Read more
Osho - Sáng tạo
Chương 7. Trí tuệ
"Tâm trí đương thời"
là mâu thuẫn ngay trong thuật ngữ. Tâm trí không bao giờ đương thời được, nó
bao giờ cũng già lão. Tâm trí là quá khứ - quá khứ và quá khứ và không gì khác.
Tâm trí nghĩa là kí ức, không thể có tâm trí đương thời được. Là đương thời là ở
ngoài tâm trí.
Nếu bạn ở đây bây giờ, thế thì
bạn đương thời. Nhưng thế thì, bạn không thấy sao, tâm trí bạn biến mất; không
ý nghĩ nào chuyển động, không ham muốn nào nảy sinh: bạn trở nên được ngắt ra
khỏi quá khứ và ngắt ra khỏi tương lai.
Tâm trí không bao giờ nguyên bản,
không thể được. Vô trí mới nguyên bản, tươi tắn, trẻ trung; tâm trí bao giờ
cũng già lão, mục nát, cũ rích.
Nhưng những từ đó đang được
dùng - chúng được dùng theo nghĩa hoàn toàn khác. Theo nghĩa đó, những từ này
là có nghĩa. Tâm trí của thế kỉ mười chín là tâm trí khác; các câu hỏi họ hỏi,
bạn không hỏi. Những câu hỏi rất quan trọng ở thế kỉ mười tám bây giờ là những
câu hỏi ngu xuẩn. "Bao nhiêu thiên thần có thể nhảy múa trên đầu
kim?" đã là một trong những câu hỏi thượng đế học lớn lao nhất vào thời
Trung Cổ. Bây giờ bạn có thể tìm thấy người ngu như vậy vẫn nghĩ rằng đây là
câu hỏi quan trọng không? Và điều này đã được thảo luận bởi những nhà thượng đế
học lớn lao nhất; không phải là người nhỏ bé, các giáo sư vĩ đại đã viết các
chuyên luận về nó, các hội thảo đã được bố trí. "Bao nhiêu thiên thần...?"
Bây giờ, ai quan tâm? Điều đó đơn giản không liên quan.
Vào thời Phật, một câu hỏi lớn
là, "Ai đã tạo ra thế giới này?" Nó vẫn còn dai dẳng hàng thế kỉ,
nhưng bây giờ càng ngày càng ít người lo nghĩ về ai tạo ra thế giới. Vâng, cũng
có một số người kiểu cổ, nhưng rất hiếm những câu hỏi như vậy được hỏi với tôi.
Nhưng Phật đã phải đương đầu hàng ngày; không có được một ngày trôi qua mà
không có ai đó hỏi câu hỏi, "Ai đã tạo ra thế giới này?" Phật phải đã
nói đi nói lại rằng thế giới này bao giờ cũng có đó rồi, chẳng ai tạo ra nó cả;
nhưng mọi người vẫn không thoả mãn. Bây giờ thì chẳng ai quan tâm. Rất hiếm ai
đó hỏi tôi câu hỏi, "Ai đã tạo ra thế giới này?" Theo nghĩa đó, tâm
trí cứ thay đổi khi thời gian thay đổi. Theo nghĩa đó, tâm trí đương thời là thực
tại.
Chồng nói với vợ: "Anh nói
chúng ta sẽ không đi chơi tối nay, và đó là lời gần cuối."
Bây giờ đây là tâm trí đương thời.
Không chồng nào trong quá khứ đã nói điều đó. Nó bao giờ cũng lời cuối; lời cuối
là của anh ta.
Hai quí bà thượng lưu người Anh
tình cờ gặp nhau khi đi mua bán ở London. Người này để ý thấy người kia mang
thai và hỏi, "Sao thế, chị ơi, em ngạc nhiên quá! Chị hiển nhiên đã lấy chồng
từ lần trước em gặp chị! "
Người thứ hai nói, "Vâng.
Anh ấy là người tuyệt vời; anh ấy là sĩ quan trong quân đội ở Ghurka."
Người hỏi kinh tởm.
"Ghurka! Chị ơi, tất cả họ có đều da đen không?"
"Ồ không," chị kia
nói. "chỉ binh nhì thôi."
Người hỏi kêu lên, "Chị
ơi, đương thời thế!"
Theo nghĩa đó, có tâm trí đương
thời. Bằng không, không có tâm trí đương thời. Thời thượng tới rồi đi; nếu bạn
nghĩ tới thời thượng thì có thay đổi. Nhưng về cơ bản mọi tâm trí đều già cỗi.
Tâm trí già thế, và không thể có tâm trí hiện đại được; tâm trí hiện đại nhất vẫn
là của quá khứ.
Người sống thực là người ở đây
bây giờ. Người đó không sống từ quá khứ, người đó không sống vì tương lai; người
đó chỉ sống trong khoảnh khắc này, vì khoảnh khắc này. Khoảnh khắc này là tất cả.
Người đó tự phát; tính tự phát đó là hương thơm của vô trí. Tâm trí mang tính lặp
lại, tâm trí bao giờ cũng đi theo vòng tròn. Tâm trí là cái máy: bạn nuôi nó bằng
tri thức, nó lặp lại cùng tri thức. Nó cứ nhai mãi cùng tri thức lặp đi lặp lại.
Vô trí là sáng tỏ, thuần khiết,
hồn nhiên. Vô trí là cách thực để sống, cách thực để hiện hữu.
TRÍ TUỆ LÀ CÁI GÌ ĐÓ NGUỴ TẠO,
CÁI GÌ ĐÓ GIẢ TẠO: nó là cái thay thế cho thông minh. Thông minh là hiện tượng
hoàn toàn khác - cái thực.
Thông minh cần dũng cảm vô
cùng, thông minh cần cuộc sống phiêu lưu. Thông minh cần rằng bạn bao giờ cũng
đi vào trong cái không biết, đi vào biển chưa lập bản đồ. Thế thì thông minh
trưởng thành, nó trở nên sắc bén. Nó trưởng thành chỉ khi nó gặp cái không biết
mọi khoảnh khắc. Mọi người đều sợ cái không biết, mọi người đều cảm thấy bất an
với cái không biết. Họ không muốn vượt ra ngoài cái quen thuộc; do đó họ đã tạo
ra cái giả, cái thay thế bằng chất dẻo cho thông minh - họ gọi nó là trí tuệ.
Trí tuệ chỉ là trò chơi tâm
trí. Nó không thể sáng tạo được.
Bạn có thể đi và nhìn vào các đại
học và thấy cái loại công việc sáng tạo nào đang diễn ra ở đó. Hàng nghìn
chuyên luận đang được viết ra; luận văn tiến sĩ, tiến sĩ triết học, tiến sĩ văn
chương, những bằng cấp lớn lao được ban cho mọi người. Chẳng ai đã bao giờ đi tới
biết điều gì xảy ra cho các luận án tiến sĩ của họ; chúng cứ trở thành đống rác
trong các thư viện. Không ai đọc chúng, không ai đã bao giờ được hứng khởi bởi
chúng - vâng, vài người có đọc chúng; nhưng họ lại cùng là kiểu người sắp viết
ra các luận án khác. Các tiến sĩ tương lai tất nhiên sẽ đọc chúng.
Nhưng các đại học của bạn không
tạo ra Shakespeares, Miltons, Dostoevskys, Tolstoys, Rabindranaths, Kahlil
Gibrans. Các đại học của bạn chỉ tạo ra đồ đồng nát, vô dụng hoàn toàn. Đây là
hoạt động trí tuệ cứ diễn ra trong các đại học.
Thông minh tạo ra Picasso, Van
Gogh, Mozart, Beethoven. Thông minh là chiều hướng hoàn toàn khác. Nó chẳng
liên quan gì tới cái đầu cả, nó có cái gì đó liên quan tới trái tim. Trí tuệ là
ở trong đầu; thông minh là trạng thái của sự thức tỉnh trái tim. Khi trái tim bạn
thức tỉnh, khi trái tim bạn nhảy múa trong lòng biết ơn sâu sắc, khi trái tim bạn
trong hoà điệu với sự tồn tại, từ sự hài hoà đó là tính sáng tạo.
Không có khả năng nào cho bất
kì sáng tạo trí tuệ. Nó có thể tạo ra rác rưởi - nó mang tính sản xuất, nó có
thể chế tạo - nhưng nó không thể sáng tạo.
Và đâu là sự khác biệt giữa chế
tạo và sáng tạo? Chế tạo là hoạt động máy móc. Máy tính có thể làm được điều đó
- chúng đã làm điều đó rồi, và làm điều đó theo cách hiệu quả hơn nhiều việc bạn
có thể hi vọng từ con người. Thông minh sáng tạo, nó không chế tạo. Chế tạo
nghĩa là thực hiện lặp lại: điều đã được làm, bạn cứ làm đi làm lại mãi. Sáng tạo
nghĩa là đem cái mới vào sự tồn tại, tạo ra cách để cái không biết thấm vào cái
biết, làm ra cách cho trời đi tới đất.
Khi có Beethoven hay
Michelangelo hay Kalidas, bầu trời mở ra, hoa mưa rào xuống từ cõi bên kia. Tôi
không nói với bạn điều gì về Phật, Christ, Krishna, Mahavira, Zarathustra,
Mohammed, bởi một lí do nào đó: bởi vì điều họ tạo ra tinh tế tới mức bạn sẽ
không có khả năng nắm bắt lấy nó. Điều Michelangelo tạo ra là thô; điều Van
Gogh tạo ra có thể nhìn được, thấy được. Điều vị phật tạo ra tuyệt đối vô hình.
Nó cần một loại cảm thụ hoàn toàn khác để hiểu. Để hiểu vị phật bạn phải thông
minh. Sáng tạo của Phật không chỉ thông minh vô cùng, mà nó còn siêu phàm, phi
phàm tới mức để hiểu nó bạn sẽ phải thông minh. Trí tuệ sẽ không ích gì trong
việc hiểu biết.
Chỉ có hai loại người sáng tạo
- nhà thơ và nhà huyền môn. Nhà thơ sáng tạo trong thế giới thô còn nhà huyền
môn sáng tạo trong thế giới tinh. Nhà thơ sáng tạo trong thế giới bên ngoài - bức
tranh, bài thơ, bài ca, âm nhạc, điệu vũ - và nhà huyền môn sáng tạo trong thế
giới bên trong. Sáng tạo của nhà thơ mang tính đối thể còn sáng tạo của nhà huyền
môn mang tính chủ thể, toàn bộ về cái bên trong. Trước hết bạn phải hiểu nhà
thơ, chỉ thế thì ngày nào đó bạn mới có thể hiểu được - ít nhất một ngày nào đó
cũng hi vọng hiểu - nhà huyền môn. Nhà huyền môn là bông hoa sáng tạo cao nhất.
Nhưng bạn có thể không thấy điều nhà huyền môn đang làm.
Phật chưa bao giờ vẽ tranh,
chưa bao giờ cầm chổi vẽ trong tay, chưa soạn thơ, chưa hát bài ca, không ai đã
từng thấy ông ấy nhảy múa. Nếu bạn ngắm ông ấy, ông ấy chỉ ngồi im lặng; toàn thể
bản thể ông ấy là im lặng. Vâng, duyên dáng bao quanh ông ấy, duyên dáng, duyên
dáng của cái đẹp vô hạn, của cái đẹp thanh tao, nhưng bạn sẽ cần rất mong manh
để cảm thấy nó. Bạn sẽ phải rất cởi mở, không cãi lí. Bạn không thể là khán giả
với vị Phật; bạn phải là người tham gia, bởi vì chính bí ẩn là việc được tham
gia vào. Thế thì bạn sẽ thấy điều ông ấy đang sáng tạo. Ông ấy đang sáng tạo ra
tâm thức, và tâm thức là dạng thuần khiết nhất, dạng cao nhất có thể có, của việc
diễn đạt Thượng đế.
Một bài ca hay, một điệu vũ đẹp
bởi vì cái gì đó của điều thiêng liêng đang hiện diện trong nó. Nhưng trong vị
Phật cái toàn thể của Thượng đế hiện diện. Đó là lí do tại sao chúng ta đã gọi
Phật là "Bhagwan," chúng ta đã gọi Mahavira là "Bhagwan" -
cái toàn thể của Thượng đế đang hiện diện.
Hoạt động trí tuệ có thể làm
cho bạn thành chuyên gia trong những điều nào đó, có ích, hiệu quả. Nhưng trí
tuệ đang dò dẫm trong bóng tối. Nó không có mắt, bởi vì nó còn chưa mang tính
thiền. Trí tuệ được vay mượn, nó không có sáng suốt của riêng nó.
Chủ đề là về làm tình. Trong
nhiều tuần Arthur đã trả lời thành công tất cả các câu hỏi cho anh ta trong các
buối chiếu cuộc thi đố trên ti vi. Anh ta bây giờ đủ tư cách để trả lời câu hỏi
lớn trị giá một trăm nghìn đô la. Với một câu hỏi này anh ta được phép mời một
chuyên gia. Arthur tất nhiên chọn một giáo sư nổi tiếng thế giới về tình dục từ
Pháp.
Câu hỏi lớn là, "Nếu anh
được làm vua trong năm mươi năm đầu tiên của đế quốc Assyrian, anh sẽ được
trông đợi hôn vào ba phần nào trong xác ướp của cô dâu của anh trong đêm tân
hôn?"
Hai câu trả lời đầu tiên tới
nhanh chóng. Arthur đáp, "Môi và cổ cô ấy."
Bây giờ, bị bí với câu trả lời
cho phần thứ ba của câu hỏi, Arthur cuống cuồng quay sang vị chuyên gia của
mình. Người Pháp giơ hai tay lên và rên rỉ, "Alors, mon ami, đừng hỏi tôi.
Tôi đã sai hai lần rồi."
Vị chuyên gia này, nhà thông
thái này, người trí thức này, chẳng có sáng suốt gì của riêng mình cả. Người đó
phụ thuộc vào tri thức vay mượn, vào truyền thống, vào qui ước. Người đó mang
các thư viện trong đầu, một gánh nặng lớn, nhưng người đó không có tầm nhìn.
Người đó biết nhiều mà lại chẳng biết gì cả.
Và bởi vì cuộc sống không bao
giờ như cũ - nó thường xuyên thay đổi, khoảnh khắc sang khoảnh khắc nó đều mới
- vị chuyên gia này bao giờ cũng bị tụt hậu, đáp ứng của người đó bao giờ cũng
không thích hợp. Người đó chỉ có thể phản ứng, người đó không thể đáp ứng, bởi
vì người đó không tự phát. Người đó đã đi tới kết luận, người đó đang mang câu
trả lời làm sẵn - và câu hỏi mà cuộc sống nêu ra bao giờ cũng mới.
Hơn nữa, cuộc sống không phải
là hiện tượng logic. Và trí tuệ sống qua logic; do đó người đó chưa bao giờ khớp
được với cuộc sống và cuộc sống chẳng bao giờ khớp với người đó. Tất nhiên cuộc
sống không lúng túng, bản thân người trí thức mới lúng túng. Người đó bao giờ
cũng cảm thấy như người ngoài - không phải là cuộc sống đã xua đuổi người đó; bản
thân người đó đã quyết định vẫn còn ở ngoài cuộc sống. Nếu bạn níu bám quá nhiều
vào logic bạn sẽ chẳng bao giờ có khả năng là một phần của quá trình sống chính
là sự tồn tại này.
Cuộc sống còn nhiều hơn logic:
cuộc sống là nghịch lí, cuộc sống là điều huyền bí.
Gannaway và O'Casey đã dàn xếp
cuộc đọ súng tay đôi. Gannaway béo phục phịch, và khi anh ta thấy đối thủ còm
nhom đối diện với mình anh ta phản đối. "Cấm đấy!" anh ta nói,
"Tôi béo gấp đôi anh ta, cho nên tôi phải đứng xa gấp đôi so với anh ta đứng
xa với tôi."
Tuyệt đối logic, nhưng làm sao
bạn làm được điều đó?
"Cứ thoải mái đi,"
người thứ hai trả lời. "Tôi sẽ làm điều đó đúng lại ngay." Rồi lấy một
mẩu phấn từ túi mình anh vẽ ra hai đường thẳng xuôi theo áo của người béo để một
khoảng cách giữa chúng.
"Bây giờ," anh ta
nói, khi quay sang O'Casey, "bắn đi, và nhớ rằng bất kì phát nào ra ngoài
đường phấn kẻ đều không được tính đâu nhé."
Toán học hoàn hảo, logic hoàn hảo!
- nhưng cuộc sống lại không logic thế, cuộc sống lại không toán học thế. Và mọi
người cứ sống trong trí tuệ của mình một cách rất logic. Logic cho họ cảm giác
dường như họ biết, nhưng đó là cái "nếu như" lớn và người ta có xu hướng
quên mất nó hoàn toàn. Bất kì điều gì bạn định làm qua trí tuệ, đó chỉ là suy
luận. Nó không phải là kinh nghiệm về chân lí, mà chỉ là suy luận dựa trên
logic của bạn - và logic của bạn là sự bịa đặt của bạn.
Cudahy, đã uống nhiều rượu, đứng
ngắm nhìn cuộc diễu hành nhân ngày lễ Thánh Patrick. Một cách vô ý thức anh vứt
mẩu thuốc lá đang cháy vào một chiếc nệm cũ nằm tại lề đường.
Vừa lúc đó các đội viên tóc xám
của Đoàn nữ y tá khệnh khạng đi qua. Đồng thời, tấm nệm cháy âm ỉ bắt đầu toả
ra mùi kinh khủng.
Cudahy khụt khịt vài lần rồi
tuyên bố với viên cảnh sát đứng gần đó, "Ông ấy sĩ quan, những nữ y tá kia
diễu hành quá nhanh!"
Trí tuệ có thể đạt tới những
suy luận nào đó, nhưng trí tuệ là hiện tượng vô ý thức. Bạn cư xử gần như trong
khi ngủ.
Thông minh là thức tỉnh, và chừng
nào bạn còn chưa thức tỉnh đầy đủ, bất kì điều gì bạn quyết định cũng nhất định
sai ở đâu đó hay này khác. Nó nhất định là như vậy, nó phải chịu số phận là
sai, bởi vì nó là kết luận được đạt tới bởi tâm trí vô ý thức.
Đem thông minh vào hoạt động
đi, bạn không cần nhiều thông tin, bạn cần nhiều thiền hơn. Bạn cần trở nên im
lặng hơn, bạn cần trở nên vô ý nghĩ hơn. Bạn cần trở nên ít tâm trí hơn và nhiều
trái tim hơn. Bạn cần trở nên nhận biết về điều kì diệu đang bao quanh bạn: điều
kì diệu đó là cuộc sống, điều kì diệu đó là Thượng đế, điều kì diệu đó có trong
cây xanh và hoa đỏ, điều kì diệu đó có trong mắt mọi người. Điều kì diệu đang xảy
ra ở mọi nơi! Tất cả đều là điều huyền bí, nhưng bởi vì trí tuệ của mình mà bạn
vẫn còn bị khép chặt bên trong bản thân mình, níu bám lấy những kết luận ngu xuẩn
của mình đã đạt tới trong vô ý thức, hay được người khác trao cho bạn, những
người cũng vô ý thức như bạn vậy.
Nhưng thông minh chắc chắn có
tính sáng tạo, bởi vì thông minh đem tính toàn bộ của bạn vào vận hành - không
chỉ là một phần, một phần nhỏ, cái đầu. Thông minh làm rung động toàn thể bản
thể bạn; từng tế bào của bản thể bạn, từng thớ thịt của cuộc sống bạn bắt đầu
nhảy múa và đi vào hài hoà tinh tế với cái toàn bộ.
Đó chính là thông minh: rung động
trong hài hoà tuyệt đối với cái toàn bộ. Mọi sự sẽ bắt đầu xảy ra theo cách
riêng của nó. Trái tim bạn sẽ bắt đầu rót ra bài ca của niềm vui, bàn tay bạn sẽ
bắt đầu làm biến đổi mọi thứ. Bạn sẽ chạm vào bùn và nó sẽ trở thành hoa sen. Bạn
sẽ có khả năng trở thành nhà giả kim thuật. Nhưng điều đó là có thể chỉ qua thức
tỉnh lớn lao của thông minh, thức tỉnh lớn lao của trái tim.