Cố sống theo tôn giáo mà sao vẫn khổ

Cố sống theo tôn giáo mà sao vẫn khổ

Price:

Read more

Thưa thầy kính yêu,
Tôi đã cố gắng cả đời mình để sống cuộc sống tôn giáo, nhưng thế thì sao tôi vẫn khổ sở?
Nand Kishor, cuộc sống tôn giáo không thể nào được cố gắng. Bất kì cái gì bạn đã từng làm nhân danh tôn giáo đều phải đã từng là cái gì đó khác rồi. Tôn giáo không phải là nỗ lực, nó là tâm thức. Nó không phải là thực hành, nó là nhận biết. Nó không phải là việc trau dồi; bạn không thể trau dồi nó được - cuộc sống tôn giáo chẳng liên quan gì tới cá tính.
Cá tính có thể được trau dồi. Cá tính là đạo đức; ngay cả người phi tpôn giáo cũng có thể trau dồi nó. Thực tế người phi tôn giáo còn có nhiều cá tính hơn cái gọi là người tôn giáo, bởi vì người tôn giáo cứ tin rằng mình có thể hối lộ Thượng đế, hay ít nhất người đó có thể hối lộ tu sĩ của Thượng đế, và người đó sẽ tìm thấy cách nào đó để đi vào thiên đường.
Nhưng người phi tôn giáo phải tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, hướng tới bản thân mình. Không có Thượng đế, không có tu sĩ, không có ai trả lời cho người đó; người đó trả lời cho chính bản thân mình. Người đó có nhiều cá tính hơn. Tôn giáo chẳng liên quan gì tới cá tính cả. Thực tế, người tôn giáo thực sự là tuyệt đối vô cá tính. Nhưng hãy cố hiểu từ 'vô cá tính'; nó không ngụ ý không có cá tính, nó ngụ ý cá tính linh động. Người đó sống từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc, đáp ứng với tình huống mới, thách thức mới, không có câu trả lời sẵn.
Cái gọi là con người của cá tính có câu trả lời sẵn. Người đó chẳng bao giờ bận tâm thách thức là gì, người đó cứ đáp ứng theo cách cũ, đã biết. Do đó người đó bao giờ cũng thất bại và đó là khổ sở của người đó. Người đó chẳng bao giờ hài hoà với sự tồn tại; người đó không thể thế được, bởi vì người đó quan tâm nhiều tới việc giữ cá tính của mình hơn là sống hài hoà với sự tồn tại. Điều đã đúng hôm qua có thể không đúng hôm nay, và điều là đúng khoảnh khắc này có thể không đúng vào khoảnh khắc tiếp. Còn con người của cá tính đã cố định quan điểm và cái gì là đúng và cái gì là sai; sự cố định của người đó là vấn đề.
Nand Kishor, điều đó phải đang làm bạn khổ sở đấy. Bạn không linh hoạt, bạn không thể hiện hữu. Cái gọi là con người của cá tính tuyệt đối không linh hoạt. Người đó giống như khúc gỗ khô. Người đó không giống như cây xanh rung rinh theo gió, nhảy múa cùng gió, cúi mình để gió thổi qua và rồi đứng dậy.
Con người tôn giáo thực giống như cây xanh - thực tế, giống cỏ xanh hơn. Đó là cách Lão Tử định nghĩa con người tôn giáo: người đó giống như cỏ. Gió tới, và cỏ uốn mình, nằm rạp trên đất, chẳng tranh đấu gì với gió cả. Tại sao lại tranh đấu với nó? Chúng ta là một phần của một đơn vị hữu cơ; gió không phải là kẻ thù của chúng ta. Cỏ cúi rạp mình; gió đi qua và cỏ lại nhảy múa. Gió đã là sự giúp đỡ rồi, nó lấy đi mọi bụi bặm. Cỏ xanh hơn, tươi hơn, nó tận hưởng toàn thể trò chơi cùng gió.
Nhưng cái cây lớn, mang bản ngã, cứng rắn, cứng nhắc, không thể nào cúi mình được, sẽ đổ kềnh trong gió mạnh và sẽ không thể nào đứng dậy được nữa; nó nhất định khổ sở. Con người của cá tính bao giờ cũng khổ sở. Sung sướng duy nhất của người đó là ở chỗ người đó là con người của cá tính, có vậy thôi. Và cá tính có liên quan gì tới tôn giáo? Bạn có thể ăn cái gì đó, bạn có thể không ăn cái gì đó; bạn có thể uống cái gì đó, bạn có thể không uống cái gì đó; bạn có thể hút thuốc, bạn có thể không hút thuốc... Những điều tầm thường thế được coi là có giá trị mênh mông đấy!
Và bạn thực hành nó - và bạn ngụ ý gì bởi việc thực hành nó?
Nand Kishor, đó phải là sự kìm nén - và người kìm nén nhất định khổ sở, bởi vì tất cả những cái người đó đã kìm nén đang tranh đấu bên trong người đó để quay lại, để có quyền lực lần nữa. Và cho dù bạn đã kìm nén nó, nó cứ kéo sợi dây của bạn từ vô thức. Nó sẽ giữ bạn bao giờ cũng trong xung đột, rối loạn bên trong; cuộc nội chiến tiếp diễn bên trong bạn. Bạn sẽ vẫn còn căng thẳng, lo âu, và bao giờ cũng sợ hãi - bởi vì bạn biết kẻ thù có đó - rằng bạn đã kìm nén và kẻ thù đang cố gắng mọi khoảnh khắc để báo thù. Và có một điểm bên ngoài mà bạn không thể kìm nén được thêm nữa bởi vì bạn không thế chứa được thêm nữa; có giới hạn cho mọi thứ. Thế thì tất cả mọi thứ bạn đã kìm nén bùng, giống như mủ rỉ ra từ bạn.
Đây là điều chúng ta đã từng nói là trạng thái của người tôn giáo – cá tính bị kìm nén này.
Cách tiếp cận của tôi là khác toàn bộ. Tôi không nói rằng bạn có thể thực hành tôn giáo và tôi không nói rằng tôn giáo có liên quan gì tới ý thức hệ bình thường, đạo đức, thanh tẩy này.
Một kẻ ăn xin lấm lem, râu ria xồm xoàm, với con mắt đỏ ngầu và hàm răng đã mất một nửa, hỏi xin Hogan một hào. "Ông có uống rượu, hút thuốc hay đánh bạc không?" người Ai rơ len hỏi.
"Thưa ông," kẻ lang thang nói, "Tôi không chạm tới một giọt rượu, không hút thuốc lá bẩn, hay bận tậm tới việc đánh bạc xấu."
"Được đấy," Hogan đáp. "Nếu ông về nhà cùng tôi thì tôi sẽ cho ông một đô la."
Khi họ đi vào nhà, bà Hogan kéo chồng sang bên và rít lên, "Ông dám đem cái hạng người trông khủng khiếp đó về nhà mình sao!"
"Em yêu ơi," Hogan nói, "Anh chỉ muốn em thấy một người sẽ thế nào nếu người đó không uống rượu, không hút thuốc hay không đánh bạc."
Những người này không phải là người tôn giáo.
Bạn nói, Nand Kishor, "Tôi đã cố gắng cả đời mình để sống cuộc sống tôn giáo."
Bạn đã làm phí hoài cuộc sống của mình! Đừng làm phí hoài nó thêm nữa. Tôn giáo không phải là cái gì đó để được cố gắng. Bạn biết gì về tôn giáo?
Ngoại trừ trong thiền sâu, người ta chẳng bao giờ bắt gặp tôn giáo. Nó không được viết trong Gita và nó không được viết trong Koran. Nó không được viết ở đâu cả - bởi vì nó không thể được viết ra. Cái được viết ra là đạo đức. Cái được viết ra là, "Bạn phải làm cái này, bạn không phải làm cái kia" - "phải" và "không phải." Tôn giáo chẳng liên quan gì với tất cả những điều đó.
Tôn giáo về căn bản là khoa học của việc tạo ra tâm thức trong bạn. Hãy trở nên mang tính thiền hơn, hãy trở nên ý thức hơn. Từ tâm thức đó một cá tính rất linh hoạt, tự phát được sinh ra, cái làm thay đổi tình huống mọi ngày, cái không bị gắn với quá khứ, cái không giống như cái gì đó được làm sẵn. Ngược lại, nó là tính đáp ứng - khả năng đáp ứng với thực tại từ khoảnh khắc sang khoảnh khắc. Nó tựa tấm gương; nó phản xạ bất kì cái gì đang là hoàn cảnh, và từ sự phản xạ đó, hành động được sinh ra.
Hành động đó là hành động tôn giáo.
Bạn không biết gì về tôn giáo cả, Nand Kishor. Làm sao bạn có thể thực hành được nó?
Và bạn nói, "Sao tôi vẫn khổ sở?"
Bất kì cái gì bạn đã thực hành, bạn đều phải thực hành với tham lam, để đạt tới cái gì đó. Bạn phải chờ đợi rằng hạnh phúc lớn đang sắp mưa rào lên bạn, rằng Thượng đế sắp thưởng cho bạn, rằng bạn sẽ được làm thành người giầu nhất trên thế giới hay bạn sẽ trở thành rất nổi tiếng - một thánh nhân lớn, cái gì đó kiểu như thế. Bạn đã không yêu tôn giáo, bạn đã dùng tôn giáo như phương tiện để đạt tới mục đích nào đó khác; bằng không câu hỏi này chẳng bao giờ nảy sinh. Người tôn giáo không thể nói, "Sao tôi vẫn khổ sở?" bởi vì người đó biết, "Nếu mình khổ, điều đó nghĩa là mình không mang tính tôn giáo." Khổ là sản phẩm phụ của vô ý thức. Nếu bạn có ý thức, khổ biến mất. Không phải là nó là phần thưởng; nó chỉ là kết quả đơn giản của có ý thức. Đem ánh sáng, ngọn đèn, vào nhà, và bóng tối biến mất. Đó không phải là phần thưởng từ Thượng đế - không phải là ngài thấy rằng bạn đã đem ánh sáng vào, bây giờ bạn phải được thưởng và bóng tối phải bị loại bỏ. Không, đó là luật tự nhiên: aes dhammo sanantano - đây là luật vĩnh hằng. Đem ánh sáng vào và bóng tối biến mất, bởi vì bóng tối không có sự tồn tại riêng của nó; nó chỉ là việc thiếu ánh sáng.
Khổ là việc thiếu ý thức. Cho nên không thể nào có ý thức mà khổ được; không ai đã bao giờ có khả năng làm điều đó mãi cho tới giờ. Nếu bạn có thể làm được điều đó, bạn sẽ làm điều gì đó lịch sử, điều gì đó chưa từng được nghe tới, điều gì đó không thể nào hiểu được. Bạn sẽ làm phép màu mà không vị phật nào đã từng có khả năng làm được. Bạn không thể làm được điều đó; điều đó là không thể được, điều đó không có trong bản tính của mọi vật. Làm sao bạn có thể giữ được bóng tối, nữa, với đèn đang cháy sáng trong phòng bạn? Bạn có thể giữ bóng tối, thế thì bạn phải tắt đèn đi; bạn không thể giữ chúng cả hai cùng nhau được, sự cùng tồn tại là không thể được.
Nếu bạn khổ, điều đó đơn giản chỉ ra bạn đã không hiểu tôn giáo là gì và bạn đã cố gắng cái gì đó khác nhân danh tôn giáo. Bạn đã cố gắng là nhà đạo đức, nhà luân lí. Bạn đã cố gắng tạo ra cá tính. Tại sao? Để làm gì? Bởi vì cá tính được ca ngợi, bởi vì xã hội kính trọng cá tính. Nó là trò bản ngã - rất tinh vi, nhưng trò bản ngã tất cả đều là một. Và bản ngã tạo ra khổ sở. Cái gọi là thánh nhân của bạn tất cả đều khổ sở. Tôi đã bắt gặp hàng nghìn thánh nhân của bạn - trong Hindu giáo, Jaina giáo, Phật giáo, Mô ha mét giáo, Ki tô giáo - và họ tất cả đều khổ sở. Họ tất cả đều hi vọng được thưởng sau cái chết.
Tôn giáo thực là ngay tức khắc: ở đây bạn trở nên ý thức và ngay lập tức khổ biến mất. Bạn không cần chờ đợi kiếp sống khác, thậm chí bạn không cần chờ đợi tới ngày mai.

Và đó là điều Phật ngụ ý khi ông ấy nói: Hãy nhanh chóng làm việc thiện. Việc thiện nhất là có ý thức - bởi vì tất cả mọi việc thiện khác đều được sinh ra từ nó. Có ý thức là cội nguồn của mọi điều thiện, mọi đức hạnh.

Ads Belove Post