Read more
Tâm trí Hi Lạp bị ám ảnh với tri thức. Tâm trí Hi Lạp nghĩ dưới dạng tri thức, làm sao để biết. Đó là lí do tại sao người Hi Lạp đã tạo ra truyền thống vĩ đại nhất các triết gia, các nhà tư tưởng, các nhà logic - những tâm trí hợp lí vĩ đại, nhưng niềm đam mê là để biết.
Trong thế giới này, như tôi thấy nó, chỉ có hai kiểu tâm trí: Hi Lạp và Hindu. Tâm trí Hi Lạp có niềm đam mê để biết còn tâm trí Hindu có niềm đam mê để hiện hữu. Đam mê Hindu không quá bận tâm tới việc biết, nhưng mà về việc hiện hữu. Sat, hiện hữu, là chính việc tìm kiếm - ta là ai? Không biết điều đó theo cách logic, mà nhấn chìm vào trong sự tồn tại của riêng người ta để cho người ta có thể nếm trải nó, để cho người ta có thể là nó - bởi vì không có cách nào khác để biết, thực sự. Nếu bạn hỏi người Hindu, họ sẽ nói không có cách nào khác để biết ngoài việc hiện hữu. Làm sao bạn có thể biết được yêu? Cách duy nhất là trở thành người yêu. Là người yêu và bạn sẽ biết. Và nếu bạn đang cố gắng đứng bên ngoài kinh nghiệm này và chỉ là người quan sát, thế thì bạn có thể biết về yêu, nhưng bạn sẽ không bao giờ biết yêu.
Tâm trí Hi Lạp đã tạo ra toàn thể sự phát triển khoa học. Khoa học hiện đại là sản phẩm phụ của tâm trí Hi Lạp. Khoa học hiện đại nhấn mạnh vào sự vô tư, đứng bên ngoài, quan sát, không định kiến. Khách quan, không liên quan - đây là yêu cầu cơ sở nếu bạn muốn trở thành nhà khoa học. Không liên quan, đừng cho phép tình cảm của bạn tô mầu lên cái gì; khách quan, gần như không quan tâm tới bất kì giả thuyết nào theo bất kì cách nào. Chỉ quan sát sự kiện - không bị tham dự vào trong nó, vẫn còn ở ngoài. Đừng là người tham gia. Đây là niềm đam mê Hi Lạp: tìm kiếm khách quan về tri thức.
Điều đó đã có ích, nhưng nó có ích chỉ theo một chiều, chiều vật chất. Đó là cách để biết vật chất. Bạn không bao giờ đi tới biết được tâm trí theo cách đó, chỉ biết vật chất thôi. Bạn không bao giờ đi tới biết được tâm thức theo cách đó. Bạn có thể biết cái bên ngoài, bạn không bao giờ biết được cái bên trong - bởi vì ở bên trong bạn đã tham dự vào rồi. Không có cách nào để đứng ra ngoài nó, bạn đã ở đó rồi. Bên trong là bạn, làm sao bạn có thể thoát ra khỏi nó được? Tôi có thể quan sát hòn đá, tảng đá, dòng sông, một cách khách quan bởi vì tôi tách rời. Làm sao tôi có thể quan sát bản thân mình một cách khách quan được? Tôi tham gia vào trong nó. Tôi không thể ở bên ngoài nó được. Tôi không thể thu mình lại trở thành một đối thể. Tôi sẽ vẫn còn là chủ thể, và tôi sẽ vẫn còn là chủ thể - dù tôi làm bất kì cái gì, tôi vẫn là người biết, tôi không là cái được biết.
Cho nên tâm trí Hi Lạp đã dịch chuyển, dần dần hướng tới vật chất. Khẩu hiệu, câu khắc tại ngôi đền Delphi, “Biết bản thân mình”, trở thành cội nguồn của toàn thể tiến bộ khoa học. Nhưng dần dần, chính ý tưởng về tri thức khách quan đã đưa tâm trí phương Tây đi xa khỏi hiện hữu riêng của nó.
Tâm trí Hindu, kiểu tâm trí khác trên thế giới, lại có chiều hướng khác. Chiều hướng là về hiện hữu. Trong Upanishad, bậc thầy vĩ đại Udalak nói với con mình và đệ tử của mình Swetketu, "Cái đó là ngươi" - Tatwamasi, Swetkety. Cái đó là ngươi - không có sự phân biệt giữa cái đó và ngươi. Cái đó là thực tại của bạn, ngươi là thực tại - không có phân biệt. Không có khả năng để biết nó như bạn biết tảng đá. Không có khả năng để biết nó như bạn biết thứ khác; bạn chỉ có thể là nó.
Trên ngôi đền Delphi, tất nhiên người ta đã viết “Biết bản thân mình”. Đó là cách diễn đạt của tâm trí Hi Lạp. Bởi vì ngôi đền này là ở Hi Lạp, lời khắc trong tiếng Hi Lạp. Nếu ngôi đền mà ở Ấn Độ thì lời khắc sẽ là “Là bản thân mình” - bởi vì cái đó là ngươi. Tâm trí Hindu đi ngày một gần hơn tới bản thể riêng của người ta - đó là lí do tại sao nó lại trở thành không khoa học. Nó trở thành mang tính tôn giáo, nhưng không khoa học. Nó trở thành hướng nội, nhưng thế thì nó mất đi tất cả mọi cái neo vào thế giới bên ngoài. Tâm trí Hindu trở thành rất giàu có bên trong, nhưng bên ngoài trở nên rất nghèo nàn.
Một sự tổng hợp lớn là cần thiết, tổng hợp lớn giữa tâm trí Hindu và Hi Lạp. Nó có thể là ân huệ lớn nhất cho trái đất. Mãi cho tới giờ điều đó chưa có thể được, nhưng bây giờ các yêu cầu cơ sở có đó rồi và sự tổng hợp là có thể. Phương Đông và phương Tây đang gặp gỡ theo cách rất tinh tế. Người phương Đông đang đi sang phương Tây học khoa học, trở thành nhà khoa học, còn người tìm kiếm phương Tây đang đi sang phương Đông để học tôn giáo là gì. Xoắn xuýt và hội nhập lớn lao đang xảy ra.
Trong tương lai, phương Đông sẽ không là phương Đông và phương Tây sẽ không là phương Tây. Trái đất sẽ trở thành cái làng toàn cầu - một chỗ nhỏ nơi tất cả mọi phân biệt sẽ biến mất. Và thế thì lần đầu tiên sự tổng hợp lớn sẽ nảy sinh, lớn nhất cho tới giờ - sự tổng hợp không nghĩ theo các cực đoan, sự tổng hợp không nghĩ rằng nếu bạn đi ra ngoài, nếu bạn là nhà nghiên cứu tri thức thì bạn mất gốc rễ của mình trong bản thể; hay nếu bạn đi tìm vào bản thể mình thì bạn đánh mất gốc rễ trong thế giới, trong cõi giới khoa học. Cả hai đều có thể cùng nhau, và bất kì khi nào điều này xảy ra con người có đôi cánh và con người có thể bay vào bầu trời cao nhất có thể được. Bằng không bạn chỉ có một cánh.
Như tôi thấy điều đó, người Hindu bị thiên lệch cũng nhiều như tâm trí Hi Lạp thiên lệch. Cả hai đều là một nửa của thực tại. Tôn giáo là một nửa; khoa học là một nửa. Cái gì đó phải xảy ra để đem tôn giáo và khoa học lại cùng nhau trong một toàn thể lớn hơn, nơi khoa học không phủ nhận tôn giáo và nơi tôn giáo không lên án khoa học.
"Làm sao mà câu khắc trên ngôi đền Hi Lạp Delphi lại là "Biết bản thân mình" chứ không là "Yêu bản thân mình"? Yêu bản thân mình là có thể chỉ nếu bạn trở thành bản thân mình, nếu bạn là bản thân mình. Bằng không điều đó là không thể được. Bằng không, khả năng duy nhất là cứ cố gắng biết bạn là ai, và điều đó nữa cũng là từ bên ngoài; quan sát từ bên ngoài bạn là ai, và điều đó nữa cũng theo cách khách quan, không theo cách trực giác.
Tâm trí Hi Lạp đã phát triển khả năng logic vô cùng. Aristotle đã trở thành người cha của mọi logic và mọi triết học. Tâm trí phương Đông có vẻ phi logic - nó thế đấy. Chính nhấn mạnh vào thiền là phi logic bởi vì thiền nói rằng bạn chỉ có thể biết khi tâm trí bị vứt bỏ, khi suy nghĩ bị vứt bỏ và bạn hội nhập bản thân mình vào trong bản thể mình một cách toàn bộ tới mức thậm chí không một ý nghĩ có đấy làm sao lãng bạn. Chỉ thế thì bạn mới có thể biết. Còn tâm trí Hi Lạp nói bạn có thể biết chỉ khi suy nghĩ sáng tỏ, logic, hợp lí, hệ thống. Tâm trí Hindu nói, khi suy nghĩ biến mất hoàn toàn, chỉ thế thì mới có khả năng để biết. Chúng là khác nhau toàn bộ, đi theo những chiều đối nghịch; nhưng có khả năng để tổng hợp cả hai.
Con người có thể dùng tâm trí mình khi làm việc trên vật chất; thế thì logic là công cụ vĩ đại. Và cùng người đó có thể gạt tâm trí sang bên khi người đó đi vào phòng thiền của mình và đi vào trong vô trí. Bởi vì tâm trí không phải là bạn - nó là công cụ cũng giống như tay tôi vậy, như chân tôi vậy. Nếu tôi muốn bước đi, tôi dùng chân; nếu tôi không muốn bước đi, tôi không dùng chân. Đích xác theo cùng cách đó, bạn có thể dùng tâm trí một cách logic nếu bạn định biết về vật chất. Điều đó hoàn toàn đúng, nó khớp ở đó. Và khi bạn đi vào bên trong, gạt nó sang bên. Bây giờ chân không còn được cần tới; suy nghĩ không được cần tới. Bây giờ bạn cần trạng thái vô ý nghĩ sâu sắc, im lặng.
Và cả hai điều này có thể xảy ra trong một con người - khi tôi nói điều đó, tôi nói điều đó từ kinh nghiệm riêng của mình. Tôi đã làm cả hai. Khi được cần tới, tôi có thể trở nên logic như bất kì người Hi Lạp nào. Khi không được cần tới, tôi có thể trở thành gàn dở, phi logic như bất kì người Hindu nào. Cho nên khi tôi nói điều đó tôi ngụ ý điều đó, và nó không phải là giả thuyết. Tôi đã kinh nghiệm nó theo cách đó.
Tâm trí có thể được dùng và có thể bị gạt sang bên. Nó là công cụ, một công cụ rất hay; không cần phải bị ám ảnh bởi nó. Không cần phải cố định, gắn chặt vào nó. Thế thì nó trở thành bệnh tật. Cứ nghĩ về một người muốn ngồi nhưng không thể ngồi được bởi vì người đó nói, "Tôi có chân - làm sao tôi có thể ngồi được?" Hay, nghĩ về một người muốn giữ yên tĩnh và im lặng và không thể giữ được yên tĩnh và im lặng bởi vì người đó nói, "Tôi có tâm trí." Điều đó là như nhau.
Người ta phải trở nên có khả năng tới mức ngay cả công cụ gần gũi nhất của tâm trí cũng có thể bị gạt sang bên và có thể được tắt đi. Điều đó có thể được thực hiện, điều đó đã được thực hiện, nhưng điều đó đã không được thực hiện trên qui mô lớn. Nhưng điều đó sẽ được thực hiện ngày một nhiều hơn - đây là điều tôi đang cố gắng làm ở đây với bạn. Tôi nói với bạn, tôi thảo luận vấn đề với bạn - đó là logic, đó là việc dùng tâm trí. Và rồi tôi nói với bạn, "Vứt bỏ tâm trí và đi vào trong thiền sâu. Nếu bạn nhảy múa, nhảy múa toàn bộ tới mức không còn một ý nghĩ nào bên trong; toàn thể năng lượng của bạn trở thành điệu múa. Hay hát, chỉ hát thôi. Hay ngồi, chỉ ngồi thôi - trong toạ thiền, không làm gì cả. Đừng cho phép một ý nghĩ thoáng qua. Yên tĩnh, tuyệt đối yên tĩnh." Đây là những điều mâu thuẫn.
Mọi sáng bạn thiền và mọi sáng bạn tới và nghe tôi. Mọi sáng bạn nghe tôi và thế rồi bạn đi và thiền. Điều này là mâu thuẫn. Nếu tôi chỉ là người Hi Lạp, tôi sẽ nói với bạn, tôi sẽ tạo ra trao đổi logic với bạn, nhưng thế thì tôi sẽ không nói tới thiền. Điều đó là ngu ngốc. Nếu mà tôi chỉ là người Hindu, sẽ không cần nói với bạn. Tôi có thể nói, "Đi và thiền đi, bởi vì phỏng có ích gì mà nói? Người ta phải trở nên im lặng." Tôi là cả hai. Và đây là hi vọng của tôi: rằng bạn cũng sẽ trở thành cả hai - bởi vì thế thì cuộc sống rất giầu có, cực kì giầu có. Thế thì bạn không mất cái gì cả. Thế thì mọi thứ đều được hấp thu; thế thì bạn trở thành dàn nhạc lớn. Thế thì tất cả các cực gặp gỡ trong bạn.
Với người Hi Lạp, chính ý tưởng về "yêu bản thân mình" đã là ngớ ngẩn, bởi vì họ sẽ nói - và họ sẽ nói một cách logic - rằng tình yêu là có thể chỉ giữa hai người. Bạn có thể yêu ai đó khác, bạn thậm chí có thể yêu kẻ thù của mình, nhưng làm sao bạn có thể yêu bản thân mình được? Chỉ mỗi bạn có đó, một mình. Tình yêu có thể tồn tại giữa cái hai, phân cực; làm sao bạn có thể yêu bản thân mình được? Với tâm trí Hi Lạp, chính ý tưởng về yêu bản thân mình là dở hơi: với tình yêu, cần có người khác.
Với tâm trí Hindu, trong Upanishad họ nói rằng bạn yêu vợ bạn không phải vì vợ bạn đâu; bạn yêu vợ bạn chỉ vì riêng bạn thôi. Bạn yêu bản thân mình qua cô ấy. Bởi vì cô ấy cho bạn niềm hoan lạc, đó là lí do tại sao bạn yêu cô ấy - nhưng sâu bên dưới, bạn yêu niềm hoan lạc riêng của mình. Bạn yêu con bạn, bạn yêu bạn của bạn, không phải bởi vì họ mà bởi vì bạn. Sâu bên dưới con bạn làm cho bạn sung sướng, bạn của bạn cho bạn sự khuây khoả. Đó là điều bạn đang khao khát. Cho nên Upanishad nói rằng bạn yêu bản thân mình, thực sự. Cho dù bạn nói rằng bạn yêu người khác, điều đó chỉ là qua phương tiện để yêu bản thân mình, con đường dài, vòng vo để yêu bản thân mình.
Người Hindu nói rằng không có khả năng khác; bạn chỉ có thể yêu bản thân mình. Còn người Hi Lạp nói không có khả năng nào để yêu bản thân mình bởi vì ít nhất cần có hai người.
Nếu bạn hỏi tôi, tôi là cả hai, người Hindu và người Hi Lạp. Nếu bạn hỏi tôi, tôi sẽ nói yêu là nghịch lí. Nó là hiện tượng rất nghịch lí. Đừng cố gắng qui nó thành một cực; cả hai cực đều cần. Người khác là cần, nhưng trong tình yêu sâu sắc người khác biến mất. Nếu bạn quan sát hai người yêu, họ là hai và một cùng nhau. Đó là nghịch lí của tình yêu, và đó là cái đẹp của nó - họ là hai, vâng, họ là hai; và vậy mà họ lại không là hai, họ là một. Nếu cái một này mà không xảy ra thế thì tình yêu là không thể có được. Họ có thể làm cái gì đó khác nhân danh tình yêu. Nếu họ vẫn là hai và không là một, thế thì tình yêu đã không xảy ra. Và nếu bạn chỉ một mình và không có ai khác, thế nữa tình yêu cũng không thể có được.
Tình yêu là hiện tượng nghịch lí. Nó cần hai ở chỗ đầu tiên, và ở chỗ cuối cùng nó cần hai để tồn tại như một. Nó là điều bí ẩn lớn lao nhất; nó là câu đó lớn lao nhất.
0 Đánh giá