Osho - Niết Bàn - Cơn ác mộng cuối cùng – Trích dẫn

Osho - Niết Bàn - Cơn ác mộng cuối cùng – Trích dẫn

Price:

Read more

Osho - Niết Bàn - Cơn ác mộng cuối cùng – Trích dẫn


…Nếu bạn muốn sống một cách thực sự, bạn phải thật thoải mái , tự nhiên. Cuộc sống là tự nhiên, không gò bó. Hãy sẵn sàng cho giây phút hiện tại. Hãy để cái giây phút hiện tại dẫn dắt bạn, đừng lập kế hoạch cho nó. Cuộc sống chẳng có mục đích gì. Hãy nhìn những bụi cây, ánh nắng mặt trời. Đâu là mục đích của cây cối ra hoa? Chim hót vì mục đích gì? Đâu là mục đích của mặt trời mọc hàng ngày mỗi sáng? Chẳng có mục đích gì…

…Tương lai không phải là một phần của thời gian; nó chỉ là một phần của ước muốn. Thời gian chỉ là duy nhất cái hiện tại, luôn luôn là cái hiện tại, không bao giờ là cái gì khác. Quá khứ chỉ ở trong ký ức, trong tâm trí, nó không phải là một phần của thời gian. Và tương lai cũng chỉ là một phần của tâm trí- là cái ước muốn. Và giữa hai cái đó là là một khoảnh khắc rất nhỏ được gọi là hiện tại. Thời gian luôn luôn là hiện tại bây giờ. Nếu bạn lỗi cái bây giờ, bạn đang phạm lỗi tự sát. Bạn đang trì hoãn cuộc sống cho một lý tưởng nào đó. Cuộc sống của bạn sẽ trở nên một thông lệ chết, vô dụng. Hãy là- và quên đi việc trở thành. Trở thành chính là cơn ác mộng. Hãy buông thả. Bạn đã là hoàn hảo. Cuộc sống như nó là, là hoàn hảo từng giây, từng phút. Niết bàn đơn giản là chẳng có gì. Nó là cái không tuyệt đối, là sự trống rỗng. Làm sao bạn theo đuổi được cái trống rỗng? Bạn vừa biến mất hoàn toàn một cách tối hâu.

…Cách duy nhất để trở thành một vị Phật: Hãy là chính mình. Bạn là hiện tượng độc nhất và khác biệt hoàn toàn. Bạn không phải là sự lặp lại. Hiện hữu không bao giờ lặp lại. Nó là nguyên bản một cách vĩnh cửu. Nó tiếp tục làm mới những con người mới, những sinh vật mới. Bạn sẽ không bao giờ có ở đây lần nữa. Trước đây bạn cũng chưa từng ở đây bao giờ. Một cách hoàn toàn mới mẻ, tươi nguyên, bạn đến. Tại sao lại cố gắng trở thành cái cũ rích? Một người có cá tính luôn là một người đã chết, một người đã tạo ra vỏ bọc xung quanh hắn. Lớp vỏ đó không cho phép hắn gặp gỡ cuộc sống- cuộc sống ở đây và bây giờ. Chỉ có một qui tắc vàng- đó là không có qui tắc vàng nào cả. Mỗi qui tắc chỉ là tùy ý, tương đối. Không có qui tắc nào là tối hậu. Nó hữu ích trong một số tình huống, nhưng không phải trong tất cả. Chỉ có thứ duy nhất để đạt được: sự tỉnh thức. Và sự tỉnh thức đơn giản đến khi mà bạn sống cái giây phút hiện tại, ở đây và bây giờ. Bạn đang ăn, hãy ăn. Đang đi, hãy đi. Ngồi, hãy chỉ ngồi. Hãy tỉnh thức! Hãy thưởng thức nó. Nó là một món quà vĩ đại. Đang thở, hãy thở. Hãy vui thích với nó. Đang nhìn, hãy nhìn. Đang ngủ, hãy ngủ. Hãy là bình thường nếu như bạn muốn là một vị Phật. Đơn giả hãy là bình thường và là chính bạn. Hãy làm những việc của bạn và đừng lo lắng về những người khác, và đừng cố gắng đi theo bất kỳ ai khác. Bạn sẽ không tìm thấy Thượng đế ngày mai, Ngài luôn luôn là hôm nay. Ngày mai là địa ngục. Hôm qua là địa ngục. Chỉ hôm nay là Niết bàn.

…Cái gì  xảy ra khi bạn đơn thuần ngồi? Toàn thể năng lượng đi vào cơ thể, hay đi ra ngoài cơ thể bị tiêu tốn trong các hành động, bây giờ thôi không di chuyển nữa. Năng lượng được tiếp tục tích tụ. Cơ thể sẽ thành cái bể chứa năng lượng. Nó bắt đầu tuôn tràn. Khi cái giây phút tuôn tràn đến, đó là satori, ngộ, một thoáng nhìn. Một thoáng nhìn vĩ đại. Và nó luôn luôn là đột ngột, sự thức tỉnh đột ngột. Nó là phúc lạc. Khi mà cái phúc lạc đó trở thành trạng thái thường hằng của con người bạn thì nó được gọi là samadhi.

…Nếu không giác ngộ thì bạn chẳng sống chút nào cả, bạn chỉ dường như hiện hữu thôi. Sự giác ngộ không bao giờ là một mục đích. Mỗi khi ước muốn điều gì, ta trở nên căng thẳng, rối loạn. Ước muốn vẫn tồn tại với tương lai. Cái không có ở đây không thể nào bị ước muốn. Bạn có thể vui sướng trong giác ngộ, bạn sống trong nó, nhưng bạn không thể ham muốn nó. Ham muốn xuất hiện như đường chân trời. Bạn đi, bạn di chuyển, nó sẽ di chuyển cùng bạn. Khoảng cách giữa bạn với đường chân trời vẫn cứ y nguyên như cũ, hằng định. Khi một người hiểu được điều này thì các ước muốn tự nó rơi rụng, thế thì có sự vô cầu. Sự vô cầu đơn giản là sự vắng mặt của ước muốn. Tình yêu chân thực không đối nghịch với cái ghét, nó đơn giản là sự vắng mặt của lòng ghen ghét. Từ bi không là đối lập của giận dữ. Khi giận dữ biến mất thì thông cảm, từ bi có đó. Từ bi là bản chất của bạn. Vô cầu chính là bạn. Khi bạn không có một mục đích nào, niết bàn đến với bạn. Bất cứ chỗ nào bạn đang ở, hãy ở đó. Đây là cánh cửa dẫn đến cái siêu phàm và cái siêu phàm đi vào trong bạn. Niết bàn sẽ trở thành cơn ác mộng nếu bạn cố tìm nó. Tài sản, uy tín, quyền lực đều có thể kiếm được, nếu bạn kiếm nó, dĩ nhiên cần mất một thời gian dài, rất nhiều nỗ lực, và hầu như là vô dụng, bởi khi bạn kiếm được, bạn thấy chẳng có gì ở đó. Nếu bạn điên thì bạn có thể kiếm được bất cứ thứ gì trong thế giới này. Chỉ cần bạn đủ điên tới mức… hầu như mất trí, cuồng dại. Rồi thì bạn sẽ chiến thắng, bởi không ai có thể cạnh tranh nổi với bạn- trừ phi ai đó điên hơn bạn mới có thể cạnh tranh nổi với bạn. Niết bàn không xảy ra nếu bạn đi tìm nó, bởi vì bản chất của nó lại ngăn cản bạn đạt tới nó. Không ai ngăn trở con đường của bạn ngoại trừ chính cái ước muốn của bạn. Hãy nghỉ ngơi. Hãy là chủ nhà. Hãy ở đây và bây giờ. Đây là thiền. Chỉ ngồi trong chờ đợi, tỉnh táo, nhận biết, chẳng đi đâu cả… và điều kỳ diệu của những điều kỳ diệu xảy ra- rằng cái mà bạn tìm kiếm lại không kiếm được, mà nó đột ngột xảy ra cho bạn. Mọi tương lai đều ở bên ngoài, cái hiện tại là ở bên trong. Hiện tại không phải là một phần của thời gian. Hiện tại là vĩnh cửu. Nó là bây giờ- vĩnh cửu. Nó ở trong bạn. Một khi bạn quay trở lại, bạn sẽ bắt đầu cười. Những cái cây này… có thể đang ngủ say, đang ngáy, nhưng chúng đã được giác ngộ. Hãy bước ra khỏi tâm trí muốn đạt tới của bạn và hãy nhìn. Bạn có thể nghe tiếng chim hót? Chúng đã được giác ngộ… các vị phật đang tán gẫu. Không thể khác được. Nó phải như thế. Thượng đế không tách biệt khỏi cuộc sống mà là cuộc sống. Thần tính không phải là tách biệt để mà xảy ra hoặc không xảy ra. Nó được ẩn trong mọi thứ hiện hữu, trong hòn đá, trong cây, trong một con chim,… nhưng trước tiên bạn phải nhận ra nó trong bạn, bởi vì đó là cái thực gần nhất trong bạn. Một khi bạn thấy nó, bạn sẽ thấy nó ở khắp mọi nơi. Khi bạ giác ngộ, cả thế giới đều giác ngộ.

…Một người có cá tính, một kẻ đạo đức sẽ khó buông bỏ bản ngã hơn người không có cá tính, không có đạo đức. Bản ngã của người vô đạo đức đã ốm yếu sẵn. Còn bản ngã của người đạo đức lại được tô điểm với nhiều huân chương hơn, được ban thưởng nhiều hơn.

…Tính ngây thơ là cần thiết- và ngây thơ có đó khi mà cái bản ngã đã biến mất. Sự đơn giản là cần thiết và sự đơn giản không phải là thứ được vun trồng. Hãy để cái toàn thể sống thông qua bạn và đó là đạo đức. Đạo đức không phải là cái bạn làm và thực hành. Nó là một cái gì đó, khi bạn biến mất và cái toàn thể được phép tồn tại thông qua bạn, khi bạn cùng chảy với dòng sông, khi bạn không đi ngược dòng.

…Bản ngã đã làm mọi thứ có thể để hại bạn, để làm tổn thương bạn. Nó giống như một chứng ung thư. Bạn đang chết vì nó, nhưng bạn vẫn tiếp tục bám vào nó. Lý do rất sâu xa là bạn cảm thấy sợ cái trạng thái không tồn tại. Nếu bản ngã tiêu tan, thế thì bạn cũng tiêu tan. Ít nhất thì… có thể nó sẽ gây ra khốn khổ, nhưng ít nhất thì bạn cũng còn được tồn tại. Hãy tỉnh thức để chọn lựa cái không hiện hữu, chỉ khi ấy bạn mới có thể buông bỏ bản ngã. Không tồn tại là cái khoảnh khắc đẹp đẽ nhất, phúc lạc, sự sung sướng, đó là ân huệ của sự giác ngộ. Không hiện hữu là cách duy nhất để hiện hữu, cách chân thực để tồn tại. Nghịch lý, nhưng nó là thế. Bạn càng cho rằng bạn tồn tại, thế thì bạn lại càng không tồn tại. Ví như nếu như bạn khỏe mạnh thì bạn quên mất cơ thể. Nếu bạn thực sự có đó, bạn quên mất bản ngã. Khi một người hoàn toàn có đó thì không có cái tôi, có cái diễn trình tồn tại, nhưng không có cái tôi. Và diễn trình tồn tại này là bất tận, không có biên giới. Cái tôi thì rất nhỏ bé, nhăn nhúm và bệnh hoạn.

…Vô vi có nghĩa là hành động mà không hành động. Nó có nghĩa làm mà không làm. Nó có nghĩa là cho phép những gì muốn xảy ra… Và đó là cách thức của trái tim, cách thức của tình yêu. Chúng luôn đòi hỏi cái người làm phải buông bỏ, phải bị quên đi. Bạn phải sống cuộc sống của bạn như một dòng chảy của cái không biết. Đừng di chuyển ngược dòng và đừng thúc đẩy dòng sông. Hãy trôi chảy cùng với dòng sông. Vô vi có nghĩa là cái bộ phận đã hiểu rằng, nó chỉ là một bộ phận và phải buông bỏ đấu tranh. Bây giờ cái toàn thể đang làm và cái bộ phận thì hạnh phúc. Cái toàn thể đang tự lo liệu lấy. Bạn chẳng có gì trong tay cả. Bạn làm ơn hãy thư giãn. Đừng phí thời gian. Hãy cho phép cái toàn thể tiếp quản và dẫn đường cho bạn. Hãy tôn vinh giây phút này ở đây. Bạn đã đạt được rồi. Bạn đã biết đến kho tàng được ẩn giấu của riêng bạn.

…Tìm kiếm một điều gì đó, ham muốn một điều gì đó, ấy là căn bệnh căn bản của tâm trí. Không tìm kiếm, không ước muốn là sức khỏe căn bản của con người bạn. Chính ước muốn mà thế giới tồn tại. Những gì bạn ước muốn đều là tầm thường, là trần tục, là ảo tưởng- Là ảo tưởng bởi vì bạn chẳng cần cái gì cả. Thế giới là ác mộng bởi sự ham muốn, và rồi niết bàn sẽ là cơn ác mộng cuối cùng. Dĩ nhiên là cái cuối cùng, bởi vì bạn thức tỉnh trong việc tìm kiếm thượng đế và niết bàn, mọi ác mộng sẽ biến mất.

…Người tôn giáo không có bộ y phục của niềm tin. Hắn đơn giản xúc chạm trực tiếp vào cuộc sống. Trong sự xúc chạm đó có sự tan chảy, có sự hòa lẫn, ở đâu đó bạn sẽ không còn nữa. Đâu đó bạn trở nên cái toàn thể và cái toàn thể trở nên bạn. Đai dương rơi vào trong giọt nước và giọt nước trở thành đại dương. Nếu bạn không có bất kỳ niềm tin nào, vậy thì bạn chẳng có tương lai nào khác, bởi vì cuộc sống là ở đây và bây giờ. Nhưng chúng ta cứ tiếp tục trì hoãn- cho đến khi cái chết đến và lấy đi mất món quà. Hy vọng chỉ là cách để trì hoãn cuộc sống. Mọi ước muốn đều là cách thức để trì hoãn cuộc sống, mọi niềm tin đều là những trò lừa để né tránh cái đang hiện hữu và để tiếp tục nghĩ về cái không hiện hữu. Nếu bạn thôi không tìm kiếm niết bàn, bạn sẽ thấy niết bàn ẩn nấp trong chính cuộc sống. Nếu bạn ngưng tìm kiếm Thượng đế, bạn sẽ thấy Thượng đế ở khắp mọi nơi… trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Thượng đế, niết bàn là tên gọi khác của cuộc sống đang được sống đây. Bạn chỉ mới nghe thấy từ “cuộc sống”, nó không phải là một kinh nghiệm được sống. Thượng đế không phải là một vật, mà là toàn bộ sự vận hành. Niết bàn là toàn bộ sự vận hành của đời sống.

…Thái độ của thiền là ở chỗ không nỗ lực. Yoga là nỗ lực. Và dĩ nhiên nỗ lực có thể đưa ta đến đâu đó, nhưng nó không thể đưa đến cái tối hậu. Nỗ lực có thể cho bạn bản ngã tốt hơn, hào nhoáng hơn, được kết tinh hơn, nhưng nó không thể đem lại cho bạn Niết bàn, Thượng đế. Điều đó vượt lên trên mọi nỗ lực. Vậy ta phải làm gì? Hiểu biết, tỉnh thức hơn, hãy càng là nhân chứng hơn nữa. Hãy quan sát sự di chuyển của bạn, sinh hoạt của bạn. Hãy cố gắng hiểu từng khoảnh khắc bạn đang trải qua. Hãy trở nên một nhân chứng.

…Hãy là bình thường chính là sự kiện phi thường nhất trên thế giới. Mọi cái phi thường khác đều là những sai lầm của bản ngã. Mọi người đều muốn mình là phi thường. Không ai muốn là bình thường cả. Rất hiếm người chịu buông thư và trở thành bình thường. Hãy chỉ là bình thường… và rồi đột nhiên những gì mà bạn gọi là tầm thường không còn tầm thường nữa, những gì bạn gọi là trần tục không còn trần tục nữa. Mọi thứ đều trở nên thiêng liêng. Gánh củi, gánh nước cũng trở nên thiêng liêng. Khi ước muốn trở thành phi thường biến mất, bạn có thể sống trong hiện tại, ngoài ra không thể nào bạn sống được trong hiện tại. Nếu bạn thấy khổ sở trong việc kiếm củi, gánh nước, bạn sẽ khổ sở khi làm một tổng thống, bởi vì những thứ bên ngoài chẳng thể thay đổi gì cả. Nếu bạn sung sướng khi là một gã ăn mày, bạn sẽ sung sướng khi làm hoàng đế, không có cách nào khác. Bởi vì hạnh phúc của bạn phụ thuộc vào sự tỉnh thức của bạn. Nó chẳng liên quan gì tới những thứ bên ngoài. Niết bàn là một sự thư giãn sâu sắc của con người đến mức bạn biến mất trong sự thư giãn đó. Căng thẳng, bạn có đó; thư giãn, bạn không có đó. Bản ngã của bạn chỉ tồn tại nếu bạn căng thẳng. Nếu bạn thư giãn, Thượng đế có đó, bạn không có đó.

…Tất cả những người đang theo đuổi quyền lự đều là những kẻ say. Bạn càng theo đuổi quyền lực, bạn càng kém tỉnh thức, bởi vì chỉ có tình trạng không tỉnh thức mới có thể tìm kiếm quyền lực. Sự tỉnh thức sống cái cuộc sống. Sự tỉnh thức không bận tâm gì đến quyền lực, bởi vì quền lực là để làm gì?

…Thiền nhân không lo gì những chuyện vặt. Ai đó đã lấy cắp tiền của anh ta. Anh ta chẳng lo lắng gì. Ai đó xúc phạm anh ta- không thành vấn đề. Nó chỉ là vấn đề đối với người nào mà không đáng sống cuộc sống. Vậy thì những thứ tầm thường, những thứ vô dụng và vô nghĩa sẽ trở nên có ý nghĩa. Người mà đang sống cuộc sống của họ một cách toàn thể thì rất sung sướng với nó, anh ta không bị quấy rầy. Bất cứ cái gì xảy ra ở ngoài cũng chẳng tạo ra sự khác biệt gì đối với trung tâm. Anh ta vẫn cứ ở cái trung tâm của cơn bão. Một nghịch lý, thiền nhân biết cuộc đời này đang đi đến cái kết thúc, nhưng bên dưới cuộc đời này còn có một cuộc sống không bao giờ kết thúc. Một nghịch lý, anh ta biết rằng thời gian đang đi đến chỗ chấm dứt trong cái chết, nhưng ẩn bên dưới thời gian này là cái vĩnh cửu. Nếu bạn đi vào cuộc sống, bạn đi vào cái vĩnh cửu. Nếu bạn vẫn ở trên bề mặt, thế thì bạn vẫn ở trong thời gian. Thời gian là mất kiên nhẫn. Mất kiên nhẫn là một dạng bồn chồn, sốt ruột của một cách thức sống. Người ta nên thư giãn. Một khi bạn thư giãn thì thời gian biến mất và cái vĩnh cửu sẽ hiển lộ cho bạn thấy bản tính tự nhiên của nó.

…Nếu có ai đó xúc phạm bạn mà bạn vẫn cứ im lặng như thể là chẳng có gì xảy ra, kẻ đó sẽ càng giận dữ hơn nữa. Nếu như bạn nổi giận thì hắn có thể hiểu được, nhưng hắn không thể nào hiểu được sự im lặng. Thực ra trong sự im lặng ấy, hắn cảm thấy bị xúc phạm rất nhiều. Sự im lặng của bạn trở thành ngọn tháp, một độ cao. Trước sự im lặng của bạn, hắn trở nên giống như một loại sâu bọ, một thứ nhỏ mọn. Điều đó làm hắn đau đớn. Đừng nhìn Thượng đế trong những đền thờ. Ở đó bạn sẽ tìm thấy Thượng đế của những triết gia, những nhà thần học- chính là một Thượng đế giả, một thứ đồ giả. Hãy nhìn lên những cành cây, trong những đóa hoa, trong những ngôi sao, trong thú vật, trong chim chóc. Bất kỳ ở đâu có sự sống, hãy nhìn sâu vào đó. Cuộc sống là vô tận. Hãy gặp gỡ cuộc sống, gặp gỡ cái vô tận. Không gian vĩ đại này chính là đền thờ và cuộc sống chuyển vận bất tận này chính là Thượng đế. Thượng đế là một vũ công, không phải là họa sỹ, người sáng tạo ra bức họa, ra thế giới.

…Hãy đừng cố gắng để trở nên bất kỳ cái gì- kiên nhẫn, thương yêu, không bạo động, hòa bình,… Nếu bạn cố gắng, bạn sẽ tự ép buộc chính mình và bạn trở thành kẻ đạo đức giả. Bên trong bạn khác hoàn toàn, còn bên ngoài bạn được ngụy trang. Bạn mỉm cười, nhưng bên trong bạn muốn giết người. Bên trong bạn mang đủ thứ rác rưởi, nhưng bên ngoài bạn xức nước hoa. Bên trong bạn tồi tệ, nhưng bên ngoài bạn tạo ra ảo tưởng bạn là hoa hồng. Tự do xuất phát từ sự tỉnh thức của bạn, xuất phát từ tính chân thực. Tự do không phải là sự cho phép. Tự do không phải là sự kiềm chế. Nếu bạn trở nên tỉnh thức, cả hai, được phép và kiềm chế, đều bị trôi tuột đi, chúng chỉ là hai mặt của một đồng tiền. Vì thế điều duy nhất cần luôn luôn nhớ, đó là sự tự nhớ đến chính mình, và luôn hành động từ trong cốt lõi sâu nhất của chính mình. Hãy để cho những hành động tuôn trào từ đó, từ cái trung tâm bản thể của bạn, và rồi bất kỳ cái gì bạn làm cũng đều là đức hạnh. Nếu bạn làm điều gì đó từ bên ngoài, nó có vẻ như không có tội lỗi, nhưng nó lại là tội lỗi. Xã hội có thể tự hoan hỉ đối với bạn, nhưng bạn không tự hạnh phúc với chính mình, bạn đã bỏ lỡ cuộc sống. Nếu người ta gọi bạn là một ông Thánh, thế có nghĩa là gì? Chẳng là gì cả, trừ chuyện tầm phào. Bạn vừa lỡ mất cuộc sống vì những người ngu đần xung quanh, vì những ý kiến tốt của họ.

…Quan sát là sự tập trung. Vậy thì bạn loại trừ mọi thứ ra khỏi tầm nhìn của bạn, chỉ có cái mục tiêu. Sự tỉnh thức là thiền. Bạn đang mở rông và bỏ ngỏ, mọi cánh cửa đều mở, không bị thu hẹp và tuyệt đối không phòng vệ. Mọi thứ đều được phép.

…Bất kỳ cái gì tâm trí đi đến kết luận đều là kết luận của tâm trí. Nó cho thấy một điều gì đó về tâm trí, nhưng nó chẳng cho thấy điều gì về thực tại. Chân lý không phải là sự thuyết phục của tâm trí. Chân lý là sự chuyển dạng của tồn tại. Tất cả mọi học thuyết đều nguy hiểm, bởi vì chúng sẽ trở thành giáo điều, trở thành công việc- nhiều đến nỗi mọi năng lượng của con người đều bị tiêu phí trong chúng. Hãy buông bỏ tất cả những học thuyết, giáo điều, niềm tin, những cái “ism”. Hãy tránh thoát khỏi chúng- trẻ trung, tươi mới. Rồi thì bạn sẽ trở nên thông minh. Hãy là một miếng bọt xốp tươi nguyên- hoàn toàn trống rỗng- để bạn có thể nhúng được toàn thể cái thực tại có đó. Đây là những gì thiền chính là, là buông bỏ tâm trí để cho thực tại tự nó có thể tham nhập vào trong bạn.

…Một người thông minh thì luôn luôn trong tự do, trí thức thì không bao giờ tự do. Trí thức thì luôn luôn cố gắng để phù hợp với quá khứ. Còn sự thông minh thì luôn luôn thử cố đáp ứng với hiện tại. Người trí thức sẽ là trước sau như một. Người thông minh sẽ rất mâu thuẫn. Người trí thức sẽ rất logic, còn người thông minh thì luôn luôn mâu thuẫn, hắn ta đơn giản là thực tế- và thực tế thì luôn luôn mâu thuẫn. Hắn chẳng hề có một ý niệm cố định nào để ép buộc với thực tại. Hắn mềm dẻo, linh động như nước vậy. Hắn sẵn sàng di chuyển cùng thực tại, bất kể cái thực tại cho hắn cái hình dạng ra sao hắn vẫn sẵn sàng. Hắn không bao giờ nói không. Hắn sống với đôi mắt và nói vâng với thực tại bất kể nó là gì. Hắn không có gì để chống lại thực tại. Hắn là một phần của nó. Sự phân chia không còn nữa- Sự phân chia được tạo ra bởi các học thuyết của bạn.

…Thực tại chỉ mở cửa cho những ai thụ động- thụ động, tỉnh thức,… nhưng thụ động một cách tuyệt đối, không làm bất cứ việc gì cả. Hãy thay đổi cái tiêu điểm của bạn từ trí thức sang thông minh. Hãy thay đổi cái tiêu điểm của bạn từ tư tưởng sang tình cảm. Chân lý không bao giờ có thể được nhận biết; nó chỉ có thể được cảm nhận. Bạn không thể đến với chân lý; bạn chỉ có thể trở thành sẵn sàng để nó có thể đến với bạn.

…Bản ngã có đó, và cái bóng của bản ngã là sự vô minh cũng có đó. Chúng đi cùng nhau, tồn tại cùng nhau. Nếu bạn buông bỏ bản ngã, vô minh sẽ biến mất. Nếu bạn buông bỏ vô minh, thế thì bản ngã biến mất- chúng không thể tồn tại tách biệt. Vì thế có hai con đường. Hoặc là bạn qui thuận- cái bản ngã phải được buông bỏ; và dần dần bạn sẽ nhận thấy cái bóng của nó biến mất. Hoặc bạn phải trở nên tỉnh thức hơn, cảnh giác hơn để có nhiều ánh sáng hơn trong bạn- vô minh biến mất, lúc đó, bản ngã cũng tự động biến mất.

…Một Đức Phật có thể cũng hành xử giống như bạn, nhưng sự tỉnh thức của Phật khác xa với bạn. Đức Phật cũng sống một cuộc sống thường ngày: ăn, ngủ, cảm thấy khát. Nhưng lý do thì hoàn toàn khác. Khi Phật uống nước, Ngài chỉ nhằm làm chấm dứt cơn khát của cái cơ thể. Khi bạn uống nước, bạn muốn chấm dứt cơn khát của bạn. Khi Phật thọ thực, Ngài chỉ nhằm giúp cái cơ thể tồn tại để có thể sử dụng được nó. Nó là một phương tiện, một chiếc xe- phải chăm sóc mọi thứ cho nó. Khi bạn ăn thức ăn, đó là vấn đề của sự sống và sự chết., thức ăn là cuộc sống. Khi Phật ngủ, ngay cả trong giấc ngủ sâu, Ngài vẫn luôn luôn tỉnh thức. Ngài không bao giờ ngủ, chỉ cái cơ thể của Ngài là ngủ. Khi bạn ngủ, bạn mê ngủ một cách hoàn toàn, mất ý thức, bạn hoàn toàn đánh mất nình vào trong sự mất ý thức, vào trong bóng tối.

…Mỗi khi bạn cảm thấy ganh ghét, hãy trở nên tỉnh thức. Không cần phải yêu kẻ thù của bạn. Bạn thậm chí chưa từng yêu chính bạn, làm sao bạn có thể yêu kẻ thù của bạn được? Bạn chưa từng yêu ngay cả bạn bè của bạn, làm sao bạn có thể yêu được kẻ thù? Điều đó không thể! Trước tiên hãy tự yêu chính bạn, yêu bạn bè của bạn, rồi bạn mới có thể yêu được người lạ và rồi mới có thể yêu đến những kẻ thù. Nếu không thế bạn sẽ chế ngự. Không phải ức chế. Hãy để cho tỉnh thức, hiểu biết là qui luật duy nhất. Vậy thì bạn là kiên nhẫn. Bạn kiên nhẫn bởi vì bạn hạnh phúc thế! Cơn giận của bạn đã chuyển hóa thành sự thông cảm. Cái ghen ghét của bạn đã trở thành tình yêu. Lòng tham của bạn đã thành sự chia sẻ. Bạn đang hưởng thụ cuộc sống ở đỉnh điểm của nó. Ai mà quan tâm đến gì người khác nói! Chẳng cần quan tâm gì cả. Khi bạn hạnh phúc thì những vấn đề của người khác không còn là vấn đề của bạn nữa. Khi bạn chẳng có vấn đề gì, thì ai có thể ném vấn đề của họ cho bạn? Bởi vì bạn có vấn đề, thì người khác mới có thể quăng vấn đề của họ cho bạn và bạn trở nên bị mắc vào đó. Kiên nhẫn là sản phẩm phụ của niềm vui sướng bên trong.

…Thiền là một tình trạng vô trí, những khoảnh khắc mà chẳng có tư tưởng nào trôi nổi trong tâm trí bạn. Bạn có đó với chẳng tư tưởng nào cả, nhưng vẫn tỉnh thức. Không có tư tưởng gọi là thiền. Khi đó bản ngã sẽ biến mất hoàn toàn. Bạn sẽ thấy bạn không tồn tại. Bởi vì cảm nhận cái tôi tồn tại chẳng là gì ngoài sự tích tập của những ý nghĩ, những tư tưởng. Nếu tư tưởng biến mất, cái tôi cũng biến mất, chỉ có cái diễn trình tồn tại còn lại. Con đường duy nhất có thể đưa bạn vượt khỏi bản ngã là con đường của thiền. Không có con đường nào khác.

…Chân lý chỉ có thể được diễn tả thông qua những nghịch lý. Sự tràn đầy bên trong của bạn chỉ có thể biểu lộ bằng sự trống rỗng, và cuộc sống thực của bạn chỉ có thể được thông qua cái chết. Sự phục sinh chỉ có thể xảy ra sau cuộc đóng đinh. Nếu bạn thực sự muốn đang sống, hãy làm như bạn đã chết. Nếu bạn thực sự muốn thông minh, hãy sống như thể một thằng ngu. Một người ngốc là người đang làm những việc riêng của mình mà không lo lắng gì về thế giới. Kẻ không phải là một người bắt chước tức là một người ngốc. nó chẳng liên quan gì tới sự ngu ngốc cả. Nếu bạn thử sống cuộc sống của bạn theo cách của riêng bạn, bạn sẽ trông giống như một thằng ngốc. Đám đông sẽ không kính trọng bạn. Họ chỉ kính trọng những bộ mặt nạ, những nhân cách giả tạo, không phải những người chân thực. Nếu bạn thật sự muốn thông minh, hãy giống như một thằng ngu. Và nếu bạn muốn là thằng ngu, thì hãy thu thập kiến thức. Hãy là một học giả Hindu và rồi bạn sẽ là một thằng ngu.

…Nếu bạn hiểu thì thiền không phải là cái gì đó để làm; nó là hệ quả của sự hiểu biết. Nhưng nếu bạn không hiểu, thế thì thiền phải được thực hành, bởi vì chỉ thông qua thiền, dần dần bạn mới được gột sạch, và lúc đó hiểu biết mới trở thành có thể. Nếu giận dữ còn đó, ghen ghét còn đó, sợ hãi tiếp tục còn đó, thì bạn đã lừa chính bạn. Vậy thì làm ơn, hãy bắt đầu thiền. Thiền là gột rửa, là quăng bỏ những thứ tạp nhạp bên trong. thiền chỉ là lau gương thôi. Hiểu biết chính là cái gương sạch đã được lau. Nếu bạn hiể, thế thì chẳng phải làm gì cả. Bạn tỉnh thức. Giấc ngủ đã qua rồi và mọi giấc mơ đều biến mất.

…Cái chết không chống lại sự sống; chết là cực điểm của sống, chết chính là đỉnh cao. Cái chết không chấm dứt sự sống; thực ra, cái chết cho phép sự sống tồn tại. Nếu không có cái chết, sẽ chẳng có sự sống. Cái chết tạo ra chính cái khả năng cho sự sống tồn tại. Làm sao chúng có thể mâu thuẫn với nhau được? Chúng bổ túc cho nhau.

…Bạn tồn tại- nhưng bạn không sống. Sự hiện hữu được ban cho bạn. Hiện hữu là một món quà tặng. Còn cuộc sống thì bạn phải tự tìm kiếm. Khi sự hiện hữu trở thành cuộc sống,… cái khoảnh khắc bạn bắt đầu tồn tại trong một cách thức tỉnh táo, tức thì sự hiện hữu trở thành cuộc sống. Sự hiện hữu được sống một cách tỉnh thức là cuộc sống. Nếu bạn sống không tỉnh thức, bạn đơn giản chỉ hiện hữu, bạn vẫn cứ luôn sợ chết. Cái chết vẫn lơ lửng quanh bạn. Chỉ có cuộc sống là vượt lên khỏi cái chết. Sự hiện hữu đến rồi biến mất. Nó được ban cho bạn, rồi nó lại bị lấy đi. Nó cứ lên rồi lại xuống giống như cơn sóng trong đại dương. Nhưng cuộc sống thì vĩnh cửu. Một khi bạn biết cuộc sống là gì, thế thì cái chết biến mất. Nếu bạn vẫn còn sợ chết, vậy hãy biết chắc rằng là bạn vẫn chưa biết cuộc sống. Cái chết chỉ tồn tại trong sự vô minh– trong vô minh về cuộc sống là gì. Người ta tiếp tục hiện hữu, dịch chuyển từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, từ hành động này sang hành động khác, hoàn toàn không nhận biết người ta đang làm cái gì, tại sao làm, tại sao lại trôi dạt từ nơi này sang nơi khác. Toàn thể nỗ lực của THIỀN là làm cho bạn nhận biết về sự tồn tại của bạn. Sự tồn tại cộng với sự nhận biết chính là cuộc sống vĩnh cửu.

…Bất cứ cái gì có thể quan sát được đều là tách biệt với bạn. Bất cứ cái gì bạn có thể làm chứng được thì bạn không phải là nó. Bạn là sự tỉnh thức- nhân chứng. Cái được làm chứng là đối tượng, còn bạn là chủ thể. Cơ thể, tâm trí vẫn còn có một khoảng cách với bạn khi bạn đã trở thành nhân chứng. Đột nhiên bạn có đó- chẳng với cơ thể và tâm trí… một sự tỉnh thức thuần khiết; một tấm gương. Khi đó bạn biết mình là ai. Trong sự thuần khiết này, lần đầu tiên hiện hữu trở thành cuộc sống. Trước đó, bạn chỉ đơn thuần trong mê ngủ, mơ mộng, còn bây giờ bạn tồn tại. Và khi bạn tồn tại, vậy thì không còn cái chết nữa. Thế thì bạn biết rằng bạn cũng sẽ là nhân chứng cho chính cả cái chết của bạn nữa. Người mà có khả năng làm nhân chứng cho cuộc sống thì cũng có khả năng làm nhân chứng cho cái chết nữa. Bởi vì bạn sợ, bạn đã lỡ, nếu không cái chết sẽ là cực điểm khoái lạc (orgasm). Trong cái chết, bạn không chết. Chỉ là cái năng lượng đã được ban cho bạn thông qua cơ thể và thông qua tâm trí được giải phóng, đi trở lại vào trong thế giới. Bạn trở về nhà.

…Một người sống một cuộc đời không có sự tỉnh thức sẽ chịu đựng địa ngục trong khi anh ta còn sống, chịu đựng địa ngục trong khi anh ta chết- bởi vì địa ngục được tạo ra bởi sự không tỉnh thức của bạn. Địa ngục chính là nỗi sợ hãi được tạo ra do sự không tỉnh thức của bạn. Người đã đốt lên được ngọn đèn của cái tự thế nội tại, sẽ sống trong thiên đường, chết trong thiên đường, bởi vì sự tỉnh thức là thiên đường.

…Một khi bạn trở nên khiêm tốn, toàn thế giới đều trở nên khiêm tốn. Đột nhiên, cái bản ngã không những chỉ biến mất khỏi bạn, nó đồng thời biến mất khỏi toàn thế giới. Đối với một người vô ngã, cái ngã không bao giờ gặp được. không phải những người khác trở thành vô ngã vì anh ta đã trở thành vô ngã. Nhưng do anh ta vô ngã, anh ta không còn thấy được cái ngã của những người khác. Đừng lo lắng sao những người khác còn đầy ngã. Hãy mặc họ. Họ chịu đủ những khốn khổ vì cái ngã của họ. Cái ngã của họ đã phạt họ đủ rồi. Mỗi khi bạn thấy ai đó ngã, hãy lập tức quay vào trong, nhắm mắt lại và hãy cố tìm cái nguyên do bên trong bạn, nó có thể được buông bỏ, chuyển hóa. Và nếu bạn là vô ngã, đột nhiên bạn trở nên khoái lạc bao la. Tại sao lại phải lo lắng về những người khác? Hãy nghĩ về con người bạn và sự lãng phí cuộc sống của bạn. Bất kể những gì bạn gặp, có nhiều khả năng nó chính là vấn đề của bạn được ẩn nấp sâu kín ở đâu đó. Sự xúc phạm không tạo ra cơn giận trong bạn được. Nếu cơn giận không có sẵn, sự xúc phạm không thể tạo ra nó được. Sự xúc phạm chỉ có thể lôi nó ra bên ngoài mà thôi. Sự tỉnh thức chính là sự chuyển hóa. Nếu bạn gặp một người đầy bản ngã, hãy cám ơn anh ta ngay lập tức. Anh ta giúp cho bạn nhận biết cái bản ngã của bạn, cái bản ngã bị tổn thương của bạn.

…Hãy để cho mọi thứ xảy ra được xảy ra. Hãy di chuyển cùng với mọi thứ. Đừng mang theo ý nghĩ của bạn và bản ngã của bạn. Cái toàn thể thì bao la thế mà bạn thì là một bộ phận nhỏ bé thế! Hãy chấp nhận hòa tan vào cái toàn thể. Đừng cố tạo ra ảo tưởng bạn là tách biệt. Bản ngã chẳng là gì ngoại trừ là cái ảo tưởng tách biệt khỏi cái toàn thể. Sự khiêm tốn chẳng là gì ngoại trừ là một sự kết hợp với cái toàn thể, một cuộc tái hôn với cái toàn thể, cái ngọn nguồn nguyên thủy. Một khi bạn chấp nhận điều này thì mọi nỗ lực, mọi tranh đấu biến mất. Người ta di chuyển một cách không nỗ lực, mọi trọng lượng, mọi sức nặng ở đầu biến mất, mọi chứng nhức đầu biến mất. Thực ra chính cái đầu biến mất. Vậy thì cuộc sống là sự ngây ngất, một niềm vui sướng liên miên, sự tôn vinh vĩnh cửu, một sự chúc phúc.

…Hạnh phúc không phải là một động lực và không cần một điều kiện tiên quyết nào cả. Bạn có thể hạnh phúc ngay bây giờ, nếu bạn muốn hạnh phúc. Đừng cố gắng hạnh phúc, chỉ việc hạnh phúc thôi. Ai đang cản đường bạn? Ai bắt bạn không hạnh phúc? Bạn chỉ hạnh phúc thôi. Chỉ việc trong hai mươi bốn giờ cứ vẫn hạnh phúc. Mỗi khi bạn đang bị mất hạnh phúc trở lại, hãy lắc mình một cái thật mạnh và lại thấy hạnh phúc. Nó chẳng liên quan gì tới ngày mai hay tương lai gì cả. Không có tình huống nào mà con người không thể hạnh phúc hoặc không thể bất hạnh! Nó tùy thuộc vào bạn. Đấy là quyết định của bạn. Hạnh phúc đến khi bạn vẫn còn trong một khoảnh khắc không bị cái gì đó thúc đẩy… chỉ là một sự vui thích trong hiện hữu.

…Tính sáng tạo chẳng có liên quan gì với bất kỳ công việc đặc thù nào. Nó chỉ liên quan đến phẩm chất của sự tỉnh thức của bạn. Bất kỳ bạn làm việc gì cũng có thể sáng tạo, nếu như bạn biết tính sáng tạo có nghĩa là sự thưởng thức bất cứ công việc gì cũng như là đang thiền vậy. Khi bạn hiểu, bất cứ cái gì bạn làm- nấu ăn, lau chùi… Cuộc sống toàn những thứ nhỏ nhặt, chỉ có bản ngã của bạn là cứ tiếp tục nói rằng đấy là những chuyện nhỏ nhặt. Chính cái bản ngã của bạn đang tạo ra rắc rối. Hãy buông bỏ bản ngã và rồi mọi thứ đều là sáng tạo. Cuộc sống gồm nhiều thứ nhỏ nhặt, chúng trở nên lớn lao nếu như bạn yêu thích chúng. Thế thì rồi mọi thứ đều lớn lao cả. Mỗi khi bản ngã đến dụ dỗ bạn về những điều lớn lao, hãy lập tức buông bỏ bản ngã, và rồi dần dần bạn sẽ thấy rằng, mọi thứ tầm thường đều trở thành thiêng liêng, chẳng có gì  là phàm tục.

…Những nhà chính trị của bạn và những phạm nhân không phải là những loại người khác nhau. Mọi phạm nhân đều là những nhà chính trị và mọi nhà chính trị đều là những phạm nhân. Tất cả! Những người chưa bị bắt quả tang dường như thông minh và quỉ quyệt hơn. Bạn đừng tự cho phép cái khuynh hướng để trở thành lớn lao, nổi tiếng, một ai đó lớn hơn con người thật… Đừng bao giờ! Nguyên con người đã thật là hoàn hảo, thật là lý tưởng. Bạn hãy sống cái điều bình thường ấy theo một cách bất thường, luôn luôn tỉnh thức. Đó là tất cả những gì mà ta gọi là niết bàn. Nhưng nếu như niết bàn lại trở thành một mục đích lớn lao cho bạn, thế thì bạn lại sẽ sống trong một cơn ác mộng, cơn ác mộng lớn nhất, cơn ác mộng sau cùng. Niết bàn là sống cái cuộc sống bình thường một cách tỉnh thức thế, đầy ý thức thế, đầy ánh sáng thế, đến nỗi mọi thứ đều trở nên sáng chói.

Ads Belove Post