Chương 2. Chúa Giê-Su: Đạo sư của nghịch lý

Chương 2. Chúa Giê-Su: Đạo sư của nghịch lý

Price:

Read more

Osho - Hạt Cải Trời
Chương 2. Chúa Giê-Su: Đạo sư của nghịch lý

Chúa Giê-Su nói, “Nhiều người nghĩ ta đến để mang bình an cho thế gian, và họ không biết là ta đưa đến sự chia rẽ cho trái đất – lửa, gươm, chiến tranh. Vì có nhà năm người, ba sẽ chống hai, và hai sẽ chống ba; cha chống lại con, và con chống lại cha. Và họ sẽ trở thành đơn độc.” (1)
Chúa Giê-Su nói, “Ta sẽ cho các người những gì mắt chưa từng thấy, những gì tai chưa từng nghe, những gì tay chưa hề sờ đến, và những gì chưa hề phát khởi trong tim người.”
Chúa Giê-Su rất ư là nghịch lý, nhưng đầy ý nghĩa. Muốn hiểu được Ngài, rất nhiều điều cần phải biết. Trước hết, bình an chỉ có thể có khi mọi người gần như thể đã chết. Sẽ không có chiến tranh, không có xung đột, nhưng mà cuộc sống cũng chẳng có nữa. Đó sẽ là sự yên lặng của nghĩa trang. Mà như vậy chẳng giá trị gì; thế thì thà là chiến tranh còn khá hơn, bởi vì trong lúc chiến tranh thì bạn sống động và đầy sinh khí.
Còn một loại bình an khác – một khía cạnh hoàn toàn khác của bình an; nó hiện hữu khi bạn đầy sinh khí, sống động, nhưng trọng tâm đặt trong bản thể của bạn: khi ý thức về chính bạn đã xảy ra, khi bạn đã chứng ngộ, khi đèn đã thắp lên, và bạn không còn trong bóng tối nữa. Cuộc sống sẽ sung mãn hơn, yên lặng hơn, nhưng yên lặng ấy là của sự sống, không phải sự chết. Nó sẽ không phải là yên lặng của nghĩa trang. Đó chính là nghịch lý cần phải được hiểu rõ: chiến tranh không tốt, thù hằn không tốt; chúng là cái xấu, và chúng cần phải ra đi. Bệnh tật là xấu, sức khoẻ là tốt, nhưng bạn phải biết rằng người chết không bao giờ bệnh; xác chết có thể rữa đi nhưng không thể bệnh. Vậy nếu bạn không hiểu, mọi nỗ lực của bạn có thể đưa đến một thế giới chết. Sẽ không có bệnh tật, chiến tranh, thù hằn – nhưng cũng chẳng có sự sống.
Chúa chẳng muốn loại bình an đó. Bình an như thế cũng vô dụng; thế thì thế giới này thà có chiến tranh còn hơn. Nhưng nhiều người đã cố gắng, mà thái độ của họ lại tiêu cực. Họ nghĩ, “Nếu chiến tranh chấm dứt, mọi sự sẽ tốt đẹp.” Không phải dễ. Và đó không phải là khái niệm của người bình thường – ngay cả những triết gia vĩ đại nhất, như Bertrand Russell (2), cũng nghĩ rằng nếu chiến tranh chấm dứt, mọi sự sẽ tốt đẹp. Đó là tiêu cực – bởi vì chiến tranh không phải là vấn đề; con người mới là vấn đề. Và chiến tranh đó không phải ngoại tại, mà nằm tận bên trong. Nếu bạn có chiến tranh bên trong, nó sẽ nổ ra bên ngoài. Nếu bạn chiến đấu bên trong mà chiến thắng, chiến tranh bên ngoài sẽ kết thúc. Đó là cách duy nhất.
Người Ấn gọi Mahavira là “người chiến thắng vĩ đại” – jinna (3). Từ jinna nghĩa là người chiến thắng. Nhưng Ngài không tranh chấp với ai, vậy ai là người bị chinh phục? Ngài không chấp nhận bạo động, không tin chiến tranh, không khuyến khích tranh chấp. Vậy tại sao có thể gọi Ngài là người chiến thắng vĩ đại? Đó không phải tên của Ngài. Tên thật của Ngài là Vardhaman.
Cái gì đã xảy ra? Hiện tượng gì đã xảy ra. Ngài đã chinh phục chính mình (4), và một khi bạn chinh phục chính mình, tranh chấp với người khác chấm dứt ngay tức thì (5) - bởi vì tranh chấp với người khác chỉ là cái kế để lẫn tránh chiến tranh bên trong. Nếu bạn không thoải mái với chính mình, có hai trường hợp: hoặc bạn chịu đựng bất an này, hoặc trút lên đầu người khác. Khi khó ở bên trong, bạn sẵn sàng ăn thua đủ - chỉ cần có cớ. Cớ chỉ là phụ thuộc; bạn sẽ nhảy xổ vào người khác - đầy tớ, vợ, con.
Làm cách nào bạn bỏ được sự căng thẳng và không thoải mái bên trong? Bạn bắt người khác chịu trách nhiệm để được tẩy rửa. Bạn có thể nổi nóng bây giờ; bạn có thể nổi tam bành và bạo hành, và nó giúp bạn được khuây khỏa - dĩ nhiên là tạm thời, bởi vì bên trong không hề thay đổi. Nó sẽ tích lũy, sẽ chứng nào tật nấy. Ngày mai nó sẽ tích lũy giận dữ, thù hận, rồi bạn lại trút lên người khác. Bạn tranh chấp với người khác, bởi vì bạn tiếp tục tích lũy rác rưởi bên trong, và bạn phải liệng nó ra ngoài. Người đã tự thắng chính mình đã trở thành tự-thắng, không còn xung đột bên trong. Chiến tranh đã chấm dứt; người ấy chỉ là một bên trong – không còn hai phe. Người như vậy không nhắm vào người khác; người như vậy không ăn thua đủ với người khác. Vậy đó là mưu mô của tâm trí để lẩn tránh xung đột bên trong, bởi vì xung đột nội tâm đau đớn hơn nhiều – vì nhiều lý do.
Lý do cơ bản là mỗi người có một hình ảnh về chính mình là một người tốt. Mà đời sống mà thiếu hình ảnh ấy sẽ rất khó khăn. Các nhà tâm lý nói rằng ảo tưởng tối cần để sống. Trừ khi bạn chứng ngộ, ảo tưởng cần phải có để mà sống. Nếu bạn nghĩ mình xấu xa, độc ác, quỷ quái, nếu hình ảnh này – rất đúng với bạn - mà đột nhập vào bên trong, bạn sẽ khó mà sống được. Bạn sẽ mất hết tự tin, và bạn sẽ tự nguyền rủa chính mình, đến nỗi bạn khó mà yêu ai; bạn sẽ không thể làm việc; bạn sẽ không dám nhìn người khác. Bạn sẽ cảm thấy rất tự ti, rất xấu xa, rất độc ác đến nỗi bạn sẽ chết - mặc cảm này sẽ đưa đến tự tử. Và đó là sự thật - vậy phải làm gì?
Một cách là thay đổi sự thật ấy: bạn trở thành người nhân đức, không phải xấu xa – trở thành thánh thiện. Nhưng con đường đó khó khăn, gian khổ và lâu dài. Nhiều việc phải làm; chỉ có thế thì sự độc ác mới có thể biến thành thánh thiện. Nó có thể trở thành thánh thiện! Có lẽ bạn không biết được từ gốc của ác độc (devil). Nó có cùng gốc với từ thánh thiện (devine).
Ác độc (devil) và thánh thiện (devine) có cùng một từ gốc deva của chữ Phạn. Ác quỷ có thể thành thánh linh, bởi vì thánh linh đã trở thành ác quỷ. Cả hai có thể xảy ra. Chúng là hai đối cực của cùng một năng lượng. Năng lượng chua, cay có thể trở thành ngọt ngào. Cần phải có một sự chuyển hóa nội tại; một sự thay đổi nền tảng rất cần thiết – nhưng lâu dài và gian truân. Và tâm trí luôn luôn tìm đường tắt, nơi có ít khó khăn nhất. Vì thế tâm trí nói, “Sao phải phiền phức để trở thành người nhân đức chứ? Cứ tin bạn là người tốt là đủ.” Điều này dễ dàng, bởi vì không cần phải làm gì hết. Cứ tin rằng bạn tốt; chỉ cần tạo một hình ảnh là bạn tốt đẹp, thánh thiện, là không ai giống bạn. Ngay chính ảo tưởng thánh thiện này cũng cho bạn năng lượng để sống.
Nếu ảo tưởng có thể cho bạn nhiều năng lượng như vậy, bạn có thể mường tượng là bao nhiêu năng lượng sẽ xảy ra khi chân lý được chứng nghiệm. Nội cái ảo tưởng rằng bạn là người tốt cũng giúp bạn hành động, giúp cho bạn đứng vững, làm cho bạn tự tin. Thậm chí cái ảo tưởng này cũng đủ giúp bạn tự chủ, và sự tự chủ này có trong ảo tưởng là cái tôi. Khi bạn thực sự tự chủ, đó chính là tự ngã. Nhưng điều đó chỉ xảy ra khi chân lý được thể nghiệm: khi năng lượng bên trong của bạn đã được chuyển hóa, khi cặn bã đã biến thành thanh cao, khi xấu xa đã hóa thành đẹp đẽ, khi quỷ dữ đã thành lành thánh, khi bạn rạng ngời trong vinh quang của chính bạn, khi hạt giống đã nảy mầm, khi hạt cải trời đã trở thành một cây to. Nhưng tiến trình đó dài đăng đẳng; bạn phải có can đảm chờ đợi; bạn không để bị cám dỗ bởi đường tắt. Và trong đời sống chẳng có đường tắt nào cả; chỉ có ảo tưởng mới là đường tắt. Đời là gian khổ, bởi vì chỉ qua những tranh đấu gay go bạn mới trưởng thành được – nó không bao giờ đến dễ dàng.
Giá phải trả không phải rẻ; bất cứ gì rẻ tiền chẳng giúp bạn trưởng thành. Đau khổ giúp bạn – nỗ lực của bạn, sự tranh đấu, đoạn đường dài làm cho bạn sắc sảo, trưởng thành, từng trải, lịch lãm. Sao bạn có thể trưởng thành bằng đường tắt được? Có thể có một cách – hiện nay súc vật đang được thí nghiệm, và sớm hay muộn sẽ đến lần con người. Bạn có thể được chích hoóc-môn (hormones). Đứa trẻ mười tuổi có thể được chích hoóc-môn để thành một thanh niên hai mươi. Nhưng bạn có nghĩ sự trưởng thành của nó có bằng sự trưởng thành của người thanh niên hai mươi không? Sự cố gắng, sự dậy thì, sự cấm đoán, nhu cầu yêu đương: tự do nhưng có giới hạn, có tự do nhưng tự chủ được, kết bạn, khổ vì tình, học hỏi – tất cả những thứ ấy thiếu hẳn trong đứa đứa trẻ mười tuổi đó. Người trai hai mươi ấy thực sự chỉ có mười tuổi. Hoóc-môn chỉ làm cho cơ thể phì ra mà thôi.
Nhưng họ đang làm với súc vật, với trái cây, với cây cối. Cây có thể được chích, và chỉ cần một năm, thay vì ba, là nó ra hoa. Nhưng hoa của nó thiếu cái gì đó; khó mà biết được vì bạn không phải hoa; chúng bị ép buộc; chúng chưa đi qua mùa màng. Quả sẽ đến sớm, nhưng chúng không đủ chín; chúng thiếu cái gì đó – chúng là nhân tạo.
Thiên nhiên không vội vã: Hãy nhớ điều này: tâm trí luôn luôn vội vã, thiên nhiên không bao giờ gấp gáp – thiên nhiên chờ đợi, chờ đợi, chờ đến muôn niên. Chẳng cần phải vội vã. Cuộc sống trôi qua và tiếp diễn mãi mãi. Nhưng thời gian ngắn ngủi đối với tâm trí, vì vậy tâm trí nói, “Thời giờ là vàng bạc.” Cuộc sống không bao giờ nói thế. Cuộc sống nói, “Kinh nghiệm!” – không phải thời gian. Cuộc sống chờ, chờ đợi: tâm trí không thể chờ được, vì cái chết đang gần kề. Không có cái chết đối với đời sống, nhưng cái chết ám ảnh tâm trí. Tâm trí luôn luôn tìm đường tắt. Và cách dễ nhất để tìm đường tắt là tạo nên một ảo tưởng: nghĩ rằng bạn là cái bạn muốn trở thành – thế là bạn bị loạn thần kinh. Đó là điều xảy ra cho nhiều người trong nhà thương điên: họ nghĩ họ là Napoleon hay Alexander, hoặc là người khác. Họ tin như vậy và xử sự như vậy.
Tôi nghe về một người đến gặp bác sĩ tâm lý; hắn nghĩ mình là Napoleon vĩ đại. Sau ba, bốn giờ chẩn bệnh và phân tâm, bác sĩ nghĩ, “nhất định là hắn không sao hết.” Vì vậy ông ta nói, “Ông không bệnh gì hết. Ông có thể về nhà”. “Nhà?” hắn ta nói, “Phải nói về dinh chứ!” Hắn vẫn nghĩ hắnlà Napoleon. Vậy nếu bạn nghĩ mình là Napoleon thì sẽ rắc rối to – khó mà chữa được, bởi vì dù bạn có được chữa và trở thành bình thường, bạn sẽ bị thua thiệt.
Một viên đại úy được dịp là say sưa, nhưng là người rất tốt - vì người say phần lớn đều là người tốt. Một hôm ông ta bị ông tướng bắt gặp và nói, “Anh là người tốt, và tôi rất mến anh, và ai ai cũng thích anh hết, nhưng anh đang lãng phí đời anh. Nếu đừng say sưa thì chả mấy chốc anh sẽ thành đại tá.”
Anh ta cười và nói, “Chẳng đáng tí nào, bởi vì khi say tôi làm đến tướng cơ! Vậy chẳng đáng tí nào! Nếu không say sưa, tôi chỉ làm đến đại tá, mà khi say lúc nào tôi cũng là tướng hết.”
Ảo tưởng rất là phức tạp. Làm sao viên đại úy này bỏ được ảo tưởng đó? Anh ta trở thành tướng một cách quá rẻ mạt. Tâm trí tìm đường tắt, và ảo tưởng là đường tắt. Đó là cách dễ nhất, và rẻ nhất để đạt tới. Thực tại khó khăn và gian khổ hơn. Bạn phải đau khổ, và phải nung trong lửa. Càng được nung trong lửa bao nhiêu, bạn càng dày dạn bấy nhiêu; càng dày dạn, càng giá trị. Sự linh thiêng của bạn không thể mua được ở chợ một cách rẻ tiền; bạn không thể trả giá; bạn phải trả bằng trọn cuộc sống của bạn. Khi bạn dám đưa cả đời bạn mà thí, nó mới xảy ra.
Bạn ăn thua với người khác, bởi vì nó dễ dàng. Bạn nghĩ bạn là người tốt, và người khác xấu. Nhưng sự tranh giành ấy ở bên ngoài. Nếu bạn suy tư về chính bạn, sự tranh đấu trở thành bên trong: bạn biết là bạn xấu, và không thể tìm được người nào ác độc hơn bạn. Nếu nhìn vào bên trong, và thấy tuyệt đối xấu xa, bạn phải tìm cách sửa đổi. Một cuộc tranh đấu bên trong, một cuộc chiến nội tâm đã mở màn.
Và qua xung đột ấy được dùng như một kỹ thuật, hãy nhớ như vậy, một kỹ thuật hữu hiệu nhất đã được áp dụng qua nhiều thế kỷ. Nếu nội chiến xảy ra bên trong, bạn trở nên hợp nhất. Nếu có xung đột bên trong thì xuyên qua những phe đối nghịch, một quan sát viên mới sẽ nảy sinh. Nếu có nội xung, tất cả năng lượng của bạn bị hút hết vào, và bạn bị rối loạn hoàn toàn. Điều này đưa đến hỗn loạn, và từ sự hỗn loạn ấy một thực thể mới sẽ hiện ra. Sự hỗn loạn ấy dọn đường cho con người mới của bạn. Đó là cuộc chiến mà Chúa muốn nói. Ngài nói, “Ta không đến để mang bình an cho thế gian.”
Ngài không đem lại cái bình an rẻ tiền mà bạn mong muốn. Vậy hãy cố gắng hiểu điều Ngài dạy:
Chúa Giê-Su nói, “Nhiều người nghĩ ta đến để mang bình an cho thế gian, và họ không biết là ta đưa sự chia rẽ đến cho trái đất – lửa, gươm, chiến tranh.”
Khi đến với một đạo sư như Chúa Giê-Su, bạn đi tìm bình an. Bạn rất vui sướng mà không biết rằng bạn đã tìm lộn người, vì bạn không thể tìm được bình an. Và nếu người nào đó có thể cho bạn bình an, đối với bạn nó chỉ là cái chết. Trong hiện trạng của bạn, nếu bạn được bình an, điều này nghĩa là gì? Nghĩa là sự xung đột đã chấm dứt mà bạn không đạt được gì. Trong con người hiện tại của bạn, nếu người nào giúp bạn được yên lặng, điều đó nghĩa là gì? Bạn không tìm được con người thực của bạn, mà chỉ được an ủi trong tình huống của bạn. Đó là cách để phân biệt giữa chân sư và gian sư. Gian sư cho bạn an ủi, cho bạn cái bình an rẻ tiền; ông ta không tìm cách thay đổi bạn – ông ta là một loại thuốc an thần. Ông ta chẳng khác gì thuốc ngủ: bạn tìm đến với ông ta để được an ủi.
Nhưng nếu đến với một chân sư, Ngài sẽ phá hủy bất kỳ loại bình an nào mà bạn có; Ngài sẽ tống khứ mọi sự “thư thái” của bạn. Đó là tiêu chuẩn. Ngài sẽ tạo cho bạn nhiều hỗn loạn, nhiều xung đột. Ngài sẽ không an ủi bạn, vì Ngài không phải là kẻ thù của bạn; mọi an ủi đều là thuốc độc. Ngài sẽ giúp bạn tăng trưởng. Trưởng thành rất khó khăn; bạn phải trải qua nhiều gian khổ. Nhiều lần bạn muốn lánh mặt Ngài mà không được, vì Ngài luôn luôn ám ảnh bạn. An ủi không phải mục đích; Ngài không cho bạn cái bình an giả tạo. Ngài giúp bạn trưởng thành, và từ sự trưởng thành đó bạn sẽ nở hoa một ngày nào đó. Và sự nở hoa ấy mới là bình an thực sự, yên lặng thực sự. An ủi là giả tạo. Nhiều người đến với tôi, và qua cách họ đến, những vấn đề họ mang tới, tôi biết họ muốn được an ủi. Có người nói, “Tôi có quá nhiều rắc rối. Tôi không được an vui. Tôi rất căng thẳng. Hãy giúp tôi. Hãy chúc cho tôi được bình an.”
Nhưng điều đó nghĩa là gì? Nếu bình an có thể được ban cho người ấy, điều ấy nghĩa là gì? Người ấy sẽ không bao giờ thay đổi. Không, một chân sư sẽ không làm vậy. Mà nếu một chân sư an ủi bạn, thì đó chỉ là cái lưới Ngài giăng ra. Qua sự an ủi, bạn sẽ bị Ngài bắt, và từ từ, Ngài sẽ tạo ra hỗn loạn cho bạn. Bạn phải trải qua sự hỗn loạn ấy, bởi vì trong hiện trạng của bạn, mọi thứ đều sai hết. Trong tình huống ấy, nếu người nào an ủi bạn, hắn chính là kẻ thù của bạn. Bạn phí thời giờ, đời sống và năng lực mà cuối cùng an ủi cũng chẳng giúp ích gì. Mọi an ủi đều tiêu ma hết khi thần chết đến.
Một ông già có con trai chết. Ông ta tìm tôi và nói, “Hãy an ủi tôi.” Tôi nói, “Tôi không thể làm điều ấy được. Tội lỗi lắm.” Ông ta nói, “Tôi chỉ cần điều ấy thôi.”
Tôi bảo ông ta, “Ông muốn vậy, nhưng tôi không làm được.”
Ông ta nói, “Tôi đến một giáo chủ và Ngài ấy nói, ‘Xin chớ buồn rầu.
Con ông đã được lên thiên đường!’”
Tôi biết người con trai ấy; điều ấy không thể xảy ra được, vì hắn là một chính trị gia – họ sa địa ngục hết, không thể lên thiên đường được. Hắn không những là một chính trị gia, mà còn là một chính trị gia thành công nữa. Hắn là một bộ trưởng, với đủ mọi xảo trá và tham vọng của một chính trị gia. Sao hắn có thể lên thiên đường được? Và lão già này cũng là một chính trị gia. Thật ra, ông ta không bị quấy rầy vì con chết, mà chỉ vì tham vọng chính trị ấy không còn nữa; nhờ con mà ông ta có thêm nhiều tiền bạc và thế lực; Ông ta đã già; ông ta vất vả cả đời, nhưng hơi ngu, không xảo quyệt mà hơi ngây thơ. Ông ta rất chăm chỉ và hy sinh cả đời nhưng không được chức vụ nào quan trọng. Điều đó làm ông ta đau khổ; nó là một vết thương. Ông ta đặt hy vọng ở đứa con, và con ông rất thành công. Nay con chết thì tham vọng của ông ta cũng tiêu tan. Tôi bảo ông ấy, “Đó là lý do làm ông sầu não đến thế, không phải con chết. Ông ta nói một cách bực bội, “Tôi đến để được ông an ủi, mà ông còn làm tôi tức thêm nữa. Có thể như vậy. Những điều ông nói đều đúng. Có thể tôi khóc không phải vì con chết, mà vì tham vọng kia bị tổn thương. Nhưng đừng nặng lời với tôi như vậy.
Hiện tôi đang đau khổ. Tôi đến gặp các vị thánh sống, các giáo chủ, các đạo sư, và họ đều an ủi tôi. Họ đều nói, ‘Xin đừng lo. Linh hồn bất tử; chẳng ai chết cả. Và con của ông không phải người tầm thường. Anh ấy chắc chắn sẽ lên thiên đường!’”
Đó là những cách an ủi; mà nếu người này tiếp tục nghe những lời ấy, ông ta sẽ mất cơ hội nghìn vàng. Ông ta bỏ lỡ cơ hội để đối mặt với tham vọng này, vốn từng gây rối cho ông ta. Nó có thể làm ông ta nhận thức rằng mọi tham vọng đều vô ích, vô dụng, bởi vì tham cho lắm thì cuối cùng thần chết cũng lấy đi hết. Ông ta có thể hiểu rõ như vậy. Nhưng không, ông ta không tìm đến tôi nữa. Ông ta thường đến đây, nhưng kể từ đó biệt tăm. Ông ta tìm đến người khác để được họ an ủi.
Bạn có đến đây để được an ủi không? Thế thì bạn đi lộn chỗ. Đó là điều Chúa nói, “Nhiều người nghĩ ta đến để mang bình an cho thế gian, và họ không biết là ta đưa sự chia rẽ đến cho trái đất – lửa, gươm, chiến tranh.”
Mỗi khi một người như Chúa xuất hiện, thế giới này lập tức được chia làm hai, một bên là những người theo Ngài, và một bên chống lại. Bạn khó mà tìm được người đứng trung lập. Ở đâu có người như Chúa, ở đó bị phân đôi. Một số theo Ngài, một số chống lại, nhưng không có người bàng quang.
Không thể có người trung lập với Chúa được. Nếu bạn nghe lời Ngài, nhìn Ngài, bạn bị phân chia ngay tức thì: hoặc là bạn yêu, hoặc ghét Ngài; hoặc là bạn đi theo, hoặc chống lại Ngài; hoặc là bạn gia nhập hàng ngũ của Ngài, hoặc chống đối.
Tại sao vậy? Bởi vì người như Chúa là một hiện tượng vĩ đại, và Ngài không thuộc về thế gian này. Ngài đem đến cho thế gian này một thông điệp từ cõi siêu việt. Những người sợ hãi cõi siêu việt sẽ trở thành kẻ thù ngay tức thì – đó là cách họ tự bảo vệ. Đối với những người đang khao khát, hạt giống đã có sẵn bên trong, những người đã từng tìm kiếm và ao ước chân lý thì người này có sự quyến rũ, có sức hút như nam châm – thế là họ yêu mến người ấy. Họ đã chờ đợi người này qua nhiều kiếp sống.
Thế gian này bị phân đôi ngay lập tức: hoặc là bạn theo, hoặc là chống lại Chúa. Không có cách nào khác hết. Bạn không thể thờ ơ. Bạn không thể nói, “Tôi không thèm để ý”; điều đó không thể có, bởi vì người có thể đứng trung lập sẽ trở thành như Chúa vậy. Người có thể đứng giữa, không thích cũng không ghét, sẽ vượt qua tâm trí. Bạn không thể đứng chính giữa; bạn sẽ vấp ngã; bạn sẽ trở thành ‘khuynh tả’ hay ‘khuynh hữu’, bạn sẽ theo phe này hoặc phe kia; Ngài sẽ gây ra sự hỗn loạn trên thế gian – không những cho từng cá nhân mà cả xã hội nữa; mọi thứ trở thành xung đột, một cuộc chiến lớn bắt đầu. Kể từ lúc Chúa xuất hiện, chẳng hề có bình an trên thế giới. Ngài lập lên một tôn giáo. Ngài mang đến chia rẽ trên thế gian, một sự xung đột trong tâm mọi người; Ngài trở thành mốc của lịch sử con người. Đó là lý do chúng ta nói ‘trước Chúa Giê-Su’, ‘sau Chúa Giê-Su’; Ngài trở thành tiêu điểm.
Lịch sử bị phân đôi, thời gian bị chia đôi vì Chúa. Ngài đứng ngay tại ranh giới. Trước Ngài, thời gian như có một phẩm chất khác; sau Ngài thời gian mang một ý nghĩa khác. Lịch sử bắt đầu với Chúa. Thái độ của Ngài, quan điểm của Ngài đối với tâm trí con người khác hoàn toàn với của Đức Phật, hay của Lão Tử. Mục đích tối thượng chỉ là một, cuối cùng đều nở hoa như nhau, nhưng quan điểm của Chúa khác hẳn, độc nhất vô nhị.
Ngài nói gì vậy? Ngài nói rằng nhờ xung đột mới có trưởng thành; nhờ tranh đấu mới biết tự chủ; nhờ chiến tranh mà hòa bình vươn lên. Nhưng đừng hiểu Ngài theo nghĩa đen; những điều Ngài nói đều là ngụ ngôn. Ki Tô giáo hiểu theo nghĩa đen nên sai hết. Thế rồi tín đồ của Ngài dùng võ lực và giết hàng triệu người một cách không cần thiết, bởi vì đó không phải là ý nghĩa của Ngài. Giáo hội của Ngài trở nên hiếu chiến, thánh chiến. Ki Tô giáo từng chinh chiến với Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo - họ tranh chấp khắp nơi. Nhưng họ hiểu sai hết. Chúa không nói như vậy. Ngài không nói về gươm giáo của thế gian này; Ngài mang đến lưỡi gươm của thế giới siêu việt. Gươm gì vậy? Đó chỉ là một biểu tượng. Bạn phải bị cắt làm đôi, bởi vì bạn là sự gặp gỡ của hai thế giới - đất và trời; chúng giao nhau bên trong bạn. Một phần của bạn là bùn đất; phần kia là linh thiêng. Bạn là giao điểm, và Chúa mang đến gươm để cắt đôi bạn ra, để trả lại cái ô trược cho bùn đất, và trả lại cái linh thiêng về cho thánh linh. Bạn không thể phân biệt nổi những cái thuộc về bùn đất. Khi đói, bạn có nghĩ là bạn đói không? Chúa nói, “Không, hãy lấy gươm của ta mà chặt đi!” Đói thuộc về thân xác, bởi vì đó là nhu cầu của thể xác. Tâm thức chẳng biết đói là gì; nó ý thức được, nhưng thể xác không có ý thức.
Có lẽ bạn đã nghe chuyện người mù và người què. Một hôm cả hai bị kẹt trong đám cháy lớn. Người què không đi được, không chạy được, nhưng thấy đường; mà người mù có thể đi và chạy được, nhưng không thấy đường. Vì vậy họ đồng ý với nhau: người mù cõng người què, và vì người què thấy đường và người mù có thể đi, họ trở nên một. Bằng cách đó họ ra khỏi đám cháy và thoát chết.
Đấy không phải chỉ là một câu chuyện – nó đang xảy ra bên trong bạn. Một phần của bạn cảm thấy đói, nhưng nó không biết, bởi vì nó không có mắt nhìn. Thân xác của bạn cảm thấy đói, cảm thấy thèm khát tình dục, cảm thấy khát nước, cần tiện nghi - mọi nhu cầu đều thuộc về thể xác – và ý thức của bạn chỉ có thể thấy, ý thức của bạn chỉ là một quan sát viên. Nhưng chúng đã thỏa thuận với nhau, bởi vì không có xác, ý thức không thể đi, không thể di chuyển, không làm được gì hết; và nếu không có ý thức, xác không thể biết được nó cần gì, hoặc là nó đói, hay khát.
Gươm của Chúa có nghĩa là thỏa hiệp này phải được ý thức một cách rõ ràng. Và sự phân biệt này phải được tạo ra. Những gì của trần gian phải thuộc trần gian; hãy hoàn thành, nhưng đừng để bị ám ảnh. Nếu bạn đói, thân xác bạn đói; hãy biết rõ như vậy; hãy đáp ứng cái đói, nhưng đừng bị ám ảnh. Nhiều người bị ám ảnh và ăn hoài, ăn liên tục, để rồi ngày nào đó lại nhịn ăn trong nhiều ngày. Nhưng cả hai đều là ám ảnh; ăn nhiều quá cũng xấu như nhịn ăn nhiều quá. Tốt hơn là quân bình. Nhưng ai là người đem lại sự quân bình ấy? Bạn đã trở thành hai; bạn phải ý thức rõ ràng rằng: “Đó là của thế gian, mà tôi không phải thuộc về thế gian.” Đấy là ‘gươm’ của Chúa. Ngài nói, “….Ta đến để đem chia rẽ lại cho thế gian – lửa, gươm, chiến tranh.”
Tại sao lại ‘lửa’. Lửa là biểu tượng cổ của Kabala (6), mà cũng là biểu tượng của Ấn Độ Giáo. Người Ấn luôn luôn nói về ngọn lửa bên trong; họ nói nó là ngọn lửa bên trong, bởi vì nó là nhiệt. Và để thắp lên ngọn lửa bên trong ấy họ gọi là yagna. Và họ có nhiều kỹ thuật để đốt lên ngọn lửa ấy. Lúc này nó gần như tắt ngúm, bị che phủ bởi tro bụi. Nó phải được khơi lên, khám phá, nhóm lại; cần phải có thêm nhiên liệu nữa, và nhiên liệu ấy phải được đưa vào. Khi ngọn lửa ấy cháy sáng hoàn toàn, bất thình lình bạn được chuyển hóa – bởi vì không có sự chuyển hóa nào mà không cần đến lửa. Bạn nấu nước đến một trăm độ, nó bốc hơi, trở thành hơi nước; đặc tính của nó thay đổi hoàn toàn. Bạn có thấy rằng khi nước biến thành hơi, phẩm chất của nó thay đổi không? Khi còn là nước nó luôn luôn chảy xuống; đó là tính của nước, nó chảy xuống thấp; nó không thể chảy lên. Nhưng tại một trăm độ nó bốc hơi; tính chất của nó thay đổi: hơi nước bay lên, không bao giờ chảy xuống. Nó thay đổi hoàn toàn, qua trung gian của nhiệt.
Bạn thấy gì trong phòng thí nghiệm hóa học? Nếu bạn lấy lửa đi, không có gì sẽ xảy ra, bởi vì mọi chuyển hóa, mọi thay đổi, mọi biến đổi đều phải có nhiệt. Mà bạn là gì nếu không phải là lửa? Bạn là gì khi bạn đang sống? Khi thở, bạn thở bằng gì? Bạn thở bằng dưỡng khí, và dưỡng khí chỉ là nhiên liệu cho lửa. Khi bạn chạy, bạn cần nhiều lửa hơn nữa, vì bạn thở mạnh hơn; khi bạn nghỉ, bạn không cần nhiều lửa như vậy, vì bạn không thở mạnh như trước, bởi vì dưỡng khí không cần nhiều nữa. Dưỡng khí là nhiên liệu cho lửa. Lửa không thể cháy nếu không có dưỡng khí, bởi vì dưỡng khí là nhiên liệu. Bạn chính là lửa – trong mỗi khoảnh khắc, nhờ thực phẩm, nhờ nước mà lửa được tạo ra cho bạn. Khi lửa quá nhiều, bạn phải xả bớt.
Khi súc vật động tình ta nói chúng ‘đang nóng’ (on heat). Điều này rất có ý nghĩa bởi vì đó là một loại nhiệt. Nó là một loại nhiệt, mà khi bạn có quá nhiều nhiệt mà bạn cần, bạn phải xả bớt, và dục là một lối thoát. Nên biết rằng người xứ nóng ham muốn tình dục nhiều hơn người xứ lạnh. Sách về tình dục học đầu tiên xuất hiện ở xứ nóng: Kama Sutra của Vatsyayana, và Kokashastra của Koka Pandit. Những phân tâm học gia theo kiểu Freud ấy xuất hiện đầu tiên ở phương Đông, ba ngàn năm trước Freud.
Dục trở thành quan trọng mới gần đây ở phương Tây. Ở xứ lạnh hơi ấm không có đủ trong người để tạo ra dục. Chỉ trong ba hay bốn thế kỷ mới đây dục mới trở thành quan trọng bên phương Tây, bởi vì mặc dù lạnh, đã có lò sưởi trung ương. Vì vậy người ta không thấy lạnh như trước, bằng không lửa trong người chỉ đủ để chống lại cái lạnh. Đó là lý do dân số ở xứ nóng cứ tăng hoài và khó mà ngăn được; ngược lại phương Tây ít có vấn đề nhân mãn.
Tôi nghe rằng những phi hành gia Nga rất vui mừng khi họ đặt chân lên mặt trăng. Nhưng họ sửng sốt khi thấy ba người Tầu đang bách bộ trên đó. Người Nga nhìn họ rồi nói, “Các bạn đã tới trước chúng tôi? Và các bạn không có phương tiện, không kỹ thuật, không khoa học gì hết – các bạn làm cách nào vậy? Các bạn có phép lạ gì đó. Các bạn đến đây bằng cách nào vậy?” Những người Tầu ấy trả lời, “Phép lạ gì đâu! Đơn giản quá mà. Chúng tôi trèo lên vai nhau mà leo lên đây.” Người Tầu, người Ấn có thể đến; không có vấn đề đối với họ. Một khi đã quyết định, họ đến bất kỳ nơi nào.
Dục là một hiện tượng nhiệt, một hiện tượng lửa. Mỗi khi có lửa cháy, bạn sẽ cảm thấy bị khích dục hơn, và khi lửa không đủ mạnh, bạn ít cảm thấy kích thích hơn. Bất cứ gì xảy ra bên trong bạn - hoặc dục, hoặc tâm linh - đều tùy thuộc vào lửa. Những người Ấn, Kabala, Do Thái, Sufi (7)… những hội huyền học, tâm linh bí truyền, đều có những phương pháp để tạo ra lửa bên trong. Chúa từng được huấn luyện bởi nhóm Essene (8). Vì vậy, lửa không phải chỉ là lửa mà bạn biết; đó là lửa thâm sâu nhất mà nhờ đó mới có sự sống. Nếu nó được gia tăng tới mức nào đó – nhưng chỉ có thể tăng tới mức đó, nếu nó không bị xả đi, và đó là lý do tại sao những pháp môn dùng lửa này đều chống lại dục. Nếu được xả ra bằng dục, nó sẽ không được đưa lên đến độ nào đó, bởi vì bạn có đường thoát. Vì vậy mọi lối thoát đều phải được đóng lại hoàn toàn để lửa không bị giảm đi, cho tới khi nó lên đến một trăm độ: một độ nóng nào đó, bỗng nhiên sự chuyển hóa xảy ra. Linh hồn và thể xác được tách rời ra – thanh gươm đã hoàn thành nhiệm vụ. Thế thì bạn biết được phần nào là trời, phần nào là đất bên trong bạn; thế thì bạn biết được phần nào từ máu thịt của cha mẹ, và phần nào của vô hình.
… Lửa, gươm, chiến tranh…
Một sự xung đột nội tâm thâm sâu cần phải có. Bạn không thể lờ đờ; bạn không thể nới lỏng - trừ khi sự thư giãn tự xảy ra – và đó là chuyện khác. Bạn phải tranh đấu để tạo ra xung đột và ma sát. Ma sát là từ rất thích hợp cho cuộc chiến nội tâm. Gurdjieff (9) là chuyên viên về ma sát; Ngài thường tạo ma sát trong cơ thể. Bây giờ có thể bạn không biết, nhưng hãy ghi nhớ: Ngày nào đó bạn sẽ nhận ra cơ thể bạn có nhiều lớp năng lượng. Nếu không bị ma sát, bạn chỉ dùng đến lớp bên trên. Nếu nhiều xung đột xảy ra, lớp bên ngoài sẽ cạn, và lớp kế tiếp sẽ xuất hiện.
Hãy thí nghiệm như vầy: bạn thường đi ngủ lúc mười giờ. Đúng mười giờ là bạn cảm thấy buồn ngủ vô cùng – nhưng đừng ngủ. Sufi và Chúa thường dùng cách này - gọi là đêm canh thức. Trọn một đêm Ngài không chợp mắt; bốn mươi ngày và bốn mươi năm đêm trong rừng Ngài không hề ngủ. Ngài ở đó và không ngủ. Chuyện gì xảy ra? Nếu khoảng mười giờ, trong vài phút, bạn sẽ thấy mệt lả, mỗi lúc càng buồn ngủ hơn. Nhưng nếu bạn cưỡng lại và cố gắng, sự ma sát sẽ xảy ra, bạn trở thành hai: một phần muốn ngủ, và phần kia không muốn ngủ. Hai phần này giằng co nhau. Nếu bạn lì và không chịu thua, bỗng nhiên bạn sẽ thấy không buồn ngũ nữa, và bạn thấy tươi tắn như thể mới thức dậy. Bỗng nhiên buồn ngũ hết hẳn; bạn tỉnh táo, và nếu bạn muốn đi ngủ lại cũng khó. Sự gì đã xảy ra? Chỉ có hai trường hợp, và qua ma sát mà năng lượng được tạo ra. Năng lượng luôn luôn được tạo ra nhờ ma sát. Tất cả khoa học xây trên ma sát, rồi năng lượng được tạo ra. Máy phát điện chỉ là những kỹ thuật ma sát để tạo ra xung đột, chiến tranh giữa hai cực. Bạn gây nên chiến tranh: cơ thể bạn muốn ngủ, và bạn không muốn ngủ: Ma sát sinh ra, và nhiều năng lượng được tạo ra. Nếu bạn nhượng bộ thì rất xấu, bởi vì nếu bạn nhượng bộ, thể xác thắng và tâm thức thua cuộc.
Vì vậy nếu muốn thử, bạn phải làm với một ý chí sắt đá, nhất định không nhượng bộ, không thì thà đừng làm. Phương pháp ma sát rất nguy hiểm: nếu thử, bạn phải thắng. Nếu thua, bạn sẽ mất tự tin. Ý thức của bạn sẽ yếu đi, và thân xác bạn sẽ mạnh hơn. Và nếu thua nhiều lần, bạn sẽ khó mà có hy vọng thắng nữa. Một khi dùng kỹ thuật ma sát, bạn phải làm với quyết tâm để thắng. Không để bị thua; phải chiến thắng. Và một khi đã thắng, bạn sẽ đạt đến một tầng năng lượng khác. Bạn sẽ thấy rằng nếu bạn thắng, năng lượng trong tầng trước kia đã bị bạn thu hút vào, và bạn trở nên mạnh hơn. Và thế thì mỗi trận chiến sẽ làm bạn mạnh hơn, mạnh hơn nữa, tới một lúc khi toàn thể năng lượng của thể xác đã được bạn thu hút hẳn.
Gurdjieff thường dùng ma sát trong những cách nguy hiểm không thể tưởng tượng được. Khi về già, khoảng vài năm trước khi chết, Ngài tạo ra một tai nạn xe hơi kinh hoàng. Ngài làm cho nó xảy ra – không phải một tai nạn. Trong đời của những người như Gurdjieff không thể có tai nạn. Ngài tỉnh thức đến độ không thể có tai nạn. Nhưng Ngài có thể để tai nạn diễn ra; thậm chí Ngài có thể tạo ra tai nạn – và Ngài đã tạo ra một lần. Ngài lái xe rất nhanh, và trong cả đời Ngài chưa hề có tai nạn nào. Và Ngài cũng lái xe rất ẩu; những người ngồi xe với Ngài thường sợ đến lạnh tóc gáy.
Ngài lái xe như điên, chẳng hề tuân luật lệ lưu thông. Ngài xẹc qua, xẹc lại rất mau; tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào – nhưng chưa bao giờ xảy ra. Một sáng nọ Ngài lái xe từ thiền viện ở Fontainebleau lên Paris. Có người hỏi chừng nào Ngài trở lại. Ngài trả lời, “Chuyện gì cũng có thể xảy ra, vì tôi nghĩ nó sẽ xảy ra khoảng chiều tối; bằng không, khó mà biết được.”
Chiều đó, trên đường trở về, tai nạn vô cùng khốc liệt đã xảy ra, đến độ bác sĩ phải tuyên bố là khó mà có người sống sót – không thể có. Chiếc xe bị banh ra từng mảnh. Nhưng Gurdjieff vẫn còn sống; thương tích đầy mình - gần như chết rồi. Nhưng Ngài vẫn tỉnh thức hoàn toàn, và nằm dưới gốc một cây cách chiếc xe khá xa. Ngài lết tới bóng mát và nằm đó trong trạng thái tỉnh thức hoàn toàn. Ngài không bất tỉnh. Ngài được đưa tới bệnh viện mà vẫn còn tỉnh. Ngài không muốn được chích thuốc mê, vì muốn được tỉnh thức hoàn toàn.
Đó là ma sát lớn nhất mà Ngài đã tạo ra với chính thân thể của mình. Ngài xuýt chết; Ngài tạo ra tai nạn đó và muốn được tỉnh thức tuyệt đối. Tại khoảnh khắc ấy Ngài đi vào tận trung tâm của bản thể - điểm sâu nhất mà một người có thể đạt đến. Ngài trụ tại trung tâm của tâm thức – tầng lớp bên ngoài hoàn toàn bị tách rời.
Nó trở thành một phương tiện. Ngài xử dụng nó, nhưng Ngài không đồng hóa với nó. Đó là ngụ ý của Chúa khi Ngài nói: …. Ta đưa đến lửa, gươm và chiến tranh -- Nhiều người nghĩ ta đến để mang bình an cho thế gian, và họ không biết là ta đưa đến sự chia rẽ cho trái đất – lửa, gươm, chiến tranh. Vì có năm người trong một nhà, ba sẽ chống hai và hai sẽ chống ba; cha chống lại con và con chống lại cha. Và họ sẽ trở thành đơn độc.
Vì có năm người trong một nhà… Đây là một dụ ngôn: trong cơ thể của bạn có “năm người trong một nhà” – năm giác quan. Phân tích đến cùng thì bạn có năm cơ thể, bởi vì mỗi giác quan có một trung tâm riêng, và mỗi giác quan tiếp tục lôi kéo bạn theo hướng của nó. Con mắt nói, “Hãy nhìn cái đẹp kìa,” Tay thì nói, “Sờ đi, mịn quá!” Mắt chẳng quan tâm đến sờ mó; tay chẳng để ý đến sắc đẹp - mặt đẹp, hay cây đẹp cũng thây kệ.
Năm giác quan là năm trung tâm khác nhau, và tâm trí của bạn chỉ là điều hợp viên; nó liên tục điều hợp năm giác quan này. Khi bạn nhìn tôi, và bạn nghe tôi nói, bạn nghe bằng tai và nhìn bằng mắt. Mắt không hề nghe, và tai không hề thấy. Vậy bằng cách nào mà bạn kết luận rằng bạn nghe cùng một người mà bạn thấy? Bạn kết luận bằng cách nào? Tâm thức điều hợp tất cả. Nó là một máy tính: bất cứ gì mắt gửi về, bất cứ gì tai gửi về, nó kết hợp và cho bạn kết luận.
Phương pháp mà Gurdjieff dùng cũng đã từng được Chúa xử dụng… Và những người biết bí mật nhất trong đời của Ngài nói rằng Ngài không bị đóng đanh, mà Ngài tạo ra hoàn cảnh để bị đóng đanh, giống như Gurdjieff vậy. Ngài xoay xở để bị đóng đanh (10) – đó là một vở kịch mà Ngài đã sửa soạn. Những người đóng đanh Ngài tưởng rằng họ đang giết Ngài, nhưng người như Chúa không thể bị ép buộc phải chết. Ngài có thể trốn thoát rất dễ dàng, vì Ngài biết trước là Ngài đang bị tầm nã. Ngài có thể trốn ra khỏi thủ đô, hoặc trốn sang nước khác – vấn đề đó không khó khăn – nhưng Ngài tìm đến kinh đô. Ngài đã được nói là đã sắp đặt mọi thứ, và Giu-Da (11) không phải là kẻ phản bội, mà là người đã giúp Ngài để bị bắt. Tất cả đã được Ngài sắp xếp mà kiểm soát. Những gì đã xảy ra trên thập tự giá chính là trận chiến bên trong cuối cùng, ma sát cuối cùng và vĩ đại nhất. Ngài sắp chết, nhưng không hề mất lòng tin ở thánh linh; khi bụi đất đang trở về với đất, khi sự chia rẽ trở thành tuyệt đối và toàn bộ - nhưng Ngài không bám víu chút nào. Ngài để mọi sự diễn ra.
Gurdjieff thường nói rằng cuộc tử nạn của Chúa Giê-Su thực sự là một bi kịch, rằng tác giả của vở kịch không phải Phi-La-Tô (12), cũng không phải thầy cả của Do Thái, nhưng chính là Chúa Giê-Su. Ngài đã sắp xếp và sửa soạn một cách thật tuyệt đẹp, đến nỗi cho đến nay vẫn chưa bị lộ tẩy, nghĩa là thực sự chuyện gì đã xảy ra và như thế nào.
Bạn không thể tưởng tượng được chính bạn sửa soạn để chính bạn bị đóng đanh, nhưng đó là lề lối của tôn giáo: sửa soạn cho sự đóng đanh của mình. Đóng đanh trên thập tự giá nghĩa là đạt tới tột đỉnh của ma sát – nơi thần chết ngự trị.
Chúa Giê-Su nói:
Vì sẽ có năm người trong một nhà: ba sẽ chống hai và hai sẽ chống ba. Ma sát phải được tạo ra. Giác quan phải tranh đấu, và cuộc chiến phải được thực hiện trong ý thức. Chúng liên tục tranh đấu, nhưng không tỉnh thức; bạn vẫn say ngủ, và cuộc chiến kéo dài liên miên. Mắt luôn luôn tranh với tai; tai luôn luôn chống lại mắt – bởi vì chúng là những đối thủ. Bạn có thấy là người mù thính tai hơn người sáng mắt không? Đó là lý do nhiều người mù trở thành nhạc sĩ, ca sĩ. Tại sao vậy? Họ có nhiều khả năng về âm thanh, nhịp điệu; tai họ nhạy cảm hơn. Tại sao? Bởi vì mắt không còn là đối thủ nữa; năng lượng từ mắt được dồn hết cho tai; chúng không còn tranh nhau nữa.
Mắt bạn dùng khoảng tám mươi phần trăm năng lượng, chỉ để hai mươi phần trăm cho bốn giác quan kia. Chúng đói lả; chúng liên tục tranh giành. Mắt giữ vai trò tối cao, độc tài. Bạn sống dựa vào mắt, và khứu giác quan trở nên tê liệt. Nhiều người khứu giác đã chết hoàn toàn; họ chẳng bận tâm; họ cũng không biết là họ không có khứu giác.
Đôi mắt hoàn toàn khống chế cái mũi, bởi vì mũi ở quá gần mắt nên dễ bị đàn áp. Con trẻ có khứu giác mạnh, nhưng dần dà chúng yếu đi, vì năng lượng dành gần hết cho đôi mắt. Mắt trở thành trung tâm của bản thể của bạn, và điều ấy không tốt.
Kỹ thuật ma sát là lấy giác quan chống lại nhau. Thiền nhân nhiều khi phải bịt mắt lại trong nhiều tháng (13). Bạn sẽ cảm thấy năng lượng di chuyển. Nếu bịt mắt lại trong ba tháng liền, bạn sẽ cảm thấy năng lượng dồn qua tai, qua mũi. Khứu giác của bạn có thể hoạt động trở lại, bạn sẽ ngửi lại được. Trong nhiều pháp môn, nhiều phương pháp học viên phải ngưng xử dụng một giác quan nào đó hoàn toàn; một cuộc chiến được tạo ra. Nếu bịt tai lại trong ba tháng, không nhìn và chỉ nhìn, bạn sẽ thấy năng lượng di chuyển thường xuyên. Nếu thấy được giác quan tranh dành, bạn trở thành tách biệt, bởi vì bạn trở thành một quan sát viên, Bạn không còn là mắt nữa,không còn là tai, là tay, không còn là thể xác - bạn là một quan sát viên. Sự tranh chấp xảy ra bên trong cơ thể, nhưng bạn chỉ là một người bàng quan. Đó là ý nghĩa thâm sâu nhất của ngụ ngôn, nhưng nó còn có ý nghĩa khác nữa. Vì sẽ có năm trong một nhà: ba sẽ chống hai và hai sẽ chống lại ba; cha chống con và con chống cha; và họ sẽ trở thành đơn độc.
Trong một khía cạnh khác ngụ ngôn này cũng đúng, rằng trong một gia đình năm người, ba sẽ chống hai và hai chống ba. Mỗi khi có người thực sự đi tầm đạo là gia đình lộn xộn, bởi vì đối với gia đình thì người tầm đạo là người nguy hiểm nhất. Gia đình có thể tha thứ bất cứ gì ngoại trừ tôn giáo, bởi vì khi bạn đi tầm đạo, bạn không coi trọng thể xác nữa. Gia đình lấy thể xác làm chuẩn: cha bạn là cha vì thể xác của bạn; bạn liên hệ với cha qua thể xác. Nhưng nếu bạn nhận thức rằng bạn không phải thân xác, ai sẽ là cha? Bạn sẽ liên hệ với cha bằng cách nào? Mẹ cho bạn thể xác, không cho bạn bản thể. Vì quá đồng hóa với thể xác nên bạn nghĩ là mẹ đã sinh ra bạn. Khi bạn không đồng hóa với thể xác, sự đồng hóa ấy bị cắt đứt, thế thì ai là mẹ?
Mẹ chỉ sinh ra thể xác, nhưng thể xác ấy ngày nào sẽ chết đi. Vậy thì mẹ bạn không ban cho bạn sự sống; mà ngược lại, bà đã cho bạn thêm một cái chết. Cha bạn không cho bạn sự sống, mà một triển vọng chết. Một khi bạn không còn đồng nhất với thể xác nữa, bạn bị cắt đứt khỏi gia đinh, bạn bị bật gốc. Vì vậy, nếu bạn có đi với đĩ điếm thì gia đình cũng chấp nhận. Chấp nhận được – không có gì sai – thật ra, bạn càng đồng hóa với thể xác hơn nữa. Bạn có say sưa, có rượu chè cũng được, bởi vì bạn càng được đồng hóa với thể xác. Không có gì sái quấy cả. Nhưng nếu bạn trở thành một thiền nhân, một môn đệ, thì sẽ rắc rối, sẽ khó khăn vì bạn đang bị bật gốc. Thế thì gia đinh không còn sức mạnh đối với bạn nữa; bạn không còn là một phần tử của gia đình nữa; bạn không còn thuộc về thế gian nữa. Vì vậy Chúa nói: cha sẽ chống con, con sẽ chống lại cha. Và tôi đến để gây rối, để chia rẽ, để tạo ra xung đột và ma sát.
Điều ấy đúng lắm. Bạn có thể thờ Phật, nhưng hãy hỏi phụ thân của Ngài – ông ta chống lại Ngài. Hãy hỏi bà con của Phật - họ chống lại Ngài, bởi vì Ngài đã vượt quá sự kiểm soát của họ. Không phải thế thôi: Ngài đã giúp nhiều người khác thoát khỏi sự kiềm tỏa của xã hội, của gia đình (14).
Gia đình là nền tảng của xã hội. Khi bạn thoát khỏi sự kiềm toả của xã hội, bạn gặp phải sự kiểm soát của gia đình, nhưng không có nghĩa là bạn phải thù ghét nó – không phải vậy; cũng không có nghĩa là bạn phải chống lại nó. Nó sẽ xảy ra như vậy, dù bạn muốn hay không. Một khi bạn đi tìm đạo, mọi sự trở nên đảo lộn hết; sự hỗn loạn sẽ xảy ra. Vậy thì bạn phải làm gì? Họ sẽ kéo bạn trở về, họ sẽ đưa bạn trở lại; họ sẽ cố gắng bằng mọi cách. Cần phải làm gì?
Có hai cách: thường thì người ta bỏ trốn, không cho họ một cơ hội nào hết – nhưng tôi nghĩ điều ấy không còn thích hợp nữa. Cách thứ hai là ở lại với họ, nhưng như một kịch sĩ: không cho họ biết rằng bạn đã thoát ly. Hãy đi! Hãy để sự thoát ly ấy trở thành cuộc hành trình nội tâm, nhưng bề ngoài hãy hoàn thành mọi hình thức: hãy tôn kính cha mẹ như một diễn viên tài giỏi. Phương pháp cũ không thể áp dụng cho đám đông. Đó là lý do trái đất này không thể trở thành thánh thiện được - bởi vì bao nhiêu người có thể thoát ly xã hội được? Mà thậm chí họ có thoát ly xã hội, xã hội cũng phải chăm sóc họ. Khi Đức Phật còn tại thế, hay Mahavira, hay Chúa, đã có hàng ngàn người thoát ly. Nhưng cũng chỉ có hàng ngàn – hàng triệu người vẫn bị kẹt lại, và họ phải chăm sóc những người thoát ly kia. Trái đất này không thể thánh thiện được, nếu đó là cách duy nhất. Và điều đó cũng chẳng tốt đẹp gì; sự thoát ly ấy có thể được thực hiện một cách đẹp đẽ hơn, và đó là cách của một diễn viên.
Một môn đệ phải là một diễn viên xuất sắc; nghĩa là bạn không coi trọng nữa, nhưng hãy hoàn thành mọi hình thức bề ngoài. Tận đáy sâu bạn đã bật gốc rồi, nhưng không để lộ là bạn đã bật gốc. Mà để lộ ra có lợi lộc gì đâu? – bởi vì họ sẽ cố gắng thay đổi bạn. Đừng cho họ một cơ hội nào. Hãy biến nó thành một hành trình nội tâm, nhưng bề ngoài chỉ là hình thức. Họ sẽ thích thú, bởi vì họ sống bằng hình thức. Họ chỉ có bề ngoài; họ không cần sự thờ phượng bên trong của bạn. Họ chẳng cần tình yêu bên trong của bạn – chỉ cần hình thức là đủ.
Đó là hai cách: một là của Phật và Chúa, hai là của Janak và tôi. Hãy ở lại chỗ của bạn (15). Đừng tạo ra dấu hiệu bề ngoài là bạn đang thay đổi và muốn tầm đạo, bởi vì nó sẽ gây ra khó khăn mà bạn chưa đủ mạnh. Hãy tạo ra xung đột bên trong, nhưng đừng tạo ra bên ngoài. Xung đột nội tâm đã quá đủ rồi. Nó sẽ giúp bạn tăng trưởng và trưởng thành. Cha chống con và con chống cha; và họ sẽ trở thành đơn độc. Từ ‘đơn độc’ cần phải được hiểu thấu đáo. Khi bạn đi tầm đạo, bạn trở thành đơn độc, xã hội không còn ý nghĩa nữa đối với bạn, bạn là người đơn độc. Và chấp nhận sự đơn độc của bạn là một sự chuyển hóa lớn nhất đã xảy ra cho bạn, bởi vì tâm trí rất sợ sự đơn độc; tâm trí muốn có người nào đó để nương vào. Đơn độc làm cho bạn run rẩy; sợ hãi xâm chiếm bạn. Đơn độc…? Lập tức bạn nhào tới xã hội, tới câu lạc bộ, tới hội nghị, tới đảng phái, tới giáo đường, tới nơi có đám đông, nơi bạn không cảm thấy đơn độc, nơi bạn mất hút trong đám đông. Đó là lý do đám đông trở nên rất quan trọng. Đi tới trường đua, xem ci-nê – nhưng bạn tìm đến đám đông để quên sự đơn độc; ở đó bạn có thể thư thả. Nhưng người tầm đạo là người đơn độc (16), vì ông ấy muốn đạt tới chóp đỉnh của chính mình. Ông ta không muốn bị lạc trong đám đông. Ông ta phải tỉnh thức, tỉnh táo hơn, ý thức hơn, cảnh giác hơn – và ông ta phải chấp nhận sự thật. Sự thật là: mỗi người đều đơn độc, và không có cách nào để hợp quần. Tâm thức của bạn là một đỉnh cao đơn độc. Nhưng đó là cái quyến rũ của nó, và bạn sợ hãi một cách không cần thiết. Hãy tưởng tượng đỉnh Everest của Hi Mã nằm giữa những đỉnh Everest khác – thế thì vẻ đẹp của nó không còn nữa. Everest tuyệt đẹp và thách đố bởi vì nó đơn độc, một đỉnh cao ngạo nghễ. Người tầm đạo chẳng khác đỉnh Everest; ông ta trở thành đỉnh cao đơn độc, một mình, và ông ta sống trên đỉnh ấy và tận hưởng. Điều đó không có nghĩa là ông ta không giao thiệp, không có nghĩa là ông ta không biết yêu. Mà ngược lại, chỉ ông ta mới biết yêu, chỉ ông ta mới biết giao thiệp, bởi vì ông ta hiện diện. Bạn không hiện diện – thế thì sao bạn có thể yêu. Ông ta có thể yêu, nhưng tình yêu ấy không phải là một loại á phiện, ông ta không bị sa ngã. Ông ta có thể chia sẻ, ông ta có thể dâng hiến tất cả mà vẫn tự chủ. Ông ta có thể dâng hiến hết cho bạn mà vẫn không mất mát gì, bởi vì sự tỉnh thức của ông ấy còn mãi trên đỉnh cao bên trong. Ở đó, trong đền thờ ấy, ông ấy vẫn một mình. Không ai đến đó, không ai có thể đến đó được.
Trong cốt lõi thâm sâu nhất của bản thể bạn chỉ có một mình. Sự thuần khiết của đơn độc, vẻ đẹp của đơn độc… Nhưng trái lại, bạn cảm thấy sợ. Bởi vì bạn sống trong xã hội - bạn sinh ra trong xã hội. Bạn được xã hội giáo dục - bạn quên hẳn là bạn có thể một mình. Vậy hãy tìm nơi vắng vẻ trong một vài ngày, chỉ để cảm thấy sự đơnđộc, thì đẹp lắm. Rồi trở lại xã hội, nhưng nhớ mang theo sự đơn độc của bạn. Đừng lạc mất trong đó. Hãy tỉnh thức và cảnh giác: đi vào xã hội, vào đám đông, nhưng giữ lại sự đơn độc. Bạn có thể đơn độc ngay giữa đám đông, nếu bạn muốn; ngay giữa đám đông bạn vẫn có thể đơn độc nếu bạn muốn.
Có lần đạo sư Junnaid (17) đến gặp thầy; Ngài đến một mình lúc thầy đang ngồi trong miễu. Khi Junnaid vừa đến, thầy nói, “Junnaid, đến một mình thôi! Đừng mang theo đám đông!” Junnaid ngoảnh cổ lại, bởi vì Ngài nghĩ lại có người đi sau. Nhưng không có ai hết. Thầy cười và nói, “Đừng nhìn sau lưng. Hãy nhìn vào trong.” Junnaid nhắm mắt lại và thấy quả chẳng sai. Ngài đã bỏ vợ nhưng tâm trí vẫn còn bám víu; Ngài đã từ con, nhưng hình ảnh của chúng vẫn còn trong trí; và những người bạn đến để tiễn Ngài lẫn cuối vẫn còn lởn vởn đâu đó. Thầy nói, “Hãy đi ra và trở lại một mình, bởi vì tôi không thể nói chuyện với đám đông.” Vì thế Junnaid phải chờ bên ngoài một năm để từ bỏ đám đông. Một năm sau thầy gọi, “Junnaid, con đã sẵn sàng, hãy vào đây. Nay con chỉ một mình. Ta có thể đàm đạo.” Bạn có thể mang theo đám đông; bạn cũng có thể ở giữa đám đông nhưng vẫn đơn độc. Hãy thử xem: lần sau khi ở giữa đám đông, hãy cảm thấy sự đơn độc – mà bạn đơn độc nên không thành vấn đề, bạn có thể cảm thấy điều ấy. Và một khi bạn có thể cảm thấy một mình, bạn đã trở thành đơn độc. Chúa nói Ngài đến để biến bạn thành đơn độc, đứng một mình.
“Ta sẽ cho các người những gì mắt chưa từng thấy, những gì mà tai chưa từng nghe, những gì tay chưa sờ đến và những gì chưa hề phát khởi trong tim người.”
Mắt bạn có thể thấy những cái bên ngoài; chúng không thể thấy cái bên trong; không có cách nào cả. Tai bạn có thể nghe những cái bên ngoài, và không thể nghe cái bên trong. Chúng hướng ra ngoài; mọi giác quan đều hướng ngoại; không có một giác quan nào hướng nội cả. Vì thế khi tất cả giác quan ngưng hoạt động, bỗng nhiên bạn lọt vào bên trong. Không có giác quan nào hướng nội.
Chúa Giê-Su nói: Ta sẽ cho các người những gì mà mắt chưa từng thấy – nhưng trước hết phải trở thành đơn độc. Và đó là ý tôi nói phải trở thành môn đệ: người đơn độc. Trước hết hãy trở thành môn đệ, hãy nhận thức rằng bạn đơn độc đã, và thoải mái với sự đơn độc này. Đừng sợ. Hãy tận hưởng; hãy thấy vẻ đẹp của nó, sự im lặng, sự tinh khiết và sự hồn nhiên. Bụi bặm không hề vào đó, bởi vì chưa có ai vào đền thờ đó cả. Muôn đời nó vẫn còn trong sạch, trinh nguyên; chưa có ai đặt chân đến đó. Sự trinh bạch nằm ẩn bên trong bạn.
Hãy trở thành môn đệ, một người đơn độc, và sẽ hiểu Chúa: Ta sẽ cho các người những gì mắt chưa từng thấy. Khi bạn trở thành một ẩn sĩ, hoàn toàn đơn độc, bỗng nhiên bạn nhận ra cái mà mắt không thể thấy, tai không thể nghe, và cái mà tay không thể sờ tới được. Bạn sờ bạn bằng cách nào? Bạn có thể sờ được thân xác, nhưng nó không phải bản thể của bạn. Tay không thể đi vào được; nó không thể sờ được tâm thức của bạn – không có cách nào cả. Và tuyệt diệu nhất là câu cuối cùng; chưa có người nào trên trái đất này nói được như vậy:
… Và những gì chưa hề phát khởi trong tim người.
… Bởi vì linh hồn bạn nằm ngoài ngay cả trái tim của bạn. Dĩ nhiên, tim bạn nằm sâu bên trong, nhưng so với linh hồn của bạn, nó vẫn bên ngoài, không phải bên trong. Tay nằm ngoài, mắt ở ngoài, tim cũng ở ngoài, trên bề mặt. Thậm chí cái cốt lõi thâm sâu nhất cũng không phải trái tim. Thể xác bạn cảm thấy đói; tình yêu cảm thấy ở con tim – không phải cầu nguyện.
Cầu nguyện sâu hơn nữa, sâu hơn con tim. Đó là nhu cầu thể xác; tình yêu là nhu cầu của con tim. Thượng Đế là nhu cầu của siêu việt, không phải của con tim. Bạn phải vượt lên trên tâm trí, bạn phải vượt qua cả con tim nữa.
Bạn phải siêu vượt trên mọi bề mặt để chỉ còn lại trung tâm. Mà cái gì chưa phát khởi trong tim người? Thượng Đế chưa phát khởi trong tim người. Trong tâm trí khoa học, triết học phát khởi; trong tim nghệ thuật phát khởi, thi ca phát khởi – không phải tôn giáo.
Tôn giáo phát khởi tại tầng lớp sâu hơn, tại tầng sâu nhất, mà sâu hơn nữa thì chẳng có gì, tại trung tâm của bạn, và đó không phải con tim. “Ta sẽ cho các người ….. những gì chưa hề phát khởi trong tim người.”
Đó là cái siêu việt, siêu việt và siêu việt. Bạn không thể nắm được nó, không thể thấy được nó, không thể thấy được, thậm chí không thể cảm thấy được. Tại đây Chúa vượt xa hẳn những nhà huyền môn của con tim. Huyền môn có ba loại. Trước hết là nhà huyền môn của óc não - họ bàn về thần học, triết học; họ có đủ loại dẫn chứng về Thượng Đế. Không có bằng chứng nào cả, hoặc là, mọi thứ đều là bằng chứng. Nhưng chẳng cần phải chứng minh, mà bạn cũng chẳng chứng minh Thượng Đế được, bởi vì mọi lý luận đều có thể bị bẻ gẫy, đều có thể bị chứng minh là sai. Lại có những nhà huyền môn của con tim: họ nói về tình yêu, về người yêu, về thánh linh, về Krishna; họ nói bằng ca nhạc, thi ca - họ là những người lãng mạn. Sự tìm kiếm của họ sâu hơn loại óc não, nhưng vẫn không đủ sâu.
Chúa nói, “Ta sẽ cho các người những gì chưa hề phát khởi trong tim người…” ở đó thần học không bén mảng tới được, thi ca không thể thoáng thấy được, nơi đó cả lôgic lẫn tình yêu đều dừng bước. Ta sẽ cho các người những gì chưa hề phát khởi trong tim người.
Đó là loại thứ ba (18), và là khả năng sâu nhất, thâm thúy nhất – và Chúa đã mở ra. Nhưng Ki Tô giáo không hiểu được Ngài. Họ thêu dệt đủ loại học thuyết; Ki Tô giáo bị vướng trong óc não – không phải thuộc về óc não, mà là óc não. Ki Tô giáo đã tạo ra biết bao nhà thần học vĩ đại. Hãy nhìn bộ Summa Theological đồ sộ của thánh Thomas Aquinas (19) với hàng trăm tập. Nhưng chúng trật lất hết vì Chúa không thuộc về óc não. Và cũng vì những nhà thần học óc não này mà những nhà huyền môn của con tim bị tống ra khỏi giáo hội. Eckhart (20) và thánh Phan-Xi-Cô (21) bị trục xuất. Họ bị coi là ngu dốt, hoặc điên khùng, hoặc tà đạo – bởi vì họ nói về con tim, về tình yêu.
Nhưng của hai đều không hiểu Chúa Giê-Su. Ngài không thuộc óc não, cũng chẳng thuộc về con tim; Ngài siêu vượt tất cả. Ngài nói chỉ cần vất bỏ mọi định hướng, bỏ tất cả cái bên ngoài và tìm về cái cốt lõi bên trong, nơi mà chỉ một mình bạn hiện diện, nơi bản thể của bạn ngự trị, nơi chỉ có hiện sinh. Bạn có thể đến đó, mà nếu bạn đến đó được, mọi huyền bí sẽ được hé mở, và mọi cánh của sẽ được mở toang. Nhưng bạn vẫn có thể lạc đường ngay tại ngưỡng cửa. Nếu nghiêng về óc não, bạn sẽ ngưng tại ngưỡng cửa để mà lập lý thuyết, hoặc bạn có thể dừng tại cửa mà thơ thẩn – bàn về thi ca và ca hát.
Mulla Nasrudin có lần đến gặp bác sĩ tâm thần và nói, “Tôi không biết phải làm sao. Xin bác sĩ giúp cho. Tôi chịu hết nổi rồi. Đêm nào tôi cũng nằm mơ đứng ở cửa mà đẩy. Trên cửa có con dấu mà tôi cứ đẩy miết. Đêm nào tôi cũng thức giấc, mồ hôi đầm đìa mà cửa vẫn không mở.” Bác sĩ bắt đầu ghi lại những lời anh nói. Sau hơn nửa tiếng bác sĩ hỏi, “Này Nasrudin, hãy cho tôi biết trên con dấu đó ghi từ gì vậy?” Nasrudin nói, “Trên đó có từ ‘kéo’.” Nếu ‘kéo’ được viết trên cửa thì đừng đẩy; nếu không thì giấc mơ đó sẽ trở lại mãi, bạn sẽ đẩy cho đến tận thế. Mà có vấn đề gì đâu: chỉ cần nhìn từ gì viết trên cửa là xong. Chúa Giê-Su nói chẳng phải óc não, cũng chẳng phải con tim viết trên cửa – nó vượt trên cả hai.
Cho nên chỉ có một việc phải làm: vượt ra ngoài. Đừng trở thành nạn nhân của lôgic, của trí năng, mà cũng đừng trở thành nạn nhân của cảm xúc, của tình cảm. Óc não thuộc về thể xác, mà con tim cũng thuộc về thể xác. Hãy vượt lên trên cả hai. Cái gì nằm ngoài cả hai? Ở đó chính là hiện sinh, ở đó chính là bạn. Sự sống không có bất kỳ thuộc tính nào cả. Sống đơn giản là thiền định – và đó là chữ được viết trên cánh cửa ấy.
Cánh cửa bỗng mở tung ra khi bạn chỉ là một con người đơn giản – không cảm xúc, không ý tưởng; bạn không bị mây mù che phủ, quang đãng, như ngọn lửa không có khói vây quanh; bạn chỉ là ngọn lửa. Bạn đã bước vào trong.
… Và ta sẽ cho các người những cái chưa hề phát khởi trong tim người.

Chú Thích:
1 Matthêu 10.34-35 và Luca 12.51-53
2 Bertrand Russell, triết gia Anh, tiền bán thế kỷ 20, cha đẻ của logic hiện đại. Cùng với Đức Phật, ông được coi là người đã thai nghén ra Fuzzy Logic. Xem Bart Kosko, Fuzzy Thinking: The New Science of Fuzzy Logic
3 Mahavira là tổ thứ 24 của Kỳ Na giáo (Jain). Ngài sống cùng thời nhưng lớn tuổi hơn Đức Phật. Kỳ Na giáo cho rằng trong mỗi chu kỳ của vũ trụ, chỉ có 24 tổ tất cả.
4 Đạo Đức Kinh dạy, “Thắng nhân giả hữu lực. Tự thắng giả cường. Nhu thắng cương. Nhược thắng cường”
5 Đạo Đức Kinh dạy, “Vì ta không tranh với ai, không ai có thể tranh với ta.”
6 Kabala là khoa huyền học của Do Thái
7 Bach Y giáo – Sufism - huyền học của Hồi giáo.
8 Essene là một hội kín ở Do Thái trong thời Chúa Giê-Su. Gần đây một số tài liệu của nhóm ấy đã được khai quật.
9 Gurdjieff là một đạo sư người Nga, sống khoảng tiền bán thế kỷ 20.
10 Một số học giả cho rằng Chúa Giê-Su đã chỉ định người sẽ nộp Ngài cho cho chính quyền để đóng đanh Ngài, bằng cách Ngài nhúng bánh mì vào chén của môn đệ nào, thì người đó sẽ phải tiến hành. (Gioa-An 13:18-30)
11 Giu-da – Judas - một trong mười hai đệ tử của Chúa, thường được nói đã phản bội Chúa bằng cách nộp Ngài cho quân Do Thái để lấy 30 đồng bạc. Xem chú thích 10.
12 Phi-La-Tô – Pontius Pilate – viên toàn quyền La Mã cai trị người Do Thái.
13 Xem “Huyền thuật và các Lạt Ma Tây Tạng”, Nguyên Phong dịch
14 Chúa Giê-Su cũng nói, “Nếu kẻ nào không ghét cha mẹ mình, anh em mình, và cả mạng sống của mình, người đó không thể là đệ tử của ta.” (Lu-Ca 14:26)
15 Thánh A-Lê-Xù là một thí dụ. Ngài đã hiến mình cho Chúa, nhưng khi bị bó buộc kết hôn, Ngài đã bỏ trốn khỏi nhà. Vì gia đình chỉ có Ngài là con phải phụng dưỡng cha me già, Ngài cầu xin Chúa cho Ngài được thay đổi mặt mũi để có thể trở về nhà. Lời cầu ấy đã được chấp nhận. Trong mười bảy năm ở lặng dưới chân thang, Ngài nghe được tiếng than van của cha mẹ, và lời ai oán của người vợ. Cuối cùng trước khi chết Ngài mới thú thật với cha mẹ và vợ là Ngài đã ở với họ bấy lâu nay mà họ không hề hay biết.
16 Virginia Wolf nói, “thi sẽ là người đơn độc.” (A poet is a solitary being), Người tầm đạo cồn hơn thế nữa.
17 Junnaid là một đạo sư của Sufism (Bạch Y giáo)
18 Óc người có hai nửa. Nửa bên trái thiên về lý luận, ngôn ngữ, là do địa hạt của thần học, triết học, khoa học. Nửa phải là của thi ca, nghệ thuật. Tôn giáo vượt trên cả hai.
19 Thánh Thomas Aquinas (1225-1274) là nhà Thần học quan trọng nhất của Ki Tô Giáo. Lâu đài Thần Học của Ki Tô Giáo được xây trên nền tảng triết học của Ngài. Trong bộ Summa Theological, Ngài đưa ra năm dẫn chứng về sự hiện hữu của Thượng Đế.
20 Meitster Eckhart - linh mục và huyền học người Đức. Quan điểm của ngài rất gần với đạo học đông phương: 1. Trong mỗi vật, mỗi loài đều có một điểm linh quang bất sinh, bất diệt, 2. Thượng Đế và linh hồn có cùng một bản tính, 3. Con mắt mà tôi nhìn Thượng Đế cũng chính là con mắt mà Ngài nhìn tôi.
21 Thánh Phan-Xi-Cô (St. Francis) là người đã lập ra dòng Phan-Xi-Cô, lấy khó nghèo làm tôn chỉ.
Xem tiếp Chương 3Quay về Mục lục

Ads Belove Post