Chương 3. Hai trạng thái tâm thức

Chương 3. Hai trạng thái tâm thức

Price:

Read more

Osho - Mưa không mây
Giảng về bài thơ của người đàn bà chứng ngộ, Sahajo
Chương 3. Hai trạng thái tâm thức

Chỉ có hai trạng thái tâm thức: một là yêu và trạng thái kia là thiếu vắng yêu. Hay, nếu bạn thích, gọi chúng là trạng thái thức và trạng thái ngủ, hay gọi chúng là trạng thái tôn giáo và trạng thái không tôn giáo. Chẳng khác biệt gì với từ bạn gọi chúng.
Tâm thức có thể có hai dạng. Điều bạn gọi là ‘thế giới’ chính là trạng thái tâm thức không yêu. Khi sự tồn tại được nhìn vào mà không có yêu, nó xuất hiện như thế giới này. Khi đôi mắt bạn tràn đầy yêu thế thì cái đã xuất hiện như thế giới từ trước cho tới giờ, bỗng nhiên, trong một khoảnh khắc, trở thành điều thiêng liêng. Thế giới không phải là thực tại, nhưng cố hiểu rằng Thượng đế cũng không phải là thực tại; đấy chỉ là hai cách nhìn vào sự tồn tại. Thế giới là kinh nghiệm của đôi mắt không yêu, điều thiêng liêng là kinh nghiệm của đôi mắt đầy yêu.
Vấn đề không phải là cái được quan sát, vấn đề là ở cách nó được quan sát. Điều bạn thấy là không có giá trị nhưng cách bạn thấy mới giá trị, vì cách bạn thấy xác định ra sự tồn tại của bạn. Nếu bạn không thể thấy được điều thiêng liêng thế thì đừng nghĩ rằng điều thiêng liêng là không có đấy, chỉ biết rằng không có yêu trong mắt bạn. Nếu thế giới này và chỉ thế giới này là rõ ràng cho bạn, thế thì đừng nghĩ rằng đây là mọi thứ có đấy. Hiểu rằng mắt bạn không có yêu, chúng trống rỗng yêu. Khi mắt bạn trống rỗng yêu thế thì bất kì cái gì tới trong kinh nghiệm của bạn cũng đều chỉ là ảo tưởng, nó là giả - bởi vì để biết tới chân lí không có cách nào ngoại trừ thông qua yêu.
Dường như ai đó đang chơi đàn veena, và bạn cố gắng lắng nghe bằng đôi mắt - không cái gì sẽ được nghe. Mắt bạn không phải là phương tiện để nghe, bạn không thể nghe bằng mắt được. Đàn veena đang được chơi, âm nhạc vang lên nhưng bạn sẽ không nghe thấy nó bởi vì bạn đã không dùng phương tiện mà có thể tạo ra kết nối. Âm nhạc phải được nghe, nó không thể được nhìn. Người điếc có thể ngồi và quan sát ngón tay của nhạc sĩ chơi trên dây nhưng điều kì ảo xảy ra giữa các sợi dây và ngón tay anh ta sẽ không nghe thấy được. Không có cách nào để nghe bằng mắt.
Dường như là ai đó cố gắng nhìn hoa bằng tai. Hoa sẽ nở, hương thơm ngát bay theo gió, ong và bướm sẽ biết điều đó, thông điệp này con bọ cánh cứng cũng biết, nhưng người để tai gần hoa sẽ chẳng thấy gì. Anh ta sẽ không biết khi nào nụ hoa nở, khi nào nó trở thành đoá hoa, khi nào hương thơm bao quanh nó, khi nào hương thơm lan toả, khi nào nụ thành hoa và dâng cho vũ trụ, khi nào khoảnh khắc hoa mở ra và trôi qua - chẳng điều nào được biết qua tai cả. Nó cần mắt và mũi; nó cần đúng phương tiện.
Khi bạn nói bạn không thể thấy bất kì cái gì khác ngoại trừ thế giới này, điều đó chỉ có nghĩa là bởi vì cách thức bạn đã học để thấy cho tới giờ, bạn chẳng thể thấy điều gì khác.
Có một câu chuyện Baul cổ:
Một fakir đang nhảy múa trong vườn hoa, nhảy múa với hoa, với chim chóc, và một học giả tới chỗ ông ta hỏi, “Tôi nghe nói rằng ông bao giờ cũng lặp lại ‘yêu, yêu’. Dẫu sao yêu này là gì vậy?” Ông fakir vẫn cứ nhảy múa, bởi vì còn câu trả lời nào khác ngoại trừ việc nhảy múa nữa?
Tình yêu đang mưa rào khắp xung quanh. Cây hiểu nó, hồ hiểu nó, mây trắng lang thang trên trời hiểu nó - nhưng ông học giả này mù.
Ông fakir vẫn cứ nhảy múa. Học giả nói, “Đừng nhảy như con choi choi nữa; trả lời câu hỏi của tôi. Đấy không phải là câu trả lời, cứ nhảy loanh quanh mãi. Tôi đang hỏi. “Yêu là gì?”
Ông fakir nói, “Tôi là tình yêu đây. Và nếu ông không thể thấy được điều đó trong điệu vũ của tôi thế thì chắc chắn ông sẽ không thấy được nó chút nào khi tôi dừng nhảy múa. Nếu ông không thấy được nó trong khi tôi hát thế thì nó sẽ còn vượt xa ra ngoài hiểu biết của ông khi tôi trở nên im lặng. Tôi đã trao cho ông câu trả lời rồi đấy.”
Học giả bắt đầu cười, Ông ta nói, “Câu trả lời này chỉ dành cho những kẻ ngốc! Ta là người biết kinh sách - ta muốn có câu trả lời đúng. Ta không phải là dân quê vô giáo dục - ta biết Veda, Upanishad, ta đã đọc Gita. Cho ta câu trả lời nhạy cảm. Bằng không nói rằng ông không biết câu trả lời.”
Ông fakir hát lên một bài ca. Trong bài ca đó ông ấy nói, “Tôi đã nghe rằng ngày xưa một sự việc xảy ra - rằng hoa đã nở trong vườn và người làm vườn nhảy múa với niềm vui về cái đẹp của những hoa duy nhất đó. Ông thợ kim hoàn của thành phố tới và nói, “Sao ông say sưa thế! Kinh nghiệm vĩ đại nào đã xảy ra vậy? Đâu là lí do của ông để mà nhảy múa?”
“Người làm vườn nói, ‘Nhìn những đoá hoa này!’
“Thợ kim hoàn nói, “Đợi đã! Tôi sẽ không đồng ý mà không thử chúng.’ Ông ta rút ra viên đá thử vàng từ trong túi, cái mà ông ấy vẫn dùng để thử vàng.”
Có một loại đá mà người ta dùng nó để thử xem vàng là thực hay là giả.
‘Ông ta cọ hoa vào viên đá, nhưng chẳng thể biết gì được theo cách này - hoa bị chà nát và chết.”
Hoa phải đã cười, cây phải đã cười, mây trên trời cũng phải đã cười. Và người làm vườn cũng đã cười.
Ông fakir cười và nói với học giả, “Điều ông đang hỏi tôi cũng hệt vậy: ông muốn thử tình yêu trên hòn đá logic.”
Hoa sẽ chết nếu chúng bị cọ vào viên đá... đá chỉ thử được vàng bởi vì có tương tự nào đó giữa vàng và đá - vàng cứng như đá. Bạn đã bao giờ thấy vàng nở hoa chưa? Nó là thứ chết. Vật chết nhận ra vật chết. Hoa sống: nếu bạn thử nó trên viên đá nó sẽ chết. Chỉ dấu vết cái chết của nó là còn lại, chỉ máu của hoa là còn trên đá; nhưng sẽ chẳng có thông tin nào từ hòn đá để nói về liệu hoa là thật hay là giả.
Viên đá thử vàng là việc khác. Nhưng nếu bạn không thể thấy được điều thiêng liêng trong thế giới này, thế thì biết rằng bạn đang giống như ông thợ kim hoàn vẩn vơ trong vườn hoa với viên đá thử vàng. Theo cách này bạn sẽ chẳng bao giờ gặp được hoa; hòn đá trong tay bạn ngăn cản sự gặp gỡ của bạn với hoa. Cách bạn nhìn đang tạo ra chướng ngại. Cách bạn hiện hữu giữ cho điều thiêng liêng ở xa khỏi bạn.
Khi bạn tới và nói rằng bạn không thể thấy được Thượng đế, thế thì tôi không cố chứng minh Thượng đế hay bảo bạn rằng Thượng đế tồn tại - điều đó sẽ là vô ích. Điều đó sẽ giống như chơi đàn veena trước người điếc, điều đó sẽ giống như thắp đèn trước người mù, điều đó sẽ giống như rắc hương thơm trước người tịt mũi. Không, tôi không làm điều sai lầm như thế này.
Khi bạn hỏi, “Thượng đế ở đâu?” thế thì tôi biết bạn đang thực sự hỏi, “Tình yêu ở đâu?” bởi vì Thượng đế còn là cái gì khác được ngoài tình yêu? Bạn không nói điều gì về Thượng đế, bạn đang nói điều gì đó về bản thân bạn, điều chỉ ra rằng bạn không có con mắt của tình yêu. Tôi ước ao bạn có hiểu biết này; thế thì bạn sẽ không tìm kiếm Thượng đế bởi vì bạn sẽ hiểu đấy là việc tìm kiếm sai lối - bạn sẽ tìm kiếm yêu. Người biết yêu cũng biết điều thiêng liêng. Ngoại trừ yêu không có Thượng đế nào khác.
Yêu thậm chí còn lớn hơn Thượng đế bởi vì không thể có tiếp xúc nào với điều thiêng liêng trừ phi mắt bạn tràn đầy yêu. Tai bạn quan trọng hơn bất kì âm nhạc vĩ đại nào bởi vì không có tai âm nhạc sẽ không tồn tại nữa. Và tôi nói với bạn rằng mắt bạn quan trọng hơn cái đèn đẹp nhất. Mặt trời là nhỏ nếu so với mắt bạn. Đừng nghĩ dưới dạng toán học, nếu không bạn sẽ nghĩ rằng mắt bạn rất nhỏ và rằng mặt trời rất lớn. Và tôi nhắc lần nữa rằng mắt bạn bao la và mặt trời nhỏ bé - bởi vì mặt trời sẽ ở đâu nếu bạn không có mắt? Hàng triệu mặt trời có thể được thấy qua đôi mắt nhỏ của bạn. Và trong nhịp đập nhỏ bé của yêu, cái vô hạn của điều thiêng liêng có thể được hàm chứa.
Tình yêu của bạn là bao la. Bạn càng hiểu rõ sự kiện này nó sẽ càng có ích hơn, bởi vì nếu bước đầu tiên của cuộc hành trình mà đi sai thế thì mục đích sẽ bị mất vĩnh viễn. Nếu bước đầu tiên được lấy đúng thế thì một nửa cuộc hành trình đã được hoàn tất. Nếu bạn bắt đầu theo đúng hướng bạn đã đạt tới nửa đường rồi; bây giờ việc đi tới không còn khó khăn nữa, nó chỉ là vấn đề thời gian thôi.
Nhưng nếu bạn chọn bước sai thế thì bạn có thể cứ bước đi hết kiếp nọ tới kiếp kia mãi. Dù bạn có bước đi nhiều đến đâu, dù bạn có thể chạy nhanh đến đâu, dù bạn có dùng bao nhiêu nỗ lực và phương tiện, chẳng điều gì xảy ra cả. Có lẽ thậm chí trạng thái đối lập xảy ra: bạn càng cố gắng thêm nữa, bạn càng đi xa thêm; bạn càng chạy nhanh hơn, khoảng cách càng lớn hơn. Không ai có thể đạt tới bằng việc chạy sai hướng. Thay vì thế, mọi người đạt tới thậm chí bằng việc bước đi chậm rãi nhưng đúng hướng. Và những người đã chứng ngộ đều nói rằng nếu hướng đi là tuyệt đối đúng thế thì thậm chí đến một bước cũng chẳng cần nữa, thế thì mục đích là ở ngay chỗ bạn đang hiện hữu. Tôi cũng nói với bạn rằng thậm chí không cần di chuyển, bởi vì mục đích chẳng xa xôi gì cả. Mục đích là ở ngay trong mắt bạn, nó là trong chính cách bạn nhìn nhận.
Có cách nhìn bằng yêu - nó vận hành như ảo thuật, nó là thuật giả kim. Theo cách nhìn này cái gì đó trở thành thấy được, điều mà trước đây không hiển nhiên. Cũng có cách nhìn không có yêu, nhưng nhìn không yêu là cách nhìn mù quáng. Qua cách nhìn này người ta thấy cái chẳng bao giờ thấy được qua con mắt yêu. Thế giới và điều thiêng liêng chẳng bao giờ có thể được kinh nghiệm đồng thời. Đây là lí do tại sao các nhà tiên tri, như Shankara - nói, “Thế giới là ảo tưởng.”
Nhưng đừng nghĩ rằng chỉ bởi vì ông ấy nói thế giới là ảo tưởng mà Shankara sẽ không đi xin thức ăn. Nếu thế giới này là ảo tưởng chắc đã không có ai để mà xin. Đừng nghĩ rằng thế giới này là ảo tưởng có nghĩa là Shankara sẽ không cảm thấy đói, bởi vì làm sao có thể có đói nếu mọi thứ đều là ảo tưởng? Đừng nghĩ rằng khi Sankara đói và ông ấy ăn thức ăn mà cái đói của ông ấy không được thoả mãn. Có cái đói và cái đói này cũng được thoả mãn. Ông ấy đi xin thức ăn và ông ấy vẫn nói, “Thế giới này là ảo tưởng.”
Có một câu chuyện:
Một hoàng đế lập dị nghe nói về giáo huấn của Shankara và giáo huấn này chẳng hấp dẫn gì ông ta. Chúng chẳng hấp dẫn được ai cả - chúng không hấp dẫn cả bạn nữa. “Thế giới này là ảo tưởng!” - làm sao bạn có thể tin vào điều đó được? Thử đi ra khỏi phòng bằng việc bước qua tường mà xem, đầu bạn sẽ đập vào tường và chảy máu. Nếu tường là ảo tưởng thế thì bạn phải có thể bước qua nó chứ - cái gì ngăn cản bạn? Tường ảo tưởng có thể dừng bạn được không? Và bạn có thể bước qua cửa ra vào cho nên chắc chắn có khác biệt cơ bản, thực dụng giữa cửa và tường: đầu bạn đập vào cái này nhưng không đập vào cái kia.
Hoàng đế lập dị. Ông ta nói, “Đợi đã! Ta không tin chỉ qua việc thảo luận về nó. Ta là người thực hành, không phải người lí tưởng. Cho nên đợi đã, quyết định này không nên đưa ra theo logic. Ông có tài về logic. Quyết định của ta sẽ được đưa ra qua kinh nghiệm về cái gì là thực, cho nên đợi đã.”
Ông ta bảo người giữ voi đem con voi điên tới. Hoàng đế có một con voi điên, chân bị buộc xích nặng để còn kiểm soát được nó. Có lần khi voi xổng nó đã giết chết mấy người. Nhiều lần nó xoay xở phá tung dây xích. Con voi điên đó được đem tới.
Hoàng đế đứng trên mái lâu đài để theo dõi và mọi người ẩn kín trong nhà; con đường dẫn tới lâu đài vắng tanh. Shankara bị bỏ trên con đường đó còn con voi điên cũng được đem tới đó và thả lỏng. Shankara chạy trốn kêu la ầm ĩ.
Có lẽ bạn sẽ tự hỏi rằng nếu thế giới là ảo tưởng, thế thì tại sao Shankara bỏ chạy trước con voi ảo tưởng ấy? Nhà tiên tri phải không hành xử kiểu này - và đây cũng là điều hoàng đế đã nghĩ.
Shankara đã được bảo vệ trước khi con voi có thể gây hại gì cho ông ấy bởi vì vấn đề không phải là làm hại Shankara mà chỉ để thử liệu ông ấy có thực tin rằng thế giới là ảo tưởng hay không. Mồ hôi còn ướt đẫm, sợ hãi toát ra từ các giác quan của ông ấy, ông ấy được triệu tới cung điện vua. Hoàng đế bắt đầu cười và nói, “Nói cho ta bây giờ thế giới có là ảo tưởng hay không.”
Shankara nói, “Tâu bệ hạ, thế giới chắc chắn là ảo tưởng.”
Hoàng đế bật cười và nói, “Ông điên rồi! Điều này là tuyệt đối điên! Sao ông bỏ chạy? Sao ông la hét? Sao ông khóc? Sao mồ hôi vẫn còn đầy mặt ông? Sao tim ông vẫn còn đập nhanh thế? Tất cả những điều đó là bởi vì con voi ảo tưởng chăng?”
Shankara nói, “Tâu bệ hạ, điều này là ảo tưởng như con voi vậy. Với voi thật sẽ có nước mắt thật. Với voi ảo tưởng có nước mắt ảo tưởng. Việc chạy của tôi cũng là ảo tưởng, việc la hét của tôi cũng là ảo tưởng, việc nghe điều đó của bệ hạ cũng là ảo tưởng.”
Hoàng đế hét lên, “Chấm dứt cái điều vô nghĩa này đi! Ông điên rồi! Ông thậm chí còn điên hơn cả con voi nữa. Bây giờ chẳng có gì nữa để mà thảo luận cả.”
Trên bề mặt dường như là Shankara đã đưa ra một câu trả lời kì lạ, nhưng nó đúng. Khi Shankara nói, “Thế giới này là ảo tưởng” điều đó không có nghĩa là thế giới này không tồn tại. Nó đơn giản có nghĩa là bạn chỉ nhìn vào thực tại theo cách sai, do đó mọi việc không phải như chúng hiện hữu. Cảm nhận của bạn là sai và ‘thế giới’ này là cảm nhận của bạn, nó là phóng chiếu của bạn lên chân lí. Bạn vẫn còn chưa biết tới chân lí, bạn chỉ mới định nghĩa nó, và định nghĩa của bạn sai. ‘Thế giới’ là định nghĩa của người dốt nát về brahman, thực tại tối thượng.
Và khi mắt bạn mở ra trong nhận biết và dòng suối yêu bắt đầu chảy từ chúng, thế thì bạn sẽ thấy cũng cùng thế giới này nhưng từ một góc độ khác, từ một cảnh quan khác. Thế thì một hoàn cảnh khác sẽ xuất hiện và mọi định nghĩa của bạn sẽ thay đổi. Thế thì bạn có thể nói, “Điều tôi đã thấy trước đây là giả,” bởi vì đối diện với thực tại bao la hơn này, điều bạn đã thấy trở thành không có ý nghĩa. Thế thì bạn sẽ nói, “Bất kì cái gì tôi đã thấy cho tới giờ đều không đúng, cách nhìn mới này đã cắt bỏ nó.” Việc thấy của bạn là điều quyết định.
Đây là lí do tại sao ở Ấn Độ siêu hình được gọi là darshan, kiến. Ở phương Tây người ta dùng từ ‘triết lí’. ‘Triết lí’ không phải là một từ quí giá như ‘darshan’. Triết lí có nghĩa là suy nghĩ, suy tư; nó không phải là việc thấy. Triết lí có nghĩa là nghĩ về cuộc sống, suy tư về cuộc sống và đưa ra kết luận. Darshan có nghĩa là bất kì cái gì bạn nghĩ và kết luận đều không thể là chân lí bởi vì trong kết luận của bạn, trong suy nghĩ của bạn, bạn sẽ được bao hàm. Định nghĩa của bạn sẽ là định nghĩa của bạn. Chỉ nhìn thẳng không đem lời vào.
Khi nào việc thấy tối thượng xảy ra? Tại sao yêu được gọi là việc thấy tối thượng? Tại sao? Đấy là vì trong khoảnh khắc của yêu người quan sát và cái được quan sát trở thành một. Chính nghĩa của yêu là ở chỗ bạn không tách rời khỏi người bạn đang thấy. Bạn cởi mở, bạn gần gũi, bạn có sẵn cho người bạn đang thấy. Người bạn đang thấy chính là người yêu dấu của bạn, không phải là người lạ. Bạn coi người đó là sự mở rộng của bản thân bạn, không phải ai đó tách biệt; bạn là một với người đó. Yêu nghĩa là bạn là một với người bạn đang nhìn vào; người đó không tách biệt. Trái tim bạn và trái tim người đó cùng đập rộn ràng với nhau, hơi thở bạn và hơi thở người đó cùng nhịp điệu, không có bức tường nào giữa bản thể bạn và bản thể của người đó. Đây là ý nghĩa thực duy nhất của yêu: tất cả các bức tường đều đã biến mất. Thế thì người quan sát đã trở thành cái được quan sát.
Krishnamurti liên tục nói, “Người quan sát là cái được quan sát.” Ông ấy định nghĩa yêu: người quan sát đã trở thành cái được quan sát, cái được quan sát đã trở thành người quan sát. Cả hai đã hội nhập - giống như khi sữa và nước trộn lẫn với nhau, thế thì việc tách chúng ra lần nữa là khó khăn.
Có nhiều cách hội nhập. Dầu và nước có thể được trộn lẫn, nhưng dù cho bạn có cố gắng trộn lẫn chúng đến đâu, việc tách rời của chúng vẫn cứ còn - dầu và nước không thể nào trộn lẫn được. Nhìn cái gì đó không có yêu cũng tựa như là dầu và nước vậy: đấy là việc thấy mà không có gặp gỡ. Nhưng làm sao bạn có thể thấy được khi mà bạn chưa trở thành một với cái bạn thấy? Làm sao bạn có thể đi vào cốt lõi bên trong nhất của thực tại? Làm sao bạn có thể đạt tới những chiều sâu thân mật khi mà bạn còn chưa hội nhập lại? Trở thành một với nó đi, giống như sữa và nước vậy.
Bạn thấy một đoá hoa. Hoa ở kia và bạn ở đây. Dần dần, dần dần cả hai phải biến mất cho tới khi chỉ việc kinh nghiệm về hoa còn lại. Người kinh nghiệm không còn mà hoa cũng không còn, chỉ luồng kinh nghiệm giữa chúng là còn lại. Nơi mà người quan sát và cái được quan sát biến mất, darshan xảy ra.
Yêu là tối thượng. Không có cách nào để biết ngoại trừ qua yêu. Bạn đã bao giờ nghĩ, bạn đã bao giờ quan sát, thử, biết rằng những khoảnh khắc quí giá nhất trong cuộc sống tới như cái bóng của yêu không? Bạn có thể chỉ biết một người bạn yêu. Dù bạn có cố gắng vất cả đến đâu, bạn cũng chỉ đi lòng vòng quanh những người mà bạn không yêu - giống như mọi người đi vòng quanh ngôi đền vậy. Nó sẽ chỉ là ở phần ngoại vi thôi. Bạn sẽ chỉ lang thang bên ngoài, bạn sẽ không thể nào đi vào trong được bởi vì khả năng đi vào trong xảy ra chỉ khi bạn sẵn lòng chìm xuống và tan biến bản thân mình trong yêu.
Khi bạn trở nên sẵn sàng biến mất, thế thì người kia cũng trở nên sẵn sàng biến mất. Sự sẵn sàng của bạn tạo ra tiếng vọng của sự sẵn sàng trong người kia giống như hai giọt nước cứ gần nhau hơn, sẵn sàng biến mất - chúng hội nhập vào lẫn nhau và trở thành một giọt nước. Cách để trở thành một giọt nước là qua yêu. Người biết tới yêu này cũng biết Thượng đế.
Nhưng thế thì người ấy sẽ gặp khó khăn. Khi bạn hỏi, “Thượng đế đâu?” người ấy sẽ hỏi “Thế giới đâu?” Đây là nghĩa của ảo tưởng. Bạn nói, “Thượng đế là vô hình”; người ấy nói, “tất cả những cái thấy được đều là Thượng đế. Mọi cái khác đều là ảo tưởng - duy nhất Thượng đế hiện hữu.” Thế giới được biết qua yêu là Thượng đế; Thượng đế được biết mà không có yêu là thế giới. Đấy là những cách thức bạn thấy.
Hiểu thêm vài điểm nữa, thế thì những phát biểu đơn giản của Sahajo sẽ được hiển lộ ra với sự huy hoàng rực rỡ. Những phát biểu này rất đơn giản và trực tiếp, không phức tạp. Nhưng nếu nền tảng cho các phát biểu đó không sẵn sàng, thế thì bạn có thể lặp chúng mà bạn vẫn không hiểu. Những điều đơn giản nhất cũng có thể trở thành khó khăn nhất nếu nền tảng để hiểu chúng không có đó. Những điều khó khăn nhất cũng có thể trở thành đơn giản nhất nếu nền tảng cho hiểu biết là sẵn có.
Điều thứ nhất: bạn đã bao giờ thấy trẻ nhỏ đọc chưa? Thậm chí bạn có đưa cho một đứa trẻ bài thơ vĩ đại của Rabindranath Tagore, đứa trẻ nhỏ vẫn không thể đọc được những từ lớn lao đó, nó phải bẻ chúng ra. Nếu ‘Thượng đế’ được viết ra thế thì nó sẽ đánh vần Thượng riêng, đế riêng; nó bẻ ra thành từng vần, từng từ. Khi bạn thấy đứa trẻ nhỏ đọc cho dù là bài thơ vĩ đại bạn sẽ thấy rằng bài thơ đã bị mất và chỉ các vần các tiếng còn lại. Bằng việc nghe đứa nhỏ này bạn thậm chí sẽ không thể nhận ra thơ của Rabindranath nữa. Có lẽ bạn sẽ trở nên chán ngấy về điều nó đang nói và bạn nói, “Thôi đi. Cháu nói toàn những điều vô nghĩa.”
Tất cả những cái hay của bài thơ đã bị mất. Tại sao? Bởi vì cái hay của bài thơ là ở tính toàn thể của nó còn đứa trẻ chia nhỏ nó ra thành từng mẩu - dường như ai đó có một bức tượng đá cẩm thạch đẹp và bạn dùng búa đập nó ra. Nó sẽ thành các mảnh vụn. Đá vẫn thế, bạn chẳng thêm cái gì cũng chẳng bớt cái gì cả. Búa không cho thêm cũng chẳng lấy đi, búa chỉ đập vỡ. Nếu sau đó bạn cân đá nó vẫn nguyên trọng lượng như bức tượng trước đây; vậy mà cái gì đó đã bị phá huỷ, cái không thể nào được biết chỉ bởi việc cân đo. Giá trị của bức tượng có thể đến vài triệu đồng ru pi, bây giờ nó chẳng đáng giá lấy một xu. Chất lượng đá cẩm thạch vẫn như cũ. Nếu bạn ra chợ bạn có thể biết giá của đá cẩm thạch, nhưng bức tượng đã mất.
Tôi đã nghe:
Chuyện xảy ra trong một thành phố khi một người đàn ông, một nông dân nghèo, từ rừng cưỡi ngựa trở về nhà, ông ta thấy một lữ khách đang đứng dưới cây. Lữ khách nói, “Xin đợi một chút! Nếu ông để tôi vẽ bức tranh con ngựa của ông tôi sẽ cho ông năm ru pi!”
Người này ngạc nhiên. Ông ta không thể nào kiếm nổi năm đồng ru pi ngay cả với việc dùng ngựa chở đồ cả ngày, thế mà người này yêu cầu chỉ để vẽ tranh. Ông ta nói, “Tôi hài lòng lắm, xin ông cứ vẽ đi.”
Người này là một hoạ sĩ. Ông ấy đã vẽ tranh con ngựa và cho người nông dân năm đồng ru pi. Rồi ông ấy trở về thành phố nơi ông ấy đã tới.
Sau nhiều tháng người dân làng này cưỡi ngựa vào thành phố làm vài việc. Trong chợ ông ấy thấy một đám đông lớn bên ngoài một chiếc lều. Vé vào cửa là năm ru pi và bên trong có một công trình nghệ thuật tuyệt vời. Mặc dầu ông này chỉ là một dân làng nghèo khó, ông ấy có năm ru pi mà người hoạ sĩ đã đưa cho ông ấy. Ông ấy kiếm được nó dễ dàng và ông ấy không nghĩ đến việc tiêu nó, mà ông ấy cũng chẳng có nhiều nhu cầu nên tiền vẫn còn trong túi ông ấy.
Ông ấy nghĩ, “Sao không vào? Mình đã tới thành phố này và ở đây toàn đám đông, mọi người đều xếp hàng.” Cho nên ông ấy cũng xếp hàng, trả năm đồng ru pi và bước vào bên trong. Nhưng khi ông ấy vào trong ông ấy rất ngạc nhiên, bởi vì công trình nghệ thuật chính là bức ảnh con ngựa của ông ấy!
Ông ấy túm lấy người hoạ sĩ. Ông ấy nói, “Phải có giới hạn cho việc ăn cướp trắng trợn này. Tại đây ông kiếm hàng nghìn đồng ru pi, mà ngựa tôi vẫn sống sờ sờ ra đó, đang đứng ở ngoài kia kìa - ông chỉ làm mỗi việc vẽ nó, ông chỉ vẩy vài mầu sắc lên tấm giấy. Chẳng ai trả đến năm đồng ru pi để xem con ngựa sống, nếu không tôi đã thành triệu phú. Nhưng người ta trả năm ru pi chỉ để xem bức vẽ của ông. Và có đám đông lớn thế, cả thành phố đều thích nó.
“Và để đến và xem nó tôi đã phải trả cũng năm ru pi mà ông đã trả cho tôi. Nếu đấy là một công việc kinh doanh tốt thế thì tại sao tôi không thể đem ngựa của mình đến và để cho nó đứng cạnh bức tranh của ông? - và ông cũng có thể tính tiền thêm về nó.”
Hoạ sĩ trả lời, “Điều ấy không thể được.”
Người dân làng hỏi, “Nhưng cái gì có đó trong mẩu giấy này, trong mầu sắc này, trong những đường vẽ này? Cái gì có đó? Nó tất cả giá bao nhiêu?”
Hoạ sĩ trả lời, “Nếu ông hỏi về giá của giấy và mầu vẽ nó chẳng đáng kể gì. Nó thậm chí còn ít hơn năm ru pi. Nhưng cái được diễn tả qua mầu sắc và giấy là vô giá, nó không thể nào mua được. Mặc dầu ngựa của ông có thể sống đấy, hôm nay hay ngày mai nó sẽ chết. Bức tranh này là vĩnh cửu, nó là mãi mãi. Ngựa giống như ngựa của ông tới rồi đi, bức tranh này sẽ còn lại. Bức tranh ngựa này không chỉ là tranh vẽ về con ngựa của ông, nó là cái tinh tuý của tất cả các con ngựa.”
Trí tuệ của người dân làng này chắc chắn là không thể nào hiểu nổi điều này. Và bạn không thể nào hiểu nổi điều thiêng liêng qua trí tuệ của bạn vì trí tuệ rất nguyên thuỷ. Một đứa trẻ nhỏ thậm chí sẽ đọc bài thơ theo từng phần, và theo cách này cái hay của thơ sẽ bị mất bởi vì cái hay của thơ là ở trong tính toàn thể của nó.
Khi bạn nhìn thế giới qua tâm trí thế thì bạn đang nhìn vào sự tồn tại theo từng phần, từng mẩu. Suy nghĩ có nghĩa là phân tích, chia ra thành từng phần. Đây là điều mà khoa học làm - nó phân tích để biết. Nếu bạn nói rằng một đoá hoa rất đẹp nhà khoa học sẽ nói, “Trước hết chúng ta sẽ đem nó đến phòng thí nghiệm để phân tích nó. Chúng ta sẽ phân tách các khoáng chất, chúng ta sẽ chia nó ra thành các thành tố - bao nhiêu nước... Chúng ta sẽ mổ xẻ nó và phân tích nó và sẽ nói cho bạn chi tiết về mọi thứ tạo nên nó.” Nhà khoa học sẽ phân tách các bộ phận, cho chúng vào trong lọ và dán nhãn, nhưng đừng hỏi ông ta, “Ông đặt cái đẹp vào lọ nào vậy?” Ông ấy sẽ nói, “Tôi chẳng thấy cái đẹp đâu cả. Tất cả những bộ phận khác nhau đều trong các lọ này rồi; tôi có bỏ sót cái gì đâu. Mọi thứ đều ở đây cả, ông có thể cân chúng lên. Cái đẹp này phải là ảo tưởng của ông rồi vì tôi không thấy cái đẹp khi tôi mổ xẻ hoa ra. Và tôi có loại trừ cái gì đâu, trọng lượng vẫn thế.”
Cùng cái dốt nát ấy xảy ra khi bạn cố gắng hiểu con người. Nhiều thực nghiệm đã được tiến hành. Một người sắp chết, và trước hết người ta cân người còn sống này rồi cân ông ta khi ông ấy chết. Nếu linh hồn đã rời đi, ông ta phải cân nhẹ hơn. Nhưng trọng lượng không nhỏ đi - nhiều lần thậm chí nó còn trở nên lớn hơn.
Bạn sẽ ngạc nhiên rằng khi linh hồn đã rời đi trọng lượng của thân thể nặng hơn. Bởi vì khi hơi thở dừng khả năng của thân thể duy trì bản thân nó, giữ bản thân nó còn được tích hợp, bị chấm dứt. Cho nên nhiều không khí đi vào thân thể và bởi vì điều này mà đôi khi thân thể cân nặng hơn. Khi thân thể trương phềnh lên với không khí nó không nhẹ đi, nó có thể nặng thêm. Cho nên việc cân thân thể để tìm xem liệu linh hồn có rời đi sau khi chết hay không chỉ là việc cân thân thể mà thôi. Nhưng linh hồn là sự tích hợp của thân thể; nó chính là chất thơ của cuộc sống.
Linh hồn không được biết qua việc phân tích các ý nghĩ nhưng được biết qua việc kinh nghiệm về yêu. Nếu bạn đã từng yêu ai đó thế thì bạn sẽ nhận ra rằng người ấy không chỉ là thân thể. Đây có thể là tiêu chuẩn cho việc liệu bạn đã thực sự yêu hay chưa. Nếu bạn chỉ thấy thân thể của người mình yêu, của người yêu bạn, của con bạn, của vợ bạn hay bạn bè bạn, thế thì bạn vẫn còn chưa yêu. Nếu bạn đã biết yêu, bạn sẽ nhận ra rằng tình yêu của bạn không chỉ đơn thuần về thân thể; nó là bao la, bao la vô hạn hơn thân thể. Thân thể chỉ là hiện tượng nhất thời; cái bên trong là vĩnh hằng, bất tử. Cái ở bên trong là tinh tuý của sự tồn tại. Nó là cực điểm của tâm thức. Nhưng để thấy nó bạn cần đôi mắt thấy cái toàn bộ.
Yêu nhìn vào cái toàn thể - nó là mắt nhìn của chim. Nó giống như khi chim bay trên bầu trời và nhìn xuống và thấy mọi thứ trong tính toàn thể của nó. Khi bạn bước đi trên đường bạn thấy một cây, thế rồi cây thứ hai, rồi cây thứ ba, rồi cây thứ tư: bạn tách bạch. Chim bay trên trời thấy tất cả các cây ngay một lúc. Yêu cho bạn thái độ này. Dường như là bạn là chim đang bay trên trời và từ chiều cao đó bạn thấy cuộc sống trong tính toàn thể của nó, trong cái một của nó. Đó là việc kinh nghiệm điều thiêng liêng.
Người biết tới tính toàn thể, biết tới sự tồn tại. Người chỉ biết bộ phận không thể nào vượt ra ngoài thế giới này. Mặc dầu tất cả các bộ phận đều là một phần của cái toàn thể, cái toàn thể này là nhiều hơn tổng cộng của các bộ phận. Hiểu điều này cho đúng: tất cả các bộ phận đều thuộc vào cái toàn thể nhưng cái toàn thể là nhiều hơn việc tổ hợp của tất cả các bộ phận. Cái toàn thể có thể được thấy trong từng bộ phận của nó, nhưng nó không chấm dứt ở đó. Nó ở bên trong các bộ phận, nhưng có giới hạn cho các bộ phận. Cái toàn thể là không giới hạn.
Chẳng hạn, bạn thấy bầu trời trên sân nhà bạn: chắc chắn bầu trời có đó, nhưng sân nhà bạn không phải là toàn bộ bầu trời. Điều bạn thấy trên sân nhà bạn cũng là bầu trời, nhưng bầu trời cũng tồn tại bên ngoài sân nhà bạn. Cái ở bên trong thân thể bạn không phải là toàn bộ điều thiêng liêng - nó không phải là toàn bộ bầu trời - mặc dầu nó cũng là điều thiêng liêng. Đây là khác biệt giữa linh hồn và điều thiêng liêng. Linh hồn là bầu trời bị đóng khung trong sân nhà. Điều thiêng liêng là khi các bức tường của sân nhà đã bị phá sập xuống và không còn tồn tại nữa. Chẳng phải làm gì để phá huỷ sân nhà cả, chỉ cần các bức tường phải bị phá đổ. Và bởi vì các bức tường này mà ảo tưởng đã được dựng lên, sau khi xoá bỏ chúng, ảo tưởng biến mất.
Nhị nguyên là không yêu, bất nhị là yêu. Đấy là vấn đề nhìn vào cái toàn thể. Để nhìn vào cái toàn thể bạn phải đi lên cao hơn. Đừng bước trên đất; bạn phải bay trên trời! Để biết cái toàn thể bạn phải vứt bỏ thói quen phân chia thành bộ phận này. Biết trạng thái vô suy nghĩ là yêu và biết trạng thái vô suy nghĩ là thiền. Ở trong trạng thái vô suy nghĩ là thiền, là yêu. Không ý nghĩ nào nên còn lại bên trong bạn. Khi bạn ở sâu trong yêu, ý nghĩ của bạn trở nên ít đi.
Đôi khi ngồi gần người yêu, bạn thấy rằng im lặng bao quanh bạn. Bạn trở nên im lặng, chẳng cái gì còn lại để nói. Hay có nhiều điều thế để nói, nhưng biết nói nó thế nào? - thật khó đưa vào lời nói. Dường như là việc đưa nó thành lời sẽ làm cho nó thành nói dối, đấy sẽ là tội lỗi. Bằng việc nói ra, vẻ huy hoàng của hiện tượng này sẽ bị mất, sẽ bị phá huỷ. Lời không thể nào diễn đạt cái bắt đầu trưởng thành bên trong, cái chỉ đang kết tinh bên trong. Lời không thể diễn đạt được nó, chúng bị giới hạn. Chúng chỉ dành cho bãi chợ, trong cửa hiệu, trong văn phòng, trong xưởng thợ - chúng không dành cho yêu.
Cho nên bất kì khi nào hai người ngồi im lặng với nhau, biết rằng họ đang trong yêu sâu sắc. Hay bất kì khi nào hai người đang trong yêu, thế thì bạn sẽ thấy rằng họ đang trong im lặng sâu sắc. Người yêu trở thành im lặng. Và nếu bạn học nghệ thuật trở thành im lặng, thế thì bạn sẽ trở thành người yêu. Thế thì khi bạn ngồi im lặng bên cạnh ai đó bạn sẽ cảm thấy được nối liền bởi tình yêu. Nếu bạn ngồi im lặng cạnh cây, thế thì bạn sẽ trong giao cảm với cây. Nếu bạn ngồi im lặng gần sông, thế thì bạn sẽ trong hài hoà với sông, và khi bạn im lặng nhìn lên các vì sao trên trời, bạn sẽ đột nhiên thấy bạn đang được nối với các vì sao. Những cánh cửa vô hình nào đó đã mở ra, bức rèm nào đó đã được kéo sang bên.
Yêu thấy cái toàn thể. Để thấy cái toàn thể bạn phải im lặng, bởi vì chỉ trong im lặng bạn mới là cái toàn thể. Thế thì các bức tường của sân nhà bạn sụp đổ và bạn trở thành giống như bầu trời. Để tôi nói nó theo cách này: nếu bạn muốn biết điều thiêng liêng bạn sẽ phải trở thành giống điều thiêng liêng. Trong yêu người ta trở thành điều thiêng liêng. Trong yêu chỉ điều thiêng liêng là còn - bên trong và bên ngoài, lên trên và xuống dưới - theo tất cả các hướng. Thế thì con sóng biến mất và chỉ đại dương là còn lại.
Những người không có yêu trong các kiếp sống của họ, sống trong thế giới vật chất. Họ phát điên vì tiền, quyền, danh, thành công, tham vọng và hàng nghìn kiểu điên rồ - vậy mà sẽ chẳng có yêu trong các kiếp sống của họ. Và bởi vì điều này mà tất cả những chứng điên khùng này bắt đầu xuất hiện.
Bạn đã từng bao giờ quan sát rằng người tham vọng không thể nào yêu được không? Tham vọng càng nhiều người tham vọng càng nói, “Ngày mai... tình yêu ngày mai sẽ tới. Hôm nay nó là tiền, hôm nay nó là quyền.”
Hay anh ta sẽ nói, “Bây giờ bầu cử đang tới gần hơn, làm sao tôi có thể yêu hôm nay được? Tôi phải tới Delhi bây giờ, vậy làm sao tôi có thể nhớ tới việc đi đến đền thờ?” Anh ta nói, “Bây giờ không phải là lúc hát bài ca, bây giờ là lúc trút đầy hầm tiền.” Anh ta nói, “Tôi còn trẻ, tại sao tôi phải lãng phí sinh lực bây giờ vào yêu? Bây giờ tôi phải kiếm tiền; khi tay tôi quá yếu không kiếm tiền nổi thế thì tôi sẽ yêu và cầu nguyện và tìm kiếm điều thiêng liêng. Chỉ có vài ngày để tận hưởng và có quá nhiều điều phải làm.”
Hiểu điều này đi - nó là điều thứ hai cần phải hiểu: những người không có yêu trong cuộc sống của họ sẽ có tham vọng nào đó khác, bởi vì tham vọng nào đó khác là cần thiết, cái có thể trở thành vật thay thế cho yêu. Nếu không họ sẽ hoàn toàn trống rỗng. Khi không có yêu bạn trống rỗng, và cái trống rỗng này phải được lấp đầy bằng thứ rác rưởi nào đó khác. Nếu không bạn sẽ không thể nào sống được, nếu không cuộc sống của bạn sẽ trở thành không thể được.
Tôi đã đọc hồi kí của một người Do Thái. Ông ấy bị Hitler cầm tù. Ông ấy đã viết rằng trong tù mọi người đều giống xác chết. Không có nghĩa nào còn lại trong cuộc sống của họ. Mọi nghĩa trong cuộc sống của họ đều bị mất; bất kì cái gì có nghĩa mà họ đã từng có trong cuộc sống của họ trước khi bị cầm tù - tất cả đều mất trong nhà tù. Người này là một bác sĩ và ông ấy nghiên cứu những người này. Ông ấy rất ngạc nhiên rằng bỗng nhiên... Ông ấy đã biết cùng những người này ở bên ngoài nhà tù và ở đó họ đã từng là những người rất nhiệt tình, rất năng động, rất nghị lực. Bỗng nhiên bên trong tù tất cả năng lượng này bị mất, tất cả những năng lượng này đều bị mất - họ ngồi thừ ra như cái xác. Người ta bắt đầu phát điên hay tự tử. Những người không tự tử hay phát điên trở thành ốm yếu. Ốm yếu này là bằng chứng cho ham muốn của họ được chết, dường như là họ muốn chết.
Ông ấy đã là bác sĩ cho nên ông ấy được chỉ định làm bác sĩ trong nhà tù. Ông ấy bắt đầu chữa trị người ốm, nhưng ông ấy ngạc nhiên thấy rằng các thuốc trước đây bao giờ cũng hiệu nghiệm bây giờ không có tác dụng lên những người này. Nếu ham muốn sống bị mất đi, thuốc nào có thể có tác dụng? Nếu bạn muốn sống thế thì thuốc đem tới cho một chút hỗ trợ, cái nạng. Khi bạn không muốn sống thế thì sinh lực của bạn không chấp nhận sự giúp đỡ của thuốc: thế thì thuốc chỉ vào thân thể rồi đi ra, nó trở thành nước tiểu và phân. Nó không thể trao bất kì đà nào cho sinh lực của bạn được.
Bản thân cái nạng không thể làm cho người què bước đi được. Khi người què dùng nạng, anh ta có thể bước đi. Nếu bạn trao chiếc nạng cho người què và anh ta không muốn bước, anh ta sẽ sớm ngã; không có nạng anh ta có thể ngã về sau, bây giờ với rắc rối phụ thêm của chiếc nạng anh ta sẽ sớm ngã hơn. Thuốc không chỉ tác dụng tốt lên con người.
Nhưng bác sĩ này ngạc nhiên rằng chẳng có thay đổi gì trong cuộc sống riêng của mình; sinh lực của ông ta vẫn còn như cũ. Bên ngoài nhà tù ông ấy đã chăm sóc mọi người và trong tù ông ấy cũng chăm sóc bệnh nhân, cố gắng cứu chữa họ. Trong thực tế cuộc sống của ông ấy ngày càng trở thành có ý nghĩa nhiều hơn bởi vì trước đây ông ấy đã từng chăm sóc bệnh nhân vì tiền còn bây giờ không có vấn đề tiền bạc nữa. Bên ngoài ông ấy thấy bệnh nhân như khách hàng, bây giờ không ai là khách hàng cả, không ai là người bán hàng hoá cả.
Khi bác sĩ chữa cho bệnh nhân, một tay ông ấy xem mạch còn tay kia lần hầu bao bệnh nhân. Nếu bệnh nhân rất giầu, dù cố ý hay không cố ý, bác sĩ cũng không muốn chữa cho ông ta ngay lập tức, ông ấy muốn ông này vẫn còn ốm lâu thêm chút nữa. Cho nên giầu mà ốm là nguy hiểm. Nhưng ai muốn chữa cho người giầu? Bác sĩ sẽ cho người giầu thuốc nhưng sâu bên trong ông ấy sẽ nghĩ rằng bệnh nhân này nên ốm lâu thêm chút nữa. Có lẽ bản thân ông ấy không biết về điều đó, nó có thể bị ẩn khuất trong vô thức của ông ấy. Nhưng ngay cả thế thì thuốc vẫn có tác dụng, nó cũng sẽ có hiệu quả, nó sẽ đem tới kết quả.
Trong tù bác sĩ không tạo ra việc kinh doanh, ông ấy giúp mọi người từ tình yêu. Nghĩa của cuộc sống ông ấy không bị mất. Tất cả các bạn bè ông ấy đều dần dần suy thoái, trở nên bệnh tật, phát điên, nhưng ông ấy ra khỏi tù vẫn mạnh khoẻ như trước đó. Sau đó ông ấy viết hồi kí rằng lí do duy nhất cho điều này là ở chỗ ngay cả trong tù ông ấy cũng có thể tìm ra nghĩa trong cuộc sống của mình.
Nếu cô độc sâu sắc xảy ra trong cuộc sống, thế thì cuộc sống sẽ bắt đầu sút giảm. Nếu không có yêu thế thì sẽ có cô độc. Cô độc này phải được lấp đầy theo hàng nghìn cách thức. Cái bạn gọi là thế giới, cơn khát về thế giới này, nó là cái gì? Nó là cách thức lấp vào chỗ trống này. Bạn có thể lấp nó bằng việc kiếm tiền. Đếm tiền và sắp tiền dường như là âm nhạc duy nhất cho họ: xử trí tiền bạc dường như là vui thú duy nhất, tiếp tục trèo lên những công việc quan trọng hơn. Nếu yêu không xảy ra trong cuộc sống của ai đó thế thì người ấy phải trút đầy cuộc sống mình từ đâu đó. Nếu không người ấy sẽ chết, người ấy sẽ tự tử. ‘Thế giới’ là nỗ lực để lấp đầy cái mà có thể đã được lấp đầy qua yêu.
Một nhà tư tưởng người Anh vĩ đại, Huân tước Acton, đã đưa ra một phát biểu nổi tiếng mà tôi đã nói cho bạn nhiều lần. Acton nói, “Quyền lực làm hư hỏng, và quyền lực tuyệt đối làm hư hỏng tuyệt đối.” Nhưng tôi nói với bạn rằng phát biểu của Acton không đúng. Quyền lực chẳng làm hư hỏng ai cả, nó đơn giản hấp dẫn hư hỏng. Tiền bạc không làm hư hỏng ai cả nhưng nó có thể hấp dẫn hư hỏng. Địa vị không thể làm hư hỏng ai cả, ngai vàng không thể làm hư hỏng ai cả - nhưng người hư hỏng tìm kiếm điên khùng ngai vàng hệt như bướm đêm lao vào lửa. Có lẽ bướm đêm đã từng biết tới - hay chúng có thể chưa từng biết tới về điều đó từ các bậc huynh trưởng của chúng vì chúng có thể đã chết trong ngọn lửa - nhưng trong thế giới của bướm đêm có thể có một ngạn ngữ, một tục ngữ: nhận biết về ngọn lửa, bướm đêm chết trong lửa. Nhưng bướm đêm đâu có nghe, chúng cứ lao tới. Bạn sẽ nói rằng đấy là do ngọn lửa giết chết bướm chăng? Không, chính bướm đêm đang hăm hở chết mới bị hấp dẫn về phía ngọn lửa.
Cho nên phát biểu của Huân tước Acton dường như có vẻ đúng bởi vì chúng ta đã quan sát mọi người đi vào trong chính trị và chúng ta đã thấy họ trở nên bị hư hỏng, cho nên điều đó rất đơn giản. Dường như là không có ngoại lệ nào cho nên Huân tước Acton có vẻ đúng. Tôi vẫn nói là ông ấy không đúng. Quyền lực chẳng làm hư hỏng ai cả, nó chỉ mời chào hư hỏng thôi. Quyền lực không thể nào làm hư hỏng bất kì ai, nó không thể làm thế được. Quyền lực chỉ phơi bầy ra hư hỏng đã có sẵn trong bạn.
Người nghèo không thể có được sức mạnh để thành hư hỏng; để trở nên hư hỏng bạn cần số tiền nào đó, nó là tốn kém, nó là xa hoa. Nếu người nghèo trở nên hư hỏng anh ta sẽ bị bắt, anh ta sẽ gặp khó khăn. Để hư hỏng, trước hết bạn cần có an toàn. Để hư hỏng, trước hết bạn cần quyền lực sao cho về sau khi khó khăn tới, chúng có thể chăm nom cho và bạn có thể được chúng cứu thoát. Trước khi trở thành hư hỏng bạn cần bộ giáp bảo vệ - bạn cần địa vị, danh vọng, tiền bạc, của cải, thành công, tên tuổi, cạnh tranh; tất cả những cái này vận hành như bộ giáp.
Và nếu bạn thấy rằng người nghèo không hư hỏng, thế thì đừng cho là anh ta không hư hỏng bên trong. Không nhất thiết phải như vậy. Thực tại sẽ chỉ được biết tới khi anh ta có tiền. Của cải là phép thử, địa vị là phép thử: chỉ thế thì những người thực sự thuần khiết ở bên trong mới không bị hư hỏng, những người đã thuần khiết, người không bị ô uế. Chỉ một trong một triệu người mới còn lại, tất cả những người khác sẽ bị hư hỏng. Họ sẽ bị hư hỏng bởi vì họ đã hư hỏng rồi, và chỉ sau khi có được cơ hội điều đó mới ló ra ánh sáng.
Cũng hệt như bạn đang ngồi trong phòng, trời tối, không có ánh sáng và mọi thứ dường như là ổn cả. Trời tối nên bạn không thể thấy mạng nhện hay rắn rết ẩn trong góc phòng, và bạn không biết về rết; bạn chẳng biết gì cả. Trong bóng tối này bạn đang ngồi thoải mái, mọi thứ đều ổn cả. Thế rồi ai đó thắp sáng ngọn đèn. Bạn có thể nói rằng chính do ánh sáng mà rắn, rết, mạng nhện và rác rưởi kéo vào trong phòng không? Chúng đã có đấy rồi, ánh sáng chỉ phô bầy những thứ này ra. Cái vẫn bị ẩn kín trong bóng tối, cái mà bóng tối đã che giấu, nay ánh sáng làm thành thấy được.
Nghèo khó che giấu nhiều thứ, của cải phô bầy chúng ra. Không có quyền lực trở thành tấm màn che giấu nhiều thứ, quyền lực loại bỏ tấm màn và nó làm cho người ta bị lột trần ra.
Không, quyền lực chẳng làm hư hỏng ai cả - nó mời chào hư hỏng và nó phô bầy hư hỏng. Chừng nào ai đó còn chưa đạt tới quyền lực, bạn không thể nào biết được liệu anh ta có là người hư hỏng hay không. Mọi người đều chống hư hỏng khi họ không có quyền lực; không có quyền lực mọi người đều là ‘đầy tớ của nhân dân’. Họ trở thành hoàng đế chỉ sau khi đạt tới quyền lực. Và nhớ lấy, làm sao ngai vàng có thể làm hư hỏng được? Bản thân ngai vàng là trung lập - khi bạn đặt hoàng đế lên ngai vàng chúng chẳng không hài lòng hay hài lòng gì về điều đó cả. Và nếu bạn đặt kẻ ăn mày lên chúng cũng chẳng có gì thay đổi cả. Bản thân ngai vàng phải làm gì với điều đó? Con người!... việc thiếu yêu trong con người...
Nếu không có yêu trong cuộc sống con người thế thì sẽ có một loại cưỡng đoạt, bạo hành nào đó trong cuộc sống người đó. Làm sao người đó có thể bù cho sự thiếu vắng yêu trong cuộc sống của mình được? Người đó là trống rỗng. Không âm nhạc nào vang vọng trong trái tim anh ta cho nên anh ta sẽ thoả mãn tai mình bằng tiếng xủng xoẻng của đồng tiền, anh ta sẽ an ủi tai mình bằng âm nhạc này. Nếu như anh ta biết tới yêu thế thì anh ta sẽ biết đến quyền làm chủ mà trong đó không có cảm giác gì về quyền sở hữu cả. Nếu như anh ta đã yêu ai đó thế thì anh ta sẽ tìm thấy một vương quốc trong trái tim mình, một vương quốc không có quốc vương. Anh ta sẽ đạt tới quyền làm chủ trong đó không có vấn đề về việc là người chủ. Anh ta sẽ tìm thấy một trái tim gần gũi với mình, một trái tim sẽ cùng nhảy múa với mình, sẽ có niềm vui trong cuộc sống anh ta: ai đó đã yêu anh ta, ai đó đã chấp nhận tình yêu của anh ta. Linh hồn anh ta sẽ vui sướng. Sẽ có biết ơn rằng “mình không chỉ là đồ vô tích sự.”
Nếu thậm chí chỉ một người yêu bạn thôi, nếu bạn có thể yêu dù chỉ một người thôi, thế thì bạn sẽ thấy rằng có nghĩa cho cuộc sống của bạn, hương thơm, hương vị - sẽ có mãn nguyện. Khi không có mãn nguyện như vậy thế thì bạn cố gắng làm người khác thành nô lệ - qua chính trị, qua tiền bạc, qua quyền lực. Bạn cố gắng làm hàng nghìn người thành nô lệ. Và điều kì lạ là ở chỗ nếu bạn đã yêu dù chỉ một người thôi thế thì bạn sẽ biết tới mãn nguyện, nhưng với lòng căm ghét có đó, sẽ không có mãn nguyện cho dù bạn có kiểm soát hàng triệu người.
Cho nên sau khi đi tới quyền lực con người nhận ra rằng bây giờ anh ta có quyền lực nhưng anh ta không thể nào tìm ra an bình. Sức mạnh đạt được nhưng không có mãn nguyện. Tiền bạc thu được nhưng nghèo nàn nội tâm vẫn không bị phá huỷ. Anh ta đã trút đầy cái trống rỗng của mình bằng rác rưởi và đồ bỏ đi mà cái trống rỗng của anh ta vẫn chỉ thuần là thứ bẩn thỉu này thôi.
Bây giờ chúng ta có thể đi tới lời kinh của Sahajo. coi từng từ và mọi từ này đều là mật chú, một từ thiêng liêng.
Những người phát điên trong yêu,
Tất cả cuộc sống đều được biến đổi cho họ.
Sahajo nói: Họ không thấy
Ai là kẻ ăn mày hay hoàng đế
Những người phát điên trong yêu... Tại sao điên? Bởi vì toàn bộ thế giới sẽ gọi họ là điên. Người đã trở thành điên vì yêu, chừng nào còn có liên quan tới anh ta bởi anh ta đã về đến nhà, tất cả cái điên khùng của anh ta đã biến mất. Nhưng toàn bộ thế giới sẽ gọi anh ta là điên vì toàn thế giới đang điên vì tiền, điên vì quyền mà con người này chẳng quan tâm gì tới quyền lực hay tiền bạc. Một cách tự nhiên bạn sẽ gọi anh ta là điên. Trong đám đông người điên, người này đã trở về với ý nghĩa của mình; trong đám đông những người lầm lạc, người này đã tìm thấy nhà mình. Cho dù anh ta có dừng lại trên đường và nói với bạn, “Tôi đã tìm thấy nhà mình,” bạn sẽ không thể nào tin được điều đó. Bạn sẽ nói, “Anh điên rồi. Có ai tìm thấy an bình trong thế giới này không? Có ai tìm thấy mãn nguyện trong thế giới này không? Anh chắc phải bị thôi miên rồi. Anh chắc phải tưởng tượng ra cái gì đó hay anh phải lầm lạc rồi, tỉnh ngộ đi!” Với người đã thức tỉnh này bạn sẽ nói, “Tỉnh ngộ đi!”
Quãng hai năm trước đây tôi đã nhận được một bức thư từ một người bạn. Anh ta đã học đại học cùng với tôi.
Thế rồi trong hai mươi năm chúng tôi không gặp hay có tiếp xúc gì. Hồi trong đại học anh ta rất thân với tôi. Sannyasin của tôi phải đã tới thành phố anh ấy - bây giờ anh ấy ở Jaipur, anh ấy là giáo sư tại đại học Jaipur - và gặp sannyasin của tôi anh ấy phải đã hỏi về tôi và thế rồi anh ấy viết thư cho tôi.
Trong thư anh ấy đã viết, “Tôi xin lỗi, xin đừng khó chịu, nhưng tôi phải hỏi một câu hỏi duy nhất: anh có thực tìm thấy an bình không? Tôi không thể nào tin được điều đó.” Thế rồi anh ta viết, “Xin đừng khó chịu, tôi không hoài nghi gì anh cả - tôi không nói rằng anh đã không chứng ngộ. Nhưng tôi không thể nào tin rằng bất kì ai cũng có thể đạt tới điều đó - rằng thậm chí Phật hay Mahavira hay Krishna đã đạt tới điều đó. Bởi vì tôi khổ thế và tôi đã cố gắng đủ mọi phương cách, mà tôi chẳng tìm thấy an bình đâu cả. Và những người khác tôi biết, họ cũng chẳng tìm thấy an bình.”
Nếu bạn trở thành an bình thế thì mọi người sẽ nghĩ rằng cái gì đó sai sót. Nếu bạn trở nên vui sướng thế thì mọi người sẽ nghĩ bạn đã phát điên. Buồn là bình thường, vui dường như là kì cục. Thế giới này kì cục làm sao, nó là nơi mà lành mạnh dường như ốm yếu và ốm yếu dường như cách thức lành mạnh.
Những người phát điên trong yêu... Đây là lí do tại sao Sahajo nói, “Thôi được, chúng tôi sẽ dùng lời của các bạn, những người ‘trở thành điên’ trong tình yêu”... Tất cả cuộc sống đều được biến đổi cho họ. Bạn cứ gọi họ là điên, nhưng với họ mọi thứ đều đã được biến đổi.
Sahajo nói: Họ không thấy
Ai là kẻ ăn mày hay hoàng đế
Và bây giờ Sahajo không thể thấy bất kì phân biệt nào - ai là giầu và ai là nghèo, ai là ăn mày và ai là hoàng đế? Bạn định giá mọi người qua của cải của họ bởi vì không có yêu bên trong bạn. Cho nên khi người giầu tới, bạn đứng lên tỏ ý kính trọng, khi người nghèo tới thế thì bạn cứ đọc báo dường như là chẳng ai tới cả, hay cứ như là con chó hay con mèo đi qua vậy - dường như là anh ta thậm chí không phải là con người.
Galib là một nhà thơ lớn người Urdu. Bahadurshah mời ông ấy đến triều đình mình; đó là hôm kỉ niệm này Bahadurshah nhậm chức. Bạn của Galib nói, “Đừng tới như thế này, trong trang phục này. Ai ở đó sẽ nhận ra ông là ai? Ai ở đó có mắt mà nhận ra ông là nhà thơ? Ai ở đó có cân mà đo được tấm lòng ông? Ai sẽ nhìn vào bên trong ông - ai có thời gian cho việc đó? Ông ăn vận trang phục cho đúng vì quần áo có vẻ ăn mày của ông sẽ không được ngưỡng mộ tại đó và có thể là ông bị đuổi về ngay từ cửa nữa kia.”
Là một nhà thơ nghèo, ông ấy chỉ có bộ quần áo cũ rách rưới, đôi giầy mòn vẹt, và mũ cũ. Nhưng Galib nói, “Tôi chẳng có bộ quần áo nào khác cả.”
Bạn ông nói, “Chúng tôi sẽ đi mượn quần áo cho ông vậy.”
Galib nói, “Thế thì khí không phải. Tôi chẳng mảy may quan tâm gì tới bất kì thứ vay mượn nào cả. Bất kì cái gì không phải là của tôi đều không là của tôi, bất kì cái gì là của tôi đều là của tôi. Nếu không, tôi sẽ rất không thoải mái và không thuận tiện. Tôi sẽ cảm thấy bị gò bó trong những bộ quần áo ấy, tôi sẽ không thể cảm thấy tự do được. Tại sao tôi phải mặc quần áo của ai đó khác? Tôi sẽ tới đó trong quần áo của mình và bất kì cái gì xảy ra sẽ xảy ra.”
Galib tới, và khi ông ấy tới cửa, người canh cửa cúi mình và đón chào mọi khách, nhưng ông ta gạt Galib sang bên và nói với ông ấy, “Ông đợi đấy!” Khi mọi người khác đã vào hết thế thì người canh cổng lập tức nhảy vào Glib và nói, “Người ta phải biết về thân phận mình chứ. Đây là lâu đài! Tại sao ông cứ cố vào bừa đây thế?”
Galib nói, “Tôi đâu có cố vào bừa, tôi có giấy mời đấy chứ.” Ông ta rút giấy mời ra từ trong túi.
Người canh cổng đọc giấy mời rồi nói, “Chắc là ông đánh cắp nó từ ai đó. Ông xéo đi, đừng ở đây nữa. Ông có khùng không đấy? Ăn mày mà còn giả vờ làm vua!”
Galib trở về nhà rất buồn rầu. Bạn ông ấy nói, “Chúng tôi đã bảo ông rồi mà! Chúng tôi đã biết rằng điều này sẽ xảy ra cho nên chúng tôi đã đem đến những quần áo này.”
Lần này Galib không từ chối nữa: ông ấy đi đôi giầy mượn, đội cái mũ mượn, mặc áo khoác mượn, mọi thứ đều mượn cả. Khi ông ấy tới cổng, người canh cổng cúi mình chào ông. Chẳng ai nhận ra linh hồn, người ta chỉ nhận ra quần áo. Galib rất ngạc nhiên. Vẫn cùng người canh cổng ấy, người vừa la hét ông, bây giờ thậm chí chẳng hỏi tới giấy mời. Nhưng Galib vẫn còn hơi chút sợ hãi. Kinh nghiệm đầu tiên làm cho ông ta phiền não, cho nên lần nữa ông ta chìa giấy mời ra và trình cho người canh cổng. Người canh cổng nhìn vào đó một cách cẩn thận và nói, “Bây giờ được rồi. Lúc nãy, một kẻ ăn mày đã tới với cùng giấy mời này, với cùng tên trên đó. Tôi phải khó khăn lắm mới đuổi được hắn ta đi.”
Galib đi vào bên trong và Bahadurshah mời ông ấy ngồi gần mình. Bahadurshah cũng là một nhà thơ; ông ấy có hương vị thi ca nào đó. Nhưng ông ấy hơi chút ngạc nhiên khi bữa tiệc bắt đầu: Galib đang ngồi cạnh ông ấy và ông này làm những cử chỉ đần độn. Galib lấy vài cái kẹo, chạm vào mũ mình và nói, “Ăn đi này, mũ ơi, ăn đi!” Ông ấy lấy vài cái kẹo, chạm vào áo mình và nói, “Ăn đi này, áo ơi, ăn đi!”
“Nhà thơ có đôi chút lập dị,” Bahadurshah nghĩ, “Điều này cũng lạ thật, nhưng mình không nên để ý tới.” Cách thức của một người có văn hoá là ở chỗ anh ta nên bỏ qua những cái điên khùng như vậy, điều ấy có thể làm thương tổn đến người khác. Bahadurshah bắt đầu nhìn vào các nơi khác, không nhìn vào Galib nữa. Điều này diễn ra được một lúc; Galib chẳng ăn gì cả - ông ấy cứ đưa thức ăn cho quần áo mình và thậm chí cả cho giầy nữa. Cuối cùng Bahadurshah không thể kìm được nữa... có giới hạn cho phép xã giao. Ông ấy nói, “Xin lỗi ông. Thế này khí không phải khi tôi phải xen vào, khí không phải khi tôi phải can thiệp vào thói quen của ông. Có có thể có một số tục lệ, một số nghi lễ mà tôi không được biết, có thể đấy là việc thực hành tôn giáo của ông. Nhưng do tò mò tôi muốn hỏi ông đang làm gì vậy? Những quần áo này ông đang mặc, áo khoác ngoài của ông, giầy và mũ ông, sao ông cho chúng ăn?”
Galib nói, “Galib đã tới đây một lần trước đó nhưng ông ấy bị đuổi ra; ông ấy không tới nữa. Bây giờ lần này áo choàng và quần áo đã tới - tất cả chúng đều là đồ đi mượn cả. Chỉ những quần áo này mới được phép vào, cho nên tôi đang cho chúng ăn. Tôi không được phép vào cho nên để tôi ăn là không đúng.” Thế rồi Galib kể cho Bahadurshah toàn bộ câu chuyện.
Trong cuộc sống, bạn đánh giá người khác theo ham muốn của bạn. Nếu bạn muốn trở thành người giầu có thế thì bạn sẽ kính trọng người giầu có. Bạn sẽ ghen tị với người giầu và bạn cũng sẽ kính trọng anh ta. Từ điều bạn kính trọng và điều bạn ghen tị, điều bạn ham muốn bị lộ ra. Bạn ghen tị về cùng cái là đối tượng cho sự kính trọng của bạn. Nếu bạn muốn có ngôi nhà lớn thế thì bạn sẽ ghen tị với ngôi nhà lớn và bạn sẽ cúi đầu trước những người có ngôi nhà lớn. Ghen tị của bạn sẽ là điểm cốt yếu cho kính trọng của bạn. Những người mà bạn kính trọng đem cho bạn manh mối về tham vọng của bạn. Bạn quan tâm tới người giầu có hay bạn quan tâm tới con người? Điều bạn quan tâm cho biết thông tin về những ham muốn ẩn kín bên trong bạn.
Sahajo nói: Họ không thấy
Ai là kẻ ăn mày hay hoàng đế
Bây giờ Sahajo nói, “Khi ông đang điên vì yêu, thế thì ông hiểu rằng chẳng có gì khác biệt liệu ai đó là giầu có hay nghèo khó - điều đó trở thành chẳng liên quan.” Bây giờ bạn không tạo ra những sự phân biệt này nữa. Con mắt của yêu nhìn thẳng vào mắt bạn và thấy bạn. Con mắt của tham vọng nhìn vào cái bạn có, không nhìn vào bạn. Yêu nhìn vào bạn - trực tiếp. Tham vọng, địa vị, trạng thái không có yêu chỉ nhìn vào vật sở hữu của bạn.
Những người phát điên trong yêu,
Đẳng cấp và mầu sắc đã biến mất với họ.
Tự hào thuộc về một tôn giáo nào đó, một đẳng cấp nào đó được dựng lên bởi những người không biết đến bản thể mình. Người điên nào sẽ nói rằng “Tôi là brahmin, đẳng cấp cao,” khi người đó đã biết tới brahman, thực tại tối thượng? Chỉ người chưa bao giờ biết tới điều tối thượng mới tuyên bố mình là brahmin. Với người đã biết tới thực tại tối thượng, còn mãn nguyện nào trong cái thứ rẻ tiền là một brahmin? Đâu là ý nghĩa của việc thuộc vào đẳng cấp cao khi bạn biết mình là bản thân thực tại tối thượng?
Những người phát điên trong yêu, đẳng cấp và mầu sắc đã biến mất với họ - bây giờ không còn tuyên bố về việc là bất kì tôn giáo nào bởi vì khi bạn đã biết tới ngọn nguồn tối thượng tại sao phải nói về việc sinh thành vật lí của mình làm gì? Khi bạn đã biết rằng bạn được sinh ra từ sự tồn tại thiêng liêng này, thế thì có gì khác biệt liệu bố bạn là người Hindu hay người Mô ha mét giáo, một brahmin hay một tiện dân, một chiến binh hay một nhà buôn - điều đó tạo ra khác biệt gì? Khi ngọn nguồn nguyên thuỷ đã được biết tới... Và ngọn nguồn nguyên thuỷ ở bên ngoài mọi đẳng cấp. Điều thiêng liêng không có đẳng cấp: nó không là vaishya, nhà buôn, không là kshatriya, chiến binh; không Hindu giáo cũng không Mô ha mét giáo cũng không tiện dân.
Thượng đế đơn giản là Thượng đế, không giống nòi nào, không đẳng cấp nào. Những người phát điên trong yêu, đẳng cấp và mầu sắc đã biến mất với họ. Những người đã nhận ra yêu cũng nhận ra đẳng cấp thực tại của mình, đẳng cấp của bản thân sự tồn tại.
Sahajo nói: Thiên hạ gọi họ là lập dị,
và mọi người ở gần đều bỏ chạy
Và Sahajo nói, “Toàn thế giới bắt đầu nói ông đã phát điên.” Sahajo nói: Thiên hạ gọi họ là lập dị - rằng bạn đã mất trí thông minh, rằng bạn không còn trí huệ nữa. Họ nói, “Anh đang nói toàn những điều vô nghĩa. Anh có đang trong trạng thái vô ý thức không đấy? Anh đang nói gì vậy?” Mọi người đều bỏ rơi những người điên khùng này. Những người gần họ đều bỏ đi, những người thân thiết trở thành xa lạ và nếu họ gặp anh ta trên đường, họ sẽ không nhận anh ta. Ai muốn có quan hệ với người điên? Ai sẽ nói về người điên rằng “Họ là bạn tôi đấy”?
Bạn biết rằng nếu bạn nghèo thế thì sẽ không có nhiều người sẽ tuyên bố là họ hàng của bạn. Nếu bạn trở nên giầu có, bỗng nhiên bạn thấy rằng bạn có nhiều họ hàng mới, chưa từng biết đến, và họ hàng của họ hàng sẽ bắt đầu kéo tới. Mọi người sẽ trở thành họ hàng cả! Không ai có bất kì quan hệ gì với bạn - họ nhìn vào cái bạn có. Nếu bạn phát điên, thậm chí họ hàng thân thiết của bạn gặp bạn trên phố họ cũng sẽ trốn sang phố khác. Ai thích gặp người điên giữa đường? Có quan hệ bạn bè với một người điên có nghĩa là bạn cũng là một người điên. Nếu ai cũng biết điều đó ở giữa bãi chợ thế thì bạn sẽ mất thu nhập!
Những người phát điên trong yêu, đẳng cấp và mầu sắc đã biến mất với họ... và mọi người ở gần đều bỏ chạy. Bây giờ họ bị bỏ một mình, không ai muốn ở cùng họ. Mọi người ở cùng với bạn chừng nào mà bạn còn ủng hộ cho ham muốn của họ. Mọi người sẽ không là bạn bè và người thân của bạn, họ là bạn bè và người thân của những ham muốn riêng của họ. Chừng nào mà bạn còn vận hành như cái giá treo để họ có thể treo ham muốn của họ vào đó, họ còn là bạn bè của bạn.
Những người phát điên trong yêu,
... Thân thể họ lang thang...
Sahajo nói rằng những người đã trở nên điên vì yêu, người đã trở thành lập dị trong yêu, mọi tế bào thân thể người đó đều hồi hộp với niềm vui. Một cách tự nhiên, khi linh hồn trở nên phúc lạc, phúc lạc của linh hồn toả sáng khắp thân thể. Thân thể của người đã chứng ngộ toả ra sự chứng ngộ của người đó. Từ mọi tế bào của người đã chứng ngộ, hương thơm nào đó của chứng ngộ toát ra. Điều đó trở thành hiển nhiên bởi vì thân thể gần với linh hồn thế. Tình huống của bạn là ngược lại: từ linh hồn bạn bốc ra mùi thân thể. Khi bạn nói về linh hồn, thế thì chín mươi chín phần trăm thời gian bạn ngụ ý tới thân thể. Thân thể của người đã chứng ngộ phát ra hương thơm của linh hồn. Thậm chí khi họ nói về thân thể, chín mươi chín phần trăm thời gian họ ngụ ý linh hồn.
Những người phát điên trong yêu, Sahajo nói: Thân thể họ lang thang... Linh hồn đã nhảy múa và với nó thân thể cũng bắt đầu nhảy múa - giống như khi vũ công đang nhảy múa và khao khát của cô ấy, những chiếc chuông đeo quanh mắt cá chân cô ấy cũng kêu leng keng và nhảy múa. Khi chân cô ấy chạm đất, bụi bốc lên và bắt đầu nhảy múa với cô ấy và một xoáy lốc phát sinh quanh cô ấy. Theo cùng cách đó, Sahajo nói: Thân thể họ lang thang và chân họ loạng choạng mất điều khiển...
Bây giờ việc nhảy múa, vũ điệu này, không phải là kĩ thuật - thực hiện bước đi nào đó, chuyển động nào đó, nhịp điệu nào đó, thơ ca nào đó. Đây không phải là vũ điệu của một vũ công chuyên nghiệp. Đây là vũ điệu của người đang điên với tình yêu thiêng liêng.
Và chân họ loạng choạng mất điều khiển. Bây giờ không có trật tự trong nó. Bây giờ họ không nhảy múa theo điệu của ai đó khác. Bây giờ nói rằng họ đang nhảy múa là không đúng; đúng hơn phải nói rằng họ đã trở thành điệu vũ. Không ai còn bên trong, chỉ điệu vũ là đang nhảy múa... chân họ loạng choạng mất điều khiển. Bây giờ chân đang di chuyển theo mọi hướng, và ai quan tâm? Liệu người điên vì yêu có lo nghĩ về bước đi của mình không? Họ đã kinh nghiệm hài hoà cao hơn, bây giờ ai quan tâm tới những thứ nhỏ nhặt này, những chi tiết kĩ thuật này?
Và chân họ loạng choạng mất điều khiển -
Thế thì điều thiêng liêng chăm lo cho.
Bây giờ một biến cố mới xảy ra: bạn cho phép bản thân mình đi tới bất kì đâu. Bây giờ không ai còn bên trong để mà thận trọng, bây giờ không có bản ngã nào để lo nghĩ rằng mọi thứ nên theo nhịp, nên theo điệu. Bây giờ cuộc sống là nhịp tự phát, nhịp tự do. Bây giờ không có mối quan tâm về kĩ thuật nữa. Nhưng một kinh nghiệm mới đang xảy ra: Thế thì điều thiêng liêng chăm lo cho.
Bất kì khi nào chân bạn có thể trượt ngã, sự tồn tại chăm lo cho. Trước kia bạn đã điều khiển; bây giờ bạn đã dừng việc điều khiển - sự tồn tại chăm lo cho. Ngày bạn bỏ mọi thứ cho điều thiêng liêng, vào ngày đó, bất kì khi nào chân bạn có thể trượt ngã chúng cũng đều trong nhịp điệu.
Hiểu điều này một chút. Tình huống của bạn là ở chỗ mặc cho tất cả những nỗ lực của bạn để tạo ra nhịp điệu, nó không xảy ra. Cái gì đó vẫn còn thiếu bởi vì người đang cố gắng tạo ra nó bản thân mình vẫn đang vô ý thức. Hiểu điều đó theo cách này: bạn say và bạn cố gắng nhảy múa theo điệu tabla. Bạn đã say rượu cho nên bạn phải thật nỗ lực từ phía bạn - nhưng bạn vẫn cứ mất nhịp điệu.
Bạn có cho rằng người say rượu không cẩn thận khi anh ta bước trên đường không? Anh ta bước rất cẩn thận đấy. Bạn chưa bao giờ bước cẩn thận được như người say bước bởi vì người say bao giờ cũng sợ rằng anh ta sẽ ngã, anh ta run. Người say nghĩ, “Mình sắp ngã xuống cống.” Anh ta kiểm soát mình, và trong nỗ lực của mình anh ta đưa mình sang phía bên kia. Người say di chuyển từ hè phố này sang hè phố kia. Anh ta không thể nào bước ở giữa đường được, điều đó là không thể được. Làm sao anh ta có thể bước ở giữa đường được? - anh ta không có ý thức. Trong vô ý thức của mình anh ta nghiêng về phía này, thế rồi để cứu mình anh ta nghiêng về phía bên kia. Anh ta thoát khỏi sai lầm này, sai lầm khác xảy ra. Anh ta trèo ra khỏi giếng và ngã vào trong mương. Nếu không có nhận biết, thế thì dù bạn có bước cẩn thận đến đâu bạn vẫn không thể nào tìm được sự cân bằng.
Tôi đã nghe:
Một đêm Mulla Nasruddin về nhà say khướt cò bợ. Một viên cảnh sát đang đứng trên đường quan sát hồi lâu việc anh ta cố gắng tra khoá vào ổ. Tay anh ta run đến mức khoá cứ nhất định không chịu vào trong ổ. Tay anh ta run đến mức một tay anh ta làm rung ổ khoá còn tay kia làm rung chìa khoá, cho nên không thể nào có tiếp xúc giữa khoá và ổ được. Cuối cùng viên cảnh sát cảm thấy thương hại cho anh ta - cảnh sát cũng là người mà...
Anh ta đi tới gần và nói, “Nasruddin, để tôi giúp anh. Đưa tôi chìa khoá, để tôi mở hộ cửa cho.”
Nasruddin nói, “Tôi có thể mở cửa được - chỉ xin anh giữ cho ngôi nhà đứng yên để cho nó khỏi chuyển động thôi.”
Anh ta không nghĩ rằng anh ta đang run - với anh ta cả ngôi nhà đang rung chuyển! Đó là lí do tại sao anh ta nói, “Anh giữ lấy ngôi nhà, tôi có thể xoay xở với chìa khoá.” Khi người say cố gắng bước một cách cẩn thận, tất cả những cẩn thận của anh ta đều tỏ ra vô ích.
... chân họ loạng choạng mất điều khiển -
Thế thì điều thiêng liêng chăm lo cho.
Một thời điểm tới khi có nhận biết bên trong - yêu có nghĩa là nhận biết - khi ngọn đèn bên trong bạn sáng lên, thế thì bỗng nhiên bất kì nơi đâu bạn đặt chân tới và dù bạn có bước như thế nào cũng đều đúng. Bây giờ bạn có thể nhảy múa mà không lo nghĩ gì. Bây giờ bạn không cần phải cẩn thận bởi vì bây giờ điều tối thượng đang chăm lo cho bạn.
Người đã buông bỏ, người đã chấm dứt việc cố gắng kiểm soát bản thân mình, có sự hỗ trợ của điều tối thượng - bởi vì điều này “Tôi có thể tự đảm đương được” cũng là bản ngã, cũng là khôn ngoan của cái ‘tôi’. Khi người ta nói, “Tôi sẽ sống như ngài chọn lựa cho tôi, tôi sẽ bước khi ngài chọn việc làm cho tôi bước. Nếu ngài làm cho tôi ngã, tôi sẽ ngã - tôi sẽ cám ơn ngay cả vì điều đó. Nếu ngài nâng tôi dậy, tôi sẽ dậy. Chọn lựa về phần tôi không còn nữa,” sự tồn tại sẽ chăm lo cho.
... chân họ loạng choạng mất điều khiển -
Thế thì điều thiêng liêng chăm lo cho.
Tâm trí phúc lạc,
Thân thể say với cực lạc.
Sahajo không cùng ai,
Không ai cùng với Sahajo.
Tâm trí phúc lạc. Ngay bây giờ chỉ có ý nghĩ trong tâm trí bạn, không có phúc lạc chút nào. Khi ý nghĩ biến mất thế thì phúc lạc giáng xuống - phúc lạc là thiếu vắng của ý nghĩ. Và tâm trí chết đi trong yêu - yêu là cái chết của tâm trí. Bạn hoàn toàn biến mất, không dấu vết nào của bạn là còn - bạn đã là ai, bạn muốn thành đạt cái gì - tất cả đồng nhất đều bị xoá sạch.
Tâm trí phúc lạc... Bây giờ không còn ý nghĩ trong tâm trí, bây giờ chỉ có niềm vui và phúc lạc trong tâm trí. Hiểu khác biệt này đi. Chúng ta không nói về điều bạn gọi là hoan lạc: hoan lạc và đau khổ cả hai đều là bộ phận của tâm trí. Phúc lạc là khi không có hoan lạc không có đau khổ trong tâm trí - khi cả hai hoan lạc và đau khổ đều đã qua đi, khi không có ý tưởng nào về tốt hay xấu còn trong bạn.
Tâm trí phúc lạc, thân thể say với cực lạc... Và nhìn, bây giờ phúc lạc đang rót đầy toàn bộ bầu trời bên trong và thậm chí cả thân thể cũng phúc lạc. Mọi phần của thân thể đều say sưa. Bên trong bạn có nhận biết và mọi phần của thân thể bạn đều được tràn ngập với rượu nhận biết.
Có rượu của vô ý thức và rượu của ý thức. Trong vô ý thức con người loạng choạng nhưng trong loạng choạng của anh ta không có điệu vũ. Trong nhận biết con người cũng loạng choạng nhưng thế thì đấy là điệu vũ tối thượng.
... chân họ loạng choạng mất điều khiển -
Thế thì điều thiêng liêng chăm lo cho.
Tâm trí phúc lạc,
Thân thể say với cực lạc.
Sahajo không cùng ai,
Không ai cùng với Sahajo.
Bây giờ tính một mình tối thượng đã xảy ra: không ai ở cùng cô ấy mà cô ấy cũng không ở cùng ai cả. Sống cùng nhau cũng là xung đột, nhị nguyên. Người sùng kính không nghĩ rằng điều thiêng liêng là ở bên trong mình; chỉ thế thì điều thiêng liêng mới hiện hữu. Người sùng kính không nghĩ, “Ta đang cùng Thượng đế.” Người sùng kính nghĩ, “Ta không hiện hữu, chỉ Thượng đế là hiện hữu.”
Sahajo không cùng ai, không ai cùng với Sahajo. “Bây giờ không có ai cùng với tôi và tôi cũng không cùng với ai cả. Bây giờ chỉ cái một còn lại.” Người thấy và cái được thấy, người quan sát và cái được quan sát cả hai đã biến mất. Chỉ cái một còn lại; việc thấy, darshan đã xảy ra. Người yêu và người được yêu đã biến mất và chỉ tình yêu còn lại. Đôi bờ con sông đã biến mất và con sông mất tăm tích trong đại dương.
Tôi sẽ nhắc lời kinh này lần nữa. để cho chúng vang vọng trong mọi tế bào bạn, để cho chúng trở thành nhịp đập tim bạn. Với hi vọng này tôi nhắc lại...
Những người phát điên trong yêu,
Tất cả cuộc sống đều được biến đổi cho họ.
Sahajo nói: Họ không thấy
Ai là kẻ ăn mày hay hoàng đế
Những người phát điên trong yêu,
Đẳng cấp và mầu sắc đã biến mất với họ.
Sahajo nói: Thiên hạ gọi họ là lập dị,
và mọi người ở gần đều bỏ chạy
Những người phát điên trong yêu,
Sahajo nói: Thân thể họ lang thang
Và chân họ loạng choạng mất điều khiển -
Thế thì điều thiêng liêng chăm lo cho.
Tâm trí phúc lạc,
Thân thể say với cực lạc.
Sahajo không cùng ai,
Không ai cùng với Sahajo.
Đủ cho hôm nay...
Xem tiếp Chương 4Quay về Mục lục

0 Đánh giá

Ads Belove Post