Trí tuệ - Trực giác

Trí tuệ - Trực giác

Price:

Read more



Tôi thấy buồn cười bởi nhiều lí do. Trước hết, bất kì ai nghe tôi, người đã đọc tôi, đều sẽ thấy rất dễ dàng rằng tôi không phải là con người của trí tuệ, bởi vì về mặt trí tuệ bạn có thể thấy cả nghìn lẻ một bất nhất và mâu thuẫn trong các phát biểu của tôi. Nhưng tôi chẳng thấy bất nhất nào, chẳng thấy tự mâu thuẫn nào, bởi vì với tôi cuộc sống không là logic và để tìm ra chân lí của cuộc sống, trí tuệ không phải là con đường. Cuộc sống là điều bí ẩn, bạn không thể hình dung ra được nó là gì. Bạn có thể kinh nghiệm nó, nếm trải nó, ca hát nó, nhảy múa nó, nhưng bạn không thể giải thích nó. Bạn không thể tạo ra lí thuyết từ nó.
Khoảnh khắc bạn bắt đầu làm ra lí thuyết, ngay lập tức bí ẩn của cuộc sống biến mất. Chức năng của trí tuệ là lí thuyết hoá. Khoa học tùy thuộc vào trí tuệ. Đó là lí do tại sao có thể nói rằng toàn thể nỗ lực của khoa học là để giải trừ bí ẩn của sự tồn tại. Khoa học chia sự tồn tại thành hai loại: cái biết và cái không biết. Và cái được biết hôm nay đã là cái không biết hôm qua, và cái không biết hôm nay có thể là cái biết ngày mai, cho nên phân biệt này không phải về chất - vấn đề chỉ là thời gian và tìm kiếm của con người. Khoa học có thể quan niệm một ngày nào đó khi tất cả sẽ được biết và phân loại của cái không biết sẽ biến mất. Đây là cách thức của trí tuệ: giải bí ẩn, làm cho mọi thứ thành được biết, phá huỷ cái không biết.
Làm sao bạn có thể nói rằng tôi là con người của trí tuệ? Tôi đang làm chính điều đối lập lại. Toàn thể nỗ lực của tôi là làm cho ngay cả cái biết thành cái không biết. Đem bí ẩn trở lại trong cuộc sống của bạn - ngay cả trong những thứ nhỏ bé mà bạn đã bắt đầu coi như đương nhiên có, tôi muốn bạn có cái nhìn khác.
Tôi nhớ tới một trong những con người tuyệt vời nhất trong thế kỉ này, D.H. Lawrence. Ông ấy đang đi dạo trong vườn với một đứa trai nhỏ, cũng hệt như mọi đứa trẻ nhỏ đều tò mò, đứa bé cứ hỏi hết câu hỏi nọ tới câu hỏi kia. Với một câu hỏi, ngay cả D.H. Lawrence cũng bị sững sờ. Đứa trẻ hỏi, "Cháu xin lỗi. Cháu chắc phải làm bác mệt bởi việc hỏi các câu hỏi, nhưng đây là câu hỏi cuối cùng: cháu muốn biết tại sao cây lại xanh."
Và câu trả lời chợt đến từ D.H. Lawrence là có ý nghĩa; nó không phải là câu trả lời của trí tuệ. Ông ấy nói, "Cây xanh bởi vì chúng xanh."
Đứa bé đồng ý, điều đó là hoàn toàn đúng. Nhưng Lawrence cứ nghĩ mãi, "Đấy mà là câu trả lời sao? Liệu có người nào tiếp cận tới cuộc sống một cách trí tuệ mà được thoả mãn với nó không?" Nhưng thực tại là ở chỗ bất kì điều gì chúng ta biết đều bị bao bọc bởi tính không thể biết được vô hạn; không chỉ cái không biết.
Và đó là nơi tôi tạo ra sự khác biệt. Khoa học khách quan phân chia cuộc sống, sự tồn tại, thành hai loại - cái biết và cái không biết. Khoa học của nội tâm phân chia cuộc sống thành ba loại - cái biết, cái không biết và cái không thể biết được. Và cái không thể biết được là quan trọng nhất, bởi vì chung cuộc bạn phải đối diện với nó. Và khoảnh khắc bạn đối diện với cái không thể biết được, bạn phải nhận ra dốt nát của mình, bạn phải trở thành đứa trẻ nhỏ lần nữa.
Socrates tương truyền đã nói, "Khi tôi còn trẻ tôi đã nghĩ tôi biết mọi thứ." Và ông ấy là một trí thức vĩ đại. "Khi tôi già hơn một chút tôi đã không chắc chắn thế, càng già thêm chút nữa và càng không chắc chắn thêm, già thêm chút nữa và bây giờ tôi có thể nói chắc chắn rằng tôi chẳng biết gì cả."
Và trước khi chết ông ấy nói, "Chỉ mỗi một điều tôi biết, đó là tôi chẳng biết gì cả." Đây là phát biểu từ người có một trong những trí tuệ tinh tuý nhất; nhưng ông ấy có cái gì đó còn hơn, cao hơn và sâu hơn trí tuệ, và đó là trực giác.
Tôi không phải là con người của trí tuệ, bởi vì toàn thể công việc của tôi là với cái không thể biết. Phương pháp của khoa học là trí tuệ, phương pháp của thế giới nội tâm là trực giác. Trí tuệ là tuyệt đối vô nghĩa.
Khi bạn bắt đầu đi vào nội tâm, vào sâu hơn trong thiền, nhận biết, ý thức, bạn sẽ trở thành ngày một nhận biết hơn về điều bí ẩn, điều huyền bí, và bạn sẽ trở nên nhận biết về sự kiện rằng sự tồn tại về cơ bản là cái không thể biết. Chúng ta có thể biết chút ít vài mẩu mảnh đây đó và thế là đủ cho cuộc sống thực tế của chúng ta nhưng bạn càng đi sâu hơn bạn bao giờ cũng bắt gặp bức tường.
Đã có thời một thế kỉ trước đây các nhà khoa học còn rất lạc quan bởi vì khoa học đã đi tới biết ngày một nhiều hơn. Nhưng sau Albert Einstein mọi sự đã thay đổi hoàn toàn. Albert Einstein đã đi tới chỗ sâu nhất, chính bên trong của vật chất, và đã bị phân vân bởi vì điều ông ấy đi tới hiểu ra lại bí ẩn, phi logic đến mức ngay cả làm ra lí thuyết khoa học từ nó cũng dường như là không thể được.
Một điều là ở chỗ khi nguyên tử được phân chia thành điện tử, Einstein đã trở nên nhận biết rằng điện tử không di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Chúng đơn giản, từ điểm A, biến mất và xuất hiện tại điểm B - chúng không đi ở giữa. Bạn không có dấu vết chút nào về việc du hành của chúng, không vết tích. Làm sao mà giải thích được điều đó? Điều đó tới gần ảo thuật hơn là khoa học; điều đó tới gần những kinh nghiệm lớn của các thiền nhân hơn là khoa học.
Khi tôi đọc điều này tôi đã nhớ tới một trong các thiền nhân vĩ đại: Basho nói, "Trên đường của chân lí không có con đường nào cả. Điều đó cũng giống như chim bay trên trời, nó không để lại dấu vết nào đằng sau nó." Tất nhiên trong không trung không dấu vết nào có thể được để lại. Tôi đơn giản nhớ tới từ 'nó không để lại dấu vết nào đằng sau nó.'
Và Albert Einstein thấy điện tử di chuyển từ điểm A sang điểm B và ở giữa không có dấu vết. Không vết tích nào. Cứ dường như chúng biến mất từ điểm này và xuất hiện tại điểm khác - điều tuyệt đối phi logic. Điều đó gây rắc rối cho Albert Einstein trong nhiều ngày để tuyên bố với những người bạn khoa học của mình rằng ông ấy đã bắt gặp một hiện tượng vượt ra ngoài trí tuệ. Nhưng ông ấy có thể làm được gì? Đây là cách thức sự tồn tại đang hành xử và sự tồn tại không có nghĩa vụ phải hoàn thành các yêu cầu của chúng ta về trí tuệ, logic, nhất quán. Chúng ta phải đi cùng sự tồn tại; sự tồn tại không định đi cùng chúng ta.
Những nghiên cứu khoa học mới nhất đã trở nên ngày một bí ẩn hơn và đây là một trong những hi vọng lớn nhất, rằng chẳng bao lâu nữa chúng ta có thể tạo ra một khoa học duy nhất. Không cần tôn giáo và không có nhu cầu về khoa học - một khoa học với hai cánh. Cánh bên trong là bí ẩn và cánh bên ngoài cũng bí ẩn. Bây giờ điều đó là có thể bởi vì cả hai đang đi vào trong khu vực của bí ẩn.
Điều đó đã xảy ra nhiều lần nhưng mọi người không chú ý tới nó bởi vì nó hiếm thế.
Bạn phải đã từng nghe đến cái tên của Bà Curie - bà ấy là một trong những nhà khoa học được giải thưởng Nobel - và bà ấy đã làm việc trên vấn đề khoa học trong nhiều năm mà chẳng đi đến đâu cả. Một đêm bà ấy làm việc muộn và đã thực sự mệt mỏi và chán ngán với vấn đề - bà ấy gần như sắp vứt bỏ ý niệm đó và bắt đầu một dự án khác nào đó. Phỏng có ích gì mà phí thời gian về cái gì đó đã tiêu tốn tới bốn hay năm năm cuộc đời mà bà ấy vẫn chỉ ở chỗ bà ấy đã bắt đầu - không một thoáng nhìn, không một manh mối. Và cuộc đời thì ngắn; bạn không thể phí hoài toàn bộ cuộc sống của mình vào một vấn đề khoa học.
Đêm đó bà ấy đi ngủ trong khi nghĩ, "Ngày mai mình sẽ đem đốt tất cả các giấy tờ mà mình đã viết ra trong năm năm này - mình bị kết thúc với nó rồi." Đến sáng khi bà ấy thức dậy bà ấy ngạc nhiên, bà ấy không thể nào tin được vào điều đó. Trên bàn mình, trong cuốn sổ tay còn để mở của mình, bà ấy đã bỏ lại đêm hôm trước, câu trả lời đã được viết ra. Và điều gây phân vân nhất là ở chỗ căn phòng bị khoá kín từ bên trong; không ai đã vào. Chồng bà ấy cũng là một nhà khoa học nhưng nếu bà Curie đã không thể giải quyết được vấn đề này trong năm năm thì ông ấy không thể xoay xở được chỉ trong một đêm. Và hơn nữa, ông ấy lại không có nhà, ông ấy đã đi công tác.
Khi bà ấy nhìn kĩ hơn điều đó lại càng trở nên mỗi lúc một bí ẩn hơn - chữ viết là của bà ấy. Thế rồi bà ấy nhắm mắt và cố gắng nhớ lại điều đã xảy ra, và thế rồi toàn bộ khung cảnh tự nó lộ ra...
Bây giờ bà ấy nhớ rằng trong đêm bà ấy đã có giấc mơ. Bà ấy đã đi ra bàn, viết ra câu trả lời, quay trở lại giường và quên hết về điều đó. Đấy không phải là giấc mơ, đấy là thực tại, bởi vì cuốn sổ và câu trả lời là bằng chứng rằng bà ấy đã không mơ, nhưng từ đâu mà câu trả lời này tới? Bởi vì không có gì khác trên trang giấy, chỉ mỗi câu trả lời.
Điều đó không phải là từ trí tuệ của bà ấy - từ trí tuệ bà ấy đã từng làm việc trong năm năm. Nhưng bởi vì bà ấy đã mệt mỏi trí tuệ nói, "điều đó ở ngoài mình." Bà ấy đã ngủ với ý niệm này rằng "Mình bị kết thúc với nó" - đây là quyết định của trí tuệ và trong những khoảnh khắc như vậy trực giác kế tục. Trực giác nắm quyền chỉ khi trí tuệ bị kết thúc. Trí tuệ là để dành cho thực tại thấp - cho thế giới trần tục. Trực giác là dành cho thực tại cao, cho điều bí ẩn, cho điều huyền bí.
Thế rồi bà ấy đã đi ngược từ câu trả lời cho toàn bộ quá trình và đã thấy rằng câu trả lời là đúng. Điều này là tương tự, đích xác tương tự với trường hợp của Phật Gautam. Nhưng không ai đã từng so sánh hai quá trình này.
Phật Gautam đã trở nên chứng ngộ vào cái đêm khi ông ấy đã quyết định vứt bỏ mọi nỗ lực. Ông ấy đã mệt mỏi, ông ấy đã làm đủ mọi thứ mà thầy bảo, thầy giáo bảo, kinh sách bảo, và ông ấy đã làm mọi thứ một cách tốt nhất mà chẳng cái gì xảy ra cả. Mười hai năm đã trôi qua từ khi ông ấy rời bỏ cung điện mà tay ông ấy vẫn trống rỗng như xưa. Lúc đó là đêm trăng tròn, ngồi dưới gốc cây ông ấy đã quyết định rằng toàn bộ việc tìm kiếm là vô ích - 'Mình được chấm dứt với nó.'
Với cùng thái độ như bà Curie đi vào giường, phật đi ngủ dưới gốc cây. Và vào buổi sáng khi ông ấy mở mắt ra, khi mặt trời đã lên, ông ấy kinh ngạc nhìn ra thế giới. Nó không phải là thế giới mà ông ấy đã ngủ trong đó. Đây không phải là con mắt mà ông ấy đã đi ngủ cùng - ông ấy đã có con mắt mới và thế giới mới. Nó chói sáng, nó là điều bí ẩn ở khắp nơi. Và mọi lo âu của ông ấy đã biến mất, mọi hỏi han đã biến mất - có im lặng tuyệt đối và thanh bình mênh mông.
Lần đầu tiên ông ấy cảm thấy mình ở nhà, ông ấy đã đạt tới - bây giờ chẳng còn đâu mà đi, mục đích đã đạt được. Trí tuệ đã làm việc trong mười hai năm - mệt mỏi, nó bị vứt bỏ ra khỏi con đường, nhường chỗ cho trực giác bước vào; và điều không thể được cho trí tuệ không phải là không thể được cho trực giác.
Với trực giác cách tiếp cận là khác toàn bộ, nó là cách tiếp cận hồn nhiên không logic. Nó là cách tiếp cận của trẻ con khi được sinh ra và mở mắt ra lần đầu tiên. Nó chẳng biết gì nhưng nó nhìn mọi thứ, mặc dầu nó không thể nói, "Tường là gì, cột là gì, mọi người là gì và con vật là gì?" - nó không thể phân biệt được. Nhưng nó đang thấy mọi thứ. Nó không thể mô tả, nó không có lời nhưng điều đó không có nghĩa là nó không thấy. Trực giác là việc thấy thuần khiết - nó không phải là quá trình, nó là bước nhảy lượng tử.

Ads Belove Post