Từ cái không

Từ cái không

Price:

Read more


Câu hỏi 1: Có phải tất cả mọi linh hồn được tạo ra cùng nhau như thuyết của Paul Brunton, hoặc chúng được tạo ra ở những giai đoạn riêng biệt? Có phải đây là sự khác biệt - sự khác biệt trong những giai đoạn của chúng - vì sự lựa chọn của chính chúng hoặc đó là số phận chúng? Về vấn đề đầu thai thì mức độ lựa chọn mà chúng ta có là gì?
Trước khi tôi có thể trả lời câu hỏi này, hai hay ba điều phải được hiểu. Đầu tiên, yêu cầu tôn giáo khác về cơ bản với yêu cầu khoa học. Với yêu cầu khoa học thì câu hỏi là quan trọng, nhưng với yêu cầu tôn giáo thì người hỏi là quan trọng - trạng thái tinh thần khi câu hỏi được hỏi – ai mới là có ý nghĩa. Về câu hỏi khoa học, tâm trí bạn phải không ngừng tập trung vào câu hỏi. Về yêu cầu tôn giáo thì câu hỏi chỉ là bục nhảy vào một cái gì đó chưa có trên bản đồ. Cho nên hỏi câu hỏi và quên nó đi, bởi vì câu hỏi liên quan đến cái đã biết, và câu trả lời chỉ có thể liên quan với cái chưa biết.
Khi chúng ta hình thành câu hỏi theo lối rất công thức, thì công thức cơ bản dựa trên sự phỏng đoán trước, thuộc về tâm trí của chúng ta, ký ức của chúng ta, kiến thức của chúng ta. Nhưng câu trả lời buộc phải ở trong khía cạnh, trong tầm cỡ hoàn toàn khác. Ví dụ như câu hỏi này. Chúng ta sẽ chia nó thành nhiều phần.

Câu hỏi 2: Có phải tất cả linh hồn được tạo ra cùng nhau, như thuyết của Paul Brunton, hay chúng được tạo ra ở những giai đoạn riêng biệt?
Câu hỏi này có vẻ thích đáng. Con người luôn quan tâm sâu sắc đến khái niệm sáng tạo: làm cách nào mọi thứ được tạo ra? Khi nào? Tại sao? Bởi ai? Thậm chí liên quan đến những linh hồn, mọi người cũng có nhiều câu hỏi: những linh hồn được tạo ra khi nào? Chúng được tạo ra như nhau hay khác nhau? Và nếu chúng được tạo ra như nhau thì tại sao lại có sự không công bằng?

Câu hỏi 3: Có phải sự khác nhau này - sự khác nhau trong các giai đoạn của chúng - vì chính sự lựa chọn của chúng, hay đó là số phận chúng?
Với chúng ta, hỏi về sự sáng tạo có vẻ là quan trọng. Nhưng trong tồn tại, không có gì được sáng tạo; nó là liên tục và là khởi đầu vô hạn. Đối với tồn tại thì khái niệm về chính sáng tạo là trẻ con và vớ vẩn. Tồn tại đã luôn là vậy: nó chưa bao giờ được sáng tạo và cũng chưa bao giờ có thể bị hủy diệt. “Sáng tạo” có nghĩa là từ cái không – và từ cái không thì không gì có thể xuất hiện. Thế giới, sáng tạo ở trong sự thay đổi không ngừng, nhưng không gì có thể được tạo ra hoặc bị hủy diệt.
Thay đổi là thực tại. Bằng sự thay đổi tôi ngụ ý rằng, chỉ có hình dạng thay đổi còn thực chất cốt lõi không bao giờ thay đổi. Nền tảng cơ bản vẫn luôn được giữ nguyên; chỉ có cách thức biểu hiện, hình dạng là thay đổi. Và sự thay đổi này là liên tục; là bất tận. Cho nên mọi thứ hoặc những linh hồn không được sáng tạo. Khi mọi thứ không được tạo ra thì khái niệm về sáng tạo các linh hồn lại trở thành điều ngớ ngẩn. Một linh hồn được tạo ra không thể là linh hồn; nếu một linh hồn có thể được tạo ra thì hẳn nó sẽ trở thành một sự vật.
Nhưng đối với cái gọi là tâm trí tôn giáo thì sáng tạo lại có vẻ có ý nghĩa, bởi vì chúng ta đã hình dung Thượng Đế như là người sáng tạo, và không có sự sáng tạo thì người sáng tạo sẽ ở đâu? Thượng Đế không phải là người sáng tạo, Thượng Đế chính là tồn tại. Thượng Đế không phải là một cái gì đó riêng biệt mà là cốt lõi của thực tại; ngài không phải là người sáng tạo thực tại mà chính là thực tại.
Sự lưỡng cực này - Thượng Đế và thế gian, người sáng tạo và sự vật được sáng tạo - chỉ vì tư tưởng nhị nguyên của chúng ta. Tâm trí chúng ta không ngừng tạo ra những lưỡng cực, nhưng thực tại chỉ có một. Thượng Đế không phải là người sáng tạo mà là sự sáng tạo, là năng lượng, là sức mạnh, là cốt lõi nền tảng của tất cả.
Hãy nhìn vào vấn đề này theo cách khác. Không ai hỏi, “Ai tạo ra Thượng Đế?” bởi vì câu hỏi này có vẻ ngớ ngẩn. Nếu bạn hỏi, “Ai tạo ra Thượng Đế?” thì câu hỏi dẫn bạn tới sự thoái lui trở lại; cùng một câu hỏi có thể được hỏi lại về câu trả lời. Nếu A tạo ra B vậy thì chúng ta có thể hỏi ai tạo ra A. Chúng ta có thể có vô hạn câu hỏi và không câu trả lời nào được tìm ra. Mọi câu trả lời sẽ chỉ tạo ra những câu hỏi khác về cùng vấn đề đó.
Chúng ta không thể nghĩ về Thượng Đế như là thực thể được tạo ra, bởi vì nếu ngài được tạo ra vậy thì ngài không phải là Thượng Đế; ngài trở thành một thực thể nào đó. Điều tương tự cũng đúng đối với linh hồn: linh hồn không phải là hiện tượng được tạo ra. Và không chỉ linh hồn - thậm chí vật chất cũng không phải là hiện tượng được tạo ra.
Hiện nay khoa học phát hiện ra rằng không gì có thể được tạo ra và không gì có thể bị hủy diệt. Thậm chí, nếu vật chất có thể biến đổi thành năng lượng và năng lượng biến đổi thành vật chất thì đó cũng không phải là sáng tạo và hủy diệt. Định lượng vẫn giữ nguyên. Nếu vật chất được biến đổi thành năng lượng thì chúng ta có thể nói rằng nó bị hủy diệt, bởi vì vật chất đã biến mất. Nhưng nó không bị hủy diệt, bởi vì chính vật chất là một dạng của năng lượng - bấy giờ nó ở dạng khác, nhưng năng lượng thì vẫn giữ nguyên. Tổng định lượng của tồn tại luôn không đổi. Cho dù bạn đổi A thành B hoặc B thành C thì cũng không làm cho tổng thay đổi; không một phần riêng rẽ nào có thể được thêm vào tổng, và không một phần riêng rẽ nào có thể bị trừ đi. Và tổng toàn bộ này là Thượng Đế.
Điều đầu tiên phải hiểu là không có gì được tạo ra. Tồn tại là tồn tại. Tồn tại hiện diện với không khởi đầu và không kết thúc, nhưng với nhiều thay đổi.
Tâm trí chúng ta đã tạo ra lưỡng cực thứ hai: đó là vật chất và tinh thần, cơ thể và linh hồn. Một lần nữa điều này lại là sự khác biệt do tâm trí tạo ra; thực tế chỉ duy nhất tồn tại. Cơ thể là dạng của nó và linh hồn cũng là dạng của nó.
Chính vì vậy mà vật chất có thể biến đổi thành năng lượng và năng lượng có thể biến đổi thành vật chất, cơ thể được biến đổi liên tục thành ý thức và ý thức được biến đổi liên tục thành cơ thể. Bạn không thể xuất hiện tại điểm nơi mà bạn có thể nói cơ thể kết thúc và ý thức bắt đầu; không có sự phân chia ranh giới. Cơ thể và linh hồn không phải là hai thứ mà là hai cực của cùng một tồn tại: ở một cực bạn cảm nhận cơ thể và ở cực kia có ý thức.
Bạn là tồn tại: một cực của nó là ý thức; cực kia là cơ thể. Nếu bạn trở nên ý thức hơn, thức tỉnh hơn, bạn trở thành linh hồn; nếu bạn trở nên ít ý thức hơn, ít thức tỉnh hơn, bạn trở thành cơ thể. Nếu Phật đang ngồi bên cạnh bạn, cả hai đều có cơ thể, nhưng chỉ là sự biểu hiện bên ngoài. Phật không có cơ thể, người chỉ là linh hồn. Bằng linh hồn tôi muốn ngụ ý rằng mọi phần tử tồn tại của người đã trở nên nhận biết. Nói cách khác, khi bạn ngủ sâu, bạn chỉ là cơ thể mà không phải là linh hồn.
Bạn không có linh hồn - chỉ là khái niệm về linh hồn, chỉ là ý nghĩ, lý thuyết, triết lý về linh hồn.
Có vẻ hơi lạ nhưng Gurdjieff thường nói rằng không phải mọi người đều có linh hồn. Ông ấy cũng đã từng nói rằng có linh hồn có nghĩa là đạt được; một ai đó đạt được linh hồn là hiện tượng rất hiếm hoi. Ông ấy đúng. Quan niệm rằng mọi người có linh hồn là lầm lạc. Có vẻ như linh hồn là một cái gì đó bạn đã có rồi, nhưng không phải như vậy.
Đó là khả năng, là tiềm năng... đó là sự nở hoa.
Bạn có thể là linh hồn nhưng bạn cũng có thể bị lỡ. Nếu toàn bộ ý thức bạn trở thành thực tại, nếu tiềm năng bạn trở thành trung tâm thực sự của nhận biết hoàn hảo vậy thì sự quyến luyến với cơ thể sẽ bị mất. Với những người khác bạn sẽ xuất hiện là cơ thể, nhưng với bạn sẽ không có cơ thể. Sự lưỡng cực này phải bị quẳng đi. Cơ thể có nghĩa là năng lượng vô thức và linh hồn có nghĩa là năng lượng thức tỉnh. Năng lượng là như nhau. Hãy nhìn theo cách này: vật chất có nghĩa duy nhất một thứ, tiềm năng linh hồn và linh hồn có nghĩa duy nhất vật chất mà nó đã đạt tới sự nở hoa. Hãy quên hoàn toàn khái niệm về sáng tạo và quên bất kỳ khái niệm nào về lưỡng cực. Chỉ khi đó bạn mới có thể hướng sâu vào tồn tại như là nó vậy.
Các nhà triết học và các nhà thần học sẽ không ích gì - tất cả là những sự sáng tạo tâm thần. Bất kỳ điều gì tâm trí có thể sáng tạo thì cũng sẽ là dạng lưỡng cực. Bất kỳ ở đâu có tâm trí thì buộc phải có lưỡng cực bởi vì tâm trí không thể hình dung về cực đối nghịch là duy nhất.
Làm cách nào mà tâm trí có thể hình dung cơ thể và linh hồn là một? Đó là điều không thể. Chính vì vậy mà có hai loại người theo thuyết nhất nguyên.
Một dạng theo thuyết nhất nguyên: họ cho rằng không có linh hồn, chỉ có vật chất và cơ thể tồn tại. Tâm trí không thể hình dung có hai cực đối nghịch tồn tại bên nhau. Chúng sẽ gặp mặt ở đâu? Và bằng cách nào? Tâm trí luôn yêu cầu làm cách nào ý thức và vật chất có thể gặp mặt – cây cầu giữa hai sẽ là gì, và ai sẽ bắc cầu cho chúng.
Câu hỏi tồn tại vì tâm trí, bởi vì tâm trí đã chia chúng. Sau đó câu hỏi nảy sinh làm cách nào chúng có khả năng vận hành song song cùng nhau trong thời gian lâu dài. Nhưng chúng đã được bắc cầu. Ví dụ, nếu cơ thể cảm nhận tổn thương thì tâm trí cũng bị tổn thương. Nếu có cái gai trong cơ thể thì bạn cũng cảm nhận nó trong tâm trí bạn. Tậm trí bạn bị phiền muộn thì cơ thể bạn cũng trở nên phiền muộn; tâm trí bạn cảm nhận niềm vui và toàn bộ cơ thể trở nên trẻ trung vui vẻ. Chúng không hành xử như là hai, chúng hành xử như là một. Nhưng tâm trí chia chúng cho nên nảy sinh rắc rối: làm cách nào bắt chúng phải hành xử như là một, làm cách nào bắc cầu qua khoảng trống?
Ý thức và vật chất là quá đối nghịch - dạng tương quan có thể tồn tại giữa chúng là gì?
Người theo thuyết nhất nguyên này có thể hoàn toàn từ chối linh hồn. Thế thì chỉ cơ thể tồn tại, không có linh hồn - linh hồn chỉ là sự bịa đặt.
Hoặc có dạng người khác theo thuyết nhất nguyên, như Shankara, ông ấy đã nói rằng không có cơ thể mà chỉ có linh hồn. Những kết luận của họ là trái ngược nhau, nhưng logic của họ, lý lẽ của họ, tư tưởng của họ là như nhau. Shankara nói rằng vật chất chỉ là ảo ảnh, là mơ - nó không thể tồn tại - trong khi dạng thứ nhất nói rằng linh hồn chỉ là ảo ảnh.
Rắc rối đối với cả Shankara và Marx là thế này: đầu tiên họ tạo ra sự chia giữa cơ thể và linh hồn sau đó họ không thể hợp nhất chúng. Thay vì họ loại cái này hoặc cái kia thì họ lại hợp nhất chúng và rắc rối xảy ra.
Với tôi, giải pháp cho toàn bộ rắc rối là xem xét hình thái khác. Đừng chia chúng. Chúng không phải là hai, chúng đã là một – chúng đã luôn là một. Khi năng lượng trở nên thức tỉnh thì nó là linh hồn, khi nó trở nên vô thức thì nó trở thành cơ thể. Đôi khi bạn nhiều linh hồn hơn và ít cơ thể hơn, đôi khi bạn nhiều cơ thể hơn và ít linh hồn hơn.
Sự dao động giữa cái này và cái kia diễn ra liên tục. Có thể vào buổi sáng bạn nhiều linh hồn hơn, vào buổi tối bạn nhiều cơ thể hơn. Khi bạn giận dữ bạn nhiều cơ thể hơn, khi bạn đang yêu bạn nhiều linh hồn hơn. Mức độ thay đổi liên tục. Khi bạn thiền, ý thức bạn trải rộng và cơ thể bạn co lại; khi bạn dùng chất gây ảo giác ý thức bạn co lại và cơ thể bạn nở ra. Cơ thể và ý thức là hai cực của một hiện tượng.
Cho nên hãy ghi nhớ: sự lưỡng cực thứ hai này chỉ là sự sáng tạo của tâm trí, tâm trí hình dung. Nó không hiện hữu.
Tôi sẽ không nói rằng những linh hồn được tạo ra. Không gì được tạo ra; mọi thứ đã luôn có đó. Và khi tôi nói rằng những linh hồn không được tạo ra, thế thì tất nhiên không có câu hỏi về việc chúng được tạo ra bình đẳng hoặc không bình đẳng. Câu hỏi sẽ dẫn đến khía cạnh hoàn toàn khác.
Như tôi nhìn thấy điều đó, mọi linh hồn đều bình đẳng về tiềm năng. Chúng đã luôn bình đẳng về tiềm năng, nhưng thực tế chúng không bình đẳng. Và chúng có trách nhiệm về điều đó mà không phải ai khác. Không ai khác ở đó để nhận trách nhiệm về điều đó. Thượng Đế là khái niệm rất hữu ích - bạn có thể đổ hết trách nhiệm lên ngài. Đó là công cụ tuyệt vời, một công cụ rất ranh ma: nếu có Thượng Đế và nếu bạn không bình đẳng, vậy thì ngài sẽ chịu trách nhiệm về chuyện đó. Ngài tạo ra bạn bất bình đẳng vậy nên bạn có thể làm gì? Không có Thượng Đế như vậy! Toàn bộ tồn tại là Thượng Đế. Bạn tham dự vào toàn bộ, cho nên bạn cũng tham dự vào phần trách nhiệm.
Bạn là bình đẳng về tiềm năng. Điều đó có nghĩa bạn trở nên bình đẳng khi bạn nở hoa toàn bộ. Phật nở hoa, Mahavira, Jesus, Mohammed - họ trở nên bình đẳng. Không có sự khác biệt giữa họ. Nhưng khi sự nở hoa chỉ là tiềm năng thì họ không bình đẳng. Trên hành trình tất cả chúng ta đều không bình đẳng.
Không có ai khác chịu trách nhiệm bởi vì không còn ai khác. Chỉ có bạn tồn tại thôi. Cho nên bạn là gì và bạn không là gì, đó là quyết định của bạn. Bất kỳ bạn là gì thì đó cũng là quyết định của bạn. Nếu bạn không thay đổi thì đó cũng là quyết định của bạn. Nếu bạn muốn thay đổi thì bạn có thể thay đổi tại thời điểm này. Thời gian là không cần thiết, duy nhất quyết định của bạn thay đổi.
Nếu quyết định của bạn không mạnh mẽ thì phải cần nhiều thời gian hơn. Nhưng nếu quyết định của bạn là toàn bộ, vậy thì sự thay đổi có thể xảy ra tại chính thời điểm này. Thời gian là không cần thiết - sự thay đổi có thể xuất hiện tại chính thời điểm này. Thời gian là cần thiết chỉ bởi vì quyết tâm của bạn là không toàn bộ, quyết định của bạn là không toàn bộ. Rắc rối cơ bản được tạo ra bởi bạn không sẵn sàng thay đổi, và tâm trí bạn đã trở nên bị ám ảnh bởi khái niệm thay đổi.
Chúng ta đã nhìn thấy Phật cho nên mới có thói hám danh lợi trong chúng ta. Làm cách nào trở thành vị phật? Đây là thói hám danh, đây là sự thèm muốn, đây là ước mong: làm cách nào trở thành vị phật - bình tĩnh và tự chủ, ánh sáng rọi lên chính mình, im lặng sâu sắc mà không vướng bận, bông hoa không phải của thế giới này. Thói hám danh lợi đã bắt đầu nhưng tâm trí chưa sẵn sàng. Chúng ta muốn như Phật mà không giống Phật, bởi vì tâm trí cũng muốn những điều khác. Những gì Phật từ bỏ thì chúng ta không sẵn sàng từ bỏ, nhưng những gì Phật đã đạt được thì chúng ta đầy ham muốn đạt được. Đây là rắc rối. Phần chủ yếu của tâm trí bạn không sẵn sàng thay đổi, không sẵn sàng là linh hồn, dục vọng vẫn xuất hiện.
Không ai khác chịu trách nhiệm về chuyện này. Đi vào và phân tích xem tại sao bạn không là một vị phật. Tiềm năng có đó, năng lượng có đó. Tại sao bạn không trở thành một vị phật?
Đừng nghĩ liên miên nữa, ai tạo ra bất bình đẳng? Ai tạo ra một người nào đó là vị phật và người nào đó khác không là vị phật?
Không ai tạo ra điều này; tâm trí của chúng ta chịu trách nhiệm. Nếu tôi bám vào thuyết rằng Thượng Đế tạo ra chúng ta - người ta giống vị phật và tôi không giống vị phật - vậy thì tôi phải làm gì? Đó là số phận đã mặc định tôi. Thế thì tôi vẫn giữ nguyên tôi là vậy, tôi không thể tuôn chảy. Sự tuôn chảy này sẽ không được thực hiện! Lý thuyết chỉ là thiết bị bảo vệ, là trò ranh mãnh để bạn có thể tiếp tục như là bạn mà không bận tâm về việc thay đổi.
Tôn giáo nảy sinh trong bạn chỉ khi bạn bắt đầu cảm nhận toàn bộ trách nhiệm với chính mình. Triết học là cái thứ: nó có thể tiếp tục những điều vô nghĩa của nó, những học thuyết ngớ ngẩn. Tôn giáo thì khác: tôn giáo là quả quyết, là cảm nhận toàn bộ trách nhiệm với chính bạn. Bất kỳ tôi là gì - bạo lực, giận dữ, tham lam, đầu óc đầy ham muốn, nhiều ước mong - tôi là người chịu trách nhiệm.
Thời điểm mà tôi cảm nhận rằng sự xấu xa của tôi là trách nhiệm của tôi, rằng tâm trí tội lỗi là trách nhiệm của tôi, thế thì cú nhảy trở thành có thể. Vì tôi chịu trách nhiệm về điều xấu của mình nên không ai khác có thể chịu trách nhiệm về những điều tốt của tôi. Nếu tôi chịu trách nhiệm về tất cả những gì đen tối bên trong tôi thì tất cả ánh sáng rọi lên Phật cũng có thể rọi lên tôi. Bằng việc nhận trách nhiệm đối với một vấn đề thì tiềm năng khác trở nên rộng mở.
Trách nhiệm có nghĩa là tự do, cho nên đừng than phiền Thượng Đế nữa. Không có ai nhận lời than phiền của bạn đâu; bạn chính là người nhận. Nếu tôi không có trách nhiệm với chính mình thì tôi không tự do. Nhưng nếu tôi tự do, vậy thì tôi phải gánh lấy toàn bộ trách nhiệm.
 Nếu tôi đang sống ở địa ngục thì đó là quyết định của tôi. Tôi đã sử dụng năng lượng và tự do của tôi để đến với địa ngục này; tôi không bị đuổi tới đó. Sartre nói rằng con người bị quẳng vào thế gian. Không ai quẳng bạn; đó là quyết định của bạn để tới đó.
Sartre cảm nhận rằng chỉ trong một khía cạnh con người có vẻ tự do, và đó là tự sát. Bạn không chịu trách nhiệm về việc bạn ra đời, nhưng bạn có thể có trách nhiệm về cái chết của mình: bạn có thể tự sát. Điều này là phi logic! Nếu một cực là tự do thì đối cực không thể là ngược lại. Nếu bạn có thể tự sát - nếu tôi có thể kết thúc cuộc đời mình bởi chính quyết định của mình - vậy thì, cho dù tôi nhớ điều đó hay không thì con đường vào đời của tôi cũng đã là quyết định của tôi. Cực kia phải phù hợp. Nếu tôi chịu trách nhiệm với đau khổ của mình thì không ai khác có thể chịu trách nhiệm đối với hạnh phúc của tôi. Nếu tôi có thể chịu trách nhiệm về cái chết của mình thì tôi cũng có trách nhiệm với việc tôi ra đời.
Đó là những gì tôn giáo nói: tự do của bạn là được sinh ra, được sống hoặc được chết. Khi một người nào đó đang hấp hối, đối với chúng ta người đó xuất hiện như là đang hấp hối. Nhưng nếu bạn xuyên thấm vào tâm trí của người đang hấp hối bạn sẽ nhìn thấy rằng người đó đang ước mong sống nhiều cuộc đời hơn; người đó liên tục nghĩ về cuộc đời khác, về sự liên tục. Đầu tiên người đó cố bám vào cuộc đời này; sau đó, nếu việc bám vào trở thành không thể thì người đó sẽ ước mong cơ thể khác, hình thái khác để có thể sống lại. Nhưng nếu con người đang hấp hối mà không có ước mong nào còn lại chưa được thực hiện, không ước mong tiếp tục sống, thì với người đó sẽ không còn nhiều lần ra đời. Nếu một vài ước mong còn lại chưa được thỏa mãn thì tâm trí sẽ cố gắng hoàn thành: điều đó sẽ trở thành sự lựa chọn cho lần ra đời mới.
Chúng ta biết rằng một người nào đó ra đời thì cũng phải chết, nhưng chúng ta không biết khía cạnh khác của nó - rằng khi một người nào đó chết, người đó phải được tái sinh trở lại. Nếu ra đời dẫn tới cái chết thì cái chết sẽ dẫn tới ra đời, trừ khi bạn chết toàn bộ. Cái chết toàn bộ là samadhi. Cái chết toàn bộ là đỉnh cao nhất của thực tại linh hồn - linh hồn đã được làm hoàn toàn thanh khiết. Không còn ước mong cho tương lai, bởi vì tương lai có nghĩa là ra đời; không còn ước mong cho ngày mai, bởi vì ngày mai có nghĩa là ra đời; không còn ước mong cho thời điểm tiếp theo, bởi vì thời điểm tiếp theo là ra đời. Tại thời điểm này, nếu bạn có thể chết toàn bộ - không tương lai, không ngày mai, không ước mong, không gì còn lại chưa được thực hiện, thì sẽ không còn ra đời nữa.
Sinh ra lần nữa là sự lựa chọn của bạn, thậm chí đó là sự lựa chọn rất vô thức. Nếu bạn trở nên thức tỉnh hơn bạn sẽ không chọn, hoặc bạn sẽ chọn khác đi.
Phật đang hấp hối. Một ai đó hỏi người, “Thầy sẽ ở đâu sau khi chết?”
Phật nói, “Không nơi nào. Đủ rồi! Tôi đã từng ở trong quá nhiều cơ thể, trong quá nhiều cuộc đời - thế là đủ rồi. Lần này tôi sẽ không đi đâu cả. Tôi đang thực sự hấp hối”.
Với người hỏi thì điều này có vẻ bi thảm - Phật đang thực sự hấp hối. Người sẽ không tái sinh trở lại. Bấy giờ không hy vọng nào còn lại. Người hỏi bắt đầu khóc.
Phật nói, “Đừng khóc. Hãy nhảy múa! đây là thời điểm mãn nguyện của tôi: tôi đang thực sự hấp hối. Đây là đỉnh cuối cùng, đây là khả năng cao cả nhất. Không ước mong, không hy vọng, không tương lai, tôi chỉ đang tan biến vào vũ trụ. Tôi sẽ không ở nơi nào bởi vì tôi sẽ ở mọi nơi.
Bạn sẽ không có khả năng tìm thấy tôi ở một nơi giới hạn nào đó mà tôi sẽ giống như muối của đất: bạn có thể nếm tôi ở bất kỳ đâu. Nhưng sẽ chỉ là nếm. Tôi sẽ không là cơ thể, không hình dạng hữu hình; tôi sẽ là năng lượng vũ trụ”.
Đây là điều mà Phật ngụ ý về niết bàn. Niết bàn là một từ đẹp. Nó không phải là moksha, không phải là giải thoát; niết bàn là từ khác, với phẩm chất khác. Nó có nghĩa là chấm dứt, giống như sự chấm dứt của ngọn nến.
“Giống như ngọn nến tắt,” Phật nói, “tôi sẽ dừng”. Khi ngọn nến tắt liệu bạn có thể nói ánh sáng đã đi đâu? Bạn sẽ không có khả năng tìm ra ngọn lửa, bạn sẽ không có khả năng xác định nó, bởi vì lúc đó không còn ước mong mới nữa. Nhưng nó sẽ vẫn là một phần của vũ trụ, bởi vì không gì có thể biến mất từ vũ trụ.
Mọi thứ đều là một sự lựa chọn. Đối với chúng ta, có vẻ khó khăn khi hình dung về điều này, bởi vì thế thì mọi đau khổ cũng là sự lựa chọn của chính chúng ta: đó là rắc rối. Nếu một ai khác chịu trách nhiệm thì tôi sẽ thoải mái; vậy thì tôi không đau khổ vì chính mình. Nếu có một số phận, nếu có một Thượng Đế, vậy thì một ai đó khác chịu trách nhiệm và tôi buộc phải như tôi vốn là vậy. Đây là một sự đào tẩu. Không ai ở đó! Bạn đang một mình.
Vậy thì làm sao chúng ta có thể giải thích nỗi đau khổ? Chúng ta nghĩ rằng chúng ta chưa bao giờ chọn đau khổ, nhưng điều đó là vô nghĩa - chúng ta chọn mọi thứ. Không ai sẵn sàng thừa nhận họ chọn đau khổ bởi vì khi chúng ta chọn, chúng ta chỉ chọn vẻ bề ngoài. Nhưng cuối cùng thì chúng ta phải đối mặt với thực tại của điều chúng ta đã chọn.
Mọi người chọn vui vẻ và cuối cùng mọi người đau khổ, bởi vì niềm vui chỉ là vẻ bề ngoài, là giả. Bạn càng gần hơn với niềm vui thì niềm vui bắt đầu biến đi. Điều này xảy ra ở mọi thời điểm, nhưng chúng ta vẫn không nhận ra rằng niềm vui chỉ là bộ mặt giả của bệnh tật, của khổ đau, của cùng cực.
Không ai trực tiếp chọn đau khổ; mọi người chọn nó một cách gián tiếp. Nhưng sự lựa chọn là vô thức, không nhận biết. Bạn chọn niềm vui và thế là bạn cũng đã chọn đau khổ: mọi niềm vui đều kết thúc trong đau khổ, mọi niềm vui đều tạo ra trạng thái căng thẳng của tâm trí. Đau khổ là phần không thể tránh của niềm vui, là cái đuôi. Bạn không thể lẩn trốn khỏi nó. Nỗi khao khát niềm vui, sự tìm kiếm niềm vui là một ảo ảnh; cuối cùng những gì bạn đạt được chưa bao giờ là niềm vui. Hãy nhìn nó từ bên ngoài. Một ai đó chọn niềm vui.
Đó là nỗ lực tích cực: tham vọng, thành tựu... thế rồi đau khổ xuất hiện - bạn chọn thiên đường và đi vào địa ngục. Thiên đường là cổng vào địa ngục. Vào trong cổng, bạn đã vào địa ngục. Niềm vui là thứ được tìm kiếm một cách chủ động; hạnh phúc là thụ động. Nó không phải là sự hiện diện của bất kỳ điều gì, nó là sự vắng mặt của một cái gì đó - sự vắng mặt của đau khổ. Không chọn niềm vui và đau khổ sẽ bị quẳng đi một cách tự động. Khi không niềm vui hoặc đau khổ thì có hạnh phúc và phúc lạc.
Nhìn từ bên ngoài thì điều đó có vẻ tiêu cực - đó là sự vắng mặt - nhưng từ bên trong thì đó là điều tích cực. Hạnh phúc là bản chất bạn. Nó cũng còn là sự lựa chọn - mọi thứ là sự lựa chọn của bạn. Nếu bạn không chọn niềm vui thì bạn đã chọn hạnh phúc rồi.
Bất kỳ thời điểm nào bạn cũng có thể thay đổi. Và khi tôi nói “bất kỳ thời điểm”, tôi ngụ ý nhiều bởi điều đó. Tôi ngụ ý rằng bất kỳ điều gì tôi đã chọn trong quá khứ thì không phải là rào cản. Có thể bạn chọn niềm vui, niềm vui và niềm vui trong hàng thiên niên kỷ và có lẽ bạn chỉ nhận được đau khổ, đau khổ và đau khổ.
Nhưng đó không phải là rào cản. Bất kỳ điều gì bạn đã chọn trong quá khứ thì bạn cũng đã chịu đựng vì điều đó - không có gì giữ mãi cân bằng. Chính thời điểm này bạn có thể chọn đối cực, dù nghiệp chướng là gì, dù những hành động của bạn trong quá khứ là gì thì cũng sẽ không là rào cản.
Tâm trí có thể chơi trò ranh mãnh. Nếu không có định mệnh, nếu không có Thượng Đế thì nghiệp chướng trở thành cái bung xung của bạn. Bạn nói, “Tôi có thể làm gì? - tôi đã từng là tội phạm trong nhiều đời, và bây giờ nghiệp chướng của tôi là đứng bên đường. Làm sao tôi có thể tự do lựa chọn? Tôi bị giới hạn bởi nghiệp chướng của tôi”.
Bạn không trong bất kỳ cảnh nô lệ nào. Và nếu không như vậy, nếu bạn vẫn cảm thấy cảnh ràng buộc quanh bạn, đó là sự lựa chọn của bạn. Không có nhà tù và không có cai ngục.
Bạn có thể ra khỏi thời điểm quan trọng này. Sống trong tù là lựa chọn của bạn, ở đó hay không ở đó cũng là lựa chọn của bạn; không ai ngăn cản bạn rời nơi đó.
Nếu bạn muốn là tù nhân bạn có thể tạo ra triết lý xung quanh bạn, và bạn có thể là tù nhân của nhù tù triết lý đó. Nếu bạn muốn là người tự do, nếu bạn muốn chính là tự do, vậy thì bạn có thể chọn dạng tư tưởng khác và bạn có thể tự do. Cả hai đều là sự lựa chọn của bạn.
Bất kỳ bạn ở mức độ nào thì bạn cũng chịu trách nhiệm bởi vì bạn tự do; không có cảnh nô lệ nào. Có rất nhiều cảnh nô lệ nhưng không cảnh nô lệ nào bên ngoài bạn. Tất cả đều là sự sáng tạo của bạn; tất cả chúng đều bởi bạn.
Nếu bạn thấy khó khăn trong việc rời nhà tù thì không phải nhà tù ngăn cản bạn, đó chính là thói quen của bạn, là sự lựa chọn sai của bạn. Bạn đã chọn nó rất nhiều lần đến mức nó đã trở thành lệ thường, thành thói quen: ở trong nhà tù dễ thở hơn ở bên ngoài.
Bạn đã quá quen thuộc với nhà tù, bạn đã trang trí nó quá nhiều, nhìn nó không giống nhà tù mà giống ngôi nhà. Bên trong có mọi sự bảo vệ, mọi biện pháp an toàn, bên ngoài bạn sẽ dễ bị tổn thương, dễ nhạy cảm - không bảo vệ, không đề phòng. Bạn sẽ ở trong thế giới chưa được biết đến, nỗi sợ hãi sẽ bám chặt lấy bạn. Thế giới chưa biết đó là mới; đó không phải là nhà tù của tâm trí bạn.
Bất kỳ lúc nào một ai đó chọn, trở nên ý thức và nhớ lại tự do của mình thì người đó tự do. Sự nhớ lại này làm cho họ tự do. Đó không phải là nỗ lực, nó xuất hiện để hiểu tự do và trách nhiệm của con người. Tự do và trách nhiệm là hai mặt của cùng một đồng tiền, cho nên đừng đổ trách nhiệm của bạn cho bất kỳ ai khác hoặc bạn sẽ thổi bay chính tự do của bạn.
Cảm nhận trách nhiệm, chấp nhận trách nhiệm với chính bạn, bởi vì chỉ khi đó thì bạn mới trở nên tự do. Nếu bạn nói rằng địa ngục mà bạn đang ở trong là lựa chọn của bạn, rằng không ai khác chịu trách nhiệm điều đó, vậy thì bạn đã trở nên tự do; bạn có thể ra ngoài nó, bạn có thể rời nó. Nhưng nếu ai đó tống bạn vào địa ngục này thì chỉ người đó mới có thể mang bạn ra khỏi. Bạn chưa bao giờ liên quan đến điều đó.
Thái độ rằng một người nào đó đã là nguồn của bạn, dù bạn là gì, thì sẽ làm cho bạn thành một cơ thể hơn là một linh hồn hơn. Tôi đang nói rằng nếu bạn cảm nhận trách nhiệm về chính bạn, thì tự do bất ngờ bắt đầu xuất hiện trong bạn. Bạn chịu trách nhiệm về chính mình; bạn trở thành một linh hồn hơn.
Một người như Phật cảm nhận trách nhiệm với toàn bộ nhân loại. Phật đi tới cực đỉnh khác: Người nói, “Bất kỳ khi nào tôi chọn đau khổ, tôi tạo ra những rung động của đau khổ”. Người nghèo khổ tạo ra một dạng rung động nào đó. Người hung dữ gây ra bạo lực, người tức giận gây ra giận dữ, người đằm thắm sinh ra tình yêu thương.
Thông thường, chúng ta cảm nhận rằng Thượng Đế chịu trách nhiệm cho chúng ta, cái toàn bộ chịu trách nhiệm hộ chúng ta. Phật lên tới cực đỉnh khác và nói, “Tôi có trách nhiệm với toàn bộ. Nếu có điều xấu xa trên thế gian thì tôi là người chịu trách nhiệm về điều đó bởi vì tôi đã tạo ra nó. Nếu có sự thù hận trên thế gian thì tôi cũng là người chịu trách nhiệm vì tôi đã tạo ra nó. Tôi đã chọn thù hận rất nhiều lần trong khi tôi có thể chọn tình yêu. Tôi đã chọn thù hận, tôi đã chọn giận dữ, tôi đã chọn thú tính, và khi tôi chọn, tôi tạo ra hoàn cảnh để những người khác trở nên dễ nhạy cảm để chọn những điều tương tự”.
Nếu bạn cảm nhận rằng bạn có trách nhiệm với chính mình thì bạn trở thành linh hồn. Nếu bạn cảm nhận rằng bạn có trách nhiệm với toàn bộ thế gian thì bạn trở thành chúa trời. Thế thì không còn rào cản. Bạn đã trở thành toàn bộ - người “khác” đã ra đi.

Câu hỏi 4: Về việc đầu thai thì mức độ của sự lựa chọn là gì?
Bạn hoàn toàn tự do để chọn. Tự do không thể có mức độ. Làm cách nào tự do có mức độ? Làm cách nào bạn có thể nói rằng tự do có mức độ? Nếu bạn chỉ tự do bên trong nhà bạn, nhưng không có tự do nếu ra ngoài thì bạn không tự do. Tự do hạn chế không phải là tự do; đó là nô lệ có cái tên đẹp. Tự do có nghĩa là không giới hạn; không thể có bất kỳ nghĩa nào khác. Lệ thuộc có nghĩa là hạn chế. Điều này là một cái gì đó cần phải hiểu sâu sắc. Lệ thuộc không bao giờ là vô hạn - bạn không thể làm cho một người nào đó lệ thuộc mà không có những giới hạn - bởi vì lệ thuộc là một cái gì đó giới hạn. Có nhiều mức độ lệ thuộc: bạn có thể bị lệ thuộc nhiều hoặc ít. Tôi có thể làm cho bạn bị lệ thuộc tới một giới hạn cụ thể nào đó; tôi có thể nói, “Về vấn đề này hay vấn đề kia, bạn là tự do”. Nhưng không có mức độ tự do; tự do là toàn bộ. Nó là hiện tượng quá vô hạn đến mức chúng ta trở nên sợ hãi nó.
Erich Fromm đã viết một cuốn sách rất hay, Chạy trốn khỏi Tự do. Cái tên là rất ý nghĩa: Chạy trốn khỏi Tự do. Ông ta có lý - mọi người đều đang chạy trốn khỏi tự do. Ví dụ, tình yêu là tự do nhưng hôn nhân thì không. Khi bạn đang yêu, sớm hay muộn tâm trí bạn sẽ cố trốn thoát khỏi tự do và hướng vào hôn nhân.
Yêu là chưa biết, chưa lập bản đồ - không ai biết nó dẫn đến đâu. Và tự do là vô hạn - con người trở nên sợ hãi. Cho nên bạn tạo ra cái cũi, vẽ ra những đường biên, và sống trong đó. Thế rồi bạn biết mình đang ở đâu và bạn sẽ đi đâu. Bạn đã trốn khỏi tự do.
Chúng ta đang bỏ trốn bằng mọi cách. Tại sao? Bởi vì tự do là một cái gì đó toàn bộ, quá vĩ đại, và chúng ta thì quá nhỏ bé đến mức không thể đối diện với nó, chúng ta không thể sống cùng nó. Nếu bạn một mình thì bạn có tự do, nhưng khi có ai đó nữa, khi bạn ở giữa đám đông thì tự do bị lỡ. Chính vì vậy mọi người đang cố trốn khỏi trạng thái một mình. Không ai muốn một mình và tự do. Con người phải bám lấy đám đông bởi vì đám đông có nghĩa là ít tự do và nhiều lệ thuộc.
David Riesman đã viết cuốn sách, Đám đông cô đơn, trong đó ông ấy nói về hiện tượng này. Mọi người trốn vào đám đông bởi vì cảm nhận những day dứt của nỗi cô đơn lại trở thành nỗi sợ hãi - sợ chính mình, sợ sống với chính mình. Mọi người đã thực hiện điều tương tự, cho nên đó là một đám đông khổng lồ, mọi người đều cô đơn trong đó.
Con người không có khả năng sống với chính mình thì cũng không có khả năng sống với bất kỳ ai khác. Con người không có khả năng sống với chính mình, vui vẻ với chính mình thì sẽ không có khả năng trong mối giao cảm sâu sắc với bất kỳ ai khác. Nếu bạn chán chính mình thì bạn sẽ tạo ra nỗi buồn chán cho người khác. Cho nên những đám đông có đó, nhưng chúng là những đám đông cô đơn.
Tự do mà bạn đang hỏi là tự do vĩ đại nhất: chọn cuộc đời, chọn bản thể, chọn cái ta. Con người trở nên sợ hãi. Tốt hơn là buông bỏ với một người nào đó, tốt hơn là để một người nào đó chọn hộ bạn - một người nào đó chuyên gia hơn, một người nào đó điêu luyện hơn, một người nào đó có thể hướng dẫn bạn. Chúng ta vẫn đang bỏ trốn...
Tôi đã tiếp rất nhiều người đến với tôi và nói, “Tôi không thể làm bất kỳ điều gì. Tôi buông bỏ với thầy - hãy làm một cái gì đó cho tôi!” Tôi luôn ngạc nhiên. Nếu bạn không thể làm bất kỳ điều gì thì làm sao bạn có thể buông bỏ? Buông bỏ là vấn đề rất lớn. Nhưng mọi người nói, “Tôi không thể làm bất kỳ điều gì cho nên tôi buông bỏ”, cứ như buông bỏ không là gì, cứ như buông bỏ nghĩa là không làm bất kỳ điều gì. Làm sao bạn có thể buông bỏ nếu bạn đã không chọn cuộc đời mình? Nếu bạn nghĩ rằng bạn đã không chọn bất kỳ điều gì, rằng bạn chỉ bị quẳng vào cuộc đời, có thể bạn nói, “Tôi đã buông bỏ?”, bạn buông bỏ với ai?
Không! Buông bỏ là hành động vĩ đại nhất, là một hành động toàn bộ. Chỉ có người cảm nhận tự do toàn bộ thì có thể buông bỏ, mà không phải là một người nô lệ. Làm sao một người nô lệ có thể buông bỏ? Chỉ người có trách nhiệm mới có thể buông bỏ. Và nếu bạn có thể buông bỏ thì bạn có thể thực hiện bất kỳ điều gì.
Tự do này phải được hiểu một cách sâu sắc, không như là khái niệm mà như là trạng thái chúng ta sống. Chúng ta tự do. Chính thời điểm này bạn có thể đổi ý.
Không có số phận nào đang ép buộc bạn theo một hướng cụ thể, không quá khứ nào thúc ép bạn, không tương lai nào chèo kéo bạn - chỉ duy nhất bạn. Bạn có thể quay xung quanh thời điểm này và thay đổi. Bạn có thể khác đi, hoàn toàn khác. Bạn có thể là linh hồn mà không là cơ thể.
Không có những mức độ của tự do. Và khi tôi nói rằng không có những mức độ của tự do, không mức độ của lựa chọn thì tôi cũng nói rằng không có những mức độ của chứng ngộ.
Bạn trở nên chứng ngộ một cách bất ngờ. Chỉ có những mức độ của nô lệ mà không có mức độ của tự do, chỉ có những mức độ của vô minh mà không có mức độ của nhận biết. Bạn nhận biết hoặc bạn không nhận biết.
Mọi người đến với tôi và hỏi, “Ai chứng ngộ hơn, Phật hay Mahavira hay Krishna hay Christ?” Cứ như có nhiều mức độ lắm! Những người viết trong kinh sách rằng có nhiều mức độ chứng ngộ là những kẻ ngốc. “Phật đã đạt được mức độ này của chứng ngộ và Mahavira đã đạt được mức độ kia của chứng ngộ, một ai đó khác đã vượt lên cả hai...” Không có những mức độ chứng ngộ!
Bất kỳ ai tan biến đều nhảy. Chứng ngộ là cú nhảy. Cú nhảy vào tan biến, nhận biết của họ không có mức độ. Phúc lạc thấm vào toàn bộ sự sống.
Tương tự, có những mức độ ghét, nhưng không có những mức độ yêu. Có những mức độ giận dữ, nhưng không có những mức độ bao dung - bạn tha thứ hay không. Có những mức độ tội phạm, nhưng không có những mức độ đức hạnh - không thể có.
Bạn hoàn toàn tự do lựa chọn, tự do vô hạn để chọn. Bạn có thể liên tục chọn, rà đời tiếp sau ra đời trong hàng thiên niên kỷ. Không ai có thể nói bạn thay đổi. Bạn không thể thay đổi trừ khi chính bạn nhận ra rằng thế là đủ. Phật nói, “Thế là đủ. Tôi đã từng tồn tại, bây giờ tôi sẽ không đi đâu nữa”.
Khó để hình dung điều này bởi vì logic cảm nhận rằng phải mọi vấn đề đều phải có những mức độ. Lý trí nói, “Làm cách nào tôi có thể nói rằng tôi là tự do khi có đường biên ở mọi nơi?” Có, nhưng đó là do bạn tạo ra nó.
Logic không thể hình dung bởi vì logic là một phần của tâm trí, và logic nghĩ trong điều kiện những nhị nguyên cứng nhắc.
Với logic, có trắng hoặc có đen; bạn tự do hoặc không tự do. Với logic, không có xám. Nhưng trong cuộc sống, xám là thực tại duy nhất: trắng là một cực của xám và đen là cực kia của nó.
Khi bạn nói rằng bạn tự do, tôi cũng sẽ nói rằng bạn tự do để không tự do, bạn tự do để là nô lệ. Tự do của bạn cũng giống như bạn có thể chọn không tự do, bởi vì nếu bạn không thể chọn để trở thành không tự do thì tự do của bạn là không toàn bộ.
Đó là vấn đề khó xử. Logic thông thường sẽ hỏi, “Nếu con người là tự do thì tại sao anh ta lại không tự do? Nếu con người là linh thiêng thì tại sao anh ta lại không cảm thấy linh thiêng? Nếu con người là phúc lạc thì tại sao con người lại không trong phúc lạc?” Nhưng tôi nói rằng con người không tự do bởi vì anh ta tự do – anh ta đã chọn. Con người có thể chọn tự do và trở nên tự do, hay con người có thể chống lại chính mình, chống lại bản năng của mình. Đó là điều mà tự do ngụ ý. Khi bạn có thể chống lại bản tính tự nhiên của bạn, khi bạn có thể trải rộng ý thức của bạn hoặc không trải rộng ý thức của bạn thì bạn trở nên tự do, có trách nhiệm - hay tự làm hại bạn nhiều hơn.
Những con thú không tự do - không tự do trong hoàn cảnh rằng chúng vô thức hơn. Chúng sống theo bản năng, chúng không thể chọn. Chúng có một bản năng cố định; chúng phải theo bản năng đó.
Con người không có bản năng cố định - không có cái thứ như là bản năng con người. Con người có tự do: con người có thể xuống thấp, có thể lên cao: con người có thể tầm thường hơn những con vật hoặc cao cả hơn những thiên thần. Họ không có bản năng cố định.
Bạn càng trở nên ý thức thì bạn càng ít bị ràng buộc hơn. Bạn càng trở nên trách nhiệm thì càng nhiều nguy hiểm hơn. Những thay đổi nguy hiểm sẽ có đó, và bạn sẽ không trốn thoát khỏi chúng trừ khi bạn trở nên hoàn toàn nhận biết. Nhưng vượt lên chúng còn tốt hơn là cố trốn khỏi chúng, bởi vì những nguy hiểm này sẽ giúp bạn nhận biết nhiều hơn. Trốn chạy sẽ chỉ tạo ra vô thức, vô nhận biết, mê lịm hoặc ngủ.
Câu hỏi 5: Linh hồn có rời cơ thể khi thầy chết không? Nó sẽ đi đâu?
Toàn bộ cách nghĩ này - rằng một cái gì đó giữ nguyên và một cái gì đó rời đi – là lầm lạc. Cơ thể thô ráp như chúng ta biết chỉ là nguyên nhân, mặt nạ bên ngoài. Còn có những cơ thể tinh tế liên tục bao quanh linh hồn bạn, thậm chí khi nó rời đi. Những cơ thể này cũng là một phần của bạn.
Cơ thể cùng với tôi bây giờ là một phần của vũ trụ, nhưng bởi vì chúng ta hình dung con người ta như là của ta, điều đó trở thành rắc rối: cơ thể tôi kết thúc ở đâu?
Nếu bạn đi sâu vào nó bạn sẽ nhìn thấy rằng toàn bộ vũ trụ là một phần của bạn, một phần của cơ thể bạn. Ví dụ, nếu mặt trời dừng tại chính thời điểm này, cơ thể bạn không thể tiếp tục tồn tại. Nó không thể tồn tại nếu không có những đại dương, nó không thể tồn tại nếu không có bầu khí quyển. Cơ thể bạn chỉ là một phần, phần không ngừng thay đổi của vũ trụ. Khi mặt trời mọc, một cái gì đó nảy sinh trong bạn. Khi mặt trời lặn, một cái gì đó lặn trong bạn. Khi có trăng bạn khác. Cơ thể bạn không ngừng trong mối liên hệ động với toàn bộ.
Bất kỳ bạn ở đâu, bạn đang trong bất kỳ trạng thái nào thì bạn vẫn ở trong cơ thể. Nếu cơ thể bạn bị vũ trụ lấy đi thì vũ trụ sẽ cho bạn cơ thể khác, trừ khi bạn trở thành toàn bộ vũ trụ một cách tỉnh táo. Vậy thì không cần cơ thể, bởi vì chính vũ trụ không có cơ thể.
Các cá thể buộc phải có cơ thể. Nhưng cơ thể bạn kết thúc ở đâu và nó bắt đầu từ đâu? Đó là rắc rối, rắc rối đa phương diện. Cơ thể bạn không thể tồn tại nếu cơ thể cha bạn không có trong tồn tại. Cơ thể bạn là một phần của chuỗi dài, của chuỗi vĩnh hằng. Cơ thể bạn tồn tại trong cây, trong biển, trong mọi thứ. Nó là vũ trụ nhỏ liên quan tới mọi phần của toàn bộ.
Ngôn ngữ của chúng ta quá thô thiển và hạn chế, cho nên khi chúng ta nói rằng linh hồn rời cơ thể, điều đó gây ra ý tưởng sai lầm. Linh hồn di chuyển bên trong cơ thể của vũ trụ, nhưng vũ trụ liên tục cho nó cơ thể khác. Cơ thể mà bạn bỏ lại phía sau vẫn còn liên quan đến bạn, bởi vì toàn bộ liên quan đến bạn.
Bạn đang bơi trên biển. Bạn để lại một phần biển phía sau và tiến lên phía trước, nhưng phần bị bỏ lại phía sau vẫn là một phần của biển, nơi bấy giờ bạn đang bơi. Biển là duy nhất và bạn đang bơi trong nó chỉ giống như con cá được sinh ra ở biển và sẽ tan biến vào biển. Con cá không là gì mà chính là biển, lạnh cứng ở đâu đó, và sẽ nhanh chóng tan biến trở lại với biển.
Quan niệm của chúng ta về xuất hiện trong cuộc đời và đi khỏi cuộc đời là nguyên thủy. Bạn không thể đi đâu ra ngoài vũ trụ này. Bất kỳ bạn đi đâu thì vũ trụ cũng vận hành như cơ thể đối với bạn. Cơ thể bạn không chỉ là cơ thể của bạn: nó là cộng đồng lớn của nhiều linh hồn; bạn chỉ là một trong chúng. Mọi tế bào của cơ thể đều có linh hồn, mỗi cơ thể đều có bảy mươi triệu tế bào linh hồn sống.
Cơ thể bạn là đám đông của rất nhiều linh hồn sống trong thành phố lớn, và bạn chỉ là một linh hồn sống trong đó. Mỗi một phần của bạn là linh hồn bởi chính quyền hạn của nó. Nó có thể lớn và phát triển bên ngoài bạn, nó có thể yêu và sinh sôi nảy nở bên ngoài bạn; bạn là không cần thiết. Cho nên khi bạn đã rời cơ thể thì cơ thể là một thứ sống. Linh hồn trung tâm đã ra đi, nhưng vẫn có nhiều triệu tế bào còn sống trong cơ thể mà cuối cùng nó có thể phát triển, giống như bạn có thể, thành con người.
Cho nên đó là vấn đề phức tạp. Nhưng có một điều chắc chắn: không có gì chết. Chúng ta là một phần của đại dương sự sống; chúng ta vẫn tiếp tục sống.
Với chúng ta điều đó có vẻ là không thể tưởng tượng, bởi vì chúng ta liên tục nhìn vũ trụ từ một quan điểm cụ thể. Quan điểm đó là sự nhiễu lọan. Nếu điểm đó tan biến và không còn cái tôi để nhìn thì bạn không thể nói rằng khi bạn chết bạn đã đến một nơi nào đó. Bạn đã ở đó. Bạn sẽ tiếp tục ở đó. Thậm chí mọi thứ tan biến thì thực ra không có gì thực sự tan biến; không có gì kết thúc. Nhưng điều đó là có thể chỉ khi không còn cái tôi để nói, “Đây là ta”.
Chúng ta nghĩ rằng chúng ta là trung tâm của vũ trụ, giống như loài người luôn nghĩ rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ. Nhưng khoa học đã chứng minh rằng điều đó không phải như vậy. Sự sai lầm cho rằng mặt trời quay quanh trái đất cũng giống như sai lầm tâm thần rằng chúng ta thắng chúng ta. Thậm chí ngày nay điều đó nhìn có vẻ vẫn đúng, mặc dù chúng ta biết điều đó không đúng. Nếu chúng ta nhìn, có vẻ là mặt trời quay quanh trái đất.
Trong thâm tâm hiện tượng tương tự cũng xảy ra. Trong tôn giáo, chúng ta cũng còn giới hạn, còn bản ngã: có vẻ như mọi thứ chuyển động quanh bản ngã. Đó là ý tưởng sai lầm; thực sự là bạn đang quay trong vũ trụ. Bạn là một phần của nó; bạn không thể khác được.
Bất kỳ điều gì bạn nghĩ từ quan điểm tự coi mình là trung tâm thì cũng sẽ là sai lầm. Đối với tôi, đúng hay sai thì cũng đều có những nghĩa rộng khác nhau. Với tôi, bất kỳ điều gì có bản ngã trung tâm là sai, và bất kỳ điều gì không có bản ngã trung tâm là đúng. Và trừ khi bạn là một với vũ trụ, trừ khi bản ngã tan biến, bạn không thể có cái nhìn đúng.

Trích từ The Great Challenge

0 Đánh giá

Ads Belove Post