Chương 4. Như thân tre rỗng

Chương 4. Như thân tre rỗng

Price:

Read more

Osho – Đại Thủ Ấn
Chương 4. Như thân tre rỗng


“Hãy giữ thân yên tịnh
Ngậm miệng và yên lặng
Để tâm trống rỗng và không suy nghĩ bất cứ gì
Giống như lỗ hổng của cây tre rỗng,
hoàn toàn yên nghỉ trong thân con
Không cho và không nhận
Giữ tâm lắng yên
Đại Thủ Ấn là tâm không còn chỗ dính mắc
Do thực hành pháp này, tức thời
con thể nhập được Phật tánh…”
Trước tiên, bạn cần thấu hiểu quá trình bản chất của hoạt động, và sự vận hành của nó. Nếu không, bạn không thể tự tại. Thậm chí, nếu bạn muốn tự tại, bạn cũng không thể nào nếu bạn không quán chiếu, quan sát và nhận thức. Tính chất hoạt động của bạn bắt nguồn từ hoạt động. Nó không phải là một hiện tượng đơn giản. Có nhiều người muốn tự tại, nhưng họ không thể. Sự tự tại như hoa đang nở rộ: Bạn không thể ép nó. Bạn phải thấu hiểu toàn bộ hiện tượng… Tại sao bạn lại năng động như vậy? Sao bạn quá bận rộn với hoạt động? Sao bạn bị nó ám ảnh?
Bạn hãy nhớ kỹ hai từ ngữ này: Một là “Hành động.” Từ ngữ thứ hai là “Hoạt động” Hành động không phải là hoạt động. Tính chất của chúng hoàn toàn đối lập. Hành động là mỗi khi hoàn cảnh nào đó đòi hỏi, bạn phải hành động, bạn phải phản ứng tùy thuộc vào môi trường lúc đó. Hoạt động là khi hoàn cảnh không có vấn đề. Nó không có sự đáp ứng, nhưng bạn đã bồn chồn, nóng nẩy trong bối cảnh đó, và bạn viện cớ để hoạt động.
Hành động bắt nguồn qua tâm vắng lặng. Nó là một trạng thái vi diệu nhất trong thế gian này. Hoạt động bắt nguồn từ tâm nóng nẩy. Nó là vô minh nhất. Bạn hành động mỗi khi có sự liên hệ với môi trường. Hoạt động thì bất liên hệ. Hành động là giây phút qua từng giây phút, bạn an nhiên tự tại.
Còn hoạt động là những lúc bạn trĩu nặng với quá khứ. Nó không là sự đáp ứng của bạn đối với giây phút thực tại. Thay vì vậy, nó mang vào sự nóng nẩy của bạn, những gì bạn còn mang nặng ở quá khứ, đem vào thực tại. Hành động là một sự sáng tạo. Hoạt động thì tràn đầy sự huỷ diệt. Nó đang hủy diệt bạn, và nó cũng đang hủy diệt mọi chúng sinh khác.
Cố gắng nhận biết sự khác biệt mỏng manh này. Thí dụ, bạn đói, bạn ăn. Đây là hành động. Bạn không đói, bạn không cảm giác đói, nhưng bạn vẫn ăn. Đây là hoạt động. Sự đang ăn của bạn như bạo hành. Bạn triệt phá thực phẩm. Bạn nghiến răng và bạn phá hoại thức ăn. Nó giúp bạn giải tỏa sự bồn chồn của nội tâm. Bạn ăn không vì đói. Bạn ăn bởi sự nóng nẩy của nội tâm thôi thúc sự bạo động.
Trong thế giới của loài vật, bạo động liên hệ với miệng và tay, móng tay, và răng. Với thức ăn, khi bạn ăn, cả hai kết hợp vào nhau. Với tay, bạn cầm thức ăn, và với miệng, bạn ăn nó… Sự bạo động phóng thích ra, nhưng không có sự đói trong bạn. Nó không là một hành động. Nó là một căn bệnh.
Hoạt động là một sự ám ảnh. Dĩ nhiên, bạn không thể ăn hoài như vậy, bởi bạn sẽ phát nổ. Vì vậy, loài người nghĩ ra một mưu mẹo. Họ nhai kẹo cao su. Họ hút thuốc. Đây là các loại thức ăn giả tạo, không bồi bổ, nhưng chúng có hiệu lực hơn sự bạo hành. Nếu người đàn ông nhai kẹo xin gum, ông đang làm gì vậy? Ông đang muốn sát hại người nào đó. Nếu ông ý thức, có lẽ, ông sẽ có ảo tưởng sát nhân, nhưng ông lại nhai kẹo xin gum, một hoạt động vô tội của chính nó. Bạn không hại một ai, nhưng nó thật nguy hiểm, bởi bạn hoàn toàn vô ý thức trong mọi hoạt động này của bạn. Một người đàn ông hút thuốc. Ông ta làm gì vậy? Ông chỉ rất vô tội. Ông chỉ hút vào rồi thở ra. Một căn bệnh Pranayama28.
Một loại thiền định hoán chuyển muôn thuở. Ông sáng tạo ra Mạn Đà La29. Ông hút thuốc vào. Ông phì khói ra. Thế giới Mạn Đà La được sáng tạo, một vòng quay luân hồi. Thông qua sự hút thuốc, nó là sự tụng niệm, một giai điệu nhịp nhàng. Nó giúp xoa dịu, nên nội tại của bạn cũng được thoải mái một chút.
Nếu bạn mới giúp đỡ một người nào, bạn nên nhớ kỹ, gần như một trăm phần trăm chính xác, người này sẽ lại đi tìm thuốc hút. Ông đang buồn chán. Bạn nên bỏ đi. Nếu không, ông ta sẽ muốn ném bạn ra ngoài. Điều đó thì không được. Quá vô lễ, vì vậy, ông đi tìm thuốc để hút. Ông bảo, “Xong rồi. Tôi bị nghẹt thở rồi.” Trong thế giới loài vật, chúng sẽ cắn bạn ngay, nhưng ông là con người.
Ông phải có một chút văn hóa, nên ông đi tìm thuốc hút. Ông không thèm quan tâm đến bạn. Ông bao phủ ông bằng cách tụng niệm không ngừng giữa những làn khói thuốc đang bay bay. Ông sẽ thoải mái hơn.
Các hoạt động này cho thấy bạn đang bị ám ảnh. Bạn không còn là bạn. Bạn không thể tịch lặng. Bạn không thể bất động. Xuyên qua hoạt động, bạn tiếp tục thải ra bao nhiêu sự điên cuồng, động loạn trong bạn. Còn hành động thì thật là tuyệt vời. Mỗi hành động đến như một sự đáp ứng tự nhiên. Sự sống cần đáp ứng. Mỗi giây phút, bạn phải hành động. Hành động bắt nguồn xuyên qua giây phút hiện tại. Bạn đói, bạn tìm thức ăn. Bạn khát, bạn tìm giếng nước. Bạn buồn ngủ, bạn đi ngủ. Nó phát xuất hoàn toàn qua hành động của bạn, nên bạn hành động thật là tự nhiên và trọn vẹn.
Hoạt động không bao giờ thanh thoát. Nó nẩy sinh từ quá khứ. Có lẽ, bạn tích tụ nhân quả từ hằng muôn triệu kiếp rồi, nên nó bùng nổ trong giây phút của hiện tại. Nó không có sự liên can. Tâm trí của bạn thì cực kỳ khôn khéo. Tâm sẽ luôn viện cớ cho mọi hoạt động. Tâm luôn chứng minh điều đó không phải là sự hoạt động, mà nó chính là hành động. Hành động cần thiết. Khi bạn nổi giận, mọi người ý thức cơn giận này của bạn vốn không cần thiết. Bối cảnh không đòi hỏi phải có cơn giận của bạn. Môi trường không có sự liên quan đến nó.
Tại sao bạn nổi giận? Bạn sẽ tìm cách bào chữa rằng hoạt động này cần thiết. Mọi lý lẽ sử dụng hỗ trợ sự vô ý thức của bạn là một sự vô minh. Đây là cái mà Gurdjieff gọi là “Vật đệm” Bạn tạo ra vật đệm lý lẽ chung quanh bạn. Cho nên, bạn không ý thức bối cảnh đó là gì. Các vật đệm dùng cho xe lửa giữa hai ngăn. Nếu xe lửa có ngừng lại đột ngột, hành khách sẽ không bị chấn động mạnh lắm. Vật đệm giúp giảm bớt sức chấn động này. Hoạt động của bạn không gián đoạn, và chúng không liên quan gì với môi trường thực tại. Các vật đệm lý lẽ không cho phép bạn ý thức rõ ràng tình hình. Vật đệm đã che mắt bạn. Loại hoạt động này đã tiếp diễn. Nếu loại hoạt động này có mặt, bạn không thoải mái. Làm sao bạn thoải mái đây? Nó là sự ám ảnh cần thiết. Bạn muốn tạo tác một cái gì đó, bất kỳ nó là gì.
Có rất nhiều loại người vô minh khắp thế gian này. Họ luôn bảo, “Tôi cần phải làm gì đó, còn hơn là tôi không làm gì hết.” Loại người này thật là hoàn toàn vô minh. Có người còn vô minh hơn nữa. Người này còn chế ra câu châm ngôn khắp thế giới như thế này: “Một tâm trí trống rỗng là phân xưởng của Quỉ vương.” Không đúng. Một cái tâm trống rỗng là phân xưởng của Thượng Đế. Một nội tâm trống rỗng là một trạng thái vi diệu nhất trong thế gian này và thanh tịnh nhất. Một nội tâm trống rỗng làm sao lại là phân xưởng của Quỉ vương? Quỉ vương không thể đi vào tâm trống rỗng. Không thể nào! Quỉ vương đi vào tâm trống rỗng khi tâm bị ám ảnh qua hoạt động. Từ đó, Quỉ vương có thể kiềm chế bạn. Quỉ vương sẽ chỉ bạn phương cách, đường lối, phương tiện làm sao để bạn có thể hoạt động hữu hiệu và nhiều hơn. Quỉ vương không bao giờ nói “Hãy thoải mái đi!” Ông bảo: “Tại saongươi lại phí phạm thời gian như vậy hả? Ngươi phải làm một điều gì đi! Di động! Cuộc đời đang trôi qua kìa! Hãy hoạt động đi!” Mọi bậc giác ngộ dạy con người hãy tỉnh thức. Ngài dạy họ nhận thức rằng, khi nội tâm trống rỗng, thì mới có không gian, để sự toàn thiện có thể bước vào trong bạn.
Hoạt động có thể sử dụng bởi Ma vương, không sống qua tâm trống rỗng. Ông không dám tìm đến tâm trống rỗng, bởi tâm này sẽ hủy diệt ông. Nếu bạn bị cơn mất trí thôi thúc, Ma vương sẽ lập tức kiềm chế bạn. Sau đó, ông ta sẽ hướng dẫn bạn. Tôi xin phép nói với bạn là: Châm ngôn này tuyệt đối sai lầm. Chính Ma vương là kẻ khuyến cáo nó đó.
Sự ám ảnh hoạt động phải nên cần quán chiếu. Bạn quán chiếu sự ám ảnh. Bất cứ những gì tôi giảng dạy, hoặc Tilopa giảng dạy, sẽ không mang đến cho bạn một ý nghĩa gì, nếu bạn không quán sát nó trong chính bạn. Hoạt động của bạn thường không có sự liên hệ. Nó vốn không cần thiết. Tại sao bạn phải hoạt động?
Mỗi khi tôi đi du lịch, tôi thấy mọi người vẫn không ngừng làm đi làm lại một hoạt động. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ, tôi ngồi chung với một hành khách trong một toa xe lửa. Ông đọc đi đọc lại một tờ báo. Ông không biết phải làm gì hết. Trong toa xe lửa, không có gì để hoạt động, cho nên, ông cứ đọc đi đọc lại một tờ báo. Tôi quan sát ông.
Không biết ông đang làm như vậy để làm gì. Tờ báo không phải là Gita hay Thánh Kinh. Bạn có thể đọc Gita nhiều lần, bởi mỗi lần bạn đọc xong, bạn lại khám phá thêm một điều hay. Tờ báo không phải là Gita. Nó kết thúc một khi bạn đọc xong!
Thậm chí, nó cũng không đáng được đọc. Mọi người đều thích đọc nó. Họ đọc qua một lần rồi. Họ lại đọc lại nó nữa. Không biết họ có vấn đề gì hay không? Thật là không thể nào đối với họ. Họ giống những con người chết quá. Họ phải hoạt động.
Du lịch bao nhiêu năm rồi, cho tôi nhiều cơ hội quan sát mọi người mà họ không biết. Có đôi lúc, cùng toa xe lửa, có người hành khách đã tìm đủ mọi cách để tôi trao đổi với ông ta. Tôi trả lời cộc lốc, không và có. Cuối cùng, ông bỏ qua ý định này. Sau đó, tôi thầm lặng quan sát ông, một thí nghiệm mà tôi không tốn một đồng cắc nào. Ông mở va li ra. Tôi thấy ông không làm gì cả. Ông chỉ mở ra, nhìn xong, rồi đóng lại. Ông mở cửa sổ, rồi lại đóng. Ông mở tờ báo ra đọc, rồi xếp nó vào một góc. Ông hút thuốc. Sau đó, ông lại mở vali ra, sắp xếp đồ đạc cho ngay ngắn, rồi lại đóng lại. Sau đó, ông mở cửa sổ ra nhìn, rồi ông lại đóng cửa sổ lại.
Ông ta đang làm gì vậy? Tại sao? Một sự thôi thúc của nội tại. Có cái gì đó đang rung động bên trong ông. Một cơn sốt của tâm. Ông phải làm cái gì đó. Ông không thể thoải mái. Thói quen cũ cứ bám chặt lấy ông.
Nghe kể rằng, Aurangeb, một hoàng đế Moghul, giam phụ hoàng ông vào tù. Phụ hoàng của hoàng đế Aurangeb là người đã xây dựng đền Taj Mahal, Shah Jehan. Ông nhốt phụ hoàng, cướp ngôi hoàng đế. Nghe kể lại rằng, theo tiểu sử của Aurangeb. Sau một vài ngày, Shah Jehan không lo lắng vì sự giam cầm này vì mỗi sự xa hoa đều được cung cấp đầy đủ cho ông. Nơi giam cầm ông huy hoàng tráng lệ như một hoàng cung. Shah Jehan sống như ông đã từng thụ hưởng trước đó. Nhà giam này không giống như nhà tù. Tuyệt đối, hễ ông sẽ được thoả mãn bất cứ những gì mà ông muốn có. Chỉ có một điều duy nhất là sự hoạt động. Ông không thể làm gì hết. Cho nên, ông đã yêu cầu con ông, Aurangeb, “Ta không có điều gì để yêu cầu con hết. Con đã cung cấp tất cả cho ta. Mọi sự đều vô cùng tốt đẹp.
Chỉ có một điều duy nhất, và ta sẽ mang ân con suốt đời, nếu con có thể giúp ta. Đó là gởi vào cho ta ba mươi đứa trẻ, ta muốn được dạy dỗ chúng.” Aurangeb không tin ở tai mình. “Tại sao phụ hoàng của ta lại muốn dạy dỗ ba mươi đứa trẻ này?” Ông chưa hề cho vị vua này biết là ông muốn trở thành một vị thầy. Ông cũng không bao giờ tỏ vẻ thích thú trong vấn đề giáo dục. Chuyện gì đã xảy ra cho ông? Vị hoàng đế này đồng ý. Ba mươi đứa trẻ được gởi vào. Mỗi khi bạn nhập học trong một trường sơ đẳng nào, thầy giáo gần như là một vì vua. Những thầy cô đó có thể ra lệnh các đứa trẻ ngồi thì chúng sẽ ngồi. Khi họ ra lệnh cho chúng đứng, chúng sẽ đứng. Shah Jehan thành lập một triều đình nho nhỏ như hoàng cung với ba mươi đứa trẻ này. Đây là một thói quen xưa cũ, một căn bệnh nghiện ngập mà ông mắc phải là luôn muốn được ra lệnh cho mọi người.
Các tâm lý gia nghi ngờ rằng, thật sự các thầy cô là những chính trị gia. Dĩ nhiên rồi, họ không đủ niềm tin để bước vào môi trường chính trị. Họ phải xin dạy học trong trường. Nơi đó, họ trở thành một nguyên thủ quốc gia, hay một mục sư, xa hơn nữa là một vị hoàng đế. Họ ra lệnh cho các đứa bé. Họ ra uy quyền với chúng. Các nhà phân tâm lý gia nghi ngờ rằng những người này có xu hướng về căn bệnh bạo dâm. Họ thích hành hạ. Bạn không thể tìm thấy nơi nào như trường tiểu học. Họ có thể hành hạ các đứa bé vô tội. Bạn hãy đến nơi đó và tự mình quan sát! Tôi đã từng dạy ở trong các trường sơ đẳng. Tôi đã từng quan sát các giáo viên. Các tâm lý gia thì nghi ngờ, nhưng tôi quả quyết rằng, họ là những kẻ bạo hành. Bạn không thể tìm kiếm những nạn nhân nào vô tội hơn, hoàn toàn không vũ khí như các đứa trẻ đó. Thậm chí, chúng cũng không thể kháng cự. Chúng rất yếu đuối và hiền hậu. Một giáo viên thì không khác một vì vua.
Aurangeb viết trong tiểu sử của ông. “Phụ hoàng của trẫm, chỉ vì thói quen xưa cũ, vẫn muốn giả vờ ông là một hoàng đế. Vì vậy, trẫm để cho ông giả vờ. Trẫm đã để cho ông tự ông lường gạt chính ông. Trẫm gởi cho ông ba mươi đứa bé hay ba trăm đứa bé, bất cứ những gì ông yêu cầu. Trẫm đã cho ông độc quyền được thành lập một Madersa, một ngôi trường nhỏ, và ông xem ra rất là hạnh phúc.”
Hoạt động là quá trình mỗi khi hoạt động này không liên hệ đến môi trường thực tại. Nếu bạn quan sát chính mình, bạn sẽ ý thức rằng, chín mươi chín phần trăm thời gian của con người là đều phí phạm trong hoạt động của họ. Cho nên, khi giây phút hành động đến, họ không còn năng lượng nào.
Một con người thư giãn không bị ám ảnh bởi nhu cầu hoạt động. Năng lượng luôn thặng dư trong ông. Ông luôn lưu trữ năng lượng. Khi giây phút hành động đến, toàn bộ bản thể của ông tuôn chảy trong nó. Vì vậy, mỗi hành động của ông đều trọn vẹn. Hoạt động thì lúc nào cũng nửa vời. Làm sao bạn có thể tự mình ý thức bạn hoạt động, cũng chỉ vì một lý do háo hức nào đó bên trong, dù rằng nó không rõ ràng và rất là mơ hồ đối với bạn? Bạn thay đổi hoạt động khác, nhưng ngoại trừ hoạt động có thể được chuyển hoá qua hành động. Nếu không thì chẳng có ích lợi gì. Có người tìm đến tôi hỏi, “Tôi muốn cai thuốc.” Tôi hỏi: “Tại sao? Tôi thấy bạn tốt lắm mà. Cứ tiếp tục như vậy đi. Nếu anh muốn cai thuốc, anh phải bắt đầu bằng một hành động khác. Căn bệnh không thể thay đổi bằng cách thay đổi triệu chứng. Nếu bạn muốn nhai kẹo cao su. Hoạt động này còn nguy hiểm hơn, và vô tội.
Bạn nhai kẹo cao su thì chỉ có bạn là liên hệ. Có lẽ, bạn chỉ là một người vô minh, nhưng bạn không phải là con người bạo hành. Đối với mọi người, bạn không được xem là nguy hiểm. Nếu bạn chấm dứt nhai kẹo cao su, hay hút thuốc, thì bạn sẽ làm gì? Miệng của bạn cần hoạt động. Nó cần sự bạo động. Bạn sẽ nói chuyện. Bạn sẽ nói chuyện không ngừng nghỉ. Bạn cứ yap, yap, yap tối ngày… Điều đó còn nguy hiểm hơn nữa.
Mulla Narasruddin mới ngày trước còn tìm đến tôi. Cô hiếm khi đến tìm tôi lắm, nhưng mỗi khi cô tìm đến, tôi hiểu ngay là có khủng hoảng rồi. Cho nên, tôi đã hỏi: “Có vấn đề gì nữa đây?” Trong vòng ba mươi phút, bằng hàng nghìn từ ngữ lộn xộn, cô kể cho tôi nghe. “Mulla Narasruddin nói mê trong giấc ngủ của anh ấy. Ngài có thể khuyên nhủ con được điều gì không? Con phải làm gì bây giờ? Anh nói nhiều quá. Thật khó mà ngủ yên chung một phòng với anh. Anh cứ luôn la lối, và nói những điều thật khó nghe, làm cho con thật là khó ngủ.” Tôi bảo, “Cô không cần phải làm gì hết. Cô chỉ cần cho anh cơ hội nói chuyện khi cả hai đều thức.”
Mọi người đều nói không ngừng nghỉ. Họ không cho ai một cơ hội được nói chuyện. Nói chuyện cũng giống như hút thuốc vậy. Nếu bạn nói chuyện liên tục trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ, khi bạn đi ngủ, thân thể bạn sẽ mệt mỏi. Bạn thuộc loại người không ngừng nói chuyện. Hiện tượng này cũng giống như hút thuốc vậy. Cái miệng của bạn cần phải hoạt động. Cái miệng là là nền tảng của mọi hoạt động. Nó là hoạt động đầu tiên nhất trong cuộc đời bạn.
Bạn có thể tịch lặng trong một thời gian dài hay không? Các tâm lý gia cho rằng, nếu bạn im lặng chừng ba tuần lể, bạn sẽ nói độc thoại… Bạn sẽ biến thành lưỡng nhân. Bạn bị phân ra làm hai người. Bạn tự nói và cũng vừa tự nghe. Nếu bạn im lặng chừng ba tuần lễ, bạn sẽ sẵn sàng chờ người thân chở bạn vào nhà thương điên. Bạn không bận tâm là có người nào trao đổi với bạn hay không. Bạn sẽ nói liên tục. Bạn không những nói, mà bạn còn tự mình trả lời. Bạn biến thành con người hoàn toàn rồi. Bạn không cần lệ thuộc vào một ai nữa.
Người điên là như vậy đó.
Người mất trí là người đã tự giam cầm mình trong thế giới riêng của ông. Ông tự nói và ông tự nghe. Ông vừa là diễn viên mà ông cũng vừa là khán giả. Ông là tất cả. Toàn bộ thế giới đều hạn chế riêng cho ông. Ông phân chia chính ông thành nhiều mảnh. Tất cả con người ông phân tán khắp hướng. Cho nên, mọi người đều sợ sự đơn độc. Họ biết họ sẽ có cơ nguy sụp đổ. Nếu bạn sợ hãi sự thinh lặng, bạn đã bị ám ảnh rồi. Hoạt động là trạng thái giúp bạn trốn tránh. Nó là thần dược. Trong hoạt động, bạn quên chính bạn. Bạn không còn lo lắng.Bạn không đau khổ. Bạn không căng thẳng. Cho nên, bạn phải liên tục hoạt động. Nếu bạn không hoạt động cái này thì bạn hoạt động cái khác. Bạn không bao giờ trong trạng thái như cánh hoa bất động đang chờ nở nhụy khai hoa.
Hành động thì vi diệu hơn. Hoạt động là một sự bệnh hoạn. Hãy tìm sự khác biệt ngay trong chính mình. Phải biết sự khác biệt giữa hoạt động là gì và hành động là gì. Đây là bước khởi sự. Bước thứ hai là hoạt động. Bạn cần trọn vẹn trong mọi hành động để năng lượng có thể vận hành trong hành động.Mỗi khi nếu có sự hoạt động, bạn hãy cảnh giác nhiều hơn. Nếu bạn ý thức được, thì hoạt động cũng sẽ chấm dứt. Năng lượng được lưu trữ. Vẫn năng lượng của hoạt động đó được chuyển hoá trở thành hành động. Hành động là bây giờ. Hoạt động là một căn bệnh, không thể chuẩn bị trước. Nó không cho bạn cơ hội để chuẩn bị, để tập dược.
Hành động lúc nào cũng mới mẻ và tươi mát như giọt sương ban mai. Người hành động là người luôn trẻ trung và tươi mát. Thân ông, có lẽ già nua, nhưng sự tươi mát của ông luôn tiếp diễn. Có lẽ, thân ông sẽ chết đi, nhưng sự trẻ trung của ông vẫn vĩnh cửu. Thân ông có lẽ mất đi, nhưng ông vẫn tồn tại. Thượng Đế lúc nào cũng trẻ trung và tươi mát.
Buông bỏ hoạt động nhiều hơn. Làm thế nào bạn có thể buông bỏ nó? Bạn có thể tự buông bỏ mọi vọng tưởng. Điều này đã xảy ra với nhiều tăng sĩ tại các tu viện. Buông bỏ hoạt động đã trở thành nỗi ám ảnh của họ. Họ không ngừng tu tập một phương tiện nào đó để buông bỏ ám ảnh: Tham thiền, cầu nguyện, tụng niệm, du già, phương tiện này phương tiện kia. Điều đó cũng biến thành hoạt động. Nó sẽ trở về bằng cửa sau.
Hãy đề phòng. Bạn hãy ý thức sự khác nhau giữa hành động và hoạt động. Khi hoạt động chiếm hữu bạn. Thật ra, điều đó cũng phải được gọi là sự chiếm hữu. Khi sự chiếm hữu phong tỏa bạn, như một oan hồn. Hoạt động là một oan hồn. Nó trở về từ quá khứ. Nó là sự chết. Khi hoạt động chiếm hữu bạn, bạn biến thành một cơn sốt . Vì vậy, bạn hãy luôn đề phòng. Đó là những gì bạn có thể tu tập ở hiện tại. Hãy quán chiếu nó. Thậm chí, nếu bạn có hút thuốc, bạn hãy hút thật chậm rãi, với sự tỉnh thức hoàn toàn. Vì vậy, bạn có thể ý thức bạn đang làm gì. Nếu bạn có thể quán chiếu bạn đang hút thuốc, tự nhiên rằng, sẽ có một ngày, điếu thuốc sẽ biến mất từ các ngón tay của bạn. Mọi sự phi lý của nó sẽ hiển lộ ra. Chuyện hút thuốc của bạn tự động biến thành một hoạt động vô minh, cực kỳ vô minh!
Khi bạn ý thức được sự kiện đó, nó chấm dứt. Bạn không thể ném nó đi, bởi sự ném là hoạt động. Đó là tại sao tôi bảo là nó chấm dứt. Nó đơn giản chấm dứt… như chiếc lá rụng xuống từ trên cành cây. Nếu bạn ném nó đi, cuối cùng bạn cũng sẽ lượm nó lên bằng cách này hay cách khác. Hãy để mọi sự tự chúng buông bỏ. Đừng buông bỏ chúng. Hãy để mọi hoạt động chấm dứt. Bạn đừng cưỡng ép nó phải chấm dứt. Chính sự cưỡng ép nó chấm dứt, lại là một hoạt động qua hình thức khác. Hãy quán chiếu, cảnh giác, ý thức hơn, bạn sẽ chứng được một hiện tượng cực kỳ, cực kỳ huyền diệu. Khi hoạt động tự nó chấm dứt qua sự hài hoà của nó, nó sẽ không để lại một dấu vết nào trên bạn. Nếu bạn cưỡng ép nó, dấu vết đó sẽ để lại. Vết thẹo sẽ còn lại. Rồi, bạn sẽ khoe khoang với mọi người rằng, bạn đã hút thuốc hơn ba mươi năm, cuối cùng, qua bao nhiêu gian khổ, bạn mới bỏ hút được.
Sự khoe khoang đó cũng là một hoạt động. Miệng của bạn vẫn hoạt động. Sự bạo động vẫn còn đó. Nếu hành giả thật sự tỉnh thức, những thói hư tật xấu sẽ tự động chấm dứt theo quá trình của chúng… Hành giả này không thể tự cho điểm mình là “Tôi đã bỏ nó rồi.” Nó tự nó chấm dứt! Bạn không buông bỏ nó. Tự ngã không hỗ trợ qua nó. Hành động sẽ phát triển nhiều hơn. Mỗi khi bạn có cơ hội để hành động trọn vẹn, bạn đừng bao giờ để lỡ cơ hội. Bạn đừng do dự… Bạn hãy hành động! Bạn hãy hành động nhiều hơn. Hãy để hoạt động tự chúng chấm dứt theo sự hài hoà của chính chúng. Sự hoán chuyển sẽ tìm đến bạn không sớm thì muộn. Mọi tiến trình cũng cần phải có thời gian. Nó cần thời cơ. Bạn không cần phải gấp rút.
Bây giờ, chúng ta hãy đi vào lời kinh này…
“Hãy giữ thân yên tịnh
Ngậm miệng và yên lặng…”
Bạn thấu hiểu được yên nghỉ là gì. Nó có nghĩa là bạn không bị thôi thúc hoạt động. Yên nghỉ không có ý là bạn đã nằm xuống như một con người chết. Bạn không thể nằm xuống như một người chết được. Làm sao bạn có thể nằm xuống như người chết? Bạn còn sống mà. Bạn chỉ có thể giả vờ. Sự yên nghỉ tìm tới bạn khi bạn không còn bị thôi thúc hoạt động. Năng lượng đang tại nhà. Bạn không vận hành đi đâu hết. Nếu hoàn cảnh đòi hỏi, bạn sẽ hành động. Chỉ có vậy, nhưng bạn sẽ không viện cớ để hành động. Bạn tự tại với bạn. Sự yên nghỉ đang ngự trị trong bạn.
Tôi có đọc qua một cuốn sách vài năm về trước. Tựa đề cuốn sách là “Bạn Phải Thư Giãn.” Thật là phi lý, bởi chữ “phải” đã là một sự đối nghịch với thư giãn rồi. Tập sách đó lại bán chạy ở Hoa Kỳ. “Phải” có ý là hoạt động. Nó là một nỗi ám ảnh. Mỗi khi có chữ “Phải” sự ám ảnh đã ẩn tàng sau nó. Có những hành động trong sự sống, nhưng không là “Phải.” Nếu không, chữ “Phải” gần như mang đến nỗi mất trí. “Bạn Phải Thư giãn!”. Sự thư giãn này đã biến thành một nỗi ám ảnh rồi. Bạn phải làm bộ vị này, và bạn phải làm bộ vị kia. Họ sẽ khuyên bạn hãy nằm xuống. Họ sẽ khuyên bạn nên gợi ý với thân bạn từ đầu đến chân là “Thư giãn!” rồi sau đó bạn sẽ đi ngược dần lên. Tại sao “Phải”? Thư giãn chỉ tìm đến khi nào không còn “Phải” trong sự sống của bạn. Thư giãn không chỉ trong thân. Nó không phải tâm. Nó là toàn bộ bản thể. Bạn đã chìm đắm quá sâu trong mọi hoạt động. Dĩ nhiên, bạn sẽ mệt mỏi, kiệt sức, hao tổn, và tê cứng rồi. Năng lượng sống trong bạn không còn vận hành. Chỉ có chướng ngại và chướng ngại chập chùng. Mỗi khi bạn hoạt động, bạn hoạt động qua cơn điên. Dĩ nhiên, sự cần thiết được thư giãn phát sinh. Đó là lý do tại sao có quá nhiều tác phẩm xuất bản hầu như là mỗi tháng về Thư giãn. Tôi chưa bao giờ thấy người nào có thể thư giãn bằng cách đọc sách cả. Họ sẽ sôi nổi hơn, bởi mọi hoạt động trong cuộc đời vẫn chưa được va chạm đến. Nỗi ám ảnh đã biến thành một hoạt động. Căn bệnh nơi đó, nhưng họ vẫn giả vờ họ đang thư giãn. Cho nên, họ đã nằm xuống, và thực tập dựa theo bao lời chỉ dẫn trong sách. Mọi giao động bên trong, như một hỏa diệm sơn đang sẵn sàng bùng nổ. Họ đang học cách làm sao để họ có thể thư giãn, làm sao để họ thật sự thư giãn.
Không có tác phẩm nào có thể giúp bạn thư giãn, ngoại trừ bạn thật sự yên nghỉ bắt đầu từ nội tại của bản thể. Thư giãn không cần phải như thế này, như thế nọ. Thư giãn là sự vắng mặt của hoạt động. Cho nên, bạn không cần phải tìm tới Hi Mã Lạp Sơn. Bạn tìm đến Hi Mã Lạp Sơn để làm gì?
Hành động không cần xả bỏ. Nếu bạn xả bỏ hành động, bạn xả bỏ sự sống. Bạn sẽ chết, không phải bạn đang thư giãn. Tại Hi Mã Lạp Sơn, bạn sẽ tìm thấy các thiền nhân đang tự mình giẫy chết. Họ không hề thư giãn. Họ đang trốn tránh sự sống, qua hoạt động của họ. Đây là một quan điểm vi tế mà bạn cần nên thấu hiểu. Hoạt động nên cần xả bỏ hết, nhưng bạn sẽ không xả bỏ hành động. Cả hai đều rất là dễ dàng. Bạn có thể xả bỏ cả hai và bạn trốn tránh tại Hi Mã Lạp Sơn. Điều đó thật dễ quá. Hay là, điều này càng dễ hơn nữa. Bạn có thể tiếp tục hoạt động. Bạn cưỡng ép chính bạn vào mỗi buổi sáng, hay mỗi buổi chiều, trong một vài giây phút, để bạn có thể thư giãn. Bạn không hiểu sự phức tạp của tâm trí loài người, và một cơ chế của nó. Thư giãn là một trạng thái. Bạn không thể cưỡng ép nó. Bạn đơn thuần xả bỏ mọi phủ định, mọi chướng ngại, và nó sẽ tự động tìm đến ngay.
Bạn làm gì khi bạn ngủ mỗi đêm? Bạn có làm gì không? Nếu bạn có làm gì, thì bạn mất ngủ là đúng rồi. Bạn sẽ vận hành trong sự mất ngủ. Bạn sẽ làm gì tiếp? Bạn chỉ đơn thuần nằm xuống và chìm sâu vào giấc ngủ. Bạn không cần “hành” nó. Nếu bạn “hành” nó, bạn không thể nào ngủ. Thật ra, chỉ đi ngủ là đủ rồi. Sự tiếp diễn của tâm trí trong mọi hoạt động của ban ngày đã chấm dứt. Chỉ có vậy!
Khi hoạt động không còn nữa, tâm yên nghỉ. Tâm sẽ ngủ yên. Nếu bạn phải hành một cái gì đó để bạn có thể ngủ yên, bạn sẽ đánh mất nó. Bạn sẽ khó mà ngủ được. Sự hành này không cần thiết. Tilopa đã khai thị. “Hãy giữ thân yên tịnh… ” Bạn đừng làm gì hết! Không một bộ vị du già, không uốn nắn, không vặn vẹo thân thể. “Hãy giữ thân yên tịnh...” Không có sự hoạt động. Làm sao nó có thể tìm đến? Nó sẽ tìm đến qua sự nhận biết.
Nhận biết là kỷ luật duy nhất. Nhận biết mọi hoạt động của bạn. Tự nhiên rằng, giữa mọi hoạt động, nếu bạn tỉnh thức, nó sẽ chấm dứt. Nếu bạn nhận biết bạn đang làm gì, nó sẽ kết thúc ngay. Sự chấm dứt này là ý của Tilopa: Hãy giữ thân yên tịnh…
Yên nghỉ là gì? Nếu là trạng thái hành tác nơi năng lượng của bạn không vận hành đi đâu được, không trong tương lai, không trong quá khứ. Nó tồn tại với bạn. trong hồ năng lượng tịch tĩnh của bạn. Trong sự ấm áp của nó, bạn sẽ được bao bọc. Giây phút đó là tất cả. Không có giây phút nào khác.
Thời gian ngừng lại. Sự yên nghỉ tìm tới. Nếu thời gian hiện hữu, bạn sẽ không có sự yên nghỉ. Đồng hồ ngừng quay, không còn thời gian quay nhanh. Bạn không đòi hỏi bất cứ một điều gì. Bạn chỉ thụ hưởng nó. Bạn có thể tận hưởng vạn vật ở thế giới bình thường này, bởi thế giới này thật là vô cùng tuyệt vời. Thật ra, không có gì là bình thường. Nếu Thượng Đế hiện hữu trong vạn vật, tất nhiên mọi sự đều siêu phàm rồi.
Có người tìm đến tôi hỏi: “Ngài có tin Thượng Đế không?” Tôi bảo, “Có, bởi thế giới này quá đẹp đẽ và quá vi diệu . Làm sao tôi không thể tin. Thế giới tại sao lại đẹp đẽ như vậy nếu không có một tâm thức sâu sắc nào trong nó?” Một sự nhỏ cũng biến thành siêu phàm rồi… Khi bạn bước đi trên cỏ xanh, nơi những giọt sương vẫn chưa bốc hơi. Bạn ý thức trọn vẹn… sự chạm nhẹ của cỏ xanh, sự tươi mát của những giọt sương sớm, làn gió ban mai mát rượi, vầng thái dương đang mọc… Bạn cần có gì hơn để hạnh phúc? Bạn chỉ cần nằm dài xuống trên mặt nệm. Bạn đơn thuần tự tại với chính bạn. Bạn cảm giác được mặt nệm. Bạn ý thức rằng tấm vải trải giường hình như ấm áp hơn. Bạn được bao phủ bởi màn đêm bao trùm. Sự vắng lặng của đêm khuya… với đôi mắt khép kín, bạn cảm thụ chính bạn. Bạn còn muốn gì hơn? Bạn đã có quá nhiều rồi. Một ân huệ sâu thẳm phát sanh. Đây chính là sự yên nghỉ tột cùng…
Giây phút yên nghỉ này đối với bạn cũng đã quá đủ, quá nhiều hơn sự đòi hỏi và mong đợi của bạn. Bạn không có gì để đòi hỏi. Bạn đã quá đầy đủ rồi. Ân huệ này còn nhiều hơn sự tham lam của bạn. Khi luồng năng lượng không thể vận hành, nó biến thành hồ nước an tĩnh. Trong năng lượng đó, bạn tan biến. Giây phút đó là giây phút yên nghỉ. Yên nghỉ không thân không tâm. Sự yên nghỉ là tất cả... Cho nên, Đức Phật đã luôn minh thị “Hãy giảm bớt tham sân si”, bởi ngài biết nếu bạn còn tham sân si, bạn sẽ không thể nào yên nghỉ. Đức Chúa Giê Su cũng luôn dạy rằng, “Hãy chôn kẻ chết.” Nếu bạn quá bận tâm đến quá khứ, bạn không thể nghỉ ngơi. Ngài đã dạy “Hãy tận hưởng giây phút thực tại này.” Đức Chúa Giê Su còn dạy: “Hãy ngắm những đóa hoa huệ trong cánh đồng kia… Chúng không giao động và chúng thật tuyệt mỹ. Sự lộng lẫy của chúng còn hơn cả hoàng đế Solomon. Hãy quan sát, những đóa hoa huệ kia..”
Ngài đang nói gì? Ngài dạy. “Hãy yên nghỉ! Con không cần giao động. Thật ra, mọi sự đều đã chu cấp.” Đức Chúa Giê Su đã dạy tiếp “Nếu con nhìn những loài chim trên trời, các động vật, thú rừng hoang dã, cây cối và cỏ xanh, tại sao con phải lo lắng? Tại sao con phải bận tâm về con?” Đây là một sự yên nghỉ. Tại sao bạn phải lo lắng tương lai?
Bạn hãy để ý đến những đóa hoa huệ xinh đẹp kia. Bạn hãy nhìn ngắm những cánh hoa huệ lộng lẫy đó. Bạn hãy là những cánh hoa huệ xinh đẹp đó… và bạn yên nghỉ. Sự yên nghỉ không ở bộ vị. Sự yên nghỉ là sự chuyển hóa toàn bộ qua năng lượng của bạn.
Năng lượng có hai bình diện. Một có động cơ. Mục tiêu để đến, đến được giây phút đó được xem là quả. Bạn phải có một mục tiêu để thành tựu. Đây là bình diện của hoạt động. Thành tựu trước, yên nghỉ sau. Với loại năng lượng này, mục tiêu không bao giờ đến. Năng lượng thay đổi liên tục qua mỗi giây phút, qua nguyên nhân của các nguyên nhân khác, trong tương lai. Mục tiêu luôn tồn tại ở một chân trời. Bạn luôn chạy đuổi sau đó, nhưng khoảng cách vẫn vậy, không ngắn hơn. Bình diện thứ hai. Động lực không bao giờ được sử dụng như một động cơ để tán tụng. Mục tiêu tại đây. Bây giờ, mục tiêu không tồn tại nơi nào khác.
Thật ra, bạn là mục tiêu. Thật ra, không có thành toàn nào trong giây phút này… Hãy liên tưởng đến những đóa hoa huệ, khi bạn đang chạy đuổi theo mọi mục tiêu. Mục tiêu không nằm ở tương lai. Nơi đó không có gì để thành tựu. Thay vì vậy, bạn lại liên hoan nó. Bạn đã thành tựu nó. Nó tồn tại ở đây.
Đây là sự yên nghỉ, một luồng năng lượng không động cơ. Đối với tôi, có hai loại người: Một là loại người luôn chạy đuổi theo mục tiêu. Loại người thứ hai là chuyên gia tán dương. Những con người chạy đuổi theo sau mục tiêu là loại người mất trí. Họ luôn chạy đuổi, mỗi ngày qua, họ càng điên cuồng hơn. Họ gây nên nỗi điên cuồng cho họ. Sự mất trí này đã được tăng cường mãnh liệt. Mỗi ngày qua, họ càng bị lún sâu hơn. Sau đó, thì họ hoàn toàn lạc hướng. Loại người thứ hai thì không chạy đuổi mục tiêu. Họ là loại người thích tán dương. Tôi dạy bạn điều này. Hãy là người luôn tán dương. Bạn hãy luôn liên hoan! Bạn đã có quá nhiều rồi. Bao nhiêu cánh hoa xinh đẹp đã chớm nở rồi. Loài chim cũng đang hoan ca. Mặt trời đang hiện hữu trên bầu trời cao trong vắt. Bạn hãy liên hoan chúng! Bạn đang hít thở. Bạn đang sống! Bạn có ý thức! Bạn hãy liên hoan ân huệ này! Đột nhiên, bạn hoàn toàn yên nghỉ. Bạn không còn căng thẳng. Bạn không còn đau khổ. Toàn bộ năng lượng hỗ trợ sự thống khổ đã chuyển hoá thành ân huệ. Trái tim bạn không ngừng đập nhịp với tấm lòng biết ơn sâu đậm. Đây là sự cầu nguyện chân thành của bạn. Tất cả mọi lời cầu nguyện là như vậy. Trái tim của bạn luôn đập nhịp với lòng biết ơn sâu sắc…
“Hãy giữ thân yên tịnh…”
Bạn không cần hành động. Bạn chỉ cần thấu hiểu sự vận hành của năng lượng và động cơ không mục tiêu của năng lượng. Nó tuôn chảy, nhưng không tầm cầu bất cứ một mục tiêu nào. Nó tuôn chảy như một sự liên hoan. Nó vận hành không ngày nghỉ, nhưng nó không dính mắc vào mục tiêu.
Nó vận hành qua năng lượng tràn trề của riêng nó. Một đứa bé nhảy múa. Nó nhảy lên nhảy xuống, và chạy vòng quanh. Bạn hãy hỏi nó thử xem “ Con chạy đi đâu vậy?’ Đứa trẻ không chạy đi đâu hết. Đứa bé sẽ nhìn bạn bằng đôi mắt lạ lùng. Đúng là một câu hỏi phi lý, “Con chạy đi đâu vậy?” Có cần phải chạy đi đâu hay không? Đứa bé không thể trả lời câu hỏi này, bởi không có sự liên quan. Nó không chay đi đâu hết. Nó sẽ nhún vai. Nó sẽ đáp: “Con không chạy đi đâu hết.” Một cái tâm lên sỡ cầu sự thành tựu , sẽ hỏi tiếp, “Vậy sao con chạy lung tung vậy?” Đối với chúng ta, hoạt động chỉ có liên hệ khi nào đạt đến một mục tiêu nào đó. Tôi khuyên bạn, chẳng nên có một nơi nào để đến hết. Toàn bộ sự sống đã là tối diệu tột bực ngay ở giây phút này. Dòng chữ của sự sống đang tuôn tràn trong khoảnh khắc này. Tất cả đều hiện hữu ngay đây để tuôn chảy trong giây phút này. Nó tồn tại ở thực tại. Một đứa bé đơn thuần tận hưởng năng lượng của thực tại. Nó sỡ hữu quá nhiều thứ. Đứa trẻ chạy, không phải vì cần đến một nơi nào đó, nhưng bởi năng lượng nó tràn trề, nó phải chạy.
Một hành động không động cơ, chỉ là luồng tuôn chảy của năng lượng. Bạn chia xẻ, nhưng đừng trao đổi, đừng mặc cả. Cho bởi bạn có. Đừng cho rồi lấy lại. Vì bạn sẽ đau khổ. Tất cả các thương gia đều vào địa ngục. Nếu bạn muốn tìm thấy một người thương gia, một người giao dịch tài ba nhất, bạn hãy tìm đến địa ngục. Nơi chốn đó, bạn sẽ tìm thấy họ. Thiên đường không dành cho thương gia. Thiên đường dành cho những con người biết liên hoan sự sống.
Trong truyền thuyết của Công giáo, hằng thế hệ qua, câu hỏi này đã được vấn “Các thiên thần đang làm gì ở Thiên đường?” Họ không có gì làm gì hết. Có người hỏi Meister Eckhart30. “Các thiên thần sẽ làm gì ở Thiên đường?” Ông đáp, “Xin ông vô minh vừa phải thôi chứ? Thiên đường là nơi để liên hoan phải không? Họ không làm gì hết. Họ chỉ đơn thuần liên hoan… Sự huy hoàng của thiên đường là vậy đó. Sự lộng lẫy của nó, nguồn thơ ở nơi chốn đó, muôn hoa nở rộ ở nơi chốn đó. Họ khiêu vũ, họ ca hát, và họ liên hoan.” Tôi không nghĩ là người này hài lòng với câu trả lời của ông. Đối với chúng ta, hoạt động chỉ có ý nghĩa khi chúng ta thành tựu được điều gì đó. Hoạt động cần phải có mục tiêu.
Bạn nên nhớ kỹ, sự liên hoan không phải là một hoạt động. Đột nhiên, nó xảy đến. Loài chim hót líu lo, bạn ca hát theo với chúng. Khi mọi sự xảy ra, bạn chỉ bắt đầu ngâm nga. Đây là một hành động… Nếu bạn hành động nhiều hơn, và ít bị bận rộn bởi hoạt động, cuộc đời của bạn sẽ thay đổi. Cuộc đời của bạn là một sự yên nghỉ sâu sắc. Bạn “hành”, nhưng bạn vẫn yên nghỉ. Một vị Phật không bao giờ mệt mỏi. Vì sao? Bởi ngài không là tác nhân. Bất cứ những gì ngài có, ngài bố thí, ngài luôn cùng một nhịp với dòng tuôn chảy…
“Hãy giữ thân yên tịnh
Ngậm miệng và yên lặng…”
Cái miệng rất quan trọng. Đôi môi bạn luôn là nơi chốn đầu tiên khởi động sự hoạt động. Xung quanh miệng là căn nguyên của tất cả các hoạt động. Bạn thở vào. Bạn khóc. Bạn cắn. Miệng bạn lúc nào cũng di động trong cơn khủng hoảng. Chính vì vậy, Tilopa đã khai thị. “ Con cần phải ý thức mọi hoạt động. Con phải nhận biết hành động. Hãy yên nghỉ, và… Ngậm miệng”
Khi bạn tham thiền, mỗi khi bạn muốn tịch tĩnh, việc đầu tiên bạn nên làm là bạn hãy hoàn toàn ngậm miệng lại. Nếu bạn hoàn toàn ngậm miệng, lưỡi của bạn sẽ đụng bên trên. Ngậm miệng chặt lại, nhưng bạn chỉ làm khi nào bạn có sự hướng dẫn của tôi. Bạn có thể làm được chuyện này. Ngậm miệng không phải là một sự nỗ lực lớn lao gì. Hoạt động không chấm dứt. Tận cùng cốt lõi của nội tại, tư tưởng vẫn tiếp diễn. Nếu tư tưởng vẫn lưu hành, bạn có thể cảm giác luồng chấn động rất vi tế trên môi. Người khác có lẽ không thể nhận thấy được bởi nó cực kỳ vi tế, nhưng nếu bạn đang suy nghĩ, đôi môi của bạn run rẩy một chút… một sự run rẩy rất vi tế. Khi bạn thật sự yên nghỉ, sự run rẫy này cũng chấm dứt. Bạn không nói chuyện. Bạn không khởi lên bất kỳ hoạt động nào. Bạn tĩnh tọa như một pho tượng, với miệng được ngậm chặt… Ngậm miệng và yên lặng… Sau đó, bạn chấm dứt tư duy…
Bạn sẽ làm gì? Tư tưởng đến rồi đi. Hãy để chúng đến rồi đi. Điều đó không là một vấn đề. Bạn không liên quan gì với chúng. Bạn luôn xa lạ. Bạn không vướng mắc. Bạn đơn thuần quán chiếu chúng đến rồi đi. Chúng không phải là mối bận tâm của bạn… Hãy ngậm miệng và yên lặng… Mỗi ngày qua, những luồng tư tưởng tiếp nối tự động biến mất. Chúng cần sự hợp tác của bạn. Nếu bạn hợp tác, chúng tìm đến. Nếu bạn chống cự, chúng tìm đến, bởi hành động này cũng là sự hợp tác. Một thuận, một nghịch. Cả hai đều sự hoạt động. Bạn quán chiếu. Ngậm miệng lại có thể giúp đỡ được bạn rất nhiều thứ. Tôi đã quan sát rất nhiều hành giả. Trước nhất, bạn ngáp. Bạn hãy mở rộng miệng càng lớn càng tốt. Bạn hãy ngáp thật trọn vẹn.
Thậm chí, có thể sẽ bị đau một chút. Làm như vậy một hay hai lần. Sự tu tập này sẽ giúp miệng bạn ngậm được lâu hơn. Sau đó, khoảng hai hay ba phút, bạn hãy nói thật lớn những câu vô nghĩa. Bất cứ tư tưởng nào đến tâm, bạn hãy nói lớn tiếng và bạn tận hưởng nó. Sau đó, bạn ngậm miệng lại.
Sự tu tập này dễ dàng hơn nếu bạn hãy hành động trái ngược lại. Nếu bạn muốn yên nghỉ đôi tay bạn, trước tiên bạn hãy làm cho chúng cực kỳ căng thẳng. Bạn hãy nắm chặt đôi tay lại thành hai cú đấm, và để sự căng thẳng càng tăng càng tốt. Sau đó, bạn làm ngược lại và bạn giữ sự thoải mái. Từ sự tu tập này, hệ thống thần kinh hệ bạn sẽ được thư giãn hơn. Bạn hãy thử nhiều cử chỉ khác nhau, trên mặt, mọi sự chuyển động trên khuôn mặt. Bạn hãy nhăn nhó, vặn vẹo, và nói vài câu vô nghĩa một vài lần… Sau đó, bạn hãy ngậm miệng lại và trở thành một chứng nhân. Không sớm thì muộn, sự tịch lặng sẽ tìm đến bạn.
Có hai loại tịch lặng. Một loại tịch lặng cưỡng ép mà bạn đang tự cưỡng ép mình. Không phải là sự kiện dễ chịu cho lắm. Nó là hình thức bạo động... Có một loại tịch lặng khác bao trùm bạn như một màn đêm. Một sự cảm nhận. Bạn hãy ngậm miệng lại, và quán chiếu. Bạn đừng cố gắng im lặng. Nếu bạn quá cố gắng, bạn có thể cưỡng ép bạn yên lặng chỉ chừng một vài giây phút thôi, nhưng sự cưỡng ép này sẽ không đem đến giá trị gì thiết thực cả. Nội tại của bạn vẫn sôi sục. Bạn đừng cố gắng yên nghỉ. Bạn chỉ cần đào xới mảnh đất, gieo hạt giống và chờ đợi.
“Để tâm trống rỗng và không suy nghĩ bất cứ gì…”
Bạn làm để có thể giữ được tâm trống rỗng? Những luồng tư tưởng đến rồi đi, bạn luôn hành trì chánh niệm. Chánh niệm phải được thực hành với sự cẩn trọng. Chánh niệm phải thụ động mà không năng động. Có nhiều hệ thống cơ chế cực kỳ vi tế bên trong. Bạn phải ý thức rất rõ ràng. Nếu không, bạn sẽ lầm lạc ở một nơi chốn nào đó. Nếu bạn lỡ đi ở một điểm nào đó, phẩm tính sẽ thay đổi. Bạn hãy duy trì chánh niệm qua sự thụ động, mà không năng động. Khác nhau như thế nào? Thí dụ, bạn đợi chờ người yêu bạn, Bạn chờ luôn năng động. Nếu có người nào đi ngang qua, bạn nhảy lên, xem có phải là cô hay không. Chỉ có một chiếc lá đang là là rơi xuống, bạn đã cảm giác cô đang đi tới. Tâm bạn luôn nôn nóng. Tu tập như vậy sẽ không được. Nếu bạn năng nổ quá, sự tu tập này sẽ không mang đến cho bạn được sự yên nghỉ trong pháp tu của Tilopa hay là sự yên nghỉ trong pháp tu của tôi. Tham thiền trong sự thụ động như lúc bạn đang ngồi bên bờ sông. Bạn chỉ ngắm nhìn dòng nước lững lờ trôi. Không vội vã, không gấp rút, không khẩn cấp, và không một ai cưỡng ép bạn hết. Thậm chí, nếu bạn lỡ quên không duy trì chánh niệm, cũng không có gì bị đánh mất cả. Bạn chỉ tiếp tục hình thành chánh niệm. Thậm chí, từ “chánh niệm” cũng không tốt, bởi chính từ này “chánh niệm” đã mang đến cảm giác của sự hiếu động rồi. Bạn chánh niệm. Bạn chỉ ngồi yên lặng bên dòng sông. Bạn ngắm nhìn dòng sông. Dòng nước đang lững lờ trôi.
Bạn có thể ngắm nhìn bầu trời xanh, những vầng mây trôi nhẹ nhàng, bình thản bằng một thái độ thật thụ động. Sự thụ động này cực kỳ quan trọng. Bạn phải thấu hiểu một cách triệt để. Sự ám ảnh của bạn đối với sự hoạt động có thể trở nên quá hiếu động. Nó có thể trở thành một hành động đang chờ đợi. Khi bạn lầm lạc toàn bộ quan điểm, hoạt động lại chui vào bằng cửa sau. Bạn hãy luôn là một chứng nhân thụ động.
“Để tâm trống rỗng và không suy nghĩ bất cứ gì…”
Sự thụ động này tự động giúp tâm trống rỗng. Những đợt sóng hoạt động, các đợt sóng của năng lượng tâm, sẽ dần dần lắng đọng. Toàn bộ bề mặt của tâm thức sẽ không còn những cơn thủy triều vũ bão. Nó sẽ như là một tấm gương vắng lặng.
“Giống như lỗ hổng của cây tre rỗng.
Hoàn toàn yên nghỉ trong thân con…”
Đây là một trong những pháp tu thiện xảo của Tilopa. Mỗi một bậc thầy có một pháp tu đặc biệt, thông qua sự đạt ngộ của ngài, và thông qua sự từ bi mà ngài muốn độ chúng sinh Đây là sự đặc biệt của Tilopa…
“Giống như lỗ hổng của cây tre rỗng.
Hoàn toàn yên nghỉ trong thân con…”
Một cây tre, bên trong hoàn toàn trống rỗng. Khi bạn yên nghỉ, bạn cảm giác bạn như là một thân tre hoàn toàn trống rỗng. Thật ra, trạng thái của bạn sẽ như thế này. Thân bạn sẽ như thân tre. Bên trong thân tre trống rỗng. Da bạn, xương bạn, máu huyết bạn, tất cả đều là tinh huyết của một đứa bé. Bên trong bạn là không gian và rỗng không. Khi bạn thiền toạ, miệng bạn hoàn toàn ngậm lại, thật thụ động. Lưỡi bạn đụng bên trên. Tâm trí bạn không rung động với bất cứ một luồng tư tưởng nào. Tâm bạn quán chiếu qua sự thụ động. Bạn không chờ đợi điều gì đặc biệt. Hãy cảm giác bạn như một thân tre rỗng. Đột nhiên, bạn cảm giác như có một luồng năng lượng phong phú của vạn hữu bắt đầu tuôn chảy trong bạn. Thân bạn tràn ngập với sự bất khả tri, đầy huyền diệu, và cực kỳ thánh thiện. Một thân tre rỗng sẽ trở thành một ống sáo. Vạn hữu đang thổi qua ống sáo này. Một khi thân tâm bạn hoàn toàn trống rỗng rồi. Sẽ không còn một chướng ngại nào ngăn cản sự thiêng liêng hội nhập vào bạn.
Bạn hãy thử tu tập pháp này trước: Đây là một trong những pháp thiền định vi diệu nhất. Bạn hãy thiền làm sao mà chính thân tâm bạn sẽ biến thành một thân tre rỗng. Bạn không cần làm gì hết. Bạn đơn thuần là thực tại, đón nhận bất kỳ những gì đang xảy ra. Đột nhiên, bạn sẽ cảm giác có một cái gì đó giáng phàm xuống trong sự trống rỗng của bạn. Giây phút khai ngộ đột ngột phát sanh khi thân tre rỗng đã hoàn toàn trống rỗng…
“Giống như lỗ hổng của cây tre rỗng.
Hoàn toàn yên nghỉ trong thân con…”
Yên nghỉ một cách tự tại. Đừng tầm cầu đắc ngộ. Đừng tầm cầu Thiên đường. Thậm chí, đừng tầm cầu cả Thượng Đế. Thượng Đế không thể tầm cầu. Khi bạn không tầm cầu, ngài tìm đến bạn. Sự giải thoát không thể tầm cầu bởi tầm cầu là vướng mắc. Khi bạn không còn tầm cầu, bạn giải thoát. Phật tánh không thể tầm cầu, bởi sự tầm cầu sẽ là biến thành một chướng ngại lớn. Khi khai ngộ, Phật tánh bùng nổ trong bạn. Bạn đã sẵn có hạt giống rồi. Khi bạn rỗng không, không gian nới rộng và… hạt giống bùng vỡ…
“Giống như lỗ hổng của cây tre rỗng.
Hoàn toàn yên nghỉ trong thân con
Không cho và không nhận.
Giữ tâm lắng yên…”
Không có gì để bố thí, không có gì để đón nhận. Tất cả đều tuyệt đối hoàn hảo như chính thực tướng của nó. Không cần cho, và cũng không cần nhận. Bạn tuyệt đối như Chân Tánh của bạn. Pháp tu này của Đông phương đã bị Tây phương hiểu lầm. Họ đã suy nghĩ “Pháp tu gì mà kỳ cục vậy?” Như vậy, thì làm sao con người có thể tiến hoá? Họ không thể nỗ lực tiến xa hơn. Hành giả sẽ không nỗ lực để thay đổi cá tính của họ. Họ sẽ không chuyển hoá bản tính tội lỗi của họ theo đường hướng tốt hơn.
Họ trở thành nạn nhân của Ma vương. Tại Tây phương: “Hãy luôn cải thiện bạn” đã là một phương châm, định nghĩa của thế giới này và của cả thế giới bao nhiêu kia đó. Xin bạn hãy cải thiện. Làm sao bạn có thể cải thiện? Làm sao bạn trở thành vĩ đại và siêu việt hơn?
Tại Đông phương, chúng ta thấu hiểu sâu sắc rằng, chính nỗ lực “trở thành” đã là một chướng ngại… Chân Tánh bạn đã sẵn có trong bạn. Bạn không cần phải trở thành một cái gì cả. Hãy đơn thuần nhận biết bạn là ai. Hãy đơn thuần nhận thức tự tánh đang ẩn tàng trong bạn. Bạn luôn sống trong sự cưỡng ép được cải thiện, bất cứ những gì bạn muốn cải thiện. Lúc nào bạn cũng trong tình trạng căng thẳng. Lúc nào bạn cũng đau khổ, bởi chính sự nỗ lực cải thiện đã đưa bạn lạc vào con đường lầm lạc. Sự cải thiện này sẽ giúp tương lai của bạn đượm nhiều ý nghĩa hơn. Một mục tiêu sống đầy ý nghĩa. Một lý tưởng sống đầy ý nghĩa. Sau đó, tâm bạn biến thành tâm tham cầu. Nếu tâm bạn tham cầu, bạn đã đánh mất tất cả. Hãy để tâm tham cầu của bạn lắng đọng. Hãy trở thành một mặt hồ tĩnh lặng mà sẽ không còn một sự tham cầu nào. Bạn sẽ kinh ngạc. Khi bạn không chờ đợi thì nó lại hiện hữu. Bạn sẽ cười lớn, như Bồ Đề Đạt Ma đã cười lớn. Các môn đồ của ngài Bồ Đề Đạt Ma kể rằng khi bạn hoàn toàn nhập đại định, bạn có thể nghe tràng cười văng vẳng của ngài. Ngài vẫn còn cười.
Ngài vẫn không thể ngừng cười khi nhận thấy bạn đang nỗ lực để bạn có thể trở thành! Ngài sẽ cười lớn bởi “Ngươi đã là những gì mà ngươi đang muốn trở thành. Làm sao ngươi có thể trở thành cái mà ngươi đã sẵn có?” Vì vậy, Bồ Đề Đạt Ma đã cười. Bồ Đề Đạt Ma cũng hiện đại như Tilopa. Có lẽ họ biết nhau, không ở nhục thân, nhưng họ nhất định biết nhau… ở phẩm tính Vô ngã này…
“Không cho và không nhận
Giữ tâm lắng yên
Đại Thủ Ấn là tâm không còn chỗ dính mắc…”
Bạn đắc ngộ nếu bạn không dính mắc. Tánh Không nằm trong tay bạn… Bạn đã thành tựu…
“Đại Thủ Ấn là tâm không còn chỗ dính mắc
Do thực hành pháp này, tức thời con thể nhập được Phật tánh…”
Có gì mà bạn phải cần sự thực hành? Bạn hãy tự nhiên và buông thả. Bạn hãy an trú ngay bây giờ và ở đây. Bạn hãy hiện hữu trong mọi hành động. Đừng để bạn đắm chìm trong vực sâu của sự hoạt động. Hãy trở nên trống rỗng. trống rỗng và thụ động hơn. Hãy trở thành một chứng nhân… xa lạ... không hề mong đợi, và không tham cầu một cái gì.
Hạnh phúc với chính bạn như bạn đang hạnh phúc với Chân Tánh của bạn. Hãy liên hoan! Sau đó, ở bất cứ một giây phút nào, khi thời điểm đã chín mùi, vụ mùa đã được rồi, bạn khai hoa trong một vị Phật…

Chú thích:
28 Pranayama là cấp bậc thứ tư trong tám cấp bậc (ashta) của Nghệ thuật và khoa học Yoga đã được hệ thống hóa, điều hòa hơi thở và prana (năng lượng sống. Thông qua pranayama bức màn của karmasheya (bức màn tạo ra bởi karma trong quá khứ hiện tại và tương lai) che phủ sự khai sáng bên trong sẽ được làm mỏng dần đi, giảm dần và tan biến. Thông qua những thực hành và những quá trình này của ranayama, là cấp thứ tư trong tám cấp, đầu óc sẽ phát triển những khả năng tập trung tư tưởng thật sự (dharana), là cấp bậc thứ sáu.
29 Mạn đà la (tiếng Phạn: maṇḍala) là một hình vẽ biểu thị vũ trụ trong cái nhìn của một bậc giác ngộ. Trong tiếng Phạn, mandala có nghĩa là một trung tâm (la) đã được tách riêng ra hay được trang điểm (mand). Có thể coi Mạn đà la là một đồ hình vũ trụ thu nhỏ (cosmological digram). "Mandala" theo chữ Hán dịch là "luân viên cụ túc", nghĩa là vòng tròn đầy đủ. Theo ý nghĩa thực tiễn thì Mạn đà la là đàn tràng để hành giả bày các lễ vật hay pháp khí cho nghi thức hành lễ, cầu nguyện, tu luyện...
30 Meister Eckhart: nhà hiền triết châu Âu thường nhấn mạnh rằng: “Trống rỗng không có một vật", như chư vị Thiền sư thường nhấn mạnh. Bạch Vân An Cốc - một vị Thiền sư hiện đại người Nhật - khuyên rằng: "Nếu đầu óc, thâm tâm của quý vị còn chứa đựng bất cứ một cái gì, ghi lại một cái gì thì quý vị sẽ không bao giờ Kiến tính. Quý vị phải buông xả tất cả. Tâm của quý vị phải trống rỗng, không một dấu vết như một tờ giấy trắng trong sạch, Bạch chỉ!"
Xem tiếp Chương 5Quay về Mục lục

Ads Belove Post