Read more
Osho - Nhịp đập của tuyệt đối
Chương 13. Con vật, cây cỏ hay Thượng đế?
Những người bị cuốn hút vào sự hoàn thành của prakriti - tạo hoá biểu hiện -
thì đi vào bóng tối,
còn những người bị hấp thu vào sự hoàn thành của prakriti giấu kín - tạo hoá không biểu hiện - thì đi vào bóng tối còn lớn hơn
Cái biểu hiện ra ngoài của sự tồn tại được gọi là prakriti - bản tính vật chất của vũ trụ - thấy được bằng mắt, chạm được bằng tay, biết được qua các giác quan; tất cả những cái mà giác quan của chúng ta trở nên thông thạo. Có thể nói rằng Thượng đế thấy được là prakriti; nhưng đây là kinh nghiệm của những người biết Thượng đế. Họ có thể xác nhận rằng prakriti là thân thể của Thượng đế. Nhưng chúng ta chỉ biết có thân thể, chúng ta không biết rằng nó là thân thể của Thượng đế. Prakriti là hình dạng của tâm thức vô hình, ẩn kín đó, nó là dạng thấy được của cái đó. Sự kiện này chỉ được biết tới bởi những người biết tới cả cái vô hình nữa. Bằng không chúng ta chỉ biết ngần này thôi - đó là cái thấy được tất cả là cái có đó.
Upanishad nói rằng những người bị cuốn hút vào tôn thờ prakriti - thiên nhiên thấy được - đi vào bóng tối. Tất cả chúng ta đều bị cuốn hút vào theo cách này. Một mình những người ít bị cuốn hút là những người đưa ra lời cầu nguyện và tôn thờ trong các đền đài. Nhưng chúng ta, những người bị cuốn hút vào trong prakriti, đưa ra lời cầu nguyện trong các ngôi đền của giác quan. Upasana - tôn thờ - cũng có nghĩa là ngồi gần. Khi bạn bị cuốn hút vào việc nếm một thứ, tức là bạn đang ngồi gần với vị giác. Khi bạn đang bị cuốn hút vào trong ham muốn dục, tức là bạn đang ngồi gần cơ quan sinh dục; việc tôn thờ cơ quan sinh dục tiếp diễn vào lúc đó. Những người tự gọi mình là vô thần cũng bị cuốn hút, không phải vào việc tôn thờ Thượng đế, mà là vào việc tôn thờ thiên nhiên biểu hiện.
Rất khó giữ cho bản thân mình khỏi ‘ngồi gần’. Chúng ta phải ngồi gần cái gì đó - chúng ta không thể tránh được điều đó. Nếu chúng ta không ngồi gần Thượng đế chúng ta sẽ ngồi gần thiên nhiên biểu hiện. Nếu chúng ta không ngồi gần linh hồn chúng ta sẽ ngồi gần thân thể. Nếu chúng ta không ngồi gần tâm linh và điều siêu việt thì chúng ta sẽ ngồi gần thế gian và điều trần tục. Chắc chắn chúng ta sẽ ngồi ở đâu đó. Hành động ngồi gần sẽ tiếp diễn trong mọi hoàn cảnh chỉ với một ngoại lệ. Tôi sẽ nói về điều này về sau.
Lời kinh này của Upanishad nói rằng người đi vào bóng tối là những người bị cuốn hút vào tôn thờ thiên nhiên biểu hiện. Họ đi vào bóng tối bởi vì họ có thể không thiết lập mối liên hệ nào với ánh sáng. Tôn thờ và ngưỡng mộ thiên nhiên biểu hiện chủ yếu là do bóng tối, do dốt nát. Nói thực, bóng tối là cơ sở trên đó việc bị cuốn hút vào thiên nhiên biểu hiện lệ thuộc vào. Nếu bạn muốn đáp ứng cho bất kì ham muốn hay đam mê nào, sẽ rất dễ dàng chỉ chính xác mức độ mà tâm trí bạn được rót đầy với bóng tối và dốt nát. Sẽ khó ngồi gần ham muốn nếu có ánh sáng - tri thức thực - trong tâm trí. Việc chạy đuổi, tìm theo ham muốn, sẽ đích xác nhịp nhàng khi tâm trí được chất đầy với không nhạy cảm. Ham muốn liên quan tới mọi giác quan dẫn chúng ta vào giấc ngủ sâu. Nếu bạn tỉnh thức bạn sẽ vượt qua các giác quan; và nếu bạn ngủ và không nhạy cảm bạn sẽ thấy bản thân mình ngồi gần các giác quan.
Vô ý thức càng lớn bạn sẽ càng ngồi gần hơn với giác quan. Do đó người tôn thờ thiên nhiên biểu hiện sẽ cần trong vô ý thức. Những người sudng kính giác quan sẽ phải khám phá ra nhiều cách thức và phương tiện để vẫn còn trong vô ý thức. Do đó họ bao giờ cũng phải, dần dần, tìm ra những chất say mới. Không có gì đang ngạc nhiên là họ phải la cà các quán rượu mạnh hay nhẹ. Thực tại, người sùng kính các giác quan không thể xa rời khỏi chất say trong thời gian lâu được. Và bất kì khi nào số những người tôn thờ như thế tăng lên, càng nhiều cách thức và phương tiện mới sẽ được khám phá để duy trì vô ý thức. Để được cuốn hút trong tận hưởng của giác quan, để ngồi gần hơn với giác quan, điều tốt là giữ cho tâm trí vô ý thức và thiếu suy xét sáng suốt. Cần phải giữ cho tâm trí trong trạng thái đê mê, trong không nhạy cảm, nếu bạn muốn trở nên giận dữ hay tham lam hay tràn đầy ham muốn dục. Chỉ trong trạng thái vô ý thức như vậy của tâm trí bạn có thể ngồi gần và tôn thờ, thiên nhiên biểu hiện.
Cho nên bạn thấy lời kinh này của Upanishad là rất có ý nghĩa. Nó nói, những người đi vào bóng tối là những người bị cuốn hút trong sự tôn thờ cái biểu hiện, cái thấy được. Nó cũng nói điều gì đó khác nữa - rằng những người đi vào bóng tối lớn hơn là những người bị cuốn hút vào tôn thờ bản ngã. Việc tôn thờ giác quan là tự nhiên. Nó là một loại tôn thờ được ngay cả loài vật thực hành, nhưng không con vật nào bị cuốn hút vào tôn thờ karma upasana - tức là, trong việc thoả mãn cho bản ngã. Cần hiểu điều này thêm một chút. Việc tôn thờ karma upasana là duy nhất cho con người.
Giả sử một người đang tìm kiếm danh vọng. Không có khả năng trực tiếp nào để thoả mãn cho bất kì giác quan đặc biệt nào bởi việc thu được một địa vị chuyên nghiệp nào đó. Bởi việc thu được một địa vị nào đó người ta có thể làm dễ dàng cho bản thân mình để thoả mãn gián tiếp những giác quan nào đó, nhưng không có khả năng trực tiếp nào cho việc thoả mãn. Các giác quan này không có mối liên hệ trực tiếp nào với địa vị. Mối quan tâm hay ham muốn tìm kiếm địa vị không thuộc vào các giác quan, nó đi đôi với bản ngã - với “Tôi là ai đó.” Đúng là việc là một ai đó sẽ đem những tiện nghi lớn để thoả mãn các giác quan hơn một người là không ai cả, nhưng “Tôi là ai đó” có sự cuốn hút và thích thú riêng của nó. Chính mối quan tâm này - việc thoả mãn cho bản ngã người ta - được ngụ ý bởi karma upasana.
Upanishad nói một người như vậy đi vào trong bóng tối lớn hơn. Người đó đi vào trong bóng tối lớn hơn bóng tối của loài vật bởi vì mối quan tâm mà loài vật có là tự nhiên và vật lí. Một người quan tâm vào ăn uống: đấy là tựa loài vật. Theo một nghĩa nào đó, người đó là một con vật. Nhưng giả sử một người quan tâm tới chính trị và cứ đi tìm kiếm hết địa vị nọ đến địa vị kia; một người như thế là tồi hơn con vật. Mối quan tâm của người đó không tự nhiên chút nào, nó bị hư hỏng. Mối quan tâm được dẫn từ việc nắm giữ một vị trí đặc biệt không thoả mãn cho bất kì giác quan nào, bất kì cơ quan tự nhiên nào. Nó là phát triển rất phi tự nhiên. Cái nút, khối u, của bản ngã bên trong cứ tăng dần và cho người đó sự thích thú của cảm giác, “Mình là ai đó và người khác là không là ai cả.” Đấy là mối quan tâm về việc chi phối, thích thú về quyền lực trên người khác. Đấy là mối quan tâm về việc chà nát người khác dưới chân mình. Đấy là thích thú của việc chẹn họng người khác.
Do đó nghĩa của việc tôn thờ karma prakriti nằm ở nhiều cách thức và phương tiện khác nhau được bầy đặt ra để thoả mãn bản ngã. Chúng có thể được hướng trực tiếp tới danh vọng, tới địa vị, tới của cải. Đúng, người ta thu được nhiều tiện nghi hơn để thoả mãn những ham muốn trần tục của mình nếu người đó có tiền. Nếu người đó không có tiền, người đó phải đương đầu với nhiều khó khăn; nhưng có một số người tôn thờ tiền bạc chỉ vì tiền bạc. Họ không tôn thờ nó bởi vì với tiền bạc họ có thể mua được gái đẹp hay đồ ăn ngon. Họ tôn thờ nó chỉ với một ý tưởng rằng họ sẽ là ai đó nếu họ có tiền. Vấn đề về việc có khả năng mua cái gì đó không làm họ băn khoăn. Đấy không phải là vấn đề đối với họ.
Trong khi theo đuổi việc tích luỹ của cải điều thường xảy ra là người ta mất năng lực tận hưởng những vui thú của giác quan. Thế thì tất cả những điều còn lại để người đó làm chỉ là cất vào kho cái giầu có của mình - để thấy và kiểm tra số dư ngân hàng của mình, chung cuộc điều này trở thành mối quan tâm duy nhất của người đó. Người như vậy vẫn còn bị cuốn hút và trong hoạt động này từ sáng tới tối. Người đó không ngủ yên trong đêm cũng không tỉnh thực trong ngày. Người đó đuổi theo tiền và chất nó thành đốn. Người khác đuổi theo danh vọng và cứ theo đuổi nó ngày càng nhiều. Người khác đuổi theo cái gọi là tri thức, tự để mình thu thập thật nhiều thông tin nhất có thể được. Mọi mạng lưới to lớn các hoạt động của chúng ta bắt đầu từ ham muốn của chúng ta để thoả mãn cho bản ngã của mình - cảm giác của chúng là ai đó.
Nhận biết về ít rối loạn hay hỗn loạn biết bao có trong cuộc sống của loài vật so với thế giới con người, bởi vì các con vật đều là kẻ tôn thờ nồng nhiệt về thiên nhiên biểu hiện. Chúng là những kẻ sùng kính chắc chắn và không thể bị lôi kéo sang bất kì dạng tôn thờ nào khác. Chúng muốn thức ăn, chúng muốn bảo vệ, chúng muốn thoả mãn ham muốn dục của chúng, chúng muốn ngủ, và thế rồi cuộc hành trình cuộc đời của chúng qua đi. Con vật không muốn gì nhiều hơn những điều này. Theo một nghĩa nào đó thì nhu cầu của chúng là ít và có giới hạn. Theo một nghĩa nào đó chúng là rất có chừng mực - ham muốn của chúng là rất ít. Chúng không bao giờ lo nghĩ về bất kì cái gì khác khi nhu cầu của các giác quan của chúng được thoả mãn.
Con vật không có ham muốn làm tổng thống. Nó cứ nghỉ ngơi sau khi ăn thức ăn, và ngay cả nhu cầu hoan lạc dục của nó cũng rất hạn chế và bị kiểm soát. Ngoại trừ trong thế giới loài người, nhu cầu về tận hưởng dục trong toàn thể thế giới loài vật là theo chu kì. Có thời kì khi con vật đòi hỏi tận hưởng dục, và sau khoảng chu kì đó nó mất mọi thôi thúc thoả mãn dục. Con người là con vật duy nhất trên trái đất mà nỗ lực dục bao giờ cũng tích cực, hai mươi bốn giờ một ngày và ba trăm sáu mươi nhăm ngày một năm. Không có giới hạn nào cho thôi thúc tận hưởng dục của con người; con người vẫn còn hăng hái mọi lúc. Thèm khát hoan lạc dục tràn đầy cả đời con người. Không có con vật nào khác hăng hái đến thế về dục. Nếu nó kiếm được thức ăn, vấn đề chấm dứt ở đó - không có nhu cầu thêm nữa. Con vật không có ham muốn lớn ngay cả để thu thập thức ăn cho ngày mai, hay cho ngày kia, hay cho một hay hai năm tới. Nếu con vật lo lắng kiếm ăn, nhiều nhất đấy cũng chỉ là cho một năm - mà loại con vật như thế hiếm thôi. Con người là loài vật duy nhất không chỉ lao động để tích trữ trong cả đời, mà còn lao động để tích trữ cho sự tồn tại sau cái chết, nếu như có một sự tồn tại như thế.
Ở Ai cập cổ đại, khi một người chết đi, người Ai cập hay để tất cả những thứ cần thiết trong cuộc sống vào trong nấm mồ cùng với cái xác ướp. Các thứ đều được để theo tỉ lệ với mức độ vĩ đại của người chết. Nếu một hoàng đế chết, mọi hoàng hậu của ông ấy đều phải bị chôn theo cùng với ông ấy vì ông ấy có thể cần đến họ sau khi chết. Tất cả của cải, lương thực và rất nhiều vật dụng khác của ông ấy cũng được giữ ở đấy. Những người vợ còn sống bị chôn sống cùng người chồng chết bởi vì họ có thể có ích sau cái chết! Không con vật nào lo lắng về bản thân nó sau cái chết. Nó thậm chí không lo lắng gì về cái chết của nó. Trông đợi thời gian của nó rất hạn chế. Con người làm các thu xếp theo rất nhiều hình dạng và cách thức khác nhau cho thế giới tiếp theo, thế giới bên kia. Người đó xây dựng đền đài và làm việc từ thiện để cho người đó có thể tìm được hạnh phúc ở thế giới bên kia. Người đó muốn được ghi lại ở thế giới bên kia rằng “Tôi đã cho đi biết bao thứ để làm từ thiện, ở đây tôi trông đợi được phần thưởng.”
Tôn thờ một mình các giác quan là kém tinh tế và phức tạp; mạng lưới ham muốn và tôn thờ karma prakriti là kém tinh vi ở những người nguyên thuỷ, cho nên không có nhiều căng thẳng trong cuộc sống của họ. Tới một mức độ nào đó, trong các xã hội nguyên thuỷ chỉ có các nhu cầu của giác quan, như có trong các con vật. Tôn thờ karma prakriti không tồn tại. Khi con người cứ ngày càng trở nên văn minh hơn, thoả mãn cho bản ngã thay vì cho các giác quan trở nên có giá trị cao. Chúng ta coi trọng rất nhiều về người biết hi sinh các nhu cầu giác quan của người đó để thoả mãn bản ngã của người đó. Chúng ta gọi người đó là người vĩ đại và quên mình, người vứt bỏ lo nghĩ về thức ăn, vợ con giống nòi, chỉ vì địa vị. Người đó đang theo đuổi địa vị, người đó đang theo đuổi danh vọng, và chúng ta nói, “Trông người này! - người đó dửng dưng biết bao với thức ăn, quần áo, với việc gia đình!” Nhưng khi bạn nhìn vào đằng sau các hoạt động của người đó, bạn sẽ thấy rằng người đó đang hi sinh các nhu cầu của các giác quan để thoả mãn cho bản ngã của mình.
Upanishad nói một cá nhân như thế đi vào bóng tối lớn. Người bị cuốn hút chỉ theo các giác quan ở tình huống tốt hơn cá nhân đó. Mạng nhện, mạng lưới của người đó không thật sâu và tinh tế cho lắm bởi vì nhu cầu của các giác quan không có nhiều. Đòi hỏi của bản ngã là vô tận. Cái đẹp về nhu cầu của giác quan là ở chỗ tất cả chúng đều có ít, rất ít các nhu cầu, chúng bị giới hạn. Chúng là lặp lại, nhưng chúng không phải là vô giới hạn.
Nhớ khác biệt này trong trí và hiểu nó. Những nhu cầu đó là lặp lại nhưng không vô giới hạn. Không nhu cầu của bất kì giác quan nào là vô giới hạn. Chưa bao giờ xảy ra chuyện bạn cứ ăn mãi mà mà cái đói của bạn vẫn không được thoả mãn. Khi bạn đã thoả mãn ham muốn dục của mình hôm nay, nó sẽ xuất hiện lại vào ngày mai - nhưng cũng khi ham muốn hoan lạc dục của bạn được thoả mãn hôm nay, bỗng nhiên bạn hoàn toàn được tự do khỏi ham muốn đó. Ham muốn dục cũng không phải là vô giới hạn. Nó chắc chắn là lặp lại, nhưng nó cũng bị giới hạn.
Bản ngã là vô giới hạn. Nó không yêu cầu lặp lại; nó yêu cầu ngày càng nhiều hơn nữa. Dù bạn có thể trút đầy nó nhiều đến đâu và thoả mãn nó, nó không bao giờ được đầy, nó không bao giờ được thoả mãn. Bản ngã là tham lam vô độ, nó không thể được thoả mãn. Nếu nó thu được vị trí này, nó lập tức bắt đầu một chiến dịch để có vị trí khác tốt hơn. Ngay khi nó chiếm được một địa vị này nó liền chuẩn bị cho địa vị cao hơn. Nếu bạn bảo một người, “Anh đã là thứ trưởng,” thế thì người đó lập tức - ngay đêm đó - bắt đầu mơ trở thành bộ trưởng. Người đó nói, “Thế là được, một ham muốn đã được hoàn thành.” Thế rồi bản ngã của người đó lập tức bắt đầu cho cuộc hành trình tiếp của nó.
Bản ngã là không lặp lại. Ham muốn, đam mê là lặp lại, nhưng bởi vì các nhu cầu của chúng có giới hạn, chúng trở nên tĩnh lặng khi chúng được thoả mãn. Khi chúng thức tỉnh lần nữa, chúng lặp lại các nhu cầu. Đấy là lí do tại sao các con vật không có khuynh hướng lo lắng và do vậy không bao giờ trở nên thần kinh. Chúng không tự tử. Chúng chưa bao giờ cần được khám bệnh tinh thần, chúng không cần bất kì nhà phân tâm nào. Chúng không cần đến Freud, không cần Jung, không cần Adler; đây là những người vô nghĩa đối với con vật. Nếu bạn chú ý đến cách thức con vật như thế nào thì bạn sẽ thấy chúng rất tĩnh lặng. Ngay cả những con vật dữ tợn nhất là tĩnh lặng. Nếu bạn đã thấy một con hổ sau bữa ăn của nó, bạn sẽ thấy nó rất tĩnh lặng, không một chút khó chịu nào. Nó là kẻ giết hại, con vật ăn thịt hoàn toàn, nhưng bản tính giết hại của nó có đó chỉ chừng nào nó chưa kiếm được thức ăn. Ngay khi ăn xong nó trở thành tuyệt đối bất bạo hành - nó trở thành người Gandhi trung thành. Thế thì nó vẫn còn dửng dưng với thức ăn bầy ra trước nó. Khi con sư tử nghỉ ngơi sau bữa ăn, các con vật nhỏ hơn mà rất có thể trở thành bữa ăn cho nó, tụ tập quanh nó và ăn những thức ăn còn lại của nó. Nhưng thế thì nó không sẵn sàng giết chúng. Khi nó trở nên đói vào ngày hôm sau nó sẽ sẵn sàng săn mồi và giết hại, nhưng trước khi tới lúc đó việc giết hại đã chấm dứt. Cái đói của bản ngã con người không bao giờ chấm dứt cả; ngược lại, nó cứ tăng lên khi bạn thoả mãn nó.
Hiểu phân biệt này giữa các giác quan và bản ngã. Thoả mãn các giác quan và chúng mau chóng đầy. Chúng sẽ thành trống rỗng lần nữa và thế rồi có thể được làm đầy lần nữa. Nhưng bản ngã không bao giờ đầy, nó không bao giờ được thoả mãn. Khi bạn cứ rót đầy nó, nó cứ tăng lên thêm. Khi bạn ném mỡ vào lửa để dập tắt nó, lửa càng cháy to hơn thay vì bị dập tắt đi; tương tự như thế tất cả mọi thứ được ném vào để thoả mãn bản ngã đều giúp làm tăng thêm nó. Nó bỗng nhiên thổi bùng lên ngọn lửa và ngọn lửa cứ lên cao mãi. Cho nên bất kì cái gì được cúng tiến cho bản ngã chỉ giúp cho nó phát triển thêm. Do đó, từ khoảnh khắc người ta bị mắc vào trong sự kìm kẹp của bản ngã, người đó bị vướng víu còn hơn cả con vật có thể bị trong khó chịu, lo âu, căng thẳng và phiền nhiễu.
Một phong trào lớn để quay trở lại với tự nhiên đang diễn ra ngày nay ở phương Tây. Các nam và nữ thanh niên mà chúng ta gọi là hippy hay lập dị hay bọn bỏ học, hiện nay đang tiến hành phong trào rộng lớn này. Nó đang hướng về việc quay trở về với các giác quan. Họ nói, “Chúng tôi không cần giáo dục của các vị, bằng cấp của các vị, địa vị, của cải, ô tô, nhà lầu. Chúng tôi chỉ cần thức ăn, tình yêu và dục, thế là đủ. Chúng tôi không muốn tất cả những thứ này của các vị.” Và tôi tin đây là một sự kiện rất lớn xảy ra. Một phong trào như thế với qui mô rộng lớn như thế chưa từng bao giờ xảy ra trong lịch sử loài người, khi người ta đã nói, “Chúng tôi sẵn lòng vứt bỏ karma prakriti để quay trở lại với cái tự nhiên được sinh ra từ các giác quan, thiên nhiên biểu hiện của các giác quan, ham muốn và đam mê. Thế là đủ cho chúng tôi, chúng tôi không ao ước điều nhiều hơn thế.”
Điều này chứng tỏ rằng mạng lưới các hoạt động do bản ngã kích động đã trở thành nguy hiểm đến mức con người muốn thoát ra khỏi nó và sẵn lòng giống như con vật. Ngay cả thế, con người cũng không thể thoát khỏi bản ngã bởi việc trở thành giống như con vật. Người đó có thể thoát khỏi bản ngã chỉ bởi việc trở thành điều thiêng liêng. Bằng cách cuốn hút mình trong việc theo đuổi những hưởng thú của giác quan, người đó sẽ thu được giảm nhẹ nào đó, nhưng mạng lưới các hoạt động đó sẽ lại xuất hiện ra lần nữa. Con người đã sống trong các giác quan của mình hai nghìn năm trước đây, nhưng bản ngã đã nảy sinh từ những hoàn cảnh đó. Nếu chúng ta quay ngày nay, bản ngã chắc chắn sẽ trở ngày mai.
Lời kinh này nói những người bị cuốn hút vào trong sự tôn thờ thiên nhiên biểu hiện vẩn vơ trong bóng tối, còn những người đi lang thang trong bóng tối lớn hơn là những người bị cuốn hút vào việc thoả mãn bản ngã của họ. Thế thì ai có thể vượt ra ngoài bóng tối? Họ là ai?
Hai kiểu tôn thờ được tiến hành. Có những người tôn thờ giác quan, và người tôn thờ bản ngã, và nói chung người tôn thờ bản ngã chống lại việc tôn thờ các giác quan. Giả sử một người đang trong từ bỏ. Bây giờ nếu chúng ta có thể thám hiểm hoàn cảnh tâm trí người đó một cách kĩ lưỡng, nếu chúng ta có thể thực hiện một chiến dịch thám hiểm tâm trí người đó, chúng ta sẽ thấy rằng bí mật của từ bỏ của người đó là ở chỗ nó thoả mãn cho bản ngã người đó. Người đó đã tiến hành nhịn ăn ba mươi ngày, cho nên người đó được kính trọng với sự tôn vinh lớn của những người trong thành phố; một cuộc đón tiếp lớn lao được bố trí cho người đó. Người đó đã có khả năng kéo dài được việc nhịn ăn trong ba mươi ngày.
Chúng ta tuyên bố điều đó là một hành động quên mình lớn lao; việc vẫn cứ đói trong ba mươi ngày đâu có là việc nhỏ! Không, đấy không phải là việc nhỏ đâu. Nhưng chắc chắn nó sẽ là việc nhỏ nếu bản ngã đã được thoả mãn. Nếu bản ngã của người đó nhận được sự thoả mãn từ việc đó con người sẽ vẫn còn đói không chỉ ba mươi ngày mà ba mươi năm! Bản ngã sẽ thuyết phục bất kì giác quan nào đi vào quên mình. Chúng ta từ lâu đã biết bí mật này - thủ đoạn này - cho nên nếu chúng ta muốn việc từ bỏ từ ai đó, chúng ta bắt đầu đánh vào bản ngã người đó.
Loài người rất quen thuộc với phương sách này. Đó là lí do tại sao chúng ta đã kính trọng những người quên mình. Không ai sẵn sàng quên mình nếu người đó không được kính trọng. Người quên mình thực sự không trông đợi vào bất kì kính trọng và tôn kính nào về từ bỏ của mình. Nếu bạn rút bỏ việc kính trọng của mình, nếu bạn dừng việc kính trọng, bạn sẽ thấy: chín mươi chín trong số một trăm người quên mình sẽ rút khỏi việc quên mình. Nếu bạn muốn biết chân lí về thực hành này, chỉ cần rút bỏ sự kính trọng của bạn khỏi những người như vậy.
Xem điều xảy ra. Một người chỉ ăn một bữa mỗi ngày, cho nên mọi người tới chạm chân người đó và cúi lạy người đó. Họ đã đem nhiều thức ăn cho bản ngã người đó, và điều đó là đủ cho người đó. Người đó có thể dễ dàng bỏ bữa ăn thứ hai. Người đó sẽ chịu khổ trong thân thể nhưng sẽ béo ra trong bản ngã. Vậy mọi người có thể bị thuyết phục làm bất kì cái gì vì mục đích tôn thờ bản ngã, và gần như mọi thứ đều đã được thử để thuyết phục mọi người từ bỏ để thoả mãn bản ngã của họ. Trong lịch sử lâu dài của nhân loại chúng ta thấy hàng nghìn phương sách thuyết phục con người làm bất kì cái gì vì mục đích thoả mãn cho bản ngã của họ.
Trong thời Trung cổ ở Châu Âu đã có một phong trào lớn của những người sùng đạo, người tự quất roi vào mình. Những người này được kính trọng tỉ lệ theo số lần họ tự quất mình, bởi vì họ đoạ đầy thân thể mình nhiều đến thế. Một số trong họ là những người phi thường. Công đức duy nhất của họ là ở chỗ họ đã làm chảy máu và xé rách da thịt mình bằng việc quất roi vào mình. Danh tiếng của họ lan rộng từ thành phố này sang thành phố khác. Mọi người tuyên bố, “Người này tự trừng phạt mình bằng việc đánh năm mươi roi vào thân thể mình; người kia đánh một trăm roi,” và cứ thế. Điều này là công bố duy nhất của họ để có danh tiếng; họ không có công đức nào khác, nhưng với một mình điều này họ có đủ tư cách để được kính trọng lớn. Một số người trở thành các chuyên gia lớn trong việc tự hành hạ mình.
Bây giờ, bạn sẽ ngạc nhiên và nói, “Đây là điên khùng gì thế này? Cái gì là lí do để kính trọng một người không có công đức nào khác hơn việc tự đánh mình?” Nhưng nếu bạn nghĩ thêm một chút về những người sùng đạo riêng của mình, bạn sẽ biết lí do. Một số vị thánh đi bộ hết chỗ này đến chỗ nọ - ông ấy không bao giờ dùng xe cộ nào - và đấy là phân biệt của ông ấy, dấu hiệu của ông ấy về sự kính trọng. Vị thánh khác lấy lời nguyện chỉ ăn một bữa mỗi ngày; người khác lấy lời nguyện không bao giờ chạm tới đàn bà, người khác vẫn còn ở trần.
Liệu những phẩm chất phân biệt này có đáng công đức không? Chẳng có gì đặc biệt về chúng. Thế thì bí mật là gì? Bạn có thể đi bộ bằng chân nhiều tuỳ thích: xét cho cùng, con vật nào mà chả đi bằng chân! Không, nhưng người kính trọng một thánh nhân bởi việc đi bộ chính là những người không còn có thể làm được cái gì đó tự nhiên thế. Người chủ ô tô phải cúi đầu trước người đi bộ này. Ông ta cảm thấy bản thân mình tầm thường khi phải đương đầu với con người này, người đi bộ tới mọi nơi, người này phá huỷ quyền làm chủ xe của anh ta, phá huỷ bản ngã lái xe hoàn toàn. Bạn có thể lái xe, nhưng bạn phải chạm vào chân người này, người bao giờ cũng đi bộ!
Ông thánh đi bộ này có thể không có khả năng mua được xe, có được xe là hoàn toàn khó khăn với ông ta; nhưng ông ta có thể bước đi. Có hai cách mở ra cho ông ta ra để đánh vào bản ngã của bạn. Ông ta hoặc có thể mua một chiếc xe đắt tiền hơn xe của bạn, điều này ở ngoài vấn đề cho ông ta, hoặc ông ta có thể đi bộ, điều dễ dàng làm sao. Cho nên ông ta đánh vào bản ngã của bạn bằng việc bước đi bộ. Theo cách này ông ấy nêu cao bản ngã của ông ấy. Nhưng công đức gì có đó trong việc bước đi? Biến đổi nào đã xảy ra trong người này, người ưa thích bước đi? Dù sao đi chăng nữa, chúng ta ca tụng ông ta. Chúng ta kính trọng ông ta bởi vì chúng ta cảm thấy ông ta đang làm điều gì đó chúng ta thấy quá khó không làm nổi. Cho nên chúng ta nghĩ ông ấy đang thực hiện một hành động quên mình, vĩ đại và chúng ta tôn kính ông ta.
Theo đuổi việc tôn kính, người ta được chuẩn bị để đi khắp thế giới bằng chân. Tại sao đi bằng chân? Mọi người có thể đi khắp thế giới bằng việc lăn tròn mình trên đất để được kính trọng và tôn kính. Có những người làm điều ấy đấy! Họ cứ lăn tròn trên đất trên con đường hành hương tới Kashi, và hàng trăm người đích xác đi bộ theo họ bởi vì họ đã trở nên nổi tiếng thế qua việc lăn tròn trên đất. Không cần phải hỏi liệu có giá trị nào khác bên cạnh điều này không. Nói chung, những người quên mình cứ bổ sung thêm vào bản ngã của họ bởi việc hi sinh sự thoải mái thể chất của các giác quan của họ.
Tôi gọi người quên mình là người giải thoát bản thân mình khỏi gắn bó với các giác quan của người đó và không còn quan tâm tới việc thoả mãn bản ngã của người đó. Đó là từ bỏ thật; bằng không không có ý nghĩa gì trong tất cả những hành động phô diễn đó. Upanishad đang nói về những người từ bỏ cả hai điều này. Người như vậy không bị cuốn hút vào trong việc tôn thờ thiên nhiên biểu hiện không bị cuốn hút vào bản ngã. Upanishad đang nói về người không quan tâm tới cả hai.
Nhớ trong tâm trí, việc tôn thờ giác quan là hoàn toàn hiển nhiên, nhưng việc tôn thờ bản ngã là rất tinh vi cho nên thường khó phát hiện ra việc tôn thờ bản ngã. Khi một người quan tâm rất nhiều đến thức ăn, điều đó là hiển nhiên. Nhưng cái gì là mối quan tâm của người mặc quần áo đẹp đi lượn vòng quanh thành phố? Không phải ham muốn của người đó là mọi người trong thành phố sẽ thấy bộ quần áo đẹp của người đó, sẽ biết rằng người đó có bộ quần áo như thế, và sẽ coi người đó là một ai đó sao? Cái gì là ham muốn của người đàn bà cứ đi chơi mặc cái áo choàng đáng giá vài nghìn đô la? Không cần phải dùng cái áo choàng đắt như thế. Số tiền hai nghìn đô la không mang bất kì mối quan hệ gì với cái áo choàng. Cái áo choàng đáng giá bốn mươi hay năm mươi đô la chắc sẽ cũng được rồi. Nhưng việc mặc cái áo choàng đáng giá hai nghìn đô la có thể có nghĩa gì?
Hiển nhiên là không có ý nghĩa gì trong nó khác hơn việc tạo ra ngọn lửa ghen tị trong con mắt những người đàn bà khác. Sự bất lực và sự kém cỏi của người đàn bà khác trở nên rõ ràng trước chiếc áo đó. Đó là mối quan tâm thực sự, và nó có thể được phát hiện ra mà không khó khăn gì mấy. Chúng ta lập tức hiểu ra đó là cái gì khi một người mặc chiếc áo choàng đáng giá hai nghìn đô la. Nhưng cái gì là ý định của người đứng trần trong bãi chợ? Không phải mối quan tâm của người đó cũng là ở chỗ mọi người phải thấy rằng người đó là một ai đó đáng để ý sao? Thế thì không có khác biệt gì giữa cái áo choàng lông chồn và việc ở trần. Hay, chúng ta có thể nói, để mua chiếc áo choàng lông chồn người ta sẽ phải làm việc vất vả trong một thời gian dài để kiếm hai nghìn đô la, trong khi đứng trần sẽ đem đến cùng sự hài lòng tự thoả mãn do chiếc áo lông chồn đem lại, và còn dễ dàng hơn nhiều - không cần kiếm ra vài nghìn đô la.
Việc tôn thờ giác quan là đơn giản, không tinh vi, cho nên nó là thấy được và hiển nhiên, trong khi tôn thờ bản ngã cứ trở nên ngày một tinh vi hơn. Nhưng chắc chắn về bản thân bạn đi. Đừng lo nghĩ về điều người khác làm, hay tại sao người đó làm như vậy. Nếu một người đang đứng trần bạn sẽ không có khả năng biết được tại sao người đó làm như thế. Toàn bộ vấn đề là tinh vi đến mức nó phải nên được coi là ổn thoả nếu bản thân người làm hiểu hành động của mình. Có khả năng việc ở trần của người đó có thể là hồn nhiên thực.
Nếu Mahavira đứng trần, chắc chắn ông ấy không dùng việc ở trần của mình như cách người đàn bà dùng chiếc áo choàng lông chồn, bởi vì ông ấy có nhiều áo như vậy lắm. Mahavira có những chiếc áo choàng rất giá trị. Ông ấy có phương tiện vật chất để là ai đó. Cho nên gần như không có khả năng một người như Mahavira làm vừa lòng bản ngã mình bằng việc đứng trần. Nhưng chúng ta không thể phán xét ngay cả hành động này của Mahavira bởi dáng vẻ bên ngoài; tốt nhất là để cho Mahavira quyết định. Nếu hàng xóm của bạn đứng trần, bạn không thể biết tại sao người đó đứng trần. Nên để cho người đó tìm ra. Để cho người đó tìm kiếm nguyên nhân, bởi vì đây là hiện tượng rất tinh tế và sâu sắc.
Chúng ta phải đi ra ngoài nếu chúng ta muốn thoả mãn những đòi hỏi của các giác quan. Không cần phải đi ra ngoài nếu chúng ta muốn thoả mãn bản ngã của mình. Nó cũng có thể được thoả mãn từ bên trong nữa.
Tôi đã từng nghe rằng một nhà tu khổ hạnh đang sống một mình trong một khu rừng ở rất xa xôi. Ông ấy không điểm đạo cho ai cả. Một sư lữ hành đi qua chỗ cư ngụ của ông ấy, nhìn thấy ông ấy và nói, “Ông là một người rất khiêm tốn và giản dị. Ông không làm ai thành đệ tử của ông mặc dù ông là người trí huệ và vĩ đại thế. Ông là thầy cho không ai cả. Tôi đang trên đường đi tới một vị thánh khác có hàng nghìn đệ tử.”
Người linh thiêng này mỉm cười và nói, “Làm sao ông có thể so sánh ông ấy với tôi được? Tôi là một người hoàn toàn ẩn dật. Tôi không có gắn bó thuộc bất kì loại nào. Tôi không có ham muốn ngay cả để làm ai đó thành đệ tử của tôi. Tôi không muốn nuôi dưỡng bất kì loại bản ngã nào, cho nên tôi không nuôi dưỡng bản ngã của việc trở thành thầy. Tôi là tuyệt đối vô ngã.”
Lữ khách nói với ông ấy, “Tôi đã từng thấy một sư khác vô ngã như ông vậy.” Khi nghe thấy điều này, khuôn mặt sư này liền thay đổi và nụ cười của ông ta lập tức tan biến. Ông ta đã thấy một kẻ cạnh tranh ngay trước mình và bản ngã ông ta bắt đầu làm cho ông ta khó chịu. Ban đầu ông ta còn hài lòng bởi vì bản ngã ông ta còn chưa bị thách thức bởi nhà sư đầu mà người lữ hành đã kể. Ngược lại, bản ngã của ông ta phổng lên với sự thoả mãn. Nhưng lời phát biểu, “Tôi đã từng thấy một sư khác vô ngã như ông vậy,” làm cho ông ta không thoải mái; ông ta khó chịu. Tâm trí trở nên rất không vui khi nghe thấy, “Ai đó khác như ông cũng tồn tại.” Người tu khổ hạnh đó đã nuôi dưỡng bản ngã mình ngay cả ở nơi cô đơn đến thế, nuôi dưỡng nó bằng cảm giác rằng, “Ta sống một cuộc sống ẩn dật và không chấp nhận bất kì ai làm đệ tử của ta.”
Người này nuôi dưỡng bản ngã của mình với cảm giác, “Ta có nhiều đệ tử,” trong khi người khác nuôi dưỡng nó qua tự hào không có đệ tử nào. Người này nói, “Không ai vĩ đại hơn ta,” và người kia nói, “Ta là người khiên tốn, nghèo hèn, chỉ như hạt bụi dưới chân ông.” Điều ông ấy ngụ ý là, “Không có hạt bụi nào lớn hơn ta đâu! Đừng có nói về bụi lớn hơn ta - ta là cái cuối cùng và là cái tốt nhất!” Không có khác biệt gì trong cách bạn chọn để nuôi dưỡng bản ngã. Nhưng để hiểu những cách làm việc này của tâm trí, bạn sẽ phải đi sâu vào bên trong bản thân bạn.
Vậy, hiền nhân này tuyên bố, một mình ông ấy đi vào ánh sáng, cái giải thoát bản thân ông ấy khỏi cả hai loại tôn thờ - giác quan và bản ngã. Ông ấy phải giải thoát bản thân mình khỏi tôn thờ thiên nhiên biểu hiện cũng như tôn thờ bản ngã tinh tế.
Upanishad nói về một vấn đề rất sâu sắc khi họ nói rằng việc tôn thờ giác quan không dẫn bạn đi vào bóng tối sâu sắc, bởi vì sự kiện tối hậu là ở chỗ các giác quan được trao cho bạn. Chúng là tự nhiên, bạn không tạo ra chúng. Nhưng bản ngã là bịa đặt của bạn, bản ngã là thứ được chế tạo ra. Bạn mang các giác quan theo mình khi bạn được sinh ra.
Rồi một ngày bạn có thể mất quan tâm tới hương và vị, nhưng bạn sẽ không bao giờ thoát khỏi cái đói; điều đó sẽ còn mãi với bạn cho tới lúc bạn chết. Đói là sự cần thiết. Bạn đến thế giới này với các giác quan và dù bản thân bạn có tự do khỏi các giác quan đến đâu, bạn vẫn không thể tự do khỏi nhu cầu của các giác quan. Bạn có thể được giải thoát khỏi ham muốn của chúng nhưng bạn không thể tự do khỏi nhu cầu của chúng. Bạn có thể trở nên tự do khỏi cái điên khùng của các giác quan nhưng không tự do khỏi nhu cầu của chúng. Cả Mahavira lẫn Phật lẫn bất kì ai khác không thể tự do khỏi chúng. Bạn phải ăn thức ăn, đấy là một phần không tránh khỏi của cuộc sống.
Tất nhiên, chừng này là có thể cho người tự do khỏi việc tôn thờ các giác quan - rằng người đó dừng bị ám ảnh bởi chúng. Ngần này xảy ra - rằng người đó không làm tăng ham muốn của mình, người đó giữ chúng ở tối thiểu; tức là, người đó dừng khi nhu cầu được đáp ứng. Nếu thân thể người đó cần hai lát bánh mì, người đó chỉ ăn hai. Người đó không tăng thêm nhu cầu của mình. Nếu thân thể người đó có thể được che phủ bằng một mảnh vải người đó sẽ mặc một mảnh vải thôi. Người đó không có ham muốn tô điểm cho bản thân mình. Nếu túp lều tranh cung cấp cho người đó chỗ nghỉ ngơi và chỗ trú ngụ mà người đó cần, thế là đủ cho người đó; người đó sẽ không đòi hỏi lâu đài.
Mọi người phải quyết định cho bản thân mình về bản tính của nhu cầu cơ bản của mình; điều đó là khác nhau với mỗi người. Người này cần hai lát bánh mì, người kia cần năm lát. Với người trước, năm lát sẽ là đam mê. Cho nên đừng tìm cách bắt chước mẫu hình của người khác. Mọi người phải tìm bên trong bản thân mình, và một hướng dẫn đơn giản để tuân theo là ở chỗ việc đáp ứng cho nhu cầu cơ bản của các giác quan không bao giờ tạo ra lo nghĩ trong người ta. Nhưng ngay khi người ta vượt quá nhu cầu cơ sở của thân thể mình và đưa ra những yêu cầu quá đáng thì lo nghĩ bắt đầu.
Cho nên xem xét lo âu như một đơn vị đo của bạn. Ngay khi lo âu bắt đầu làm cho bạn không thoải mái thế thì lập tức lưu ý rằng bạn đang đòi hỏi nhiều hơn là sự cần thiết - bởi vì chính ham muốn về cái không thực chất tạo ra lo âu. Cái cần thiết không tạo ra lo âu chút nào. Cái không thực chất - mà không có nó chúng ta vẫn có thể tiến hành được nhưng không sẵn lòng làm như thế - chính là nguyên nhân cho lo lắng và lo âu của chúng ta. Cho nên khi tâm trí trở nên lo nghĩ, quan sát cách thức bạn bận bịu thoả mãn những đòi hỏi vượt ra ngoài nhu cầu của các giác quan.
Lo nghĩ là triệu chứng; nó là người báo tin. Chẳng hạn, bạn đói và bạn bắt đầu ăn thức ăn. Khi nào bạn sẽ biết rằng bạn ăn quá mức? Ngay khi bạn cảm thấy dạ dầy trở nên nặng nề, không cho cảm giác thoả mãn nữa, mà ngược lại, còn gây rắc rối, thế thì bạn nên nhận ra rằng bạn đã vượt ra ngoài nhu cầu của thân thể. Dạ dầy đã trở nên bị quấy rầy.
Tôi đã nói với bạn điều này như một minh hoạ. Tương tự từng giác quan bị rối loạn khi nó được cung cấp cho quá mức cần thiết. Nó vẫn còn không bị rối loạn, tĩnh lặng và thoả mãn nếu nó được cung cấp theo nhu cầu của nó. Ngay khi nó nhận được nhiều hơn mức cần thiết nó trở nên bị rối loạn, ốm đau, bệnh tật và phiền nhiễu. Chúng ta trở nên rất hài lòng khi cơn đói của chúng ta được thoả mãn, nhưng ăn nhiều hơn mức cần thiết là mời tật bệnh và ốm yếu tới. Như ai đó có lần đã nói, một nửa thức ăn chúng ta ăn làm đầy bụng chúng ta; còn nửa kia là để cho vào bụng bác sĩ của chúng ta. Một nửa là cần thiết cho chúng ta và nửa kia mời đau ốm. Người ta vẫn còn tỉnh táo và tích cực nếu biết giữ cho bản thân mình hơi đói một chút, nhưng ăn quá mức tạo ra uể oải; một loại bóng tối trùm lên kẻ háu ăn này.
Mỗi người đều phải tự quyết định cho bản thân mình cái gì là cần thiết, tương ứng với cấu trúc tổ chức riêng của mình. Các giác quan rất nhanh chóng đưa ra cảnh báo về những rắc rối và bệnh tật sắp xảy đến. Các giác quan rất nhạy cảm và sẽ nhanh chóng cảnh báo cho bạn rằng bạn đang vượt quá nhu cầu của mình. Loại bỏ cái không cần thiết đi; loại bỏ cái không bản chất đi.
Thế thì các giác quan là đồng hành với bạn tới cuối đời bạn; cuộc sống của bạn chạy trên những bánh xe của giác quan. Nhưng bản ngã không phải là thứ bản chất. Nó là bịa đặt của chúng ta, và không hoài nghi gì chúng ta có thể sống mà không có nó - vô ngã. Bản ngã dẫn chúng ta đi vào bóng tối lớn hơn bởi vì nó do con người tạo ra. Nó là tuyệt đối không bản chất. Có cái gì đó cần thiết trong các giác quan mà với nó chúng ta bổ sung thêm cái không bản chất, và cái đó là cái rắc rối của chúng ta. Các giác quan dẫn chúng ta đi vào trong bóng tối do hiệu ứng của phần không bản chất, trong khi bản ngã là không bản chất toàn bộ cho nên nó dẫn chúng ta vào trong bóng tối lớn hơn. Chân lí là ở chỗ càng ít bản ngã người ta càng sống sâu sắc hơn, bản ngã càng lớn người ta càng sống cuộc sống một cách đáng thương và hời hợt hơn, bởi vì bản ngã không cho phép người ta đi sâu vào bên trong. Nó giữ bạn trên bề mặt. Tại sao? Điều này cần được hiểu cho đúng.
Sự kiện đơn giản là ở chỗ bản ngã lấy hài lòng từ con mắt của người khác. Nếu bạn bị bỏ lại một mình trong rừng sâu, bản ngã của bạn sẽ mất tất cả hài lòng của nó. Thế thì việc đeo vòng cổ kim cương sẽ thành vô nghĩa: và nếu bạn cứ đeo nó vào, các con vật sẽ cười bạn! Cho dù nó có là kim cương đi chăng nữa bạn sẽ cảm thấy nó như một vật nặng quanh cổ mà bạn sẽ vui sướng bỏ nó đi. Bạn có thể làm gì cho bản ngã của mình trong rừng rậm? Không, toàn bộ quan tâm của bản ngã là trong những phản xạ được tạo ra trong con mắt của người khác, và giống như mọi phản xạ khác, chúng xảy ra trên bề mặt. Những phản xạ này bao quanh chúng ta đủ mọi phía. Bản ngã giống như hàng rào trang trí quanh toà nhà. Nó có thể thú vị, nó có thể đẹp, nhưng nó được tạo ra bởi con mắt của người khác.
Bản ngã không bao giờ có thể được tạo ra mà không có sự hiện diện của người khác - nó tuỳ thuộc vào người khác. Đó là lí do tại sao chúng ta bao giờ cũng vẫn còn sợ về người khác, bởi vì việc thoả mãn cho bản ngã chúng ta là ở trong tay của người khác và người đó có thể rút tay mình vào bất kì lúc nào. Giả sử A chúc mừng B sáng nay, rồi không làm như thế vào sáng ngày hôm sau. Bức tường bản ngã của B sụp đổ, bản ngã của người đó bị tổn thương. Tâm trí người đó trở nên bị khuấy động và người đó bận tâm với điều người đó phải làm bây giờ. Giả sử hiểu biết của người đó quyết định là quên B đi. Người đó ra ngoài đi dạo và họ không nhận ra người đó; họ không chú ý gì đến sự hiện diện của người đó. Thế thì B sẽ hầu như là chết rồi. Mối quan tâm và sự hài lòng của bản ngã là ở trong mắt của người khác, và mắt của người khác đã dời khỏi người đó rồi.
Người có sự hài lòng ở trong những con mắt này không thể đi sâu vào bên trong bản thân mình được. Người đó không thể sống ở bình diện sâu sắc hơn. Người đó sống chỉ ở lớp vỏ và cái bọc bề ngoài. Người một mình có thể đi vào chiều sâu của cuộc sống là người đi vào linh hồn, và người một mình có thể đi vào linh hồn là người quên đi bản ngã. Người đó phải quên đi con mắt của người khác và bắt đầu bước vào bên trong con mắt riêng của mình. Để người đó thấy bản thân người đó. Người đó phải dừng lo nghĩ về cách thức người khác nhìn vào người đó. Để người đó từ bỏ suy nghĩ về ý kiến của người khác có đối với người đó và điều họ nói về người đó. Người đó phải luôn ghi nhớ trong tâm khảm chỉ điều này - “Ta là ai?” Câu hỏi, “Người khác nói gì về mình?” là tuyệt đối vô nghĩa. Bạn có bận tâm gì với người khác? Sự chấp thuận của người khác sẽ không hữu dụng gì. Trong cuộc sống không hữu dụng gì để có sự chấp thuận của người khác.
Tôi đã nghe: Một vị thánh Do thái tên là Josiah đang trên giường chết, và viên giáo sĩ Do thái của thành phố đã tới để đọc lời cầu nguyện cuối cùng cho ông ta. Ông này yêu cầu vị thánh nhớ tới Moses, nhà tiên tri, khi đang trên đường tới Thượng đế.
Vị thánh đang hấp hối mở mắt ra và nói, “Đừng yêu cầu ta phải nhớ đến Moses, vì khi ta đứng trước Thượng đế ngài sẽ không hỏi ta tại sao ta đã không trở thành giống Moses; ngài sẽ hỏi ta tại sao ta không trở thành Josiah. Ngài chắc chắn sẽ không hỏi ta về Moses đâu. Ngài sẽ hỏi ta tại sao ta đã không trở thành ‘cái mà vì nó ta đã gửi con vào thế giới này.’ Ngài sẽ hỏi ta, ‘Tại sao con không trở thành đoá hoa của hạt mầm tiềm năng mà qua nó ta đã gửi con vào thế giới này?’ Cho nên xin đừng yêu cầu ta nhớ tới Moses vào khoảnh khắc này. Vấn đề là về ta bây giờ.”
Nghe thấy điều này giáo sĩ nói, “Xin ông đừng làm hại thanh danh của ông trên giường chết. Mọi người đang đứng khắp xung quanh, và họ có thể nghe thấy điều ông nói về Moses.”
Vị thánh lại mở mắt ra và nói, “Ta đã sống trong cái điên khùng này trong toàn bộ cuộc đời ta; để ta được tự do khỏi nó vào những hơi thở cuối cùng. Ta đang vứt bỏ cái thanh danh đó bây giờ. Để cho ta được tự do khỏi cái thanh danh giả này vào lúc chết. Đừng có lo nghĩ về những người đang đứng quanh ta. Ta sẽ tự do khỏi họ trong khoảnh khắc. Họ không là nhân chứng của ta. Thượng đế sẽ không hỏi họ về ý kiến của họ đối với ta. Thượng đế sẽ thấy ta là cái ta đang là, cho nên để ta lo nghĩ về bản thân ta.”
Thực ra, bản ngã bao giờ cũng lo nghĩ về điều người khác nói về bạn. Nó lo âu thế về đánh giá của người khác. Và linh hồn là kinh nghiệm về ‘cái ta đang là’. Nó không bận tâm gì tới điều người khác nói. Người khác có thể sai hay có thể đúng - đấy là việc của họ.
Từ bỏ việc tôn thờ giác quan là chấm dứt tại điểm của sự cần thiết, và từ bỏ việc tôn thờ bản ngã là tới điểm số không. Nếu hai điều kiện này được hoàn thành, thế thì cá nhân này không ngồi gần các giác quan không gần bản ngã. Người đó ngồi gần linh hồn - atman. Thế thì việc ngồi gần mới bắt đầu - ngồi gần Thượng đế. Thực sự nói ở gần Thượng đế là không đúng, bởi vì ở gần Thượng đế ngụ ý là một với Thượng đế. Thế thì chúng ta mất căn cước của mình. Chúng ta không thể là ‘người khác’ với Thượng đế. Chừng nào mà chúng ta còn bị cuốn hút vào tôn thờ hai điều này - giác quan và bản ngã - chúng ta còn xa xôi với Thượng đế. Không cái gì khác cần làm để được ở gần ngài, để được là một với ngài. Ngay khi bạn vứt bỏ hai tôn giáo này thì bạn là một với ngài.
Điều ấy giống thế này: nếu một người, trước khi nhảy, hỏi, “Tôi định nhảy xuống đất, nhưng tôi phải làm gì để đạt tới đất?” thế thì tôi sẽ bảo anh ta, “Bạn đơn giản nhảy! Phần còn lại sẽ được mặt đất làm - bạn không phải làm cái gì khác.” Người ta nhảy khỏi gốc rễ của giác quan và bản ngã là đủ; phần còn lại Thượng đế sẽ làm. Thế thì bạn không ở gần ngài; bạn đang đi vào ngài. Lực hấp dẫn của ngài là rất mạnh.
Ở nước ta, chúng ta đặt tên Krishana cho hoá thân hoàn hảo của Thượng đế. Từ krishna có nghĩa là hấp dẫn - người thu hút, người kéo người khác về phía bản thân mình. Lực hút hấp dẫn của trái đất là rất lớn, nhưng bạn có thể tự dừng mình khỏi bị hút về phía trái đất. Ngay cả một nhành cỏ nhỏ cũng có thể giữ bản thân nó chống lại lực hút mạnh mẽ này của trái đất. Nó có thể chống cự lại.
Nếu bạn bám chắc vào cái gì đó, thế thì lực hấp dẫn của trái đất sẽ không có khả năng hấp dẫn được bạn. Nếu bạn dừng níu bám, nếu tay bạn thả ra, không bám vào vật gì, thế thì trái đất sẽ lập tức kéo bạn về phía nó. Dù có xa bao nhiêu cũng không thành vấn đề, bạn sẽ bị nó kéo lại. Nhưng miễn là bạn bám vào cái gì đó, bạn sẽ không bị hút về phía nó, cho dù bạn ở rất gần nó.
Thượng đế đang hút về phía ngài những người đã buông bỏ hai điều này - giác quan và bản ngã. Người như thế đi vào ánh sáng.
Xem tiếp Chương 14 - Quay về Mục lục