Chương 10. Chân không tuyệt đối

Chương 10. Chân không tuyệt đối

Price:

Read more

Osho - Kinh Kim Cương
Chương 10. Chân không tuyệt đối

Câu hỏi thứ nhất:
Osho kính yêu,

Ngay cả trong mối quan hệ của tôi với thầy, ngôn ngữ càng ngày càng trở nên ít quan trọng. Tại sao phật và bồ tát cần nói để làm gì?
Bạn nói gì thế, việc nói gì vậy? Nó chưa bao giờ xảy ra cả. Chẳng ai nói điều gì và chẳng ai nghe điều gì cả. Kinh Kim Cương không chứa đựng câu kinh nào trong nó, Mahasatva, đó là lí do tại sao nó được gọi là Kinh Kim Cương. Nó là trống rỗng hoàn toàn. Nếu bạn mắc kẹt trong từ ngữ thì bạn sẽ bỏ lỡ thông điệp. Kinh Kim Cương là trống rỗng tuyệt đối. Không có thông điệp nào trong nó. Không có gì để đọc và cũng chẳng có gì để nghe. Nó là im lặng hoàn toàn.
Nếu bạn đọc được điều gì đó trong Kinh Kim Cương, thì bạn đã lỡ nó rồi. Nếu bạn tìm thấy học thuyết nào đó trong nó, triết lí nào đó trong nó, thế thì bạn phải đang tưởng tượng, đấy phải là giấc mơ của bạn. Phật không nói gì cả, ông Subhuti cũng chẳng nghe gì cả. Trong cái không-nói và không-nghe này, cái gì đó đã xảy ra - cái gì đó vượt ra ngoài từ ngữ. Ông Ananda đã cố gắng bắt lại cho bạn bằng từ ngữ, nhưng điều đó không hề được truyền đạt bằng từ ngữ. Đấy là giao cảm giữa hai cái trống rỗng.
Bạn ra bờ biển và bạn thấy buổi sáng, và không khí mát mẻ và những tia sáng mặt trời và những ngọn sóng, rồi bạn về nhà và kể lại cho ai đó điều bạn đã thấy. Thế thì bạn kể toàn bằng lời. Từ ‘biển’ không phải là biển, từ ‘mặt trời’ không phải là mặt trời, từ ‘mát mẻ’ cũng chẳng phải là sự mát mẻ. Làm sao bạn truyền cảm được? Bạn mới trở lại từ bãi biển và người yêu của bạn hỏi, ‘Có chuyện gì vậy?' Bạn đem tất cả những điều đã xảy ra vào từ ngữ, mặc dù bạn vẫn biết rõ rằng sự vật không thể gói ghém được trong từ ngữ, nó không thể được thu gọn lại trong từ ngữ. Từ ngữ sao mờ nhạt thế.
Cái gì đó chắc chắn đã xảy ra giữa Phật và ông Subhuti, cái gì đó siêu việt. Có thể họ chỉ nhìn vào mắt nhau. Sự hiện diện của Phật làm nẩy ra cái  gì đó trong  tâm thức  ông Subhuti. Ông Ananda cố gắng kể lại điều đó cho bạn. Bạn mù. Bạn không thấy được ánh sáng, bạn chỉ nghe được chữ ‘ánh sáng’.
Cho nên nhớ lấy: Kinh Kim Cương không có chút gì của một bản kinh, và đó là lí do tại sao nó lại được gọi là Kinh Kim Cương, quí báu nhất, bởi nó không chứa đựng triết lí, hệ thống, lí thuyết, nào cả. Nó không chứa lời nào cả, nó là cuốn sách trống rỗng.
Nếu bạn có thể quên đi các từ ngữ và đi sâu hơn vào các khoảng trống giữa chúng, nếu bạn có thể quên đi các dòng và có thể đi sâu hơn giữa các dòng, giữa các khoảng cách, giữa các chỗ dừng, thế thì bạn sẽ phát hiện được điều gì đã xảy ra. Đây không phải là truyền đạt bằng lời.
Cả tôi cũng vậy, tôi nói với bạn nhưng tôi vẫn muốn nhắc nhở bạn rằng thông điệp của tôi không nằm trong lời tôi. Bạn sẽ phải bước lên những lời này để nhận nó. Dùng những lời này như chiếc thang, như những bậc đá. Nhớ lấy, những bậc đá có thể biến thành chướng ngại nếu bạn không biết cách bước trên chúng.
Bạn phải lắng nghe cái im lặng trong im lặng.
Mahasatva, Phật không nói một lời nào, và ông Subhuti cũng chẳng nghe một lời nào. Chính vì lòng từ bi mà ông Ananda đã lập vài bản đồ cho bạn. Bản đồ đó không phải là các quốc gia. Nếu bạn có tấm bản đồ Ấn Độ, thì bản đồ đó không phải là Ấn Độ, nó không thể là Ấn Độ được. Làm sao nó lại là Ấn Độ được? Nhưng nó có thể giúp bạn trong chừng mực nào đó; nó có thể dẫn bạn tới Ấn Độ thật. Nó giống như như mũi tên trên cột cây số bên vệ đường; nó trỏ tới cái gì đó.
Toàn bộ Kinh Kim Cương chỉ ra sự im lặng, do đó có biết bao nhiêu mâu thuẫn trong nó, vì chỉ qua mâu thuẫn mà im lặng mới có thể được tạo ra. Mỗi từ được thốt ra đều phải có ngay một từ đối lập để chúng tiêu huỷ lẫn nhau và trong tỉnh thức, người ta cảm thấy cái im lặng.

Câu hỏi thứ hai:
Càng đi sâu vào trong bản thân mình, tôi càng cảm thấy một mình. Chỉ có cái không. Và đôi khi, nhìn vào mắt thầy, tôi cũng cảm thấy trống rỗng mênh mông.

Nếu đó là điều tự nhiên - nếu việc một mình là nền tảng, là chính bản chất của bản thể tôi - thì làm sao, ngay từ đầu, có thể nẩy ra ý nghĩ hão huyền rằng ta có thể trở thành một, rằng ta có thể yêu một ai đó vĩnh viễn? Và tại sao lại đau đớn đến thế, khi ta biết đó là ảo tưởng? Xin thầy làm rõ mối nghi ngờ của tôi.
Bạn là kẻ nghi ngờ và bạn là sự nghi ngờ. Không có nghi ngờ nào khác. Thứ nhất, khi bạn nói, "Càng đi sâu vào trong bản thân mình, tôi càng cảm thấy một mình," nếu bạn thực sự đi sâu vào nội tâm, bạn sẽ cảm thấy cái một mình, nhưng bạn sẽ không cảm thấy, "Tôi một mình", bởi vì thế thì có hai cái: cái tôi và cái một mình. Thế thì bạn không một mình. Thế thì có người kinh nghiệm và cái được kinh nghiệm, người quan sát và cái được quan sát. Thế thì bạn không một mình; cái khác có đó - và cái khác đó là kinh nghiệm.
Khi bạn thực sự đi sâu vào bản thân mình, bạn sẽ không tìm thấy bản thân mình; đó là toàn bộ điều cần hiểu. Các con sóng chỉ tồn tại trên bề mặt. Nếu bạn đi sâu vào trong đại dương, bạn sẽ không tìm thấy sóng... hay bạn có thấy? Làm sao bạn có thể tìm thấy sóng ở dưới sâu được? Chúng chỉ tồn tại trên bề mặt, chúng chỉ có thể tồn tại trên bề mặt. Chúng cần gió để tồn tại.
Cái ‘tôi’ cũng chỉ tồn tại trên bề mặt, vì nó cần có cái ‘người’, gió của cái người, để tồn tại. Khi bạn đi sâu vào bản thân mình, không còn có gió nữa, không còn cái người nữa. Làm sao có thể có cái ‘tôi’ ở đấy được? Tôi và người tồn tại theo một cặp, chúng không bao giờ tách rời nhau. Vâng, bạn sẽ thấy tính một mình, nhưng không có tính ‘tôi’. Và một mình là đẹp. Để tôi nhắc bạn lần nữa: từ tiếng Anh một mình ‘alone’ có nghĩa là ‘all one’ tất cả một. Đó là cách nó được cấu tạo nên - all one tất cả một. Trên bề mặt, bạn là tách biệt với tất cả. Thực tế, trên bề mặt bạn là đơn độc vì bạn tách biệt với tất cả. Đi vào chiều sâu, khi bạn đã biến mất, không còn phân biệt giữa bạn và tất cả. Tất cả là một, bạn không còn nữa, tính một mình hiện hữu.
Bạn nói "Càng đi sâu vào bản thân mình, tôi càng cảm thấy một mình." Có lẽ bạn tưởng tượng rằng bạn đã đi thật sâu vào bản thân mình. Tâm trí có thể cứ chơi các trò chơi. Nó có thể chơi trò một mình, nó có thể chơi trò đang cầu nguyện, nó có thể chơi trò đang thiền, nhưng nếu cái ‘tôi’ còn đó, thế thì bạn có thể chắc chắn đó là một trò chơi, chẳng có chút gì là thật xảy ra cả. Đó là lí do tại sao ham muốn về người khác sẽ xuất hiện.
Cái ‘tôi’ không thể tồn tại một mình. Nó cần có người khác để nâng đỡ nó, nuôi nấng nó, nuôi dưỡng nó. Nó sẽ đưa bạn trở lại với người khác. Đó là lí do tại sao khi bạn đơn độc, bạn thường bắt đầu nghĩ đến người yêu, bạn bè, bố, mẹ, thế này thế nọ, cả nghìn lẻ một thứ. Bạn tự bịa ra ‘người’ tưởng tượng. Nếu một người bị để cô lập trong hơn ba tuần thì người đó sẽ bắt đầu nói với chính mình. Người đó tạo ra toàn bộ cuộc đối thoại. Người đó tự chia ra làm đôi - tôi và người. Người đó trở thành hai để trò chơi có thể được chơi. ‘Tôi’ không thể tồn tại tách biệt với ‘người’.
"Càng đi sâu vào bản thân mình, tôi càng cảm thấy một mình."
Không, bạn chỉ cảm thấy đơn độc. Bạn đừng dùng hai từ này đồng nghĩa. Đơn độc là tiêu cực, một mình là tích cực. Đơn độc đơn giản nghĩa là bạn thiếu người khác. Người khác vắng mặt, có lỗ hổng trong bạn. Một mình nghĩa là bạn hiện diện, không có lỗ hổng trong bạn. Bạn hoàn toàn hiện diện, bạn tuyệt đối có đấy. Đơn độc là việc thiếu người khác, một mình là sự hiện diện của bản thể vĩnh hằng của bạn.
Bạn bảo "Chỉ có cái không." Không, nếu chỉ có cái không thế thì chẳng có vấn đề gì cả. Nếu chỉ có cái không và không có ai để biết nó, không có ai để cảm thấy nó, thế thì chẳng có vấn đề gì cả. Thế thì từ đâu ra mà có nghi ngờ? Làm sao nghi ngờ lại nảy sinh? Không, bạn có đấy. Cái không đó là hư huyễn vì bạn có đấy. Làm sao nó lại có thể là cái không được? Đó chỉ là ý niệm của bạn.
Điều này thường xảy ra trong gia đình tôi khi tôi còn là đứa trẻ. Tôi lười lắm - tôi vẫn lười biếng - tôi lười lắm, cực kì lười, đến nỗi cả nhà chẳng còn hi vọng gì với tôi. Vì tôi chẳng làm việc gì cả, dần dần cả nhà quên mất sự tồn tại của tôi. Tôi cứ ngồi mãi ở một xó nhà, mắt nhắm hay mở, nhưng đối với mọi người, coi như tôi vắng mặt, vì thế cuối cùng mọi người quên mất là tôi hiện diện.
Đôi khi mẹ tôi cần thứ gì đó ngoài chợ, rau cỏ hay thứ gì đó, trong khi tôi vẫn ngồi yên trước mẹ tôi còn mẹ tôi thì nói, "Dường như chẳng có ai ở đây cả." Mẹ tôi ngồi ngay trước tôi và nói với tôi, "Dường như chẳng có ai ở đây cả. Tôi cần người ra chợ mua rau." Và tôi vẫn ngồi ngay trước mẹ tôi còn mẹ thì nói, "Chẳng có đứa nào ở đây cả."
Tôi được coi là không ai cả. Thậm chí nếu có con chó hoang nào đi vào nhà, tôi cũng mặc kệ. Ngồi ngay gần cửa, con chó đi vào còn tôi quan sát. Mẹ tôi chạy đến và bảo, "Chẳng có đứa nào ở đây đuổi con chó kia ra à?" Thế mà tôi vẫn ngồi đó.
Mọi người dần dà chấp nhận rằng tôi có đó cũng như không. Nhưng điều đó cũng chẳng có gì khác biệt nhiều: tôi vẫn ở đó. Tôi đã thấy con chó vào nhà, tôi đã nghe mẹ tôi nói. Tôi biết tôi có thể thu xếp để đi chợ mua rau cho bà. Và tôi đã cười vào toàn bộ ý niệm - rằng mẹ tôi cứ bảo là chẳng có ai cả.
Đó là điều đang xảy ra cho bạn. Bạn có đó nhưng bạn cứ bảo là cái không đang có đó. Bạn quên mất bản thân mình, bạn không tính đến bản thân mình, bằng không thì bạn vẫn có đó. Nếu bạn không có đó, thì ai là người nói cái không có đó? Thế thì có cái không khi bạn không có đó, thế thì có cái không thuần khiết. Trong cái thuần khiết đó, có niết bàn, chứng ngộ. Đó là nơi quí báu nhất để hiện hữu, nơi thênh thang nhất để hiện hữu. Nó là nơi mà mọi người đều tìm kiếm, vì nó là vô biên, vô hạn, và thuần khiết của nó là tuyệt đối. Nó không bị ô nhiễm bởi bất kì cái gì; ngay cả bạn cũng không có đó. Có ánh sáng và có tâm thức, nhưng không có cái ‘tôi’. Cái ‘tôi’ giống như khối tâm thức đông cứng, đóng băng. Tâm thức tựa như băng đã tan, chất lỏng, hay đúng hơn, như nước đã bốc hơi, đã trở thành vô hình.
Và bạn nói: "Và tại sao lại đau đớn đến thế, khi ta biết đó là ảo tưởng?" - người khác đấy. Nó đau đớn bởi vì cái ‘tôi’ bắt đầu chết. Nhận ra người khác là ảo tưởng, nhận ra tình yêu là ảo tưởng, là rất nặng nề, vì thế thì cái ‘tôi’ bắt đầu chết đi. Nếu bạn vứt bỏ cái ‘bạn’ thì cái ‘tôi’ không thể tồn tại được nữa. Và bạn không biết cái đẹp của việc vứt bỏ cái ‘tôi’.
Và bạn hỏi "Nếu đó là điều tự nhiên - nếu việc một mình là nền tảng, là chính bản chất của bản thể tôi - thì làm sao, ngay từ đầu, có thể nẩy ra ý nghĩ hão huyền rằng ta có thể trở thành một, rằng ta có thể yêu ai đó vĩnh viễn?"
Ý nghĩ này tới chỉ vì điều đó - vì tính một mình là nền tảng, là bản chất. Các kinh sách Hindu nói rằng Thượng đế một mình. Suy nghĩ một chút, quán tưởng Thượng đế một mình, một mình và một mình từ vĩnh hằng. Ngài chán sự một mình, nó đơn điệu. Ngài muốn tiêu khiển một chút, ngài tạo ra kẻ khác và bắt đầu trò chơi trốn tìm.
Khi bạn đã mệt mỏi với trò chơi, khi bạn trở nên ngán với trò chơi, thì bạn lại trở thành vị phật. Bạn lại vứt đồ chơi đi. Chúng do bạn tạo ra, giá trị do bạn tưởng tượng ra; bạn đặt giá trị lên chúng. Khoảnh khắc bạn rút đi giá trị này, chúng liền biến mất; bạn lại một mình.
Khái niệm Hindu này cực kì có giá trị, có ý nghĩa. Nó nói Thượng đế một mình, điều đó trở nên đơn điệu, và ngài bèn tạo ra thế giới, kẻ khác, duy nhất chỉ để tán gẫu chút ít với kẻ khác, có đối thoại chút ít. Thế rồi, đã bao lần, ngài lại mệt mỏi và chán kẻ khác ấy, ngài biến mất vào bản thân mình, ngài tìm lại được cái không của mình và lại thành thượng đế.
Tất cả các bạn đều là những thượng đế đang tự lừa mình. Đó là lựa chọn của bạn. Cái ngày bạn chọn không theo cách này nữa, bạn sẽ được tự do. Đó là giấc mơ của bạn. Vì tính một mình, vì cái một mình là phẩm chất tinh tuý của bản thể bạn, người khác đã được tạo ra.
Thử điều đó đi: bỏ ra vài tuần lễ đi đến vùng núi và ngồi một mình và bạn sẽ cảm thấy thích thú tuyệt vời. Mọi người đều mệt mỏi với quan hệ và ngán ngẩm chán chường. Đi lên núi và ngồi im lặng và bạn sẽ cảm thấy tuyệt vời thế, nhưng sau ba hay bốn ngày, năm ngày, bẩy ngày, ba tuần, bạn sẽ bắt đầu nghĩ đến người khác. Vợ bạn lại trở nên hấp dẫn bạn. Bạn quên đi tất cả những cáu kỉnh, tất cả những cằn nhằn. Bạn quên đi tất cả những điều mà cô ta đã từng gây cho bạn; bạn hoàn toàn quên tất cả. Cô ấy lại đẹp, cô ấy lại đáng yêu, cô ấy lại duyên dáng, khêu gợi. Hừ? - bạn lại đặt giá trị vào.
Thế thì bạn phải xuống núi về đồng bằng, và trong hai hay ba ngày bạn sống với vợ mọi sự đều tuyệt vời - một tuần trăng mật mới - và sau hai hay ba ngày mọi thứ lại thành khó khăn lần nữa, và bạn lại bắt đầu nghĩ đến thiền và im lặng. Cứ như vậy liên tục. Chỉ cần quan sát tâm thức của bạn cùng với những dao động của nó và qua nó bạn sẽ biết toàn bộ tiến trình của sự tồn tại, vì bạn là sự tồn tại thu nhỏ.
Con lắc của tâm thức cứ dao động liên tục giữa thiền và yêu, giữa một mình và bầu bạn. Và bởi vì tất cả các tôn giáo trên thế giới cho đến ngày nay đều hoặc nặng về tình thương hoặc nặng về thiền, và như vậy chúng vẫn phân mảnh, chúng không toàn bộ. Tôi đem đến cho bạn một tôn giáo toàn vẹn. Tôi không lựa chọn.
Chẳng hạn, Phật đã chọn thiền. Ông ấy đem đến cho bạn tình yêu về thiền, không tình yêu khác. Ông ấy chỉ dạy bạn hiện hữu một mình, tuyệt đối một mình và không gì khác nữa. Điều đó là tốt; nó cực kì tốt cho những người đã mệt mỏi và chán ngán thế giới. Ông ấy cũng đã mệt mỏi và chán ngán với thế giới rồi. Ông ấy là vua, không phải là kẻ ăn mày. Ông ấy đã mệt mỏi vì phụ nữ. Phụ vương ông ấy đã chọn cho ông ấy những cô gái đẹp nhất nước; hậu cung của ông ấy là một trong những nơi đẹp đẽ nhất. Nếu bạn có trong nhà tất cả những phụ nữ đẹp nhất thế gian, bạn có thể sống ở đó được bao lâu? Thử nghĩ một chút mà xem! Một người đàn bà, thế cũng đã quá đủ rồi! Bây giờ tất cả đàn bà đẹp nhất nước đều có đó. Phải phát điên lên. Nếu ông ấy trốn chạy, cũng chẳng có gì lạ. Tất cả những thú vui đều dành cho ông ấy, mọi loại hoan lạc đều được dành cho ông ấy. Chẳng có gì lạ nếu ông ấy phát chán! Ông ấy đã chuyển sang cực đối lập. Kẻ khác quá nhiều. Ông ấy trốn vào rừng, ông ấy trở thành một mình.
Có những tôn giáo về thiền, như Phật giáo và Jaina giáo, và những tôn giáo nặng về tình thương, như Ki tô giáo và Mô ha mét giáo. Và điều này phải được hiểu. Jesus là người nghèo, Mohammet cũng vậy. Điều này không thể ngẫu nhiên được. Mahavira là vua, Phật cũng vậy. Hai vị vương giả đã đem lại cho thế giới những tôn giáo về thiền, còn hai vị nhà nghèo thì đem lại cho thế giới tôn giáo về tình thương.
Người nghèo không thể chán người khác được. Người nghèo không có nhiều cái khác; người nghèo khao khát cái khác. Cái khác có thể là đàn bà hay tiền bạc hay quyền lực hay danh vọng hay Thượng đế; cũng chẳng khác biệt gì - cái khác là cần.
Ki tô giáo và Mô ha mét giáo là hai tôn giáo về cầu nguyện, tình yêu - tình yêu Thượng đế, cầu nguyện Thượng đế. Trong Phật giáo và Jaina giáo không có chỗ cho Thượng đế chút nào vì không có chỗ cho cái khác. Tính một mình là đủ. Trong Phật giáo và Jaina giáo không tồn tại bất kì cái gì như cầu nguyện, lời nói không được biết đến; họ chỉ biết có thiền. Ki tô giáo lại chẳng biết gì về thiền cả. Tất cả những đặc điểm trên không phải là ngẫu nhiên, chúng biểu lộ điều gì đó về những người sáng lập ra tôn giáo.
Tôi đem đến cho bạn một tôn giáo toàn bộ; một tôn giáo cho phép cả hai việc. Khi nào bạn thấy mệt mỏi về kẻ khác, thì đi vào thiền, nghiêng sang thiền. Khi nào bạn thấy mệt mỏi về một mình, nghiêng sang yêu đi. Cả hai đều tốt. Cả hai là mâu thuẫn nhau, nhưng qua mâu thuẫn đó nảy sinh niềm vui lớn. Nếu bạn chỉ có một thứ thì bạn sẽ không có loại giầu có đó. Một thứ có thể cho bạn im lặng hoặc có thể cho bạn niềm vui lớn, nhưng cả hai có thể đem lại cho bạn cái gì đó vô cùng quí báu, không gì sánh được. Có cả hai, chúng có thể cho bạn cực lạc lặng lẽ, niềm vui an bình. Trong thâm tâm bạn vẫn còn im lặng tuyệt đối, và ở phần ngoại vi là điệu vũ. Và mỗi khi im lặng nhảy múa hay im lặng ca hát, thì đó là điều phong phú nhất, là đỉnh cao nhất của những đỉnh cao. Chính vì vậy mà tôi nhấn mạnh cả hai việc.
Trong bữa tiệc tối, nhà văn George Bernard Shaw đứng một mình ở góc phòng. Bà chủ nhà đến, hỏi một cách lo lắng, "Ông không thích bữa chiêu đãi hôm nay sao?"
Bernard Shaw đáp, "Có chứ, và tôi chỉ thích một mình tôi thôi!"
Một linh cảm thiên tài đã giúp ông phát hiện ra chân lí vĩ đại này: bạn là kẻ duy nhất có thể làm bạn hài lòng. Lúc ấy cuộc sống bắt đầu mang phẩm chất của cái im lặng. Nhưng nếu bạn chỉ thích thú với một mình bạn, mà không thích kẻ khác, thì bạn bị thiếu mất chiều kia. Người ta nên có khả năng thích thú với mình và với kẻ khác nữa. Đó là điều tôi gọi con người toàn thể, con người thánh thiện.

Câu hỏi thứ ba:
Osho kính yêu,

Khi tôi nghe thầy nói, cũng như vào những lúc khác, tôi biết rằng tôi biết tất cả những gì cần thiết để được chứng ngộ. Những lúc như vậy, có phải là tôi được chứng ngộ không? Thầy có thể giải thích tại sao việc ‘biết’ nông cạn ấy có thể trở nên sâu sắc và trở thành trạng thái bản thể? Hình như cái biết ấy làm tôi mất tính hồn nhiên và khả năng kinh nghiệm hoàn toàn hơn, và nó làm chậm sự phát triển của tôi. Tuy nhiên, biết rằng cái tôi của tôi vốn không tồn tại, nên tôi không có ý muốn phát triển nó.
Điều đầu tiên: bạn nói, "Khi tôi nghe thầy nói, cũng như vào những lúc khác, tôi biết rằng tôi biết tất cả những gì cần thiết để được chứng ngộ." Để được chứng ngộ, người ta chẳng cần gì cả, vậy thì làm sao bạn có thể biết tất cả những gì cần thiết để được chứng ngộ? Chẳng cần cái gì để được chứng ngộ. Chứng ngộ là trạng thái tự nhiên của bạn, nó không phải là cái gì đó phải được tạo ra, chế tạo ra, sản xuất ra. Nếu bạn chế tạo ra cái gì đó mới, thế thì nhiều thứ sẽ cần có. Nếu bạn không chế tạo cái gì mới, bạn cần cái gì? Bạn đã chứng ngộ rồi. Làm sao bạn lại phải cần đến cái gì nữa? Chẳng cần gì cả.
Cho nên ý niệm của bạn rằng bạn nghĩ "Tôi biết rằng tôi biết tất cả những cái cần thiết để được chứng ngộ" đang ngáng đường bạn. Chẳng cần gì để được chứng ngộ và cũng chẳng cần gì để được biết được chứng ngộ. Chứng ngộ đã có rồi, đã là hoàn cảnh rồi. Nó không phải là sự thực hiện, nó chỉ là việc nhận ra. Không phải là bạn phải nỗ lực để đem nó lại; tất cả mọi điều bạn cần là không làm cố gắng nào cả. Vứt bỏ mọi nỗ lực - và bỗng nhiên nó có đó. Bạn không thể thấy nó được vì bạn cứ liên tục nỗ lực để thấy nó. Chính nỗ lực của bạn để thấy nó lại vận hành như một chướng ngại.
Và bạn nói: "Những lúc ấy, tôi có được chứng ngộ không?" Lúc nào bạn cũng chứng ngộ cả; không chỉ lúc bạn nghe tôi nói, không chỉ lúc bạn đọc cái gì đó từ Kinh Kim Cương - không chỉ những khoảnh khắc đó. Bạn lúc nào cũng chứng ngộ. Từ chính lúc bắt đầu đến chính lúc cuối cùng, bạn vẫn còn chứng ngộ. Bạn có thể cứ tự lừa dối mình rằng bạn không chứng ngộ bao lâu tuỳ ý, nhưng dẫu sao bạn vẫn chứng ngộ.
Cũng giống như một nam diễn viên đóng vai phụ nữ trong một vở kịch. Anh ta lúc nào cũng là đàn ông. Anh ta có thể tiếp tục giả vờ; thậm chí đôi khi anh ta có thể quên mất. Nếu anh ta là diễn viên giỏi, một diễn viên thực sự giỏi, thì anh ta có thể nhiễm ý niệm này và quên mất về nó. Đôi lúc anh ta có thể tưởng mình là phụ nữ, nhưng mỗi lần như vậy anh ta sẽ lại tự ý thức rằng mình là đàn ông.
Chính phép mầu là bạn cứ quên mất rằng bạn đã chứng ngộ, rằng bạn cứ quên mất điều đó, nhưng bạn đã chứng ngộ rồi. Nhớ lấy, chứng ngộ không phải là một phẩm chất sắp xảy ra cho bạn trong tương lai nào đó. Bạn đã mang nó ngay từ đầu. Nó ở trong hơi thở bạn, nó ở trong nhịp đập trái tim bạn. Nó là chất liệu tạo nên bạn.
"Những lúc ấy, tôi có chứng ngộ không?" Không, nếu bạn nghĩ rằng đôi khi mình chứng ngộ và đôi lúc thì không, thế thì bạn không chứng ngộ. Cái ngày bạn biết, khoảnh khắc bạn biết bạn bao giờ cũng chứng ngộ, thế thì bạn chứng ngộ. Một khi bạn đã cảm nhận sự chứng ngộ, thì nó bao giờ cũng ở quanh bạn, như hương thơm.
Mặc dù vậy bạn vẫn có thể cứ chơi cả nghìn lẻ một trò chơi. Tôi đang chơi, Phật đang chơi, nhưng điều đó chẳng khác biệt gì. Thế thì trò chơi đang được chơi với nhận biết hoàn toàn. Nó không vướng víu, nó không cầm tù.
Một khi bạn chơi trò chơi mà vẫn biết rằng đấy là trò chơi, thế thì không có vấn đề gì. Thế thì bạn có thể ở trong thế gian, thế thì bạn có thể là bất kì cái gì bạn thích là; nhưng trong thâm tâm, bạn biết rằng bạn không phải là cái đó. Trong thâm tâm bạn vẫn còn cách xa. Bạn trở thành hoa sen - bạn ở trong nước, ấy thế mà nước không dính vào bạn.
"Những lúc ấy, tôi có chứng ngộ không?" bạn hỏi. "Thầy có thể giải thích tại sao việc biết nông cạn ấy có thể trở nên sâu sắc và trở thành trạng thái bản thể?
Việc biết nông cạn không thể nào trở thành trạng thái bản thể được. Ngay cả việc biết thật sâu sắc cũng không bao giờ có thể trở thành trạng thái bản thể được. Bản thân tri thức là trở ngại. Việc biết chưa bao giờ trở thành bản thể - dù nông cạn hay sâu sắc. Bạn đừng làm ra những phân biệt này. Đó vẫn là những mánh khoé của tâm trí. Đó là tâm trí hiểu biết.
Tâm trí hiểu biết có thể nói với bạn, "Phải đấy, tri thức nông cạn không thể đem đến cho đằng ấy chứng ngộ, nhưng nếu là tri thức sâu sắc thì sao?"
Điều này lần nữa lại là mưu mẹo chơi trên bạn. Sâu sắc sao? Thế thì chắc chắn bạn lại mắc vào cùng cái mạng nhện cũ. Tri thức, dù sâu sắc hay không sâu sắc, vẫn là nông cạn. Tri thức sâu sắc nhất vẫn cứ là nông cạn, việc biết là nông cạn. Việc sống đó mới là trong cái sâu sắc mà bạn đang nói tới.
Bạn sẽ phải nhận biết. Tâm trí rất láu cá. Nó có thể chấp nhận rất nhiều điều, nhưng rồi lại đem chúng vào từ cửa sau. Nó có thể nói, "Đúng đấy! Tớ hoàn toàn đồng ý với đằng ấy. Làm sao tri thức nông cạn có thể đem đến chứng ngộ cho đằng ấy được? Điều ấy là không thể được. Tớ sẽ bầy cho đằng ấy cách đạt được tri thức sâu sắc."
Bạn sẽ làm gì để thu được tri thức sâu sắc? Nó sẽ là tri thức nông cạn nữa vì tri thức là nông cạn. Nhiều nhất thì bạn sẽ có thêm tri thức nông cạn; số lượng tăng lên và qua số lượng đó bạn sẽ có ảo tưởng rằng chúng trở nên sâu sắc.
Bạn có thể đi vào chi tiết sâu hơn, nhưng chi tiết không dẫn bạn đến chiều sâu. Bạn có thể biết một điều về một chủ đề hay một nghìn điều về một chủ đề; cũng chẳng khác biệt gì - tri thức bao giờ cũng về và về. Nó chưa bao giờ động vào vấn đề, nó chưa bao giờ đạt tới mục tiêu. Mục tiêu chỉ được đạt tới bởi việc hiện hữu, và để hiện hữu, tri thức phải bị vứt bỏ đi hoàn toàn, toàn bộ, vô điều kiện; không chọn lựa rằng "Cái này tốt, giữ lại nó, và cái kia xấu, vứt nó đi. Cái này sâu sắc, giữ lấy nó, còn cái kia không sâu sắc, vứt nó đi." Nếu bạn còn nắm giữ chút gì của tri thức, thì bạn vẫn còn chưa chứng ngộ. Và điều lạ lùng trong những điều lạ lùng là ở chỗ bạn đã chứng ngộ mà bạn cứ còn không chứng ngộ.
Câu hỏi này là từ Chipper Roth. Anh ấy phải là người mới đến chỗ này, anh ấy phải là người ngoài. Cứ ở lại đây đi. Chúng ta sẽ lấy đi dần dần tri thức của bạn. Toàn bộ công việc của tôi là làm cho người ta trở nên dốt nát. Dốt nát có chiều sâu, dốt nát có cái hồn nhiên, dốt nát là sâu lắng; cái không biết không có giới hạn nào cho nó. Cái biết bao giờ cũng có giới hạn. Làm sao nó có thể sâu lắng được? Dù tri thức của bạn có lớn đến đâu, nó cũng sẽ có giới hạn, biên giới cho nó. Chỉ dốt nát là không có biên giới.
Người ta nói rằng khoa học là nỗ lực để biết càng ngày càng nhiều về cái càng ngày càng ít. Nếu bạn cứ tiếp tục cách tiếp cận này - để biết ngày càng nhiều về cái ngày càng ít - thì cuối cùng sẽ là gì? Cái cuối cùng sẽ là ở chỗ bạn biết tất cả về cái không có gì. Đó sẽ là kết luận logic.
Tôi sẽ nói rằng tôn giáo chính là cách tiếp cận ngược lại: biết ngày càng ít về cái ngày càng nhiều. Và kết quả chung cuộc sẽ là gì? Một hôm... Bạn cứ biết ngày càng ít về cái ngày càng nhiều; rồi một hôm bạn chẳng biết gì về tất cả. Và đó là kinh nghiệm - chẳng biết gì về tất cả. Đấy là điều tôi gọi là dốt nát.
Roth, ở lại đây lâu thêm chút nữa đi, kiên nhẫn đi!

Câu hỏi thứ tư:
Osho kính yêu,
Tôi thích vở kịch này lắm trong những ngày này. Sáng nay buổi trình diễn thật ngoạn mục. Mọi sáng tôi đều náo nức chờ đợi khi tấm màn kéo lên sẽ đem tới cái gì. Tôi tràn ngập với thầy nhưng điều đó đem tới tiếng cười chứ không phải nước mắt. Nước mắt đi đâu cả rồi?
Sucheta, chúng ở trong tiếng cười của bạn đấy. Cười và khóc đâu có khác nhau. Có hai kiểu người: người khóc và người cười. Bao giờ cũng có hai kiểu người này ở mọi nơi, toàn bộ sự tồn tại được phân chia thành hai bên - đàn ông và đàn bà, âm và dương, tích cực/tiêu cực, ngày/đêm, sống/chết. Cho nên có phân chia này: người cười và người khóc.
Người khóc là người hướng nội, họ dễ dàng đi vào trong. Và khi bạn đi vào trong, bạn càng đi vào sâu, đôi mắt bạn càng đẫm lệ. Sucheta là người hướng ngoại, cô ấy là phật cười. Geet Govind là phật khóc. Cô ấy là hướng ngoại, đi ra, một người Mĩ thực thụ. Cho nên khi cái gì đó tràn ngập cô ấy thì cô ấy sẽ cười.
Và luôn nhớ, đừng bao giờ bắt chước bất kì ai. Nếu Geet Govind cố bắt chước Sucheta, anh ta sẽ khó khăn, tiếng cười của anh ấy sẽ rất nghèo nàn và nó sẽ có vẻ đồ rởm. Nếu Sucheta cố bắt chước Geet Govind, thì sẽ rất khó khăn đem đến nước mắt, và cho dù cô ấy có thể xoay xở được với trợ giúp nhân tạo, thì chúng sẽ không thật, chúng sẽ giả.
Người hướng ngoại nên đi theo con đường của mình. Trong cuộc sống của họ, cái cười sẽ là năng lượng tràn ngập của họ. Tình yêu sẽ dễ dàng cho họ, thiền sẽ có chút ít khó khăn. Với người hướng nội, thiền sẽ dễ dàng hơn, tình yêu sẽ có chút khó khăn; nước mắt sẽ dễ dàng hơn, tiếng cười sẽ có chút khó khăn.
Bạn chớ bao giờ bắt chước bất kì ai, chỉ đi theo con đường của riêng mình, và dần dần bạn sẽ thấy biến đổi tới khi bạn chạm tới cực điểm. Chẳng hạn, nếu bạn cứ cười mãi... chẳng hạn, nếu Sucheta cứ cười tới cực điểm, nước mắt sẽ trào ra. Sẽ đến một thời điểm trong cái cười mà cái cười sẽ biến mất và nước mắt sẽ trào ra. Nếu Geet Govind cứ khóc, khóc và khóc mãi trong nước mắt với nước mắt với nước mắt đến tận cùng, thì bỗng nhiên anh ấy sẽ thấy thay đổi xảy ra: cái cười sẽ phát sinh. Cách mạng chỉ sinh ra từ cực điểm.
Có lần tôi đã nói chuyện cho một hội đồng Phật tử. Bây giờ việc nói với Phật tử rằng cách mạng là từ cực điểm, hay rằng chân lí chỉ có tại cực điểm, là rất khó vì họ tin vào trung đạo, phương tiện vàng. Con đường của Phật được biết là Majjhima Nikaya, trung đạo.
Tôi quên mất rằng họ đã là Phật tử. Tôi nói về cực điểm và tôi bảo họ rằng cuộc cách mạng xảy ra chỉ từ cực điểm, từ cực điểm nhất. Chừng nào bạn chưa đạt tới cực điểm thì không có chân lí. Chân lí là tại cực điểm, cực này hay cực nọ - nhưng tại cực điểm. Hoặc yêu ở cực điểm hoặc thiền ở cực điểm.
Họ vẫn kiên nhẫn - phật tử là những người kiên nhẫn; họ không giống người Mô ha mét giáo, họ sẽ không bắt đầu đánh nhau - nhưng tĩnh lặng, kiên nhẫn cũng có giới hạn. Một phật tử không thể dung thứ được điều đó - mặc dầu Phật đã nói phải dung thứ. Người đó đứng dậy. Người đó nói, “Thế này thì quá lắm. Ông quên hoàn toàn toàn rằng con đường của Phật được biết là trung đạo sao?"
Thế là tôi đã nhớ và tôi nói, "Đúng, tôi biết, nhưng chừng nào các anh còn chưa ở giữa cực điểm thì vẫn không có chân lí." Tôi đang nói về cực điểm, nó chẳng liên quan gì tới điểm giữa cả. "Nếu các anh ở tại giữa cực điểm, chính giữa, thế thì lại là chân lí. Chân lí xảy ra chỉ với các cực điểm."
Từ cực điểm này, con lắc dao động sang cực kia. Cho nên, tốt, Sucheta, cười đi - cười đến cực điểm. Rồi một hôm bạn sẽ thấy cái cười của mình đem đến nước mắt đẹp.

Câu hỏi thứ năm:
Người ta không thể tuyên bố rằng mình đã kinh nghiệm Thượng đế được sao?
Nếu bạn đã kinh nghiệm, thì chính sự tồn tại của bạn là lời tuyên bố; bạn không cần phải tuyên bố. Ít nhất thì bạn cũng chẳng cần hỏi. Nếu tuyên bố tới, thì nó tới. Bạn có thể làm gì? Người đã kinh nghiệm Thượng đế sẽ chẳng quyết định điều gì, thậm chí không cả điều này - liệu người đó có phải tuyên bố hay không. Người đã kinh nghiệm Thượng đế thì đã vứt bỏ tâm trí. Bây giờ bất kì cái gì xảy ra người đó cũng sẽ ở trong nó, người đó sẽ là toàn bộ trong nó. Nếu việc tuyên bố tới thì nó tới.
Điều ấy xảy ra cho Mansoor. Ông ấy tuyên bố, "Ana el- Haqq, ta là Thượng đế." Thầy ông ấy, Junnaid, bảo ông ấy, "Mansoor, điều này không phải. Ông sẽ lâm vào rắc rối. Ta cũng biết, nhưng ta chưa bao giờ tuyên bố vì ông biết những người Mô ha mét giáo này tất cả đang ở xung quanh - họ sẽ giết ông."
Nhưng Mansoor nói, "Tôi có thể làm được gì? Khi ngài tuyên bố thì tôi có thể làm được gì? Bỗng nhiên ngài nắm lấy tôi và tuyên bố."
Junnaid sợ hãi đến mức ông ấy đuổi Mansoor khỏi môn phái mình. Ông ấy nói, "Ông đi đi, ông đi chỗ nào khác đi. Ông sẽ gây rắc rối, và ông cũng sẽ làm cho ta bị rắc rối."
Nhưng Mansoor nói, "Tôi có thể làm được gì? Nếu ngài muốn gây rắc rối cho chính ngài, tôi có thể làm được gì?" Và ông ấy đã lâm vào rắc rối. Nhưng cũng đúng là ông ấy không thể làm được gì cả. Ông ấy đã tuyên bố vào khoảnh khắc cuối cũng từ cây thập tự: "Ana el-Haqq, ta là Thượng đế" - và cười.
Ai đó hỏi từ đám đông, "Nếu ông có thể phủ nhận, nếu ông có thể vẫn nói rằng ông đã sai khi tuyên bố bản thân mình là Thượng đế, thì vẫn còn có hi vọng rằng ông có thể được tha thứ."
Ông ấy cười và nói, "Nhưng tôi có thể làm được gì?
Ngài tuyên bố đấy chứ."
Và bạn đang hỏi tôi: "Người ta không thể tuyên bố rằng mình đã kinh nghiệm Thượng đế được sao?" Nếu Thượng đế tuyên bố, tốt. Nếu Thượng đế không tuyên bố, xin giữ yên tĩnh. Để điều đó cho ngài.
J. Donald Walters viết:
Vài năm trước đây tôi đã gặp một người đang hò hét diễn thuyết, có vẻ say sưa, và với vẻ ta đây quan trọng, về cách giải thích của anh ta về việc nên cai quản vũ trụ thế nào. Tôi quên mất câu chuyện ra sao, nhưng tôi ngẫu nhiên muốn nói rằng tôi nghĩ tôi đã gặp có lẽ sáu người trong đời tôi, những người biết Thượng đế. Anh ta giang tay ôm ghì, cánh tay đầy lông lá, "’Run lên đi!" anh ta kêu lên giọng khàn khàn. "Ông gặp người thứ bẩy rồi."
Donald Walter viết rằng ông không thể nào tin rằng người này đã kinh nghiệm Thượng đế. Vì ông nghĩ, nếu bạn đã kinh nghiệm Thượng đế, làm sao bạn lại công bố một cách hiển nhiên như thế: "Run lên đi! Ông đã gặp người thứ bẩy rồi"?
Nhưng đấy không phải là ý kiến của tôi. Điều ấy có thể chứ... vì đôi khi Thượng đế cũng khàn giọng; đôi khi rất tao nhã và đôi khi rất khàn khàn. Thượng đế tới dưới mọi hình dáng và kích thước. Đôi khi tay ngài rất rất mềm mại và đôi khi rất lông lá. Ngài tới theo đủ mọi con đường. Con đường của ngài là bí ẩn.
Cho nên nếu ngài muốn tuyên bố qua bạn, lên trên nóc nhà và để cho ngài tuyên bố. Nhưng nếu ngài không muốn tuyên bố và bạn tuyên bố theo ý riêng bạn, bạn sẽ gặp rắc rối. Nếu ngài muốn dính líu vào rắc rối, đấy là việc của ngài, nhưng bạn chớ quyết định về phần của bạn, bằng không đó sẽ chỉ là trò chơi bản ngã.
Đọc câu chuyện này của Donalf Walters, tôi cảm nhận rất nhiều về cái người đã nói, "Run lên đi! Ông gặp người thứ bẩy rồi."
Walters viết có ý kết án. Ông ấy nghĩ đây không phải là cách thức. Ai sẽ quyết định cách thức là gì? Chẳng ai nên quyết định cả. Tôi là ai để bảo bạn rằng bạn không nên tuyên bố? Nếu ngài muốn tuyên bố, tôi là ai mà bảo bạn? Cứ để cho ý chí của Ngài được thực hiện.
Nhưng luôn nhớ, đấy không nên là quyết định của bạn. Nếu bạn quyết định tuyên bố, điều đó đơn giản nghĩa là bạn chưa chứng ngộ. Thế thì tâm trí đang chơi thủ đoạn lớn nhất. Thế thì tâm trí sắp phát điên.

Câu hỏi thứ sáu:
Osho kính yêu,
Một cô bạn thân của tôi ở phương Tây đã gửi một lá thư tới thầy để xin tên sannyas và rồi lại đến đây trước khi cô ấy nhận được câu trả lời và nhận tính chất sannyas ở đây. Cái tên cô ấy được trao cho theo thư là một loại tên hoàn toàn khác với tên mà thầy đã đặt cho cô ấy ở đây. Tôi rất lấy làm bối rối khi tôi nghe thấy điều này vì tôi bao giờ cũng nghĩ về tên tôi như con đường của mình. Tôi đã dùng nó để định hướng mình khi tôi bị lẫn lộn. Ý nghĩa của tên thầy đặt cho chúng tôi là gì thực tế là gì?
Veera, tất cả đều là phân bò linh thiêng. Bạn chớ có bị lừa bởi cái tên. Bạn bao giờ cũng khao khát nắm bắt cái gì đó, để làm cái gì đó to ra từ cái chẳng có gì. Cái tên tôi đặt cho bạn chỉ giống như những chuyện vặt dịu ngọt của những người yêu. Đừng làm nhặng sị lên về chúng.
Thực tế, một khi tôi đặt tên cho bạn, đừng bao giờ tới hỏi tôi về ý nghĩa của nó lần nữa vì tôi quên mất rồi. Chính trong khoảnh khắc tôi tạo ra nó thì mới có ý nghĩa quanh nó. Thế thì làm sao mà tôi nhớ được? Tôi phải đã đặt đến ba mươi nghìn tên hay hơn thế.
Tên thì chỉ là tên thôi; bạn vô danh. Không tên nào hạn chế bạn cả, không tên nào có thể hạn chế được bạn. Chúng chỉ là cái nhãn được dùng - một thứ tiện dụng, chẳng có gì tâm linh trong đó cả. Nhưng bởi vì tôi chú ý quá nhiều vào tên bạn và tôi giải thích nó cho bạn, nên bạn bị mắc vào nó. Đấy chỉ là cách tôi biểu lộ chú ý của mình lên bạn, chẳng có gì khác; chỉ là cách tôi biểu lộ tình yêu của tôi với bạn, chẳng là gì khác.

Câu hỏi thứ bẩy:
Osho kính yêu,
Tại sao tôi bao giờ cũng buồn ngủ trong bài nói? Đôi khi tôi  không  thể  đừng  so  sánh  bản  thân  mình  với những người ngồi tuyệt đối tĩnh lặng, uống lấy thầy, và điều đó làm cho tôi cảm thấy giống như tôi phải đi xa, đặc biệt khi mọi người tới tôi sau bài nói và nói, ‘Hôm nay không đáng kinh ngạc sao?’
Có thể nhiều thứ nữa sẽ tới qua tôi nếu tôi chỉ chấp nhận rằng bài nói là một chỗ tốt cho tôi ngủ. Đấy là một chỗ hoàn hảo. Đừng lo nghĩ về những người đến và nói với bạn; chắc họ đùa đấy thôi. Bạn ngủ say. Họ phải cố quấy rối bạn, họ phải cố tạo ra ghen tị nào đó trong bạn. Họ phải thực sự ghen tị về bạn - rằng bạn ngủ kĩ thế, lại còn ngáy nữa, còn những người đáng thương này thì chỉ có ngồi đấy. Họ muốn quấy rối bạn. Đừng lo. Cứ ngủ đi. Bạn phải đi xa, nhưng trong giấc ngủ, không ở đâu khác.
Trò chơi đang trôi dạt vào cái chán ngán toàn bộ thì một người trong đám đông bất thần buông ra một tràng vỗ tay. Người ngồi cạnh anh ta nói, "Sao anh lại làm như vậy?"
"Rất tiếc", anh ta trả lời, "Tôi đang cố giữ cho mình tỉnh thức."
Bạn không biết người ta phải khó khăn đến đâu để giữ cho mình tỉnh thức. Bạn chỉ đi vào trong giấc ngủ, thảnh thơi trong đó. Nếu bạn có thể chấp nhận điều đó một cách toàn bộ, thì điều đó sẽ trở thành một kinh nghiệm lớn.
Tâm trí bao giờ cũng tạo ra xung đột. Nếu bạn không ngủ, tâm trí nói, "Mình cảm thấy sẽ dễ chịu nếu mình có thể ngủ." Nếu bạn ngủ, tâm trí nói, "Đằng ấy đã lỡ điều gì đó, đằng ấy không nên làm điều này." Tâm trí bao giờ cũng tạo ra xung đột, va chạm. Nó chẳng bao giờ hạnh phúc với bất kì cái gì. Vứt bỏ tâm trí đó đi. Nếu giấc ngủ tới một cách tự nhiên, thế thì cho phép nó. Trong chính việc chấp nhận đó và sự biến mất của tâm trí, bạn sẽ nghe thấy Kinh Kim Cương.
Patanjali nói ngủ chính là ở ngay cạnh samadhi. Một giấc ngủ tốt, một giấc ngủ sâu, và samadhi chỉ khác nhau ở một chiều: samadhi có nhận biết, ngủ không có nhận biết. Nhưng nhận biết có thể xảy ra trong giấc ngủ. Bạn chớ làm cho mình bị rắc rối, đừng phân chia mình. Nếu giấc ngủ không đến, hoàn toàn tốt, giữ tỉnh thức, nhưng thế thì nó sẽ không phải là nỗ lực. Nếu giấc ngủ tới thế thì rơi vào giấc ngủ, thế thì đừng cố gắng giữ cho bạn tỉnh thức. Và tôi không định nói rằng nếu giấc ngủ không tới thì bạn vẫn phải cố lên giường nằm. Chấp nhận bất kì cái gì đang trong hoàn cảnh đi. Chấp nhận thực tại như nó xảy ra trong khoảnh khắc nào đó. Là toàn bộ trong khoảnh khắc đó.
Đó là toàn bộ thông điệp của tôi, hoàn toàn trong khoảnh khắc đó. Đây là ham muốn: "Mình không nên ngủ." Tại sao? "Điều này là không tâm linh" - ngồi trong khi nghe bài nói và ngủ. Tại sao? Ngủ là một hoạt động hoàn toàn tâm linh, một hoạt động tâm linh lớn. Nó cũng tốt như ngồi đây và suy nghĩ; mơ cũng tốt. Mơ chỉ là dạng nguyên thuỷ của suy nghĩ, nhiều mầu sắc hơn. Người khác suy nghĩ, bạn mơ. Khác nhau gì nào? Mơ tốt, ngủ tốt, thảnh thơi.
Rồi một hôm, từ thảnh thơi này, bạn sẽ bắt đầu trở nên nhận biết và tỉnh táo, nhưng tỉnh táo đó sẽ có phẩm chất khác cho nó. Nó sẽ không bị ép buộc, nó sẽ không bị bạn thao túng; nó sẽ tới. Rồi một hôm bỗng nhiên ngay giữa bài nói bạn sẽ mở mắt ra, tươi tắn, trẻ trung, từ giấc ngủ sâu, và cái gì đó, chỉ một lời, có thể đi vào bản thể bạn và sẽ làm biến đổi bạn.
Toàn bộ Kinh Kim Cương đâu có cần khi Huệ Năng nghe thấy bốn câu - thế là đủ. Đôi khi chỉ một lời từ vị phật cũng đủ; nó đi như một mũi tên và xuyên vào tim bạn và bạn không còn như cũ nữa.
Cho nên đừng lo nghĩ. Thảnh thơi cho thoải mái. Và nếu bạn đã thảnh thơi kĩ và bạn mở mắt ra, đôi khi điều ấy lại có thể - có thể xảy ra việc gặp gỡ giữa bạn và tôi. Và bạn sẽ tươi tắn thế từ giấc ngủ, không suy nghĩ, không biết bạn là ai...
Bạn không biết sao? - đôi khi sự việc xảy ra vào buổi sáng khi bạn tỉnh dậy, phải mất vài giây để bạn nhận ra mình là ai; tâm trí phải có thời gian mới trở lại. Đôi khi bạn thậm chí không thể nào nhận ra bạn đang ở đâu. Bỗng nhiên thức dậy vào giữa đêm, mọi người sẽ tự hỏi mình là ai, mình ở đâu. Người ta sẽ phải mất chút thời gian để thu lại chính mình.
Cho nên điều ấy là có thể, ngủ, rồi một hôm ngay giữa lúc ngủ bạn nghe thấy tiếng tôi. Bỗng nhiên bạn tỉnh dậy và bạn không biết mình là ai, mình ở đâu. Đó là đúng khoảnh khắc tôi đi vào bạn.
Cho nên đừng lo nghĩ, bất kì cái gì xảy ra cũng đều tốt. Tất cả đều được chấp nhận ở đây. Tôi chấp nhận bạn như bạn hiện thế. Tôi không có cái ‘phải’ nào với bạn.

Câu hỏi cuối cùng:
Osho kính yêu,
Tại sao mọi người không thể hiểu được tôn giáo của nhau? Tại sao bao giờ cũng có nhiều xung đột thế?
Bản ngã đấy. Nó chẳng liên quan gì tới tôn giáo cả, chỉ là bản ngã thôi. Bất kì cái gì của bạn cũng đều phải là tốt nhất trên thế giới. Bất kì cái gì của người khác đều không thể tốt nhất được, không thể được phép là tốt nhất trên thế giới.
Vợ bạn là người đàn bà đẹp nhất, chồng bạn là con người đẹp nhất; bạn là người vĩ đại nhất trên thế giới. Bạn có thể không nói như thế, nhưng bạn nói điều đó theo cả nghìn lẻ một cách. Và bất kì cái gì thuộc vào bạn cũng phải là tốt nhất. Mọi người giống hệt trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ cứ tranh nhau: "Bố tao có thể đánh bại bố mày mọi lúc."
Một cậu nhỏ đang kể chuyện cho một cậu nhỏ khác, "Mẹ tao là nhà hùng biện vĩ đại. Mẹ tao có thể nói về bất kì chủ đề nào trong hàng giờ."
Đứa kia nói, "Thế chẳng là gì cả. Mẹ tao mới là nhà hùng biện vĩ đại, mẹ tao có thể nói chẳng cần chủ đề nào trong hàng giờ. Chẳng ai biết được mẹ tao đang nói gì."
Mọi người cứ khoe khoang khoác lác về những cái của mình, về mọi thứ, cả về tôn giáo nữa.
Con của Mulla Nasrudin hỏi anh ta, "Bố ơi, nếu người Mô ha mét giáo bỏ tôn giáo mình và trở thành người theo đạo Hindu hay Ki tô giáo thì bố gọi người đó là gì?"
Mulla trở nên rất giận dữ và anh ta nói, "Nó là đồ phản bội! Nó đáng phải bị bắn. Đây là tội lỗi lớn nhất trên thế giới - đổi tôn giáo của mình, phản bội tôn giáo mình. Nó là namak haram - nó đã phản bội lại mình.”
Thế rồi đứa con lại hỏi, "Thế bố ơi, nếu người Hindu hay người Ki tô giáo trở thành người Mô ha mét giáo thì sao?"
Mulla mỉm cười, kiểu Jimmy Carter mỉm cười. Anh ta nói, "Điều ấy vĩ đại đấy. Người đó là khôn ngoan. Người đó nên được hoan nghênh và kính trọng, tôn kính. Người đó biết chân lí là gì và người đó là can đảm. Người đó là người chuyển đạo, con ạ!"
Bây giờ mọi thứ đã thay đổi. Nếu người Mô ha mét giáo trở thành người theo Hindu giáo hay Ki tô giáo, người đó là kẻ phản bội; nếu người Hindu giáo hay Ki tô giáo trở thành Mô ha mét giáo thì người đó là người chuyển đạo và người đó là con người vĩ đại và người đó nên được tôn kính và kính trọng. Người đó là khôn ngoan vì người đó đã thừa nhận tôn giáo thực là gì.
Đó là cách bản ngã chúng ta vận hành. Đó là lí do tại sao các tôn giáo, thay vì đem lại hoà bình cho thế giới, thì đã từng là nguyên nhân của các cuộc chiến tranh đẫm máu. Nhiều người đã bị giết nhân danh tôn giáo hơn bất kì nhân danh nào khác. Thậm chí các chính khách cũng không thể vượt qua được cái gọi là những người được gọi là tôn giáo trong việc giết người. Những kẻ giết người lớn nhất đã là nhà thờ và đền Hồi giáo và đền thờ.
Trong tương lai cái xấu xa này cần phải bị vứt bỏ; nó nên bị vứt bỏ ngay lập tức. Tôn giáo là lựa chọn cá nhân. Nếu ai đó không thích hoa hồng, bạn đâu có giết người đó mà bạn cũng không nói rằng người đó xấu, bạn không nói rằng người đó sai. Bạn nói rằng đấy là sở thích của người đó. Người đó không thích hoa hồng; chấm hết. Tôi thích hoa hồng. Nhưng đấy là vấn đề sở thích. Không có vấn đề chân lí trong đó, không có tranh luận về nó và không có lí do để chứng minh tại sao tôi không thích hoa hồng. Nếu tôi không thích, thì tôi không thích. Nếu bạn thích, thì bạn thích. Không có xung đột. Tôn giáo cũng nên là như vậy.
Ai đó thích Jesus - hoàn toàn tuyệt vời. Ai đó thích Phật, ai đó thích Krishna - chỉ là sở thích. Tôn giáo không nên có liên quan gì với cao quí. Nó nên thuần tuý là sở thích. Thế thì sẽ không có xung đột, thế thì sẽ không có tranh biện không cần thiết vẫn diễn ra hàng thế kỉ. Thay vì cầu nguyện, người ta tranh biện. Toàn bộ năng lượng mà người ta đã đổ vào tranh biện, nếu như được dồn vào cầu nguyện thì họ chắc đã biết điều thiêng liêng là gì. Nhưng người ta cứ tranh biện, các cuộc tranh luận lớn cứ tiếp diễn, và chẳng có gì được chứng minh cả vì chẳng cái gì có thể được chứng minh.
Nếu bạn yêu Jesus, nó cũng đúng hệt như khi bạn yêu một người đàn bà. Bạn không thể chứng minh được điều gì. Tại sao?... Và bất kì cái gì bạn chứng minh cũng đều có vẻ ngây ngô đối với người khác. Nếu bạn nói, "Nhìn mũi cô ấy mà xem - dài thế, đẹp thế," mọi người sẽ nói, "Trông xấu thế, ngoại cỡ, mũi quá to, mặt không cân xứng." Nếu bạn nói, "Nhìn mắt cô ấy kìa - to thế, đẹp thế," thì ai đó sẽ nói, "Trông khiếp làm sao. Tôi không thể ở với người đàn bà đó lấy một đêm. Mắt gì mà thô lố... Tôi sợ lắm. Mà mắt quá to và không cân xứng."
Chẳng có cách nào chứng minh cái thích của bạn cả. Ai đó thích Jesus và ai đó thích Phật: Đấy là có tình yêu - bạn không cần phải chứng minh. Và nếu bạn chứng minh nó bạn sẽ thành ngớ ngẩn với người khác. Đấy là cách thức trông ngớ ngẩn. Người Hindu nghĩ những ai yêu Jesus đều là đần cả: Có gì ở con người này? Hỏi người Hindu mà xem - họ có lí thuyết hay về nghiệp. Họ nói bạn khổ chỉ nếu bạn đã làm điều gì đó sai trong quá khứ. Tại sao Jesus bị đóng đinh? Ông ấy tất đã phạm phải tội lỗi lớn; bằng không thì tại sao? Krishna không bị đóng đinh, Rama không bị đóng đinh - sao Jesus lại bị đóng đinh? Ông ấy phải đã là một tội nhân.
Bây giờ toàn bộ khung cảnh thay đổi. Bây giờ bạn hỏi một người Ki tô giáo về Krishna đang thổi sáo - điều đó trông đẹp thế, còn Jesus trên cây thánh giá trông buồn thế - và người đó sẽ nói, "Anh nói điều gì thế? Thế giới này đầy khổ sở. Cái tay Krishna ấy chắc phải có trái tim đá. Tay ấy thổi sáo còn mọi người thì đang chết, mọi người đang trong khổ sở; có cái chết và bệnh tật còn tay này thì thổi sáo. Tay này phải có một trái tim rất rất băng đá. Tay này không có tim. Nếu mà tay này có tim thì chắc sẽ hi sinh thân mình cho những người bị chà đạp, cho những kẻ bị áp bức, cho những người khốn khổ. Nhìn Jesus mà xem - ngài là vị cứu tinh. Ngài chết cho chúng ta, để chuộc lỗi cho chúng ta. Tay Krishna này trông nông cạn."
Nhưng hỏi người Hindu, người theo Krishna mà xem. Người đó sẽ nói, "Anh nói gì thế? Làm gì có khổ sở. Mọi khổ sở đều là ảo tưởng. Và nếu người ta khổ, thì người ta khổ là vì tội lỗi của họ. Chẳng ai khác có thể chuộc lỗi cho họ được. Và người chuộc lỗi duy nhất có thể có ích là người đem niềm vui đến cho thế giới. Chỉ niềm vui mới là lực chữa lành. Làm sao bạn có thể chuộc tội được?"
Người Hindu nói nếu ai đó đang khóc và bạn ngồi cạnh đó và bạn cũng khóc, thì bạn có thể chuộc lỗi cho người đó được không? Kêu khóc tăng gấp đôi. Ai đó ốm và bạn ốm theo trong đồng cảm và nằm bên cạnh họ - bạn giúp đỡ thế nào? Để giúp đỡ, bạn phải khoẻ mạnh. Bạn phải không ốm. Krishna khoẻ mạnh, Krishna vui vẻ. Thế giới trong khốn khổ thế, đó là lí do tại sao ngài đem đến cây sáo. Mọi người đều mang nỗi khổ rồi - cái gì có đó trong việc mang nỗi thống khổ? Mọi người đều mang nỗi thống khổ; cây sáo là cần thiết. Bây giờ đây là hai cách thức và mọi người đều có thể cứ tranh biện ủng hộ và phản đối.
Với tôi, tôn giáo là chuyện tình. Nó chẳng liên quan gì tới trí năng, nó chẳng liên quan gì tới lí lẽ. Nó là việc lâm vào tình yêu. Với bất kì ai bạn yêu dấu, đấy là con đường của bạn. Đi qua nó đi - đó là cánh cửa của bạn.
Yêu là cánh cửa. Bạn yêu ai cũng chẳng liên quan gì mấy. Tình yêu chuộc lỗi - chẳng Jesus, cũng chẳng Krishna. Tình yêu chuộc lỗi. Cứ yêu. Tình yêu là lực chuộc lỗi duy nhất. Tình yêu là vị cứu tinh. Nhưng bản ngã của bạn...
Thiền về câu chuyện hay này:
Patrick Đệ nhất, Giáo hoàng Irland, đang ngồi trong văn phòng ở Vatican, một hôm, đọc tờ Catholic Herald, thì bắt gặp một bài báo nhỏ trong mục nói về Irland mang tựa đề "Kỉ lục sinh đẻ".
"Lạy đức mẹ Mary thiêng liêng, này Michael!", Giáo hoàng nói với thư kí của mình, hồng y giáo chủ Fitz- Michael. "Ông có thấy điều này không, lạy chúa!"
"Cái gì vậy, thưa Giáo hoàng," Michael nói, bật lên từ đống giấy tờ của mình.
"Báo nói vợ của Paddy O'Flynn ở Dublin vừa mới tặng cho ông ấy đứa con thứ năm mươi sáu của ông ấy," Giáo hoàng nói.
"Lạy các thánh," Michael nói. "Chắc hẳn phải có sự mầu nhiệm nào đó?"
"Ta chắc đây là công trình của Chúa," Giáo hoàng kêu lên, "và nên kỉ niệm theo cách nào đó cho sự thống nhất của nhà thờ cơ đốc, đức tin thế giới nói chung và Irland nói riêng."
"Đúng vậy, ngài nghĩ đích xác điều gì vậy?"
"Đừng lo, Michael," Giáo hoàng kích động trả lời, "Hành động! Đi ngay lúc này tới xưởng, lấy một bức tượng Đức Mẹ bằng vàng ở đó, công việc ưu tiên cao nhất, rồi chạy tới hãng du lịch và đặt cho ta một vé khứ hồi hạng nhất tới Dublin trên hãng Aer Lingus. Đích thân ta sẽ mang bức tượng Đức Mẹ như một món quà nhỏ và tặng nó cho gia đình O'Flynn. Ta có thể vui lòng với chút ngày nghỉ ở quê cũ."
Sáng sớm hôm sau, Giáo hoàng Pat, tay ôm bức tượng Đức Mẹ, tờ Herald, và một chai rượu wishky Irland cho chuyến bay, lên máy bay đáp tới Dublin. Khi tới ông đi thẳng tới nhà của O’Flynne từ đó ông được đưa tới một quán rượu địa phương của một người trong gia đình, nơi sẽ tổ chức buổi lễ chính.
"Ai đó muốn gặp bố, bố ạ", tiếng một đứa bé la hét trong phòng uống rượu.
"Bảo ông ấy vớ lấy một cốc bia đắng rồi qua đây!" một giọng nói đáp lại.
Giáo hoàng vớ lấy một cốc bia, ôm tượng Đức Mẹ trước hết, chen lấn đi vào trung tâm của nhóm say sưa với rượu mạnh. Sau vài giờ và nhiều cốc bia nữa, Giáo hoàng cuối cùng lảo đảo bước tới Paddy và, dúi bức tượng Đức Mẹ cho ông ta, nói líu nhíu, "Tôi muốn gửi lời chúc mừng chân thành tới ông."
"Tôi có vinh dự được nói chuyện với ai đây ạ, thưa ngài." Paddy nói, trong khi ngắm nhìn ông giáo sĩ say khướt, bia đắng ôm trong tay này, tượng Đức Mẹ trong tay kia.
"Này, ông không biết cá nhân tôi, Paddy ạ, nhưng thực tế tôi là Giáo hoàng đấy."
"Giáo hoàng sao!” Paddy kêu lên. "Và ngài đang ở chỗ nguy hiểm chắc chắn đấy. Ngài uống thêm chút bia đắng nữa chứ?"
Giáo hoàng nói, "Nữa chứ, nếu ông hứa thêm một điều thì tôi sẽ uống."
"Với người say," Paddy nói, "khó mà từ chối được." "Tôi muốn ông chấp nhận bức tượng Đức Mẹ này như món quà nhỏ của tất cả chúng tôi ở Vatican và đem nó, đặt nó lên bàn thờ trong nhà thờ cơ đốc giáo địa phương của ông."
"A thưa ngài," Paddy nói. "Tôi sẽ nhận bức tượng Đức Mẹ, thưa ngài, chắc chắn, và tôi rất biết ơn, nhưng đặt nó lên bàn thờ của nhà thờ Ki tô giáo địa phương thì tôi không thể làm được."
"Sao lại không," Giáo hoàng nói trong ngạc  nhiên, "xem như cúng dường cho Mẹ Mary mà?"
"Thế này, sự thật là thưa ngài," Paddy nói, "Tôi không phải là người cơ đốc giáo, tôi là người tin lành."
"Cái gì!!" Giáo hoàng la lên. "Ông muốn nói tôi cất công đến đây để đem tặng món quà tượng Đức Mẹ bằng vàng cho một tên điên khùng dâm dục sao!!!"

Ads Belove Post