Chương 4. Bắt đầu với chính bạn

Chương 4. Bắt đầu với chính bạn

Price:

Read more

Osho - Tôi là lối cổng
Chương 4. Bắt đầu với chính bạn

Osho kính yêu,
Phẩm chất về tình yêu và ân huệ là thuộc tính của điều thiêng liêng. Những phẩm chất này có tồn tại hay không? Điều thiêng liêng có tồn tại hay không? Điều này có thể giải thích được hay không?
Nói rằng điều thiêng liêng tồn tại thì sẽ không phải, bởi vì tất cả những gì tồn tại đều là điều thiêng liêng. Mỗi thứ và mọi thứ tồn tại, chỉ điều thiêng liêng không thể nói là tồn tại được. Điều thiêng liêng là sự tồn tại. Là điều thiêng liêng và tồn tại là cùng một việc nhưng nói theo hai cách khác nhau. Cho nên phẩm chất của "sự tồn tại" không thể là thuộc tính cho điều thiêng liêng.
Mọi thứ khác đều có thể được nói là tồn tại vì nó có thể đi vào không tồn tại. Tôi có thể được nói là tồn tại vì tôi sẽ đi vào không tồn tại; bạn có thể được nói là tồn tại vì có những lúc bạn đã trong không tồn tại. Nhưng điều thiêng liêng thì không thể được nói là tồn tại vì điều thiêng liêng bao giờ cũng có đó. Sự không tồn tại của nó không thể quan niệm nổi, cho nên sự tồn tại không thể được xem là thuộc tính của điều thiêng liêng. Tôi sẽ nói sự tồn tại là thiêng liêng, hay tính thiêng liêng có nghĩa là sự tồn tại.
Không cái gì tồn tại mà không thiêng liêng cả. Bạn có thể biết nó hay không, điều đó chẳng khác biệt gì chừng nào có liên quan tới cái thiêng liêng của bạn. Nếu bạn biết nó, thế thì bạn trở thành sự tồn tại, phúc lạc. Nếu bạn không biết nó, bạn cứ thế tiếp tục trong đau khổ. Nhưng bạn là điều thiêng liêng. Khi ngủ, khi vô hiểu biết, thế nữa bạn cũng vẫn là điều thiêng liêng. Thậm chí đến tảng đá cũng thiêng liêng, chẳng biết gì tới chính mình cả. Sự tồn tại là thiêng liêng.
Tất cả những người cố gắng chứng minh rằng Thượng đế tồn tại đều chẳng biết gì. Đây là lời tiên đoán vô nghĩa để chứng minh rằng Thượng đế tồn tại. Những người cố gắng chứng minh rằng Thượng đế không tồn tại cũng trên cùng con thuyền đó cả. Chẳng ai sẽ chứng minh được rằng sự tồn tại là tồn tại. Nếu bạn nói điều đó theo cách này, nếu bạn hỏi tôi liệu sự tồn tại có tồn tại không, câu hỏi là ngớ ngẩn.
Với tôi, khi ai đó nói rằng Thượng đế tồn tại, điều đó có nghĩa là cùng một thứ - rằng sự tồn tại tồn tại. Thượng đế và sự tồn tại là tương đương, đồng nghĩa. Một khi bạn đã trở nên nhận biết về sự tồn tại là gì, bạn sẽ không gọi nó là "sự tồn tại." Thế thì bạn sẽ gọi nó là Thượng đế. Khoảnh khắc người ta trở nên nhận biết về toàn bộ bản thể có đấy bạn không thể dùng từ 'tồn tại' được. Bạn trở nên thân thiết với nó, cho nên bạn phải dùng tên người, bạn gọi nó là Thượng đế. Gọi sự tồn tại là "Thượng đế" chỉ có nghĩa này và không nghĩa nào khác: rằng bạn có thể trong mối quan hệ thân thiết với nó, rằng bạn có thể trong tiếp xúc cá nhân với nó. Nó không phải là cái gì đó chết. Nó không phải là cái gì đó mà bạn không thể có quan hệ. Nó không phải là cái gì đó dửng dưng với bạn.
Khi chúng ta nói sự tồn tại là Thượng đế, chúng ta ngụ ý nói sự tồn tại là có quan hệ mật thiết với chúng ta. Chúng ta có quan hệ với nó, và nó không dửng dưng với chúng ta. Nhưng cứ khi tâm trí con người có dính líu tới, chúng ta lại không biết dùng từ nào chính xác hơn là Thượng đế.
Nếu bạn hỏi một người Do thái chính thống, người đó sẽ không dùng đầy đủ từ Thượng đế (God). Người đó sẽ chỉ dùng G-D, chữ O bị bỏ đi. Nếu bạn hỏi họ, "Tại sao ông dùng G-D, tại sao lại bỏ O đi?" thì họ nói, "Bất kì cái gì chúng ta nói ra bao giờ cũng kém hơn cái đang đấy. Cho nên O bị bỏ đi chỉ để tượng trưng rằng chúng ta đang dùng một từ mà không thể nào chuyển vận được cái tổng thể, không thể nào diễn đạt được một cách toàn bộ." Chữ O là tượng trưng cho không, kí hiệu cho sự hoàn hảo, kí hiệu cho cái toàn bộ, cái tổng thể. Cho nên chữ O bị bỏ đi, chỉ còn lại G-D.
Bất kì khi nào chúng ta dùng bất kì từ nào, nó cũng chẳng bao giờ có nghĩa hay bao hàm cái tổng thể. Nó chỉ nêu ra không phải một điều gì đó về điều thiêng liêng mà là về tâm trí con người. Nếu bạn nói "sự tồn tại", thế thì bạn dùng từ trung lập. Bạn có thể dửng dưng với nó, và sự tồn tại có thể dửng dưng với bạn. Khi bạn dùng "sự tồn tại" không thể có đối thoại giữa bạn và sự tồn tại. Thế thì không có cầu nối. Nhưng những người đã biết tới sự tồn tại cũng biết có đối thoại với mọi thứ đang tồn tại; bạn có thể trong mối quan hệ thân thiết, trong tình yêu. Khả năng đối thoại này, khả năng quan hệ này, khả năng trong tình yêu này, làm cho từ 'Thượng đế' có nghĩa nhiều hơn 'sự tồn tại', nhưng chúng đều cùng nói về một thứ.
Cho nên tôi sẽ không nói rằng điều thiêng liêng tồn tại, tôi sẽ nói rằng tất cả những cái tồn tại đều là thiêng liêng. Sự tồn tại là thiêng liêng. Việc tồn tại là thiêng liêng. Chẳng có gì lại không thiêng liêng cả. Chúng ta có thể biết nó, chúng ta có thể không biết nó; chúng ta có thể nhận biết, chúng ta có thể không nhận biết, cũng chẳng có gì khác nhau.
Điều nữa bạn hỏi là liệu phẩm chất của tình yêu và ân huệ có thể coi là thuộc tính của Thượng đế không. Một lần nữa, không phẩm chất nào có thể coi như là thuộc tính của ngài, vì phẩm chất chỉ có thể coi là thuộc tính nếu có thể có mâu thuẫn. Bạn có thể nói, "Ai đó yêu tôi," vì ai đó là có khả năng không yêu. Nếu người đó không có khả năng không yêu thì bạn sẽ chẳng bao giờ nói, "Anh ấy yêu tôi." Thế thì nói rằng ai đó yêu bạn chẳng mang nghĩa gì. Nếu tôi không thể trong yêu, tôi chỉ có thể trong ghét - thế thì tôi có thể nói, "Anh yêu em." Nếu tôi không có khả năng trong ghét, thế thì phẩm chất của yêu không thể được coi là thuộc tính của tôi. Thế thì yêu không phải là phẩm chất, mà là chính bản chất của người ta.
Và đâu là khác biệt giữa phẩm chất và bản chất của người ta?
Phẩm chất là cái gì đó có thể biểu lộ và có thể không biểu lộ. Phẩm chất là cái gì đó bạn có thể bị tước đi. Bạn có thể tồn tại với phẩm chất, bạn có thể tồn tại không có phẩm chất, đấy không phải là sự tồn tại bản năng của bạn. Nó là cái gì đó được coi như thuộc tính của bạn, nó là cái gì đó được thêm vào bạn. Nó không phải là bản chất của bạn.
Bản chất là cái gì đó mà không có nó, bạn không bao giờ có thể tồn tại được. Cho nên khi ai đó nói, "Thượng đế là việc yêu," người đó đang không nói đúng việc. Jesus nói đúng khi ông ấy nói, "Thượng đế là tình yêu," không phải là việc yêu. Thế thì tình yêu trở thành bản chất của ngài, không phải là phẩm chất. Nó không thể được thay thế. Thượng đế có thể là tình yêu, tình yêu có thể là Thượng đế, vì tình yêu là bản chất cố hữu của điều thiêng liêng.
Tình yêu không phải là cái gì đó được thêm vào, nó không thể thế được. Không thể nào quan niệm được Thượng đế không có tình yêu. Nếu bạn quan niệm Thượng đế không có tình yêu, bạn đang quan niệm một Thượng đế mà không phải là Thượng đế. Quan niệm Thượng đế không có tình yêu là quan niệm về Thượng đế không có tính thần thánh còn lại phía sau. Cho nên lần nữa tôi sẽ không nói rằng tình yêu là thuộc tính; mà cũng chẳng nói rằng ân huệ là thuộc tính. Chúng là bản chất.
Đâu đó Aesop đã kể cho chúng ta trong một chuyện ngụ ngôn rằng trên bờ sông bọ cạp hỏi rùa, "Mày đưa tao sang bờ sông bên kia trên mai mày đi." Rùa nói, "Đừng có ngốc như vậy! Đừng coi tao là ngu! Mày có thể đốt tao ngay giữa dòng nước, và tao sẽ bị chết chìm." Bọ cạp nói, "Tao không ngốc đâu; đúng ra, mày mới ngốc, vì mày không biết một logic đơn giản. Tao thuộc về trường phái Aristote, tao là nhà logic! Cho nên tao sẽ dạy cho mày một bài học đơn giản về logic. Nếu tao đốt mày và nếu mày chết chìm thì tao cũng sẽ chết theo mày. Cho nên biết điều đi, logic vào. Tao sẽ không đốt mày đâu - tao không thể nào đốt mày được."
Rùa nghĩ một lúc rồi nói, "Thôi được! Cũng có vẻ hợp lí đấy. Nhảy lên lưng tao đi và chúng ta sẽ đi." Và đích xác ra giữa dòng nước thì việc đốt xảy ra. Cả hai đứa đều bị chìm xuống. Trước khi con rùa chết nó hỏi, "Logic của mày chạy đi đâu mất rồi? Mày đã làm một việc rất phi logic, và bản thân mày đã nói rằng đây là một logic đơn giản, rằng mày sẽ không bao giờ làm việc đó. Thế mà bây giờ mày lại làm việc ấy! Nói cho tao trước khi tao chết. Để cho tao học được bài học nữa về logic của mày."
Bọ cạp nói, "Đấy chẳng phải là vấn đề logic chút nào, đấy chỉ là bản chất của tao. Tao không thể sống mà không có nó được. Tao có thể nói về nó, nhưng tao không thể sống mà không có nó. Tao không có khả năng, thật đấy."
Cái gì đó mà bạn không có khả năng làm hay không làm sẽ chỉ ra bản chất của bạn. Chúng ta không thể nào quan niệm được về điều thiêng liêng là không yêu thương hay không ân huệ. Tình yêu bao giờ cũng có đó, ân huệ bao giờ cũng có đó. Chúng ta dùng hai từ - tình yêu và ân huệ - vì những giới hạn ngôn ngữ của chúng ta. Nếu không, một từ cũng đủ. Hoặc bạn gọi nó là tình yêu hoặc bạn gọi nó là ân huệ.
Chúng ta dùng hai từ vì với tình yêu chúng ta bao giờ cũng trông đợi cái gì đó đáp lại, nhưng không phải như thế đối với ân huệ. Bất kì khi nào ta yêu ai đó, ta đều trông đợi điều gì đó được đền đáp lại. Nó bao giờ cũng là mặc cả, dù tinh vi đến đâu. Dù được nói ra hay không nói ra, dù được thể hiện cho biết hay không thể hiện cho biết, nó là mặc cả bên trong. Cái gì đó đang được trông đợi đền đáp lại. Đó là lí do tại sao chúng ta dùng hai từ, 'tình yêu' và 'ân huệ', vì với ân huệ thì chẳng có gì được trông đợi đền đáp lại, và Thượng đế chẳng bao giờ trông đợi bất kì cái gì đền đáp lại từ phía chúng ta.
Nhưng chừng nào còn có liên quan tới sự tồn tại thiêng liêng thì tình yêu và ân huệ là một và như nhau. Ngài là việc yêu, và đó là ân huệ của ngài. Ngài bao giờ cũng đi kèm với ân huệ của mình, điều đó có nghĩa là ngài là việc yêu. Nhưng đấy không phải là phẩm chất có thể coi như thuộc tính của ngài. Đấy là bản chất của ngài, ngài không thể khác được. Nhưng chúng ta tạo ra phân biệt vì ai đó được biết là đã nhận được ân huệ, ai đó đã trở thành người được yêu của điều thiêng liêng. Điều đó lại là phát biểu sai lầm. Thượng đế bao giờ cũng là ân huệ và bao giờ cũng là tình yêu. Nhưng chúng ta không phải bao giờ cũng trong tâm trạng tiếp nhận.
Chừng nào chúng ta còn chưa trở nên dễ tiếp nhận, chúng ta không thể nào nhận được nó. Cho nên khi bạn không nhận ân huệ thiêng liêng, đấy không phải là cái gì thiếu về phần điều thiêng liêng, mà là cái gì đó tựa như rào chắn bạn đang mang. Bạn không dễ tiếp nhận với nó, bạn không cởi mở với nó. Bạn không dễ bị động chạm bởi nó. Bản chất của Thượng đế là ân huệ, là bản thân điều ân huệ. Nhưng chừng nào còn liên quan tới chúng ta, chúng ta không tiếp nhận một cách tự nhiên, chúng ta thường tự nhiên hung hăng. Và đây là hai điều khác biệt.
Nếu tâm trí hung hăng, thế thì nó không thể dễ tiếp nhận. Chỉ tâm trí không hung hăng mới có thể dễ tiếp nhận. Cho nên tất cả những phẩm chất có mang bất kì kiểu hung hăng nào đều nên bị loại bỏ, và người ta phải ở ngay cánh cửa đón nhận. Giống hệt như bụng mẹ, người ta phải hoàn toàn trong tiếp nhận. Thế thì ân huệ bao giờ cũng tuôn chảy, và tình yêu bao giờ cũng tuôn chảy.
Từ mọi nơi ân huệ đều tuôn chảy. Mọi khoảnh khắc, mọi nơi, ân huệ đều tuôn chảy. Đấy là bản chất của sự tồn tại. Nhưng chúng ta không dễ tiếp nhận. Đấy là bản chất của tâm trí - tâm trí là hung hăng. Đó là lí do tại sao tôi bao giờ cũng nhấn mạnh rằng thiền nghĩa là vô trí. Thiền nghĩa là dễ tiếp nhận không hung hăng, cởi mở. Nhưng logic chẳng bao giờ có thể dễ tiếp nhận; logic là hung hăng. Bạn đang làm điều gì đó, thế thì bạn không thể dễ tiếp nhận. Bạn có thể dễ tiếp nhận chỉ khi bạn không làm.
Khi bạn ở trạng thái không làm, tuyệt đối không làm, đơn giản tồn tại, thế thì bạn là mở từ mọi phía, và từ mọi nơi luồng ân huệ đổ tới. Nó bao giờ cũng tới, nhưng cánh cửa của chúng ta đóng. Chúng ta bao giờ cũng trốn thoát khỏi ân huệ. Ngay cả nếu nó gõ lên cửa, chúng ta cũng trốn mất.
Có lí do tại sao chúng ta cứ trốn mãi: khoảnh khắc tâm trí sinh ra, nó bao giờ cũng tự bảo vệ chính mình. Toàn bộ ước định của chúng ta, toàn bộ nền giáo dục của chúng ta, toàn bộ nền văn hoá loài người bao giờ cũng như vậy cả. Toàn bộ tâm trí chúng ta, toàn bộ nền văn hoá chúng ta, đều dựa trên hung hăng, cạnh tranh, xung đột. Chúng ta chưa trở nên đủ chín muồi để học được bí mật của hợp tác - bí mật là thế giới tồn tại trong hợp tác, không phải trong xung đột; bí mật là người khác, người hàng xóm, không phải là kẻ cạnh tranh mà còn là sự tồn tại bổ sung làm cho ta giầu có hơn. Không có người đó, chúng ta sẽ nhỏ bé đi một chút. Cái giầu có do người đó tạo ra, cái giầu có được mang vào bầu không khí này, là không còn nữa. Đâu đó, cái gì đó đã bị bỏ trống. Cho nên chúng ta tồn tại trong sự cùng tồn tại, không phải trong xung đột.
Nhưng tâm trí, vô ý thức tập thể, bao giờ cũng nghĩ dưới dạng xung đột. Bất kì khi nào ai đó có đó, kẻ thù cũng có đó. Kẻ thù là giả thuyết cơ sở. Bạn có thể phát triển thân thiện của mình, nhưng điều đó sẽ được phát triển - giả thuyết cơ sở là kẻ thù. Thân thiện có thể được bổ sung vào kẻ thù, nhưng cơ sở vẫn là không thân thiện và bạn chẳng bao giờ có thể thảnh thơi được.
Đó là lí do tại sao bạn không bao giờ có thể dựa vào thân thiện của mình, vì tại cơ sở vẫn có thù địch. Bạn chỉ tạo ra thân thiện giả, bạn đã thêm vào cái gì đó một cách giả tạo, ở đâu đó tại cơ sở bạn luôn luôn biết rằng có kẻ thù - người kia là kẻ thù. Cho nên ngay cả với người bạn, bạn cũng không thấy thoải mái, ngay cả với người yêu mình, bạn cũng không thấy thoải mái. Bất kì khi nào có ai đó, bạn đều căng thẳng - kẻ thù có đó. Tất nhiên, căng thẳng trở nên ít đi nếu bạn đã tạo ra mã ngoài thân thiện. Nó ít đấy, những vẫn có đấy.
Thái độ này đã phát triển bởi một số lí do - các lí do tiến hoá. Con người đã ra khỏi rừng rậm. Toàn bộ tiến hoá đã chứng kiến biết bao nhiêu giai đoạn, biết bao nhiêu giai đoạn loài vật... về thể chất, thân thể biết, vì thân thể không phải là của bạn. Khi tôi nói "thân thể tôi," tôi đang tuyên bố một điều gì đó mà không thể tuyên bố được. Thân thể tôi đã tới qua hàng thế kỉ phát triển. Các tế bào cơ sở là được kế thừa; trong tế bào cơ sở của mình, tôi kế thừa tất cả những cái đã tồn tại đằng sau tôi. Tất cả các loài vật, tất cả cây cối, tất cả những cái đã tồn tại đều có đóng góp cho tế bào cơ sở của tôi.
Trong tế bào cơ sở của tôi đã có sự tích luỹ toàn bộ kinh nghiệm về xung đột, vật lộn, bạo hành, hùng hổ.
Mỗi tế bào đều mang toàn bộ cuộc vật lộn tiến hoá trước đó. Về mặt thể chất cũng thế, mà về mặt tinh thần cũng thế - tâm trí bạn không tiến hoá chỉ trong kiếp sống này, nó đã tới với bạn trong một cuộc hành trình dài. Nó có thể thậm chí còn dài hơn bản thân thân thể. Vì thân thể đã tiến hoá trên trái đất này, nó không thể già hơn bốn mươi triệu năm. Nó không thể già hơn trái dất. Nhưng tâm trí đầu tiên đến từ hành tinh khác. Tâm trí có kinh nghiệm tiến hoá sâu hơn, và tất cả những kinh nghiệm này làm cho bạn thành bạo hành và hùng hổ.
Người ta phải nhận biết về hiện tượng toàn bộ này. Chừng nào người ta còn chưa nhận biết người ta không thể nào được tự do với quá khứ của riêng mình. Toàn bộ vấn đề là ở chỗ người ta phải tự do với quá khứ của riêng mình, và quá khứ này là cái gì đó rất lớn lao - lớn không thể hiểu nổi. Tất cả những điều đã sống qua vẫn sống cùng bạn. Tất cả những điều đã từng có đó vẫn ở bên trong bạn trong hạt mầm, trong tiềm năng. Bạn đến từ quá khứ, bạn là quá khứ. Tâm trí hướng quá khứ này vẫn cứ tạo ra hùng hổ, vẫn cứ nghĩ dưới dạng hùng hổ.
Cho nên khi tôn giáo nói dễ tiếp nhận đi, lời khuyên đó không được để ý đến. Tâm trí không thể nào nghĩ được về việc làm sao nó có thể dễ tiếp nhận. Tâm trí chỉ biết một điều mà trong đó nó đã tiếp nhận và đó là cái chết, trong đó tâm trí không thể nào làm được gì nữa; thế thì nó không thể nào hành động được. Điều duy nhất mà tâm trí đã biết, nó phải tiếp nhận, là cái chết. Cho nên bất kì khi nào ai đó nói, "Tiếp nhận đi," ở bất kì đâu bạn đều cảm thấy cái chết trong bóng hình. Nếu tôi nói, "Tiếp nhận đi," tâm trí sẽ nói, "Thế thì đằng ấy sẽ chết. Phải hung hăng lên nếu đằng ấy muốn tồn tại và sống còn. Kẻ khoẻ nhất sẽ sống còn, người hung hăng nhất sẽ sống còn. Nếu đằng ấy chỉ tiếp nhận thôi đằng ấy sẽ chết."
Đấy là lí do tại sao tiếp nhận chẳng bao giờ được hiểu cả - không nghe thấy, không hiểu thấu. Tiếp nhận này đã được nói tới theo bao nhiêu cách. Ai đó nói, "Buông xuôi đi." Điều đó có nghĩa là tiếp nhận đi. Buông xuôi nghĩa là đừng hung hăng, hùng hổ nữa. Khi ai đó nói, "Trung thực," điều đó có nghĩa là tiếp nhận. Đừng hùng hổ qua logic của bạn. Chấp nhận sự tồn tại như nó hiện có. Để nó đi vào.
Tâm trí không thể yêu được, vì yêu có nghĩa là tiếp nhận ai đó. Ngay cả trong tình yêu chúng ta cũng hung hăng. Nếu bạn hỏi một người bạn, người đó sẽ nói tình yêu chẳng là gì ngoài một loại bạo hành, bạo hành lẫn nhau trong đó cả đôi bạn tình đều đồng ý tham dự. Và khi người bạn nói điều này, người đó không chỉ nói điều vô nghĩa. Người đó ngụ ý điều đó và người đó biết điều gì đó.
Bất kì khi nào bạn đang trong hành động dục, bất kì khi nào bạn đang trong yêu thân mật, hành động tiếp theo sau đó đều hệt như đánh nhau - bạn đang đánh nhau. Nếu bạn đi sâu vào bất kì hành động nào mà chúng ta biết như yêu, nếu bạn đi sâu vào trong nó, bạn sẽ tìm thấy nguyên nhân gốc rễ. Hôn có thể trở thành cắn vào bất kì lúc nào. Nếu bạn cứ hôn mãi, nếu nó đi sâu mãi nó sẽ trở thành cắn. Đấy chỉ là một dạng của tâm trí. Đôi khi những người yêu nhau sẽ nói, "Em (Anh) muốn ăn anh (em)" - một cách bầy tỏ rất đáng yêu. Thực sự, họ cũng thử. Đôi khi nó đi sâu, trở thành căng thẳng, thế thì dục chỉ là đánh nhau.
Cho nên đôi bạn tình, đôi bạn dục, bao giờ cũng luân phiên ở giữa tình yêu và đánh nhau. Buổi tối họ đánh nhau, buổi đêm họ yêu nhau, buổi sáng họ đánh nhau, buổi tối họ yêu nhau, buổi đêm họ đánh nhau... Cái vòng này cứ thế mãi - đánh nhau và yêu nhau, đánh nhau và yêu nhau. Nếu bạn hỏi D.H. Lawrence, ông ấy sẽ nói, "Nếu bạn không thể đánh nhau với người yêu của mình, bạn không thể yêu được." Đánh nhau tạo nên căng thẳng. Nó chỉ tạo nên tình huống.
Tâm trí con người như nó vẫn thế, như nó đến từ quá khứ, không thể yêu được vì nó không thể tiếp nhận được. Nó chỉ có thể hung hăng. Cho nên không phải là bạn đang yêu - bạn bao giờ cũng đòi hỏi tình yêu. Và thậm chí bạn hành động việc yêu, đấy cũng chỉ để ép buộc đòi hỏi. Có một logic ranh mãnh. Nó bao giờ cũng đòi hỏi, "Cho tôi tình yêu đi." Và nếu tôi cho bạn tình yêu, điều đó chỉ làm cho đòi hỏi thêm mạnh hơn. Tâm trí con người không thể yêu được.
Cho nên nếu bạn hỏi những người đã thực sự biết tình yêu, nếu bạn hỏi Phật, ông ấy sẽ nói, "Chừng nào tâm trí chưa chết đi, tình yêu không thể nào sinh ra được." Và chừng nào không có tình yêu bạn không thể nào cảm thấy ân huệ, vì chỉ trong tình yêu bạn mới trở nên cởi mở.
Và bạn không thể nào yêu một cá nhân đặc biệt vì không thể nào cởi mở với một cá nhân đặc biệt mà khép kín với tất cả. Đây là một trong những điều không thể làm được nhất.
Nếu tôi nói, "Tôi yêu bạn", cũng hệt như việc nói, "Bất kì khi nào bạn bên cạnh tôi, tôi mới thở, nếu không tôi không thở." Nếu đấy là trường hợp, thế thì lúc khác bạn sẽ tới tôi và bạn sẽ thấy tôi chết. Thở không phải là cái gì đó mà tôi có thể làm và không thể làm. Yêu không phải là cái gì đó giống thế. Nhưng bất kì cái gì mà chúng ta biết tới là tình yêu đều giống thế. Đó là lí do tại sao sớm hay muộn, người yêu sẽ thấy rằng người kia đã chết. Và cả hai đều biết điều này. Cả hai sẽ biết rằng tình yêu bây giờ không còn nữa.
Những người yêu nhau càng biết lẫn nhau, tình huống này càng không may mắn hơn. Họ càng trở nên quen thuộc với nhau lại càng ít hi vọng và càng nhiều vỡ mộng. Họ biết rằng tình yêu đã chết. Bạn đã làm cho nó chật hẹp, bạn đã đòi hỏi một bước chuyển chật hẹp đến mức nó không thể sống được.
Người ta phải là việc yêu, không phải là người yêu. Việc yêu này phải tới như biểu lộ mãnh liệt, tự nhiên, không phải là cái gì đó được thêm vào, như một thuộc tính, như một phẩm chất. Nó phải tới như việc nở hoa bên trong, không phải là cái gì đó hương thơm thoảng ra bên ngoài. Tình yêu này có thể xảy ra. Người ta phải nhận biết về toàn bộ quá khứ của mình. Và khoảnh khắc bạn nhận biết về toàn bộ quá khứ của mình, chính khoảnh khắc đó bạn siêu việt lên, bạn vượt ra ngoài nó, vì cái mà là nhận biết không phải là tâm trí.
Cái trở thành nhận biết của tâm trí là tâm thức - cái không mang quá khứ nào trong nó, cái là vĩnh hằng, cái bao giờ cũng trong hiện tại. Cái bao giờ cũng mới, cái bao giờ cũng ở đây và bây giờ. Tâm thức đó chỉ được biết tới khi bạn trở nên nhận biết về tâm trí mình. Thế thì bạn không còn bị đồng nhất với tấm trí mình nữa, có lỗ hổng giữa bạn và tâm trí bạn. Bạn biết đây là tâm trí - cái hùng hổ này, cái căm ghét này, toàn bộ địa ngục này, đều là tâm trí.
Và tâm trí này cứ tiếp diễn, liên tục. Tâm trí này sẽ còn tiếp diễn chừng nào bạn còn chưa trở nên nhận biết. Và đây là điều kì diệu: khoảnh khắc bạn trở nên nhận biết tính liên tục bị phá vỡ. Bây giờ bạn sẽ có đấy, nhưng không có quá khứ; bây giờ bạn sẽ là khoảnh khắc này - tươi tắn, trẻ trung, mới mẻ. Bây giờ từng khoảnh khắc bạn sẽ chết và bạn sẽ được tái sinh.
Đâu đó, Thánh Augustine nói, "Ta chết vào mọi khoảnh khắc." Người đã trở nên nhận biết về toàn bộ tâm trí của mình và toàn bộ quá trình của nó, tính liên tục, bản thân tính liên tục quá khứ và việc mang nó và áp đặt nó cho tương lai - người đã trở nên nhận biết về điều này sẽ chết đi từng khoảnh khắc. Mỗi khoảnh khắc quá khứ sẽ bị ném đi. Người ta sẽ tươi tắn, mới mẻ và trẻ trung, sẵn sàng để nhảy vào khoảnh khắc mới đang tới. Chỉ tâm thức tươi tắn này, tâm thức trẻ trung này - trẻ vĩnh viễn - mới tiếp nhận, cởi mở. Không có bức tường nào ở đó, không có biên giới cho nó. Nó hoàn toàn mở, giống hệt không gian.
Upanishads gọi nó là không gian bên trong của trái tim. Có một không gian, đơn giản một không gian. Đó là tâm thức, sakshin - biểu hiện của nhận biết. Siêu việt này lên trên tâm trí, lên trên quá khứ, làm cho bạn cởi mở và nhạy cảm từ mọi phía, với mọi chiều hướng. Thế thì ân huệ rơi xuống bạn từ mọi nơi - từ cây cối, từ bầu trời, từ mọi người, từ con vật, từ mọi nơi. Thế thì ngay cả một hòn đá chết cũng mang ân huệ. Bạn cảm thấy ân huệ rơi xuống bạn.
Thế thì bạn không thể nói đây chỉ đơn giản là sự tồn tại. Thế thì bạn nói, "Đây là Thượng đế." Biến thái này, biến đổi này của tâm trí riêng bạn, biến đổi này của tâm trí chết thành tâm thức sống vĩnh hằng, từ mảng tâm trí thành bầu trời rộng mở của tâm thức... biến chuyển này làm thay đổi thái độ của bạn hướng về sự tồn tại. Thế thì toàn bộ sự tồn tại chỉ là một luồng tình yêu - thân thiện, từ bi, yêu mến, ân huệ. Thế thì bạn được yêu qua hàng nghìn cánh tay.
Cho nên Hindu giáo đã tạo ra các vị thần với hàng nghìn tay. Điều đó nghĩa là mọi nơi đều trong lòng bàn tay; bạn không thể đến bất kì nơi đâu mà không có bàn tay thiêng liêng chìa ra cho bạn. Mọi nơi đều được bao gồm. Bạn có thể đi tới mọi nơi, bây giờ không có chỗ nào mà không có điều thiêng liêng cả.
Nanak tới gặp Kaaba. Ông ấy rất mệt khi tới ngôi đền Mô ha mét giáo ấy, ông chỉ kịp ngồi xuống gói đồ nhỏ của mình, dù nó là cái gì, và thiếp đi. Thầy tế rất giận dữ vì chân của Nanak chĩa thẳng vào hòn đá linh thiêng. Cho nên ông ta lôi Nanak ra và nói, "Ông làm trò xuẩn ngốc gì ở đây thế này? Ông thậm chí chẳng biết điều tôn kính gì ở đây cả, chân không được chĩa vào hòn đá linh thiêng đó. Ông là kẻ vô thần à?" Giấc ngủ của Nanak bị gián đoạn và ông ấy đứng dậy. Ông ấy nói, "Để chân ta theo hướng không có Thượng đế, và đừng quấy rầy ta."
Chẳng có hướng nào là không có Thượng đế cả, vì bản thân hướng cũng là thiêng liêng, sự tồn tại là thiêng liêng. Nhưng bạn phải cởi mở với nó.
Toàn bộ bi kịch này, thế khó xử này của tâm trí con người, là ở chỗ tâm trí khép kín. Tâm trí khép kín và nó cứ tìm kiếm cái sẽ là tự do. Tâm trí là nhà tù, và nhà tù này đi tìm kiếm tự do. Đây là toàn bộ bi kịch của sự tồn tại con người.
Tâm trí này là nhà tù. Nó không thể nào tìm được bất kì tự do nào ở bất kì đâu cả. Nó phải chết đi trước khi tự do tới với bạn. Nhưng chúng ta đã coi tâm trí là chúng ta, chúng ta đã đồng nhất mình với nó. Cái chết này của tâm trí chẳng bao giờ xảy ra cho chúng ta cả, nó chưa bao giờ xuất hiện cho chúng ta. Tâm trí là cái gì đó khác chúng ta, nhưng chúng ta cứ bị đồng nhất với tâm trí.
Thế thì làm sao bạn có thể bước ra khỏi quá khứ nếu bạn đã trở nên đồng nhất với quá khứ? Một người đã quên mất rằng mình là tù nhân là gần như bị cầm tù, vì thế thì không có khả năng nào cho tự do của người đó. Nhưng thậm chí người tù đó có thể trở nên nhận biết - người tù vĩ đại hơn là người đã trở thành một với việc tù đày, thành một với nhà tù, người đã trở nên bị đồng nhất. Bức tường của nhà tù là thân thể người đó. Toàn bộ sự sắp đặt tù đày là tâm trí người đó.
Nhận biết đi, ý thức về tâm trí mình - và bạn có thể làm được, vì bạn là cái gì đó khác hơn. Giấc mơ có thể bị phá vỡ vì bạn không phải là giấc mơ. Giấc mơ chỉ xuất hiện cho bạn, nhưng bạn không phải là giấc mơ. Bạn có thể phá tan sự tù đày này và bước ra, vì bạn không phải là việc tù đày. Nhưng có một liên kết lâu dài thế với thân thể và tâm trí.
Và hiểu rõ điều này: rằng thân thể là mới, mỗi lần sinh thành lại mới. Mỗi sự bắt đầu lại mới, nhưng tâm trí là cũ. Nó vẫn tiếp tục từ những lần sinh thành quá khứ của bạn. Đó là lí do tại sao nếu ai đó nói thân thể bạn bị ốm, bạn chẳng bao giờ giận dữ cả, bạn cảm thấy rằng người đó thông cảm với bạn. Nhưng nếu ai đó nói tâm trí bạn điên khùng, tâm trí bạn ốm yếu, bạn bị loạn trí tinh thần, thế thì bạn giận lắm. Thế thì bạn không cảm thấy người đó thông cảm với bạn. Người đó dường như không thân thiện.
Với thân thể đây là một liên kết mới, chỉ cho lần sinh thành này. Các thân thể khác đã chết, những thân thể bạn đã từng trong liên kết, nhưng liên kết thân thể này bị phá vỡ với từng cái chết. Nó đã từng bị phá vỡ biết bao nhiêu lần đến mức cho dù người ta có nghĩ mình là thân thể người ta cũng không đồng nhất với thân thể mình. Cho nên nếu thân thể người đó có ốm yếu, đó là cái gì đó khác ốm yếu.
Tôi đã đọc về cuộc sống của người nghiện rượu. Người đó bị kết án nhiều lần lắm... Có đến cả chục lần cùng viên quan toà ấy tống người đó vào ngục. Cho nên vị quan toà này nói trong phán quyết của mình, "Đấy chỉ là do rượu, rượu là nguyên nhân gốc rễ cho vấn đề của anh." Người này nói, "Xin cám ơn ông. Ông là người duy nhất đã không đổ trách nhiệm cho tôi. Mọi người khác đều nói tôi có lỗi. Ông là người duy nhất hiểu rằng rượu là có lỗi, rằng tôi không có trách nhiệm tí nào."
Với thân thể, nếu có lỗi nào đó, bạn không cảm thấy bạn có trách nhiệm. Nhưng nếu tâm trí cảm thấy lỗi nào đó, thế thì bạn cảm thấy rằng bạn có trách nhiệm. Sự đồng nhất là sắc nhọn, và sâu sắc hơn. Nó phải là như vậy, vì thân thể là tầng ngoài hơn của con người bạn; tâm trí là tầng trong hơn. Nó là bạn ở bên trong, bạn có thể đồng nhất với nó nhiều hơn. Nó bao giờ cũng cùng với bạn qua bao nhiêu kiếp. Tâm trí là cũ, bao giờ cũng cũ, sự liên tục.
Nhưng bạn không phải là tâm trí. Và điều này có thể được biết tới, và cũng chẳng khó khăn gì trong việc biết nó.
Chỉ phải là nhân chứng. Bất kì khi nào tâm trí làm việc, ngồi bên và xem nó, cách thức nó vận hành. Đừng can thiệp vào. Đừng bước vào. Việc bước vào sẽ tạo ra sức mạnh làm nên sự đồng nhất. Đừng bước vào. Đừng nói điều gì cả. Đừng là người phán xét. Chỉ ngồi bên dường như giao thông đang diễn ra trên phố còn bạn ngồi bên cạnh, chỉ nhìn. Đừng đưa ra bất kì đánh giá nào. Và nếu thậm chí chỉ một khoảnh khắc bạn có thể ngồi cạnh bên và ngắm nhìn lưu thông của tâm trí, lưu thông liên tục, bạn sẽ thấy lỗ hổng - lỗ hổng giữa bạn và tâm trí. Thế thì lỗ hổng này có thể được làm lớn hơn, rộng hơn, không thể bắc cầu nổi.
Khi lỗ hổng đã như vậy, khi khoảng hở đã như vậy, thế thì không có cầu nối nữa. Bạn đã thấy từ mọi điểm có thể rằng vòng tròn tâm trí ở đâu đó mà bạn không có đấy. Bạn bao giờ cũng ở bên trong - đâu đó khác. Khi điều này không phải là lí thuyết mà là sự kiện thực tế, thế thì bạn là mở. Thế thì bạn đã nhảy vào không gian bên trong, vào trong không gian của trung tâm. Bạn đã nhảy vào. Bây giờ bạn có đó, và bạn cởi mở.
Thế thì bạn sẽ biết rằng bạn bao giờ cũng cởi mở. Bạn đã ngủ trong bầu trời mở nhưng mơ rằng bạn đang trong tù - và ý nghĩ chính là chất liệu tạo nên giấc mơ đó. Chúng là cùng một chất liệu. Ban ngày bạn gọi chúng là ý nghĩ, còn ban đêm bạn gọi chúng là mơ. Nhưng bởi vì ý nghĩ là trong suốt cho nên việc đồng nhất thành dễ dàng hơn. Với bất kì trong suốt nào bạn đều có thể quên mất nó đang có đó.
Nếu có một cái kính hoàn toàn trong suốt giữa bạn và tôi, tôi sẽ quên mất cái kính đó; tôi sẽ nghĩ rằng tôi đang thấy bạn trực tiếp. Điều đó có nghĩa là tôi trở thành được đồng nhất hoàn toàn với cái kính đến mức nó không có đó. Mắt tôi và kính đã trở thành một.
Ý nghĩ là trong suốt, còn trong suốt hơn bất kì kính nào bạn có thể nhìn qua. Chúng không có cản trở nào cả. Đó là lí do tại sao việc đồng nhất lại trở nên sâu sắc hơn. Tính trong suốt của ý nghĩ là gần với bạn đến mức bạn quên mất hoàn toàn rằng có tâm trí bao giờ cũng vây quanh bạn, bao giờ cũng ở giữa bạn và thế giới. Bao giờ cũng vậy, dù bạn ở đâu - giữa bạn và người yêu của bạn, giữa bạn và bạn bè bạn, giữa bạn và Thượng đế, nó bao giờ cũng có đó.
Dù bạn đi đâu, tâm trí bạn cũng bước trước bạn một bước. Không phải chỉ là nó theo bạn như cái bóng, nó bao giờ cũng bước trước bạn một bước, nó đạt tới trước bạn. Nhưng bạn chẳng bao giờ nhận biết về nó vì nó trong suốt quá.
Bất kì khi nào bạn đi vào một ngôi đền, tâm trí bạn đã đi vào trước bạn rồi. Khi bạn định đến nhà một người bạn, khi bạn ôm chầm người đó, tâm trí bạn đã ôm chầm người đó trước đó rồi. Và điều này bạn có thể biết được, rằng tâm trí bạn bao giờ cũng diễn tập. Cái bước trước đó bao giờ cũng được diễn tập. Trước khi bạn nói, nó bao giờ cũng tập trước xem phải nói cái gì. Trước khi bạn hành động, nó bao giờ cũng diễn tập điều phải hành động. Trước khi bạn làm bất kì cái gì hay không làm bất kì cái gì, nó cũng đều diễn tập. Việc diễn tập có nghĩa là tâm trí đang chuẩn bị cho nó trước bạn, nó bao giờ cũng đi trước một bước. Và đó là rào chắn thường xuyên, trong suốt giữa bạn và mọi thứ khác mà bạn sẽ bắt gặp, mà bạn sẽ gặp phải.
Vậy cuộc đọ sức chẳng bao giờ có thể là thật, đích thực cả, vì cái gì đó khác bao giờ cũng ở giữa. Bạn chẳng thể nào yêu mà cũng chẳng thể nào cầu nguyện được. Bạn không thể làm bất kì cái gì mà đòi hỏi loại bỏ rào chắn này. Bạn không cảm thấy ân huệ vì rào chắn có đó, bao giờ cũng vây quanh bạn như lớp vỏ trong suốt. Ân huệ, tình yêu, sự tồn tại đều không phải là thuộc tính của Thượng đế. Chúng là bản tính thiêng liêng. Nhưng chúng ta không cởi mở với chúng. Khi ai đó cởi mở, người đó trở thành người nhận. Nhưng thế nữa chúng ta sẽ không nói rằng người đó đã trở thành người nhận. Bản ngã là cạnh tranh. Chúng ta sẽ nói người đó đã nhận được ân huệ. Chúng ta phủ nhận bất kì cái gì cho người đó. Bây giờ chúng ta nói, "Thượng đế đã trở thành ân huệ cho người đó."
Cũng tốt là chúng ta nên nói Thượng đế là ân huệ vì bây giờ chẳng có gì tồn tại ngoài Thượng đế. Một khi rào chắn không có đó, chẳng còn gì cho bản ngã tựa vào. Người đó không thể nói "tôi", cho nên người đó không thể nói, "Tôi đã trở nên có khả năng nhận ân huệ." Người đó chỉ có thể nói, tôi đã nhận được bởi vì tôi không có đó. "Tôi" là rào chắn. Cho nên một khi "tôi" không có đó, người đó bao giờ cũng có thể nói, "Đấy là do ân huệ của Thượng đế. Tôi có thể làm gì được?" Cái "tôi" không còn nữa.
Người đó nói thế là phải, nhưng chúng ta nói thế lại không phải. Lần nữa chúng ta lại tự lừa dối mình. Chúng ta tự lừa dối mình bởi vì chúng ta không nhận ra biến đổi lớn lao. Bản ngã sẽ không để chúng ta nhận ra điều đó. Bản ngã sẽ nói, "Thượng đế là ân huệ cho người đó và không cho tôi." Chúng ta tạo ra chính khái niệm sai lạc này rằng Thượng đế là ân huệ cho ai đó. Ngài là ân huệ.
Nếu ai đó sẵn sàng đón nhận, người đó bao giờ cũng cho. Mà người đó thậm chí còn không sẵn sàng để cho nữa - người đó là việc cho. Khi bạn không nhận, thế nữa người đó cũng vẫn cho. Khi bạn khép kín, thế nữa người đó cũng vẫn mưa xuống, ân huệ của người đó vẫn mưa xuống. Cởi mở và biết điều đó đi. Có ý thức và cởi mở, và chỉ thế thì bạn mới có thể biết tình yêu là gì, ân huệ là gì, từ bi là gì. Mà chúng đều là một điều, cùng một thứ thôi, chúng không phải là những điều khác nhau. Về cơ sở chúng là một và như nhau. Chỉ thế thì bạn mới biết lời cầu nguyện là gì. Khi rào chắn không có đó, thế thì lời cầu nguyện không phải là để yêu cầu về cái gì đó, nó không phải là việc cầu xin. Thế thì nó là tạ ơn. Cho nên bất kì khi nào có lời cầu nguyện để cầu xin cái gì đó, rào chắn có đó. Việc cầu xin là rào chắn, tâm trí là rào chắn.
Bất kì khi nào có lời cầu nguyện để bầy tỏ lòng biết ơn về cái gì đó - thậm chí cũng chẳng vì cái gì đó, mà là biết ơn về tất cả những cái đang đó... bất kì khi nào bạn nhận được ân huệ, bạn đều cảm thấy biết ơn. Về phần Thượng đế đó là ân huệ, về phần người nhận, đấy là lòng biết ơn.
Chúng ta chẳng biết đến lòng biết ơn chút nào. Chúng ta không thể nào biết được chừng nào chúng ta còn chưa biết đến ân huệ. Chúng ta không thể nào biết ơn chừng nào chúng ta chưa biết đến ân huệ. Và điều này là có thể biết được.
Đừng bắt đầu tìm tòi, đừng bắt đầu yêu cầu về điều thiêng liêng, vì đó chỉ là siêu hình và vô dụng. Trong suốt nhiều thế kỉ các nhà triết học đã nghĩ mãi về các thuộc tính của Thượng đế. Cho nên đã có những nhà siêu hình nói, "Cái này là thuộc tính của Thượng đế và cái kia không." Ai đó sẽ nói ngài vô thuộc tính - nirguna. Ai đó sẽ nói ngài có thuộc tính - saguna. Nhưng làm sao chúng ta có thể biết được điều mà tự ta còn chưa biết? Và làm sao chúng ta có thể quyết định xem liệu Thượng đế là có thuộc tính hay không có thuộc tính, ngài là việc yêu hay không? Chỉ bởi việc nghĩ mà chúng ta sẽ quyết định được điều đó sao? Điều ấy không thể được.
Cho nên siêu hình sẽ đưa chúng ta tới điều ngớ ngẩn. Khi trí tưởng tượng của con người trở thành logic, thế thì chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã đạt tới cái gì đó. Chúng ta chẳng đạt tới cái gì cả. Tưởng tượng là của chúng ta, và logic cũng của chúng ta. Chúng ta chẳng biết gì cả.
Bao giờ cũng bắt đầu với chính mình đi nếu bạn định tránh siêu hình. Và nếu bạn không thể nào thoát khỏi siêu hình, bạn không thể là tôn giáo được. Siêu hình và tôn giáo là những cột trụ đối lập nhau. Đừng bắt đầu với Thượng đế chút nào. Bao giờ cũng bắt đầu với tâm trí bạn - nơi bạn đang ở. Bao giờ cũng bắt đầu từ đó. Nếu bạn bắt đầu từ tâm trí mình, thế thì cái gì đó có thể được thực hiện. Thế thì bạn có thể biết cái gì đó, thế thì cái gì đó có thể được biến đổi. Thế thì nó là ở bên trong khả năng của bạn để làm điều gì đó. Và nếu khả năng của bạn để tự mình làm điều gì đó mà được sử dụng hoàn toàn, bạn sẽ trưởng thành, bạn sẽ trải rộng, rào chắn của bạn sẽ mất đi, tâm thức của bạn sẽ được lộ trần ra. Chỉ thế thì bạn mới có thể bắt đầu với điều thiêng liêng.
Khi bạn đã bắt đầu, khi bạn đang trong tiếp xúc với điều thiêng liêng, thế thì bạn biết ân huệ là gì, biết ơn là gì. Ân huệ là cái bạn cảm thấy đang trút lên mình từ mọi nơi, còn biết ơn là cái bạn cảm thấy từ bên trong lòng mình, tại trung tâm của không gian đó mà cái tổng thể đang trút ra tình yêu của nó, từ bi của nó, ân huệ của nó. Chỉ thế thì nói thế này mới có nghĩa, "Lạy Trời!" hay "Hara Ram!" Ngược lại, lời bạn chỉ là lời mà thôi - không phải là được biết từ sự tồn tại mà chỉ được học từ ngôn ngữ, học từ kinh sách.
Cho nên tôi sẽ không nói các thuộc tính của Thượng đế là gì. Chừng nào còn có liên quan tới tôi, chừng nào tôi còn biết, Thượng đế chẳng có thuộc tính nào. Nhưng điều đó không có nghĩa là khi chúng ta tới tiếp xúc với ngài chúng ta sẽ không cảm thấy tình yêu của ngài, chúng ta sẽ không cảm thấy ân huệ của ngài. Nó chỉ có nghĩa đấy không phải là thuộc tính của ngài, đấy là bản chất của ngài. Đây là cách thức ngài ngẫu nhiên xảy ra, và ngài không thể khác được. Khi bạn gần gũi với ngài, khi bạn chỉ hoàn trả lại cho ngài, thế nữa ngài vẫn như thế.
Cũng hệt như ánh sáng vậy - mắt bạn nhắm, nhưng ánh sáng vẫn có đó. Nó sẽ không đi vào không tồn tại chỉ bởi vì mắt bạn nhắm. Mở mắt ra đi! Ánh sáng có đó, nó bao giờ cũng có đó. Bắt đầu từ mắt của bạn.
Bạn có thể chẳng bao giờ nghĩ bất kì điều gì về ánh sáng. Làm sao bạn có thể nghĩ được? Và bất kì việc nghĩ nào, bất kì việc suy tư nào, cũng sẽ sai; ngay từ ban đầu nó sẽ sai. Bạn không thể nghĩ được, bạn chẳng biết.
Suy nghĩ về cái đã biết rồi chỉ đi theo vòng tròn. Nó chẳng bao giờ có thể chạm tới cái chưa biết, nó chẳng bao giờ có thể quan niệm được cái chưa biết. Cái chưa biết không phải là để suy nghĩ. Đó là lí do tại sao các nhà tư tưởng cứ phủ nhận Thượng đế mãi, vì với họ, ngài là không biết được. Khi một người nào đó nói không có Thượng đế, đấy không phải là người đó chống lại Thượng đế, đấy chỉ là việc người đó là một người suy nghĩ; đấy không là gì khác cả. Người đó không chống lại Thượng đế, vì để chống lại Thượng đế trước đó phải biết ngài đã. Người đó không chống lại Thượng đế. Người hiểu biết không thể chống đối được. Người đã hiểu biết - làm sao người đó có thể chống đối được? Điều đó chỉ chứng tỏ rằng người đó đang cứ suy nghĩ. Và suy nghĩ không thể nào quan niệm được về cái chưa biết, cho nên người đó phủ nhận nó.
Đừng bắt đầu với Thượng đế. Đó là bắt đầu sai lầm, nó bao giờ cũng dẫn tới điều vô nghĩa. Tất cả mọi siêu hình đều vô nghĩa. Nó cứ nghĩ mãi về mọi thứ mà về chúng chẳng thể nghĩ được gì cả. Nó cứ nêu ra mãi các tuyên bố về sự tồn tại, về tuyên bố nào không thể nêu ra. Chỉ im lặng mới có thể là lời tuyên bố về nó thôi.
Nhưng nếu bạn bắt đầu với chính mình, thế thì nhiều điều vững chắc có thể được nói ra. Nếu bạn bắt đầu với chính mình, thế thì bạn bắt đầu với sự bắt đầu đúng đắn.
Tôn giáo có nghĩa là bắt đầu với chính mình, còn siêu hình có nghĩa là bắt đầu với Thượng đế. Cho nên siêu hình là điên khùng - tất nhiên, có phương pháp. Tất cả mọi người điên đều là nhà siêu hình không có phương pháp, còn tất cả các nhà siêu hình đều điên nhưng có phương pháp luận. Vì phương pháp luận của mình, họ dường như nói về điều có nghĩa, nhưng họ cứ nói mãi những điều vô nghĩa.
Bắt đầu với chính bạn. Đừng hỏi liệu Thượng đế có tồn tại hay không. Hỏi liệu "tôi" có tồn tại hay không. Đừng hỏi liệu tình yêu có là thuộc tính của điều thiêng liêng hay không. Hỏi, Liệu tình yêu có là thuộc tính của tôi hay không? Tôi đã bao giờ yêu chưa? Đừng hỏi về ân huệ. Hỏi, Tôi đã bao giờ cảm thấy biết ơn chưa? - vì đó là một cực ở ngay cạnh bên, chỉ một bước từ chỗ chúng ta. Chúng ta có thể biết nó.
Bao giờ cũng bắt đầu từ đầu. Đừng bao giờ bắt đầu từ cuối, vì thế thì nó chẳng bắt đầu chút nào cả. Người bắt đầu từ đầu bao giờ cũng đạt tới cuối, còn người bắt đầu từ cuối thậm chí không đạt tới đầu, vì bắt đầu từ cuối là không thể được. Bạn chỉ có thể cứ đi tiếp mãi.
Làm Thượng đế không phải là khái niệm siêu hình mà là kinh nghiệm tôn giáo. Đi vào nội tâm. Ngài có đó, bao giờ cũng chờ đợi bạn. Nhưng thế thì bạn phải làm điều gì đó với bản thân mình. Việc làm đó là thiền; việc làm đó là yoga. Làm điều gì đó với chính mình đi! Khi bạn có đấy, bạn là khép kín. Khi bạn có đấy, bạn là chết. Khi bạn có đấy, bạn không trong bất kì đối thoại nào - bạn không thể trong bất kì đối thoại nào - với điều thiêng liêng, với sự tồn tại. Cho nên biến đổi bản thân bạn đi. Mở cửa ra, phá vỡ một khoảng không gian, tạo ra cửa sổ. Nhảy ra khỏi tâm trí bạn, quá khứ bạn. Và thế thì đấy không chỉ là cái bạn sẽ biết, mà là cái bạn sẽ sống. Bạn sẽ sống với ân huệ của điều thiêng liêng; bạn sẽ sống với tình yêu, bạn sẽ là một phần của nó, chỉ là một gợn sóng của nó. Và một khi bạn đã trở thành một gợn sóng của nó, một đợt sóng của điều thiêng liêng, chỉ thế thì mới có thiêng liêng chân thực.
Cho nên tôi không phải là nhà siêu hình chút nào. Bạn có thể gọi tôi là người phản siêu hình. Tôn giáo là sự tồn tại. Bắt đầu từ chính bản thân bạn đi, bắt đầu biến đổi tâm trí hùng hổ của bạn đi. Để cho nó chỉ là tiếp nhận.
Tôi muốn kể cho bạn... Phật đã cố gắng liên tục trong sáu năm để biết điều thiêng liêng là gì, và không thể nói rằng ông ấy đã bỏ lại bất kì điều gì mà không làm. Ông ấy đã làm mọi thứ mà con người có thể làm, thậm chí cả một số điều dường như không thể có được trong phạm vi hiểu biết của con người. Ông ấy đã làm mọi thứ. Bất kì điều gì đã được biết tới vào thời đại đó, ông ấy đều đã thực hành. Bất kì phương pháp nào đã được dạy cho, ông ấy đều trở thành bậc thầy về chúng.
Ông ấy đã tới tất cả các thầy hiện có vào thời của ông ấy, tới với mọi người. Và bất kì điều gì họ có thể dạy, ông ấy đều học, ông ấy đều thực hành. Và rồi ông ấy nói, "Thưa thầy còn gì nữa không ạ?" Thầy nói, "Bây giờ ông có thể đi, vì tất cả những điều ta có thể trao cho ông, ta đã trao rồi. Và ta không thể nói, như ta vẫn nói trong các trường hợp khác, rằng ông chưa thực hành. Ông đã thực hành. Nhưng đây là tất cả những gì ta có thể trao."
Phật nói, "Nhưng tôi vẫn chưa biết tới điều thiêng liêng..."
Với từng người thầy điều này đã xảy ra. Thế rồi ông ấy rời bỏ tất cả các thầy. Thế rồi ông ấy đã phát minh ra phương pháp của riêng mình. Liên tục, trong sáu năm, ông ấy đã trong cuộc vật lộn của sự sống và cái chết. Ông ấy đã làm mọi thứ có thể làm được. Rồi, cuối cùng, ông ấy cũng mệt mỏi vì làm, mệt mỏi muốn chết đến mức một hôm khi ông ấy tắm tối trong dòng sông Niranjana gần Bodhgaya, ông ấy cảm thấy yếu mệt đến mức ông ấy không ra khỏi dòng sông được. Chỉ chỉ bám vào một chiếc rễ cây và một ý nghĩ vụt đến trong tâm trí, "Ta yếu quá rồi, ta thậm chí không thể nào vượt qua được dòng sông nhỏ này. Làm sao ta còn sống để vượt qua cả đại dương thế giới này? Ta đã làm mọi thứ, mà ta vẫn chẳng thấy điều thiêng liêng. Ta chỉ làm mệt mỏi thân thể này."
Ông ấy cảm thấy rằng mình đang trên bờ của cái chết. Vào chính khoảnh khắc đó ông ấy cảm thấy rằng ông ấy đã làm xong mọi việc, và bây giờ chẳng còn gì phải làm nữa. Ông ấy thảnh thơi, và năng lượng mới tới với ông ấy do bởi việc thảnh thơi của ông ấy. Tất cả những gì đã từng kìm nén trong sáu năm này đã tuôn chảy đi. Ông ấy bước ra khỏi dòng sông, ông ấy cảm thấy nhẹ như lông, như một chiếc lông chim - vô trọng lượng. Ông ấy thảnh thơi dưới gốc cây bồ đề.
Đó là một đêm trăng tròn. Ai đó tới - một cô gái, một cô gái bình dân sudra tên là Sujata. Cái tên chỉ ra rằng cô gái phải đã là một người bình thường vì đã mang tên Sujata có nghĩa là cô ấy không xuất xứ từ đẳng cấp cao. Sujata có nghĩa là "gia đình quí tộc." Cô ấy đã hứa với cây bồ đề ngày nào cũng ra để bầy tỏ lòng quí trọng, cho nên cô ấy đã tới mang theo vài đồ ngọt...
Phật đã ở đó - mệt mỏi, xanh xao, tái nhợt, nhưng thảnh thơi, tuyệt đối không nặng gánh - và lúc đó là một đêm trăng tròn không người xung quanh. Cô gái, Sujata, cảm thấy rằng thần cây đã tới nhận lòng quí trọng của cô. Phải như những hôm khác Phật đã từ chối. Ông ấy sẽ không nghỉ trong đêm, ông ấy sẽ không ăn bất kì thức gì. Nhưng hôm nay ông ấy hoàn toàn thảnh thơi. Ông ấy nhận thức ăn, và ông ấy ngủ. Đó là đêm đầu tiên sau sáu năm ông ấy thực sự ngủ.
Ông ấy đã thảnh thơi, chẳng có gì phải làm cả. Không có lo âu. Thậm chí không có cả ngày mai, vì ngày mai tồn tại chỉ bởi người ta phải làm điều gì đó. Nếu người ta chẳng phải làm gì cả, thế thì không có ngày mai. Thế thì khoảnh khắc này là đủ.
Phật đã ngủ, và sáng sớm lúc năm giờ khi ngôi sao cuối cùng đã mờ đi, ông ấy bước ra khỏi giấc ngủ. Ông ấy thấy ngôi sao cuối cùng biến đi - với vô trí, vì khi bạn chẳng có gì phải làm thì có vô trí. Tâm trí chỉ là phương tiện để làm điều gì đó, phương tiện kĩ thuật. Vô trí, chẳng có gì phải làm, vô nỗ lực về phần ông ấy... dửng dưng với việc liệu ông ấy còn sống hay đã chết, ông ấy chỉ mở mắt và ông ấy bắt đầu nhảy múa. Ông ấy đã đi tới hiểu biết mà ông ấy đã không thể nào tới được qua biết bao nhiêu nỗ lực như thế.
Bất kì khi nào ai đó hỏi ông ấy cách nào ông ấy đã đạt tới, ông ấy sẽ nói, "Ta càng cố gắng đạt tới, ta càng thất bại. Ta không thể nào đạt tới được. Cho nên làm sao ta có thể nói ta đã đạt tới được? Ta càng cố gắng, ta càng dính líu thêm vào. Ta không thể nào đạt tới được. Tâm trí đang cố gắng siêu việt lên trên chính nó, điều không thể được. Cũng giống hệt như là cố gắng làm bố cho chính mình, như cố gắng sinh ra chính mình."
Cho nên Phật sẽ nói, "Ta không thể nói ta đã đạt tới. Ta chỉ có thể nói ta đã cố gắng nhiều đến mức ta đã bị triệt tiêu. Ta đã cố gắng nhiều đến mức bất kì nỗ lực nào cũng đều trở thành ngớ ngẩn. Và một khoảnh khắc tới khi ta không cố nữa, khi tâm trí không còn nữa, khi ta không nghĩ nữa. Thế thì không có tương lai vì không có quá khứ. Cả hai bao giờ cũng đi cùng nhau. Quá khứ là ở phía sau, tương lai là ở phía trước; chúng bao giờ cũng kết giao với nhau. Nếu một cái bị vứt bỏ, cái kia cũng bị vứt bỏ đồng thời. Thế thì không tương lai, không quá khứ, không tâm trí. Ta vô trí, ta không có cái tôi. Thế thì cái gì đó đã xảy ra, và ta không thể nói rằng cái gì đó này đã xảy ra trong khoảnh khắc đó. Ta chỉ có thể nói rằng điều này bao giờ cũng xảy ra, chỉ có ta là không nhận biết. Nó bao giờ cũng xảy ra, chỉ có ta là khép kín. Cho nên ta không thể nói ta đã đạt tới cái gì đó."
Phật nói, "Ta chỉ có thể nói ta đã mất cái gì đó - bản ngã, tâm trí. Ta đã không đạt tới bất kì cái gì hết cả. Bây giờ ta biết rằng tất cả những điều ta có bao giờ cũng có đó; nó ở trong mọi tầng. Nó ở trong mọi hòn đá, trong mọi đoá hoa, nhưng bây giờ ta nhận ra nó bao giờ cũng thế. Chỉ có ta là mù thôi. Cho nên ta đã mất cái mù quáng đó; ta không đạt tới cái gì cả, ta đã mất cái gì đó."
Nếu bạn bắt đầu với điều thiêng liêng, thế thì bạn bắt đầu để đạt tới. Nếu bạn bắt đầu với chính mình, thế thì bạn bắt đầu để mất. Mọi thứ sẽ bắt đầu biến mất, và cuối cùng bạn sẽ biến mất. Và khi bạn không có đó, điều thiêng liêng có đó - với tất cả ân huệ của nó, với tất cả tình yêu của nó, với tất cả từ bi của nó. Nhưng chỉ khi bạn không có đó.
Không tồn tại của bạn là điều kiện khẳng định; vì không ai có thể gọi nó là thảnh thơi cả. Nó là khẳng định, nó là tuyệt đối.
Bạn là rào chắn.
Thất bại, và thế thì bạn biết.
Và chỉ khi bạn biết, bạn mới biết. Bạn không thể hiểu nó được, tôi không thể giải thích nó cho bạn. Tôi không thể làm cho bạn hiểu được nó. Cho nên bất kì điều gì tôi đang nói, tôi không nói gì siêu hình cả. Tôi chỉ cố gắng chỉ ra cho bạn rằng bạn phải bắt đầu với chính bản thân mình.
Nếu bạn bắt đầu với chính mình, bạn sẽ kết thúc với điều thiêng liêng, vì đó là phần kia của bạn, cực kia. Nhưng bắt đầu từ bờ bên này. Đừng bắt đầu từ bờ bên kia, nơi bạn không có. Bạn không thể bắt đầu từ đó. Bắt đầu từ nơi bạn đang ở, và bạn càng đi sâu, bạn càng ít có hơn.
Bạn càng biết nhiều về bản thân mình, bạn càng ít cái ngã. Và một khi bạn đã đi tới hiểu hoàn toàn về bản thân mình, bạn sẽ bị triệt tiêu, bạn sẽ đi vào không tồn tại, bạn sẽ bị phủ định toàn bộ - không có. Và trong cái không có đó, trong cái phủ định toàn bộ đó, bạn sẽ biết ân huệ bao giờ cũng trút xuống, bao giờ cũng tuôn xuống từ cái vĩnh hằng. Bạn sẽ biết đến tình yêu bao giờ cũng vây quanh bạn. Nó luôn luôn có đó, nhưng bạn phải đừng chú ý gì đến nó. Bị triệt tiêu đi, và bạn sẽ nhận biết về nó.
Xem tiếp Chương 5 Quay về Mục lục

Ads Belove Post