Chương 2. Tình yêu tràn ra

Chương 2. Tình yêu tràn ra

Price:

Read more

Osho - Kinh Kim Cương
Chương 2. Tình yêu tràn ra

Câu hỏi thứ nhất:
Liệu có khả năng là vô trí tiến hoá hoàn toàn tự nhiên từ tâm trí không có đấu tranh, khổ não, không có bùng nổ, đập búa, cắt gọt và các hành động hoang dại như vậy không? Ngay cả cái ý niệm về vô trí, có vẻ như xuất phát từ tâm trí và siêu việt lên trên tâm trí, có phải nó là một hình thái kiểu hạt mầm của vô trí không? Liệu có ích gì để thiền về những dòng khái niệm siêu việt trên tâm trí như vĩnh hằng, niết bàn, cái chết? Tâm trí tôi dường như bùng nổ khi tôi làm vậy. Tôi có cảm giác tôi đang đẩy qua giới hạn của chính mình, và tôi sợ trở nên bị tâm thần phân liệt.
Vô trí không thể nảy sinh từ tâm trí được. Nó không phải là sự phát triển của tâm trí, nó không trong sự liên tục với tâm trí; nó là gián đoạn. Nó cũng gián đoạn như bệnh tật gián đoạn với mạnh khoẻ. Mạnh khoẻ không nảy sinh từ bệnh tật; nó nảy sinh từ việc vứt bỏ bệnh tật. Bệnh tật xâm chiếm không gian và không cho phép mạnh khoẻ nở hoa. Bệnh tật phải bị vứt bỏ. Nó cũng tựa như tảng đá chắn đường con suối nhỏ. Bạn nhấc tảng đá đó ra và dòng suối lại chảy. Dòng suối không bắt nguồn từ tảng đá. Tảng đá chỉ chắn đường nó; tảng đá là một khối chắn. Tâm trí cũng thế. Tâm trí là cái ngăn cản vô trí.
Vô trí đơn giản nghĩa là cái không phải là tâm trí chút nào. Làm sao nó có thể nảy sinh ra được từ tâm trí cơ chứ? Nếu nó nảy sinh ra từ tâm trí, thì nó có thể là siêu trí, nhưng nó không thể là vô trí được. Đấy chính là chỗ tôi khác với Shree Aurobindo. Ông ấy nói về siêu trí. Siêu trí cũng chính là tâm trí có trang điểm hơn, có học thức hơn, lịch sự hơn, phức tạp hơn, mạnh hơn, tổng hợp hơn - nhưng mọi lúc nó vẫn cứ là tâm trí ấy thôi.
Phật không nói về siêu trí mà nói về vô trí; không nói về siêu linh hồn mà về vô linh hồn; không nói về siêu cá nhân, siêu ngã, mà nói về vô ngã, anata. Chính trong việc nói về điều đó mà Phật là duy nhất và hiểu thấu của ông ấy là sâu sắc nhất. Siêu trí là sự phát triển, vô trí là bước nhảy vọt, bước nhảy. Vô trí chẳng liên quan gì với tâm trí cả. Thậm chí chúng còn chưa bao giờ gặp nhau, chúng chưa bao giờ đối đầu lẫn nhau. Khi tâm trí có đó thì vô trí không có đó. Khi vô trí có đó thì tâm trí không có đó. Chúng thậm chí còn chẳng nói lời chào nhau - chúng không thể nói được. Hiện diện của cái này nhất thiết là vắng mặt của cái kia. Cho nên nhớ điều đó.
Đó là lí do tại sao tôi nói Shree Aurobindo chưa bao giờ trở nên chứng ngộ. Ông ấy vẫn còn trau chuốt tâm trí.
Ông là một tâm trí vĩ đại, nhưng là một tâm trí vĩ đại thì không phải là chứng ngộ. Đấy cũng là trường hợp của Bertrand Russel, một tâm trí vĩ đại. Nhưng là một tâm trí vĩ đại thì không phải là chứng ngộ. Đấy cũng là trường hợp của Friedrich Nietzsche, một tâm trí vĩ đại - mà Aurobindo và Nietzsche có nhiều điểm tương đồng. Nietzsche nói về siêu nhân và Aurobindo cũng nói về siêu nhân. Nhưng siêu nhân sẽ là một người được phóng chiếu. Siêu nhân sẽ là con người này; tất cả những nhược điểm đều bị xoá bỏ, tất cả những điểm mạnh đều được làm mạnh thêm - nhưng vẫn là con người này thôi. Lớn hơn con người này, khoẻ hơn con người này, cao hơn con người này, nhưng vẫn trên cùng một chiều dài bước sóng, cùng chiếc thang. Không có thay đổi triệt để nào, chưa bao giờ có gián đoạn.
Vô trí nghĩa là gián đoạn với tất cả những cái bạn đang là. Bạn phải chết đi để cho vô trí hiện hữu.
Cho nên điều đầu tiên. Bạn hỏi "Liệu có khả năng là vô trí tiến hoá hoàn toàn tự nhiên từ tâm trí được không?" Không. Nó không phải là tiến hoá, nó là cách mạng. Tâm trí bị vứt bỏ và bỗng nhiên bạn tìm ra vô trí có đó, bao giờ cũng có đó. Tâm trí bao quanh bạn, làm cho bạn lẫn lộn, không cho phép bạn thấy được cái đang đấy. Cho nên nó không phải là tiến hoá.
Và bạn hỏi, "Có khả năng không có đấu tranh, khổ não được không?" Chẳng có liên quan gì tới đấu tranh và khổ não cả. Vô trí chẳng liên quan gì với đấu tranh và khổ não cả. Nó không bắt nguồn từ đấu tranh và khổ não. Bất kì cái gì bắt nguồn từ đấu tranh và khổ não đều mang những vết thương. Ngay cả khi đã được chữa lành, bạn vẫn còn mang những vết sẹo. Cái đó sẽ lại là sự liên tục.
Đấu tranh và khổ não không phải dành cho vô trí; đấu tranh và khổ não nảy sinh vì tâm trí vật lộn để giữ cho nó trong quyền lực. Đấu tranh là do tâm trí đưa ra. Tâm trí không chịu đi, tâm trí muốn ở lại. Tâm trí đã trở nên quyền thế đến vậy; nó chiếm lĩnh bạn. Nó nói, "Không, ta không bỏ cuộc đâu. Ta cứ ở lại đây đấy." Toàn bộ vật lộn và khổ não đều bởi tâm trí. Vô trí chẳng liên quan gì đến nó cả. Và bạn sẽ phải trải qua khổ não và vật lộn này. Nếu bạn không trải qua khổ não và vật lộn, tâm trí sẽ không định rời bỏ bạn đâu.
Và lần nữa để tôi nhắc lại: vô trí không sinh ra từ đấu tranh của bạn; từ đấu tranh của bạn chỉ có tâm trí đến. Vô trí đến không có đấu tranh nào. Tảng đá đem đến cho bạn tranh đấu. Nó không chịu nhúc nhích. Nó nằm đó từ hàng thế kỉ, hàng nghìn năm rồi - bạn là ai mà muốn bẩy nó đi? "Mà anh đang nói về con suối nào vậy? Không có con suối nào cả. Ta đã nằm đây hàng thế kỉ nay và ta biết - chẳng có con suối nào cả. Quên tất cả cái đó đi!" Nhưng bạn muốn bẩy tảng đá này đi. Tảng đá nặng lắm, tảng đá đã bắt rễ vào đất. Nó ở đấy quá lâu rồi. Nó có sự gắn bó; nó không muốn đi. Và nó chẳng biết gì về con suối cả. Nhưng bạn phải bẩy tảng đá này đi. Chừng nào còn tảng đá này còn chưa bị bẩy đi, con suối sẽ không chảy được.
Bạn hỏi, "... không có bùng nổ, đập búa, cắt gọt và các hành động hoang dại như vậy không?" Vô trí chẳng liên quan gì đến hành động của bạn cả. Nhưng tâm trí sẽ không ra đi. Bạn sẽ phải đập búa, cắt gọt và bạn sẽ phải làm cả nghìn lẻ một thứ.
Chính ý niệm về vô trí có vẻ như xuất phát từ tâm trí và siêu việt lên trên tâm trí, có phải nó là một hình thái kiểu hạt mầm của vô trí không?
Không - chẳng có hạt mầm nào của vô trí trong tâm trí cả. Tâm trí không thể chứa ngay cả hạt mầm của vô trí được. Tâm trí không có không gian để chứa nó. Vô trí bao la, tựa bầu trời. Làm sao nó có thể bị hàm chứa trong một vật tí hon, tâm trí? Mà tâm trí đã quá đầy - đầy những ý nghĩ, những ham muốn, những tưởng tượng, những kí ức. Không còn chỗ nữa.
Ngay điều đầu tiên nó đã rất tí hon - nó không thể chứa được vô trí. Điều thứ hai nó đầy thế, quá đông đúc, ồn ào thế. Vô trí im lặng, tâm trí ồn ào. Tâm trí không thể chứa đựng được nó; tâm trí phải dừng lại. Trong việc dừng lại đó là sự bắt đầu của cuộc sống mới, con người mới, thế giới mới.
Bạn hỏi, "Liệu có ích gì để thiền về những dòng khái niệm siêu việt trên tâm trí như vĩnh hằng, niết bàn, cái chết?"
Những cái gọi là khái niệm siêu việt trên tâm trí cũng vẫn là những khái niệm và là của tâm trí. Khi bạn nghĩ về vĩnh hằng, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ nghĩ. Khi bạn nghĩ về niết bàn, cái gì xảy ra? Tâm trí bạn xoay vòng và thêu dệt, và tâm trí bạn sẽ đem lại cho bạn những ý niệm đẹp đẽ về niết bàn - nhưng đấy sẽ là tất cả các công việc của tâm trí.
Bạn có thể nghĩ gì về cái chết? Bạn sẽ nghĩ gì nếu bạn nghĩ về cái chết? Bạn không biết! Làm sao bạn có thể nghĩ về bất kì cái gì mà bạn không biết?
Tâm trí có khả năng hoàn hảo trong việc lặp lại cái đã biết; với cái không biết, nó bất lực. Bạn chẳng biết gì về cái vĩnh hằng cả, tất cả những gì bạn biết đều là thời gian. Ngay cả khi bạn nghĩ tới cái vĩnh hằng, đấy cũng chẳng là gì khác hơn là thời gian được kéo dài, thời gian được trải ra - nhưng nó là thời gian. Bạn biết gì về niết bàn nào? - tất cả những gì bạn đã nghe về nó, đọc về nó. Đấy không phải là niết bàn.
Từ ‘niết bàn’ không phải là niết bàn, và khái niệm về niết bàn cũng không phải là niết bàn. Từ ‘thượng đế’ không phải là Thượng đế, và tất cả những bức tranh và pho tượng đã được tạo ra về Thượng đế đều chẳng liên quan gì tới Ngài cả - vì Ngài không có tên, cũng không có hình tướng. Và bạn định nghĩ gì về cái chết? Làm sao bạn có thể nghĩ về cái chết được? Bạn đã nghe phong thanh về nó, bạn đã nhìn thấy vài người chết, nhưng bạn chưa bao giờ thấy cái chết cả. Khi bạn nhìn một người chết, bạn thấy gì? Người đó không thở nữa; đấy là tất cả những gì bạn thấy. Thân thể người đó lạnh đi; đấy là tất cả những gì bạn thấy. Còn gì nữa không? Cái chết như vậy sao? - thân thể dần lạnh đi, hơi thở dừng lại thôi sao? Tất cả có vậy thôi sao? Cái gì đang xảy ra cho cốt lõi sâu thẳm của người đó? Bạn không thể biết được nếu bạn không chết. Bạn không thể biết được mà không qua kinh nghiệm. Cách duy nhất để biết về cái chưa biết là kinh nghiệm nó.
Cho nên những khái niệm này chẳng ích gì cả. Ngược lại chúng còn có thể làm mạnh thêm tâm trí, vì tâm trí sẽ nói, "Xem đây, tớ còn có thể đưa cho đằng ấy những khái niệm siêu việt lên trên tâm trí nữa đấy. Nhìn những điều tớ đang làm cho đằng ấy. Giữ tớ mãi với đằng ấy. Tớ sẽ giúp cho đằng ấy trở nên chứng ngộ. Không có tớ, đằng ấy chẳng đi đến đâu cả. Không có tớ, làm sao đằng ấy có thể nghĩ về cái chết, về niết bàn, về vĩnh hằng? Tớ tuyệt đối cần thiết cho đằng ấy. Không có tớ đằng ấy sẽ chẳng là cái gì cả."
Không, suy ngẫm kiểu ấy chẳng ích gì cả. Bạn phải thấy điều đó - rằng tâm trí chẳng ích gì cả. Khi bạn thấy vấn đề là tâm trí chẳng có ích chút nào, trong chính cái vô ích đó, trong chính cái trạng thái đó, có im lặng; tất cả đều dừng lại. Nếu tâm trí không thể làm được bất kì việc gì, thế thì chẳng có gì còn lại phải làm cả. Bỗng nhiên mọi suy nghĩ đều bị tê liệt; nó thành vô dụng. Trong tê liệt đó bạn sẽ có thoáng nhìn đầu tiên vào vô trí... hệt như cánh cửa sổ nhỏ sẽ mở ra. Trong việc dừng lại của tâm trí, bạn sẽ có nếm trải về vô trí. Và rồi mọi sự bắt đầu chuyển động. Thế thì sẽ dễ dàng cho bạn hơn để lạc vào cõi vô biên.
Bạn không thể suy ngẫm, bạn phải đi vào trong nó. Suy tư về nó chỉ là hoạt động giả tạo; đấy là một loại trốn tránh, né tránh. Bạn sợ cái chết; bạn nghĩ về cái chết. Bạn sợ niết bàn; bạn nghĩ về niết bàn. Suy nghĩ cho bạn cảm giác rằng bạn có khả năng thậm chí suy nghĩ về cái chết và về niết bàn.
"Tâm trí tôi bùng nổ khi tôi suy ngẫm."
Tâm trí rất láu cá. Nó phải đánh lừa bạn - vì tâm trí không thể bùng nổ khi bạn đang nghĩ. Bạn đang nghĩ về cái gì cũng chẳng thành vấn đề; trong khi bạn nghĩ, tâm trí không thể bùng nổ được. Tâm trí sẽ thích thú làm chuyện đó, và trong chính thích thú đó bạn đang nghĩ là bạn bùng nổ.
"Tôi có cảm giác tôi đang vượt qua giới hạn của chính mình, và tôi sợ trở nên bị tâm thần phân liệt."
Dinesh, bạn không cần phải sợ ngay cả việc trở thành bị tinh thần phân liệt, bởi lẽ bạn đã bị rồi - mọi người đều bị bệnh ấy. Tâm trí là tâm thần phân liệt, vì tâm trí chẳng biết gì về cái thống nhất. Tâm trí bao giờ cũng chia chẻ. Tâm trí bao giờ cũng có các phương án. Hiện hữu hay không hiện hữu, làm cái này hay làm cái kia. Tâm trí bao giờ cũng lưỡng lự. Ngay cả khi bạn đã chọn cái gì đó thì đấy cũng chỉ là một phần của tâm trí chọn điều ấy; phần khác vẫn cứ chống lại điều đó.
Tâm trí chẳng bao giờ toàn bộ cả, cho nên tâm trí là tinh thần phân liệt. Bạn không cần phải sợ về điều đó. Cứ ở trong tâm trí là đã bị tinh thần phân liệt rồi. Chỉ có các vị phật mới vượt ra ngoài điều đó. Toàn bộ loài người đều bị tinh thần phân liệt, nhiều ít khác nhau. Khi bạn vượt quá một điểm nào đó thì bạn phải tìm kiếm bác sĩ tâm thần, nhưng sự khác biệt chỉ ở mức độ; sự khác biệt chỉ ở số lượng chứ không ở chất lượng. Thậm chí giữa bạn và nhà phân tâm học cũng chỉ có sự khác biệt về mức độ.
Nhớ lấy, tâm trí sẽ chẳng ích gì cả. Tâm trí không thể có ích được, tâm trí chỉ có thể cản trở. Khi thấy được điều này thì vô trí tới. Không phải là bạn đem nó tới; nó tới theo cách riêng của nó.
Câu hỏi thứ hai:
Osho kính yêu,
Trong lời kinh hôm qua, Phật nói ‘Hành giả đi theo con đường của bồ tát cần phải quyết tâm dẫn dắt tất cả chúng sinh đến niết bàn, nơi chẳng còn để lại cái gì ở phía sau.’ Osho, vậy niết bàn là cõi nào, mà chẳng để lại gì ở sau?
Phật đã nói tới hai loại niết bàn. Loại thứ nhất, ông ấy gọi là ‘hữu dư y niết bàn’ nghĩa là niết bàn có chỗ dựa. Cái cây đã biến mất, cái cây ham muốn. Tán lá, các lá, hoa, quả - tất cả đã biến mất. Nhưng bộ rễ vẫn còn đó trong lòng đất, ẩn trong nền đất tối. Từ bên ngoài, cái cây không còn nữa, nhưng cây vẫn có thể mọc lại. Nền móng vẫn còn đó, mầm vẫn chưa bị thui cháy. Điều này ông ấy gọi là niết bàn có chỗ dựa.
Loại niết bàn này giống hệt như cái Patanjali gọi sabeej samadhi - ‘samadhi có chủng tử’. Nhìn từ bên ngoài rất khó thấy nó. Cái cây đã bị vứt bỏ hoàn toàn, nhưng bên dưới mặt đất, bộ rễ vẫn sống, đợi cho tới đúng thời điểm để mọc lại. Mưa sẽ tới và chúng sẽ mọc ra. Chúng đang đợi tới mùa của mình, đợi tới khoảnh khắc khẳng định lại mình.
Đây là trạng thái mà nhiều lần bạn đã đi tới điểm tâm trí biến mất, vô trí được cảm thấy, nhưng rồi lần nữa tâm trí trở lại, lần nữa nó lại mọc ra. Bạn lên tới một đỉnh cao. Trong khoảnh khắc đó của kinh nghiệm đỉnh, bạn nghĩ tất cả đã chấm dứt, bây giờ bạn sẽ chẳng bao giờ rơi ngược trở lại cái thung lũng tăm tối nữa. Bạn nghĩ rằng bạn sẽ chẳng bao giờ quay trở lại những ngày khốn khổ và u tối đó; rằng đêm tối của linh hồn đã qua rồi; rằng buổi sáng đã tới, rằng mặt trời đã lên.
Nhưng lần nữa một hôm bạn bỗng nhiên thấy mình lại trượt ngược vào bóng tối - lần nữa lại thung lũng, lần nữa ánh sáng lại không còn nữa, lần nữa cái kinh nghiệm đỉnh chỉ còn là một kỉ niệm. Và người ta bắt đầu trở nên hoài nghi liệu nó có thực xảy ra hay không. "Hay mình chỉ tưởng tượng ra thôi? Hay có thể mình chỉ mơ màng"... Vì nếu điều đó đã xảy ra, thì nó đi đâu rồi? Cái đỉnh cao đầy ánh mặt trời đó đâu rồi? Những khoảnh khắc cực lạc đó đâu rồi? Và khốn khổ đã trở lại rồi khổ não đã trở lại rồi đau đớn đã trở lại. Bạn lại rơi vào địa ngục lần nữa. Điều này xảy ra nhiều lần.
Điều đó Phật gọi là niết bàn có chỗ dựa; sabeej samadhi theo lời Patanjali. Phần hiểu lộ ra thế giới đã biến mất, nhưng cái mầm chưa hiểu lộ của nó vẫn còn đó.
Loại niết bàn thứ hai Phật gọi là ‘vô dư y niết bàn’, tức niết bàn không chỗ dựa. Theo lời Patanjali nirbeej samadhi - samadhi không chủng tử. Cái cây không những đã bị phá huỷ, mà cái mầm của nó cũng bị thui cháy. Hạt mầm đã thui cháy thì không thể mọc lại được nữa; tất cả nền tảng đều biến mất. Thế thì bạn vẫn còn trên đỉnh mãi mãi, thế thì không có việc rơi trở lại nữa.
Đó là điều Phật nói trong lời kinh hôm qua, hành giả đi theo con đường của bồ tát cần phải quyết tâm "dẫn dắt tất cả chúng sinh vào niết bàn, ... vào trong cõi niết bàn nơi chẳng còn để lại cái gì ở phía sau." Nơi không để lại chỗ dựa nào, không còn rễ, không còn mầm đằng sau.
Câu hỏi thứ ba:
Osho kính yêu,
Thiền có thái độ thế nào đối với dục? Thiền  nhân dường như thuộc loại người trung tính, hay là được bao bọc một lớp hào quang á dục.
Thiền không có thái độ nào đối với dục cả, và điều đó làm nên vẻ đẹp của thiền. Có thái độ nghĩa là bạn vẫn còn bị ám ảnh theo cách này hay cách khác. Ai đó chống lại dục - người đó có một thái độ; và ai đó ủng hộ dục - người đó có một thái độ. Chống đối và ủng hộ đi đôi với nhau như hai bánh xe của cỗ xe. Chúng không phải là kẻ thù của nhau, chúng là bạn bè, đối tác của nhau trong cùng một công việc.
Thiền không có thái độ nào đối với dục cả. Tại sao người ta lại phải có thái độ đối với dục? Đó là cái đẹp của thiền - thiền là hoàn toàn tự nhiên. Bạn có thái độ gì về uống nước không? Bạn có thái độ gì về ăn cơm không? Bạn có thái độ gì về đi ngủ trong đêm không? Chẳng có thái độ gì.
Tôi biết có những người điên, cứ đòi có thái độ về những điều này nữa: rằng người ta không nên ngủ quá năm tiếng một ngày. Ngủ là một loại tội lỗi, mội cái gì đó tựa như cái ác cần thiết, cho nên người ta không nên ngủ quá năm tiếng; hay ở Ấn Độ có người nghĩ chỉ ngủ ba tiếng thôi. Và tôi đã bắt gặp một người đã mười năm không ngủ - và thiên hạ tôn sùng ông ta duy nhất chỉ vì việc ấy; ông ấy chẳng có cái gì khác, chẳng có tài năng sáng tạo gì khác. Đó là cái tài độc nhất của ông ta. Có thể ông ta chỉ bị bệnh mất ngủ. Có thể thậm chí đây cũng chẳng phải là tài cán gì, có thể ông ta không thể nào ngủ được thôi. Ông ta bị thần kinh đến mức ông ta không thể thảnh thơi được, ông ta trông như người điên. Người ta sẽ phát điên nếu mười năm không ngủ được. Vậy mà mọi người cứ tới, đám đông cứ kéo tới, để tỏ lòng sùng bái ông ta: “Ông ấy đã đạt được cái gì đó lớn lao.” Ông ta đạt được điều gì nào? Có gì mà đạt được ở đấy cơ chứ? Ông ta là chỉ là người bất bình thường, người có bệnh. Ngủ là tự nhiên. Và ông ta nhất định là rất căng thẳng - ông ta là sự căng thẳng. Chắc ông ta phải sôi sùng sục bên trong. Nghĩ mà xem, tận mười năm không ngủ! Nhưng bây giờ điều ấy đã trở thành món đầu tư lớn, bây giờ nó đang trả lại tiền. Cái điên khùng của ông ấy trở thành món đầu tư; bây giờ hàng nghìn người tôn sùng ông ta - chỉ vì việc này thôi sao?
Thời nào cũng vậy, đây là một trong những đại hoạ lớn nhất - đó là việc mọi người đã sùng bái đối với những điều không sáng tạo và đôi khi còn bệnh hoạn nữa. Thế thì bạn có thái độ với việc ngủ. Có những người có thái độ với thức ăn.
Phải ăn thế này hay phải ăn thế khác; phải ăn vừa chừng, không nhiều hơn thế nọ. Họ không lắng nghe thân thể, liệu thân thể có đói hay không. Họ có một ý niệm nào đó và áp đặt ý niệm đó vào tự nhiên.
Thiền không có thái độ nào đối với dục cả. Thiền rất giản dị. Thiền là hồn nhiên. Thiền là như trẻ thơ. Nó nói chẳng cần phải có thái độ gì. Tại sao? Bạn có thái độ gì đối với việc hắt hơi không? - hắt hơi hay không, liệu điều đó là tội lỗi hay đức hạnh? Bạn chẳng có thái độ nào cả. Nhưng tôi đã bắt gặp một người luôn chống lại việc hắt hơi, và bất kì khi nào người này hắt hơi, ông ta liền đọc ngay câu mật chú để tự bảo vệ mình. Ông ta theo một giáo phái ngây ngô. Giáo phái này nghĩ rằng khi bạn hắt hơi thì linh hồn bạn đi ra. Trong hắt hơi, linh hồn đi ra, và nếu bạn không tưởng nhớ tới Thượng đế thì nó có thể không trở lại nữa. Cho nên bạn cần phải tưởng nhớ, bạn phải lập tức tưởng nhớ để cho linh hồn được quay lại. Nếu bạn chết trong khi hắt hơi thì bạn sẽ xuống địa ngục.
Bạn có thể có thái độ về bất kì cái gì. Một khi bạn có thái độ, hồn nhiên của bạn bị phá huỷ và những thái độ đó bắt đầu kiểm soát bạn. Thiền không ủng hộ điều gì mà cũng chẳng chống lại điều gì. Thiền nói bất kì cái gì bình thường cũng đều tốt. Là bình thường, là không ai cả, là cái không, không có ý thức hệ gì, không có cá tính, là vô cá tính...
Khi bạn có cá tính, bạn có một loại bệnh thần kinh nào đó. Cá tính nghĩa là cái gì đó đã trở thành cố định trong bạn. Cá tính nghĩa là quá khứ của bạn. Cá tính nghĩa là huấn luyện, trau dồi. Khi bạn có cá tính, bạn bị cầm tù trong đó, bạn không còn được tự do nữa. Khi bạn có cá tính, bạn có lớp áo giáp bao quanh bản thân mình. Bạn không còn là người tự do nữa. Bạn đang mang nhà tù quanh mình; nó là nhà tù rất tinh tế. Con người thật sẽ là vô cá tính.
Tôi muốn ngụ ý gì khi tôi nói người đó là vô cá tính? Người đó sẽ tự do với quá khứ. Người đó sẽ hành động trong từng khoảnh khắc tương ứng với khoảnh khắc ấy. Người đó sẽ tự phát; mà chỉ người đó mới có thể tự phát được. Người đó sẽ không nhìn vào kí ức để biết mình phải làm gì. Tình huống nảy sinh và bạn đang nhìn vào trong kí ức - thế thì bạn có cá tính. Thế thì bạn đang hỏi quá khứ của mình, "Mình phải làm gì đây?" Khi bạn không có cá tính nào, bạn đơn giản chỉ nhìn vào tình huống và tình huống quyết định điều gì phải được làm. Thế thì điều đó là tự phát và có đáp ứng nhưng không phải là phản ứng.
Thiền không có hệ thống niềm tin về bất kì cái gì, và điều đó bao hàm cả về dục nữa: Thiền chẳng nói gì về nó cả. Và điều đó nên là điều tối thượng. Mật tông có thái độ về dục. Lí do? - nó cố gắng uốn nắn lại điều xã hội đã làm. Mật tông là thuốc. Xã hội đã kìm nén dục; Mật tông tới như một phương thuốc để giúp bạn uốn nắn lại, làm quân bình. Bạn quá nghiêng về bên trái; Mật tông tới và giúp bạn nghiêng về bên phải. Nhưng đôi khi việc lấy lại cân bằng của bạn lại đòi hỏi bạn nghiêng thêm một chút về bên phải, chỉ thế thì mới thu lại được cân bằng. Bạn đã xem người đi thăng bằng trên dây chưa? Người đó cầm trong tay một cây sào dài để giữ thăng bằng. Nếu người đó cảm thấy bị nghiêng quá nhiều về bên trái, người đó lập tức nghiêng cây sào sang phải. Thế rồi người đó lại cảm thấy rằng bây giờ người đó đã nghiêng quá nhiều sang phải, người đó bắt đầu nghiêng sang trái. Đấy là cách người đó giữ ở giữa. Mật tông là phương thuốc.
Xã hội đã tạo ra tâm trí kìm nén, tâm trí phủ định cuộc sống, tâm trí phản lại niềm vui. Xã hội rất chống đối lại dục.
Tại sao xã hội chống đối dục đến thế? - tại vì, nếu bạn cho phép người ta có quyền hưởng hoan lạc dục, bạn không thể biến họ thành nô lệ được. Điều ấy là không thể được - người vui sướng không thể bị bắt trở thành kẻ nô lệ được. Đó là mánh khoé. Chỉ người buồn mới có thể bị biến thành thành nô lệ. Người vui sướng là người tự do; người đó có một loại độc lập của mình.
Bạn không thể tuyển mộ những người tràn ngập niềm vui tham gia chiến tranh. Không thể được. Tại sao họ phải tham gia chiến tranh? Nhưng nếu một người đã kìm nén dục, người đó sẵn sàng tham gia chiến tranh, người đó hăm hở tham gia chiến tranh, vì người đó còn chưa có thể hưởng thú cuộc sống. Người đó trở nên không có khả năng tận hưởng cuộc sống, do đó trở thành không có khả năng sáng tạo. Bây giờ người đó chỉ có thể làm một điều - người đó có thể phá huỷ. Toàn bộ năng lượng của người đó đã trở thành độc hại và huỷ diệt. Người đó sẵn sàng lao vào chiến tranh - không chỉ sẵn sàng, người đó còn khao khát về chiến tranh. Người đó muốn giết người, người đó muốn phá huỷ. Trên thực tế, khi phá huỷ con người, người đó có niềm vui gián tiếp của việc thấm sâu. Sự thấm sâu đáng phải có trong tình yêu và đáng phải đẹp đẽ. Khi bạn thấm sâu vào thân thể người phụ nữ trong tình yêu, thì đấy là một việc. Đấy là tâm linh. Nhưng khi mọi việc đi sai và bạn thấm sâu vào thân thể ai đó bằng lưỡi gươm, bằng mũi giáo, thì đấy là xấu xa, đấy là bạo hành, đấy là huỷ diệt. Nhưng bạn đang tìm kiếm cái thay thế cho việc thấm sâu.
Nếu xã hội được phép hoàn toàn tự do vui sướng, không ai mang tính huỷ diệt cả. Những người có thể yêu một cách đẹp đẽ không bao giờ là huỷ diệt cả. Và những người có thể yêu một cách đẹp đẽ và có niềm vui cuộc sống cũng sẽ không phải là kẻ cạnh tranh nhau. Đó là những vấn đề.
Đó là lí do tại sao những người nguyên thuỷ không mấy cạnh tranh nhau. Họ tận hưởng cuộc sống của mình. Ai bận tâm có ngôi nhà lớn hơn? Ai bận tâm có số dư ngân hàng lớn hơn? Để làm gì? Bạn đang hạnh phúc với người đàn bà của mình, với người đàn ông của mình, và bạn đang có điệu vũ của cuộc sống. Ai muốn ngồi ở bãi chợ hết giờ nọ sang giờ kia, hết ngày nọ qua ngày kia, hết năm nọ qua năm kia, để mà hi vọng rằng cuối cùng bạn sẽ có số dư ngân hàng lớn và rồi bạn sẽ nghỉ hưu và tận hưởng? Ngày ấy sẽ chẳng bao giờ tới đâu. Nó không thể tới được, vì toàn bộ cuộc sống của bạn vẫn còn như kẻ khổ hạnh.
Nhớ lấy, các nhà kinh doanh đều là kẻ khổ hạnh. Họ đã cống hiến mọi thứ cho tiền bạc. Bây giờ một người biết đến tình yêu và đã biết đến nỗi xúc động của tình yêu và niềm cực lạc của nó, thì không muốn ganh đua. Người đó sẽ hạnh phúc nếu người đó có thể có được miếng ăn hàng ngày. Đó là ý nghĩa lời cầu nguyện của Jesus, "Xin cho chúng con mẩu bánh hàng ngày..." Thế là quá đủ. Bây giờ Jesus có vẻ ngây ngô. Ông ấy đáng phải yêu cầu, "Xin cho con số dư ngân hàng lớn hơn." Thế mà ông ấy chỉ xin có miếng ăn hàng ngày thôi sao? Một người vui sướng thì chẳng bao giờ yêu cầu nhiều hơn thế. Niềm vui sướng là quá sung mãn.
Chỉ có những người còn chưa thoả mãn mới mang tính cạnh tranh, vì họ nghĩ cuộc sống không phải là ở đây; nó ở kia cơ. "Tôi phải tới Delhi để trở thành tổng thống", hay tới Nhà Trắng và trở thành thế này thế nọ... "Tôi phải tới đó, niềm vui là ở đó"; vì họ biết ở đây không có niềm vui. Cho nên họ bao giờ cũng cứ đi, đi, đi mãi. Họ bao giờ cũng cứ đi, và họ chẳng bao giờ đạt tới. Còn người biết tới niềm vui thì ở đây. Tại sao người đó phải đến Delhi? Để làm gì cơ chứ? Người đó hoàn toàn hạnh phúc ở đây bây giờ. Nhu cầu của người đó rất nhỏ. Người đó không có ham muốn. Người đó chắc chắn có nhu cầu, nhưng không có ham muốn. Nhu cầu có thể được thoả mãn, ham muốn chẳng bao giờ. Nhu cầu là tự nhiên, ham muốn là suy đồi.
Bây giờ toàn bộ xã hội này phụ thuộc vào một điều và đó là kìm nén dục; bằng không nền kinh tế sẽ bị phá huỷ, bị phá hoại. Chiến tranh sẽ biến mất và cùng với nó toàn bộ bộ máy chiến tranh, và chính trị sẽ trở thành vô nghĩa và chính trị gia sẽ chẳng còn quan trọng nữa. Tiền bạc sẽ không có giá trị nếu con người được phép yêu. Vì con người không được phép yêu nên tiền bạc trở thành vật thay thế, tiền bạc trở thành tình yêu của họ. Cho nên có một chiến lược tinh vi. Dục phải bị kìm nén, bằng không toàn bộ cấu trúc xã hội sẽ sụp đổ ngay lập tức.
Chỉ có tình yêu tràn ra trong thế giới mới đem đến cách mạng. Chủ nghĩa cộng sản đã thất bại, chủ nghĩa phát xít đã thất bại, chủ nghĩa tư bản đã thất bại. Tất cả các ‘chủ nghĩa’ đều thất bại bởi vì sâu bên dưới, tất cả chúng đều kìm nén dục. Về phương diện này, không có khác biệt - không có khác biệt giữa Washington và Moscow, Bắc kinh và Delhi - không có khác biệt nào hết cả. Tất cả họ đều đồng ý về một điểm - rằng dục cần phải bị kiểm soát, rằng người ta phải không được phép có niềm vui hồn nhiên trong dục.
Mật tông tới để lập lại quân bình; Mật tông là phương thuốc, cho nên nó nhấn mạnh quá nhiều vào dục. Những cái gọi là tôn giáo nói dục là tội lỗi, còn mật tông nói dục là hiện tượng thiêng liêng duy nhất. Mật tông là phương thuốc. Thiền không phải là phương thuốc. Thiền là trạng thái khi bệnh tật đã biến mất - và tất nhiên, cùng mất đi với bệnh thì thuốc cũng mất đi nữa. Một khi bạn đã được chữa lành khỏi bệnh, bạn không còn giữ lại toa thuốc và cả lọ thuốc và thuốc với mình. Bạn vứt chúng đi. Chúng vào sọt rác.
Xã hội thông thường chống dục; Mật tông tới để giúp loài người, để trả lại dục cho loài người. Và khi dục đã được trả lại, thì nảy sinh Thiền. Thiền không có thái độ. Thiền là mạnh khoẻ thuần khiết.
Câu hỏi thứ tư:
Osho kính yêu,
Phải chăng mọi việc đều ổn cả, thế giới là hoàn hảo? Điều đó có gì liên quan đến tình yêu không? Khi thầy nói, thế giới là hoàn hảo, tôi thấy điều đó có vẻ đúng với tôi. Nhưng nếu một ai khác hay chính tôi nói điều đó, thì nó lại có vẻ là sai.
Cái đó phụ thuộc vào người nói. Khi tôi nói thế giới này là hoàn hảo, tôi không đưa ra một lí thuyết, tôi chỉ chia sẻ tầm nhìn. Thực ra, chữ 'lí thuyết - theory' xuất phát từ gốc Hi lạp ‘theoria’, mà theoria nghĩa là tầm nhìn. Khi tôi nói bất kì điều gì với bạn, đấy không phải là chất liệu tâm trí; tôi đang chia sẻ kinh nghiệm của tôi. Trong những khoảnh khắc đó, nếu bạn sẵn có cho tôi và cởi mở với tôi, thì bạn sẽ có cùng tầm nhìn ấy; một chút ít tầm nhìn của tôi sẽ len vào bản thể bạn. Trong khoảnh khắc ấy, các cửa đều mở và bạn sẽ nói, "Vâng, điều này là như vậy."
Khi ai khác nói điều đó, và nếu điều đó không phải là tầm nhìn của người đó... Ngay cả khi bạn nói với ai đó và điều đó không là tầm nhìn của bạn - nó chỉ là cái nhìn vay mượn - nó sẽ có vẻ không đúng. Nếu người như Phật mà nói dối, điều ấy vẫn có vẻ giống chân lí. Còn nếu bạn nói ra dù là chân lí, điều ấy vẫn sẽ có vẻ giống nói dối.
Điều đó phụ thuộc nhiều vào nơi nó tới, ngọn nguồn; không phụ thuộc vào điều bạn nói, mà phụ thuộc vào ai nói. Bạn có thể cứ lặp lại những lời của của Christ mà chẳng ai định đóng đinh bạn lên cây thập tự. Tại sao? Tại sao họ không đóng đinh bạn? Bạn có thể hùng hồn diễn thuyết "Lời giảng trên núi" và bạn có thể cứ đứng đấy. Và đó là điều mọi người đang làm trên khắp thế giới - các linh mục Ki tô giáo, các cha thừa sai, các nhân chứng của Jehovah, hừ? Tất cả mọi loại người đều vẫn đang làm điều đó - mang Tân Ước, trích dẫn Tân Ước, lặp lại những lời này mà không ai đóng đinh họ cả. Tại sao? Khi Jesus nói những điều này thì vấn đề là ở đâu? Những lời này có lửa cháy. Jesus chia sẻ tầm nhìn của ông ấy. Khi bạn lặp lại, không có tầm nhìn trong đó; đấy chỉ toàn là lời suông. Nó không có đam mê, không mãnh liệt, không chân lí gì cả. Chân lí chỉ đến qua kinh nghiệm.
Bạn hỏi, "Phải chăng mọi việc đều ổn cả, thế giới là hoàn hảo?" Khi tôi nói thế giới là hoàn hảo, tôi thực sự ngụ ý gì? Tôi muốn nói rằng đây là thế giới duy nhất và không có thế giới nào khác nữa. Bạn chẳng có cách nào để so sánh cả. Hoàn hảo hay không hoàn hảo đều không liên quan. Đây là thế giới duy nhất có đấy; không có thế giới nào khác nữa. Bạn không thể so sánh được liệu nó tốt hơn hay không tốt hơn. So sánh là không thể được. So sánh là có thể chỉ khi có hai thế giới, nhưng đây lại không có.
Vậy khi tôi nói tất cả đều hoàn hảo, tôi muốn nói rằng không có chỗ nào để so sánh. Nhưng tại sao mọi người nói rằng đây không phải là thế giới đúng? Họ đã tạo ra trong tâm trí mình điều không tưởng và họ so sánh với điều không tưởng ấy. Họ có ý niệm về việc mọi thứ phải thế nào và rồi chẳng cái gì dường như là phải cả, vì mọi thứ đều không giống với ý niệm không tưởng của họ. Nếu bạn nghĩ rằng con người phải có bốn mắt... Và điều đó có vẻ rất logic; hai mắt ở sau lưng. Hai mắt có vẻ không phải - thế sau lưng thì sao? Điều gì xảy ra nếu ai đó tới từ sau lưng và đánh bạn? Thượng đế đã bỏ thiếu ở đây... hai mắt đằng sau lưng. Thế thì mọi thứ là không hoàn hảo - con người chỉ có hai mắt thôi; con người đáng phải có bốn mắt. Thế thì con người bỗng nhiên thành không hoàn hảo. Mà con người thì vẫn thế; bạn mới chỉ tạo ra một ý niệm, và ý niệm đó lại kết án.
Con người đáng phải sống hơn bẩy mươi tuổi. Tại sao? Một khi bạn nói rằng con người đáng phải sống bẩy trăm tuổi, thì bẩy chục tuổi là quá ít. Nhưng tại sao? Bạn định làm gì ở đây trong bẩy trăm năm? Bạn không nghĩ rằng bẩy mươi năm thế cũng quá đủ để làm hại? để phá huỷ sao? Bạn cần đến bẩy trăm năm sao? Nghĩ về một Adolf Hitler sống đến bẩy trăm năm...
Khi bạn có một ý niệm, một mục tiêu, mọi thứ đều trở thành khác. Tôi không có ý niệm nào; tôi tuyệt đối không có điều không tưởng nào cả, tôi hoàn toàn thực tế. Tôi không mang ý niệm nào trong tâm trí cả. Thế thì đây là thế giới duy nhất; hoa hồng mầu đỏ và cây cỏ mầu xanh, và mọi người theo cách này - cách họ vẫn thế - và điều đó thật là tuyệt vời.
"Phải chăng mọi việc đều ổn cả, thế giới là hoàn hảo?
Điều đó có gì liên quan đến tình yêu không?"
Điều đó liên quan đến tình yêu nhiều lắm. Nếu thế giới là hoàn hảo, chỉ thế thì bạn mới có thể yêu được. Nếu thế giới không hoàn hảo, bạn sẽ trở thành chính khách, bạn trở thành chính trị. Chính khách phụ thuộc vào ý niệm là thế giới này không hoàn hảo: ông ta phải đem tới cuộc cách mạng, ông ta phải thay đổi mọi thứ, ông ta phải lập lại trật tự, ông ta phải cải tiến Thượng đế. Đó là tâm trí chính khách. Và chính khách không có tình yêu, ông ta chỉ biết lên án, bởi ông ta đã phán xét.
Tâm trí tôn giáo không có phán xét. Jesus nói, "Ông đừng phán xét." Tâm trí tôn giáo không có phán xét, không có kết án, do đó người đó có thể yêu. Và nhớ lấy, trong đời bạn cũng vậy: bạn có thể yêu chỉ khi bạn không phán xét. Nếu bạn có quá nhiều ý kiến phán xét, bạn sẽ chẳng bao giờ yêu. Bạn sẽ cứ tìm cách áp đặt ý niệm của mình lên bất kì ai trở thành nạn nhân của cái gọi là tình yêu của bạn. Bạn sẽ cứ áp đặt ý niệm của bạn lên người đó. Ngay cả khi một đứa bé được sinh ra cho bạn, bạn lập tức chồm lên nó và bắt đầu thao túng nó, quản lí nó, cải tiến nó. Và bạn sẽ huỷ hoại sinh linh này. Đó là cách mọi người đã từng bị cha mẹ mình và bị xã hội phá huỷ.
Khi bạn yêu một người đàn bà, lập tức bạn bắt đầu cải tiến cách thức cô ấy phải thành thế nào. Và người đàn bà ấy tất nhiên là người cải tiến lớn. Nếu bạn trở thành nạn nhân của tình yêu của một người đàn bà, thế thì bạn không còn nữa. Thế thì cô ấy sẽ cải tiến bạn đến mức cô ấy sẽ làm bạn thành cái gì đó khác. Sau vài năm bạn sẽ không thể nào nhận ra mình là ai nữa. Cô ấy sẽ gọt đẽo, tỉa tót, tô vẽ, làm đủ thứ chuyện, "Cư xử thế này" và "Phải nói thế này" và "Nói cách này chứ".
Một cô gái trẻ yêu một anh chàng. Cô gái này theo Cơ đốc giáo còn anh chàng kia lại là người Do Thái. Gia đình cô gái rất lo nghĩ, và họ nói, "Bố mẹ không thể cho phép con lấy nó được." Gia đình này rất giầu có, và họ nói, "Nếu con lấy nó thì con sẽ không được thừa kế cái gì." Mà cô ấy lại là đứa con duy nhất, cho nên mọi tiền bạc đều là của cô ấy.
Bây giờ điều này là quá đáng, cho nên cô gái hỏi, "Vậy con phải làm gì đây?"
Thế là họ nói, "Trước hết con cải đạo cho nó, làm cho nó thành người Cơ đốc giáo đã - thế rồi..."
Thế là cô gái liền thử, và cô rất vui mừng, bởi anh chàng Do Thái của chúng ta quan tâm tới tiền bạc hơn mĩ nhân, nên tỏ ra rất có thiện chí. Chàng Do Thái thì vẫn cứ là Do Thái thôi. Anh ta rất sẵn lòng. Anh ta bắt đầu đọc Kinh Thánh và đi lễ nhà thờ đều đều, và anh ta thật phấn chấn. Cô gái rất vui sướng - mọi việc diễn ra thật hoàn hảo - và hàng tháng cô gái báo cáo cho bố mẹ biết về mọi sự tiến triển tốt đẹp.
Nhưng một ngày nọ, cô trở về nhà, khóc hết nước mắt.
Ông bố hỏi, "Làm sao? Xảy ra việc gì vậy?"
Cô ấy đã đi hỏi anh chàng này để lấy chồng; cô ấy cứ nghĩ rằng anh chàng đã sẵn sàng. Và cô ấy bảo với ông bố, "Vâng, anh ấy đã sẵn sàng, nhưng con đã đẩy sự cải tạo đi quá xa, con đã quá tay khi cải đạo cho anh ấy."
Ông bố phân vân. Ông nói, "Ta không hiểu. Con muốn nói gì? Con bảo việc cải đạo hơi quá tay là sao?"
Cô gái nói, "Vâng, quá tay thật bố ạ, bây giờ anh ấy muốn làm linh mục Cơ đốc giáo."
Điều bạn gọi yêu có nghĩa là ít hay nhiều biến đổi người kia. Và bạn nói rằng bạn muốn biến đổi người kia vì bạn yêu. Điều đó tuyệt đối không đúng. Nếu bạn yêu, bạn đừng bao giờ biến đổi bất kì ai. Tình yêu chấp nhận. Tình yêu tôn trọng người kia như người đó hiện thế.
Nếu thế giới hoàn hảo như nó đang đấy, chỉ thế bạn mới có thể yêu nó. Nhà cách mạng, chính khách không thể yêu được nó; chỉ tâm thức tôn giáo mới có thể yêu được nó. Và khi bạn yêu, bạn đi tới biết rằng thậm chí nó còn hoàn hảo hơn bạn đã từng nghĩ trước đây. Thế thì bạn càng yêu hơn và thế thì bạn lại đi tới nhận ra rằng nó đẹp tuyệt vời; không chỉ hoàn hảo. Thế thì lại càng yêu hơn... và dần dần bạn thấy rằng  thế giới  biến mất - nó chính là bản thân Thượng đế.
Câu hỏi thứ năm:
Osho kính yêu,
Lần đầu tiên tôi thấy người chết là khi tôi thấy bà mình chết. Bà nằm trên giường, tái nhợt và yên bình, lặng lẽ và hạnh phúc thế, vừa cởi mở vừa khép kín. Tôi ghen tị với bà nhưng đồng thời cảm thấy sợ hãi. Tôi nghĩ có lẽ bà đơn độc lắm. Tôi chẳng thể tới được bà nữa.
Khi tôi nhìn thầy, Osho kính yêu, trong buổi tâm tình nhân sinh nhật thầy, tôi cũng cảm nhận đúng như vậy. Phải chăng thầy cũng cảm thấy rất đơn độc giữa tất cả sự ồn ào, tất bật, vận động này? Thầy xa xôi thế và trong im lặng thiêng liêng - như chưa bao giờ có trước đây với tôi.
Phải chăng thầy vừa chết, đồng thời lại vừa sống?
Câu hỏi này là từ Ma Prem Aranyo.
Cái chết thật đẹp, cũng đẹp như cuộc sống - chỉ cần bạn biết cách giao tiếp với cái chết. Nó tuyệt vời bởi nó là thảnh thơi. Nó đẹp vì người ta trở về nguồn cội của sự tồn tại - để thảnh thơi, để nghỉ ngơi, để sẵn sàng quay lại lần nữa.
Sóng dậy lên từ đại dương, rồi rơi trở lại đại dương, rồi lại dậy lên nữa. Nó sẽ có một ngày khác, nó sẽ được sinh ra lần nữa dưới một dạng khác. Và rồi nó lại rơi xuống nữa và biến mất.
Chết chỉ là việc tan biến vào cội nguồn. Chết là đi vào cái không biểu lộ. Chết là rơi vào giấc ngủ trong điều thiêng liêng. Bạn sẽ lại nở hoa lần nữa. Bạn sẽ lại thấy mặt trời và mặt trăng, và cứ thế mãi cho đến khi bạn trở thành vị phật - cho tới khi bạn có khả năng chết một cách có ý thức, cho tới khi bạn có khả năng thảnh thơi một cách có ý thức, một cách có hiểu biết, trong điều thiêng liêng. Thế thì sẽ không có trở lại. Đó là cái chết cuối cùng, đó là cái chết tối thượng. Cái chết bình thường là cái chết tạm thời; bạn sẽ còn quay lại nữa. Khi vị phật chết, ông ấy chết vĩnh viễn. Cái chết của ông ấy có phẩm chất của vĩnh hằng. Nhưng ngay cả cái chết tạm thời cũng đẹp.
Và bạn cũng phải đấy, Aranyo: tôi đồng thời chết và sống. Như một con người, tôi chết. Như một ai đó, tôi chết. Như không ai cả, tôi sống.
Bạn nói "Lần đầu tiên tôi thấy người chết là khi tôi thấy bà mình chết. Bà nằm trên giường, tái nhợt và yên bình, lặng lẽ và hạnh phúc thế, vừa cởi mở vừa khép kín. Tôi ghen tị nhưng đồng thời cảm thấy sợ hãi."
Nhớ lấy, đó có thể mối quan hệ của bạn với tôi nữa: ghen tị và đồng thời sợ hãi nữa. Bạn sẽ phải gạt nỗi lo sợ của mình sang bên, vì nỗi sợ có thể ngăn cản bạn - có thể ngăn cản bạn tận hưởng cơ hội này đang có sẵn cho bạn. Rất khó tìm ra một người là không ai cả; bạn đã tìm thấy một người. Và chừng nào bạn chưa trở thành không ai cả, nhớ là bạn đang để lỡ mất cơ hội. Chết như tôi đã chết, và thế thì bạn sẽ sống như tôi sống.
Có cuộc sống chẳng liên quan gì với bất kì người nào. Có cuộc sống chẳng liên quan gì với bất kì cái ta nào. Có cuộc sống của cái trống rỗng - hồn nhiên và trong trắng. Tôi làm nó thành sẵn có cho bạn. Gạt nỗi sợ của bạn qua một bên đi, lại gần tôi hơn. Để tôi trở thành cái chết của bạn và phục sinh của bạn.
Một thiền sư, Bunon, đã nói, "Khi sống, là người chết, hoàn toàn là người chết, và cư xử tuỳ ý và tất cả mọi việc đều tốt."
Câu hỏi cuối cùng:
Osho kính yêu,
Có phải tri thức bao giờ cũng nguy hiểm không?
Không phải bao giờ cũng như vậy. Và tri thức không nguy hiểm, nhưng thành thạo lại nguy hiểm. Biết được các sự kiện là hoàn toàn tốt, nhưng quên mất điều huyền bí của cuộc sống là nguy hiểm. Cho nên tri thức không phải bao giờ cũng nguy hiểm; đôi khi nó có thể có ích nhiều lắm đấy.
Một giai thoại nhỏ:
Maureen, vợ của Paddy, một công nhân Irland, được đưa vào nhà hộ sinh sáng hôm ấy. Sau chín tháng mang bầu và bây giờ trong cơn đau đẻ, cô đã cho ra đời hai bé gái sinh đôi tuyệt đẹp.
Sau một ngày lao động trong bụi bặm nơi công trường xây dựng, Paddy rảo bước đến bệnh viện thăm vợ đang nằm trong khu mới sinh, trong không khí mát dịu của buổi chiều thu.
"Hello, chào em thân yêu", anh ta đến cạnh giường, thì thầm vào tai Maureen và tò mò liếc mắt nhìn hai em bé sơ sinh do một cô y tá bế trên tay đem đến.
"Em được hai đứa bé sinh đôi, anh yêu", Maureen nói. Trong cả mười phút dài dằng dặc, Paddy ngồi lặng yên, sững người, không biết phải hiểu sự việc này ra sao.
Tiếng chuông reo trong phòng làm anh ta sực tỉnh. Anh hôn Maureen rồi ra về. "Cứt thật!" anh ta lầu bầu, đi trong hành lang, "ông mà tóm được tên khốn nạn kia, ông giết!"

Ads Belove Post