Read more
Osho – Đức Phật và Phật Pháp
Phần 3. Phật pháp
Chương 16. Tôn giáo phi tôn giáo
Tôn giáo của Đức Phật không phải là tôn giáo theo ý nghĩa thông thường, bởi vì nó không có hệ thống tín ngưỡng, không có tín điều, không có thánh thư. Nó không tin vào Thượng Đế, không tin có linh hồn, không tin bất kỳ một thiên đường nào cả. Nó không cần đến đức tin nhưng vẫn là một tôn giáo. Đó là một hiện tượng có một không hai trong lịch sử tâm thức nhân loại. Không ai có thể so sánh được với Đức Phật. Ngài nói rằng Thượng Đế chẳng qua chỉ là một sự tìm kiếm sự yên ủi, sự an toàn, một chỗ nương thân. Bạn tin vào Thượng Đế không phải vì có Thượng Đế, mà vì bạn cảm thấy yếu đuối nếu thiếu niềm tin đó. Thậm chí nếu không có ThượngĐế, bạn sẽ nặn ra ngài. Niềm tin ấy do sự yếu đuối của bạn mà có. Đó là một sự phóng chiếu. Nhân loại cảm thấy bị giới hạn, bất lực, như thể nạn nhân của hoàn cảnh, vì không biết họ từ đâu mà đến, sẽ đi về đâu, và tại sao mà họ ở đây. Nếu không có Thượng Đế, khó mà thường nhân có thể tìm được ý nghĩa của cuộc sống; họ sẽ trở nên thác loạn khi thiếu bóng Thượng Đế. Thượng Đế là cái nạng chống đỡ bạn, an ủi bạn, bảo vệ bạn. Họ tự nhủ rằng, "Đừng lo. Thượng Đế toàn năng, toàn giác biết rõ tại sao bạn ở đây. Ngài là đấng sáng tạo. Ngài biết rõ tại sao Ngài dựng lên trời đất. Có thể bạn không biết, nhưng Ngài biết rõ nên bạn có thể tin nơi Ngài."Điều đó giúp bạn an tâm. Chỉ một ý tưởng về Thượng Đế cũng đủ làm bạn yên tâm - rằng bạn không phải đơn độc, rằng bạn được săn sóc, rằng vũ trụ này không phải từ sự hỗn loạn mà ra, rằng tất cả đều thứ tự lớp lang. Vị chúa tể của vũ trụ đã lo lắng mọi sự, và một sợi tóc trên đầu bạn rơi xuống cũng không ngoài thánh ý của Ngài. Tất cả đều được hoạch định. Bạn là một phần của một kế hoạch lớn. Có thể bạn không biết được ý nghĩa đó, nhưng ý nghĩa đó phải có vì Thượng Đế hiện hữu. Thượng Đế giúp bạn vui sống. Bạn có thể tin rằng đời sống không phải tình cờ, rằng có một ý nghĩa, một cứu cánh nào đó. Thượng Đế giúp bạn cảm thấy an toàn. Nhưng Đức Phật nói chẳng có Thượng Đế; đó là bằng chứng bạn chẳng biết tại sao bạn có mặt tại đây; nó nói lên sự bất lực của bạn. Nó chứng minh rằng chẳng có ý nghĩa nào cả. Ý tưởng về Thượng Đế được tạo ra để giúp chúng ta sống hết cuộc sống vô ích này. Hãy thử tưởng tượng là bạn đang ngồi trên máy bay mà có người nói, "Không có phi công." Bỗng dưng tất cả đều hốt hoảng. Không có phi công?! Không có phi công thì bạn tới số rồi. Thế rồi có người nói, "Máy bay này không cần người lái vì nó được điều khiển từ xa, nếu không thì sao nó bay được? Vì mọi sự vận hành rất ăn khớp nên nhất định phải có phi công. Có thể ta không thấy được phi công, có thể ta không được ân sủng để thấy, có thể mắt ta nhắm lại, nhưng phải có phi công. Nếu không thì sao nó bay được? Nó đã cất cánh, và đang bay rất êm, và máy đang nổ đều đều. Đó là bằng chứng có phi công." Nếu được chứng minh như thế, bạn sẽ thư giãn lại trong ghế ngồi. Bạn nhắm mắt lại mà thả hồn vào hư vô và ngáy như kéo gỗ. Đã có phi công rồi, bạn chẳng phải lo lắng gì nữa. Đức Phật nói chẳng có phi công; đó là sự sáng tạo của con người. Nhân loại nặn ra Thượng Đế trong hình ảnh của mình. Thượng Đế là một phát kiến, không phải là một khám phá. Do đó, Thượng Đế không phải là chân lý; đó là một bịp bợm vĩ đại nhất. Đó là lý do tôi nói Phật Giáo không phải là một tôn giáo theo nghĩa thông thường. Phật Giáo là một tôn giáo phi Thượng Đế. Bạn có thể tưởng tượng được không? Lần đầu tiên khi các học giả tây phương nghiên cứu về Phật Giáo, họ đã bị sốc vì gọi là tôn giáo mà chẳng có Thượng Đế. Họ chỉ biết Do Thái Giáo, Ki Tô Giáo và Hồi giáo. Những tôn giáo này, trong nhiều khía cạnh, rất ấu trĩ so với Phật Giáo. Phật Giáo là một tôn giáo đã trưởng thành. Phật Giáo là tôn giáo của những tâm hồn siêu việt. Phật Giáo không phải là tôn giáo của nhi đồng, và nó không khuyến khích bất kỳ ham muốn trẻ con nào của bạn. Phật Giáo rất vô tình. Hãy để tôi lặp lại: chẳng có ai từ bi hơn Đức Phật, nhưng đạo của Ngài rất vô tình. Thật ra, sự vô tình đó nói lên lòng từ bi của Ngài. Ngài không cho phép bạn bám víu vào bất cứ dối trá nào. Dù có êm ái thế nào chăng nữa, dối trá vẫn là dối trá. Những người lừa bịp bạn không phải là bạn, mà là kẻ thù của bạn. Bởi vì được nuôi dưỡng bằng giả dối nên đời bạn chỉ toàn những giả dối. Bạn phải sống trong không khí của chân lý, dù khó khăn, dù đắng cay thế nào chăng nữa cũng phải chấp nhận. Thậm chí nếu phải bị bách hại vì chân lý thì cũng đáng. Đức Phật nói rằng tôn giáo của con người là những sáng tạo của con người. Bạn bị chi phối bởi những ngoại cảnh khách quan. Bạn cần phải chấp nhận sự thật bằng mọi giá mà không cố che đậy, không cố đánh bóng, không bóp méo để nó phù hợp sở thích của bạn. Nếu điều đó gây xáo trộn, rối loạn cho bạn, hãy sẵn sàng đón nhận mọi hậu qủa. Nếu tự ái bị tổn thương, hãy sẵn sàng chết vì vết thương ấy. Nếu bị huỷ diệt vì chân lý, hãy sẵn sàng để bị huỷ diệt. Đức Phật rất vô tình, nhưng Ngài đã mở cánh cửu huyền vi vô cùng thâm sâu mà không người nào thành công được như Ngài. Ngài không cho phép bất cứ tham vọng nào của bạn. Ngài nói, "Hãy ý thức hơn. Hãy tỉnh thức hơn. Hãy can đảm hơn. Đừng nép mình đàng sau bất kỳ tín ngưỡng, tín điều, hay học thuyết nào. Hãy lãnh nhận trách nhiệm của chính mình. Hãy đốt ngọn nến nội tâm của mình để nhìn rõ thực tướng của mọi vật. Và khi có đủ can đảm để chấp nhận sự thật, bạn thật là có phước. Đó là lời dạy đầu tiên của Đức Phật. Ngài dạy rằng mọi hệ thống tín ngưỡng đều độc hại; mọi đức tin đều là rào chắn.
Ngài không phải là người hữu thần, cũng không phải là người vô thần, bởi vì như Ngài đã nói, một số tin Thượng Đế, một số khác không tin, nhưng cả hai đều có niềm tin. Ngài không tin Thượng Đế, nhưng Ngài bác bỏ mọi quan điểm của những người vô thần kia. Ngài nói rằng sự phủ nhận Thượng Đế của họ chẳng khác gì muỗi đốt chân voi. Nếu chưa đủ trưởng thành, bạn sẽ tìm một thần tượng khác để thay thế Thượng Đế. Thí dụ, Karl Marx tuyên bố rằng không có ThượngĐế, nhưng lịch sử của ông ta lại có đủ mọi khái niệm của Thượng Đế. Cần Thượng Đế để làm gì? Thượng Đế là yếu tố quyết định, là nhân tố đứng sau mọi hiện tượng. Thượng Đế quyết định những gì sẽ xảy ra, và những gì không xảy ra. Marx bỏ hẳn ý tưởng Thượng Đế, nhưng lịch sử trở thành yếu tố quyết định. Lịch sử trở thành định mệnh. Lịch sử chi phối tất cả. Lịch sử là gì vậy? Marx nói rằng Cộng Sản là một tất yếu lịch sử, và lịch sử đã quyết định rằng Cộng Sản sẽ chiến thắng, và tất cả đã được lịch sử an bài. Thế thì lịch sử đã trở thành một siêu ThượngĐế. Một nhân vật hay một yếu tố nào đó phải có để quyết định. Con người không thể sống với một thực tại trực tiếp. Con người không thể chấp nhận một thực tại hỗn loạn, tình cờ. Con người không thể sống với thực tại mà không dựa vào một ý tưởng nào đó để cho nó có ý nghĩa, thích hợp, và liên tục để lý trí có thể hiểu được, phân tích được, để nhân quả có thể phân biệt được. Freud bỏ hẳn ý tưởng ThượngĐế, thế nhưng vô thức trở thành ThượngĐế; mọi hoạt động của con người đều được quyết định bởi vô thức; con người chỉ là những con rối trong tay của vô thức. Đó là những nhãn hiệu mới của Thượng Đế. Đó là thần thoại tân thời. Tâm lý học của Freud là một thần thoại mới về Thượng Đế. Bình cũ nhưng rượu mới. Nhãn hiệu đã được thay đổi. Nhãn hiệu cũ đã được gỡ đi, và sơn phấn mớiđược trét vào để dễ gạt gẫm những người thiếu cảnh giác. Nhưng nếu phân tích tâm lý học của Freud một cách kỹ lưỡng, bạn sẽ nhận ra ngay lập tức là vô thức giữ vai trò mà Thượng Đế từng làm.6 Vậy thì sao phải cần đến Thượng Đế? Thượng Đế phải được sáng tạo ra để quyết định chuyện gì đó... lịch sử, kinh tế, vô thức, sự lựa chọn tự nhiên... Nếu con người không thể có tự do thì thay đổi thần thoại, chủ thuyết cũng chẳng ích gì. Dù theo đạo Ấn, đạo Hồi, Ki Tô Giáo, Do Thái Giáo... cũng chỉ khác nhau trên hình thức. Tâm trí của bạn vẫn còn trẻ con, vẫn chưa trưởng thành. Bạn liên tục tìm kiếm hình ảnh của một người cha, hay một nhân vật nào đó,để có thể giải thích tất cả, để có thể là giải đáp tối hậu.7 Một tâm hồn đã trưởng thành không phải tìm kiếm, dù có giải đáp tối hậu hay không. Đó là lý do Đức Phật nói, "Ta không phải là nhà siêu hình." Ngài chẳng có Siêu Hình Học nào cả. Siêu Hình Học nghĩa là giải đáp tối hậu của mọi thắc mắc. Ngài không hề nói, "Tôi đã giải thích được bí ẩn đó." Ngài không hề nói, "Đây, tôi đã khai thị chân lý cho bạn." Ngài nói rằng, "Điều duy nhất tôi có thể làm là khuyến khích bạn, làm cho bạn khao khát, giúp cho bạn trở nên cảnh giác, ý thức, sống động, để bạn sống đời một cách hoàn toàn ý thức, tràn ngập ánh sáng và tỉnh thức, đến độ mọi thắc mắc đều tan biến."
Không phải là bạn sẽ tìm được một đáp án tối hậu của đời sống - chưa ai làm được điều đó. Đức Phật bác bỏ Siêu Hình Học một cách triệt để. Ngài nói Siêu Hình Học chỉ là một sự tìm kiếm vô ích.
Việc đầu tiên là Ngài phủ nhận Thượng Đế.
Sau đó là Ngài phủ nhận thiên đường. Ngài nói, "Thiên đường của bạn chẳng qua chỉ là những ước muốn chưa được toại nguyện, những bản năng chưa được thành tựu, rồi bạn phóng chiếu những ước muốn, những bản năng ấy qua cõi vô hình, qua đời sau." Ởđiểm này Ngài hoàn toàn đúng. Nếu được mô tả về thiên đường của Hồi giáo, Ki Tô Giáo, Do Thái Giáo, bạn sẽ hiểu ngay tại sao Ngài nói như thế. Những gì không được toại nguyện ở kiếp này, bạn sẽ phóng chiếu nó qua đời sau. Nhưng dù đời này hay đời sau, những ước muốn ấy chẳng khác tí nào. Người Ấn nói có những cây phép lạ - gọi là kalvrasksha. Nếu ngồi dưới gốc cây ấy, những gì bạn muốn sẽ xảy ra ngay lập tức. Tây phương gần đây mới phát minh ra cà phê uống liền. Ấn Độ đã nghĩ ra cây phép lạ cả hàng ngàn năm và ai cũng tin. Ngồi dưới gốc cây ấy thì cầu được, ước thấy. Nếu mơ một nàng tiên, cô ấy sẽ xuất hiện. Muốn cao lương mỹ vị? Có ngay. Không gì mà không được. Chỉ cần phân tích sơ sơ cũng thấy. Mấy ai được toại nguyện ở đời, và người nào cũng bỏ cả đời để thực hiện những điều mong ước. Vậy mà mấy người hài lòng về những gì mình đạt được? Cho nên họ phóng chiếu những ước muốn ấy vào tương lai. Ước muốn tự bản chất không thể thoả mãn được, dù là hiện tại hay tương lai.
Đức Phật nói, "Bản chất của ham muốn là không thể thoả mãn được. Bất kể làm gì, bạn sẽ không toại nguyện - đó là bản chất nội tại của ham muốn. Ham muốn không thể thành tựu được. Dù ngồi dưới gốc cây phép lạ bạn cũng không thoả mãn được. Nhiều lần bạn thoả mãn với những điều bạn mơ ước, nhưng sau đó bạn lại mơ ước những cái khác. Vòng luẩn quẩn cứ thế kéo dài mãi mãi. Thiên đường của Ki Tô Giáo, Hồi giáo, Do Thái Giáo và Ấn Độ Giáo chỉ là những ước muốn được phóng chiếu, những ham muốn không được toại nguyện, những mơ ước bị thất vọng. Dĩ nhiên là chúng an ủi con người nhiều lắm: "Nếu không được toại nguyện ở đây, bạn sẽ được toại nguyện trên thiên đường. Sớm hay muộn bạn sẽ trở về với Thượng Đế. Đòi hỏi duy nhất là bạn phải cầu nguyện và tin tưởng nơi Ngài. Hãy kính sợ Thượng Đế thì phần thưởng sau này của bạn sẽ vô cùng trọng hậu." Phần thưởng dĩ nhiên là phải chờ đến đời sau, bởi vì bọn thầy tu láo khoét không thể lừa được bạn ở đời này. Họ biết là ước muốn không thể thoả mãn được nên đã nghĩ ra đời sau. Chẳng ai biết gì về đời sau cả nên người ta bị gạt gẫm rất dễ dàng. Nếu có người nói với bạn rằng, "Thượng Đế sẽ thoả mãn những ước muốn của bạn ngay lúc này và ngay bây giờ," thì sẽ khó mà chứng minh được - bởi vì chưa người nào được thoả mãn ngay lúc này và ngay bây giờ. Thế thì Thượng Đế sẽ bị lột mặt nạ. Vì vậy họ phải nghĩ ra một kế rất láu cá. Họ nói, "Hết đời này mới được..." Tại sao Thượng Đế toàn năng của bạn không thể thoả mãn những ham muốn của bạn ngay bây giờ? ThượngĐế toàn năng của bạn không thể dựng lên cây phép lạ ngay trên mặt đất này sao? Thượng Đế của bạn không thể làm gì khi người ta còn sống sao? Nếu ngài không thể làm gì lúc này, lấy gì bảo đảm là ngài sẽ làm được ở đời sau? Đức Phật nói, "Hãy nhìn vào bản chất của ham muốn. Hãy quan sát sự chuyển động của ham muốn vì nó rất tinh tế. Hai điều bạn sẽ nhận ra. Một là ham muốn tự bản chất không thể thoả mãn được. Và thứ hai, khi hiểu được là ham muốn không thể thoả mãn được, nó sẽ biến mất và bạn sẽ không còn thèm muốn nữa. Đó là trạng thái an bình, tĩnh lặng và thanh thoát. Đó là trạng thái được thoả mãn. Thèm muốn không thể thoả mãn được bằng thèm muốn. Nó chỉ có thể được thoả mãn bằng cách vượt lên trên thoả mãn. Ham muốn là cơ hội bằng vàng để tìm hiểu sự hoạt động của tâm trí, cách mà nó hoạt động cùng với cơ chế của nó. Và khi bạn hiểu điều đó thì sẽ có sự chuyển hoá. Ham muốn sẽ biến mất mà không để lại dấu vết. Và khi không còn ham muốn, không đòi hỏi gì nữa, bạn sẽ được thoả mãn. Không phải là ham muốn được thoả mãn, nhưng khi bạn vượt qua mọi ham muốn, sự thoả mãn tự xảy ra. Ham muốn theo thời, theo hoàn cảnh mà thay đổi. Tôn giáo nói, "Ham muốn có thể được thoả mãn trên thiên đường." Người tư bản nói, "Ham muốn có thể được thoả mãn trong hiện thế." Những người duy vật nói, "Ham muốn có thể được thoả mãn tại đây. Chỉ cần thay đổi cơ cấu xã hội, chỉ cần lật đổ bọn tư bản để cho vô sản lãnhđạo; bọn tư sản phải bị tiêu diệt. Thế thôi! Được như thế thì ước muốn sẽ được thoả mãn ngay tại đây, thiên đường có thể được thiết lập ngay trên trần thế này." Tư bản nói, "Bạn có thể được toại nguyện, nếu cố gắng hết mình." Tây phương hiện đang làm thế: "Hãy đấu tranh, hãy giành giựt, hãy chiến thắng bằng mọi cách. Hãy kiếm thêm nhiều tài sản, thêm nhiều quyền lực."Đó là điều mà chính trị gia khắp nơi đang làm. "Nếu muốn được hạnh phúc, kinh tế phải phát triển, năng suất phải cao." Đó là lời của các khoa học gia; họ nói chỉ cần một ít kỹ thuật nữa, thiên đường sẽ được thiết lập. Còn tôn giáo của bạn nói gì? Họ chẳng nói gì khác. Họ nói, "Ham muốn có thể được thoả mãn, nhưng không phải trong đời này mà đời sau." Đó là một khác biệt rất nhỏ giữa tín đồ duy vật và những người đạo đức giả. Đối với Đức Phật, cả hai đều là duy vật; và đối với tôi, cả hai cũng là duy vật. Những người đạo đức giả và những người vô thần cũng là cá mè một lứa, chẳng có gì khác cả. Thái độ và cách tiếp cận của họ y hệt nhau. Đức Phật nói, "Ham muốn không thể được thoả mãn." Ngài là người thánh thiện theo ý nghĩa đó. Bạn phải hiểu bản chất của ham muốn. Nó không thể được thoả mãn tại đây, hay bất kỳ nơi nào khác. Điều đó đã không xảy ra và không thể xảy ra, bởi vì nó mâu thuẫn với thực chất của ham muốn. Ham muốn là gì vậy? Bạn đã bao giờ quan sát cái tâm trí tham lam của mình chưa? Bạn đã suy tư về nó chưa? Ham muốn là gì vậy? Bạn muốn mua nhà nên bạn phải vất vả mới được. Bạn hy sinh cả đời vì nó. Khi có nhà rồi, bạn có thoả mãn không? Khi có nhà rồi, bỗng nhiên bạn cần nhiều thứ khác nữa. Rồi bạn lại muốn nhà bự hơn nữa. Bạn muốn được yêu, và khi được yêu rồi, bạn lại muốn người khác nữa. Đó là bản chất của ham muốn. Nó luôn luôn đi trước bạn. Ham muốn thuộc về tương lai. Ham muốn là một hy vọng. Ham muốn không thể thoả mãn được, bởi vì bản chất của nó là một phóng chiếu vào tương lai. Nó luôn luôn nằm ở chân trời mà bạn không thể đuổi theo được; mỗi khi bạn tiến tới, nó lại lùi về sau, và khoảng cách giữa nó và bạn không hề thay đổi. Khi có mười ngàn, bạn sẽ muốn có hai chục ngàn. Khi có hai chục ngàn, bạn sẽ muốn bốn chục ngàn. Khoảng cách không hề thay đổi.
Bất kể bạn có hay không, ham muốn luôn luôn lởn vởn đàng trước. Đức Phật nói, "Hãy vất bỏ hy vọng, hãy loại bỏ ham muốn." Khi không còn hy vọng và ham muốn, bạn bị ném về hiện tại. Khi không còn thèm muốn gì nữa, bạn sẽ toại nguyện, bởi vì bạn không bị ham muốn gạt gẫm nữa. Cho nên khi Đức Phật nói chẳng có gì khác giữa bọn đạo đức giả và đám duy vật. Và Ngài đã làm những người Bà La Môn phẫn nộ. Họ chưa hề phẫn nộ với ai như thế. Họ cố diệt tận gốc đạo của Ngài tại Ấn Độ, và họ đã thành công. Phật Giáo xuất hiện ở Ấn Độ nhưng đã biến mất khỏi ẤnĐộ, bởi vì Ấn Độ Giáo là một trong những tôn giáo duy vật nhất trên thế giới. Hãy mở những bộ kinh Vệ Đà thì bạn sẽ thấy ngay: những lời nguyện, những nghi lễ, những hiến tế, toàn là xin với xỏ, hết từ thần này đến thánh kia. Mọi nghi lễ đều do ham muốn mà có. "Xin ban thêm nữa, nhiều hơn nữa. Xin cho được mùa, cho mưa thuận gió hòa, cho công việc được phát đạt, sức khoẻ được dồi dào, được sống lâu..." Kinh Vệ Đà chẳng qua chỉ là những ham muốn được phóng đại, và đôi khi rất xấu xa. Kinh Vệ Đà không phải chỉ có những lời xin xỏ, mà còn có những lời nguyền rủa kẻ thù nữa, như, "Xin cho bò của tôi nhiều sữa, và cho bò của thằng khốn kia chết đi, hoặc đừng cho nó có sữa." Đạo gì mà kỳ cục vậy? Thậm chí gọi nó là đạo cũng vô lý nốt. Nếu chánh đạo mà như thế, tà đạo sẽ ra sao? Đức Phật đã học với nhiều đạo sư trong lúc Ngài đang tầm đạo, nhưng lần nào Ngài cũng ra đi tay không, bởi vì Ngài biết rõ chẳng ai hiểu bản chất của ham muốn cả. Chính những người đó cũng còn nhiều ham muốn. Dĩ nhiên là ham muốn của họ được phóng chiếu thật xa trong tương lai, vào kiếp sau, nhưng đối tượng của ham muốn chỉ là một. Khác nhau chỉ là vấn đề thời gian. Có người ham những cái ở đời này. Có người ham những cái thuộc về đời sau. Nhưng khác chỗ nào đâu? Chẳng có gì khác cả. Họ cùng ham muốn như nhau. Ham muốn là ham muốn. Đức Phật đã học với nhiều đạo sư, nhưng lần nào Ngài cũng thất vọng. Ngài chẳng gặp người thánh thiện thực sự, mà chỉ thấy những bọn đạo đức giả. Họ là những người tự tra tấn chính mình: người thì nhịn ăn cả hàng tháng, người thì đứng cả năm, người thì không ngủ bao giờ, và họ trở thành những bộ xương cách trí. Bạn sẽ không nói họ là đạo đức giả, hay là người tầm thường. Nhưng nếu nhìn vào tâm trí của họ mà hỏi, "Sao phải nhịn ăn? Cố gắng quá như thế để làm gì?" Họ sẽ trả lời rằng để được lên cõi trời, để được lên thiên đường, để được phần thưởng đời đời sau khi chết. Đó là ham muốn. Cả bọn đều nói như nhau, "Tất cả chỉ là vô thường. Cuộc sống này chỉ là giả tạm. Dù có được gì đi nữa, cuối cùng thần chết cũng lấy đi tất cả. Vậy thì tranh giành làm chi? Cuộc sống này sẽ không tồn tại mãi mãi. Cho nên chúng tôi muốn tìm những cái vĩnh cửu, trường sinh bất tử; chúng tôi muốn được thoả mãn tuyệt đối. Chỉ những tên ngố mới tìm vinh hoa phú quí ở đời này, bởi vì cuối cùng cũng trắng tay. Làm cho lắm nhưng khi chết có mang theo được đâu? Chúng tôi muốn tìm một bảo vật mà chúng tôi có thể mang theo, sẽ không bị hư mất, mà ngay cả thần chết cũng không thể cướp đi."
Bạn có gọi những người này là thánh thiện không? Họ có vẻ còn tệ hơn những người bình thường nữa; họ duy vật hơn cả những người duy vật nữa. Dĩ nhiên là họ khéo ngụy trang sự tham lam của họ; lòng tham của họ có vẻ thoát tục, nhưng rất lừa lọc. Chẳng khác gì bạn cắm vài bông hoa trên đống phân vậy. Phân là phân. Hoa chỉ lừa được những người ngu mà thôi. Đức Phật đã không bị lừa. Ngài thấy tất cả. Ngài thấy được lòng tham của họ. Nếu còn ham muốn, bạn là người trần tục và duy vật. Vì vậy Ngài không dạy về thiên đường. Ngài không tin thiên đường nào cả. Không phải là Ngài không tin ở phúc lạc, không. Ngài tin ở phúc lạc, nhưng đó không phải là tín ngưỡng. Khi mọi thiên đường đã mất, khi mọi ham muốn đã biến mất, phúc lạc nổ tung ra từ cốt lõi thâm sâu nhất của bạn. Điều đó chẳng đòi hỏi gì cả. Không cần đức hạnh, không cần khổ hạnh, không cần lễ vật hiến tế. Chỉ cần hiểu là đủ.
Và thứ ba là Ngài không tin linh hồn, không tin Thượng Đế, không tin thiên đường. Điều này có vẻ khó khăn. Chúng ta có thể chấp nhận là không có Thượng Đế vì có ai thấy Ngài bao giờ đâu; rất có thể đó là một sự phóng chiếu. Ta cũng có thể chấp nhận không có thiên đường, bởi vì có thể nó chỉ là một ước muốn không được toại nguyện của chúng ta. Nhưng không có linh hồn? Thế thì chẳng có chỗ nào cho bạn bám vào cả. Không có linh hồn? Thế thì mục đích của đời người là gì? Nếu không có linh hồn, nếu chết là hết thì dù có nỗ lực cách mấy cũng vô ích. Thiền quán để làm gì? Cầu nguyện có ích chi? Đức Phật nói rằng ý tưởng về tự ngã, về linh hồn đã bị hiểu lầm. Bạn hiện hữu, nhưng bạn không có tự ngã. Bạn hiện hữu nhưng không tách biệt khỏi vũ trụ. Sự tách biệt là cơ sở của khái niệm về tự ngã. Nếu tôi tách biệt bạn, tôi có tự ngã. Nếu bạn tách biệt tôi, bạn có linh hồn. Đức Phật nói: cái tồn tại là một, chẳng có biên giới. Không ai tách biệt người khác. Chúng ta sống trong một đại dương tâm thức. Chúng ta là một tâm thức nhưng bị mê hoặc bởi sự tách biệt của cơ thể, bị lừa vì ranh giới của tâm trí. Và bởi vì thân xác và tâm trí, và vì sự đồng hóa với thể xác và tâm trí, chúng ta nghĩ rằng chúng ta tách biệt, chúng ta nghĩ rằng chúng ta là những "tự ngã" biệt lập. Cái tôi theo đó mà có. Chẳng hạn, nhìn lên bản đồ bạn sẽ thấy Mỹ, nhưng trên mặt đất chẳng hề có Mỹ - chỉ trên bản đồ của các chính khách. Trên bản đồ thì Mỹ Châu và Phi Châu tách rời nhau, nhưng sâu bên dưới, bên dưới đại dương, chỉ có một trái đất. Mọi lục địa đều nối liền nhau, chúng chỉ là một trái đất. Chúng ta chỉ tách biệt trên bề mặt. Càng đi sâu hơn, sự tách biệt càng lu mờ. Khi vào tận cốt lõi của bản thể chúng ta, bỗng nhiên nó trở thành đại đồng - chẳng có tự ngã, chẳng có linh hồn. Đức Phật chẳng có tín ngưỡng về ThượngĐế, về linh hồn, về tiên cảnh. Vậy thì Ngài dạy điều gì? Ngài dạy về một lối sống, không phải tín ngưỡng. Phương pháp của Ngài rất khoa học, dựa vào kinh nghiệm, thực tiễn. Ngài không phải là triết gia, không phải nhà siêu hình. Ngài là một người thực tế. Đức Phật nói, "Bạn có thể thay đổi cuộc sống mà không cần đến tín ngưỡng." Thật vậy, những niềm tin ấy là những cản trở cho sự thay đổi. Bước đầu là bỏ tín ngưỡng, bỏ siêu hình, bỏ giáo điều. Hãy bắt đầu bằng số không, chẳng cần triết lý, không cần ý thức hệ. Bắt đầu bằng tay trắng. Đó là cách duy nhất để đến với chân lý.
Tôi đã nghe rằng:
Một du khách mở cuốn thánh kinh do hội Gideon đặt trong khách sạn. Trong trang đầu có hàng chữ in, "Nếu bạn bị bệnh, hãy đọc Thánh Vịnh 18. Nếu gia đạo bất hòa, hãy đọc Thánh Vịnh 45. Nếu bạn cô độc, hãy đọc Thánh Vịnh 92." Người ấy cảm thấy cô độc nên mở Thánh Vịnh 92 và đọc. Khi đọc hết đoạn ấy, người ấy thấy bên dưới có hàng chữ, "Nếu bạn vẫn còn cảm thấy cô đơn, xin gọi 888-1234 và nói muốn gặp Nani." Nếu đọc kỹ thánh thư của bạn, bạn sẽ thấy cước chú hấp dẫn hơn. Đôi khi chúng không được rõ lắm, nhưng nếu để ý, bạn sẽ tìm thấy - cước chú thích hợp hơn. Đức Phật nói tất cả thánh thư của bạn chỉ là những ước muốn, những bản năng, những tham lam, những nhục dục, những giận hờn của bạn. Chúng chỉ là những sáng tạo của tâm trí của bạn, cho nên nó phải có dấu vết của tâm trí. Thánh thư do con người sáng tạo. Vì vậy các tôn giáo đều cố chứng minh rằng thánh thư của họ không phải là sản phẩm của con người. Ki Tô hữu nói rằng Thượng Đế là tác giả của Thánh Kinh; Mười Điều Răn được chính Thượng Đế trao cho Mai Sen (Moses); Tân Ước là thông điệp trực tiếp của Ngôi Hai, con một của Thượng Đế. Nó không phải là sáng tạo của con người. Nó đã được chính Thượng Đế mặc khải. Người Ấn cũng nói kinh Vệ Đà không phải là sản phẩm của con người. Và câu chuyện cứ thế mà lặp lại: Người Hồi nói kinh Koran được Thượng Đế đọc cho Mohammed. Tại sao các tôn giáo đều nói thánh thư của họ là của Thượng Đế, còn của các tôn giáo khác thì không? Người Hồi không chấp nhận kinh Vệ Đà là của Thượng Đế. Mà người Ấn cũng không chấp nhận kinh Koran. Sao vậy? Bởi vì họ biết rõ rằng bất kỳ những gì do con người sáng tạo đều có dấu vết của tâm trí, của ham muốn. Đức Phật nói mọi thánh thư đều do con người sáng tạo. Ngài không phải là người cuồng tín. Ngài chẳng thuộc về quốc gia nào, chủng tộc nào, tôn giáo nào, phe nhóm nào. Ngài chỉ là ánh sáng của chính Ngài. Và những gì Ngài phát biểu đều là những thông điệp thuần khiết nhất của chân lý.
Một người bạn gửi cho tôi một câu chuyện rất hay: Những tín đồ Ái Nhĩ Lan yêu cầu vị lãnh đạo tôn giáo của họ chọn một chỗ để xây lăng tẩm của mình. Trong lúc đó thì cuộc thánh chiến đang diễn ra, và ông ta có thể bị thiệt mạng bất cứ lúc nào. Ba địa điểm được đề nghị, và ông ta đã chọn chỗ rẻ tiền nhất, trái với ý muốn của hội đồng. Được hỏi tại sao lại chọn nơi tầm thường như thế, thay vì hai vị trí thơ mộng kia. Ông ta trả lời, "Các bạn thân mến của tôi ơi! Tôi rất cảm kích sự rộng lượng của quý vị. Nhưng tôi sẽ không nằm trongđó quá ba ngày. Vậy thử hỏi có phí phạm không?" 8 Những ý tưởng điên rồ như thế sẽ không có nơi Đức Phật. Ngài sẽ do dự. Người cũng do dự như thế là Lão Tử. Chỉ có hai vị này là do dự.
Đôi khi vì do dự nên họ không gây ấn tượng tốt nơi bạn. Bởi vì lẫn lộn nên bạn cần một người tuyệt đối tự tin để bạn có thể tin tưởng vào. Do đó bạn thường bị những bọn cuồng tín hấp dẫn. Họ cũng chẳng có gì để nói, nhưng vì đập bàn rầm rầm, vì la lối om sòm nên họ cho bạn cảm tưởng là họ biết, nếu không, sao họ quả quyết như thế? Có những tôn giáo quả quyết đến độ cuồng tín, đến độ họ đã tạo ra được cảm giác chắc chắn. Mà những người rối rắm rất cần sự chắc chắn. Khi gặp một vị Phật, có thể bạn không chú ý lắm vì ngài không quả quyết như thế, vì ngài không tuyên bố huyên hoang. Ngài biết rõ hơn mọi người. Ngài biết là đời sống không thể tóm tắt trong một phát biểu, mà phát biểu nào cũng vặt vãnh. Không phát biểu nào có thể chứa đựng hoàn toàn chân lý, cho nên dựa vào đâu mà quả quyết. Ngài biết tất cả chỉ là tương đối thôi. Đức Phật và Mahavira là hai đạo sư nổi tiếng nhất của Ấn Độ. Các Ngài hiểu rõ luật tương đối. Einstein chỉ mới khám phá ra gần đây thôi. Einstein đã đem thuyết tương đối vào khoa học. Trước đó khoa học rất chắc chắn, chắc chắn một cách cuồng tín, một cách tuyệt đối. Khoa học đã trở nên khiêm nhường hơn, thành thật hơn.9
Đức Phật và Mahavira đã làm như thế ở Ấn Độ. Các Ngài đã đưa tương đối vào tôn giáo khi nói rằng chân lý không thể phát biểu một cách toàn bộ, rằng ta không thể khẳng định một cách tuyệt đối, rằng cùng lắm thì ta chỉ có thể gợi ý. Sự gợi ý ấy phải gián tiếp, không thể trực tiếp được; ta không thể chỉ thẳng một cách trực tiếp được, bởi vì nó quá mênh mông, quá rộng lớn. Cho nên người đã đạt đạo phải do dự là lẽ đương nhiên. Sự do dự đó là bằng chứng của sự cảnh giác cao độ. Những người đần độn thường cuồng tín. Càng đần độn càng cuồng tín. Đó là một trong những điều đáng buồn của nhân loại. Kẻ ngu thì quả quyết, mà người biết lại do dự. Đức Phật cũng do dự. Cho nên nếu muốn hiểu được Ngài, bạn phải tỉnh thức và phải cởi mở để nghe lời của Ngài. Ngài không truyền chân lý cho bạn một cách quy mô. Ngài chỉ hướng dẫn, chỉ gợi ý, và điều đó cũng đã khó lắm rồi. Tôi đã nói rằng Đức Phật là người rất thực tiễn. Chẳng mấy khi Ngài bàn đến những vấn đề siêu hình. Ngài không hề rào trước đón sau mà đi thẳng vào vấn đề, càng đơn giản càng tốt. Đôi khi những lời Ngài nói không có vẻ thâm thuý lắm, nhưng nếu hiểu được thì vô cùng uyên áo. Ngài không hề đánh vào bụi rậm, không hề khoa trương.
Tôi đã nghe rằng:
Nàng vừa mới đôi mươi; chàng là một ngôi sao đang lên trong một công ty nổi tiếng. Ai cũng nghĩ hai người rất xứng đôi. Nhưng ai ngờ vấn đề lại là chuyện chăn gối. Tuần trăng mật chưa bắt đầu mà nàng đã than phiền với bạn bè, "Là một chuyên gia quảng cáo nên đêm đêm anh ấy cứ ngồi cạnh giường mà nói chuyện đó sẽ đẹp như thế nào!"
Nhưng nó chưa hề xảy ra.
Đức Phật chẳng cần phải sửa soạn. Ngài không hề quảng cáo những gì Ngài sắp nói. Ngài nói những gì cần phải nói rồi bàn qua chuyện khác. Ngài nói: Vì bị thôi thúc bởi những ham muốn ích kỷ nên người ta đuổi theo danh vọng và phú quý. Nhưng khi được rồi, họ đã bỏ phí nhiều năm. Nếu say mê danh vọng ở đời mà quên đường đạo, bạn đã đi sai đường, và bạn phí sức một cách vô ích. Chẳng khác gì bạn đốt nhang. Dù thơm đến đâu cũng mặc, nó sẽ bị lửa của chính nó đốt cháy.
Một lời giáo huấn rất đơn giản và thực tế:
Vì bị thôi thúc bởi những ham muốn ích kỷ nên người ta đuổi theo danh vọng và phú quý. Ham muốn ích kỷ là gì? Theo thuật ngữ Phật Giáo, ham muốn ích kỷ là ham muốn của về chính mình. Nhưng theo ngôn ngữ thông thường, ta nói một ham muốn là ích kỷ nếu nó làm hại người khác, và bạn chẳng quan tâm đến người khác. Mặc dù có hại cho người khác, bạn vẫn làm mọi cách để thoả mãn ham muốn đó. Bạn bị nói là ích kỷ nếu bạn chẳng quan tâm đến người khác, bạn chỉ biết chính mình. Nhưng khi Đức Phật nói ham muốn là ích kỷ, ý nghĩa của Ngài khác hẳn. Ngài nói nếu ham muốn dựa vào ý tưởng của linh hồn, đó là ích kỷ. Thí dụ: Nếu bạn cho cả triệu đồng để xây nhà thương, hay cất trường học, hay cho đồ ăn và thuốc men cho người nghèo, không ai nói bạn ích kỷ cả. Đức Phật nói nó ích kỷ - nếu có động cơ của linh hồn. Nếu nghĩ rằng cho nhiều tiền như thế bạn sẽ được công đức và sẽ được phần thưởng trên thiên đường,đó là ham muốn ích kỷ. Nó chẳng làm hại ai cả, mà thật ra, bạn được mọi người ghi ơn. Bạn sẽ được coi là một mạnh thường quân, một người đức hạnh, thánh thiện, đầy lòng từ bi. Nhưng Đức Phật sẽ nói yếu tố duy nhất để phán xét nếu ham muốn đó là ích kỷ hay không là động cơ của nó. Nếu bạn cúng dường mà chẳng có động cơ gì cả thì không ích kỷ. Nếu có động cơ đàng sau, dù bạn ý thức hay không, là bạn sẽ được trọng thưởng ở đời này hay đời sau, đó là ích kỷ. Những gì do tự ngã thúc đẩy đều là ích kỷ. Nếu do cái tôi mà hành động thì ích kỷ. Nếu bạn thiền để được giác ngộ, đó là ham muốn ích kỷ. Đức Phật thường nói với các đệ tử của Ngài: Mỗi khi thiền, sau khi thiền, hãy trả lại những gì mình nhận được, hãy trả lại cho vũ trụ. Nếu cảm thấy phúc lạc, hãy hướng về vũ trụ và đừng giữ lại như một bảo vật. Nếu cảm thấy hạnh phúc, hãy chia sẻ ngay lập tức. Đừng bám lấy nó, nếu không, thiền của bạn chỉ là việc làm của cái tôi. Mục đích tối thượng của thiền là vất bỏ cái ngã, cái tôi - đó là sự biến mất của tự ngã. Đức Phật nói, vì bị thôi thúc bởi những ham muốn ích kỷ nên người ta đuổi theo danh vọng và phú quý. Nhưng khi được rồi, họ đã bỏ phí nhiều năm. Có thể bạn có danh vọng, có tiếng tăm, có thế lực và được mọi người kính nể. Nhưng bạn đang làm gì vậy? Bạn có ý thức việc làm của bạn không? Bạn đã bỏ lỡ cơ hội tốt để chạy theo những cái tuyệt đối vô ích. Bạn đang thu thập rác rưởi, và bạn phí thời giờ và sức lực. Ngài nói, nếu say mê danh vọng ở đời mà quên đường đạo. Ngài gọi đạo của Ngài là "con đường" - pháp. Ngài nói đừng bận tâm về kết quả vì kết quả sẽ tự xảy ra. Bạn chỉ cần theo con đường đã mở ra; thậm chí bạn cũng chẳng cần lý do để tìm đến kết quả, mà sự vui thú khi thiền quán, khi cầu nguyện, khi bố thí cũng đủ rồi. Bạn tu đạo chỉ vì bạn vui thích, chẳng phải vì bạn được công đức gì, và đừng biến nó thành một dịch vụ buôn bán. Thời gian như bóng bạch câu. Mỗi khoảnh khắc đi qua sẽ không bao giờ trở lại. Đức Phật nói: Đừng phí thời giờ vào những chuyện ngu xuẩn. Danh vọng là ngu xuẩn, vô ý nghĩa. Thậm chí nếu cả thế giới biết đến bạn thì cũng chẳng làm bạn giầu thêm. Sao nó có thể làm bạn hạnh phúc được? Sao nó có thể giúp bạn thông minh hơn, tỉnh thức hơn, cảnh giác hơn, sống động hơn? Vì bạn chẳng tu thân, Ngài nói, bạn đã đi sai đường, và bạn phí sức một cách vô ích. Chẳng khác gì bạn đốt nhang. Dù thơm đến đâu cũng mặc, nó sẽ bị lửa của chính nó đốt cháy. Đời sống là thế đấy - mỗi phút đã qua là bị đốt cháy. Bạn luôn luôn nằm trên dàn hỏa thiêu, bởi vì mỗi lúc thần chết càng đến gần, vì mỗi phút bạn càng ít sống động hơn. Cho nên trước khi cơ hội này qua đi,Đức Phật nói, hãy đạt đến trạng thái vô ngã. Thế thì sẽ không có cái chết; sẽ không có đau khổ. Được như thế thì bạn sẽ không cần danh vọng, thế lực, tiếng tăm. Thật ra, càng trống rỗng bên trong, bạn càng chạy theo danh vọng, bởi vì nhờ nó mà bạn lấp đầy được khoảng trống ấy. Càng thiếu thốn bên trong, bạn càng đuổi theo phú quí bấy nhiêu, vì nó giúp bạn quên được sự nghèo túng ấy. Tôi thường thấy rằng mỗi khi người ta thiếu tình yêu, họ sẽ ăn như heo. Mỗi khi gây gỗ với người yêu, mỗi khi không được yêu, hay không thể yêu, họ sẽ ăn cả ngày, chẳng biết ngon miệng hay không. Tại sao vậy? Tại sao họ phải ăn? Vì họ cảm thấy cô đơn, và sự trống trải ấy làm họ sợ. Nếu được hạnh phúc bên trong, bạn sẽ không màng đến danh vọng. Chỉ những người bất hạnh mới tìm đến vinh hoa. Nếu đã biết chính mình là ai, cần gì ai phải biết đến bạn. Nhưng nếu không biết mình là ai, bạn sẽ muốn mọi người biết đến mình. Bạn sẽ thu thập ý kiến của người khác, những gì họ nghĩ về bạn. Và qua những ý kiến đó bạn sẽ có một nét đặc thù: "Phải rồi, đó là tôi. Người ta nói tôi thông minh nên tôi phải thông minh." Bạn không chắc chắn lắm. Mà nếu bạn biết rõ, cần gì phải theo ý kiến của người khác?
Khi nhìn vào mắt người khác, bạn thấy mặt của mình trong đó. Bạn không thấy mặt của mình. Cho nên bạn xin xỏ, "Hãy nói tôi là ai. Hãy nói rằng tôi đẹp, rằng tôi dễ thương, rằng tôi có duyên." Bạn có nhận ra sự xin xỏ của mình không? "Hãy nói về cơ thể của tôi, về tâm trí của tôi, về sự hiểu biết của tôi. Xin hãy cho tôi một vài lời!" Bạn sẽ chộp lấy ý kiến của người khác. Nếu ý kiến không tốt, bạn sẽ tức giận. Người ấy làm hoen ố hình ảnh đẹp của bạn nếu nghĩ xấu về bạn. Nếu ý kiến ấy tốt, người ấy giúp bạn tô điểm thêm cái hình ảnh ấy, và bạn cảm thấy đắc ý hơn nữa. Bạn sẽ sung sướng khi có người vỗ tay. Tại sao? Vì không biết mình là ai nên bạn phải tìm kiếm. Bạn tìm người mà hỏi, "Tôi là ai vậy? Hãy nói cho tôi biết." Theo đó mà bạn dựa vào người khác. Một điều mỉa mai là họ cũng không biết họ là ai. Những tên ăn mày tìm nhau mà xin xỏ. Họ cũng tìm bạn mà xin. Đó là một sự lừa dối hỗ tương. Một ông gặp một bà và nói, "Cô đẹp quá! Có duyên quá!" Và cô ta đáp lại, "Tôi chưa gặp một ngày nào đẹp trai như anh." Đó là sự lừa dối hỗ tương. Họ có thể nói đó là tình yêu, nhưng đó chỉ là sự lừa dối lẫn nhau. Cả hai đều muốn có một đặc tính nào đó, và cả hai thoả mãn lẫn nhau. Mọi sự sẽ tốt đẹp, cho đến khi một trong hai cảm thấy chán ngấy và không muốn chơi trò bịp bợm ấy nữa. Lúc ấy thì tuần trăng mật đã kết thúc... và họ nói đến hôn nhân. Thế rồi cơm không lành, canh không ngọt. Chồng nghĩ, "Tôi ăn phải bùa mê, thuốc lú." Vợ thì nghĩ, "Tôi bị ông ấy lừa." Chẳng ai lừa bạn cả, trừ khi bạn sẵn sàng để bị lừa. Chẳng ai lừa ai cả, nếu họ không sẵn sàng để bị lừa, chờ để bị lừa.
Bạn không thể lừa được người đã biết mình là ai. Người ấy sẽ cười trước ý kiến của bạn. Người ấy sẽ nói, "Đừng phí thời giờ một cách vô ích. Tôi đã biết tôi là ai rồi. Bạn muốn gì thì cứ nói. Xin đừng quan tâm về tôi. Tôi đã biết tôi là ai rồi." Khi nội tâm đã dồi dào, bạn sẽ không chạy theo xa hoa, không đuổi theo quyền lực. Các nhà tâm lý nhận thấy rằng khi con người cảm thấy bất lực, họ đi tìm những biểu tượng của dục vọng để thay thế. Khi cảm thấy bất lực, có người muốn có xe thật đẹp để bù lại sự bất lực đó. Anh ta muốn chiếc xe đẹp nhất trần gian; thế lực của anh ta đã mất, đàn ông tính không còn nên anh ta muốn thay bằng cái khác. Anh ta sẽ cảm thấy khoái chí khi xe phóng như bay, như thể đang trong vòng tay người yêu. Vận tốc cho anh ta sức mạnh. Anh ta sẽ đồng nhất với xe. Các nhà tâm lý đã quan sát hiện tượng đó trong nhiều năm, là những người có mặc cảm tự ti luôn luôn có tham vọng lớn. Thật vậy, chẳng ai lao mình vào chính trị trừ khi người ấy có nhiều mặc cảm tự ti. Chính trị gia nói chung là những người có mặc cảm. Họ muốn chứng minh sự ưu việt của họ, nếu không họ không thể sống với cảm giác thua kém ấy. Điều mà tôi muốn nói đây là những gì không có bên trong, bạn sẽ thu thập những cái bên ngoài để bù lại. Nếu trong nội tâm của bạn không thiếu gì cả, bạn sẽ thư giãn trong phúc lạc của mình. Được như thế bạn mới thấy được vẻ đẹp của mình. Chỉ như thế bạn mới biết mình là ai. Đức Phật nói, "Người đời bám vào những của cải ở đời và những đam mê ích kỷ một cách mù quáng, đến nỗi họ đã hy sinh cả đời vì chúng. Họ chẳng khác những đứa trẻ cố liếm những giọt mật đang dính trên lưỡi dao. Những giọt ấy không thể thoả mãn chúng, nhưng lưỡi của chúng có thể bị dao cắt." Ham muốn của bạn không thể thoả mãn được ở đời này. Đó là thế giới của mộng tưỏng. Không gì có thể thoả mãn được, bởi vì chỉ có cái thực mới thoả mãn được. Bạn không thấy vậy sao? Khi ngủ mơ, bạn mở tủ lạnh mà ăn no nê. Dĩ nhiên, cái hay của nó là nó không làm xáo trộn giấc ngủ của bạn, nếu không, bụng đói sẽ không để bạn ngủ yên. Giấc mơ bù lại bạn cái bạn không có và giúp bạn ngủ được. Bạn cảm thấy, "Ta đã no bụng rồi." Bạn đã lừa cơ thể của mình. Giấc mơ là tên lừa gạt. Khi tỉnh dậy bạn vẫn thấy đói bụng, bởi vì yến tiệc trong khi ngủ khác nào nhịn ăn. Yến tiệc và nhịn ăn cũng là một trong mơ, bởi vì mơ không có thực. Nó không thể giúp bạn thoả mãn được. Muốn hết khát phải có nước thật sự. Chỉ những cái hiện thực mới thoả mãn bạn được mà thôi. Đức Phật nói bạn luôn luôn tạo cơ hội để làm tổn thương chính mình, nhưng bạn không thể được toại nguyện ở đời này. Có thể đôi lúc bạn nếm được vài giọt mật - ngọt, nhưng nguy hiểm và không hết thèm. Mà những giọt mật ong ấy lại được thoa trên lưỡi dao; rất có thể lưỡi bạn sẽ bị dao cắt đứt. Hãy nhìn những người đã có tuổi: Bạn sẽ thấy họ đầy thương tích; bản thể của họ chỉ có thương tích và lở loét. Khi một người chết, bạn không thấy một nụ cười trong bản thể, mà chỉ thấy những thương tích đã thối tha. Nếu một người đã sống và không bị gạt gẫm bởi mộng mơ và những ham muốn giả tạo, sống càng lâu người ấy càng trở nên hồn nhiên. Khi chết người ấy còn đẹp hơn nữa. Đôi khi bạn gặp một người già mà trong tuổi già còn đẹp hơn khi còn trẻ nữa. Hãy cúi chào người ấy - người ấy đã sống một cách chân thực, một đời sống nội tâm tràn đầy. Bởi vì nếu sống một cách chân thực, càng ngày bạn càng trở nên lộng lẫy, và sự sáng ngời sẽ đến với bạn với đầy ân sủng. Một hào quang sẽ xuất hiện chung quanh bạn, và bạn trở thành đền thờ của cái tối thượng, cái vĩnh hằng. Lý và sự phải vậy vì đời sống là một sự tiến hoá. Nếu bạn không còn trẻ và trở nên xấu xa,đó là bằng chứng bạn đã liếm mật trên nhiều lưỡi dao - bạn đã bị thương nhiều lần. Tuổi già trở thành một sự thống khổ lê thê, và mấy người được nhắm mắt một cách an lành, bởi vì ít khi người ta thực sự sống. Nếu một người sống một cách thực sự - như thể ngọn nến cháy từ hai đầu - cái chết của người ấy sẽ là một hiện tượng vĩ đại, một cái đẹp tuyệt trần. Bạn sẽ thấy sự sống của người ấy rực sáng nhất khi chết. Lúc lâm chung người ấy trở thành một ngọn lửa cực mạnh. Toàn thể tinh anh của người ấy tập trung lại trong khoảnh khắc ấy; một nguồn sáng phát khởi từ bản thể của người ấy. Trước khi vĩnh viễn ra đi, người ấy sẽ ghi dấu lại cho đời. Điều đó đã xảy ra khi Đức Phật nhập niết bàn. Điều đó cũng xảy ra với Mahavira khi Ngài lìa đời. Chúng ta không thể quên họ, không phải vì họ có quyền thế, họ chẳng là ai cả, nhưng chúng ta không thể quên họ được. Nói về lịch sử, họ chẳng làm gì cả. Gần như chúng ta có thể loại bỏ họ ra ngoài lịch sử, chúng ta có thể gạch tên họ ra khỏi lịch sử mà chẳng có gì mất mát cả. Thật vậy, họ không hề hiện hữu đối với lịch sử thành văn; họ đứng bên lề lịch sử, nhưng chúng ta không thể quên họ được. Khoảnh khắc sau cùng họ đã để lại một huy hoàng cho nhân loại. Sự rực sáng sau cùng của họ đã cho chúng ta thấy những khả năng vô hạn của chúng ta.
Thấy Và Tin
Đức Phật lặp đi lặp lại cho các đệ tử của Ngài, "lhi passiko: hãy đến và xem." Họ là những người có đầu óc khoa học. Phật Giáo là tôn giáo hợp khoa học nhất trên thế gian này. Cho nên Phật Giáo càng ngày càng được nhiều người tin theo. Khi nhân loại trở nên thông minh hơn, Đức Phật sẽ trở nên quan trọng hơn nữa. Nhất định phải vậy. Khi nhiều người biết về khoa học Ngài sẽ trở nên hấp dẫn đối với họ hơn, bởi vì Ngài hợp với những tâm hồn khoa học. Ngài thường nói, "Những gì ta nói có thể thực hành được, và ta không nói, 'Hãy tin như thế,' mà ta nói, 'Hãy thí nghiệm điều ta nói, hãy kinh nghiệm chứ đừng tin.' Ngoài ra chẳng có gì để phải tin cả."
6 Charles Darwin với thuyết tiến hoá là một thí dụ khác. Darwin cho rằng chẳng có Thượng Đế, mà chỉ có sự lựa chọn tự nhiên (natural selection), và chỉ giống nào thích hợp nhất mới tồn tại được. Darwin, Marx, Freud và Nietszche là bốn người được coi là đã mở đường cho trường phái Hiện Đại (Modernism), đôi khi cũng được coi là Cơ Cấu Luận (Structuralism). Nietszche không đưa ra một lý thuyết thay cho ThượngĐế, nhưng đã chứng minh rằng Thượng Đế, chân lý là những ý tưởng bất kỳ và thay đổi tùy theo thời, tùy địa phương. (Louis Markos, From Plato to Post Modernism, The Teaching Company). Người được coi là tổ sư của phái Hiện Đại là Ferdinand de Saussure, nhà ngữ học Thụy Sĩ. Ông ta coi ngôn ngữ là một hệ thống mà mỗi thành phần đều có liên hệ hỗ tương với nhau. Ông ta gọi những từ trong một ngôn ngữ là những ký hiệu, và mỗi ký hiệu có hai phần là 1) âm thanh, 2) ý nghĩa hay khái niệm. Saussure gọi âm thanh là Signifier (cái ra dấu), và khái niệm là Signified (cái được ra dấu).
7 Jaques Derida là tổ sư của trường phái triết học Deconstruction. Derida cho rằng toàn bộ Siêu Hình Học tây phương, từ Plato đến nay, chỉ là một cố gắng vô vọng để đi tìm một lý tính (Logos), gọi là Transcendental Signified (ý nghĩa siêu việt), để có thể giải đáp được mọi thắc mắc của con người. Nhưng Derida cho rằng mỗi khi tìm đến một Signified, ta lại khám phá ra rằng nó lại là một Signifier khác và chỉ về một Signified khác, và nếu theo dấu của nó để tìm về Signified ấy, nó lại là một Signifer khác. Cho nên ý nghĩa đó luôn luôn bị trì hoãn (always already differed), nghĩa là không thể có thể một giải đáp tối hậu nào. (xem Louis Markos, Jim Powell, Deconstruction for Beginner, Glenn ward, Teach yourself Post-Modernism). (VS)
8 ý nghĩa của câu chuyện là thế này. Tín đồ Cơ Đốc Giáo tin rằng Chúa đã chết và đã sống lại sau ba ngày. Ý của vị này là ông ta cũng có quyền phép như Chúa vậy. (VS)
9 Vật lý học cổ điển nói nếu biết được điều kiện ban đầu, ta có thể biết được trạng thái của vũ trụ tại bất cứ thời điểm nào. Nguyên tắc bất định của Heisenberg nói rằng ta không thể biết được cùng một lúc cả vị trí lẫn vận tốc của một hạt điện; nếu biết được vận tốc thì không biết được vị trí, và ngược lại, nếu biết vị trí thì không biết được vận tốc của nó. Thế thì hiện tại cũng không biết được, nói chi đâu xa. (VS)