Chương 11. Đám tang của Trang Tử

Chương 11. Đám tang của Trang Tử

Price:

Read more

Osho - Thuyền rỗng
Chương 11. Đám tang của Trang Tử

Khi Trang Tử sắp chết, đệ tử của ông ấy bắt đầu lập kế hoạch đám tang lớn. Nhưng Trang Tử nói:
“Ta có trời đất làm quan tài; mặt trời mặt trăng làm biểu tượng ngọc treo bên cạnh ta; các vì sao sẽ chiếu sáng như châu báu quanh ta, và mọi sinh linh đều hiện diện như người than khóc bên ta. Cần gì hơn nữa? Mọi thứ đều được chăm nom dư giả.”
Nhưng các đệ tử nói:
“Chúng tôi sợ rằng quạ và diều sẽ rỉa thịt thầy.”
Trang Tử đáp:
“Này, trên mặt đất ta sẽ bị quạ và diều rỉa rói, còn dưới đất thì kiến và dòi đục khoét. Đằng nào thì ta cũng bị chúng ăn - vậy sao các anh lại thiên về chim chóc?”
Tâm trí làm mọi thứ thành vấn đề; nếu không thì cuộc sống là đơn giản, cái chết là đơn giản, không có vấn đề nào hết cả. Nhưng tâm trí đem lại lừa dối rằng mọi khoảnh khắc đều là vấn đề và phải được giải quyết. Một khi bạn cất bước đầu tiên tin rằng mọi thứ đều là một vấn đề, thế thì chẳng cái gì có thể được giải quyết cả bởi vì bước đầu tiên là hoàn toàn sai.
Tâm trí không thể cho bạn giải pháp, nó là cơ chế đem cho bạn vấn đề. Cho dù bạn nghĩ bạn đã giải quyết được một vấn đề, hàng nghìn vấn đề mới sẽ nảy sinh ra từ giải pháp này. Đây là điều triết học bao giờ cũng làm. Triết học là công việc của tâm trí. Khoảnh khắc tâm trí nhìn vào bất kì điều gì, nó nhìn với dấu hỏi, nó nhìn với con mắt hoài nghi.
Rất đơn giản là sống, rất đơn giản là chết - nhưng chỉ nếu bạn có thể thấy không tâm trí. Một khi bạn đem tâm trí vào, thế thì mọi thứ phức tạp, thế thì mọi thứ lẫn lộn. Và tâm trí cố gắng giải quyết cái lẫn lộn này trong khi thực sự nó là nguồn gốc của mọi lẫn lộn, cho nên càng nhiều lẫn lộn được tạo ra. Nó dường như là một dòng suối nhỏ đang chảy trên đồi. Vài chiếc xe bò đi qua nó và dòng suối ngầu bùn, rồi bạn nhảy vào trong dòng suối để làm sạch nó. Bạn sẽ chỉ làm cho nó ngầu bùn hơn. Tốt hơn cả là đợi trên bờ. Tốt hơn cả là để cho dòng suối trở lại yên bình lần nữa, tự nó lắng xuống, để cho lá khô trôi đi và bùn lắng đọng và dòng suối lại trong như pha lê. Giúp đỡ của bạn là không cần thiết. Bạn sẽ chỉ làm lẫn lộn nó thêm.
Cho nên nếu bạn cảm thấy rằng có vấn đề, xin đừng chọc mũi mình vào nó. Ngồi sang bên cạnh đi. Đừng cho phép tâm trí tham dự vào, bảo tâm trí đợi đấy. Và rất khó cho tâm trí chờ đợi - nó là hiện thân của của nôn nóng.
Nếu bạn bảo tâm trí đợi, thiền xảy ra. Nếu bạn có thể thuyết phục tâm trí chờ đợi, bạn sẽ trong cầu nguyện - bởi vì chờ đợi có nghĩa là không suy nghĩ, nó có nghĩa chỉ ngồi trên bờ không làm gì cả với dòng suối. Bạn có thể làm được gì? Bất kì điều gì bạn làm cũng sẽ làm cho cho nó ngầu bùn hơn; chính việc đi vào dòng suối của bạn sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn. Cho nên cứ đợi.
Tất cả việc thiền đều là chờ đợi. Tất cả mọi lời cầu nguyện đều là kiên nhẫn vô hạn. Cái toàn bộ của tôn giáo bao gồm trong việc không cho phép tâm trí tạo ra nhiều vấn đề hơn cho bạn. Biết bao nhiêu thứ, những thứ đơn giản thậm chí con vật tận hưởng, thậm chí cây cối tận hưởng, nhưng con người lại không thể tận hưởng - bởi vì ngay lập tức chúng trở thành vấn đề, và làm sao bạn có thể tận hưởng một vấn đề được?
Bạn yêu, và tâm trí lập tức nói: Tình yêu là gì? Tình yêu hay là dục? Nó đúng hay sai? Mình định đi đâu? Liệu tình yêu có thể vĩnh hằng hay chỉ là nhất thời?
Tâm trí muốn trước hết quyết định mọi thứ, thế rồi cất bước. Và với tâm trí chẳng bao giờ có quyết định nào, nó vẫn còn không quyết định; không quyết định là bản tính cố hữu của nó. Nó nói, “Đừng nhảy.” Và khi tâm trí bảo bạn những điều này, nó dường như rất láu lỉnh, nó dường như rất thông minh, bởi vì dường như là bạn có thể đi sai. Cho nên đừng nhảy, đừng di chuyển, vẫn cứ tĩnh tại.
Nhưng cuộc sống là chuyển động và cuộc sống là tin cậy. Tình yêu xảy ra - người ta phải chuyển vào trong nó. Nó dẫn đến đâu không phải là vấn đề. Mục đích không phải là vấn đề. Chính khoảnh khắc của tâm thức bạn trong tình yêu là sự khải lộ. Người khác không phải là vấn đề, người được yêu hay người yêu không phải là vấn đề. Vấn đề là ở chỗ bạn có thể yêu, ở chỗ nó có thể xảy ra cho bạn; bản thể bạn cởi mở trong tin cậy, không hoài nghi nào, không có việc đặt câu hỏi gì. Chính cởi mở này là sự hoàn thành.
Nhưng tâm trí sẽ nói, “Đợi chút đã, để mình nghĩ và quyết định, người ta phải không bước đi vội vã.” Thế thì bạn có thể đợi và đợi. Đó là cách bạn đã bỏ lỡ cuộc sống.
Mọi khoảnh khắc cuộc sống đều gõ cửa nhà bạn, nhưng bạn lại đang nghĩ. Bạn nói với cuộc sống, “Đợi đã, tôi sẽ mở cửa, nhưng để tôi quyết định trước đã.” Điều đó chẳng bao giờ xảy ra. Toàn bộ cuộc sống sẽ tới và đi qua, còn bạn sẽ đơn giản kéo lê, chẳng sống chẳng chết. Cả sống và chết đều tốt bởi vì chết có sống của riêng nó.
Cho nên nhớ lấy, điều đầu tiên là không cho phép tâm trí can thiệp vào. Thế thì bạn có thể giống như cây cối, thậm chí còn xanh hơn. Thế thì bạn có thể giống như chim chóc trên đôi cánh, và không con chim nào có thể đạt tới những đỉnh cao mà bạn có thể chạm tới. Thế thì bạn có thể giống như cá bơi xuống tận đáy biển - bạn có thể tới tận đáy của đại dương. Không có gì so sánh được với bạn. Tâm thức con người là hiện tượng tiến hoá nhất, nhưng bạn bỏ lỡ. Thậm chí trạng thái ít tiến hoá hơn cũng tận hưởng nhiều hơn. Con chim là con chim, một sinh linh ít tiến hoá hơn nhiều so với bạn; cây gần như không tiến hoá chút nào, nhưng tận hưởng nhiều hơn, nở hoa nhiều hơn. Nhiều hoàn thành hơn đang xảy ra khắp xung quanh nó. Tại sao bạn lỡ?
Tâm trí bạn đã trở thành gánh nặng. Bạn đã không dùng nó; thay vì thế, ngược lại, bạn lại bị nó dùng. Đừng cho phép tâm trí can thiệp vào cuộc sống của bạn, thế thì sẽ có tuôn chảy. Thế thì bạn không bị cản trở, thế thì bạn là trong suốt, thế thì mỗi khoảnh khắc là một phúc lạc bởi vì bạn không lo nghĩ về nó.
Một người được nhà phân tâm khuyên nên đi lên vùng đồi núi. Anh ta bao giờ cũng phàn nàn mãi về điều này điều nọ, và bao giờ cũng hỏi các câu hỏi. Anh ta chưa bao giờ thấy dễ dàng với bất kì cái gì, chưa bao giờ ở nhà cả. Anh ta được khuyên đi nghỉ.
Hôm sau một bức điện tín được gửi tới nhà phân tâm. Trong đó người này nói, “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc ở đây. Sao vậy?”
Bạn thậm chí không thể nào chấp nhận được hạnh phúc không hỏi tại sao. Tâm trí không thể nào chấp nhận mọi thứ - cái tại sao lập tức có đó, và cái tại sao phá huỷ mọi thứ. Do đó có nhiều nhấn mạnh thế trong tất cả các tôn giáo vào niềm tin. Đây là ý nghĩa của niềm tin: không cho phép tâm trí hỏi tại sao.
Niềm tin không phải là đức tin, nó không tin vào một lí thuyết nào đó - niềm tin là việc tin vào bản thân cuộc sống. Niềm tin không phải là tin vào Kinh Thánh hay Koran hay Gita. Niềm tin không phải là đức tin - niềm tin là tin cậy, tin cậy không hoài nghi. Và chỉ những người tin tưởng, người có khả năng tin cậy, mới có khả năng biết cuộc sống là gì và cái chết là gì.
Với chúng ta sống là vấn đề, cho nên chết nhất định là vấn đề. Chúng ta thường xuyên cố gắng giải quyết nó, và phí thời gian và năng lượng trong việc giải quyết nó. Nó đã được giải quyết rồi. Nó chưa bao giờ là vấn đề cả. Nó là bạn, người đang tạo ra vấn đề. Nhìn lên ngôi sao, không có vấn đề gì; nhìn vào cây cối, không có vấn đề gì. Nhìn xung quanh mà xem... Nếu con người không có đó, mọi thứ đã được giải quyết rồi. Vấn đề ở đâu? Cây cối chẳng bao giờ hỏi ai đã tạo ra thế giới này - chúng đơn giản tận hưởng nó. Ngu đần làm sao đi hỏi ai đã tạo ra thế giới này. Và đâu là khác biệt nếu ai là người tạo ra thế giới : A, B, C hay D, có gì khác biệt nào? Và liệu nó được tạo ra hay nó không được tạo ra, có khác biệt gì? Điều đó ảnh hưởng tới bạn thế nào nếu A tạo ra thế giới, hay B tạo ra thế giới, hay không ai tạo ra thế giới? Bạn sẽ vẫn còn như cũ, cuộc sống sẽ vẫn còn như cũ. Cho nên tại sao hỏi câu hỏi không cần thiết, không liên quan và vướng mắc vào nó làm gì?
Các dòng sông cứ tuôn chảy chẳng bao giờ hỏi chúng đi đâu. Chúng đạt tới biển. Nếu chúng bắt đầu hỏi, chúng có thể không tới được; năng lượng của chúng có thể bị mất trên đường. Chúng có thể trở nên lo âu về chúng đang đi đâu - mục đích ở đâu, mục tiêu là gì - cho nên bị ám ảnh bởi vấn đề mà chúng có thể phát điên. Nhưng chúng cứ tuôn chảy, không lo nghĩ về nơi chúng đang đi, và chúng bao giờ cũng đạt tới biển cả.
Khi cây cối và dòng sông có thể làm phép màu này, sao bạn không thể làm được nó? Đây là toàn bộ triết lí của Trang Tử, toàn bộ cách sống của ông ấy: Khi mọi thứ đang xảy ra, sao bạn lo nghĩ? Cho phép nó xảy ra. Khi dòng sông có thể đạt tới, con người sẽ đạt tới. Khi cây cối đạt tới, con người sẽ đạt tới. Khi toàn bộ sự tồn tại này đang chuyển động, bạn là một phần của nó. Đừng trở thành xoáy lốc suy nghĩ, nếu không thì bạn cứ xoay tròn, xoay tròn, xoay tròn mãi, và luồng chảy bị mất. Thế thì không có việc kinh nghiệm đại dương lúc cuối cùng.
Cuộc sống là câu đố cho bạn bởi vì bạn nhìn qua tâm trí; nếu bạn nhìn qua vô trí, cuộc sống là bí ẩn. Cuộc sống đã chết nếu bạn nhìn qua tâm trí, còn cuộc sống chẳng bao giờ chết nếu bạn nhìn qua vô trí. Tâm trí không thể cảm thấy sống động. Tâm trí chỉ có thể chạm tới cái chết, vật chất. Cuộc sống tinh tế thế còn tâm trí thô thiển thế - công cụ này không tinh tế như cuộc sống. Và khi bạn chạm với công cụ đó, nó không thể bắt được rung động của cuộc sống. Nó bỏ lỡ. Rung động này là rất tinh tế - bạn là việc rung động đó.
Trang Tử đang trên giường chết, và khi một người như Trang Tử trên giường chết, các đệ tử phải hoàn toàn im lặng. Khoảnh khắc này không được để lỡ, bởi vì cái chết là đỉnh cao nhất. Khi Trang Tử chết, ông ấy chết tại đỉnh cao đó. Điều hiếm khi xảy ra là tâm thức đạt tới sự viên mãn tuyệt đối của nó. Các đệ tử phải im lặng; họ phải quan sát điều đang xảy ra; họ phải nhìn sâu vào trong Trang Tử và phải không cho phép tâm trí can thiệp vào, không bắt đầu hỏi những câu hỏi ngu xuẩn.
Nhưng tâm trí bao giờ cũng bắt đầu việc hỏi. Họ lo nghĩ về đám tang còn Trang Tử thì vẫn sống. Nhưng tâm trí không sống, nó chưa bao giờ sống cả; tâm trí bao giờ cũng nghĩ dưới dạng chết. Với các đệ tử thì thầy đã chết. Họ đang nghĩ về đám tang - phải làm gì, không làm gì. Họ đang tạo ra vấn đề không tồn tại chút nào bởi vì Trang Tử vẫn còn sống.
Tôi đã từng nghe rằng ba ông già đang ngồi trong công viên, thảo luận về điều không tránh khỏi, cái chết. Một ông già bẩy mươi ba tuổi nói, “Khi tôi chết tôi muốn được chôn cùng với Abraham Lincoln, con người vĩ đại nhất, tất cả chúng ta đều yêu mến.”
Người khác nói, “Tôi muốn được chôn cùng Albert Einstein, nhà khoa học vĩ đại nhất, người nhân đạo, triết gia, người yêu hoà bình.”
Thế rồi cả hai nhìn vào người thứ ba, người đã chín mươi ba tuổi. Ông ấy nói, “Tôi muốn được chôn cùng với Sophia Loren.”
Cả hai người kia bực mình, giận dữ và họ nói, “Nhưng cô ấy vẫn còn sống.”
Ông già kia nói, “Thì tôi cũng đang sống đây!”
Ông già này phải là điều gì đó hiếm hoi. Chín mươi ba tuổi, và ông ấy nói, “Thì tôi cũng đang sống đây!” Tại sao cuộc sống lại lo nghĩ về cái chết? Khi bạn còn sống, vấn đề ở đâu? Nhưng tâm trí tạo ra vấn đề. Thế thì bạn phân vân.
Socrates sắp chết, và cùng điều đó xảy ra như đã xảy ra với Trang Tử. Các đệ tử đều lo nghĩ về đám tang. Họ hỏi ông ấy, “Chúng tôi phải làm gì?”
Tương truyền Socrates đã nói, “Kẻ thù của ta đang cho thuốc độc để giết ta còn các anh đang làm kế hoạch để chôn ta - cho nên ai là bạn ta và ai là kẻ thù ta? Các anh cả hai đều bận tâm tới cái chết của ta, chẳng ai dường như bận tâm tới cuộc sống của ta cả.”
Tâm trí theo cách nào đó là bị ám ảnh bởi cái chết. Các đệ tử của Trang Tử đã nghĩ họ phải làm gì - còn thầy thì đang chết, một hiện tượng vĩ đại đang sắp xảy ra ngay.
Tại đó, vị phật, Trang Tử, đang đạt tới đỉnh tối thượng. Điều đó hiếm khi xảy ra, một hay hai lần trong hàng triệu năm. Ngọn lửa đã bùng cháy. Cuộc sống của ông ấy đã tới điểm tuyệt đối thuần khiết nơi nó là điều thiêng liêng, không phải con người, nơi nó là toàn bộ, không phải bộ phận, nơi sự bắt đầu và cái kết thúc gặp gỡ, nơi tất cả các bí mật đều mở ra và tất cả các cánh cửa đều mở ra, nơi mọi thứ đều không khoá. Toàn bộ bí mật có đó… Và các đệ tử đang nghĩ về đám tang - mù quáng, hoàn toàn mù quáng, không thấy điều đang xảy ra. Mắt họ nhắm nghiền.
Nhưng tại sao điều này lại xảy ra? Các đệ tử này, bạn có cho rằng họ đã biết Trang Tử không? Làm sao họ có thể biết được? Nếu họ bỏ lỡ Trang Tử trong niềm vinh quang tối cao của ông ấy, làm sao chúng ta có thể tin rằng họ đã không lỡ ông ấy khi ông ấy vẫn còn làm việc với họ, làm việc trên họ, di chuyển với họ, đào hố trong vườn, gieo hạt, nói với họ, chỉ hiện diện với họ?
Làm sao chúng ta có thể cảm thấy rằng họ biết Trang Tử này là ai? Khi niềm vinh quang toàn bộ của ông ấy đã bị lỡ, không thể nào không nghĩ rằng họ bao giờ cũng đã lỡ ông ấy. Họ phải đã lỡ rồi. Khi ông ấy nói, thế thì họ phải đã nghĩ: Ông ấy nói gì thế nhỉ? Ông ấy ngụ ý gì?
Khi một người chứng ngộ nói, bạn không phát hiện ra ý nghĩa; nó có đó, bạn đơn giản đã lắng nghe nó. Nó không phải phát hiện ra, nó không giấu kín, nó chẳng là gì để diễn giải cả. Ông ấy không nói trong lí thuyết, ông ấy đang trao cho bạn những sự kiện đơn giản. Nếu mắt bạn mở, bạn sẽ thấy chúng; nếu tai bạn có thể nghe được, bạn sẽ nghe chúng. Chẳng cần gì nhiều.
Đó là lí do tại sao Jesus cứ nói mãi: Nếu các ông có thể nghe, hãy nghe ta. Nếu các ông có thể thấy, hãy thấy. Chẳng cần gì nhiều hơn - chỉ mở mắt, mở tai ra thôi.
Phật, Trang Tử hay Jesus không phải là các triết gia như Hegel, Kant. Nếu bạn đọc Hegel thì phải phát hiện ra ý nghĩa. Điều đó rất vất vả, dường như Hegel làm mọi nỗ lực để cho nó thành khó nhất đối với bạn, dệt lời quanh lời, làm mọi thứ thành như thách đố. Cho nên khi bạn lần đầu tiên gặp phải Hegel, ông ấy có vẻ như xuất sắc lắm, một đỉnh rất cao, nhưng bạn càng thấm nhuần hơn, bạn càng hiểu hơn, ông ấy lại càng trở nên kém hơn. Cái ngày bạn hiểu ông ấy, ông ấy là vô dụng.
Toàn bộ mẹo là ở chỗ bạn không thể hiểu được ông ấy, đó là lí do tại sao bạn cảm thấy ông ấy vĩ đại. Bởi vì bạn không thể hiểu được, nên tâm trí bạn bị cản trở, bởi vì bạn không thể hiểu được nên tâm trí bạn không thể hiểu, mọi thứ dường như rất bí ẩn, không thể nào hiểu thấu được. Không phải như vậy đâu, đấy chỉ là lời thôi. Ông ấy đang cố gắng che giấu, ông ấy không nói điều gì cả. Thay vì thế ông ấy dùng lời mà không có chất liệu gì.
Cho nên những người như Hegel lập tức được đánh giá cao, nhưng khi thời gian qua đi thì đánh giá về họ cũng biến mất. Những người như Phật không được đánh giá cao ngay, nhưng khi thời gian qua đi thì bạn sẽ đánh giá họ cao hơn. Họ bao giờ cũng đi trước thời đại mình. Hàng thế kỉ qua đi, thế rồi - thế rồi vĩ đại của họ bắt đầu nổi lên, thế rồi vĩ đại của họ bắt đầu xuất hiện. Thế thì bạn có thể cảm thấy họ, bởi vì chân lí của họ đơn giản thế; không có rác rưởi, không có phế thải quanh nó. Nó thực đến mức bạn có thể lỡ nó nếu bạn nghĩ về nó.
Khi bạn lắng nghe một Trang Tử, chỉ lắng nghe thôi. Không cần cái gì khác về phần bạn cả ngoài tiếp nhận thụ động, đón chào. Mọi thứ đều sáng tỏ, nhưng bạn có thể làm cho nó thành đống lộn xộn, và thế thì bạn có thể bị lẫn lộn bởi sáng tạo của riêng mình. Các đệ tử này phải đã lỡ Trang Tử - họ đang lỡ ông ấy lần nữa. Họ mải lo nghĩ về điều sẽ phải làm.
Và điểm này cần phải được hiểu: người của trí huệ bao giờ cũng liên quan tới hiện hữu, và người của dốt nát bao giờ cũng liên quan tới các câu hỏi về làm, cái gì phải làm. Hiện hữu không phải là câu hỏi với anh ta.
Trang Tử có liên quan tới việc hiện hữu; các đệ tử liên quan tới việc làm. Nếu cái chết tới thì phải làm gì? Chúng ta nên làm gì? Thầy sắp chết, cho nên về đám tang thì sao? Chúng ta phải lập kế hoạch cho nó.
Chúng ta điên lên về lập kế hoạch. Chúng ta lập kế hoạch cuộc sống, chúng ta lập kế hoạch cái chết, và qua việc lập kế hoạch tính tự phát bị phá huỷ, cái đẹp bị phá huỷ, toàn bộ cực lạc bị phá huỷ.
Tôi đã từng nghe rằng một người vô thần sắp chết. Anh ta không tin vào cõi trời hay địa ngục nhưng anh ta vẫn nghĩ rằng tốt hơn cả là ăn mặc cho cẩn thận trước khi chết. Anh ta không biết mình sẽ đi tới đâu bởi vì anh ta không tin vào bất kì cái gì, nhưng anh ta vẫn đi đâu đó, cho nên trước khi đi đâu đó người ta phải ăn vận cho cẩn thận.
Anh ta là con người của lễ nghi, xã giao, cho nên anh ta mặc bộ com lê, thắt cravat, và đủ mọi thứ, rồi anh ta chết. Viên giáo sĩ được gọi tới ban phước lành cho anh ta. Viên giáo sĩ nói, “Người này chưa bao giờ tin cả, nhưng nhìn cách thức anh ta đã lập kế hoạch đấy! Anh ta đã không tin, anh ta phải không đi đâu cả, và ăn vận đẹp làm sao và sẵn sàng!”
Thậm chí nếu bạn cảm thấy rằng bạn không đi đâu cả, bạn cũng lập kế hoạch cho nó, bởi vì tâm trí bao giờ cũng muốn chơi với tương lai. Nó rất hạnh phúc lập kế hoạch cho tương lai, nó rất bất hạnh sống trong hiện tại. Nhưng việc lập kế hoạch cho tương lai dường như là điều hay. Bất kì khi nào bạn có thời gian, bạn lại bắt đầu lập kế hoạch cho tương lai, dù là thế giới này hay thế giới khác, nhưng là tương lai. Và tâm trí thích lập kế hoạch lắm. Việc lập kế hoạch chỉ là tưởng tượng, mơ mộng, mơ ban ngày.
Nhưng người như Trang Tử liên quan tới sự hiện hữu, không phải sự trở thành. Họ không liên quan tới việc làm, họ không liên quan tới tương lai. Không việc lập kế hoạch nào là cần cả. Sự tồn tại tự bản thân nó chăm lo.
Jesus nói với các đệ tử: Nhìn vào những đoá hoa này, những đoá hoa loa kèn này đẹp trong niềm vinh quang của nó đến mức ngay cả Solomon cũng không đẹp đến như vậy. Và chúng không lập kế hoạch, và chúng không nghĩ về tương lai, và chúng không lo nghĩ về khoảnh khắc tiếp.
Tại sao hoa loa kèn đẹp thế? Cái đẹp của chúng có chứa cái gì? Nó ẩn ở đâu? Hoa loa kèn tồn tại ở đây và bây giờ. Tại sao khuôn mặt con người lại buồn và xấu thế? - bởi vì nó chưa bao giờ ở đây và bây giờ cả, nó bao giờ cũng trong tương lai. Nó tựa như ma vậy. Làm sao bạn có thể là thực nếu bạn không ở đây và bây giờ? Bạn chỉ có thể là ma thôi, hoặc là tới thăm quá khứ hoặc là đi vào tương lai.
Trang Tử đang chết. Vào khoảnh khắc cái chết của Trang Tử, các đệ tử đáng ra phải im lặng. Điều đó sẽ là việc kính trọng nhất phải làm, việc đáng yêu nhất phải làm. Thầy sắp chết. Họ chưa bao giờ lắng nghe cuộc sống của ông ấy, ít nhất họ cũng có thể lắng nghe cái chết của ông ấy. Họ không thể im lặng trong khi ông ấy đang nói với họ trong cả cuộc sống của mình; bây giờ ông ấy sắp trao cho buổi lễ cuối cùng qua cái chết của ông ấy.
Người ta nên quan sát khi một người trí huệ chết bởi vì ông ấy chết theo cách khác. Người dốt nát không thể chết theo cách đó. Bạn có cuộc sống của mình và bạn có cái chết của mình. Nếu bạn đã ngu xuẩn suốt trong cuộc sống của mình, làm sao bạn có thể trí huệ trong cái chết của mình được? Cái chết là kết quả, kết quả toàn bộ, kết luận. Trong cái chết toàn bộ cuộc sống của bạn có đó về bản chất - cho nên người ngu chết theo cách ngu ngốc.
Cuộc sống là duy nhất, cái chết cũng duy nhất. Không ai khác có thể sống cuộc sống của bạn và không ai khác có thể chết cái chết của bạn, chỉ bạn thôi. Nó là duy nhất, nó chưa bao giờ xảy ra lần nữa. Kiểu cách khác nhau, không chỉ trong cuộc sống cả trong cái chết. Khi Trang Tử chết, người ta phải tuyệt đối im lặng để cho người ta không làm lỡ nó - bởi vì bạn có thể làm lỡ.
Cuộc sống là câu chuyện dài, bẩy mươi năm, tám mươi năm, một trăm năm. Cái chết là khoảnh khắc. Nó là hiện tượng nguyên tử, tập trung. Nó sống động hơn cuộc sống bởi vì cuộc sống trải ra. Cuộc sống có thể không bao giờ mãnh liệt như cái chết có thể, và cuộc sống có thể không bao giờ đẹp như cái chết có thể, bởi vì nó là điều trải rộng. Nó bao giờ cũng hờ hững.
Vào lúc chết toàn bộ cuộc sống đã tới điểm sôi. Mọi thứ bay hơi khỏi thế giới này sang thế giới khác, từ thân thể sang vô thân. Nó là biến đổi lớn lao nhất xảy ra. Người ta nên im lặng, người ta nên kính trọng, người ta không nên vẩn vơ, bởi vì nó sẽ xảy ra trong một khoảnh khắc và bạn có thể lỡ nó.
Và các đệ tử ngu ngốc vẫn đang nói về đám tang và nghĩ về việc làm điều vĩ đại từ đó! Và điều vĩ đại nhất đang xảy ra, điều vĩ đại nhất đang xảy ra, nhưng họ đã nghĩ về việc trưng bầy. Tâm trí bao giờ cũng nghĩ về trưng bầy - nó là phô trương.
Mulla Nasruddin chết. Ai đó báo cho vợ anh ta người đang uống trà buổi trưa - nửa cốc trà đã hết. Người này nói, “Chồng chị chết rồi, anh ấy bị ngã dưới chiếc xe buýt.” Nhưng vợ Mulla Nasruddin vẫn tiếp tục nhấm nháp chén trà.
Người này nói, “Gì thế! Chị vẫn không dừng uống à! Chị có nghe tôi không đấy? Chồng chị chết rồi, còn chị vẫn chẳng nói lấy một lời!”
Người vợ nói, “Để tôi kết thúc chén trà này trước đã, và thế rồi - anh bạn, tôi sẽ cho một tràng gào khóc! Đợi cho một chút thôi.”
Tâm trí là khoa trương. Cô ấy sẽ gào khóc, chỉ cho cô ấy chút thời gian để thu xếp, để lập kế hoạch cho nó!
Tôi đã từng nghe về một nghệ sĩ có bà vợ chết. Ông ấy kêu khóc từ trái tim ra, ông ấy gào khóc, nhiều nước mắt ròng ròng trên má.
Một người bạn nói, “Tôi chưa bao giờ nghĩ là anh yêu vợ nhiều đến thế.”
Nghệ sĩ này nhìn người bạn và nói, “Điều này chẳng là gì cả. Anh nên thấy tôi khi người vợ thứ nhất chết.”
Thậm chí khi bạn phô bầy đau khổ của mình, bạn cũng nhìn vào người khác và tự hỏi họ nghĩ gì về điều đó. Tại sao nghĩ về đám tang lớn? Tại sao lớn? Bạn cũng làm phô trương về cái chết nữa. Đây có thực sự là kính trọng không? hay cái chết là cái gì đó trong chợ, một thứ hàng hoá?
Thầy chúng ta đã chết, cho nên có ganh đua, và chúng ta phải chứng tỏ rằng người có đám tang lớn nhất - không thầy nào khác lại có một đám tang như thế và không người nào khác sẽ có một đám tang như thế lần nữa. Thậm chí trong cái chết bạn cũng nghĩ về bản ngã. Nhưng các đệ tử thích điều đó, họ đi theo. Nhưng họ chưa bao giờ thực sự đi theo cả, bởi vì nếu họ đã đi theo Trang Tử, họ không thể đưa ra câu hỏi về đám tang lớn. Họ phải đã khiêm tốn trong khoảnh khắc đó. Nhưng bản ngã khẳng định.
Bất kì khi nào bạn nói rằng thầy mình là rất vĩ đại, nhìn vào bên trong đi. Bạn đang nói, “Tôi rất vĩ đại, đó là lí do tại sao tôi lại theo con người vĩ đại này, tôi là một tín đồ vĩ đại.” Mọi tín đồ đều nói rằng thầy mình là vĩ đại nhất - nhưng không phải bởi vì thầy! Làm sao bạn có thể là một tín đồ vĩ đại nếu thầy không vĩ đại? Và nếu ai đó nói rằng điều này không phải là như vậy, bạn bực mình, bạn phát cáu, bạn bắt đầu cãi lí và đánh nhau. Đấy là vấn đề về sự sống còn của bản ngã.
Mọi nơi bản ngã đều khẳng định. Nó tinh ranh và rất tinh tướng. Thậm chí trong cái chết nó cũng sẽ không bỏ bạn; thậm chí trong cái chết nó cũng sẽ có đấy. Thầy sắp chết, còn đệ tử đang nghĩ về đám tang. Họ đã không theo thầy chút nào - một bậc thầy như Trang Tử có giáo huấn bao hàm trong sự tự phát.
Khi Trang Tử sắp chết, đệ tử của ông ấy bắt đầu lập kế hoạch đám tang lớn.
Ông ấy còn chưa chết họ đã bắt đầu lập kế hoạch rồi, bởi vì vấn đề không phải là Trang Tử, vấn đề là bản ngã của các đệ tử. Họ phải cho ông ấy một cuộc tống tiễn lớn, và phải làm cho mọi người hiểu rằng chưa từng có một điều như vậy đã từng xảy ra trước đây.
Nhưng bạn không thể lừa Trang Tử được. Thậm chí khi ông ấy sắp chết, ông ấy sẽ không để cho bạn đơn độc; thậm chí khi ông ấy sắp chết, ông ấy cũng không thể bị lừa; thậm chí khi ông ấy sắp ra đi, ông ấy cũng sẽ trao cho bạn trái tim mình, trí huệ của mình; thậm chí vào khoảnh khắc cuối cùng ông ấy cũng vẫn sẽ chia sẻ bất kì cái gì ông ấy đã biết và đã chứng ngộ. Thậm chí khoảnh khắc cuối cùng của ông ấy cũng sẽ là sự chia sẻ.
Nhưng Trang Tử nói: 'Ta có trời đất làm quan tài; mặt trời mặt trăng làm biểu tượng ngọc treo bên cạnh ta; các vì sao sẽ chiếu sáng như châu báu quanh ta, và mọi sinh linh đều hiện diện như người than khóc bên ta. Còn gì cần thêm nữa?'
Mọi thứ đều đơn giản: đơn giản, chăm nom dư giả. Cần gì thêm nữa? Bạn có thể làm thêm cái gì nữa? Bạn có thể làm thêm cái gì nữa cho Trang Tử, cho vị phật? Bất kì cái gì bạn làm cũng sẽ là cái không, bất kì cái gì bạn lập kế hoạch cũng đều sẽ tầm thường. Nó không thể lớn lao bởi vì toàn bộ vũ trụ đã sẵn sàng đón nhận ông ấy. Bạn còn có thể làm cái gì thêm nữa?
Trang Tử nói: Mặt trời và mặt trăng và tất cả sinh linh trên trái đất và bầu trời đều sẵn sàng đón nhận ta. Tất cả các sinh linh, toàn bộ sự tồn tại, sẽ là người than khóc. Cho nên các ông chẳng cần phải lo nghĩ, các ông chẳng cần phải thuê người than khóc.
Bạn có thể tham gia vào người than khóc - bây giờ họ có sẵn ngoài chợ. Có những người bạn trả tiền, còn họ thì khóc. Kiểu nhân loại nào đang đi vào hiện hữu? Nếu vợ chết, mẹ chết, chẳng có ai ở đó khóc cả, cho nên bạn phải thuê người khóc chuyên nghiệp. Họ đều có sẵn ở Bombay, Calcutta; trong các thành phố lớn họ đều có sẵn, và họ làm những việc đó tốt đến mức bạn không thể cạnh tranh được với họ. Tất nhiên họ hiệu quả hơn, họ thực hành hàng ngày, nhưng điều đó xấu làm sao khi bạn phải trả tiền cho điều như thế. Toàn bộ sự việc đã trở thành giả.
Cuộc sống là giả, cái chết là giả, hạnh phúc là giả. Thậm chí đến khóc than cũng giả nốt. Và điều này phải có; nó có ý nghĩa logic cho nó. Nếu bạn chưa bao giờ thực sự hạnh phúc với một người, làm sao bạn có thể thực sự khóc than khi người đó chết? Điều đó là không thể được. Nếu bạn không hạnh phúc với cuộc sống của mình, nếu bạn chưa bao giờ biết bất kì khoảnh khắc phúc lạc nào với cô ấy, khi cô ấy chết làm sao nước mắt chân thực có thể tới được từ mắt bạn? Sâu phía dưới bạn sẽ hạnh phúc, sâu phía dưới bạn cảm thấy tự do: Bây giờ mình độc lập, bây giờ mình có thể đi theo ham muốn của mình. Người vợ giống như việc tù túng.
Tôi đã từng nghe rằng một người sắp chết và vợ người đó đang an ủi anh ta, nói, “Anh đừng lo nghĩ, chẳng chóng thì chầy em cũng lại kề bên anh.”
Người này nói, “Nhưng đừng không chung thuỷ với anh.” Anh ta phải sợ hãi rồi. Tại sao nỗi sợ này lại có vào khoảnh khắc cuối? Nỗi sợ này phải bao giờ cũng có đó rồi.
Người vợ hứa, “Em sẽ không bao giờ không chung thuỷ với anh.”
Thế là người này nói, “Nếu em phạm phải dù chỉ một hành động không chung thuỷ với anh thì anh sẽ vào lại trong nấm mồ. Điều đó sẽ rất đau đớn cho anh.”
Mười năm sau người vợ chết. Tại cổng trời, Thánh Peter hỏi cô ấy, “Chị muốn gặp ai trước nhất?”
Cô ta nói, “Tất nhiên là chồng tôi.”
Thánh Peter hỏi, “Tên anh ấy là gì?”
Thế là chị ta nói, “Abraham.”
Nhưng Thánh Peter đáp, “Khó tìm được anh ta vì chúng tôi có tới hàng triệu Abraham, cho nên cho ta thêm manh mối về anh ta.”
Người vợ nghĩ và nói, “Lúc anh ấy thở ra khi chết anh ấy nói rằng nếu tôi phạm phải bất kì hành động không chung thuỷ nào với anh ấy thì anh ấy sẽ quay về nấm mồ.”
Thánh Peter nói, “Không cần nói thêm nữa. Chị phải ngụ ý Abraham xoay, người thường xuyên xoay quanh trong mồ mình! Trong mười năm anh ta không có lấy một khoảnh khắc an bình. Và mọi người đều biết về anh ta. Không vấn đề gì, chúng tôi sẽ gọi anh ấy ra ngay.”
Không niềm tin, không tin cậy, không tình yêu, không hạnh phúc, đã từng xảy ra từ mối quan hệ của bạn. Khi cái chết tới, làm sao bạn có thể than khóc được? Việc than khóc của bạn sẽ là giả. Nếu cuộc sống của bạn là giả, cái chết của bạn cũng sẽ giả thôi. Và đừng nghĩ rằng bạn là người giả duy nhất - tất cả xung quanh, những người có quan hệ với bạn cũng giả nốt. Và chúng ta sống trong một thế giới giả thế, điều khá ngạc nhiên là làm sao chúng ta vẫn có thể tiếp tục được.
Một chính khách thất nghiệp. Ông ta là cựu bộ trưởng. Ông ấy đi kiếm việc, vì chính khách thì bao giờ cũng gặp khó khăn khi họ không còn trong văn phòng. Họ không thể làm được gì khác hơn chính trị, họ không biết gì khác hơn ngoài chính trị. Và họ không có phẩm chất nào khác. Mọi việc nhỏ bé đều đòi hỏi một phẩm chất nào đó - nhưng với một bộ trưởng thì chẳng cần phẩm chất nào cả. Một bộ trưởng quan trọng hay thủ tướng cũng chẳng cần phẩm chất nào hết cả.
Cho nên vị bộ trưởng này gặp rắc rối. Ông ấy đã tới gặp người quản lí gánh xiếc, vì ông ấy nghĩ rằng chính trị thì cũng là một gánh xiếc lớn, ông ấy phải đã biết đôi điều gì đó ông ấy có thể dùng trong rạp xiếc. Cho nên ông ấy nói, “Ông có thể cho tôi một việc được không? Tôi đang thất nghiệp, và gặp rắc rối.”
Người quản lí nói, “Ông tới đúng lúc đấy. Một trong những con gấu của chúng tôi vừa chết, cho nên chúng tôi sẽ cho ông bộ trang phục của gấu. Ông không phải làm gì cả, chỉ ngồi không làm gì cả ngày và không ai biết được khác biệt. Chỉ ngồi từ sáng tới tối để cho mọi người biết rằng con gấu vẫn còn đó.”
Công việc này có vẻ tốt, cho nên chính khách này chấp nhận. Ông ấy đi vào lồng, mặc bộ trang phục vào, và ngồi xuống. Ông ấy ngồi đó, mới được mười lăm phút thì một con gấu khác bị đẩy xô vào. Ông ấy khiếp đảm và chạy ra song sắt, bắt đầu rung chấn song và kêu lên, “Cứu tôi với, cho tôi ra khỏi đây.”
Thế rồi ông ấy nghe thấy một tiếng nói. Con gấu kia nói. Nó nói, “Ông nghĩ ông là chính khách duy nhất thất nghiệp sao? Tôi cũng là cựu bộ trưởng đây. Đừng sợ hãi.”
Toàn bộ cuộc sống đã trở thành giả, từ gốc rễ đến tất cả, và cách bạn tồn tại trong nó mới thực là phép mầu cực kì. Nói chuyện bằng khuôn mặt giả, hạnh phúc giả, khổ giả. Và thế rồi bạn hi vọng tìm ra chân lí! Với khuôn mặt giả thì chân lí chẳng bao giờ có thể tìm thấy cả. Người ta phải hiểu khuôn mặt thật của riêng mình và vứt bỏ tất cả các mặt nạ giả.
Trang Tử nói: “Ta có trời đất làm quan tài…”
Vậy thì sao các ông lại lo nghĩ? Và làm sao các ông có thể xoay xở được cái quan tài lớn hơn thế? Để trời và đất là quan tài của ta - chúng sẽ có đấy.
“… mặt trời mặt trăng làm biểu tượng ngọc treo bên cạnh ta…”
Vậy thì các ông chẳng cần đốt nến quanh ta; chúng sẽ là nhất thời, và chẳng chóng thì chầy chúng sẽ không có đó. Để mặt trời và mặt trăng là biểu tượng cho cuộc sống quanh ta. Và chúng có đấy.
“…các vì sao sẽ chiếu sáng như châu báu quanh ta, và mọi sinh linh đều sẽ hiện diện…”
Đây là điều gì đó cần được hiểu: tất cả các sinh linh sẽ hiện diện. Người ta cũng nói thế về Phật và Mahavira, nhưng chẳng ai tin điều đó bởi vì không thể nào tin được. Người Jaina đọc nó, nhưng thậm chí họ cũng không tin nó; Phật tử đọc nó, nhưng hoài nghi đi vào tâm trí họ.
Tương truyền rằng khi Mahavira chết, tất cả mọi sinh linh đều hiện diện ở đó. Không chỉ con người - con vật, các linh hồn của cây cối, thiên thần, tiên, tất cả mọi sinh linh từ khắp các chiều của sự tồn tại đều hiện diện ở đó. Và điều này phải là như vậy bởi vì Mahavira không chỉ được hiển lộ cho bạn; niềm vinh quang, chiều cao đến mức tất cả mọi chiều của sự tồn tại đều trở thành quen thuộc với ông ấy. Tương truyền rằng khi Mahavira nói, các thiên thần, tiên, loài vật, ma, tất cả các kiểu sinh linh đều có đó để lắng nghe ông ấy, không chỉ con người. Điều này có vẻ như chuyện kể, chuyện ngụ ngôn, nhưng tôi bảo bạn rằng điều này đúng đấy - bởi vì bạn càng vươn cao hơn, bản thể bạn càng trưởng thành cao hơn, và các chiều khác của sự tồn tại trở thành sẵn có với bạn.
Khi người ta đạt tới điểm cao nhất - điểm arihanta, người Jaina gọi thế, điểm arhat, Phật tử gọi thế, điểm của Đạo hoàn hảo, con người của Đạo, Trang Tử gọi thế - thế thì toàn bộ sự tồn tại lắng nghe.
Trang Tử nói: “…và mọi sinh linh đều sẽ hiện diện như người than khóc bên ta.”
Còn cần gì hơn nữa, và bạn có thể làm gì hơn nữa được? Bạn có thể thêm cái gì nữa vào đó? Bạn chẳng cần gì cả, và bạn không cần lo nghĩ.
“mọi thứ đều được chăm nom dư giả.”
Đây là cảm giác của người trở nên im lặng:
“mọi thứ đều được chăm nom dư giả.”
Cuộc sống và cái chết, mọi thứ, bạn không cần làm gì cả - mọi thứ đều đã xảy ra không có bạn. Bạn tới một cách không cần thiết vào trong nó và bạn tạo ra lẫn lộn, bạn tạo ra hỗn loạn. Không có bạn mọi thứ hoàn hảo - như nó đang đấy, nó là hoàn hảo. Đây là thái độ của người tôn giáo: như nó đang đấy, mọi thứ đều là hoàn hảo. Không phải làm thêm cái gì cho nó cả.
Tại phương Tây, Leibnitz nghe nói đã nói rằng thế giới này là hoàn hảo nhất của tất cả thế giới có thể có. Ông ấy đã bị chỉ trích, bởi vì ở phương Tây bạn không thể khẳng định những điều như vậy. Làm sao thế giới này lại là thế giới hoàn hảo nhất? Đây dường như là thế giới không hoàn hảo nhất, xấu nhất, ốm yếu; bất bình đẳng, đau khổ, nghèo nàn, ốm yếu, chết chóc, hận thù, đủ mọi thứ - và Leibnitz lại nói thế giới này là hoàn hảo nhất của tất cả các thế giới có thể có!
Leibnitz đã bị chỉ trích nặng nề, nhưng Trang Tử sẽ hiểu điều ông ấy ngụ ý. Tôi hiểu điều ông ấy ngụ ý. Khi Leibnitz nói, “Đây là thế giới hoàn hảo nhất có thể có,” thì ông ấy không đưa ra bất kì bình luận nào về tình hình chính trị hay kinh tế. Ông ấy không đưa ra bất kì bình luận nào về bình đẳng, bất bình đẳng, xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa, chiến tranh. Lời bình luận này là không khách quan, lời bình luận này là không liên quan với bên ngoài; lời bình luận này là liên quan với cảm giác bên trong - nó tới từ chính bản thể.
Điều mọi thứ đều hoàn hảo có nghĩa là không cần phải lo nghĩ.
“mọi thứ đều được chăm nom dư giả.”
Và bạn không thể làm cho nó tốt hơn, bạn chỉ không thể làm cho nó tốt hơn. Nếu bạn cố gắng, bạn có thể làm cho nó tồi hơn, nhưng bạn không thể làm cho nó tốt hơn. Đây là điều rất khó để cho tâm trí khoa học hiểu được rằng bạn không thể làm cho nó tốt hơn, bởi vì tâm trí khoa học tuỳ thuộc vào ý tưởng này - rằng mọi thứ đều có thể tốt hơn. Nhưng bạn đã làm gì?
Trong hai nghìn năm từ thời Aristotle, chúng ta đã cố gắng ở phương Tây để làm cho thế giới là một chỗ tốt hơn. Nó có trở nên tốt hơn theo bất kì cách nào không? Con người có hạnh phúc hơn chút ít nào không? Con người thậm chí có phúc lạc thêm chút ít nào không? Chẳng chút nào cả. Mọi thứ đã trở nên tồi tệ đi. Chúng ta càng điều trị cho bệnh nhân, bệnh nhân càng gần cái chết hơn. Chẳng cái gì có ích cả. Con người không hạnh phúc hơn chút nào.
Chúng ta có thể có nhiều thứ hơn để hoan lạc với chúng, nhưng trái tim có thể hạnh phúc thì lại mất. Bạn có thể có cung điện, nhưng người có thể là hoàng đế ở đây thì không còn, cho nên cung điện trở thành nấm mồ. Các thành phố của các bạn đẹp hơn, giầu có hơn, nhưng chúng chỉ giống như nghĩa địa, không người sống nào sống ở đó. Chúng ta đã phạm sai lầm trong việc cố gắng làm cho thế giới tốt hơn. Nó không tốt hơn. Nó có thể tồi hơn.
Nhìn lại đi… con người đã hoàn toàn khác, nghèo hơn nhưng giầu hơn. Có vẻ ngược đời, anh ta nghèo hơn, không đủ ăn, không đủ mặc, không đủ chỗ ở, nhưng cuộc sống lại giầu có hơn. Anh ta đáng có thể nhảy múa, anh ta đáng có thể hát.
Bài ca của bạn bị mất, họng bạn bị nghẹt bởi các thứ, không bài ca nào thoát ra từ trái tim. Bạn không thể nhảy múa. Nhiều nhất thì bạn cũng có thể làm vài chuyển động, nhưng những chuyển động này không phải là điệu múa, bởi vì điệu múa không chỉ là chuyển động. Khi một chuyển động trở thành cực lạc thế thì có điệu múa. Khi chuyển động là toàn bộ đến mức không có bản ngã, thế thì đấy là điệu múa.
Và bạn nên biết rằng việc nhảy múa đi vào trong thế giới này như một kĩ thuật thiền. Ban đầu của việc nhảy múa không phải là cho nhảy múa, nó là để đạt tới niềm cực lạc nơi vũ công mất đi, chỉ vũ điệu là còn lại - không bản ngã, không ai thao túng, thân thể tuôn chảy tự phát.
Bạn có thể nhảy múa, nhưng chỉ trong những chuyển động chết. Bạn có thể thao túng thân thể: nó có thể là bài tập tốt, nhưng nó không phải là cực lạc. Bạn vẫn còn ôm lẫn nhau, bạn vẫn còn hôn, bạn vẫn còn làm tất cả các chuyển động của việc làm tình, nhưng tình yêu không có đó, chỉ có chuyển động. Bạn làm chúng và bạn cảm thấy thất vọng. Bạn làm chúng và bạn biết chẳng có gì xảy ra cả. Bạn làm mọi thứ, mà vẫn có cảm giác thất vọng thường xuyên theo sau bạn như cái bóng.
Khi Leibnitz nói rằng đây là thế giới hoàn hảo nhất trong tất cả các thế giới có thể có, ông ấy đang nói điều Trang Tử nói:
'mọi thứ đều được chăm nom dư giả.'
Bạn không cần lo nghĩ về cuộc sống, bạn không cần lo nghĩ về cái chết - cùng ngọn nguồn đã chăm nom cho cuộc sống sẽ chăm nom cho cái chết. Bạn không cần nghĩ về đám tang lớn. Cùng ngọn nguồn đã trao cho ta việc sinh thành thì sẽ hấp thu ta, và cùng ngọn nguồn đó là đủ, chúng ta không cần thêm gì vào nó cả.
Các đệ tử đã lắng nghe nhưng đã không thể hiểu được, nếu không thì đã không cần phải nói gì thêm nữa. Nhưng các đệ tử này vẫn nói:
“Chúng tôi sợ rằng quạ và diều sẽ rỉa thịt thầy.”
Nếu chúng ta không làm việc chuẩn bị nào, nếu chúng ta không lập kế hoạch, thế thì quạ và diều sẽ ăn thầy chúng ta.
Trang Tử đáp: 'Này, trên mặt đất ta sẽ bị quạ và diều rỉa rói, còn dưới đất thì kiến và dòi đục khoét. Đằng nào thì ta cũng bị chúng ăn - vậy sao các anh lại thiên về chim chóc? Vậy sao phải chọn lựa? Đằng nào thì ta cũng bị ăn rồi, vậy sao phải chọn lựa?'
Trang Tử nói: Sống vô chọn lựa và chết vô chọn lựa. Sao phải chọn lựa?
Bạn cố gắng thao túng cuộc sống và thế thì bạn cố gắng thao túng cả cái chết nữa. Cho nên mọi người làm di chúc, tài liệu pháp lí, để cho khi họ không còn nữa, họ sẽ thao túng. Chết rồi, nhưng họ vẫn sẽ thao túng. Thao túng dường như là đáng ca tụng đến mức sau cái chết mọi người cứ thao túng nữa. Bố chết, và đưa ra điều kiện trong di chúc của mình rằng con sẽ nhận được tài sản thừa kế chỉ nếu anh ta hoàn thành điều kiện này, nếu không thì tiền bạc sẽ chuyển vào quĩ từ thiện. Nhưng những điều kiện này phải được hoàn thành... người chết vẫn còn chi phối.
Người sáng lập và chủ tịch của công ti bệnh viện ở London đã làm di chúc của mình. Bản di chúc nói: Khi tôi chết không được huỷ hoại thân thể tôi. Nó phải được gìn giữ và tôi sẽ tiếp tục ngồi ở ghế chủ tịch. Và ông ấy vẫn ngồi đó. Bất kì khi nào hội đồng công ti họp, cái xác của ông ấy vẫn ngồi tại vị trí chủ tịch. Ông ấy ngồi tại đầu bàn, vẫn chi phối.
Cuộc sống của bạn là sự thao túng của người khác, bạn sẽ muốn cái chết của bạn cũng là sự thao túng. Trang Tử nói: Không chọn lựa. Nếu các ông để thân ta trên đất, cũng được, nó sẽ bị ăn; nếu các ông chôn nó sâu dưới đất nó cũng sẽ bị ăn. Cho nên sao lại thiên vị về chim chóc hay sâu bọ? Cứ để nó như nó sẽ xảy ra. Để cho cội nguồn quyết định.
Quyết định đem lại cho bạn bản ngã: Tôi sẽ quyết định. Cho nên để cho cội nguồn quyết định, để cho điều tối thượng quyết định cách nó muốn vứt bỏ thân thể này. Ta chưa bao giờ được hỏi cách thức cội nguồn phải xây dựng thân thể này, tại sao ta lại phải quyết định cách thức nó bị vứt bỏ? Và tại sao lại sợ rằng nó sẽ bị ăn? Thế là tốt.
Chúng ta sợ bị ăn - tại sao? Đây là điều gì đó cần phải được hiểu. Tại sao chúng ta lại sợ bị ăn thế? Tất cả các kiếp sống chúng ta đều ăn, và chúng ta đều phá huỷ cuộc sống qua việc ăn. Bất kì cái gì chúng ta ăn, bạn đều giết hại. Bạn phải giết hại, bởi vì cuộc sống chỉ có thể ăn cuộc sống. Không có cách khác. Cho nên không ai thực sự có thể là người ăn chay cả - không người nào. Mọi người đều là không ăn chay, bởi vì bất kì cái gì bạn ăn thì cũng đều là cuộc sống. Bạn ăn quả, đấy là cuộc sống; bạn ăn rau, rau có cuộc sống; bạn ăn bột mì, gạo, chúng là hạt mầm cho cuộc sống nảy sinh. Bất kì cái gì bạn phụ thuộc vào thì đều có cuộc sống cả.
Cuộc sống ăn cuộc sống, và mọi thứ đều là thức ăn cho ai đó khác; vậy tại sao bạn bảo vệ bản thân mình và cố gắng đảm bảo rằng bạn sẽ không bị ăn? Đơn giản là ngu ngốc! Bạn đã ăn cả cuộc sống của mình, bây giờ cho nó một cơ hội ăn bạn, cho phép cuộc sống ăn bạn.
Đó là lí do tại sao tôi nói rằng người Parsee có phương pháp khoa học nhất để vứt bỏ thân thể. Người Hindu đốt nó. Điều này là xấu, bởi vì bạn đang đốt thức ăn. Nếu mọi cây cối đều đốt quả của nó, và mọi con vật chết đi và con vật khác đốt nó, điều gì xảy ra? Chúng tất cả đều là người Hindu nhưng sẽ không có ai ở đây cả. Tại sao lại đốt? Bạn đã ăn, bây giờ cho phép nó, cho cuộc sống một cơ hội để ăn bạn. Và hạnh phúc về điều đó đi bởi vì thức ăn có nghĩa là bạn được hấp thu. Chẳng có gì sai cả. Nó có nghĩa là sự tồn tại đã lấy lại, dòng sông đã rơi lại vào đại dương.
Và điều này là cách tốt nhất để được hấp thu - được ăn, để cho bất kì cái gì có ích trong bạn đều sống ở đâu đó trong ai đó. Cây cối nào đó, con chim nào đó, con vật nào đó, sẽ sống qua cuộc sống của bạn. Hãy hạnh phúc, cuộc sống của bạn đã được phân phối. Tại sao cảm thấy rằng cái gì đó là sai với nó? Người Mô ha mét giáo và Ki tô giáo chôn người chết dưới đất trong quan tài hạng tốt, trong quan tài, để bảo vệ họ. Điều này là xấu, điều này chỉ là ngu xuẩn, bởi vì chúng ta không thể bảo vệ được cuộc sống, vậy làm sao chúng ta có thể bảo vệ được cái chết? Chúng ta không thể bảo vệ được cái gì cả, chẳng cái gì có thể được bảo vệ cả.
Cuộc sống là mong manh, và bạn thậm chí lại cố làm cho cái chết thành không mong manh. Bạn muốn bảo vệ, gìn giữ.
Người Parsee có phương pháp tốt nhất - họ đơn giản để thân thể trên tường, thế rồi chim kền kền và các chim khác tới và ăn nó. Mọi người đều chống lại người Parsee, ngay cả người Parsee, bởi vì toàn bộ việc này có vẻ xấu thế. Nó không xấu đâu. Khi bạn ăn, điều đó có xấu không? Thế thì tại sao, khi kền kền ăn, nó lại xấu? Khi bạn ăn, thế thì đấy là bữa tối, còn khi chim kền kền ăn bạn thế thì đấy cũng là bữa tối chứ. Bạn đã ăn kẻ khác, hãy để kẻ khác ăn bạn; hãy được hấp thu.
Cho nên Trang Tử nói: Không chọn lựa, tại sao nghiêng về cái này hay cái nọ? Để cuộc sống làm bất kì cái gì nó chọn làm, ta không quyết định. Thực sự, Trang Tử đã sống cuộc sống vô chọn lựa cho nên ông ấy sẵn sàng chết cái chết vô chọn lựa. Và khi bạn vô chọn lựa, chỉ thế thì bạn mới hiện hữu. Khi bạn có chọn lựa, tâm trí có đấy. Tâm trí là người chọn; bản thể bao giờ cũng vô chọn lựa. Tâm trí muốn làm điều gì đó; bản thể đơn giản cho phép mọi điều xảy ra. Bản thể là buông bỏ. Làm sao bạn có thể khổ nếu bạn không chọn lựa? Làm sao bạn có thể khổ nếu bạn không yêu cầu kết quả đặc biệt? Làm sao bạn có thể khổ nếu bạn không đi vào một mục đích đặc biệt? Chẳng cái gì có thể làm cho bạn khổ được. Tâm trí bạn yêu cầu mục đích, chọn lựa, quyết định - thế thì khổ tới.
Nếu bạn sống vô chọn lựa và cho phép cuộc sống xảy ra, thế thì bạn đơn giản trở thành một cánh đồng: cuộc sống xảy ra trong bạn, nhưng bạn không là người quản lí. Bạn không quản lí nó, bạn không kiểm soát nó. Khi bạn không phải là người kiểm soát mọi căng thẳng tan biến; chỉ thế thì mới có thảnh thơi, thế thì bạn thảnh thơi toàn bộ. Thảnh thơi đó là điểm tối thượng, alpha và ômêga, cái bắt đầu và cái kết thúc. Dù đó là cuộc sống hay cái chết, bạn không nên lấy bất kì quan điểm nào.
Đó là ý nghĩa của câu chuyện này: bạn không nên lấy bất kì quan điểm nào. Bạn không nên nói: Cái này phải và cái kia trái. Bạn không nên phân chia. Để cuộc sống là một toàn thể không phân chia.
Trang Tử nói: Nếu bạn phân chia, thậm chí dù chỉ phân chia một li, trời đất đã chia lìa, và thế thì chúng không thể được bắc cầu với nhau.
Có lần tôi biết một thanh niên. Anh ta hay tới tôi và anh ta bao giờ cũng lo nghĩ về một điều. Anh ta muốn cưới vợ, nhưng bất kì cô gái nào anh ta đem về nhà, mẹ anh ta đều không chấp thuận cô ấy. Điều đó đã thành gần như không thể được. Cho nên tôi bảo anh ta, “Thử tìm một cô gái gần như mẹ bạn: khuôn mặt, hình dáng, cách nói, quần áo. Chỉ tìm một hình ảnh soi gương, sự phản xạ của mẹ bạn.”
Anh ta tìm kiếm và tìm kiếm mãi cuối cùng thì cũng tìm được một cô gái. Anh ta tới tôi và nói, “Thầy phải đấy, mẹ con lập tức thích cô ấy. Cô ấy giống hệt mẹ con; không chỉ cô ấy ăn mặc giống mẹ con, cô ấy bước đi, nói năng, cô ấy thậm chí còn nấu nướng giống như mẹ con.”
Thế là tôi hỏi anh ta, “Thế thì điều gì xảy ra?”
Anh ta nói, “Chẳng có gì cả, bởi vì bố con ghét cô ấy.”
Cái cực này - nếu một phần của tâm trí bạn yêu một thứ, bạn có thể lập tức tìm thấy phần khác của tâm trí ghét nó. Nếu bạn chọn thứ này, nhìn lại sau: phần khác ghét nó đang ẩn nấp ở đấy. Bất kì khi nào bạn chọn, đấy không chỉ là thế giới bị phân chia, bạn cũng bị phân chia qua chọn lựa của mình. Bạn không là toàn thể. Và khi bạn không là toàn thể, bạn không thể cho phép cuộc sống xảy ra. Và tất cả phúc lành đều tới trong cuộc sống như ân huệ, như món quà; nó không đạt được qua nỗ lực.
Cho nên đừng chọn tôn giáo chống lại thế giới, đừng chọn cái thiện chống lại cái ác, đừng làm bất kì phân biệt gì giữa quỉ và Thượng đế, đây là điều Trang Tử nói. Ông ấy nói: Đừng chọn giữa sống và chết. Đừng chọn giữa kiểu chết này và kiểu chết kia. Không chọn, vẫn còn là toàn thể, và bất kì khi nào bạn là toàn thể, có gặp gỡ với cái toàn thể, bởi vì chỉ cái giống nhau mới gặp cái giống nhau.
Các nhà huyền môn đã từng nói qua nhiều thế kỉ: Trên thế nào, dưới thế ấy. Tôi muốn thêm một điều nữa vào nó: Bên trong thế nào, bên ngoài thế ấy. Nếu bạn là toàn thể bên trong, toàn thể bên ngoài xảy ra cho bạn ngay lập tức. Nếu bạn bị phân chia bên trong, cái toàn thể bên ngoài bị phân chia.
Chính bạn là người trở thành toàn thể vũ trụ, bạn trở thành được phóng chiếu, nó là bạn - và bất kì khi nào bạn chọn lựa, bạn sẽ bị phân chia. Chọn lựa có nghĩa là phân chia, chọn lựa có nghĩa là xung đột, vì cái này, chống cái nọ.
Đừng chọn lựa. Vẫn còn là nhân chứng vô chọn lựa và thế thì chẳng có gì thiếu cả. Thế thì sự tồn tại này là sự tồn tại hoàn hảo nhất có thể có. Chẳng cái gì có thể đẹp hơn, chẳng cái gì có thể phúc lạc hơn. Nó có đó, tất cả xung quanh bạn, chờ đợi bạn. Bất kì khi nào bạn trở nên nhận biết nó đều hiển lộ cho bạn. Nhưng nếu tâm trí bạn cứ làm việc bên trong, phân chia, chọn lựa, tạo ra xung đột, nó sẽ chẳng bao giờ xảy ra cho bạn.
Bạn đã bỏ lỡ nó nhiều kiếp rồi. Đừng bỏ lỡ nó thêm nữa.
Hết quyển "Thuyền rỗng" - Xem Thơ Trang Tử: "Thuyền rỗng" - Quay về Mục lục

Ads Belove Post