Thiền Osho - Khác biệt gì giữa yêu và từ bi?

Thiền Osho - Khác biệt gì giữa yêu và từ bi?

Price:

Read more

Khác biệt gì giữa yêu và từ bi?

Hiểu ba từ này: dục, yêu, từ bi. Dục là bắt đầu của chiếc thang yêu, nó là bậc đầu tiên của chiếc thang đó. Từ bi là bậc thang cuối cùng của chiếc thang đó. Yêu là tên cho toàn bộ chiếc thang.
Dục là trạng thái thấp nhất của yêu, thấp nhất. Nghĩa của dục là: tôi muốn được cái gì đó từ người kia, tôi là không đầy đủ nếu thiếu người kia, tôi trống rỗng nếu không có người kia, tôi phải lấp đầy bản thân mình bằng người kia. Dục là khai thác. Nghĩa của dục là: Tôi muốn dùng người kia như phương tiện. Chồng đang dùng vợ, vợ đang dùng chồng. Họ đang dùng lẫn nhau như những phương tiện. Đây là lí do tại sao có nhiều giận dữ thế, bởi vì không ai muốn là phương tiện cả. Linh hồn của từng người đều là mục đích tự nó.
Nhà triết học Đức vĩ đại, Immanuel Kant, đã định nghĩa đạo đức theo cách này: "Việc dùng người khác qua việc làm người đó trở thành một phương tiện là vô đạo đức; việc dùng người khác qua việc làm người đó trở thành mục đích, là đạo đức."
Đây là vấn đề rất nền tảng. Việc dùng người khác vì bản thân bạn là sự thèm khát. Bạn chỉ nói về yêu; bạn nói, "Anh yêu em," nhưng bên trong bạn muốn rằng người kia phải yêu bạn. Cho nên khi mọi người tới tôi - hàng nghìn người đã tới - họ đều nói, "Tôi không nhận được tình yêu từ người tôi yêu." Tôi chưa từng gặp một người nào đã nói, "Tôi không thực sự yêu người tôi yêu." Đây là một hiện tượng thú vị. Ai đến cũng nói, "Tôi chắc chắn yêu người tôi yêu"; người đó không bao giờ hoài nghi về điều đó. Và người đó nói, "Tôi không nhận được tình yêu từ người kia." Và khi người kia tới tôi, người ấy cũng nói cùng điều đó: "Người mà tôi yêu - tôi đã cho tình yêu nhưng đã không nhận được nó. Tôi đã bị lừa. Tôi cảm thấy bị lừa, bị phản bội." Và thường cả hai họ cùng tới - chồng và vợ cùng tới, bố và con cùng tới, bạn bè cùng tới - và cả hai đều nói cùng một điều, "Tôi đã yêu." Sự thật là ở chỗ không ai đã yêu cả, bởi vì tôi nói với bạn rằng khi người ta thực sự yêu, thế thì cùng một đáp ứng là không tránh khỏi - nó vang vọng, nó dội lại. Bất kì cái gì bạn cho đi bao giờ cũng trở lại.
Trong thế giới này có một câu ngạn ngữ cổ: Có thể có chậm trễ nhưng không có bất công. Tôi nói với bạn rằng không có chậm trễ nào mà cũng không có bất công nào. Bởi vì tại sao phải có chậm trễ? Nếu có chậm trễ thế thì cũng sẽ có bất công. Chậm trễ này có thể dài lâu. Nếu bạn yêu hôm nay và bạn nhận được sự đáp ứng sau hàng triệu và hàng triệu kiếp, thế thì điều ấy cũng sẽ là bất công.
Cho nên tôi nói rằng không có bất kì chậm trễ nào mà cũng không có bất công nào. Nếu bạn yêu, thế thì bạn sẽ lập tức nhận; bạn nhận trong bản thân việc yêu rồi. Việc nhận là không phụ thuộc vào người kia, nó là tiếng vọng của tình yêu của bạn. Nó là sự ngân vang của tình yêu của bạn. Cùng điều đó bạn cho đi sẽ trở với bạn.
Cho nên mọi người nói, "Chúng tôi đã yêu nhưng chúng tôi không nhận được tình yêu nào." Thực tại là bạn đã không yêu; yêu của bạn chỉ là giả vờ, lừa dối. Thực tại là ở chỗ bạn đã trông đợi tình yêu. Không có việc yêu, chỉ bằng việc nói về yêu, bạn muốn được yêu. Bạn chỉ nói về yêu và đổi bạn muốn được trái tim người kia, buông xuôi của người kia, toàn bộ con người của người kia và bạn không thể có được điều đó. Người kia cũng làm cùng điều như thế cho nên việc nói về yêu phải tiếp tục, việc viết thơ tình vẫn tiếp tục - nhưng không có chia sẻ bất kì loại gì - cho nên sẽ có sở hữu con người của người kia. Cả hai đều muốn có được điều đó cho không, cả hai đều muốn được điều đó mà không phải cho đi, do đó mới có xung đột.
Đó là lí do tại sao cái gọi là những người yêu cứ liên tục đánh nhau. Trong xung đột này lí do là một - cả hai đều muốn làm người kia thành phương tiện. Và linh hồn con người được sinh ra như mục đích tự nó, không phải là phương tiện. Mọi người đều là mục đích cho chính mình, cho nên người đó khổ và cảm thấy bị nô lệ nếu ai đó dùng người đó và bước lên người đó cứ như là người đó chỉ là bậc thang của một chiếc thang.
Dục là dạng thấp nhất của yêu - khi bạn đòi hỏi mọi thứ và không cho đi cái gì. Từ bi là dạng cao nhất của yêu - khi bạn cho đi mọi thứ và không đòi hỏi điều gì đền đáp lại. Nó là chiều cao tối thượng của yêu mà trong đó bạn cho đi mọi thứ và không đòi hỏi điều gì cả. Thế thì bạn làm cho người kia thành mục đích và bản thân bạn trở thành phương tiện. Bạn nói, "Tôi may mắn là tôi có thể buông xuôi. Dù tôi sống vì bạn hay chết vì bạn, tôi cũng vẫn may mắn. Tôi sẽ hạnh phúc trong mọi tình huống, không trông đợi gì. Tôi sẽ biết ơn là bạn đã chấp nhận buông xuôi của tôi. Tôi đã cho và bạn không bác bỏ nó, thế là đủ cho lòng biết ơn rồi."
Và đây là một điều thú vị: trong dục bạn đòi hỏi và bạn không nhận, trong từ bi bạn không đòi hỏi vậy mà bạn nhận. Đây là bí ẩn của cuộc sống. Đây là nghịch lí của cuộc sống. Một người hay mong đợi, chết đi không được thoả mãn còn một người từ bi, bao giờ cũng bằng lòng, trong từng thời điểm đều hài lòng. Bởi vì cuộc sống vọng lại - bạn thu được bất kì cái gì bạn cho đi. Trong thế giới này cái bạn nhận được không phụ thuộc vào người nào khác cả, bạn chỉ nhận được cái bạn đã cho đi.
Hôm qua tôi mới đọc những câu nói của Phật. Sau nhiều phát biểu ông ấy thường nhắc lại, Aes dhammo sanantano, "Đây là luật vĩnh hằng: bạn nhận cái bạn cho đi." Nếu bạn cố gắng xoá bỏ hận thù bằng hận thù, hận thù không thể xoá bỏ được. Nếu bạn đáp ứng bằng tình yêu, nó đã được xoá sạch. Đây là luật vĩnh hằng, đây là tôn giáo vĩnh hằng, đây là luật cổ đại, vĩnh hằng. Không điều gì có thể xảy ra theo bất kì cách nào khác.
Dục là mong đợi yêu, từ bi là việc cho yêu. Yêu ở giữa, nơi cho và nhận là ngang nhau. Không ai cảm thấy hài lòng với dục, còn với từ bi người ta bao giờ cũng hài lòng. Yêu lơ lửng ở đó giữa dục và từ bi, ở giữa. Ít có hài lòng và ít có không hài lòng nấn ná, bởi vì trong yêu một nửa là từ bi và một nửa là ham muốn. Yêu là năm mươi - năm mươi - đây là lí do tại sao có nhiều khoảnh khắc vui và nhiều khoảnh khắc khổ thế.
Điều không may là chín mươi chín phần trăm mọi người chưa bao giờ kinh nghiệm yêu. Từ bi bắt nguồn từ vấn đề này - nó là giấc mơ xa xôi, nó là ảo vọng. Chín mươi chín trong số một trăm người chết đi trong thèm khát. Và ảo tưởng của họ là gì? Ảo tưởng của họ là ở chỗ họ gải định rằng họ đã yêu.
Cho nên cho nó thêm suy nghĩ đi: trước khi bạn hỏi liệu bạn có nhận được tình yêu hay không, nhìn cẩn thận xem liệu bạn có cho nó hay không. Bởi vì tôi nói rằng nếu bạn có cho tình yêu, thế thì tình yêu chắc chắn tới với bạn. Đây là luật vĩnh hằng. Nếu bạn chưa nhận được thế thì bạn phải chưa cho rồi. Nhìn bản thân bạn mà xem, chỉ nhìn vào bản thân bạn thôi. Như Farid nói, "Nhìn vào trong trái tim mình, Farid, bạn là người trí huệ." Farid nói, "Nếu bạn là người trí huệ, thế thì tìm kiếm bên trong trái tim bạn đi - bạn sẽ thấy nó ở đấy."
Bạn sẽ nhận được bất kì cái gì bạn đã cho, bạn sẽ không nhận được cái mà bạn không cho. Nếu bạn chưa nhận được thế thì biết rằng bạn chưa cho đâu; nếu bạn đã nhận được thế thì biết rằng bạn đã cho.
Dục là bậc thang thấp nhất. Phần lớn mọi người vẫn bị mắc kẹt ở đó. Nhưng nhớ lấy, tôi không lên án dục, vì nó cũng ở trên chiếc thang yêu. Nó có thể là bậc thang thứ nhất, nhưng nó vẫn là yêu. Và người không trèo lên bậc thang thứ nhất, làm sao anh ta đạt tới được bậc thang cuối cùng? Cho nên tôi không bảo bạn đi xuống khỏi chiếc thang. Tôi đang bảo bạn đừng dừng trên chiếc thang này: đi lên đi, còn có nhiều bậc nữa. Bạn đang đứng ở bậc thang thứ nhất và bạn đã tạo ra cả hai ngôi nhà và ngôi đền của bạn ở đó. Đi lên đi! Bậc thứ nhất là tốt bởi vì bậc thứ hai tới qua nó. Nó xấu chỉ nếu bậc thứ hai không tới qua nó.
Cho nên trong tâm trí tôi không có việc lên án dục. Đây là lí do tại sao tôi liên tục nói rằng dục và siêu tâm thức là có quan hệ. Dục đưa bạn tới siêu tâm thức - nhưng nếu bạn vẫn còn bị mắc kẹt trong dục, thế thì samadhi, siêu tâm thức, sẽ không bao giờ tới.
Và nhớ cả khía cạnh khác nữa, bởi vì nhiều người cũng đã phạm phải sai lầm này nữa. Tại Ấn Độ sai lầm này đã trở thành rất cổ đại. Và sai lầm đó là, khi tôi nói đừng dừng trên bậc thang dục, có hai cách di chuyển: hoặc là bạn trưởng thành từ dục hướng tới yêu hoặc là bạn rời bỏ chiếc thang - đó là điều bạn gọi là vô dục. Tôi không gọi điều này là vô dục.
Người mà bạn gọi là vô dục ấy còn tồi tệ hơn bạn nữa bởi vì họ đã từ bỏ chiếc thang. Từ bi không bao giờ có thể tới trong các kiếp sống của họ được bởi vì khi không có dục, làm sao có từ bi được? Như câu ngạn ngữ nói, "Trúc bị huỷ, không có sáo." Tôi không bảo bạn cứ phải ôm giữ mãi mẩu trúc đó - làm ra sáo từ nó đi, sáo có thể được tạo ra từ trúc này.
Từ bi là việc nở hoa của dục. Cũng cây trúc bình thường đó mà bạn không thể nghĩ tới việc dùng vào bất kì điều gì - nhiều nhất bạn có thể dùng nó đánh vào đầu ai đó - bây giờ có thể trở thành một cây sáo và có thể đi vào linh hồn ai đó. Những giai điệu dịu êm nảy sinh từ nó - phi phàm, tinh tú; chúng đem tới những tin tức về một thế giới khác nào đó. Hoa của thế giới khác nào đó bắt đầu nở ra trên trái đất này qua âm thanh của cây trúc này.
Ai sẽ tin vào điều đó? Nếu bạn chưa từng bao giờ biết tới, nếu bạn chưa từng bao giờ thấy nó trước đây, nếu bạn bỗng nhiên thấy một chiếc sáo và ai đó nói với bạn rằng nó được làm ra từ cây trúc bạn sẽ không tin vào điều đó. Nếu tôi bảo với bạn rằng từ bi của Phật và Mahavirra đã nảy sinh từ dục, bạn sẽ không tin điều đó. Bạn gặp khó khăn bởi vì bạn đã thấy từng mẩu trúc và bạn cũng đã thấy sáo trúc, nhưng bạn không có ý tưởng nào về các bước ở giữa cả. Bạn không thể đặt quan hệ giữa chúng được. Bạn đang nói, "Từ bi nào có thể có đó giữa từ bi của Phật và chúng ta ở đây với những thèm khát của mình? Không, không có đâu! Tại đây chúng ta đang sống trong địa ngục và ở kia kia họ đang vươn lên trên trời. Không, không có kết nối nào cả."
Nhưng nghĩ một chút đi - nếu không có kết nối nào thế thì bạn sẽ không bao giờ có thể trở thành vị phật được. Cuộc hành trình làm thế nào có thể có được? Bạn sẽ bắt đầu từ đâu? Phải có một cái cầu nào đó giữa bạn và Phật. Phải có một chiếc thang giữa dục và điều thiêng liêng. Chiếc thang đó là yêu.
Sahajo đang nói về cùng chiếc thang này đấy. Làm thuần khiết năng lượng dục của bạn đi. Kabir nói, "Kim cương rơi và mất hút trong bùn." Cho nên đừng trốn khỏi bùn, nếu không kim cương cũng sẽ bị bỏ đó trong bùn. Tìm trong bùn đi, có hoa sen ẩn kín ở đó. Lau sạch viên kim cương - khi bùn được gột sạch nó sẽ trở thành thuần khiết. Trong thực tế, kim cương chưa bao giờ không thuần khiết cả. Nó rơi vào trong bùn nhưng kim cương vẫn là kim cương, nó không bao giờ thành bùn cả. Và hoa sen ẩn trong bùn, dù chúng có ẩn kín thế nào - bạn có thể không bao giờ thấy chúng - nhưng hoa sen vẫn là hoa sen, nó không phải là bùn. Một khi nó gặp cơ hội để trưởng thành, thế thì hoa sen sẽ nở bung.
Đừng chạy trốn khỏi dục, bằng không vô dục của bạn nhiều nhất sẽ chỉ là bất lực, không nhiều hơn thế. Hay nó sẽ là kìm nén, gò ép. Theo cách đó, hoa đời bạn không thể nở được; ngược lại, nụ nhỏ đang phát triển cũng sẽ rơi trở lại vào trong bùn mà thôi.
Tôi chưa từng thấy hoa sen của từ bi nở ra trong cái gọi là các sư và thánh nhân của bạn. Ngược lại, tôi đã thấy không có khả năng nào cho hoa sen của từ bi này nở được. Họ đã sa ngã, rời khỏi chiếc thang. Họ dường như đúng với bạn bởi vì bạn đang đứng trên bậc dục và họ không đứng trên bậc dục đó. Bạn nghĩ rằng có lẽ người không đứng trên bậc dục tất yếu sẽ đạt tới bậc từ bi. Không hẳn là như vậy đâu. Rất dễ dàng ngã xuống, rất khó để leo lên. Bạn cần nỗ lực gì để ngã xuống? Bỏ nhà, trốn vào rừng rậm, đứng mình trần đóng khố và mọi người bắt đầu ca tụng bạn. Họ sẽ bắt đầu cúi mình dưới chân bạn và nói rằng bạn được phúc lành, rằng bạn đã đạt tới sự vĩ đại - nhưng bên trong bạn có thể vẫn đầy những ham muốn dục.
Các sư tới gặp tôi - sư già, bẩy mươi tuổi rồi - vậy mà tâm trí của họ vẫn đầy những ham muốn dục. Họ hỏi, trong chỗ riêng tư, "Làm sao tôi loại bỏ được những ham muốn dục này? Bây giờ sự cường tráng của tôi đã qua rồi, đời tôi đã qua rồi, thế mà tôi vẫn không được tự do khỏi dục. Khi nào nó mới mất đi? Cái chết đang tới gần rồi, tôi sắp chết rồi, thế mà ham muốn dục vẫn cứ đeo đẳng tôi."
Đừng bao giờ từ bỏ chiếc thang, cho dù là không chủ định. Thượng đế không dành cho những kẻ trốn chạy. Trèo lên đi - để cho cuộc sống là cuộc hành trình, không phải là sự chạy trốn. Trèo lên từng bước một. Chuyển từ dục vào yêu và một cơn gió thoảng nhỏ của cõi trời sẽ bắt đầu thổi. Địa ngục cũng sẽ có đó, nhưng trong địa ngục của bạn những hòn đảo nhỏ của cõi trời sẽ bắt đầu xuất hiện. Và khi thấy chúng bạn sẽ trở nên hi vọng rằng cái gì đó hơn nữa có thể xảy ra. Cái là hòn đảo nhỏ hôm nay ngày mai có thể trở thành hòn đảo lớn. Vươn lên thêm chút nữa trên nước. Cứ đi lên trước... Dần dần, dần dần rút lui khỏi việc đòi hỏi và chú ý nhiều hơn tới việc cho. Chia sẻ đi, đừng đòi hỏi. Trở thành hoàng đế, không là ăn mày.
Dục là kẻ ăn mày, từ bi là hoàng đế. Ngày bạn có thể cho mà không giữ cái gì lại, cho không điều kiện mà không mặc cả gì, thậm chí không dừng lại để yêu cầu cám ơn - bạn chỉ cho và đi tiếp... Bạn cho và cũng cám ơn rằng người khác đã nhận nó, rằng họ đã chấp nhận nó. Nó có thể bị bác bỏ chứ. Khi những điều như thế là trạng thái bản thể bạn, ngày đó bạn sẽ biết tới từ bi.
Có các giai đoạn của yêu: dục, yêu, từ bi. Và tất cả chúng đều là các mức độ khác nhau của yêu trong cuộc sống. Do đó tôi nói rằng yêu lớn hơn điều thiêng liêng, bởi vì vươn lên trong yêu bạn sẽ đạt tới điều thiêng liêng. Ngày từ bi của bạn là tới mức bạn không có đó như người cho, bạn chỉ còn là việc cho - khi không có ai còn lại đằng mà là người cho, khi không có cảm giác về việc là người làm - vào ngày đó, chỉ vào ngày đó thôi, bạn trở thành điều thiêng liêng. Ngày bản ngã bạn bị loại bỏ, chỉ vào ngày đó bạn trở thành điều thiêng liêng. Thế thì không giới hạn nào còn lại. Thế thì bạn đi vào trong cái vô hạn, cái vô hạn đi vào trong bạn.
Nhưng đừng bắt đầu nghĩ quá nhiều về điều thiêng liêng. Đây là chiếc thang cuộc sống: từ dục tới yêu, từ yêu tới từ bi. Sau từ bi bước nhảy tự động xảy đến bởi vì sau đó không còn bước nào khác.
Nhớ lấy, chiếc thang có thể bị bỏ theo hai cách: hoặc là bạn tụt xuống khỏi bậc thứ nhất hoặc bạn nhảy ra ngoài bậc cuối cùng. Nếu bạn tụt xuống khỏi bậc thứ nhất, thế thì bạn chắc chắn sẽ không đạt tới điều thiêng liêng và bạn cũng mất luôn thế giới này. Nếu bạn nhảy ra ngoài bậc thang cuối cùng bạn sẽ thấy tất cả. Bạn sẽ đạt tới điều thiêng liêng và bạn cũng sẽ không làm mất thế giới này bởi vì thế giới là một phần của bản thân điều thiêng liêng. Khi bạn thấy cái toàn thể, bạn cũng thấy thế giới này ở trong nó. Thế thì nó không chỉ là thế giới nữa, nó là sự sáng tạo của điều thiêng liêng.

0 Đánh giá

Ads Belove Post