Chương 9. Bạn là nhà tù riêng của mình

Chương 9. Bạn là nhà tù riêng của mình

Price:

Read more

Osho - Con đường bên ngoài mọi con đường
Chương 9. Bạn là nhà tù riêng của mình

Tâm trí, mạch sống, ham muốn,
hiếu thảo và đức độ là năm nút cơ sở.
Khi linh hồn được hiện thân bị đồng nhất
với bản chất của năm nút này,
thì nó không thể tự do khỏi chúng
mà không tự hiểu mình.
Vì năm nỗi ưu phiền này linh hồn giống như bệnh tật tinh vi,
nên linh hồn được biết tới như ling sharir,
sự đồng nhất thân thể.
Đây là nút trong tim.
Cái chiếu sáng tại đó khi tâm thức
là kshetragya, người biết.
Tù túng của con người không tới từ bên ngoài con người, nhà tù của người đó là ở bên trong - nó do người đó tự tạo ra. Với chúng ta dường như là chúng ta chỉ sống ở bên ngoài; dường như là sướng tồn tại ở bên ngoài, dường như là khổ tồn tại ở bên ngoài, dường như là tất cả thành đạt đều ở bên ngoài, tất cả mọi thua thiệt và thắng lợi đều ở bên ngoài, tất cả mọi thành công và thất bại đều ở bên ngoài - điều đó chỉ là dường như vậy thôi theo cách này. Trong thực tế mọi thứ đều ở bên trong cả: mọi nỗ lực đều là từ bên trong, mọi điều đạt được cũng là ở bên trong; thất bại của chúng ta là ở bên trong, sướng dường như ở bên ngoài được kinh nghiệm từ bên trong và nguồn gốc của khổ dường như tới từ bên ngoài cũng ẩn kín bên trong.
Người yêu của bạn có thể dường như là ở bên ngoài nhưng trung tâm của tình yêu là ở bên trong. Nếu trung tâm của tình yêu ở bên trong này bị phá huỷ, thế thì người ta không thể thấy được người yêu nào ở bên ngoài nữa. Vàng là ở bên ngoài nhưng tham lam về vàng là ở bên trong. Nếu không có tham lam, có gì khác biệt giữa vàng và bụi? Sự khác biệt có đó bởi vì lòng tham này. Việc mở rộng các đối tượng là ra ngoài, nhưng hạt mầm là ở bên trong.
Hiền nhân này mô tả năm nút cơ sở; bệnh tật bên trong của con người đã được chia thành năm loại, như năm nút. Cố hiểu từng và mọi loại này.
Đầu mối thứ nhất là tâm trí và toàn bộ phóng tác của nó. Tâm trí đã từng được gọi là sự rối rắm, bệnh tật, bệnh hoạn. Vì sao?
Nếu chúng ta đứng trên bờ biển và có một cơn bão với sóng cao và gió mạnh thổi... bản thân đại dương là không thể thấy được, điều thấy được duy nhất là điệu vũ hoang dại của các con sóng gầm. Đại dương cũng ở bên trong những con sóng này và những con sóng này cũng là hình dạng của đại dương - chúng được sinh ra từ đại dương, chúng là hình dáng của đại dương - nhưng dầu vậy những con sóng này vẫn không phải là đại dương, bởi vì đại dương có thể có mà không có sóng. Sau cơn bão biển lại bình lặng; sóng đã qua, nhưng biển vẫn còn.
Điều đối lập lại không bao giờ xảy ra - đại dương không thể nào biến mất đi trong khi sóng vẫn còn đấy. Sóng có thể biến mất nhưng đại dương sẽ vẫn còn. Sự biến mất của sóng không quấy rối sự tồn tại đại dương, nhưng nếu đại dương biến mất thì không thể nào giữ lại được sóng. Cho nên đại dương là nguồn gốc; sóng xuất hiện rồi biến mất.
Đại dương của tâm thức con người cũng giống hệt như vậy: ý nghĩ là sóng, các hình mẫu nảy sinh trong nó. Đó là lí do tại sao tôi bảo bạn hôm qua rằng không có những điều như tâm trí an bình. Bạn đã bao giờ thấy cơn bão an bình chưa? Nói 'cơn bão an bình' là điều vô nghĩa. Nếu nó là bão, nó không thể an bình được, nếu nó là an bình, nó không thể là bão được. Nhưng chúng ta nói, 'tâm trí im lặng' - đấy là lỗi ngôn ngữ. Chừng nào mà tâm trí có đó, rối loạn còn tiếp tục, bất ổn vẫn cứ dai dẳng.
Náo động là từ khác cho tâm trí. Về mặt sự sống, náo động và tâm trí là đồng nghĩa - nhưng không có trong từ điển. Nếu bạn nhìn vào từ điển, bạn sẽ không tìm ra chỗ nào mà từ 'náo động' có nghĩa là tâm trí, hay 'tâm trí' nghĩa là náo động. Không cần phải là nhà từ nguyên học để biết sự tồn tại. Những người biết tới sự tồn tại thì không tạo ra ngôn ngữ bởi vì họ nói, "Khó mà diễn đạt được nó trong ngôn ngữ.”
Kinh nghiệm sống này là: nơi có náo động thì có tâm trí. Tâm trí nghĩa là náo động, cho nên từ 'tâm trí an bình' là mâu thuẫn; trạng thái như vậy không thể tồn tại được. Cũng không có điều như vậy khi nói bệnh tật mạnh khoẻ hay cơn bão an bình, cho nên cũng không có cái gì như tâm trí an bình cả.
Người bị bệnh có thể trở nên mạnh khoẻ, nhớ điều đó, nhưng bản thân bệnh tật chẳng bao giờ là mạnh khoẻ được. Người bị bệnh có thể trở nên mạnh khoẻ bởi vì bệnh tật không phải là người bị bệnh; nó là tách biệt với người đó, nó tới rồi nó đi. Điều rất thú vị là để ý rằng người ốm có thể có mà chẳng có bệnh nào cả, nhưng bệnh thì không thể tồn tại mà không có người ốm. Tâm thức có thể tồn tại mà không có tâm trí, nhưng tâm trí không thể tồn tại mà không có tâm thức.
Tâm trí là bệnh tật. Hiền nhân này thấy điều đó là granthi - một nút, tù túng, không thoải mái, ốm yếu. Tâm trí là bệnh tật. Tâm trí là trạng thái rối loạn của tâm thức - náo động, không ổn định và đầy những sóng. Khi an bình được đạt tới, tâm trí biến mất; khi an bình biến mất, tâm trí xuất hiện.
Nếu chúng ta đi sâu vào nó, có lí do tại sao chúng ta lại mô tả nó là nút. Hiểu từ ‘granthi’ đi, bởi vì nó là từ có giá trị trong thuật ngữ yoga. Nó giá trị tới mức khi Mahavira trở nên chứng ngộ, người Jainas đã gọi ông ấy là nirgrantha - tự do với mọi granthis, mọi nút - người không có nút nào bên trong. Cố hiểu khái niệm này về cái nút.
Nút là một vật kì lạ. Bạn phải đã thấy nhiều nút nhưng chưa bao giờ để ý tới điều này: rằng khi bạn buộc một cái nút trong dây thừng, có thay đổi gì trong dây thừng không, trong bản chất của nó, trong sự tồn tại của nó? Nó có nặng thêm không? Có thay đổi về phẩm chất gì không? Điều gì xảy ra cho dây thừng này? Chẳng điều gì xảy ra cho dây thừng cả...nhưng dầu vậy thì, nhiều điều vẫn xảy ra. Chẳng cái gì xảy ra cho dây thừng, chẳng cái gì được thêm vào cho nó và không cái gì bị lấy đi; nó vẫn còn như nó vậy, nhưng dầu vậy nó vẫn không như cũ nữa; nó đã bị buộc nút lại, mắc mứu lại. Bản chất của dây thừng không đổi lấy một chút gì, nhưng cái nút có thể phát sinh mà không làm thay đổi bản chất của nó. Thực tế chẳng có gì thay đổi trong dây thừng cả, vậy mà mọi thứ lại bị thay đổi. Dây thừng không còn dùng được nữa; bây giờ bạn không thể dùng nó để buộc cái gì bởi vì bản thân nó đã xoắn xuýt lại rồi. Bây giờ nó không còn dùng được nữa, nhưng không có thay đổi về phẩm chất, không có thay đổi về mặt tồn tại với nó. Nó đã chẳng thay đổi chút nào.
Và cái nút này là gì vậy? Nó có phải là một vật không? Cố hiểu nó cho đúng. Cái nút này có phải là một vật không? Nếu nó là một vật thì nó đã tồn tại mà không có dây thừng, cái nút này có thể đã bị gạt sang bên. Nhưng cái nút lại không thể bị tách khỏi dây thừng được. Điều đó không có nghĩa là dây thừng không thể được tự do với cái nút, nó có thể được tự do. Dây thừng có thể được tự do với nút, nhưng nút không thể nào bị tách rời khỏi dây thừng. Bạn không thể tách cái nút và dây thừng thành hai vật được.
Cho nên nút không phải là một vật. Nó không có bản chất, nó không có sự tồn tại độc lập; nó chỉ là một hình dạng - chỉ là một hình hài, chỉ là một dạng mà không có bản chất nào - chỉ là một dạng và không có gì của chính nó trong nó cả. Bên trong nút này là dây thừng, nhưng bản thân nút này chẳng có gì bên trong nó cả. Do đó có thể hiểu nó theo cách này: rằng nút không có sự tồn tại bản chất, nó chỉ là dạng, nó chỉ có một dạng.
Đó là lí do tại sao các hiền nhân đã gọi thế giới này là namrup, nghĩa là cái tên và dạng mà không có sự tồn tại bản chất của riêng nó - chỉ giống như cái nút. Cái nút tồn tại trong tên và có thể nhận ra được trong dạng, nó tạo ra cản trở và nó có thể được hoàn tác, vậy mà nó lại không tồn tại. Cái nút là maya, ảo tưởng. Những người biết đều nói rằng thế giới này là cái nút về tên tuổi và hình dạng - chỉ là cái nút. Và điều này áp dụng cho con người theo cùng cách như nó áp dụng cho thế giới.
Con người nữa cũng chỉ là một cái nút của tên và dạng. Nếu cái nút này được gỡ ra, tháo ra, cái còn lại được gọi là cái ta vũ trụ. Con người chỉ là cái nút; nếu được tháo ra, con người biến mất - tên và dạng biến mất, người đang nói tôi biến mất. Cái tôi biến mất - cái tôi chỉ là tổng cộng của tất cả các nút. Chúng ta sẽ nói về panchvargas, năm loại; cái tôi là tên của tổng năm nút này.
Hiền nhân này gọi tâm trí là cái nút thứ nhất bởi vì tâm trí không có sự tồn tại, nó chỉ dường như tồn tại thôi, nó chỉ là một hình dạng. Khi tâm thức bị khuấy động, tâm trí được tạo ra - nó chỉ là một hình dạng. Mơ trong đêm không có sự tồn tại nhưng có hình dạng. Bạn đi xem phim: phim không có sự tồn tại trong thực tế nhưng có hình dạng trên màn ảnh, nó chỉ dường như tồn tại. Và điều kì lạ là người ta có thể thấy ngay cả cái gọi là những người thông minh cũng đưa tay lau nước mắt trong rạp chiếu bóng. Ngay cả những người thông minh cũng khóc và cười khi xem phim, mặc dầu họ biết hoàn toàn rõ là chẳng có gì tồn tại trên màn ảnh cả.
Nhưng hình dạng tạo nên ảo tưởng - ảo tưởng về sự tồn tại. Và trong một khoảnh khắc, khi chúng ta bị tràn ngập bởi hình dạng và quên mất cái ta, thế thì hình dạng trở thành rất thực. Nếu bạn có thể nhớ, lần sau khi bạn đi xem phim, làm một thực nghiệm này - cố gắng nhớ tới bản thân mình liên tục và xem phim đồng thời. Thế thì nước mắt sẽ là không thể được. Nước mắt là có thể chỉ nếu bạn quên mất bản thân mình - khi bạn quên bản thân mình là người quan sát, khi bạn trở nên bị đồng nhất tới mức bạn quên mất rằng bạn đã tới để xem phim - chỉ thế thì phim mà bạn đang xem mới tồn tại và bạn không hiện hữu. Khi điều bạn đang xem trở thành mọi thứ và người đang xem bị quên mất thế thì bạn có thể khóc, tâm trí có thể trở nên buồn rầu, tâm trí có thể trở nên hạnh phúc; mọi thứ có thể xảy ra trong tâm trí, mặc dầu không có gì thực trên màn ảnh cả.
Tâm trí là hình dạng. Nhưng người quan sát bên trong, người biết bên trong, đã quên mất sự tồn tại của riêng mình. Có vậy thôi. Chỉ mỗi quên lãng này và phim trở thành mọi thứ; thế thì cái nút được hình thành... nó được hình thành và nó trở thành mạnh hơn. Và trong nhiều kiếp chúng ta đã ngồi trong rạp chiếu bóng này có tên là tâm trí. Cái nút đã liên tục trở nên ngày một rối rắm hơn, làm cho hình dạng ngày một dầy đặc hơn.
Tại sao chúng ta gọi một người là 'điên'? Chúng ta gọi người đó là điên bởi vì người đó có tâm trí lớn hơn chúng ta có, không có lí do nào khác. Chúng ta chỉ thấy hình ảnh bên trong bản thân mình, nhưng người đó lại thấy hình ảnh trong thế giới bên ngoài nữa - người đó có tâm trí nhiều khả năng thấy hơn bạn. Bạn nói thầm bên trong mình với người mình yêu, người điên nói to với người mà người đó yêu, người không hiện diện bởi vì tâm trí người đó đã phát triển nhiều hơn theo chiều hướng đó, nó lớn hơn bạn. Bạn cũng làm điều đó, nhưng một cách bí mật, bên trong mình. Khả năng phóng chiếu của người đó lớn hơn của bạn, người đó thiện nghệ hơn; người đó bắt đầu nói với người không tồn tại đang ngồi đối diện với mình trên ghế. Thế thì chúng ta nói, “Người này đã phát điên rồi.”
Có khác biệt về chất nào giữa người đó và chúng ta không? Chúng ta cũng nói với người mình yêu cứ dường như họ đang ngồi trước chúng ta, nhưng chúng ta làm điều đó bên trong mình. Cơ chế phóng chiếu của chúng ta yếu hơn còn cơ chế phóng chiếu của người đó lại hiệu quả hơn của chúng ta. Máy chiếu của người đó hiệu quả tới mức cho dù bạn có đi vào phòng - và bạn vào thật - người đó sẽ chẳng bận tâm gì tới bạn cả, người đó sẽ chỉ quan tâm tới nhân vật không tồn tại đang ngồi trên ghế.
Cho nên nhiều nhà thơ đã viết những dòng như thế này: “Người yêu của anh, toàn thể thính giả có thể hiện diện nhưng nếu em rời khỏi đám tụ tập đó, chẳng ai khác còn tồn tại với anh cả; và khi em hiện diện thì không ai khác có thể có đó và vậy mà cả thế giới đang hiện diện vì anh.”
Nhà thơ này có chút ít kì quặc, đó là lí do tại sao người đó thấy điều mà chúng ta không thể thấy được, người đó cảm giác điều mà chúng ta không thể cảm giác được, người đó bịa ra điều mà chúng ta không thể bịa ra được. Do đó mới có tương tự nào đó giữa nhà thơ và người điên. Có lẽ nhà thơ này là người điên có phương pháp nào đó, trong khi người điên là nhà thơ không có phương pháp nào, người đó không biết tới trật tự nào. Nhưng một phẩm chất là chung cho cả hai - khả năng thấy điều không hiện hữu.
Tâm trí là cái máy có thể thấy cái không có đó, cho nên tâm trí là một cơ cấu có thể lái người ta thành điên. Tâm trí là sự mở rộng của việc mơ. Đây là cái nút thứ nhất. Người bị dính líu vào với tâm trí không bao giờ có thể đạt tới cái ta thực của mình, bởi vì cách duy nhất để trở nên bị dính líu vào tâm trí là thông qua việc quên mất cái ta của mình. Bạn không thể biết được cái ta và cứ duy trì tâm trí mình đồng thời. Việc quên cái ta của mình là điều bản chất để tâm trí tồn tại - tâm trí không thể có được nếu không có việc quên lãng về cái ta thực - còn nếu bạn nhớ tới cái ta, thế thì tâm trí sẽ biến mất. Với nhận biết về cái ta, với thức tỉnh của người quan sát, mọi hình ảnh bắt đầu mờ nhạt đi, trở thành chỉ là cái tên và hình dạng đối với bạn. Không chất liệu nào còn lại trong chúng, chúng mất đi sự nắm giữ của chúng. Cho nên phải làm gì?
Tâm trí này là cái nút thứ nhất. Nếu chúng ta có thể thức tỉnh nhận biết của mình về cái nút này, nó sẽ mở ra. Để mở bất kì nút nào, phương cách sử dụng là đem người quan sát vào, đem nhận biết vào; chứng kiến là phương cách để hoàn tác lại bất kì nút nào. Tất cả chúng ta đều muốn gỡ rối những cái nút của mình, nhưng một điều thú vị xảy ra. Tất cả chúng ta đều muốn gỡ rối những cái nút của mình, tất cả chúng ta - khó mà tìm ra một người không muốn làm điều đó - vậy mà sao chẳng cái gì được gỡ ra cả?
Người ta thường quan sát thấy rằng những người cố gắng gỡ rối cho mình bị rối nhiều hơn. Nỗ lực hoàn tác lại cái nút không có tác dụng - thay vì thế, mối rối lại ngày một tồi tệ hơn, mặc dầu mọi người đều muốn được gỡ ra. Chúng ta phải đã phạm phải sai lầm ở đâu đó rồi. Tất cả chúng ta đều muốn trở nên được thoát ra khỏi cảnh rối rắm mà không thức tỉnh nhân chứng.
Chúng ta muốn thoát ra khỏi rối rắm tâm trí bằng việc dùng tâm trí - đây là sai lầm! Tâm trí là rối rắm, do đó tâm trí không thể tự nó tháo nút ra được. Và cố gắng hoàn tác lại cái nút của tâm trí thông qua tâm trí thì cũng giống như cố gắng nắm lấy bàn tay của mình bằng cùng bàn tay đó, cố gắng giữ cái kẹp bằng cùng cái kẹp đó, tìm kính của mình bằng chính chiếc kính trên mũi mình. Một số người làm điều đó - điều đó không phải là bất thường - và chúng ta tất cả đều đang làm cùng việc đó khi có liên quan tới tâm trí.
Bạn đã bao giờ thấy con chó đuổi theo đuôi của nó không? Con chó đang ngồi trên phố; mặt trời buổi sáng đang lên, nó ngồi lười nhác với cái đuôi nằm gần nó - đuôi của nó - và con chó vồ lấy cái đuôi nó để cố gắng bắt lấy cái đuôi này. Cái đuôi rời đi. Một cách tự nhiên, con chó phát cáu - điều đó trở thành thách thức - có một giới hạn! Đấy chỉ là một cái đuôi nhỏ vậy mà vẫn thoát khỏi nó. Con chó nhảy lên mạnh hơn và cái đuôi lại chuyển động nhanh hơn. Một thù hận sâu sắc nổi lên. Cái đuôi là của riêng nó, và bản thân con chó là kẻ đuổi bắt, cái đuôi chưa bao giờ bị bắt và con chó sẽ bị mệt. Nó không biết rằng việc nhảy của nó cũng là việc nhảy của cái đuôi - rằng chúng không phải là hai thứ khác nhau.
Tâm trí mà bạn đang dùng để hoàn tác lại cái nút thì bản thân nó cũng là cơ cấu tạo ra nút - cho nên bất kì cái gì bạn làm bằng tâm trí, nó trở nên ngày một thắt nút nhiều hơn.
Do đó bạn nên nhận biết rằng khi tâm trí con người phát triển thì số người mất trí cũng sẽ tăng lên; tâm trí càng không được phát triển, càng ít người mất trí. Các xã hội nguyên thuỷ tạo ra rất ít người mất trí. Các nhà xã hội học nói rằng trong thời kì tiền lịch sử xã hội hiếm khi tạo ra người mất trí, và rằng người này đã không được gọi là mất trí, người đó được kính trọng bởi vì người đó là hiếm hoi, người đó là đặc biệt. Cho nên trong xã hội nguyên thuỷ ai đó mất trí có thể trở thành vị cứu tinh, người đó được kính trọng bởi vì người đó có phẩm chất mà không ai khác có.
Ngày nay người điên bị rắc rối: bây giờ không ai sẵn sàng chấp nhận họ là vị cứu tinh cả mà thay vì thế nhiểu người sẵn sàng coi vị cứu tinh là người điên. Tình huống đã hoàn toàn thay đổi. Dần dần mất trí đang trở thành điều thông thường tới mức chỉ những người rất giầu ở Ấn Độ mới nói một cách tự hào rằng một bác sĩ nổi tiếng như vậy là bác sĩ riêng của họ; người Mĩ giầu nói, “Một nhà tâm thần vĩ đại thế là nhà tâm thần tư của tôi.” Chỉ người nghèo mới còn thảm hại; họ không thể nói rằng họ có nhà tâm thần riêng của mình. Họ phải tới bệnh viện nơi họ cần chờ đợi xếp hàng cùng với những người bình thường khác để được gặp nhà tâm thần.
Ngày xưa người ta không thể nào quan niệm nổi rằng tới một lúc nào đó mọi người sẽ nói với nhau về những điều như vậy một cách tự hào. Bây giờ tình huống ở phương Tây đến mức là mọi người hỏi lẫn nhau liệu họ đã tới hay không tới làm phân tâm. Bất cứ ai không có cảm giác tự hào đó thì đều khổ bởi vì điều đó nghĩa là người đó không thể đảm đương được việc làm phân tâm. Làm phân tâm là một việc đắt giá - có thể phải mất hai, ba hay thậm chí năm năm, và bao gồm việc chi ra hàng nghìn đô la. Cho nên những người siêu giầu công bố rằng họ đã trải qua phân tâm không chỉ một lần mà là hai, ba lần. Người cực kì giầu đi làm phân tâm đều đặn. Họ có các buổi hẹn gặp đều đặn hai lần một tuần đề làm phân tâm.
Trong quá khứ người ta chưa bao giờ quan niệm nổi rằng bệnh tâm trí lại sẽ trở thành thông dụng thế. Nhưng có lí do cho nó. Khi bạn giáo dục mọi người, cho họ khả năng suy nghĩ, văn hoá, cho họ nhiều tri thức, thế thì tâm trí phát triển nhiều hơn và các cái nút trở nên phức tạp hơn. Và khi tâm trí phát triển, khả năng phóng chiếu của nó cũng tăng lên. Những khả năng này có thể tăng lên tới mức bạn trở nên không được thoả mãn với tâm trí của mình như nó hiện thế và bạn bắt đầu tìm sự giúp đỡ khác cho nó. Những thứ như LSD và ma tuý marijuana là những thứ làm cho tâm trí bạn có nhiều khả năng hơn để phóng chiếu. Dưới ảnh hưởng của LSD bạn bắt đầu thấy những mầu sắc mà bạn chưa hề thấy trước đây, cái đẹp mà bạn chưa bao giờ thấy trước đây bắt đầu lan toả xung quanh bạn.
Huxley đã viết trong hồi kí của mình: “Khi tôi dùng thuốc mescaline lần đầu tiên, trong vài khoảnh khắc cái ghế trước tôi trở thành bẩy mầu” - còn hơn cả cầu vồng. Cái ghế thôi! - trong một chốc các tia sáng bắt đầu toả ra từ nó!
Van Gogh, một hoạ sĩ phương Tây vĩ đại, có lần đã vẽ một bức tranh về chiếc ghế. Nhưng không ai được chuẩn bị để nhận ra chiếc ghế này là chiếc ghế mãi cho tới khi Huxley viết về nó trong hồi kí của mình. Van Gogh đã vẽ nó từ một trăm năm mươi năm trước đó. Chiếc ghế đó còn mầu sắc hơn ghế thường xảy ra - ông ấy đã vẽ nó như cầu vồng. Mọi người cứ cho đấy chỉ là tưởng tượng của ông ấy, rằng “Ghế chẳng bao giờ giống thế cả.” Nhưng Aldous Huxley đã viết trong bản hồi kí của mình: “Dưới ảnh hưởng của mescaline chiếc ghế trước tôi biến mất và một chiếc ghế đầy mầu sắc, thiên đường và trong suốt xuất hiện. Giá mà tôi có chết đi vào khoảnh khắc đó tôi cũng cảm thấy trọn vẹn.” Kinh nghiệm về chiếc ghế này mạnh và sâu sắc thế cho ông ấy. Sau kinh nghiệm này về chiếc ghế, người ta tin rằng nếu một người thông minh như Huxley có thể thấy những mầu sắc này trong chiếc ghế dưới ảnh hưởng của mescaline, chẳng có gì đáng ngạc nhiên rằng một hoạ sĩ như van Gogh đã có khả năng thấy những mầu sắc này trong chiếc ghế mà không có mescaline. Nhưng van Gogh đã chết một cách điên loạn bởi vì tâm trí của ông ấy đi vào hỗn loạn. Ông ấy bắt đầu thấy cái không có đó, ông ấy bắt đầu thấy không phải là cái thực sự ở bên ngoài mà là cái đã tới từ bên trong ông ấy và thế rồi được biểu lộ ra bên ngoài, được phóng chiếu ra bên ngoài.
Tất cả chúng ta đều can dự vào trong hiện tượng này trên qui mô nhỏ. Khi một người yêu tiền có tiền trong tay mình,  người đó thấy nhiều thứ trong nó hơn bạn thấy. Đừng nghĩ rằng điều bạn thấy là mọi thứ: ai đó khác, người không yêu tiền, không thể thấy được điều người yêu tiền thấy trong nó.
Tôi biết một quí ông: khi ông đó cầm tờ giấy bạc trong tay, mà không phải là tờ bạc của ông ấy, ông ấy vẫn cầm nó theo cách mà không người yêu nào ôm lấy người tình của mình được như thế. Không nhà thơ nào nhìn đoá hoa lại đáng yêu như ông ấy nhìn vào tờ bạc. Tham lam ướt đẫm khuôn mặt ông ấy, ông ấy nhìn vào nó với sự quyến rũ thế; ông ấy tạo ra mối nối không thể hình dung nổi với tờ giấy bạc này. Bây giờ mọi người gọi ông ấy là kẻ keo kiệt bởi vì ông ấy sẽ không tiêu tiền của mình; việc tiêu tiền của ông ấy là không thể được. Nhưng chúng ta không hiểu sự quyến rũ của ông ấy, thế giới thơ ca mà ông ấy đang sống trong. Hoàn cảnh của ông ấy cũng giống như hoàn cảnh của nhà thơ vậy.
Chúng ta được chuẩn bị để kính trọng nhà thơ nhưng không kính trọng người này, và lí do cho điều đó là ở chỗ nhà thơ không lấy cái gì từ chúng ta cả, trong khi người này dường như lấy tiền khỏi chúng ta; bằng không thì chẳng có khác biệt gì giữa hai người. Chúng ta cho phép nhà thơ có những mơ với cái tẩu của mình, chúng ta coi những mơ đó là vô hại vì nhà thơ không chà nát mơ của người khác. Kẻ keo kiệt này cũng có các giấc mơ nhưng chúng là về tiền, cho nên mọi người đều bị bực dọc bởi người đó. Do đó xã hội lên án người đó, giận người đó, và gọi người đó là người độc ác - trong thực tế coi người đó là kẻ có tội. Nhưng chẳng có khác biệt gì giữa người đó và nhà thơ cả. Chỉ bởi vì kẻ keo kiệt làm tiền thành đối tượng cho thơ ca của mình; lãng mạn của người đó là với tiền.
Đó là lí do tại sao người yêu tiền không thể yêu được ai khác. Người đó không cần tình yêu khác. Tình yêu của người đó với tiền lớn đến mức vợ, con, văn học, tôn giáo - tất cả những điều này đều trở thành phụ. Tâm trí trở thành cái nút, bởi vì người quan sát đã bị quên lãng trong phóng chiếu tâm trí này. Khi người này nhìn vào đồng ru pi, không thể nào tin được rằng người đó vẫn là một con người; người đó trở thành đồng ru pi. Người đó không phải là nhân chứng, người đó không còn là người quan sát, quan sát đồng ru pi như tách biệt với mình. Bản thân con người này trở thành đồng ru pi.
‘Tâm trí’ nghĩa là bất kì khi nào tâm thức đã quên mất người quan sát, người chứng kiến, thế thì tâm thức vẩn vơ và trở thành bị bệnh - đây là cái nút thứ nhất.
Mạch sống, prana, là cái nút thứ hai. Chúng ta bị kéo đi hoàn toàn, bị lái đi bởi thèm khát cuộc sống của mình, bản năng tồn tại. Thèm khát cuộc sống nghĩa là khao khát, ham muốn sống, sống bằng bất kì giá nào - và thậm chí chẳng hỏi tại sao. Không ai hỏi tại sao lại cứ sống. Chỉ sống... dường như việc sống là đủ trong bản thân nó.
Một người ăn xin trên phố với đầu gối vỡ, các chi hủy hoại, nằm trong rãnh nước, thối rữa, bị dòi bọ đục khoét, nhưng nếu bạn hỏi người đó muốn sống hay muốn chết thì người đó sẽ nhìn bạn giận dữ. Và người đó không sai. Thân thể người đó có thể đã bị tàn tạ, nhưng khao khát cuộc sống thì chẳng bao giờ tàn tạ và nó cũng hệt như khao khát của bạn. Thậm chí nó còn nhiều hơn của bạn, bởi vì ngọn lửa sắp tắt lại bùng cháy sáng, đêm còn còn tối hơn trước hoàng hôn. Cảm thấy cái chết gần gang tấc người đó đặt tất cả năng lượng của mình vào níu bám lấy cuộc sống, điều bạn có thể chưa bao giờ làm. Bạn có ngày mai để chờ đợi, nhưng người đó thì không; người đó phải sống bằng bất kì giá nào. Và điều đáng ngạc nhiên là người ta đồng ý sống bằng bất kì giá nào. Đây là lí do tại sao biết bao nhiêu điều tàn ác đã xảy ra trên thế giới này, bằng không thì chúng đã không thể được dung thứ.
Trong năm nghìn năm chúng ta đã làm đẳng cấp tiện dân, đẳng cấp thứ tư và thấp nhất trong người Hindu, luồn cúi như sâu bọ trên trái đất. Và điều đó đáng không thể có được ngoại trừ rằng khao khát sống là sâu sắc, mạnh mẽ đến mức họ được chuẩn bị để sống trong bất kì tình huống nào.
Hàng triệu người trên thế giới đã bị làm nô lệ như súc vật. Trách nhiệm cho điều này không chỉ ở những người tinh ranh và độc ác bắt họ làm nô lệ; một lí do sâu hơn là ở thèm khát sống của họ, đến mức họ muốn tồn tại dưới bất kì điều kiện nào. Điều khiển này mạnh đến mức ngay cả một người bị buộc phải bò bằng tay và đầu gối trong phần còn lại của cuộc sống mình, người đó cũng sẽ đồng ý làm điều đó, bởi vì điều đó còn tốt hơn chết. Bất kì cái gì cũng tốt hơn chết.
Thèm khát cuộc sống quyết định bất kì cái gì cũng là tốt hơn chết. Người ta được chuẩn bị để sống trong bất kì hoàn cảnh nào. Nhưng nếu một người có nỗ lực quá lớn để tồn tại, cuộc hành trình bên trong trở thành không thể được. Người đó sẽ bị gắn bó với thân thể, với tâm trí, với mạch sống của mình, và gắn bó đó sẽ mạnh đến mức người đó sẽ không có khả năng buông bỏ. Người đó sẽ nắm giữ mọi thứ chặt tới mức chẳng cái gì có thể tuột ra khỏi nắm giữ của người đó - vì sợ hãi người đó có thể trở nên bị lạc.
Mọi người tới tôi để thiền. Trong khi thiền một khoảnh khắc nhất định tới khi người ta kinh nghiệm cái chết - khoảnh khắc này là không tránh khỏi. Cảm giác về cái chết sắc bén thế - kinh nghiệm cận tử. Họ tới tôi và họ nói, "Chúng tôi đã tới để thiền, không phải để chết. Đây là cái gì đang xảy ra bên trong vậy? Chúng tôi sợ chúng tôi có thể chết.”
Tôi bảo họ, “Đó là khoảnh khắc quí giá lắm, chết bên trong. Đừng sợ chết. Chấp nhận cái chết này, thế thì bạn sẽ không bao giờ chết cả.”
Nhưng họ hỏi, “Không có cách nào khác sao? Việc đi vào bên trong này, việc triệt tiêu này - không có cách nào dễ dàng hơn sao?”
Không, không có cách nào khác cả. Thiền là kinh nghiệm về cái chết - cái chết tự nguyện. Cái chết của bạn cuối cùng sẽ tới, nhưng thế thì sẽ không có kinh nghiệm về thiền. Cái chết đã tới với chúng ta nhiều lần rồi - chúng ta đã chết biết bao nhiêu lần! Ngay cả trong tương lai chúng ta cũng sẽ chết nhiều lần. Chúng ta sẽ cứ chết bởi vì khao khát sống này - sống và chết... sống và chết... sống và chết. Khao khát sống vắt kiệt chúng ta, cuộc sống của chúng ta chưa bao giờ đi tới hoàn thành, cuộc sống chưa bao giờ được kinh nghiệm còn thân thể đi tới chỗ kết thúc. Nhưng khao khát sống chẳng bao giờ chấm dứt, nó tìm thân thể khác. Nó cứ đi tìm thân thể mới... và mỗi lần chúng ta phải chết. Cái chết cứ xảy ra, nhưng khao khát sống không bao giờ chết - nó mạnh tới mức nó cứ được sinh đi sinh lại mãi.
Điều xảy ra trong cái chết cũng xảy ra trong thiền nữa, nhưng trong cái chết nó là một điều bị bắt buộc. Mọi người trở nên vô ý thức vào lúc chết, và phần lớn mọi người đều chết một cách vô ý thức. Kiếp sống khác là chắc chắn cho những người chết một cách vô ý thức, nhưng sẽ không có kiếp sống khác cho những người chết một cách có ý thức. Tại sao chúng ta chết một cách vô ý thức? Vô ý thức không phải là điều tiên quyết cho cái chết. Chúng ta chết một cách vô ý thức bởi vì đây là biện pháp bảo vệ của thân thể.
Đôi khi mọi người nói rằng họ cảm thấy nỗi đau không thể nào chịu đựng nổi. Điều này hoàn toàn không đúng, bởi vì không ai có thể chịu đựng nổi nỗi đau không thể chịu nổi. Con người trở nên vô ý thức trước khi cái đau không thể chịu nổi bắt đầu - đây là biện pháp bảo vệ cố hữu. Khi cái đau tăng lên vượt ra ngoài giới hạn chịu đựng, người ta trở nên vô ý thức. Trạng thái vô ý thức này có nghĩa là ngưỡng đau đã bị vượt quá; việc còn ý thức và mang cái đau là không còn có thể được, cách duy nhất để chịu đựng nó là trở thành vô ý thức.
Do đó chúng ta dùng trạng thái vô ý thức vào thời gian mổ. Nhà giải phẫu trước hết gây mê cho bệnh nhân, bởi vì trong khi mổ, đau sẽ thành không thể chịu nổi và do đó điều nhân đạo và mang tính giúp đỡ là làm cho người đó thành vô ý thức trong kinh nghiệm đó. Tự nhiên có cách thu xếp giải phẫu nội bộ riêng của nó: bất kì khi nào cái đau trở thành không thể chịu được, chúng ta trở nên vô ý thức. Cho nên không ai đã bao giờ kinh nghiệm cái đau không thể chịu nổi. Bất kì cái đau nào bạn đã cảm nhận, đều là chịu đựng được, bằng không thì bạn sẽ mất ý thức.
Chết là giải phẫu lớn lao nhất... tâm thức đang bị loại bỏ khỏi toàn bộ thân thể. Tất cả mọi cuộc mổ đều chỉ là bộ phận - chỉ một phần bị lấy ra. Đôi khi xương bị lấy ra, đôi khi là một bộ phận, đôi khi là một mẩu thịt vân vân - nhưng cái chết tách toàn bộ tâm thức ra khỏi thân thể, và tâm thức đó thực tế bị đồng nhất với thân thể. Đó là lí do tại sao khả năng cái đau không chịu đựng nổi tồn tại. Chỉ những người như Phật mới không chết một cách vô ý thức.
Điều thú vị khác xảy ra là ở chỗ người chết một cách có ý thức biết trước về cái chết của mình - theo một cách tự nhiên. Điều đó nữa cũng là thu xếp bên trong: người đó không được thông báo về cái chết của mình, nhưng cơ chế thân thể của người đó bản thân nó trở nên nhận biết về cái chết ngăn trở. Nhưng bạn không được thông báo trước về cái chết của mình, bởi vì nếu bạn đi tới biết rằng bạn sắp chết trong bẩy ngày, bạn thậm chí sẽ chết trước lúc đó; bẩy ngày này sẽ trở thành thời kì chết khủng khiếp. Cho nên bạn không được tin cậy - ngay cả thân thể bạn cũng sẽ không thông báo cho bạn, nó sẽ che giấu bí mật đó với bạn. Nhưng ai đó có thể chết một cách có ý thức, người đó sẽ đi tới biết.
Ngày Phật sắp chết ông ấy đã bảo với các đệ tử của mình, “Bây giờ, hôm nay, đấy là thời điểm ra đi. Nếu còn cái gì cần hỏi thì hãy hỏi đi!” Nhưng không có câu hỏi nào hỏi ông ấy về cái gì cả - họ tất cả bắt đầu khóc lóc, than vãn. Phật nói, “Đừng phí thời gian! Đừng vội vã khóc lóc, các ông có thể làm điều đó về sau. Thời gian của ta sắp hết rồi. Các ông còn muốn hỏi gì nữa không?” Nhưng họ đều đau buồn đến mức không thể nào hỏi được câu hỏi nào. Việc hỏi một câu hỏi chỉ có thể khi bạn thấy thanh thản. Và Phật này là loại người gì vậy? Đây có phải là lúc hỏi câu hỏi không?
Ananda nói, “Chẳng câu hỏi nào tới trong đầu tôi cả.”
Phật hỏi lần thứ ba và rồi nói, “Được rồi, thế thì các ông đi làm việc của mình đi, bây giờ để ta làm việc của ta.”
Ông ấy đi tới dưới gốc cây, ngồi trong tư thế thích hợp với mắt nhắm - và câu chuyện kể lại rằng ông ấy bắt đầu đi vào trong cái chết. Bước thứ nhất đã hoàn tất... Phật đã mô tả bốn bước của cái chết. Bốn bước đó thuộc vào thiền nữa. Ông ấy đã hoàn thành bước thứ nhất, thế rồi bước thứ hai. Ông ấy sắp hoàn thành bước thứ ba thì một người từ làng chạy tới và nói, “Tôi đã nghe nói rằng Phật sắp chết, nhưng tôi có điều cần hỏi.” Họ yêu cầu người đó giữ yên tĩnh bằng việc nói, “Anh tới quá trễ rồi và Phật đã bắt đầu cuộc hành trình bên trong cuối cùng của mình.”
Cái chết chỉ là cuộc hành trình đối với Phật - cuộc hành trình có ý thức. Không phải là cái chết tới với Phật, chính bản thân Phật đang đi vào trong cái chết. Cố hiểu khác biệt này cho đúng. Cái chết tới với chúng ta; chúng ta vật lộn với nó và nó chiếm lĩnh chúng ta. Bản thân Phật tiến tới cái chết, từng bước một.
Cho nên các đệ tử đã nói rằng người đó quá trễ. Nhưng người này khăng khăng, “Tôi không thể dừng được, tôi phải hỏi, bởi vì người ta chẳng bao giờ biết được phải mất bao nhiêu kiếp mới tìm được một người như Phật lần nữa. Và câu hỏi của tôi....”
Các đệ tử hỏi người đó, “Anh ngốc, Phật đã ở trong thị trấn này một thời gian dài. Anh ở đâu?”
Anh ta đáp, “Điều đó không thành vấn đề. Tôi biết rằng Phật đã đi qua thị trấn này từ ba mươi năm nay, nhưng thế rồi tôi quá bận rộn với khách hàng trong cửa hàng, đôi khi thì con ốm ở nhà, rồi đám cưới con gái tôi - tôi cứ trì hoãn đến thời gian thích hợp nhưng bây giờ thì không còn cách nào cả. Ông ấy sắp chết rồi.”
Phật quay lại từ sau cây và nói, “Đừng dừng anh ta lại! Ta vẫn ở trong giai đoạn thứ ba, chưa vào giai đoạn thứ tư... ta không muốn bị nhớ là một ai đó vẫn còn sống trong khi một người có câu hỏi lại phải ra đi mà không có câu trả lời. Để cho người đó có câu trả lời.”
Đây cũng là một cách chết. Nhưng cách chết này chỉ có sẵn cho người đã biết tới nghệ thuật chết trong thiền. Các bước trong thiền và chết là như nhau bởi vì thiền tách rời chúng ta ra khỏi thân thể và đưa chúng ta về trung tâm của tâm thức mình, còn chết cũng đem chúng ta ra khỏi thân thể về trung tâm của tâm thức. Nhưng trong cái chết bạn vô ý thức bởi vì nó chống lại ý chí của bạn, trong khi trong thiền bạn có ý thức bởi vì đó là chọn lựa riêng của bạn.
Cho nên mạch sống, khao khát sống là cái nút thứ hai. Cái nút thứ ba là ham muốn. Bạn đã bao giờ biết tới khoảnh khắc khi bạn không có ham muốn không? Nếu bạn thậm chí có thể có một khoảnh khắc đi tới trạng thái vô ham muốn, trong chính khoảnh khắc đó bạn trở thành Thượng đế. Mọi người hỏi, “Thượng đế ở đâu? Chúng tôi có ham muốn tìm ngài và tìm ra ngài.” Và chính bởi vì ham muốn này bạn sẽ không tìm thấy ngài. Ngay cả ham muốn này cũng không nhỏ - nó là đủ ngăn cản bạn.
Ham muốn nghĩa là: “Tôi không quan tâm tới điều đã có đây, tôi quan tâm tới điều tôi muốn phải có đó.” Ham muốn nghĩa là gì? Cái gì là điều chúng ta gọi là ham muốn? Ham muốn nghĩa là bạn không quan tâm tới cái đang sẵn có đấy. Mối quan tâm của bạn là ở cái đáng phải có sẵn. Nhưng khi nó trở thành sẵn có, bạn sẽ lại không quan tâm tới nó chút nào nữa, bởi vì bây giờ nó đã trở thành hiện tại còn mối quan tâm của bạn bao giờ cũng nằm ở tương lai.
Ham muốn bao giờ cũng vươn tới tương lai và bỏ lỡ hiện tại. Và vậy mà bất kì cái gì thực sự tồn tại đều ở đây và bây giờ. Do đó bất kì ai bị ám ảnh với ham muốn đều bị vướng vào các nút; ham muốn càng nhiều, càng có nhiều nút, ham muốn càng sâu, nút càng phức tạp. Chúng ta chỉ là một tuyển tập những ham muốn. Chúng ta tồn tại như những đòi hỏi cấp bách - hàng nghìn kiểu ăn xin khác nhau tồn tại trong chúng ta - và từng và mỗi ham muốn lại đòi hỏi một loại thoả mãn khác nhau. Chẳng cái gì đã bao giờ được đạt tới cả.
Bên trong chúng ta chỉ có một chồng bát ăn xin và chúng tất cả đều trống rỗng, và chúng ta cứ kiếm thêm nhiều nữa. Chúng ta cứ thu thập những bát ăn xin mới hàng ngày. Những ham muốn cũ vẫn còn chưa được thoả mãn và ham muốn mới lại được thêm vào chúng, bởi vì rất dễ cho sinh thành ra ham muốn và hoàn toàn không thể nào đáp ứng được nó. Bất kì cái gì được thấy quanh ta đều trở thành một ham muốn trong ta để có cái này, có cái kia - nhưng không ham muốn nào được hoàn thành cả, chúng chỉ cứ tích luỹ. Chúng ta vẫn còn là cái bát rỗng - bát ăn xin, kẻ ăn xin!
Phật đã gọi các sannyasins của mình là kẻ ăn xin, khất sĩ. Ông ấy đang chế giễu chúng ta. Đây là điều mỉa mai, và ông ấy nói nó chỉ là một chuyện đùa, nhưng chuyện đùa lại sâu sắc và thâm thuý.
Phật tới một làng để xin ăn với bình bát xin ăn, và người giầu nhất trong làng đó nói, “Sao vậy? Một người đẹp như ông” - toàn thân Phật đẹp thế, có lẽ vào thời đó khó mà tìm được người khác đẹp như ông ấy - “mà ông lại là kẻ ăn xin, trên đường với bình bát ăn xin. Ông đáng là một hoàng đế. Tôi không quan tâm ông là ai, ông làm gì, đẳng cấp của ông là gì, tôn giáo ông, gia đình ông. Tôi sẽ gả con gái tôi cho ông, còn ông sẽ trở thành người chủ mọi gia sản của tôi, bởi vì con gái tôi là người thừa kế duy nhất của tôi.”
Phật nói, “Ta ước ta đúng là kẻ ăn xin và ông là người chủ - nhưng sự kiện lại là ở chỗ khi ta nói rằng các ông tất cả đều là kẻ ăn xin cứ cho rằng mình là người chủ, ta cầm bình bát ăn xin trong tay riêng của ta. Thấy tình huống này, ta cảm thấy không phải để gọi bản thân mình là người chủ. Tất cả các ông đều gọi bản thân mình là người chủ, còn chúng ta lại vui sướng gọi bản thân mình là kẻ ăn xin! Bởi vì trong thế giới mà kẻ ăn xin nghĩ mình là người chủ, cũng đúng cho người chủ tự biểu lộ mình là kẻ ăn xin.”
Đây là hiện tượng hiếm hoi, hiếm khi xảy ra trên thế gian này. Có rất ít hoàng đế được sinh ra trong thế giới này mà vĩ đại tới mức họ dám trở thành kẻ ăn xin. Ấn Độ là đất nước duy nhất - mỗi một nước trên trái đất này - nơi con người như Phật và Mahavira bước xuống đường đi ăn xin. Nhưng đây là chỉ báo về việc làm chủ bên trong vĩ đại. Và đấy cũng là chút ít châm biếm, châm chọc cho tất cả chúng - châm biếm vĩ đại!
Những người chỉ có bình bát ăn xin bên trong sống dưới ảo tưởng rằng họ là người chủ, còn những người không ham muốn nào còn lại thì bước đi trên phố ăn xin của bố thí. Đây là vở kịch tâm lí, châm biếm cay đắng. Nhưng chúng ta không thể nào hiểu nổi châm biếm của những người như Phật, và điều đó tạo ra vấn đề.
Ham muốn và tham lam - cứ đòi hỏi, và đòi hỏi và đòi hỏi. Và người cứ đòi hỏi sẽ cứ đi lang thang trên cuộc hành trình bên ngoài, trong thế giới bên ngoài. Chỉ người dừng đòi hỏi mới đi vào chiều sâu bên trong.
Cho nên ham muốn được gọi là cái nút thứ ba.
Đủ cho hôm nay.
Hai lời kinh vẫn còn lại. Những lời này chúng ta sẽ nói tiếp vào sáng mai.
Xem tiếp Chương 10 - Quay về Mục lục

Ads Belove Post