi. Các nhà phân tâm đã hiện hữu đến gần một thế kỉ nay, nhưng trong một trăm năm, họ vẫn không có khả năng đem con người tới hiểu biết về tâm trí mình. Phân tâm học đã thất bại hoàn toàn.
Nhận biết có cái đẹp: nó không phụ thuộc vào bất kì ai khác; nó chỉ là việc nảy sinh của một lực mới đã từng ngủ trong bạn. Và bạn không phân tích tâm trí. Đó là luyện tập tuyệt đối vô tích sự. Bạn đơn giản quan sát tâm trí không phân tích, không phán xét, không ca ngợi, không kết án, không đánh giá - bạn đơn giản quan sát, dường như bạn không liên quan gì tới nó. Bạn tách biệt và bạn đang quan sát tâm trí.
Nhưng tách biệt này tạo ra phép màu, bởi vì tâm trí là kẻ ăn bám; nó sống trên máu bạn, nó sống trên năng lượng của bạn. Bởi vì bạn bị đồng nhất với tâm trí, nó sống. Bạn đang nuôi dưỡng gốc rễ nó. Cho nên toàn thể quá trình phân tâm đơn giản là ngu xuẩn. Bạn không chặt rễ; bạn đang nuôi dưỡng rễ và bạn đơn giản cắt lá. Tán lá sẽ trở nên ngày càng dầy hơn.
Không có gì ngạc nhiên rằng các nhà phân tâm phát điên bốn lần nhiều hơn bất kì nghề nào khác, và các nhà phân tâm tự tử cũng bốn lần nhiều hơn bất kì nghề nào khác trên thế giới. Nếu đây là tình huống với các nhà phân tâm, nghĩ gì tới bệnh nhân của họ? Bệnh nhân đã rơi vào những bàn tay sai. Nhưng phân tâm đang là thời thượng và nó là một trong những nghề được trả lương cao nhất ở phương Tây.
Có chuyện tiếu lâm trên khắp thế giới rằng người Do Thái bỏ lỡ Jesus; chính đứa con riêng của họ đã đã tạo nghề nghiệp lớn nhất trên thế giới này - nghề linh mục và tu sĩ, Cơ đốc giáo hay Tin lành. Họ không bao giờ có khả năng tha thứ cho bản thân họ. Bây giờ Cơ đốc giáo là tổ chức tôn giáo giầu có nhất. Người Do Thái không thể nào tha thứ được cho bản thân họ rằng họ đã đóng đinh không cần thiết người con của mình, người đã tạo ra một nghề lớn lao.
Nhưng họ đã trả thù lại qua Karl Marx, bằng việc tạo ra một tôn giáo khác, chủ nghĩa cộng sản. Karl Marx là người Do Thái. Nếu một nửa thế giới là người Ki tô giáo, thế thì nửa kia của thế giới là người cộng sản. Họ là ngang nhau. Và họ thậm chí còn khấm khá hơn, bởi vì qua Sigmund Freud, một người Do Thái khác, họ đã tạo ra một nghề được trả lương cao trên thế giới. Nhưng cả Ki tô giáo lẫn chủ nghĩa cộng sản đã không có ích gì; phân tâm học cũng không có ích gì. Họ tất cả đã khai thác con người theo các cách khác nhau.
Chủ nghĩa cộng sản đã lấy đi toàn thể chân giá trị của con người, tự hào của con người, tính cá nhân của con người, tự do của con người... Ki tô giáo đã phá huỷ chính khả năng là bạn có thực tại riêng của mình. Bạn chỉ là con rối trong tay của Thượng đế. Sợi dây là trong tay ngài. Nếu ngài muốn bạn nhảy múa, bạn nhảy múa; nếu ngài muốn bạn kêu khóc, bạn kêu khóc. Bạn không phải là người chủ của định mệnh riêng của mình.
Và thế rồi cuối cùng phân tâm tới, và điều này cũng đã không thể nào đem con người trở lại với nhân phẩm của mình. Bây giờ bệnh nhân có hàng triệu, trên khắp thế giới đều trong tay các nhà phân tâm. Và bệnh nhân phụ thuộc vào nhà phân tâm như hình ảnh người bố của họ và bản thân cái hình ảnh người bố này lại cũng chịu cùng chứng bệnh, cùng bệnh tinh thần phân liệt, cùng nhân cách chia chẻ.
Phương pháp phương Đông do các nhà huyền môn trao cho ngay chỗ đầu tiên đem lại chân giá trị cho con người, cho con người lòng tự hào và làm cho con người nhận biết: bạn có một cội nguồn nhận biết được giấu kín - chỉ cần đánh thức nó và trở nên nhận biết về tâm trí. Bạn không phải làm gì cả; chỉ trở nên nhận biết về tâm trí, bạn là tách biệt. Và khoảnh khắc bạn tách biệt ra, bạn không còn nuôi dưỡng gốc rễ của tâm trí nữa. Tâm trí chẳng mấy chốc sẽ khô héo đi, không có phân tích gì; cần gì phải phân tích nó?
Đó là lí do tại sao Bồ đề đạt ma nói: Nhận biết, ngắm nhìn tâm trí, là phương pháp bản chất nhất để có đột phá. Và một khi bạn đã đi một bước vượt ra ngoài tâm trí, bạn đã đi vào thế giới của niết bàn, bạn đã đi vào thế giới của ánh sáng và cuộc sống vĩnh hằng. Bạn đã đạt tới toàn vẹn tâm linh, tự do và cực lạc mênh mông mà tâm trí thậm chí không thể nào mơ về điều đó được.
Những người hiểu tâm trí đạt tới chứng ngộ với nỗ lực tối thiểu. Nhưng người không hiểu tâm trí thực hành trong vô vọng.
Và nhà phân tâm nên được tính vào những người không hiểu tâm trí, và đang thực hành trên mình và người khác cái gì đó tuyệt đối vô ích. Đấy là lãng phí cực kì về thời gian và cuộc sống và năng lượng. Phân tâm học phải hiểu cách thức huyền học của phương Đông, và thế thì nó sẽ trải qua biến đổi và nó sẽ cực kì có ích cho mọi người.
Nhưng rắc rối là nghề này sẽ mất đi, và hàng nghìn nhà phân tâm hiện đang kiếm biết bao nhiêu tiền sẽ không sẵn sàng cho toàn thể nghề này bị kết thúc. Đây là vấn đề. Nó là vấn đề sâu sắc đến mức phải tìm ra cách thức nào đó. Bằng không, cho dù ai đó có hiểu sự kiện này một cách trí tuệ, người đó sẽ không sẵn sàng để làm gì cả, bởi vì điều đó sẽ phá huỷ quyền lợi được đầu tư của riêng người đó.
Điều này cũng giống như các bác sĩ: họ giúp bệnh nhân được chữa bệnh, nhưng sâu bên dưới họ muốn bệnh nhân được chữa bệnh lâu nhất có thể được. Họ không muốn làm chết bệnh nhân bởi vì điều đó không giúp ích gì cho nghề của họ cả, nhưng họ muốn người đó treo lơ lửng giữa sống và chết lâu nhất có thể được, bởi vì người đó càng treo lâu giữa sống và chết, họ càng kiếm được tiền lâu hơn. Nếu người đó được chữa khỏi, việc kiếm tiền của họ chấm dứt. Nếu người đó chết, việc kiếm tiền của người đó chấm dứt. Cho nên họ không muốn người đó sống không muốn người đó chết. Họ muốn... và đây là chính điều rất vô ý thức, có thể không bác sĩ nào nhận biết rõ ràng về điều đó.
Tôi đã nghe... Một thanh niên về nhà từ trường đại học y sau khi thu được đủ mọi bằng cấp. Bố anh ta là một bác sĩ và ông ta cho con mình đi học để cũng trở thành bác sĩ. Vào ngày đầu tiên đi thực hành, anh ta thấy một bà già mà anh ta vẫn thấy hay đến với bố mình khi anh ta còn là đứa trẻ. Anh ta không thể nào tin nổi rằng bà ấy vẫn chưa được chữa khỏi.
Anh ta nói với bố, “Bây giờ con đã ở đây rồi, và bố già rồi và phải nghỉ thôi. Bố nghỉ đi. Con sẽ chăm sóc bệnh nhân.”
Và sau ba ngày anh ta bảo với ông bố già, “Bố sẽ ngạc nhiên: cái bà mà bố không thể nào chữa khỏi trong ba mươi năm, con đã chữa hỏi trong ba ngày.”
Ông bố lấy tay cốc vào đầu đứa con. Ông ấy nói, “Đồ ngu! Bà đó đã chu cấp tiền cho giáo dục của con đấy! Và con đã chữa khỏi cho bà ấy. Bà ấy giầu đến mức bà ấy có thể có khả năng chu cấp cho hai em con nữa đang học đại học. Và bà ấy còn đủ mạnh khoẻ, bà ấy sẽ không chết, nhưng chúng ta phải giữ cho bà ấy chỉ ở lưng chừng thôi.”
Đứa con không thể nào hiểu nổi. Ông già nói, “Trước hết học qui tắc cơ bản này: nếu người nghèo tới với con, chữa cho người ấy thật nhanh vào. Còn nếu người giầu tới con, thế để thời gian của con ra; chữa cho chậm vào.”
Để tránh tình thế này ở Trung Quốc, họ đã thực hành trong hàng nghìn năm một hệ thống rất khác biệt. Và tôi nghĩ rằng hệ thống này nên là hệ thống cho con người tương lai nữa. Tại Trung Quốc, lang y không được trả tiền do việc chữa cho bệnh nhân, người đó được trả tiền nếu bệnh nhân vẫn còn mạnh khoẻ. Mọi lang y đều có bệnh nhân của mình và bệnh nhân trả tiền cho ông ta nếu họ vẫn còn mạnh khoẻ. Nếu họ bị ốm, thế thì việc trả tiền cho ông lang dừng lại. Thế thì ông ấy phải chữa cho họ bằng tiền riêng của mình.
Điều này có vẻ kì lạ, nhưng ở Liên Xô họ cũng đã bắt đầu cùng quá trình này - họ đang thực nghiệm trên qui mô nhỏ. Nhưng quá trình này là cực kì có ý nghĩa. Mọi người nên được trao cho một bác sĩ nào đó, một khu vực nào đó nên được trao cho người đó. Nếu mọi người đều mạnh khoẻ trong vùng đó, họ phải trả tiền cho bác sĩ; họ trả vì sức khoẻ của mình. Nhưng nếu họ bị lâm bệnh, thế thì bác sĩ phải chữa cho họ bằng tiền túi của mình. Một cách tự nhiên bác sĩ sẽ chữa cho họ nhanh chóng và bác sĩ sẽ không muốn ai bị ốm cả. Hiển nhiên Trung Quốc đã là nước mạnh khoẻ hơn bất kì nước nào khác trên thế giới. Họ đã thay đổi toàn thể hình mẫu.
Nhà phân tâm nên được trả tiền chỉ nếu người là bệnh nhân của ông ta đang trở nên độc lập, tỉnh táo, đi ra ngoài tâm trí, Nhưng nếu người đó rơi vào trong tâm trí hay ở dưới thấp hơn tâm trí, thế thì nhà tâm lí phải chữa cho người đó bằng tiền túi của mình. Điều đó sẽ thay đổi toàn thể tình huống.
Nhận biết là quyền năng riêng của bạn.
Và việc phụ thuộc vào quyền năng riêng của mình đem lại tự do lớn lao và thẩm quyền lớn lao và sự toàn vẹn lớn lao. Tâm trí bị cắt đi từ gốc rễ; chẳng mấy chốc nó khô héo đi. Và không gian mà tâm trí đang chiếm giữ không còn bị cái gì chiếm giữ nữa; nó bây giờ là không gian thuần khiết. Đó là bản thể thực, đích thực của bạn.
Chỉ trong dòng cuối cùng này tôi không thể nào đồng ý với Bồ đề đạt ma . Tôi không biết - và cũng không có cách nào để biết cả - liệu đấy là dòng riêng của ông ấy hay do đệ tử ông ấy thêm vào khi họ viết ra những lời ghi chép này. Nhưng điều đó cũng không thành vấn đề. Vấn đề là ở chỗ tôi phải làm cho bạn nhận biết rằng dòng cuối cùng là sai khi ông ấy nói: Tìm cái gì đó bên ngoài tâm trí là không thể được. Không, không phải vậy. Đó là khả năng duy nhất cho sự trưởng thành của con người. Đó là khả năng duy nhất cho chứng ngộ: vượt ra ngoài tâm trí.
Cho nên tôi muốn thêm vào: Tìm cái gì đó bên ngoài tâm trí là không thể được... ngoại trừ bản thân bạn, ngoại trừ chứng ngộ, những cái tên khác của cùng một thứ.
Việc tìm thấy bản thân bạn là chứng ngộ.
Ngoại trừ chứng ngộ, chắc chắn bạn sẽ không tìm thấy cái gì bên ngoài tâm trí. Nhưng không có sự bổ sung này thì phát biểu đó vẫn còn nguy hiểm và có thể làm hư hỏng tâm trí của mọi người. Họ có thể dừng lại với tâm trí, cứ nghĩ rằng không có gì bên ngoài nó cả. Và thực ra, mọi thứ đều ở bên ngoài nó. Cái gì trong tâm trí bạn? Chỉ toàn bong bóng xà phòng, chữ kí trên nước, hay nhiều nhất thì cũng là lâu đài cát mà chỉ một cơn gió nhỏ thoảng qua cũng có thể làm sụp đổ.
Tâm trí bạn không là gì ngoài hư cấu. Nhưng khi bạn đang sống trong hư huyễn nó có vẻ hạnh phúc hơn. Quan sát nó từ bên ngoài và hư huyễn đó biến mất.
Nhưng đệ tử này hỏi: Nhưng làm sao ngắm nhìn tâm trí có thể được gọi là hiểu biết?
Khi một bồ tát vĩ đại đào sâu vào trí huệ hoàn hảo, ông ấy nhận ra... hoạt động của tâm trí mình có hai khía cạnh: thuần khiết và không thuần khiết...
Không cần phải là một bồ tát vĩ đại mới biết tới sự kiện đơn giản này. Bạn có thể nhìn vào trong tâm trí mình và bạn sẽ thấy phân biệt này: rằng bạn có những hoạt động thuần khiết, và những hoạt động không thuần khiết. Bạn có yêu, bạn có ghét; bạn có an bình, bạn có căng thẳng; bạn có từ bi, bạn có độc ác; bạn có sáng tạo và bạn có phá huỷ. Không cần phải là bồ tát vĩ đại; mọi người có tâm trí đều có thể biết mà không cần nỗ lực gì rằng nó có hai khía cạnh: thuần khiết và không thuần khiết.
... tâm trí thuần khiết vui sướng trong hành vi tốt, tâm trí không thuần khiết nghĩ tới điều ác. Những người không bị ảnh hưởng bởi tâm trí không thuần khiết là hiền nhân.
Lần nữa tôi muốn bổ sung thêm chút ít, bằng không sẽ có hiểu lầm. Kinh nói: Những người không bị ảnh hưởng bởi tâm trí không thuần khiết là hiền nhân. Họ có bị ảnh hưởng bởi thuần khiết không? Thực ra định nghĩa về hiền nhân là người không bị ảnh hưởng bởi bất kì cái gì, thuần khiết hay không thuần khiết, bởi vì người có thể bị ảnh hưởng bởi thuần khiết không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi không thuần khiết. Họ không khác nhau đến thế. Cho nên tôi muốn nói: Những người không bị ảnh hưởng bởi thuần khiết hay không thuần khiết là hiền nhân.
Họ siêu việt lên trên đau khổ và kinh nghiệm phúc lạc của niết bàn. Tất cả những người khác, bị mắc bẫy bởi tâm trí không thuần khiết và bị vướng víu bởi nghiệp của riêng mình, là những người hữu tử. Họ trôi dạt qua ba cõi giới và chịu đựng vô hạn ưu phiền. Và tất cả là bởi vì tâm trí không thuần khiết của họ che mờ đi cái ta thực của họ.
Tâm trí giống như đám đen mây tối bao quanh bạn. Thực tế nó không làm hư hỏng cái ta của bạn, nhưng bởi vì đám mây đen đó mà bạn không thể thấy được mặt trời. Mặt trời không bị ảnh hưởng bởi mây đen. Nó vẫn chiếu sáng trong sự huy hoàng của nó, nhưng mây đen có thể che phủ nó nhiều đến mức thậm chí ngày bắt đầu có vẻ giống như đêm.
Kinh về mười giai đoạn nói, “Trong thân thể của người hữu tử là bản tính phật không thể huỷ diệt nổi. Giống như mặt trời, ánh sáng của nó trút đầy không gian vô hạn. Nhưng một khi bị che bởi đám mây đen của năm uẩn, nó giống như ánh sáng bên trong bình, khuất khỏi tầm nhìn.” Và Kinh Niết bàn nói, “Tất cả những người hữu tử đều có bản tính phật. Nhưng nó bị che phủ bởi bóng tối mà họ không thể thoát khỏi từ đó. Bản tính phật của chúng ta là nhận biết: việc nhận biết và làm cho người khác nhận biết. Nhận ra nhận biết là giải thoát.”
... Giải thoát khỏi tâm trí, giải thoát khỏi mọi nghiện ngập, giải thoát khỏi thuần khiết và không thuần khiết, giải thoát khỏi thiện và ác, giải thoát khỏi Thượng đế và quỉ, giải thoát khỏi mọi nhị nguyên và đi vào trong cái một với sự tồn tại.
Mọi thứ tốt có nhận biết về gốc rễ của nó. Từ gốc rễ của nhận biết này mọc lên cây của mọi đức hạnh và quả của niết bàn.
Đây là lời kinh có ý nghĩa. Những nhà đạo đức, những nhà luân lí của thế giới đã từng dạy mọi người, “Làm việc tốt, làm từ thiện, phục vụ người nghèo, học tốt bụng, đức hạnh, vô dục, chấm dứt sở hữu; mọi phẩm chất tốt bạn đều phải thực hành.”
Nhưng Bồ đề đạt ma đang nói điều tôi đã từng nói trong cả đời mình: rằng những điều này không thể nào được thực hành; chúng là sản phẩm phụ. Bạn chỉ có thể tạo ra nhiều nhận biết trong bản thân mình, và tất cả những điều này sẽ tới theo cách riêng của chúng. Và thế thì chúng có cái đẹp của riêng chúng. Nếu được thực hành chúng chỉ là đạo đức giả - chúng không đi rất sâu. Chúng chỉ là mặt nạ, nhưng chúng không làm thay đổi khuôn mặt nguyên thuỷ của bạn.
Đây là chỗ mà đạo đức và tôn giáo đích thực khác nhau hoàn toàn. Đạo đức dạy bạn những điều hời hợt: tốt với người khác, hiền với người khác, là người tử tế, không bạo hành, từ bi và tránh mọi điều bị coi là ác - tàn nhẫn, giận dữ, tham lam. Bạn có thể đảm đương, hàng triệu người đang đảm đương điều đó. Và họ được kính trọng sâu sắc, bởi tất cả những kẻ ngu xuẩn mà thế giới này đầy. Nhưng đạo đức của họ thậm chí không sâu hơn lớp da. Chỉ cào họ chút xíu, và bỗng nhiên bạn sẽ thấy họ đã quên hết mọi việc tập tành và bản tính man rợ thực của họ lòi ra.
Tôi đã nghe về một vị thánh Ki tô giáo, người liên tục lặp lại trong bài thuyết giáo của mình, “Khi ai đó tát vào má này của con, nhớ tới Jesus Christ và điều ông ấy đã nói: ‘Chìa má bên kia ra cho người đó.’” Nó là một giáo huấn hay, nhưng chỉ nếu nó tới từ cốt lõi bên trong nhất của bạn. Nếu nó tới từ nhận biết của bạn, nó có ý nghĩa khác. Nếu bạn thực hành nó, thế thì nó không có giá trị gì mấy.
Một hôm chuyện xảy ra: Một anh chàng tinh quái, chỉ để xem liệu bản thân vị thánh này có chìa má mình ra hay không, đứng dậy và anh ta nói, “Bây giờ chúng ta xem: cha đã dạy đi dạy lại chúng tôi chìa má kia ra.” Anh ta là người lực lưỡng cho nên vị thánh này rất sợ hãi, và kẻ lực lưỡng này tiến tới và tát cho vị thánh một cái tát thẳng cánh vào một bên má. Nhưng vị thánh phải giữ lấy lời của mình; toàn thể giáo đoàn đang kia và mọi người đều đang quan sát điều gì sẽ xảy ra.
Ông ta chìa má kia ra nghĩ bụng, “Ta chưa bao giờ làm hại cho thằng cha này. Nó nên cảm thấy xấu hổ và mặc cảm.” Nhưng kẻ lực lưỡng này thực là một tay tinh quái. Anh ta giáng một cái tát còn mạnh hơn vào má bên kia. Nhưng thế rồi anh ta bỗng nhiên ngạc nhiên và toàn thể giáo đoàn cũng ngạc nhiên: vị thánh nhảy lên người kẻ lực lưỡng và bắt đầu đánh đấm anh ta túi bụi. Anh ta không trông đợi điều đó. Mặc dầu anh ta là người lực lưỡng nhưng anh ta quên mất; điều đó bất ngờ thế. Anh ta đơn giản xoay xở nói, “Ông làm gì vậy?”
Vị thánh nói, “Ta làm gì à? Jesus chỉ nói: ‘Chìa má kia ra’. Ta không có má thứ ba. Bây giờ ta thoát khỏi kỉ luật đó và ta sẽ cho mi biết điều đó nghĩa là gì.”
Rất dễ thực hành, nhưng thực hành có một tầng rất mỏng mà có thể bị rách ra.
Một sannyasin vài ngày trước đây có hỏi tôi... cô ấy đang theo học lớp buổi tối, đang đi xe đạp tới chỗ cô ấy trọ. Và một tên người Poona đi tới trên xe máy, dừng cô gái đáng thương lại và bóp một vú cô ấy. Điều này ở Poona người ta gọi là “văn hoá Hindu”.
Cô gái hỏi tôi, “Theo như Jesus Christ thì con có phải đưa vú bên kia nữa ra cho nó không?” Ngay cả tôi cũng không nghĩ tới điều đó, đấy không chỉ là vấn đề về cái má. Cô ấy đã hỏi một câu hỏi thực là sâu sắc, “Thầy nói gì, tôi phải làm gì trong tình huống như vậy?”
Nhưng về cơ bản giáo huấn của Christ chỉ là đạo đức. Bạn không cần phải chìa má kia ra, và bạn không phải đưa vú kia ra. Bạn phải tát kẻ kia một cái thật mạnh nhất, bởi vì những kẻ sô vanh Hindu này... và thành phố này có bản ngã kì lạ. Họ nghĩ nó là thành phố rất văn hoá; nó là thành phố chết, nó là nghĩa địa. Nhưng chắc chắn trong nghĩa  địa không cái gì xảy ra cả. Làm sao con ma này xoay xở tới trên chiếc xe máy tôi không biết, nhưng ma quan tâm tới vú phụ nữ bởi vì cả đời chúng, khi chúng còn sống, chúng đã quan tâm tới vú phụ nữ. Cho nên thậm chí khi chúng chết, thói quen cũ vẫn tiếp tục.
Không cần... giáo huấn của tôi không phải là chìa má kia ra, bởi vì bạn sẽ làm gì khi người kia đánh vào má kia? Bạn không có má thứ ba!
Câu hỏi của cô ấy nhắc nhở tôi về một cuộc hội nghị của các nhà phân tâm. Một nhà phân tâm rất già, người đã là đệ tử của Sigmund Freud, đã đọc một bài báo trước hội nghị này. Và ở ngay hàng trước là một phụ nữ rất xinh đẹp, cũng là nhà phân tâm. Một nhà phân tâm khác, người rất nổi tiếng, đang nghịch vú cô ấy. Và điều đó là quấy rối thường xuyên cho ông già đáng thương đang đọc bài báo. Ông ta giấu cặp mắt mình, nhưng dầu vậy - ông ta sau rốt cũng là đàn ông, cùng loại đàn ông... Cho nên thỉnh thoảng ông ta lại liếc nhìn điều đang diễn ra. Và ông ấy không thể nào tin được cái loại đàn bà gì thế này... mà một lão già xấu xí đang nghịch vú cô ấy còn cô ấy thì nghe bài báo cứ dường như không có gì xảy ra cả. Và biết bao nhiêu điều xảy ra cho người đang đọc bài, người không có vú và không có ai làm gì cho người đó!
Nhưng câu hỏi: đây là cái loại đàn bà gì thế này? Người đàn ông này đơn giản xấu xí mặc dầu ông ấy là nhà phân tâm nổi tiếng. Nhưng nổi tiếng đâu có làm thay đổi con người; nổi tiếng đơn giản làm cho họ đạo đức giả nhiều hơn, nổi tiếng đơn giản làm cho họ làm mọi điều trong bóng tối, từ cửa sau. Cửa trước của họ vẫn được giữ rất sạch sẽ và rất thuần khiết, với ảnh của mọi vị thánh vĩ đại.
Bằng cách nào đó ông này xoay xở kết thúc bài nói. Thật là rất khó để kết thúc bài báo - bởi vì ưu tiên của ông ấy là để hỏi người phụ nữ này - và khi ông ấy kết thúc bài báo, ông ấy bước xuống bục và đi thẳng tới người phụ nữ này. Khi ông ấy tới đó, ông già kia vội rụt tay lại. Ông ấy nói với người phụ nữ, “Suốt cả thời gian tôi đọc bài, tôi đã thấy người này nghịch vú cô, mà cô đã không phản đối.”
Người phụ nữ nói, “Tôi là nhà phân tâm. Đấy là vấn đề của ông ấy. Mặc dầu ông ấy già, ông ấy vẫn còn chưa trưởng thành; ông ấy vẫn trẻ con, chưa chín chắn. Đấy là vấn đề của ông ấy; không có gì phải lo nghĩ cả.”
Người đọc bài nghĩ thấy lạ nhưng điều đó cho ông ta một ý tưởng rằng đấy cũng là vấn đề của ông ta nữa. Sao ông ta bị quấy rối? Có lẽ ông ấy muốn ở vị trí của ông già kia...
Cái gọi là các nhà đạo đức của bạn, cái gọi là các nhà thuyết giảng của bạn, cái gọi là các nhà phân tâm của bạn, cái gọi là các triết gia của bạn nông cạn thế. Và họ lại đang mang toàn thể tải trọng vấn đề bên trong họ, bởi vì họ đã không chặt đứt gốc rễ và họ đã nhận toàn thể tình huống từ đầu sai.
Bồ đề đạt ma là rất rõ ràng khi ông ấy nói: Mọi thứ tốt đều có tính nhận biết về gốc rễ của nó. Từ gốc rễ của nhận biết này nảy sinh cây của mọi đức hạnh và quả của niết bàn. Ông ấy siêu việt lên rất xa trên các nhà đạo đức, người khắt khe về đạo đức, cái gọi là những người tốt, người làm điều tốt. Ông ấy đã chạm tới tận đáy tảng đá của vấn đề.
Chừng nào mà nhận biết còn chưa nảy sinh trong bạn, tất cả đạo đức của bạn đều hư huyễn, tất cả văn hoá của bạn đơn giản là một tầng mỏng mà có thể bị bất kì ai phá huỷ đi. Nhưng một khi đạo đức của bạn đã bắt nguồn từ nhận biết của bạn, không phải từ kỉ luật nào đó, thế thì đấy là vấn đề hoàn toàn khác. Thế thì bạn sẽ đáp ứng trong mọi tình huống từ nhận biết của mình. Và bất kì điều gì bạn làm đều sẽ là tốt.
Nhận biết không thể làm được điều gì xấu. Đó là cái đẹp tối thượng của nhận biết, rằng bất kì cái gì bắt nguồn từ nó đều đơn giản là đẹp, nó đơn giản đúng, và không có nỗ lực nào, không có thực hành nào.
Cho nên thay vì cắt lá và cành, chặt rễ đi. Và để chặt rễ không có phương pháp nào khác hơn phương pháp đơn giản này: phương pháp là tỉnh táo, là nhận biết, là có ý thức. Có ý thức hơn, và mọi thứ sẽ xảy ra qua bạn sẽ làm đẹp cho sự tồn tại này, làm cho nó thiêng liêng hơn, làm cho nó chín muồi hơn. Nhận biết của bạn sẽ không chỉ đem tới hoa cho bạn; nó sẽ đem tới hương thơm cho hàng triệu người.
Nhận biết là chìa khoá vàng mở cánh cửa của Thượng đế.
Được chứ, Maneesha? Vâng, thưa Osho.

Ads Belove Post