Osho - Kinh Kim Cương: Thiền có thái độ thế nào đối với dục?

Osho - Kinh Kim Cương: Thiền có thái độ thế nào đối với dục?

Price:

Read more

Osho - Kinh Kim Cương: Thiền có thái độ thế nào đối với dục?

Thiền không có thái độ nào đối với dục cả, và điều đó làm nên vẻ đẹp của thiền. Có thái độ nghĩa là bạn vẫn còn bị ám ảnh theo cách này hay cách khác. Ai đó chống lại dục - người đó có một thái độ; và ai đó ủng hộ dục - người đó có một thái độ. Chống đối và ủng hộ đi đôi với nhau như hai bánh xe của cỗ xe. Chúng không phải là kẻ thù của nhau, chúng là bạn bè, đối tác của nhau trong cùng một công việc.
Thiền không có thái độ nào đối với dục cả. Tại sao người ta lại phải có thái độ đối với dục? Đó là cái đẹp của thiền - thiền là hoàn toàn tự nhiên. Bạn có thái độ gì về uống nước không? Bạn có thái độ gì về ăn cơm không? Bạn có thái độ gì về đi ngủ trong đêm không? Chẳng có thái độ gì.
Tôi biết có những người điên, cứ đòi có thái độ về những điều này nữa: rằng người ta không nên ngủ quá năm tiếng một ngày. Ngủ là một loại tội lỗi, một cái gì đó tựa như cái ác cần thiết, cho nên người ta không nên ngủ quá năm tiếng; hay ở Ấn Độ có người nghĩ chỉ ngủ ba tiếng thôi. Và tôi đã bắt gặp một người đã mười năm không ngủ - và thiên hạ tôn sùng ông ta duy nhất chỉ vì việc ấy; ông ấy chẳng có cái gì khác, chẳng có tài năng sáng tạo gì khác. Đó là cái tài độc nhất của ông ta. Có thể ông ta chỉ bị bệnh mất ngủ. Có thể thậm chí đây cũng chẳng phải là tài cán gì, có thể ông ta không thể nào ngủ được thôi. Ông ta bị thần kinh đến mức ông ta không thể thảnh thơi được, ông ta trông như người điên. Người ta sẽ phát điên nếu mười năm không ngủ được. Vậy mà mọi người cứ tới, đám đông cứ kéo tới, để tỏ lòng sùng bái ông ta: “Ông ấy đã đạt được cái gì đó lớn lao.” Ông ta đạt được điều gì nào? Có gì mà đạt được ở đấy cơ chứ? Ông ta là chỉ là người bất bình thường, người có bệnh. Ngủ là tự nhiên. Và ông ta nhất định là rất căng thẳng - ông ta là sự căng thẳng. Chắc ông ta phải sôi sùng sục bên trong. Nghĩ mà xem, tận mười năm không ngủ! Nhưng bây giờ điều ấy đã trở thành món đầu tư lớn, bây giờ nó đang trả lại tiền. Cái điên khùng của ông ấy trở thành món đầu tư; bây giờ hàng nghìn người tôn sùng ông ta - chỉ vì việc này thôi sao?
Thời nào cũng vậy, đây là một trong những đại hoạ lớn nhất - đó là việc mọi người đã sùng bái đối với những điều không sáng tạo và đôi khi còn bệnh hoạn nữa. Thế thì bạn có thái độ với việc ngủ. Có những người có thái độ với thức ăn.
Phải ăn thế này hay phải ăn thế khác; phải ăn vừa chừng, không nhiều hơn thế nọ. Họ không lắng nghe thân thể, liệu thân thể có đói hay không. Họ có một ý niệm nào đó và áp đặt ý niệm đó vào tự nhiên.
Thiền không có thái độ nào đối với dục cả. Thiền rất giản dị. Thiền là hồn nhiên. Thiền là như trẻ thơ. Nó nói chẳng cần phải có thái độ gì. Tại sao? Bạn có thái độ gì đối với việc hắt hơi không? - hắt hơi hay không, liệu điều đó là tội lỗi hay đức hạnh? Bạn chẳng có thái độ nào cả. Nhưng tôi đã bắt gặp một người luôn chống lại việc hắt hơi, và bất kì khi nào người này hắt hơi, ông ta liền đọc ngay câu mật chú để tự bảo vệ mình. Ông ta theo một giáo phái ngây ngô. Giáo phái này nghĩ rằng khi bạn hắt hơi thì linh hồn bạn đi ra. Trong hắt hơi, linh hồn đi ra, và nếu bạn không tưởng nhớ tới Thượng đế thì nó có thể không trở lại nữa. Cho nên bạn cần phải tưởng nhớ, bạn phải lập tức tưởng nhớ để cho linh hồn được quay lại. Nếu bạn chết trong khi hắt hơi thì bạn sẽ xuống địa ngục.
Bạn có thể có thái độ về bất kì cái gì. Một khi bạn có thái độ, hồn nhiên của bạn bị phá huỷ và những thái độ đó bắt đầu kiểm soát bạn. Thiền không ủng hộ điều gì mà cũng chẳng chống lại điều gì. Thiền nói bất kì cái gì bình thường cũng đều tốt. Là bình thường, là không ai cả, là cái không, không có ý thức hệ gì, không có cá tính, là vô cá tính...
Khi bạn có cá tính, bạn có một loại bệnh thần kinh nào đó. Cá tính nghĩa là cái gì đó đã trở thành cố định trong bạn. Cá tính nghĩa là quá khứ của bạn. Cá tính nghĩa là huấn luyện, trau dồi. Khi bạn có cá tính, bạn bị cầm tù trong đó, bạn không còn được tự do nữa. Khi bạn có cá tính, bạn có lớp áo giáp bao quanh bản thân mình. Bạn không còn là người tự do nữa. Bạn đang mang nhà tù quanh mình; nó là nhà tù rất tinh tế. Con người thật sẽ là vô cá tính.
Tôi muốn ngụ ý gì khi tôi nói người đó là vô cá tính? Người đó sẽ tự do với quá khứ. Người đó sẽ hành động trong từng khoảnh khắc tương ứng với khoảnh khắc ấy. Người đó sẽ tự phát; mà chỉ người đó mới có thể tự phát được. Người đó sẽ không nhìn vào kí ức để biết mình phải làm gì. Tình huống nảy sinh và bạn đang nhìn vào trong kí ức - thế thì bạn có cá tính. Thế thì bạn đang hỏi quá khứ của mình, "Mình phải làm gì đây?" Khi bạn không có cá tính nào, bạn đơn giản chỉ nhìn vào tình huống và tình huống quyết định điều gì phải được làm. Thế thì điều đó là tự phát và có đáp ứng nhưng không phải là phản ứng.
Thiền không có hệ thống niềm tin về bất kì cái gì, và điều đó bao hàm cả về dục nữa: Thiền chẳng nói gì về nó cả. Và điều đó nên là điều tối thượng. Mật tông có thái độ về dục. Lí do? - nó cố gắng uốn nắn lại điều xã hội đã làm. Mật tông là thuốc. Xã hội đã kìm nén dục; Mật tông tới như một phương thuốc để giúp bạn uốn nắn lại, làm quân bình. Bạn quá nghiêng về bên trái; Mật tông tới và giúp bạn nghiêng về bên phải. Nhưng đôi khi việc lấy lại cân bằng của bạn lại đòi hỏi bạn nghiêng thêm một chút về bên phải, chỉ thế thì mới thu lại được cân bằng. Bạn đã xem người đi thăng bằng trên dây chưa? Người đó cầm trong tay một cây sào dài để giữ thăng bằng. Nếu người đó cảm thấy bị nghiêng quá nhiều về bên trái, người đó lập tức nghiêng cây sào sang phải. Thế rồi người đó lại cảm thấy rằng bây giờ người đó đã nghiêng quá nhiều sang phải, người đó bắt đầu nghiêng sang trái. Đấy là cách người đó giữ ở giữa. Mật tông là phương thuốc.
Xã hội đã tạo ra tâm trí kìm nén, tâm trí phủ định cuộc sống, tâm trí phản lại niềm vui. Xã hội rất chống đối lại dục.
Tại sao xã hội chống đối dục đến thế? - tại vì, nếu bạn cho phép người ta có quyền hưởng hoan lạc dục, bạn không thể biến họ thành nô lệ được. Điều ấy là không thể được - người vui sướng không thể bị bắt trở thành kẻ nô lệ được. Đó là mánh khoé. Chỉ người buồn mới có thể bị biến thành thành nô lệ. Người vui sướng là người tự do; người đó có một loại độc lập của mình.
Bạn không thể tuyển mộ những người tràn ngập niềm vui tham gia chiến tranh. Không thể được. Tại sao họ phải tham gia chiến tranh? Nhưng nếu một người đã kìm nén dục, người đó sẵn sàng tham gia chiến tranh, người đó hăm hở tham gia chiến tranh, vì người đó còn chưa có thể hưởng thú cuộc sống. Người đó trở nên không có khả năng tận hưởng cuộc sống, do đó trở thành không có khả năng sáng tạo. Bây giờ người đó chỉ có thể làm một điều - người đó có thể phá huỷ. Toàn bộ năng lượng của người đó đã trở thành độc hại và huỷ diệt. Người đó sẵn sàng lao vào chiến tranh - không chỉ sẵn sàng, người đó còn khao khát về chiến tranh. Người đó muốn giết người, người đó muốn phá huỷ. Trên thực tế, khi phá huỷ con người, người đó có niềm vui gián tiếp của việc thấm sâu. Sự thấm sâu đáng phải có trong tình yêu và đáng phải đẹp đẽ. Khi bạn thấm sâu vào thân thể người phụ nữ trong tình yêu, thì đấy là một việc. Đấy là tâm linh. Nhưng khi mọi việc đi sai và bạn thấm sâu vào thân thể ai đó bằng lưỡi gươm, bằng mũi giáo, thì đấy là xấu xa, đấy là bạo hành, đấy là huỷ diệt. Nhưng bạn đang tìm kiếm cái thay thế cho việc thấm sâu.
Nếu xã hội được phép hoàn toàn tự do vui sướng, không ai mang tính huỷ diệt cả. Những người có thể yêu một cách đẹp đẽ không bao giờ là huỷ diệt cả. Và những người có thể yêu một cách đẹp đẽ và có niềm vui cuộc sống cũng sẽ không phải là kẻ cạnh tranh nhau. Đó là những vấn đề.
Đó là lí do tại sao những người nguyên thuỷ không mấy cạnh tranh nhau. Họ tận hưởng cuộc sống của mình. Ai bận tâm có ngôi nhà lớn hơn? Ai bận tâm có số dư ngân hàng lớn hơn? Để làm gì? Bạn đang hạnh phúc với người đàn bà của mình, với người đàn ông của mình, và bạn đang có điệu vũ của cuộc sống. Ai muốn ngồi ở bãi chợ hết giờ nọ sang giờ kia, hết ngày nọ qua ngày kia, hết năm nọ qua năm kia, để mà hi vọng rằng cuối cùng bạn sẽ có số dư ngân hàng lớn và rồi bạn sẽ nghỉ hưu và tận hưởng? Ngày ấy sẽ chẳng bao giờ tới đâu. Nó không thể tới được, vì toàn bộ cuộc sống của bạn vẫn còn như kẻ khổ hạnh.
Nhớ lấy, các nhà kinh doanh đều là kẻ khổ hạnh. Họ đã cống hiến mọi thứ cho tiền bạc. Bây giờ một người biết đến tình yêu và đã biết đến nỗi xúc động của tình yêu và niềm cực lạc của nó, thì không muốn ganh đua. Người đó sẽ hạnh phúc nếu người đó có thể có được miếng ăn hàng ngày. Đó là ý nghĩa lời cầu nguyện của Jesus, "Xin cho chúng con mẩu bánh hàng ngày..." Thế là quá đủ. Bây giờ Jesus có vẻ ngây ngô. Ông ấy đáng phải yêu cầu, "Xin cho con số dư ngân hàng lớn hơn." Thế mà ông ấy chỉ xin có miếng ăn hàng ngày thôi sao? Một người vui sướng thì chẳng bao giờ yêu cầu nhiều hơn thế. Niềm vui sướng là quá sung mãn.
Chỉ có những người còn chưa thoả mãn mới mang tính cạnh tranh, vì họ nghĩ cuộc sống không phải là ở đây; nó ở kia cơ. "Tôi phải tới Delhi để trở thành tổng thống", hay tới Nhà Trắng và trở thành thế này thế nọ... "Tôi phải tới đó, niềm vui là ở đó"; vì họ biết ở đây không có niềm vui. Cho nên họ bao giờ cũng cứ đi, đi, đi mãi. Họ bao giờ cũng cứ đi, và họ chẳng bao giờ đạt tới. Còn người biết tới niềm vui thì ở đây. Tại sao người đó phải đến Delhi? Để làm gì cơ chứ? Người đó hoàn toàn hạnh phúc ở đây bây giờ. Nhu cầu của người đó rất nhỏ. Người đó không có ham muốn. Người đó chắc chắn có nhu cầu, nhưng không có ham muốn. Nhu cầu có thể được thoả mãn, ham muốn chẳng bao giờ. Nhu cầu là tự nhiên, ham muốn là suy đồi.
Bây giờ toàn bộ xã hội này phụ thuộc vào một điều và đó là kìm nén dục; bằng không nền kinh tế sẽ bị phá huỷ, bị phá hoại. Chiến tranh sẽ biến mất và cùng với nó toàn bộ bộ máy chiến tranh, và chính trị sẽ trở thành vô nghĩa và chính trị gia sẽ chẳng còn quan trọng nữa. Tiền bạc sẽ không có giá trị nếu con người được phép yêu. Vì con người không được phép yêu nên tiền bạc trở thành vật thay thế, tiền bạc trở thành tình yêu của họ. Cho nên có một chiến lược tinh vi. Dục phải bị kìm nén, bằng không toàn bộ cấu trúc xã hội sẽ sụp đổ ngay lập tức.
Chỉ có tình yêu tràn ra trong thế giới mới đem đến cách mạng. Chủ nghĩa cộng sản đã thất bại, chủ nghĩa phát xít đã thất bại, chủ nghĩa tư bản đã thất bại. Tất cả các ‘chủ nghĩa’ đều thất bại bởi vì sâu bên dưới, tất cả chúng đều kìm nén dục. Về phương diện này, không có khác biệt - không có khác biệt giữa Washington và Moscow, Bắc kinh và Delhi - không có khác biệt nào hết cả. Tất cả họ đều đồng ý về một điểm - rằng dục cần phải bị kiểm soát, rằng người ta phải không được phép có niềm vui hồn nhiên trong dục.
Mật tông tới để lập lại quân bình; Mật tông là phương thuốc, cho nên nó nhấn mạnh quá nhiều vào dục. Những cái gọi là tôn giáo nói dục là tội lỗi, còn mật tông nói dục là hiện tượng thiêng liêng duy nhất. Mật tông là phương thuốc. Thiền không phải là phương thuốc. Thiền là trạng thái khi bệnh tật đã biến mất - và tất nhiên, cùng mất đi với bệnh thì thuốc cũng mất đi nữa. Một khi bạn đã được chữa lành khỏi bệnh, bạn không còn giữ lại toa thuốc và cả lọ thuốc và thuốc với mình. Bạn vứt chúng đi. Chúng vào sọt rác.
Xã hội thông thường chống dục; Mật tông tới để giúp loài người, để trả lại dục cho loài người. Và khi dục đã được trả lại, thì nảy sinh Thiền. Thiền không có thái độ. Thiền là mạnh khoẻ thuần khiết.

Ads Belove Post