Điều ngớ ngẩn – Cánh cửa duy nhất vào ngôi đền của Thượng đế - Osho

Điều ngớ ngẩn – Cánh cửa duy nhất vào ngôi đền của Thượng đế - Osho

Price:

Read more

Điều ngớ ngẩn – Cánh cửa duy nhất vào ngôi đền của Thượng đế - Osho

Cái ngớ ngẩn không là gì ngoài cái tên khác của Thượng đế - và còn là cái tên hay hơn nhiều so với bản thân Thượng đế. Trong nhiều thế kỉ các nhà thượng đế học, các triết gia đã phá huỷ cái đẹp của từ 'Thượng đế'. Họ đã tô vẽ nó, đánh bóng nó, bằng những rác rưởi hợp lí tới mức chẳng cái gì sống còn lại trong nó. Thượng đế của các triết gia không phải là Thượng đế thực, bởi vì nó chẳng là gì ngoài khái niệm hợp lí.
Thượng đế của những người yêu là hiện tượng khác toàn bộ; nó chẳng liên quan gì tới lí trí, tới tâm trí. Nó là nhịp tim đập rộn ràng trong hài hoà với cái toàn thể. Nó là bài ca, là bản giao hưởng. Nó là điệu múa, lễ hội. Nó có tính thơ ca hơn là văn xuôi. Nó trực giác hơn là trí tuệ. Nó là cái gì đó được cảm chứ không được nghĩ. Do đó tôi nói 'cái ngớ ngẩn' là cái tên còn tốt hơn nhiều cho Thượng đế.
Tâm trí đã tạo ra cấu trúc tinh tế quanh bản thân nó về tính hợp lí để bảo vệ bản ngã, để bảo vệ việc tách rời với sự tồn tại. Mọi tính hợp lí đều nhân tạo – và Thượng đế là không nhân tạo. Mọi tính hợp lí đều chỉ là phóng chiếu của những ý niệm riêng của chúng ta lên màn ảnh của sự tồn tại. Và Thượng đế không phải là phóng chiếu; đó là khám phá.
Để thấy Thượng đế, người ta cần đôi mắt tuyệt đối không có ý niệm nào. Ý niệm là đám mây lớn nhất. Một trong những nhà huyền môn vĩ đại nhất của phương Tây - cái tên ông ấy không được biết tới bởi vì ông ấy đã không kí vào sách của mình - đã viết một trong những chuyên luận huyền môn quan trọng nhất đã từng có: Đám mây của việc không biết. Ông ấy nói rằng không phải là qua tri thức mà bạn đi tới biết đâu; ngược lại, bạn đi tới biết bằng việc không biết. Đây là ngớ ngẩn thuần khiết! Đó là nói theo kiểu ngược đời: biết thông qua không biết.
Ông ấy ngụ ý gì? Ông ấy ngụ ý rằng khi mọi tri thức đã bị vứt bỏ, khi mọi kinh nghiệm đã bị gạt sang bên, khi tâm trí như vậy không vận hành nữa, thế thì bạn có quan hệ với sự tồn tại theo cách mới toàn bộ. Từng thớ thịt của con người bạn đều đập rộn ràng cùng cái toàn thể; nó là điệu vũ nhịp điệu. Nó là ngớ ngẩn - bạn không thể làm ra lí thuyết từ nó.
Thượng đế không phải là giả thiết. Nếu Thượng đế là giả thiết, thế thì giả thiết đó không còn được cần nữa. Những giả thiết tốt hơn đã được khoa học đề nghị. Nhưng Thượng đế chưa bao giờ là giả thiết cả. Đó là chuyện tình đam mê với sự tồn tại. Đó là việc cảm thấy sự tồn tại. Đó là trong tiếp xúc từ trái tim, qua trái tim với sự tồn tại.
Tertullian bao giờ cũng đáng nhớ - nhà huyền môn Ki tô giáo vĩ đại. Ông ấy nói: Tôi tin Thượng đế bởi vì Thượng đế ngớ ngẩn - credo quia absurdum est. Lí do mà ông ấy đưa ra về tin tưởng của mình là ở chỗ không có lí do để tin.
Chừng nào bạn chưa có cái gì đó trong cuộc sống của mình mà không thể được hỗ trợ bởi lí trí chút nào, cuộc sống của bạn sẽ không có ý nghĩa gì. Chừng nào bạn chưa có cái gì đó, mà vì nó bạn có thể sống và vì nó bạn có thể chết mà không có nền tảng hợp lí nào, bạn sẽ cứ bỏ lỡ chính ý nghĩa của cuộc sống và sự tồn tại. Bạn sẽ vẫn còn hời hợt.
Do đó cái ngớ ngẩn có thể đưa ra cái gì đó cực kì lớn trong bạn; nó có thể trở thành sự bùng nổ. Nó có thể làm cho bạn thấy toàn thế giới như mới, bởi vì nó là tái sinh. Bạn tuột ra khỏi tâm trí. Bạn không còn bị che phủ bởi cát bụi của tâm trí. Mọi thứ đều tươi tắn và mới mẻ từ đó. Chính tâm trí làm cho mọi thứ thành cũ kĩ. Bởi vì kí ức, quá khứ, tâm trí cứ diễn giải mọi thứ dưới dạng của cái cũ. Tâm trí không thể làm khác được. Tâm trí nghĩa là kí ức - kí ức và không gì khác.
Nó là kinh nghiệm quá khứ được tích luỹ của bạn, và bạn cứ diễn giải cái mới theo quá khứ này. Một cách tự nhiên, quá khứ đem mầu sắc của nó cho cái mới, nó đem nghĩa của nó cho cái mới - và cái mới bị bỏ lỡ. Đó là lí do tại sao toàn thế giới trông chán thế, hoàn toàn chán. Các nhà hiện sinh đã đem tình huống chán này ra xem như một trong những điểm có ý nghĩa nhất cần được suy tư cân nhắc. Họ nói rằng con người là hoàn toàn chán, và họ đúng. Chỉ người ngu mới không chán, hay chư phật không chán. Người ngu không chán bởi vì họ không mấy nhạy cảm, nhạy cảm đủ để cảm thấy chán. Còn chư phật không chán bởi vì họ không mang quá khứ. Mọi thứ đều tươi tắn thế, mới thế; mọi thứ đều đáng ngạc nhiên thế. Mọi khoảnh khắc bạn đều trong ngạc nhiên.
Với vị phật, cuộc sống là khải lộ liên tục, khải lộ bất tận. Không có bắt đầu cho nó và không có kết thúc cho nó. Nó là bí ẩn; không dò được, không đo được, không biết và không chỉ không biết mà còn không thể biết nữa. Bạn chỉ có thể nếm trải nó, cảm nó, chạm nó, nhưng bạn không thể biết được nó. Bạn không thể thu nó thành định lí, thành giả thuyết; điều đó là không thể được.
Prabhati, bạn đúng đấy: nếu bạn có thể có tiếp xúc với tất cả cái ngớ ngẩn của nó, với cái bất hợp lí của sự tồn tại, bạn đang đi vào một chiều hướng khác toàn bộ - đi từ tâm trí sang vô trí, đi từ tâm trí sang thiền. Đó là điều thiền tất cả là gì: đưa bạn ra khỏi nhà tù của tâm trí, nhà tù của quá khứ. Và không có nhà tù khác; quá khứ đó là nhà tù duy nhất.
Con người của nhận biết - thiền nhân - cứ chết đi mọi khoảnh khắc vào quá khứ để cho người đó vẫn còn mới, tươi tắn, như trẻ thơ. Vâng, nếu cái ngớ ngẩn trở thành tràn ngập, bạn sẽ có cái nhìn sâu sắc đầu tiên vào động thái của mọi thứ. Nhưng lại nhớ, cái nhìn sâu sắc sẽ không hợp lí. Bạn sẽ không có khả năng giải thích nó. Bạn sẽ không có khả năng nói điều gì về nó cả. Bạn sẽ có khả năng thấy, nhưng đột nhiên bạn sẽ trở thành câm. Bỗng nhiên bạn sẽ thấy ngôn ngữ thành không thích hợp, lời bất lực; trao đổi là không thể được. Chỉ thế thì giao cảm mới còn lại.
Khi bạn biết mà không có tri thức, cách duy nhất để truyền đạt thông điệp này là qua im lặng, qua tình yêu, qua từ bi, qua hiện hữu. Bạn có thể cầm tay bạn mình và cái gì đó có thể xảy ra. Bạn có thể ôm choàng bạn mình và cái gì đó có thể xảy ra. Bạn có thể chỉ nhìn vào trong mắt bạn mình và cái gì đó có thể xảy ra.
Cái ngớ ngẩn chỉ có thể được diễn đạt theo cách ngớ ngẩn. Bạn có thể nhảy múa hay bạn có thể hát. Có một câu chuyện hay về nhà huyền môn Baul: Một người rất giàu, thợ kim hoàn, tới gặp nhà huyền môn này và ông ấy hỏi về Thượng đế: "Ông có tin vào Thượng đế không? Liệu có Thượng đế thực không? Thượng đế có tồn tại không?"
Nhà huyền môn Baul vừa nghe tất cả câu hỏi của ông ấy vừa mỉm cười, và thế rồi ông ấy bắt đầu nhảy múa, chơi đàn ektara - nhạc cụ một dây - ông ấy bắt đầu nhảy múa.
Thợ kim hoàn nói, "Ông có điên hay cái gì không đấy? Tôi đang hỏi những câu hỏi siêu hình lớn lao! Thay vì trả lời tôi, ông bắt đầu nhảy múa! Ông say à?"
Và nhà huyền môn nói, "Điều đó đúng đấy, tôi say đây - say với điều thiêng liêng! Nhưng xin đừng hiểu lầm tôi, đừng cảm thấy bị xúc phạm. Đây là cách duy nhất tôi có thể trả lời được câu hỏi của ông."
Và ông ấy hát một bài hát - bài hát cực kì hay và có nghĩa và sáng suốt. Ông ấy nói, "Tôi biết rằng ông là thợ kim hoàn. Tôi biết rằng ông có thể đánh giá được liệu cái gì đó được làm từ vàng thật hay không. Ông có hòn đá thử, qua đó cái đó có thể được đánh giá. Nhưng nó sẽ tuyệt đối vô dụng nếu ông đi vào vườn và bắt đầu đánh giá hoa hồng bằng hòn đá thử của ông. Với vàng thì được, nhưng với hoa hồng nó chẳng liên quan chút nào. Hoa hồng không thể được đánh giá bằng đá thử vàng mà chỉ vàng mới có thể được đánh giá. Ông không thể biết được qua hòn đá thử vàng, liệu hoa hồng là thực hay không thực. Để biết điều đó ông sẽ cần một loại cách tiếp cận khác toàn bộ.
"Tôi biết rằng ông đã nghiên cứu nhiều; ông rất quan tâm tới lập luận triết lí, biện luận. Tôi đã nghe nói về ông. Nhưng mọi lập luận đó đều ngớ ngẩn ở đây cũng như hòn đá thử vàng của thợ kim hoàn trong khu vườn. Tôi đang hát, tôi đang múa, tôi đang chơi nhạc. Cảm thấy nó đi! Nếu ông có thể nhảy múa cùng tôi, lại đây, nhảy cùng tôi! Điều đó có thể cho ông cái nhìn sâu sắc nào đó vào thế giới tôi đang sống. Điều đó có thể cho ông cái chạm vào cái không biết. Không có cách khác. Tôi không thể trả lời một cách logic các câu hỏi của ông được, do đó mới có hành động phi logic của tôi."
Khi Bồ đề đạt ma, nhà huyền môn vĩ đại, tới Trung Quốc, hoàng đế Trung Quốc đã tới đón chào ông ấy ở biên giới; đi cùng hàng nghìn người, ông ấy đã tới để đón nhà huyền môn vĩ đại. Nhưng ông ấy cảm thấy rất bối rối khi thấy Bồ đề đạt ma. Ông ấy chưa bao giờ nghĩ, ông ấy chưa bao giờ có thể hình dung được, rằng Bồ đề đạt ma vào Trung Quốc theo cách điên rồ thế. Bồ đề đạt ma đội một chiếc giầy trên đầu. Một chiếc giầy ở một chân; chân kia đi đất - và chiếc giầy kia ở trên đầu ông ấy!
Vua hỏi, "Ta không hiểu. Sao ông đội giầy trên đầu? Giầy không được dự định để trên đầu!"
Bồ đề đạt ma nói, "Đây mới là bắt đầu thôi. Nếu bệ hạ không thể hiểu được điều này; thế thì tốt hơn cả ta nên quay về. Bệ hạ phải hiểu điều này một cách tuyệt đối: rằng cách tiếp cận của ta là ngớ ngẩn. Điều này chỉ để cho chỉ dẫn về cách tiếp cận của ta - rằng ta không phải là triết gia. Bệ hạ có thể gọi ta là người điên, nhưng ta không phải là triết gia - và ta sẽ để mọi thứ thành lộn ngược! Mọi điều bệ hạ đã từng nghĩ cho tới giờ, ta sẽ làm rối loạn nó. Ta sẽ đem tới hỗn độn trong bản thể bệ hạ, bởi vì chỉ từ hỗn độn, sao bắt đầu được sinh ra."
Rất khó vứt bỏ lí trí, bởi vì người ta cảm thấy hoảng sợ. Lí trí cho bạn cảm giác trật tự. Lí trí mất, chỉ có hỗn độn. Nhưng nhớ, lí trí là cằn cỗi; hỗn độn là bụng mẹ. Từ hỗn độn đó, cái gì đó cực kì quan trọng được sinh ra: bạn được tái sinh. Vâng, nếu cái hỗn độn có thể tràn ngập bạn, bạn sẽ có cái nhìn sâu sắc vào động thái của mọi thứ; cái nhìn sâu sắc không chuyển giao được, cái nhìn sâu sắc không diễn đạt được. Nhưng có những cách thức bên ngoài lời mà qua đó nó có thể được trao đổi.
Đó là toàn thể bí mật của mối quan hệ giữa thầy với đệ tử. Nó là hiện tượng ngớ ngẩn. Đó là lí do tại sao phương Tây chưa biết tới nó. Phương Tây biết mối quan hệ giữa thầy giáo và học sinh; nó chẳng biết gì về mối quan hệ giữa thầy và đệ tử. Phương Tây tuyệt đối vô nhận biết về chiều hướng đó. Đó là lí do tại sao Jesus đã không thể được hiểu, Socrates đã không thể được hiểu.
Ở phương Đông, việc đóng đinh vị Phật đã không là thực hành của chúng ta; việc đầu độc Lão Tử đã không phải là cách thức của chúng ta. Tại sao Jesus, Socrates và Mansoor bị giết? Bởi lí do đơn giản là họ đã cố đem cái gì đó tuyệt đối phương Đông sang phương Tây. Họ đã cố đem sáng suốt mới vào Thượng đế, và thời điểm thì không chín muồi. Có thể bây giờ thời điểm mới chín. Jesus đã tới sớm hơn một chút. Bây giờ thời điểm chín rồi. Bây giờ phương Tây có khả năng mở ra cánh cửa mới - điều ngớ ngẩn – và đi vào qua cánh cửa đó. Đó là cánh cửa duy nhất vào ngôi đền của Thượng đế.

0 Đánh giá

Ads Belove Post