Osho - Kinh Kim Cương: Lắng nghe chỉ có thể thực hiện được khi thân thể và linh hồn cùng kết hợp nhau

Osho - Kinh Kim Cương: Lắng nghe chỉ có thể thực hiện được khi thân thể và linh hồn cùng kết hợp nhau

Price:

Read more

Osho - Kinh Kim Cương: Lắng nghe chỉ có thể thực hiện được khi thân thể và linh hồn cùng kết hợp nhau

Vậy, Subhuti, lắng nghe cho rõ và chăm chú, Phật Gautama nói. Những lời này thật kì lạ - kì lạ vì Phật đang nói với vị bồ tát. Sẽ không có gì kì lạ nếu những lời này được nói cho người thường. Ta có thể hiểu được rằng người thường cần phải lắng nghe cho rõ. Lắng nghe sao khó thế. Lắng nghe có nghĩa là hiện hữu ở đây và bây giờ. Lắng nghe có nghĩa hiện hữu nhưng không một ý nghĩ nào. Lắng nghe có nghĩa thật tỉnh táo và nhận biết. Nếu những điều kiện này được đáp ứng, chỉ thế thì bạn mới lắng nghe.
Tâm trí của bạn như kẻ điên rồ bên trong, kẻ điên rồ đắm đuối. Tâm trí cứ xoay tròn cả nghìn lẻ một ý nghĩ, và tâm trí cứ vơ vẩn khắp thế giới - trong quá khứ, trong tương lai. Làm sao bạn có thể lắng nghe được? Và dù bạn đang lắng nghe thế nào, việc nghe đó sẽ không phải là nghe đúng chút nào. Bạn sẽ nghe cái gì đó khác, không được nói ra chút nào, bạn sẽ cứ bỏ lỡ điều được nói ra - bởi vì bạn không trong hài hoà. Dĩ nhiên bạn sẽ lắng nghe những lời, bởi vì bạn không điếc, nhưng chừng ấy không phải là lắng nghe.
Đó là lí do tại sao mà Jesus cứ luôn luôn nói với các đệ tử của ông ấy, "Nếu các ông có tai, nghe. Nếu các ông có mắt, nhìn." Các đệ tử đó không điếc mà cũng chẳng mù. Họ có mắt tinh như mắt bạn, họ có tai thính như tai bạn. Những lời của Jesus không lạ kì; chúng có liên quan. Ông ấy đang nói cho những người bình thường; ông ấy phải lôi kéo sự chú ý của họ, ông ấy phải nói to. Nhưng lời của Phật mới kì lạ - ông ấy đang nói với vị bồ tát, một sinh linh thượng đẳng, một sinh linh bồ đề; một người đã sắp sửa trở thành vị phật.
Khi ông ấy nói 'Vậy, Subhuti, lắng nghe cho rõ và chăm chú’ thì điều này là có ý nghĩa đích xác gì?
Lắng nghe cho rõ thường có nghĩa là lắng nghe trong trạng thái tiếp nhận, trong sự tiếp nhận sâu sắc. Khi bạn nghe, bạn thường biện luận, bạn thường phán xét, bạn thường nói, "Ờ, điều này đúng đấy, vì nó phù hợp với ý thức hệ của tôi, còn điều này thì không đúng vì tôi thấy nó chẳng logic. Cái này phải, cái này không phải. Cái này tôi có thể tin, cái này tôi không thể tin..." Nếu bạn cứ liên tục đưa ra mọi thứ như thế bên trong, thì bạn vẫn đang nghe đấy, nhưng bạn lại không lắng nghe cho rõ.
Bạn đang nghe cùng với sự can thiệp của tâm trí quá khứ của mình. Ai là việc phán xét này? Đấy không phải là bạn, đấy là quá khứ của bạn. Bạn đã từng đọc vài điều, bạn đã từng nghe vài điều, bạn đã từng bị huấn luyện về vài điều. Đấy là quá khứ liên tục can thiệp vào. Quá khứ muốn chính nó trường tồn. Nó không cho phép bất cứ cái gì làm ngắt quãng nó. Nó không cho phép bất cứ cái gì mới; nó chỉ cho phép những cái cũ khớp với nó. Đó là điều bạn cứ làm khi bạn phán xét, khi bạn chỉ trích, khi bạn thảo luận bên trong và tranh luận.
Lắng nghe cho rõ nghĩa là nghe một cách vâng lời. Từ ‘vâng lời - obedience’ này thật tuyệt vời. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng nguyên gốc của ‘vâng lời’ là từ obedire - có nghĩa là nghe thấu đáo. Tại sao ‘vâng lời’ lại có nghĩa là nghe thấu đáo? Chúng cùng nghĩa sao? Vâng, chúng cùng nghĩa. Nếu bạn lắng nghe một cách toàn bộ, thấu đáo, bạn sẽ vâng lời. Nếu chân lí có đó, bạn sẽ vâng theo. Bạn sẽ không cần bất kì quyết định gì về phần mình. Chân lí tự nó là bằng chứng. Một khi đã được nghe, bạn sẽ trở nên vâng lời nó. Do đó từ ‘vâng lời’ này có nguồn gốc từ obedire - lắng nghe một cách thấu đáo. Hay như tín ngưỡng Do Thái nói: vạch trần lỗ tai ra. Nếu bạn đã thực sự để mở tai mình và không có can thiệp, không có quấy rối bên trong, không có phân tán vào bất kì đâu, thì bạn không chỉ để mở tai mình, bạn còn để mở cả trái tim mình. Và nếu hạt mầm rơi vào trái tim, sớm hay muộn nó cũng sẽ trở thành cây, sớm hay muộn nó cũng sẽ nở hoa. Có thể mất chút thời gian để cho nó trở thành cây. Sẽ phải chờ đúng mùa vụ, chờ mùa xuân đến, nhưng nó sẽ trở thành cây. Bạn sẽ vâng lời nó nếu bạn đã nghe thấy chân lí.
Đó là lí do tại sao tâm trí không cho phép bạn nghe thấy điều ấy, vì tâm trí nhận biết rằng một khi chân lí đã được nghe thấy thì không còn lối thoát. Cho nên nếu bạn muốn thoát, tốt hơn cả là đừng nghe. Một khi đã nghe rồi, bạn bị bắt vào trong nó; thế thì không lối thoát. Làm sao bạn có thể thoát ra được khi bạn biết chân lí là gì? Thế thì chính hiện tượng bạn biết chân lí là gì sẽ tạo nên kỉ luật trong bạn. Bạn bắt đầu tuân theo nó. Và đấy không phải là cái gì bạn áp đặt lên mình; nó đến theo ý riêng của nó.
Cái chốt ở tai cần phải bị vứt bỏ đi. Những chốt tai ấy là gì? Sợ chân lí là cái chốt cơ bản. Bạn sợ chân lí - mặc cho điều bạn nói ra, mặc cho bạn cứ lắp đi lắp lại rằng "tôi muốn biết chân lí". Bạn sợ chân lí vì bạn đã sống trong dối trá. Và bạn đã sống trong dối trá lâu đến mức tất cả những điều dối trá đó đều sợ hãi, run rẩy - nếu chân lí đến, tất cả chúng sẽ phải rời bỏ bạn. Chúng đã trở thành người chủ của bạn. Hệt như bóng tối sợ ánh sáng, dối trá sợ chân lí. Khoảnh khắc bạn tiến tới gần chân lí hơn, tâm trí sẽ trở nên rất rối loạn. Nó sẽ tạo ra nhiều náo động, nó sẽ tung ra làn bụi mù, nó sẽ tạo ra đám mây bao phủ lấy bạn để cho bạn không thể nào biết được chân lí là gì.
Các chốt tai cần phải bị vứt bỏ đi. Cái chốt cơ bản là sợ hãi. Bạn đang bị khoá lại trong cái sợ. Phật đã nói rằng chừng nào bạn còn chưa can đảm thì bạn vẫn chưa đạt tới được chân lí. Và nhìn tôn giáo của bạn mà xem, nhìn điều bạn đã làm. Cái gọi là các tôn giáo của bạn tất cả đều dựa trên sợ hãi. Và thông qua sợ hãi thì không có đường tới chân lí; chỉ có can đảm mới biết chân lí là gì.
Khi bạn cúi mình trong nhà thờ, đền chùa, hay bạn cúi đầu trước pho tượng, kinh sách, tín ngưỡng, việc cúi mình đó xuất phát từ đâu? Quan sát bên trong - và bạn sẽ thấy chỉ toàn sợ hãi với sợ hãi. Từ sợ hãi thì không có niềm tin, nhưng cái gọi là niềm tin thì tất cả đều dựa trên sợ hãi. Đó là lí do tại sao trên thế giới này rất hiếm khi bắt gặp được người có niềm tin, vì niềm tin chỉ xảy ra khi sợ hãi đã biến mất. Niềm tin chỉ xuất hiện trên cái chết của sợ hãi.
Niềm tin nghĩa là tin cậy. Làm sao người luôn luôn sợ hãi có thể tin cậy được? Người đó bao giờ cũng nghĩ ngợi, người đó bao giờ cũng ranh mãnh, người đó bao giờ cũng bảo vệ, đề phòng. Làm sao người đó có thể tin cậy được? Để tin cậy, bạn cần dũng cảm. Để tin cậy, bạn cần phải bạo dạn. Để tin cậy, bạn cần có khả năng mạo hiểm. Để tin cậy, bạn cần đi vào trong hiểm nguy.
Mấy hôm trước đây, tôi đã nhìn một chữ biểu ý Trung quốc nói về khủng hoảng và trí tò mò của tôi bị kích thích, vì chữ biểu ý Trung quốc cho khủng hoảng bao gồm hai biểu tượng: một có nghĩa hiểm nguy, và biểu tượng kia có nghĩa cơ hội. Đúng đấy, khoảnh khắc đó là cốt yếu khi bạn đối diện với cả hai: nguy hiểm và cơ hội. Nếu bạn không đi vào trong nguy hiểm này, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội. Nếu bạn muốn có cơ hội, bạn sẽ phải đi vào trong nguy hiểm. Những người biết cách sống nguy hiểm, chỉ họ mới là người tôn giáo. Sợ hãi là cái chốt tai cơ bản. Rồi còn có những cái chốt khác, nhưng chúng nảy sinh từ cái sợ - nào phán xét, biện luận, níu bám với quá khứ, không cho phép cái mới đi vào trong bản thể bạn.
Trong rất nhiều dạng, trong rất nhiều ngôn ngữ, từ chỉ sự vâng lời là dạng nhấn mạnh của từ lắng nghe. Horchen, gehorchen, obedire vân vân - tất cả những từ này đơn giản nói tới việc lắng nghe toàn bộ, mãnh liệt, đam mê. Một điều nữa. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng từ ‘absurd’ - ngớ ngẩn - đích xác là ngược lại với từ vâng lời. Chữ la tinh ‘absurdus’ nghĩa là điếc đặc. Cho nên nếu bạn nói cái gì đó là ngớ ngẩn, absurd, thì bạn đơn giản nói ‘Tôi hoàn toàn điếc đặc với điều người ta đang nói cho tôi.’ Thay thế thái độ điếc đặc bằng thái độ vâng lời và thế thì bạn sẽ có khả năng lắng nghe, thế thì bạn sẽ để trần tai ra nghe, thế thì bạn sẽ cởi mở hoàn toàn.
Điều tốt là nên nói với người bình thường "Lắng nghe chăm chú vào." Nhưng sao Phật lại nói điều đó với ông Subhuti? Có cái gì đó rất có ý nghĩa cần phải được hiểu. Lời nói tự nó chẳng có nghĩa gì cả; ý nghĩa chỉ được tạo ra khi lời nói được đề cập tới ai đó. Lời nói được dành cho ai đó sẽ xác định ra ý nghĩa. Cho nên bạn không thể tìm thấy nghĩa đó trong bất kì từ điển nào vì từ điển không soạn riêng cho bồ tát; chúng được soạn cho những người bình thường.
Vậy thì câu này có nghĩa gì - lắng nghe cho rõ và chăm chú. Nó hàm ý một đôi điều cần phải được hiểu. Một: khi một người như tôn giả Subhuti có đó, hoàn toàn không có vấn đề chốt lỗ tai, không có chút nào. Không có vấn đề gì về sự cởi mở của ông ấy đối với Phật, không có nghi ngờ gì về điều đó cả; ông ấy cởi mở rồi. Chắc chắn là ông ấy không còn gì tranh luận với Phật; ông ấy hoàn toàn hài hoà với Phật, tuôn chảy với Phật. Nhưng khi một người đã đạt tới trạng thái bồ tát, khi một người đã tới rất gần phật tính, lại có vài vấn đề mới.
Mỗi giai đoạn mới của tâm thức đều có vấn đề riêng của nó. Đây là vấn đề đối với bồ tát: ông ấy cởi mở, ông ấy tiếp nhận, ông ấy sẵn sàng, nhưng ông ấy đã trở nên bị bật rễ khỏi thân thể. Trái tim ông ấy cởi mở, bản thể ông ấy cởi mở, nhưng ông ấy lại không còn được bắt rễ vào thân thể. Ông ấy đã trở nên tách ra khỏi thân thể; thân thể chỉ còn treo quanh đó. Ông ấy không sống trong thân thể, ông ấy gần như không đồng nhất với thân thể nữa - đấy là vấn đề.
Khi ai đó bảo bạn, "Lắng nghe cho rõ", người đó muốn nói rằng thân thể bạn đang lắng nghe, nhưng bạn thì không lắng nghe. Khi Phật nói điều đó với ông Subhuti, ông ấy ngụ ý "Ông lắng nghe, nhưng thân thể ông không lắng nghe." Điều đó hoàn toàn đối lập. Khi bạn nghe, thân thể bạn ở đây, bạn không ở đây. Lời nói đi vào tai này, tạo nên âm thanh và tiếng động ở đó, rồi đi ra tai kia. Chúng chưa bao giờ đi vào bản thể bạn; bản thể bạn không chạm vào chúng. Đối với một người như ông Subhuti, chính là điều ngược lại. Bản thể ông ấy có đấy, nhưng thân thể ông ấy lại không có đấy. Ông ấy đã mất dấu vết của thân thể. Ông ấy quên mất, ông ấy có xu hướng quên thân thể. Có những khoảnh khắc mà ông ấy chẳng còn nghĩ đến thân thể chút nào. Ông ấy sẽ có đó nhưng thân thể sẽ không có đó. Ông ấy đã tới trạng thái vô thân thể.
Bây giờ, lắng nghe chỉ có thể thực hiện được khi thân thể và linh hồn cùng kết hợp nhau. Trong bạn thân thể hiện diện, linh hồn vắng mặt. Trong ông Subhuti linh hồn hiện diện nhưng thân thể vắng mặt. Đó là ý của Phật khi ông ấy nói, "Subhuti, lắng nghe cho rõ". Đem thân thể ông lại đây. Để thân thể ông vận hành. Nhập xác, bắt rễ trong thân thể, vì thân thể là phương tiện, thân thể là công cụ, cái trung gian.
Và Phật nói... và chăm chú. Phải chăng ông Subhuti thiếu chú ý? Điều này không thể có, vì nếu như vậy thì ông ấy không thể là sinh linh bồ đề. Sinh linh bồ đề là người đã đạt tới sự chú ý, người nhận biết, người tỉnh táo, người có ý thức, người không còn là người máy nữa. Thế thì tại sao Phật lại bảo "Chú ý, chăm chú lắng nghe?" Lần nữa một ý nghĩa khác cần phải được hiểu.
Một người như ông Subhuti có xu hướng rút vào nội tâm. Nếu ông ấy không nỗ lực, ông ấy sẽ chìm vào trong bản thể mình, ông ấy sẽ bị mất hút ở đó. Ông ấy chỉ có thể ở bên ngoài nếu ông nỗ lực. Đối lập lại là trường hợp bạn: phải nỗ lực lắm thì bạn hãn hữu mới có thể rút vào bản thể nội tâm mình. Trong một khoảnh khắc ý nghĩ dừng lại và bạn mất hút vào cảnh tuyệt vời của nội tâm. Nhưng điều này hiếm khi xảy ra, và bạn chỉ đạt được tới đó bằng những cố gắng lâu dài gian nan - thiền, yoga, thế này thế nọ - và thế thì chỉ trong một vài khoảnh khắc bạn có cái đẹp đó, phúc lành đó. Bầu trời rộng mở, mây mù biến mất nhường chỗ cho ánh sáng, và có cuộc sống, có niềm vui hoàn toàn. Nhưng chỉ hiếm hoi lắm mới có các khoảnh khắc đó... lần nữa rồi lần nữa nó lại mất đi. Nếu bạn hết sức cố gắng để chú ý thì bạn đạt tới kinh nghiệm nội tâm này.
Đối với ông Subhuti, lại là điều ngược lại. Ông ấy đã mất hút trong bản thân mình, hoàn toàn chìm ngập trong niềm vui nội tâm. Chừng nào ông ấy còn chưa nỗ lực, ông ấy sẽ không thể nào lắng nghe được điều Phật đang nói. Ông ấy hoàn toàn có khả năng nghe im lặng của Phật. Nếu Phật im lặng, sẽ có giao cảm, nhưng nếu Phật nói cái gì đó, ông ấy phải cố gắng, ông ấy phải kéo mình, ông ấy phải đi ra, ông ấy phải ra khỏi bản thể và nhập xác, ông ấy phải rất chăm chú. Ông ấy bị say với rượu nội tâm.
Do đó Phật nói những lời kì lạ này: lắng nghe cho rõ và chăm chú. Và đây là lần đầu tiên tôi giải thích cho các bạn về những lời này. Từ hai mươi nhăm thế kỉ rồi, chưa có ai bình giải về những lời này. Chúng đã bị hiểu một cách bình thường, cứ như là Phật đang nói với bất kì ai, "Lắng nghe cho rõ và chăm chú". Phật không nói với người bình thường đâu.
Đã hai mươi nhăm thế kỉ rồi mà không ai bình giải cho đúng. Người ta cứ tưởng rằng họ đã hiểu ý nghĩa của những lời này. Ý nghĩa của những lời này thay đổi: nó phụ thuộc vào người dùng chúng, vào người nghe chúng. Ý nghĩa của những lời này tuỳ theo ngữ cảnh và hoàn cảnh. Lời, tự chúng không có ý nghĩa. Lời là vô nghĩa. Ý nghĩa chỉ nảy sinh trong tình huống đặc biệt.
Bây giờ tình huống này là rất hi hữu. Phật đã dùng những lời này cả nghìn lần; ngày nào ông ấy cũng phải dùng những lời này cho mọi người - "Lắng nghe cho rõ, chăm chú". Cho nên những người đã bình giảng về Kinh Kim Cương đều bỏ lỡ. Tôi cho là người bình giảng không phải là người chứng ngộ. Họ biết về ngôn ngữ nhưng họ hoàn toàn không nhận biết về tình huống kì lạ này. Phật không nói với người bình thường nào đó; Phật đã nói với ai đó, người rất gần với phật tính, người đang ở ngay biên giới của nó, sắp đi vào phật tính.
Và ông ấy bắt đầu câu này bằng chữ ‘vậy’: Vậy, Subhuti, lắng nghe cho rõ và chăm chú. Chữ ‘vậy’ này cũng rất phi logic. Chữ ‘vậy’ chỉ logic khi nó tới như một phần, như phần kết của logic tam đoạn luận. ‘Tất cả mọi người đều chết. Socrates là một người, vậy Socrates chết.’ Thế thì ‘vậy’ là hoàn toàn phải. Nó là một phần của tam đoạn luận, một kết luận. Nhưng ở đây không có logic, chẳng có gì đứng trước nó cả, không có tiền đề. Và Phật bắt đầu bằng phần kết - vậy.
Điều đó nữa cũng có tính kì lạ trong nó. Và đó là cách thức của Phật. Đó là cách thức mà trong Tâm Kinh, ông ấy đã nói với ông Sariputra (Xá Lợi Phất): Vậy! Sariputra... Bây giờ ông ấy nói: Vậy, Subhuti... Subhuti chẳng nói điều gì để cần đến chữ ‘vậy’, Phật chẳng nói điều gì để cần đến chữ ‘vậy’, nhưng cái gì đó đang hiện diện trong bản thể ông Subhuti. Chữ ‘vậy’ có quan hệ tới sự hiện diện đó; chẳng điều gì đã được thốt ra.
Thầy đáp ứng cái đang hiện diện trong bạn. Thầy đáp ứng im lặng của bạn hơn là lời của bạn. Thầy quan tâm đến việc truy tìm của bạn hơn những câu hỏi của bạn. Thầy quan tâm đến nhu cầu của bạn hơn là câu hỏi của bạn. Chữ ‘vậy’ này chỉ ra một nhu cầu tinh tế trong bản thể sâu thẳm của Subhuti. Có thể tự ông Subhuti cũng chưa nhận biết được về nó, có thể ông Subhuti sẽ cần có một chút thời gian để trở nên nhận biết về điều đó.
Thầy phải cứ nhìn vào trong bản thể của đệ tử và thầy phải đáp ứng lại cái nhu cầu nội tâm đó - được diễn đạt, không được diễn đạt, đấy không phải là vấn đề. Có thể nếu bị bỏ lại một mình, đệ tử sẽ mất nhiều tháng để tìm ra nhu cầu đó - hay thậm chí nhiều năm, hay thậm chí nhiều kiếp sống nữa. Nhưng thầy không chỉ nhìn vào quá khứ của bạn, không chỉ nhìn vào hiện tại của bạn, mà còn nhìn cả vào tương lai của bạn nữa. Cái gì sẽ là nhu cầu của bạn ngày mai, ngày kia, kiếp này và kiếp tiếp - thầy đưa ra toàn bộ cuộc hành trình. Chữ ‘vậy’ này có liên quan đến một nhu cầu nào đó bên trong bản thể nội tâm của tôn giả Subhuti.
Và bây giờ là lời kinh:
‘Bởi vì, dù bất cứ ở đâu, vị bồ tát khi bố thí không nên chấp vào bất cứ một điều gì.’
Đó là cái nhu cầu mà vì nó Phật đã dùng 'Vậy, Subhuti, lắng nghe cho rõ và chăm chú'. Trong thâm tâm, chắc hẳn ông Subhuti có ý niệm này, một ý niệm rất tinh vi - "Nếu ta đem bố thí cho mọi người những gì ta chứng đắc thì phước đức của ta sẽ lớn."
Điều này có thể chưa thành lời, điều này có thể chưa thành ý nghĩ; nó có thể mới chỉ là một cảm giác, một gợn sóng khởi lên sâu trong thâm tâm. "Nếu ta bố thí pháp cho chúng sinh..." và đó là bố thí lớn nhất, Phật đã từng nói thế. Bố thí lớn nhất là bố thí chứng ngộ của bạn cho mọi người, chia sẻ nó. Điều đó phải là điều lớn nhất. Ai đó chia sẻ tiền bạc: điều đấy chẳng là gì cả. Ngay cả nếu người đó không có ý định chia sẻ, thì tiền bạc vẫn cứ bị bỏ lại đây khi người đó chết. Ai đó chia sẻ cái gì đó khác. Nhưng chia sẻ chứng ngộ, đó là chia sẻ cái vĩnh hằng, chia sẻ chứng ngộ là chia sẻ điều thiêng liêng, chia sẻ điều tối thượng. Phật đã gọi đó là bố thí lớn nhất.
Bây giờ Phật đang bảo ông Subhuti chia sẻ bất kì cái gì ông ấy đã chứng đắc. Và tạo ra một quyết tâm, chittopad, tạo ra một quyết tâm lớn trong bản thể bạn rằng bạn sẽ không rời khỏi bờ bên này chừng nào bạn còn chưa giải thoát hết cho mọi chúng sinh. Tạo ra một hành động quyết định lớn trong bản thể bạn trước khi bạn bắt đầu tan biến. Trước khi con thuyền của bạn bắt đầu tiến về bờ bên kia, khởi lên một ước muốn lớn lao giúp đỡ mọi người. Ước muốn giúp đỡ mọi người đó sẽ đóng vai trò dây xích cột vào bờ bên này. Trước khi điều đó thành quá muộn, bạn tạo ra chittopad. Dùng hết sức mình trong việc đó - rằng "ta sẽ không rời khỏi bờ bên này, cho dù bờ bên kia có hấp dẫn đến đâu."
Và sức hấp dẫn thật lớn. Khi tất cả đã biến chuyển và bạn đã trở nên có khả năng sang bờ bên kia, nơi bạn đã từng khao khát trong cả triệu kiếp sống, hấp dẫn rời bỏ bên này thật là lớn. Vì cái gì? Bạn đã đau khổ đủ rồi, và bây giờ bạn đã có hộ chiếu để vào niết bàn. Thế mà Phật lại nói "Từ chối hộ chiếu đi, vứt bỏ nó đi và phát nguyện rằng ông không rời bỏ bờ bên này chừng nào ông còn chưa giải thoát cho tất cả các chúng sinh."
Khi nghe những lời này, một ước muốn tinh tế phải đã nảy sinh trong tim ông Subhuti, tận nơi sâu thẳm trong bản thể của ông, rằng "Đó sẽ là điều vĩ đại. Ta sẽ được vô lượng phước đức vì nó, vô lượng punya, vô lượng công đức." Điều đó phải đã là một gợn sóng nhỏ. Cũng khó ngay cả cho ông Subhuti để đọc được nó, đọc được nó là gì. Nó phải đã loé lên, một tia chớp trực giác, trong một giây, hay chỉ một phần giây, nhưng nó đã được phản chiếu trong tấm gương của Phật.
Thầy là tấm gương. Bất kì cái gì trong bạn đều được phản chiếu trong thầy. Đôi khi thầy sẽ không trả lời câu hỏi bạn nêu ra bởi lẽ câu hỏi của bạn có thể chỉ là tò mò và chẳng liên quan gì đến bản thể nội tâm của bạn, hoặc câu hỏi của bạn có thể chỉ là phô bầy tri thức của bạn. Hay câu hỏi của bạn có thể chỉ để chứng tỏ cho người khác: "Xem đấy, tôi là người tìm kiếm tâm linh lớn đấy chứ. Tôi hỏi những câu hỏi thật tuyệt vời." Câu hỏi không thể mang tính tồn tại, nó có thể chỉ là trí năng. Thế thì thầy sẽ không định trả lời nó.
Và đôi khi thầy sẽ trả lời câu hỏi mà bạn đã không hỏi; không chỉ không hỏi, mà bạn còn chưa bao giờ biết đến sự tồn tại của nó trong bạn. Nhưng nó sẽ liên quan tới nhu cầu và đòi hỏi sâu thẳm của bạn.

Ads Belove Post