Chương 14. Hạt mầm và cái cây

Chương 14. Hạt mầm và cái cây

Price:

Read more

Osho - Nhịp đập của tuyệt đối
Chương 14. Hạt mầm và cái cây

Người ta đã chỉ ra rằng kết quả thu được
bởi việc tôn thờ Brahman biểu hiện là khác với kết quả thu được
từ việc tôn thờ Brahman không biểu hiện.
Chúng tôi đã nghe điều này từ những người trí huệ người biết và giải thích điều đó cho chúng tôi.
Upanishad nói về hai dạng của Brahman, yếu tố tối cao. Hình dạng là hai, yếu tố là một. Nhưng sẽ tốt hơn là nói có hai loại người biết, trong khi yếu tố là một. Một là hình dạng nguyên thuỷ không biểu hiện của Brahman; dạng kia là dạng biểu hiện của Brahman. Hạt mầm là nguyên nhân, cây là hành động, hiệu quả. Mọi thứ bị che giấu trong hạt mầm, mọi thứ được biểu lộ trong cây cối. Cho nên có một hạt mầm-Brahman, mà chúng ta không thấy ở đâu cả. Cái thấy được là cây-Brahman, không phải hạt mầm-Brahman. Cái đã trở thành biểu hiện là thấy được với chúng ta, cái bị ẩn kín, không biểu hiện, là vô hình với chúng ta. Việc tôn thờ có thể được thực hiện cho cả Brahman không biểu hiện và biểu hiện, theo nhiều cách đa dạng. Kết quả của hai loại tôn thờ này là hoàn toàn phân biệt nhau.
Tôn thờ thượng đế đã rất được hâm mộ khi người ta ca ngợi Upanishad. Cần phải hiểu thấu rõ nghĩa của ‘thượng đế’. Trong thượng đế có biểu hiện rõ ràng nhất về tác động của Thượng đế, của Brahman không biểu hiện. Do vậy ngay cả hòn đá cũng là một biểu hiện. Chúng ta gọi ai đó là thượng đế nếu trong người đó cái không biểu hiện toả sáng, mặc dầu bản thân người đó là sự biểu hiện. Chúng ta gọi những người như thế là hoá thân của Thượng đế, hay tirthankara, hay con của Thượng đế; chẳng hạn, Jesus, Mohammed, Mahavira, Krishna và Rama. Những cá nhân như thế đang đứng trong khung cửa. Họ là sự biểu hiện và được chúng ta thấy từ bên ngoài cánh cửa. Khuôn mặt của họ từ phía trước là rõ ràng thấy được. Chúng rất giống khuôn mặt chúng ta, và vậy mà chúng không giống khuôn mặt chúng ta. Tia lửa nào đó của cái không biểu hiện, tia sáng le lói của hạt mầm-Brahman được ẩn kín, cũng là trong họ. Từ mọi hoạt động trần gian của họ trong cuộc sống, sự toả sáng nào đó của cái không biểu hiện sáng lên và chỉ báo về điều thiêng liêng cho chúng ta. Tất cả những linh hồn như vậy đều thiêng liêng. Nghĩa của từ điều thiêng liêng là ở chỗ nó là cái thấy được và cũng toả ra cái không biểu hiện.
Upanishad xác nhận rằng việc tôn thờ, cầu nguyện và sùng kính với các linh hồn thiêng liêng đem đến kết quả, bởi vì có cái gì đó trong họ vượt ra ngoài cái thấy được. Với một người nhìn chăm chú vào họ trong thiền sâu, dạng thấy được sẽ biến mất và cái không biểu hiện sẽ còn lại. Xem như kết quả của việc này, một khó khăn nảy sinh. Giả sử Rama đang đứng trước đệ tử của mình; đệ tử này sẽ không thấy Rama như một người bởi vì ông ấy trở thành một với cái không biểu biện nhiều đến mức hình hài thấy được biến đi. Nét mặt Rama biến mất, và chỉ Brahman, điều tối cao, còn lại. Cho nên khi một đệ tử của Rama lẩm nhẩm tên ông ấy như một câu mật chú - Rama-japa - người đó không còn bận tâm chút nào với người là con của vua Dasharath nữa. Thế thì người đó đang suy tư chỉ về Brahman - hạt mầm.
Nhưng một người không phải là đệ tử của Rama không thấy phần của Rama mà là không biểu hiện. Hạt mầm-Brahman đó là không thấy được; chỉ có phần được coi như thân thể vật lí là thấy được bởi người đó. Chỉ con trai của Dasharath, hoặc chồng của Sita, hay kẻ thù của Ravana là thấy được. Người bạn của ai đó, hay kẻ thù của ai đó - phần biểu hiện duy nhất là thấy được. Cho nên khi một đệ tử thực nói về Rama và cái gọi là một đệ tử khác cũng nói về Rama, họ đang nói về hai người khác nhau. Không có nhịp nhàng hay hài hoà gì trong việc nói của họ. Không thể có bất kì giao cảm nào giữa họ. Họ không hiểu lẫn nhau bởi vì họ đang nói về hai phần tách biệt của cùng một cá nhân.
Lời kinh này của Upanishad nói rằng việc tôn thờ - ngồi gần - dạng biểu hiện của Brahman nơi sự toả sáng nào đó của dạng không biểu hiện cũng được thấy, đem lại kết quả riêng của nó. Họ sẽ thích thú và hài lòng, hay tốt hơn là nên nói họ sẽ thấy như trên trời. Họ sẽ rất phởn phơ, nhưng họ sẽ không chứng ngộ. Đó là lí do tại sao chúng ta dùng ba từ cho quả: một từ là địa ngục, từ nữa là cõi trời và từ thứ ba là chứng ngộ. Người ta có thể đi xa như cõi trời bởi việc ngồi gần - tức là, tôn thờ - thượng đế. Người ta có thể kinh nghiệm những vui thú và hạnh phúc tuyệt vời, nhưng người ta không thể vươn tới chứng ngộ; người ta không thể vươn tới phúc lạc.
Cái gì là khác biệt giữa hạnh phúc và phúc lạc? Dù hạnh phúc sâu sắc và lớn lao đến đâu, nó chắc chắn sẽ trôi qua. Dù nó kéo dài đến đâu không thành vấn đề, nó chắc chắn đi tới kết thúc. Cho nên hiểu phân biệt này cho hoàn hảo. Chứng ngộ - phúc lạc - bắt đầu, nhưng không có kết thúc. Cõi trời - hạnh phúc - bắt đầu, và cũng kết thúc. Địa ngục không bắt đầu; nó chỉ có kết thúc. Để tôi nhắc lại điều này sao cho nó có thể được hoàn toàn hiểu thấu. Địa ngục không có bắt đầu - khổ không có bắt đầu. Có thể không có hạnh phúc, nhưng nó có thể được bắt đầu.
Địa ngục không có bắt đầu nhưng nó có thể được kết thúc.
Cõi trời có bắt đầu và cũng có kết thúc. Nó sẽ bắt đầu và cũng sẽ kết thúc.
Chứng ngộ chỉ có bắt đầu và không kết thúc. Một khi đã được bắt đầu, nó là vô tận.
Bất kì khi nào ngọn lửa thiêng liêng xuất hiện dưới dạng thấy được, Brahman biểu hiện, việc tôn thờ và cầu nguyện của nó có thể đưa người ta lên cõi trời, tới hạnh phúc. Do đó những người có ham muốn hạnh phúc đang chiếm hết trong việc tôn thờ thượng đế. Những người khát khao chứng ngộ không bị cuốn hút đến thế vào trong việc tôn thờ thượng đế; họ quay mặt khỏi thượng đế. Họ không cầu nguyện hạnh phúc bởi vì hạnh phúc không bao giờ xảy ra nơi chứng ngộ. Hạnh phúc, mặc dầu là thích thú, bao giờ cũng sẽ là nô lệ, và những người khao khát chứng ngộ ước ao đạt tới hình thái cao nhất của giải thoát. Họ khao khát về phúc lạc cao nhất không có giới hạn, họ ham muốn rằng nước cam lồ là vô hạn, họ mong ước đạt tới điểm mà là điểm không quay lại, chỗ vượt ra ngoài không còn gì để tìm kiến nữa.
Nhưng người khát khao điểm vượt ra ngoài này, nơi không còn chỗ nào để đi nữa, sẽ phải đi tìm hạt mầm-Brahman. Họ sẽ phải đi tìm Brahman không biểu hiện và không đi tìm Brahman biểu hiện. Họ sẽ được chứng ngộ bởi sự sùng kính của họ; đạt tới Brahman họ sẽ đạt tới giải thoát cao nhất.
Có những kết quả khác nhau phân biệt đối với hai loại tôn thờ này, và cái đẹp vĩ đại của Upanishad là ở chỗ họ không bác bỏ loại nào. Kết quả, quả, của cả hai loại được qui định rõ rệt. Họ không bác bỏ loại nào nhưng họ nói những người muốn tôn thờ thượng đế nên làm điều đó với hiểu biết rằng đó là cuộc hành trình tới hạnh phúc, và không vượt ra ngoài điều đó.
Trong phần cuối của lời kinh này có tuyên bố rằng “Chúng tôi có được những điều này từ những người đã biết.” Có một điểm quan trọng cần nhớ trong trí tại đây. Tri thức là vô tận. Dù bạn có thu thập tri thức nhiều đến đâu, nó bao giờ cũng không đầy đủ. Vấn đề tựa thế này: từ một bến bờ này bạn xuống sâu trong đại dương, nhưng cho dù bạn thăm dò được chiều sâu của nó, bạn không bao giờ biết được toàn thể đại dương. Có thể là đại dương đã biết bạn tường tận, nhưng bạn không thể biết được toàn bộ đại dương. Cũng còn có các bến bờ khác nữa, và trên chúng có vô số và vô tận lữ khách. Vô số người hành hương đã đi vào trong đại dương từ vô số nơi, và cũng là một điều tốt nếu tri thức của bạn và tri thức của họ được thu thập và trộn lẫn với nhau trong một phạm vi lớn nhất có thể được.
Đó là lí do tại sao các hiền nhân của Upanishad bao giờ cũng tuyên bố rằng điều họ nói họ đã thu thập từ những người đã biết. Họ trộn lẫn tri thức của họ với kho tri thức vô giới hạn đó. Họ nói, “Chúng tôi đã nghe được điều này từ những người biết. Tại sao chúng tôi  phải nói về tri thức bé nhỏ của mình? Chúng tôi đóng góp tri thức nhỏ bé của mình vào trong kho tri thức bao la, vô tận đã được vô số người thu thập .” Tại sao họ phải nói một cách tách biệt về tri thức của họ? Họ sẽ cảm thấy ngượng khi nói về nó. Họ thậm chí không tham chiếu tới nó. Họ nói điều này cứ dường như bản thân họ chưa thu được nó. Trong một thái độ khiêm tốn họ nói, “Chúng tôi đã nghe từ những người đã biết.”
Có vô số người, vô số hoá thân, và họ tới từ vô số bến bờ. Tirtha có nghĩa là bến bờ. Cho nên, người Jaina gọi những người như thế là tirthankara. Từ tirthankara có nghĩa là người làm việc trên bờ, giúp thuỷ thủ quăng neo xuống biển. Nhưng bởi vì đại dương là vô hạn, đường bờ biển là vô tận. Bởi vì đại dương là vô tận, có vô số tirthankara. Chúng ta không biết tất cả về họ. Nếu chúng ta nhìn lại quá khứ, chúng ta không biết gì về những hiền nhân đã nở hoa trước thời Veda. Các tham chiếu chỉ nói tới các hiền nhân thời Veda và hậu Veda.
Không phải là chân lí đã không được biết tới bởi những người đã sống trước các hiền nhân Veda, bởi vì bản thân các hiền nhân Veda thường nói, “Chúng tôi đã nghe được từ những người biết.” Upanishad là kinh sách cổ đại nhất của chúng ta đã được viết ra và được biên soạn bởi những người biết. Nhưng Upanishad liên tục tuyên bố, “Chúng tôi đã nghe nó từ những người đã biết.” Nội dung của tuyên bố này là ở chỗ chân lí bao giờ cũng đã được biết tới kể từ thời còn chưa được ghi nhớ, và nó đã được biết tới bởi biết bao nhiêu người, theo số lượng nhiều thế, và trong vô hạn cách thức thay đổi đến mức mà “Tôi không thể nói được về tri thức nhỏ bé của tôi! Tôi thêm điều gì đó vào cái kho bao la này.” Cho nên người đó nói, “Tôi đang nói cái đã được nói bởi những người đã biết nó.”
Có một điểm khác cần ghi nhớ trong vấn đề này - rằng những người trí huệ cổ đại ấy, người biết ấy, chưa bao giờ háo hức về cội nguồn. Họ không khát khao được là cội nguồn. Không ai nói, “Điều tôi đang nói là chân lí nguyên thuỷ; tôi nói điều đó lần đầu tiên, và chưa hề có ai đã nói điều đó trước tôi.” Có khác biệt rất lớn trong thái độ ở thời hiện đại của chúng ta. Ngày nay mọi người đều muốn tuyên bố rằng điều người đó nói chưa từng được nói ra trước đây - rằng người đó là nguyên gốc.
Điều này có nghĩa là gì? Liệu nó có nghĩa là các hiền nhân cổ đại không phải là nguyên gốc chăng? Con người ngày nay là nguyên gốc chăng? Không, sự kiện là hoàn toàn đối lập. Những người cổ đại đã không hoài nghi, đã chắc chắn đến mức họ không cần phải công bố về sự chắc chắn của mình, trong khi ngày nay mọi người hoài nghi về tính nguyên gốc, không thoải mái về nó đến mức họ không thể đừng được việc phải tạo ra tuyên bố về nó. Con người hiện đại bao giờ cũng sợ rằng ai đó có thể nói, “Anh cho rằng anh đang nói điều gì đó mới mẻ sao? Điều anh đang nói không có gì mới với mọi người.” Điều này đơn giản chỉ ra rằng con người hiện đại không hiểu nghĩa thực của nguyên gốc.
Nghĩa thực của từ nguyên gốc không phải là cái gì mới mà là ‘từ ngọn nguồn’. Nguyên gốc không có nghĩa là chưa từng xảy ra, từ này nghĩa là ‘từ ngọn nguồn’. Người biết đến gốc rễ là nguyên gốc, và nhiều người đã biết nó, cho nên từ này không nói tới bất kì cái gì mới. Nhưng ngày nay mọi người trên toàn thế giới đều đang tìm kiếm cái gì đó mới. Mọi người đều khẳng định: “Điều tôi đang nói là mới,” bởi vì có nỗi sợ là không cái gì đặc biệt về cái biết của người đó nếu người khác đã biết tới nó. Sự kiện đáng quan tâm là ở chỗ chỉ có một đặc tính đặc biệt trong thế giới này. Liên hệ tới điều này tôi nhớ tới dòng truyền thừa từ nhà huyền môn Jakob Boehme: “Điều duy nhất phi thường là thành bình thường.”
Những hiền nhân này, thay vì công bố rằng họ biết, lại tuyên bố rằng họ đã nghe thấy từ những người biết, là những người phi thường. Họ phải là những người rất không thông thường bởi vì họ sẵn lòng là bình thường đến thế. Thực ra, một người là người bình thường nếu người đó ấp ủ dù chỉ một khái niệm rất nhỏ rằng mình là bất thường. Mọi người bình thường đều có khái niệm này. Ngay cả người bình thường nhất cũng tin rằng mình là phi thường. Đây là niềm tin rất thông thường. Thế thì chúng ta có thể gọi ai là phi thường? Chúng ta có thể gọi một người là phi thường nếu người đó thậm chí không biết rằng mình là phi thường. Người khiên tốn như thế là phi thường.
Phát biểu này của hiền nhân ấy chắc chắn là phi thường. Khi người biết nhiều thế và biết điều đó sâu sắc thế, nói, “Chúng tôi đã nghe nó...” thế thì người như thế phải đáng để ý - phải là phi thường. Họ phải giống như các số không, giống như cái không. Họ phải hoàn toàn khiêm tốn. Họ không đưa ra tuyên bố chút nào, dù về chân lí hay con đường, và vẫn có sức nặng và bản chất trong phát biểu của những người đưa ra lời công bố về cái không. Đó là lí do tại sao họ thường lặp đi lặp lại rằng họ đã nghe được từ những người đã biết.
Thái độ tâm trí này của việc xoá bỏ bản thân mình, của việc phá huỷ bản thân người ta hoàn toàn, của việc chùi sạch sự hiện diện của người ta, của việc làm cho bản thân người ta dường như là không có, có liên quan tới ngọn nguồn gốc rễ sâu xa nhất của cuộc sống - tới sự tồn tại thuần khiết. Nó vượt ra ngoài tâm trí, ra ngoài sự tưởng tượng hay tình cảm. Nó là siêu việt.
Đủ cho hôm nay.
Chúng ta sẽ gặp lại vào buổi tối.
Bây giờ chúng ta đi về gốc rễ, chúng ta đi hướng tới sự siêu việt... Tôi sẽ nói cho các bạn đôi điều mà tôi nhớ ngay bây giờ về thiền.
Về chín mươi phần trăm trong số các bạn đang thiền tốt và tiến bộ đến mức tôi thấy hài lòng mênh mông với các bạn. Nhưng tôi cảm thấy tiếc cho mười phần trăm kia. Đừng cứ ru rú trong hoàn cảnh bất hạnh của bạn; đừng là người trong nhóm mười phần trăm đó. Đừng vứt đi những món quà có giá trị đó với giá rẻ của bạn.
Một hướng dẫn nữa về thiền chiều. Một số trong các bạn ngồi ở đây mà không đeo khăn bịt mắt. Bạn sẽ không được lợi lộc chút nào đâu. Không ai nên ngồi đây mà không có khăn che mắt. Điểm nữa cần phải nhớ là thế này: chăm nom về bản thân bạn, đừng lo nghĩ về người khác. Những người không làm gì sẽ bắt đầu lo nghĩ về người khác, bởi vì họ nhàn rỗi. Cho nên đừng ngồi yên đó, cứ vui vẻ, nhảy múa và cười đi!
Hôm qua tôi rất là hạnh phúc - đã có nhẹ nhàng lớn lao, các bạn rất giống trẻ con. Một ông già hét lên như đứa trẻ. Ông ấy đã rất hồn nhiên. Ông ấy kêu lên, “Mẹ, Mẹ, Mẹ!” Nhẹ nhàng hệt đứa trẻ. Đã có lễ hội lớn. Nó nên tiếp tục tăng tiến. Nó sẽ tiếp tục tăng tiến khi thiền trở nên ngày một sâu hơn. Nếu một ông già trở thành hệt như đứa trẻ, điều đó có nghĩa là ông ấy đã đạt tới thiền. Ngần này là cho thiền chiều. Tôi hoàn toàn hạnh phúc với thiền sáng - nó diễn tiến tốt.
Bây giờ tôi phải cho một hướng dẫn đối với thiền tối. Có hai hay ba người bạn đang tổ chức phiên thiền này và họ là đủ. Nhưng những người còn lại, người đã tới để đưa bản thân họ vào việc tổ chức đã tạo ra nhiều lẫn lộn. Không một ai trong các bạn nên tự bổ nhiệm ở đây. Các bạn ở đây để thiền, không phải để tổ chức các thứ. Thực ra chính những người ngồi rảnh rỗi vơ việc này vào cho bản thân họ. Họ nghĩ, “Chúng ta đi vào việc quản lí.” Hai hay ba người đó được quyền làm việc quản lí này sẽ làm công việc của họ - người còn lại không phải bận tâm về điều đó.
Tôi rất buồn về những người đang ngồi đằng sau bục khi họ không thể thiền đúng được. Họ bị quấy nhiễu bởi những người lăng xăng khác. Có khác biệt gì nếu ai đó ngã vào tôi? Điều đó không tạo ra khác biệt gì! Và những người trong thiền đã không mất ý thức của họ, họ hoàn toàn tỉnh táo. Họ không định ngã xuống. Đừng bắt đầu nghĩ rằng ai đó có thể xô vào tôi hay tấn công tôi. Tất cả họ đều đầy ý thức. Họ yêu tôi như người quản lí yêu. Cho nên đừng lo nghĩ về tất cả điều này.
Họ bị khuấy động nhiều khi họ không thể thấy được tôi. Đó là khi rắc rối bắt đầu, bởi vì việc thiền này hoàn toàn phụ thuộc vào việc con người tôi được thấy. Cho nên ý tưởng của tôi cho việc thiền tối nay là ở chỗ tất cả những người đang đứng nên ở trong phòng, và những người thực hành thiền trong tư thế ngồi nên ngồi đằng sau họ. Đây chỉ là cách bố trí cần thiết.
Một sự cố không mong muốn nữa đã xảy ra hôm qua. Nhiều người bên ngoài bị buộc phải vào nơi họp này. Điều này tạo ra rối loạn lớn. Việc hài hoà hoàn toàn mà có thể được tạo ra trong cuộc họp như thế, không thể được tạo ra khi người ngoài vào. Ngay cả nếu chỉ có một người sai trong phòng, người đó sẽ tạo ra các loại rung động khác. Cho nên không người nào như vậy được phép đi vào. Những người trong trại, người chỉ muốn nghe và không muốn tham gia thiền nên lập tức đi ra khỏi phòng khi bài nói kết thúc. Họ sẽ đóng góp rất lớn cho chúng ta bởi việc làm như vậy. Họ không nên làm hại chúng ta.
Chúng tôi không muốn dù chỉ một người trong phòng mà đơn thuần chỉ là người xem. Người đó tạo ra chướng ngại, lỗ hổng. Khi biết bao nhiêu tâm thức đang tuôn chảy trong cùng một kinh nghiệm, toàn thể bầu không khí trở nên được tích điện, và thế thì, nếu một người không được tích điện như thế ở trong nhóm này, người đó tạo ra gián đoạn trong bầu không khí. Một phần nào đó bị người đó xé ra. Có thể không có việc rót năng lượng tâm linh qua phần đó. Bởi điều này, những rung động mà có thể thấm từ góc này sang góc khác sẽ không có khả năng làm được như vậy. Đây là lí do tại sao hiện tại tôi không hạnh phúc với phiên thiền đêm của chúng ta.
Việc thiền đêm nay là quan trọng nhất và có giá trị, và hai phiên thiền khác được ngụ ý để chuẩn bị cho các bạn vào việc thiền đêm nay. Khi các bạn đã được chuẩn bị sau hai phiên thiền này có thể có bùng nổ trong phiên thiền đêm, nhưng một số chướng ngại đang tới trong chương trình. Nó vẫn còn chưa được hoàn tất. Một số người ngoài đã vào chỗ này ngày hôm kia và do vậy việc thiền không thể được thực hiện đúng đắn. Có tốt hơn trước đây chút ít. Chúng ta có thể đã đạt tới kết quả tốt ngày hôm qua, nhưng một số người không được phép đã tới chỗ bục này và bắt đầu học đòi làm quản lí. Các bạn phải không tới đây để quản lí.
Và đừng lo nghĩ về tôi, lo nghĩ về bản thân bạn đi. Tôi mãn nguyện ngay cả nếu tôi chết trong việc giúp đỡ ai đó, cho dù chỉ một người, để thành công trong thiền.
Xem tiếp Chương 15 - Quay về Mục lục

Ads Belove Post