Của tôi

Của tôi

Price:

Read more


Lời tuyên bố bản chất của Ishavasya Upanishad, chính ý nghĩa của tiêu đề của nó, Ishavasya, là ‘Mọi thứ đều là của Thượng đế’. Tất cả mọi thứ đều thuộc về Thượng đế. Nhưng tâm trí con người cố gắng biện minh rằng tất cả đều là của chúng ta, và chúng ta sống trong ảo tưởng này qua bao nhiêu kiếp sống. Một cái gì đó là của tôi. Cái ý tưởng về quyền làm chủ và sự sở hữu - nó là của tôi!
Khi mọi thứ đều là của sự tồn tại, thì chẳng có chỗ nào còn lại cho cái ‘tôi’ này của tôi đứng đấy. Bạn hãy nhớ, để biểu lộ cho nó thì ngay cả bản ngã cũng cần một cơ sở. Để tồn tại, thì thậm chí cái ‘tôi’ cũng cần sự hỗ trợ của cái ‘của tôi’. Nếu sự hỗ trợ của cái ‘của tôi’ không có đó, thì cũng chẳng thể hình thành được cái ‘tôi’. Từ một quan sát nhân quả dường như là cái ‘tôi’ tới trước rồi cái ‘của tôi’ mới theo sau nó. Nhưng sự kiện lại hoàn toàn ngược lại. Trước hết, cái ‘của tôi’ được đặt nền móng, và thế rồi cấu trúc của cái ‘tôi’ mới được xây dựng lên trên nó.
Nếu bất kì cái gì bạn có mà bạn gọi là ‘của tôi’ đều được lôi ra toàn bộ từ sự hiểu thấu của bạn, thế thì cái ‘tôi’ của bạn sẽ không có chỗ dung thân. Nó sẽ biến mất. Cái ‘tôi’ chẳng là gì ngoài một tuyển tập những cái ‘của tôi’. Cái ‘tôi’ được tạo ra từ cơ cấu của cái ‘của tôi’ - của cải của tôi, nhà của tôi, tôn giáo của tôi, đền thờ của tôi, vị trí của tôi, tên tôi, gia đình tôi, và vân vân. Khi chúng ta cứ ném đi dần từng cái ‘của tôi’ thì cơ sở của cái ‘tôi’ đồng thời cũng bị xói mòn dần đi. Nếu không một cái ‘của tôi’ nào được giữ lại, thế thì chẳng có nền tảng nào để nâng đỡ cho cái ‘tôi’ cả. Cái ‘tôi’ cần một chỗ dựa, một chỗ trú ẩn, một ngôi nhà bằng cái ‘của tôi’. Cái ‘tôi’ đòi hỏi một hòn đá nền tảng là cái ‘của tôi’, nếu không thì toàn bộ cấu trúc của cái ‘tôi’ sẽ đổ nhào. Tuyên bố đầu tiên của Ishavasya dự định làm đổ sập toàn bộ cấu trúc này. Hiền nhân này nói, “Mọi thứ đều là của Thượng đế.” Không có chỗ cho cái ‘của tôi’. Không có phạm vi nào hết cả để cho cái ‘tôi’ tự nói với chính mình về cái ‘của tôi’. Nếu nó có thể nói ‘tôi đây’, thì điều đó sai. Nếu nó cứ khăng khăng nói ‘tôi đây’, thế thì nó là một cái ‘tôi’ bị hoang mang. Cần phải hiểu điều này từ hai hay ba quan điểm.
Điều thứ nhất là thế này: bạn được sinh ra, tôi được sinh ra. Nhưng chẳng ai hỏi tôi liệu tôi có muốn được sinh ra hay không; đâu có rắc rối gì để tìm ra ước muốn của tôi. Việc sinh ra tôi không phụ thuộc vào ham muốn của tôi hay sự chấp thuận của tôi. Khi tôi biết về chính mình, thì tôi biết bản thân mình được sinh ra. Chẳng có gì giống như con người tôi trước sự sinh thành ra tôi. Chúng ta hãy xem xét điều đó theo cách này: bạn đang xây một ngôi nhà; bạn chẳng bao giờ hỏi ngôi nhà liệu nó có muốn được xây dựng ra hay không. Ngôi nhà không có ý chí riêng của nó. Bạn đang xây dựng ra nó, và nó được dựng lên.
Bạn đã bao giờ nghĩ rằng bạn cũng chưa lần nào được hỏi trước khi được sinh ra không? Sự tồn tại làm cho bạn được sinh ra, và bạn được sinh ra. Sự tồn tại tạo ra bạn, và bạn thì được tạo ra. Nếu ngôi nhà trở thành có ý thức, thì nó sẽ nói, ‘tôi’. Nếu nó trở thành có ý thức, nó sẽ từ chối coi người làm ra nó là người chủ của nó, là người thầy nó. Ngôi nhà sẽ nói, “Người xây nhà là người hầu của ta; anh ta đã xây dựng ra ta. Vật liệu là của ta; nó phục vụ ta. Ta sẵn lòng được tạo ra, cho nên anh ta mới làm ra ta.”
Nhưng ngôi nhà không có tâm thức. Con người thì có. Và trong thực tế, ai biết được liệu ngôi nhà có tâm thức hay không? Có thể lắm chứ; nó có thể thế chứ. Có hàng nghìn mức độ tâm thức. Tâm thức của con người là một loại đặc biệt, không nhất thiết là mọi vật phải có cùng một loại tâm thức. Một ngôi nhà có thể có tâm thức ở một loại khác, hòn đá có thể có tâm thức ở một loại khác nữa, cây cối ở loại khác nữa. Có thể là chúng nữa cũng sống trong cái ‘tôi’ của riêng chúng. Khi người làm vườn đang tưới cây, có thể cây không nghĩ, “Người làm vườn này đang cho ta cuộc sống,” mà thay vì thế, “Ta đang biểu lộ sự quí mến với người làm vườn này bằng việc chấp nhận sự phục vụ của anh ta. Qua ân huệ của ta, ta chấp nhận sự phục vụ của anh ta.” Chẳng ai lại gần cây cối để hỏi về việc nó nó muốn được sinh ra hay không.
Cũng hoàn toàn là ngớ ngẩn mà gọi điều đó là sự sinh thành của tôi khi nó được gây ra mà không có ham muốn của tôi. Đâu là ý nghĩa trong việc tuyên bố sự sinh thành của tôi, mà về nó tôi chưa bao giờ được hỏi đến, trước sự sinh thành đó? Khi cái chết tới, nó cũng chẳng hỏi sự cho phép của chúng ta. Cái chết sẽ không hỏi chúng ta, “Anh muốn gì? Anh có đi cùng tôi hay không?” Không, khi nó tới, nó tới theo ý định của riêng nó, cũng hệt như việc sinh thành tới mà chẳng có sự hiểu biết gì của chúng ta về nó cả. Cái chết tới chẳng thèm gõ cửa, chẳng cần sự cho phép của chúng ta, chẳng lời hướng dẫn, chẳng báo trước, đứng bình thản trước chúng ta; và nó chẳng cho ta cách khác, không chọn lựa. Nó chẳng do dự thậm chí đến một giây, dù chúng ta ước muốn gì. Thật là ngu si hết mức để mà nói cái chết của tôi cho cái mà tôi ít nhất thì cũng chẳng ham muốn hay có ý định gì.
Việc sinh thành đó không phải là sinh thành của tôi mà trong đó chẳng có sự chọn lựa gì thuộc phần tôi cả. Cái chết mà với nó chẳng có liên quan gì tới ý chí của tôi, thì không phải là cái chết của tôi. Cho nên làm sao cuộc sống nằm giữa hai đầu này lại là của tôi được? Làm sao khoảng thời gian ở giữa đó lại là của tôi được, khi cả hai đầu tất yếu của nó – mà không có chúng thì tôi không thể tồn tại được - không phải của tôi? Đấy là một sự lừa dối - một sự lừa dối mà chúng ta cứ làm mạnh thêm, cứ quên đi hoàn toàn việc sinh ra và chết đi. Nhưng nếu chúng ta hỏi một nhà tâm lí về vấn đề này, thì anh ta sẽ nói, “Anh cứ cố ý quên chúng đi, vì chúng là những kí ức buồn thảm lắm.” Khi việc sinh ra không phải là của tôi, thì làm sao tôi lại trở thành tội nghiệp và đáng thương. Khi cái chết không phải là của tôi, thì mọi thứ đều tuột khỏi tôi, chẳng cái gì được gìn giữ cả. Tay tôi vẫn còn rỗng không. Chỉ có tro tàn là còn lại.
Chúng ta dựng lên một cây cầu cuộc sống dài giữa hai đầu này, giống như chiếc cầu bắc qua con sông; nhưng chẳng bờ sông nào là của chúng ta cả. Ngay cả mố cầu tại cả hai đầu cũng chẳng phải là của chúng ta. Cho nên bạn hãy nghĩ một chút: Làm sao cây cầu trải rộng từ bờ nọ sang bờ bên kia ngang qua con sông lại có thể là của chúng ta trong khi nền tảng của nó lại không phải là của chúng ta? Do đó chúng ta cố gắng quên đi việc sinh thành và việc chết - những nền tảng của chúng ta.
Nhiều người quên nhiều việc một cách có chủ ý. Anh ta cố gắng không nhớ, vì việc nhớ có thể phá tan tất cả bản ngã của anh ta và làm nó nát vụn. “Thế thì cái gì sẽ là của tôi đây?” Cho nên chúng ta cứ kìm hãm việc suy nghĩ về sự sinh thành và cái chết, và điều này tạo ra khả năng hiểu lầm lớn rằng tất cả những cái chúng ta thấy trong cuộc sống là của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta để cho mình tự khám phá và xem xét lại điều ta thấy, thì chúng ta chắc chắn sẽ phát hiện ra rằng nó không phải là của chúng ta.

0 Đánh giá

Ads Belove Post