Chương 2. Người kỹ nữ

Chương 2. Người kỹ nữ

Price:

Read more

Zorba Hy Lạp
Chương 2. Người kỹ nữ


Hôm nay là Chủ Nhật, ngày mai thợ thuyền từ các làng lân cận sẽ tới bắt đầu làm mỏ. Bởi thế hôm nay tôi có thì giờ đi dạo một vòng để thăm thú bãi biển mà định mệnh đã xô tôi tới. Bình minh mới hơi le lói khi tôi bước ra. Tôi đi qua những mảnh vườn, dọc theo mép biển, vội vàng làm quen với đất, nước, không khí thổ ngơi, ngắt những cây cỏ dại, và lòng bàn tay tôi ngào ngạt mùi rau thơm, đan sâm và bạc hà.
Tôi trèo lên một ngọn đồi và nhìn quanh. Một vùng khắc khổ toàn đá hoa cương và đá vôi rất rắn chắc. Những cây minh-quyết đậm mầu, những cây ô-liu tráng bạc, những cây vả và những cây nho. Trong những lòng chảo khuất, có những vườn cam, chanh và sơn-tra-tử; sát bên bờ nước, có những vườn rau. Về phía Nam, một vùng biển mênh mông, hãy còn cuồng nộ, gầm thét, xô ầm từ Phi Châu tới, gậm nhấm bờ biển Crete. Ngay gần bên, một hòn đảo nhỏ đầy cát, rực hồng dưới những tia nắng đầu tiên.
Ðối với tôi phong cảnh Crete này, tựa một áng văn vần hay: bố cục kỹ lưỡng, giản dị, không cầu kỳ, mãnh liệt và thận trọng. Diễn tả điều chính yếu một cách cô đọng nhất, nó không suồng sã, không mảy may giả tạo. Nó nói điều phải nói với một vẻ khắc khổ hùng tráng. Nhưng giữa những dòng khô khan người ta có thể nhận thấy một vẻ đa cảm và dịu dàng bất ngờ; trong những lũng khuất, những cây chanh và những cây cam dâng hương, và từ biển bao la cuối trời, tỏa ra một nguồn thơ lai láng.
- Crete, tôi thầm thì, Crete..., và tim tôi đập rộn ràng.
Tôi bước xuống trái đồi nhỏ và đi men theo bờ nước. Những thiếu nữ líu lo chợt xuất hiện, khăn choàng trắng như tuyết, giầy ống vàng, váy xắn cao; các cô sắp đi dự lễ Misa tại tu viện xa xa, trắng xóa một mầu bên bờ biển kia.
Tôi dừng lại. Khi vừa thấy tôi, tiếng cười của các cô vụt tắt. Khuôn mặt các cô khi thấy một người đàn ông, chợt khép lại một cách hung dữ. Từ đầu tới chân, thân thể của các cô giữ thế thủ và ngón tay các cô hốt hoảng bíu chặt lấy áo cánh cài khuy chặt.
Sợ hãi nổi lên trong máu các cô. Trên suốt một miền bờ biển Crete quay về Phi Châu này, từ nhiều thế kỷ nay, quân cướp biển thường đột nhập, cướp đi dê cừu, đàn bà, trẻ con. Chúng trói họ bằng những sợi dây lưng đỏ, ném họ vào hầm tầu và nhổ neo để đem bán ở Algiers, Alaxandria, Beirut. Từ nhiều thế kỷ nay, trên miền duyên hải viền những bím tóc này, biển đã thốt lên lời than thở. Tôi nhìn đám thiếu nữ hung tợn đang lại gần, cô nọ bám sát vào cô kia, như để làm thành một hàng rào không thể vượt qua. Ðó là một phản ứng tự nhiên, không thể thiếu trong những thế kỷ qua, và ngày hôm nay trở lại không duyên cớ, theo nhịp một điều tất yếu đã biến mất.
Khi các thiếu nữ đi qua mặt tôi, tôi lặng lẽ tránh sang bên, mỉm cười. Thế là ngay lập tức như thể các cô đột nhiên cảm thấy nỗi nguy hiểm sợ hãi đã qua hàng thế kỷ rồi, thảng thốt thức dậy trong thời đại an bình của chúng ta, khuôn mặt các cô tươi lên, chiến tuyến hàng ngũ chặt chẽ giãn ra và nhất loạt, các cô cất tiếng vui tươi và trong trẻo chào tôi. Ngay lúc đó, chuông ở tu viện xa xa, reo vui, cuồng nhiệt, vang rền không gian với những âm thanh hân hoan.
Mặt trời đã lên cao, bầu trời trong vắt. Tôi thu mình trong đá, đậu như một con hải âu trên một tảng đá ngầm, và ngắm biển. Tôi cảm thấy thân thể tôi đầy sinh lực, tươi mát, thuần thục. Và tâm trí tôi, theo sóng trở thành một lượn sóng và cũng tuân theo nhịp biển, không chống cưỡng.
Tim tôi dần dần căng phồng lên. Nhiều giọng nói mờ ám, hống hách và nài nỉ cất lên trong tôi. Tôi biết ai đang kêu gọi tôi. Bất cứ khi nào tôi ở một mình trong giây lát, nó lại kêu gào, xao xuyến vì những linh cảm kinh khủng, vì những mối sợ hãi điên cuồng, vì những cảm hứng bồng bột và chờ đợi nơi tôi sự giải thoát.
Tôi vội vàng mở Dante, người “bạn đồng hành” ra, để không nghe và để yểm trừ con quỉ khủng khiếp. Tôi lật giở đọc chỗ này một câu, chỗ kia một tiết, hồi tưởng lại cả đoạn ca dài, và từ những trang mãnh liệt đó, những bị kẻ đọa đầy vừa đứng lên vừa gào thét. Trên cao hơn, những linh hồn bị thương đang cố gắng trèo lên một sườn núi cheo leo. Cao hơn nữa, trong những cánh đồng ngọc bích, những tâm hồn được ân phúc thơ thẩn tựa những con đom đóm sáng rực. Tôi đi đi lại lại từ trên xuống dưới tòa dinh thự khủng khiếp của định mệnh, tôi lang thang dạo chơi trong Ðịa Ngục, Lò Luyện Tội, Thiên Ðàng như ở nhà riêng. Tôi đau khổ, hy vọng hay thưởng thức vĩnh phúc trong khi buông theo những vần thơ kỳ diệu.
Ðột nhiên tôi gập Dante lại và nhìn ra khơi. Một con hải âu, bụng đặt trên mặt nước, lên xuống dập dình theo sóng biển, sung sướng hưởng niềm hoan lạc tuyệt vời của buông xả. Một thiếu niên sạm nắng hiện ra bờ nước, đi chân không và miệng hát những bản tình ca. Có thể cậu ta hiểu nỗi đau khổ những bài hát đó diễn tả, bởi giọng cậu ta bắt đầu khan như giọng một con gà trống con.
Trong bao năm, bao thế kỷ nay, những vần thơ của Dante cũng được ngâm lên như thế trong xứ sở của thi sĩ. Và giống như những bản tình ca sửa soạn cho thanh thiếu nữ yêu nhau, những vần thơ nóng bỏng Florentine sửa soạn trai tráng Ý tranh đấu cho giải thoát. Tất cả, từ thế hệ nọ sang thế hệ kia, cảm thông với tâm hồn thi nhân, đổi nô lệ họ thành tự do.
Tôi nghe thấy tiếng cười sau lưng và lập tức rớt từ những đỉnh cao của Dante xuống. Tôi quay lại và thấy Zorba đứng sau lưng tôi, tươi cười rạng rỡ.
- Làm cái trò gì lạ vậy, ông chủ? Hắn nói to. Tôi đi kiếm ông cả giờ, nhưng biết ông ẩn ở đâu mà kiếm?
Thấy tôi yên lặng, hắn tiếp:
- Quá trưa rồi, con gà đã chín; con vật đáng thương đó sắp rừ nát ra cả rồi đấy! Ông biết chưa?
- Tôi biết rồi, nhưng tôi không đói.
- Không đói! Zorba vừa kêu lên vừa vỗ đánh đét một cái vào đùi. Nhưng từ sáng tới giờ ông đã có chút gì dính răng đâu. Cũng phải chăm nom đến thân thể nữa chứ, hãy thương nó một chút. Cho nó ăn với. Ðó là con lừa kéo xe của chúng ta, ông thấy không? Nếu mình không cho nó ăn, nó sẽ bỏ rơi mình ngang xương giữa đường cho mà coi.
Từ bao năm nay tôi khinh miệt những lạc thú của xác thịt, và nếu thuận tiện, tôi ăn vụng trộm, như phạm một hành động nhục nhã. Nhưng để Zorba khỏi kỳ kèo, tôi nói:
- Ðược rồi, tôi tới đây.
Chúng tôi hướng về phía làng. Những giờ phút trong núi đá vụt qua như những giờ ân ái, nhanh như chớp.
- Ông nghĩ tới mỏ than bùn phải không? Zorba hỏi, hơi ngần ngại.
- Bác muốn tôi nghĩ đến điều gì khác bây giờ? Tôi vừa cười vừa hỏi lại. Ngày mai, chúng ta sẽ bắt đầu làm việc. Tôi phải tính toán chứ.
Zorba liếc mắt quan sát tôi và nín lặng. Tôi hiểu hắn lại cân nhắc tôi, bán tín bán nghi.
- Tính toán kết quả ra sao? Hắn dò hỏi một cách thận trọng.
- Sau ba tháng mỗi ngày chúng ta phải lấy lên được mười tấn than để bù lại những khoản chi phí.
Zorba nhìn tôi, nhưng lần này hắn có vẻ lo âu. Lát sau hắn nói:
- Nhưng ma quỉ, tại sao ông ra bờ biển để tính với toán? Ông chủ tha lỗi cho câu hỏi đó, nhưng quả thực tôi không hiểu. Khi tôi phải vật lộn với những con số, tôi thích chui xuống một cái hố để khỏi nhìn thấy gì hết. Nếu tôi ngẩng lên và nhìn thấy biển, hay một cái cây, hay một người đàn bà, dù là một bà già, hừ! Xéo đi cho rảnh! Thế là tính toán với những con số khỉ gió chuồn gấp, người ta nói chúng mọc cánh...
- Nhưng đó là lỗi tại bác, Zorba! Tôi nói để trêu hắn. Bác không đủ sức mạnh tập trung tư tưởng.
- Tôi không rõ, ông chủ. Cái đó còn tùy. Có những trường hợp ngay cả đến lão Salomon khôn ngoan... Thí dụ, một hôm tôi đi qua một thôn nhỏ thấy một ông cố nội tám chín mươi tuổi đang trồng một cây hạnh đào. “Ê! Nội ơi, tôi gọi lão, nội trồng một cây hạnh đấy à?” Và lão, lọm khọm, quay lại và bảo tôi: “Lão, con ơi, lão hành động như không bao giờ lão phải chết cả.” Còn tôi, tôi trả lời lão: “Tôi hành động như tôi phải chết từng giây từng phút.” Trong hai chúng tôi ai là người có lý, ông chủ?
Hắn nhìn tôi một cách đắc thắng và nói:
- Tôi chờ ông trả lời đó!
Tôi nín lặng. Hai con đường cheo leo và táo bạo như nhau đều có thể cùng dẫn đến một đỉnh. Hành động như thể cái chết không có, vừa hành động vừa nghĩ đến cái chết từng giây, từng phút, có lẽ giống nhau. Nhưng lúc Zorba hỏi, tôi không biết điều đó.
- Sao? Zorba chế giễu hỏi. Ðừng lo ngại, ông chủ, ông không lý luận ra đâu. Thôi chúng ta nói chuyện khác. Tôi, lúc này tôi nghĩ đến bữa ăn trưa, đến món cơm trộn thịt cay với quế ở trên và đầu óc tôi bốc hơi như đĩa cơm trộn thịt cay. Ăn trước đã, nặng bụng trước đã rồi chúng ta sẽ thấy. Việc nào vào lúc nấy. Bây giờ, trước mặt chúng ta là món cơm trộn thịt cay, vậy, hãy để tâm trí chúng ta trở thành cơm trộn thịt cay. Ngày mai, than bùn sẽ ở trước mặt chúng ta, vậy tâm trí chúng ta phải trở thành than bùn. Không chơi trò nửa vời, ông hiểu không?
Chúng tôi đi vào trong làng. Những người đàn bà đang ngồi trò chuyện trên ngưỡng cửa; những cụ già, lặng lẽ tì tay trên gậy. Dưới một cây lựu trĩu trái; một mụ già nhỏ bé nhăn nheo đang bắt rận cho cháu.
Trước quán café một lão già mặt khắc khổ, đăm chiêu, mũi quặm, vẻ ông lớn đang đứng thẳng. Ðó là Mavrandoni, bô lão trong làng, người đã cho chúng tôi thuê mỏ than bùn. Ðêm qua lão đã ngủ tại nhà mụ Hortense để dẫn chúng tôi về nhà lão. Lão nói:
- Các ông ở trọ tại lữ quán thật là một điều rất xấu hổ cho chúng tôi, làm như trong làng này không có ai để đón tiếp các ông.
Lão nghiêm trang, cân nhắc lời ăn tiếng nói. Chúng tôi đã từ chối. Lão bị mếch lòng nhưng không nài ép.
- Tôi làm bổn phận tôi, lão nói lúc cất bước ra về; các ông tự do.
Ít lâu sau, lão sai người mang lại cho chúng tôi hai bánh phô mai, một giỏ lựu, một bình nho khô và một hũ rượu raki trong bọc mây. Người nhà lão nói trong khi dỡ đồ do con lừa nhỏ chở xuống:
- Thuyền trưởng Mavrandoni gửi lời chào ông! Ông nói của ít nhưng lòng nhiều.
Chúng tôi niềm nở chào vị hương mục.
- Chúc các ông trường thọ! Lão vừa nói vừa chắp tay lên ngực.
Rồi lão im lặng.
- Lão không ưa nói nhiều, Zorba thì thầm. Một lão già gàn.
- Lão kiêu hãnh, tôi nói. Tôi thích lão.
Chúng tôi đến nơi. Hai cánh mũi Zorba hớn hở phập phồng. Vừa nhìn thấy chúng tôi từ ngưỡng cửa mụ Hortense kêu lên một tiếng và bỏ chạy vào trong bếp.
Zorba đặt bàn trong sân, dưới giàn nho rụi lá. Hắn cắt những lát bánh to, mang rượu vang ra đặt chén bát, muỗng nĩa. Hắn quay lại nhìn tôi một cách tinh quái, và chỉ bàn ăn: Hắn đã sắp ba bộ muỗng nĩa!
- Ông hiểu chứ, ông chủ? Hắn thì thào.
- Tôi hiểu rồi, tôi đáp. Tôi hiểu rồi, lão phóng đãng.
- Càng già, càng cay, hắn vừa nói vừa liếm môi. Tôi biết quá mà.
Hắn nhanh nhẹn lăng xăng chạy qua chạy lại, mắt sáng lên. Hắn hát nho nhỏ những bản tình ca cũ kỹ.
- Sống là vậy, ông chủ. Lúc này, tôi hành động như thể tôi phải chết ngay bây giờ. Bởi vậy tôi hối hả để khỏi lăn đùng ra chết trước khi ăn con gà.
- Ngồi vào bàn, mụ Hortense ra lệnh.
Mụ mở vung và đặt cái nồi trước mặt chúng tôi. Nhưng mụ há hốc miệng: mụ nhận thấy ba bộ muỗng nĩa. Ðỏ mặt vì sung sướng, mụ nhìn Zorba và cặp mắt sắc, xanh tươi của mụ chớp chớp.
- Mụ bốc lửa trong quần lót, Zorba nói thầm với tôi.
Ðoạn, với một vẻ lễ phép quá đáng, hắn quay về phía mụ già và nói:
- Hỡi nữ thần của sóng, chúng tôi là những kẻ đắm tầu và biển đã xô dạt chúng tôi vào vương quốc ngài. Xin ngư nữ hãy cho chúng tôi hân hạnh được mời ngài dùng bữa với chúng tôi.
Mụ ca sĩ già dang hai cánh tay, và khép lại như thể mụ muốn ôm cả hai chúng tôi, đong đưa một cách duyên dáng, lướt qua Zorba, đoạn vượt qua tôi, và cun cút chạy vào phòng. Lát sau mụ lại xuất hiện, đong đưa, nhún nhẩy, và mặc bộ đồ diện nhất của mụ: một tấm váy nhung xanh óng ánh có những giải băng vàng sờn rách. Áo che thân trên mở rộng một cách niềm nở và mụ đã gài trong chỗ khoét lõm vào một bông hồng bằng vải nở hết cánh. Tay mụ xách một cái lồng két mụ đem ra treo ở giàn nho.
Chúng tôi để mụ ngồi giữa, Zorba phía bên phải, tôi phía bên trái mụ.
Cả ba chúng tôi ăn ngấu nghiến. Một hồi lâu chúng tôi không ai nói năng gì. Trong chúng tôi, con thú đang ăn no, uống say. Ðồ ăn chẳng bao lâu biến thành máu, thế giới trở nên đẹp đẽ hơn, người đàn bà ngồi kế bên chúng tôi mỗi lúc một trẻ thêm và những vết nhăn biến mất. Con két treo trước mặt chúng tôi, áo mặc ngoài xanh, áo gilet vàng, cúi xuống nhìn chúng tôi. Trông nó khi thì giống như một gã quái dị nhỏ thó bị bùa mê, khi thì tựa như linh hồn mụ ca sĩ già, mặc áo xanh vàng. Và trên đầu chúng tôi giàn nho trụi lá đột nhiên đầy những chùm nho đen lớn.
Zorba đảo mắt qua lại, mở rộng hai tay như muốn ôm cả trần gian.
- Sao kỳ vậy, ông chủ? Hắn ngạc nhiên kêu lên. Mới uống có một ly rượu nhỏ mà đã thấy thế giới đảo điên. Ðời cũng lạ lùng vậy đó, ông chủ! Thực thế, kìa, ở trên đầu chúng ta là nho hay là thiên thần, tôi chịu không thể phân biệt được. Hay là không có gì hết, và không có gì tồn tại, không có gà, không có ngư nhân mỹ nữ, không có cả Crete? Nói, ông chủ nói đi, không tôi phát điên lên mất!
Zorba bắt đầu lanh lợi. Hắn đã làm hết con gà giò và bắt đầu nhìn mụ Hortense một cách thèm thuồng. Cặp mắt hắn chằm chặp nhìn mụ, đưa lên, đưa xuống, luồn vào trong bộ ngực nở nang như mơn trớn. Ðôi mắt nhỏ nhắn của mụ già cũng sáng lên nữa, mụ thích rượu vang và đã nốc cạn vài ba ly. Và con quỉ nghịch ngợm trong rượu đã đưa mụ trở lại thuở vàng son xa xưa. Mụ trở nên dịu dàng, vui vẻ và cởi mở hơn. Mụ đứng lên, gài chốt cửa ngoài để dân làng - “những quân mọi rợ” như mụ thường gọi - khỏi nhòm ngó. Mụ châm một điếu thuốc, và cái mũi hếch nhỏ đặc Pháp của mụ bắt đầu thở ra từng luồng khói cuồn cuộn.
Vào những giây phút như thế tất cả những cửa ngỏ của người đàn bà mở tung. Lính gác ngủ yên và một lời nói dịu dàng cũng có sức mạnh như vàng hay tình yêu. Tôi châm tẩu và đưa đẩy lời nói dịu dàng.
- Bà Hortense, bà làm tôi nhớ tới Sarah Bernhardt... hồi son trẻ. Tôi không thể ngờ có thể tìm thấy ở nơi hoang dã này một vẻ đẹp thanh lịch, duyên dáng, lịch sự và diễm lệ nhường ấy. Shakespeare nào đã đưa bà đến đây, giữa đám dân mọi rợ này?
- Shakespearse? Mụ vừa hỏi vừa giương cặp mắt xanh lợt lên. Shakespeare nào?
Tâm trí mụ bay bổng về những hí viện ngày xưa mụ đã lui tới. Trong nháy mắt, mụ lượn một vòng quanh những quán café - ca nhạc, tửu quán, từ Ba Lê đến Beirut, và từ đó dọc theo bờ biển Anatolia và đột nhiên mụ nhớ ra: chính tại Alexandria, trong một gian phòng lớn với những đèn treo, ghế bọc nhung, đàn ông và đàn bà, những tấm lưng trần, hương thơm, hoa. Thình lình, tấm màn nhung kéo lên và một tên da đen khủng khiếp hiện ra...
- Shakespeare nào? Mụ hỏi lại, kiêu hãnh vì cuối cùng nhớ ra. Có phải cái người mà người ta cũng còn gọi là Othello ấy không?
- Chính hắn. Shakespeare nào đã xô dạt bà lên hoang đảo này, thưa bà?
Mụ nhìn quanh. Những cánh cửa đã khép kín, con két đã ngủ, những con thỏ đang làm ái tình, chúng tôi trơ trọi. Xúc động, mụ bắt đầu mở bầu tâm sự như người ta mở một cái rương cũ đầy hương liệu, thư tình vàng theo thời gian và cổ kính tàn y...
Mụ nói tiếng Hy Lạp tàm tạm, nuốt chữ, lộn vần. Tuy nhiên, chúng tôi khó mà nín cười được, đôi khi - chúng tôi uống đã khá nhiều - chúng tôi òa khóc.
- Ðó (đại khái là điều mụ kiều nữ già đã kể cho chúng tôi nghe trong sân thơm ngát nhà mụ) đó, người các ông đang thấy trước mặt đây không phải là ca sĩ phòng trà, không! Trước kia tôi là một nghệ sĩ nổi danh. Tôi mặc quần áo lót bằng lụa viền đăng-ten thứ thiệt. Nhưng tình yêu...
Mụ thở dài, châm một điếu thuốc mới từ điếu của Zorba.
- Tôi yêu một thủy sư đô đốc. Crete đang trong thời kỳ cách mạng và hạm đội của các cường quốc thả neo trong hải cảng Suda. Mấy hôm sau tôi cũng cắm neo tại đây. A! Thật tuyệt vời! Các ông phải thấy bốn thủy sư đô đốc: Anh, Pháp, Ý, Nga. Tất cả đầy vàng, giầy bóng, mũ gài lông. Hệt như những con gà trống. Những con gà trống lớn mỗi con nặng từ tám mươi đến một trăm kí-lô. Và râu ơi là râu, ria ơi là ria! Quăn, óng mượt, nâu, vàng, xám, hung, thơm tho làm sao! Mỗi người có một hương thơm riêng, vì thế tôi có thể phân biệt được họ trong đêm tối. Nước Anh có mùi eau-de-Cologne, nước Pháp mùi đổng thảo, nước Nga mùi xạ và nước Ý, a! nước Ý mê ly long-diên-hương! Chúa ơi! Râu ơi là râu, ria ơi là ria!
“Thường thường, chúng tôi họp nhau trên soái hạm và bàn bạc về cách mạng. Tất cả binh phục đều được cởi bỏ, còn tôi chỉ còn một tấm áo chemise cộc tay dính vào da thịt, bởi vì các ông tướng đã đổ champagne lên đó. Chúng tôi bàn bạc về cách mạng, chuyện trò nghiêm trang đứng đắn, tôi túm lấy râu họ và xin họ đừng pháo kích đám dân Crete thân yêu khốn khổ. Chúng tôi có thể nhìn thấy họ qua ống nhòm, trên một mỏm đá, gần La Canea. Trông họ nhỏ, nhỏ li ti như những con kiến, với những cái quần cụt xanh và giầy ống vàng. Và họ kêu la, kêu la, và họ cầm một lá cờ...”
Dẫy lau sậy rào giậu quanh sân lay động. Người nữ chiến già dừng lại, sợ hãi. Trong đám lá, những cặp mắt tinh quái sáng rực. Ðám trẻ trong làng đánh hơi thấy bữa tiệc xa hoa của chúng tôi, đang rình mò xem.
Người ca sĩ cố gắng đứng lên nhưng đứng không nổi: mụ đã ăn uống quá nhiều, mụ ngồi xuống, toát mồ hôi. Zorba lượm một hòn đá. Lũ trẻ vừa chạy vừa la làng.
- Nói tiếp đi, người đẹp của tôi, nói tiếp đi, cưng! Zorba nói và xích lại gần mụ hơn chút nữa.
- Vì thế tôi nói với thủy sư đô đốc Ý, người thân mật với tôi nhất, tôi nắm lấy râu lão và nói: “Canavaro của em - tên lão - Canavaro yêu quí của em, đừng làm bum! Bum! Ðừng làm bum! Bum!”
“Biết bao lần người đàn bà mà các ông đang thấy đây đã cứu dân Crete khỏi chết! Biết bao lần súng đại bác sẵn sàng nhả đạn và tôi đã nắm lấy râu viên thủy sư đô đốc và tôi không để lão làm bum! Bum! Nhưng có ai nhớ ơn tôi không? Tôi có được một cái huy chương nào không...”
Mụ Hortense nổi giận vì lòng vô ơn bạc nghĩa của con người. Mụ già nắm bàn tay mềm và nhăn nheo đập xuống bàn. Và Zorba, xòe hai bàn tay lão luyện đặt lên hai đầu gối dang ra của mụ, nắm lấy, giả vờ xúc động, kêu lên:
- Bouboulina* của tôi, cho tôi xin, đừng làm bum! Bum!
- Bỏ tay xuống! Mụ quang quác nói. Ông coi tôi là hạng người nào?
Và mụ đờ đẫn liếc nhìn hắn.
- Dù sao cũng còn trời cao kia, lão quỉ quyệt nói. Ðừng giận dỗi, Bouboulina của tôi. Có chúng tôi đây, đừng sợ!
Mụ kiều nữ già ngước đôi mắt xanh gay gắt nhìn trời; mụ nhìn thấy con két xanh lè của mụ đang ngủ trong lồng.
- Canavaro của em, Canavaro yêu quí của em! Mụ thì thầm một cách âu yếm.
Con két nhận ra giọng nói của mụ, choàng mở mắt, bám lấy nan lồng và bắt đầu kêu bằng cái giọng khàn khàn của một người chết đuối!
- Canavaro! Canavaro!
- Có mặt! Zorba vừa kêu lớn vừa đặt tay lên hai đầu gối đã được xiết bao thờ phụng một lần nữa, như thể hắn muốn chiếm hữu lần này.
Mụ ca sĩ quằn quại trên ghế và lại mở cái miệng rúm ró ra:
- Tôi cũng can đảm sát cánh chiến đấu... Nhưng những ngày đen tối bắt đầu... Crete được giải phóng, những hạm đội được lệnh triệt thoái. “Còn tôi, tôi sẽ ra sao? Tôi vừa la vừa nắm lấy bốn hàm râu. Các ông sẽ bỏ tôi nơi đâu? Tôi đã quen với quyền cao chức trọng, tôi đã quen dùng rượu champagne với gà rô-ti, tôi đã quen với những chú lính thủy kháu khỉnh chào tôi kiểu nhà binh. Tôi sẽ ra sao? Bốn lần góa bụa hay sao, các quan thủy sư đô đốc ơi!”

“Ô hô”, họ cười hô hố. A! Ðàn ông! Họ thích cho đầy bảng Anh, lire Ý, rúp Nga và đồng napoléons. Tôi nhét trong vớ, trong ngực áo và trong giầy. Buổi tối cuối cùng, tôi khóc lóc kêu gào đến nỗi các ông đô đốc phải mủi lòng thương hại tôi. Họ đổ champagne vào đầy bồn tắm, ẵm tôi dìm vào đó - chúng tôi rất thân mật nhau, ông thấy chưa - và sau đó, họ uống tất cả champagne trong bồn để tỏ lòng quí trọng tôi và họ say khướt. Sau đó, họ tắt đèn...
“Buổi sáng hôm sau, tôi ngửi thấy đủ mọi hương thơm lớp lớp chồng lên nhau: mùi đổng-thảo eau-de-Cologne, xạ hương và long-diên-hương. Bốn đại cường - Anh, Pháp, Nga, Ý - tôi đặt ở đây, đây này, trên đầu gối tôi, và tôi điều khiển họ, nhìn đây, như vậy đó!”
Mụ Hortense dang cánh tay mũm mĩm, đưa lên đưa xuống như khiến một chú bé nhẩy trên đầu gối mụ.
- Ðó, như vậy đó! Như vậy đó!
“Khi trời sáng họ bắt đầu khai hỏa súng thần công, tôi không nói dối đâu, tôi xin thề danh dự với các ông, và một con thuyền trắng mười hai tay chèo đến đón tôi và đưa tôi vào đất liền.”
Mụ rút một chiếc khăn tay nhỏ xíu ra và bắt đầu khóc, không tài nào dỗ nổi.
- Bouboulina của tôi, Zorba say sưa kêu lên. Nhắm mắt lại đi, nhắm mắt lại đi cưng. Anh là Canavaro đây!
- Tôi nói bỏ tay xuống! Mụ đàn bà dễ thương của chúng tôi làm bộ nhõng nhẽo nói. Thử nhìn lại bộ mặt đẹp trai của mình xem! Ngù vai vàng đâu, mũ tam giác, hàm râu thơm phức đâu? Ai không biết xấu.
Mụ dịu dàng siết tay Zorba và lại khóc.
Không khí trở nên mát mẻ hơn. Chúng tôi cùng im lặng trong giây lát. Biển cả đằng sau dẫy lau sậy thở dài. Sau cùng, biển êm ả và trầm lặng. Gió lịm đi, mặt trời lặn. Hai con quạ chiều hôm bay qua đầu chúng tôi và cánh chúng rít lên như xé lụa - tấm áo lụa của một nàng ca kỹ.
Ánh hoàng hôn rơi lả tả như một đám bụi vàng rắc trên sân. Mái tóc mụ Hortense bắt lửa và rung động trong cơn gió hiu hiu buổi chiều như thể muốn bay để truyền lửa sang đầu óc những người bên cạnh. Bộ ngực nửa trần của mụ, hai đầu gối không khép liền, đẫy ra vì tuổi tác, những nếp nhăn trên cổ, đôi giầy khiêu vũ nhuộm ánh vàng.
Mụ kiều nữ già của chúng ta rùng mình. Lim dim đôi mắt đỏ hoe vì nước mắt và rượu, mụ hết nhìn tôi rồi lại nhìn Zorba, lúc này, môi khô ráo, đang chết mê chết mệt vì bộ ngực của mụ. Bây giờ trời tối sẩm hơn. Mụ nhìn cả hai chúng tôi với một vẻ dò hỏi, cố gắng phân biệt kẻ nào trong chúng tôi là Canavaro.
- Bouboulina của tôi, Zorba đắm đuối thì thầm trong khi kê đầu gối vào đầu gối mụ. Ðừng lo ngại, không có Thượng Ðế mà cũng chẳng có ma quỉ gì hết. Ngẩng mái đầu nho nhỏ xinh xinh của em lên, tay chống lên má và hãy hát cho chúng tôi nghe một bài nào. Hoan hô cuộc sống và cho cái chết chết luôn!...
Zorba rạo rực. Trong khi tay trái hắn xoắn ria mép, tay phải hắn sờ soạng trên người ca kỹ say. Hắn nói không ra hơi và cặp mắt hắn lờ đờ. Chắc chắn không phải mụ già xác ướp và trang điểm thái quá này hắn nhìn thấy trước mặt mà là tất cả cái “giống cái” như hắn thường gọi đàn bà. Cá nhân biến mất, bộ mặt bị xóa nhòa. Trẻ hay già, đẹp hay xấu, đó chỉ là những biến thể không quan trọng. Sau mỗi người đàn bà lồ lộ cái khuôn mặt khắc khổ, thiêng liêng và đầy bí ẩn của Aphrodite.
Chính khuôn mặt đó Zorba đang nhìn thấy, chính khuôn mặt đó hắn đang nói với và thèm muốn; mụ Hortense chỉ là cái mặt nạ phù du và trong suốt mà Zorba xé rách toang để hôn lên cái miệng vĩnh cửu.
- Ngẩng khuôn cổ ngà ngọc của em lên, cưng, cưng, hắn hổn hển khẩn khoản. Ngẩng khuôn cổ ngà ngọc của em lên, hát cho chúng tôi nghe đi nào!
Mụ ca kỹ già tỳ má trên bàn tay mũm mĩm, bị cắt cứa bởi giặt giũ; cặp mắt mụ trở nên thờ thẫn. Mụ thốt lên một tiếng than não nuột, man rợ và bắt đầu bản nhạc ưa thích, hát đi hát lại nhiều lần trong khi nhìn Zorba bằng cặp mắt lim dim ngây ngất - mụ đã thực hiện xong cuộc lựa chọn:
Au fil de mes jours
Pourquoi t'ai-je rencontrée...*
Zorba nhẩy cẳng lên đi tìm cây santuri của hắn, ngồi xếp bằng trên mặt đất, giở đồ nghề, tỳ trên đầu gối và duỗi hai bàn tay to lớn ra.
- Ôi chao! Ôi chao! Hắn rống lên. Lấy dao cắt cổ họng tôi đi, Bouboulina của tôi ơi!
Khi đêm bắt đầu buông xuống, khi sao mọc ở trên trời và tiếng đàn santuri tán tỉnh và đồng lõa ngân lên, mụ Hortense, tọng đầy thịt gà và cơm, hạnh đào nướng và rượu, lảo đảo vùi đầu trên vai Zorba thở dài. Mụ cọ xát nhè nhẹ vào hai bên cạnh sườn trơ xương của hắn, ngáp và lại thở dài thườn thượt.
Zorba ra hiệu cho tôi và hạ thấp giọng thì thầm:
- Mụ đang lên cơn, ông chủ. Ði đi, để mặc chúng tôi.

Ads Belove Post