Chương 19. Phật Zorba - Hữu Thể Người Toàn Bộ

Chương 19. Phật Zorba - Hữu Thể Người Toàn Bộ

Price:

Read more

Thiền Osho by Vô Ngã

Sách Osho

(Đọc hoặc download miễn phí hàng trăm quyển sách của Osho tại đây)

Osho Tự Truyện

(Cuộc Đời Luận Sư Osho)

Chương 19. Phật Zorba - Hữu Thể Người Toàn Bộ







Nghe hoặc Tải MP3 'Osho Tự Truyện' ê


Hãy nhìn đời bằng ánh mắt đùa vui – rồi bạn có thể có cả hai thế giới một lượt. Bạn vừa có cái bánh cake, lại vừa ăn nó. Và đó là một nghệ thuật thực thụ! Thế giới này và thế giới kia, âm thanh và sự im lặng, tình yêu và thiền định, có mặt với mọi người, ở trong tương quan, và ở một mình. Tất cả những điều này phải được sống cùng nhau trong một loại đồng thời; chỉ lúc đó, bạn mới sẽ biết cái chiều sâu nhất của bản thể bạn và chiều cao tận cùng của bản thể bạn.

Một người luật sư đi tới bờ mép của cái hầm mỏ, nơi mà một tốp thợ đang làm việc và gọi tên của Timothy O' Toole.

"Ai đang cần gặp tôi?" một giọng nói ồ ồ dò hỏi.

"Ông Toole ạ," người luật sư hỏi, "có phải ông đến từ Castlebar, quận Mayo?"

"Đúng vậy."

"Và mẹ ông tên là Bridget và cha ông, Michael?"

"Đúng."

"Vậy thì nhiệm vụ của tôi," người luật sư nói, "là thông báo cho ông, O' Toole ạ,  rằng bà cô Mary của ông đã mất tại Iowa, để lại cho ông một bất động sản trị giá hai trăm ngàn Mỹ kim."

Có một khoảng im lặng ngắn bên dưới, và rồi một sự rung chuyển náo loạn.

"Ông đến chưa vậy, hả ông O' Toole ?" người luật sư gọi xuống.

"Đợi một phút," một giọng trả lời rống lên. "Tôi vừa mới ngừng lại để cho đo ván gã đốc công."

Chỉ cần sáu tháng ăn chơi phóng đãng, cũng đủ để O' Toole xài hết hai trăm ngàn Mỹ kim. Nỗ lực chủ yếu của anh ta là, thỏa mãn một cơn khát to lớn, cơn khát thừa kế. Rồi anh ta trở lại công việc của mình. Và ở đó, chẳng bao lâu sau, người luật sư lại tìm kiếm anh ta.

"Lần này là Bác Patric của ông, O' Toole ạ," người luật sư giải thích. "Ông ta đã chết tại Texas và để lại cho ông bốn trăm ngàn Mỹ kim."

O' Toole tựa một cách nặng nề lên cái cuốc chim của anh ta và lắc đầu một cách chán nản.

"Tôi không nghĩ rằng tôi có thể nhận nó," anh ta tuyên bố. "Tôi không còn khỏe như trước đây, và tôi không tin rằng tôi có thể xài hết món tiền ấy mà vẫn còn sống."

Đó là cái đã xảy ra tại phương Tây. Con người tại phương Tây đã thành công trong việc đạt tới tất cả cái sự giàu có mà toàn nhân loại đã từng khao khát qua nhiều nhiều thời đại. Phương Tây đã thành công về mặt vật chất, đã trở nên giàu có và bây giờ nó đang quá chán chường, quá mệt mỏi. Cuộc hành trình đã tước mất toàn bộ linh hồn nó. Cuộc hành trình đã "kết thúc" con người phương Tây. Bề ngoài, mọi thứ đều có thể đạt được, nhưng sự tiếp xúc với cái bên trong bị đánh mất. Bây giờ mọi thứ mà con người cần đều có thể đạt được, nhưng chính con người thì không còn ở đó. Những vật sở hữu thì ở đó, nhưng con người không đang cảm thấy giàu có chút nào; trái lại, con người đang cảm thấy bị bần cùng hóa, rất nghèo nàn.

Hãy nghĩ về sự nghịch lý này: Khi bạn giàu có bên ngoài, thì chỉ lúc đó bạn mới trở nên nhận biết về sự nghèo nàn bên trong – qua sự tương phản. Khi bạn nghèo bên ngoài, bạn không bao giờ trở nên nhận biết về sự nghèo nàn bên trong, bởi vì không có sự tương phản nào. Bạn viết với phấn trắng trên bảng đen, không phải trên tấm bảng trắng. Tại sao? Bởi vì chỉ trên bảng đen nó mới hiện ra rõ ràng. Sự tương phản được cần đến.

Khi bạn giàu có bên ngoài, thì bỗng nhiên một sự nhận biết sâu sắc xảy ra, rằng: "Bên trong tôi nghèo, tôi là một kẻ ăn xin." Và bây giờ, một trạng thái vô hy vọng đến như một cái bóng: "Mọi cái mà chúng ta nghĩ về đều đã được đạt tới – mọi tưởng tượng và "mơ tưởng" đều được thực hiện – và không có gì xảy ra từ nó, không có sự hài lòng, không có phúc lạc nào cả."

Phương Tây hoang mang. Từ sự hoang mang này, một ước vọng lớn khởi lên: làm thế nào để một lần nữa tiếp xúc với bản ngã của mình.

Thiền định không là gì khác hơn ngoài việc cắm rễ một lần nữa vào trong đời sống nội tâm, vào trong tính nội tại của bạn. Do vậy, phương Tây đang trở nên rất quan tâm đến thiền định và rất quan tâm đến những kho báu của phương Đông.

Phương Đông cũng quan tâm đến thiền định khi phương Đông giàu có; điều này phải được hiểu. Đó là lý do tại sao tôi không chống lại của cải và tôi không nghĩ rằng sự nghèo nàn có một chút tính tâm linh nào trong nó. Tôi hoàn toàn chống lại sự nghèo nàn, bởi vì bất cứ khi nào một đất nước trở nên nghèo, nó đánh mất tất cả thiền định, tất cả những nỗ lực tâm linh. Bất cứ khi nào một đất nước trở nên nghèo bên ngoài, nó không thể nhận biết về sự nghèo nàn bên trong.

Đó là lý do tại sao trên những khuôn mặt Ấn Độ, bạn có thể thấy một loại mãn nguyện mà không được tìm thấy tại phương Tây. Nó không phải là sự mãn nguyện thực thụ; nó chỉ là trạng thái bất thức về sự nghèo nàn nội tâm. Những người Ấn Độ nghĩ, "Hãy nhìn vào sự lo âu, sự thống khổ, và sự căng thẳng trên những khuôn mặt phương Tây. Mặc dù chúng ta nghèo, chúng ta rất mãn nguyện bên trong." Đó là sự ngây ngô, vớ vẩn cực kỳ; thực ra, họ không mãn nguyện. Tôi đã từng quan sát hằng ngàn người – họ không mãn nguyện. Một điều chắc chắn đúng, là họ không nhận biết về sự bất mãn, bởi vì để nhận biết sự bất mãn, thì phải cần đến sự giàu có bên ngoài. Không có sự giàu có bên ngoài, thì không ai trở nên nhận biết sự bất mãn bên trong của họ – và có thừa những chứng cớ về điều đó.

Tất cả những avatar của những người Hindu đều là vua hay là con trai của vua. Tất cả những tirtankara của đạo Jaina, những đạo sư Jaina, đều là vua; Đức Phật cũng vậy. Tất cả ba truyền thống lớn của Ấn Độ đã cung cấp đầy đủ chứng cứ. Tại sao Đức Phật trở nên bất mãn, tại sao Ngài bắt đầu một cuộc tìm kiếm thiền định? Bởi vì Ngài giàu có. Ngài sống trong xa hoa; Ngài sống với tất cả mọi tiện nghi vật chất. Bỗng nhiên Ngài trở nên nhận biết. Và Ngài còn khá trẻ khi nó xảy ra; Ngài chỉ mới 29 tuổi khi Ngài trở nên nhận biết rằng có một lỗ hổng đen bên trong. Ánh sáng ở bên ngoài; do vậy, nó cho thấy bóng tối bên trong của bạn. Chỉ một chút bẩn trên một sơ mi trắng, và nó hiện rõ. Đó là cái đã xảy ra. Ngài trốn thoát khỏi cung điện.

Đó là cái đã xảy ra cho Mahavira; Ngài cũng trốn khỏi một cung điện. Nó không đang xảy ra cho một kẻ hành khất. Cũng có những kẻ hành khất trong thời của Đức Phật. Thật ra, theo truyền thuyết, Đức Phật từ bỏ thế gian khi Ngài thấy một kẻ hành khất lần đầu tiên, và một ông già, một tử thi, và mộtsannyasin. Những người ăn xin có mặt ở đó.

Đức Phật, thái tử Siddartha, sắp tham dự vào một lễ hội dành cho giới trẻ, chàng phải khánh thành nó. Từ chiếc kim xa của mình, chàng thấy một kẻ hành khất – lần đầu tiên, bởi vì phụ vương chàng đã xoay xở suốt đời ông, sao cho Thái tử sẽ không bao giờ thấy một kẻ hành khất, hay một người bệnh, hay một người chết. Bởi vì khi Ngài đản sanh, những nhà chiêm tinh đã nói với vua cha: "Nếu thái tử thấy những người này, ngay lập tức thái tử sẽ từ bỏ thế gian, cho nên, đừng cho phép thái tử thấy họ." Do vậy, bất cứ nơi nào Thái tử thường đi tới, những kẻ hành khất được di chuyển đi nơi khác. Những người già sẽ bị di chuyển, hay bị buộc phải ở trong nhà họ, không được ra ngoài. Ngay trong khu vườn của Thái tử, không chiếc lá chết nào được cho phép. Mọi lá chết đều được thu dọn trong đêm, do vậy, vào buổi sáng khi Thái tử đi ra vườn, chàng chỉ có thể thấy sự trẻ trung, những chiếc lá non, những bông hoa mơn mởn. Chàng chưa bao giờ thấy một bông hoa héo tàn.

Khi chàng thấy một kẻ hành khất lần đầu tiên… Và câu chuyện ngụ ngôn này thật đẹp; nó nói rằng, chư thiên trở nên lo lắng; "Vua cha đang quá thành công. 29 năm đã trôi qua và Thái tử có năng lực trở nên một trong những kẻ chứng ngộ nhất trên thế gian." Chư thiên trở nên lo lắng: "Phụ vương chàng xoay xở quá thành công, đến mức có thể chàng sẽ không bao giờ gặp một kẻ hành khất hay một người già; chàng có thể bỏ lỡ." Do vậy, một vị thần hóa thành một kẻ hành khất, một vị  khác, một ông già, một vị  khác, một người chết, và một vị khác, một sannyasin.

Do vậy, trong thời của Đức Phật, những người hành khất có mặt ở đó – nhưng họ không từ bỏ thế gian. Họ không có gì để từ bỏ; họ mãn nguyện. Nhưng Thái tử Siddharta trở nên bất mãn.

Xưa kia, khi Ấn Độ giàu có, nhiều người quan tâm đến thiền định; thật vậy, tất cả mọi người đều quan tâm đến thiền định. Chẳng sớm thì muộn, họ buộc phải bắt đầu nghĩ về mặt trăng, về cái "bên kia", về cái bên trong. Bây giờ đất nước nghèo, quá nghèo đến mức không có sự tương phản nào giữa cái bên trong và cái bên ngoài. Cái bên trong nghèo, cái bên ngoài cũng nghèo. Cái bên trong và cái bên ngoài ở trong sự hòa điệu hoàn hảo – cả hai đều nghèo! Đó là lý do tại sao bạn thấy một loại mãn nguyện trên khuôn mặt người Ấn, đó không phải là sự mãn nguyện thực thụ. Và do vậy, người ta đã trở nên quen với việc nghĩ rằng sự nghèo nàn có cái gì tâm linh trong nó.

Sự nghèo nàn được thờ phụng tại Ấn Độ. Đó là một trong những lý do tại sao tôi bị kết án một cách liên tục, bởi vì tôi không ủng hộ bất cứ sự nghèo nàn nào. Sự nghèo nàn không phải là tính tâm linh, sự nghèo nàn là nguyên nhân gây ra sự biến mất của tính tâm linh.

Tôi muốn toàn thế giới trở nên giàu có càng nhiều càng tốt. Người ta càng giàu có, họ càng trở nên tâm linh. Họ sẽ phải trở nên tâm linh, họ sẽ không thể tránh nó. Và chỉ khi đó sự mãn nguyện thực thụ mới có thể khởi lên.

Khi bạn có thể tạo ra sự giàu có bên trong, thì sự hòa điệu lại xuất hiện – sự giàu có bên ngoài gặp sự giàu có bên trong – rồi, có sự mãn nguyện thực thụ. Khi sự nghèo nàn bên ngoài gặp sự nghèo nàn bên trong, thì có sự mãn nguyện giả dối. Sự hòa điệu là khả dĩ trong hai cách này. Cái bên ngoài và cái bên trong hòa điệu, và người ta cảm thấy mãn nguyện. Ấn Độ có vẻ mãn nguyện bởi vì có sự nghèo nàn ở hai phía của hàng rào. Có sự hòa điệu hoàn hảo, cái bên trong hòa điệu với cái bên ngoài; nhưng đây là sự mãn nguyện xấu xa, nó thực sự thiếu sự sống, thiếu sinh khí. Đây là một loại mãn nguyện nhạt phèo, chán ngắt.

Phương Tây bị buộc phải trở nên quan tâm đến thiền định, không có cách nào để tránh nó. Đó là lý do tại sao Kytô giáo đang đánh mất ảnh hưởng của nó trên tâm trí phương Tây, bởi vì Kytô giáo chưa phát triển khoa học thiền định trên bất cứ phương diện nào. Nó vẫn còn là một tôn giáo rất tầm thường; Do Thái giáo cũng vậy.

Phương Tây nghèo nàn khi những tôn giáo này được sinh ra, đó là lý do. Cho tới lúc đó, phương Tây đã sống trong nghèo nàn. Khi phương Đông giàu có, thì phương Tây nghèo nàn. Do Thái giáo, Kytô giáo, và Hồi giáo – tất cả ba tôn giáo phi Ấn Độ này, đều được sinh ra trong sự nghèo nàn. Chúng không thể phát triển những kỹ thuật thiền định, không có nhu cầu. Chúng vẫn còn là những tôn giáo của người nghèo.

Bây giờ phương Tây đã trở nên giàu và có một chênh lệch, cách biệt.

Những tôn giáo phương Tây đều được sinh ra trong sự nghèo khó; chúng không có gì để tặng cho những người giàu. Đối với những người giàu, chúng nom có vẻ trẻ con, chúng không mang lại thỏa mãn. Chúng không thể làm thỏa mãn. Những tôn giáo phương Đông được sinh ra trong sự giàu có; đó là lý do tại sao tâm trí phương Tây đang trở nên ngày càng quan tâm đến những tôn giáo phương Đông. Vâng, tôn giáo của Đức Phật đang có ảnh hưởng lớn; Zen đang lan tràn như lửa cháy rừng. Tại sao? Nó được sinh ra từ sự giàu có.


Có một sự tương đồng to lớn giữa tâm lý học phương Tây của con người hiện đại và tâm lý học của Phật giáo. Phương Tây ở trong trạng thái tương tự như Đức Phật khi Ngài trở nên quan tâm đến thiền định. Đó là cuộc tìm kiếm của một người giàu. Và cũng là trường hợp của Ấn Độ giáo, cũng là trường hợp của Jaina giáo. Ba tôn giáo lớn này của Ấn Độ đều được sinh ra từ sự giàu có; do vậy, phương Tây nhất thiết phải bị hấp dẫn bởi những tôn giáo phương Đông này.

OSHO





Phương Đông đang mất liên hệ với những tôn giáo của chính mình. Ấn Độ không thể nào hiểu được Đức Phật – nó là một đất nước nghèo. Thực ra, những người Ấn nghèo đang cải đạo sang Kytô giáo. Những người Mỹ giàu đang cải đạo sang Phật giáo, Ấn Độ giáo, Vedanta – và những người "tiện dân", những người nghèo nhất của Ấn Độ, đang trở thành những người Kytô. Bạn có thấy cái điểm then chốt này không? Những tôn giáo này có một hấp dẫn nào đó đối với người nghèo. Nhưng chúng không có tương lai nào cả, bởi vì không sớm thì muộn, toàn thế giới sẽ trở nên giàu có.

Tôi không ca ngợi sự nghèo nàn, tôi không kính trọng sự nghèo nàn. Con người phải được hưởng cả hai loại giàu có. Tại sao không cả hai? Khoa học đã phát triển kỹ thuật làm cho bạn giàu có bên trong: đó là Yoga, Mật tông, Lão giáo, đạo Sufi, đạo Hassidi – có những kỹ thuật về cái bên trong.

Sau đây là một câu chuyện:

Nhân vật trung tâm của câu chuyện này là một trong những người chấp nhận mọi sự xảy ra như là sự biểu hiện của quyền lực thiêng liêng.

Ông ta nói, việc tra vấn những hành động của "thiên ý" không phải là việc của ông.

Suốt đời mình, ông gặp toàn bất hạnh, nhưng ông chưa một lần than van. Ông kết hôn, và vợ ông chạy theo người làm mướn. Ông có một con gái, và đứa con gái bị một tên vô lại lường gạt. Ông có một đứa con trai, và nó bị hành hình. Một trận hỏa hoạn thiêu cháy vựa lúa của ông, một trận cuồng phong thổi bay ngôi nhà của ông, một trận bão tuyết hủy hoại mùa màng của ông, và người chủ ngân hàng tịch biên mọi tài sản cầm cố của ông, lấy đi nông trại của ông. Thế nhưng, cứ mỗi cú đánh của bất hạnh, ông quỳ xuống và tạ ơn "Thượng đế Toàn Năng về lòng xót thương vô hạn của Ngài."

Sau một thời gian, không đồng xu dính túi, nhưng vẫn tuân phục những "sắc lệnh" từ trên cao, ông vào tá túc trong một trại tế bần vùng quê. Một hôm người giám thị phái ông ra ngoài để cày một cánh đồng khoai tây. Một cơn bão sấm nổi lên, nhưng khi nó đi ngang qua ông, thì, không báo trước, một lưỡi sét bổ xuống từ bầu trời. Nó làm chảy cái lưỡi cày, lột hết quần áo của ông, làm râu ông cháy xém, và khắc vào tấm lưng trần của ông với những chữ đầu tên của một người chăn bò vùng lân cận, và ném ông băng qua một hàng rào kẽm gai.

Ông tự mình khẳng định:

"Lạy Chúa," ông nói, "điều này đang trở nên hoàn toàn lố bịch!"

Đây là tình huống của phương Đông: "Điều này đang đi tới chỗ hoàn toàn lố bịch!" Nhưng phương Đông vẫn tiếp tục cám ơn Thượng đế, tiếp tục cảm thấy biết ơn. Không có gì để cảm thấy biết ơn nữa! Phương Đông đang cực kỳ nghèo nàn, bệnh hoạn, đói khát; không có gì để biết ơn. Nhưng phương Đông đã quên cái cách để đòi hỏi quyền lợi của mình, phương Đông đã quên cái cách để làm bất cứ cái gì để cải thiện tình trạng của nó.

Do vậy, phương Đông không thể thiền định. Phương Đông hầu như đang sống trong một loại "vô ý thức". Nó quá đói để mà thiền định, quá nghèo để mà cầu nguyện. Mối quan tâm duy nhất của nó là bánh mì, chỗ ở, y phục; cho nên, khi nhà truyền giáo Kytô đến và mở một bệnh viện hay một trường học, thì những người Ấn Độ rất cảm kích – đây là "tính tâm linh." Khi tôi khởi sự dạy về thiền định, họ không quan tâm – không những không quan tâm, mà họ còn chống lại nó: "Đây là loại tâm linh tính gì thế?" Và tôi hiểu – họ cần bánh mì, họ cần chỗ ở, họ cần y phục. Nhưng họ đang khổ bởi vì tâm trí họ. Một mặt, họ cần bánh mì, chỗ ở, y phục, những ngôi nhà tốt hơn, đường sá tốt hơn; và mặt khác, họ tiếp tục thờ phụng sự nghèo nàn. Họ ở trong cái tình trạng "một cổ hai tròng."

Phương Đông chưa thể thiền định. Trước hết, nó cần khoa học kỹ thuật để làm cho nó khá hơn một chút về vật chất. Y như phương Tây cần kỹ thuật về tôn giáo, phương Đông cần kỹ thuật về khoa học.

Và tôi hoàn toàn ủng hộ một thế giới, nơi mà phương Tây có thể thỏa mãn những nhu cầu của phương Đông, và phương Đông có thể thỏa mãn những nhu cầu của phương Tây. Phương Đông và phương Tây đã sống tách biệt khá lâu; không còn cần như vậy nữa. Phương Đông không còn nên là phương Đông, và phương Tây không còn nên là phương Tây nữa. Chúng ta đã đi tới cái khoảnh khắc "sinh tử" khi mà mà toàn bộ trái đất có thể trở thành một – nên trở thành một – bởi vì nó chỉ có thể sống sót nếu nó trở thành một.

Những tháng ngày khi mà thế giới phân chia ra thành những dân tộc đã qua, những ngày của sự phân chia đã qua, những ngày của những nhà chính trị đã qua. Chúng ta đang di chuyển trong một thế giới hết sức mới, một giai đoạn mới của nhân loại – trong cái giai đoạn mới này, chỉ có một thế giới độc nhất, chỉ có một nhân loại độc nhất. Và rồi, sẽ có một sự phóng thích năng lượng cực kỳ lớn.

Phương Đông có những kho báu, những kỹ thuật tôn giáo, và phương Tây có những kho báu, những kỹ thuật khoa học. Và nếu chúng có thể gặp gỡ, thì chính thế giới này sẽ có thể trở thành một thiên đường. Bây giờ không cần cầu xin một thế giới khác; chúng ta có khả năng tạo ra thiên đường trên trái đất này, lần đầu tiên. Và nếu chúng ta không tạo ra nó, thì ngoài chúng ta, không ai khác chịu trách nhiệm.

Tôi ủng hộ một thế giới độc nhất, một nhân loại độc nhất, và cuối cùng, một khoa học độc nhất mà sẽ chăm sóc cái bên ngoài và cái bên trong, cả hai.

Đó là cái mà tôi đang cố làm ở đây. Nó là một cuộc gặp gỡ giữa Đông và Tây; nó là cái tử cung nơi mà một nhân loại mới có thể được thai nghén, được sinh ra đời.

Đây là những "đối cực" trong cuộc sống, thiền định và tình yêu – đây là cái "đối cực" tối hậu.

Cái toàn bộ của cuộc sống gồm có những đối cực: cái tích cực và cái tiêu cực, sự ra đời và sự chết, đàn ông và đàn bà, ngày và đêm, mùa hạ và mùa đông. Cái toàn bộ của cuộc sống bao gồm  những đối cực. Nhưng những đối cực đó không chỉ là những đối cực, chúng còn là những cái bổ sung cho nhau. Chúng đang giúp nhau, chúng đang hỗ trợ nhau.

Chúng giống như những viên gạch của một cổng vòm cung. Trong một vòm cung, những viên gạch phải được sắp xếp dựa vào nhau. Chúng nom có vẻ chống lại nhau, nhưng nhờ đối nghịch với nhau mà cái vòm cung được xây lên, đứng vững được. Sức mạnh của cái vòm cung tùy thuộc vào cái đối cực của những viên gạch được xếp đối nghịch nhau.

Đây là cái đối cực tối hậu: thiền định có nghĩa là nghệ thuật ở một mình, và tình yêu có nghĩa là nghệ thuật ở cùng nhau. Con người toàn bộ là người có khả năng di chuyển từ cái này sang cái kia càng dễ dàng càng tốt. Nó hệt như việc thở vào và thở ra – không có khó khăn nào. Chúng đối nghịch nhau – khi bạn thở vào có một tiến trình, và khi bạn thở ra, cái tiến trình thì ngược lại. Nhưng việc thở vào và thở ra làm thành một hơi thở hoàn chỉnh.

Trong thiền định, bạn thở vào, trong tình yêu bạn thở ra. Và với tình yêu và thiền định cùng nhau, hơi thở của bạn là hoàn chỉnh, trọn vẹn, toàn bộ.

Trong nhiều thế kỷ, những tôn giáo đã cố đạt tới một cực, loại trừ cực kia. Có những tôn giáo của thiền định, thí dụ, Jaina giáo, Phật giáo – chúng là những tôn giáo thiền định, chúng có gốc rễ trong thiền định. Và có những tôn giáo bhakti, những tôn giáo của sùng kính: đạo Sufi, Hassidi – chúng có gốc rễ trong tình yêu. Một tôn giáo có gốc rễ trong tình yêu cần Thượng đế như là "tha thể" để yêu, để cầu nguyện. Không có một Thượng Đế, một tôn giáo của tình yêu không thể tồn tại, nó là không thể quan niệm được – bạn cần một đối tượng của tình yêu. Nhưng một tôn giáo của thiền định thì có thể tồn tại mà không có khái niệm về Thượng đế; cái giả thiết đó có thể được bỏ đi. Do vậy, Phật giáo và Jaina giáo không tin vào bất cứ Thượng đế nào. Không cần một "tha thể". Bạn chỉ cần biết cách ở một mình, biết cách im lặng, tĩnh lặng, hoàn toàn bình thản, và lặng lẽ bên trong chính bạn. "Tha thể" phải hoàn toàn được bỏ đi, quên đi. Do vậy, đây là những tôn giáo không Thượng đế.

Khi lần đầu tiên những nhà thần học phương Tây tình cờ gặp Phật giáo và Jaina giáo, họ hết sức thắc mắc: làm thế nào gọi những triết học phi Thượng đế này là những tôn giáo? Chúng có thể được gọi là những triết học, nhưng làm sao gọi chúng là tôn giáo được? Thật khó quan niệm được với họ, bởi vì truyền thống Do Thái giáo và Kytô giáo nghĩ rằng muốn có tính tôn giáo, thì Thượng đế là giả thiết cốt yếu nhất. Con người tôn giáo là người "sợ-Thượng đế" và những người này nói rằng không có Thượng đế, do vậy, không có vấn đề sợ Thượng đế.

Tại phương Tây, trong hằng ngàn năm, người ta vẫn nghĩ rằng, người nào không tin vào Thượng đế, là một kẻ vô thần, y không phải là một người tôn giáo. Nhưng Đức Phật thì vô thần và tôn giáo. Điều đó rất kỳ lạ đối với những người phương Tây, bởi vì họ không hề nhận biết rằng, có những tôn giáo có gốc rễ trong thiền định.

Và điều tương tự cũng đúng về những người theo Phật và Mahavira. Họ cười nhạo sự ngu xuẩn của những tôn giáo khác vốn tin vào Thượng đế, bởi vì toàn bộ ý tưởng đó là phi lý. Nó chỉ là sự hão huyền, tưởng tượng, không có gì khác; nó là một sự phóng chiếu. Nhưng đối với tôi, cả hai đều cùng đúng.

Sự hiểu biết của tôi thì không có gốc rễ trong một cực; sự hiểu biết của tôi thì lỏng, uyển chuyển. Tôi đã nếm chân lý từ cả hai phía: tôi đã yêu một cách toàn bộ và tôi đã thiền định một cách toàn bộ. Và đây là kinh nghiệm của tôi: rằng một người chỉ toàn bộ khi y đã biết cả hai. Nếu không thế, y vẫn còn một nửa, một cái gì đó còn thiếu bên trong y.

Đức Phật là một nửa – Jesus cũng vậy. Jesus biết tình yêu là gì, Phật biết thiền định là gì, nhưng nếu họ gặp nhau, họ sẽ không thể nào truyền thông với nhau. Họ sẽ không hiểu ngôn ngữ của nhau. Jesus sẽ nói về vương quốc của Thượng đế, và Đức Phật sẽ bắt đầu cười: "Bạn đang nói về cái vớ vẩn gì thế? Vương quốc của Thượng đế?" Đức Phật sẽ chỉ nói, "Sự chấm dứt của cái tôi, sự biến mất của cái tôi." Và Jesus sẽ nói, "Sự biến mất của cái tôi? Sự chấm dứt của cái tôi? Cái đó là tự vẫn, sự tự vẫn tối hậu. Đây là loại tôn giáo gì vậy? Hãy nói về cái tôi tối cao!"

Họ sẽ không hiểu những lời nói của nhau. Nếu họ từng gặp nhau, họ sẽ cần một người giống như tôi để thông dịch; nếu không thế, không thể có sự truyền thông nào giữa họ. Và tôi sẽ phải thông dịch sao cho tôi sẽ "không trung thực" với cả hai! Jesus sẽ nói, "vương quốc của Thượng đế" và tôi sẽ dịch nó như là "niết bàn" – rồi Đức Phật sẽ hiểu. Phật sẽ nói "niết bàn", và tôi sẽ dịch cho Jesus là "vương quốc của Thượng đế" – rồi thì Ngài sẽ hiểu.

Bây giờ nhân loại cần một cái nhìn toàn bộ. Chúng ta đã sống với tầm nhìn một nửa quá lâu. Nó là một sự cần thiết tất yếu của quá khứ, nhưng bây giờ con người đã tới tuổi thành niên. Những sannyasin của tôi phải chứng minh rằng, họ có thể thiền định và cầu nguyện cùng một lúc, rằng họ có thể thiền định và yêu cùng một lúc, rằng họ có thể im lặng như có thể và họ có thể nhảy múa và lễ hội nhiều như có thể. Sự im lặng của họ phải trở thành lễ hội của họ, và lễ hội của họ phải trở thành sự im lặng của họ. Tôi đang giao cho họ nhiệm vụ khó khăn nhất đã từng được giao cho bất cứ đệ tử nào, bởi vì đây là cuộc gặp gỡ của những đối nghịch.

Và trong cuộc gặp gỡ đó, tất cả mọi đối nghịch khác sẽ chảy tan và trở thành một: Đông và Tây, đàn ông và đàn bà, vật chất và ý thức, thế giới này và thế giới kia, cuộc sống và cái chết. Mọi đối nghịch sẽ gặp gỡ và hợp nhất thông qua cuộc gặp gỡ này, bởi vì đây là đối cực tối hậu; nó chứa đựng tất cả mọi đối nghịch.

Cuộc gặp gỡ này sẽ tạo ra một hữu thể người mới – Phật Zorba. Đó là cái tên mà tôi dành cho con người mới. Và mỗi trong số những sannyasin của tôi phải làm mọi nỗ lực có thể được, để trở thành một "chất lỏng" như thế, một sự tuôn chảy, để cho cả hai cực đều thuộc về bạn.

Rồi bạn sẽ phải nếm được "hương vị" của sự toàn bộ. Và biết sự toàn bộ là cách duy nhất để biết cái gì là "linh thánh". Không có cách nào khác.

Thông điệp của tôi rất đơn giản. Thông điệp của tôi là một con người mới, Homo Novus. Khái niệm cũ về con người là hoặc là / hoặc là: duy vật hoặc duy tâm, đạo đức hoặc vô đạo đức, kẻ tội lỗi hoặc vị thánh. Nó được đặt nền trên sự chia chẻ, chia cắt. Nó tạo ra một nhân loại phân lập. Toàn bộ quá khứ của nhân loại vẫn bệnh hoạn, không mạnh khỏe, "điên rồ"… Trong ba ngàn năm, năm ngàn năm, những cuộc chiến tranh đã được tiến hành. Cái này là cực kỳ điên khùng; nó là không thể tin được. Nó ngu xuẩn, phi nhân, không thông minh.

Một khi bạn chia con người thành hai, bạn tạo ra sự khốn khổ và địa ngục cho y. Y không bao giờ có thể mạnh khỏe, và không bao giờ có thể toàn bộ; nửa kia – đã bị phủ nhận – sẽ tiếp tục tìm những cách thức và phương tiện để "khắc phục " cái phần mà bạn đã áp đặt lên chính mình. Bạn sẽ trở thành một bãi chiến trường, một nội chiến. Đó là trường hợp đã xảy ra trong quá khứ.

Trong quá khứ, chúng ta đã không có khả năng tạo ra những hữu thể người thực thụ, mà chỉ là những humanoids. Một humanoid là một kẻ trông giống như một con người người, nhưng hoàn toàn tàn phế, tê liệt. Y đã không được phép nở hoa trong tính toàn thể của mình. Y là một nửa, và bởi vì y là một nửa, y luôn ở trong sự thống khổ, và căng thẳng; y không thể "vui chơi" lễ hội.  Chỉ một con người toàn bộ mới có thể vui chơi. Sự vui chơi là hương thơm của trạng thái toàn bộ, không bị phân mảnh.

Chỉ cái cây nào mà đã sống toàn bộ thì mới nở hoa. Con người chưa nở hoa.

Quá khứ vẫn luôn tối tăm và ảm đạm. Nó vẫn luôn là một đêm đen của linh hồn. Và bởi vì nó có tính đè nén, nó buộc phải trở nên gây hấn. Nếu một cái gì đó bị đè nén, thì nó trở nên gây hấn, nó đánh mất tất cả những phẩm chất mềm mại của nó. Cho tới nay, nó vẫn luôn luôn là như vậy.  Chúng ta đã tới một điểm mà ở đó cái cũ phải được bỏ đi, và cái mới phải được báo hiệu.

Con người mới sẽ không hoặc là / hoặc là – y sẽ là vừa… vừa… Con người mới sẽ vừa trần thế vừa "thiêng liêng", vừa "thế tục" vừa "siêu thế". Con người mới sẽ chấp nhận tính toàn thể của mình, và y sẽ sống với nó mà không có bất cứ sự chia chẻ nội tâm nào, y sẽ không bị chia chẻ. Vị Thượng đế của y sẽ không chống đối với quỷ sứ, đạo đức tính của y sẽ không nghịch lại với vô đạo đức tính; y sẽ không biết đến sự chống nghịch nào. Y sẽ siêu việt nhị nguyên tính, y sẽ không bị tâm thần phân lập. Với con người mới, sẽ đến một thế giới mới, bởi vì con người mới sẽ tri giác trong một cách khác, khác về chất lượng. Y sẽ sống một cuộc sống hoàn toàn khác, mà trước đây chưa từng được sống. Y sẽ là một nhà thần bí, một nhà thơ, một nhà khoa học, tất cả gộp lại. Y sẽ không chọn lựa: Y sẽ là chính mình một cách không chọn lựa.

Đó là cái mà tôi dạy: Homo Novus, một con người mới, không phải là một humanoid. Một humanoid không phải là một hiện tượng tự nhiên. Humanoid được tạo ra bởi xã hội – bởi người tăng sĩ, nhà chính trị, nhà mô phạm. Humanoid được tạo ra, được sản xuất ra. Mỗi đứa trẻ chào đời như một hữu thể người – toàn vẹn, toàn bộ, sống động, không có sự chia chẻ nào. Ngay lập tức, xã hội bắt đầu bóp nghẹt nó, làm nó ngộp thở, cắt nó thành nhiều mảnh vụn. Bảo nó phải làm gì, và không làm gì, phải là gì và không là gì. Tính toàn bộ của nó chẳng bao lâu bị đánh mất. Nó trở nên cảm thấy tội lỗi về bản thể toàn bộ của mình. Nó phủ định nhiều cái tự nhiên, và ngay trong sự phủ nhận đó, nó trở nên không sáng tạo. Bây giờ nó sẽ chỉ là một mảnh, và một mảnh không thể nhảy múa, một mảnh không thể ca hát. Và một mảnh thì luôn có tính tự vẫn, bởi vì một mảnh không thể biết cuộc sống là cái gì. Humanoid không thể tự quyết định. Những người khác đã và đang quyết định thay cho y – cha mẹ, thầy cô giáo, những lãnh tụ, giới tăng sĩ; tất cả họ nắm lấy quyền quyết định của y. Họ quyết định, họ ra lệnh; y chỉ đơn giản đi theo. Humanoid là một tên nô lệ.

Tôi dạy sự tự do. Bây giờ, con người phải tiêu diệt mọi loại trói buộc và y phải ra khỏi tất cả mọi nhà tù – không còn nô lệ nữa. Con người phải trở nên cá thể. Y phải trở nên nổi loạn. Và bất cứ khi nào một người đã trở nên nổi loạn… Thỉnh thoảng một ít người đã thoát khỏi sự độc đoán của quá khứ, nhưng chỉ thỉnh thoảng – một Jesus đó đây, một Đức Phật đó đây. Họ là những ngoại lệ. Và ngay cả những người này, Jesus và Phật, cũng không thể sống một cách toàn bộ. Họ cố, nhưng toàn xã hội chống lại điều đó.

Khái niệm của tôi về con người mới, là y sẽ trở thành Zorba người Hy Lạp và cũng sẽ là Phật Gautama. Con người mới sẽ là Phật Zorba. Người ấy vừa "nhục cảm" vừa tâm linh – nhục cảm,  cực kỳ nhục cảm, trong thân thể, trong cảm quan, thưởng thức thân thể và tất cả những gì mà thân thể làm cho có thể, và vẫn là một ý thức vĩ đại, một sự chứng kiến vĩ đại sẽ ở đó. Người ấy sẽ là một Christ và Epicurus một cách đồng thời.

Lý tưởng của con người cũ là sự từ bỏ, lý tưởng của con người mới sẽ là vui hưởng. Và con người mới này đang đến hằng ngày, y đang đến hằng ngày. Thế nhưng người ta vẫn cứ chưa trở nên nhận biết y. Thật ra, y đã đã bắt đầu ló dạng rồi. Cái cũ đang chết, cái cũ đang nằm trên giường chết của nó. Tôi không than khóc nó, và tôi nói nó chết là tốt, bởi vì từ cái chết của nó, cái mới sẽ tự khẳng định chính mình. Cái chết của cái cũ sẽ là sự khởi đầu của cái mới. Cái mới chỉ có thể đến khi cái cũ đã hoàn toàn chết đi.

Hãy giúp con người cũ chết đi và con người mới ra đời – và hãy nhớ, con người  cũ có mọi sự khả kính, và toàn bộ quá khứ sẽ ủng hộ y, và con người mới sẽ là một hiện tượng rất kỳ lạ. Con người mới sẽ quá mới, đến nỗi y sẽ không được kính trọng. Mọi nỗ lực sẽ được làm để tiêu diệt con người mới. Con người mới không thể khả kính, nhưng cùng với con người mới là tương lai của toàn bộ nhân loại. Con người mới phải được trình diện.

Công trình của tôi gồm có việc tạo ra một Phật trường, một trường năng lượng, nơi mà cái mới có thể được sinh ra. Tôi chỉ là một bà đỡ giúp cái mới đi vào trong một thế giới mà sẽ không đang chấp nhận nó. Cái mới sẽ cần nhiều hỗ trợ từ những ai có trí tuệ và thức thời, từ những ai muốn cuộc cách mạng nào đó xảy ra. Và thời gian đã chín muồi, và nó chưa bao giờ chín muồi như thế. Đây là thời điểm thích hợp, nó chưa bao giờ thích hợp như thế. Cái mới có thể tự khẳng định mình, sự đột phá đã trở nên có thể được.

Cái cũ thì quá thối nát, đến mức ngay cả với tất cả sự ủng hộ, nó không thể sống sót; nó phải đến ngày tận số! Chúng ta có thể trì hoãn, chúng ta có thể tiếp tục thờ phụng cái cũ;  đó chỉ là trì hoãn cái tiến trình. Cái mới thì đang trên đường đi của nó. Tối đa, chúng ta có thể giúp nó đến sớm hơn, hoặc chúng ta có thể ngăn trở, kìm hãm nó và trì hoãn sự xuất hiện của nó. Trợ giúp  nó là tốt. Nếu nó đến sớm hơn, thì nhân loại sẽ vẫn còn có một tương lai, một tương lai lớn – một tương lai của tự do, một tương lai của tình yêu, một tương lai của niềm vui.

Tôi dạy một tôn giáo mới. Tôn giáo này sẽ không là Kytô giáo, không là Do thái giáo, và sẽ không là Hindu giáo. Tôn giáo này sẽ không có bất cứ tính từ nào thêm vào nó. Tôn giáo này sẽ tuyệt đối có tính toàn bộ.

Người của tôi sẽ phải trở thành những tia nắng đầu tiên mà sắp hiện lên bầu trời. Đó là một nhiệm vụ to lớn, đó là một nhiệm vụ hầu như bất khả, nhưng bởi vì nó là bất khả, nó sẽ khuyến dụ tất cả những ai có một chút linh hồn nào còn sót lại trong họ. Nó sắp tạo ra một hoài vọng lớn trong tất cả những người vốn có sự mạo hiểm ẩn giấu trong bản thể của họ, người dũng cảm, gan dạ, bởi vì nó thực sự sẽ tạo ra một thế giới diễm lệ mới.

Tôi nói về Đức Phật, tôi nói về Christ, tôi nói về Krishna, tôi nói về Zarathustra, để cho tất cả những gì tốt nhất và tất cả những gì tốt lành trong quá khứ có thể được bảo quản. Nhưng đây chỉ là một ít ngoại lệ. Toàn bộ nhân loại đã sống trong sự nô lệ to lớn, bị xiềng xích, bị chia chẻ, bị điên loạn.

Thông điệp của tôi thì đơn giản nhưng sẽ rất khó khăn, rất gay go để làm cho nó xảy ra. Nhưng nó càng khó khăn, nó càng bất khả, thì thách thức càng lớn. Và thời điểm đã đến, bởi vì tôn giáo đã thất bại, khoa học đã thất bại. Thời điểm đã đến, bởi vì phương Đông đã thất bại, phương Tây đã thất bại. Một cái gì đó của một tổng hợp cao hơn được cần đến, trong đó Đông và Tây có thể có một cuộc gặp gỡ, trong đó tôn giáo và khoa học có thể có một cuộc gặp gỡ.

Tôn giáo thất bại bởi vì nó thuộc về thế giới bên kia, và nó bỏ bê thế giới này. Và bạn không thể bỏ bê thế giới này; bỏ bê thế giới này là bỏ bê chính những gốc rễ của bạn. Khoa học đã thất bại bởi vì nó bỏ bê thế giới kia, thế giới bên trong, và bạn không thể bỏ bê những bông hoa. Một khi bạn bỏ bê những bông hoa, cái cốt lõi nội tại nhất của tồn tại, thì cuộc sống mất hết ý nghĩa. Y như cái cây cần những gốc rễ, con người cũng cần gốc rễ, và những gốc rễ chỉ có thể ở trong đất. Cái cây cần một bầu trời rộng mở để phát triển, để đi tới chỗ trổ ra những tán lá, và có hằng ngàn bông hoa. Lúc đó, và chỉ lúc đó, cái cây mới hoàn thiện, chỉ lúc đó, cái cây mới cảm nhận tầm quan trọng và ý nghĩa, và sự sống trở nên thiết thân.

Con người cũng ví như một cái cây. Tôn giáo đã thất bại bởi vì nó chỉ đang nói về những bông hoa. Những bông hoa đó vẫn còn mang tính triết học, trừu tượng; chúng không bao giờ hiện thực hóa. Chúng không thể trở thành hiện thực, bởi vì chúng không được hỗ trợ bởi đất. Và khoa học đã thất bại, bởi vì nó chỉ lưu tâm đến những gốc rễ. Những gốc rễ thì xấu xí, và có vẻ như không có sự nở hoa nào.

Phương Tây đang đau khổ vì quá nhiều khoa học; phương Đông đã đau khổ vì quá nhiều tôn giáo. Bây giờ, chúng ta cần một nhân loại mới mà trong đó tôn giáo và khoa học trở thành hai mặt của một hữu thể người. Và cây cầu sẽ là nghệ thuật. Đó là lý do tại sao tôi nói rằng con người mới sẽ là một nhà thần bí, một nhà thơ và nhà khoa học.

Giữa khoa học và tôn giáo, chỉ nghệ thuật mới có thể là cây cầu – thi ca, âm nhạc, điêu khắc. Một khi chúng ta đã đưa con người mới này ra đời, thì trái đất có thể, lần đầu tiên, trở thành cái mà nó phải trở thành. Nó có thể trở thành một thiên đường: chính cái thân thể này là Phật, chính trái đất này là thiên đường.

Phụ Lục Quay Về Mục Lục


Đọc Miễn Phí Sách Osho - Download Sách Osho PDF

Nghe Miễn Phí Sách Nói Osho Hoặc Download ê

Ads Belove Post