Chương 3. Hân hoan tan chảy

Chương 3. Hân hoan tan chảy

Price:

Read more

Osho - Thực tại - Kẻ tội đồ vĩ đại nhất
Chương 3. Hân hoan tan chảy

Osho yêu quý,
Thường mỗi khi tôi cảm thấy thực sự thư giãn, một cảm giác mạnh mẽ về cái chết lại đến trong tôi. Những lúc ấy tôi cảm thấy mình là một phần của vũ trụ, và tôi muốn hòa tan vào nó. Một mặt, tôi cũng có một cảm giác thật đẹp, tôi thấy biết ơn nó. Mặt khác, tôi lại hoài nghi nó: có lẽ tôi chưa chấp nhận chính mình, chấp nhận chính sự hiện hữu của mình, nếu khát vọng chết mạnh mẽ đến vậy. Đó có phải là khát vọng tự vẫn không?
Đó không phải là khát vọng chết. Một điều cơ bản của việc tự sát là nó chỉ xảy ra đối với những người quá lệ thuộc vào cuộc sống. Và khi họ không còn dựa dẫm được nữa, lý trí họ đi về thái cực ngược lại. Chức năng của lý trí là hoặc thế này, hoặc thế kia: hoặc là có tất cả, hoặc không có gì. Lòng tham sống không thể được đáp ứng hoàn toàn, vì cuộc đời như thế chỉ là thứ tạm bợ; lúc nào đó chắc chắn nó sẽ chấm dứt.
Thế nên, những người tự kết liễu đời mình không phải là họ chống lại sự sống; chỉ có vẻ là như thế thôi. Họ muốn cuộc sống trong sự toàn diện của nó, họ muốn nắm lấy tất cả, và rồi họ không thể - và chắc chắn là họ không thể - rồi trong cơn rã rời, tuyệt vọng, họ bắt đầu nghĩ đến cái chết. Lúc này cái chết chỉ là một sự thay thế. Họ không hài lòng với bất kỳ điều gì cuộc sống đem lại cho họ; họ muốn nhiều nữa, nhiều nữa, nhiều hơn nữa.
Cuộc đời ngắn ngủi, và những khát vọng có nhiều hơn nữa thì vô vàn, vậy nên thất bại là điều chắc chắn xảy ra. Đâu đó, đối với ai đó, đến một lúc họ sẽ cảm thấy mình bị cuộc đời đánh lừa họ. Không ai lừa họ cả - chính họ lừa họ thôi. Họ đòi hỏi quá nhiều, và họ chỉ biết đòi hỏi, họ không biết cho đi thứ gì, thậm chí còn không biết tri ân. Trong cơn giận dữ, thịnh nộ, trong mong muốn trả thù, quả lắc lý trí di chuyển về phía bên kia - và họ vẫn không biết họ đang trả thù ai. Họ tự giết mình: hành động đó không phá hủy được sự sống, không phá hủy được sự hiện hữu.
Thế nên trải nghiệm đó của bạn không phải là khát vọng tự vẫn. Nó chỉ gần giống tự vẫn thôi, nhưng ở một mức độ rất khác và từ một bình diện rất khác. Khi bạn thư giãn, không bị áp lực, khi không có ham muốn, khi tâm trí tĩnh lặng như mặt hồ không gợn sóng, một cảm giác từ sâu thẳm trong bạn trỗi dậy rồi tắt lịm đi trong khoảnh khắc ấy, đó là bởi vì cuộc sống chưa bao giờ dem lại cho bạn điều gì tốt đẹp hơn thế. Bạn đã có những phút giây hạnh phúc, thư thái, nhưng điều này vượt xa hạnh phúc và thư thái; nó là sự sung sướng thuần khiết.
Thật khó mà quay lại khi đã đến được đó. Người ta luôn muốn đi sâu nữa, và họ sẽ thấy càng đi sâu nghĩa là họ càng tan chảy. Bạn gần như tan chảy trong sự thư giãn, trong tĩnh lặng, trong niềm an lạc không còn chút gì thèm khát. Gần như mọi tính cách của bạn cũng đều tan biến, chỉ còn một sợi chỉ mỏng manh của cái tôi là còn đang treo lơ lửng. Và bạn những muốn bật nhảy ra khỏi cái vòng bản ngã ấy, bởi lẽ sự thư thái dù là còn trong cái tôi vẫn đem lại cho bạn cảm giác tri ân, bạn không thể tưởng tượng nổi sẽ như thế nào nếu mọi thứ đều hòa tan, và bạn có thể nói: "Kông có tôi mà chỉ có sự hiện hữu".
Đó không phải là bản năng tự vẫn. Về cơ bản đó là sự giải thoát tâm linh: giải thoát khỏi bản ngã, khỏi ham muốn, thậm chí là ham muốn sống. Đó là sự giải thoát toàn diện, tự do hoàn toàn.
Thế nhưng trong tình huống này chắc chắn ai cũng đặt ra câu hỏi như vậy. Câu hỏi đó đặt ra không phải từ trí khôn của bạn. Bạn đang cố tìm cớ biện minh cho việc mình không tan chảy, không hòa tan vào vô tận. Lập tức lý trí đem đến cho bạn ý tưởng rằng đó chính là sự tự sát: "Đừng tự sát. Tự sát là tội lỗi. Hãy quay lại!". Và bạn bắt đầu quay lại. Mà quay lại có nghĩa là bạn lại trở về với căng thẳng, với lo toan, với ham muốn. Về lại với tấn bi kịch của đời mình...
Đó chính là nỗi sợ bị hòa tan của bạn. Thế nhưng bạn không muốn chấp nhận nó như một nỗi sợ hãi, thế là bạn gán cho nó một cái tên khác - tự tử. Chuyện này không chút gì liên quan đến tự tử hay tự sát, mà thực sự nó chính là đi thật sâu vào trong cuộc sống.
Cuộc sống có hai bình diện. Một là bình diện ngang - trong đó tất cả chúng ta đang sống, trong đó bạn lúc nào cũng đòi hỏi nhiều, nhiều hơn nữa. Vấn đề ở đây không phải ở số lượng; không bao giờ là đủ đối với bạn. Đường ngang này là đường giống như chân trời vậy - bạn tới bao nhiêu, chân trời lùi về sau bấy nhiêu. Khoảng cách giữa bạn với cái đích ham muốn của bạn vẫn không thay đổi. Nó vẫn thế từ khi bạn còn là một đứa trẻ cho đến khi bạn lớn lên, già đi. Nó vẫn thế cho đến hơi thở cuối cùng của bạn.
Đường chân trời kia chỉ là ảo ảnh. Chân trời không tồn tại, nó chỉ xuất hiện - ở đó, có lẽ chỉ cách bạn vài dặm, chỗ mặt đất gặp bầu trời... mà làm gì có điểm gặp gỡ ấy. Và từ trong chân trời ấy bạn nhìn thấy đường chân trời - vô biên, bởi cái đích kia chỉ là ảo ảnh; bạn không thể đến đó để biến nó thành sự thật. Và lòng kiên trì của bạn, thời gian của bạn có hạn. Một ngày kia bạn nhận ra rằng tất cả chỉ toàn phù phiếm, vô nghĩa: "Mình đã tự cào xé, tra tấn chính mình một cách không cần thiết, rồi cuối cùng chẳng đi đến đâu". Lúc đó, cái đối lập của nó trỗi dậy trong bạn - hủy hoại chính mình. Có gì đáng sống đâu, bởi cuộc đời đầy hứa hẹn mà không có gì trở thành sự thật.
Thế nhưng cuộc đời còn một đường nữa - đường thẳng đứng. Đường thẳng đứng đi theo chiều hoàn toàn khác. Trong trải nghiệm đó của bạn, trong tích tắc bạn đã hướng về phía đường thẳng đứng đó.
Bạn không đòi hỏi - thế nên bạn được ban tặng.
Bạn không ham muốn - thế nên bạn có rất nhiều thứ chờ đón bạn.
Bạn không có đích đến - thế nên bạn rất gần với nó.
Bởi không có dục vọng, không có mục đích, đòi hỏi, van cầu, bạn không có lo lắng; bạn hoàn toàn thư thái.
Trong trạng thái thư thái ấy là sự gặp gỡ với hiện hữu.
Nỗi sợ đến vào khoảnh khắc bạn bắt đầu hòa tan phần cuối cùng của mình, bởi sau đó thì không còn xoay chuyển được nữa; bạn sẽ không thể quay lại.
Tôi đã nghe rất nhiều lần rồi bài thơ này của Rabindranath Tagore. Nhà thơ đã đi tìm Thượng Đế suốt hàng triệu kiếp rồi. Có lần này lần khác ông cũng nhìn thấy ngài, từ rất xa, gần một ngôi sao, và ông cứ hướng về ngôi sao đó, nhưng chỉ khác ông đến được dó thì Thượng Đé đã đi nơi khác. Nhưng ông vẫn cứ tiếp tục đi tìm - ông quyết tìm cho được ngôi nhà của Thượng Đế - và điều đáng kinh ngạc là, một ngày nọ ông đã đến được một ngôi nhà có treo biển: "Ngôi nhà của Thượng Đế".
Bạn có hình dung được niềm vui sướng của ông ấy không? Ông chạy lên bậc thềm, và đúng lúc ông định gõ cửa thì tay ông bỗng tê cứng. Ông chột dạ: "Nếu đây thực sự là ngôi nhà của Thượng Đế thì ta xong rồi, việc tìm kiếm thế là hết. Ta là ta khi ta đi tìm. Ta không biết gì khác nữa. Nếu cánh cửa mở ra và ta đối mặt với Thượng Đế, thế là hết - cuộc kiếm tìm chấm dứt. Rồi chuyện gì sẽ xảy ra? Rồi thì chỉ còn là sự chán chường mãi mãi - không còn vui thú, không còn khám phá, không còn những thách thức mới, bởi chẳng còn thách thức nào to lớn hơn Thượng Đế cả".
Ông bắt đầu run lên vì sợ hãi, cúi xuống tháo giày rồi bước lùi xuống bậc tam cấp lát đá tinh xảo. Ông tháo giày ra để bước chân ông đi không gây tiếng động, bởi ông sợ rằng chỉ cần nghe thấy tiếng bước chân trên bậc thềm là... Thượng Đế sẽ ra mở cửa, dù ông chưa hề gõ cửa. Rồi ông ù té chạy, ông chạy thục mạng, chạy như chưa bao giờ được chạy. Ông thường nghĩ rằng ông đang cố đuổi theo Thượng Đế, nhưng hôm nay, bỗng nhiên ông thấy mình mạnh mẽ chưa từng thấy. Ông chạy mãi, không dám ngoảnh lại nhìn dù chỉ một lần.
Bài thơ kết thúc thế này: "Ta vẫn đi tìm Thượng Đế. Ta biết ngôi nhà của Người nên ta tránh nơi ấy, ta đi tìm ở những nơi khác. Niềm vui thú thật lớn lao, thách thức thật lớn lao, và cuộc kiếm tìm của ta vẫn tiếp tục, ta vẫn tồn tại. Thượng Đế là mối hiểm nguy - ta sẽ bị hủy diệt. Nhưng giờ đây ngay đến Thượng Đế cũng không thể khiến ta sợ hãi, bởi ta đã biết ngôi nhà của Người. Thế là, ngoại trừ ngôi nhà của Người, ta đi tìm Người khắp vũ trụ. Và sâu thẳm trong ta, ta biết rằng cuộc kiếm tìm ta không mong thấy Người; cuộc tìm kiếm ta nuôi dưỡng cái tôi".
Tôi coi Rabindranath Tagore là một trong những người mộ đạo vĩ đại nhất trong thế kỷ này, dù đời thường ông chẳng dính líu đến tôn giáo một chút nào. Thế nhưng chỉ có một người mộ đạo với trải nghiệm bao la mới có thể viết nên bài thơ như vậy. Đó không phải là thơ ca bình thường; nó chứa đựng một sự thật vĩ đại. Và đó chính là câu trả lời cho câu hỏi của bạn. Thư thái, bạn đến được trạng thái gần như tan chảy, nhưng rồi bạn nghĩ: "Có lẽ đây là bản năng tự vẫn", và bạn trở về với thế gới đau khổ của mình. Thế nhưng thế giới đau khổ đó có một thứ: nó bảo vệ bản ngã của bạn, nó cho phép bản ngã của bạn tồn tại.
Đây thật là một tình huống lạ lùng: niềm sung sướng không chấp nhận cái tôi và bạn buộc phải hòa tan. Đó là lý do tại sao trên thế giới này rất ít người sung sướng. Đau khổ nuôi dưỡng cái tôi của bạn - thế nên bạn thấy trên thế giới rất nhiều người đau khổ. Điểm mấu chốt cơ bản chính là cái tôi.
Vậy nên không phải bạn đi đến chỗ tự sát. Bạn đạt đến Niết bàn, đến điểm chấm dứt, tan chảy, điểm tắt của ngọn nến. Đấy là kinh nghiệm tuyệt vời.
Nếu bạn hội đủ can đảm, chỉ cần bước thêm bước nữa... Hiện hữu chỉ cách bạn một bước chân thôi.
Đừng nghe lời cái thứ lý trí rác rưởi mách bảo bạn rằng đó là tự sát. Bạn có uống thuốc độc đâu, bạn có treo cổ đâu, bạn có lấy súng bắn vào đầu mình đâu - vậy thì tự sát cái nỗi gì? Đơn giản là bạn đang trải dần, trải dần ra. Và thời khắc bạn trải mình ra khắp hiện hữu, bạn không còn nói rằng mình tồn tại nữa, mà đó chính là hiện hữu. Đó là cái ta gọi là giác ngộ, không phải là tự sát.
Ta gọi đó là sự chứng ngộ sự thật tối thượng. Tuy nhiên bạn cũng phải trả giá. Cái giá đó không gì khác hơn là từ bỏ bản ngã. Vậy nên, khi thời khắc đó đến, đừng do dự nữa. Hãy hân hoan mà tan chảy... hãy cười to lên mà tan chảy; hãy ca vang lên mà tan chảy.
Tôi không phải nhà lý thuyết, đây không phải là triết lý của tôi. Tôi đã nhiều lần đến được đường ranh giới đó và đã quay trở lại. Tôi cũng đã nhiều lần tìm thấy ngôi nhà của Thượng Đế mà không dám gõ cửa. Jesus từng nói: "Hãy gõ đi và cánh cửa sẽ mở ra cho con". Nếu câu này có mang chút ý nghĩa nào thì đó chính là ý nghĩa mà tôi đang nói với bạn ở đây.
Vậy nên, khi giây phút ấy đến, hãy vui mừng và tan chảy. Đó là bản chất của loài người - và rồi cũng dễ hiểu thôi nếu nhiều lần bạn đến được đấy rồi và lại quay lại. Thế nhưng những lần quay lại như vậy không ích gì. Chỉ cần một lần thôi, bạn hãy thu hết can đảm và thực hiện cú nhảy.
Bạn sẽ vẫn là bạn, nhưng với một phogn thái mới mà bạn không thể nào liên hệ con người mới này với con người cũ của bạn. Nó sẽ là sự gián đoạn. Con người cũ thật nhỏ nhoi, con người mới thì bao la. Từ một giọt sương nhỏ bé bạn đã trở thành đại dương rộng lớn. Nhưng ngay cả giọt sương đọng tren một chiếc lá sen khi rơi xuống cũng run sợ chốc lát, cố níu giữ thêm chốc lát, vì nó nhìn thấy cả đại dương phía dưới... khi đã rơi xuống rồi thì nó không còn nữa. Vâng, theo cách nào đó thì nó sẽ không còn nữa; nó không còn là giọt sương nữa. Các đại dương đều có giới hạn, còn đại dương của hiện hữu thì vô hạn.

Osho yêu quý,
Khi nhắm mắt lại tôi thường nghe thấy tiếng một chiếc chuông nhỏ reo trong tai.
Xin ông giải thích cho chúng tôi hiểu rõ hơn về việc này, về thiền định, âm thanh và sự tĩnh lặng.
Có thể việc nghe thấy tiếng chuông nhỏ khi hành thiền có liên quan đến kiếp trước của bạn. Có thể ngày đó bạn là người Tây Tạng, vì hàng thế kỷ rồi ở Tây Tạng người ta đã dùng cách đó để tập thiền - khi hành thiền, bạn lắng nghe tiếng chuông. Và nếu việc này kéo dài quá lâu, bạn sẽ mang theo nó đến kiếp sau của mình.
Tuy nhiên việc nghe thấy tiếng chuông nhỏ như thế không phải là thiền định; đó chỉ là một cách tập thiền. Khi bạn đạt đến trạng thái hoàn toàn tĩnh lặng, không còn tiếng chuông reo, lúc đó thiền định mới bắt đầu. Tiếng chuông nhỏ reo trong tâm trí bạn, còn thiền định là trạng thái không có tâm trí. Dù nhỏ hay không nhỏ, không có chiếc chuông nào có thể reo lên ở đó; nó là sự tĩnh lặng tuyệt đối.
Tuy nhiên trong nhiều tôn giáo, đặc biệt là ở phương Đông và nổi bật là ở Tây Tạng, người ta dùng những chiếc chuông nhỏ. Đây là một biện pháp hữu hiệu nhưng rất nguy hiểm, mà biện pháp thì lúc nào cũng nguy hiểm: bạn có thể bị lệ thuộc vào nó. Nếu bạn lắng nghe tiếng chuông liên tục trong hàng giờ liền, nó sẽ có tác dụng thôi miên. Việc suy nghĩ sẽ bị ngưng lại, chỉ còn tiếng chuông reo. Dù thực tế chiếc chuông không còn reo nữa nhưng trong tâm trí bạn vẫn còn nghe thấy. Biện pháp này là từ từ, từ từ tiếng chuông sẽ nhỏ dần rồi tắt hẳn. Nếu đúng như vậy thì tốt. Tuy nhiên có một khả năng rất lớn là bạn sẽ bị lệ thuộc vào tiếng chuông. Và nó đem lại cho bạn sự bình an, cảm giác thực sự dễ chịu, vì tâm trí không phải suy nghĩ nữa; tâm trí không thể làm hai việc cùng một lúc được.
Ngoài chuông ra người ta còn có thể sử dụng nhiều thứ khác. Nhà thơ vĩ đại Lord Tennyson đã rất ngại khi thừa nhận trong tự truyện của mình rằng - có lẽ vì phải ngủ một mình trong phòng riêng từ bé nên ông sợ bóng tối. Và ông nghĩ ra một cách là nói thầm tên mình để quên đi cảm giác chỉ có một mình. "Tennyson, Tennyson...". Cứ gọi tên chính mình như thế, ông không nghĩ đến bóng tối, ma quỷ và tất cả các loại quái vật mà người lớn bịa ra để dọa trẻ con. Nhắc tên mình được mấy lần, "Tennyson, Tennyson, Tennyson..." là ông bắt đầu chìm vào giấc ngủ say.
Sau này, khi đã trưởng thành, ông vẫn không từ bỏ thói quen này. Ông không thể ngủ được nếu không làm như vậy - nó trở thành một việc không thể thiếu. Nhưng rồi dần dà nó mở ra cho ông những phát hiện mới: nó không những đưa ông vào giấc ngủ dễ dàng mà việc lặp đi lặp lại tên mình, "Tennyson, Tennyson", còn đem lại cho ông cảm giác an bình, định tâm; ông không đơn thuần là xác thịt nữa, ông thấy mình gần như phi vật chất. Rồi khi biết đến thiền định, ông đã có một kỹ thuật mà ông đã thực hành hàng chục năm rồi. Ông thử áp dụng nó trong thiền và nó tỏ ra rất hiệu quả. Cũng giống như lúc nó đưa ông vào giấc ngủ, đối với thiền, nó đưa ông vào trạng thái an lạc tuyệt vời.
Như vậy vấn đề không phải ở chỗ bạn sử dụng mantra (mật chú) gì, câu hát nào, tên vị thần nào, hay chỉ là âm thanh của một chiếc chuông... những cái đó không quan trọng. Quan trọng là chúng giúp bạn tập trung vào một thứ, và tâm trí bạn chỉ còn lại một thứ đó và không còn chỗ trống cho mọi suy nghĩ khác nữa. Và khi bạn tập trung vào một thứ thật lâu, bạn sẽ đạt đến một trạng thái thôi miên nhất định.
Mấy hôm trước, Anando cho tôi xem một mẩu báo. Tác giả viết rất thành thật, anh ta thấy bối rối, không hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra. Anh ta nghe tôi nói chuyện - anh đến với tư cách là một nhà báo - anh chưa bao giờ nghe một ai nói chuyện lâu đến thế, và về những chủ đề không thuộc chuyên môn của anh. Thế là anh viết bài báo về tôi thế nà: "Một điều ấn tượng là Osho nói chuyện rất chậm rãi và thường ngắt quãng - có lúc ông nhắm mắt lại, có lúc ông nhìn rất sâu vào bạn. Ông nói lâu đến nỗi khiến người nghe cảm thấy chán, nhưng thật lạ là sau cảm giác chán nản đó, người ta cảm nhận được một sự thanh bình, tĩnh lặng - điều này thật lạ, vì thông thường cảm giác chán nản thường khiến người ta mệt mỏi, bực dọc".
Tuy nhiên anh này đã tự quan sát tâm trí mình rất tốt... người ta sẽ cảm nhận được một cảm giác thanh thản, tịnh tâm, an bình, và cuối cùng có vẻ như đạt đến một trạng thái thôi miên: "Có lẽ đó là phương pháp của Osho - nói chậm rãi, ngắt quãng để bạn cảm thấy chán. Nhưng từ trong trạng thái chán chường đó bạn sẽ cảm nhận được sự thanh bình".
Đối với anh ta - và cả ngành tâm lý học phương Tây - thật lạ lùng là nếu sự chán chường được vận dụng đúng cách, nó sẽ tạo ra một cảm giác thanh thản, bình an và đưa người ta vào trạng thái bị thôi miên. Và trạng thái thôi miên thì rất lành mạnh: Nó không phải là thiền định, nhưng theo cách nào đó nó vẫn phản ánh sự thiền định. Nó giống như bóng trăng phản chiếu trên mặt nước; nó không phải là trăng, nhưng nó vẫn là sự phản chiếu của mặt trăng.
Vì thế mà tất cả các tôn giáo - đặc biệt là ở phương Đông, và cả phương Tây nữa - đã sử dụng rất nhiều kỹ thuật tương tự. Khi một nhà sư ở Tây Tạng, trong sự tĩnh tịch của dãy Himalayas, rung chiếc chuông nhỏ hàng giờ liền... không có âm thanh nào khác - toàn thể vũ trụ xung quanh ông ta đều tĩnh lặng - chỉ còn lại âm thanh duy nhất là tiếng chuông. Tất nhiên tâm trí ông sẽ bắt đầu cảm thấy chán và không hứng thú. Chẳng có gì thú vị, chỉ có sự lặp đi lặp lại, nhưng đó chính là điểm mấu chốt: nếu tiếng chuông dừng lại - và tiếng chuông chắc hẳn phải dừng lại - tâm trí sẽ tiếp tục nghe thấy tiếng chuông đó thêm một lúc nữa.
Nhà sư quá quen thuộc với tiếng chuông đến nỗi ông sẽ vẫn tiếp tục nghe thấy nó. Và khi tiếng chuông nhỏ dần, xa dần, và ngưng hẳn, tâm trí còn lại với một sự tĩnh lặng nhất định. Sự tĩnh lặng đó có thể đưa bạn đến trạng thái thôi miên... Thôi miên là một tên gọi khác cho giấc ngủ chủ định: nó sâu hơn, lành mạnh hơn giấc ngủ bình thường của bạn; chỉ trong vòng mấy phút nó đã giúp bạn cảm thấy mình khỏe khoắn hơn, điều mà giấc ngủ bình thường chỉ có thể làm được sau tám tiếng đồng hồ. Nó có thể diễn ra theo hướng đó, nhưng đó không phải là thiền định.
Còn hướng kia... là tiếng chuông ngày càng xa dần và bạn phải càng tập trung hơn để nghe thấy nó, ngay cả khi tiếng chuông không còn nữa.
Lúc này bạn phải rất tỉnh táo để lắng nghe nó. Lúc đầu thì bạn nghe một cách vô thức, bạn chỉ nghe vậy thôi; còn bây giờ khi nó xa dần bạn phải hết sức tập trung, tỉnh táo. Và đúng lúc tiếng chuông biến mất... bạn phải hoàn toàn tỉnh táo. Và trạng thái tỉnh táo đó chính là thiền định.
Tôi không phản đối việc thôi miên; tôi chỉ phản đối cách hiểu thôi miên là thiền định. Thôi miên là một trạng thái của tâm trí và nó tốt cho tâm trí, cho cơ thể. Thiền định không phải là trạng thái của tâm trí hay cơ thể mà nó thuộc về cái thứ ba trong bạn - sự hiện hữu của bạn. Nó tốt và nuôi dưỡng sự hiện hữu của bạn.
Thế nên, nếu trong lúc ngồi thiền bạn nghe thấy tiếng chuông, có thể đó là vì bạn đã làm việc này trong những kiếp trước của bạn. Tôi sẽ không bàn về kiếp trước vì một lý do đơn giản là đối với bạn nó chỉ là một niềm tin. Nhưng đối với vấn đề này tôi phải đề cập đến kiếp trước vì nó chẳng liên quan gì đến kiếp này cả. Kiếp này bạn không sử dụng tiếng chuông để tập thiền, vậy nó từ đâu đến? Nó chỉ có thể đến từ thói quen tập luyện ở kiếp trước, một thói quen đã ăn rất sâu trong bạn.
Chẳng có gì sai trái trong chuyện này cả. Hãy tận hưởng nó, nhưng hãy nhớ rằng đừng đi theo hướng giấc ngủ. Hãy đi về sự tỉnh táo. Giấc ngủ là vô thức nên nó là hướng hoàn toàn trái ngược này hoặc hướng kia sẽ đến. Đó là lúc tiếng chuông nhỏ dần và biến mát. Hoặc là bạn sẽ ngủ... việc này cũng tốt nhưng nó không phải là thiền định, và nó sẽ không đem lại cho bạn những trải nghiệm tâm linh. Nếu bạn vẫn giữ được sự tỉnh táo, tập trung, âm thanh biến mất; chỉ còn lại sự tĩnh lặng.
Thiền định chính là sự tỉnh táo đi cùng tĩnh lặng.

Osho yêu quý,
Lần nọ tôi vẽ một bông hoa nở. Bông hoa rất đơn giản và xinh xắn; nó có một ánh sáng mờ phát ra từ nụ hoa mới nở, và những chiếc lá rất xanh non và tươi tốt. Thế nhưng những chiếc rễ thì yếu ớt và mỏng manh, cứ như là nó không thuộc về bông hoa kia vậy. Bức tranh này là biểu tượng của tôi và tôi gắn bó sâu sắc với nó. Thế nhưng lúc nào tôi cũng lo lắng về những chiếc rễ, nhưng lúc nào tôi cũng lo lắng về những chiếc rễ, vì chúng trái ngược với sự hứa hẹn của bông hoa. Có rất nhiều câu hỏi liên quan đến bức tranh này, và thật hạnh phúc cho tôi nếu ông giải đáp giúp tôi dù chỉ một chút thôi.
Đây không phải là câu hỏi của riêng mình bạn. Cả loài người đều trong tình huống này: gốc rễ yếu ớt, và nếu không có gốc rễ khỏe mạnh thì không thể có sự hứa hẹn cho những bông hoa tươi thắm nở rộ. Tại sao gốc rễ lại yếu ớt? Vì chúng bị người ta kìm giữ.
Ở Nhật Bản người ta trồng những cây hàng bốn, năm trăm tuổi mà chỉ cao có 15cm. Họ coi đó là nghệ thuật. Đối với tôi nó đơn thuần là sự giết chóc. Hàng thế hệ người làm vườn đã kìm giữ những cây đó trong tình trạng như vậy.
Và cái cây năm trăm tuổi ấy... bạn có thể thấy cành nó dù nhỏ nhắn nhưng đã già cỗi; nó là một cụ già bé nhỏ, nhưng sự già nua của nó thể hiện qua cành, thân, lá. Để có được một cây như vậy, người ta làm thế này: họ trồng cây trong một chiếc chậu nhỏ không đáy, họ cắt rễ của nó liên tục - họ trồng nó trong chiếc chậu không có đáy. Khi rễ cây mọc dài và cố đâm xuống đất, họ lại cắt chúng đi. Họ chẳng động chạm gì đến cây cả, họ chỉ làm một việc đơn giản là cắt rễ cây đi. Và năm trăm năm qua người ta vẫn tiếp tục nối nhau làm công việc đó. Cây bonsai này có thể sống hàng ngàn năm nhưng nó sẽ không bao giờ lớn mạnh, không bao giờ khai hoa kết trái.
Toàn bộ loài người trên khắp thế giới này cũng bị đối xử tương tự như vậy. Gốc rễ của loài người đã bị cắt đi từ lúc mới chào đời.
Đứa trẻ nào cũng phải biết vâng lời. Bạn đang cắt đi rễ của nó. Bạn không cho nó cơ hội suy nghĩ xem nên trả lời có hay không. Bạn không cho nó tự đưa ra quyết định của chính mình. Bạn không trao cho nó trách nhiệm - bạn tước đi trách nhiệm của nó, đằng sau những từ hết sức đẹp đẽ 'biết nghe lời.' Bạn tước đi tự do của nó, tước đi cá nhân của nó, bằng một việc làm rất đơn giản - cho rằng nó chỉ là một đứa trẻ, nó chẳng biết gì. Cha mẹ mới là người quyết định, còn con cái phải tuyệt đối vâng lời. Một đứa trẻ biêt vâng lời mới là đứa trẻ đáng được trân trọng.
Thế nhưng điều đó hàm ẩn quá nhiều đến nỗi bạn đang hủy hoại hoàn toàn đứa trẻ đó. Nó sẽ lớn lên, già đi, nhưng nó không trưởng thành. Nó sẽ già đi mà không nở rộ, không đơm hoa kết trái. Nó sẽ sống, nhưng cuộc đời của nó sẽ không như một vũ điệu, không như một bài ca, không chút lý thú. Bạn đã phá hủy khả năng cơ bản để một người có thể trở thành cá nhân, đích thực, chân thành, đem lại cho người ấy một sự chính trực nhất địn.
Thời thơ ấu của tôi... nhà tôi có nhiều người lắm. Trong nhà tôi có 10 anh chị em của tôi, tôi, hai đứa em họ... và tôi nghiệm ra điều này: đứa nào biết nghe lời và đứa đó được cưng. Tôi phải quyết định một việc cho cả cuộc đời mình - không chỉ cho thời thơ ấu hay để sống dễ dàngh ơn trong gia đình mình - rằng nếu tôi mong muốn có được sự trọng vọng bằng cách nào đi chăng nữa, tôi cũng không thể có chút hy vọng nào trưởng thành như một cá nhân. Ngay từ bé tôi đã vứt bỏ ý niệm về sự kính trọng.
Tôi nói với cha tôi: "Con phải nói điều này với cha".
Cha tôi hễ thấy tôi đến gặp là lại lo lắng, vì ông biết thế nào cũng có chuyện gì đấy. Ông nói: "Con cái không được nói với cha mẹ như vậy".
Tôi nói: "Con nói điều này với cha để cha nói với cả thế giới. Ngay bây giờ thế giới không sẵn sàng trước mắt con; đối với con cha là cả thế giới. Đây không phải là vấn đề giữa cha và con; nó là vấn đề giữa cá nhân và tập thể, công chúng. Con muốn nói với cha rằng con không chấp nhận ý niệm về sự kính trọng, vậy nên cái từ kính trọng đó chẳng có ý nghĩa gì với con cả; nếu không con sẽ chỉ làm những điều ngược lại nó.
Con không thể vâng lời. Điều đó không có nghĩa là lúc nào con cũng không nghe lời, nó chỉ đơn giản nghĩa là con có quyền lựa chọn vâng lời hay không. Cha có thể yêu cầu, nhưng quyết định là của con. Nếu con cảm thấy trí tuệ của con ủng hộ điều đó; nhưng đó không phải là con vâng lời cha, mà là con vâng lời trí tuệ của con. Nếu con cảm thấy nó không đúng, con sẽ từ chối. Con xin lỗi, nhưng cha cần phải hiểu rõ một điều này: nếu con không biết nói không, thì con có nói vâng cũng chỉ là vô nghĩa mà thôi".
Và đó là sự vâng lời: nó làm bạn trở nên què quặt - bạn không thể nói không, bạn buộc phải nói vâng. Nhưng khi một người không còn biết nói không nữa thì lời nói vâng của người đó cũng chẳng còn ý nghĩa gì; người đó hoạt động như một cái máy. Bạn đã biến người đó thành một con robot. Vậy nên tôi nói với cha tôi: "Đây là ý kiến của con. Cha đồng ý hay không là tùy cha; nhưng con đã quyết định rồi, và dù cho hậu quả có thế nào thì con vẫn làm như vậy".
Trong một thế giới như thế... Trong thế giới này, tự do, tự tại, tự quyết định bằng nhận thức của chính mình, hành động theo ý thức của chính mình đã trở thành điều không thể. Khắp mọi nơi - trong nhà thờ, trong chùa, đền, trường phổ thông, đại học, trong gia đình - khắp nơi người ta đều buộc bạn phải vâng lời.
Mới đây thôi tôi bị bắt ở Crete. Người ta không cho tôi xem lệnh bắt. Tôi bảo họ: "Đây mới thật là tội phạm". Họ đáp: "Chúng tôi có lệnh bắt", nhưng bằng tiếng Hy Lạp.
Và tôi nói: "Vậy các anh có lệnh khám nhà không?". Họ không có - họ chưa bao giờ nghĩ đến việc đó. Tôi nói: "Theo lệnh thì các anh được phép bắt tôi ngoài khuôn viên ngôi nhà này; các anh không được phép bước chân vào nhà. Thế mà các anh không những đột nhập vào nhà tôi mà còn bất chấp thư ký của tôi, Anando, khi cô ấy cố nói với các anh rằng, 'Xin đợi trong giây lát! Osho đang ngủ. Tôi sẽ vào và đánh thức Người dậy ngay. Chỉ 5 phút thôi.' Các anh không đợi nổi 5 phút.
Các anh ném Anando ra ngoài hành lang làm bằng sỏi và đá cao hơn 1 mét và kéo lê cô ấy đi, bắt cô ấy mà không hề có lệnh. Và tội duy nhất mà cô ấy phạm phải là việc nói với các anh rằng, 'Xin đợi trong giây lát. Chúng tôi đang gọi Osho xuống, rồi các ông có thể đọc lệnh bắt cho Người.'
Và khi John gọi tôi dậy, tôi đã thấy người ta hùa nhau ném đá vào cửa sổ, cửa lớn, họ cố đột nhập vào nhà từ mọi hướng. Tôi nghe tiếng ồn như bom dội. Họ có bom dynamite và họ định sẽ cho nổ tung ngôi nhà tôi đang ở.
Trên đường đến đồn cảnh sát, họ dừng lại ở một nơi vắng vẻ và cho tôi xem tờ lệnh, giải thích và bảo tôi ký vào biên bản. Tôi nói: "Tôi sẽ rất vui mừng được ký vào đây, nhưng các anh nói không đúng. Các anh không ghi đoạn đập phá cửa để vào nhà tôi, đe dọa cho nổ tung ngôi nhà lên bằng thuốc nổ. Các anh không nhắc gì đến Anando, rằng các anh đã ném cô ấy xuống đất, kéo lê cô ấy trên sỏi trên đá, bắt giữ cô ấy mà không hề có lệnh... Tôi không ký! Các anh muốn che đậy việc này. Nếu tôi ký, điều đó có nghĩa là tôi không thể kiện ra tòa vì các anh có thể trình tờ biên bản mà tôi đã ký dây. Các anh ghi lại đúng sự thật, nói hết những gì đã xảy ra rồi tôi mới ký".
Họ hiểu rằng tôi không phải loại người dễ bắt nạt, và họ cất tờ biên bản đi. Họ không bao giờ yêu cầu tôi ký nó nữa, vì họ không thể ghi ra hết những việc họ đã làm; mà hcinsh những điều đó sẽ kết án họ. Họ yêu cầu tôi về Ấn Độ ngay lập tức bằng đường thủy, nhưng tôi từ chối. Tôi nói: "Tôi không đi đường biển được. Tôi bị say sóng, và ai sẽ chịu trách nhiệm về việc đó? Các anh phải cam kết bằng giấy tờ rằng các anh sẽ chịu trách nhiệm về tình trạng say sóng của tôi và mọi thiệt hại. Thế là họ không bàn đến việc đưa tôi về Ấn Độ theo đường thủy nữa.
Tôi nói: "Máy bay của tôi đang đợi ở Athens. Các anh phải đưa tôi đến Athens bằng đường không, hoặc cho phép máy bay của tôi bay đến đây. Tôi không có hứng thú gì mà ở lại một đất nước như thế này những hai tuần" - vì visa của tôi còn hiệu lực trong hai tuần nữa - "ở một nơi mà chính quyền cư xử một cách man rợ, tồi tệ và vô nhân đạo như thế".
Tôi nói với người cảnh sát nọ: "Ngài Giáo hoàng đi đến đâu, ông ấy đều hôn đất mỗi kh hạ cánh. Còn tôi nên phỉ nhổ lên mặt đất này, vì các anh xứng đáng với điều đó".
Lời nhận xét của viên cảnh sát ấy nhắc tôi nhớ đến tất cả những điều này. Anh ta nói: "Hình như từ bé tới giờ chưa ai dạy cho ông biết vâng lời thì phải".
Tôi đáp: "Đúng thế, anh quan sát rất tốt. Tôi không chống lại sự vâng lời, tôi cũng không phải đứa không biết vâng lời, nhưng tôi muốn tự quyết định cuộc đời mình theo con đường của chính tôi. Tôi không muốn ai can thiệp vào cuộc đời mình, tôi cũng không muốn can thiệp vào cuộc đời của người khác".
Loài người chỉ thực sự là nhân loại khi điều này trở thành một nguyên tắc được chấp nhận. Thế nhưng cho đến nay, nguyên tắc được mọi người chấp nhận vẫn là phá hủy hoàn toàn một con người bằng cách biến người ấy thành tên nô lệ, dễ bảo trước mọi loại quyền lực, cắt trụi gốc rễ để tranh đấu cho tự do, tranh đấu cho cá nhân, cho bất kỳ điều gì. Lúc đó anh ta sẽ có một chút cuộc sống cho phép anh ta sống cho đến khi cái chết giải thoát cho anh ta khỏi kiếp nô lệ mà anh ta đã chấp nhận suốt cuộc đời mình. Trẻ con là nô lệ của cha mẹ; vợ là nô lệ, chồng là nô lệ, người già là nô lệ của người trẻ có quyền lực. Nhìn quanh, tất cả mọi người đều sống trong cảnh nô lệ, che giấu những vết thương đằng sau những lời lẽ đẹp đẽ.
Vậy nên, bức vẽ của bạn về một bông hoa có những cánh hoa xinh đẹp tỏa ra ánh sáng nhưng lại có gốc rễ yếu ớt... bạn cảm thấy nó thể hiện chính bạn; nó thể hiện toàn thể nhân loại.
Gốc rễ chỉ có thể khỏe mạnh nếu chúng ta dừng lại tất cả những việc mà bấy lâu nay chúng ta vẫn đang làm, và làm điều ngược lại. Mọi đứa trẻ phải có cơ hội để tư duy, suy nghĩ. Chúng ta nên giúp trẻ con gọt giũa trí thông minh của chúng. Ta nên giúp chúng bằng cách cho chúng cơ hội tự đưa ra quyết định của chính mình. Ta nên hiểu rằng không ai bị ép buộc phải vâng lời, và tất cả mọi người đều được tiếp xúc với cái đẹp và sự cao quý của tự do. Lúc đó gốc rễ mới có thể khỏe mạnh được.
Thế nhưng ngay chính Chúa cũng đang cắt đi gốc rễ của con cái ngài khi chúng không nghe lời. Việc chúng không biết vâng lời đã trở thành tội lỗi lớn nhất, tội lỗi mà hàng trăm thế hệ qua vẫn chưa gột sạch được; bạn không phạm tội ấy, nhưng bạn không nằm ngoài hàng trăm thế hệ kia. Mới đầu có ai đó không vâng lệnh Chúa, và rồi Chúa giận đến mức không chỉ trừng phạt có Adam và Eva mà còn trừng phạt tất cả những thế hệ tương lai của họ, mãi mãi.
Đấy là những tôn giáo khiến con người sống mà không thể nở rộ, không tỏa hương; nếu không mỗi cá nhân đã có khả năng trở thành một Socrates, một Pythagoras, một Heraclitus, một đức Phật Cồ Đàm, một Trang Tử. Mỗi người ai cũng có tiềm năng, thế nhưng tiềm năng ấy không có đủ dưỡng chất. Nó vẫn là tiềm năng... và khi những con người kia chết đi, tiềm năng không bao giờ trở thành sự thật.
Toàn bộ nỗ lực và phương pháp của tôi là nhằm đem lại cho mỗi cá nhân cơ hội phát triển tiềm năng của mình, dù đó là gì. Không ai được phép làm chệch hướng cuộc sống của bạn - không ai được quyền làm như vậy. Và chúng ta sẽ có một thế giới thực sự là khu vườn của loài người. Giờ thì chúng ta vẫn còn đang sống trong địa ngục.

Ads Belove Post