Chương 7. Lụt mùa thu

Chương 7. Lụt mùa thu

Price:

Read more

Osho - Khi giầy vừa
Bài giảng về các câu chuyện của Trang Tử
Chương 7. Lụt mùa thu

Mùa thu khi nước dâng, cả trăm con sông đổ dồn ra Hoàng Hà, dòng nước mênh mông, tới nỗi đứng bờ bên đây nhìn qua bờ bên kia không phân biệt được con bò với con ngựa.
Hà Bá hoan hỉ, cho mình làm chủ được hết những cái đẹp trong thiên hạ.
Nhưng khi xuôi dòng qua phía Đông, tới Bắc Hải thấy làn nước vô biên trải ra trước mặt, mới quay lại, ngửng đầu lên nhìn thần biển, bảo:
- Tục ngữ có câu: “Người nào được nghe trăm điều về đạo thì tự cho là không ai bằng mình”. Đó chính là trường hợp của tôi; bây giờ tôi mới thấy chỗ vô biên của Ngài.
Thần Bắc Hải đáp:
- Không thể nói về biển cho một con ếch ở đáy giếng nghe được, vì nó chỉ thấy một khoảng không gian hẹp quá. Không thể nói về băng tuyết cho một con chuồn chuồn chỉ sống một mùa hè nghe được vì nó sống một khoảng thời gian ngắn quá. Không thể luận về đạo giáo cho một kẻ sĩ quê mùa nghe được vì họ bị trói buộc trong điều lễ giáo.
Sống là kinh nghiệm, và không phải là lí thuyết. Nó không cần giải thích. Nó có đó trong mọi vinh quang của nó, chỉ để được sống, được tận hưởng, được vui mừng. Nó không phải là câu đố, nó là điều bí ẩn. Câu đố là cái gì đó mà có thể được giải, bí ẩn là cái gì đó không bao giờ có thể được giải. Bí ẩn là cái gì đó bạn có thể trở thành một với nó, bạn có thể tan biến trong nó, bạn có thể tan chảy trong nó - bản thân bạn có thể trở thành điều huyền bí. Đây là khác biệt giữa triết học và tôn giáo. Triết học nghĩ rằng cuộc sống là câu đố, bạn phải giải nó, tìm lời giải thích, các lí thuyết, học thuyết. Triết học nghĩ rằng sẽ có câu trả lời nào đó, rằng cuộc sống là dấu chấm hỏi và người ta phải làm việc vất vả với nó. Tất nhiên, nếu bạn coi cuộc sống như dấu chấm hỏi, nỗ lực của bạn trở thành có tính trí tuệ. Chính giả định rằng cuộc sống là câu hỏi dẫn bạn đi vào trong ngày càng nhiều nỗ lực trí tuệ, và trong việc tìm câu trả lời, bạn quyết định theo các lí thuyết.
Tôn giáo nói rằng coi cuộc sống như câu hỏi về cơ bản là sai. Nó không phải là câu hỏi - nó có đó, không có dấu chấm hỏi nào. Nó có đó như một bí mật mở; nó là lời mời. Bạn phải trở thành vị khách, bạn phải đi vào trong nó. Nó sẵn sàng và đón chào, đừng tranh đấu với nó! Nó không phải là câu hỏi, đừng cố giải nó! Nó không phải là câu đố. Tới và trở thành một với nó đi, và bạn sẽ biết nó. Việc biết sẽ tới từ tính toàn bộ của bạn, không từ trí tuệ. Trí tuệ là nỗ lực bộ phận, và cuộc sống cần bạn là toàn bộ cùng nó, tuôn chảy cùng nó, để cho người ta cùng nó mà bạn không thể cảm được cái gì là cái gì, bạn không thể cảm được bạn kết thúc ở đâu và cuộc sống bắt đầu ở đâu. Cái toàn thể của cuộc sống trở thành bạn, cái toàn thể của bạn trở thành cuộc sống. Đây là điều cứu rỗi là gì. Nó không phải là giải pháp, nó là cứu rỗi.
Đây là điều người Hindu đã gọi là moksha: nó không phải là lí thuyết, kết luận, nó là cách khác toàn bộ để sống với sự tồn tại. Nó không hướng theo cái đầu; thực sự, bạn trở thành 'vô đầu,' bạn mất mọi phân biệt, ngoại vi tan biến, bạn giống hệt giọt nước trong đại dương. Bạn mất biên giới và bạn thu được biên giới vũ trụ, cái là vô hạn. Điều đầu tiên cần hiểu là không coi cuộc sống như câu hỏi. Một khi bạn coi nó như câu hỏi bạn sẽ trong rắc rối; bạn sẽ đi trên con đường sai - nó sẽ là ngõ cụt. Ở đâu đó, trong lí thuyết nào đó, bạn sẽ bị mắc kẹt. Mọi người đều bị mắc kẹt đâu đó trong một lí thuyết, và thế thì rất khó bỏ lí thuyết này. Bạn níu bám lấy nó vì câu hỏi làm bạn hoảng sợ - ít nhất một lí thuyết là sự an ủi nào đó, ít nhất bạn cảm thấy rằng bạn biết. Bạn không biết. Tâm trí không thể biết được, tâm trí chỉ có thể lí thuyết hoá. Nó có thể liên tục vặn vẹo lời ngày càng nhanh hơn; nó có thể chơi với lời, thu xếp chúng, nhưng chúng toàn là các diễn giải - không phải cái thực, chỉ là diễn giải của bạn về nó.
Nó giống như bản đồ. Bạn thấy bản đồ Ấn Độ chưa? Bạn có thể liên tục mang bản đồ đó đi cùng bạn, bạn có thể liên tục nghĩ rằng bạn đang mang Ấn Độ trong túi bạn, nhưng bản đồ không phải là đất nước. Bạn có thể có lí thuyết về hoa hồng, về hoa hồng là gì. Bạn thậm chí có thể có tấm ảnh về hoa hồng, nhưng tấm ảnh đó chỉ là tấm ảnh thôi, nó không mang hiện tượng sống rằng hoa hồng hiện hữu.
Nhìn đứa trẻ - nó vẫn không có tâm trí. Nó mở mắt và chỉ nhìn vào thế giới. Đem hoa hồng cho nó. Nó không biết tên, nó không thể dán nhãn cho hoa, nó không thể phân loại hoa, nó không thể nói đó là cái gì. Dầu vậy hoa hồng có đó - mầu sắc làm ngập lụt đứa trẻ, cái đẹp của hoa hồng bao quanh nó, hương thơm đạt tới chính trái tim nó. Nó không biết đó là gì nhưng nó đi qua một khoảnh khắc sống. Bạn nói với đứa trẻ, "Đây là hoa hồng," và kinh nghiệm này sẽ không bao giờ còn như cũ nữa, không bao giờ có lần nữa mà đứa trẻ sẽ có khả năng kinh nghiệm điều bí ẩn của hoa hồng là gì. Bây giờ, bất kì khi nào hoa hồng tới trước nó, nó sẽ nói: "Đây là hoa hồng." Bây giờ nó sẽ mang lời này. Bạn đã làm cho nó nghèo đi - nó đã rất giầu. Toàn thể hoa hồng có đó, và nó có thể sống chỉ với hoa hồng; không có cách khác để mô tả hoa hồng, để định nghĩa hoa hồng. Hoa hồng là hoa hồng là hoa hồng. Bạn không thể nói được nó là gì, cái này hay cái nọ. Đứa trẻ im lặng, không có vận hành của tâm trí, tâm trí không có đó, không có rào chắn. Tim của hoa hồng tan chảy trong tim của đứa trẻ, tim của đứa trẻ tan chảy trong tim của hoa hồng. Đứa trẻ thậm chí không thể nói được chỗ nào nó kết thúc và hoa hồng bắt đầu, chỗ nào hoa hồng kết thúc và nó bắt đầu - không có biên giới. Chúng trở thành một trong khoảnh khắc kính nể đó. Trong một khoảnh khắc chúng không phải là hai - tính một xảy ra. Nhưng bạn đã bảo nó: Đây là hoa hồng. Bây giờ, kinh nghiệm này sẽ không bao giờ có đó lần nữa. Khoảnh khắc hoa hồng có đó, ngay lập tức tâm trí sẽ nói: Đây là hoa hồng. Điều huyền bí bị mất, bây giờ có câu trả lời, bây giờ đứa trẻ biết. Ngớ ngẩn làm sao! Bây giờ bạn sẽ nói đứa trẻ đang trưởng thành trong tri thức. Nhưng chính cái đối lập mới là hoàn cảnh.
Trước khi bạn bảo nó cái gì là cái gì, nó đã biết, nhưng nó biết bằng tính toàn bộ của nó. Đó không phải là tri thức, đó là việc kinh nghiệm. Nhưng thế rồi bạn nghĩ nó dốt nát. Bây giờ bạn nghĩ nó biết vì nó mang từ trong tâm trí nó. Từ 'hoa hồng' không phải là hoa hồng, từ 'Thượng đế' không phải là Thượng đế, từ 'yêu' không phải là yêu. Nhưng chúng ta liên tục tích luỹ những từ này. Và thế rồi có những tâm trí láu lỉnh, người thu xếp những từ này thành cách diễn giải, lí thuyết và luận cứ. Và càng nhiều biện luận, bạn càng trở nên lí thuyết hơn, bạn càng đi xa hơn khỏi hoa hồng.
Thế thì ngay cả tiếng vọng cũng trở thành không thể được: không cái gì tới với bạn, bạn chưa bao giờ đi tới bất kì cái gì - bạn đơn giản sống trong tâm trí, thu xếp từ.
Tôi đã nghe một giai thoại: Ba người Do Thái đi dạo buổi sáng. Họ là bạn bè, những người bạn cũ, thảo luận nhiều điều. Thế rồi họ thấy một chiếc xe lớn của ông thị trưởng đi ngang qua và ông thị trưởng vẫy tay và nói: "Xin chào!" Bây giờ có rắc rối. Người thứ nhất nói: "Đừng hài lòng thế; ông ta nói 'xin chào' cho tôi đấy - và ông ta phải nói vậy thôi." Hai người hỏi: "Anh ngụ ý gì?" Người thứ nhất nói: "Tôi đã nhận mười nghìn đô la từ ông ta; tôi đã vay tiền, và trong hai năm ông ta vẫn đang chờ đợi và chờ đợi. Ông ta phải nói 'xin chào' với tôi chứ."
Người khác nói: "Anh sai rồi, 'xin chào' được nói cho tôi đấy - và ông ta phải nói vậy. Lí do là ở chỗ tôi đã cho ông ấy vay mười nghìn đô la. Ông ta nợ tiền tôi và ông ta bao giờ cũng sợ tôi. Khoảnh khắc ông ta thấy tôi, ông ta hoảng sợ - ông ta phải chào thôi."
Người thứ ba cười to và hai người kia quay sang anh ta và nói: "Ông ngụ ý gì? Sao ông cười?" Ông ta nói: "Ông ấy phải nói 'xin chào' cho tôi đấy, không phải chào các ông đâu - cả hai ông đều sai toét. Ông ta không nợ tiền tôi mà tôi cũng không nợ tiền ông ta. Sao ông ta lại không cho tôi lời chào trong sạch?"
Một khi bạn bắt đầu nhìn vào thực tại qua tâm trí thế thì mọi thứ trở thành vấn đề; thế thì bản ngã bắt đầu diễn giải và thế thì bạn chỉ có các diễn giải. Bạn có thể có các chứng minh cho chúng, và những chứng minh đó có thể có vẻ hợp lí, nhưng chỉ cho bạn, không cho bất kì ai khác - bởi vì chính bản ngã của bạn cho những diễn giải đó. Và bạn bị ngày càng cố định hơn vào trong diễn giải của bạn bởi vì bạn đã đầu tư nhiều thế vào trong chúng.
Nếu ai đó nói cái gì đó chống lại Ki tô giáo, người Ki tô giáo cảm thấy bị tổn thương. Nếu ai đó nói cái gì đó chống lại Hindu giáo, người Hindu cảm thấy bị tổn thương. Tại sao? Nếu bạn thực sự là người tìm kiếm chân lí, như những người tôn giáo nói họ là vậy, tại sao bạn phải bị tổn thương? Ban phải truy hỏi chứ - người đó có thể là đúng. Nhưng bản ngã được tham dự vào. Vấn đề không phải là việc Hindu giáo là đúng hay sai, vấn đề là con người bạn là đúng hay sai. Làm sao bạn có thể sai được? Nếu bạn sai, thế thì hình ảnh của bạn bắt đầu rung ring - bạn không thể sai được. Thế thì với những điều nhỏ bé, rất nhỏ bé, bạn bắt đầu tranh đấu và tranh cãi. Nhưng tranh đấu thực, cơ sở của mọi tranh đấu, là ở chỗ bạn đang tranh đấu chống lại cuộc sống. Với câu trả lời của bạn, bạn đang cố chinh phục cuộc sống; với lí thuyết của bạn, bạn đang cố thao túng cuộc sống. Và bạn nghĩ rằng nếu bạn biết các lí thuyết thế thì bạn sẽ là người chủ.
Qua tri thức bạn làm mạnh thêm cho bản ngã của bạn. Cho nên nếu ai đó nói không có tri thức qua tâm trí, bản ngã đơn giản trở nên điếc. Nó chưa bao giờ nghe điều đó bởi vì điều đó là nguy hiểm. Tâm trí nói: Đây cũng là một lí thuyết. Tâm trí nói: Ngay cả phản triết học cũng là triết học, ngay cả Trang Tử cũng là một triết gia. Thế thì mọi thứ được giải quyết và bạn lại đi vào trong diễn giải của bạn. Nhưng nhớ lấy, Trang Tử không phải là triết gia - tôi cũng không là triết gia.
Triết học là thái độ hướng tới cuộc sống. Thái độ nghĩa là chọn lựa. Và chọn lựa chỉ có thể có tính mảnh mẩu. Nhà huyền môn không bao giờ chọn. Ông ấy nhìn vào cái toàn thể mà không có chọn lựa nào về phần mình, ông ấy không trở thành người chọn. Nếu bạn chọn, thế thì có vấn đề ngay lập tức bởi vì cuộc sống có tính mâu thuẫn; cuộc sống tồn tại qua những mâu thuẫn, và cách cuộc sống xoay xở điều không thể được thực là hay. Đêm và ngày tồn tại như láng giềng, không phải láng giềng thực sự - ngày tan chảy vào trong đêm và trở thành đêm; đêm tan chảy lại vào trong ngày và trở thành ngày. Yêu và ghét tồn tại cùng nhau: yêu tan chảy và trở thành ghét, ghét tan chảy và trở thành yêu. Sống và chết tồn tại cùng nhau: sống liên tục tan chảy vào trong chết và chết liên tục tan chảy lại vào trong sống. Sự tồn tại có tính mâu thuần, nhưng có hài hoà sâu sắc giữa các cực đối lập.
Với tâm trí điều này có vẻ không thể được, điều này không thể có được. Làm sao cái đối lập có thể tồn tại cùng nhau? Làm sao có thể có hài hoà giữa sống và chết? Làm sao có thể có hài hoà giữa ghét và yêu? Tâm trí nói: Yêu không bao giờ ghét và ghét không bao giờ yêu. Tâm trí nói: A là A và B là B và A không bao giờ là B. Tâm trí có tính logic và cuộc sống có tính mâu thuẫn, đó là lí do tại sao chúng không bao giờ gặp gỡ. Cho nên nếu bạn nói người này là tốt, bạn không thể tin được rằng người này cũng xấu. Nhưng cuộc sống là như vậy đấy: tội nhân tồn tại trong thánh nhân và thánh nhân tồn tại trong tội nhân. Chỉ logic là rõ ràng, có biên giới, định nghĩa.
Cuộc sống không thể rõ ràng được, nó đi vào cái đối lập. Nhìn mà xem... bạn có thể là thánh nhân khoảnh khắc này và tội nhân khoảnh khắc tiếp. Vấn đề là gì với cuộc sống? Bạn có thể là tội nhân khoảnh khắc này và khoảnh khắc tiếp bạn có thể vươn lên trên nó và trở thành thánh nhân. Vấn đề là gì?
Nhìn vào hiện tượng bên trong: cách mọi sự tan chảy vào trong cái đối lập, cách các cái đối lập tồn tại cùng nhau. Bạn hạnh phúc, hạnh phúc như đoá hoa, hạnh phúc như ngôi sao, và đột nhiên bạn trở nên buồn. Nhìn đây... nỗi buồn này có là cái gì đó phân tách bạn khỏi hạnh phúc của bạn không? Hay cùng một năng lượng đã trở thành buồn? Ai hạnh phúc và ai buồn? Có hai người bên trong bạn hay vẫn cùng một người có các tâm trạng? Và cùng năng lượng này liên tục chuyển động: lúc thì nó buồn và lúc thì nó hạnh phúc. Nếu bạn hiểu điều này thế thì bạn không tạo ra mâu thuẫn giữa hai điều này. Và thế thì buồn của bạn có hương vị của hạnh phúc và hạnh phúc của bạn có chiều sâu của buồn nữa.
Nếu vị phật buồn, bạn sẽ thấy cảm giác phúc lạc trong nỗi buồn của ông ấy, bạn sẽ thấy dòng chảy ngầm của từ bi. Buồn của ông ấy là đẹp. Và nếu vị phật hạnh phúc, và nếu bạn nhìn sâu và quan sát ông ấy, bạn sẽ cảm thấy rằng trong hạnh phúc của ông ấy có chiều sâu - cũng là cùng chiều sâu như bao giờ cũng có với buồn. Hạnh phúc của ông ấy không nông cạn. Với bạn vấn đề là ở chỗ bất kì khi nào bạn hạnh phúc bạn đều nông cạn; nhưng bất kì khi nào bạn buồn bạn có thể sâu hơn, ít nông cạn hơn. Đó là lí do tại sao tiếng cười có hào quang của tính nông cạn. Nếu bạn cười, dường như bạn đang cười chỉ ở ngoại vi, nhưng khi bạn khóc, bạn khóc từ trái tim. Dễ dàng giả vờ tiếng cười, rất khó giả vờ nước mắt. Nếu chúng không tới thì không thể nào đem chúng tới được. Bạn có thể ép buộc nụ cười, bạn không thể ép buộc nước mắt. Bạn càng ép buộc, bạn sẽ càng cảm thấy chúng không tới, mắt sẽ càng ráo hoảnh. Nỗi buồn của bạn có chiều sâu, tiếng cười của bạn có nông cạn.
Nhưng khi Phật cười, ông ấy cười sâu sắc như nước mắt có thể tới; và khi ông ấy khóc, ông ấy khóc đẹp như bạn mỉm cười. Các mâu thuẫn đã mất 'tính mâu thuẫn' của chúng, chúng đã trở thành một. Đó là lí do tại sao hiểu Phật là khó bởi vì ông ấy đã trở thành mâu thuẫn như bản thân sự tồn tại. Ông ấy là điều ngớ ngẩn - bây giờ bản thân ông ấy là điều huyền bí.
Người tôn giáo là trong việc tìm kiếm chân lí, triết gia là trong việc tìm kiếm diễn giải.
Có lần tôi đã nghe nói rằng chuyện xảy ra trong một câu lạc bộ đàn ông rằng ba giáo sư triết học đang thảo luận, trong một phiên thảo luận riêng, cái gì là đẹp nhất trong đàn bà. Một triết gia nói: "Đó là con mắt - con mắt mang toàn thể người đàn bà, chúng là phần đẹp nhất trong thân thể nữ tính. Triết gia thứ hai nói: "Tôi không đồng ý. Tóc mới là phần đẹp nhất của khuôn mặt nữ tính và thân thể, cho nó cái đẹp và điều huyền bí." Và người thứ ba nói: "Tôi không đồng ý với các ông, cả hai ông đều sai - đó là chân, cách người đàn bà bước đi, đường cong của chân cô ấy, kiểu như đá cẩm thạch của chân cô ấy, điều đó cho cô ấy toàn thể cái đẹp nữ tính."
Một người đàn bà, một bà già, đang lắng nghe rất nghiêm chỉnh cuộc thảo luận này, cất cao giọng mũi và nói: "Tôi phải ra khỏi đây trước khi một trong các ông nói ra chân lí!"
Người đàn bà không phải là triết gia, cô ấy không có lí thuyết - cô ấy biết.
Người tôn giáo có hiểu thấu trực giác - nó không phải là trí tuệ, nó là toàn thể bản thể của người đó. Người đó cảm, thay vì biết. Và cảm đánh vào trung tâm. Cho nên nhớ một điều - qua triết lí bạn sẽ không bao giờ đạt tới chân lí, bạn sẽ chỉ đi loanh quanh, loanh quanh.
Omar Khayyam đã nói trong cuốn 'Rubaiyat' của ông ấy: Khi tôi còn trẻ, tôi thường đi tới các bác sĩ và thánh nhân. Họ tranh cãi về, và về, và tôi đi ra cùng cửa như khi tôi đi vào. Ông ấy đã tới thăm nhiều triết gia, nhiều thánh nhân - nhưng họ nói về, và về, và ông ấy phải quay về từ cùng một cửa.
Chẳng thu được cái gì, chỉ cuộc sống bị phí hoài. Bạn càng sớm trở nên tỉnh táo, càng tốt. Bạn càng sớm trở nên nhận biết và bỏ cái bẫy của triết lí, càng tốt. Bởi vì cuộc sống sẽ không đợi bạn và lí thuyết của bạn, nó di chuyển nhanh. Chẳng mấy chốc chết sẽ xảy ra và bạn sẽ chết với các lí thuyết của bạn trong tay; và chúng sẽ chẳng ích gì, chúng chỉ là tro chết. Trang Tử nói: Sống, không nghĩ! Đó là mọi điều những người đã biết bao giờ cũng nói: Sống, không nghĩ! Bỏ suy nghĩ và trở thành hiện hữu - tính toàn bộ của bạn được yêu cầu. Điều tốt cho khoa học là bạn dùng cái đầu, điều tốt cho nghệ thuật là bạn dùng trái tim, nhưng với tôn giáo bạn trong tính toàn bộ của bạn là được yêu cầu. Nếu cái đầu vận hành một mình nó tạo ra các lí thuyết khô khan; nếu trái tim vận hành một mình nó tạo ra hư cấu, mơ màng. Tính toàn bộ của bạn được cần. Và khi bạn vận hành một cách toàn bộ bạn đạt tới cái toàn bộ mà chính là vũ trụ - bạn trở thành cùng cái đó, và chỉ cái tương tự mới có thể biết được nó. Nếu bạn trở thành toàn bộ trong vòng tròn nhỏ của bạn thế thì cái toàn bộ của vòng tròn bao la, Brahman, sẵn sàng đón nhận bạn. Đây là một điều.
Điều thứ hai trước khi chúng ta đi vào chuyện ngụ ngôn này là ở chỗ tâm trí bao giờ cũng được ước định. Nó không thể không bị ước định. Hiện hữu là không bị ước định, tâm trí là việc ước định. Tâm trí bao giờ cũng được huấn luyện bởi xã hội mà bạn đang sống, được huấn luyện bởi những kinh nghiệm mà bạn trải qua.

Cho nên con ếch có tâm trí con ếch - nó sống trong giếng, đó là toàn thể vũ trụ của nó. Và bạn cũng có tâm trí ếch vì bạn cũng sống trong giếng; giếng của người Hindu, giếng của người Mô ha mét giáo, giếng của người Ki tô giáo hay của người Do Thái. Và bạn có biên giới - nó có thể là vô hình, nhưng thế thì nó là nguy hiểm hơn vì bạn có thể nhảy ra khỏi các biên giới hữu hình dễ dàng hơn. Biên giới vô hình... bạn chưa bao giờ cảm thấy rằng chúng có đó cho nên chúng cứ bám lấy bạn. Dễ cho con ếch ra khỏi cái giếng của nó hơn là cho bạn ra khỏi Hindu giáo của bạn, Ki tô giáo của bạn. Điều đó là khó, bởi vì giếng này là vô hình. Con ếch sống trong cái giếng cố định - nó có thể nhảy ra khỏi giếng. Bạn sống trong cái giếng mà bạn mang quanh bạn; nó giống như bầu khí hậu, bao giờ cũng bao quanh bạn; nó là nhân cách vô hình của bạn. Bất kì chỗ nào bạn đi bạn đều mang theo cái giếng của bạn đi cùng bạn, bạn vẫn còn ở trong nó; bất kì cái gì bạn thấy, bạn thấy qua nó.
Mọi diễn giải đều tới từ ước định - và chỉ người không bị ước định mới có thể biết cái thực, mới có thể biết cái đúng. Người Hindu không thể biết được Thượng đế, người Ki tô giáo không thể biết được, người Do Thái không thể biết được - vì đây là các tâm trí. Chỉ ai đó đã đi tới nhận ra rằng mình không là người Hindu, không là người Mô ha mét giáo, không là người Ki tô giáo - chỉ người đó mới có thể biết.
Người Ấn Độ không thể biết được chân lí, người Nhật Bản không thể biết được chân lí, người Trung Quốc không thể biết được chân lí, bởi vì chân lí không có biên giới. Quốc tịch tạo ra ước định, chúng phải bị bỏ đi. Người ta phải trở nên tuyệt đối trần trụi trước chân lí, không quần áo, không ước định; không là người Hindu, không người Ấn Độ, không người Mô ha mét giáo, không người Trung Quốc - chỉ là hiện hữu, hiện hữu thuần khiết không cái gì để níu bám vào. Thế thì bạn ở ngoài giếng. Và nếu bạn bám vào giếng này, làm sao bạn có thể tới được đại dương? Và nếu bạn mang các ước định về giếng, ngay cả đại dương có đó, bạn sẽ không tin nó, bạn sẽ không nhìn nó, bởi vì mắt bạn sẽ bị nhắm lại với tính bao la này. Chúng chỉ có thể biết cái hạn hẹp, như cái giếng.
Điều thứ ba cần được nhớ là ở chỗ tâm trí bao giờ cũng muốn sống với cái thấp kém, nó bao giờ cũng sợ cái cao siêu. Cho nên mọi người cứ đi tìm cái thấp kém - bạn bè, vợ, chồng - chỉ cái thấp kém hơn bạn, để cho bạn có thể cảm thấy cao siêu.
Ở Ấn Độ, họ có câu ngạn ngữ rằng lạc đà chưa bao giờ muốn tới Himalayas. Đó là lí do tại sao nó sống ở sa mạc - ở đó nó là Himalayas. Nếu nó tới gần Himalayas, thế thì cái gì sẽ xảy ra cho bản ngã? Đó là lí do tại sao bạn trốn đi bất kì khi nào có bất kì nỗi sợ nào cho bản ngã. Nếu bạn tới vị phật, bạn sẽ trốn ngay, bởi vì lạc đà chưa bao giờ muốn tới một Himalaya. Bạn thích sa mạc của bạn - ít nhất bạn còn là ai đó ở đó. George Bernard Shaw tương truyền đã nói: Nếu tôi không phải là người đầu tiên trên cõi trời, tôi sẽ không đi tới đó đâu. Ngay cả địa ngục cũng là được ưa chuộng nếu tôi là người thứ nhất. Nếu tôi là người thứ hai ở cõi trời, điều đó không dành cho tôi.
Ông ấy đang nói cái gì đó về bạn đấy. Nghĩ mà xem, bạn có thoải mái trên cõi trời nơi bạn không phải là người thứ nhất không, và bạn không thể là vậy được? Vì Jesus sẽ ở đó, Phật sẽ ở đó, họ đã chiếm chỗ xếp hàng rồi, bạn sẽ ở xa đằng sau. Nhưng trong địa ngục có khả năng bạn là thứ nhất - và nó cũng dễ dàng hơn. Bạn có thể khổ, nhưng bạn muốn là thứ nhất, tiên phong, ai đó - bạn không muốn được phúc lạc và là không ai cả. Và đây là vấn đề: duy nhất không ai cả mới có thể là phúc lạc, còn một ai đó bao giờ cũng có trong khổ vì chính cảm giác rằng "Mình phải là ai đó" tạo ra khổ. Thế thì bạn ở trong cạnh tranh và xung đột, thế thì có căng thẳng liên tục với mọi người - mọi người khác đều là kẻ thù. Và tâm trí bao giờ cũng tìm cái thấp kém, nó bao quanh bản thân nó bằng những cái thấp kém. Thế thì bạn trở thành cao siêu nhất.
Nhìn vào khuynh hướng này đi. Nếu nó còn dai dẳng, bạn sẽ liên tục rơi xuống và rơi xuống, và không có tận cùng cho nó. Bao giờ cũng tìm cái cao siêu nếu bạn thực sự tìm kiếm chân lí, bởi vì chân lí là điều cao siêu nhất. Nếu bạn tìm cái thấp kém thì chung cuộc, bạn sẽ kết thúc với dối trá tối thượng nào đó.
Nếu bạn thực sự muốn đi tới điều Thiêng liêng, thế thì tìm cái cao siêu, bởi vì cái cao siêu là thoáng nhìn về nó. Bao giờ cũng tìm cái cao siêu. Nhưng thế thì bạn phải khiêm tốn, thế thì bạn phải cúi mình, thế thì bạn phải buông xuôi. Đây là vấn đề đối với bản ngã, đối với tâm trí.
Tâm trí có xu hướng tìm cái thấp kém, đó là lí do tại sao tâm trí không bao giờ có thể vươn tới điều cao siêu nhất, đỉnh cao nhất của cuộc sống. Tâm trí chung cuộc sẽ đạt tới địa ngục - tâm trí là địa ngục, và không tâm trí là cõi trời.
Bây giờ chúng ta sẽ cố gắng xuyên thấu vào chuyện ngụ ngôn hay này:
Mùa thu khi nước dâng, cả trăm con sông đổ dồn ra Hoàng Hà, dòng nước mênh mông, tới nỗi đứng bờ bên đây, nhìn qua bờ bên kia không phân biệt được con bò với con ngựa.
Hà Bá hoan hỉ, cho mình làm chủ được hết những cái đẹp trong thiên hạ.
Nhưng khi xuôi dòng qua phía Đông, tới Bắc Hải thấy làn nước vô biên trải ra trước mặt, mới quay lại, ngửng đầu lên nhìn thần biển, bảo:
- Tục ngữ có câu: “Người nào được nghe trăm điều về đạo thì tự cho là không ai bằng mình”. Đó chính là trường hợp của tôi; bây giờ tôi mới thấy chỗ vô biên của Ngài.
Hoàng Hà là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, và một trong những sông nguy hiểm nhất. Và tất nhiên, khi sông đang trong lụt lội, lụt mùa thu, và hàng nghìn và hàng nghìn dòng nước lũ, dòng nước chảy, những con sông nhỏ và suối nhỏ, đang đổ vào trong nó, và nó bị ngập lụt, nó trở thành một đại dương nhỏ trong bản thân nó. Và Hà Bá nghĩ: "Bây giờ không có ai sánh được với ta, và toàn thể cái đẹp của thế giới đã rơi vào trong nắm giữ của ta. Bây giờ ta là bao la, không có ai khác bao la được thế." Đây là điều đang xảy ra cho mọi bản ngã. Mọi bản ngã đều là sông Hoàng Hà.
Khi bạn là đứa trẻ, đó là một dòng suối nhỏ - ở ngay cội nguồn, không lớn hay bao la lắm. Thế rồi các dòng suối đổ vào trong nó, bạn thu thập nhiều kinh nghiệm, nhiều tri thức, chứng nhận, tiền bạc, của cải, danh tiếng, kính trọng. Bạn liên tục thu thập. Hàng nghìn dòng nước đổ vào và dòng sông liên tục trở nên ngày càng bao la hơn, ngày càng lớn hơn. Đây là cơn lụt mùa thu tới khi bạn còn trẻ - thế rồi bạn nghĩ không ai sánh được với bạn, bạn là vô song. Thế rồi bạn được rót đầy bởi bản ngã, được thổi phồng. Mọi người trong tuổi trẻ của mình đều trở nên được thổi phồng - cơn lụt mùa thu. Và thế rồi người đó nghĩ: Bây giờ, cái đẹp của toàn thế giới đã rơi vào việc kiểm soát của mình. Bạn hỏi bất kì người nào. Bất kì cái gì người đó nói, đừng nghe. Cứ nhìn vào cách anh ta nói nó. Anh ta có thể nói rằng anh ta là người khiêm tốn, nhưng nhìn vào mắt anh ta mà xem - anh ta đang nói: Tôi là người khiêm tốn nhất, không có gì sánh được với tôi. Người đó có thể nói rằng người đó không đẹp thế như những người khác; nhưng nhìn đấy, người đó đang chờ đợi bạn để tạo ra mâu thuẫn, để nói: "Không, anh sai rồi." Và nếu bạn gật đầu và nói, "Vâng, anh đúng," bạn đang tạo ra một kẻ thù nữa. Người đó đã có dáng dấp ngoại giao. Điều người đó muốn nói là cái gì đó khác nhưng người đó muốn nghe nó từ bạn.
Trong tuổi thanh niên, mọi người đều trong cơn lụt, và thế thì toàn thể cái nhìn nhuốm mầu và được tô mầu bởi bản ngã. Thế thì bạn bước, thế thì bạn nói, cư xử, quan hệ, nhưng mọi thứ đều bị nhuốn mầu, tô mầu bởi bản ngã. Tất nhiên nhiều khổ xảy ra vì bạn đang nghĩ tới bản thân bạn là cái mà bạn không là, và bạn tin vào cái bóng. Chẳng bao lâu cơn lụt sẽ rút xuống, mùa thu sẽ không là vĩnh viễn. Bạn sẽ trở nên già, dòng nước lũ sẽ không đổ vào trong bạn, dòng suối sẽ trở nên khô, đôi bờ sẽ xuất hiện, mùa hè sẽ tới, và sông Hoàng Hà có vẻ bao la này sẽ trở thành chỉ là dòng suối tí hon. Bạn có thể trở thành chỉ là lòng sông khô toàn cát và không gì khác.
Điều đó xảy ra trong tuổi già. Thế thì người ta cảm thấy rất cáu, bị lừa - dường như sự tồn tại đã lừa bạn. Không ai đã lừa bạn, bạn đơn giản đã phóng đại bản thân bạn một cách ngu xuẩn. Bản ngã riêng của bạn tạo ra toàn thể vấn đề - bây giờ bạn cảm thấy bị lừa. Bạn không thể tìm ra một người già và vậy mà hạnh phúc. Nếu bạn có thể tìm ra một người như vậy, sống cùng người đó đi - người đó là người trí huệ.

Bạn có thể tìm ra những người trẻ hạnh phúc, điều đó không là gì cả. Nếu bạn có thể tìm ra một người già hạnh phúc, đó mới là cái gì đó. Khi mùa hè đã tới và cơn lụt mùa thu không còn nữa và người già là hạnh phúc, thế thì người đó đã biết cái gì đó khác: người đó đã tìm ra cội nguồn vĩnh hằng nào đó.
Khi bạn còn trẻ, bạn có điệu vũ trong chân bạn - cái đó chưa là gì cả, nó chỉ là cơn lụt thôi. Khi bạn già và mọi thứ đã bị lấy lại, thậm chí không ai nhớ tới bạn, không ai bận tâm về bạn; bạn đơn giản bị quên lãng, bên ngoài con đường, bị vứt đi như rác rưởi, như rác, và bạn vẫn hạnh phúc...
Phật đã nói rằng khi bạn tìm thấy một người già hạnh phúc như thanh niên, có cái gì đó ở đó - cúi mình trước người đó, lắng nghe và học từ người đó. Ở Ấn Độ, điều đã là truyền thống là bất kì khi nào chúng ta tìm ra một người già hạnh phúc, nhảy múa, chúng ta sẽ làm người đó thành thầy. Người đó sẽ đi vào rừng, người đó sẽ tạo ra một đại học nhỏ quanh mình - một gurukul, một gia đình của thầy - và đệ tử sẽ bắt đầu đổ tới từ khắp nước.
Ở Ấn Độ chúng ta chưa bao giờ làm người trẻ thành thầy giáo. Chỉ người già mới có thể là thầy giáo, và điều đó là đúng. Ngoại lệ có thể xảy ra, nhưng nói chung điều đó là đúng. Chỉ người già mới có thể là thầy giáo, người đã sống qua mọi mùa vụ của cuộc đời, người đã dạn dày cuộc sống và vẫn hạnh phúc và phúc lạc. Ở trong cơn lụt và hạnh phúc thì không có gì đặc biệt cả, nó là bình thường, nhưng hạnh phúc và cực lạc khi dòng suối gần cạn khô, khi chỉ cát còn lại, khi toàn thân người ta chỉ là tàn tích... Sống động ở đỉnh của cuộc sống và nhảy múa thì không là gì cả. Nhưng khi cái chết tới gần và bạn vẫn nhảy múa để gặp gỡ nó, thế thì đó là cái gì đó. Thế thì điều hiếm hoi đã xảy ra, điều phi thường đã đi vào trong thế giới của cái bình thường, thế thì điều Thiêng liêng đã xuyên thấu.
Nếu bạn hạnh phúc bởi vì bạn trẻ, bạn sẽ không hạnh phúc được lâu, chẳng mấy chốc hạnh phúc của bạn sẽ bị tan nát. Và nếu bạn có thể trở nên nhận biết trước khi nó bị tan nát, điều đó là tốt. Đây là cái đẹp: nếu bạn có thể trở nên buồn trong khi bạn còn trẻ, bạn sẽ hạnh phúc khi bạn trở nên già. Bằng không bạn sẽ trở nên buồn vì bây giờ đây chỉ là cơn lụt. Nếu bạn nhìn vào nó, nó không phải là bạn; nó là cả nghìn dòng nước lũ đổ vào bạn, cái cho bạn ấn tượng rằng bạn là bao la. Chẳng mấy chốc cái được cho bạn, sẽ bị lấy đi, và nếu bạn có thể hạnh phúc khi mọi thứ bị lấy đi, chỉ thế thì hạnh phúc của bạn mới là không thể lay chuyển được. Thế thì hạnh phúc của bạn đã trở thành phúc lạc. Đây là khác biệt giữa hạnh phúc và phúc lạc.
Hạnh phúc phụ thuộc vào người khác - cả nghìn dòng nước lũ đổ vào - phúc lạc phụ thuộc chỉ vào bạn, nó là độc lập. Nó không có điều kiện để được hoàn thành, nó là vô điều kiện. Nó là đơn giản vì bạn; nó không có tính nhân quả, không cái gì gây ra nó. Nếu bạn hạnh phúc với bạn gái của bạn, bạn trai của bạn, người yêu của bạn, thế thì ai đó đang gây ra hạnh phúc của bạn. Chẳng mấy chốc nó sẽ bị lấy đi, bởi vì nó là cơn lụt mùa thu. Mùa vụ sẽ thay đổi, bánh xe cuộc sống sẽ cứ chuyển - nó sẽ bị lấy đi. Cái mà được gây ra không thể còn mãi mãi; cái không được gây ra có thể còn mãi mãi. Luôn luôn nhớ điều đó bất kì khi nào bạn hạnh phúc; nhớ... cái gì đó là nguyên nhân hay không nguyên nhân cho nó? Nếu nó có nguyên nhân, thế thì tốt hơn cả là buồn đi, vì nó sẽ bị lấy đi. Việc đó đã trên đường rồi, nó đã rời bỏ bạn rồi - sớm hay muộn, bạn sẽ nhận ra nó đã đi. Bởi vì tính nhân quả là một phần của thế giới, cái đang trong một luồng chảy, thế giới mơ này mà người Hindus đã gọi là maya, ảo tưởng này cứ diễn ra như mơ. Và nếu bạn tin vào nó, nó trở thành ác mộng. Nếu bạn không tin vào nó, bạn có thể bỏ nó - thế thì bạn có thể nhìn vào nhân chứng, cái không có nguyên nhân.
Hà Bá trở nên phình to. Nhưng khi xuôi dòng qua phía Đông, tới Bắc Hải thấy làn nước vô biên trải ra trước mặt. Và một ngày nào đó, bạn sẽ đi tới đại dương. Đại dương là gì? Chết là đại dương - bao la. Sống có cội nguồn cho nó, chết không có cội nguồn. Sống có đôi bờ cho nó, đôi khi bị ngập lụt - thế thì nó có vẻ bao la; đôi khi không bị lụt - thế thì nó trở thành dòng suối tí hon. Nhưng chết không có bờ cho nó, nó có tính đại dương.
Và cũng giống như mọi dòng sông đều phải đi tới đại dương, cho nên mọi dòng sông tâm thức đều phải đi tới chết. Dù bạn đi bất kì chỗ nào, dù bạn chọn bất kì con đường nào, bất kì hướng nào, điều đó không tạo ra khác biệt - bạn sẽ đạt tới đại dương. Đại dương bao quanh bạn theo mọi hướng. Bạn sẽ đạt tới chết, và gần chết, mọi giấc mơ của bạn sẽ bị tan nát - toàn thể bản ngã sẽ bị rung chuyển.
Nhưng khi xuôi dòng qua phía Đông, tới Bắc Hải thấy làn nước vô biên trải ra trước mặt, mới quay lại, ngửng đầu lên nhìn thần biển, bảo.
Đó là cách người già trở nên buồn. Mặt họ xị xuống, hạnh phúc biến mất, say mê, nhiệt tình, mơ mộng, mọi thứ đơn giản khô héo. Họ nhìn và không thấy gì ngoài một đại dương vô linh hồn, trong đó họ sẽ được hội nhập và tan biến - họ sẽ không còn nữa. Mọi dòng sông đổ vào đại dương đều cảm thấy cùng điều này. Và mọi dòng sông, tương truyền, đều nhìn lại những ngày nó còn là cái gì đó; nhìn lại trước khi nó đổ vào trong đại dương, nhớ lại quá khứ, những cơn lụt lội, mùa thu, những ngày nó còn là ai đó. Nhưng bạn không thể quay lại được. Không có khả năng nào của việc đi ngược lại trong thời gian.
Người ta bao giờ cũng phải đi thêm nữa và thêm nữa; và mọi dòng sông đều phải đổ vào đại dương. Nó vừa đổ vào vừa kêu khóc. Hãy đi tới đại dương và ngồi gần dòng sông đang đổ vào đại dương mà xem - bạn sẽ cảm thấy nỗi buồn như vậy trong dòng sông.
Mọi người già, mọi người già đều bắt đầu nhìn ngược lại. Người già bao giờ cũng đi vào trong kí ức, những ngày khi họ còn là ai đó, những ngày khi họ đã được yêu mến và được kính trọng và được tôn vinh. Họ đi đi lại lại mãi. Nghe người già và bạn cảm thấy họ rất chán. Tại sao bạn cảm thấy họ chán? Tại sao bạn cảm thấy bị cáu? Bởi vì họ cứ lặp lại cùng câu chuyện ngày xửa ngày xưa. Họ bao giờ cũng bắt đầu trong những ngày xưa tốt lành. Tại sao tốt? Tại sao những ngày bây giờ lại không tốt? Không người già nào có thể tin được rằng những ngày bây giờ là tốt - ngày tốt bao giờ cũng trong quá khứ, quá khứ vàng son, ngày xưa tốt lành khi mọi sự giống thế này và thế nọ. Đây không phải là vấn đề về đồ vật, hay tình trạng kinh tế hay tình huống chính trị - không cái gì cả. Họ còn trẻ và mọi thứ là tốt. Họ đã được ngập lụt.
Chuyện xảy ra là một chánh án chính của toà Thượng thẩm ở Mĩ tới thăm Paris sau khi ông ấy về hưu. Ông ấy có thời đã ở đó trước đây, ba mươi năm trước. Vợ già của ông ấy cũng cùng đi với ông ấy. Ngắm nhìn Paris trong hai hay ba ngày, ông ấy trở nên rất buồn và ông ấy nói: "Chúng ta đã chờ đợi điều này, tới và nhìn Paris, nhưng không cái gì giống như nó đã vậy trước đây." Người vợ cười và nói: "Mọi thứ vẫn như nó vậy trước đây đấy chứ, chỉ chúng ta là không còn trẻ. Paris vẫn còn như cũ."
Nhưng bây giờ các dòng sông khác đang trong mùa thu lụt lội. Thời gian mùa hè của bạn đã tới, và khi bạn già, làm sao Paris có thể là như cũ khi bạn còn trẻ? Paris là thành phố biểu tượng của mê đắm thời thanh niên. Có những thành phố ở các mùa vụ khác: Varanasi là thành phố của người già, Paris là thành phố của người trẻ. Paris mê đắm, Varanasi từ bỏ. Ở Ấn Độ khi mọi người muốn chết, họ đi tới Varanasi để sống ở đó và chết ở đó - nó là thành phố của người già, thời gian mùa hè. Khi bạn trở nên già, toàn thế giới dường như già và chết. Nhưng thế giới vẫn còn như cũ, chỉ bạn liên tục thay đổi.
Nhìn đấy, và bỏ tâm trí bạn đi, thế thì bạn không trẻ không già, thế thì không có mùa vụ - bởi vì linh hồn bên trong nhất không có mùa vụ cho nó, không mùa thu, không mùa hè, không cái gì. Nó vẫn còn như cũ, nó là vĩnh hằng. Bằng không, bất kì khi nào dòng sông của bạn tới đại dương, mặt bạn sẽ xị xuống, bạn sẽ trở nên buồn - buồn và bị nặng gánh với kí ức cũ, suy nghĩ về quá khứ bởi vì bây giờ không có tương lai. Đứa trẻ chưa bao giờ nghĩ tới quá khứ vì không có quá khứ. Đứa trẻ chỉ tươi tắn - một trang trống. Mọi sự sẽ được viết lên nó, nhưng như bây giờ thì không cái gì được viết cả. Nó không thể đi ngược lại quá khứ được, nó bao giờ cũng nghĩ tới tương lai.
Hỏi đứa trẻ và nó bao giờ cũng nghĩ làm sao lớn lên, làm sao lớn lên sớm và nhanh, làm sao trở thành như bố - và nó không biết cái gì đang xảy ra cho bố. Bố đang trong rắc rối gì, nó không biết. Nó muốn trở nên quyền lực, mạnh mẽ, cao lớn, là ai đó, sớm vào. Nó muốn phép màu xảy ra - đi ngủ ban đêm và sáng hôm sau đã già và trưởng thành. Mọi đứa trẻ đều nghĩ tới tương lai. Thời thơ ấu nghĩ về tương lai, bởi vì với thời thơ ấu có việc mở rộng vào tương lai. Bẩy mươi năm để sống - không cái gì được sống trước đó. Không có quá khứ, đó là lí do tại sao đứa trẻ không có mấy kí ức. Nếu một đứa trẻ trở nên giận, nó quên điều đó ngay lập tức; ngay lập tức nó có thể cười bởi vì không có mấy quá khứ mà có thể trở thành gánh nặng. Nó liên tục quên đi quá khứ vì toàn thể năng lượng của nó đang chuyển tới tương lai; nó không thể nhìn lại được, không đứa trẻ nào nhìn lại. Một thanh niên trong tuổi trẻ vẫn còn trong hiện tại. Anh ta chỉ ở giữa, anh ta sống ở đây và bây giờ. Không cần đi vào quá khứ vì hiện tại là đẹp thế, anh ta bị ngập lụt thế, bản ngã ở cao thế; không cần đi tới tương lai vì tương lai không thể tốt hơn điều này.
Có các nước già cũng như người già. Chẳng hạn, Ấn Độ là một nước già, nó bao giờ cũng nghĩ về quá khứ, thời cổ đại. Có những nước trẻ, chẳng hạn, Mĩ; nó sống ở đây và bây giờ, chính khoảnh khắc này. Có các nước trẻ, chẳng hạn, Trung Quốc. Trung Quốc là nước trẻ bây giờ - được tái sinh, nó nhìn về tương lai, nhiều điều sắp xảy ra, chẳng bao lâu thế giới sẽ trở thành cõi không tưởng.
Các nước di chuyển cũng giống người. Người trẻ sống trong hiện tại, mọi thứ là tốt thế, không cái gì có thể tốt hơn. Nhưng điều này không thể tiếp tục mãi mãi được. Chẳng bao lâu ngày xưa bắt đầu và người già nghĩ về quá khứ. Tâm trí hoặc trong quá khứ, hoặc trong hiện tại, hoặc trong tương lai, bởi vì quá khứ, hiện tại, và tương lai đều là, tất cả ba chúng, các bộ phận của tâm trí. Chúng không phải là các thời của thời gian đâu, nhưng là một phần của tâm trí. Nhưng khi bạn bỏ tâm trí, bạn ở trong vĩnh hằng; nó không quá khứ không hiện tại không tương lai. Bạn đã siêu việt lên trên cả ba; thế thì không có mùa vụ cho bạn. Thế thì bạn buồn trong hạnh phúc của bạn và bạn hạnh phúc trong buồn của bạn. Thế thì bạn là già trong tính trẻ của bạn và bạn là trẻ trong tính già của bạn. Thế thì bạn là đứa trẻ vào thời gian của chết và thế thì bạn là người già vào thời gian của sinh.
Người ta nói về Lão Tử, thầy của Trang Tử, rằng ông ấy được sinh ra đã già rồi, tám mươi tuổi, rằng ông ấy vẫn còn trong bụng mẹ trong suốt tám mươi năm. Nó là câu chuyện hay. Và người ta nói rằng ông ấy được sinh ra đã già với râu trắng, và tóc trắng - trắng như tuyết. Đây chỉ là mặt kia của đồng tiền. Jesus nói: "Nếu ông lại là đứa trẻ lần nữa ông sẽ vào trong Vương quốc của Thượng đế." Đây là một mặt. Lão Tử có mặt khác; ông ấy nói: "Nếu ông được sinh ra mà già, ông đã đi vào rồi." Nhưng cả hai là như nhau - và đây là vấn đề cho tâm trí hiểu: người được sinh ra mà già sẽ là đứa trẻ khi người đó chết. Nếu bạn là đứa trẻ khi được sinh ra, bạn sẽ già khi bạn chết. Cho nên hoặc trở nên già khi bạn được sinh ra, điều là khó - rất, rất khó, nhưng có phương pháp - hoặc chết đi và thế rồi trở thành đứa trẻ. Nhưng cả hai là có liên quan, vì sống và chết là vòng tròn.
Khi bạn chết ở đây, bạn được sinh ra ở đâu đó khác. Nếu bạn có thể chết ở đây như đứa trẻ - tươi tắn, không nặng gánh, hồn nhiên - bạn sẽ được sinh ra là già. Bởi vì bạn sẽ được kinh nghiệm thế, bạn sẽ trí huệ thế, bạn sẽ già. Đó là điều nó ngụ ý - là trí huệ từ chính khoảnh khắc đầu tiên. Nếu bạn chết đi tươi tắn và trẻ trung bạn sẽ được sinh ra trí huệ bởi vì trí huệ xảy ra trong tâm trí trống rỗng và hồn nhiên. Và nếu bạn được sinh ra có trí huệ, già, bạn sẽ không đi vào cái ngu xuẩn bình thường mà mọi người đều sinh ra, và bạn sẽ vẫn còn tươi tắn, trí huệ. Thế thì không có chết.
Cho nên người trí huệ được sinh ra chỉ một lần, mọi kiếp sống khác chỉ là việc chuẩn bị. Chỉ một lần người đó có thể quay lại, trước khi hội nhập cuối cùng của người đó vào trong vũ trụ; trước khi mahanirvana của người đó, người đó có thể tới một lần.
Nếu bạn chết gần như đứa trẻ, bạn sẽ được sinh ra thêm một lần nữa, nhưng bạn sẽ được sinh ra như một người già. Bạn sẽ trí huệ từ ngày đầu tiên và thế rồi sẽ không có việc sinh thêm nữa; thế thì bạn đạt tới không sinh không chết.
Nhưng khi xuôi dòng qua phía Đông, tới Bắc Hải thấy làn nước vô biên trải ra trước mặt, mới quay lại, ngửng đầu lên nhìn thần biển, bảo:
- Tục ngữ có câu: “Người nào được nghe trăm điều về đạo thì tự cho là không ai bằng mình”. Đó chính là trường hợp của tôi; bây giờ tôi mới thấy chỗ vô biên của Ngài.
Khi bạn đi tới thượng cấp, khi bạn đi tới một con người của Đạo, chỉ thế thì bạn mới nhận ra là trí huệ nghĩa là gì, là thông minh nghĩa là gì, là chín chắn nghĩa là gì, là mở rộng nghĩa là gì, là ý thức thực sự, toàn bộ, được tích hợp nghĩa là gì. Khi bạn đi tới một người chứng ngộ, chỉ thế thì bạn mới cảm thấy việc ở đây, tất cả nghĩa là gì. Trước đó, bạn đi trong mơ, trong cái bóng, bạn chưa bao giờ đi vào ánh mặt trời, bạn chưa bao giờ ở dưới bầu trời. Bạn đã sống trong hang tối, hang của bản ngã.
Thần Bắc Hải đáp:
- Không thể nói về biển cho một con ếch ở đáy giếng nghe được.
Điều đó là không thể được, bởi vì ngôn ngữ khác nhau. Con ếch trong giếng nói ngôn ngữ của giếng.
Bạn chắc đã nghe câu chuyện này: Có lần một con ếch từ đại dương tới và nhảy vào trong giếng. Nó làm quen với con ếch ở trong giếng và con ếch giếng hỏi: "Anh từ đâu tới?" Nó nói: "Tôi đã tới từ đại dương." Con ếch giếng hỏi: "Nó to hơn giếng này chứ?" Tất nhiên nghi ngờ có trong mắt nó, hoài nghi có trong tâm trí nó: "Làm sao có thể có cái gì lớn hơn cái giếng này được, nơi mình sống?" Con ếch đại dương cười và nói: "Rất khó nói điều gì bởi vì không có cách đo." Con ếch giếng nói: "Thế thì tôi sẽ cho anh cách đo nào đó để cho anh có thể nói được." Nó nhảy lên một phần tư giếng, một phần tư đường lên, và nói: "Lớn thế này được chưa?" Con ếch đại dương cười và nói: "Không được." Thế là nó nhảy lên nửa giếng, và nói: "Lớn thế này được chưa?" Lần nữa con ếch đại dương cười và nói: "Không được." Thế là nó nhảy lên ba phần tư giếng và nói: "Lớn thế được chưa?" Lần nữa con ếch đại dương nói: "Không được." Thế rồi nó nhảy thẳng lên cả giếng, toàn thể chiều dài, và nói: "Bây giờ, bây giờ anh không thể nói không được." Con ếch đại dương nói: "Anh có thể cảm thấy bị chạnh lòng, và tôi không muốn xúc phạm, nhưng dầu vậy câu trả lời vẫn là không được." Thế rồi con ếch giếng nói: "Cút khỏi đây đi, đồ dối trá. Không cái gì có thể lớn hơn giếng này!"
Bất kì khi nào bạn hoài nghi, bao giờ, đó cũng là con ếch giếng bên trong bạn. Không cái gì có thể lớn hơn bạn, không cái gì có thể cao hơn bạn, không cái gì có thể thiêng liêng hơn bạn, không cái gì có thể linh thiêng hơn bạn. Không! Đó là lí do tại sao bạn cứ bác bỏ chư Phật, các Christ; bạn phải vậy thôi, bởi vì họ tới từ đại dương. Họ mang thông điệp của cái Không-thể-đo-được, và bạn có gậy đo của bạn. Bạn chắc không quá cứng rắn với con ếch giếng vì nó có thể làm gì được? Bạn chỉ có thể có từ bi; bạn không thể quá cứng rắn được vì đó là mọi điều nó đã biết. Nó chưa bao giờ ở đại dương cho nên làm sao nó có thể quan niệm được điều đó? Do đó mới có từ bi của chư Phật. Bạn liên tục không tin họ và họ liên tục cho từ bi của họ bởi vì họ biết - bạn có thể làm gì được? Bạn đã sống trong giếng lâu thế rồi. Con ếch giếng thậm chí nhìn lên trời, nhưng trời cũng bị bao quanh bởi giếng của nó, trời chỉ là cái lỗ. Ngay cả trời cũng không lớn hơn giếng của nó vì nó không thể biết được rằng cái giếng này chỉ là cửa sổ và bầu trời không bị cố định vào trong cửa sổ. Nhưng bạn đang đứng đằng sau cửa sổ. Thế thì cùng cấu trúc của cửa sổ trở thành cấu trúc của bầu trời của bạn và bạn nghĩ: Trời là hệt như cửa sổ của mình. Đây là cách mọi người nghĩ.
Và chư Phật không thể làm được gì khác ngoài từ bi. Jesus chết trên cây chữ thập và dầu vậy ông ấy nói: "Thưa Thượng đế, xin tha thứ cho những người này vì họ không biết họ đang làm gì."
Đây là điều mà con ếch giếng đang làm. Và con ếch đại dương phải đã cầu nguyện trong chiều sâu trái tim nó: "Thượng đế ơi, xin tha thứ cho con ếch này vì nó không biết nó đang làm gì và nó đang nói gì." Nó nói: "Cút ra khỏi đây, đồ dối trá. Mày không thể lừa tao được đâu, mày phải có kế hoạch nào đó để lừa tao. Tao không thể tin được vào điều ngớ ngẩn thế - rằng có cái gì còn lớn hơn chiếc giếng này."
Thần Bắc Hải đáp:
- Không thể nói về biển cho một con ếch ở đáy giếng nghe được.
Đó là lí do tại sao chư Phật không thể nói về điều họ biết, không thể nào trao đổi được. Việc đó là không thể trao đổi được bởi vì ngôn ngữ là khác; bạn có hình mẫu ngôn ngữ khác. Nếu nó được đặt vào trong hình mẫu ngôn ngữ đó, thế thì đại dương sẽ phải được đặt vào trong giếng, nhưng đại dương sẽ không làm điều đó, cho nên mọi thứ sẽ trở thành giả. Đó là lí do tại sao chư Phật liên tục nói: Bất kì cái gì chúng ta nói, chỉ bởi việc nói nó, nó trở thành không đúng.
Lão Tử nói: Chân lí không thể được nói ra. Và điều có thể được nói ra, không còn là đúng nữa. Đây là vấn đề - không phải là chân lí. Bạn là vấn đề, và ngôn ngữ của bạn về giếng là vấn đề, không phải chân lí. Chân lí có thể được nói ra, nhưng thế thì hai Phật được cần để nói về nó. Và họ không cần nói về nó vì khi hai Phật có đó, không có nhu cầu nói cái gì - họ bày tỏ. Họ là Chân lí. Không cần nói. Và bất kì khi nào có bất kì nhu cầu nói, vấn đề nảy sinh.
- Không thể nói về biển cho một con ếch ở đáy giếng nghe được, vì nó chỉ thấy một khoảng không gian hẹp quá. Không thể nói về băng tuyết cho một con chuồn chuồn chỉ sống một mùa hè nghe được vì nó sống một khoảng thời gian ngắn quá.
Chuồn chuồn sống trong lửa, chỗ nóng; làm sao bạn có thể nói về băng cho chuồn chuồn được? Nó chưa bao giờ biết tới điều đó, băng chưa bao giờ tồn tại cho nó, lửa là thế giới của nó. Bạn có thể nói về lửa, bạn không thể nói về băng được. Bạn không thể nói rằng có những thứ lạnh như băng. Nó sẽ không tin bạn vì với nó mọi thứ là lửa.
Phúc lạc có thể được dạy cho bạn - cho bạn, người đang sống trong lửa của khổ và dukkha không? Phúc lạc có thể được dạy cho bạn, người sống trong phiền não, người là chuồn chuồn không? Làm sao bạn có thể hiểu được cái mát mẻ của vị phật? Bạn không thể hiểu được.
Làm sao bạn có thể hiểu được rằng trong đầu của vị phật không có ý nghĩ chuyển động, không mây. Bạn không biết, bạn thậm chí đã không có thoáng nhìn; thậm chí không một khoảnh khắc nào mà quá trình ý nghĩ đã dừng lại. Bạn biết đầu bạn là đám đông điên khùng, làm sao bạn có thể tin được rằng vị phật đơn giản ngồi và không có một ý nghĩ nào trong đầu ông ấy. Điều đó là không thể quan niệm nổi. Bạn sống trong lửa; Phật sống trong thế giới mát mẻ, rất mát. Và không có chiếc cầu nào giữa lửa và băng. Chừng nào bạn chưa trở thành ngày càng mát hơn, bạn sẽ không có khả năng hiểu được. Phật trở thành trao đổi được chỉ khi bạn trở nên im lặng và bình thản hơn, bằng không mọi thứ bị bỏ lỡ.
Không thể luận về đạo giáo cho một kẻ sĩ quê mùa nghe được vì họ bị trói buộc trong điều lễ giáo.
Không thể được! Và tôi sẽ bảo bạn rằng thỉnh thoảng có thể nói về biển cho con ếch giếng, có thể nói về băng cho con chuồn chuồn, nhưng không thể nào nói về chân lí cho triết gia, cho tiến sĩ triết học. Tại sao? Bởi vì giếng dù có thể nhỏ thế nào, nó vẫn là một phần của đại dương - ít nhất nước là một phần của đại dương. Và dù lửa có thể đối lập thế nào với băng, chúng là các mức độ của cùng một hiện tượng.
Nóng và lạnh không phải là hai thứ, mà là cùng một năng lượng. Năng lượng trở thành nóng, cùng năng lượng đó trở thành lạnh; năng lượng là như nhau, mức độ là khác nhau. Đó là lí do tại sao với nhiệt kế bạn có thể đo được cả nóng và lạnh, bởi vì năng lượng là như nhau. Lạnh trở thành nóng ở đâu, bạn có thể nói đích xác chỗ nào không? Tại nhiệt độ nào mà lạnh dừng là lạnh và trở thành nóng? Bạn không thể nói được, nó là tuỳ.
Thử một thực nghiệm đơn giản. Để một tay, tay trái của bạn, vào tảng băng và tay phải của bạn gần lửa. Để tay phải trở thành nóng, để tay trái trở thành mát. Thế rồi đưa cả hai tay vào trong thùng nước và nói cho tôi nước là mát hay nóng. Bạn sẽ gặp khó khăn, vì một tay nói nó là nóng, và một tay sẽ nói nó là mát, nó là lạnh. Nó là gì - lạnh hay nóng? Chúng là các mức độ của cùng một năng lượng.
Cho nên tôi nói với bạn, ngay cả với con ếch giếng vẫn có thể trao đổi được cái gì đó về biển. Và nếu sứ giả này thực sự sáng tạo, người đó có thể tạo ra phương cách để trao đổi. Đó là điều một Phật đang làm, một Jesus đang làm - tạo ra phương cách để trao đổi cái gì đó về biển cho con ếch giếng - bởi vì có một điều chung, nước. Nếu có một điều chung, thế thì trao đổi là có thể, chiếc cầu tồn tại.
Ngay cả với con chuồn chuồn cái gì đó cũng có thể được trao đổi về băng. Cho dù chúng ta nói nó không nóng như lửa, cái gì đó đã được nói về băng - phủ định, tất nhiên. Đó là lí do tại sao mọi kinh sách lớn đều có tính phủ định. Chúng không nói chân lí là gì. Chúng bao giờ cũng nói chân lí không là gì, chỉ để làm ra thông điệp có nghĩa cho chuồn chuồn. Cho nên chúng ta không thể nói băng là gì, nhưng chúng ta có thể nói rằng băng không là lửa - ngần này là có thể được trao đổi.
Nhưng ngay cả bằng phương pháp đó vẫn không thể nào nói được cho một triết gia về cách sống, hay nói cho triết gia về sự tồn tại. Cho dù triết gia đó là người hiện sinh, thế nữa vẫn không thể nào nói được về sự tồn tại, bởi vì giữa từ ngữ và thực tại tương ứng, không có cầu. Hoa hồng và từ 'hoa hồng' là không có liên quan theo bất kì cách nào, mọi quan hệ đều là tuỳ tiện. Quan hệ là gì giữa từ 'hoa hồng' - H,O,A,H,Ồ,N,G - và hoa hồng? Nếu có quan hệ nào đó thế thì bạn không thể gọi nó là GULAB. Có ba trăm ngôn ngữ trên thế giới và ba trăm từ hoa hồng; không có quan hệ nào, mọi quan hệ đều tuỳ tiện. Lạnh có quan hệ với nóng, giếng có quan hệ với đại dương. Quan hệ của chúng, dù khác biệt thế nào, vẫn có đó - thực, chứ không tuỳ tiện.
Nhưng giữa từ ngữ và thực tại không có quan hệ, chúng không có quan hệ chút nào. Cho nên bạn có thể có từ riêng của bạn, ngôn ngữ riêng tư, bạn có thể gọi bất kì cái gì đó bằng bất kì cái tên nào. Nếu bạn thích gọi nó là cái gì đó khác thì hoa hồng sẽ không tranh đấu ở toà án. Và không ai có thể chứng minh rằng từ của họ là đúng hơn từ của bạn, không ai có thể chứng minh điều đó bởi vì không từ nào là đúng hơn hay ít đúng hơn - từ là không liên quan, chúng không có quan hệ. Và triết gia sống trong ngôn từ. Triết gia là thứ giả nhất trong sự tồn tại, và bạn càng trở nên có tính triết lí, bạn càng ít sống hơn. Thế thì bạn nghĩ về yêu, nhưng bạn chưa bao giờ yêu, thế thì bạn nghĩ về Thượng đế, nhưng bạn chưa bao giờ trở thành thiêng liêng. Thế thì bạn cứ nói và nói và nói, và toàn thể năng lượng của bạn bị phí hoài vào từ, không có một khoảnh khắc nào để đi vào trong sự tồn tại.
Trang Tử nói nhận biết về mọi triết lí vì cơ sở của họ là như nhau - họ phụ thuộc vào lời. Và thực tại không phải là lời. Đi vào trong cái thực đi - bạn là thực, sự tồn tại là thực - đi vào trong cái thực đi. Đừng tạo ra bức tường ngôn từ giữa bạn và thực tại, bằng không nó sẽ là không thể xuyên thấu được, bạn sẽ bị khép vào trong, bên trong bức tường của bạn. Và thế thì sẽ trở thành gần như không thể nào đi ra khỏi nó được.
Đừng là triết gia - và mọi người đều là triết gia. Khó tìm ra một người không là triết gia. Một số triết gia là tốt, một số xấu, nhưng mọi người đều là triết gia. Một số người logic hơn, số khác ít logic hơn, nhưng mọi người đều là triết gia. Vứt bỏ trò này đi - trò triết học. Chỉ thế thì bạn mới đi vào trong cái thực, cái tồn tại.

0 Đánh giá

Ads Belove Post