Chương 1. Phụ nữ chứng ngộ

Chương 1. Phụ nữ chứng ngộ

Price:

Read more

Osho - Mưa không mây
Giảng về bài thơ của người đàn bà chứng ngộ, Sahajo
Chương 1. Phụ nữ chứng ngộ

Loạt bài nói này mà tôi đã gọi là Mưa rào không mây sẽ là cuộc hành trình hoàn toàn mới. Mãi cho tới nay tôi đã nói về những đàn ông chứng ngộ; bây giờ lần đầu tiên, tôi sẽ nói về đàn bà chứng ngộ. Dễ nói về đàn ông chứng ngộ - tôi có thể hiểu được họ, chúng tôi thuộc cùng một kiểu. Sẽ có khó hơn chút ít khi nói về đàn bà chứng ngộ. Con đường có hơi không quen thuộc.
Tại cốt lõi bên trong nhất đàn ông và đàn bà là một, nhưng cách diễn đạt của họ rất khác nhau. Cách hiện hữu của họ, cách họ nhìn vào mọi thứ, cách họ nghĩ, phát biểu của họ không chỉ khác nhau mà còn đối lập nhau. Cho tới giờ tôi chưa từng nói về đàn bà chứng ngộ nào. Nhưng nếu bạn có hiểu biết nào đó về đàn ông chứng ngộ, nếu bạn có chút ít hương vị của chứng ngộ, có lẽ bây giờ sẽ dễ dàng cho bạn để hiểu cả về đàn bà chứng ngộ.
Chẳng hạn, tia sáng mặt trời là trắng nhưng khi đi qua lăng kính nó phân thành bẩy mầu. Mầu lục không đỏ và mầu đỏ không lục - mặc dầu cả hai đều được tạo nên bởi việc phân chia cùng tia sáng. Và chung cuộc chúng sẽ lại gặp nhau và trở thành một tia sáng. Trước khi phân chia chúng đã là một, và lần nữa, sau khi hội nhập chúng sẽ trở thành một. Nhưng ở giữa có khác biệt lớn và khác biệt rất dịu. Có khác biệt lớn giữa chúng và khác biệt này không nên bị phá huỷ. Phân biệt bao giờ cũng nên còn lại bởi vì trong chính khác biệt đó là tinh hoa của cuộc sống. Cứ để đỏ là đỏ, để xanh là xanh đi. Đó là lí do tại sao hoa đỏ nở trên cây xanh. Hoa xanh trên cây xanh sẽ không có vẻ đẹp; hoa đỏ trên cây đỏ sẽ trông không giống hoa.
Trong thực tại cuối cùng, đàn ông và đàn bà là một. Tại đó, tia sáng trở thành trắng. Nhưng trong sự tồn tại, trong cái biểu lộ, trong cách diễn đạt, họ là khác nhau. Khác biệt này rất tuyệt vời. Không cần phải xoá bỏ khác biệt; nó nên được nâng cao hơn! Khác biệt không nên bị phá huỷ nhưng cái thống nhất bị dấu kín bên trong chúng cần phải được thấy. Khi bạn bắt đầu thấy cùng dấu hiệu bên trong đàn ông và đàn bà mà không phá huỷ khác biệt của họ, chỉ thế thì bạn mới có mắt.
Nghệ nhân chơi đàn veena gẩy dây đàn và các nốt nhạc phát sinh. Ngón tay vẫn thế, dây đàn vẫn thế, chỉ với chút ít thay đổi trong chuyển động của ngón tay nhiều âm thanh phát sinh ra. May là nhiều nốt này xảy ra, bằng không sẽ chẳng có cách nào để âm nhạc có đó. Nếu chỉ có một nốt sẽ rất không có tính nhạc, nó sẽ gây ra chán lắm.
Thế giới này đẹp bởi vì cái một này và sự hài hoà trong tính đa dạng. Nhạc sĩ là một, nhạc cụ là một; cùng dây đàn tạo ra âm thanh, cùng ngón tay chạm vào dây đàn - nhưng có biết bao nhiêu thanh điệu khác nhau có thể nảy sinh.
Đàn ông là một trong những thanh này, đàn bà là thanh khác; họ không chỉ khác nhau, tôi nói họ còn đối lập nhau. Đây là lí do tại sao có hấp dẫn thế giữa họ. Họ là khác biệt lẫn nhau, do đó mới có khao khát mạnh mẽ để biết lẫn nhau, để khám phá, để thám hiểm bí ẩn của nhau.
Tôi đã nói về Kabir, tôi đã nói về Farid, tôi đã nói về Nanak, về Phật, về Mahavira và về hàng trăm đàn ông chứng ngộ khác. Điều đó cũng có chút ít đơn điệu. Hôm nay tôi giới thiệu về một thanh điệu khác. Thanh thứ nhất bây giờ đã chuẩn bị xong cho bạn để hiểu thanh thứ hai này... bởi vì ngay chỗ đầu tiên một hiện tượng hiếm hoi xảy ra: bất kì khi nào đàn ông đạt tới bậc thang cuối cùng của chứng ngộ, anh ta trở thành giống đàn bà, anh ta trở thành nữ tính. Đây là điều Dadu đã nói: “Người yêu đã trở thành người được yêu.” Người đàn ông đã là người yêu nay trở thành người được yêu. Và Farid, một nhà huyền môn khác, viết cho bản thân mình, “Chị ơi, nếu chỉ có niềm khát khao về người đích thực còn lại trong chị thế thì người yêu ở không xa đâu.”
Nếu bạn hiểu cuộc sống của Phật bạn sẽ thấy nữ tính mà hiếm khi tìm được. Chỉ trong những người đàn bà đã tiến hoá ở mức độ cao nào đó bạn mới thấy cùng duyên dáng tinh tế và cảm giác âu yếm. Bạn có thể gọi nó là từ bi, nhưng nếu bạn nhìn sâu bạn sẽ thấy rằng từ bi này - trong Mahavira bạn sẽ thấy như không bạo hành - chính là cái bóng của cái mới, của người đàn bà được sinh ra bên trong Phật. Bất kì khi nào đàn ông trở nên chứng ngộ bạn bỗng nhiên sẽ thấy sự dịu dàng rất nữ tính choàng xuống người đó.
Tất cả những phẩm hạnh mà Farid đã nói tới - kiên nhẫn, nhu mì và vân vân - đều là phẩm hạnh nữ tính. Nhu mì là phẩm hạnh nữ tính; nó rất tinh tế. Kiên nhẫn và nhẫn nại là những phẩm hạnh nữ tính. Đàn ông không kiên nhẫn. Đàn ông rất không kiên nhẫn, bao giờ cũng vội vã. Nếu đàn ông phải nuôi trẻ thơ thì chúng sẽ không sống được trong thế giới này; đàn ông không có nhiều kiên nhẫn đến thế. Nếu đàn ông phải mang đứa trẻ trong bụng thì sẽ chỉ toàn có phá thai và phá thai trên thế giới này; không anh đàn ông nào chịu mang đứa bé trong bụng cả. Ai có thể chờ đợi được chín tháng? Đàn ông luôn vội vã, anh ta nhanh nhảu, anh ta rất ý thức tới thời gian. Đàn bà sống trong vô hạn, đàn ông sống trong thời gian.
Có lần tôi là khách tại nhà Mulla Nasruddin. Chúng tôi ngồi đấy tán gẫu sau giấc ngủ trưa, ngồi trên giường, vợ anh ấy vào và nói, “Này anh yêu, anh trông con nhé. Em phải tới bác sĩ nha khoa. Em sẽ quay lại sau khi đã nhổ răng xong.”
Mulla nhảy phắt dậy, mặc quần áo và nói, “Đợi đã, em yêu! Em trông con còn anh sẽ đi và nhổ răng ra cho!”
Trông trẻ chán làm sao! Đàn ông không có nhiều kiên nhẫn. Nuôi nấng một đứa trẻ là rất khó; phải mất hai mươi, hai mươi lăm năm đứa trẻ mới đứng được trên đôi chân của mình. Kiên nhẫn là dễ dàng với đàn bà; nó là kỉ luật đối với đàn ông. Đó là lí do tại sao Farid nói thực hành kiên nhẫn. Nhưng tâm trí nữ tính sẽ nghĩ, “Có gì mà phải thực hành?”
Tôi sẽ làm sáng tỏ khác biệt này cho bạn. Tâm trí nữ tính sẽ nghĩ, “Sao thực hành kiên nhẫn? Chúng ta đã kiên nhẫn rồi!” Farid nói thực hành nhu mì. Đàn bà cảm thấy rằng nếu không có nhu mì trong mình thế thì tất cả đều bị mất. Nhu mì là bản tính của đàn bà. Nếu đàn bà định thực hành điều gì đó, cô ấy sẽ phải thực hành trơ tráo. Nhu mì tự nhiên tới với cô ấy. Nhu mì thuộc về đàn bà như lá thuộc về cây vậy.
Thật khó để mà tìm ra một đàn ông nhu mì. Cũng khó để mà tìm ra một đàn bà trơ tráo. Và nếu như đàn bà làm mất đi cái nhu mì của mình thì họ làm mất nó qua ảnh hưởng của đàn ông. Nếu đàn ông trở thành nhu mì thì điều đó xảy ra qua ảnh hưởng của đàn bà. Điều mà đàn ông đạt được qua khắc khổ thì đàn bà đã có sẵn từ khi sinh. Cũng có những phẩm chất mà đàn ông có từ khi sinh mà đàn bà thì lại không có.
Nếu đàn bà muốn trở thành người lính, cô ấy phải trải qua huấn luyện gian khổ, nhưng để trở thành ni cô thì cô ấy chẳng cần nỗ lực gì. Nếu đàn bà phải tham gia chiến tranh thế thì cô ấy phải chuẩn bị rất nhiều cho điều đó, cô ấy phải trải qua nhiều huấn luyện lắm, nhưng nếu cô ấy vào đền cầu nguyện, tôn thờ, cúng dường, cô ấy chẳng cần học từ ai khác. Đưa một bé gái vào đền và bạn sẽ thấy: cứ dường như là cô ấy biết ngay từ khi sinh cách cúi lạy. Nhưng nếu bạn đưa một cậu bé vào bạn sẽ thấy rằng nó không biết cúi lạy cho dù bạn bắt buộc nó. Cúi lạy không hấp dẫn nó. Nó thích làm cho người khác cúi lạy nó nhưng nó không muốn cúi lạy bất kì ai.
Với đàn ông, vật lộn là tự nhiên, tranh đấu là tự nhiên. Đàn ông chỉ biết mỗi một cách chiến thắng: qua tranh đấu. Đàn bà biết cách khác để thắng: qua buông xuôi. Đàn ông có thể bị bại ngay cả khi anh ta thắng, đàn bà thắng ngay cả qua thất bại của cô ta. Đấy là khác biệt giữa họ - và đó là cái đẹp. Họ đi vào các chiều hướng đối lập, vậy mà vẫn có hài hoà lớn giữa cả hai. Bởi vì đàn ông thua bởi thắng và đàn bà thắng bởi thua, nên điều này tạo ra hài hoà giữa cả hai. Các mặt đối lập gặp nhau, chúng khớp với nhau.
Hoa đặc tính nữ nở trong đàn ông khi anh ta đạt tới gần chứng ngộ. Và khi đàn bà đạt tới gần chứng ngộ, hoa đặc tính nam nở trong cô ấy. Sẽ tốt cho bạn để hiểu điều này một chút.
Trước đây tôi đã nói điều đó nay tôi nhắc lại lần nữa: rằng trong hai mươi bốn tirthankara của người Jaina, một người là đàn bà. Tên bà ấy là Mallibai, nhưng người digambaras đã đổi tên bà ấy là Mallinath bởi vì họ đơn giản không thể chấp nhận rằng đàn bà có thể trở nên chứng ngộ; họ nói rằng không thể có chứng ngộ trong thân thể của đàn bà được. Cho nên họ không chấp nhận rằng Mallibai là Mallibai - họ gọi bà là Mallinath.
Vấn đề của họ cũng có nghĩa sâu sắc nào đó trong nó. Nghĩa đó là ở chỗ bất kì khi nào một người đàn bà tới gần chứng ngộ, hoa của đặc tính nam sẽ nở trong cô ấy. Và khi một người đàn ông tới gần chứng ngộ, hoa của đặc tính nữ sẽ nở trong anh ta. Tại sao điều này xảy ra? Để hiểu điều này chúng ta sẽ phải hiểu đôi điều về tâm trí con người.
Cả hai đặc tính đều hiện diện trong từng và mọi con người: đàn bà bị ẩn kín bên trong đàn ông và đàn ông bị ẩn kín bên trong đàn bà. Điều này nhất định phải như vậy bởi vì mọi người đều được sinh ra từ cả hai: trong bạn, mẹ bạn đóng góp một nửa và bố bạn đóng góp một nửa. Bạn không thể là chỉ là đàn bà, bạn không thể chỉ là đàn ông; bạn là hợp nhất của đàn ông và đàn bà. Cả hai đã gặp gỡ nhau và từ gặp gỡ đó bạn được tạo ra; cho nên trong bạn một nửa sẽ là đàn bà và một nửa sẽ là đàn ông.
Thế thì đâu là khác biệt giữa đàn ông và đàn bà? Khác biệt chỉ ở chỗ trong đàn ông thì đàn ông ở trên bề mặt, đàn bà bị ẩn kín bên trong; đàn bà sẽ ở sâu bên trong còn đàn ông sẽ ở phần ngoại vi. Trong đàn bà khác biệt là đàn bà sẽ ở trên bề mặt còn đàn ông sẽ ẩn kín bên dưới. Và khi bạn chứng ngộ, khi tâm thức bạn trở về trung tâm im lặng của nó, thế thì cái vẫn ẩn kín bên trong cho tới lúc đó sẽ biểu lộ bản thân nó ra. Cái đã biểu lộ rồi sẽ vẫn có đó, nhưng cái ẩn kín cho tới lúc đó cũng sẽ biểu lộ bản thân nó. Đó là lí do tại sao nhà huyền môn Dadu, đàn ông, nói, “Người yêu trở thành người được yêu.” Trong khoảnh khắc cuối cùng đó, bỗng nhiên bạn thấy rằng bạn vẫn là đàn ông nhưng bây giờ cái gì đó mới đang xảy ra - một cánh cửa mới mở ra bên trong mà từ trước tới giờ vẫn khép kín.
Và một cách tự nhiên, có tươi tắn lớn lao khi cái chưa biểu lộ trước đây nay trở thành biểu lộ. Nhiều bụi bặm đã tích tụ lên cái đã biểu lộ - bạn đã sống với nó, nó đã trở thành một phần sự tồn tại của bạn; tính mới của nó đã bị mất đi. Khi cái ẩn kín đột nhiên trở nên biểu lộ, khi người đàn bà biểu lộ bản thân mình trong người đàn ông, người tới gần khoảnh khắc chứng ngộ, tới gần trung tâm bản thể, người đàn bà sẽ hoàn toàn che phủ người đàn ông. Cho nên các vị phật nam trở thành nữ tính bởi vì nữ tính bao phủ nam tính. Trong người đàn bà chứng ngộ tính chất nam tính lớn lao nảy sinh, người đàn ông ẩn kín đột nhiên biểu lộ.
Đây là điều xảy ra tại gần trung tâm, khi bạn đang ở bước tới chứng ngộ. Điều này không xảy ra tại trung tâm; vẫn còn một bước nữa, một khoảng cách tới trung tâm. Bây giờ bạn không ở ngoại vi nữa nhưng bạn vẫn chưa đạt tới trung tâm; bạn đã tới gần trung tâm hơn. Bạn đã rời bỏ ngoại vi và cái mà trước đây còn ẩn kín thì nay đã trở nên biểu lộ.
Tại trạng thái cuối cùng bạn sẽ không là đàn ông cũng không là đàn bà. Tại trung tâm cả hai sẽ biến mất. Tại đó bạn sẽ chỉ là một mầu - mầu trắng sáng chói. Bạn sẽ không đỏ, bạn sẽ không xanh; tại đó cầu vồng mầu sắc sẽ biến mất. Khi cầu vồng biến mất, thế giới cũng biến mất. Thế thì chỉ cái một là còn lại.
Cái ‘một’ đó thậm chí chúng ta không gọi là một nữa, bởi vì chỉ bởi nói ‘một’, ý tưởng về hai nảy sinh. Chúng ta đã gọi nó là advait, bất nhị - chúng ta chỉ nói rằng nó không phải là hai. Thế thì không đàn bà, không đàn ông. Người Hindu đã rất dũng cảm Họ đã đặt brahman, thực tại tối thượng, vào giống trung - chẳng nam chẳng nữ - bởi vì tại đó, cả hai đều biến mất.
Jesus đã đưa ra một phát biểu rất kì lạ; người Ki tô giáo gặp khó khăn lớn với phát biểu đó. Ông ấy cứ nói đi nói lại nói với các đệ tử, “Các ông có muốn thành hoạn quan cho Thượng đế không?” Người Ki tô giáo thấy khó hiểu điều này - “Nói gì thế này!” Nhưng Jesus là đúng. Đây là điều sẽ xảy ra trong khoảnh khắc cuối: bạn sẽ không là cả hai, bạn sẽ vượt ra ngoài cả hai. Bạn sẽ tự do với cả hai.
Đêm qua tôi đã đọc về kinh sách của người Do Thái, Miderase. Có một phát biểu trong đó nói là: “Torah có hai con đường.” Tôn giáo có hai con đường: một con đường của ánh mặt trời và con đường kia là của tuyết. Nếu bạn theo con đường thứ nhất, bạn sẽ chết vì mặt trời, vì nóng. Nếu bạn theo con đường thứ hai, bạn sẽ chết vì tuyết, vì lạnh. Phải làm gì đây? Miderase nói: bước giữa cả hai. Giữa nghĩa là không đàn ông cũng không đàn bà. Nếu bạn theo con đường của đàn ông, bạn sẽ chết vì nóng, nếu bạn theo con đường của đàn bà, bạn sẽ chết vì lạnh. Thế thì phải làm gì? - bước giữa hai con đường này.
Nhưng biến cố đó - khi người ta trở nên tự do với cả hai - xảy ra tại chính điểm cuối khi tia sáng mặt trời lại trở thành tia sáng mặt trời. Cầu vồng đã tới rồi qua, thế giới biểu lộ rồi tan biến; bạn đã lại tới nguồn gốc, bạn đã đạt tới ngọn nguồn.
Hiểu đôi điều về tâm trí nữ tính đi, thế thì lời của Sahajo sẽ thành dễ hiểu.
Điều thứ nhất: cách diễn đạt của tâm trí nữ tính không phải là cách diễn đạt của thiền mà là của yêu. Đàn bà đạt tới thiền qua yêu. Cô ấy biết tới thiền chỉ qua yêu. Cô ấy được bão hoà với yêu. Với cô ấy, tên của thiền là yêu, là lời cầu nguyện.
Đàn ông có thể sống đơn độc. Trong thực tế, đàn ông muốn sống đơn độc. Bản ngã không muốn có quan hệ bởi vì trong quan hệ bạn phải uốn mình đi một chút, bạn phải bỏ cái ương ngạnh của mình đi một chút. Bạn phải tới bình diện của người kia. Đây là ý nghĩa của tình bằng hữu - rằng chúng ta coi người kia là bình đẳng với mình.
Nhưng ý nghĩa của yêu là ở chỗ chúng ta coi người kia là cao hơn bản thân mình. Cho nên tâm trí tranh đấu của đàn ông không sẵn sàng với tình bằng hữu. Với anh ta, yêu là rất khó - và lời cầu nguyện là không thể được. Lời cầu nguyện có nghĩa là bạn đặt đầu mình dưới chân người khác. Cho dù người đàn ông có cúi đầu xuống, anh ta không làm điều đó một cách toàn tâm, anh ta cúi xuống dưới ép buộc. Anh ta cúi xuống khi không còn cách nào khác, anh ta cúi xuống khi anh ta trở nên bất lực. Anh ta không cúi đầu vì đang mạnh, anh ta cúi đầu vì yếu. Anh ta không cúi đầu khi anh ta thắng lợi mà chỉ cúi khi anh ta thất bại. Anh ta không cảm thấy ân huệ gì từ việc cúi đầu của mình; thay vì thế anh ta cảm thấy rất không thoải mái.
Ở phương Tây từ song hành với samarpan là ‘đầu hàng’, nhưng nó không truyền đạt cùng cảm giác như samarpan. Từ đầu hàng chỉ ra rằng bạn đã thất bại. Ở phương Tây, đầu hàng có nghĩa là bạn đã bị ai đó đánh bại, người đã buộc bạn phải cúi đầu. Ở phương Đông, samarpan có nghĩa là bạn đã chấp nhận thất bại và đã cúi đầu theo ý bạn, không ai áp đặt điều đó lên bạn. Ngôn ngữ phương Tây chịu ảnh hưởng rất lớn của đàn ông, ngôn ngữ phương Đông chịu ảnh hưởng rất lớn của đàn bà. Cho nên bạn sẽ thấy rằng bất kì cái gì có ý nghĩa trong ngôn ngữ phương Đông đều mang nữ tính. Tất cả các từ cho trìu mến, từ bi, bất bạo hành, lòng tốt, cầu nguyện, tôn thờ đều giống cái. Bất kì cái gì tinh tế, gắn thêm duyên dáng, chúng ta đều cho nó là một từ giống cái; nó hàm chứa một phẩm chất nào đó của đàn bà.
Đàn ông hung hăng, giống chiến binh; đàn bà tiếp nhận, buông xuôi. Với đàn ông, thiền, yoga và thực hành khổ hạnh là dễ dàng; với đàn bà, yêu, cầu nguyện, tôn thờ, cúng dường là dễ dàng. Đàn ông coi các từ trừu tượng là rất quan trọng, các từ không có thật, các từ mơ hồ, không phải là các từ thực mà có thể giữ trong tay. Không, anh ta nói về cái xa xôi, anh ta nói về bầu trời.
Đàn bà thực tế hơn, cô ấy nói về cái gần, cô ấy nói về hàng xóm. Nghe chuyện của đàn bà đi: họ nói về điều đang xảy ra ở nhà hàng xóm. Nghe chuyện của đàn ông đi - điều đang xảy ra ở Việt Nam, điều đang xảy ra ở Israel. Điều này chẳng hẫp dẫn gì với đàn bà: “Sao phải nói về những điều xa xôi thế? Chúng ta chẳng liên quan gì với những điều ấy cả.” Đàn ông không quan tâm đến việc biết vợ hàng xóm đã đi theo ai đó. “Để làm quái gì?” anh ta nói. “Chẳng quan trọng gì cả. Đây là điều vẫn thường xảy ra ở nhà hàng xóm đấy thôi. Điều có ý nghĩa đang xảy ra ở Israel, ở Mĩ, ở Việt Nam.”
Có cả một thế giới, một trái đất lớn thế - nhưng tâm trí đàn ông vẫn không thoả mãn với điều này. Anh ta nói về việc lên mặt trăng, lên sao Hoả. Đàn bà bao giờ cũng tự hỏi, “Anh định làm gì sau khi lên tới mặt trăng, sau khi lên tới sao Hoả? Tốt hơn cả là anh đi dọn vườn đi. Cỏ đã mọc đầy rồi, ra đấy cắt cỏ đi. Nhà bẩn quá, lau nhà đi. Anh làm gì trên mặt trăng nào?” Đàn bà chẳng quan tâm gì đến nơi xa xa, cái xa xôi. Cô ấy muốn những thứ cận kề - cô ấy là người mẹ, cô ấy là vợ và cô ấy là đất. Mối quan tâm của cô ấy là ở những thứ gần gũi hơn, gần gần, thực tế.
Có nhiều khác biệt giữa loài người, và có nhiều khác biệt giữa đàn ông và đàn bà. Đàn ông nói, “đất mẹ”; đàn bà nói, “nhà tôi”. Đàn ông nói, “nhân loại”; đàn bà nói, “con tôi, chồng tôi, anh tôi.”
Biên giới của đàn bà là trong gia đình. Đàn bà giống như cây nến nhỏ chiếu sáng một vùng nhỏ xung quanh. Ánh sáng dành cho gia đình. Đàn ông giống như đèn pin: anh ta không toả ánh sáng xung quanh mình, tia sáng của anh ta vượt ra xa xôi, anh ta khắc khoải để thấy những thứ xa xôi.
Đàn ông nhìn vào nơi xa, đàn bà chỉ nhìn quanh cô ấy. Điều này có nghĩa là khi đàn ông nói về Thượng đế, đàn bà nói về thầy - vì Thượng đế rất xa xôi, thầy rất gần gũi. Có thể Thượng đế chỉ là một giả thuyết, một khái niệm, một từ. Đã ai biết tới ngài chưa? Đã ai thấy ngài chưa? Nhưng thầy thì rất thật - tay bạn có thể ôm chân thầy. Làm sao bạn có thể ôm chân Thượng đế được? Với đàn bà, thầy thậm chí còn trở thành quan trọng hơn Thượng đế.
Phát biểu của Sahajo dường như rất vô thần:
Tôi có thể bỏ Thượng đế, nhưng tôi sẽ không bỏ thầy tôi.
“Tôi có thể bỏ Thượng đế - tôi chẳng khó khăn gì để bỏ Thượng đế - nhưng không thể nào bỏ thầy tôi được.” Đàn ông sẽ ngần ngại đôi chút để nói điều này. Anh ta sẽ nói rằng để biết được điều thiêng liêng thì chính thầy là điều cuối cùng phải bị loại bỏ: một ngày nào đó bạn phải loại bỏ thầy và gặp Thượng đế. Đàn bà sẽ nói, “Nếu Thượng đế muốn gặp tôi thế thì để ngài tới dưới dạng thầy của tôi đi - không có cách nào để tôi bỏ thầy của tôi được. Thượng đế chắc gì đã được tìm thấy qua việc bỏ thầy, Thượng đế phải được tìm thấy qua thầy chứ.”
Đây là quan điểm thực tế bởi vì thầy là gần gũi, thầy là thực. Thầy có thân thể như bạn, thầy có tiếng nói như bạn, thầy có mắt như bạn. Thầy hơn bạn nhiều lắm nhưng thầy giống bạn. Thầy là cái gì đó hơn nữa; thầy có kho báu trong thầy. Thầy là cái gì đó hơn bạn nhưng chắc chắn thầy vẫn giống bạn.
Thượng đế không giống bạn chút nào. Dù ngài có thể lớn đến đâu đi chăng nữa, chẳng thể nào hiểu được ngài, không có cách nào chạm tới thực tại của ngài. Nếu bạn nghe theo lời của đàn ông, họ sẽ nói ngài là không biểu lộ, vô hình dạng, không thuộc tính. Chẳng ai trông thấy ngài, chẳng ai nghe thấy ngài, chẳng ai chạm vào ngài. Thậm chí cả lời cũng không tới được ngài, nói gì tới việc tay bạn chạm vào ngài? Mắt có thể không thấy ngài bởi vì ngài không phải là vật, ngài không phải là vật chất, ngài không có hình dạng. Ngài là thực tại vô hình, vô thuộc tính. Đừng hỏi ngài ở đâu - ngài ở mọi nơi.
Với đàn bà những phát biểu này chỉ là những lời trống rỗng. Chúng chỉ là lời, những lời đao to búa lớn, dường như chẳng có chân lí gì trong chúng cả. Đàn bà nói, “Thượng đế chỉ đáng tin cậy nếu ngài có hình dạng. Nếu ngài có hình dạng chỉ thế thì chúng tôi mới có thể tin” - bởi vì đàn bà muốn yêu, không muốn thiền.
Hiểu khác biệt này đi. Nếu bạn suy ngẫm về điều gì đó, điều đó sẽ xảy ra cho dù nó là vô hình. Trong thực tế, nếu nó có hình dạng, nó sẽ là cản trở cho thiền. Nhưng nếu bạn muốn yêu, làm sao bạn có thể yêu một ai đó không có hình dạng? Làm sao bạn ôm ghì người đó? Làm sao bạn giữ người đó gần trái tim bạn? Người đó vô hình. Từ ‘vô hình’ này chỉ là trống rỗng. Nó sẽ không nảy sinh bất kì tình yêu nào, bất kì sùng kính nào trong bạn. Nó lớn đến nỗi không thể nào hiểu được nó. Bạn có thể chết chìm trong nó nhưng làm sao bạn có thể yêu được nó? Bạn có thể biến mất trong nó, chết trong nó, nhưng làm sao bạn yêu nó được?
Người sùng kính sẽ nói, “Không, Thượng đế được phú cho các thuộc tính. Tất cả các thuộc tính đều thuộc về ngài.” Người sùng kính sẽ nói, “Thượng đế có hình dạng - mọi hình dạng đều là hình dạng của ngài. Chính Thượng đế đã lấy hình dạng đoá hoa, chiếc lá, núi non, thác nước.” Tâm trí nữ tính không chọn việc vượt ra ngoài hình dạng - và cũng chẳng cần như thế. Tâm trí nam tính cảm thấy bị giới hạn bởi hình dạng.
Cố hiểu điều này đi: đàn ông cảm thấy tù túng ngay cả trong yêu, đàn bà cảm thấy giải thoát trong yêu. Thậm chí khi đàn ông yêu, anh ta vẫn nghĩ, “Sao mình bị dính vào tù túng này nhỉ?” Khi đàn bà yêu cô ấy nói, “Dây xích này thật tuyệt vời vì chúng là cái giải phóng cho mình.” Bây giờ, ngôn ngữ này... hai ngôn ngữ này là hai thế giới thật rất khác nhau: với đàn bà yêu là giải thoát, với đàn ông yêu là tù túng.
Đàn ông phải đã tạo ra nhiều từ... Tôi nhận được nhiều lời mời. Một lời mời tới đám cưới do một ông bố gửi tới nói, “Con tôi sắp bị buộc vào cam kết tình ái.” Sao anh ta bị ‘buộc vào cam kết tình ái?’ “Anh ta sắp lấy vợ. Chúng ta muốn anh ta hạnh phúc.” Bạn cần hạnh phúc để làm gì? - vì bạn đang đeo xích vào cơ mà! Anh ta sắp vào nhà tù; tốt hơn cả là anh ta đừng vào đó.
Nhưng trong ngôn ngữ của đàn ông, lấy vợ là tù túng. Và anh ta bao giờ cũng nghĩ, “Trốn thôi, bỏ nhà thôi, lên núi Himalayas! Bỏ gia đình...” Cho dù ở lại, anh ta ở lại một cách miễn cưỡng, cứ dường như là bị cưỡng bách: “Làm gì đây? Mình không thể đi được - còn con cái, còn vợ. Đấy là trách nhiệm lớn, sự tù túng.”
Đàn bà chẳng bao giờ nói về loại tính chất sannyas này: thoát li, chạy trốn, lên Himalayas. Đàn bà cố gắng tìm thấy điều thiêng liêng quanh cô ấy, dù cô ấy ở đâu. Cô ấy cố gắng tìm nó ở gần cô ấy.
Upanishad nói: “Thượng đế xa hơn cái xa nhất, gần hơn cái gần nhất.” Tôi muốn thêm vào điều này: với đàn ông, Thượng đế xa hơn cái xa nhất; với đàn bà Thượng đế gần hơn cái gần nhất.
Đó là lí do tại sao đàn ông cười đàn bàn vì cứ giữ khư khư bức tượng Krishna. Cô ấy trang điểm cho nó, đặt đồ trang sức lên nó, đặt vương miện lông công lên nó. Nước mắt lăn dài từ đôi mắt cô ấy và cô ấy nhảy múa trong cực lạc - còn đàn ông cười cô ấy khi cô ấy nhảy múa trong cực lạc. Đàn ông đi vào rừng, bỏ trốn và từ bỏ mọi thứ. Anh ta ngồi trước ngọn lửa thiêng liêng, ngồi tự hào và thẳng tắp dưới gốc cây. Đàn bà cảm thấy rằng anh ta đã phát điên! Điều cả hai cảm thấy đều là tự nhiên, bởi vì cách thức, chiều hướng của cả hai là khác nhau. Đây là lí do tại sao tôi nói rằng đây sẽ là cuộc hành trình mới.
Sahajo không phải là người đàn bà duy nhất tôi sẽ nói tới, nhưng tôi bắt đầu với cô ấy bởi vì trong cô ấy, nữ tính đã xuất hiện dưới dạng rất tinh tế. Trước khi đi vào phát biểu của cô, để tôi kể cho bạn rằng khi người đàn ông tràn đầy với nữ tính sau khi chứng ngộ, ngay cả khi anh ta nói về nữ tính, mọi việc nói đó chỉ là nói thôi. Tuy nhiên dù Farid có gọi mình là ‘chị’ nhiều đến đâu đi chăng nữa, Farid vẫn là Farid. Thậm chí khi ông ấy gọi mình là ‘chị’, bên trong ông ấy vẫn thế; ông ấy biết rằng mình là đàn ông. Nếu bỗng nhiên bạn nói với Farid, “Chị ơi, chị đang làm gì vậy?” ông ấy sẽ giận. Ông ấy sẽ nói, “Anh... không trông thấy gì sao?” Ông ấy có thể nói điều đó về bản thân mình, điều đó thì được, nhưng bạn không thể nói điều đó cho ông ấy.
Dù Farid có cố đến đâu, đàn ông vẫn cứ là đàn ông. Bất kì khi nào ông ấy cảm thấy nữ tính, nó bao bọc ông ấy từ bên ngoài. Dường như là mây bao phủ ông ấy và ông ấy được chúng bao quanh. Ông ấy chấp nhận điều đó, nhưng sâu bên trong bạn vẫn sẽ thấy rằng đàn ông là đàn ông. Ngay cả trong chấp nhận của ông ấy, bạn cũng sẽ thấy một loại tự trọng. Giống như là khi dây thừng cháy, hình dạng nó vẫn còn lại. Nó biến thành tro, nhưng ngay cả trong tro, nó vẫn biểu lộ hình dạng của nó. Điều đó là tự nhiên, điều đó nhất định phải xảy ra.
Phật đạt tới chân lí và ông ấy không sẵn sàng khai tâm cho đàn bà. Ông ấy đã chứng nghiệm chân lí, chẳng thiếu cái gì, ông ấy biết rằng chúng ta không phải đàn ông cũng chẳng đàn bà - vậy mà phân biệt vẫn cứ còn. Bên ngoài, phân biệt vẫn có đấy. Khi đàn bà xin phép ông ấy cho khai tâm, ông ấy ngần ngại. Đây là ngần ngại của chiếc dây đã cháy: bây giờ nó không còn nữa nhưng hình dạng cũ vẫn còn.
Ông ấy ngần ngại trong chốc lát: “Nếu ta khai tâm cho đàn bà thì sẽ có rắc rối.” Suy nghĩ về rắc rối này tới với Phật vì ông ấy vẫn tiếp tục có kí ức của một người đàn ông. Cái dây đã cháy hết, nhưng dấu vết của hình dạng của nó vẫn còn để lại sau. Ông ấy biết rằng sau khi khai tâm đàn bà, đàn ông và đàn bà sẽ gặp gỡ và rắc rối sẽ nảy sinh. Sẽ có ngày càng nhiều hấp dẫn giữa họ; đàn ông sẽ yêu đàn bà. Cho dù đàn ông có cố gắng giữ mình tách ra, điều đó vẫn tạo ra khó khăn bởi vì đàn bà không thể sống mà không có yêu. Cho dù đàn ông có cố gắng tránh né đàn bà, chẳng ích gì mấy. Đàn bà có cách để thắng đàn ông... họ giỏi đến mức họ thắng mà chẳng gây ồn ào gì, chẳng dùng vũ khí gì. Cho nên điều đó sẽ khó khăn...
Nếu một sư ốm và một ni cô xoa đầu, xoa chân cho... thì trong việc xoa bóp đó - chân, đầu - cảm giác yêu đương với người đàn bà đó sẽ phát sinh. Có lẽ cô ấy sẽ thậm chí không nhận ra rằng điều đó sẽ gợi nên một cảm giác. Cô ấy có thể thậm chí không có ý nghĩ về nó, điều đó có thể không là ý định của cô ấy, nhưng điều đó chẳng thành vấn đề - cảm giác yêu đương sẽ nảy sinh. Sư này sẽ cảm thấy âu yếm với người đàn bà này, người đàn bà này sẽ bắt đầu xuất hiện trong giấc mơ của anh ta. Đôi khi sư này có thể giả vờ cho dù là anh ta chẳng đau đầu gì cả nhưng chỉ để cảm thấy cái động chạm của đôi bàn tay mềm mại của cô ấy. Dần dần, khao khát này sẽ bắt đầu đi sâu hơn.
Cho nên Phật trở nên sợ hãi. Ai là cái trở thành sợ hãi? - đấy là người đàn ông trong ông ấy, người ấy trở nên sợ hãi, người đã vượt ra ngoài hình dạng nhưng đám tro tàn vẫn còn tồn tại. Nhưng bởi vì biết bao nhiêu đàn bà yêu cầu, nên Phật đã đồng ý. Ông ấy đã đồng ý, nhưng ông ấy đồng ý rất miễn cưỡng. Ông ấy nói, “Tôn giáo của ta sẽ kéo dài trong nhiều nghìn năm, nhưng bây giờ nó sẽ không kéo dài hơn năm trăm năm bởi vì bất kì khi nào đàn ông và đàn bà ở cùng nhau, gia đình sẽ được tạo ra.”
Và tính chất sannyas của Phật là sannyas của đàn ông: nó chống lại gia đình. Chính tính chất sannyas là người đi vào trong rừng rậm. Phật nói rằng bất kì khi nào có một người đàn bà, chẳng mấy chốc mà cô ấy tạo ra một gia đình. Các nhà khoa học nói rằng nếu chỉ có đàn ông được vào thế giới này, sẽ không có nhà ở; nhiều nhất chỉ có lều mà thôi. Người ta sẽ du hành với lều của mình như dân gypsy, dân du cư. Đàn ông không thích làm nhà chút nào. Họ không thích định cư tại một chỗ. Tâm trí nam tính rất bồn chồn: nó nói, “Đi xem thế giới xem sao - đi đây, đi đó.”
Đàn bà đơn giản không thể nào hiểu được sự bất ổn và lang thang này. Chính an bình trong nhà mà người ta mới có thể ngồi im lặng. Nhưng anh ta không thể nào thảnh thơi được. Anh ta phải tới câu lạc bộ Rotary, tới câu lạc bộ Lions, tới câu lạc bộ Pune. Ngay cả khi anh ta về nhà sau công việc hàng ngày, hoàn toàn mệt mỏi, anh ta vẫn nói, “Bây giờ mình sẽ tới câu lạc bộ để thảnh thơi.” Ngay khi cửa hàng đóng cửa là anh ta phải tới câu lạc bộ. Sau câu lạc bộ anh ta phải tới dự tiệc. Sau bữa tiệc anh ta phải xoay sang chính trị. Sau chính trị, lại đến cái gì đó này khác, anh ta cần cái gì đó này khác. Đàn bà lúng túng để hiểu tại sao đàn ông lại không thể nào ngồi im lặng được ở nhà. Nhưng đấy không phải là phẩm chất của đàn ông.
Gia đình do đàn bà tạo nên. Đó là lí do tại sao trong gia đình người Hin du, người vợ, người đàn bà sống ở nhà, được gọi là gharwali. Không ai gọi người đàn ông đã có gia đình, người đàn ông sống ở nhà, là gharwala cả - và người ấy không có. Từ đó không thích hợp cho anh ta. Đàn bà ở nhà và đàn ông bị buộc vào cái cọc đó. Anh ấy ở nhà bởi vì tình yêu, bằng không anh ấy sẽ chỉ vẩn vơ đâu đó loanh quanh.
Toàn bộ nền văn minh dựa trên đàn bà, vì nếu không có nhà cửa cũng chẳng có thành phố. Nếu không có thành phố nền văn minh sẽ mất. Đàn ông có thể là gypsy, kẻ vô gia cư, nhiều nhất thì cũng chỉ là Baluchi; anh ta có thể là một người không điên khùng như Baluchi. Đó là lí do tại sao bạn lại có thể thấy rằng đàn bà Baluchi đã có được phẩm cách đàn ông, rằng một đàn bà Baluchi còn mạnh mẽ hơn cả đàn ông của chúng ta. Nếu cô ấy nắm bạn trong tay thì đừng hòng thoát! Cô ấy tự nhiên có khả năng tụ hội tính cách nam giới vì cô ấy đi đây đó với chồng như một kẻ vô gia cư. Ngày nào họ cũng đi: nay đây, mai đó, ngày nọ tiếp ngày kia ở đâu đó khác. Bởi sự vất vả này mà đàn bà Baluchi đã trở nên mạnh mẽ. Đàn ông của chúng ta trở nên yếu đi bởi vì họ bị gắn với gia đình, họ đã trở thành giống như đàn bà. Đàn bà Baluchi đã trở thành giống như đàn ông. Kiểu sống của bạn có tác động; nó đào luyện bạn.
Đàn ông và đàn bà là hai chiều hướng. Và nếu bạn hiểu khác biệt của họ một cách sâu sắc, bạn sẽ thấy rằng điều Sahajo đang nói trở thành rõ ràng. Đừng cố gắng hiểu bằng cách tiếp cận nam giới. Quên bạn là ai đi, nếu không thì niềm tin của bạn sẽ trở thành cản trở.
Tôi có thể bỏ Thượng đế, nhưng tôi sẽ không bỏ thầy tôi.
Chỉ đàn bà mới có thể nói được điều này, bởi vì với cô ấy Thượng đế chỉ là một giả thuyết xa xăm - ai mà biết được liệu ngài có tồn tại hay không? Bạn đã bao giờ trông thấy Thượng đế đang trên trời không? Cho nên chúng tôi có thể bỏ Thượng đế, chúng tôi có thể bỏ cái vô hình, nhưng chúng tôi không thể bỏ thầy mình được. Thầy là đang trong hình dạng, thầy đang hiện diện ở đây - có thể chạm vào thầy, có thể thấy thầy; bạn có thể ngửi thấy mùi người thầy, bạn có thể nhìn vào mắt thầy, bạn có thể cầm tay thầy trong tay bạn, bạn có thể chạm chân thầy; có chiếc cầu giữa thầy và chúng ta, thầy là một thực tại.
Tôi có thể bỏ Thượng đế, nhưng tôi sẽ không bỏ thầy tôi.
Đây là một phát biểu với dũng cảm lớn lao. Chỉ đàn bà mới có thể nói được điều này. Thậm chí Farid cũng run rẩy, thậm chí Kabir cũng ngần ngại. Họ sẽ nói, “Từ bỏ Thượng đế sao...?” Cho dù họ có nói điều này, họ chỉ nói nó một cách gián tiếp, họ không thể nói nó một cách trực tiếp được. Đàn bà thẳng thắn hơn. Cô ấy không vướng vào những phát biểu dài dòng, những phát biểu luẩn quẩn. Cô ấy nói những điều trực tiếp; không có mạng lưới logic. Nó là diễn đạt thẳng thắn của trái tim; dù Thượng đế hiện hữu hay không, đấy không phải là vấn đề cho cô ấy.
Tôi có thể bỏ Thượng đế, nhưng tôi sẽ không bỏ thầy tôi.
Thượng đế không bằng thầy tôi.
“Không, tôi không thể thấy được Thượng đế tương đương với thầy tôi”... Đây là một phát biểu cực kì mạnh mẽ. Sahajo đang nói, “Tôi sẽ không thể nào đặt Thượng đế lên bằng vị trí của thầy tôi, tôi không thể để ngài ngồi lên cùng ngai vàng được. Ngài có thể tốt, ngài có thể đẹp, bản thân ngài có thể đã tạo ra thế giới này - tôi chấp nhận nó - nhưng tôi không thể đặt ngài cao như thầy tôi được. Thầy còn trên hơn Thượng đế.
Đàn ông dám làm cho thầy mình thành thiêng liêng, nhưng nhiều nhất họ chỉ đặt thầy mình lên cùng mức như Thượng đế; họ không thể đặt thầy lên trên Thượng đế được. Kabir đã nói, “Thầy và Thượng đế cả hai đứng trước tôi - tôi sẽ phải chạm vào chân ai đây?” Một câu hỏi đã nảy sinh: chạm vào chân ai? Cả hai đang đứng trước mặt... “Tôi cúi đầu trước thầy mình, thầy đã chỉ cho tôi Thượng đế” - cho nên tôi chạm vào chân thầy tôi. Nhưng đâu là lí do của ông ấy để chạm vào chân thầy? Lí do là, “Thầy đã chỉ cho tôi Thượng đế, cho nên tôi cúi lạy thầy.” Điều thực là Thượng đế. Ông ấy chạm chân thầy, nhưng lí do... Đâu là lí do của ông ấy để chạm chân thầy? Lí do là, “Thầy đã chỉ cho tôi Thượng đế. Không có thầy tôi sẽ không biết đến Thượng đế, đấy là lí do tại sao tôi chạm chân thầy - thầy là phương tiện, Thượng đế là mục đích.” Mặc dầu Kabir đã chạm chân thầy, nhưng ông ấy rõ ràng chỉ ra rằng Thượng đế là trên hơn thầy. Kabir đã làm một điều láu cá, ông ấy đã chơi trò chính trị, ông ấy cố làm vừa lòng cả hai. Ông ấy chạm chân thầy và nói, “Tôi chạm chân thầy bởi vì thầy đã chỉ cho tôi Thượng đế.” Cho nên bằng việc chạm vào chân thầy ông ấy làm vừa lòng thầy - và ông ấy cũng chẳng làm mất lòng Thượng đế nữa. Thay vì thế, ông ấy sẽ làm vừa lòng Thượng đế nữa: “Sau rốt, ông ta chạm chân thầy mình là vì ta.”
Điều Sahajo có thể nói được thì Kabir không thể nói được.
Thượng đế không bằng thầy tôi.
“Không, tôi có thể tôn thờ ngài nhưng tôi không thể đặt ngài cùng độ cao như thầy tôi được. Tôi không thể đặt ngài lên cùng ngai vàng như thầy tôi.” Bất kì khi nào người đàn bà gặp tình yêu, Thượng đế có đó. Thế thì cô ấy không thể nào đặt Thượng đế lên trên điều đó, đấy là điều không thể được, bởi vì không gì có thể được đặt lên trên tình yêu. Cô ấy nêu lí do và lí do thật tuyệt vời: “Thượng đế đã cho tôi sinh ra trong thế giới này.” Hiểu đi, Kabir cũng đã nêu lí do để chạm chân thầy mình “... vì thầy đã chỉ cho tôi Thượng đế.” Sahajo cùng nêu ra lí do. Cô ấy không thể đặt Thượng đế ngang bằng thầy mình và cô ấy nêu lí do rõ ràng:
Thượng đế đã cho tôi sinh ra trong thế giới này.
Thượng đế đã gửi cô ấy vào thế giới này, nhưng đây không phải là điều gì đó để cám ơn ngài.
Thầy tôi đã giải phóng tôi khỏi vòng sinh tử.
Sahajo nói, “Thầy tôi đã giải phóng tôi khỏi thế giới này. Bây giờ tôi phải cám ơn ai, Thượng đế hay thầy tôi? Thượng đế đã làm gì cho tôi nào? Ngài đã gửi tôi hoàn toàn đơn độc trên con đường đầy những bóng tối, ngài đã ném tôi vào con đường chưa biết, khó khăn này - đấy là điều Thượng đế đã làm. Còn thầy tôi đã làm gì? Thầy đã đưa tôi trở về với con đường sáng. Thầy đã hỗ trợ tôi bằng việc cầm tay tôi. Thầy đã không bỏ tôi khi tôi lạc lối. Thượng đế bỏ tôi đơn độc trong rừng thẳm; thầy tôi đưa tôi trở lại con đường sáng. Thượng đế có quyền gì để nghĩ rằng tôi phải đặt ngài lên trên thầy tôi?”
Không, Tôi có thể bỏ Thượng đế, nhưng tôi sẽ không bỏ thầy tôi. Thượng đế không bằng thầy tôi. Thượng đế đã cho tôi sinh ra trong thế giới này. “Thôi được, tôi chấp nhận rằng ngài là đấng sáng tạo, nhưng tôi được gì với lần sinh này? Tôi được gì trong cuộc đời này? Chẳng được gì trong cuộc đời này ngoại trừ phiền não, đau đớn, khổ sở. Tôi phải cám ơn Thượng đế về gánh nặng phiền não này chăng?”
Thầy tôi đã giải phóng tôi khỏi vòng sinh tử.
Đàn bà là thông suốt; đàn ông đi đường vòng.
Thượng đế trao cho tôi năm tên trộm.
Thầy tôi giải phóng tôi khỏi chúng khi tôi bất lực.
Cô ấy nói: “Ngài đã bỏ tôi với năm tên trộm, đấy là ân huệ của ngài - nếu ngài có thể gọi nó là ân huệ. Ngài đã cho tôi năm giác quan để săn đuổi tôi. Ngài đã cho tôi một mạng nhện những mong muốn; khó mà thoát ra khỏi cái mạng nhện này. Ngài đã tống tôi vào trong tù túng, ngài đã không giải thoát cho tôi. Và ngài đã bỏ tôi như đứa con côi, bất lực. Ngài đã biến mất đâu đó nơi xa xôi, còn tôi chẳng có manh mối nào về ai là thầy tôi - tôi đã tin vào các giác quan là thầy và đã bắt đầu theo chúng. Ngài đã bỏ lại tôi trong ảo tưởng này. Ngài đã bỏ lại tôi lang thang trong biết bao nhiêu sa mạc. Hỡi Thượng đế, sao ngài nghĩ rằng tôi phải đặt ngài trên thầy tôi? Thầy đã giải phóng cho tôi - thầy đã giải phóng tôi khỏi trạng thái bất lực của tôi và cho tôi chỗ trú ẩn.”
Thượng đế ném tôi vào lưới gia đình.
Thầy tôi chặt đứt dây xích gắn bó.
“Ngài đã ném tôi vào cái tổ này,” cô ấy nói. Đây là những lời phàn nàn rất đáng yêu! Đây là cuộc đối thoại trực tiếp với Thượng đế, không có mưu đồ gì trong đó. Đây là khó khăn: bất kì khi nào có đối thoại giữa đàn ông và đàn bà, không thể có đối thoại thực sự vì đàn ông nói có mưu đồ, đàn bà nói thẳng. Không thể có giao cảm bởi vì đàn ông không thể nào hiểu được cách nói thẳng sự việc như thế, còn đàn bà cũng không thể nào hiểu nổi lí do để mà đi đường vòng như vậy - “nói thẳng ra đi!”
Điều đàn bà muốn nói là súc tích, đi thẳng vào vấn đề. Đàn ông che giấu điều mình muốn nói theo cả nghìn cách và che đậy điều mình không muốn nói.
Thầy tôi chặt đứt dây xích gắn bó.
Điều này không thi vị nhiều lắm. Kabir có thi vị, bây giờ đó là tính chất thơ ca. Các bài thơ của Kabir, tất cả chúng đều là những bài ca thực sự. Nhưng không có thi vị gì mấy trong các phát biểu của Sahajo, chúng cho một cú đánh thẳng. Không có rõ ràng và rành mạch nào lớn hơn trong chúng, không có nghệ thuật trong chúng, chúng chỉ là những phát biểu thẳng - những phát biểu của người đàn bà đơn giản, thật lòng. Thượng đế ném tôi vào lưới gia đình. “Ngài đã tạo ra một cái tổ gia đình, ngài đã ấn tôi vào trong một gia đình, do vậy ngài đã đẩy tôi vào trong thế giới này. Và ngài đã nhấn chìm tôi trong nó, tôi đã phiền não trong nó. Chẳng có chỗ trú ẩn ở đâu cả. Không có bóng râm, chỉ có cái nóng của mặt trời, chỉ có phiền não.”
Thầy tôi chặt đứt dây xích gắn bó.
“Thầy đã phát quang toàn bộ khu rừng rậm những gắn bó mà ngài đã tạo ra. Không, đừng bảo tôi rằng tôi phải đặt ngài lên trên thầy tôi.”
Thượng đế không bằng thầy tôi.
“Điều đó tôi không thể làm được. Điều đó là không thể đối với tôi. Tôi không thể nào thấy ngài bình đẳng với thầy tôi được. Ngài chớ phật ý - chẳng có lí do gì để mà phật ý cả - vì đây đơn giản là sự kiện của cuộc sống.”
Thượng đế bẫy tôi trong ham muốn và bệnh tật.
Thầy tôi đã giải phóng tôi khỏi tất cả điều này qua khai tâm tôi.
Thầy tôi chặt đứt dây xích gắn bó - hiểu được gắn bó này là điều tốt. Đây là chỗ mà bạn sẽ dần dần bắt đầu hiểu được khác biệt giữa đàn ông và đàn bà. Đàn ông, ngay cả khi anh ta cầu nguyện Thượng đế, anh ta sẽ nói, “Xin giải phóng con khỏi bản ngã” - vì với đàn ông thì bản ngã là mối phiền não của mình. Đàn bà sẽ nói, “Xin giải phóng con khỏi gắn bó.” Bản ngã không phải là phiền não cho đàn bà, gắn bó mới là phiền não của cô ấy - con tôi, chồng tôi, nhà tôi, quần áo của tôi, đồ trang sức của tôi - cảm giác về cái của tôi đó. Với đàn bà, bản ngã không phải là bệnh tật thực, cái của tôi, cái gắn bó, mới là bệnh tật. Với đàn ông, cái ‘tôi’ còn với đàn bà đấy là cái ‘của tôi’.
Nếu cái ‘của tôi’ được bỏ ra khỏi đàn bà, cái ‘tôi’ của cô ấy sẽ bị loại bỏ; nếu cái ‘tôi’ của đàn ông bị loại bỏ, cái ‘của tôi’ của anh ấy cũng được bỏ đi theo. Cho nên chừng nào đàn ông còn chưa thoát khỏi bản ngã, anh ta không thể nào thoát khỏi gắn bó. Chừng nào đàn bà còn chưa thoát khỏi gắn bó, cô ấy không thể nào thoát khỏi bản ngã. Cho nên phát biểu này là rất rõ ràng và đơn giản, “Thầy tôi chặt đứt dây xích gắn bó.” Thầy đã trao cho việc hiểu biết dần dần. Thầy đã thức tỉnh hiểu biết dần dần rằng không ai là ‘của tôi’. ‘Của tôi’ là ảo tưởng, ‘của tôi’ là mơ, ‘của tôi’ chỉ là những con sóng dậy lên trong tâm trí, nó không phải là thực tại. Chúng ta được sinh ra đơn độc - không có cái ‘của tôi’ đi kèm với mình. Chúng ta chết đi đơn độc - không có cái ‘của tôi’ đi cùng với mình. Chính ý tưởng về ‘của tôi’ là thế giới này.
Thầy tôi chặt đứt dây xích gắn bó.
Thượng đế bẫy tôi trong ham muốn và bệnh tật.
Bạn phải hiểu ba từ này: roga, bệnh tật, bhoda, ham muốn, và yoga, sự hợp nhất với điều thiêng liêng. Roga, phiền não, là tên của một trạng thái, theo nghĩa tâm linh, khi một người hoàn toàn bị ngắt ra khỏi điều thiêng liêng. Đây là lí do tại sao roga cũng còn được gọi là aswasthya, không định tâm. Nếu bạn hiểu từ aswasthya đúng, thì ý nghĩa của roga, bệnh tật, cũng sẽ trở thành rõ ràng cho bạn. Aswasthya nghĩa là khi bạn không định tâm trong cái ta riêng của bạn. Mạnh khoẻ, swasthya, có nghĩa là lắng đọng vào cái ta của bạn. Mạnh khoẻ là được định tâm vào cái ta của bạn, trong bản tính của bạn. Khoảnh khắc bạn rời xa khỏi bản tính của bạn, bạn bị bệnh. Cái ốm yếu này, aswasthya, là roga, bệnh tật. Roga là khoảng cách xa nhất tới điều thiêng liêng.
Ba từ này là cách đo khoảng cách: roga, khoảng cách vô hạn tới điều thiêng liêng và yoga, không khoảng cách nào tới điều thiêng liêng, sự hợp nhất. Bhoga, ham muốn, là ở giữa cả hai. Cuộc hành trình từ trạng thái bệnh tật tới sự hợp nhất là cuộc hành trình qua ham muốn.
Đôi khi chỉ một khoảnh khắc bạn gặp điều thiêng liêng - sự gặp gỡ ngắn ngủi và rồi nhiều năm phân cách. Đây là điều bạn gọi là bhoga, ham muốn. Bhoga nghĩa là: bạn ăn thức ăn nào đó và trong một khoảnh khắc bạn có một thoáng nhìn vào trạng thái đó, và trạng thái đó đem tới hài lòng: trong khoảnh khắc của hài lòng đó bạn đã tới gần hơn với bản tính của bạn. Trong khoảnh khắc đó bạn đã tới gần hơn với điều thiêng liêng.
Đây là lí do tại sao Upanishad nói: annam brahman - thức ăn là Thượng đế. Khi một hiền nhân, một nhà tiên tri ăn, qua việc ăn ông ấy tới gần với Thượng đế hơn, không tới với thức ăn. Qua thức ăn ông ấy kinh nghiệm điều thiêng liêng - annam brahman.
Mật tông nói: Dục là gần với samadhi, với siêu tâm thức. Kinh sách mật tông nói: vishayanand brahmanand sahodar - hoan lạc của dục và phúc lạc của Thượng đế là anh em. Dục vật lí là anh em với phúc lạc thiêng liêng; chúng cả hai đều được sinh ra từ cùng một bụng mẹ. Trong một số trạng thái cực khoái sâu sắc của dục, trong khoảnh khắc mà tất cả các ý nghĩ đều mất đi, tất cả kiểm soát đều mất đi - khi bạn bị tóm trong bàn tay của điều thiêng liêng và bạn run rẩy và lắc lư trong bàn tay của nó hệt như lá cây chao đảo trong cơn bão; khi bạn chẳng còn là chủ mà cũng không là người kiểm soát cũng không là người làm, khi bạn bị chìm nghỉm, mất đi trong khoảnh khắc đó - trong một phần giây của dục - vào khoảnh khắc đó hoan lạc của dục là anh em với phúc lạc thiêng liêng. Nhưng điều này sẽ chỉ xảy ra trong một khoảnh khắc, thế rồi sẽ lại có khoảng cách trong nhiều ngày. Cho nên ham muốn đôi khi tới gần để hợp nhất với điều thiêng liêng và thế rồi lại trượt xa vào trong khoảng cách. Bhoga, ham muốn, có thể đưa bạn tới yoga, hợp nhất, trong một khoảnh khắc và rồi roga, bệnh tật, lại mãi mãi.
Sahajo nói: Thượng đế bẫy tôi trong ham muốn và bệnh tật. “Ngài đã trao cho hoặc là bệnh tật, hay nhiều nhất thì là ham muốn. Tôi không thể nói rằng ngài đã trao cho tôi cái gì khác hơn. Vâng, có lần trong thoáng chốc ngài cho tôi một thoáng nhìn. Nhưng ngay cả với thoáng nhìn đó thì tôi vẫn không thể nào tìm được an bình, nó chỉ làm cho phiền não của tôi thêm mạnh hơn. Tôi đã kinh nghiệm an bình trong thoáng chốc và thế rồi trong nhiều, rất nhiều khoảnh khắc đấy chỉ là phiền não. Ngài đã cho tôi ham muốn, ngài đã cho tôi bệnh tật - đấy chẳng phải là những món quà lớn lao gì.” Thầy tôi đã giải phóng tôi khỏi tất cả điều này qua khai tâm tôi. “Thầy tôi đã trao cho tôi yoga, sự hợp nhất; người đã trao cho tôi tự do khỏi ham muốn và bệnh tật.”
Khi bạn kinh nghiệm sự hợp nhất với điều thiêng liêng thế thì ham muốn thân thể biến đi khỏi tâm trí bạn theo ý riêng của nó, bởi vì khi đạt được cái cao hơn rồi thì ai còn muốn giữ lại cái thấp hơn nữa? Khi kim cương và châu báu đã được tìm thấy ai còn giữ lại sỏi và đá cuội nữa? Khi bạn kinh nghiệm sự hợp nhất với điều thiêng liêng, ham muốn của bạn biến mất. Và khi ham muốn đã biến mất, chẳng còn cách nào để bạn xa rời điều thiêng liêng. Ham muốn là con đường duy nhất dẫn bạn tới bệnh tật: ham muốn là phương tiện - nó dẫn bạn tới bệnh tinh thần và thể chất.
Điều này không có nghĩa là một hiền nhân, một người đã thức tỉnh, chẳng bao giờ ốm. Ốm yếu cũng có thể xảy ra cho người đã thức tỉnh, nhưng họ không bao giờ ốm. Ramakrishna đã chết vì ung thư. Hoài nghi nảy sinh trong tâm trí của nhiều người... Ramana Maharshi cũng chết vì ung thư. Cái chết của Mahavira là do đường ruột, bệnh lỵ. Phật chết do thức ăn độc. Mahavira ốm trong sáu tháng vì bệnh lỵ trước khi chết.
Vấn đề là, bệnh tật có xảy ra cho những người đã biết đến sự hợp nhất hay không? Nó không xảy ra cho họ, nhưng thân thể là vấn đề khác. Mahavira tách hẳn khỏi thân thể mình, thân thể tách hẳn với Mahavira. Bạn hoàn toàn đồng nhất với thân thể bạn. Mahavira tách bạch với cả thân thể mình lẫn bệnh tật, bởi vì mối quan hệ với thân thể là thông qua ham muốn. Cái ngày mà ông ấy kinh nghiệm sự hợp nhất với điều thiêng liêng, với yoga, mối quan hệ đó cũng chấm dứt. Bây giờ thân thể là tách bạch, linh hồn là tách bạch - tất cả các cây cầu giữa chúng đã biến mất.
Và bởi vì sự biến mất của những cây cầu này, đôi khi thân thể của những người đã đạt tới yoga lại trở thành thậm chí còn ốm yếu hơn thân thể của những người tìm kiếm thoải mái. Đấy là bởi vì thân thể chấm dứt hội tụ năng lượng sống. Sự hỗ trợ của năng lượng sống bị ngắt ra và thân thể bị rối loạn bởi điều này. Cho nên các thầy thường phải chịu những bệnh nặng. Nhưng đây là điều bạn thấy - rằng họ đang phải chịu đau đớn vì bệnh tật. Họ không thấy điều ấy theo cách đó. Với họ, họ đã hoàn toàn thoát ra khỏi bệnh tật.
Ramana bị ung thư. Bác sĩ nói rằng bệnh làm cho ông ấy đau đớn lắm, nhưng chẳng ai thấy ông ấy buồn hay đau cả - ông ấy bao giờ cũng vui vẻ. Đoá hoa này của con người vẫn còn như cũ; người ta không thể cảm thấy khác biệt nào từ ông ấy. Hương thơm của ông ấy vẫn còn như cũ, dường như là chẳng có gì xảy ra cả. Các bác sĩ điều trị có tiếng hay tới ông ấy và nói, “Thông thường, với bệnh này, đau lắm đấy. Chỉ với một liều tiêm morphine người bệnh mới có thể tồn tại được với cái đau. Nhưng điều gì đã xảy ra cho Ramana vậy? Ông ấy hoàn toàn có ý thức và dường như là chẳng có gì khác biệt trong ông ấy cả. Cứ dường như là bệnh ung thư đang xảy ra ở đâu đó xa xôi, cứ dường như là nó chẳng liên quan gì với ông ấy cả, cứ dường như là ai đó khác bị ung thư.”
Ramakrishna bị ung thư cổ. Ông ấy không thể ăn được; ông ấy thậm chí không thể uống nước được. Một hôm Vivekananda ôm chân ông ấy và nói, “Ôi parahansadeva, thật là đau đớn cho chúng tôi phải chứng kiến cái đau của thầy. Chúng tôi biết rằng thầy đã rời xa khỏi cái đau, nhưng chúng tôi đây thì không thể nào chịu đựng được điều đó. Chúng tôi là những người dốt nát cho nên xin thầy ban cho chúng tôi một ân huệ: thầy cầu Mẹ Kali và yêu cầu bà rút đi cái đau này. Chúng tôi không yêu cầu điều này cho thầy mà là cho chúng tôi, để cho chúng tôi khỏi đau khổ.”
Ramakrishna nói, “Thôi được.” Ông ấy nhắm mắt lại, và thế rồi ông ấy bắt đầu cười phá lên. Ông ấy nói, “Ta đã bảo với Mẹ Kali, nhưng Mẹ bảo, ‘Con đã uống quá nhiều nước qua thân thể này rồi, con đã ăn quá nhiều thức ăn bằng thân thể này rồi. Bây giờ thì uống nước qua thân thể khác, ăn thức ăn qua thân thể khác đi! Cho nên Vivekananda, khi ông ăn, bây giờ ta cũng sẽ ăn qua ông, bây giờ ta sẽ uống nước qua họng ông.”
Có kết nối với mọi linh hồn đối với người có kết nối với thân thể đã bị gẫy - người ấy trở thành một với cái vô hạn. Tên của cái một đó là yoga. Yoga có nghĩa là được nối liền, là một. Khi nhị nguyên đã biến mất và bất nhị đã nảy sinh, bệnh tật không thể có nữa - bệnh tật bên trong. Bệnh tật của thân thể vẫn rất có thể có. Thực tại chúng còn có thể có nhiều hơn chút ít so với trước đây, bởi vì thân thể bị bỏ lại không chỗ tựa. Thèm muốn cuộc sống đã chấm dứt; không còn ham muốn sống hay chết nữa.
Người yoga dửng dưng với cuộc sống: ông ấy sống bởi vì ông ấy đang sống. Ông ấy sống chừng nào mà ông ấy vẫn còn sống. Khoảnh khắc hơi thở dừng lại, ông ấy đã sẵn sàng. Ông ấy đã dừng thở về phần mình, bây giờ nếu Thượng đế muốn thở qua ông ấy, cứ để cho ngài thở. Bây giờ thân thể chẳng là gì ngoài cái máy. Tất cả hỗ trợ cho thân thể đều đã chấm dứt, và có một loại hờ hững, một loại dửng dưng bên trong; cái trống rỗng được tạo ra, cái gắn bó đã tan vỡ. Cho nên đôi khi bệnh tật thể chất vẫn xảy ra cho người như vậy, nhưng bệnh tật bên trong không thể có được. Bệnh tật bên trong chỉ có thể có chừng nào mà ham muốn vẫn còn có thể có. Bệnh tật là cái bóng của ham muốn, bệnh tật là sản phẩm phụ của ham muốn, bệnh tật tới lẩn đằng sau ham muốn. Sahajo nói:
Thượng đế bẫy tôi trong ham muốn và bệnh tật.
Thầy tôi đã giải phóng tôi khỏi tất cả điều này qua khai tâm tôi.
“Không, tôi không thể nào đặt ngài ngang bằng thầy tôi được.”
Thượng đế làm tôi vẩn vơ trong ảo tưởng việc làm.
“Ngài đã cho tôi mơ mộng; ngài đã cho tôi ảo tưởng rằng tôi là người làm. Ngài đã cho tôi đam mê việc làm, cái điên khùng của việc là người làm. Ngài đã làm cho tôi vẩn vơ trong ảo tưởng vô hạn qua vô số kiếp sống.”
Thượng đế làm tôi vẩn vơ trong ảo tưởng việc làm.
Thầy tôi chỉ cho tôi bản thể mình.
“Thầy tôi đã thức tỉnh tôi và bảo tôi, ‘Con không phải là việc làm, con không phải là người làm; con là sự tồn tại thuần khiết.’ Thầy tôi đã thức tỉnh tôi về bản thân mình. Ngài đã trút đầy trong tôi lòng ham muốn mọi thứ - lúc thì là tiền bạc, lúc thì là quyền lực, lúc thì là danh vọng. Ngài đã làm cho tôi chạy đuổi theo biết bao nhiêu mục đích, nhưng thầy tôi cắt đi tất cả các mục đích này và quay mũi tên vào bên trong. Thầy tôi nói, ‘thức dậy đi và biết về chính mình.’ Thầy tôi đã chỉ cho tôi bản thể của tôi.” Cho nên Sahajo nói: Thượng đế không bằng thầy tôi. Tôi có thể bỏ Thượng đế, nhưng tôi sẽ không bỏ thầy tôi.
Thượng đế ẩn trong tôi.
“Và thế rồi ngài đi quá xa! - ngài làm cho tôi vẩn vơ trong thế giới này và ngài cũng ẩn náu trốn tôi.”
Thượng đế ẩn trong tôi.
Thầy tôi trao cho tôi ngọn đèn để chiếu sáng ngài.
“Thầy tôi đã trao cho tôi ngọn đèn thiền, ngọn đèn nguyện, ngọn đèn samadhi. Thầy tôi đã loại bỏ tấm màn giữa chúng tôi.” Sahajo nói với Thượng đế, “Ngài ẩn kín trong bóng tối còn thầy trao cho tôi ngọn đèn. Thầy để lộ ra ngài; qua thầy tôi gặp ngài.”
Trên hết, Thượng đế tạo ra nhị nguyên này của tù túng và tự do.
“Ngài đã tạo ra các nhị nguyên trong những ham muốn trần tục và tự do trong thế giới. Ngài đã mở đầu cho toàn bộ những rắc rối này; ngài đã cho cuộc sống và cái chết.”
Thầy tôi phá huỷ tất cả những ảo tưởng này.
Đây là một phát biểu rất cách mạng. Cố hiểu điều này thật sâu sắc vào. Thông thường, người ta nghĩ rằng khi nô lệ vào ham muốn chấm dứt, con người thành tự do. Nhưng khi nô lệ vào ham muốn kết thúc rồi, thế thì trong thực tế tự do cũng chấm dứt luôn bởi vì tự do này cũng là một phần của nô lệ. Khi dây xích ham muốn biến mất, tự do cũng biến theo. Ý tưởng về tự do chỉ nảy sinh bởi vì nô lệ.
Người trong tù nghĩ, “Khi nào mình sẽ được tự do?” Bạn ở ngoài nhà tù này, nhưng có bao giờ bạn nghĩ tới việc cám ơn Thượng đế về tự do của bạn không? Bạn chẳng bao giờ nghĩ tới tự do cả; chỉ tù nhân mới nghĩ đến tự do thôi. Khi anh ta không còn trong tù nữa, thế thì anh ta cũng chẳng nghĩ mình được ân huệ đến đâu khi được tự do. Nô lệ tạo ra khao khát tự do, cho nên nô lệ và tự do là hai mặt của cùng một đồng tiền.
Trên hết, Thượng đế tạo ra nhị nguyên này của tù túng và tự do.
Sahajo nói với Thượng đế, “Ngài đã tạo ra cả nô lệ và tự do.” Thầy tôi phá huỷ tất cả những ảo tưởng này. “Thầy không chỉ chặt đi tất cả những dây xích này, thầy còn chặt đi cả ý tưởng tự do nữa. Đấy cũng là một ảo tưởng. Thầy đã giải phóng tôi không chỉ ra khỏi thế giới này, thầy đã giải phóng tôi khỏi chính ý tưởng giải thoát.
Thầy đã cho tôi giải thoát tối thượng: bây giờ ngay cả ý tưởng về giải thoát cũng không có đó.”
Thông thường, tâm trí con người hay nghĩ dưới dạng các điều đối lập. Bạn nghĩ, “Thế giới là cảnh nô lệ, vậy nên phải có giải thoát ở đâu đó.” Bạn nghĩ rằng khi bạn rời bỏ thế giới ham muốn, bạn sẽ tìm thấy giải thoát - nhưng cái ngày mà thế giới này được siêu việt lên, giải thoát cũng phải được siêu việt lên. Và chừng nào ý tưởng về giải thoát này còn chưa được siêu việt lên, bạn thực tế vẫn chưa đạt tới giải thoát. Bạn đã từng bao giờ quan sát điều đó chưa? - chỉ khi bạn ốm ham muốn mới nổi lên trong bạn để được mạnh khoẻ. Khi bạn mạnh khoẻ, bạn chẳng cảm thấy ốm yếu hay mạnh khoẻ gì. Bạn có thể cảm thấy mạnh khoẻ được không? Bạn cảm thấy cái đầu khi bạn đau đầu; khi không đau đầu bạn có cảm thấy cái đầu bạn không? Bạn đã bao giờ cảm thấy rằng đầu bạn hoàn toàn mạnh khoẻ không? Khi đầu bạn hoàn toàn mạnh khoẻ, bạn chẳng cảm thấy nó, vậy làm sao bạn có thể biết được nó mạnh khoẻ?
Trong tiếng Phạn từ nói về đau là vedana. Từ ‘vedana’ này là rất quan trọng. Nó có hai nghĩa: một nghĩa là cái đau và nghĩa kia là việc biết. Từ veda cũng bắt nguồn từ cùng một gốc; từ vid, vidwan, học giả, cũng có cùng gốc này. Một nghĩa của vedana là biết, nghĩa kia là đau. Bạn chỉ nhận biết về đau, nhưng bạn có bao giờ để ý đến hạnh phúc không? Đây là lí do tại sao từ này giá trị đến thế. Khi đầu bạn đau, bạn nhận biết về đầu bạn; khi bạn bị gai đâm chân bạn nhận biết về chân bạn. Khi có phiền não trong cuộc sống bạn trở nên nhận biết về cuộc sống. Nếu tất cả đau đớn đều biến mất và không có phiền não chút nào, thế thì bạn sẽ nhận biết về cái gì?
Trạng thái mạnh khoẻ hoàn toàn của thân thể được gọi là videha, vô thân thể. Thế thì bạn không cảm thấy thân thể chút nào. Trẻ nhỏ không cảm thấy thân thể, chúng không biết rằng thân thể có đó. Dần dần khi vấn đề bắt đầu nảy sinh, nhận biết về thân thể mới bắt đầu. Người già nhận biết về thân thể mình. Ông ấy chỉ nhận biết về thân thể mình - khi ông ấy thức dậy ông ấy cảm thấy nó, khi ông ấy ngồi xuống, ông ấy cảm thấy nó, khi ông ấy ăn, ông ấy cảm thấy nó, khi ông ấy tắm, ông ấy cảm thấy nó, khi ông ấy thở, ông ấy cảm thấy nó. Khi ai đó nói với ông ấy, ông ấy cảm thấy nó bởi vì tai ông ấy không nghe rõ. Khi ai đó tới trước mặt ông ấy, ông ấy cảm thấy nó bởi vì mắt ông ấy không thấy rõ. Người già chỉ cảm thấy thân thể. Trẻ con không nhận biết về thân thể chút nào; không có nhận biết về khoẻ mạnh. Cảm nhận này về thân thể, việc biết này về thân thể, là một loại ốm yếu nữa. Cảm nhận này là một phần của ốm yếu bởi vì đau đớn và hiểu biết là hai mặt của cùng một đồng tiền.
“Thượng đế đã cho nô lệ và tự do; ngài đã cho những ham muốn trần tục và ngài cho giải thoát.” Thầy tôi phá huỷ tất cả những ảo tưởng này - “Thầy không chỉ giải phóng tôi khỏi cảnh nô lệ của thế gian, mà thầy còn giải phóng tôi khỏi cảnh nô lệ của giải thoát nữa.”
Tôi cúng dường bản thân mình, thân thể, tâm trí và linh hồn
Dưới chân thầy tôi, Charandas.
Sahajo là người sùng kính Charandas. Charandas là một nhà huyền môn vĩ đại; chúng ta sẽ nói về ông ấy vào lúc khác. Tôi cúng dường bản thân mình, thân thể, tâm trí và linh hồn, dưới chân thầy tôi, Charandas.
Tôi có thể bỏ Thượng đế nhưng tôi không bao giờ rời bỏ thầy tôi.
Cô ấy đã thấy Thượng đế ở dưới chân thầy. Tôi cúng dường bản thân mình, thân thể, tâm trí và linh hồn, dưới chân thầy tôi, Charandas. Mọi việc đều được buông xuôi cho thầy. Tôi có thể bỏ Thượng đế nhưng tôi không bao giờ bỏ thầy tôi... Với Sahajo, điều thiêng liêng trong sự toàn bộ của nó đã trở thành biểu lộ trong Charandas. Và chừng nào Thượng đế chưa trở thành biểu lộ hoàn toàn trong thầy với bạn, mối quan hệ đệ tử - thầy vẫn còn chưa xảy ra đâu. Cho đến lúc đó bạn sẽ không thực sự có thể thấy được thầy. Nếu bạn không thể nào thấy được Thượng đế trong thầy bạn, thế thì tin cậy sẽ thiếu vắng trong bạn. Nhưng điều đó là không thể có được, nó gần như không thể có được để người ta thấy ra điều này; với người đó điều này chỉ có thể có được qua nỗ lực tâm linh lớn lao. Điều đó là rất dễ dàng đối với đàn bà.
Đây là lí do tại sao trong lịch sử loài người các thầy vĩ đại nhất đều là đàn ông còn các đệ tử vĩ đại nhất đều là đàn bà. Khó mà tìm ra các thầy như Mahavira, Phật, Charandas, Farid hay Kabir trong đàn bà. Cũng khó mà tìm ra các đệ tử như Sahajo, Meera, Daya, Rabiya, Theresa trong số đàn ông...
Mọi người hay hỏi tôi nhiều lần, “Có biết bao thầy trên thế giới này, tại sao không có thầy phụ nữ nổi tiếng nào? Biết bao nhiêu đàn ông đã trở thành người sáng lập ra các tôn giáo, nhưng không có đàn bà nào là người sáng lập tôn giáo. Có biết bao nhiêu là kinh sách - Koran, Kinh thánh, Gita - và tất cả những kinh sách này đều do đàn ông thốt ra, không đàn bà nào thốt ra điều gì giống như thế này.” Câu hỏi này là có liên quan: người ta tự hỏi tại sao điều này xảy ra. Nhưng bởi vì điều đó đã xảy ra nên phải có lí do sâu xa nào đó đằng sau nó.
Đàn ông có thể dễ dàng là thầy, nhưng là đệ tử là điều khó cho anh ta vì để là đệ tử người ta phải khiêm tốn. Khiêm tốn là điều khó cho đàn ông. Anh ta gặp rắc rối lớn để khiêm tốn. Anh ta có thể thiền, nhưng trong việc thiền anh ta không đầu hàng bản ngã, anh ta phá huỷ bản ngã.
Hiểu điều này theo cách khác: với đàn ông khó buông xuôi bản ngã mình, nhưng tiêu diệt nó không khó. Đàn ông nói, “Ta sẽ giết chết bản ngã.” Đó là lí do tại sao đàn ông nói, “Ta sẽ chết, nhưng ta sẽ không đầu hàng. Ta có thể bị đập vỡ, nhưng ta sẽ không đầu hàng.”Anh ta giết chết bản ngã mình. Anh ta khơi dậy nên ngọn lửa thiền và đốt cháy bản ngã mình, nhưng anh ta không khúm núm dưới chân ai đó. Một Mahavira và một Phật, họ giết chết bản ngã, họ thiêu cháy nó, và theo cách đó họ trở thành vô ngã.
Cho nên vô ngã có hai dạng: một cách là thiêu cháy bản ngã - đó là vô ngã của Phật, của Mahavira, vô ngã của đàn ông; và cách nữa là buông xuôi bản ngã - vô ngã của Sahajo, Faya, Meera. Và nhớ lấy, vô ngã của đàn ông là trống rỗng hoàn toàn; vô ngã của đàn bà là rất tràn đầy. Bình chứa của đàn ông sẽ thành trống rỗng khi anh ta trở thành vô ngã; bình chứa của đàn bà sẽ đầy hoàn toàn khi cô ấy trở thành vô ngã vì cô ấy chẳng phá huỷ cái gì. Cô ấy đã sử dụng bản ngã. Cô ấy đã buông xuôi bản ngã, không phá huỷ nó. Cô ấy đã dùng nó, cô ấy đã biến nó thành phương tiện.
Đàn bà ở nhà với buông xuôi: đây là lí do tại sao đã từng có những đệ tử đàn bà vĩ đại, những đàn bà sùng kính vĩ đại. Đỉnh cao của mối quan hệ thầy - đệ tử được đạt tới ở đàn bà, nhưng đỉnh cao chung cuộc là thầy không thể có được cho họ. Điều này được thể hiện bởi sự kiện là trong số bốn mươi nghìn sannyasin của Mahavira, ba mươi nghìn người là đàn bà. Và điều này bao giờ cũng xảy ra theo tỉ lệ đó. Cứ bốn người tới tôi, ba là đàn bà và một là đàn ông. Điều này bao giờ cũng theo tỉ lệ đó. Khi đàn bà tới, tôi thấy rằng họ lập tức hoà hợp với tôi - ngay lập tức! Trong trường hợp của đàn ông, phải mất một thời gian nào đó cho họ hoà hợp với tôi. Phải mất một lúc trước khi sự hài hoà được thiết lập, phải mất chút thời gian. Có xô đẩy nào đó: anh ta cố gắng chút xíu để không buông xuôi, anh ta giữ tự hào nào đó, anh ta không cởi mở lòng mình hoàn toàn - anh ta cố gắng bảo vệ bản ngã.
Khi đàn ông tới tôi, cho dù họ muốn hỏi câu hỏi riêng của họ, họ vẫn nói, “Tôi có một người bạn. Tâm trí anh ta bị căng thẳng, bất ổn, anh ta không thể nào ngủ được ban đêm. Liệu có cách chữa trị nào không?”
Tôi nói với họ, “Thế thì bạn nên đưa anh bạn mình tới đây và anh ta có thể hỏi, ‘Tôi có người bạn mà tâm trí anh ta bị căng thẳng, bất ổn, anh ta không thể nào ngủ được ban đêm’; thế thì điều đó sẽ đúng hơn.” Đàn ông sợ ngay cả việc phơi bầy cái ốm yếu của mình bởi vì để khiêm nhường - để nó rằng tôi không thể ngủ được, tôi phải tới học điều gì đó ở bạn - ngay cả đến điều này họ thấy khó khăn.
Khi đàn bà tới, họ thậm chí không nói rằng họ có vấn đề, không thoải mái; nước mắt đơn giản bắt đầu tuôn dài trên mắt họ, toàn bộ thân thể họ bắt đầu run rẩy. Họ chẳng cần nói rằng họ đang phiền não, điều đó tự lộ ra.
Khi Koran giáng xuống Mohammed, ông ấy đang trên núi, đơn độc. Ông ấy nghe thấy một tiếng nói và tiếng nói đó nói, “Đọc đi!” Ông ấy bắt đầu sợ hãi. Ông ấy nói, “Tôi không biết cách đọc.”
Lần nữa tiếng nói lại đưa tới: “Đừng lo, chỉ đọc thôi!”
Ông ấy nói, “Ngài nói gì vậy? Và ngài là ai? Đừng làm tôi sợ hãi thế. Mà hơn nữa, tôi không biết cách đọc.”
Tiếng nói lại cất lên, “Khi ta nói điều đó, ông có thể làm điều đó - chỉ đọc thôi.”
Nghĩa của từ ‘koran’ là đọc. Cho nên Mohammed đọc. Ông ấy nhắm mắt và bắt đầu đọc. Có một cuốn sách vô hình ngay trước mắt ông ấy và ông ấy bắt đầu đọc nó. Đây là cách thức mà ayats đầu tiên của Koran giáng xuống. Ông ấy trở nên sợ hãi đến mức ông ấy chẳng thể nào hiểu điều gì mới xảy ra. Ông ấy không thể nào hiểu nổi. Ông ấy không thể tin vào chính mình và ông ấy không thể nào tin vào điều đã xảy ra. Ông ấy không thể tin rằng có Thượng đế - ai đó đang khải lộ chân lí của cuộc sống. Ông ấy chạy về nhà trong cơn sốt. Ông ấy nằm vật ra giường và trùm chăn kín mít. Vợ ông ấy, Ayesha, hỏi ông ấy, “Có chuyện gì vậy?” Thế là ông ấy kể lại cho vợ tất cả những điều đã xảy ra cho mình. Vợ ông ấy trở thành đệ tử đầu tiên của ông ấy - cô ấy lập tức cúi đầu xuống dưới chân ông ấy.
Cô ấy nói, “Không có gì hoài nghi ở đó cả. Đây là một biến cố trọng đại! Đừng sợ.” Tin cậy của cô ấy đem tới tin cậy cho Mohammed. Cô ấy chạm chân ông ấy, và vào ngay chính lúc đó cô ấy trở thành đệ tử.
Đệ tử đầu tiên của Mohammed là đàn bà, không phải đàn ông. Và bản thân Mohammed đã không tin vào điều mới xảy ra. Nhưng đàn bà tin ngay, và với hỗ trợ của cô ấy, ông ấy cũng tin luôn, ông ấy thu được dũng cảm. Vợ ông ấy dần dần đã thuyết phục ông ấy đừng sợ và đi nói điều đó cho những người khác. Điều đã xảy ra là duy nhất, nó không nên bị giữ kín: “Thượng đế đã chọn ông ấy làm sứ giả, paigambara.” Mohammed không phải là người hồi giáo đầu tiên; người hồi giáo đầu tiên là vợ ông ấy.
Điều này cũng xảy ra với Jesus. Khi Jesus bị đóng đinh, tất cả đàn ông đều bỏ chạy - bởi vì vào khoảnh khắc chết đó, chỉ tình yêu có thể còn lại với bạn, và tri thức không còn lại. Khi cái chết tới, chỉ những ai có mối quan hệ qua trái tim mới có thể ở lại với bạn. Nhưng người có quan hệ qua đầu óc sẽ nói, “Bây giờ còn ích gì nữa? Chạy và cứu mạng mình thôi!” Họ đã ở với Jesus chỉ vì lợi ích riêng của họ. Bây giờ khi mạng sống của riêng họ bị nguy hiểm, vậy còn ích gì mà ở lại với ông ấy? Tất cả đàn ông đều cao chạy xa bay, đàn bà còn lại.
Nếu bạn đã thấy bức tranh Jesus được đưa xuống từ cây thập tự, bạn sẽ thấy ba người đàn bà đưa ông ấy xuống; không có đàn ông. Một trong số họ là gái mãi dâm, Mary Magdalene. Các học giả cao chạy xa bay, gái mãi dâm thì không. Đây là lí do tại sao tôi nói rằng đôi khi ngay cả tội nhân được chứng ngộ còn học giả thì không thể. Học giả có cái gì đó để mất; gái mãi dâm chẳng có gì để mất cả. Tại sao cô ấy phải sợ?
Khi Jesus tái xuất hiện sau ba ngày, phục sinh lại, khi ông ấy tỉnh dậy lại và nấm mồ trống rỗng, đàn ông, các đệ tử của Jesus, tưởng rằng dã thú nào đó đã tha mất xác ông ấy. Nhưng Mary Magdalene nghĩ, “Jesus đã nói rằng sau ba ngày ông ấy sẽ trở lại. Chắc chắn là ông ấy trở lại.” Cô ấy bắt đầu tìm ông ấy trong đêm tối. Cô ấy bắt đầu tìm ông ấy trong rừng rậm và núi non. Cô ấy là người đầu tiên thấy Jesus.
Chỉ nếu có đệ tử, thầy mới có thể được nhận ra. Thế thì dạng mới của ông ấy, dạng bất tử vượt ra ngoài cái chết, thực tại phục sinh của ông ấy mới có thể được chứng kiến.
Sau khi gặp Jesus, cô ấy tràn ngập niềm vui. Cô ấy chạy đi khắp làng để kể với các đệ tử. Tất cả họ vẫn đang ngồi đấy và hình dung ra cách lan toả lời ông ấy, cách biên soạn giáo huấn của Jesus, cách đem những giáo huấn đó tới đại chúng, cách dựng tu viện và nhà thờ. Tất cả họ đang bận rộn tính toán. Jesus đã qua đời, bây giờ trách nhiệm đặt lên vai họ. Họ nghĩ tới việc bành trướng kinh doanh... dựng nhà thờ.
Người đàn bà này chạy tới và nói, “Các ông đang ngồi làm gì ở đây thế này? Jesus mới phục sinh rồi, chính mắt tôi đã thấy ông ấy, chính tay tôi đã cầm tay ông ấy! Tôi không lầm đâu. Lại đây với tôi!”
Họ nói, “Mụ điên! Mụ cứ theo cái điên khùng của mụ đi. Chúng tôi không có thời gian đâu mà phí hoài. Người đã chết là chết rồi. Nếu như phép màu có xảy ra, nó phải xảy ra trong cùng ngày ấy. Mà chẳng cái gì xảy ra cả cho nên vấn đề chấm hết - Jesus không còn nữa. Bây giờ chúng ta quyết định cái phải làm bây giờ. Sự quấy rối này là không cần thiết.” Chẳng ai chịu nghe lời cô ấy cả.
Và câu chuyện này hay làm sao. Thấy chẳng ai sẵn sàng tin điều đó, Jesus bắt đầu đi tìm họ. Ông ấy đã gặp hai đệ tử trên đường và ông ấy nhập bọn. Ông ấy hỏi họ, “Các ông định đi đâu vậy?”
Họ nói, “Chúng tôi định tới làng bên. Chúng tôi là đệ tử của Jesus. Ông ấy đã chết - ông ấy bị đóng đinh trên cây thập tự - và chúng tôi định đi loan báo thông điệp của ông ấy.” Và Jesus đi cùng với họ - mà chẳng ai nhận ra ông ấy cả.
Rồi Jesus hỏi, “Các ông kể lại cho tôi toàn bộ câu chuyện đi. Có việc gì vậy?” Thế là họ kể lại toàn bộ câu chuyện. Nhưng vẫn thế, ngay cả sau khi đi cùng nhau khá lâu, họ vẫn không nhận ra ông ấy.
Họ tới một thôn làng và những người bạn này vào quán trọ để ăn, có mời Jesus đi cùng. Jesus nhập bọn và khi ông ấy cắt bánh mì - đấy là thói quen của ông ấy khi ông ấy cắt bánh mì và chia cho các bạn bè - khi ông ấy cắt một mẩu bánh mì và chia nó cho họ, có đôi chút hoài nghi nảy sinh trong họ: “Cách cắt và chia bánh mì của người này giống hệt như cách thức của Jesus.” Thế mà họ vẫn không thể nào tin vào điều đó được. Họ che giấu cảm giác của mình. Và Jesus nói, “Các ông thật đần! Ngay cả khi tin cậy nảy sinh trong các ông, các ông kìm nén nó. Các ông vẫn không tin thậm chí đến cả cái cảm giác về nhận biết vừa nảy sinh trong mình. Mary Magdalene còn cao cấp hơn các ông - cô ấy nhận ra và cô ấy tin luôn.”
Thậm chí không có đến một lỗ hổng khoảng khắc nào giữa việc thấy và việc tin - điều đó xảy ra đồng thời. Chỉ thấy thôi và niềm tin của cô ấy nảy sinh ngay.
Kinh sách Jaina không dùng từ ‘tin cậy’; thay cho từ tin cậy thì họ dùng từ ‘thấy đúng’. Và họ cũng đúng khi làm như vậy, vì đấy là loại tin cậy nào nếu nó không xảy ra chỉ bởi việc thấy? Đấy là tin cậy chỉ khi nó xẩy ra qua việc thấy. Nếu khi bạn thấy và rồi hoài nghi nổi lên, bạn đi tìm bằng chứng và nếu chỉ thế tin cậy mới tới, thế thì nó là kết luận logic, không phải tin cậy. Nếu bạn phải nghĩ sau khi thấy và chỉ thế thì tin cậy mới tới ... Đây là điều vẫn xảy ra với đàn ông, bởi vì gắn nối của họ là thông qua trí óc của họ. Đàn bà thấy, một con sóng phát sinh trong tim, một con sóng chạy qua cô ấy - con sóng đó là đủ cho cô ấy tin cậy. Con sóng đó tự nó là đủ.
Tôi cúng dường bản thân mình, thân thể, tâm trí và linh hồn
Dưới chân thầy tôi, Charandas.
Bây giờ không có Thượng đế nào khác cho Sahajo. Cô ấy nói, “Bây giờ tôi đã gặp thầy rồi; tôi sẽ hi sinh mọi thứ cho thầy.” Tôi có thể bỏ Thượng đế nhưng tôi không bao giờ bỏ thầy tôi. “Tôi có thể bỏ Thượng đế nhưng tôi không thể bỏ thầy tôi.”
Đàn bà có thể trở thành người sùng kính, đệ tử tối thượng; điều đó là dễ dàng cho họ. Đừng nghĩ rằng đàn ông có phẩm chất gì đó đặc biệt và bởi vì điều đó mà họ có thể trở thành thầy. Là đệ tử cũng vĩ đại như là thầy vậy. Hoàn toàn là đệ tử là đạt tới cùng chiều cao mà người ta đạt tới bằng cách hoàn toàn trở thành thầy. Những người đạt tới qua thiền có thể trở thành thầy; những người đi trên con đường yêu có thể trở thành đệ tử, người sùng kính. Thầy là người có thể chỉ ra con đường cho người khác, người có thể dạy về con đường.
Hiểu điều này đi: yêu không thể nào dạy được, nhưng thiền thì có thể. Cho nên người đã đạt tới chân lí thông qua thiền cũng có thể chỉ ra rằng đây là con đường: cắt bỏ bản ngã theo cách này cách nọ - con đường này - và dần dần nó sẽ bị loại bỏ và bạn sẽ tự do. Kinh sách có thể được tạo ra từ thiền; thiền là kĩ thuật. Không thể có kinh sách về yêu bởi vì yêu không phải là kĩ thuật. Nếu yêu xảy ra, nó xảy ra; nếu nó không xảy ra, nó không xảy ra. Người ta thu được gì bằng việc thử yêu?
Cho nên nếu tia sáng yêu nảy sinh bên trong bạn, đừng kìm nén nó. Thế thì bạn chẳng cần gì đến thiền, yêu sẽ chăm lo mọi điều. Nếu tia sáng của yêu không nảy sinh và bạn là sa mạc cằn cỗi nơi không hạt mầm yêu nào nảy nở, nơi việc nảy mầm không xảy ra, thế thì chọn thiền - thế thì không có cách nào để giải thoát cho bạn ngoại trừ qua thiền.
Những người đã trải qua thiền có thể trở thành thầy; những người đã trải qua yêu đạt tới mọi điều trong mối quan hệ thầy-đệ tử của mình. Và những người đã đạt tới qua yêu, họ không thể nào dạy cho người khác được. Đấy không phải là vấn đề dạy - nó đơn giản không phải là một thứ có thể được dạy. Yêu không phải là nghệ thuật, yêu là hương thơm cốt lõi nhất của cuộc sống. Những người dũng cảm đi tới nó trong một khoảnh khắc bởi vì đấy không phải là vấn đề học hỏi, đấy là vấn đề chìm ngập.
Dường như ai đó bơi trên sông: việc bơi có thể được dạy - nhưng bạn có thể dạy ai đó cách chìm không? Đâu là nhu cầu để dạy chìm? Ai đó muốn chìm, có thể chìm ngay bây giờ. Liệu bạn có nói được rằng trước hết trong một năm bạn sẽ học cách chìm rồi bạn sẽ chìm không? Nếu bạn thử học cách chìm trong một năm thế thì bạn sẽ chẳng bao giờ chìm cả, bởi vì bằng việc học cách chìm bạn sẽ phải học bơi nữa. Chìm có thể xảy ra ngay bây giờ còn bơi thì phải mất cả năm trời để học
Thiền giống như bơi vậy - người ta phải học nó. Yêu giống như chìm vậy. Làm tan biến bản ngã bạn cần có thời gian. Buông xuôi bản ngã - bạn có thể buông xuôi ngay bây giờ. Bản ngã có đó: chỉ là vấn đề buông xuôi nó. Tâm trí nữ tính dễ dàng buông xuôi. Đàn bà giống như cây leo bám lên cây cối: với họ linh động là dễ dàng và tự nhiên. Với cây lớn rất khó uốn cong, với cây leo, uốn éo phỏng có vấn đề gì?
Cho nên hiểu lời kinh đầu tiên của Sahajo một cách cẩn thận vào. Đây là kinh về yêu. Và đừng nghĩ rằng cô ấy đang nói chống Thượng đế; điều đó sẽ là sai lầm đấy, điều đó sẽ là lỗi lầm. Cô ấy đang nói với tình yêu lớn lao.
Cô ấy đang nói, “Dẫu sao thì ngài đã trao cho tôi cái gì nào? Bây giờ xin đừng tự mình ngồi lên ngôi cao hơn nữa” - đây là lời trách cứ đưa ra từ một tình yêu lớn lao. “Bây giờ ngài sẽ phải ngồi thấp hơn thầy tôi một chút” - đây là một phát biểu được đưa ra từ một tình yêu lớn lao.
Trong tâm trí của Kabir phải có sợ hãi nào đó về liệu có nói những điều như vậy hay không. Nhưng tình yêu có sợ không? Đây là lí do tại sao Sahajo có thể dũng cảm mà nói, Tôi có thể bỏ Thượng đế nhưng tôi không bao giờ bỏ thầy tôi. Thượng đế không bằng thầy tôi. Nhưng chớ nghĩ rằng cô ấy là kẻ vô thần. Khó tìm được người hữu thần nào vĩ đại hơn Sahajo. Chỉ người hữu thần mới có thể nói được điều này. Người vô thần không thể nào nói được điều này; từ đâu mà người ấy có được dũng cảm như vậy? Chỉ người biết sâu trong lòng mình rằng đã tìm thấy điều thiêng liêng khi họ tìm thấy thầy mình mới có thể nói được điều này. Chỉ người biết rằng thực tại tối thượng đã được đạt tới mới có thể nói một cách dịu dàng và trách cứ đáng yêu đến thế.
Đây là trò chơi giữa người sùng kính và điều thiêng liêng. Cô ấy đang nói, “Vứt điều đó đi, đừng giả vờ nữa. Ngài chẳng trao cho tôi điều gì đáng giá cả. Ngài đã trao cho tôi thế giới này, ngài đã trao cho tôi sự nô lệ này, ham muốn này; ngài đã làm cho tôi thành bất lực, ngài đã ném tôi vào trong bóng tối. Thầy tôi nâng tôi lên. Bây giờ tôi không thể đặt ngài lên cao hơn thầy tôi được. Xin ngài nhận chỗ thấp hơn vậy.”
Và ý tưởng của tôi là ở chỗ nếu Thượng đế có tới trước Sahajo, ngài sẽ kính trọng Sahajo và ngài sẽ ngồi ở chỗ thấp hơn so với thầy của cô ấy. Không phải bởi vì ngài là thấp hơn, mà bởi vì ngài biết không có cách nào làm cho ngài thấp hơn; không phải bởi vì ngài cảm thấy giận dữ mà vì ngài biết rằng tất cả điều đó đã được nói trong tình yêu vĩ đại - đấy là lời trách cứ yêu thương, lời phàn nàn bằng tình yêu. Và Sahajo không thực sự yêu cầu ngài ngồi thấp hơn. Nghĩ mà xem - làm sao cô ấy có thể đặt ngài thấp hơn được? Liệu người mà không thể đặt thầy của mình thấp hơn Thượng đế có thể đặt bản thân Thượng đế cao hơn thầy được không? Không thể được! Nhưng đừng phán xét lời nói của người yêu bằng logic. Người yêu nói điều này khi họ muốn nói điều khác. Người yêu có thể nói điều này và ngụ ý điều khác. Đối thoại của những người yêu nhau là rất tinh tế.
Nếu chúng ta tóm tắt lời kinh này của Sahajo, cô ấy đang nói với Thượng đế, “Ngài đã sống trong thầy tôi; bây giờ không có cách nào cho tôi để thấy ngài tách biệt với thầy tôi nữa. Với tôi, hoặc là thầy đã trở thành Thượng đế hoặc Thượng đế đã trở thành thầy.”
Đủ cho hôm nay...
Xem tiếp Chương 2Quay về Mục lục

0 Đánh giá

Ads Belove Post