Read more
Osho – Đức Phật và Phật Pháp
Phần 3. Phật pháp
Chương 13. Trung đạo
Đức Phật là người đầu tiên dùng những chữ trung đạo - ngay ở chính giữa. Và cho đến nay chưa ai tìm được ý nghĩa hay hơn Ngài. Ngài đã gọi đạo của Ngài là trung đạo, trung dung. Ý nghĩa đầu tiên là nếu có thể tránh được những cực đoan, khuynh hữu hay khuynh tả; nếu có thể ở ngay giữa những cực đoan, bạn sẽ không ở chính giữa, mà bạn sẽ vượt lên trên bộ ba - hai thái cực, và điểm giữa của hai thái cực. Nếu bạn tránh được các cực đoan, điểm giữa cũng biến theo. Điểm giữa của cái gì? Khi nói về trung đạo, Đức Phật không nhấn mạnh trung đạo, mà thực ra, Ngài muốn dẫn bạn về sự chuyển hoá. Nhưng nếu nói thẳng là bạn sẽ được chuyển hoá, có thể bạn sẽ sợ. Trungđạo có vẻ đơn giản quá. Đức Phật đùa như thế vì lòng từ bi của Ngài. Chữ mà Ngài dùng là majjhim nikaya, trung đạo. Cực đoan nào cũng phải triệt tiêu các cực đoan khác; cực đoan nào cũng đối nghịch các cực đoan khác. Âm nghịch với dương, ảo ngược với thực, chết đối đầu với sống. Nếu bạn coi chúng như những cực đoan, chúng có vẻ đối nghịch nhau. Nhưng người có thể ở ngay chính giữa vượt lên trên mọi cực đoan và cả điểm giữa ngay lập tức. Từ cái nhìn trên cao của người đã đắc đạo, chẳng có đối nghịch nào cả. Cực đoan không phải là những cặp đối, không phải mâu thuẫn, mà là những bổ sung. Sống, chết không phải là kẻ thù; chúng là những bộ mặt khác nhau của cùng một tiến trình. Chết không lấy đi sự sống, mà đổi mới nó. Chết cho sự sống một hình thức mới, một cơ thể mới, một chỗ đứng mới cho tâm thức. Chết không thù sống. Mà nếu nhìn một cách đúng đắn, nó là một tiến trình hồi sinh sự sống, thanh xuân hóa sự sống. Ngày không đối nghịch lại đêm. Cái tồn tại chẳng có đối nghịch ở bất cứ nơi nào. Mọi cặp đối đều là những phần không thể thiếu của toàn thể. Cái tồn tại là một đơn vị hữu cơ. Nó không loại bỏ bất kỳ cái gì; nó bao gồm tất cả. Người có thể ngừng ngay chính giữa sẽ có được kinh nghiệm tuyệt vời này, rằng chẳng có đối kháng, chẳng có mâu thuẫn. Cả cái tồn tại chỉ là một, và trong nhất thể ấy, mọi cặp đối, mọi đối kháng, mọi mâu thuẫn tan biến vào trong cái một duy nhất. Thế thì sống ôm lấy chết, ngày gối vào đêm. Người đạt được kinh nghiệm nhất thể hữu cơ này trở nên dũng cảm, chẳng biết lo âu, không biết thống khổ là gì. Lần đầu tiên ông ta nhận ra sự rộng lớn của mình - rộng lớn như vũ trụ vậy. Khoảnh khắc mà người nào vượt lên trên mọi đối kháng và nhận ra chúng là những bổ sung, người ấy không còn là một phần của toàn thể nữa, mà trở thành toàn thể. Hãy để tôi nó với bạn một phi lý cuối cùng. Thỉnh thoảng, trong những người như Đức Phật, Mahavira, Lão Tử, Trang Tử.., thành phần trở nên lớn hơn toàn thể. Vô lý hoàn toàn, phản khoa học hoàn toàn - nhưng tuyệt đối đúng. Đức Phật không những chứa cả cái toàn thể, nhưng vì sự giác ngộ, Ngài lớn hơn cả toàn thể. Cái toàn thể không biết những bổ sung của nó. Đức Phật biết những bổ sung đó, và đó là chỗ mà Ngài lớn hơn toàn thể, mặc dù Ngài vẫn là một phần của nó. Trung đạo là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất để dẫn bạn về điều tối thượng. Muốn ở ngay chính giữa, bạn phải loại bỏ mọi ý tưởng cực đoan. Và mọi ý tưởng của bạn đều là cực đoan - hoặc khuynh hữu, hoặc khuynh tả, Ki Tô Giáo hay Hồi giáo, Ấn Độ Giáo hay Phật Giáo. Bạn đã chọn lựa. Bạn không còn tâm thức không chọn lựa nữa. Bạn đã chọn cái này và bỏ cái khác. Mọi định kiến của bạn đều là những chọn lựa. Tôi vạch ra những thành kiến của bạn để đưa bạn về trung đạo. Đức Giáo Hoàng, nghe tin một bà ở Ái Nhĩ Lan đẻ mười đứa con, đã phái một Hồng Y đến ban phép lành cho bà. Đức Hồng Y bất mãn vì bà ấy không phải là Công Giáo. Ngài nổi nóng và hét lên, "Bà muốn nói rằng tôi đến tận đây để gặp một người cuồng dâm Tin Lành sao?" Thành kiến đều như vậy cả. Người tầm đạo thực sự không có thiên kiến, không theo một ý thức hệ nào, và phải tỉnh thức để nhận ra tất cả mà không nghiêng về bên nào. Vì không nghiêng về bên nào, người ấy ở ngay chính giữa. Khoảnh khắc mà bạn chọn lựa, bạn chọn một cực đoan nào đó. Khi chọn lựa cái gì, bạn loại bỏ những cái khác; nếu không, vấn đề chọn lựa không được đặt ra. Tỉnh thức mà không chọn lựa là ý nghĩa khác của trungđạo. Có lần một hoàng tử rất trẻ và đẹp, tên là Shrona, nghe Đức Phật giảng lần đầu tiên, khi Ngài ghé qua thủ đô của nước ấy. Sau bài giảng ấy hoàng tử xin Đức Phật điểm đạo cho. Anh ta là một tay đàn sitar nổi tiếng, mà cũng lừng danh là người sành điệu. Tiếng đồn rằng mỗi khi lên lầu, anh ta bắt con gái đẹp ở truồng đứng dọc theo cầu thang để anh ta chuyền từ vai cô này sang vai cô khác mà lên. Anh ta thường ngủ cả ngày vì đã say mèm từ đêm trước; thâu đêm anh ta đàn địch, rượu chè, ăn uống, nhảy nhót. Cứ như thế, không đêm nào anh ta chợp mắt. Chuyện này cả vương quốc đều biết. Đức Phật chưa hề do dự khi điểm đạo cho ai, nhưng Ngài do dự với anh ta. Ngài nói với anh ta, "Shrona, tôi đã nghe rất nhiều về anh. Tôi muốn anh suy nghĩ kỹ. Tôi sẽ ở lại thành phố này trong bốn tháng mưa." Trong bốn tháng mưa, Đức Phật và các đệ tử của Ngài không ra khỏi cửa. Tám thámg còn lại họ đi khắp nơi để chia sẻ kinh nghiệm thiền quán và những trạng thái tâm thức siêu việt. Thời đó chỉ có đường đất, và Đức Phật không cho phép các đệ tử có tài sản - một cái dù, một đôi giầy cũng không có, ngoại trừ ba mảnh vải. Một mảnh dùng khi khẩn cấp, và hai mảnh để thay đổi mỗi ngày; quá ba mảnh là không được. Khi trời mưa như đổ nước, khó mà giữ được ba mảnh vải ấy khô, và phải đi trong sình lầy khi trời mưa sẽ làm cho nhiều người bệnh. Vì lý do ấy Ngài bảo các đệ tử ở lại một chỗ, và các cư sĩ muốn tham thiền với họ có thể đến. Tám tháng họ đến với những tâm hồn khao khát. Bốn tháng mưa hãy để họ tìm đến.
Cho nên Ngài nói, "Không cần phải vội, Shrona." Nhưng Shrona nói, "Một khi đã quyết định, con không rút lại bao giờ. Xin Thế Tôn hãy điểm đạo cho con." Đức Phật vẫn muốn thuyết phục anh ta, "Suy nghĩ kỹ cũng chẳng hại gì, bởi vì anh sống một đời xa hoa. Anh chưa đi chân trần bao giờ. Xa giá luôn luôn chờ bước của anh. Anh chưa hề ra khỏi hoàng cung và hoa viên. Lúc nào anh cũng có đàn bà đẹp, nhạc sĩ và vũ công bao quanh. Khi quy y rồi, anh sẽ không sống đời vương giả được nữa. Tôi nghĩ tu không thích hợp với anh. Và tôi không muốn ai trở về vì người ấy sẽ mất sự tự trọng đối với chính mình. Vì vậy tôi muốn anh nghĩ lại." Shrona nói, "Con đã nghĩ kỹ rồi, và con muốn được điểm đạo ngay bây giờ. Thế Tôn càng nói con suy nghĩ kỹ, con càng quả quyết và càng bướng bỉnh hơn." Đức Phật động lòng và điểm đạo cho anh ta. Nhưng ngay hôm sau đã có rắc rối mà các đệ tử không thể ngờ được. Cái rắc rối mà Đức Phật đã tiên liệu đang xảy ra.
Trong lúc các đệ tử khác có ba mảnh vải, Shrona trần như nhộng. Anh ta đi từ cực đoan này đến cực đoan khác. Khi các tăng sĩ khác đi trên đường, Shrona đi bên vệ đường, đạp trên gai góc mà đi. Khi các tăng sĩ nghĩ dưới bóng cây, Shrona luôn luôn đứng giữa trời đổ lửa. Sáu tháng sau, hoàng tử bảnh trai ấy già hẳn đi, chỉ còn da bọc xương, và đen như cột nhà cháy. Chẳng ai nhận ra con ma ấy. Mới gần đây hoàng tử ấy đã làm rung động bao nhiêu con tim thiếu nữ đa tình. Chân anh ta rướm máu; anh ta rất tiều tụy, đến nỗi một đêm Đức Phật phải đến gặp anh ta, khi anh ta đang thiu ngủ dưới một gốc cây. Đức Phật không hề đến gặp một đệ tử giữa đêm khuya. Đây là biến cố duy nhất, theo kinh điển Phật Giáo. Ngài đánh thức Shrona và hỏi một câu rất lạ lùng, "Tôi nghe nói anh từng là một hoàng tử, và là một nhạc sĩ nổi tiếng. Phải vậy không?"
Shrona nói, "Thế Tôn có thể hỏi con bất cứ lúc nào. Sao phải chờ giữa nửa đêm như vậy?"
Đức Phật nói, "Xin anh cứ trả lời câu hỏi của tôi."
Shrona nói, "Đúng như vậy, thưa Thế Tôn."
Đức Phật nói, "Vậy thì nếu giây đàn quá căng, có thể chơi được không?"
Shrona nói, "Dĩ nhiên là không. Nếu quá căng, chúng có thể đứt."
Đức Phật nói, "Còn nếu quá chùng thì sao?"
Shrona nói, "Thế Tôn hỏi thật là ngớ ngẩn giữa đêm khuya. Nếu dây quá chùng, cũng không thể chơi được. Quá căng hay quá chùng cũng không được. Thật ra, chơi đàn rất dễ. Nghệ thuật là giữ giây ngay lưng chừng. Không căng, không chùng mới được." Đức Phật nói, "Đó là ý tôi muốn nói với anh. Đời sống cũng là một cây đàn: căng quá thì không được, mà chùng quá cũng hỏng. Giây đàn của sự sống phải ở ngay lưng chừng, không căng, không chùng; được như thế nhạc mới du dương. Và chỉ người lão luyện mới hiểu trung dung là gì. Vì anh là một nhạc sĩ nổi tiếng, tôi cũng muốn anh trở thành nhạc sĩ của đời sống. Đừng nhảy từ cực đoan này sang cực đoan khác, từ xa xỉ qua khổ hạnh, từ buông thả sang hành xác. Phải trung dung." Theo ý nghĩa của câu chuyện trên, Đức Phật là một trong những nhà tâm lý thâm thúy nhất thế giới. Trung dung trong mọi hoạt động của đời sống. Trung dung là đạo sống của một hành giả, và là con đường dẫn đến giải thoát.