Read more
Tri thức – Sự biết
Điều thứ nhất là: tri thức của chúng ta bao giờ cũng về sự vật nào đó của sự biết; chỉ sự biết, sự biết thuần khiết thì chưa bao giờ xảy ra cho chúng ta cả. Chúng ta bao giờ cũng đạt tới tri thức về sự vật nào đó; chỉ sự biết, hiện tượng biết thuần khiết thì chưa bao giờ xảy ra cho chúng ta cả. Chúng ta biết cái cây, con người, tảng đá trong phố, mặt trời trên bầu trời; bất kì khi nào chúng ta biết, thì chúng ta cũng biết cái gì đó như một sự vật. Sự biết thuần khiết chưa bao giờ được kinh nghiệm cả. Các hiền nhân gọi việc biết về các sự vật là tri thức không thuần khiết, bởi vì trong đó sự nhấn mạnh là vào sự vật, không vào bản thân sự biết. Khi chúng ta nhìn lên mặt trời trên bầu trời, thì mặt trời trở thành sự hội tụ của chúng ta, không phải là hiện tượng của việc cảm nhận, của việc biết.
Nếu mọi sự vật bị lấy đi khỏi chúng ta thì tri thức của chúng ta sẽ biến mất ngay lập tức bởi vì nó không có sự tồn tại mà thiếu những sự vật này. Điều đó có nghĩa là tri thức này không phụ thuộc vào chúng ta, nó phụ thuộc vào các sự vật. Nếu mọi sự vật đều bị loại bỏ đi và chỉ có hư không bao quanh chúng ta thì tri thức của chúng ta sẽ biến mất. Chúng ta vẫn chưa biết tri thức đến tận gốc rễ của nó; tri thức của chúng ta bắt rễ vào các sự vật. Đây là một kết luận rất đơn giản: với việc loại bỏ đi mọi sự vật, thì tri thức của chúng ta cũng sẽ tan biến. Điều này thật đáng ngạc nhiên - điều đó nghĩa là tri thức này không phụ thuộc vào chúng ta, nó phụ thuộc vào sự vật mà chúng ta kinh nghiệm. Đây là trạng thái của tri thức của chúng ta.
Hiền nhân này không ngụ ý loại sự biết này khi ông ấy nói, “Brahman là sự biết,” bởi vì tri thức mà phụ thuộc vào người khác thì các hiền nhân gọi là dốt nát. Nếu bạn không có tự do để là người chủ tri thức riêng của mình, thế thì bạn có thể có tự do và quyền làm chủ ở đâu khác được? Tri thức này của chúng ta có liên quan tới mọi kinh nghiệm khác của chúng ta. Tất cả các kinh nghiệm của chúng ta đều giống tri thức này. Bạn có thể vẫn còn trong trạng thái yêu khi không có người để yêu không? Bạn có thể vẫn còn yêu trong sự vắng mặt của người yêu của bạn được không? Bạn có thể nghĩ là bạn có, nhưng điều đó là có thể chỉ khi ít nhất bạn đem được người yêu của mình vào trong tưởng tượng cuả mình, bằng không thì không thể được. Tưởng tượng này về đối tượng sẽ có ích, nhưng bạn không thể yêu theo cách riêng của mình được, cho nên làm sao tình yêu này có thể là bản chất cố hữu của bạn được? Tình yêu này phụ thuộc vào người khác.
Đó là lí do tại sao những người yêu trở thành kẻ nô lệ tồi tệ nhất trên trái đất - mặc dầu tình yêu đáng phải đem lại quyền làm chủ cái ta của mọi người, tình yêu đáng phải là tự do tối thượng của bạn bởi vì nó là kho báu lớn lao nhất. Nhưng chúng ta không biết tới kho báu này. Điều chúng ta gọi là tình yêu thì bao giờ cũng phụ thuộc vào người khác. Nó trở thành sự phụ thuộc tới mức nó trở thành cảnh nô lệ.
Tình yêu là tự do, cho nên tình yêu của chúng ta, và tình yêu được Jesus hay Phật nói tới như tự do, là những điều hoàn toàn khác nhau. Chúng ta trở nên nhận biết về cái đẹp khi chúng ta thấy một bông hoa, chúng ta trở nên nhận biết về cái đẹp khi chúng ta thấy mặt trời lặn - nhưng chúng ta có nhận biết về cái đẹp mà không phụ thuộc vào sự vật, mà là cái đẹp trực tiếp và thuần khiết không? Không, chúng ta còn chưa biết tới cái đẹp như vậy. Tất cả mọi kinh nghiệm của chúng ta đều hướng vào cái khác, và chúng ta là tổng của những kinh nghiệm này. Cho nên chúng ta có sự tồn tại riêng của mình, tính cá nhân riêng của mình, hay chúng ta chỉ là một tuyển tập, tổng của vài kinh nghiệm vốn phụ thuộc vào người khác? Nếu hoa không nở, thì cái đẹp tan biến đối với chúng ta. Nếu không có sự vật nào, thì tri thức của chúng ta tan biến. Nếu không có người yêu, thì tình yêu tan biến đối với chúng ta.
Bất kì cái gì chúng ta có, thì chúng ta đều nhận nó từ người khác. Sự tồn tại của chúng ta được vay mượn. Đó là lí do tại sao chúng ta lại đứng ăn xin cả đời mình trước người khác - bởi vì chúng ta sợ mọi lúc rằng nếu người khác từ chối hỗ trợ cho chúng ta, thì chúng ta sẽ lẩn đi và biến mất.
Khi người yêu của bạn chết thì bạn không đau đớn bởi cái chết của cô ấy hay anh ấy, bạn đau đớn bởi vì đấy là cái chết của tình yêu của riêng bạn; bạn chưa bao giờ biết tới một tình yêu có đó mà không có người yêu. Khi bạn mất của cải thì nỗi đau đớn không phải vì việc mất mát này; nó là do sự kiện là cùng với của cải, thực tại của bạn là người giầu có cũng mất đi. Nếu bạn lấy đi kinh sách của người có học, thì bạn không chỉ lấy đi kinh sách đó, cùng với điều đó chính tri thức của người đó cũng mất đi. Đó là lí do tại sao một bác học, một học giả coi trọng sách của mình còn hơn cái đầu của mình, người đó đánh giá sách còn trên sự tồn tại riêng của mình - người đó cúi mình trước kinh sách của mình. Nếu chân người đó ngẫu nhiên chạm vào sách, thì người đó hoảng sợ. Nếu tri thức của người đó phụ thuộc vào sách này đến thế, thì đây không phải là tri thức.
Cho nên điều thứ nhất là: mọi kinh nghiệm của chúng ta đều là vay mượn. Nếu mọi kinh nghiệm của chúng ta đều bị lấy đi khỏi chúng ta thì chúng ta sẽ tan biến như cái máy có mọi bộ phận bị tháo rời và loại bỏ đi. Cái máy không là gì ngoài một tổng của các bộ phận của nó. Và người chỉ là một tuyển tập như thế sẽ không có khả năng biết được linh hồn vốn là tự do tối thượng.
Bạn hãy cố gắng hiểu việc biết này mà các hiền nhân gọi là brahmagyan. Điều thứ nhất là ở chỗ nó không phụ thuộc vào người khác, vào sự vật, vào cái gì đó. Khi tri thức phụ thuộc vào một sự vật thì nó là mối quan hệ, khi nó không phụ thuộc vào sự vật thì nó là trạng thái hiện hữu. Bạn hãy cố gắng hiểu sự khác biệt giữa trạng thái hiện hữu và quan hệ.
Bạn nói, “Anh yêu em” hay "Em yêu anh". Bây giờ, tình yêu này sẽ biến mất nếu bạn không có đó bởi vì tình yêu này là mối quan hệ, nó cần hai thực thể, mối quan hệ là giữa hai thực thể. Nếu một trong hai bị loại bỏ đi, thế thì mối quan hệ cũng biến mất. Bạn không thể xây cái cầu chỉ dùng một bờ sông được, bờ bên kia cũng được cần tới. Cây cầu là mối quan hệ giữa hai bờ.
Nhưng Phật lại tràn đầy tình yêu ngay cả khi ngài trong đơn độc ngồi dưới cái cây mà không ai ở xung quanh cả, cũng như khi hàng nghìn người tới thăm ngài. Điều đó tuyệt đối không khác biệt gì cho tình yêu của ngài cả. Tình yêu của ngài không phải là mối quan hệ, nó là trạng thái hiện hữu. Phật không bị gắn bó vào ai cả, tình yêu là chính bản tính của ngài. Tình yêu của ngài sẽ mưa rào xuống ngay cả ở nơi hoang vắng, như khi hoa nở trên con đường hoang vu và lan toả hương thơm của nó. Điều đó cũng giống như ngọn đèn sáng trong bóng tối: không ai có đó mà nhìn nó nhưng nó vẫn cứ toả ánh sáng bởi vì nó không có quan hệ với cái khác; việc lan toả ánh sáng là chính bản chất của nó.
Mặt trời chiếu sáng theo cùng cách đó khi chúng ta đã không tồn tại trên trái đất. Nó sẽ toả sáng theo cùng cách khi chúng ta không ở đây. Không có mối quan hệ giữa việc toả sáng của mặt trời và việc chúng ta nhìn nó. Toả sáng là chính bản chất của mặt trời.
Một người như Phật bao giờ cũng tràn đầy tình yêu - trong thực tế, chỉ vị phật mới tràn đầy tình yêu - bởi vì tình yêu này không thể bị lấy đi; cho dù một mình, thì ngài cũng vẫn tràn đầy tình yêu. Tình yêu này không phải là cây cầu, không phải là mối quan hệ, tình yêu này là trạng thái hiện hữu, trạng thái của tâm thức.
Khi điều thiêng liêng được gọi là sự biết, khi cái ta vũ trụ được gọi là sự biết, thì điều đó ngụ ý sự biết là chính bản chất, không phải quan hệ.
0 Đánh giá