Read more
Osho - Sáng tạo
Chương 13. Là người mơ
Friedrich Nietzsche, trong một
trong những phát biểu của mình có nói, "Thảm hoạ lớn nhất sẽ rơi xuống
nhân loại vào ngày mọi người mơ biến mất." Toàn thể tiến hoá của con người
là bởi vì con người có mơ ước vì nó. Điều đã là mơ ước hôm qua, hôm nay là hiện
thực, và điều là mơ ước hôm nay có thể trở thành thực tại ngày mai.
Tất cả các nhà thơ đều là người
mơ, tất cả các nhạc sĩ đều là người mơ, tất cả các nhà huyền môn đều là người
mơ. Thực tế, tính sáng tạo là sản phẩm phụ của việc mơ ước.
Nhưng những mơ ước này không phải
là giấc mơ mà Sigmund Freud phân tích. Cho nên bạn phải phân biệt giữa mơ ước của
nhà thơ, mơ ước của nhà điều khắc, mơ ước của nhà kiến trúc, mơ ước của nhà huyền
môn, mơ ước của vũ công - và giấc mơ của tâm trí ốm bệnh.
Điều rất không may là Sigmund
Freud chưa bao giờ bận tâm về những người mơ vĩ đại, người là nền tảng của toàn
thể tiến hoá nhân loại. Ông ấy bắt gặp chỉ những người ốm yếu về tâm lí, và bởi
vì kinh nghiệm của cả đời ông ấy là phân tích những giấc mơ của người bệnh tinh
thần, nên chính từ "mơ" trở thành bị kết án. Người điên mơ, nhưng giấc
mơ của người đó sẽ mang tính phá huỷ bản thân người đó. Người sáng tạo cũng mơ,
nhưng việc mơ của người đó lại sẽ làm giàu cho thế giới.
Tôi nhớ tới Michelangelo. Ông ấy
đi qua chợ nơi đủ mọi loại đá cẩm thạch có sẵn, và ông ấy thấy một tảng đá đẹp,
thế là ông ấy hỏi về nó. Người chủ nói, "Nếu ông muốn tảng đá đó, ông có
thể lấy nó đi bởi vì nó chỉ nằm đó choán không gian. Và suốt mười hai năm nay,
thậm chí chẳng ai đã từng hỏi tới nó; tôi cũng chẳng thấy có tiềm năng gì ở tảng
đá đó."
Michelangelo lấy tảng đá đó,
làm việc trên nó gần cả năm, và có lẽ đã làm ra bức tượng đẹp nhất đã từng tồn
tại. Mới vài năm trước, một người điên đã cố đập phá nó. Nó ở Vatican; nó là bức
tượng về Jesus Christ sau khi ông ấy được đưa từ cây thánh giá xuống và đang nằm
chết trong lòng của mẹ Mary.
Tôi chỉ thấy ảnh chụp của nó,
nhưng nó trông sống động thế, cứ dường như Jesus đang sắp tỉnh dậy vào bất kì
khoảnh khắc nào. Và ông ấy đã dùng đá cẩm thạch với sự khéo léo tới mức bạn có
thể cảm thấy cả hai điều - sức mạnh của Jesus và sự mảnh mai. Và nước mắt trong
mắt mẹ Jesus, Mary.
Một người điên, chỉ mới vài năm
trước đây, đã đập búa vào tảng đá mà Michelangelo đã làm, và khi người đó bị hỏi
tại sao mình đã làm điều đó, người đó nói, "Tôi cũng muốn trở thành nổi tiếng.
Michelangelo phải làm việc một năm; thế rồi ông ấy đã trở nên nổi tiếng. Tôi chỉ
phải làm việc có năm phút thôi và tôi đã phá huỷ toàn thể bức tượng này. Và tên
tôi đã lan đi khắp thế giới ở dòng tiêu đề đầu trên tất cả các báo."
Cả hai người đều làm việc với
cùng tảng đá cẩm thạch đó. Một người là nhà sáng tạo, người kia là người điên.
Sau một năm, khi Michelangelo
đã hoàn thành công trình này, ông ấy mời ông chủ tiệm tới nhà mình, vì ông ấy
muốn chỉ cho ông này điều gì đó. Ông chủ tiệm không thể tin được vào mắt mình.
Ông ấy nói, "Ông kiếm được ở đâu tảng đá cẩm thạch đẹp thế này?"
Và Michelangelo nói, "Ông
không nhận ra sao? Nó là chính tảng đá xấu xí nằm chờ ngay trước tiệm nhà ông
trong mười hai năm đấy." Và tôi nhớ tới sự vụ này bởi vì người chủ tiệm đã
hỏi, "Ông làm thế nào mà nghĩ được rằng tảng đá xấu xí kia có thể biến
thành bức tượng đẹp thế?"
Michelangelo nói, "Tôi đâu
có nghĩ về điều đó.
Tôi đã mơ tới việc làm ra bức
tượng này, và khi tôi đi qua tảng đá đó tôi bỗng nhiên thấy Jesus, đang gọi
tôi, 'Ta bị mắc vào trong tảng đá này. Giải phóng ta ra đi; giúp ta thoát khỏi
tảng đá này.' Tôi thấy đích xác cùng bức tượng này trong tảng đá đó. Cho nên
tôi đã làm mỗi một việc nhỏ thôi: tôi đã loại bỏ đi phần không cần thiết của tảng
đá, và Jesus cùng Mary được giải phóng khỏi tù túng của mình."
Đáng ra sẽ là một đóng góp lớn
nếu một người có tầm cỡ như Sigmund Freud, thay vì đi phân tích người ốm yếu và
những giấc mơ của họ, lại làm việc trên những mơ ước của người lành mạnh về tâm
lí, và không chỉ những người lành mạnh mà những người sáng tạo. Việc phân tích
các giấc mơ của họ sẽ không chỉ ra rằng tất cả các giấc mơ đều là sự kìm nén.
Việc phân tích các giấc mơ của họ sẽ chỉ ra rằng có những giấc mơ được sinh ra
từ tâm thức sáng tạo hơn người thường có. Và giấc mơ của họ không ốm yếu, giấc
mơ của họ lành mạnh đích thực. Toàn thể tiến hoá của con người và tâm thức của
con người tuỳ thuộc vào những người mơ này.
Toàn thể sự tồn tại là một đơn
vị hữu cơ. Bạn không chỉ nắm tay lẫn nhau, bạn đang nắm tay với cây cối. Bạn
không chỉ thở cùng nhau, toàn thể vũ trụ đang thở cùng nhau.
Vũ trụ đang trong hài hoà sâu sắc.
Chỉ con người quên mất ngôn ngữ của hài hoà, và công việc của tôi ở đây là để
nhắc nhở bạn. Chúng ta không tạo ra hài hoà; hài hoà là thực tại của bạn. Nó chỉ
là cái bạn đã quên mất về nó. Có lẽ nó hiển nhiên tới mức người ta có xu hướng
quên mất nó. Có lẽ bạn được sinh ra trong nó; làm sao bạn có thể nghĩ về nó được?
Một chuyện ngụ ngôn cổ là thế
này, một con cá có tâm trí thiên hướng triết học đi hỏi con cá khác, "Tôi
đã nghe nói quá nhiều về đại dương; nó đâu nhỉ?" Và nó đang trong đại
dương! Nhưng nó được sinh ra trong đại dương, nó đã sống trong đại dương; chưa
bao giờ có bất kì tách biệt nào. Nó không thấy đại dương như một đối thể tách
biệt với chính mình. Con cá già giữ con cá triết gia trẻ lại và bảo nó,
"Đây là đại dương chúng ta đang ở trong."
Nhưng con triết gia trẻ nói,
"Bác lại trẻ con rồi. Đây là nước và bác đang gọi là nó là đại dương. Tôi
sẽ phải đi tìm thêm nữa, những người trí huệ quanh đây."
Con cá đi tới biết về đại dương
chỉ khi nó bị ngư dân bắt và kéo ra khỏi đại dương, ném lên cát. Thế thì, lần đầu
tiên nó hiểu rằng nó bao giờ cũng sống trong đại dương, đại dương đó là cuộc sống
của nó và không có đại dương thì nó không thể tồn tại được.
Nhưng với con người lại có khó
khăn. Bạn không thể bị lấy ra khỏi sự tồn tại được. Sự tồn tại là vô hạn, không
có bến bờ nơi bạn có thể đứng tách rời và nhìn sự tồn tại. Dù bạn ở bất kì đâu,
bạn sẽ là một phần của sự tồn tại.
Chúng ta tất cả đều cùng thở.
Chúng ta là một phần của một dàn nhạc. Hiểu được điều đó là một kinh nghiệm lớn
lao - đừng gọi nó là việc mơ, bởi vì việc mơ đã mang ý nghĩa rất sai do Sigmund
Freud. Bằng không thì nó là một trong những từ đẹp nhất, rất thơ ca.
Và im lặng, hân hoan, hiện hữu
- trong im lặng này, bạn sẽ cảm thấy mình đang được gắn với người khác. Khi bạn
đang nghĩ, bạn tách rời khỏi người khác bởi vì bạn nghĩ ý nghĩ này còn người
khác lại nghĩ ý nghĩ khác. Nhưng nếu bạn cả hai đều im lặng, thế thì tất cả mọi
bức tường giữa các bạn biến mất.
Hai im lặng không thể vẫn còn
là hai. Chúng trở thành một.
Tất cả các giá trị lớn lao của
cuộc sống - tình yêu, im lặng, phúc lạc, cực lạc, tính thượng đế - làm cho bạn
nhận biết về cái một mênh mông. Không có ai khác hơn bạn; chúng ta tất cả đều
là những cách diễn đạt khác nhau của một thực tại, những bài ca khác nhau của một
ca sĩ, những điệu vũ khác nhau của một vũ công, những bức tranh khác nhau -
nhưng hoạ sĩ là một.
Nhưng đừng gọi nó là giấc mơ, bởi
vì trong khi gọi nó là giấc mơ bạn không hiểu rằng đó là thực tại. Và thực tại
đẹp hơn nhiều so với bất kì giấc mơ nào có thể đẹp. Thực tại phiêu diêu hơn,
nhiều mầu sắc hơn, nhiều hân hoan hơn, nhiều điệu vũ hơn bạn có thể tưởng tượng.
Nhưng chúng ta đang sống vô ý thức thế...
Vô ý thức đầu tiên của chúng ta
là ở chỗ chúng ta nghĩ rằng chúng ta tách rời. Nhưng tôi nhấn mạnh rằng không
con người nào là hòn đảo cả, chúng ta tất cả đều là một phần của một lục địa
bao la. Có sự đa dạng, nhưng điều đó không làm cho chúng ta tách rời. Đa dạng
làm cho cuộc sống giàu có hơn - một phần của chúng ta là ở trong Himalaya, một
phần của chúng ta là ở trong các vì sao, một phần của chúng ta là ở trong những
bông hồng. Một phần của chúng ta là ở trong con chim đang tung cánh, một phần của
chúng ta là ở trong màu lục của cây cối. Chúng ta lan toả khắp nơi. Kinh nghiệm
nó như thực tại sẽ làm biến đổi toàn thể cách tiếp cận của bạn với cuộc sống, sẽ
làm biến đổi mọi hành động của bạn, sẽ làm biến đổi chính sự hiện hữu của bạn.
Bạn sẽ trở nên tràn đầy tình
yêu; bạn sẽ trở nên tràn đầy kính trọng cuộc sống. Theo tôi, lần đầu tiên bạn sẽ
trở nên mang tính tôn giáo thực sự - không phải là người Ki tô giáo, không phải
là người Hindu, không phải là người Mô ha mét giáo, mà mang tính tôn giáo thuần
khiết, thực sự.
Từ tôn giáo rất hay. Nó bắt nguồn
từ một gốc có nghĩa là kết liên lại tất cả những người đã vượt ra ngoài dốt nát
của mình; đem họ lại cùng nhau, đánh thức họ dậy để cho họ có thể thấy họ không
tách rời.
Thế thì bạn không thể làm hại
cho dù là một cái cây. Thế thì từ bi của bạn và tình yêu của bạn sẽ chỉ là tự
phát - không phải do tu tập, không phải là cái gì đó của kỉ luật. Nếu tình yêu
là kỉ luật, nó là giả. Nếu bất bạo lực được tu tập, nó là giả. Nếu từ bi được
nuôi dưỡng, nó là giả. Nhưng nếu chúng tới một cách tự phát không cần nỗ lực
nào của riêng bạn, thế thì chúng có thực tại sâu sắc thế, tinh tế thế...
Nhân danh tôn giáo, biết bao
nhiêu tội ác đã được làm trong quá khứ. Nhiều người đã bị giết bởi những người
tôn giáo hơn bất kì ai khác. Chắc chắn tất cả các tôn giáo này đều giả tạo, rởm.
Tôn giáo đích thực phải được
sinh ra.
Có lần H.G. Wells được hỏi, khi
ông ấy công bố cuốn lịch sử thế giới của mình - một công trình cực kì đồ sộ -
"Ông nghĩ gì về nền văn minh?"
Và H.G. Wells đã nói, "Đó
là một ý tưởng tốt, nhưng ai đó nên làm điều gì đó về nó để đem nó vào sự tồn tại."
Mãi cho tới giờ chúng ta vẫn
chưa được văn minh đâu, chưa được văn hoá đâu, chưa có tính tôn giáo đâu. Nhân
danh nền văn minh, nhân danh nền văn hoá, nhân danh tôn giáo chúng ta đã làm đủ
mọi loại hành động man rợ - nguyên thuỷ, chưa là người, mang tính súc vật.
Con người đã sa ngã xa khỏi thực
tại. Con người phải được đánh thức tới chân lí rằng chúng ta tất cả đều là một.
Và điều đó không phải là giả thuyết; nó là kinh nghiệm của tất cả các thiền
nhân, không ngoại lệ nào, trong nhiều thời đại, rằng toàn thể sự tồn tại là một,
đơn vị hữu cơ.
Cho nên đừng lầm kinh nghiệm đẹp là giấc mơ. Gọi nó là
giấc mơ sẽ cắt bỏ đi thực tại của nó. Giấc mơ phải được làm thực, chứ không phải
thực tại đổi thành giấc mơ.