Read more
Trong tội nhân tồn tại cùng cái hổng như trong thánh nhân
Bây giờ các bạn thử đi vào lời
kinh này với tôi:
Đạo là mạch hổng,
mà dùng mãi không cạn,
Không thể dò được.
Cái hổng là một trong những từ
chủ chốt trong Lão Tử. Ông ấy nói đi nói lại về cái hổng. Cái hổng có nghĩa là
không gian; cái hổng có nghĩa là sự bao la; cái hổng có nghĩa là không thể cạn
kiệt được.
Bạn sống trong nhà, nhưng khái
niệm về nhà của bạn là các bức tường. Khái niệm của Lão Tử về nhà là không gian
bên trong, không phải là các bức tường. Ông ấy nói: Tường không phải là nhà.
Làm sao bạn có thể sống trong tường được? Bạn sống trong cái trống rỗng, không
trong tường. Cái hổng - đó mới là ngôi nhà thực. Nhưng khi bạn nghĩ về ngôi nhà
thì bạn nghĩ về cấu trúc bao quanh cái hổng đó. Đó là lí do tại sao lâu đài và
lều trông khác nhau đối với bạn. Điều đó không đúng cho Lão Tử - bởi vì cái hổng
là như nhau. Nếu bạn nhìn vào tường thì tất nhiên lều là lều và lâu đài là lâu
đài. Nhưng nếu bạn nhìn vào cái hổng bên trong nhất, là ngôi nhà thật - bởi vì
chỉ cái hổng mới có thể làm nhà cho bạn, không phải tường - thế thì không có
khác biệt giữa lều và lâu đài. Không có cái hổng giầu và không có cái hổng
nghèo: tất cả mọi cái hổng đều như nhau, chúng là bình đẳng. Nhưng có bức tường
giầu và bức tường nghèo.
Một khi bạn hiểu điều này, thế
thì nhiều điều sẽ trở thành có thể bởi vì đây là sự tương tự với tiềm năng và ý
nghĩa vô hạn. Khi bạn nhìn vào một người, bạn có nhìn vào thân thể không? Thế
thì bạn đang nhìn vào bức tường đấy. Đấy không phải là con người thật - con người
thật là cái hổng bên trong. Thân thể có thể đẹp, xấu, ốm, khoẻ, trẻ, già, nhưng
cái hổng bên trong bao giờ cũng là một. Thế thì bạn không nhìn vào thân thể, thế
thì bạn nhìn vào cái hổng bên trong.
Tại mọi nơi Lão Tử đều thấy sự
tương tự. Bạn đi ra chợ để mua chiếc bình đất hay bình vàng. Bình vàng khác với
bình đất - chỉ bức tường là khác nhau - nhưng chỗ hổng bên trong là như nhau.
Và khi người nghèo đi ra giếng và người giầu đi ra giếng - người giầu mang bình
vàng còn người nghèo mang bình đất - họ đi với cùng chỗ hổng đó. Họ mang cùng
nước và khi họ trút đầy bình, không phải các bức vách ngăn là được dùng mà là
chỗ hổng bên trong, cái trống rỗng bên trong.
Lão Tử nói: Nhìn vào cái bên
trong, đừng nhìn vào cái bên ngoài. Và cái hổng bên trong là bản thể của bạn;
cái hổng bên trong, cái trống rỗng bên trong là bản thể của bạn. Điều đó nghĩa
là bản thể của bạn là sự không hiện hữu, bởi vì từ "hiện hữu" cho bạn
cảm giác rằng cái gì đó có đó bên trong. Không, không có ai bên trong cả - tất
cả mọi cái ai đó đều là ở bên ngoài, bên trong là không ai cả, cái hổng. Tất cả
bản ngã đều chỉ trên bề mặt, bên trong là vô ngã. Ai có đó bên trong? Một khi bạn
biết, bạn sẽ cười, bạn sẽ nói rằng vấn đề là không liên quan.
Không có ai cả, đích xác là cái
không - đó là lí do tại sao bạn bao la, đó là lí do tại sao bạn mang phẩm chất
của Brahma. Đó là lí do tại sao bạn không thể tìm thấy Thượng đế ở đâu cả - bởi
vì ông ấy là cái hổng của cái toàn thể còn bạn cứ đi tìm thân thể. Ai đó đang
tìm Krishna, ai đó đang tìm Christ, ai đó đang tìm Mahavira - tất cả đều đi tìm
thân thể. Không ai đi tìm cái hổng; bằng không thì bạn cần phải đi đâu? Không
gian bao quanh bạn từ mọi nơi. Đây là Thượng đế - không gian này: cái không
gian mà trong đó bạn được sinh ra, cái không gian mà trong đó bạn sống, cái
không gian mà trong đó bạn sẽ tan biến.
Cá được sinh ra trong biển, cá
sống trong biển, cá chết và tan biến trong biển. Cá không là gì ngoài nước biển.
Bạn đích xác hệt như vậy. Cái hổng bao quanh tất cả và cùng cái hổng đó là ở
bên trong. Làm sao có thể có hai kiểu cái hổng được? Không thể được. Cái trống
rỗng bao giờ cũng là một. Trong tội nhân tồn tại cùng cái hổng như trong thánh
nhân. Tội nhân có cái nhãn ở bên ngoài là tội nhân, thánh nhân có cái nhãn bên
ngoài là thánh nhân. Bạn cũng bị gắn với các bức tường; bạn không thấy rằng tường
là không có nghĩa.
Tại sao bạn gọi một người là
thánh nhân? - bởi vì người đó làm điều gì đó mà bạn gọi là tốt. Tại sao bạn gọi
một người là tội nhân? - bởi vì người đó làm điều gì đó mà bạn gọi là xấu.
Nhưng tất cả mọi việc làm đều là ở bên ngoài, mọi hành động đều ở bên ngoài,
chúng chỉ là bức vẽ trên tường. Nhưng cái hổng bên trong - cái hổng bên trong
liệu có thể trở nên không thuần khiết bởi hành động của bạn được không? Bạn có
thể làm cho cái trống rỗng thành không thuần khiết được không? Cái trống rỗng
đơn giản là trống rỗng. Làm sao bạn có thể làm cho nó thành thuần khiết hay
không thuần khiết được? Cái trống rỗng vẫn còn không bị động chạm tới. Nếu bạn
chém tôi bằng chiếc kiếm, thì bạn chém thân thể tôi nhưng không chém được tôi,
bởi vì "tôi" nghĩa là cái trống rỗng bên trong. Nếu tôi làm điều gì
đó thì tôi làm với bức tường, nhưng cái trống rỗng bên trong là người không
làm. Nhớ lấy sự tương tự này. Nó là từ khoá trong Lão Tử.
Đạo là mạch hổng,
mà dùng mãi không cạn,
Không thể dò được.
Nếu Đạo hay Thượng đế mà không
trống rỗng thế thì cái dụng của chúng không thể nào là không cạn được, thế thì
một ngày nào đó chúng sẽ bị cạn kiệt. Và Thượng đế có thể được gọi là Thượng đế
không nếu có thể bị cạn kiệt? Một ngày nào đó Thượng đế sẽ chết, nó sẽ bị cạn
kiệt. Nhưng trong tâm trí bạn, khái niệm về Thượng đế đã được tạo ra như một
người ngồi đâu đó trên trời và kiểm soát. Ngài không kiểm soát. Ngài không phải
là người. Trong thực tế ngài không phải là ông nào cả, và ngài cũng không phải
là bà nào cả.
Tất cả các từ của chúng ta đều
không liên quan bởi vì Đạo là cái hổng bao la, không gian bao la, cái trống rỗng.
Logic của bạn sẽ lập tức nảy sinh trong tâm trí: thế thì làm sao mọi thứ có đó?
Hỏi các nhà vật lí; bây giờ họ đã đi tới cùng hiểu biết như Lão Tử. Bây giờ họ
nói rằng chúng ta đi ngày một sâu vào trong vật chất, vật chất biến mất. Cuối
cùng nó biến mất hoàn toàn. Bây giờ chúng ta biết. Bên trong, nó là cái hổng. Họ
đã tìm về bản chất của vật chất; họ đã tìm vất vả nhưng bây giờ nó đã tuột đi
hoàn toàn, khỏi tầm nhìn của chúng ta - họ không thể thấy chỗ nó đã biến mất. Họ
đã tìm nó lần đầu tiên trong phân tử, thế rồi họ đi sâu hơn vào nguyên tử, thế
rồi họ chia nguyên tử ra và đi sâu hơn vào điện tử. Bây giờ vật chất đã biến mất
hoàn toàn - cái không. Vật chất là cái hổng. Ngay cả những bức tường đá này
cũng là cái hổng. Đó là lí do tại sao người Hindus gọi thế giới vật chất là ảo
tưởng: nó có vẻ rất vững chắc và bản chất mà bên trong mọi thứ đều là hổng.
Bất kì khi nào bạn im lặng, ngồi
với đôi mắt nhắm quan sát bên trong, bạn sẽ cảm thấy tính hổng. Đừng hoảng hốt.
Các nhà vật lí đã săn đuổi vật chất và họ đã đi tới cái hổng, còn những người
thực sự tìm kiếm chiều hướng tâm linh thì cũng đi tới cái hổng. Thế thì bạn trở
nên hoảng sợ. Nếu vật chất là hổng, chẳng thành vấn đề, nhưng nếu bạn cũng là hổng,
cây tre hổng, bên trong chẳng có gì ngoài cái trống rỗng, bạn trở nên sợ hãi. Nếu
bạn trở nên sợ hãi, bạn sẽ níu bám lấy bức tường, và trong phân tích cuối cùng
thì bức tường cũng là hổng. Sự tồn tại này là cái trống rỗng bao la, và đó là
cái đẹp của nó.
Trong đêm bạn đi ngủ - giấc mơ
phát sinh từ cái không: giấc mơ đẹp, giấc mơ xấu, ác mộng làm bạn sợ đến chết.
Giấc mơ nảy sinh từ cái không và chúng có vẻ thật thế. Chúng có vẻ như đích thực,
nhưng khi mắt bạn mở ra vào buổi sáng, bạn không thể nào thấy chúng ở đâu cả.
Chúng tới từ đâu? Chúng đã nảy sinh từ đâu? Và bây giờ chúng đã biến đi đâu? Bạn
chưa bao giờ nghĩ về hiện tượng này của giấc mơ. Nếu nó có thể xảy ra trong
đêm, sao không xảy ra trong ngày?
Một trong các đệ tử của Lão Tử,
Trang Tử, một đêm đã mơ rằng mình đã biến thành bướm, dập dờn, bay giữa những
đoá hoa. Và sáng hôm sau khi tỉnh dậy ông ấy đã rất buồn.
Các đệ tử của ông ấy hỏi,
"Thưa thầy, có chuyện gì vậy? Chúng tôi chưa bao giờ thầy thầy buồn thế.
Chuyện gì đã xảy ra?"
Ông ấy nói, "Ta khó xử
quá. Ta đang trong thế tiến thoái lưỡng nan mà dường như bây giờ thì không thể
nào giải được."
Các đệ tử nói, "Chúng tôi
chưa bao giờ có bất kì vấn đề nào mà thầy không thể giải được. Thầy nói xem, vấn
đề gì vậy?"
Trang Tử nói, "Đêm qua ta
mơ rằng ta đã biến thành bướm, bay trong vườn, từ hoa nọ sang hoa kia. "
Các đệ tử cười. Họ nói,
"Đây là giấc mơ, thưa Thầy! "
Trang Tử nói, "Hãy hượm, để
ta kể cho các ông toàn bộ câu chuyện. Bây giờ ta đang thức và ta bị phân vân.
Hoài nghi đã nảy sinh. Nếu Trang Tử có thể mơ rằng ông ta có thể biến thành bướm,
thì sao không có điều ngược lại? Bướm có thể mơ rằng nó đã biến thành trang Tử.
Bây giờ ai là ai đây? Ta là bướm đang mơ rằng mình đã biến thành Trang Tử
sao?"
Bởi vì nếu có thể xảy ra là bạn
có thể biến thành bướm trong giấc mơ, thế thì vấn đề là gì? Bướm ngủ đó trong
sáng nay, nghỉ ngơi, có thể mơ rằng nó là bạn. Và làm sao bạn biết mình là ai?
Nếu Trang Tử có thể biến thành bướm, thì sao bướm không thể biến thành Trang Tử?
Dường như không thể không có khả năng về điều đó.
Giấc mơ đêm tới từ cái không và
chúng có vẻ thực; vào ban ngày, giấc mơ tới từ cái không và chúng có vẻ thực. Sự
khác biệt duy nhất giữa đêm và ngày là: mơ đêm là riêng tư còn mơ ngày là công
cộng. Đó là khác biệt duy nhất. Trong giấc mơ đêm bạn không thể mời bạn bè mình
tới đó - nó là riêng tư. Trong giấc mơ ngày bạn có thể mời bạn bè mình - nó là
công cộng. Nếu có khả năng về mơ riêng tư thì cũng có khả năng về mơ công cộng.
Chúng ta ở đây. Nếu tất cả chúng ta đều đi ngủ, sẽ có nhiều giấc mơ như có nhiều
người ở đây: riêng tư. Không giấc mơ của người nào sẽ đi vào giấc mơ của người
khác. Chúng sẽ không va chạm với bất kì ai, và mọi người sẽ quên mọi người
khác; người đó sẽ sống trong giấc mơ của mình và trong thực tại mơ của riêng
mình. Thế rồi bạn thức. Bạn nhìn vào tôi và tôi đang nói với bạn. Đây là giấc
mơ công cộng, tất cả các bạn đều mơ cùng nhau. Đó là khác biệt duy nhất.
Có khả năng cho thức tỉnh lớn
hơn - khi bạn thức tỉnh khỏi giấc mơ công cộng nữa. Đó là chứng ngộ là gì. Thế
thì bỗng nhiên toàn thể thế giới đều là maya. Đây là điều Lão Tử đang nói.
Đạo là mạch hổng,
mà dùng mãi không cạn,
Không thể dò được.
Nó là cái trống rỗng bao la và
mọi thứ đều nảy sinh từ nó và quay trở nó, rơi vào trong nó. Và nó là không cạn
bởi vì nó không có giới hạn.
Bạn có thể không nhận biết rằng
khái niệm về số không đã được phát minh, khám phá ra ở Ấn Độ, bởi vì Ấn Độ đã
trở nên nhận biết rằng mọi thứ bắt nguồn từ cái không, số không, rồi mọi thứ
rơi trở về trong cái không, số không. Toàn bộ cuộc hành trình là từ số không tới
số không. Cho nên Ấn Độ đã đặt ra khái niệm về số không, cinema. Và đó là cơ sở
cho mọi toán học - số không là cơ sở cho mọi toán học. Nếu số không bị lấy đi
thì toàn bộ cấu trúc của toán học sụp đổ. Với số không toàn bộ trò chơi bắt đầu
- bạn thêm một số không vào bên con số một, thế thì giá trị của không là chín bởi
vì ngay lập tức một trở thành mười. Chín được sinh ra từ số không ngay lập tức.
Bạn thêm hai số không vào một, giá trị là chín mươi chín, lập tức một đã trở
thành một trăm - từ số không toàn thể cấu trúc được dựng lên. Không có số
không, toán học biến mất, và không có toán học thì toàn bộ khoa học biến mất.
Cho nên nếu bạn hỏi tôi, thì số
không là gốc rễ của mọi toán học và của mọi khoa học; bạn không thể nào quan niệm
nổi về một Einstein mà không có khái niệm về số không. Không, điều đó là không
thể được. Mọi máy tính sẽ dừng ngay lập tức nếu bạn vứt bỏ khái niệm về số
không, bởi vì không có số không thì chúng không thể làm việc được. Số không dường
như là điều bản chất nhất trong thế giới này. Và số không là gì? Số không đơn
giản là số không, cái không - nó là không thể vét cạn được. Bạn có thể lấy nhiều
thứ ra khỏi nó tuỳ ý. Nó có thể trở thành chín, nó có thể trở thành chín mươi
chín, nó có thể trở thành chín trăm chín mươi chín. Bạn cứ tiếp tục đi và nó có
thể trở thành bất kì cái gì bạn thích; nó là không đáy, không thể dò được. Bạn
không thể dò được nó. Số một bị giới hạn. Nó có giới hạn, nó có giá trị cố định
cho nó. Số hai là bị giới hạn - tất cả chín con số đều bị giới hạn, chỉ số
không là hiện tượng vô hạn. Trong thực tế chín chữ số không thể vận hành được nếu
thiếu nó. Chúng đều bắt nguồn từ nó, chúng trưởng thành từ nó. Toàn bộ sự tồn tại
này bắt nguồn từ số không, cái hổng.
Tại sao có nhấn mạnh này vào
tính hổng? Nó không phải là học thuyết triết học, nhớ lấy, nó đơn giản là sự
tương tự - Lão Tử đang cố gắng chỉ ra cho bạn điều gì đó. Ông ấy đang cố gắng
chỉ ra cho bạn rằng chừng nào bạn còn chưa trở thành cái hổng thì bạn sẽ còn khổ,
bởi vì tính hổng mới là thực tại của bạn. Với cái không thực, bạn sẽ khổ.
Và đó là ý nghĩa của thiền: trở
thành cái hổng, trống rỗng bên trong. Thậm chí không một ý nghĩ trôi nổi -
không nội dung, chỉ là không gian. Bỗng nhiên mọi khổ đã biến mất, bởi vì khổ tồn
tại trong các ý nghĩ; cái chết đã biến mất bởi vì cái chết tồn tại trong các ý
nghĩ; quá khứ đã biến mất bởi vì toàn bộ gánh nặng được mang qua ý nghĩ; tham vọng
biến mất bởi vì làm sao bạn có thể tham vọng được mà không có ý nghĩ? Làm sao bạn
có thể điên mà không có ý nghĩ nào? Bạn đã bao giờ thấy người điên nào mà không
có ý nghĩ nào không? Trong thực tế, người điên là người điên bởi vì người đó có
quá nhiều ý nghĩ và người đó không thể nào giữ chúng với nhau: một đám đông
toàn thể... quá nhiều không thể chịu nổi. Người điên là người suy nghĩ lớn lao.
Đó là rắc rối của người đó: người đó nghĩ quá nhiều, và người đó nghĩ theo nhiều
chiều cùng nhau. Trong chiếc xe của mình, theo đủ mọi hướng, ngựa đều bị đóng
cương và người đó đi theo đủ mọi hướng, và người đó không thể nào dừng được bởi
vì người đó không hiện hữu. Người đó bị phân chia, phân mảnh tới mức người đó
không có.
Chỉ cái hổng mới có thể không bị
phân chia. Bạn có thể phân chia cái hổng được không? Mọi thứ đều có thể bị phân
chia - bất kì cái gì là chất liệu đều có thể bị phân chia. Cái ngã có thể bị
phân chia, chỉ vô ngã mới không thể bị phân chia. Đó là lí do tại sao khi Phật
đạt tới chứng ngộ tối thượng của mình thì ông ấy đã đặt ra một từ là phát minh
riêng của ông ấy: từ anatta. Nó chưa bao giờ tồn tại trước ông ấy. Anatta nghĩa
là vô ngã. Anatta nghĩa là anatma. Anatta nghĩa là bạn không hiện hữu. Anatta
nghĩa là không hiện hữu, bạn không có. Anatta nghĩa là cái không, cái hổng.
Sự tương tự là để chỉ ra cái gì
đó: trở thành cái hổng, là cái hổng. Nhưng toàn bộ giáo huấn, ước định của xã hội
chống lại nó. Tại phương Tây họ nói rằng nếu bạn trống rỗng, bạn sẽ trở thành
xưởng của quỉ. Tâm trí trống rỗng là xưởng của quỉ. Điều này là ngu xuẩn, cực
kì ngu xuẩn, bởi vì tâm trí trống rỗng không bao giờ có thể là xưởng của quỉ được.
Nếu nó thực sự trống rỗng, bỗng nhiên chỉ Thượng đế mới có đó và không cái gì
khác cả, bởi vì Thượng đế là cái hổng. Quỉ đầy những ý nghĩ, nó chưa bao giờ trống
rỗng cả. Quỉ có tâm trí; Thượng đế không có tâm trí. Bạn có thể trở thành xưởng
của quỉ - bạn càng nghĩ nhiều, bạn càng trở thành xưởng đó nhiều hơn! Nếu bạn
không nghĩ chút nào, làm sao bạn có thể trở thành xưởng của quỉ được? Quỉ không
thể nào đi vào trong cái hổng được, nó sẽ sợ chết - bởi vì đi vào trong cái trống
rỗng là chết. Nó có thể đi vào trong bạn chỉ nếu có nhiều ý nghĩ - thế thì nó
có thể ẩn trốn trong đám đông, thế thì nó cũng có thể trở thành một ý nghĩ
trong bạn.
Tâm trí trống rỗng là tâm trí của
Thượng đế - nó là vô trí. trở thành cái hổng đi, ngồi như cây tre hổng. Đi như
cái hổng, sống như cái hổng, làm bất kì cái gì bạn phải làm nhưng làm nó cứ dường
như bạn là cái hổng bên trong. Thế thì nghiệp sẽ không đụng tới bạn chút nào;
thế thì hành động của bạn sẽ không trở thành gánh nặng cho mình; thế thì bạn sẽ
không bị dính líu bởi vì cái hổng không thể bị dính líu được.
0 Đánh giá