Thiền Phi Thiền - Thiền không phải khoa học, Thiền là phép lạ

Thiền Phi Thiền - Thiền không phải khoa học, Thiền là phép lạ

Price:

Read more

Thiền không phải khoa học - Thiền là phép lạ
Thứ ba: Thiền không phải là khoa học mà là phép lạ. Nhưng đây không phải là phép lạ của những ảo thuật gia, mà là cách thức ta nhìn vào cuộc sống như một phép lạ. Khoa học là trí óc. Ðó là nỗ lực để hủy diệt sự huyền nhiệm của đời sống. Nó giết chết điều kỳ diệu. Nó đối nghịch với nhiệm mầu. Thiền trái lại, nó là tất cả cho sự nhiệm mầu, cho huyền nhiệm.
Ðời sống huyền nhiệm không phải để cho người ta đi tìm lời giải đáp mà là để sống, bởi vì bạn sẽ không bao giờ tìm ra lời giải đáp. Bạn phải thể nhập vào đó với trọn vẹn yêu thương. Quả là một hạnh phúc lớn khi đời sống là một huyền nhiệm. Hãy cùng nhau chúc mừng cho sự huyền nhiệm này.
Thiền là phép lạ. Nó cho bạn chìa khoá để mở vào những cánh cửa nhiệm mầu. Và sự nhiệm mầu đó ở ngay trong chính bạn, cái chìa khoá đó cũng ở ngay trong bạn.
Khi bạn tìm đến một Thiền sư, ông ta chỉ là người giúp cho bạn đi vào tỉnh lặng để tìm ra cái chìa khóa mà bạn đang mang theo trong suốt đời mình, cùng với cánh cửa - luôn luôn sẵn ở đó - đi vào ngôi đền của riêng bạn ở tận đáy tâm hồn.
Và đây là điểm cơ bản cuối cùng: Thiền không phải là đạo đức, nó là thẩm mỹ. Nó không hề áp đặt một tiêu chuẩn đạo đức, không đưa ra bất cứ một điều răn nào: Phải làm cái này, không được làm cái kia. Một cách đơn giản, nó làm cho bạn nhạy cảm hơn về cái đẹp, và cái tính nhạy cảm này trở thành nền tảng đạo đức của bạn. Thế rồi nó sẽ vượt qua khỏi bạn, ý thức của bạn. Ðừng nghĩ rằng nó sẽ ban cho bạn một mớ lương tâm nhằm phản kháng lại ý thức; không, nó chỉ giúp cho bạn trở nên ý thức, tỉnh giác hơn và sự phong phú ý thức này lại sẽ trở thành lương tâm của bạn. Như thế, điều răn không phải đến từ ông Moses, không phải đến từ Bible, từ Koran hay kinh Vệ Ðà... Nó không hề đến từ bên ngoài. Nó đến từ chính trong sâu thẳm tận cùng của bạn. Và khi phát xuất từ đây, ta không còn nô lệ nữa. Ta hoàn toàn tự do. Khi phát xuất từ đây ta sẽ không còn làm việc một cách miễn cưỡng như là bổn phận. Bạn làm việc trong tuyệt vời hạnh phúc và yêu thương.
Ðó là những điều cơ bản. Và bây giờ hãy lắng nghe lời kinh sâu sắc.
Như một bầu trời rỗng không, nó không hề có ranh giới
Nó ở ngay tại đây, thẳm sâu và trong suốt như chưa bao giờ
Chỉ việc thay chữ "nó" bằng "Thượng Ðế" là bạn sẽ hiểu ngay lập tức - thế nhưng Thiền giả không bao giờ dùng từ "Thượng Ðế" mà gọi bằng "nó".
Như một bầu trời rỗng không, nó không hề có ranh giới
Nó ở ngay tại đây, thẳm sâu và trong suốt như chưa bao giờ
Nếu bạn nhìn thẳng vào bầu trời bạn sẽ không bao giờ tìm thấy nó. Nếu bạn bắt đầu cố gắng thật sự tìm kiếm, bạn sẽ không bao giờ tìm thấy bầu trời. Ở đâu bạn có thể tìm thấy được bầu trời? Bầu trời không hề ở một nơi nào đó, nó ở khắp nơi và bởi vì nó ở khắp nơi nên bạn không thể tìm kiếm được. Bạn không thể xác định vị trí của nó; bạn không thể nói rằng nó ở phía Bắc, nó ở phía Nam, nó ở đây, nó ở đó - bởi vì nó ở khắp nơi. Là khắp nơi nên không thể được tìm thấy ở một nơi nào. Và rồi bạn sẽ tìm kiếm nó ở đâu? Chạy đi đâu cũng là bầu trời. Ở ngay đây, ở nơi đó. Tất cả đều là bầu trời. Thượng Ðế cũng giống như bầu trời, một bầu trời rỗng không.
Nó không có biên giới nên nó không thể được xác định. Bạn không thể nói nó bắt đầu từ đâu và chấm dứt ở đâu. Nó là vĩnh cửu, vô tận - nhưng mà cũng ngay tại đây, trước mắt bạn. Nếu bạn buông xả, nó xuất hiện; nếu bạn căng quá, nó biến mất.
Một vị Thiền sư có lần nói, "Nó quá rõ ràng nên rất khó thấy. Có lần một tên khờ xách chiếc đèn lồng đã thắp đi kiếm lửa. Nếu y sớm biết lửa ở đâu thì đã nấu chín nồi cơm tự hồi nào rồi."
Bạn cũng thế, bạn là người đang xách chiếc đèn lồng đã thắp đi kiếm lửa mà không hề biết rằng mình luôn luôn mang lửa ở trên tay. Vâng, vị Thiền sư nói rất đúng: Nếu y sớm biết lửa ở đâu thì đã nấu chín nồi cơm tự hồi nào rồi. Và nồi cơm của bạn cũng thế, cũng chín tự hồi nào. Thế mà bạn phải chịu đói. Bạn đã và đang đói hàng bao nhiêu thế kỷ qua, cơn đói bất tận. Bởi vì bạn đang đi kiếm lửa với chiếc đèn lồng đã thắp trên chính tay mình.
Con người loay hoay chạy đi tìm kiếm Thượng Ðế mà không biết rằng Thượng Ðế đang ở trước mắt mình. Thượng Ðế đang ở chung quanh bạn. Thượng Ðế đang ở trong, Thượng Ðế đang ở ngoài bởi vì chỉ có một Thượng Ðế. Thiền giả không gọi cái này bằng Thượng Ðế mà gọi là "nó" để bạn không bị rơi vào cạm bẩy của ngôn từ.
Khi bạn đi tìm để biết nó, bạn không thể gặp nó.
Tại sao? Bởi vì khi bạn muốn biết, cái sự rất muốn biết đó trở thành một tình trạng căng thẳng. Bạn trở thành thu hẹp lại. Bạn tập trung quá sức. Khi bạn đi tìm để biết nó, bạn không thể gặp nó. Bạn sẽ không thấy - bởi vì bạn chỉ gặp được nó khi bạn hoàn toàn thư giản, khi bạn mở lòng ra khắp mọi hướng, khi tâm bạn không tập trung cao độ.
Hãy nghe kỹ điều này. Những người không hiểu biết gì hết về Thiền thường viết rằng Thiền là sự tập trung tư tưởng. Bạn có thể tìm thấy hàng ngàn cuốn sách trong đó có những câu tương tự như vậy, những câu cực kỳ ngu xuẩn - rằng thiền là sự tập trung. Thiền không hề là sự tập trung - đây có thể là việc cuối cùng. Nhưng thực ra, tập trung hoàn toàn trái ngược với Thiền. Trong tình trạng tập trung, bạn rất căng, bạn quy chiếu, bạn dồn nỗ lực tìm kiếm một cái gì đó. Vâng, có thể tập trung cần thiết cho bạn khi tìm kiếm những vật rất nhỏ. Tìm một con kiến chẳng hạn, tập trung rất tốt -nhưng tìm kiếm Thượng Ðế thì không. Thượng Ðế rất bao la, vô cùng bao la. Thế nên khi bạn tập trung để tìm, bạn chỉ tìm thấy con kiến chứ không thể tìm thấy Thượng Ðế. Ðối với Thượng Ðế, bạn phải hoàn toàn mở, mở ra khắp mọi hướng, không tập trung, không tìm, không kiếm. Ý thức của bạn hoàn toàn buông xả, đó chính là Thiền - một trạng thái ý thức hoàn toàn buông xả.
Bạn đốt lên một ngọn đèn nhỏ. Ánh sáng không hề quy chiếu, nó tỏa ra khắp mọi hướng. Nó không đi đến một nơi nào cả, nó tỏa lan ra. Tất cả mọi hướng đều tràn ngập ánh sáng. Bây giờ hãy nhìn một cây đuốc. Cây đuốc giống như một sự tập trung. Ánh sáng của nó được quy chiếu vào một nơi. Khi bạn muốn trông thấy Thượng Ðế, cây đuốc không giúp ích gì được cho bạn cả - cây đèn là tốt nhất. Nếu bạn đang kiếm một con kiến, tốt lắm; nếu bạn đang kiếm một con chuột, rất tốt - cây đuốc rất được việc cho bạn. Ðối với chuyện nhỏ, người ta cần sự tập trung ý thức.
Ðối với khoa học, sự tập trung là cần thiết. Khoa học không thể tồn tại nếu thiếu sự tập trung - nó tìm kiếm những cái chi li, những cái rất nhỏ, rồi những cái nhỏ hơn. Nó đi từ cái nhỏ hơn đến cái nhỏ hơn nữa đến cái nhỏ nhất - nó đang tìm kiếm tế bào, rồi nguyên tử, rồi điện tử, rồi nơ-tron. Nó lại tiếp tục đi tìm kiếm những cái nhỏ hơn nữa, tất cả công trình tìm kiếm đều nhắm vào những cái nhỏ hơn. Khoa học, như thế, ngày càng trở nên tập trung, và quy chiếu.
Tôn giáo thì trái ngược - buông xả, phóng khoáng, mở ra khắp mọi hướng, đón nhận những ngọn gió đến từ muôn phương. Các cánh cửa lớn, cửa sổ đều được mở ra, những bức tường ngăn cách được xoá bỏ; cửa lòng của bạn cũng mở ra bát ngát.
Khi bạn đi tìm để biết nó, bạn không thể gặp nó.
Thế nên cái nỗ lực để thấy nó, cái lòng khát khao muốn thấy nó trở thành những chướng ngại. Không nên tìm kiếm Thượng Ðế. Không nên tìm kiếm chân lý. Mà tốt hơn cả là tạo nên một trạng huống hoàn toàn buông xả, lúc đó Thượng Ðế sẽ đến với bạn, nó sẽ đến, chắc chắn. Nó đang có mặt ở đó.
Có một giai thoại rất nổi tiếng nói về một trong những người phụ nữ hiếm hoi nhất trên thế giới, có tên là Rabiya.
Hussan, một nhà huyền môn Sufi - một ông đồng cốt đạo Hồi- đang sống với đạo sư Rabiya. Chắc thế nào ông ta cũng đã có lần nghe qua câu nói của Jesus Christ, "Hãy gõ, cửa sẽ mở. Hãy hỏi, sẽ được cho. Hãy tìm, sẽ gặp." Thế nên hàng ngày trong các buổi cầu nguyện buổi sáng, trong các buổi cầu nguyện buổi trưa, trong các buổi cầu nguyện buổi chiều, trong các buổi cầu nguyện buổi tối -người Hồi giáo cầu nguyện đến năm lần mỗi ngày- và cứ hàng ngày năm lần như thế anh ta không ngớt cầu khẩn với Thượng Ðế, "Tôi đang gõ, hỡi Thượng Ðế vĩ đại, tôi đang gõ thật nhiều. Tại sao đến bây giờ nó vẫn chưa mở? Tôi đập đầu tôi vào cánh cửa của Ngài, Thượng Ðế nhân từ. Xin hãy mở cửa."
Rabiya nghe lời cầu nguyện này trong một ngày. Rabiya nghe lời cầu nguyện này trong ngày thứ hai, rồi ngày thứ ba, và cuối cùng bảo Hussan: "Này Hussan, lúc nào thì ông mới chịu nhìn? Cánh cửa đang mở, trong khi ông cứ tiếp tục nói những câu nhảm nhí "Tôi đang gõ, Tôi đang gõ" - Coi kỹ đi. Cánh cửa luôn luôn mở mà. Bởi vì ông chỉ chú tâm đến gõ, đến hỏi, đến tìm, đến muốn nên mới không thấy. Cánh cửa đang rộng mở mà."
Ðiều Rabiya nói còn đúng hơn cả điều chúa Jesus Christ nói. Câu nói của Jesus Christ chỉ dành cho những kẻ có trình độ thấp. Ðúng như vậy, nó dành cho những người chưa cả bắt đầu đi tìm kiếm, cho những học sinh lớp mẫu giáo. Ðối với họ chỉ nên bảo "Kiếm, tìm, gỏ cửa" và đối với họ cũng nên kèm theo lời hứa bảo đảm, nếu không họ sẽ không chịu đi tìm đâu - lời hứa bảo đảm rằng "Hãy gõ, cửa sẽ mở. Hãy hỏi, sẽ được cho".
Rabiya rất Thiền khi nói, "Này, bạn khùng quá đi, cửa đang mở, nó luôn luôn rộng mở. Khi mà bạn cứ không ngừng hỏi, không ngừng lải nhải, bạn đang nhắm đôi mắt của bạn lại. Vấn đề chỉ là mở con mắt của bạn ra - cánh cửa luôn luôn mở rộng mà."
Thượng Ðế luôn luôn có ở đó cho bạn. Không hề đòi hỏi một điều kiện nào.
Trích quyển 'Thiền - Con đường nghịch lý'

0 Đánh giá

Ads Belove Post