Chương 3. Lý tưởng và Thực tế

Chương 3. Lý tưởng và Thực tế

Price:

Read more

Zorba Hy Lạp
Chương 3. Lý tưởng và Thực tế


Trời vừa sáng, tôi mở mắt ra và trông thấy Zorba ngồi đối diện với tôi phía cuối giường, hai chân xếp lại; hắn hút thuốc và đang trầm tư mặc tưởng. Ðôi mắt bé nhỏ và tròn xoe của hắn đăm đăm nhìn về phía trước tới khuôn cửa trổ trên mái nhà mà những tia sáng đầu tiên đã nhuộm một mầu trắng sữa. Hắn có đôi mắt lộ, khuôn cổ trần và gân guốc vươn ra dài một cách khác thường, giống như cổ một con chim mồi.
Ðêm qua, tôi đã cáo lui sớm và để hắn ta một mình với người đẹp già của hắn.
- Tôi đi đây, tôi nói. Chơi cho vui nhé Zorba, và hãy can đảm lên nhé!
- Chào ông chủ, hắn đáp. Xin ông mặc cho chúng tôi giải quyết công việc của chúng tôi; xin chào ông chủ và chúc ông chủ ngon giấc!
Quả nhiên họ đã giải quyết vấn đề của họ, vì trong khi ngủ dường như tôi có nghe những tiếng rù rì đè nén và, có một hồi, những chấn động làm rung chuyển phòng bên cạnh. Rồi sau đó tôi lại ngủ thiếp đi. Già nửa đêm, Zorba đi chân không vào và nằm dài trên giường thật nhẹ nhàng để khỏi làm tôi thức giấc.
Bây giờ, khi trời vừa tang tảng sáng, hắn ta đã ngồi đấy, đôi mắt chìm vào xa xăm, hướng về vùng ánh sáng, mắt còn lim dim. Người ta tưởng chừng như hắn ta đang ở trong cơn hôn mê nhè nhẹ; thái dương hắn dường như chưa thoát khỏi giấc ngủ.
Ðiềm tĩnh, thụ động, hắn ta buông mình trong vùng tranh tối tranh sáng dầy đặc như mật ong. Vũ trụ như trôi chẩy, đất đai, sông nước, tư tưởng, con người, tất cả đều trôi chẩy về một miền biển xa xôi, và Zorba cũng hân hoan trôi chẩy cùng với chúng, không kháng cự, không thắc mắc hỏi han chi.
Thôn làng bắt đầu thức dậy - tiếng gà gáy inh ỏi cùng với tiếng lợn, lừa và người ta. Tôi muốn nhẩy xuống giường và la lên: “Này Zorba! Hôm nay chúng ta có việc làm rồi đấy!” Nhưng tôi tự cảm thấy vô cùng diễm phúc khi đắm mình như thế, im lặng, bất động, vào những tia hồng thắm len lỏi, chập chờn của buổi bình minh. Trong những giây phút thần kỳ này, tất cả cuộc đời nhẹ tựa lông hồng. Như một áng mây chờn vờn và mềm nhũn, trái đất thay hình đổi dạng theo cơn gió thổi.
Tôi nhìn Zorba hút thuốc, tôi cũng thèm hút nữa, và tôi với tay lấy cái tẩu thuốc. Tôi ngắm nghía và bồi hồi cảm động. Ðó là một cái tẩu thuốc Ăng-lê vừa to vừa quí giá, một tặng phẩm mà một người bạn thân - người có đôi mắt xám xanh và bàn tay ngón búp măng - cách đây nhiều năm, ở ngoại quốc đã tặng cho tôi vào một buổi trưa. Việc học vừa xong, bạn tôi đã lên đường sang Hy Lạp ngay chiều hôm đó. “Bỏ thuốc lá, hắn nói với tôi như thế; anh đốt thuốc, anh hút một nửa và anh quẳng nó đi như một con đĩ. Xấu lắm. Tốt hơn hết anh hãy dùng tẩu thuốc. Ðó là một người vợ trung thành. Khi anh trở về nhà, nó sẽ luôn luôn ở đó, lặng lẽ chờ đợi anh. Anh sẽ châm tẩu, anh sẽ nhìn theo làn khói tỏa trong không khí, và anh sẽ nhớ đến tôi!”
Giữa trưa, chúng tôi bước ra khỏi một viện bảo tàng ở Bá Linh nơi bạn tôi đến đó để giã từ bức tranh hắn thích, bức Chiến Sĩ của Rembrant, đội nón đồng, má hốc hác, với cái nhìn đau đớn và cương quyết. “Trong đời tôi, nếu có bao giờ tôi thực hiện được một hành động nào xứng đáng với con người, đó là nhờ hắn!” Anh bạn tôi vừa thì thầm vừa ngắm chàng chiến sĩ ghê gớm và tuyệt vọng.
Chúng tôi đang tựa lưng vào một cột trụ trong sân viện bảo tàng. Ðối diện với chúng tôi là một pho tượng đồng - một nữ kỵ sĩ khỏa thân cưỡi trên lưng con ngựa rừng với một vẻ duyên dáng khó tả. Một con chim nhỏ mầu xám, con chim chìa vôi, đến đậu một lát trên đầu nàng kỵ sĩ, hót hai ba lần với vẻ nhạo báng rồi vỗ cánh bay.
Tôi rùng mình nhìn bạn tôi:
- Anh có nghe con chim hót không? Tôi hỏi. Nó có vẻ như muốn nói với chúng ta điều gì?
Bạn tôi mỉm cười:
“Ðó là một con chim, hãy để yên cho nó hót, đó là một con chim, hãy để cho nó nói!” Hắn đáp lại bằng một câu vè trích từ một bài ai-ca của dân gian.
Tại sao giây phút này, khi trời vừa sáng, trên bãi biển đảo Crete này, kỷ niệm kia lại hiện về nơi ký ức tôi cùng với câu thơ ảo não khiến tinh thần tôi tràn trề cay đắng?
Tôi thong thả nhồi thuốc vào tẩu và châm lửa. Tất cả đều có một ý nghĩa thầm kín trong thế gian này, tôi nghĩ. Con người, thú vật, cỏ cây, tinh tú, tất cả chỉ là một tượng hình; hạnh phúc thay cho kẻ nào bắt đầu đọc ra được những chữ ấy và minh giải được điều chúng muốn nói, nhưng cũng bất hạnh thay cho kẻ ấy. Khi chúng ta thấy chúng, chúng ta không hiểu chúng. Chúng ta tưởng đó là những con người, thú vật, cỏ cây, tinh tú. Chỉ nhiều năm sau, lâu lắm, chúng ta mới khám phá ra được cái ý nghĩa đích thực của chúng.
Người chiến sĩ với cái nón đồng, anh bạn tựa lưng vào cột trụ, trong ánh sáng dầy đặc của buổi trưa ấy, con chim chìa-vôi và những gì nó nói qua tiếng chim kêu chim chíp, câu thơ trong bài ai ca, tất cả những điều ấy, hôm nay tôi nghĩ rất có thể có một ý nghĩa thầm kín nào đó, nhưng ý nghĩa nào mới được chứ?
Tôi đưa mắt nhìn theo làn khói cuồn cuộn và từ từ tản mát trong vùng tranh tối tranh sáng. Và tâm hồn tôi quấn quít theo làn khói, chầm chậm tan biến trong những cuộn khói xanh lơ. Một hồi lâu trôi qua, không cần sự can thiệp của luận lý, tôi trực nhận ra một cách vô cùng đích xác nguồn gốc, sự triển nở cùng sự tiêu diệt của thế giới. Dường như tôi bị chìm ngập một lần nữa trong Ðức Phật nhưng lần này không có những danh từ phỉnh phờ và những trò múa rối vô liêm sỉ của tinh thần. Làn khói kia là tinh hoa của giáo lý ngài, những cuộn khói tan biến kia, đó là cuộc đời, thanh thản, tự tại và hoan hỷ đạt tới Niết Bàn xanh biếc. Tôi không suy nghĩ, không tìm kiếm, không chút nghi ngờ. Tôi sống trong niềm tin tưởng xác thực.
Tôi thở ra nhẹ nhõm. Như thể hơi thở này đưa tôi trở về với giây phút hiện tại, tôi nhìn quanh và thấy trong túp lều nghèo nàn bằng ván có một mảnh gương con treo trên ván phản chiếu lại tia sáng đầu tiên của mặt trời. Trước mặt tôi, trên tấm nệm, Zorba ngồi quay lưng lại và đang hút thuốc.
Trong một thoáng, hình ảnh ngày hôm qua sống lại nơi tôi với tất cả những dời đổi bi-hài. Hương vị hoa tím bị hở gió - mùi đổng thảo, mùi eau-de-Cologne, mùi xạ hương, mùi long-diên - một con két, một sinh vật nửa người biến thành con két, đập cánh trong lồng sắt trong khi gọi tên một tình nhân cũ; một chiếc thuyền buồm nhỏ duy nhất còn sống sót của đoàn tầu, trần thuật lại những trận thủy chiến xưa...
Zorba nghe tôi thở dài, lắc đầu quay lại.
- Chúng ta đã cư xử tệ quá, hắn lẩm bẩm, chúng ta đã cư xử tệ quá, ông chủ ạ. Ông đã cười cợt, tôi cũng vậy, và mụ đã nhìn thấy, cái mụ khốn khổ ấy! Và ông bỏ đi, không một lời dịu dàng, như thể mụ là một mụ già khú đế. Thật nhục nhã! Ðấy không phải là phép lịch sự, ông chủ. Một người đàn ông không thể cư xử như thế được, không, xin ông cho phép tôi nói với ông điều đó! Dù sao đó cũng là một người đàn bà, đúng không? Một sinh vật yếu đuối, sướt mướt. May mắn thay còn có tôi ở lại để an ủi mụ.
- Nhưng bác muốn nói cái gì mới được chứ, Zorba? Tôi vừa nói vừa cười. Có thực bác cho rằng tất cả mọi người đàn bà đều chỉ có cái đó trong đầu không?
- Vâng, họ chỉ có cái đó trong đầu. Tin tôi đi, ông chủ. Tôi đã thấy đủ thứ và làm đủ mọi chuyện lăn lóc. Tôi, như ai đó đã nói đó, tôi đã có chút kinh nghiệm. Người đàn bà không có điều gì khác trong đầu họ. Họ là một sinh vật bệnh hoạn, tôi xin nói với ông như vậy, một sinh vật sướt mướt. Nếu ông không nói với họ rằng ông yêu họ và thèm muốn họ thì họ sẽ khóc. Rất có thể họ sẽ từ chối ông, có thể họ không thích ông chút nào, có thể ông làm họ tởm, thì đó lại là chuyện khác. Nhưng ai đã thấy họ thì phải thèm muốn họ. Ðó là điều họ muốn, cái giống khốn khổ đó, và như thế ông rất có thể làm vừa lòng họ!
“Tôi có một bà nội, bà phải làm đến tám mươi tuổi rồi chứ không ít. Chuyện bà lão đúng là một cuốn tiểu thuyết. Nhưng thôi, đó lại là một mục khác... Bà lão ấy phải đến tám mươi tuổi rồi và ngay trước nhà chúng tôi có một cô gái tươi như hoa. Tên nàng là Krystallo. Mỗi chiều Thứ Bẩy, chúng tôi, bọn trai làng còn non choẹt, chúng tôi đi nhậu một mách và rượu nho đã khiến chúng tôi hăng tiết vịt. Mỗi đứa trong bọn đều cài một cành hoắc-hương ở sau tai, một thằng anh em bà con với tôi xách lục huyền cầm theo và chúng tôi đến tổ chức sérenade trước cửa nhà nàng. Tình tứ làm sao! Say đắm làm sao! Chúng tôi rống lên như đàn bò. Tất cả chúng tôi đều muốn nàng và chiều Thứ Bẩy nào chúng tôi cũng tụ họp thành đàn để nàng tha hồ lựa chọn.
“Ðó, ông có tin lời tôi không ông chủ? Ðây là một điều bí ẩn ghê gớm: nơi đàn bà có những vết thương không bao giờ lành cả. Tất cả những vết thương đều ngậm miệng, nhưng vết thương kia - ông đừng nghe mấy lời quyển sách nhảm nhí của ông - nó không bao giờ ngậm miệng cả. Sao, bởi vì người đàn bà đã tám mươi tuổi ư? Vết thương vẫn còn mở miệng!
“Vậy là, mỗi Thứ Bảy, mụ già kéo tấm nệm của mụ tới trước cửa sổ, mụ lén lấy cái gương con và mụ chải lại mấy sợi tóc lơ thơ còn lại và cẩn thận rẽ đường ngôi... Mụ lén nhìn quanh mình, sợ có người thấy được; nếu có ai đến gần, mụ co mình lại như một kẻ giả nhân giả nghĩa và vờ ngủ. Nhưng làm thế nào mà ngủ được? Mụ ta chờ đợi cuộc hòa nhạc. Tám mươi tuổi! Ông thấy chưa, ông chủ, đàn bà thật khó hiểu! Ngay bây giờ điều ấy làm cho tôi muốn khóc lên được. Nhưng thuở ấy, tôi chỉ là một kẻ dại dột, tôi không hiểu và điều đó làm tôi tức cười. Một hôm tôi phát cáu với mụ ta. Mụ làm nhục tôi vì tôi chạy theo các cô gái, thế là tôi nói trắng việc làm của mụ ra: “Tại sao mỗi Thứ Bẩy bà đều lấy lá hồ đào bôi lên môi, và bà rẽ đường ngôi làm chi vậy? Bà tưởng tụi tôi hòa nhạc vì bà à? Chúng tôi chạy theo Krystallo kìa. Còn bà, bà gần kề miệng lỗ rồi đó!”
“Ông có tin được không ông chủ? Ngày hôm đó, lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là một người đàn bà khi thấy hai giọt nước mắt to tướng từ mắt mụ nội tôi tuôn ra. Mụ thu hình trong một xó như một con chó cái và cằm mụ run rẩy. ‘Krystallo!’ Tôi thét lên và đi lại gần mụ để mụ nghe rõ hơn. Tuổi trẻ thật là một con thú dữ, vô nhân đạo và không hiểu gì cả. Mụ nội đưa đôi cánh tay xương xẩu lên trời và thét to lên: “Tao nguyền rủa mày tự đáy lòng tao!”
Kể từ ngày ấy trở đi, mụ bắt đầu xuống dốc, mụ chết dần chết mòn và hai tháng sau, mụ chờ chết. Trong lúc hấp hối, mụ nhận thấy tôi. Mụ thở như một con rùa và mụ giơ bàn tay héo hắt túm lấy tôi: “Chính mày đã giết tao, Alexis, chính mày đã giết tao, quân độc ác. Tao nguyền rủa mày, cầu trời cho mày phải đau đớn như tao đã từng cam chịu đau đớn!”
Zorba mỉm cười.
- A! Lời nguyền rủa của mụ già không làm tôi hề hấn gì, hắn vừa nói vừa vuốt bộ ria mép. Hình như năm nay tôi sáu mươi lăm tuổi rồi, nhưng dù tôi có sống đến một trăm tuổi đi chăng nữa tôi cũng không bao giờ trở nên khôn ngoan cả. Tôi sẽ vẫn giữ mảnh gương con trong túi và tôi vẫn chạy đuổi theo giống cái như thường.
Hắn lại mỉm cười, ném điếu thuốc lá qua cửa thông ánh sáng trên mái nhà, vươn vai nói:
- Tôi còn có biết bao tật xấu khác nữa, nhưng tật xấu kia sẽ giết tôi.
Hắn nhẩy phóc xuống khỏi giường.
- Thế đủ rồi, nói hơi nhiều. Hôm nay ta làm việc!
Hắn mặc quần áo chớp nhoáng, mang giày và đi ra.
Tôi gục đầu xuống nghiền ngẫm những lời nói của Zorba và đột nhiên tôi nhớ đến thành phố xa xôi đầy tuyết phủ.
Trong một phòng triển lãm tác phẩm của Rodin, tôi ngừng lại ngắm một bàn tay khổng lồ bằng đồng, Bàn Tay của Thượng Ðế. Lòng bàn tay nắm lại nửa chừng và trong lòng bàn tay ấy, một người đàn ông và một người đàn bà đang ngây ngất quấn quít vào nhau, phấn đấu để hòa hợp với nhau.
Một thiếu nữ đến gần và dừng lại bên cạnh tôi. Nàng cũng xúc động khi ngắm nhìn vòng tay ôm ghì vĩnh cửu đầy lo âu của người đàn ông và người đàn bà. Nàng dáng thanh thanh, ăn mặc lịch sự, với mái tóc dầy vàng hoe, một cái cằm bướng bỉnh và đôi môi mỏng. Nàng có vẻ quả quyết và đàn ông. Thường thường tôi rất ghét gợi chuyện dễ dãi nhưng lần này tôi không hiểu điều gì đã thúc dụ tôi quay sang hỏi:
- Cô nghĩ gì?
- Nếu người ta có thể trốn thoát! Nàng thì thầm một cách giận dỗi.
- Ðể đi đâu? Bàn tay Thượng Ðế ở khắp nơi. Không có sự cứu chuộc. Cô tiếc sao?
- Không. Có thể tình yêu là niềm hoan lạc mãnh liệt nhất trên thế gian này. Ðiều ấy rất có thể. Nhưng bây giờ khi nhìn thấy bàn tay bằng đồng kia, tôi muốn tìm cách thoát thân.
- Cô thích tự do hơn?
- Dạ.
- Nhưng nếu chỉ khi nào người ta vâng lời theo bàn tay đồng kia thì người ta mới được tự do? Nếu danh từ “Thượng Ðế” không có nghĩa tiện lợi như đám đông gán cho nó?
Nàng nhìn tôi lo âu. Mắt nàng có một mầu xám chì, môi nàng khô và cay đắng.
- Tôi không hiểu, nàng nói, rồi nàng lảng ra xa như hoảng sợ.
Nàng biến mất. Từ đó, tôi không bao giờ nghĩ ngợi tới nàng. Tuy nhiên, chắc chắn nàng vẫn sống trong đáy lòng tôi - và hôm nay, trên bờ biển hoang vắng này, nàng tự phần sâu thẳm của con người tôi bước ra, xanh xao và ai oán.
Vâng, tôi đã xử sự tệ quá. Zorba có lý. Bàn tay đồng ấy là một cớ chính đáng. Sự va chạm đầu tiên đã thành tựu, những lời nói dịu dàng đã được đổi trao, và dần dần chúng ta có thể, không ai lưu tâm đến ai, siết chặt lấy nhau và cùng nhau lẳng lặng hòa hợp trong lòng bàn tay Thượng Ðế. Nhưng tôi, tôi lại bất thần nhẩy vọt từ dưới đất lên trời khiến người đàn bà hoảng kinh chạy trốn.
Con gà trống già đứng gáy trước sân nhà mụ Hortense. Ánh sáng ban mai trắng xóa giờ đây lùa qua khung cửa nhỏ. Tôi đứng phắt dậy.
Bọn thợ bắt đầu đến với cuốc, đòn bẩy, cuốc chim của họ. Tôi nghe Zorba ra lệnh. Hắn lăn xả ngay vào công việc; người ta nhận thấy nơi hắn một người biết điều khiển và thích nhận lãnh trách nhiệm.
Tôi thò đầu ra cửa sổ và nhìn thấy hắn đứng đấy như một tên khổng lồ nặng nề giữa đám khoảng độ ba mươi người gầy gò, thô kệch, mưa nắng dãi dầu và thân hình mảnh dẻ. Tay dang ra đầy quyền uy, hắn nói một cách vắn tắt và minh bạch. Ðột nhiên, hắn thộp ót một gã thiếu niên đang nói lầm bầm và ngập ngừng bước tới.
- Mi có điều gì muốn nói? Hắn quát. Hãy nói to lên! Tao không ưa nói lí nhí. Muốn làm việc phải vui vẻ. Bằng không cút đi nhậu cho rồi!
Lúc đó mụ Hortense hiện ra, đầu bù tóc rối, má phị, phấn không thoa. Mụ mặc một áo chemise bẩn và đôi giầy hàm ếch mòn gót. Mụ ho, tiếng ho khàn khàn của những ả ca kỹ già, giống tiếng lừa kêu. Mụ dừng lại và nhìn Zorba một cách kiêu hãnh. Mắt mụ mơ màng. Mụ lại dặng hắng cốt để hắn ta nghe thấy; rồi mụ vừa bước lại gần hắn vừa nhún nhẩy đôi mông. Chỉ còn cách một kẽ tóc nữa thôi là tay áo rộng của mụ chạm vào hắn ta. Nhưng dù thế hắn cũng vẫn không quay lại nhìn mụ. Hắn lấy của một người thợ một mẩu bánh bột lúa mạch và một nắm ô-liu và kêu to:
-Nào, các bạn hãy làm dấu thánh giá đi nào!
Và hắn xài bước dẫn toán thợ sắp hàng ngay ngắn hướng về phía núi!
Ở đây tôi sẽ không mô tả những công việc ở hầm mỏ. Muốn làm việc đó cần phải kiên nhẫn mà tôi thì không có cái đức tính ấy. Với lau sậy, sợi mây và mấy bi-đông xăng, chúng tôi cất được một cái chòi cạnh biển. Hừng đông, Zorba đã chồm dậy, chụp lấy cuốc rồi đi ra mỏ trước bọn thợ. Hắn đào một đường hầm, rồi bỏ đó, gặp một mạch than non lóng lánh như than đá và nhẩy cẫng lên vì sung sướng. Nhưng vài ngày sau, mạch mỏ mất tăm và Zorba nằm dài trên đất, chổng cả bốn vó lên trời mà chế nhạo ông trời.
Hắn để hết tâm trí vào công việc. Hắn không hỏi ý kiến tôi nữa. Ngay từ những ngày đầu, tất cả mọi phiền phức và trách nhiệm đều được chuyền từ tay tôi qua hắn. Hắn có bổn phận quyết định và thi hành. Còn tôi thì bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên sự phân công này không làm tôi phật ý chút nào. Vì tôi cảm thấy rõ ràng là những tháng ngày này sẽ là những tháng ngày hạnh phúc nhất trong đời tôi. Thế nên, sau khi tính toán cân nhắc đủ điều, tôi ý thức rằng tôi đang mua được hạnh phúc với một giá hời.
Ông ngoại tôi, sống trong một thôn nhỏ ở Crete; mỗi buổi chiều xách đèn lồng và đi một vòng quanh làng để xem may ra có một người ngoại quốc nào đến không. Ông rước người khách về nhà, mời người ta ăn uống no say, rồi sau đó, ông ngồi xuống bộ ván, đốt cái ống điếu Thổ Nhĩ Kỳ dài, quay mặt về phía người khách lạ - đã đến lúc phải trả nợ - bằng một giọng kẻ cả:
- Kể đi!
- Kể gì, cố Mustoyorgi?
- Ông là gì, ông là ai? Ông từ đâu đến, ông đã được thấy những thành phố và làng mạc nào, tất cả, hãy kể lại tất cả. Kìa, nói đi chứ!
Và người khách bắt đầu kể lăng nhăng, bịa đặt lẫn với sự thật, trong khi đó ông tôi phì phà ống điếu, lặng lẽ ngồi trên phản, lắng tai nghe và du lịch với hắn. Và nếu người khách làm ông thích chí, ông bảo hắn:
- Ngày mai, ông cũng sẽ ở lại đây. Ông chưa đi được. Ông còn nhiều chuyện để kể lắm.
“Ông tôi không bao giờ ra khỏi làng. Ông cũng chưa đi đến Canada hay Canea nữa. “Ðến đó để làm gì chứ? Ông nói. Có những người Candia và Canea đi ngang qua đây. Candia và Canea đến nhà tôi rồi, thế thì tôi cần gì phải đến đó nữa?”
Ngày hôm nay tôi tiếp tục cái tật ấy của ông tôi trên bờ biển Crete này. Tôi cũng thế, tôi đã tìm được một người khách, dường như tôi cũng bắt gặp hắn ta nhờ ánh đèn lồng. Tôi không để hắn bỏ đi. Hắn làm tôi tốn kém hơn một bữa cơm, nhưng hắn đáng được thế. Mỗi buổi chiều tôi đợi hắn sau giờ làm việc, tôi bắt hắn ngồi đối diện với tôi, chúng tôi cùng ăn. Ðến lúc hắn phải trả nợ, tôi bảo hắn: “Kể đi!” Tôi châm tẩu và lắng nghe. Người khách này đã thám hiểm đất đai và thám hiểm tâm hồn con người thật tài ba. Tôi lắng nghe hắn ta mà không thấy chán.
- Kể đi Zorba, kể đi!
Vừa khi hắn ta mở miệng nói là tất cả thành phố Macedonia phơi bầy ra trước mắt tôi, trải ra trong khoảng chật hẹp giữa tôi và Zorba, với tất cả núi đồi, rừng rú, thác ghềnh, với đoàn quân cách mạng, những người đàn bà lam lũ với công việc và những người đàn ông thô kệch nặng nề. Ngọn núi Athos với hai mươi mốt tu viện, những xưởng đóng tàu, và những tên ăn không ngồi rồi bàn tọa lớn. Zorba lúc lắc cái cổ áo vừa chấm dứt câu chuyện về các thầy tu vừa phá lên cười: “Cầu trời cho ông chủ đừng gặp đít la và đầu thầy tu!”
Mỗi buổi chiều, Zorba đưa tôi đi dạo qua các xứ Hy Lạp, Bảo Gia Lợi và Constantinople. Tôi nhắm mắt lại và thấy các nơi đó. Hắn ta đã đi qua vùng Balkans rối loạn và quan sát tất cả mọi sự với đôi mắt nhỏ của con chim ưng, luôn luôn mở rộng vì kinh ngạc. Những sự vật quen thuộc với chúng ta và chúng ta đi qua một cách thản nhiên, những sự vật ấy lại đập vào mắt Zorba như những điều bí ẩn kinh khủng. Thoáng thấy một người đàn bà đi ngang qua, hắn ta sửng sốt dừng lại:
- Bí ẩn gì đây? Hắn hỏi. Một người đàn bà là gì? Tại sao mụ ta lại khiến đầu óc chúng ta đảo điên? Người ấy còn là gì nữa chớ, hãy nói hộ tôi một tí!
Hắn cũng tự hỏi với sự kinh ngạc như thế trước một gã đàn ông, một cây đơm hoa, một ly nước lạnh. Mỗi ngày Zorba nhìn tất cả mọi sự như nhìn thấy lần thứ nhất.
Hôm qua chúng tôi ngồi trước lều. Vừa nốc xong một ly rượu nho, hắn ta quay về phía tôi, la hoảng:
- Ông chủ ơi, thứ nước đỏ kia là gì thế, ông nói cho tôi biết với. Một cội cây già cỗi đâm nhánh non, có những trái nhỏ chua chua treo lủng lẳng, và thời gian qua, nắng làm trái chín, trái trở nên ngọt như mật và lúc đó người ta gọi chúng là những trái nho; ta đem ép nho, rồi vắt lấy nước ngọt chứa trong thùng. Tự nó nước ngọt ấy lên men, người ta bốc thùng ra vào dịp lễ Thánh George - Tửu Ðồ, thế là người ta có rượu nho. Thật kỳ diệu! Ông uống chất nước nho đỏ này và tự nhiên tâm hồn ông lẫm liệt, lẫm liệt quá nó không còn chịu ở trong thân thể già nua nữa, và nó thách đố Thượng Ðế chiến đấu với nó. Cái đó là cái gì ông chủ, ông chủ hãy nói đi!
Tôi không nói. Trong lúc Zorba nói, tôi cảm thấy thế giới khôi phục lại được vẻ tinh tuyền ban sơ. Tất cả mọi sự vật tẻ nhạt thường nhật lấy lại vẻ sáng choang rực rỡ chúng có thuở hồng hoang khi chúng vừa vuột ra khỏi bàn tay Thượng Ðế.
Nước, đàn bà, tinh tú, bánh mì, tất cả đều trở về nguồn gốc nguyên thủy huyền bí, và cơn lốc thần thánh lại nổi lên trong không gian.
Ðó là lý do tại sao mỗi buổi chiều nằm dài trên lớp đá cuội của bãi biển, tôi nóng lòng chờ đợi Zorba. Mình mẩy dính đầy bùn và nhem nhuốc vì than, hắn nhô lên khỏi lòng đất, giống như một con chuột khổng lồ với bước đi dài và thân thể đong đưa. Từ xa, tôi đoán được công việc ngày hôm nay trôi chẩy thế nào, căn cứ vào điệu bộ của thân hình hắn, vào đầu hắn cúi xuống hay ngẩng lên, vào cách vung vẩy của hai cánh tay lực lưỡng.
Lúc đầu tôi đi với hắn. Tôi quan sát nhân công. Tôi cố gắng tìm một con đường mới, chú ý tới những công việc thực tiễn, tìm hiểu và yêu thương chất liệu nhân loại rơi vào tay tôi, để cảm thấy niềm hân hoan mong ước từ lâu là không dính líu gì với chữ nghĩa nữa mà chỉ liên đới với những con người sống động. Và tôi có những dự định lãng mạn - nếu việc khai thác mỏ than thành công: Tổ chức một thứ đoàn thể trong ấy tất cả chúng ta đều đồng lao công tác, tất cả đều là của chung, mọi người đều ăn cùng một thực phẩm và mặc cùng một thứ quần áo như anh em một nhà. Tôi sáng tạo ra trong trí tôi một giáo hội mới, chất men của một cuộc sống mới...
Nhưng tôi chưa quyết định trình bày những dự tính này với Zorba. Hắn bực mình thấy tôi đi đi lại lại giữa đám công nhân, hỏi han can thiệp và luôn luôn đứng về phía người thợ.
Zorba bậm môi nói:
- Ông chủ, ông không ra ngoài dạo một vòng sao? Mặt trời và biển, ông hiểu chưa?
Mới đầu tôi nằn nì, không chịu đi ra ngoài. Tôi thăm hỏi, chuyện trò, tôi biết rõ lai lịch của tất cả bọn thợ: Những đứa con mà họ phải nuôi dưỡng, những chị em mà họ phải lo cưới gả, cha mẹ què quặt, những lo âu, bệnh tật cùng những nỗi dầy vò của họ.
- Ðừng đi sâu vào chuyện của họ, ông chủ, Zorba cau có gắt tôi. Ông sẽ bị xiêu lòng, ông sẽ thương yêu họ quá mức và như thế không có lợi cho công việc của chúng ta. Ông sẽ tha thứ cho họ tất cả... Thế là có hại cho họ nữa, ông nên biết điều đó. Khi chủ nhân cứng rắn, thợ thuyền sẽ sợ hãi, kính nể ông chủ và họ làm việc. Khi chủ nhân dễ dãi, họ sẽ xỏ mũi chủ, bỏ bê công việc, ông hiểu chưa?
Một buổi tối khác, công việc xong xuôi, hắn ném cái cuốc trước lều, bực tức la lên:
- Nào, hãy nói đi, ông chủ, tôi van ông đừng xen tí gì vào việc cả. Tôi, tôi xây dựng còn ông, ông phá hoại. Hôm nay ông nói những gì với tôi thế? Xã hội chủ nghĩa và những điều bá láp! Ông là một nhà truyền giáo hay một nhà tư bản? Ông phải chọn lựa đi!
Nhưng chọn lựa cách nào? Tôi bị xâu xé bởi ước vọng ngây thơ muốn nối kết hai sự việc lại, muốn tìm một tổng hợp trong ấy những đối kháng quyết liệt sẽ hòa giải với nhau, và muốn đạt được cùng một lúc đời sống trần gian và thiên đàng. Ước vọng đó kéo dài từ nhiều năm qua, từ thuở tôi còn nhỏ. Lúc tôi còn ở ghế nhà trường, tôi cùng với một số bạn thân nhất tổ chức một Hội Ái Hữu bí mật - và khép mình trong phòng ngủ khóa chặt cửa của tôi, chúng tôi phát thệ rằng tất cả chúng tôi sẽ hy sinh trọn đời mình để chiến đấu chống lại bất công. Chúng tôi khóc ròng khi tay đặt lên phía trái tim, chúng tôi phát lời thệ nguyện.
Ôi những lý tưởng trẻ con! Tuy nhiên khốn khổ cho ai nghe những điều ấy mà lại cười! Khi thấy những hội viên của Hội Ái Hữu trở thành lang băm, thầy kiện tồi, chủ tiệm tạp hóa, chính trị gia xảo quyệt, nhà báo quèn, lòng tôi quặn đau. Có lẽ khí hậu thế gian này hà khắc và cuồng bạo quá nên những hạt giống quí báu nhất không nẩy mầm hoặc bị chèn ép ngột ngạt bởi hoa hèn cỏ dại. Ngày hôm nay tôi thấy rõ ràng tôi chưa bị chết ngộp bởi lý trí. Cám ơn Thượng Ðế! Tôi vẫn còn cảm thấy rất sẵn sàng lăn mình vào những cuộc viễn chinh anh hùng rơm.
Ngày chủ nhật, cả hai chúng tôi sửa soạn như những chàng trai sắp lấy vợ: Chúng tôi cạo râu, mặc áo chemise trắng mới tinh, vào lúc xế chiều, chúng tôi đến nhà mụ Hortense. Mỗi Chủ Nhật, mụ làm thịt cho chúng tôi một con gà mái, và cả ba chúng tôi lại ngồi vào bàn ăn uống; rồi Zorba thò hai bàn tay dài đặt lên bộ ngực mời mọc của mụ đàn bà tử tế và chiếm hữu nó. Khi chúng tôi trở về bờ biển lúc hoàng hôn, cuộc đời đối với chúng tôi có vẻ giản dị và đầy hảo ý, già nua, nhưng rất đáng yêu và niềm nở, giống như mụ Hortense.
Và trong một những Chủ Nhật ấy, trên đường về sau bữa ăn thân mật thịnh soạn, tôi quyết định bầy tỏ với Zorba những dự định của tôi. Hắn há hốc miệng, cố gắng dằn lòng nghe. Nhưng thỉnh thoảng hắn lúc lắc cái đầu to tướng vẻ tức giận. Những lời nói đầu tiên của tôi đã khiến hắn tỉnh rượu ngay, đầu óc sáng suốt trở lại. Khi tôi dứt lời hắn bứt rứt nhổ hai ba sợi ria mép:
- Mong ông chủ thứ lỗi cho, tôi có cảm tưởng óc ông chưa được đặc lắm, nó mới chỉ sền sệt như đậu hũ. Ông bao nhiêu tuổi?
- Ba mươi lăm.
- Thôi xong! Thế là nó sẽ không bao giờ đặc lại được nữa rồi.
Nói xong hắn phá lên cười. Bị chọc tức, tôi la lên:
- Bác không tin tưởng vào con người sao?
- Xin ông chủ đừng nổi giận. Không, tôi không tin tưởng vào bất cứ điều gì hết. Nếu tôi tin vào con người, tôi sẽ phải tin vào Thượng Ðế, tôi cũng sẽ phải tin vào ma quỉ nữa. Và đó là cả một vấn đề. Mọi sự rồi sẽ rối bời, ông chủ, và điều đó sẽ mang đến cho tôi không biết bao nhiêu là bực mình.
Hắn nín lặng, lột mũ nồi ra, gãi đầu như điên, lại kéo mạnh ria mép như định nhổ đi. Hắn muốn nói điều gì nhưng lại thôi. Hắn liếc mắt nhìn tôi, nhìn thẳng lần nữa và quả quyết nói:
- Con người là một con thú! Hắn la vừa lấy cây gậy đập lên mấy cục đá một cách giận dữ. Thú vật tàn bạo. Quí ông không thể tưởng tượng được điều đó đâu. Tất cả đều có vẻ quá dễ dãi đối với ông. Ông hỏi tôi đấy à? Tôi xin thưa: Họ là loài vật! Nếu ông tàn nhẫn với họ: Họ sẽ kính nể và sợ hãi ông. Nếu ông tử tế với họ: Họ sẽ khoét mắt ông.
- Hãy xa cách họ, ông chủ, đừng để con người bạo dạn quá, đừng nói với họ là tất cả đều bình đẳng, tất cả đều có những quyền lợi như nhau, nếu không họ sẽ chà đạp lên quyền lợi của chính ông, họ sẽ cướp đoạt phần cơm áo của ông và bỏ ông chết đói ngay. Hãy xa cách họ ông chủ, tôi muốn ông được yên!
- Nhưng bác không tin tưởng vào bất cứ điều gì sao? Tôi điên tiết la lên.
- Không, tôi không tin tưởng vào bất cứ điều gì hết. Tôi còn phải nói với ông điều ấy bao nhiêu lần nữa? Tôi không tin tưởng vào bất cứ điều gì cũng không tin tưởng vào bất cứ ai, tôi chỉ tin vào Zorba. Không phải vì Zorba tốt hơn những kẻ khác, không phải vì thế. Không phải vì thế chút nào! Nó cũng là một con thú như tất cả mọi người. Nhưng tôi tin tưởng vào Zorba bởi vì hắn là kẻ duy nhất mà tôi biết: Tất cả những người khác đều là bóng ma. Chính với mắt nó mà tôi thấy, với tai nó mà tôi nghe, với ruột nó tôi tiêu hóa. Tất cả những người khác, đều chỉ là những bóng ma, tôi xin nhắc lại. Tôi, khi tôi chết đi, tất cả sẽ chết theo. Toàn thể thế giới Zorba sẽ chìm nghỉm xuống đáy!
- Ích kỷ quá sức! Tôi châm biếm.
- Ðiều đó không thể tránh được, ông chủ! Ðúng như vậy đó. Tôi ăn đậu, nói đậu, không ăn sóng nói gió; tôi là Zorba, tôi nói theo điệu Zorba.
Tôi không nói gì cả. Tôi cảm thấy những lời nói của Zorba như những lằn roi quất lên mình tôi. Tôi thán phục hắn mạnh đến thế, có thể khinh bỉ con người đến độ đó mà đồng thời vẫn muốn sống và cùng làm việc với họ như vậy. Tôi, hoặc sẽ trở thành một kẻ ẩn tu, hoặc tôi sẽ tô điểm cho con người bằng bộ lông giả để có thể chịu đựng được họ.
Zorba quay lại nhìn tôi. Dưới ánh sao, tôi nhận thấy hắn đang cười miệng ngoác đến tận mang tai.
- Ông có giận tôi không, ông chủ? Hắn nói và im bặt.
Chúng tôi về đến lều. Zorba dịu dàng và ái ngại nhìn tôi.
Tôi không trả lời. Tôi cảm thấy lý trí tôi đồng ý với Zorba, nhưng trái tim tôi chống lại, muốn vươn lên thoát khỏi con mãnh thú, mở một con đường riêng.
- Tối nay tôi không buồn ngủ, Zorba, tôi nói. Bác đi ngủ đi.
Sao long lanh, biển thở dài và liếm mãi những vỏ sò ốc, một con đom đóm thắp ngọn dâm đăng nhỏ lập lòe dưới bụng. Tóc đêm dài đầm đìa sương.
Tôi nằm úp mặt trên bãi biển, đắm chìm trong im lặng, không nghĩ ngợi điều gì hết. Tôi làm một với đêm và biển; tôi cảm thấy tâm hồn tôi giống như một con đom đóm, ngọn đèn nhỏ mầu xanh sáng rực, đậu trên mặt đất ẩm ướt tối đen và chờ đợi.
Những vì tinh tú đi du lịch vòng quanh, thời khắc trôi qua - và khi tôi đứng dậy, không hiểu tại sao, tôi đã ghi sâu trong tâm khảm một phận sự song trùng mà tôi phải hoàn tất trên bãi biển này:
Giải thoát khỏi Ðức Phật, trút bỏ trong chữ nghĩa mọi ưu tư siêu hình và giải thoát tâm hồn tôi khỏi nỗi xao xuyến vô ích.
Thiết lập một cuộc tiếp xúc sâu xa và trực tiếp với con người, ngay từ giờ phút này.
Tôi thầm nhủ: “Có lẽ mình còn đủ thì giờ.”

Ads Belove Post